Từ vụ nhiệt điện Vĩnh Tân 2: Cảnh báo những quả bom nổ chậm khắp Việt Nam!

Nguyễn Đăng Anh Thi (*)Thứ Bảy,  2/5/2015, 08:13 (GMT+7)
Từ vụ ô nhiễm xỉ than của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 liệu có thể yên tâm với kế hoạch đến năm 2030 sẽ có thêm gần 80 nhà máy nhiệt điện than trải dài khắp cả nước. Ảnh: TLTBKTSG.

(TBKTSG) – Nếu không có giải pháp quản lý toàn diện các trung tâm nhiệt điện than, trong thời gian không xa nữa, Việt Nam sẽ thực sự phải đối diện với thảm họa ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn những gì vừa chứng kiến ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận).

Bùng nổ nhiệt điện than

Theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), công suất nhiệt điện than năm 2020 là 36.000 MW, chiếm 48% cơ cấu nguồn điện; và công suất nhiệt điện than năm 2030 là 75.000 MW, chiếm 51% cơ cấu nguồn điện.

Nếu so với tổng công suất các nhà máy điện than của cả nước năm 2010 là 4.250 MW, thì chỉ trong vòng 10 năm, tổng công suất các nhà máy điện than tăng gấp 8,5 lần và sau 20 năm tăng gấp 17,6 lần.

Đến năm 2030, cả nước sẽ có thêm gần 80 nhà máy nhiệt điện than khắp cả nước, trải dài từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang… Quy ra công suất thì đến năm 2030 sẽ có tương đương 60 nhà máy nhiệt điện than có công suất như Vĩnh Tân 2 (622 MW x 2 = 1.244 MW).

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), tính đến tháng 4-2014, trong 20 dự án nhiệt điện đang thi công thì có tới 15 công trình (chiếm 75%) do phía Trung Quốc làm tổng thầu trọn gói (trong đó có Vĩnh Tân 2), từ thiết kế, mua sắm, đến xây dựng và lắp đặt.

Từ vụ ô nhiễm tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 liệu có thể yên tâm với sự bùng nổ các nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới.

Nỗi lo quản lý tro xỉ

Theo quy hoạch điện VII, nhu cầu than để làm ra 36.000 MW công suất các nhà máy nhiệt điện năm 2020 là 67 triệu tấn than/năm; và để làm ra 75.000 MW công suất các nhà máy nhiệt điện năm 2030 là 171 triệu tấn than/năm.

Tổng lượng tro xỉ, gồm xỉ (hay tro đáy) và tro bay, trung bình từ 25-60% so với than nhiên liệu, tùy thuộc vào chất lượng than và hiệu quả đốt cháy (công nghệ). Tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, người ta đốt than cám 6a có độ tro trung bình đến 37,5%, chỉ thấp hơn so với loại than cám 6b là loại có chất lượng kém nhất trong 11 loại than cám theo TCVN 8910:2011. Lựa chọn này có lẽ là do giá thành rẻ, nhưng ngược lại phải tăng chi phí để quản lý tro xỉ cũng như vận hành các hệ thống xử lý khí thải, không biết điều này có được tính đến hay không? Thế giới đang hướng đến sử dụng than sạch, có độ tro thấp hơn 3%, nhưng Việt Nam vẫn đang sử dụng than có độ tro cao gấp hơn 12 lần than sạch!

Nếu lấy trung bình lượng tro xỉ tạo ra là 35% so với than nhiên liệu, thì lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than năm 2020 là 23,5 triệu tấn và năm 2030 là 60 triệu tấn.

Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như là phụ gia sản xuất xi măng, sản xuất bê tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, do trong tro xỉ còn chứa lượng lớn than chưa kịp cháy hoặc cháy chưa triệt để (than dư), có thể lên đến 20-30%, nên để tái sử dụng tro xỉ cần phải qua công đoạn tuyển để tách lượng than này ra, như vậy lại cần phải đầu tư thêm dây chuyền công nghệ tuyển than từ tro xỉ.

Hiện nay, công nghệ tuyển than dư từ tro xỉ chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và do vậy việc tái sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Rõ ràng, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đó là phải quản lý các bãi chứa tro xỉ với diện tích trên 28.000 héc ta hay 280 ki lô mét vuông cho đến năm 2030 (giả sử chiều sâu bãi chứa là hai mét), phân bố dọc theo chiều dài đất nước qua các trung tâm điện lực lớn từ miền Bắc, miền Trung cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Nghĩa là, nếu không có giải pháp tái sử dụng tro xỉ hợp lý từ các nhà máy nhiệt điện than, chúng ta cần tiêu tốn một diện tích tương đương 39% diện tích quốc đảo Singapore chỉ riêng cho việc tồn chứa tro xỉ cho đến năm 2030, và không loại trừ khả năng các bãi chứa xỉ này xung đột với nhu cầu sử dụng đất cho phát triển đô thị và canh tác nông nghiệp!

Vấn đề tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ mới là việc phát tán bụi tro xỉ từ bãi chứa xỉ. Một vấn đề khác lâu dài hơn, nghiêm trọng hơn cần phải tính đến, đó là giải pháp quản lý môi trường toàn diện và triệt để tại các bãi chứa tro xỉ để kiểm soát ô nhiễm phát tán.

Theo các tác giả Madawala, Eric và Ajit trong bài báo “Reuse options for coal fired power plant bottom and fly ash” đăng ngày 1-4-2014 trên tạp chí khoa học “Reviews in Environmental Science and Bio/Technology”, thống kê toàn cầu cho thấy chỉ có 30% lượng tro xỉ đang được tái sử dụng. Thông tin từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (USEPA) cho thấy, có khoảng 40% tro xỉ được tái sử dụng tại Hoa Kỳ năm 2012. Rõ ràng việc tái sử dụng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện đang là thách thức lớn không chỉ của Việt Nam mà ngay cả ở những nước phát triển.

Nỗi lo kim loại nặng

Cũng theo các tác giả Madawala, Eric và Ajit trong bài báo trên, thành phần hóa học của tro xỉ tồn chứa nhiều kim loại nặng như asen (thạch tín, As), chì (Pb), kẽm (Zn), nikel (Ni), đồng (Cu), mangan (Mn), cadmi (Cd), crom (Cr) và selen (Se) ở dạng vết. Asen đã được chứng minh là gây ung thư da, ung thư bàng quang và ung thư phổi, trong khi chì gây thiệt hại đến hệ thần kinh. Các kim loại này có thể bị thẩm thấu ra môi trường dưới điều kiện axit, gây ô nhiễm các vùng đất, các nguồn nước mặt và nước ngầm lân cận, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và gây hậu quả nhiễm độc gen và tác động lên DNA, từ đó gây bệnh tật không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn di truyền đến thế hệ tương lai.

Mặc dù tro xỉ được xem là chất thải không nguy hại, nhưng việc tồn tại lâu dài tại các bãi chứa với số lượng lớn sẽ gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Một điều đáng chú ý nữa là việc thải tro xỉ dạng ướt mặc dù hạn chế được bụi nhưng lại gây tác động môi trường nghiêm trọng hơn việc thải tro xỉ dạng khô, do sự thẩm thấu của các thành phần kim loại nặng ra môi trường như đã nói.

Nỗi lo mưa axit

Trong thành phần khí thải từ ống khói nhà máy nhiệt điện than, ngoài khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính mà chúng ta đã biết, còn tồn tại ít nhất hai loại khí gây mưa axit, đó là SO2 và NO2. Mặc dù các nhà máy nhiệt điện đều lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh và xử lý nitơ, nhưng dù công nghệ có hiện đại bao nhiêu, không có nghĩa là 100% các loại SO2 và NO2 được xử lý triệt để, dẫn đến việc phát tán ra môi trường.

Đề tài “Đánh giá hiện trạng mưa axit ở Việt Nam” do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường thực hiện năm 2014 cho thấy hiện nay, mưa axit chiếm tới 30-50% số lần mưa tại Việt Nam. Địa phương có tần suất mưa axit cao tới 50% là Việt Trì, nơi công nghiệp phát triển, tiếp đó là các tỉnh thành công nghiệp lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh… cũng có tần suất mưa axit đang tăng dần.

Mưa axit sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường đất và nước thông qua việc rửa trôi chất dinh dưỡng trên mặt đất và mang các kim loại nặng xuống các nguồn nước mặt: sông, suối, ao, hồ… Như trên đã đề cập, các kim loại nặng trong tro xỉ tại các bãi chứa sẽ bị thẩm thấu ra môi trường trong điều kiện axit, và chính mưa axit có đóng góp từ khí thải của các nhà máy nhiệt điện sẽ thúc đẩy quá trình này diễn biến nhanh hơn.

Quy hoạch điện VII đã đề cập sẽ xây dựng những trung tâm nhiệt điện than lớn tại đồng bằng sông Cửu Long gồm Duyên Hải (Trà Vinh, tổng công suất 4.200 MW), Long Phú (Sóc Trăng, 4.400 MW), Sông Hậu (Hậu Giang, 5.200 MW), Kiên Lương (Kiên Giang, 4.400 MW) sẽ vận hành trước năm 2020 và tiếp đến năm 2030 là Long An (1.200 MW), An Giang (2.000 MW), Bạc Liêu (1.200 MW). Chúng ta có dám đảm bảo chắc chắn rằng các trung tâm nhiệt điện than này không gây tác động tiêu cực đến môi trường?

(*) ThS, chuyên gia tư vấn sử dụng hiệu quả tài nguyên Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)

*****

Lựa chọn nguồn điện trên cơ sở cái giá phải trả

Nguyễn Đăng Anh Thi – Thứ Ba,  12/5/2015, 10:50 (GMT+7)

Tăng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo là một trong những cách giảm bớt “những quả bom nổ chậm”. Trong ảnh: Phát triển điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: TRUNG CHÁNH

(TBKTSG) – Từ vụ việc ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Chính phủ đã nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Bộ Công Thương, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát lại từng nhà máy nhiệt điện, đưa ra giải pháp, chỉ đạo từng dự án về vấn đề xử lý tro xỉ. Nhưng như những phân tích trong bài viết Cảnh báo những quả bom nổ chậm khắp Việt Nam! (TBKTSG số ra ngày 30-4-2015), có lẽ cần một chiến lược và các giải pháp toàn diện, lâu dài cho việc phát triển các nguồn điện tại Việt Nam.

Đánh giá lại môi trường chiến lược với nhiệt điện

Cũng trong những ngày đầu tháng 4-2015, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương cùng với các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII. Đây là cơ hội để rà soát và đánh giá lại việc đầu tư phát triển các nhà máy nhiệt điện trong thời gian gần năm năm qua.

Việc hoàn thiện Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII cần phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược với nhiều kịch bản phát triển nguồn điện, trong đó tập trung đánh giá các kịch bản phát triển nhiệt điện than. Cần đi sâu vào tính toán tiềm năng ô nhiễm không khí, tính toán tải lượng các khí gây mưa axit, tải lượng tro xỉ, chạy mô hình phát tán ô nhiễm không khí để xây dựng bản đồ phân bố ô nhiễm và so sánh với tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí xung quanh, để chỉ ra được đâu là hướng phát triển cho nhiệt điện than về các thông số công suất, phân bố vùng miền, công nghệ, chất lượng than… Trên cơ sở đó, lựa chọn phương án phát triển tối ưu nhất có tính đến việc giảm thiểu phát triển nhiệt điện than.

Tăng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo

Cũng trong việc xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII, cần xem xét nâng cao chỉ tiêu phát triển năng lượng tái tạo, thay vì chỉ “khiêm tốn” với tỷ lệ 5,6% đến năm 2020 và 9,4% đến năm 2030 trên tổng công suất các nguồn điện. Để tham khảo, Thái Lan đã đặt chỉ tiêu đạt được 25% năng lượng tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2021.

Đừng sai lầm nóng vội phát triển ồ ạt các nhà máy nhiệt điện than rồi trong tương lai không xa, đất nước phải hoang tàn vì ô nhiễm mà vẫn không dám đóng cửa vì phải lo đảm bảo an ninh năng lượng.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió, điện sinh khối, điện từ rác thải, và sắp đến là điện mặt trời. Tuy vậy, việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn đang diễn ra rất chậm, và nút thắt lớn nhất vẫn là giá mua điện thấp từ năng lượng tái tạo. Nếu với tiến độ đầu tư như hiện nay, chưa chắc chỉ tiêu 5,6% nguồn năng lượng tái tạo năm 2020 đã đạt được.

Quan trọng nhất, đó là cần phải tính đến hiệu quả lâu dài về mặt phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, để từ đó có những chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Kiểm soát các lựa chọn

Cần kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn công nghệ, thiết bị và quản lý quá trình xây lắp, vận hành các nhà máy nhiệt điện than.

Việc lựa chọn công nghệ, thiết bị các nhà máy nhiệt điện than cực kỳ quan trọng vì nó sẽ quyết định lâu dài đến hiệu quả vận hành cũng như các vấn đề về môi trường. Do vậy, việc lựa chọn này phải trên cơ sở chi phí toàn bộ vòng đời của từng nhà máy, thay vì chỉ đánh giá lựa chọn nhà thầu dựa trên giá công nghệ và thiết bị lắp đặt. Những chỉ tiêu về bảo vệ môi trường nên là những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá và lựa chọn công nghệ, thiết bị, bên cạnh chỉ tiêu về hiệu quả vận hành.

Nhà nước cần có lộ trình yêu cầu các nhà máy điện sử dụng than có chất lượng ngày một nâng cao, hướng đến sử dụng than sạch có độ tro thấp hơn 3%, thay vì phổ biến sử dụng các loại than có độ tro cao 35-40% như hiện nay tại Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và sắp tới tại Nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh). Để có được than sạch, cần xây dựng các nhà máy tuyển than để loại bỏ các tạp chất, giảm lượng tro, nâng cao nhiệt lượng. Việc sử dụng than sạch không chỉ giúp giảm số lượng than tiêu thụ, giảm lượng tro xỉ tạo ra mà còn giảm mức độ ô nhiễm không khí, đồng thời giảm lượng than phải vận chuyển.

Việc quản lý xây dựng và lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than cần được thực hiện chặt chẽ theo các quy định về quản lý dự án. Đồng thời, cần phải yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than đảm bảo sẵn sàng các hệ thống xử lý môi trường trước khi vận hành thử với sự giám sát trực tiếp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tránh xảy ra việc nhà máy vận hành nhưng hệ thống lọc bụi tĩnh điện chưa hoạt động như tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23-9-2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Theo đó, đến năm 2020, chỉ cấp diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón với dung lượng chứa tối đa cho hai năm sản xuất tương đương với quy mô, công suất của dự án.

Trong khi chờ đợi việc thu hồi, xử lý các chất thải này một cách có hiệu quả và tiến đến giảm chôn lấp như Quyết định số 1696/QĐ-TTg đã đề ra, cần phải thiết lập tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng và vận hành các bãi chứa tro xỉ nhằm quản lý chặt chẽ lượng tro xỉ phát sinh trong hiện tại và tương lai. Điều này là cực kỳ quan trọng để kiểm soát lâu dài các bãi chứa tro xỉ, hạn chế tối đa các nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất và nước tại các bãi này.

Mỗi nhà máy nhiệt điện than đều cần phải trang bị đầy đủ các hệ thống quan trắc môi trường liên tục và kết quả phải được công khai trên trang web của nhà máy hoặc doanh nghiệp sở hữu, công khai tại cổng nhà máy để bất kỳ người dân nào cũng đều có quyền kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của từng nhà máy. Các hệ thống quan trắc cần phải có là quan trắc thành phần khí thải từ ống khói; quan trắc chất lượng không khí xung quanh nhà máy và vùng phụ cận; quan trắc thành phần ô nhiễm và nhiệt độ của nước thải, nước giải nhiệt nhà máy. Ngoài ra, kết quả quan trắc chất lượng môi trường và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường theo định kỳ tại bãi thải cũng cần phải công khai để mọi người dân đều có thể giám sát.

Việc phát triển các nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế là một đòi hỏi cấp bách, tuy vậy việc lựa chọn phát triển nguồn điện như thế nào sẽ quyết định quan trọng và lâu dài đến chất lượng môi trường, tác động đến kinh tế, xã hội, sức khỏe người dân, và xa hơn là quyết định tương lai đất nước và chất lượng giống nòi người Việt.

Đừng sai lầm nóng vội phát triển ồ ạt các nhà máy nhiệt điện than rồi trong tương lai không xa, đất nước phải hoang tàn vì ô nhiễm mà vẫn không dám đóng cửa vì phải lo đảm bảo an ninh năng lượng. Cái giá phải trả do hậu quả ấy lớn gấp hàng ngàn lần và phải mất hàng trăm năm để khắc phục hậu quả, so với cái giá mà người ta đang cho là rẻ và đang lựa chọn hiện nay.

Xem thêm:

Bình Thuận: Dân lại ngăn quốc lộ 1A phản đối nhà máy điện gây ô nhiễm

Thêm nguồn nhiệt điện cho miền Nam

 

 

Advertisement

1 bình luận về “Từ vụ nhiệt điện Vĩnh Tân 2: Cảnh báo những quả bom nổ chậm khắp Việt Nam!

  1. Thanks Thu Hương đã tiếp tục nhắc lại vấn đề đã được đề cập quá nhiều như ví dụ trong bài này: https://cvdvn.net/2015/07/02/nam-2015-viet-nam-di-nguoc-the-gioi/

    Câu hỏi đặt ra là, tại sao nhà nước biết tất cả những hậu quả này. Tất cả các báo cáo tác động môi trường, kinh tế, xã hội thiệt hại đã khẳng định mà VN cứ phát triển nhiệt điện một cách ngược đời vậy? Lý do để phát triển kinh tế không thuyết phục. Phát triển nhiệt điện, thủy điện nhiều nữa vẫn không mang lại lợi ích và cải thiện đời sống cho những người dân nghèo nhất. Mà thậm chí còn hủy hoại cuộc sống và an sinh của họ

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s