- Bài 1: Phải ngừng thu hút đầu tư vì tiền thuê đất chưa tính được
- Bài 2: Tiền tỷ vùi cát đá, “đất vàng” hóa bùn
- Bài 3: Doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng “kêu trời”
- Bài 4: Virus trì trệ nguy hiểm không kém “virus Covid-19”
***
Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp – Bài 1: Phải ngừng thu hút đầu tư vì tiền thuê đất chưa tính được
Ngô Nguyên – 27/03/2021 09:40
Khu công nghiệp Hiệp Phước phải ngưng thu hút đầu tư trên diện tích 200 ha vì cơ quan chức năng chưa duyệt hình thức thuê đất thay đổi, chưa xác định được giá đất nhà nước đối với KCN
Nhiều khu công nghiệp liên tiếp được cấp phép và mở rộng để đón sẵn cơ hội từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu. TP.HCM luôn là địa chỉ đỏ để nhà đầu tư cập bến, song do những vướng víu trong quản lý đất đai, cùng mâu thuẫn trong quy định pháp lý, nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM đang “đứng hình”, chủ đầu tư không thể kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp thuê đất bị tê liệt sản xuất. Đây là sự lãng phí rất lớn cơ hội để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.
KCN Hiệp Phước giai đoạn II còn gần 200 ha đất đã đầu tư hạ tầng, có thể thu hút đầu tư. Ảnh: Lê Toàn |
Bài 1: Phải ngừng thu hút đầu tư vì tiền thuê đất chưa tính được
Tại Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước giai đoạn II, từ năm 2019, chủ đầu tư phải ngưng thu hút đầu tư trên diện tích gần 200 ha dù đã sẵn hạ tầng. Nguyên nhân là giá vốn chưa xác định được, chưa thể cho doanh nghiệp thuê vì cơ quan chức năng chưa duyệt hình thức thuê đất thay đổi, chưa xác định được giá đất nhà nước đối với KCN.
Hơn 5 năm vẫn không xác định nổi giá đất
KCN Hiệp Phước có tổng diện tích quy hoạch 2.000 ha, chia làm 3 giai đoạn đầu tư (giai đoạn I có diện tích 311,4 ha, giai đoạn II mở rộng thêm 597 ha, giai đoạn III mở rộng thêm 1.000 ha). Trong đó, KCN Hiệp Phước giai đoạn II (nằm trong KCN Hiệp Phước), thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, bồi thường đến đâu xin giao thuê đất đến đó.
KCN Hiệp Phước giai đoạn II được UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước (HIPC) thuê đất, chia làm 6 đợt vào năm 2011, 2015, 2016, 2017 cho 8 khu đất, với tổng diện tích hơn 350 ha. Hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Sau quyết định của UBND TP.HCM, từ năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tổ chức thẩm định giá theo từng quyết định chấp thuận cho thuê đất. Thế nhưng, do các đơn vị thẩm định giá áp dụng nhiều phương pháp thẩm định giá khác nhau, đã dẫn đến các kết quả khác nhau. Đó là chưa kể, mỗi đơn vị thẩm định giá cũng đưa ra kết quả thẩm định giá khác nhau, dù các khu đất này đều nằm trong KCN Hiệp Phước giai đoạn II.
Hàng loạt cuộc họp của nhiều cơ quan chức năng đã diễn ra sau đó, nhưng vẫn không thống nhất được mức giá. Tới đầu năm 2019, Sở Tài chính TP.HCM chưa chấp thuận các chứng thư bởi không chấp nhận các vấn đề như việc áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá trả tiền thuê đất một lần thấp hơn bảng giá đất thành phố, phương pháp thẩm định giá chưa giống như một số khu đất khác…
Kết cục là tới giờ này, theo văn bản “kêu cứu” mới nhất – Văn bản số 694/BQL-KHTH ngày 23/3/2021 của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) gửi UBND TP.HCM, dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá theo từng quyết định chấp thuận cho thuê đất, “nhưng đến nay vẫn chưa xác định được đơn giá trả tiền thuê đất một lần cho Nhà nước. Do đó, HIPC vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 8 khu đất đã có quyết định cho thuê đất”.
Xin trả tiền hàng năm vẫn… mỏi mòn chờ hồi âm
Trước tình thế thập phần khó khăn, ngày 3/9/2020, chủ đầu tư KCN Hiệp Phước có Văn bản số 461/2020/CV-HIPC-PTDA gửi UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị điều chỉnh các quyết định cho thuê đất từ hình thức cho thuê đất một lần sang cho thuê trả tiền hàng năm tại các khu đất đã cho thuê.
Hai tháng sau, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 10783/STNMT-QLĐ ngày 3/12/2020 kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi, hủy các quyết định liên quan và điều chỉnh sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm đối với KCN Hiệp Phước giai đoạn II.
Rất nhanh, 13 ngày sau, tại Văn bản số 10964/VP – ĐT ngày 16/12/2020, Văn phòng UBND TP.HCM truyền đạt chỉ đạo của Thành phố, giao Sở Tư pháp rà soát hồ sơ, quy định pháp luật và ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu UBND TP.HCM quyết định.
Tới cuối tháng 12/2020, Sở Tư pháp có Công văn số 6117/STP-VB ngày 31/12/2020 phân tích và góp ý về việc điều chỉnh hình thức thuê đất. Tuy nhiên, sang tháng 1/2021, theo Công văn số 517/VP-ĐT ngày 19/1/2021 của Văn phòng UBND TP.HCM, Thành phố giao lại Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ ý kiến Sở Tư pháp và Công văn số 2349/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ ngày 23/10/2020 của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tham mưu UBND TP.HCM điều chỉnh hình thức sử dụng đất.
Tới ngày 8/2/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gửi Công văn số 1120/STNMT – QLĐ tới UBND TP.HCM về điều chỉnh hình thức thuê đất, nhưng tới giờ, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được hồi âm từ các cơ quan liên quan.
Vì chưa có chấp thuận của UBND TP.HCM, nên Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thể xác định tiền thuê đất hàng năm của KCN Hiệp Phước giai đoạn II để làm cơ sở ký hợp đồng thuê đất giữa HIPC với UBND TP.HCM, để KCN có quỹ đất thu hút đầu tư. Đó là chưa nói về nỗi lo của cả chủ đầu tư và doanh nghiệp là “công cuộc” thẩm định tiền thuê đất của cơ quan chức năng lần này liệu có lê thê mà vẫn “bó tay” như lần trước!
Nhà đầu tư KCN và doanh nghiệp cùng “chôn tiền”
Do việc chưa xác định được đơn giá trả tiền thuê đất kéo dài từ năm 2015 tới nay, chưa có “hồi âm” chấp thuận hay không việc điều chỉnh hình thức trả tiền thuê đất, cả doanh nghiệp và HIPC – chủ đầu tư hạ tầng KCN đã và đang tiếp tục khốn đốn ở cả diện tích đã cho doanh nghiệp thuê và diện tích còn chờ thu hút đầu tư
.Tại TP.HCM, đến nay có 17 khu chế xuất, KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 4.085,08 ha; diện tích đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp đã cho thuê đạt 1.830 ha/2.539 ha đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.Đến nay, các khu chế xuất, KCN thu hút 1.652 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 11,49 tỷ USD. Các khu chế xuất, KCN thu hút hơn 276.000 lao động vào làm việc, nộp ngân sách năm 2020 của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, KCN đạt 24.871,27 tỷ đồng, chiếm 7% tổng thu ngân sách của TP.HCM.
Một chủ công ty (đề nghị không nêu tên) cho hay, họ có hợp đồng thuê một số lô đất tại KCN Hiệp Phước giai đoạn II từ nhiều năm trước, đã thanh toán tiền theo tiến độ hợp đồng cũng như đầu tư kho xưởng trên đất. Do KCN vẫn chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý thửa đất, nên doanh nghiệp bị từ chối cấp phép đầu tư dự án. Nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong khi đó, tiền tỷ của doanh nghiệp đã đổ ra bị chôn vốn, chưa nói là cơ hội kinh doanh bị tước đi.
Còn với chủ đầu tư KCN, theo đại diện HIPC, do chưa xác định giá cho thuê đất để cân đối giá vốn đầu tư, nên không tính toán được giá thành cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, không khai thác được quỹ đất đã được Nhà nước giao và kết quả là chậm thực hiện dự án đầu tư, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Nghịch lý lại xảy ra trong bối cảnh TP.HCM đang chuẩn bị các điều kiện về đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, KCN hoạt động, qua đó tạo việc làm cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố trong thời gian tới.
Đáng nói hơn, vẫn còn gần 200 ha diện tích trống của KCN Hiệp Phước giai đoạn II đã có hạ tầng có thể thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo “kêu cứu” ngày 23/3/2021 của Hepza với UBND TP.HCM, thì chủ đầu tư đã không thể cho thuê do không xác định được giá thuê đất của Nhà nước đối với KCN.
“Công ty (HIPC-PV) đã ngừng thu hút đầu tư từ đầu năm 2019 do không xác định được giá vốn kinh doanh và để tránh thiệt hại trong trường hợp giá cho thuê đất thấp hơn giá vốn ước tính, ảnh hưởng đến trách nhiệm bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước, cũng như trách nhiệm đối với các cổ đông khác; đồng thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp do không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, Hepza cho hay. (Còn tiếp)
***
Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp – Bài 2: Tiền tỷ vùi cát đá, “đất vàng” hóa bùn
Ngô Nguyên – 30/03/2021 08:15
Lãng phí quỹ đất tại hàng loạt khu công nghiệp tại TP.HCM khiến hàng ngàn tỷ đồng đã bỏ ra chôn vùi trong cát đá, đi kèm theo đó là hạ tầng phục vụ chuyên gia cũng tê liệt.
Nhiều khu công nghiệp liên tiếp được cấp phép và mở rộng để đón sẵn cơ hội từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu. TP.HCM luôn là địa chỉ đỏ để nhà đầu tư cập bến, song do những vướng víu trong quản lý đất đai, cùng mâu thuẫn trong quy định pháp lý, nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM đang “đứng hình”, chủ đầu tư không thể kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp thuê đất bị tê liệt sản xuất. Đây là sự lãng phí rất lớn cơ hội để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.
Một góc KCN Tân Bình. Ảnh: Lê Toàn |
Bài 2: Tiền tỷ vùi cát đá, “đất vàng” hóa bùn
Hàng loạt khu công nghiệp (KCN) ở TP.HCM đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng trọn ô đất quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng chưa được ký hợp đồng thuê đất, khiến chủ đầu tư chưa thể đầu tư hạ tầng và kêu gọi đầu tư. Điều này không chỉ gây lãng phí đất đai, mà còn khiến ngàn tỷ đồng mà doanh nghiệp đã bỏ ra “chưa thấy đường về”.
Xong bồi thường, hạ tầng vẫn phải bỏ không
KCN cơ khí ô tô Hòa Phú (huyện Củ Chi TP.HCM) do Công ty cổ phần Hòa Phú làm chủ đầu tư có tổng diện tích khoảng 100 ha, tổng vốn xây dựng hạ tầng hơn 500 tỷ đồng. KCN này tập trung vào các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ ngành ô tô trong nước như sản xuất các phụ tùng, linh kiện ô tô, sửa chữa, lắp ráp phương tiện vận chuyển, cũng như thiết kế và chế tạo phương tiện cơ khí và kết nối, chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô của một số nước tiên tiến trên thế giới với doanh nghiệp ô tô trong nước.
Việc hình thành KCN là thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô của đất nước và chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của TP.HCM.
Vào tháng 4/2010 (giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng), UBND TP.HCM có Công văn số 1811/UBND-ĐTMT về giao đất theo tiến độ bồi thường của Dự án, trong đó chấp thuận chủ trương về giao đất, cho thuê đất cho Công ty cổ phần Hòa Phú đối với phần diện tích đã thực hiện xong việc bồi thường trọn ô đất quy hoạch đã được phê duyệt và dự án có hạ tầng.
Tuân thủ văn bản về giao đất theo tiến độ, năm 2015, Công ty cổ phần Hòa Phú đã ký được Hợp đồng thuê đất số 1296/HĐ-TNMT- QLSDĐ ngày 5/3/2015 với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM với diện tích 37 ha đợt 1.
Tới năm 2020, khi hoàn tất hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 60 ha và đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh trên 65%, sẵn sàng cho các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, ngày 4/9, Công ty cổ phần Hòa Phú có Văn bản số 335/CV-HP tiếp tục đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giao đất, cho thuê đất đợt 2. Tuy nhiên, điều khó hiểu là tới giờ này, cơ quan chức năng lại “im hơi lặng tiếng”, khiến phần diện tích hơn 60 ha chỉ còn chờ “đại bàng về làm tổ” vẫn để hoang phí.
Tương tự, KCN Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư có tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 300 ha, chú trọng đến 4 ngành công nghiệp mũi nhọn của Thành phố là điện – điện tử – tin học, thực phẩm, cơ khí và hóa, dược. Chủ đầu tư KCN này cũng lâm cảnh “mỏi mòn chờ hồi âm”, dù cùng được nhận chủ trương của UBND TP.HCM “giao đất, cho thuê đất đối với phần diện tích đã thực hiện xong việc bồi thường trọn ô đất quy hoạch đã được phê duyệt” như KCN Cơ khí ô tô Hòa Phú.
Cụ thể, năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đã ký được Hợp đồng thuê đất số 10102/HĐ-TNMT-QLSDĐ ngày 29/9/2017 với Sở Tài nguyên và Môi trường với diện tích 202,22 ha. Thế nhưng, sang năm 2018, khi chủ đầu tư KCN có Văn bản 1965/SVI-LMX3 ngày 5/9/2018 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xin giao đất bổ sung đối với diện tích 14,48 ha đã hoàn thành bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất cho dự án, thì câu trả lời rơi vào im lặng.
Tới cuối năm 2020, Ban Quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM (Hepza) đã gửi Công văn số 3012/BQL-K.HTH ngày 2/12/2020 kiến nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường xem xét, ký hợp đồng thuê đất cho diện tích đã hoàn thành công tác bồi thường với KCN Lê Minh Xuân 3 để KCN triển khai xây dựng hạ tầng, có quỹ đất thu hút đầu tư. Ngày 23/3/2021, Hepza lại có Văn bản 694/BQL-KHTH kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp ký hợp đồng.
Cần lưu ý rằng, ở cả 2 KCN Cơ khí ô tô Hòa Phú và KCN Lê Minh Xuân 3, trước đây, chính Sờ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1884/TNMT – QHSDĐ ngày 5/4/2010 đề xuất tham mưu giao đất, thuê đất theo tiến độ đã bồi thường trọn ô đất quy hoạch, đã có hạ tầng và được UBND TP.HCM chấp thuận tại Công văn số 1811 /UBND-DTMT ngày 24/4/2010.
Theo Hepza, việc các KCN đã hoàn thành yêu cầu của cơ quan chức năng chưa được ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước, nên chưa thể kêu gọi đầu tư là một sự lãng phí về đất đai. Đó là chưa nói, tiền “túi” của chủ đầu tư chôn xuống cùng hạ tầng vẫn chưa “tìm đường quay về”. Điều này không chỉ làm mất đi nguồn thu của doanh nghiệp và Nhà nước, mà mất đi cả cơ hội đầu tư kinh doanh vốn hiếm hoi thời đại dịch Covid-19.
Hạ tầng phục vụ chuyên gia KCN cũng tê liệt
Theo Hepza, tại một số KCN, khu dân cư liền kề KCN còn vướng thủ tục pháp lý, dẫn đến công ty phát triển hạ tầng KCN không thể triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao nền tái định cư và chưa xây dựng các dịch vụ tiện ích, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia làm việc tại KCN.
Câu chuyện điển hình xảy ra ở Khu tái định cư – nhà ở công nhân – chuyên gia và dân cư liền kề phục vụ KCN Lê Minh Xuân 3 có quy mô hơn 75 ha. Năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đã được UBND TP.HCM chấp thuận làm chủ đầu tư dự án này tại Quyết định số 2025/QD-UBND ngày 26/4/2017. Công ty đã thực hiện thủ tục ký quỹ bảo đảm thực hiện Dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngày 4/1/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 107/SKHĐT-ĐKĐT chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết thủ tục giao đất. Tuy nhiên, đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG vẫn chưa được bàn giao khu đất trên.
Tương tự, Dự án Khu dân cư – Tái định cư Vĩnh Lộc A phục vụ nhu cầu hoán đổi đất, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất để thực hiện dự án KCN Vĩnh Lộc mở rộng và KCN Vĩnh Lộc 3. Ngày 28/4/2006, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1979/QĐ-UBND về việc thu hồi đất đề bồi thường giải phóng mặt bằng để chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án này. Tới ngày 22/9/2011, UBND TP.HCM có Công văn số 4735/UBND-ĐTMT về chấp thuận đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong Dự án.
Oái oăm là, khi chủ đầu tư (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của một số hộ dân có nhu cầu giao đất diện tích hơn 10 ha, đạt tỷ lệ 24,48% diện tích bồi thường, thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án phải dừng thực hiện.
Nguyên nhân là ngày 27/6/2013, UBND TP.HCM ra Quyết định số 3411/QD-UBND chấm dứt hiệu lực thực hiện Quyết định số 1979/QĐ-UBND về việc thu hồi hơn 435.000 m2 đất tại xã Vĩnh Lộc A để bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị giao đất cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn đầu tư xây dựng Khu dân cư và tái định cư Vĩnh Lộc A.
Kết cục, việc thực hiện tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất để triển khai thực hiện Dự án KCN Vĩnh Lộc mở rộng và KCN Vĩnh Lộc 3 rất khó khăn.
Chờ và… tiếp tục chờ
Tại Dự án Khu dân cư phục vụ KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) và Dự án Khu nhà ở – xã hội phục vụ KCN Tây Bắc Củ Chi, công ty phát triển hạ tầng KCN Tân Phú Trung và KCN Tây Bắc Củ Chi đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 100% đất. Còn tại Dự án dân cư phục vụ KCN Đông Nam, chủ đầu tư cũng đã bồi thường được 50,77 ha/diện tích 55,77 ha khu dân cư, đạt hơn 90%.
Dù đã thực hiện bồi thường gần hết, nhưng chủ đầu tư lại vướng quy định phải đấu thầu dự án trên đất. Hepza cho hay, tháng 4/2019, đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho phép chủ đầu tư dự án KCN đồng thời là chủ đầu tư dự án khu dân cư liền kề mà không thông qua đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội phục vụ KCN.
Sau đó, Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo số 283/TB-VP ngày 21/5/2019 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Xây dựng, Hepza, UBND huyện Củ Chi và đơn vị chức năng tham mưu. Tới tháng 3/2020, Hepza gửi tiếp Công văn số 712/BQL – KHTH tới UBND TP.HCM “kêu cứu” cho chủ đầu tư và đề nghị chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu vấn đề.
Ngày 26/3/2020, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản 204/TB-VP thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND Thành phố, ông Lê Thanh Liêm, giao Sở Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của Hepza.
Bốn tháng sau, cơ quan chức năng “bật ngửa” khi ngày 23/7/2020, Sở Xây dựng trả lời tại Công văn số 8388/SXD-PTĐT rằng, từ tháng 5/2020, Sở Xây dựng đã có Công văn số 5290/SXD – PTĐT ngày 20/5/2020 báo cáo UBND TP.HCM về hoàn thiện quy trình dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở mới có văn bản hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Các trả lời trên cho thấy, văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng TP.HCM cứ “chạy lòng vòng” khiến tới giờ này, các dự án phục vụ KCN nêu trên vẫn dậm chân tại chỗ.
Lãng phí quỹ đất tại hàng loạt KCN
Theo Hepza, việc nhiều KCN đang hoạt động nhưng chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến đất xây dựng xí nghiệp công nghiệp chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch, đầu tư hạ tầng không đồng bộ, kéo dài thời gian triển khai dự án. Mặt khác, việc chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng khiến chủ đầu tư hạ tầng các KCN không thể thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai cả cho phần diện tích đã hoàn tất giải tỏa, nên chưa thể tiếp nhận các dự đầu tư vào khu vực đất này, gây lãng phí quỹ đất.
Các KCN gặp cản trở trên gồm: KCN Cơ khí ô tô Hòa Phú: 2,32 ha; KCN Đông Nam 1,56 ha; KCN Tân Phú Trung: 34,06 ha; một phần KCN Vĩnh Lộc: 0,68 ha; KCN Lê Minh Xuân 3: 11,74 ha; KCN Lê Minh Xuân: 6,91 ha; KCN Tân Tạo: 5,03 ha; một phần KCN Vinh Lộc: 8,99 ha; KCN Tân Bình 0,29ha; KCN Cát Lái: 5,95 ha; KCN Hiệp Phước 40,42 ha; một phần KCN Vĩnh Lộc: 3,06 ha.
(Còn tiếp)
***
Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp – Bài 3: Doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng “kêu trời”
Ngô Nguyên – 01/04/2021 09:02
Không chỉ chủ đầu tư các khu công nghiệp tại TP.HCM khốn đốn, mà các doanh nghiệp đầu tư tại đây cũng bị vạ lây khi không được tiếp nhận hồ sơ đất để thế chấp vay vốn.
Nhiều khu công nghiệp liên tiếp được cấp phép và mở rộng để đón sẵn cơ hội từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu. TP.HCM luôn là địa chỉ đỏ để nhà đầu tư cập bến, song do những vướng víu trong quản lý đất đai, cùng mâu thuẫn trong quy định pháp lý, nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM đang “đứng hình”, chủ đầu tư không thể kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp thuê đất bị tê liệt sản xuất. Đây là sự lãng phí rất lớn cơ hội để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.
Bài 3: Doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng “kêu trời”
Bỗng nhiên bị “vạ lây” khi không được tiếp nhận hồ sơ đất để thế chấp vay vốn, bị truy thu thuế do quy định “bất nhất” của cơ quan chức năng; “bó tay” trước chính sách ưu đãi kiểu “con gà hay quả trứng có trước” là những khó khăn khiến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp có dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) bị vuột mất.
KCX Linh Trung 2, nơi doanh nghiệp đang kêu vì bị từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. |
Không vay được vốn do bị “vạ lây”
KCX Linh Trung 2 rộng khoảng 62 ha, nằm trong KCX Linh Trung (TP. Thủ Đức, TP.HCM, vốn được xem là có danh tiếng trong giới đầu tư khu vực châu Á). Dự án được khai thác năm 2000, đến nay đã lấp đầy diện tích.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho các doanh nghiệp tại KCX Linh Trung 2. Theo nhiều doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên), điều này khiến họ không thể thế chấp tài sản của mình để tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất trong bối cảnh đã kiệt quệ vì đại dịch Covid-19.
Trao đổi về tình huống cơ quan quản lý không tiếp nhận xử lý hồ sơ đất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp TP.HCM (HBA) cho hay, điều này khiến doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà họ đã bỏ tiền đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp không thể sử dụng các tài sản này để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, trong khi đã khốn đốn vì Covid-19.
Nguyên nhân là, thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2018, ngày 17/7/2019, Thanh tra TP.HCM đã tiến hành thanh tra tại chủ đầu tư là Công ty Phát triển hạ tầng KCX Linh Trung 2 (Công ty Sepzone – Linh Trung) theo Quyết định Thanh tra số 119/QĐ-TTTP-P5 và đã có Kết luận thanh tra số 42/KL-TTTP-P5 ngày 18/12/2019.
Theo đó, Thanh tra đề nghị Công ty Sepzone – Linh Trung thực hiện thu nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với KCX Linh Trung 2 số tiền hơn 190 tỷ đồng (gồm tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp tiền sử dụng đất), do Công ty đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, chuyển đổi hơn 109.000 m2 từ đất công cộng sử dụng chung, không thu tiền sử dụng đất sang đất xây dựng công trình công nghiệp, chế xuất, dịch vụ, nên phải xác định nghĩa vụ tài chính.
Trao đổi với chúng tôi, một số luật sư cùng chung nhận định, sai phạm (nếu có) của chủ đầu tư không liên quan tới doanh nghiệp trong KCX Linh Trung 2. Đại diện Ban Quản lý các KCN, KCX TP.HCM (Hepza) cũng cho hay, đã gửi kiến nghị tới cơ quan chức năng TP.HCM, khẳng định: “Việc ngừng tiếp nhận hồ sơ về đất đai của toàn KCX Linh Trung 2 làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các dự án đầu tư tại đây, trong khi đa số các dự án này triển khai đúng quy hoạch đã được phê duyệt”.
Đáng nói, “tiếng kêu” trên đã cất lên từ giữa năm 2020 (Công văn số 1595/BQL-KHTH ngày 25/6/2020 của Hepza), nhưng tới giờ vẫn chưa được xử lý.
Khóc cười vì ưu đãi kiểu “con gà hay quả trứng có trước”
Sau khi rà soát các KCN có ngành điện tử, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký Văn bản số 537/UBND-DA ngày 23/2/2021 “kêu” với bộ, ngành liên quan. Theo đó, việc tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp điện tử đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, TP.HCM hiện có 89 dự án điện tử trong các KCN-KCX, sử dụng hơn 326 ha đất (gồm 39 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 3.734,61 tỷ đồng, 50 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 5.058,62 triệu USD, chủ yếu thuộc các tập đoàn đa quốc gia như Công ty TNHH Sản Xuất First Solar Việt Nam; Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam; Công ty TNHH Pepperl + Fuchs Việt Nam; Công ty TNHH Điện tử Samsung HCM CE Complex…).
Ông Võ Văn Hoan cho hay, theo quy định, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu, thì mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Dù tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn khó đáp ứng để được hưởng ưu đãi.
Trong khi đó, Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 20/3/2019 của Chính phủ quy định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa hướng dẫn các nội dung về mức hỗ trợ cụ thể, quy trình và thủ tục thực hiện đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ưu tiên xác lập quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng miễn phí máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ…
Với doanh nghiệp công nghệ cao cũng vậy. Theo Điều 18, Luật Công nghệ cao năm 2008, doanh nghiệp này phải hoạt động ít nhất 3 năm để có thể đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định. Trong khi đó, thời gian bắt đầu hoạt động lại là thời gian doanh nghiệp cần được hỗ trợ như vốn, hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đổi với máy móc thiết bị.
“Hồi tố” thuế và nguy cơ khiếu kiện từ các doanh nghiệp FDI
Theo Hepza, từ năm 2008 đến nay, phí duy tu, tái tạo hạ tầng KCX, KCN được thực hiện ổn định theo Quyết định số 43/2008/QĐ-BTC ngày 25/6/2008 của Bộ Tài chính về quy chế thu và sử dụng phí duy tu, tái tạo hạ tầng các KCX, KCN TP.HCM. Theo đó, phí duy tu dược quản lý riêng theo cơ chế chuyên thu, chuyên chi và không xem là doanh thu của công ty kinh doanh hạ tầng. Việc thu và sử dụng phí duy tu phải được kiểm toán và chịu sự giám sát của ban quản lý KCN-KCX.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 42/2008/QĐ-BTC ngày 25/6/2008 ban hành quy chế tự chủ kinh phí hoạt động của ban quản lý KCN-KCX. Theo đó, nguồn thu chủ yếu của ban này do các công ty kinh doanh hạ tầng trích nộp từ phí duy tu, tái tạo hạ tầng cơ sở, qua đó, giúp ban tự đảm bảo được kinh phí chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ các doanh nghiệp, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước; đồng thời tăng thu nhập cho công chức, người lao động.
Tuy nhiên, ngày 3/4/2019, Bộ Tài chính có Công văn số 3988/BTC-CST đề nghị UBND TP.HCM đề xuất bãi bỏ 2 quyết định nêu trên, đồng thời hướng dẫn các KCN, KCX thực hiện thu tiền sử dụng dịch vụ hạ tầng theo quy định pháp luật về giá.
Tới ngày 18/3/2019, Tổng cục Thuế có Công văn số 893/TCT-CS gửi Cục Thuế TP.HCM, nêu: “Kể từ ngày 1/1/2017, khoản thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng từ các doanh nghiệp trong KCN, KCX không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội XIII, mà chuyển sang cơ chế giá theo quy định pháp luật và thuộc đối tượng điều chỉnh của luật thuế”.
Ngày 3/4/2019, Cục Thuế TP.HCM có Công văn số 3144/CT-TTHT (về chính sách thuế, hóa đơn, chứng từ khoản thu duy tu hạ tầng KCN), đã căn cứ hướng dẫn nêu trên của Tổng cục Thuế để thanh tra thuế giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019 và xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với công ty kinh doanh hạ tầng và nhà đầu tư trong KCX – KCN.
“Điều này gây bức xúc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các hiệp hội doanh nghiệp khu vực các nước có đầu tư vào KCX-KCN của Thành phố, Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM và có khả năng dẫn đến việc khiếu nại của nhà đầu tư do đây không phải là lỗi của doanh nghiệp, mà do văn bản pháp luật không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước”, Hepza đã kêu cứu như vậy tới lãnh đạo UBND TP.HCM.
Về phía các công ty kinh doanh hạ tầng, Hepza cho rằng, nếu phí duy tu, tái tạo hạ tầng KCX, KCN chuyển sang cơ chế giá, thì các doanh nghiệp này buộc phải hạch toán vào doanh thu, kết chuyển vào kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh và phân phối lợi nhuận hàng năm.
Theo Hepza, qua thời gian sử dụng, hạ tầng ngày càng xuống cấp, nhu cầu duy tu, tái tạo ngày càng tăng. Nguồn kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng lại lệ thuộc vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của công ty kinh doanh hạ tầng, khó có thể đảm bảo hạ tầng luôn trong tình trạng tốt phục vụ các nhà đầu tư. Trường hợp công ty kinh doanh hạ tầng phá sản, Nhà nước sẽ phải thực hiện việc duy tu hạ tầng để phục vụ nhà đầu tư, gây gánh nặng cho ngân sách.
Vướng mắc trên đã được gửi tới UBND TP.HCM đề xuất Thành phố có kiến nghị tới Bộ Tài chính về hướng giải quyết. Song tới nay, Hepza vẫn phải tiếp tục nhắc lại những bức xúc và kiến nghị cũ.
Theo Hepza, quỹ đất thu hút đầu tư vào KCX, KCN ngày càng thu hẹp. Các KCN hiện hữu đang dần lấp đầy. Trong khi đó, các KCN mới đã thành lập nhưng chậm triển khai (như Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng) do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất triển khai dự án. Các KCN đã có trong danh mục quy hoạch KCN TP.HCM, nhưng chậm được thành lập (như KCN Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước giai đoạn 3, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng và Phước Hiệp). Khả năng phát triển thêm các KCN khác ngoài quy hoạch hiện gặp nhiều khó khăn về thủ tục và thời gian.
Còn tiếp)
***
Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp – Bài 4: Virus trì trệ nguy hiểm không kém “virus Covid-19”
Ngô Nguyên – 02/04/2021 15:15
Mổ xẻ tình trạng lãng phí ngàn tỷ, xóa xổ cơ hội đầu tư trong khu công nghiệp, đại diện Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM thốt lên: “virus của sự trì trệ nguy hiểm không kém virus Covid-19”.
Nhiều khu công nghiệp liên tiếp được cấp phép và mở rộng để đón sẵn cơ hội từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu. TP.HCM luôn là địa chỉ đỏ để nhà đầu tư cập bến, song do những vướng víu trong quản lý đất đai, cùng mâu thuẫn trong quy định pháp lý, nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM đang “đứng hình”, chủ đầu tư không thể kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp thuê đất bị tê liệt sản xuất. Đây là sự lãng phí rất lớn cơ hội để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.
Thủ tục hành chính đang khiến nhiều doanh nghiệp trong KCN tại TP.HCM khốn khổ. Ảnh: Lê Toàn |
Cơ hội và nghịch lý
Tác động của tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Savills Việt Nam (một doanh nghiệp tư vấn bất động sản lớn) nhận định, đại dịch kéo dài sẽ tiếp tục là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc và KCN, khu chế xuất (KCX) Việt Nam trở thành điểm đến sáng giá. Các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Cả Ban Quản lý các KCN-KCX TP.HCM (Hepza) và Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM (HBA) đều nhận định, đây là cơ hội vàng cho việc thu hút đầu tư vào KCN-KCX cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Điều đáng tiếc, theo Hepza, hiện TP.HCM không có nguồn cung mới về KCN, KCX. Tổng số KCN của TP.HCM vẫn giữ nguyên là 17 khu, cung cấp gần 4.000 ha đất công nghiệp cho thuê và không đủ cung cho các nhà đầu tư.
“Vậy nên, rất nghịch lý khi ở KCN Tây Bắc – Củ Chi, doanh nghiệp đã đền bù, giải tỏa và có đất sạch 60/67 ha, nhưng hồ sơ xin sổ đỏ cả năm nay vẫn chưa được hồi âm. KCN Hiệp Phước 2 có gần 200 ha đất sạch để xây dựng nhà máy, nhưng vẫn đóng băng, không làm được thủ tục cho nhà đầu tư thuê do vướng vấn đề trả tiền thuế đất một lần. Đất sạch tại KCN Lê Minh Xuân II và nhiều thửa đất sạch ở KCN Tân Phú Trung cũng không được làm sổ đỏ và doanh nghiệp không được hồi âm, giải đáp. Để như vậy, thì không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp đã vào trong KCN, mà còn khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại”, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA nói. Theo thống kê của HBA, UBND TP.HCM quy hoạch tổng diện tích khoảng 5.900 ha cho các KCN, nhưng hiện còn 2.400 ha.
Phải diệt virus trì trệ
Theo ông Nguyễn Văn Bé, mọi thủ tục về đất đai liên quan đến Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đều kéo dài, ách tắc, trước hết là ở Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM. Nhưng không chỉ đất đai, mà hiện các thủ tục về giấy phép đầu tư, môi trường, thủ tục lao động… cũng kéo dài quá lâu. “Virus Covid-19” cực kỳ nguy hiểm, nhưng Thủ tướng Chính Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn có loại virus nguy hiểm không kém, đó là virus của sự trì trệ. Hiện nay ở TP.HCM, về thủ tục hành chính, ban này ban kia, sở này sở nọ đang tạo ra sự trì trệ rất lớn.
“Vì thế, dù mở rộng đường để thu hút đầu tư, nhưng với cơ chế đầy rẫy thủ tục hiện nay, doanh nghiệp đang chạy lòng vòng. Tôi đã nói thẳng như vậy tại Hội nghị Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố năm 2021 hồi giữa tháng 3/2021”, ông Nguyễn Văn Bé vẫn còn bức xúc khi trao đổi với chúng tôi về gốc rễ của việc để lãng phí đất vàng KCN và bức xúc của doanh nghiệp trong KCN-KCX mà Báo Đầu tư phản ánh.
Liên quan vấn đề này, không chỉ ông Nguyễn Văn Bé, tại hội nghị nêu trên, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng cho rằng, các thủ tục liên quan đến KCN đều chậm khiến không ít nhà đầu tư chuyển sang các địa phương khác bởi nhanh và rẻ hơn. “Tôi biết có rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào KCN Hiệp Phước do KCN nằm gần đường cao tốc, nhưng thủ tục kéo dài quá lâu so với thời gian làm hồ sơ tại Long An, Đồng Nai, nên họ chuyển đi”, ông Trần Việt Anh thẳng thắn.
Còn đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông (HKBAV) nhận xét, TP.HCM chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài như mong đợi do rào cản về quy trình thủ tục xin cấp phép xây dựng, tình trạng ngập nước, giao thông ách tắc, nhiều dự án chậm trễ. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, kéo dài trong các thủ tục về thuế, đất đai, xin giấy phép lao động, cấp visa cho người nước ngoài…
Giải pháp?
Ngoài “diệt virus trì trệ”, theo HBA, việc cần phải làm ngay liên quan đến cách tính giá đất. Luật giao cho địa phương được quyết định giá đất KCN-KCX theo nguyên tắc giá thị trường với 4 cách tính: theo giá đất liền kề; theo giá đất trục lộ chính đi ngang KCN; theo hệ số K; theo cộng lợi nhuận (tức tính hết chi phí KCN rồi cộng thêm 15% ra giá thành đất KCN).
“Tính kiểu gì thì giá cũng “đội lên trời”. Một KCN liền kề Khu đô thị Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, đất sản xuất mà tính giá bằng đất “vàng” đô thị thì “chết” rồi. Đó là chưa nói “giá thị trường” là rất mơ hồ. Giá đất thị trường biến động, năm nay khác, năm sau khác, không thể ổn định để nhà đầu tư tính giá thành. Trước đây có quy định 5 năm cho điều chỉnh giá một lần, nhà đầu tư biết trước để tiên liệu, xác định giá thành mà xây dựng nhà máy, tức có tính ổn định cao. Giá đất đối với KCN là vấn đề cần được xem xét giải quyết ngay”, ông Nguyễn Văn Bé kiến nghị.
Trước quy trình thủ tục hành chính lê thê, phức tạp của cơ quan quản lý nhà nước, Hepza đề xuất tăng cường tạo cơ chế một cửa cho ban quản lý các KCN-KCX bằng việc phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ quản lý nhà nước ở lĩnh vực môi trường và quy hoạch.
Cụ thể, với môi trường, Hepza được quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Với quy hoạch, Hepza sẽ được quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trong KCN, nhưng không làm thay đổi cơ cấu quy hoạch; phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án trong KCN thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo pháp luật về xây dựng.
Trong góc nhìn của mình, ông Nguyễn Văn Bé cho rằng, ủy quyền vậy chưa căn cơ. Lâu dài, bền vững là nên hình thành luật riêng cho KCX, KCN, khu kinh tế, khi đó sẽ giải quyết được mọi chuyện, bảo vệ được lợi ích doanh nghiệp trong KCN.
Tóm tắt 10 nhóm giải pháp được TP.HCM đề ra năm 2021 nhằm cải thiện môi trường đầu tư
1/ Công khai, minh bạch quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị; đôn đốc việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn; sử dụng hóa đơn điện tử và tích hợp thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ giữa chính quyền thành phố với hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
2/ Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn Thành phố. Thành phố sẽ tập trung ban hành các cơ chế phối hợp trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư; quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất; tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép; xây dựng, triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistic và Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3/ Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn; ban hành khung giá đất sát với thực tế thị trường; triển khai các công việc nhằm hoàn thiện các quy định làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử về đất đai….
4/ Ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025; tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, nộp thuế thu nhập cá nhân trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản phẩm; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung về quản lý doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố…
5/ Ban hành quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BTL/BLT cho các dự án đốt rác phát điện, xử lý rác thải, nước thải hay quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP sau khi các Nghị định hướng dẫn Luật được ban hành; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; trình HĐND Thành phố phê duyệt Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025…
6/ Công khai nội dung của các đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành; thực hiện các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức…
7/ Tập trung triển khai Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành (công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hoá; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị) giai đoạn 2020 – 2035 và đại học chia sẻ; có cơ chế chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi về làm việc tại Thành phố; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động; khuyến khích đầu tư và hợp tác của các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề với quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo…
8/ Sẽ đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn; thực hiện hiệu quả quy định về hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp…
9/ Hoàn thiện thiết chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị – xã hội…
10/ Khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất – kinh doanh, lấy lại đà phát triển cho Thành phố.