Đắt như cước vận tải – 4 kỳ

  • Đắt như cước vận tải
  • Kỳ 2: Đủ thứ làm đội giá
  • Kỳ 3: Chi phí vận chuyển nhấn chìm du lịch
  • Kỳ 4: Giảm sức cạnh tranh của hàng trong nước

***

Đắt như cước vận tải

03:50 AM – 12/11/2012 TN

Cao, liên tục tăng giá vào dịp lễ  tết trong khi dịch vụ thì kém, giá cước vận tải đang là nỗi bức xúc của cả người dân và doanh nghiệp.

Đắt như cước vận tải

Vé máy bay nội địa quá đắt Ảnh: Mai Vọng

Đi nội địa đắt hơn đi nước ngoài

Đắt như cước vận tải - ảnh 2
Mua một cặp vé khứ hồi bằng 20 bữa ăn sáng giá bình dân tại TP.HCM, thôi đi xe đò cho khỏe
Đắt như cước vận tải - ảnh 3
Một người dân

Từ 15.10, các hãng hàng không đã đồng loạt điều chỉnh giá vé tăng từ 1 – 4%. Trong đó, Vietnam Airlines (VNA) tăng từ 20.000 đồng/vé trên mỗi chiều tùy thuộc vào đường bay và từng hạng đặt chỗ. Cao nhất là vé thương gia linh hoạt, đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội hiện là 5,154 triệu đồng và thấp nhất là vé siêu tiết kiệm có giá 1,584 triệu đồng/một chiều cho những chuyến bay gần ngày. Cũng 2 loại vé này, nếu mua trước khoảng 2 tháng, vé thương gia linh hoạt cũng ở mức 4,4 triệu đồng và vé siêu tiết kiệm là 1,309 triệu đồng/một chiều.

Giá vé phổ thông cao nhất chiều Hà Nội – TP.HCM của hãng này tăng tới 2,981 triệu đồng/một chiều bao gồm cả phí phục vụ và thuế VAT. Mức tăng này vẫn nằm trong biên độ cho phép của đợt tăng trần hồi tháng 12.2011 là 20% (giá trần Bộ Tài chính cho phép chiều Hà Nội – TP.HCM là 3,4 triệu đồng/một chiều chưa tính thuế, phí). Việc tăng giá “trước một bước” trước khi công bố giá vé tết của VNA khiến nhiều người lo ngại về giá vé tết của hãng này. Quả thật, vé hạng thương gia linh hoạt của VNA trong những ngày cao điểm tết đã lên đến 5,544 triệu đồng/một chiều.

Ông Trần Duy Khiêm, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Khang Minh, trụ sở ở TP.HCM, người thường xuyên đi lại bằng máy bay do nhu cầu công việc, nhận xét: giá vé máy bay nội địa so với thu nhập của đại bộ phận người Việt Nam hiện nay là quá đắt. Một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan… mặc dù thu nhập đầu người cao hơn Việt Nam nhiều nhưng giá vé máy bay rẻ hơn. Đơn cử giá vé máy bay tuyến TP.HCM – Singapore của hãng Jetstar Pacific là 1,21 triệu đồng/chặng/khách, nhiều thời điểm khuyến mãi, giá chỉ còn 550.000 đồng/chặng/khách. Giá vé khứ hồi đã bao gồm các loại thuế khoảng 65 USD/khách. Như vậy có thể thấy, vé giá rẻ khứ hồi TP.HCM- Singapore rẻ hơn nhiều vé một lượt từ TP.HCM đi Hà Nội.

Ngay cả ở Đức và Mỹ, giá vé máy bay nội địa cũng thấp hơn ở Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức cho biết, vé máy bay giá rẻ từ Đức sang Anh (khoảng 2,5 giờ bay) chỉ từ 19 – 29 euro/chiều. Từ Đức đi một số nước châu Âu với đường bay khoảng từ 1,5 – 2 tiếng, có những vé giá chỉ từ 50 – 60 euro. Vé máy bay nội địa ở Đức với những đường bay ngắn (khoảng 50 phút bay), bay khứ hồi chỉ có 99 euro. Còn ở Mỹ, trên đường bay nội địa khoảng 3 giờ bay (gấp rưỡi Hà Nội – TP.HCM), vé giá rẻ hoặc vé chờ (bán cho những hành khách chịu khó chờ đến giờ bay mà máy bay còn chỗ trống), giá chỉ có 50 – 60 USD so với mua vé cận ngày bay có khi 300 – 400 USD/một chiều. “Giá vé máy bay nội địa ở Việt Nam là quá đắt so với thu nhập của đại đa số người dân hiện nay”- ông Đồng nhận xét.

Với giá vé nội địa như vậy, ngay cả với một người làm nghề kinh doanh như chị Nguyễn Hồng My ở TP.Cà Mau, vẫn không dám chọn máy bay làm phương tiện đi lại làm việc và thăm gia đình ở TP.HCM. Chị so sánh, máy bay tuyến TP.HCM – Cà Mau hiện mỗi ngày chỉ có một chuyến, giá vé một chiều từ 1,309 triệu – 1,584 triệu đồng (chưa bao gồm thuế và một số phụ phí khác) trong khi giá vé xe đò chất lượng cao từ TP.HCM – Cà Mau khoảng 185.000 đồng/lượt/khách (xe Phương Trang). Còn loại vé xe thường do các doanh nghiệp tại Bến xe Miền Tây bán giá dao động 120.000 – 140.000 – 160.000 đồng/lượt/khách.

Ngất ngưởng vé tàu hỏa

Cước tàu biển leo thang

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Vương (Tiền Giang) than rằng chi phí vận tải tàu biển năm 2012 đã tăng gần 50% so với năm trước. Một container từ Việt Nam đi châu Âu năm 2011 giá khoảng 1.800 USD, năm nay đã tăng lên 3.000 USD. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho lợi nhuận năm nay giảm, dù doanh số tăng trên 20%. Dự kiến năm 2013, cước vận tải đường biển sẽ còn tăng nữa.

Vé tàu hỏa hiện cũng cao ngất ngưởng, thậm chí còn đắt hơn vì hành trình dài hơn. Như giữa Hà Nội và TP.HCM, hành khách chỉ mất khoảng 2 giờ bay (không kể thời gian chờ và làm thủ tục tại sân bay), trong khi đi tàu phải mất từ 30 – 40 tiếng. Hành trình nhanh nhất là tàu SE3 và SE4 giữa Hà Nội – TP.HCM (khoảng 30 tiếng), rẻ nhất là 694.000 đồng (dịp hè là 782.000 đồng) cho một vé ngồi cứng. Giá này gần bằng vé máy bay khuyến mãi của các hãng hàng không giá rẻ. Loại vé cao nhất của tàu này là giường mềm điều hòa tầng 1 hiện đang là 1,76 triệu đồng (dịp hè vừa qua đã lên đến 1,857 triệu đồng), ngang ngửa với loại vé tiết kiệm của VNA.

Với những đoàn tàu Thống Nhất hành trình chậm do dừng nhiều ga (tàu có mác TN), giá vé thấp hơn tàu mác SE từ 200.000 – 500.000 đồng. Tuy nhiên, giá vé cao nhất của tàu TN1 và TN2 hiện cũng tương đương, thậm chí cao hơn vé máy bay hạng phổ thông của Jetstar Pacific và hạng Eco của VietJetAir (khoảng từ 1,15 triệu – 1,7 triệu đồng) cho chiều giữa Hà Nội và TP.HCM. “Vé thì đắt, chất lượng phục vụ thua các hãng xe có thương hiệu, lịch trình thì luôn bị chậm so với dự kiến” – chị Nguyễn Thị Mai, Q.10, TP.HCM ngao ngán nói.

Ngày thường đã vậy, ngày tết còn cao hơn. Các hãng vận tải thi nhau tăng giá. Giá vé tàu hỏa tăng từ 10 – 39%. Xe đò ngày lễ, ngày tết cũng tăng từ 20 – 60%, gây khó cho phần lớn người dân lao động từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào TP.HCM mưu sinh.

Giá cước quá cao, nhiều gia đình phải lùi thời gian về quê ăn tết để bớt chi phí đi lại. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Tiến (Quảng Nam) 5 năm nay vẫn thường về quê vào ngày mùng 2 tết thay vì về trước tết như trước đó. Chị Tiến tính toán, ngày thường đi xe đò từ TP.HCM về quê chỉ 250.000 đồng nhưng những ngày giáp tết giá vé tăng gần gấp đôi, 450.000 – 500.000 đồng. Thôi đành chờ ra tết chứ biết làm sao.

Trên tuyến tàu cánh ngầm TP.HCM – Vũng Tàu (và ngược lại), giá vé hiện nay là 250.000 đồng/lượt, cao hơn nhiều giá vé xe đò trên tuyến (khoảng 100.000 đồng/lượt). Do vậy, khách chủ yếu chỉ là những người đi du lịch, người có thu nhập tương đối khá. Còn với nhiều người lao động có thu nhập trung bình thì “mua một cặp vé khứ hồi bằng 20 bữa ăn sáng giá bình dân tại TP.HCM, thôi đi xe đò cho khỏe” – một người chua chát kết luận.

M.Vọng – M.Hà – Đ.Mười

***

Đắt như cước vận tải – Kỳ 2: Đủ thứ làm đội giá

03:45 AM – 13/11/2012 TN

Giá cước vận tải của Việt Nam quá cao do gánh rất nhiều loại chi phí đầu vào. Trong khi hạ tầng giao thông lại quá yếu kém khiến hiệu quả vận tải thấp, chi phí càng nhiều hơn.

Đầu vào quá cao

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, “giá cước vận tải phụ thuộc đầu vào, trong khi đó, đầu vào của Việt Nam đôi khi vượt quá xa so với các nước trong khu vực”. Ông nêu ra ví dụ một ô tô chạy taxi, chi phí mua xe đã gấp 2 – 3 lần so với các nước trong khu vực vì phải chịu quá nhiều thuế, phí. Giá tài sản cố định gấp 2 – 3 lần, khấu hao tài sản cố định chiếm trên dưới 20% tổng chi phí giá thành cước cùng với nhiều yếu tố khác khiến giá cước vận tải cao. “Sắp tới còn phí bảo trì đường bộ sẽ đưa vào giá cước, cũng sẽ làm giá cước vận tải tăng thêm nữa”, ông Hùng nhận định.

Thu phí giao thông

Phí giao thông – một trong những yếu tố quan trọng khiến giá cước vận tải cao – Ảnh: Diệp Đức Minh

Giải thích về việc giá cước xe khách trong nước cao hơn các nước xung quanh như Thái Lan, Campuchia…, ông Phạm Minh Sương, Trưởng ban Phát triển kinh doanh Tập đoàn Mai Linh, đưa ra hàng loạt nguyên nhân: xe ở Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu trong khi Thái Lan, Campuchia thì không, vỏ xe cũng phải nhập khẩu toàn bộ (doanh nghiệp trong nước chỉ có Casumina sản xuất được vỏ xe nhưng chỉ có vỏ xe nhỏ, taxi), nhiều loại phụ tùng khác cũng phải nhập khẩu và chịu thuế suất cao.

Đắt như cước vận tải - Kỳ 2: Đủ thứ làm đội giá - ảnh 2
Các yếu tố đầu vào như xăng dầu đã chiếm đến 45% giá cước, phí cầu đường chiếm 10 – 20%, vỏ xe 10%… mà giá đầu vào liên tục tăng trong những năm gần đây
Đắt như cước vận tải - Kỳ 2: Đủ thứ làm đội giá - ảnh 3
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, “các yếu tố đầu vào như xăng dầu đã chiếm đến 45% giá cước, phí cầu đường chiếm 10 – 20%, vỏ xe 10%… mà giá đầu vào liên tục tăng trong những năm gần đây”. Ông Chung bức xúc: “Chỉ mặt hàng vỏ xe, 4 năm qua mặt hàng này đã tăng giá 300%, nhưng nghịch lý là giá mủ cao su thì liên tục xuống thấp”.

Hạ tầng yếu kém cũng phải nộp phí

Ông Lê Trường Sang, Trưởng phòng Điều độ – kinh doanh của Công ty CP vận tải và du lịch Phương Trang, cho rằng, ngoài nhiều nguyên nhân làm cho giá cước vận tải nói chung tăng, như giá xăng dầu cao, lãi vay ngân hàng đầu tư phương tiện cao… thì rõ nhất là tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông quá yếu kém, khiến hiệu quả lưu thông thấp, mất nhiều thời gian, hao phí nhiên liệu, xe xuống cấp nhanh, khấu hao cao. Điều đáng nói là hạ tầng giao thông yếu kém nhưng cũng phải nộp phí giao thông rất nhiều và sắp tới là phí bảo trì đường bộ.

Nhiều tài xế xe khách ở Bến xe Miền Đông cho biết họ “ngán” nhất là đi qua các đoạn đường cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM. Ngoài khu vực cầu Bình Triệu, đoạn quốc lộ 1 từ cầu vượt Gò Dưa đến cầu vượt Sóng Thần cũng là đoạn đường có mật độ xe lưu thông rất đông. Một bác tài xe khách chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu, cho biết từ Bến xe Miền Đông ra đến Vũng Tàu khoảng hơn 120 km, xe chạy bình quân khoảng 2 tiếng 45 phút, nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ mới đi qua cung đường chưa đầy 30 km ra/vào thành phố. Còn trên trục xa lộ Hà Nội, từ cầu Sài Gòn ra đến Biên Hòa có nhiều ngã ba, ngã tư thường xuyên bị ùn xe mà điểm “nóng” nhất là ngã tư Thủ Đức. Xe tải nặng từ Biên Hòa vào cảng Cát Lái ngán nhất là đi qua đoạn đường từ Khu công nghệ cao đến ngã tư Thủ Đức, vì hầu như lúc nào cũng dày đặc xe nối đuôi nhau “bò” trên đường.

Hạ tầng giao thông yếu kém, nhưng phí giao thông thì vẫn phải nộp. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty CP vận tải số 2 (TP.HCM), tính toán: “Vận chuyển hàng hóa trên tuyến TP.HCM – Hà Nội, đối với mặt hàng vận chuyển bằng container lạnh, giá cước hiện nay dao động từ 50-70 triệu đồng/container 40 feet tùy theo từng mùa. Theo đó, vào mùa thấp điểm, giá cước được chúng tôi ký với chủ hàng là 50 triệu đồng/tấn, vào mùa cao điểm giá cước lên đến 70 triệu đồng/tấn”. Còn đối với loại hàng rời, theo ông Tuấn, hiện nay giá vận chuyển trung bình 2,4 triệu đồng/tấn. Trong đó, riêng chi phí cho các loại phí cầu đường bình quân 1,8 triệu đồng/xe trọng tải 13 tấn trở lên, chiếm 6 – 8% giá cước vận tải.

Bên cạnh đó, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở TP.HCM còn cho biết các loại phí không chính thức dọc đường của một chuyến hàng container chặng TP.HCM – Hà Nội lên đến khoảng 4.000.000 đồng, mà chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ.

Vé máy bay ra nước ngoài quá cao

Không chỉ giá vé nội địa cao, ngay cả giá vé bay từ Việt Nam ra nước ngoài của Vietnam Airlines (VNA) cũng cao hơn nhiều hãng nước ngoài có cùng đường bay.

Chúng tôi gọi điện thoại đến bộ phận bán vé quốc tế của đại lý Én Việt (TP.HCM) hỏi mua vé hạng phổ thông từ TP.HCM  – Singapore vào ngày 16.11 tới. Cô nhân viên của đại lý này cho biết có chuyến bay lúc 12 giờ 15 của Singapore Airlines, giá vé 160 USD/lượt. Một chuyến bay sớm hơn lúc 9 giờ 15 của VNA có giá vé là 240 USD/lượt. Mức giá trên của hai hãng đã bao gồm thuế và phí, cô nhân viên cho biết thêm.

Tìm trên website của VNA, chúng tôi thấy chuyến bay từ TP.HCM – Singapore ngày 16.11 của hãng này có 2 loại vé với mức giá: 9.726.000 đồng (hạng thương gia linh hoạt) và 5.135.000 đồng (hạng phổ thông linh hoạt). Trong khi đó, trên website của Singapore Airlines, cũng chuyến bay từ TP.HCM – Singapore vào ngày này có 3 mức giá là 147 USD (khoảng 3.100.000 đồng); 175 USD (khoảng 3.600.000 đồng) và 205 USD (khoảng 4.300.000 đồng).

Đó là so với hãng hàng không đẳng cấp đứng đầu thế giới như Singapore Airlines, còn với những hãng hàng không nhỏ như Lào Airlines, giá vé của VNA cũng không rẻ hơn. Như trên đường bay TP.HCM – Vientiane, cũng vào ngày 16.11, giá vé trên website của hãng hàng không Lào là 213 USD (khoảng 4.400.000 đồng), còn của VNA có ba mức giá là 8.452.000 đồng (hạng thương gia linh hoạt), 5.531.000 đồng (hạng phổ thông linh hoạt) và 5.114.000 đồng (hạng tiết kiệm linh hoạt).

Mai Vọng – Mai Hà – Đình Mười

***

Đắt như cước vận tải – Kỳ 3: Chi phí vận chuyển nhấn chìm du lịch

03:35 AM – 14/11/2012 TN

Vận chuyển là khâu tốn kém nhiều chi phí, thời gian và rủi ro nhất trong quá trình điều hành một tour du lịch ở VN.

Đắt như cước vận tải - Kỳ 3: Chi phí vận chuyển nhấn chìm du lịch

Chi phí vận chuyển quá cao là lực cản của ngành du lịch –  Ảnh: Diệp Đức Minh

Lên tới 60% chi phí

Theo các công ty lữ hành, chi phí vận chuyển (máy bay, xe khách, tàu lửa, thuyền…) chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu giá thành một chương trình du lịch. Đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe cộ, chi phí này vào khoảng 40 – 50%, thậm chí lên tới 60% nếu tham quan bằng tàu thuyền. Còn trường hợp chỉ sử dụng đường bộ, tỷ lệ ở mức 20 – 25%.

Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM cho biết giá thuê xe 45 chỗ đi Nha Trang 4 ngày là 15 triệu đồng, chưa tính thuế GTGT; đi Phan Thiết 2 ngày khoảng 8 triệu đồng; đi nội thành 1 ngày là 3 triệu đồng… Tính ra mỗi ngày phải trả tiền thuê xe từ 3 – 4 triệu đồng. Trong khi ở Thái Lan, các công ty du lịch chỉ trả tiền xăng dầu cho 1 xe 45 chỗ, chừng 1.500 baht Thái (khoảng 1 triệu đồng). Tiền thuê “xác xe” hoàn toàn miễn phí, do được các điểm mua sắm tài trợ với điều kiện đưa khách vào đây trong hành trình. Ở Thái Lan, các dịch vụ vận chuyển như taxi, xe tuk-tuk cũng có giá rất rẻ, bằng phân nửa ở VN. Còn ở Campuchia, giá xăng dầu cao hơn nhưng giá thuê xe lại rẻ hơn ở ta, vì thuế nhập khẩu xe thấp hơn VN. Giá thuê xe lộ trình gần thì vào khoảng 45 – 55 USD/xe 45 chỗ/ngày.

” Giá vé 2 chiều từ TP.HCM đi Hà Nội gần bằng một tour trọn gói cho khách Việt đi chơi Thái Lan 5 ngày 4 đêm “
Bà Phạm Kim Nhung, Giám đốc Công ty One Travel

Đối với vé máy bay, bà Phạm Kim Nhung, Giám đốc Công ty du lịch One Travel, cho biết từ TP.HCM đi Đà Nẵng hoặc Hà Nội so với giá vé từ đây đi Bangkok có sự chênh lệch rất lớn. Thậm chí, giá vé 2 chiều từ TP.HCM đi Hà Nội gần bằng một tour trọn gói cho khách Việt đi chơi Thái Lan 5 ngày 4 đêm. Cụ thể, tour Thái Lan 5 ngày 4 đêm ở khách sạn 3 sao, giá trung bình phổ biến hiện nay của các hãng lữ hành ở TP.HCM là 7,1 triệu đồng; tour Singapore 4 ngày 3 đêm 9,6 triệu đồng và tour Campuchia (đi xe, 4 ngày 3 đêm) giá chỉ 2,7 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng với giá vé máy bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Đà Nẵng 2 chiều đã 4,4 triệu đồng; đi Hà Nội 6 triệu đồng.

Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam, nhận xét giá vé máy bay nội địa ở VN cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. “Giá thuê xe cũng rất cao. Trước đây, chúng tôi làm nhiều tour xuyên Việt đường bộ nhưng sau này giá thuê xe tăng cao nên chuyển hết qua đi máy bay. Giá xe chúng tôi buộc phải tính chung trong giá tour, không tách ra như vé máy bay, nên khi giá thuê xe tăng lên thì không thể đàm phán lại với đối tác và đành chịu thiệt”, ông Du kể.

Chảy máu ngoại tệ

Bà Ung Phương Dung, Giám đốc Công ty du lịch Indochina, cho rằng giá vận chuyển ở VN quá đắt đã ảnh hưởng lớn đến sức hút của ngành du lịch. Các hãng lữ hành thường xuyên bị động trước sự tăng giá vé của hàng không. Vì thế, khi báo giá với đối tác nước ngoài, phải để trống chi phí vé máy bay, phòng ngừa trường hợp hàng không bất ngờ tăng giá. Nếu báo giá tour bao gồm giá vé máy bay thế nào cũng bị lỗ, bởi bán tour cho khách nước ngoài thông thường trước 1 năm.

Theo các doanh nghiệp làm du lịch ở VN, vận chuyển là khâu bị khách phàn nàn nhiều nhất. Vé máy bay tăng giá bất thường; đặt chỗ khó, nhất là vào thời điểm cuối năm cũng là mùa cao điểm khách quốc tế… Công ty du lịch mất nhiều thời gian, công sức cho khâu vận chuyển. Vì thế, ngành du lịch phải kết hợp với nhiều ngành khác kéo giảm giá vận chuyển xuống, đặc biệt là giá vé máy bay. “Các nước trong khu vực làm tốt điều này, và doanh thu từ những dịch vụ như mua sắm, vui chơi giải trí được dùng để bù đắp cho khoản tiền giảm giá vé máy bay”, ông Du nói. Du lịch VN vốn đã kém sức cạnh tranh hơn những nước trong khu vực về dịch vụ, vui chơi giải trí…, nếu lại yếu thế hơn trong cạnh tranh về giá, thì không chỉ mất khách nước ngoài mà còn mất cả khách trong nước.

Tại một hội thảo về du lịch diễn ra vào tháng 6.2012, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho biết một con số khủng khiếp: Mỗi năm ước tính có khoảng 2 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài và chi tiêu 2 tỉ USD.

N.Trần Tâm

***

Đắt như cước vận tải – Kỳ 4: Giảm sức cạnh tranh của hàng trong nước

03:35 AM – 15/11/2012 TN

Chi phí vận tải tăng kéo theo giá thành sản phẩm tăng đã gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, sức mua của thị trường rất thấp.

Phí vận chuyển chiếm 25% giá thành

Ông Đỗ Duy Thái – Tổng giám đốc Công ty thép Việt, cho biết chi phí vận chuyển của Việt Nam quá cao, thậm chí cao hơn cả chi phí vận tải quốc tế. Ví dụ trong khi giá cước vận chuyển thép từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về đến TP.HCM là 20 USD/tấn thì giá cước vận chuyển từ TP.HCM ra đến Hà Nội cũng tương đương. Quan trọng nhất là phí trung chuyển sản phẩm từ nhà máy ra đến cảng rất nặng. Thậm chí, phí vận chuyển thép từ TP.HCM sang các nước khu vực ASEAN còn rẻ hơn phí vận chuyển thép từ TP.HCM ra Hà Nội. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao các DN thép trong nước chỉ loanh quanh phát triển thị trường gần nhà máy hơn là cố gắng phủ sóng trên toàn quốc. “Với giá cước cao thì giá hàng hóa đến được tay người tiêu dùng sẽ không rẻ. Tình trạng này cũng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi muốn xuất khẩu đi các nước”, ông Thái nói.

 

Chi phí vận tải cao khiến sắt thép, xi măng khó cạnh tranh về giá

Chi phí vận tải cao khiến sắt thép, xi măng khó cạnh tranh về giá – Ảnh: D.Đ.M

Theo đại diện Công ty xi măng Vicem Hà Tiên, chi phí vận chuyển nguyên liệu chiếm hơn 10% giá thành sản phẩm của công ty. Còn phí vận chuyển sản phẩm thì phụ thuộc vào cự ly. Đơn cử 1 tấn xi măng chuyển từ TP.HCM lên đến Đà Lạt có giá bán tại TP này khoảng 1,7 triệu đồng. Trong đó phí vận chuyển 300.000 đồng, cộng thêm khoảng 150.000 đồng phí vận chuyển nguyên liệu khi sản xuất, tổng cộng 1 tấn xi măng đã gánh đến 350.000 đồng chi phí vận chuyển. Như vậy chi phí vận chuyển của 1 tấn xi măng đến tay người tiêu dùng tại Đà Lạt chiếm 26% tổng giá thành, một tỷ lệ rất cao.

Đại diện một DN may tại Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, bên cạnh việc phí vận chuyển tại cảng Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 10 – 15%, còn có rất nhiều loại chi phí không tên. Một container hàng lưu tại cảng phải chịu đủ loại phí từ 200.000 – 300.000 đồng. Một tháng các chi phí này ngốn của DN tới 40 – 50 triệu đồng. Theo doanh nhân này, điều DN bức xúc nhất là giá cước vận tải luôn đồng hành với giá xăng, cùng nhịp điệu tăng nhiều mà giảm ít.

Ngốn hết lãi

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan), chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa quá cao khiến các DN tại TP.HCM luôn gặp khó trong quá trình phân phối hàng hóa về khu vực ĐBSCL và thu mua nguyên liệu ngược lại. Ông Đặng Quốc Hùng, giám đốc một công ty xuất khẩu mỹ nghệ ở TP.HCM, cho biết chỉ tính riêng tiền thuê xe chở container từ nhà máy ở Hóc Môn ra cảng Cát Lái mất 2 triệu đồng. Nếu tính cả các phí cẩu container từ xe xuống tàu, dịch vụ xuất nhập khẩu, các chi phí phát sinh khác trên đường đi thì DN mất tổng cộng trên 8 triệu đồng/container. “Chúng tôi xuất khẩu mụn dừa, một container chở được 1.000 bao, giá 1 bao khoảng 1 USD. Chỉ chi phí vận chuyển thôi đã lấy mất của chúng tôi 400 bao. Còn 600 bao phải phân bổ cho nhiều chi phí khác… Nói cách khác, vận chuyển “ăn” sạch lãi của DN”, ông Hùng than thở.

Theo ông Nguyễn Văn Đấu, Giám đốc Công ty rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), thị trường trong nước chỉ chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu của công ty. Nhưng để phân phối hàng trong nước, Antesco phải đầu tư đội ngũ xe tải giao hàng, lực lượng kinh doanh chuyên nghiệp…

Ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo một báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), những năm qua chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20%, thậm chí có lúc 25% GDP cả nước, khoảng 12 tỉ USD mỗi năm. Đối với các DN, chi phí logistics thay đổi từ 4% đến trên 30% doanh thu. Trong khi đó tại Mỹ, chi phí logistics chỉ chiếm 9,9% GDP. Trong chi phí dành cho logistics thì chi phí vận tải chiếm đến khoảng 60%. Nếu như dịch vụ vận tải không phát triển sẽ kéo năng lực cạnh tranh đi xuống và làm chi phí vận tải của một đơn hàng tăng khoảng 10%, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mai Phương – N.T.Tâm

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: