Chuyên đề: Nóng bỏng cuộc chiến chống đường lậu, đường giả

  • Nước mắt người trồng mía trên Tây Nguyên
  • Làm đường cát giả thương hiệu, phạt hay khởi tố ?
  • Đường lậu tấn công, nhà máy đóng cửa

***

Nước mắt người trồng mía trên Tây Nguyên

Để cho ra những hạt đường mía trắng tinh ngọt lịm, người trồng mía đã lam lũ đổ mồ hôi, sôi nước mắt ròng rã cả năm vun trồng. Thế nhưng cứ đến ngày thu hoạch, là tái diễn cảnh  bán mía giá rẻ, nhà máy thu mua không kịp khiến mía khô khốc ngoài đồng. Lỡ mía bén lửa, họ chỉ còn biết … khóc.

Mía chất thành đống khô như củi.

Mặn như … mía!

Về huyện Ea Súp – nơi có diện tích mía lớn nhất tỉnh Đắk Lắk vào những ngày mưa, chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi khổ của người nông dân khi đứng nhìn hàng trăm ha mía quá lứa héo rũ trên đồng.

Ông Nguyễn Minh Điệp (thôn 3, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) cho biết: Niên vụ 2017 – 2018 gia đình ông ký hợp đồng đầu tư trồng và tiêu thụ hơn 5 ha với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk. Theo hợp đồng, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm mía với giá 800 đồng/kg. Thời gian thu mua là tháng 5/2018 (khi cây mía trồng đủ 1 năm), thế nhưng đến nay quá thời hạn thu hoạch hơn 1 tháng, gia đình ông vẫn chưa được chặt.

Để trồng được 5 ha mía, ông Điệp đã gom góp đầu tư hơn 250 triệu đồng. Trong đó, công ty hỗ trợ 30 triệu đồng/ha, còn lại phải đi vay ngoài. Trồng mía rất vất vả, từ khi trồng đến thu hoạch mất 1 năm, qua nhiều công đoạn chọn giống, làm đất, tưới tiêu, diệt sâu bệnh hại… nên rất tốn công. Nhà nông phải quần quật trên đồng cả ngày. Nhất là khi thời tiết nắng nóng, rất dễ xảy ra cháy mía. Đã từng xảy ra nhiều vụ, chỉ cần một mồi lửa nhỏ là ruộng mía biến thành biển lửa. Kỳ công chăm sóc, đến ngày thu hoạch, nhà nông tiếp tục bị “hành” khi nhà máy chậm thu mua để mía quá lứa phơi ngoài đồng.

Mía nhà ông Điệp quá lứa héo úa trên đồng

Anh Đoàn Văn Sơn (thôn 4, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) cũng ký hợp đồng trồng 9 ha mía nhưng mới thu được 5 ha, 4 ha còn lại “đứng chờ” lịch chặt. Nóng ruột, anh chặt 2 ha, bỏ tiền túi thuê xe chở đến tận nhà máy nhưng công ty không đồng ý. Anh đành chất đống mía đã chặt như củi, và bất lực nhìn ruộng mía từng ngày héo khô vì quá kỳ thu hoạch. Công ty “vỡ” hợp đồng, thu mua chậm tiến độ khiến nhiều hộ dân Ea Súp rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Mía trồng quá lứa chưa chặt, trong khi thời điểm chăm sóc niên vụ sau đã đến. Người dân không thể phá bỏ, lấy đất tái sản xuất cho vụ sau. Còn nếu “đợi” thu xong, gốc mía bị khô chết, tỉ lệ lên mầm thấp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía vụ sau.

Mía nhà anh Sơn chặt cả tháng chưa được thu mua.

Hàng trăm ha mía phơi đồng

Niên vụ 2016 -2017 toàn huyện Ea Súp có hơn 2.000 ha mía, đến niên vụ 2017-2018 diện tích tăng lên hơn 4.000 ha, vẫn theo quy hoạch của địa phương, tập trung tại các xã Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Ea Bung, Cư Kbang…

Tại xã Cư M’lan, ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 550 ha mía đều ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk. Thời điểm hiện tại, công ty mới thu mua khoảng 469 ha, còn lại 81 ha (trong đó có 6,8 ha đã chặt nằm tại đồng) dù đã quá hạn hợp đồng thu mua hơn 1 tháng. Xã cũng nhận đơn người dân phản ánh công ty vi phạm hợp đồng, đẩy họ vào cảnh khó khăn, thua lỗ.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk, hiện trên địa bàn huyện Ea Súp còn khoảng 180 ha mía nguyên liệu chưa thu hoạch, tập trung nhiều nhất tại các xã Cư M’lan 70 ha, Ea Bung 40 ha, Ya Tờ Mốt 30 ha…Ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hoạch mía không đúng tiến độ, là do từ cuối tháng 4/2018 đến nửa đầu tháng 5/2018 khan hiếm nhân công lao động. Cuối tháng 5/2018, trời lại mưa nhiều, ảnh hưởng đến việc thu hoạch. Vậy nên, toàn bộ diện tích chưa thu hoạch, công ty sẽ tổ chức thu và mua từ nay tới tháng 11/2018. Đối với mía thu hoạch chậm bị suy giảm chất lượng, công ty sẽ có chính sách hỗ trợ phần chất lượng bị suy giảm.

Ông Trần Quang Trịnh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho hay, chính quyền địa phương đã nhận được kiến nghị của người dân về tình trạng thu hoạch và thu mua mía chậm so với hợp đồng mà người dân đã ký kết với Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk. Hiện chính quyền địa phương đang phối với công ty tổ chức đối thoại với người dân, tìm kiếm hướng giải quyết, dù khó khắc phục hết thiệt hại trước mắt và ổn định sinh kế lâu dài cho người trồng mía.

Giá mía thấp nhất trong 5 năm qua

Ngoài Đắk Lắk, Gia Lai cũng là vùng nguyên liệu mía lớn của Tây Nguyên. Hiện giá mía nguyên liệu quá thấp đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết: Niên vụ 2017-2018, toàn huyện có 1.280 ha mía, tập trung tại các xã Ia M’lát, Ia Rsai và thị trấn Phú Túc. Năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất mía tương đối cao (70 tấn/ha) nhưng giá lại thấp (chỉ từ 720-730 nghìn đồng/tấn), đây là mức giá thấp nhất trong 5 năm qua. Trồng mía đòi hỏi kỹ thuật, công sức chăm bón của nông dân rất lớn nhưng lợi nhuận lại kém. Những năm bán được giá cao, nông dân mới lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Còn năm nay giá thấp, nhà máy lại thu mua kéo dài làm tăng chi phí thu hoạch, giữ đồng nên vụ mía năm nay nông dân chắc chắn lỗ công.

Huỳnh Thủy

 

***

 

Làm đường cát giả thương hiệu, phạt hay khởi tố ?

Trong khi nhiều Đồn Biên phòng và lực lượng Hải quan không ngăn chặn nổi đường nhập lậu ồ ạt tràn qua biên giới, thì ngay trong nội địa, “cuộc chiến” gay go không kém về quan điểm xử lý các vụ đường giả nhãn mác giữa các lực lượng chức năng, cũng cho thấy cần “soi” lại đội ngũ thực thi pháp luật.

Đường giả nhãn mác bao bì bị bắt

Ngày 29/3/2018, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 12B cùng Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại Quận 12 phát hiện ô tô chở 15 tấn đưòng cát tinh luyện không có hóa đơn, chứng từ của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu TMTH Mỹ Linh (Công ty Mỹ Linh). 15 tấn đường trị giá 288.000.000 đồng này đựng trong 300 bao in nhãn hiệu hàng hóa của Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa-Đồng Nai (Công ty Đường TTC), một doanh nghiệp có uy tín trong ngành sản xuất, kinh doanh đường.

Liên ngành phối hợp tại một kho đường giả, đường lậu
Lô hàng giả thương hiệu bị niêm phong

Qua xác minh, lãnh đạo Công ty Đường TTC khẳng định các bao bì đựng đường không rõ nguồn gốc của Công ty Mỹ Linh đã in giả nhãn hiệu hàng hóa thuộc quyền sở hữu của Công ty Đường TTC. Nhãn hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký từ ngày 1/10/2017, thời hạn bảo hộ 10 năm, kể từ ngày nộp đơn là ngày 14/1/2015. Mặt khác, 300 bao đường cát này cũng không phải là sản phẩm do Công ty Đường TTC sản xuất và bán trên thị trường. Đường TTC không có bất kỳ một ủy quyền nào cho Công ty Mỹ Linh thực hiện việc sản xuất hoặc phân phối sản phẩm.

Điều đó cho thấy Công ty Mỹ Linh đã có dấu hiệu phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả, nên ngày 17/4, Đội QLTT 12B đã gửi công văn đến Chi cục QLTT thành phố, UBND quận 12, Công an quận 12, đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc sang Công an quận 12. Nhất trí với đề xuất của Đội QKTT 12B, Chi cục Quản lý thị trường thành phố và UBND quận 12 đều có công văn gửi Công an quận 12, đề nghị cơ quan này tiếp nhận hồ sơ, vật chứng và thụ lý, điều tra sai phạm của Công ty Mỹ Linh để xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 23/4/2018, Công an quận 12 lại có công văn số 238 phúc đáp là “không nhận”, và đề nghị Đội QLTT 12B tiếp tục hỏi Cục Sở hữu trí tuệ xem các nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý trên lô hàng tạm giữ có đang được bảo hộ tại Việt Nam hay không, để xác minh hành vi này có dấu hiệu tội phạm hay chỉ vi phạm hành chính. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì hẵn chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12.

Ủy ban nhân dân Quận 12 đồng ý cho Đội Quản lý thị trường 12B mời đại diện Công ty Đường TTC đến làm việc. Ngày 2/5/2018, đại diện Công ty Đường TTC xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 274716, nộp đơn từ ngày 14/1/2015, có hiệu lực 10 năm tính từ ngày nộp đơn. Ngay sau đó, Chi cục QLTT thành phố gửi công văn cho Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị hỗ trợ cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý theo thông tin in trên bao bì của 15 tấn đường cát tinh luyện đang tạm giữ. Nhưng đến nay, dù Chi cục QLTT thành phố đốc thúc, Cục Sở hữu trí tuệ vẫn chưa có văn bản phúc đáp.

Để hồ sơ vụ việc được xử lý theo đúng quy định pháp luật, không quá hạn đối với thời gian tạm giữ tang vật theo Luật xử lý vi phạm hành chính; Mặt khác, do Công ty Đường TTC cũng đã chứng minh được quyền Sở hữu trí tuệ đối với nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý liên quan đến số đường cát linh luyện đang bị tạm giữ, Đội QLTT 12B phải đề nghị UBND quận 12 chỉ đạo Công an quận 12 nhận toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật tạm giữ của Công ty Mỹ Linh do bà Nguyễn Thị TH làm đại diện để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Khi có công văn trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ, Chi cục QLTT sẽ chuyển cho Công an Quận 12.

         Mãi đến ngày 21/5/2018, sắp hết hạn xử lý Công an quận 12 mới chịu nhận hồ sơ. Tuy nhiên, do quan điểm các bên trái ngược, sự việc bị ngâm dầm từ đó tới nay. Ngày 4/7/2018, từ Tây Ninh, ông Phạm Hồng Dương-Người đại diện pháp luật của Công ty Đường TTC đã gửi đơn kiến nghị đến Cục Quản lý thị trường, đề nghị lãnh đạo Cục thúc đẩy các thủ tục cần thiết để truy tố Công ty Mỹ Linh về các tội:  Sản xuất, buôn bán hàng giả; Xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp; và tội buôn lậu.

Lô hàng giả thương hiệu bị niêm phong

Theo ông Dương, việc Cty Mỹ Linh làm giả và bán sản phẩm đường của Cty Đường TTC tác động tiêu cực đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của Công ty đã có truyền thống gần 50 năm trên thị trường. Bên cạnh đó, đường giả của Công ty Mỹ Linh là sản phẩm không đảm bảo chất lượng do không được công bố phù hợp an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu được lưu thông trên thị trường sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Số sản phẩm đường giả này cũng làm giảm sút thị phần, gây thiệt hại doanh thu của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thiệt hại này sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu lượng đường giả đóng bao là hàng không rõ nguồn gốc hoặc hàng buôn lậu.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường đã gửi CV số 978 ngày 6/7/2018 cho Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường xem xét xử lý nghiêm vi phạm của Cty Mỹ Linh. Nếu đủ căn cứ xá định tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì phải khẩn trương khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm theo đúng các quy định pháp luật.

Ngày 11/7/2018 trao đổi với báo Tiền Phong, ông Trần Hùng- Cục phó Cục Quản lý thị trường khẳng định: Đây là một trong những điển hình về sự khó khăn trong công tác chống hàng giả và gian lận thương mại. Hành vi phạm pháp của Công ty Mỹ Linh quá rõ, nhưng sự bao che, ngâm dầm của cơ quan chức năng đã khiến sự việc trở nên phức tạp, doanh nghiệp làm ăn chân chính bất bình, mất lòng tin. Dù lực lượng QLTT cố gắng đến đâu, khi chuyển hồ sơ có đủ dấu hiệu tội phạm hình sự mà cơ quan điều tra vẫn không quyết tâm vào cuộc, thì cũng chỉ…công toi mà thôi!

          Hoàng Thiên Nga

***

 

Bài số 3: Đường lậu tấn công, nhà máy đóng cửa

 

Cán cân của cuộc chiến chống đường nhập lậu, đường giả nhãn mác dường như đang ngày càng nghiêng về phía … đội ngũ buôn lậu và các thế lực tiếp tay. Chẳng thế mà suốt chặng truy quét từ Quảng Trị vào đến An Giang, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã phải chứng kiến cảnh đường lậu mua bán công khai, tấp nập suốt từ các cửa khẩu vào đến các quận, huyện hàng loạt tỉnh thành.

Những kho đường lậu này khiến đường nội điêu đứng

 

Trước lời kêu cứu khẩn thiết của nhiều nhà máy đường không tiêu thụ được sản phẩm, không cạnh tranh nổi với đường lậu, đường giả, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam vừa gửi văn bản kiến nghị các Bộ ngành liên quan xem xét áp thuế nhập khẩu từ 10%-20% đối với đường lỏng nhập chủ yếu từ Trung Quốc, vừa đề nghị Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cử các lực lượng phối hợp để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động buôn bán đường lậu và sản xuất, kinh doanh đường giả mạo xuất xứ, thương nhân Việt Nam.

Từ đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã ban hành Quyết định 334, phê duyệt “Kế hoạch đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo, xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020”. Theo đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã thành lập Tổ công tác chuyên trách thực hiện Kế hoạch này, gọi tắt là Tổ 334, do ông Trần Hùng- Phó Cục trưởng Cục QLTT, làm Tổ trưởng. Với phong cách “máu lửa”, Tổ 334 do “khắc tinh tội phạm” Trần Hùng dẫn đầu đã phối hợp với Hiệp hội Mía Đường và lực lượng QLTT các tỉnh thành thực hiện nhiều cuộc điều tra, phát hiện, truy bắt hàng trăm vụ nhập lậu đường. Qua đó, Tổ 334 đã phát hiện nhiều thủ đoạn hợp thức hóa đường nhập lậu, cùng hàng loạt hiện tượng nhức nhối ở các đơn vị chức năng đã buông lỏng trách nhiệm, bảo kê thậm chí tiếp tay cho tội phạm buôn đường lậu, và làm đường giả.

Thực tế ở hàng loạt điểm nóng về buôn lậu mà Tổ 334 đã “quét” qua, thì đường cát được tập kết dọc các tỉnh biên giới giáp Lào và Campuchia, vận chuyển lậu bằng đường bộ và đường thủy vào nước ta, rồi được các ôtô tải chở về các kho hàng của nhiều doanh nghiệp. Nhiều nơi các cánh buôn lậu đường còn tự tin đến mức vận chuyển đường lậu còn nguyên bao bì nhãn mác Thái Lan mà không sợ bị gây khó dễ, dù năm 2018 Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương không cấp hạn ngạch nhập khẩu đường cho bât kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào.

Đường Thái nhập lậu nguyên bao

Ngày 14/6, Tổ 334 bắt giữ 1 xe tải chở 25 tấn đường Thái Lan của Cty TNHH Nông sản Hải Vinh tại thị trấn Điện Bàn (Quảng Nam), sau đó phát hiện trong kho của Công ty này có tới 67 tấn đường Thái. Chiều 16.6.2018, tại một lối mòn trên sông Sepon (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ngay gần Đồn Biên phòng Lao Bảo, Tổ 334  chứng kiến cảnh ghe thuyền tấp nập vận chuyển hàng lậu và đường cát, liên tục cập bến chuyển hàng lên bờ rồi dùng xe máy chuyển về nơi tập kết. Sáng hôm sau Tổ 334 đến Đồn Biên phòng Lao Bảo để chất vấn về tình trạng bỏ ngỏ cửa khẩu này, nhưng không cách nào gặp được lãnh đạo Đồn. Một Đội trưởng cho biết phải có chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thì Đội mới tiếp (!)

Hóa đơn 25 tấn đường lậu quay vòng bắt ở Quảng Nam
Cả một kho đường Thái nhập lậu nguyên bao

Kẽ hở để gian lận thương mại

Một giám đốc nhà máy Mía đường ở miền Trung tự nhận sắp đóng cửa vì thua lỗ cho biết ông đã nhiều lần lên tiếng đề nghị Bộ NN&PTNT xem lại Thông tư 45, về việc cấp phép mở cơ sở sản xuất, sang chiết hàng hóa cho nơi không hề có vùng nguyên liệu. Lợi dụng Thông tư này, nhiều địa phương không trồng mía cũng cấp phép mở cơ sở sản xuất, sang chiết, khiến các đối tượng chuyên buôn lậu đường càng thuận lợi trong việc sang chiết đường nhập lậu. Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang cũng  xác nhận trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở đã dùng giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp trong hoạt động khác, để hợp thức hóa hoạt động sang chiết đường nhập lậu. Có doanh nghiệp in giả nhãn mác của các công ty có vùng nguyên liệu mía, chuyên sản xuất đường có uy tín thương hiệu, hoặc san chiết đường Thái nhập lậu vào bao bì in tên những nhà máy Mía Đường đã đóng cửa, ngưng hoạt động từ lâu. Có doanh nghiệp lợi dụng sự dễ dãi, kẽ hở của việc cấp giấy chứng nhận sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, để dùng giấy chứng nhận này làm “bùa hộ mệnh”, dù không có hoạt động sản xuất nào ngoài buôn lậu đường qua biên giới.

Những kho hàng chất đầy đường Thái Lan nhập lậu

 Những  thủ đoạn khó ngờ

Tại một kho đường nhập lậu ở Quảng Nam, Tổ 334  phát hiện một chiếc “Máy trộn tạo màu cho đường” nhem nhuốc như trộn vữa, với những túi bột màu được giải thích là loại màu để nấu chè đậu ván, pha vào đường cát trắng để bán cho những người tin đường cát vàng là đường …. thật, nguyên chất. Tại Quảng Trị, Hải quan Lao Bảo cho biết từ đầu năm 2018 tới nay có 2 doanh nghiệp nhập 59 tấn đường kính trắng ngoài hạn ngạch từ 1 công ty của Lào, giá tới hơn 22 nghìn đồng/ ký, cao gần gấp đôi giá đường trong nước, chấp nhận lỗ nặng. Lý giải về hiện tượng bất thường này, ông Phạm Quốc Doanh Chủ tịch Hiệp hội Mía Đường khẳng định: Họ nhập đường ngoài hạn ngạch với giá cao thế này, chắc chắn chỉ để dùng bộ hồ sơ hải quan phục vụ cho việc hợp thức hóa đường nhập lậu, chứ không phải để kinh doanh.

Cối trộn để pha màu vào đường nhập lậu
Màu bẩn để trộn vào đường

Lượng đường cát trắng do các nhà máy sản xuất đường trên cả nước hiện đang tồn kho với khối lượng khổng lồ. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 5/2018, lượng đường tồn kho cả nước đã lên tới 670.000 tấn. Con số này vẫn tiếp tục tăng, vì trong nước thì các nhà máy đang tiếp tục thu mua mía cuối vụ, phía Bắc thì đường lỏng rẻ hơn đường cát nội địa từ 2000-3000đ/ ký của Trung Quốc, Hàn Quốc tràn vào, từ phía bắc miền Trung vào tới cực Nam thì đường lậu từ Thái Lan vẫn hàng ngày đổ qua biên giới.

 

Hoàng Thiên Nga

 

1 bình luận về “Chuyên đề: Nóng bỏng cuộc chiến chống đường lậu, đường giả

  1. Em cám ơn chị Nga và các anh chị đồng nghiệp cùng thực hiện chuyên đề này.

    Em nghĩ,

    – Nếu giá đường trong nước không quá cao thì có lẽ không có đường lậu (với giá rẻ hơn).

    – Nếu nhà nước không bảo hộ ngành mía đường, để rồi vì thế mà giá đường bị đẩy quá cao, thì có lẽ không có đường lậu.

    – Nông dân, dù không khổ với đường lậu, thì cũng đã khổ với đường nội rồi, vì đường nội dù giá cao nhưng giá mía vẫn thấp, nông dân vẫn khổ.

    (Tham khảo: Ai hưởng lợi từ bảo hộ mía đường? – 4 kỳ

    Ai hưởng lợi từ bảo hộ mía đường?
    Ai hưởng lợi từ bảo hộ mía đường – Kỳ 2: Cạnh tranh để ‘giải thoát’ nông dân
    Ai hưởng lợi từ bảo hộ mía đường? – Kỳ 3: Không thể cứ bắt người tiêu dùng chịu thiệt
    Ai hưởng lợi từ bảo hộ mía đường? – Kỳ 4: Hãy coi nhập đường từ Lào như một phép thử)

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s