Nhức nhối thế độc quyền của thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi

Báo Đầu tưHà Tâm – 11/03/2015 08:01

 Không chỉ thâu tóm gần 70% thị phần thức ăn chăn nuôi với giá cao hơn 20% so với khu vực, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thống trị cả ngành chăn nuôi với mô hình khép kín. Làm thế nào để phá thế độc quyền của các DN này đang là mối quan tâm hàng đầu của DN nội và cơ quan quản lý.

Nhức nhối thế độc quyền của thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi
Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nên doanh nghiệp nội chưa thể lấy lại thị phần trong một sớm, một chiều

Số liệu từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho thấy, hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 là của các liên doanh và DN FDI. Số nhà máy liên doanh và FDI không nhiều, song công suất lớn, sản lượng cao, chiếm thị phần lớn hơn nhiều so với DN trong nước. Chỉ tính riêng hai công ty là CP và Cargill đã chiếm gần 30% thị phần thức ăn chăn nuôi.

Nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp cũng cho thấy, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số ít DN FDI. Các DN này đã tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước. Đây chính là lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cao hơn 20% so với khu vực và khiến giá sản phẩm chăn nuôi Việt Nam khó cạnh tranh không chỉ ở khu vực, mà còn ngay ở thị trường trong nước.

“Sốt ruột” trước tình trạng trên, Bộ Công thương vừa có báo cáo về vấn đề trên và hối thúc DN nội cần có giải pháp phá vỡ thế độc quyền của các DN nước ngoài.

Trên thực tế, khuyến cáo của Bộ Công thương không phải là mới. Nhiều năm nay, sự thâu tóm hầu như toàn bộ thị trường thức ăn chăn nuôi của DN ngoại luôn khiến người chăn nuôi và DN trong nước đau đầu. Trước đó, nhiều cảnh báo tương tự đã được đưa ra khi người chăn nuôi ngày càng đuối sức do DN sản xuất thức ăn chăn nuôi FDI độc quyền, làm giá… 

Trả lời chất vấn của DN về vấn đề trên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thừa nhận thực tế DN FDI chiếm thị phần chủ yếu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, Bộ khẳng định, chủ trương của Nhà nước là tạo môi trường cạnh tranh, không cho DN nào độc quyền, nhóm DN nào chi phối làm ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân.

Thực tế, dù chưa có DN FDI nào bị xử phạt vì độc quyền làm giá trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, song với những gì diễn ra hiện nay, sự độc quyền không còn là câu hỏi. Đi kèm với đó là lợi ích của người nông dân, cũng như DN chăn nuôi bị đe dọa.

Đáng lo là, không chỉ chi phối lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, các DN FDI còn thống trị cả lĩnh vực con giống, thuốc thú y, giết mổ đến phân phối sản phẩm thịt. Hiện nhiều DN FDI đang bước tiếp mô hình của Tập đoàn CP áp dụng tại Việt Nam: ban đầu là sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiếp theo là cung cấp con giống, phát triển các trang trại vệ tinh, cuối cùng là giết mổ và đưa sản phẩm thịt ra thị trường. Trong chuỗi khép kín đó, nông dân, kể cả DN Việt Nam, hoàn toàn là người làm thuê.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, DN FDI chi phối thị phần càng lớn, thì thiệt hại với kinh tế Việt Nam càng nhiều. Tổng giá trị thị trường chăn nuôi Việt Nam ước trên dưới 8 tỷ USD. Trong đó, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tới hơn 2/3 giá trị thị trường (riêng nhập khẩu nguyên liệu mỗi năm đã vào khoảng 3 tỷ USD) và luôn tăng hàng năm, dù giá thế giới có giảm. Với mức giá cao hơn khu vực khoảng 20%, ước tính nền kinh tế mỗi năm bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, do phải chịu chi phí thức ăn chăn nuôi cao, DN và người nông dân chăn nuôi trong nước đang bị dồn vào chỗ phá sản khi buộc phải trả chi phí đầu vào cao, song lại sản phẩm với giá rẻ, mà vẫn không thể cạnh tranh được do chi phí sản xuất của các DN FDI và của các nước trong khu vực rẻ hơn. Vì vậy, nếu không khẩn trương phá vỡ thế độc quyền của DN FDI trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chắc chắn, số trang trại đóng cửa sẽ ngày càng nhiều. 

Hy vọng mới để phá thế độc quyền của DN thức ăn chăn nuôi ngoại là ngày càng nhiều DN trong nước tham gia thị trường này, đơn cử là Tập đoàn Hòa Phát, Masan, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Thủy sản Hùng Vương… Tuy nhiên, do phụ thuộc hầu như toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, đối thủ lại quá mạnh, nên các DN nội chưa thể lấy lại thị phần trong một sớm, một chiều.

Bên cạnh sự nỗ lực của các DN nội trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngành chăn nuôi đang cần được sự tiếp sức nhiều hơn nữa từ Chính phủ, bởi các chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi thời gian qua chưa mấy hiệu quả, nhất là với chăn nuôi nông hộ. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần có giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất giống trong nước, quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh cho cả nước; kiểm soát nhập lậu sản phẩm thịt qua biên giới theo đường tiểu ngạch; siết chặt kiểm soát vệ sinh môi trường thuốc và dịch vụ thú y…

Hà Tâm

2 bình luận về “Nhức nhối thế độc quyền của thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi

  1. Có mấy điểm ở đây, đọc bài này vẫn chưa hiểu các cty FDI đang làm gì để bị coi là độc quyền trong ngành này. Trong bài nói các công ty này “làm gì” tức là sao?

    Các cty FDI có làm giá, có phạm luật chống độc quyền của VN hay không thì cần điều tra làm rõ, nếu không có bằng chứng thì nó đó chỉ là cạnh tranh tự nhiên của kinh tế thị trường. Và cuộc cạnh tranh này là khốc liệt đang xảy ra trong mọi ngành và đương nhiên có người phải thua, không chỉ có thức ăn chăn nuôi. Cơ quan quản lý, nhà nước là nơi quản lý bằng luật chống độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch lành mạnh chứ đừng nhúng tay vô điều tiết bóp méo thị trường

    Tất nhiên quốc gia nào cũng có cách thức, và luật để tìm cách bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, nhưng nếu không làm đúng, VN có thể bị quy kết và bị kiện lại là bảo hộ và độc quyền cho các công ty nội địa.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s