(LĐ) – Sau một đêm thức trắng, ông Trần Ngọc Huỳnh (Hai Huỳnh) ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) quyết định mình phải làm… giám đốc bằng cách thành lập công ty.
Ông thanh minh: “Không phải kinh doanh làm giàu, cũng không phải để dựt le với bà con, tui làm giám đốc chỉ với mục đích duy nhất là để được thuê lại chính đất rừng của mình thay vì phải hợp tác với Cty TNHH MTV U Minh Hạ và bị họ phát canh thu tô suốt 15 năm nay…”.
Người trồng tràm theo hình thức LDLK ở rừng U Minh Hạ đang bị “phát canh thu tô”. Ảnh: H.V.M
Những giám đốc bất đắc dĩ
|
Công ty của ông Huỳnh vừa mới thành lập có cái tên rất kêu: Cty TNHH du lịch sinh thái Huỳnh Quốc Sơn. Trụ sở công ty chính là căn nhà lá nằm ở bìa rừng, tềnh toàng trống trước hở sau, nơi chui ra chui vào của cả gia đình ông suốt 15 năm nay. Nhưng chuyện lạ đến đây vẫn chưa hết. Tiếp chúng tôi trên tấm phản trong “trụ sở công ty”, giám đốc Hai Huỳnh quần xà lỏn không thể ngắn hơn, áo cộc tay loang lổ mủ mận, trên túi còn nửa trong nửa ngoài một bọc thuốc rê.
Đã vậy, người đàn ông ngoài 60 dong dỏng cao này còn ngồi bó chân kiểu kiết già khi nói chuyện với khách, cứ giống như thầy pháp đang thuyết pháp. Hỏi: “Công ty mình làm ăn sao rồi ông Hai?”. Hai Huỳnh đang đưa tách trà lên tới môi, đột ngột đặt mạnh xuống phản. “Làm ăn làm iết gì đâu. Tui mới lên tỉnh về nè. Thủ tục còn chưa đâu vào đâu. Mấy ông trên tỉnh vẫn chưa trả lời trả vốn gì về cái chuyện chúng tôi xin thuê đất trồng rừng. Họ vận động chúng tôi ký kết hợp tác đầu tư trồng rừng theo kiểu liên doanh liên kết như đã làm bấy lâu nay, nhưng tôi không đồng ý”.
Sau 15 năm LDLK, tính ra mỗi tháng, mỗi hộ dân như tui thu về chưa đến 1 triệu đồng khiến cho nhiều người khai thác xong rừng là thành kẻ trắng tay.
Hai Huỳnh là một trong nhiều hộ dân đến vùng đất U Minh Hạ này vào những năm 1980 theo chủ trương di dân vào rừng trồng tràm của UBND tỉnh Minh Hải (cũ) theo phương thức liên doanh liên kết (LDLK) với thời hạn 15 năm. Nay hơn 20ha rừng tràm của ông đã đến hạn phải thanh lý hợp đồng, trả đất lại cho Cty TNHH MTV U Minh Hạ (Cty U Minh Hạ). Nguyên cớ của việc ông Hai Huỳnh phải thành lập cái gọi là “công ty” khởi đầu từ năm 2000, khi UBND tỉnh Cà Mau chủ trương quy hoạch lại đất rừng, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào rừng U Minh Hạ trồng keo lai. Và đến thời điểm này đã có 6 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư với tổng diện tích được giao trên 2.600 ha.
![]() |
Giám đốc Hai Huỳnh trong trụ sở của mình. Ảnh: H.V.M |
Có chủ trương, lại vừa lúc hết hạn hợp đồng LDLK, Hai Huỳnh cùng một số hộ dân tại ấp 12, xã Khánh Thuận xin được trồng keo lai trên đất của mình nhưng không được chấp thuận với lý do từ phía Cty U Minh Hạ: “Chủ trương của tỉnh chỉ cho DN thuê, còn hộ dân không được”. Ức quá, Hai Huỳnh cùng một số hộ dân khác hùn lại để thành lập Cty với niềm tin ngây thơ rằng, thành Cty thì sẽ được cho thuê đất. Hiện ở Khánh Thuận còn có thêm 4 DN khác do những nông dân như Hai Huỳnh thành lập với mục đích tương tự.
Mỗi cành cây, ngọn cỏ đều bị đánh thuế
Hai Huỳnh ngồi bật dậy, mắt long lên khi chúng tôi hỏi tại sao mình không tiếp tục ký hợp tác đầu tư để trồng keo lai theo phương án của Cty U Minh Hạ. “Làm như phương án họ đưa ra, chúng tôi có nước đi ăn mày bởi họ tính toán chẳng khác gì địa chủ ngày xưa bóc lột tá điền”. Vừa nói, Hai Huỳnh vừa đưa cho chúng tôi bản chiết tính phương án hợp tác đầu tư trồng keo lai. Chúng tôi đọc mà ngỡ ngàng về cách ăn chia và góp vốn của Cty U Minh.
Theo đó, thời hạn hợp tác là 24 năm, với 4 chu kỳ khai thác, phía chủ đất (Cty U Minh Hạ – đại diện cho chính quyền) bỏ ra tiền vốn đúng 2,4 triệu đồng/ha; lợi nhuận thu về 80 triệu đồng/ha. Còn người dân bỏ ra đến 80 triệu đồng nhưng chỉ thu về 161 triệu đồng/ha. Trong khi đó các khoản tiền liên quan đến kế hoạch trồng, khai thác, kiểm tra, phương án chữa cháy…, phía Cty U Minh Hạ cũng áp hết cho người dân.
Như chúng tôi đã kể trên trang báo này cách đây mấy tháng (phóng sự “Phát canh, thu tô ở rừng U Minh Hạ”), nói là LDLK, nhưng thực tế đây là một hình thức phát canh thu tô và mỗi cành cây, ngọn cỏ ở rừng U Minh này đều bị Cty U Minh Hạ đánh thuế. “Sau 15 năm LDLK, tính ra mỗi tháng, mỗi hộ dân như tui thu về chưa đến 1 triệu đồng khiến cho nhiều người khai thác xong rừng là thành kẻ trắng tay” – Hai Huỳnh bức xúc.
Ông Nguyễn Hoài Tâm – một nông dân “lên đời” GĐ khác – nói: “Trong khi đó, các DN ngoài tỉnh vào đây trồng keo lai được UBND tỉnh và Cty U Minh Hạ cho hưởng nhiều chính sách hơn chúng tôi. Họ được thuê đất đến 49 năm, lại ưu đãi theo chính sách thu hút đầu tư. Cùng đường, chúng tôi buộc phải thành lập DN là để được thuê đất bình đẳng như bao người khác”. Tuy nhiên sau khi thành lập DN, ông Tâm làm đơn xin được thuê ngay chính mảnh đất mà ông đã LDLK trước đó để trồng rừng sản xuất đúng thủ tục, trình tự nhưng không được UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận với lý do hết quỹ đất và đau đớn hơn, số diện tích mà ông xin thuê đã được UBND tỉnh Cà Mau… cho một DN khác thuê, dù trên giấy tờ, đó vẫn đang là đất của ông. Không chỉ ông Tâm, các DN “nông dân” khác cũng nhận được câu trả lời là “hết đất” từ phía UBND tỉnh Cà Mau.
Niềm tin sắt đá của Hai Huỳnh
Chúng tôi rất muốn nói với Hai Huỳnh rằng các ông quá ngây thơ, rằng việc các ông thành lập DN với việc được UBND tỉnh cho thuê đất trồng rừng là hai chuyện khác nhau. Câu chuyện thuê đất trồng rừng ở U Minh đang là một ma trận và không phải cứ lập DN là được cho thuê đất, lại còn đòi… áp đặt vị trí theo ý mình. Nhưng sợ Hai Huỳnh thất vọng nên chúng tôi chỉ nói xa gần: “Ví dụ như bây giờ Cty U Minh Hạ thanh lý hợp đồng với ông mà không cho ông thuê lại đất để trồng keo lai như các DN khác thì ông tính sao”.
Trầm ngâm một lát, Hai Huỳnh làm chúng tôi bất ngờ: “Chúng tôi trước sau vẫn giữ nguyên quan điểm là sẵn sàng thanh lý hợp đồng cho Cty U Minh Hạ, nhưng với điều kiện là họ phải cho chúng tôi được thuê lại chính diện tích đất LDLK trước đây để tiếp tục trồng keo lai. Hiến pháp và pháp luật đã nêu rất rõ: Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý, giao quyền sử dụng cho người dân. Tôi là đảng viên nên tôi luôn có niềm tin rằng Đảng và Nhà nước không thể nào bỏ dân nghèo chúng tôi; không bắt chúng tôi rời mảnh đất này, trở thành người dân không đất, không tài sản. Tôi tuyệt đối tin như vậy…”.
Nhật Hồ – Hoàng Văn Minh
Chỉ kiếm chuyện để ăn cướp đất và công sức của dân. May God punish them for their oppression on the poor.
ThíchThích