Những ngày Hoàng Sa ở Thọ Quang

***

‘Ông chủ tịch’ không lương

02/07/2018 16:08 GMT+7

TTO – Có lẽ là người duy nhất trong số các chủ tịch hội nghề cá trên cả nước không là người ở chốn quan trường, ông là người dám nói dám làm và vô cùng “tình cảm” với những rủi ro, mất mát cũng như nỗi đau của ngư dân trên biển.

Ông chủ tịch không lương - Ảnh 1.
Ông Trần Văn Lĩnh trả lời báo đài tại cảng Thọ Quang trong một lần tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tàu Trung Quốc đâm tàu mình thì tui chỉ đích danh Trung Quốc chứ không có khái niệm tàu lạ

Ông TRẦN VĂN LĨNH

Trong số các chủ tịch hội nghề cá trên cả nước, có lẽ chỉ duy nhất ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, không phải là người ở chốn quan trường.

Nhưng cũng chính nhờ “lợi thế” này mà những hành động, phát ngôn liên quan đến tình hình ngư nghiệp của ông lúc nào cũng đậm chất ngư dân, đầy quyết liệt và máu lửa.

Ông là chủ tịch hội đồng quản trị của một trong các công ty nằm trong top 20 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu Việt Nam.

“Tui không nói thì ai lên tiếng?”

Những ai mới lần đầu ngồi trò chuyện về nghề biển với ông Lĩnh cũng sẽ ấn tượng ngay là ông nói rất dài và rất hăng.

“Tôi sinh ra ở làng biển, thời ông ngoại rồi đến ông già tôi đều theo nghề biển. Thời đó Đà Nẵng còn là một thị cảng nghèo nhưng ông ngoại tôi đã có hai tàu khai thác và xưởng chế biến cá và nước mắm.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cái duyên biển vận theo mình luôn, quanh quẩn rồi cũng quay về với cá mú” – ông Lĩnh nói.

Nhắc đến ông Lĩnh, nhiều người chưa quên độ “máu lửa” trong các phát biểu liên quan đến giàn khoan 981, các vụ tàu cá bị đâm va, chính sách “tàu 76″…

Ông từng ra cảng “ăn nằm tại chỗ” động viên ngư dân vững tâm ra khơi trên vùng biển mà giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt trái phép.

Còn nhớ trong những trường hợp tàu cá ở Thọ Quang bị tàu Trung Quốc đâm va, ông Lĩnh là người có mặt rất sớm trên cảng cá để cung cấp các thông tin nóng cho mọi người.

Cánh phóng viên nào cần thông tin gấp phục vụ tòa soạn thì dù có khuya đến mấy ông cũng bắt máy. Ông cho biết tường tận số tàu, ngư dân, quê quán…

“Đó cũng là lý do nhiều người thích tôi. Mấy anh làm chính quyền phát biểu thì còn ngại tổ chức chứ tôi thì nói thật, nói thẳng chẳng sợ gì. Trung Quốc đâm tàu mình thì tui chỉ đích danh Trung Quốc chứ không có khái niệm “tàu lạ”.

Tôi là đại diện của ngư dân, vừa là đại biểu HĐND. Hai vai hai gánh trách nhiệm, tôi không gióng lên tiếng nói thì còn chờ ai nữa. Nói lên sự thật, bức xúc của ngư dân, nói ra những hiểu biết của mình thì chẳng có gì phải ngại” – người đàn ông 64 tuổi điềm nhiên nói.

Theo ông Lĩnh, thời buổi “thiên tai địch họa” như hiện nay, mỗi ngư dân dám vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền chính là những anh hùng.

Nhưng hiện nay họ đang đối mặt với hai thách thức lớn nhất là giá cá biến động và hành động quấy phá ngày càng nhiều của Trung Quốc trên Biển Đông.

Với những việc như vụ đóng tàu cá theo “nghị định 67” ở miền Trung phải nằm bờ, ngư dân lâm nợ thì ông Lĩnh cho đó là tội ác. Bởi theo ông, ngư dân đã được ví như những cột mốc sống trên biển thì sự tắc trách với ngư dân cũng đồng nghĩa có tội với non sông đất nước.

“Tôi có dịp đi các cảng trên thế giới thì thấy mình rất lạc hậu. Từ tàu thuyền cho đến phương thức đánh bắt, rồi kiến thức ngư dân…

Nhà nước phải đổ ra một khoản tiền cực lớn làm chính sách hỗ trợ ngư dân để hiện đại hóa tàu thuyền vươn khơi nhưng lại không được như ý muốn thì cần phải nghiêm khắc xem lại” – ông Lĩnh nói, mắt nhìn thẳng vào các con tàu to xác nằm bờ.

Ông chủ tịch không lương - Ảnh 3.

Chân dung ông Trần Văn Lĩnh – Ảnh: TR.TRUNG

Vì những nỗi đau trên biển

Là người làm nghề thủy sản, ông Lĩnh đương nhiên lo lắng về sự việc Liên minh châu Âu “rút thẻ vàng” với hải sản Việt Nam mới đây. Theo ông Lĩnh, lâu nay chúng ta đã nói nhiều đến phát triển, khai thác biển bền vững nhưng thực tế chưa đi đôi với lời nói.

Trong những lần sinh hoạt với ngư dân, ông Lĩnh chú tâm về chuyện định hướng khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Đương nhiên ông rất ghét tập tính của ngư dân miền Trung là khai thác ồ ạt, thích bắt con gì trên biển cứ bắt.

Nhưng ngược lại, ông là người vô cùng “tình cảm” với những rủi ro và nỗi đau trên biển của họ. Nhờ uy tín của ông một phần mà có thời điểm Hội Nghề cá TP Đà Nẵng vận động được tới 5 tỉ đồng giúp đỡ bà con ngư dân.

Chứng kiến nhiều lần ngư dân trở về tay trắng vì tàu bị đâm va, cắt lưới hoặc tai nạn do ảnh hưởng thời tiết, ông Lĩnh luôn là người có mặt sớm nhất bên ngư dân. Nhiều bận ông còn “rủ rê” chính quyền, nhà hảo tâm cùng đến động viên ngư dân sau những rủi ro trên biển.

“Không có nghề nào vất vả như ngư dân. Theo thuyền ra khơi “biển giả”, thiên tai đến mức “mất cả chì lẫn chài” cũng không nói hết được cực khổ của họ.

Đừng nói đến lời lỗ, chỉ một cơn bão như Chanchu quét qua thì có khi trai tráng, tàu thuyền của cả một làng mất xác ngoài biển. Như ở làng Hà Khê tôi ngày trước bão biển khiến ngư dân chết nhiều đến mức 26-3 âm lịch phải tổ chức “giỗ chùm”.

Phụ nữ trong làng ra vè “thà nằm đất với mụ bán lươn còn hơn nằm giường với anh bán cá” là vậy” – ông Lĩnh nói.

Là hội nghề nghiệp có đặc thù mà hội viên quanh năm đi biển, đương nhiên ngư dân không phải đóng phí. Và tất nhiên ông hội trưởng phải “vác tù và hàng tổng”, làm việc mà không có đồng lương.

Ông Nguyễn Lại, tổng thư ký Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho biết kinh phí hoạt động của hội chủ yếu nhờ vận động quyên góp và anh em trong hội tự nguyện bỏ tiền ra. Trong đó có phần đóng thường xuyên từ doanh nghiệp của ông Lĩnh.

Ông chủ tịch không lương - Ảnh 4.

Ông Lĩnh (giữa) đến nhà động viên giúp đỡ một ngư dân có tàu gặp nạn trên biển – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Mát lòng

Ngư dân Ngô Văn Mai (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có tàu ĐNa 09448 từng bị chìm trên biển sau khi vào bờ được nhận hỗ trợ 7 triệu đồng để trang trải cuộc sống sau khi tay trắng.

Anh nhận xét: “Chú Lĩnh không trực tiếp ra khơi nhưng tình hình trên biển thì cập nhật rất nhanh nên ngư dân mấy tỉnh miền Trung ai cũng biết và nể chú. Nhất là mỗi khi tàu cá của ngư dân bị tàu lạ đâm, gọi đến chú đều sẵn sàng hỗ trợ.

Bọn tôi làm vất vả nhưng vì cái ăn cái học hạn chế nên có người đại diện như chú cảm thấy mát lòng”.

>> Kỳ tới: Những ngày Hoàng Sa ở Thọ Quang

TRƯỜNG TRUNG
***

Những ngày Hoàng Sa ở Thọ Quang

03/07/2018 16:02 GMT+7

TTO – Đó là thời điểm sục sôi mùa hè năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD-981 trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Có những ngày cả nghìn tàu ở Thọ Quang cùng một hướng trực chỉ Hoàng Sa.

Những ngày Hoàng Sa ở Thọ Quang - Ảnh 1.

Tàu cá của ngư dân ở Thọ Quang treo khẩu hiệu hòa bình bằng tiếng Trung Quốc, thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép – Ảnh: HỮU KHÁ

Với ngư dân bọn tôi, lần đầu tiên ra khơi mà chuyện cá mú lại trở thành thứ yếu. Ai cũng ý thức được trọng trách khẳng định chủ quyền đặt trên vai mình

Ngư dân LÊ VĂN LỢI

Tất cả cùng hăng hái lao vào vùng biển nóng để đánh bắt, giương cao ngọn cờ khẳng định chủ quyền.

Mùa biển nóng bỏng

Đứng trêntàu đang nằm chờ ăn nước đá ở Thọ Quang, lão ngư Lê Văn Lợi (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chầm chậm phóng tầm mắt ôm trọn cảng cá rồi nhớ lại những ngày này cách đây bốn năm:

“Đời đi biển, tôi chưa bao giờ thấy căng thẳng như đợt đó. Tàu kiểm ngư, cảnh sát biển liên tục bị tàu Trung Quốc đâm va đã đậu kín cầu cảng này chờ sửa chữa. Với ngư dân bọn tôi, lần đầu tiên ra khơi mà chuyện cá mú lại trở thành thứ yếu. Ai cũng ý thức được trọng trách khẳng định chủ quyền đặt trên vai mình”.

Trong ký ức của những người có dịp ở Thọ Quang thời điểm ấy, đó là những ngày cờ đỏ, cờ xanh bay phần phật kín vùng mặt nước vịnh Đà Nẵng.

Với ông Lợi, đó là lần đầu tiên tàu ông ra khơi với lá cờ xanh có in dòng chữ “Việt Nam hòa bình” cùng đôi chim hải âu vỗ cánh bay trên sóng biển phấp phới mong muốn thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình.

Những ngày ấy, cả nước hướng về vùng nước nóng bỏng này. Từ đây hàng chục con tàu của lực lượng chức năng gồm các biên đội tàu kiểm ngư, cảnh sát biển lên đường làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan.

Cùng với đó là đội tàu cá hùng hậu của các tỉnh miền Trung hừng hực khí thế ra khơi đánh bắt như một lời khẳng định sẽ không chùn bước trong công cuộc khẳng định chủ quyền trên biển. Nhiều thời điểm đoàn thuyền lũ lượt ra khơi làm thành một vệt dài trên con nước.

Mọi khi vừa ra khỏi vịnh Đà Nẵng, tàu của ngư dân Võ Văn Nhi (Quảng Ngãi) lại “bẻ kim 45 độ hướng bắc” lên vịnh Bắc Bộ, nhưng đợt ấy cũng như đa số ngư dân ở Thọ Quang, tàu anh Nhi thay đổi đường đi để góp mặt trên vùng khai thác cá ở bắc Hoàng Sa.

Anh em đi tàu cá nào cũng muốn qua đó xem “mồm ngang mũi dọc” của giàn khoan Trung Quốc thế nào. Vậy mà hai lần góp mặt trong “trận chiến” bảo vệ chủ quyền tháng 5 và 6-2014, những ngư dân mới chỉ được nhìn thấy chóp đỉnh giàn khoan bởi sự truy đuổi ráo riết của đội tàu Trung Quốc bảo vệ vòng ngoài.

Với anh Nhi, vẫn còn đó những phút giây ám ảnh mãi cho đến nay khi chứng kiến cảnh tượng các con tàu sắt lớn của cảnh sát biển, kiểm ngư bị đâm va trở về trong trình trạng “thương tích”. Nhưng đó cũng là thời điểm hiếm để anh chứng kiến đủ loại tàu bè trong nước nhộn nhịp trên ngư trường Hoàng Sa.

“Nếu nói mọi người ra khơi lúc đó không sợ là không đúng. Nhưng anh em không ai có ý định chùn bước vì còn đó bà con mình trên biển và hơn hết là mình tin vào quyền và công lý của dân mình” – anh Nhi giãi bày.

Những ngày Hoàng Sa ở Thọ Quang - Ảnh 3.

Tàu cá ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Đà Nẵng) bị đâm chìm được đưa về cảng Thọ Quang – Ảnh: TR.TRUNG

Chứng tích can trường

Khi nhắc đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981, mọi người đều nhớ ngay tới con tàu ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bị đâm chìm khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa ngày 26-5-2014.

Đã bốn năm từ cái ngày kinh hoàng ấy, con tàu ra đi từ Thọ Quang nay lại trở về “yên nghỉ” đúng nơi xuất phát.

Tại thời điểm sục sôi ấy, người ta ví mỗi chiếc tàu tiến ra khơi là một cột mốc sống của chủ quyền Việt Nam trên biển. Bến Thọ Quang nhộn nhịp hơn hẳn khi những tàu cá ra khơi được đông đảo vợ con và người thân ngư dân đến động viên.

Mỗi con tàu trở về, bà con xúm lại chia sẻ. Câu hỏi cửa miệng lúc bấy giờ là “có đụng tàu Trung Quốc hay không?”.

Và rồi khi con tàu ĐNa 90152 TS được kéo về Thọ Quang, mọi con mắt xót thương, giận dữ đều đổ dồn lên phần cabin còn nổi trên mặt nước.

Bà Hoa khóc nức nở với khối tài sản hàng tỉ đồng của mình. Quanh đó là tiếng khóc thút thít của những người phụ nữ khác có chồng, con đang tham gia đánh bắt trong vùng biển hạ đặt giàn khoan phi pháp mà chưa trở về lại cảng.

“Đến bây giờ nhìn lại tôi vẫn thấy biết ơn những người trên bến cảng Thọ Quang hôm nào. Đi qua tàu cá nào cũng nhận được những ánh mắt căm phẫn nhưng khích lệ của anh em ngư dân. Đời của họ ra khơi chỉ mong mang cá tôm vào bờ chứ có ai muốn mang xác tàu vào bến đâu” – bà Hoa nhớ lại.

Những ngày Hoàng Sa ở Thọ Quang - Ảnh 4.

Chiếc tàu ĐNa 90152 TS

Khi chúng tôi tháp tùng đoàn phóng viên quốc tế đến ghi hình sự việc tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm, phóng viên Manabu Sasaki (báo Asahi Shimbun, Nhật Bản) đã nói rằng đây là giây phút can trường và xúc động nhất ở cảng cá này.

Là người trực tiếp chứng kiến các tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào các tàu Việt Nam trên biển, anh Manabu Sasaki cho rằng ngư dân ở đây rất dũng cảm khi dám ra khơi đánh bắt ở những điểm nóng.

Cũng theo anh Manabu, ở những nơi xảy ra tranh chấp trên biển của Nhật Bản với các nước khác, ngư dân được chính phủ khuyến khích hạn chế đánh bắt.

Giờ đây, con tàu biểu tượng cho sự can trường của ngư dân miền Trung đã được thay thế bằng một con tàu hơn 1.000 mã lực nhờ sự chung tay của những tấm lòng trong và ngoài nước.

Những người trên con tàu ĐNa 90152 TS năm nào lại mạnh mẽ bẻ lái vươn khơi ra vùng biển quê nhà.

Trưng dụng đất để trưng bày tàu ĐNa 90152 TS

Ông Lê Phú Nguyện, chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), cho biết dự định ban đầu của thành phố là đưa con tàu ĐNa 90152 TS vào trưng bày khi có Nhà trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa) xem như là một chứng tích cho quá trình đấu tranh giành lại Hoàng Sa.

Tuy nhiên do diện tích nhà trưng bày có hạn nên không thể trưng bày nguyên bản con tàu này tại đây được.

Tại buổi làm việc với Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng tháng 4-2018, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã thống nhất trưng dụng 500m2 đồn biên phòng quận Sơn Trà (cạnh Nhà trưng bày Hoàng Sa) để làm nơi trưng bày con tàu lịch sử này.

>> Kỳ tới: Thế hệ tàu cá ngàn mã lực

TRƯỜNG TRUNG
***

Thế hệ tàu ngàn mã lực ở Thọ Quang

04/07/2018 16:29 GMT+7

TTO – Cùng với nghị định 67 cho vay vốn đóng tàu, Đà Nẵng cũng “ra riêng” quyết định khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày. Nhờ vậy, thời gian qua tại Thọ Quang đã hình thành đội tàu ngàn mã lực cho hiệu quả kinh tế cao.

Thế hệ tàu ngàn mã lực ở Thọ Quang - Ảnh 1.

Ngư dân Nguyễn Sương trên con tàu hiện đại của mình – Ảnh: TR.TRUNG

Tàu “lớp 1.000 CV”

Chúng tôi hẹn gặp Nguyễn Sương (trú quận Sơn Trà) tại cảng Thọ Quang sau chuyến đi biển dài ngày. Anh xuất hiện bất ngờ trong chiếc ôtô bán tải tự lái, ăn mặc tươm tất khiến ai nấy cảm giác đây là một doanh nhân hơn là một người quanh năm bám biển.

“Thỉnh thoảng mới ra khơi vì giờ việc trong bờ nhiều quá. Từ hồi mở công ty phải đi khắp các tỉnh tìm địa điểm mở cửa hàng” – anh Sương cho biết.

Rồi anh kéo mọi người cùng về công ty đóng gói thủy sản C.F.O của mình ngay bên bờ tây cảng giới thiệu những sản phẩm đóng gói, chuẩn bị xuất đi các nơi. Quê ở Quảng Ngãi, chuyển hẳn ra Đà Nẵng chưa tròn 10 năm nhưng anh Sương lại là người vô cùng nổi tiếng ở Thọ Quang.

Người ta biết đến anh một phần cũng nhờ đội tàu ngàn mã lực (CV) sau chiếc có giá trị gần 30 chục tỉ đồng mà anh đang sở hữu. Những lớp tàu cá của anh khi được hạ thủy đều là quán quân về công suất máy tại Đà Nẵng.

Có mặt trên rất nhiều tàu cá miền Trung, nhưng khi lên khoang điều khiển tàu cá ĐNa 90604, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những máy móc được trang bị trên tàu.

Ngoài máy tầm ngư thế hệ mới, máy định vị, rađa, tàu còn tích hợp đầy đủ các tính năng an toàn và thiết bị giải trí nghe nhìn như tivi, đầu máy, loa thùng, tủ lạnh…

Nhưng mấu chốt cho sự thành công ở con tàu này chính là khoang cấp đông được đầu tư theo công nghệ Thái Lan cho phép tàu bảo quản hải sản tươi ngon hơn so với thế hệ tàu trước đây.

Nhờ vậy những chuyến đi biển của tàu có thể kéo dài thời gian, thậm chí đi “xuyên trăng” mà không sợ đá tan, cá hỏng. Năng suất lao động và giá trị thương phẩm được nâng lên trông thấy.

Con tàu này khi hạ thủy năm 2014 có công suất máy 1.150 CV, dài 21m, rộng 6m, cao 3,8m, được xem là một trong những tàu cá công suất máy lớn nhất Đà Nẵng thời bấy giờ. Nhưng đây chưa phải là “cánh chim đầu đàn” của anh.

Nếu Thọ Quang không phải là vị trí “đất lành chim đậu” cho ngư nghiệp thì tôi có nằm mơ cũng không nghĩ mình có trong tay sáu con tàu

NGUYỄN SƯƠNG

Chiếc tàu ĐNa 90603 được hạ thủy mới đây chuyên phục vụ hậu cần nghề cá cũng có công suất tương tự nhưng dài tới dài 25m, rộng 6m, giá thành ngót nghét 10 tỉ đồng.

Một lần xuất bến, chiếc tàu chợ này đủ khả năng làm “hậu phương” cho 20 tàu cá không phải vào bờ tiếp nước và nhiên liệu. Anh Sương cho trang bị luôn máy móc làm sơ chế. Cá từ các tàu chuyển qua đây được tám lao động thực hiện hút chân không, đóng gói rồi cho vào tủ cấp đông bảo quản.

Do vậy hải sản trên tàu hậu cần về bờ là chuyển tới luôn các cửa hàng mà không cần qua thêm khâu nào. Mô hình “mua gốc bán ngọn”, bớt đi các khâu trung gian khiến anh trở thành một trong những người đi biển thành công nhất Đà Nẵng.

“Nếu Thọ Quang không phải là vị trí “đất lành chim đậu” cho ngư nghiệp, chính sách hỗ trợ đóng tàu không ra đời kịp thời thì tôi có nằm mơ cũng không nghĩ mình có trong tay sáu con tàu” – ngư dân kiêm giám đốc nói.

Dưới trướng vợ chồng anh Sương bây giờ là năm nhân viên có bằng đại học lo việc công ty trên bờ và gần 70 ngư dân dày kinh nghiệm trận mạc trên đại dương.

Thế hệ tàu ngàn mã lực ở Thọ Quang - Ảnh 3.

Nghề bắt lươn biển để làm giàu của Thái Vinh Nhơn – Ảnh: TR.TRUNG

Ra khơi không mang… lưới

Không mang theo lưới thì lấy ngư cụ gì để đánh bắt? Câu trả lời nằm ở ba con tàu bằng gỗ và sắt của gia đình ngư dân Thái Vinh Nhơn (33 tuổi). Những con tàu công suất từ 800-1.400 CV của anh Nhơn chỉ khác các tàu trên bến là không có lưới mà chứa hơn 2.000 chiếc bẫy lươn.

Vốn là một nhân viên ngành điện, nói tiếng Anh như “gió” nhưng một ngày cách đây ba năm anh bỏ ngang để… đi biển.

Anh giải thích: “Nhà tôi làm nghề buôn hải sản. Một thời gian dài bạn hàng liên tục hỏi về lươn biển, có bao nhiêu họ cũng gom. Ba tôi thu mua lươn của ngư dân nhưng ngư dân trong nước không ai làm nghề chuyên bắt lươn.

Có gom được cũng chỉ là những con lươn vô tình mắc vào tàu lưới cào nên chất lượng không ngon. Vì vậy, anh em tôi đánh liều đi học nghề này”.

Anh Nhơn cùng anh trai phải “cơm đùm gạo gói” sang Hàn Quốc học hỏi những tàu bẫy lươn ở đây. Kỹ thuật đánh bắt tương đối đơn giản, nhưng quan trọng là ngư cụ bẫy lươn trong nước chưa có.

Những chiếc lồng bẫy lươn anh Nhơn mang về có hình trụ gần 70cm với đường kính 25cm, có khoét lỗ phía đáy. Mồi là cá nục, loại thức ăn ưa thích để dụ lươn biển chui vào.

Tàu ra tới ngư trường, hàng ngàn chiếc lồng bẫy thả theo dây xuống nước với độ sâu từ 800-1.000m trong 1-2 ngày rồi kéo lên thuyền.

Khi kiến thức bắt lươn chín muồi cũng là lúc chiếc tàu đầu tiên của gia đình được đóng xong. Anh Nhơn háo hức cho tàu thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa.

Chuyến đi ấy anh kiếm được 1 tấn lươn to, đều màu. Những ngư dân xưa nay quen tay lưới giữa trùng khơi cũng phải trố mắt vì lần đầu chứng kiến cảnh hốt lươn của anh em Nhơn.

“Điểm mấu chốt của nghề này là phải đưa được lươn sống vào bờ. Lươn lôi lên khỏi biển phải lập tức thả vào bể nuôi trên tàu cho ngủ đông rồi mang vào bờ” – Nhơn nói.

Sau mỗi chuyến đi biển khoảng 15-20 ngày, trung bình mỗi tàu của Nhơn mang vào bờ 1-2 tấn lươn còn sống. Dù sản lượng khiêm tốn so với đánh bắt cá nhưng giá trị thương phẩm cao hơn gấp nhiều lần. Lươn được xuất tươi bằng máy bay sang Hàn, Nhật, Đài Loan.

Những đơn hàng tận thu của thị trường nước ngoài là lý do để anh Nhơn quyết định tiếp tục “chơi lớn” đóng mới con tàu thứ tư. Ngư dân câu lươn của anh được trả hơn 12 triệu đồng/tháng.

Các chính sách hỗ trợ ngư dân

Theo ông Trịnh Quang Vinh – phó trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, ngoài những chính sách hỗ trợ ngư dân, thành phố cũng bỏ tiền ra đào tạo miễn phí các lớp nâng cấp bằng lái để ngư dân có ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn hàng hải trên biển.

Nhờ vậy mà các tàu cá miền Trung vào Đà Nẵng ngày một đông. Đăng kiểm hằng năm cho thấy số lượng tàu ngoài tỉnh đến Đà Nẵng chiếm hơn 20%.

__________

Kỳ tới: Không đơn độc

TRƯỜNG TRUNG

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s