Ai đang “chia chác” hồ Đại Lải? – 3 bài

***

Ai đang “chia chác” hồ Đại Lải?: Đua tranh lấn chiếm ‘hòn ngọc giữa thiên nhiên’

24/09/2018, 08:41 (GMT+7) Trên địa giới hành chính, hồ Đại Lải hiện thuộc quản lý của xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ngay cả những cơ quan quản lý cũng không thể nắm rõ diện tích chính xác của hồ còn lại bao nhiêu?

Từ năm 1959, hàng triệu ngày công của lực lượng chủ yếu là thanh niên xung phong đã biến hồ Đại Lải trở thành hồ nhân tạo lớn hàng đầu miền Bắc để phục vụ mục đích sản xuất. Hồ Đại Lải trở thành công trình biểu tượng lao động của con người. Tuy nhiên, kể từ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc qui hoạch thêm mục đích du lịch, dịch vụ, hàng loạt dự án đổ bộ, xâm lấn đang biến “hòn ngọc giữa thiên nhiên” trở thành “chiếc bánh” vô cùng hấp dẫn… Những chủ đầu tư các dự án đã và đang tìm đủ mọi cách “xẻ thịt” lòng hồ nhằm trục lợi.

15-48-12_dl1
Hàng loạt công trình đang được xây dựng trong khu vực lòng hồ Đại Lải

Trên địa giới hành chính, hồ Đại Lải hiện thuộc quản lý của xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ngay cả những cơ quan quản lý cũng không thể nắm rõ diện tích chính xác của hồ còn lại bao nhiêu. Nguyên nhân bởi có quá nhiều dự án xây dựng ở khu vực xung quanh và hàng loạt hành vi xâm lấn…

Đến đơn vị quản lý cũng không biết diện tích hồ còn lại

Trong một quán hàng tạp hóa chông chênh sát mép nước hồ Đại Lải ở xã Ngọc Thanh, người đàn ông tên Chính ngồi bần thần lo lắng nhìn mực nước hồ đang dâng lên đe dọa hàng quán, “niêu cơm” của cả gia đình sống bám vào khu du lịch Đại Lải.

Ông nói với tôi, bố mẹ ông sinh ông trên một chiếc thuyền nan giữa lòng hồ. Đến nay đã gần 60 năm, chứng kiến bao thăng trầm, sự cố của hồ Đại Lải, nhưng chưa bao giờ cảm thấy buồn như bây giờ, khi hồ bị biến dạng, bị chia chác, bị thu hẹp diện tích bởi các dự án…

Cách quán ông Chính tầm 1km đường chim bay, trên một hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ, mỗi ngày, ông Trịnh Duy Long đều thuê ca nô máy chạy ra canh giữ hòn đảo từ thời bố ông khai hoang đang bị những ông chủ doanh nghiệp tấn công quyết liệt để chiếm đoạt.

Cả ông Chính và ông Long cùng rất nhiều hộ dân khác đều nắm rõ lịch sử hồ Đại Lải đến từng con suối, bụi cây và có đủ tài liệu để chứng minh diện tích hồ Đại Lải đang bị những nhà đầu tư thâu tóm, chia chác. Họ nói rằng, đã từ lâu, những cánh rừng, những thửa đất ở quanh hồ vốn dĩ gắn bó tự bao đời nhưng dần dần bị mất quyền làm chủ một cách không minh bạch.

Những người già sống quanh hồ Đại Lải kể rằng, nguyên trước kia vùng hồ này chỉ là một thung lũng cằn cỗi nằm trên một phần của dãy núi Mỏ Quạ, giữa một bên là dải núi Thằn Lằn và một bên là các đồi trọc trải dần ra từ phía chân dãy Tam Đảo. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, nước ở các con suối chảy dồn về như thác, nhưng lại cũng rút đi rất nhanh đã cuốn trôi theo bao phù sa màu mỡ, khiến cho đồng ruộng bị xói mòn, đất đai bạc màu vì khô cằn…

Để khắc phục những bất lợi từ thiên nhiên, ngay từ năm 1959 Bộ Thủy lợi đã tiến hành khảo sát, thiết kế xây dựng hồ Đại Lải với nhiệm vụ chủ yếu là chứa nước, tưới tiêu cho đại bộ phận ruộng đồng của huyện Kim Anh (cũ) và Sóc Sơn (Hà Nội) cùng một phần diện tích đất nông nghiệp huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc)…

Đó là một cuộc trường chinh lấy sức người đè sức thiên nhiên. Sau gần bốn năm nỗ lực, chỉ bằng sức lao động chân tay, người ta đã đắp chặn 3 dòng suối từ Tam Đảo và Thái Nguyên chảy về, đồng thời đắp đập quanh thung lũng để tạo thành hồ chứa nước. Công trình đã cơ bản hoàn thành vào năm 1963 với hơn 2,2 triệu ngày công, chủ yếu của thanh niên xung phong được huy động, 121.900m³ đất được đào đắp đã tạo nên lòng hồ rộng lớn.

Diện tích hồ Đại Lải được xác định phần mặt nước rộng 525ha, chứa 26,4 triệu m³ nước mang lại lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nông lâm nghiệp và phục vụ tưới tiêu cho khoảng 2.900 – 3.500 ha đất canh tác.

15-48-12_dl3
Hàng loạt công trình đang được xây dựng trong khu vực lòng hồ Đại Lải

“Sau khi khánh thành, hồ Đại Lải trở thành nguồn nước tưới và cắt lũ cho rất nhiều diện tích thuộc Vĩnh Phúc và Hà Nội. Suốt một thời gian rất dài, mực nước hồ luôn ở mức ổn định, gần như không hề có sự xâm hại nào. Nhưng kể từ khi các dự án du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng thì hàng loạt vấn đề nẩy sinh. Có diện tích hồ bị lấp, có sự tranh chấp, có người tù tội…”, những người già sống quanh hồ kể giọng trầm buồn.

Năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quy hoạch chung Khu du lịch Đại Lải, giai đoạn 2005-2020, với diện tích 2.088 ha với mục tiêu xây dựng Đại Lải thành khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, văn hóa mang tầm cỡ quốc tế.

Trên cơ sở quy hoạch chung này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, sân gofl… liên tiếp mọc lên biến vùng đất vốn hẻo lánh trở thành những khu tổ hợp đắt đỏ và hiện đại. Giá đất quanh hồ Đại Lải tăng chóng mặt. Từ các tổ chức đến người dân đổ xô sở hữu. Những cuộc tranh chấp đất đai, những chiêu trò, thậm chí cả hành vi phạm tội khiến không ít người vướng vòng lao lý. Cho đến tận bây giờ “cuộc chiến” vẫn còn tiếp diễn…

Ngang nhiên và thách thức

Theo tìm hiểu của NNVN, 4 dự án lớn đang bao quanh khu vực hồ Đại Lải gồm Dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort; Dự án sân golf Đại Lải; Dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp đảo Ngọc; Dự án nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Paradise Đại Lải…

Rất nhiều người dân bản địa thông tin đến NNVN, chính những dự án này đang làm biến dạng hồ Đại Lải. Và thực tế, tài liệu NNVN có được cũng chứng minh, so với diện tích được cấp ban đầu, các chủ đầu tư dự án liên tục có những điều chỉnh theo hướng tăng thêm, đặc biệt là những khu vực tiếp giáp lòng hồ. Ngoài ra, các biên bản kiểm tra của một số cơ quan quản lý cũng chứng minh: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên tục xâm chiếm hồ Đại Lải.

Ngày 18/12/2017, Bảng tổng hợp thống kê các tập thể, cá nhân có vi phạm công trình thủy lợi của một đơn vị quản lý thể hiện: Chỉ trong một thời gian ngắn, tại khu vực hồ Đại Lải có đến 29 tổ chức, cá nhân có những hành vi xâm hại lòng hồ.

Cụ thể, hàng chục hộ dân đã đổ đất, trồng cây vào khu vực lòng hồ với diện tích vi phạm lên đến hàng nghìn m2. Hộ ông Nguyễn Văn Dũng trồng 300 cây bạch đàn trên diện tích 300m2 ngay chân cống lấy nước số 1 hồ Đại Lải; hộ ông Tuấn (người Hà Nội) san đất tại cống số 2 với chiều dài 50m, chiều rộng 25m; hộ ông ngô Văn Bình (thôn Miếu Gỗ, xã Ngọc Thanh) xây nhà kiên cố tại chân mái hạ lưu đập đông hồ Đại Lải…

15-48-12_dl4
Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện dự án ở quanh hồ Đại Lải đều bị lập biên bản vi phạm lấn chiếm

Không chỉ các hộ dân, những dự án trọng điểm du lịch sinh thái được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép ở khu vực xung quanh hồ cũng liên tục có những hành vi xâm lấn.

Điển hình như việc Cty CP Xây dựng Thương mại Nhật Hằng (chủ đầu tư dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải) đã 2 lần đổ đất lấp lòng hồ ngăn hồ tạo thành một vùng hồ nước nhỏ nằm trong hồ Đại Lải với diện tích khoảng 4,2 ha. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn làm đường xuyên giữa lòng hồ, nối các đảo với nhau khiến lòng hồ bị chia cắt, đổ đất lấn ra mép hồ xây dựng khu nhà nghỉ trong phạm vi lòng hồ với chiều dài khoảng 100m, lấn ra khoảng 30m…

Hay như chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort, chỉ trong vòng 2 năm doanh nghiệp này có tới 7 lần đổ đất lấp lòng hồ với diện tích vi phạm lên đến hàng nghìn m2.

Tại khu Đảo Ngọc, hòn đảo đẹp nhất giữa lòng hồ Đại Lải, Cty TNHH Đạt Tiến, chủ đầu tư của dự án Đảo Ngọc Resort với hàng loạt công trình xây dựng như chùa chiền, biệt thự đã ngang nhiên đổ đất lấn chiếm lòng hồ để xây nhà. Có mặt tại Đảo Ngọc thời điểm này, theo ghi nhận của NNVN, một công trình xây dựng đồ sộ đang được chủ đầu tư xây dựng ở ngay mép nước lòng hồ Đại Lải.

Trước sự xâm lấn, “xẻ thịt” lòng hồ Đại Lải của các tổ chức, cá nhân, những đơn vị quản lý hồ này đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, tổng hợp báo cáo gửi các cơ quan chức năng xử lý. Mặc dù vậy, rất nhiều chủ đầu tư các dự án đã đối phó bằng việc không ký vào biên bản. Càng lạ hơn, trước sự thách thức của những ông chủ doanh nghiệp, không thấy biện pháp mạnh tay nào từ phía cơ quan chức năng.

Ông Đường Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên, đơn vị quản lý trực tiếp lòng hồ Đại Lải, khi được hỏi về thực trạng này đã nói rằng: Các dự án đều theo trình tự qui định, đều được cấp phép. Tuy nhiên, các dự án trong lòng hồ dứt khoát ảnh hưởng đến quản lý khai thác. Không bàn cãi gì cả. Lúc tính toán xây dựng đây là rừng, bây giờ ông san ra đổ bê tông dứt khoát dòng chảy khác đi. Ví dụ trước kia 2 tiếng lũ về bây giờ chỉ một tiếng thôi. Và việc ảnh hưởng đến mức nào thì phải qua các cơ quan đánh giá cụ thể. Chúng tôi chỉ biết, quy trình hồ Đại Lải từ trước kia điều tiết ở mức 20,7 bây giờ điều tiết về 20,5, nguyên nhân ít nhiều do dung tích hồ bị giảm.

Trong quá trình làm rõ diện tích hồ Đại Lải hiện tại, chúng tôi có nhiều buổi làm việc với phòng TNMT thành phố Phúc Yên, Cty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên và UBND xã Ngọc Thanh, những cơ quan quản lý trực tiếp hồ Đại Lải. Tuy nhiên, điều vô cùng ngạc nhiên không một cơ quan nào đưa ra con số chính xác về diện tích hồ hiện tại. Theo cách giải thích của một số cán bộ những cơ quan này, hầu hết các dự án quanh hồ đều là những dự án lớn, chủ đầu tư làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc nên các bộ phận ở địa phương không nắm được?
HOÀNG ANH – ANH TUẤN
***
Flamingo Đại Lải Resort lấp hồ, phá đảo, chính quyền bất lực?
25/09/2018, 07:05 (GMT+7) Có dấu hiệu bất chấp những quy định của pháp luật khi thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải (Flamingo Đại Lải Resort), suốt hơn 10 năm qua, chủ đầu tư không chỉ bị phát hiện hàng loạt vi phạm xâm lấn hồ Đại Lải mà còn rơi vào cảnh tranh chấp với người dân trong quá trình mở rộng diện tích dự án.

Liên tục đổ đất, lấp hồ…

Từ năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi 96,11 ha đất tại xã Ngọc Thanh (thời điểm đó còn thuộc huyện Mê Linh, bây giờ là thành phố Phúc Yên) để giao cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Đại Lải (Đại Lải Resort).

13-02-46_di_li_1
Dự án Flamingo Đại Lải Resort lấp hồ Đại Lải

Một thời gian sau khi được giao đất, với mức vốn đầu tư hơn 175 tỷ đồng (trong đó hơn 164 tỷ đồng là nguồn vốn huy động, vốn vay) chủ đầu tư nhanh chóng biến vùng đất hoang vu trở thành dự án dịch vụ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao bao gồm hệ thống nhà hàng sang trọng, trung tâm hội nghị Flamingo, sân golf, sân quần vợt, các CLB Thể thao, CLB giải trí, CLB du thuyền, CLB Thiền, Yoga, dịch vụ massage, làm đẹp, tập gym…

Đến năm 2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ra quyết định điều chỉnh việc giao đất cho chủ đầu tư. Bằng quyết định này, Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương không chỉ được phép thay đổi nhiều hạng mục xây dựng mà còn được phép mở rộng diện tích đất từ 96,11 ha ban đầu lên thành 122,2464 ha. Các văn bản giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện rõ, nguồn gốc đất để thực hiện dự án chủ yếu là đất nông nghiệp (hơn 41 ha), đất lâm nghiệp (hơn 44 ha), đất ở nông thôn (3,88 ha)… Trong số này, được sự đồng ý của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chủ đầu tư chỉ phải đóng tiền sử dụng đất có hơn 17 ha, còn diện tích 88,0726 địa phương giao không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất…Song song với việc thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng chia dự án thành khu A và khu B và thay đổi quản lý dự án từ Công ty Hùng Vương thành Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải (nhiều tài liệu thể hiện Hồng Hạc Đại Lải là công ty con của Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương).

Quá trình xây dựng Flamingo Đại Lải Resort, dư luận cho rằng, những vị trí, diện tích mà Công ty Hồng Hạc Đại Lải mở rộng dự án, hầu hết là diện tích lấn lòng hồ Đại Lải? Và theo điều tra của NNVN những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở.

Tổng cộng, ít nhất đã 7 lần hành vi xâm lấn hồ Đại Lải của Flamingo Đại Lải Resort bị phát hiện với diện tích xâm lấn lên đến hàng chục nghìn m2. Phần lớn diện tích san lấp đều được Công ty Hồng Hạc Đại Lải xây dựng các công trình phục vụ dự án.

Cụ thể, tại khu vực giáp làm khu để xe ô tô chủ đầu tư đã đổ đất san lấp 500m2 lòng hồ; Tiếp tục đổ đất san lấp 1.800m2 làm mặt bằng và san lấp lòng hồ làm công trình biệt thự tại khu vực giáp ranh giữ dự án và lòng hồ Đại Lải…

Không chỉ có hành vi đổ đất, san lấp lòng hồ, tại khu vực đối diện tràn xả lũ, Flamingo Đại Lải Resort đã ngang nhiên cho người trồng cây thân gỗ, sau đó đổ đất lấn lòng suối Đồng Câu khoảng 3.000m2…

Trước những hành vi xâm lấn của Flamingo Đại Lải Resort, người dân liên tục có ý kiến, các đơn vị quản lý khu vực cũng tiến hành kiểm tra, tuy nhiên phía chủ đầu tư thường có các động thái ngăn cản, chống đối. Biên bản của một đơn vị quản lý hồ Đại Lải thể hiện: “Chúng tôi phát hiện hành vi vi phạm, đổ đất, lấp hồ nhưng Flamingo không cho vào”.

13-02-46_di_li2
Dự án Flamingo Đại Lải Resort lấp hồ Đại Lải

Dẫn chúng tôi tiếp cận những khu vực vi phạm của Flamingo Đại Lải Resort, người dân địa phương tiết lộ, ở những địa điểm này, luôn thường trực bảo vệ của chủ đầu tư. Bất cứ ai đến gần đều bị ngăn cản. Thực tế, tại khu vực đảo Hoa Hồng, một địa điểm chủ đầu tư đang san lấp lòng hồ, nhác thấy chúng tôi tiếp cận, lập tức đám bảo vệ đã có mặt và bốc bộ đàm thông tin ngay.

Theo quan sát, ngay phần tiếp giáp giữa dự án Flamingo Đại Lải Resort và lòng hồ Đại Lải, nhiều công trình xây dựng, đường sá, vết tích san lấp còn rất mới. Ở một số hạng mục dự án đã hoàn thành như khu biệt thự, dấu vết san lấp đã được “xóa” bằng việc trồng cây xanh.

“Những vị trí này vốn dĩ là lòng hồ và vùng bán ngập, từ khi dự án triển khai họ cứ lấn dần, lấn dần, không ai làm gì được”, người dân xã Ngọc Thanh thông tin.

Tranh chấp đảo Keo

Trong hồ sơ giao đất thực hiện dự án Flamingo Đại Lải Resort, khu vực đảo Keo (hay còn gọi là đảo Độc Lập), một hòn đảo rộng gần 3 ha nằm giữa lòng hồ Đại Lải được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định là nguồn gốc đất của Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ (thuộc Viện KHLN Việt Nam). Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra của NNVN thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã “giao nhầm” diện tích này cho chủ đầu tư.

Trong đơn thư gửi đến NNVN, ông Trịnh Duy Long (thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh) bày tỏ: Việc hành xử của doanh nghiệp là quá tàn nhẫn đối với những hộ dân khai hoang như gia đình tôi.

13-02-46_di_li_3
Chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải Resort ngang nhiên chiếm đảo Keo khi chưa hoàn thiện thủ tục

Theo ông Long, từ năm 1989, bố ông là ông Trịnh Ngọc Thái đã ra đảo khai hoang trồng hoa màu, sau đó chuyển sang trồng keo, thông, bạch đàn… Tổng cộng có gần 4.000 cây các loại. Năm 2005, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB dự án trong đó có diện tích mà bố con ông Long đang canh tác. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư tiến hành bồi thường đã không lên phương án của gia đình ông mà lại trả tiền diện tích đảo Keo cho Trung tâm Đông Bắc Bộ khi chuyển hơn 156 triệu đồng tiền GPMB cho phía trung tâm và nhanh chóng tổ chức đưa máy móc lên đảo Keo để thực hiện dự án.

Ngay lập tức, hàng loạt cây cối gia đình ông Long gầy dựng bao nhiêu năm bị chủ đầu tư phá hủy. Chủ doanh nghiệp cũng lập chốt, ngăn cản những người trong gia đình ông Long đến gần khu vực này.

“Hàng trăm người của Công ty Hồng Hạc Đại Lải kéo lên đảo. Sau khi cho máy móc đến đào bới, những cây thông trên 20 năm tuổi với đường kính từ 5cm- 40cm bị chủ đầu tư dự án cho người đốn ngã. Chúng tôi đã trình báo đến cơ quan thẩm quyền địa phương đề nghị can thiệp, giúp đỡ nhưng không ai có mặt”, ông Long nói.

Quá bức xúc lẫn đau đớn, ông Long làm đơn gửi các cơ quan chức năng cầu cứu. Liên tiếp các cuộc họp được tổ chức để giải quyết sự “nhầm lẫn”. Căn cứ để chủ đầu tư đổ bộ lên đảo Keo tàn phá cây trồng của gia đình ông Long khi cho rằng đất này của Trung tâm Đông Bắc Bộ đã bàn giao. Tuy nhiên, theo tài liệu của NNVN, biên bản bàn giao đất (ngày 8/7/2005) của Trung tâm Đông Bắc Bộ thể hiện rõ diện tích đảo Keo rộng 3 ha là của gia đình ông Thái. Ngày 7/7/2011, ông Lê Minh Cường, Phó Giám đốc trung tâm này đã ký văn bản gửi Công ty Hồng Hạc Đại Lải từ chối nhận tiền đền bù ở đảo Keo vì không phải là chủ sử dụng và đề nghị chủ đầu tư có trách nhiệm đền bù trực tiếp cho hộ dân. Tại văn bản này, ông Cường cũng cho biết là không có lý do để nhận và sử dụng số tiền đền bù trên.

Nhưng ngay cả khi sự việc đã rõ ràng như vậy thì phía chủ đầu tư luôn là đơn vị phản đối và cố tình không thực hiện.

Bất lực hay bao che?

Tháng 9 năm 2014, một buổi làm việc được tổ chức ngay tại Công ty Hồng Hạc Đại Lải khi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu làm rõ đơn kêu cứu khẩn cấp của gia đình ông Long. Sau một thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và thực địa, Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã dự thảo một bản báo cáo và thông qua tại buổi làm việc với đầy đủ các bên liên quan.

13-02-46_di_li_5
Suốt hơn 10 năm nay, tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải Resort và người dân vẫn chưa kết thúc

Dự thảo thể hiện: Tại biên bản bàn giao sơ bộ giữa Trung tâm Đông Bắc bộ và Công ty Hồng Hạc Đại Lải đã thể hiện phần diện tích của ông Thái là riêng biệt và ngay từ đầu Trung tâm Đông Bắc Bộ không nhận bồi thường 3 ha đất đảo Keo mà đề nghị chủ đầu tư bồi thường cho chủ rừng. Việc Công ty Hồng Hạc Đại Lải tự ý chuyển số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng về tài sản trên 3 ha ở đảo Keo cho Trung tâm Đông Bắc Bộ mà không được sự đồng thuận của trung tâm này là không đúng quy định, vi phạm thỏa thuận giữa 2 đơn vị.

Chưa hết, về việc Công ty Hồng Hạc Đại Lải đưa máy móc lên đục khoét đảo Keo, dự thảo nhận xét: Việc UBND Thị xã Phúc Yên cho Công ty Hồng Hạc Đại Lải được phép tiến hành thi công xây dựng trên diện tích 3 ha trên đảo vào năm 2012 khi chưa xác định rõ nguồn gốc đất, chủ sử dụng đất, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép bảo vệ thi công là chưa đúng trình tự thủ tục theo qui định của pháp luật.

Từ đó, dự thảo đề xuất yêu cầu Công ty Hồng Hạc Đại Lải bồi thường trực tiếp cho hộ gia đình ông Trịnh Duy Long. Những nhận xét, đề xuất của dự thảo cơ bản được các thành viên buổi làm việc thống nhất. Duy chỉ có bà Trần Thị Kim Quy – Phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Hạc Đại Lải không đồng ý với nội dung kết luận và đề nghị tại biên bản làm việc.

Chính sự bất hợp tác của Flamingo Đại Lải Resort mà cho đến tận bây giờ, những bức xúc, bất công của gia đình ông Long vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Có mặt tại đảo Keo ở thời điểm hiện tại, dấu tích xâm lấn của chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải Resort vẫn còn hiện hữu. Cây cối bị chặt phá, đảo bị đào bới, san ủi. Cạnh đảo Keo của gia đình ông Long là đảo Hoa Hồng của Flamingo Đại Lải Resort cũng đang được san lấp xây dựng. Chủ đầu tư dự án đã đắp đường ngay giữa lòng hồ nối 2 hòn đảo với nhau. Bất chấp những khiếu kiện của người dân, những kết luận của cơ quan chức năng, Công ty Hồng Hạc Đại Lải đã và đang có những hành vi “thâu tóm” diện tích khu vực này.
HOÀNG ANH – ANH TUẤN
***
Hồ Đại Lải liên tục bị xâm hại, tỉnh Vĩnh Phúc ‘tạo điều kiện’ cho mở rộng dự án
26/09/2018, 08:55 (GMT+7) Hàng loạt những hành vi xâm lấn hồ Đại Lải liên tục bị phát hiện. Những báo cáo vi phạm, đề xuất ngăn cản được gửi đi các cơ quan chức năng, nhưng có một điều hết sức khó hiểu, thay vì những biện pháp ngăn chặn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp mở rộng diện tích dự án.

3 quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và 7ha mở rộng của Nhật Hằng

Quá trình điều tra về thực trạng các chủ đầu tư dự án quanh hồ Đại Lải xâm chiếm khu vực lòng hồ, NNVN nhận thấy, hầu hết các chủ đầu tư đều được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép điều chỉnh diện tích dự án, kể cả khi những ông chủ này liên tục bị phát hiện đổ đất san lấp lòng hồ Đại Lải.

Dự án biệt thự nghỉ dưỡng ven hồ của Cty TNHH Nhật Hằng là một trong những chủ đầu tư có mặt sớm nhất ở hồ Đại Lải.

14-58-47_nh2
Khu vực Công ty Nhật Hằng lấp hồ Đại Lải

Trước thời điểm có quy hoạch chung Khu du lịch Đại Lải, vào năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định giao diện tích 30,1ha đất tại khu du lịch Đại Lải cho Cty TNHH Nhật Hằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nghỉ ngơi và vui chơi giải trí Trại Thị.

Quyết định ghi rõ cơ cấu đất theo mục đích sử dụng như sau: Giao đất ổn định, lâu dài có thu tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở, biệt thự sinh thái để chuyển nhượng 8,44ha; đất cho thuê 50 năm đối với xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh 7,54ha; đất không thu tiền sử dụng đất 14,12ha…

Theo quyết định giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, vị trí, ranh giới của dự án được thể hiện trên bản đồ địa chính theo tỷ lệ 1/1000… Chủ đầu tư tiến hành thực hiện dự án bằng việc xây dựng hàng loạt các công trình, đặc biệt là biệt thự nghỉ dưỡng. Ngoài ra, các tài liệu cũng thể hiện, doanh nghiệp Nhật Hằng đổi tên công ty thành Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, đồng thời dự án có thêm một nhà đầu tư nữa là Cty Cổ phần Paradise Đại Lải.

Sau khi được giao đất, dự án đi vào hoạt động, ngay cạnh lòng hồ Đại Lải đã mọc lên các khu biệt thự cao cấp theo kiến trúc Á Đông, khu biệt thự Âu Mỹ, khu khách sạn, khu Làng văn hóa ẩm thực… Trở thành “một thế giới của người giàu” ngay giữa vùng đất vốn dĩ khá hoang sơ.

“Họ đào đất từ trên núi xuống để lấp hồ. Kể cả khu vực lòng hồ rất sâu, từng có người chết đuối cũng bị san lấp để thực hiện dự án”, cử tri xã Ngọc Thanh phản ánh.

Người dân xã Ngọc Thanh nói về hồ Đại Lải

Hơn 10 năm Nhật Hằng thực hiện dự án du lịch nghỉ dưỡng quanh hồ Đại Lải, mặc dù đã có quy hoạch chung nhưng chủ đầu tư liên tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh diện tích để mở rộng thêm phạm vi dự án. Càng khó hiểu hơn, hầu như tất cả những tờ trình của chủ đầu tư về những nội dung này đều được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận.

Theo tài liệu của NNVN, chỉ trong 2 năm, năm 2015 và 2017, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã liên tiếp ký các quyết định về việc điều chỉnh nội dung giao và cho thuê đất theo QHCTXD tỷ lệ 1/500 dự án biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải. Những quyết định này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ giúp chủ đầu tư điều chỉnh nội dung về sử dụng đất mà còn giúp chủ đầu tư tăng diện tích dự án lên nhiều ha.

Điển hình như Quyết định phê duyệt điều chỉnh Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải (lần 3) mà ông Vũ Chí Giang ký ngày 24/10/2017 thể hiện: Tổng diện tích đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng và Cty Cổ phần Paradise Đại Lải tại Quyết định 1508/QĐ-UBND ngày 2/6/2015 là 37,1662 ha.

Như vậy, song song với việc đầu tư thực hiện dự án, chủ đầu tư được UBND tỉnh Vĩnh Phúc “tạo điều kiện” nâng diện tích 30,1ha ban đầu lên thành 37,1662ha. Câu hỏi đặt ra, hơn 7ha “mở rộng” này lấy ở đâu ra?

Biến lòng hồ Đại Lải thành “ao nhà mình”

Những người dân gắn bó với hồ Đại Lải cho biết, khu vực doanh nghiệp Nhật Hằng thực hiện dự án những năm trước chủ yếu là đất bán ngập và một phần diện tích đất khai hoang. Với việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao 30,1ha cho chủ đầu tư thực hiện dự án thì gần như không còn quỹ đất xung quanh để mở rộng.

Một người từng là cán bộ địa chính xã Ngọc Thanh tiết lộ, khi Cty TNHH Nhật Hằng bắt đầu thực hiện dự án, nhận thấy chủ đầu tư có những hành vi lấp hồ Đại Lải, Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ngọc Thanh đã có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phản ánh nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong xã. Họ đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu thu hồi bớt diện tích đã giao cho chủ đầu tư bởi việc thực hiện dự án này phải lấp diện tích hồ quá lớn, ảnh hưởng đến công năng phục vụ sản xuất. Được biết, sau khi nhận được công văn của chính quyền, đoàn thể xã Ngọc Thanh, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khi đó đã đi kiểm tra thực tế và nhận thấy đề nghị của xã Ngọc Thanh là có cơ sở. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau đó dự án vẫn tiếp tục triển khai, nguyện vọng chính đáng của người dân xã Ngọc Thanh “bị chôn vùi dưới lòng hồ khi những biệt thự nghỉ dưỡng mọc lên”.

Cũng theo nhiều cử tri xã Ngọc Thanh, dự án của Nhật Hằng lúc mới thực hiện đã san lấp hàng chục ha hồ Đại Lải. Một số hộ dân trong khu vực dự án đã nhất quyết chống đối, không chấp thuận phương án bồi thường GPMB nhưng chủ đầu tư vẫn quyết tâm mở rộng diện tích.

“Cứ tưởng việc lấp hồ để thực hiện dự án đã là quá lắm rồi, nhưng không ngờ sau đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại tiếp tục điều chỉnh để chủ đầu tư mở rộng thêm diện tích. Không lấn hồ thì lấy đất ở đâu ra?”, người dân xã Ngọc Thanh đặt câu hỏi.

Theo tài liệu của NNVN, trong số tổng diện tích thực hiện dự án mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Nhật Hằng ghi rõ: 18,85ha đất cây xanh, đường giao thông; 5ha đất xây dựng khu vui chơi giải trí, dịch vụ công cộng; 6,25ha đất xây dựng biệt thự nhà vườn…

Chính vì vậy, 7ha “mở rộng” thêm này rất có thể chủ đầu tư đã tự ý san lấp, lần chiếm khu vực lòng hồ?

14-58-47_nh314-58-47_nh4
Hàng loạt hành vi xâm lấn lòng hồ

Để tìm hiểu rõ hơn, PV NNVN đã vào vai những khách hàng có nhu cầu đầu tư biệt thự ở khu vực này với mục đích tiếp cận những điểm người dân nghi vấn chủ đầu tư lấn hồ để mở rộng diện tích. Và tài liệu cũng chứng minh, trong quá trình thực hiện dự án, việc Cty Nhật Hằng liên tục bị phát hiện có những hành vi san lấp hồ Đại Lải là có thực.

Từ những hình ảnh PV ghi lại được, qua khu vực biệt thự nghỉ dưỡng, đi sâu vào phía tiếp giáp với lòng hồ Đại Lải, chủ đầu tư đã thực hiện xây dựng các hạng mục đường giao thông kiên cố với mục đích cắt một diện tích hồ Đại Lải biến thành “ao nhà mình”. Dấu vết của việc san lấp còn rất mới.

Có một điều khiến cử tri xã Ngọc Thanh rất bức xúc, là những vi phạm của Cty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Nhật Hằng bị phát hiện, bị lập biên bản và rất nhiều văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng để giải quyết. Nhưng tất cả đều im ắng.

Những tài liệu NNVN thu thập được thể hiện, từ năm 2014, chủ đầu tư cho xe chở đất san lấp mặt bằng tại khu vực đập dâng khu vực lòng hồ. Năm 2015, Cty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Nhật Hằng đã đổ một con đường chặn dòng chảy nhằm khoanh vùng lòng hồ rộng khoảng 4-6ha ngay trước mặt khu vực giáp ranh giữ dự án và lòng hồ Đại Lải.

Sau khi những vi phạm trên bị phát hiện, chủ đầu tư không những không khắc phục mà còn tiếp tục vi phạm và có những biện pháp ngăn chặn các cơ quan kiểm tra.

Điển hình như biên bản làm việc giữa đại diện Trạm Thủy nông Đại Lải và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Nhật Hằng thể hiện: Việc vi phạm đổ đất san lấp lòng hồ Đại Lải của Công ty Nhật Hằng đã được lập biên bản ngày 16/11, nhưng đến ngày 30/11 đơn vị vi phạm tiếp tục có những vi phạm mới, tiếp tục đổ đất mở rộng thêm diện tích.

Về phía UBND xã Ngọc Thanh, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý mốc giới hồ Đại Lải, ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Việc chủ đầu tư điều chỉnh diện tích dự án này xã không nắm được. Chúng tôi vẫn cứ tưởng chỉ có 30,1ha thôi”.

Rất khó kiểm chứng lời ông Phó Chủ tịch xã, bởi có một điều hiển nhiên, tại các hạng mục giới thiệu về dự án, chủ đầu tư liên tục khẳng định quy mô diện tích dự án gần 40 ha, cử tri Ngọc Thanh rất nhiều người biết việc này nhưng ông Phó Chủ tịch UBND xã lại bảo không.

Ai bao che?

Suốt nhiều năm trời, trước việc các dự án quanh khu vực lòng hồ san lấp hồ Đại Lải để trục lợi, nhiều cán bộ của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên đã tổng hợp báo cáo chỉ rõ các địa điểm vi phạm của các dự án như Paradise Đại Lải resort, Flamingo Đại Lải resort, Đảo Ngọc Resort, Sân golf Đại Lải… và hàng loạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Nhưng vì sao những hành vi này không bị xử lý? Chúng tôi đã liên hệ với Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc để làm rõ vấn đề này, tuy nhiên, ông Nguyễn Công Võ, Chánh văn phòng sở này cho biết: Nội dung này Tổng cục đất đai đang kiểm tra nên khi nào kết thúc sẽ thông báo kết quả.

HOÀNG ANH – ANH TUẤN
***

Phản hồi loạt bài Ai đang ‘chia chác’ hồ Đại Lải?25/10/2018, 15:39 (GMT+7) Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra các ngày 24,25,26 tháng 9 năm 2018 đăng tải loạt bài: Ai đang “chia chác” hồ Đại Lải? (Bài 1: Đua tranh lấn chiếm ‘hòn ngọc giữa thiên nhiên’; bài 2: Flamingo Đại Lải Resort lấp hồ, phá đảo, chính quyền bất lực?; bài 3: Hồ Đại Lải liên tục bị xâm hại, tỉnh Vĩnh Phúc ‘tạo điều kiện’ cho mở rộng dự án).

Sau khi đăng tải, loạt bài nhận được sự quan tâm của dư luận và tiếp thu của nhiều tổ chức, cá nhân. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ…

Ngày 03/10/2018, Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được công văn số 52/2018/CV-VPLS của Văn phòng luật sư Trịnh, đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải phản hồi bài viết: Flamingo Đại Lải resort lấp hồ, phá đảo, chính quyền bất lực?

Nhằm mục đích thể hiện tinh thần tôn trọng ý kiến phản hồi của đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải về nội dung báo phản ánh, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải nguyên văn nội dung công văn trên đồng thời chứng minh những thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh trong loạt bài là hoàn toàn khách quan, đủ căn cứ, đủ cơ sở và đúng sự thật.

Nội dung văn bản của Văn phòng luật sư Trịnh như sau:

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được rằng, vào thời điểm 7h05 phút, ngày 25 tháng 9 năm 2018, trên mục “Đời sống – Xã hội” trang điện tử “Nông nghiệp Việt Nam”(https://nongnghiep.vn/flamingo-dai-lai-resort-lap-ho-pha-dao-chinh-quyen-bat-luc-post227362.htmlđã đăng bài “Flamingo Đại Lải Resort lấp hồ, phá đảo, chính quyền bất lực?” của phóng viên mang bút danh “Hoàng Anh- Anh Tuấn”, (gọi tắt là “Bài Báo”).

Dự án Flamingo Đại Lải Resort lấp hồ Đại Lải

Do Bài Báo trên chứa đựng những thông tin sai sự thật, gây hiểu nhầm cho bạn đọc, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của các Cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn Tỉnh Vĩnh Phúc, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc và uy tín của Flamingo, nên bằng văn bản này, chúng tôi phản hồi với Quý Báo một số ý kiến sau:

1. Tại Bài Báo, phóng viên Hoàng Anh – Anh Tuấn viết rằng trong quá trình thực hiện Dự Án, Flamingo đã liên tục đổ đất, lấp hồ Đại Lải, phá đảo, Flamingo Đại Lải Resort đã đổ đất lấp hồ khoảng 3.000 m2… tại hồ Đại Lải; phóng viên viết rằng Flamingo có ít nhất 7 lần lấn hồ Đại Lải bị phát hiện với diện tích xâm lấn lên đến hàng chục nghìn m2; phóng viên còn viết rằng hiện nay Flamingo vẫn đang tiếp tục san lấp lòng hồ khu vực đảo Hoa Hồng. Về nội dung này, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Chúng tôi khẳng định, hoạt động xây dựng, đầu tư tại Dự án Flamingo Đại Lải Resort được Flamingo đều được thực hiện nằm trong ranh giới, mốc giới đất được giao theo Quyết định 1684/QĐ-UB ngày 02/5/2003 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc v/v: Thu hồi và giao đất cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương tại Khu du lịch Đại Lải, xã Ngọc Thanh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và Quyết định 2511/QĐ-UBND ngày 18/10/2006 v/v: Thu hồi và giao đất bổ sung cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương thuê đất xây dựng hạ tầng Khu du lịch sinh thái Đại Lải tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và các văn bản liên quan khác.

Thực tế, Flamingo chi san gạt, đổ đất, tạo hình trong phạm vi Dự Án, không hề có việc đổ đất ra ngoài ranh giới, mốc giới đất đã được giao, cũng như không có việc đổ đất, lấn hồ Đại Lải và xây dựng các công trình trên các diện tích này như nội dung Bài Báo. Ngược lại, trong quá trình xây dựng Dự án, Flamingo còn xây dựng thêm 02 hồ ( hồ Thiên Yến và hồ Bách Thanh) tại Dự Án kết nối với hồ Đại Lải, diện tích mặt nước tăng thêm 10ha so với thời điểm trước khi Flamingo triển khai thực hiện Dự Án.

Hoạt động đầu tư, xây dựng tại Dự Án do Flamingo thực hiện luôn tuân thủ nghiêm chỉnh, đầy đủ quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Tại Văn bản số 1544/SXD-TTXD ngày 24/5/2018 của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc v/v: Báo cáo kết quả kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh của một số báo Trung ương đối với Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải (chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải Resort, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên) và Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Tây Hồ (chủ đầu tư dự án khu dịch vụ và nhà ở sinh thái Đầm Vạc, phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên), Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã kết luận:

“Nội dung kiểm tra cho thấy:

+ Vị trí đảo Hoa Hồng, của dự án Flamingo Đại Lải Resort, đã được cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, tại văn bản số 2471/GP-UBND ngày 31/8/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Văn bản số 1876/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc v/v: Cấp Giấy phép hoạt dộng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ( có sao văn bản kèm theo).

+ Vị trí tại đảo Hoa Hồng của dự án Flamingo Đại Lải Resort được thi công mặt bằng từ khoảng  tháng 11/2017 đến tháng 12/2017 với diện tích là 8.180 m2, thi công đúng ranh giới, mốc giới được phê duyệt, qua kiểm tra không có hiện tượng san lấp đổ đất mới, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết TL 1/500 đồng thời cũng đã được giao đất tại thực địa”.

Tại Văn bản số 1544/SXD-TTXD ngày 24/5/2018, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận hoạt động xây dựng do Flamingo tại Dự Án đã được Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, xác minh và có biên bản làm việc ngày 18/7/2017 và UBND xã Ngọc Thanh kiểm tra, có biên bản làm việc vào ngày 21/3/2018.

Như vậy, việc Bài Báo viết rằng Flamingo đổ đất, lấn hồ Đại Lải tại đảo Hoa Hồng và Dự Án là không phù hợp với thực tế và kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước tại Vĩnh Phúc.

2. Tại Bài Báo, phóng viên Hoàng Anh – Anh Tuấn viết rằng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã “giao nhầm” diện tích đảo Keo (đảo Độc Lập) cho Flamingo. Về nội dung này, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Chúng tôi khẳng định, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc, giao đất, cho thuê đất tại Dự Án được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Riêng đối với diện tích đất tại đảo Keo (đảo Độc Lập) nêu tại Bài Báo, chúng tôi xin cung cấp cho Quý Báo một số thông tin sau:

Diện tích 2,9 ha đất tại đảo Keo, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên nằm trong khu đất có vị trí, ranh giới được xác định theo chỉ giới trong bản đồ thu hồi và giao đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt kèm theo Quyết định số 1684/QĐ-UBND ngày 03/3/2003; Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 31/7/2006; Quyết định số 2551/QĐ-UBND ngày 18/10/2006, được điều chỉnh việc giao đất chính thức tại Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 09/1/2007. Theo bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 16/02/2006 thì diện tích đất tại đảo Keo được phê duyệt xây dựng đảo VIP-Cluc, diện tích đất được giao đã được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho Công ty CP đầu tư Hùng Vương theo Quyết định số 20/QĐ_TNMT ngày 01/02/2008.

Về nguồn gốc sử dụng đất, diện tích 2,9ha đất Đảo Keo trước kia được Nhà nước giao cho Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ quản lý, trồng rừng. Ngày 20/01/1992, Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ đã thuê ông Trịnh Ngọc Thái chăm sóc rừng tại khu vực Đảo Keo và được trả công bằng hoa lợi.

Theo nội dung Báo cáo số 131/BC-STNMT ngày 13/6/2011 v/v: Kiểm tra giải quyết vướng mắc trong đền bù GPMB của Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì: “ Trong tổng diện tích được giao có 36,8ha diện tích đất rừng và đất rừng thuộc quyền quản lý của Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ. Trong diện tích 36,8ha, có 2,9 ha tại đảo Keo(đảo Độc Lập)”.

Ngày 08/7/2005, Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ đã có Biên bản bàn giao đất cho Công ty”

“Diện tích đã được Nhà nước thu hồi từ năm 2003, đến năm 2008 chủ đầu tư đã thực hiện xong việc chi trả bồi thường cho chủ sử dụng đất là Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ theo phướng án đã được phê duyệt”.

Xuyên suốt quá trình Nhà nước thu hồi đất, giao đất, lên phương án và phê duyệt phương án đền bù GPMB đối với diện tích đất tại Đảo Keo, Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ cũng như ông Trịnh Ngọc Thái (bố ông Trịnh Duy Long khi còn sống) không hề có ý kiến khiếu nại gì đối với các văn bản, quyết định liên quan do Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành có nội dung diện tích 2,9ha đất rừng đảo Keo thuộc quyền quản lý của Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ.

Tại Công văn số 861/UBND-VP của UBND thị xã Phúc Yên ngày 28/9/2012 v/v triển khai thi công tại đảo Keo thuộc dự án Flamingo Đại Lải Resort, UBND thị xã Phúc Yên khẳng định: “diện tích 2,9 ha đất rừng đảo Keo là một phần trong tổng số 36,8ha đất lấm nghiệp thuộc quyền quản lý của Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ đã được thủ tướng cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp cho dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải tại Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/6/2004”.

Do đó, Công ty chúng tôi có đủ căn cứ để xác định: Diện tích 2,9ha đất tại Đảo Keo trước kia thuộc quyền sử dụng của Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ, diện tích này đã bị Nhà nước thu hồi từ năm 2003. Sau đó giao cho Chủ đầu tư theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đã được Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ bàn giao xong cho Chủ đầu tư từ năm 2005. Công ty đã thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh nghĩa vụ thanh toán tiền bồi thường GPMB cho Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ theo đúng phương án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hiện nay do Công ty đang quản lý, sử dụng trực tiếp, đã hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy CNQSDĐ  theo đúng quy định; nên việc phóng viên Hoàng Anh – Anh Tuấn viết rằng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã “giao nhầm” diện tích đất đảo Keo cho Flamingo là hoàn toàn không có cơ sở, trái với hồ sơ địa chính và nội dung các kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước tại tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Tại Bài Báo, phóng viên Hoàng Anh –Anh Tuấn viết rằng: “Chủ đầu tư chỉ phải đóng tiền sử dụng đất có hơn 17ha, còn diện tích 88,0726 ha địa phương giao không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất”. Về nội dung này, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Tại các Quyết định giao, cho thuê đất thuộc dự án, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã quyết định các hình thức sử dụng đất khác nhau (như giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất…) Căn cứ vào văn bản Thông báo nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của cơ qua thuế, Flamingo luôn hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật và được Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận. Như vậy, quan điểm của bài báo rằng: Chủ đầu tư chỉ phải đóng tiền sử dụng đất có hơn 17ha, còn diện tích 88,0726 ha địa phương giao không thu tiền sử dụng đất là quan điểm không chính xác.

4. Tại Bài Báo, phóng viên Hoàng Anh –Anh Tuấn viết rằng Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương… được phép mở rộng diện tích đất từ 96,11 ha ban đầu lên thành 122,2464ha, hầu hết là diện tích lấn lòng hồ Đại Lải? Và theo điều tra của NNVN những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Tổng cộng, ít nhất đã 7 lần hành vi xâm lấn hồ Đại Lải của Flamingo Đại Lải Resort bị phát hiện với diện tích xâm lấn lên đến hàng chục nghìn m2. Phần lớn diện tích san lấp đều được Công ty Hồng Hạc Đại Lải xây dựng các công trình phục vụ dự án”. Về nội dung này, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

a. Theo nội dung Quyết định số 1684/QĐ-UB ngày 02/5/2003 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc v/v: Thu hồi và giao đất cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương tại Khu du lịch Đại Lải, xã Ngọc Thanh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thu hồi và giao cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương 96,11ha bao gồm:

– Diện tích đát nông nghiệp: 41,42ha.

– Diện tích đất lâm nghiệp: 44,15ha.

– Đất chuyên dùng: 0,9ha.

– Đất ở nông thôn: 3,88ha.

– Đất chưa sử dụng: 5,76ha.

b. Theo nội dung Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 31/7/2006 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc v/v: Thu hồi và giao đất bổ sung cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương thuê đất xây dựng hạ tầng khu Du lịch sinh thái Đại Lải tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thu hồi và giao cho Công ty Đầu tư Xây dựng và Hợp tác quốc tế Hùng Vương 182.900 m2 đất tại khu Đồng Đầm, thôn Miếu Gỗ xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, trong đó bao gồm:

– Diện tích đất nông nghiệp (lâm nghiệp): 175.000 m2

– Diện tích đất mặt nước (do UBND xã Ngọc Thanh quản lý, sử dụng): 7.900 m2.

c. Theo nội dung Quyết định 2511/QĐ-UBND ngày 18/10/2006 v/v: Thu hồi và giao đất bổ sung cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương thuê đất xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Đại Lải tại xã Ngọc Thanh- thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thu hồi và gia thêm cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương 78.464,0 m2 đất tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên. Trong đó:

– Diện tích đất nông nghiệp: 71.331,0 m2;

– Diện tích đất phi nông nghiệp: 7.133,0 m2.

Do đó, nội dung Bài Báo viết khiến người đọc hiểu sai rằng diện tích đất được giao thêm có thể là diện tích mà Flamingo “đổ đất, lấn hồ” ( như nội dung Bài Báo) là sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Flamingo.

5. Tại Bài Báo, phóng viên Hoàng Anh –Anh Tuấn viết rằng bảo vệ của Flamingo đã cản trở phóng viên tác nghiệp tại Dự án. Về nội dung này, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Qua kiểm tra nội bộ, rà soát các camera giám sát, không hề có việc phóng viên Hoàng Anh – Anh Tuấn đến liên hệ với đại diện Flamingo tại trụ sở Flamingo hoặc Dự Án để thu thập thông tin, tài liệu từ Flamingo. Nên việc phóng viên Hoàng Anh – Anh Tuấn viết rằng bảo vệ Flamingo đã cản trở phóng viên tác nghiệp tại Dự án là không đúng sự thật. Và việc phóng viên Hoàng Anh – Anh Tuấn trước khi đăng, phát Bài Báo không liên hệ với đại diện pháp lý và truyền thông của Flamingo là một nguyên nhân quan trọng khiến nội dung Bài Báo chưa phản ánh thực tế khách quan tại Dự Án.

Với mong muốn nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của Quý Báo, căn cứ tại Điều 42, Điều 43 Luật Báo chí năm 2016 và nội dung Giấy phép hoạt động Báo điện tử số  167/GB-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TTTT cấp ngày 20/4/2017, chúng tôi đề nghị Quý Báo:

1. Đăng phát toàn bộ ý kiến phản hồi tại văn bản này trong thời hạn quy định.

2. Đăng, phát lời cải chính, xin lỗi Công ty Cổ phấn Hồng Hạc Đại Lải về các thông tin sai sự thật tại Bài Báo trên báo chí, gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát thông báo cho Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải trong thời hạn theo quy định.

Trân trọng.

Thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh hoàn toàn có căn cứ, đúng sự thật.

Sau khi nhận được văn bản của Văn phòng Luật sư Trịnh (đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải), Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp để rà soát lại toàn bộ quy trình tác nghiệp, viết bài, biên tập, duyệt xuất bản… Đối chiếu hồ sơ, chứng cứ, tài liệu thu thập được, Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Tất cả những nội dung phản ánh trong bài viết  Flamingo Đại Lải resort lấp hồ, phá đảo, chính quyền bất lực? của tác giả Hoàng Anh – Anh Tuấn là hoàn toàn khách quan, đủ căn cứ  và đúng sự thật.

Tổng hợp một số biên bản và thống kê vi phạm của Flamingo Đại Lải resort

Báo Nông nghiệp Việt Nam làm rõ từng nội dung Văn phòng luật sư Trịnh phản hồi như sau:

Nội dung thứ nhất: Đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải cho rằng việc Bài Báo viết rằng Flamingo đổ đất, lấn hồ Đại Lải tại đảo Hoa Hồng và Dự Án là không phù hợp với thực tế và kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước tại Vĩnh Phúc.

Cụ thể, đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải trích dẫn bài báo viết: Flamingo đã liên tục đổ đất, lấp hồ Đại Lải, phá đảo, Flamingo Đại Lải Resort đã đổ đất lấp hồ khoảng 3.000 m2… tại hồ Đại Lải; phóng viên viết rằng Flamingo có ít nhất 7 lần lấn hồ Đại Lải bị phát hiện với diện tích xâm lấn lên đến hàng chục nghìn m2; Hiện nay Flamingo vẫn đang tiếp tục san lấp lòng hồ khu vực đảo Hoa Hồng.

Về nội dung này, Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Tất cả những thông tin trên đều được trích dẫn, khai thác từ hàng chục biên bản được lập bởi cán bộ của Cụm Thủy nông Đại Lải (Công ty Thủy lợi Phúc Yên), đơn vị được giao trực tiếp quản lý lòng hồ Đại Lải. Tất cả biên bản đều thể hiện các vi phạm của Flamingo Đại Lải Resort và Công ty Hồng Hạc Đải Lải hết sức rõ ràng.

Tại Bảng tổng hợp thống kê các tập thể, cá nhân có vi phạm công trình thủy lợi  do Cụm Thủy nông Đại Lải lập ngày 18/12/2017, có ít nhất 7 lần Flamingo Đại Lải Resort có các vi phạm đổ đất lấp lòng hồ Đại Lải; đổ đất lấp lòng hồ làm công trình biệt thự; đổ đất lấp lòng hồ, lấn thêm phần lòng hồ; đổ đất lấn lòng suối Đồng Câu…

Làm việc với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đường Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy lợi Phúc Yên khẳng định đã nhiều lần gửi văn bản cho phía doanh nghiệp để làm rõ nội dung này nhưng phía công ty không hợp tác.

Chính vì vậy, việc đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải phản hồi “Bài Báo viết rằng Flamingo đổ đất, lấn hồ Đại Lải tại đảo Hoa Hồng và Dự Án là không phù hợp với thực tế và kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước tại Vĩnh Phúc” là hoàn toàn không đúng sự thật. Chúng tôi xin gửi kèm theo các biên bản vi phạm và tổng hợp vi phạm của Flamingo Đại Lải Resort và Công ty Hồng Hạc Đải Lải do Cụm Thủy nông Đại Lải (Công ty Thủy lợi Phúc Yên) xác lập để chứng minh.

Nội dung thứ hai: Đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải khẳng định: Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc, giao đất, cho thuê đất tại Dự Án được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Diện tích 2,9ha đất tại Đảo Keo trước kia thuộc quyền sử dụng của Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ, diện tích này đã bị Nhà nước thu hồi từ năm 2003. Sau đó giao cho Chủ đầu tư theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đã được Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ bàn giao xong cho Chủ đầu tư từ năm 2005. Công ty đã thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh nghĩa vụ thanh toán tiền bồi thường GPMB cho Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ theo đúng phương án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hiện nay do Công ty đang quản lý, sử dụng trực tiếp, đã hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy CNQSDĐ  theo đúng quy định; nên việc phóng viên Hoàng Anh – Anh Tuấn viết rằng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã “giao nhầm” diện tích đất đảo Keo cho Flamingo là hoàn toàn không có cơ sở, trái với hồ sơ địa chính và nội dung các kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Nội dung này, Báo nông nghiệp Việt Nam có đủ tài liệu để chứng minh nguồn gốc diện tích đất trên không phải của Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ.

Cụ thể, đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải viện dẫn các biên bản bàn giao đất giữa Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ với Công ty Hồng Hạc Đại Lải, tuy nhiên, tại biên bản ngày 8/7/2005  giữa hai đơn vị này đã xác định diện tích đảo Độc Lập, khoảnh 13 là rừng môi sinh của người dân, không thuộc quyền quản lý của Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ.

Theo đó, ngày 8/7/2005 tại Trung tâm Đông Bắc Bộ, biên bản bàn giao giữa ông Đinh Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Đông Bắc Bộ và bà Trần Thị Kim Quy – Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Hợp tác quốc tế hùng Vương xác định bàn giao 36,8 ha. Về diện tích tại đảo Độc Lập các hộ dân bàn giao trực tiếp cho công ty.

Bằng chứng rõ ràng nhất là sau khi Công ty Hồng Hạc Đại Lải chuyển tiền bồi thường GPMB, Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ đã nhiều lần xác định diện tích này không phải của trung tâm.

Việc Công ty Hồng Hạc Đại Lải chuyển tiền bồi thường là vi phạm thỏa thuận ngày 8/7/2005 giữa hai đơn vị.

Ngày 7/7/2011, ông Lê Minh Cường, Phó Giám đốc trung tâm này đã ký văn bản gửi Công ty Hồng Hạc Đại Lải từ chối nhận tiền đền bù ở đảo Keo vì không phải là chủ sử dụng và đề nghị chủ đầu tư có trách nhiệm đền bù trực tiếp cho hộ dân. Tại văn bản này, ông Cường cũng cho biết là không có lý do để nhận và sử dụng số tiền đền bù trên.

Cũng tại văn bản này, ông Lê Minh Cường khẳng định việc đền bù giải phóng mặt bằng tại đảo Keo Công ty Hồng Hạc Đại Lải có trách nhiệm đền bù trực tiếp cho hộ dân (gia đình ông Long) theo thỏa thuận tại biên bản ngày 8/7/2005.

Tại văn bản gửi Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Vĩnh Phúc ngày 19/4/2011 báo cáo: Diện tích tại đảo Độc Lập  Công ty Hồng Hạc Đại và các hộ gia đình chưa thỏa thuận xong nhưng từ ngày 17/3/2008 Công ty đã tự chuyển 156.478.800 đồng vào tài khoản của Trung tâm tại Ngân hàng NN-PTNT mặc dù không có bất cứ văn bản hay thỏa thuận nào của 2 bên về việc này. Vì vậy Trung tâm vẫn giữ nguyên số tiền trong tài khoản của mình.

Mặt khác, tại Quyết định giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phú (ngày 24/10/1996) đã giao 921 ha cho Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ, mốc giới được xác định xuất phát từ điểm F và kết thúc tại điểm F, không có diện tích đảo Độc Lập trong quyết định giao đất này.

Chính vì vậy, việc Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, diện tích đảo Độc Lập không phải của Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ và việc thông tin phản ánh UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã “giao nhầm” diện tích đảo Độc Lập cho dự án Flamingo Đại Lải resort là hoàn toàn có căn cứ, đúng sự thật.

Nội dung thứ ba: Đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải phản hồi: Tại Bài báo, phóng viên Hoàng Anh –Anh Tuấn viết rằng: “Chủ đầu tư chỉ phải đóng tiền sử dụng đất có hơn 17ha, còn diện tích 88,0726 ha địa phương giao không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất”. Về nội dung này, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Tại các Quyết định giao, cho thuê đất thuộc dự án, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã quyết định các hình thức sử dụng đất khác nhau (như giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất…) Căn cứ vào văn bản Thông báo nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của cơ quan thuế, Flamingo luôn hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật và được Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận. Như vậy, quan điểm của bài báo rằng: Chủ đầu tư chỉ phải đóng tiền sử dụng đất có hơn 17ha, còn diện tích 88,0726 ha địa phương giao không thu tiền sử dụng đất là quan điểm không chính xác.

Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Toàn bộ thông tin trên được trích từ Quyết địch điều chỉnh việc giao đất chính thức thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Đại Lải của UBND tỉnh Vĩnh Phúc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa ký ngày 9/1/2007. Báo Nông nghiệp Việt Nam gửi kèm quyết định này để chứng minh những thông tin phản ánh là chính xác.

Nội dung thứ 4: Về thông tin, Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương… được phép mở rộng diện tích đất từ 96,11 ha ban đầu lên thành 122,2464ha, hầu hết là diện tích lấn lòng hồ Đại Lải? Và theo điều tra của NNVN những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Tổng cộng, ít nhất đã 7 lần hành vi xâm lấn hồ Đại Lải của Flamingo Đại Lải Resort bị phát hiện với diện tích xâm lấn lên đến hàng chục nghìn m2. Phần lớn diện tích san lấp đều được Công ty Hồng Hạc Đại Lải xây dựng các công trình phục vụ dự án”.

Đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải phản hồi: Do đó, nội dung Bài Báo viết khiến người đọc hiểu sai rằng diện tích đất được giao thêm có thể là diện tích mà Flaming “ đổ đất, lấn hồ” ( như nội dung Bài Báo) là sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Flamingo.

Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, trước hết thông tin về diện tích Flamingo Đại Lải được mở rộng từ việc lấn lòng hồ chúng tôi đánh dấu hỏi, tức là đang ở dạng nghi vấn. Cộng thêm các biên bản của Cụm Thủy nông Đại Lải thể hiện Flamingo Đại Lải Resort ít nhất 7 lần lấn, lấp hồ Đại Lải với diện tích hàng chục nghìn m2 đất liệu có nằm trong diện tích mở rộng của dự án hay không? Do không có điều kiện cũng như phương tiện, trách nhiệm khảo sát cụ thể nên thông tin này Báo Nông nghiệp Việt Nam đặt dưới dạng nghi vấn nhằm mục đích đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những hành vi vi phạm của Công ty Hồng Hạc Đại Lải.

Nội dung thứ 5: Đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải phản hồi bài báo vấn đề phóng viên Hoàng Anh –Anh Tuấn viết rằng bảo vệ của Flamingo đã cản trở phóng viên tác nghiệp tại Dự án là không đúng sự thật.

Về nội dung này, đề nghị đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải đọc kỹ lại bài báo. Nhóm PV Hoàng Anh – Anh Tuấn hoàn toàn không phản ánh việc bảo vệ của Flamingo cản trở phóng viên tác nghiệp (gửi kèm nội dung bài báo). Việc cản trở xẩy ra khi Công ty Hồng Hạc Đại Lải cho cho công nhân phá đảo Keo của gia đình ông Long, người nhà ông Long lên kiểm tra nhưng công nhân của Công ty Hồng Hạc Đại Lải không cho vào.

Nội dung thứ 6: Văn bản của đại diện pháp lý và truyền thông cho Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải có đề nghị:

1. Đăng phát toàn bộ ý kiến phản hồi tại văn bản này trong thời hạn quy định.

2. Đăng, phát lời cải chính, xin lỗi Công ty Cổ phấn Hồng Hạc Đại Lải về các thông tin sai sự thật tại bài báo trên báo chí, gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát thông báo cho Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải trong thời hạn theo quy định.

Về những yêu cầu trên của đại diện pháp lý Flamingo, Báo Nông nghiệp Việt Nam trả lời như sau:

Khoản 1 Điều 42 Luật Báo chí năm 2016 có quy định: “Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát… ”. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều này quy định: “Khi có văn bản kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức… thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí”.

Văn bản của đại diện pháp lý và truyền thông của Công ty Hồng Hạc Đại Lải là dạng văn bản phản hồi thông tin, không phải kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, không có căn cứ để đăng, phát lời cải chính, xin lỗi theo yêu cầu. Báo Nông nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện việc đăng, phát thông tin phản hồi theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 43 Luật Báo chí năm 2016.

Trên đây là những nội dung Báo Nông nghiệp Việt Nam trả lời, làm rõ những phản hồi của đại diện pháp lý, truyền thông của Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải về bài viết Flamingo Đại Lải resort lấp hồ, phá đảo, chính quyền bất lực?

Một lần nữa Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, những thông tin phản ánh trong bài viết là hoàn toàn khách quan, đúng sự thật. Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có chỉ đạo kiểm tra làm rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

NNVN

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s