Giáo dục dành cho học sinh dân tộc thiểu số: thách thức và cơ hội trong đại dịch COVID-19

Unicef.org – 11 Tháng 5 2020 – Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam

Khi Việt Nam sắp dần mở cửa lại trường học, tôi rất muốn tìm hiểu về công tác chuẩn bị của các nhà trường để đảm bảo an toàn cũng như sẵn sàng chào đón học sinh quay lại trường. Chặng đường lái xe lên huyện Sapa cảnh sắc thật hùng vĩ. Từ mọi góc độ, vẻ đẹp của đất nước Việt Nam hiện lên thật rực rỡ.

Khi Việt Nam sắp dần mở cửa lại trường học, tôi rất muốn tìm hiểu về công tác chuẩn bị của các nhà trường để đảm bảo an toàn cũng như sẵn sàng chào đón học sinh quay lại trường.
UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng

  • Ngôn ngữ tài liệu bằng: English, Tiếng Việt

Chúng tôi dừng chân tại ngôi trường nhỏ nằm ở chân ngọn núi Phan-Xi-Păng. Cổng trường rộng mở chào đón chúng tôi, nhưng lần này thiếu vắng nụ cười, khuôn mặt rạng rỡ và tiếng hò reo của học sinh. Tôi muốn đến thăm Lào Cai vì ngành giáo dục và các thầy cô giáo nơi đây luôn mong mỏi đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hơn nữa các tiến bộ trong công tác dạy và học trong nhà trường.

Địa bàn xã Trung Chải, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai

UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng
Lào Cai là tỉnh giáp biên giới Trung Quốc nên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ rất sớm. Từ ngày 3 tháng 2, các trường học trên cả nước đều đồng loạt phải đóng cửa, thời gian chuẩn bị có thể nói là gấp gáp hơn so với những quốc gia chưa bị dịch bệnh tấn công.

Tất cả mọi người tôi gặp đều tỏ rõ sự háo hức khi trường học sắp mở cửa trở lại. Thật xúc động khi thấy các em học sinh nhớ những bài giảng của các thầy cô – và các thầy cô cũng nhớ lớp và các học trò của mình. Tất cả mọi người đều rất nhớ những khoảng thời gian với bạn bè, thầy cô, và đồng nghiệp. Ngay từ đầu dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai và hiệu trưởng các trường đã quyết tâm duy trì học tập cho học sinh, nhưng mong muốn thực hiện dạy học từ xa khó khăn hơn tưởng tượng tại địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao và rất ít gia đình có đủ điều kiện để mua máy tính, thiết bị điện tử cũng như có mạng internet tại nhà.

Châu Thị Dung, 13, dân tộc H’Mong, chia sẻ về việc học trực tuyến và làm mẫu cách rửa tay sạch bằng xà phòng

UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng
Trong một thế giới kết nối toàn cầu như hiện nay, Lào Cai là một tỉnh miền núi nơi tiếp cận internet còn không đồng đều; các gia đình và thậm chí thầy cô giáo chưa có thiết bị điện tử, do đó không thể kết nối với những nền tảng hiện đang hỗ trợ trẻ em trên khắp Việt Nam học tập trực tuyến.

Tôi đã trò truyện và rất xúc động trước sự thông minh và duyên dáng của Dung, 13 tuổi, dân tộc H’mong, khi em chia sẻ trải nghiệm học trực tuyến của mình: “Khó khăn nhất của học online là chúng cháu không có internet hay WiFi tại nhà. Cháu và anh cháu phải đi bộ đến trường mầm non cách nhà cháu 1km để dùng WiFi và tải tài liệu mà thầy cô gửi. Các bạn cùng lớp cháu hay gần nhà cháu đều không có internet ở nhà,” Dung chia sẻ.

Thực tế là chỉ có 15% trẻ em ở đây có thiết bị điện tử – khoảng cách số giữa những trẻ em có thiết bị điện tử và những trẻ em không có ở đây quá lớn. Chúng ta cần khẩn trương tìm giải pháp để giải quyết những tác động của khoảng cách số này. Trẻ em không có thiết bị điện tử, không có internet thì không thể học trực tuyến. Khoảng cách số đồng nghĩa với khoảng cách về học tập – và khoảng cách này sẽ còn rộng hơn khi giáo dục ngày càng đòi hỏi trẻ em phải làm chủ những kỹ năng số và công nghệ. Lỗ hổng lớn về học tập này đồng nghĩa với lỗ hổng lớn về tiềm năng thu nhập của các em trong tương lai – và nếu chúng ta không hành động ngay hôm nay thì khoảng cách số sẽ càng lớn hơn. Chúng ta cần sự hỗ trợ của những công ty công nghệ hàng đầu để đảm bảo trẻ em có thể tiếp cận các thiết bị điện tử và WiFi tại nhà. Phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào việc mỗi trẻ em đều có cơ hội như nhau để học tập và phát triển. Dung có năng lực như bất kỳ trẻ em ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh nào mà tôi đã từng gặp – nhưng tôi vẫn lo lắng rằng Dung và các bạn cùng lớp của mình, có thể sẽ bị tụt lại phía sau (và điều này thật không công bằng) nếu chúng ta không hành động để giảm khoảng cách số.

Để khắc phục những khó khăn về công nghệ, một số thầy cô giáo và tình nguyện viên nhà trường đã phải đi bộ hoặc đi xe máy vượt qua đường núi uốn lượn quanh co đến những thôn làng để nhờ trưởng thôn phát tài liệu và bài tập đến các em học sinh ở đây. Thật xúc động trước sự tận tâm và quyết tâm ưu tiên giáo dục cho mọi trẻ em nơi đây.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học Cơ sở Trung Chải có hơn 300 học sinh. Thầy Thọ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết chỉ 3% học sinh có điều kiện học trực tuyến có tương tác như Zoom, gần một trên năm em có thể học trực tuyến không tương tác như Zalo hay Facebook. Còn lại hai phần ba học sinh nhận tài liệu và bài tập từ trưởng thôn do hạn chế tiếp cận với internet và thiết bị điện tử.

“Cháu có thể hiểu bài khi học trực tuyến nhưng có lúc cũng khó, đặc biệt là khi cháu có thắc mắc và cần thầy cô giải thích thêm. Không có ai trực tiếp giải thích các câu hỏi của cháu trước mặt cháu,” một em học sinh tên Dung khác, 14 tuổi, chia sẻ.

Mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng những học sinh dân tộc thiểu số nơi đây vẫn khát khao học tập, kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ một tương lai tươi sáng hơn. Dung là thành viên của Câu lạc bộ Sáng tạo Xã hội, đây là không gian học tập, thí nghiệm của học sinh để giúp các em nuôi dưỡng các ý tưởng đổi mới sáng tạo như bảo vệ môi trường. Dung cho tôi xem tấm vải thổ cẩm mà em tự tay làm và chia sẻ với tôi ước mơ mà em ấp ủ để bảo tồn văn hóa trang phục của người dân tộc H’mong.

Châu Thị Mỹ Dung, 14, dân tộc H’mong, cho chúng tôi xem mảnh vải thổ cẩm được thêu bằng tay truyền thống của người dân tộc H’mong tại Sapa, Lào Cai

UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng
Với sự hỗ trợ của các đối tác như SAP, UNICEF Việt Nam đã khởi xướng từ năm 2019 một chương trình xóa mù công nghệ sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy và chương trình đào tạo của giáo viên, hướng tới những khu vực khó khăn như Sapa, với tỷ lệ cao trẻ em trai và gái dân tộc thiểu số. Đại dịch COVID thách thức chúng ta nhưng cũng đem lại những cơ hội mới. Thôi thúc trước những khó khăn trong học tập trực tuyến của học sinh, UNICEF đang vận động đầu tư và ưu tiên hỗ trợ thiết bị điện tử và kết nối internet cho tất cả mọi người, đặc biệt là vùng nông thôn và khó khăn. Mục đích cuối cùng là chúng ta cần có một nền tảng giáo dục được sử dụng trên toàn quốc, một chương trình giảng dạy kỹ năng số và xóa mù công nghệ số từ mẫu giáo đến lớp 12. Đây cũng là tầm nhìn tương lai của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNICEF và các đối tác sẽ xây dựng những công cụ học tập – từ video đến các ứng dụng, các khóa học chuyên môn – lồng ghép phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng phân tích. Chúng ta cần thay đổi trên quy mô lớn vì mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Hãy đồng hành và chung tay cùng chúng tôi bạn nhé.

?https://www.facebook.com/v10.0/plugins/video.php?app_id=&channel=https%3A%2F%2Fstaticxx.facebook.com%2Fx%2Fconnect%2Fxd_arbiter%2F%3Fversion%3D46%23cb%3Df3873d804d32dbc%26domain%3Dwww.unicef.org%26origin%3Dhttps%253A%252F%252Fwww.unicef.org%252Ff2748a02276b25c%26relation%3Dparent.parent&container_width=770&href=https%3A%2F%2Fwww.facebook.com%2Funicefvietnam%2Fvideos%2F301471994177917%2F%3F__xts__%255B0%255D%3D68.ARBii4AVep4fE5SGtI4jeUV8fJS5C4NaEqxE69CAd6KN5v_&locale=en_US&sdk=joey

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s