Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Lào

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Dân ca La Hủ, mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Lào hôm nay.

Người Lào (tiếng Lào: ລາວ, tiếng Isan: ลาว, IPA: láːw) là một phân nhóm của các sắc tộc Thái tại Đông Nam Á.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Lào ở Việt Nam có dân số 14.928 người, cư trú tại 42 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Lào cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (5.760 người, chiếm 38,6% tổng số người Lào tại Việt Nam), Điện Biên (4.564 người, chiếm 30,6% tổng số người Lào tại Việt Nam), Sơn La (3.380 người, chiếm 22,6% tổng số người Lào tại Việt Nam), Hà Tĩnh (433 người), Đắk Lắk (275 người).

Từ nguyên của từ Lào chưa được biết một cách rõ ràng, song nó có thể liên hệ với các bộ tộc được gọi là Ai Lao (tiếng Lào: ອ້າຽລາວ, tiếng Isan: อ้ายลาว, tiếng Trung: 哀牢; bính âm: Āiláo) xuất hiện trong các ghi chép từ thời nhà Hán tại khu vực mà nay là tỉnh Vân Nam. Các bộ tộc có nguồn gốc từ người Ai Lao bao gồm các sắc tộc Thái đã di cư xuống Đông Nam Á. Người Lào, giống như nhiều sắc tộc Thái khác cũng tự gọi mình là Thái (Lào: ໄທ, Isan: ไท, IPA: tʰáj) và cụ thể hơn là Thái Lào (ໄທລາວ, ไทลาว). Tại Thái Lan, người Lào bản địa được phân biệt với người Lào tại Lào và các sắc tộc Thái khác bằng thuật ngữ Thái Isan (tiếng Lào: ໄທຍ໌ອີສານ, tiếng Isan: ไทยอีสาน, IPA: i: să:n), một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Phạn có nghĩa là Đông Bắc, song Lào vẫn dược sử dụng.

Cánh đồng chum ở Xieng khuang (Lào) có niên đại từ 1.500-2.000 năm trước.
Cánh đồng chum ở Xieng khuang (Lào) có niên đại từ 1.500-2.000 năm trước.

Theo một thần thoại chung của các sắc tộc Thái, một vị vua có thể là thần thoại, Khun Borom Rachathiriat (ຂຸນບໍຣົມຣາຊາທິຣາດ, ขุนบรมราชาธิราช, [kʰǔn bɔ̄ː lóm láː sáː tʰī lâːt]) của Mueang Thaen (ເມືອງແຖນ, เมืองแถน, [mɯ́əŋ tʰɛ̌ːn], Mường Thanh) (nay là Điện Biên Phủ) là cha của một số người con trai và những người con này đã định cư và cai trị các mường khác nhau trên khắp Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Là sắc dân có nguồn gốc từ những người cổ đại được người Hán gọi là Việt và Ai Lao, các sắc tộc Thái bắt đầu di cư đến Đông Nam Á vào đầu thiên niên kỷ thứ 1, song hoạt động di cư quy mô lớn chỉ diễn ra từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13, đặc biệt là từ nơi mà nay là Tây Song Bản Nạp của Vân Nam và Quảng Tây. Lý do khiến người Thái phải di cư là vì sức ép từ sự bành trướng của người Hán, những cuộc xâm lược của người Mông Cổ, tìm kiếm những vùng đất phù hợp với canh tác lúa nước và sự sụp đổ của các quốc gia như Nam Chiếu.

Người Thái đã đồng hóa hoặc đẩy lui những người Môn-Khmer Nam Á, và định cư ở ven rìa các vương quốc Ấn hóa của người Môn và Đế quốc Khmer. Đã có sự pha trộn giữa các sắc tộc và người Thái đã tiếp nhận triết học, tôn giáo, ngôn ngữ và phong tục Ấn Độ cùng một số yếu tố Nam Á thông qua các sắc tộc láng giềng, song họ vẫn duy trì liên hệ với các mường Thái khác.

Các nhà nước của người Thái đã tận dụng thời cơ đế quốc Khmer suy yếu và nổi lên với vị thế độc lập. Người Lào coi đây là thời điểm bắt đầu lịch sử quốc gia của họ, với nhiều di tích, đền chùa, tác phẩm nghệ thuật, và các khía cạnh khác của văn hóa Lào bắt nguồn từ thời kỳ này. Từ đó, người ta có thể gọi các nhà nước Thái ở thung lũng sông Chao Phraya là XiêmLan XangLào.

Vương quốc Lan Xang (ອານາຈັກລ້ານຊ້າງ, อาณาจักรล้านช้าง, [ʔaː náː tʃák lâːn sâːŋ]), hay Vạn Tượng, khởi đầu từ năm 1354, khi Somdej Phra Chao Fa Ngum (ສົມເດດພຣະເຈົ້າຝ້າງູ່ມ, สมเด็จพระเจ้าฝ้างู่ม) (1354 – 1373 AD) trở về Mueang Sua (ເມືອງຊວາ, เมืองซวา), đổi tên thành Xieng Thong (ຊຽງທອງ, เซียงทอง).

Từ căn cứ này, Lan Xang đã mở rộng lãnh thổ ra toàn bộ nước Lào ngày nay cùng cao nguyên Khorat và nhiều phần của Tây Song Bản Nạp (Sipsongbanna, ສິບສອງພັນນາ, สิบสองพันนา), Sipsong Chu Tai (ສິບສອງຈຸໃທ, สิบสองจุไทย), Xieng Tung (ຊຽງຕຸງ, เซียงตุง), và Xieng Taeng (ຊຽງແຕງ, เซียงแตรง) cùng nhiều phần ở Tây Bắc Việt Nam.

lao_Cánh đồng chum19

Vương quốc Lan Xang hùng mạnh, giàu có và có ảnh hưởng do kinh đô của nó nằm ở nơi giao nhau của tuyến đường tơ lụa và là trung tâm của Phật giáo tại Đông Nam Á. Vương quốc thịnh vượng này có hoạt động vận tải đường thủy dọc theo Mê Kông và các tuyến đường lữ hành trên bộ đến các cảng của Xiêm. Những vị khách phương Tây đầu tiên đã đến trong thời gian trị vì của Phra Chao Sourigna Vongsa (ພຣະເຈົ້າສຸຣິຍະວົງສາທັມມິກຣາດ, พระเจ้าสุริยวงศาธรรมิกราช) (1634 – 1697), họ ghi chép cách vương quốc thịnh vượng này xuất khẩu vàng, nhựa thông benzoin, đồ sơn mài, thảo dược, ngà voi, tơ lụa và quần áo tơ lụa, và gỗ. Nhiều đền chùa, đặc biệt là tại Xieng Thong (nay là Luang Phrabang) và Vientiane đã chứng thực cho giai đoạn thịnh vượng này. Trong thời kỳ này, những truyền thuyết về “Khun Borom” đã được ghi lại trên lá cọ và sử thi cổ xưa “Sin Xay” của người Lào cũng được sáng tác ra.

Phật giáo tiểu thừa trở thành quốc giáo, và Vientiane là một thành phố quan trọng của việc học tập giáo lý Phật giáo. Bên cạnh Phật giáo, người Lào còn chịu ảnh hưởng văn hóa từ những nơi định cư xa xôi của người Môn (mà về sau đồng hóa vào Lan Xang) và từ người Khmer.

Một triều đại liên minh giữa Lannathai và Lanxang dưới thời Phra Chao Sai Sethathirath (ພຣະເຈົ້າໄຊເສດຖາທິຣາດ, พระเจ้าไชยเชษฐาธิราช) (1548 – 1572) đã giúp phát triển kiến trúc và mỹ thuật, phỏng theo phong cách Lannathai. Các loại sách của Lannathai được Lan Xang sao chép, bao gồm nhiều tài liệu tôn giáo. Điều này có thể đã dẫn đến việc tiếp nhận, hoặc thậm chí là tái tiếp nhận chữ “Tua Tham” dựa trên tiếng Môn, hoặc ‘chữ cái Phật pháp’ đối với các tác phẩm tôn giáo.

lao_Cánh đồng chum6

Sau đó, Lan Xang bị phân chia thành ba thế lực kình địch, cai trị từ Luang Phra Bang, Vientiane, và Champasak (ຈຳປາສັກ, จำปาศักดิ์). Các vương quốc nhanh chóng rơi vào tay Xiêm. Những tàn dư của Lan Xang đã gặp phải tai họa vào thế kỷ 18 và 19, trong các chiến dịch do vua Taksin của Xiêm tiến hành để trừng phạt “Nổi dậy Lào” chống lại Xiêm của Chao Anouvong (ເຈົ້າອນຸວົງ, เจ้าอนุวงศ์) trong thời gian trị vì của Rama III.

Trong cả hai thời kỳ này, Vientiane và các thành phố khác đã bị cướp phá và các bức tượng và tác phẩm nghệ thuật Phật giáo đã bị đưa đến Thái Lan. Các thành phố, phần lớn cư dân bị ép buộc phải di dời và đến định cư tại các vùng dân cư thưa thớt hơn của Isan và miền Trung Thái Lan và những người khác bị bắt làm nô lệ để phục dịch trong các công việc nặng nhọc dẫn đến nghệ thuật và ngôn ngữ Lào đã tiến vào miền Trung Thái Lan. Vào lúc người Pháp đến Lào vào năm 1868, họ chỉ thấy một khu vực với dân cư giảm sút và thậm chí thành phố Vientiane cũng biến mất trong các cánh rừng.

Lào sau đó đã bị sáp nhập vào Xiêm, tuy nhiên, trong cuộc thám hiểm của Auguste Pavie, người Pháp đã quan tâm đến việc kiểm soát Mê Kông. Khi đó, người Pháp đã đô hộ Việt Nam và muốn chiếm cứ tất cả các chư hầu của nhà Nguyễn, bao gồm cả các vùng lãnh thổ còn lại của Lan Xang. Điều này đã khiến Pháp tiến hành ngoại giao pháo hạm và những vụ đụng độ biên giới với tên gọi Chiến tranh Pháp-Xiêm vào năm 1893, khiến Xiêm buộc phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết nước Lào ngày nay. Người Pháp đã ngăn chặn và giữ cho người Lào không trở thành một phân nhóm của dân tộc Thái (Thái Lan), như đồng bào của họ tại Isan, hay còn gọi là ‘người Thái Đông Bắc’.

lao_Cánh đồng chum7

Có khoảng 3,6 triệu người Lào tại Lào, chiếm xấp xỉ 68% dân số (còn lại chủ yếu là các bộ tộc vùng cao). Người dân tộc Lào tại Lào tạo thành nhóm “Lào Lùm” (“người Lào vùng thấp”) (tiếng Lào: ລາວລຸ່ມ, tiếng Thái: ลาวลุ่ม, IPA: laːw lum). Một cộng đồng nhỏ người Lào xuất hiện tại Thái Lan và Campuchia, sinh sống chủ yếu tại vùng trước khi thuộc về Lào là Stung Treng (Xieng Teng trong tiếng Lào), và tại Việt Nam.

Tiếng Lào là một ngôn ngữ có thanh điệu thuộc Ngữ hệ Thái-Kadai, có quan hệ gần gũi với tiếng Thái và các ngôn ngữ của các sắc tộc Thái khác. Hầu hết từ vựng trong tiếng Lào có nguồn gốc Thái bản địa, song cũng có những đóng góp quan trọng từ tiếng Pali và tiếng Phạn cũng như các ngôn ngữ Môn-Khmer. Chữ cái tiếng Lào dựa trên chữ cái Ấn. Mặc dù tiếng Lào có năm phương ngữ chính, những người sử dụng các phương ngữ khác nhau đều có thể hiểu lẫn nhau và người Lào tin rằng họ đang nói các biến thể của cùng một thứ ngôn ngữ.

Tôn giáo tại Lào mang tính hổ lốn cao, và bắt nguồn từ ba nguồn chính, hầu hết người Lào tự xem mình là tín đồ Phật giáo tiểu thừa, nhiều truyền thống của họ bắt nguồn từ Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Phật giáo (ພຣະພຸດທະສາສນາ, พุทธศาสนา, [pʰā pʰūt tʰāʔ sàːt sáʔ nǎː]) là tôn giáo phổ biến nhất tại Lào, được 67% dân số nước này và gần như toàn bộ dân tộc Lào tin theo. Con số “Phật tử” có thể còn cao hơn, do Phật giáo cũng có ảnh hưởng đến nhiều nhóm bộ tộc khác, song những nhóm này lại thường tự xem mình là người theo thuyết vật linh. Phật giáo cũng là tôn giáo chiếm ưu thế tại Isan và hầu hết các quốc gia láng giềng của Lào. Bên trong Phật giáo, hầu hết người Lào theo phái tiểu thừa (ເຖຣະວາດ, เถรวาท, [tʰěː rā wâːt]) song vẫn có ảnh hưởng lịch sử từ Đại thừa.

lao_Cánh đồng chum8

Trong cộng đồng người Lào, đền chùa là trung tâm của các hoạt động cộng đồng, nơi dân làng tập hợp để thảo luận về các mối quan tâm hoặc thỉnh cầu nhà sư suy xét và hướng dẫn cho họ, và hầu hết đàn ông sẽ vào chùa ở trong một số thời điểm nhất định để tiếp nhận thêm kiến thức tôn giáo và để làm công đức.

Các ngày lễ có liên quan đến Phật giáo bao gồm Boun Phra Vet (Phật hóa thân, ບຸນພຣະເວດ, บุญพระเวส, [bun pʰaʔ vet]), Magha Puja (Tăng đoàn, ມະຄະບູຊາ, มาฆบูชา), Songkhan (tết, ສັງຂານ, สงกรานต์), Phật đản (ວິສາຂະບູຊາ, วิศาขบูซา), Vassa (an cư, ວັນເຂົ້າພັນສາ, วันเข้าพรรษา), Wan Awk Pansa (ວັນອອກພັນສາ วันออกพรรษา), Kathina (ກະຖິນ, กฐิน). Ngoài những ngày này, các ngày an tức nguyệt của Phật giáo (ວັນພຣະ, วันพระ, [van pʰaʔ]), trong các tuần trăng, và hội chùa cũng là những lúc người ta đến viếng thăm các chùa để cầu nguyện và thỉnh cầu lời giáo huấn của các nhà sư về các mối quan tâm tinh thần, và cúng thực phẩm, tiền hoặc giúp đỡ các công việc của nhà chùa, được gọi trong tiếng Lào là tambun (ທຳບຸນ, ทำบุญ, [tʰam bun]).

Người Lào còn tin vào ba mươi hai vị thần linh được gọi là Khwan (ຂວັນ, ขวัญ, [kʰwan]) bảo vệ thể xác con người, và các nghi lễ Basi (ບາສີ, [baː siː], ใบสี, [bɑj siː]) được thực hiện trong các sự kiện quan trọng hoặc trong những lúc lo lắng để trói buộc các linh hồn và thể xác, nếu thiếu vắng chúng thì người ta sẽ tin rằng đã mời bệnh tật hoặc tai họa đến.

Trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết người Lào phải cúng tế các thần linh được cho là cư trú trong các điện thờ để mong được bình an. Đồ cúng gồm hoa, hương, và nến, và người ta sẽ cầu nguyện các thần linh phù hộ.

lao_Cánh đồng chum9

Người Lào đã tiếp nhận và phỏng tác “Ramayana” thành một phiên bản địa phương, được gọi là “Phra Lak Phra Ram” (ພຣະລັກພຣະຣາມ, พระลักษมณ์พระราม, [pʰaʔ lak pʰaʔ laːm]). Phiên bản Lào của sử thi được xen vào những thần thoại của người Lào, và bản sinh kinh cũng được coi trọng. Nhiều điệu múa cung đình dựa trên các tình tiết của câu chuyện. Ấn Độ giáo đã đan xen một cách dễ dàng vào cả thuyết vật linh và Phật giáo, do đó nhiều vị thần Ấn Độ giáo được coi là Thaen và các nhà sư Phật giáo đã kết hợp nhiều nghi thức Bà-la-môn. Người dân Lào đặc biệt tôn kính Naga, các á thần giống con rắn và cai trị các tuyến đường thủy.

Phần đông người Lào làm ruộng nước là chính, với kỹ thuật canh tác dùng cày, bừa và làm thủy lợi. Nghề phụ gia đình của người Lào như: dệt, rèn, gốm, làm đồ bạc khá phát triển.

Người Lào thường mang các họ Lò, Lường, Vi… như người Thái, mỗi họ có kiêng kỵ riêng. Con cái lấy họ theo cha. Tàn dư gia đình lớn chỉ còn thấy ở một số nơi hẻo lánh. Phổ biến là hình thức gia đình nhỏ, một vợ một chồng. Theo tục cũ các chàng trai phải ở rể vài năm rồi mới được đưa vợ về nhà mình, hoặc ra ở riêng. Lâu nay thời hạn ở rể đã giảm dần.

Trong phong tục ma chay, người chết được làm lễ và chôn cất chu đáo. Riêng người đứng đầu mường, bản dưới chế độ cũ khi chết thì thiêu xác.

Người Lào sống định cư, có bản đông tới cả trăm nhà. Nhà ở thường rộng lòng, thoáng đãng, chắc chắn, cây cột chính ở cạnh bếp đun và các cột, kèo, được trạm khắc trang trí. Nóc nhà có mái cao, uốn khum hai đầu hồi, tạo dáng hình mai rùa.

lao_Cánh đồng chum15

Phong cách trang phục gần giống người Thái, ít cá tính tộc người (là tộc thiểu số ở Việt Nam, nhưng lại là đa số ở bên Lào) không tiêu biểu cho một phong cách về trang phục. Hoặc có những bộ trang phục mang phong cách khác lạ.

Đàn ông Lào thường xăm hình chữ “vạn” vào cổ tay và thường xăm hình con vật vào đùi. Phụ nữ Lào nổi tiếng là những người dệt vải khéo tay. Họ mặc váy đen quấn cao đến ngực, gấu váy thuê nhiều hoa văn sặc sỡ. Kiểu áo cánh ngắn bó thân với hàng khuy bạc phổ biến ở vùng Sông Mã. Ở vùng Điện Biên áo giống với áo cùng loại của người Khơ Mú láng giềng. Cô gái Lào chưa chồng thường búi tóc lệch về bên trái. Phụ nữ Lào dùng khăn Piêu. Khi không đội khăn, phụ nữ Lào thích cài nhiều trâm bạc và búi tóc. Phụ nữ đeo nhiều vòng ở cổ tay, xăm hình “một loại cây rau” ở mu bàn tay.

Trong xã hội người Lào, những ông Mo Lăm là lớp người giỏi chữ và biết nhiều truyện cổ, dân ca. Họ ghi chép lại truyện cổ và các điệu dân ca quen thuộc. Trong vốn văn nghệ dân gian Lào có cả ảnh hưởng văn nghệ dân gian Thái. Người Lào múa Lăm vông… trong các dịp liên hoan, lễ hội…

Âm nhạc truyền thống của người Lào được gọi là Lam lao (ລຳລາວ, ลำลาว, [lám láːw]), mặc dù nó cũng được biết đến với tên Morlam (Lào: ໝໍລຳ, Isan: หมอลำ,[mɔ̌ːlám]) một thuật ngữ được ưa chuộng trong tiếng Isan. Các nghệ sĩ đến từ Thái Lan nổi tiếng tại Lào và ngược lại, trong khi văn hóa Lào tại Isan chịu ảnh hưởng mạnh của chính sách Thái hóa. Âm nhạc truyền thống Lào nổi bật với việc sử dụng nhạc cụ khaen (khèn), Lào: ແຄນ, Isan: แคน, [kʰɛːn]).

lao_Cánh đồng chum17

Dân tộc Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống. Không chỉ trong những ngày lễ hội, vui chơi hợp quần… người Lào còn hay ca hát trong sản xuất ngoài ruộng nương, đi hái lượm trong rừng, xuôi ngược trên các dòng sông.

Dân ca Lào rất phong phú, giàu âm điệu, mang đậm bản sắc dân tộc được phổ biến rộng rãi từ nông thôn đến thành thị. Người có công lớn trong việc sưu tầm, phổ biến và nâng cao các làn điệu dân ca là các “mỏ-lăm” (ca sĩ), “mỏ khen” (nhạc công, thổi khèn bè). Đội ngũ “mỏ lăm, mỏ khen” ngày càng phát triển trước yêu cầu thưởng thức ca múa của người dân ở các bản mường, trong đó có nhiều nghệ sĩ tài ba nổi tiếng vừa có thể sáng tác vừa biểu diễn rất được ưu ái, mến mộ.

Dân ca của Lào có nhiều loại như lăm, khắp, xỡng, kạp, ăn nẳng-xử… Mỗi loại lại mang sắc thái riêng của từng miền, từng dân tộc, từng địa phương. “Lăm” sử dụng nhiều thể loại thơ nhất được quần chúng ưa thích nhất rất phổ biến.

Các điệu múa xuất hiện sớm nhất ở Lào là múa “Bẵng phay”, “Lăm phen”, rồi đến điệu múa “Xỉ nuôn”, “Kò thạt”, “Đoọc bua” (hoa sen)… Múa “Bẵng phay” là điệu múa tập thể trong ngày lễ hội Pháo thăng thiên (Bẵng phay). Múa “Lăm-phen” giống múa tiên ở Ấn Độ, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xia. Múa “Kò-thạt” là múa tập thể xung quanh ngọn tháp trong các ngày lễ hội tôn giáo.

lao_Cánh đồng chum18

Đặc biệt là múa “Lăm vong” (múa vòng tròn) tuy xuất hiện sau nhưng được phổ biến rộng rãi, và được coi như điệu múa tập thể tiêu biểu của dân tộc. Múa “Lăm vong” xuất hiện vào thời điểm nào của lịch sử, đến nay chưa có lời giải đáp thống nhất của các nhà nghiên cứu văn hóa Lào, nhưng nó đã tồn tại nhiều thập kỷ qua và ngày nay nó vẫn có vai trò thật đặc biệt. Trong các ngày lễ hội, dịp vui chơi tập thể, các buổi liên hoan đều mở đầu và kết thúc bằng “Lăm vong”. Từng đôi nam nữ (có thể cả hai đều là gái hoặc trai) múa vòng tròn theo nhịp trống (nhịp 2/4 hoặc 4/4). “Lăm vong” dễ múa, động tác sinh động, duyên dáng, uyển chuyển. Có thể “Lăm vong” xuất phát từ điệu múa “Lăm thôn” (múa 1 người).

Múa cung đình có múa đơn, múa đôi hoặc tập thể. Các vũ nữ múa cung đình được tuyển chọn kỹ và tập luyện khá công phu do một số nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài (thường ở Ấn Độ hoặc Khmer) hướng dẫn. Khi biểu diễn các vũ nữ được ăn mặc hết sức lộng lẫy, sang trọng. Múa cung đình ít di chuyển, mà thường múa tại chỗ, kết hợp biểu diễn nhiều động tác mềm mại, dịu dàng, uốn lượn của ngón tay, bàn tay, cánh tay, vai, cổ, đầu, bàn chân cho đến ánh mắt, nụ cười, nét mặt theo tiếng đàn “La nát”. Múa cung đình là dịp mua vui cho nhà vua, hoàng tộc và số quan chức gần gũi nhà vua. Một số điệu múa cung đình Lào được mô phỏng theo các điệu múa cổ Ấn Độ, Khmer và xoay quanh đề tài đề cao, chúc tụng, sùng bái nhà vua.

Cả truyền thuyết và giả thuyết khoa học vẫn chưa đưa ra được những câu lời thỏa đáng về nguồn gốc của những chiếc chum đá.
Cả truyền thuyết và giả thuyết khoa học vẫn chưa đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng về nguồn gốc của những chiếc chum đá.

Về nhạc cụ người dân Lào thường dùng các loại sau:

– Khèn bè (Khaen): Là loại nhạc cụ phổ biến nhất ở các bản làng từ Bắc xuống Nam. Khèn bè dễ làm, dùng nguyên liệu ngay trong rừng, dưới sự hướng dẫn của “mỏ-khèn”, các tràng trai trong bản có thể tự làm được. Nhưng để có chiếc khèn bè âm thanh chuẩn phải tìm mua ở các chợ phiên, do các nghệ nhân chuyên sản xuất bày bán. Từ lúc còn tuổi thiếu niên con trai Lào đã học thổi khèn.

– Trống (Kong): Trống cũng là nhạc cụ phổ biến ở Lào. Có thể nói rằng không có bản làng nào ở Lào không có trống và không ngày nào vắng tiếng trống, tiếng mõ ngân vang (bản có chùa). Có nhiều loại trống như trống cái, trống cơm, trống con…

– Trống cơm (Koong tũm): Trống cơm được đánh cùng với một số nhạc cụ khác để múa tập thể trong ngày lễ hội “Bẵng phay” (pháo thăng thiên).

– Trống con (Koong kình) được đánh trong các buổi lễ cầu phúc.

Ngoài ra còn nhiều loại nhạc cụ khác được dùng phổ biến trong các ngày lễ hội sản xuất, tôn giáo, ma chay như:

– Khoọng (chiêng)
– Xình (rạo bạt)
– Pì (sáo)
– Khùi (tiêu)
– Mạc chặp pì (đàn)
– Xo (nhị)
– Pôông (mõ)
– Xèng” (thanh la)…

Dưới đây mình có các bài:

– Nhạc Cụ Truyền Thống Của Lào
– Điệu nhảy Lam Vong-Laos, nét quyến rũ
– Ấn tượng nghệ thuật múa nước bạn Lào
– Đặc sắc Lễ hội Bunpimay của người Lào ở Đắk Lắk
– Lễ hội Căm Mường của người Lào ở Điện Biên
– Trang phục dân tộc Lào

Cùng với 6 clips tổng thể văn hóa của dân tộc xứ Vạn Tượng (Triệu Voi) để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

Kèn Khaen (Khèn).
Kèn Khaen (Khèn).

Nhạc Cụ Truyền Thống Của Lào

(Tạ Thâm)

Trước đây, Lào là đất nước khá phong phú về các loại nhạc cụ. Tuy nhiên trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, một số loại nhạc cụ đã dần biến mất. Lào nằm giữa Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Myanmar do đó nhạc cụ của Lào khá giống với nhạc cụ của Thái Lan và Myanmar. Một số điểm tương đồng không chỉ giữa các quốc gia láng giềng, mà nhạc cụ truyền thống của Lào có hình dạng và âm thanh khá giống với 10 quốc gia trong khu vực Asean. Nhạc cụ của đất nước Lào chủ yếu được làm từ tre, cây sậy, dừa và các loại gỗ cứng. Do đó, hầu hết các nhạc cụ của Lào được tạo ra từ cây trồng thiên nhiên, tre và da động vật.

Nhạc cụ truyền thống đầu tiên của Lào mà Tạ Thâm muốn giới thiệu là Khaen vì đây là nhạc cụ lâu đời nhất tại quốc gia này, được sử dụng trong âm nhạc Lào từ thời Lan Xiang. Nhưng người dân thì tin Khaen đã tồn tại được khoảng 4000 năm. Khaen được làm từ một loại tre đặc biệt cùng với cây sậy. Khaen cũng là nhạc cụ được chơi bằng cách thổi vào các lỗ nhỏ. Người Lào thường chơi Khaen trong các sự kiện đặc biệt và cần thiết, đặc biệt là vào dịp năm mới. Trong khi thổi Khaen, người chơi có thể đồng thời tạo ra các giai điệu khác nhau. Nhạc cụ này có thể chơi độc tấu như trong âm nhạc truyền thống hoặc kết hợp với các nhạc cụ khác để đệm cho các bài hát. Tục ngữ Lào có câu “Những người sống dưới ngôi nhà sàn, ăn gạo dẻo và chơi Khaen chỉ có thể là người Lào hoặc anh em của Lào”.

Ra Nat.
Ra Nat.

Nhạc cụ thứ hai là Ra Nat. Ra Nat được làm từ một loại gỗ cứng và có 22 thanh gỗ được treo bằng dây. Ra Nat được chơi bằng vồ. Có 2 loại vồ được sử dụng: vồ cứng và vồ mềm. Vồ cứng được chơi trong các bài hát có tiết tấu nhanh vì chúng tạo âm thanh sáng và sắc nét, trong khi đó vồ mềm được chơi để tạo âm thanh mềm mại trong các bài hát tiết tấu chậm. Nhạc cụ này trước đây khá phổ biến trong các cuộc giải trí của vua, chúa trong thời kỳ chế độ quân chủ của Lào.

Kong (Trống).
Kong (Trống).

Nhạc cụ thứ ba là Kong (Trống). Ở Lào có nhiều loại Kong khác nhau. Có loại Kong được làm từ gỗ cứng và da động vật như da rắn hay da trâu. Một loại Kong khác được làm từ đồng thiếc, xuất hiện khoảng năm 700 trước công nguyên, và chúng được gọi là ‘Trống mưa đồng’. Trống đồng không chỉ được tìm thấy ở Lào mà còn được tìm thấy ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Một điều đặc biệt ở loại trống này là hình con ếch trên đầu trống do đó người dân tin rằng khi chơi loại trống này trời có thể mưa. Ở Lào, Kong được coi là biểu tượng của hòa bình. Khi người dân Lào dành được tự do từ Pháp, người dân đã đánh trống để làm lễ kỷ niệm. Đến nay, người dân Lào vẫn chơi Kong trong nhiều lễ kỷ niệm đặc biệt.

Đàn Phin.
Đàn Phin.

Loại nhạc cụ truyền thống cuối cùng đó là Phin. Phin được làm từ một loại gỗ có khối lượng nhẹ, do đó nó tạo âm thanh trầm và khá thuận tiện để mang theo. Trước đây Phin chỉ có 2 hoặc 3 dây. Nhưng ngày nay Phin khá giống với cây đàn guitar vì nó có đến 5 dây. Tuy nhiên, âm điệu và âm thanh của Phin khác hoàn toàn với Guitar. Phin là nhạc cụ chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, do đó Phin cũng được sử dụng phổ biến ở một số quốc gia láng giềng của Lào.

Múa Lăm Vong.
Múa Lăm Vong.

Điệu nhảy Lam Vong-Laos, nét quyến rũ

Đây là một điệu nhảy dân gian Lào và thường được nhảy trong các lễ hội, đám cưới, các bữa tiệc. Thực sự mà nói thì không có lễ hội nào kết thúc mà không có điệu nhảy này. Trong nhiều năm gần đây, người Việt Nam cũng không còn xa lạ gì với điệu múa này. trước đây chỉ có những sinh viên Lào trong ngày quốc khánh nhảy điệu nhảy này mà thôi. Điệu nhảy Lăm Vông chỉ được đưa vào các sàn nhảy ở Hà Nội từ khoảng 5-6 năm nay, đầu tiên là sàn Đông Đô, sau đó là Kinh Đô… Nhưng sau đó thì ở sàn nào cũng bắt chước theo và Lăm Vông trở nên phổ biến trên các sàn nhảy ở Hà Nội.

Ở Đông – Nam Á, nhiều dân tộc có múa truyền thống, nhưng không phải dân tộc nào cũng có sinh hoạt múa phổ biến trong nhân dân như ở Lào. Theo tiếng Lào “Lăm” là hát, “Vông” là tròn. Lăm Vông thường sử dụng những điệu dân ca, như dân ca Tăng Vi, Lăm Xa-ra-van, Khắp Thùm… Khi múa có hát hoặc nhạc đệm bằng những bài quen thuộc ấy.

lao6

Lăm Vông rất phổ biến trong nhân dân Lào, múa theo nhịp 4/4. Khi nhảy, mọi người đứng theo hai vòng tròn, nữ ở vòng tròn trong và di chuyển ngược chiều kim đồng hồ (Tuy nhiên ở trên sàn thì thường là ngược lại: Nam ở trong, nữ ở ngoài). Trước khi nhảy hai người chào nhau theo kiểu Lào bằng cách chắp tay trước ngực, chân hơi chùng xuống, đầu hơi cúi, đây cũng là kiểu chào của người Thái. Trong khi di chuyển nam và nữ có thể đổi vị trí, đi vòng quanh nhau…. Tay nữ múa từ trong ra trong khi tay nam múa vòng rộng hơn và thấp hơn. Động tác của nữ là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong. Chân thì cứ ba bước tới, một bước lùi. Còn phía trai thì lắng nghe những lời ca, những tiếng nhạc để “tự điều chỉnh mình” cho nhịp nhàng từng động tác.

Duyên dáng và đằm thắm, Lăm Vông đã luôn đóng vai trò là một nhu cầu sinh hoạt văn hoá, hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, vừa có tác dụng giáo dục thẩm mỹ của Lào từ bao đời nay.

Điệu múa Mahasay duyên dáng của các cô gái.
Điệu múa Mahasay duyên dáng của các cô gái.

Ấn tượng nghệ thuật múa nước bạn Lào

(T.Tiên, M.Linh, L.Hằng – TT Festival Huế)

Những cô gái, chàng trai duyên dáng, uyển chuyển trong từng động tác, điệu múa mang đậm dấu ấn văn hóa Lào. Cùng với đó là những ca khúc đơn ca, song ca mang đậm âm hưởng dân tộc.

Tham gia đêm biểu diễn với 7 tiết mục xinh xắn, dễ thương, đoàn nghệ thuật đến từ nước bạn Lào đã mang đến cho khán giả khu vực điện Cần Chánh( Đại Nội) một đêm diễn đầy hấp dẫn và thuyết phục.

Không sôi động, nhộn nhịp như những đoàn nghệ thuât khác, đoàn nghệ thuật quốc gia Lào đem khán giả đến với những nét gần gũi, bình dị nhất của cuộc sống người dân các bộ tộc Lào. Mỗi tiết mục là một bức tranh sinh động về cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày và công việc của họ.

Các điệu múa “ Oai Phan, Yên Sa bai xao na” được lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên như trăng, gió, núi sông. Sự kết hợp tự nhiên, khéo léo giữa những giai điệu và động tác tay chân của những cô gái độ tuổi trăng tròn đã khiến cho sân khấu thêm lung linh, hấp dẫn.

Đặc biệt, Đoàn nghệ thuật đã mang đến cho khán giả Việt Nam và du khách quốc tế một không gian âm nhạc trong trẻo và những bất ngờ thú vị khi trình diễn ca khúc “Mùa làm ruộng rất mát” và bản nhạc song ca mang tên “Tình yêu bao la”. Đây là những ca khúc được biểu diễn với sự đan xen, hòa quyện giữa ngôn ngữ cả hai nước Việt và Lào – thể hiện tình hữu nghị cũng như sự giao lưu văn hóa láng giềng.

Nghệ sĩ Rotchana, một thành viên của đoàn chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi được mang hơi thở của nền âm nhạc, văn hóa nước mình đến với mùa Festival năm nay”. Đoàn cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến kì hội Festival Huế 2014.

Lễ hội Bunpimay.
Lễ hội Bunpimay.

Đặc sắc Lễ hội Bunpimay của người Lào ở Đắk Lắk

(TH-Cinet-DTV)

Lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no, hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Ngày Tết, mọi người thường té nước vào nhau để cầu may cho cả năm.

Hằng năm, cứ đến giữa tháng 5 (Phật lịch) tức là vào 3 ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch, nhân dân Lào từ Bắc xuống Nam đều tổ chức ngày Hội “Pi May”. Ngày 13 là ngày cuối năm, ngày 14, 15 là ngày giao thừa, 16 là ngày đầu năm mới. Để đón mừng năm mới, người Lào ở Đắk Lắk lau rửa nhà cửa bằng nước với ý nghĩa tiễn năm cũ và trang trí lại nhà cửa đón mừng năm mới. Họ giã gạo, xay bột để làm các loại bánh, bún, làm rượu nếp, nấu rượu mạnh đồng thời chuẩn bị lễ để dâng lên chùa. Ngoài ra, người Lào còn chuẩn bị hoa để lễ Phật, cúng thần linh, trang trí nhà cửa và cài lên tóc các cô gái.

Thực hiện nghi thức tắm Phật.
Thực hiện nghi thức tắm Phật.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón Tết, chiều 14, sau một hồi trống chùa, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, tay mang những âu nước thơm hay mâm hoa quả, bánh trái, nến hương lên chùa dự lễ Tắm Phật.

Buổi lễ được bắt đầu bằng những lời kinh “Buột suột loi ka thông Pi mày” (Kinh thả hoa đăng năm mới). Một sợi chỉ trắng được buộc từ bàn tay của bức tượng Phật, nối dài qua tay của các sư thầy đang đọc kinh, như một lời phát nguyện cầu chúc bình an đến mọi người.

Buộc chỉ cổ tay với mong muốn mang may mắn đến cả năm.
Buộc chỉ cổ tay với mong muốn mang may mắn đến cả năm.

Sau đó, mọi người kính cẩn mang từng đèn hoa đăng xuống dòng sông Sêrêpôk với những lời cầu an và mong những điều phiền não trôi đi theo năm cũ đã qua. Tiếp đó, toàn thể bà con được nghe những lời cầu chúc nhân dịp năm mới theo nghi thức hành lễ dân gian của các bộ tộc Lào và tham gia Lễ tắm Phật. Từng đoàn người trật tự xếp hàng trước sau, thành tâm bước từng bước một lên và thực hiện nghi thức tắm Phật.

Tiếp đến là nghi thức đắp tháp cát để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới, tập quán buộc chỉ cổ tay, cầu phúc năm mới cho các vị khách cũng được mọi người hào hứng tham gia. Theo đó, người chủ trì buổi lễ, hoặc chủ nhà sẽ buộc vào cổ tay của người thân và khách một vòng chỉ với nhiều màu sắc, biểu tượng hạnh phúc, sức khỏe, may mắn, thành công… Sau ít nhất ba ngày vòng chỉ mới được tháo để điều may mắn đến với mọi người trong suốt cả năm.

Ai trúng nước càng nhiều thì càng may mắn.
Ai trúng nước càng nhiều thì càng may mắn.

Còn với lễ té nước, những tiếng cười luôn rộn rã. Té nước là dịp để tỏ lòng tôn kính, yêu mến nhau với ước nguyện nước sẽ gột rửa điều xấu, bệnh tật và cầu chúc cho năm mới mạnh khỏe, tốt lành. Ai trúng nước càng nhiều thì càng may mắn.

Hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn có hơn 250 khẩu là người Việt gốc Lào sinh sống, tập trung chủ yếu tại xã Krông Na. Việc tổ chức Lễ hội Bunpimay thể hiện sự tôn trọng phong tục, tập quán và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các bộ tộc Lào, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

lao3

Lễ hội Căm Mường của người Lào ở Điện Biên

(TH-Cinet-DTV)

Người Lào ở Núa Ngam (Điện Biên) tổ chức lễ hội Căm Mường để con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, những người đã khuất, các thần linh đã phù hộ cho họ, gia súc, mùa màng năm qua tươi tốt và tiếp tục phù hộ cho năm tới…

Người Lào ở Núa Ngam theo tín ngưỡng đa thần, tin vào vạn vật hữu linh và những thần lực tác động đến cuộc sống của con người. Họ thường thực hiện nhiều nghi lễ để cầu mong sự phù hộ của các đấng siêu nhiên cho mùa màng tốt tươi, người an, vật thịnh… Đó là tiền đề cho sự hình thành và nuôi dưỡng các lễ hội truyền thống như lễ Căm Mương, lễ cầu mùa, lễ cầu mưa, lễ mừng nhà mới…

“Căm Mương” theo tiếng Lào nghĩa là kiêng bản, kiêng mường (cấm mường). Căm Mương cũng là tết năm mới của người Lào tính theo Phật lịch từ 15/3 đến 20/3 âm lịch, cũng là lúc chuẩn bị bước sang một mùa vụ mới. Nghi lễ cúng tế bắt đầu vào 13h chiều ngày 15/3 Âm lịch hàng năm. Chảu sửa (người cao tuổi), chảu chẳm (thầy cúng) cùng với những người giúp việc mang đồ lễ lên lông sân, theo sau họ là một số người khiêng chiêng, trống vừa đi vừa đánh từ nhà chảu sửa lên đến nơi thờ cúng.

lao8

Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chảu chẳm khấn: “Mời thần cai quản bản mường, thần bảo trợ vùng, thần sông, thần suối, thần rừng, những người đã mất, những linh hồn cù bất cù bơ không nơi nương tựa… về chứng kiến và hưởng lễ vật mà dân bản dâng lên, nếu tất cả đã tụ tập về đầy đủ thì hãy cho hai mảnh gỗ tung lên, rơi xuống một nửa úp một nửa ngửa”. Khi các thần linh đã hội tụ đầy đủ, mọi người bày và đặt mâm lễ vào nơi cúng. Chảu chẳm đốt hai ngọn nến sáp ong gắn lên bệ cúng to nhất (pan luông) và cúng. Trước khi cúng chính thức, chảu chẳm sẽ phai lảu (mời rượu) các thần linh, tổ tiên rồi mới đến bên mâm lễ to nhất để cúng mời tất cả các thần đến hưởng lễ. Bài cúng gồm bốn phần với nội dung mời các vị thần linh cai quản, những người đã hi sinh để bảo vệ cuộc sống cho bản về dự hội. Vào năm mổ bò, thầy cúng mời rượu bảy lần, năm cúng lợn thì chỉ mời năm lần.

Tiếp đến, người Lào tổ chức các nghi lễ: Lễ tạ ơn – nghi lễ chính của Căm mương với vật hiến tế là bò (hoặc lợn) để dâng lên người có công sáng lập nên bản (Xen Kẻo, Xen Cang – người Khơ mú), tổ tiên, ông bà, những người đã mất, thần cai quản và giữ bình yên cho bản làng; trong lễ tạ ơn cũng có một phần của lễ cầu an. Lễ vật là mâm cúng thứ hai, sau pan luông. Đây là mâm cúng các thần cai quản bản làng, thổ địa, các linh hồn không nơi nương tựa, các ma lành… để cầu mong sự bình yên, che chở của các thần cho dân bản được khoẻ mạnh, không ốm đau, các ma xấu, linh hồn không nơi nương tựa không về làm hại người sống. Cúng xong, mọi người lạy tạ ơn thần linh dưới sự điều khiển của Chảu chẳm. Sau đó Chảu chẳm, Chảu sửa cùng mọi người ăn uống no say tại lông sân để cầu mong một năm mới no đủ, hạnh phúc.

Kết thúc buổi lễ, những người khiêng và đánh chiêng, trống đi trước để rước thần về chung vui, kiêng khem với dân bản tại nhà Chảu sửa. Khi chiêng trống treo ở xà nhà Chảu sửa là lúc cả bản bắt đầu kiêng cữ. Mọi người sẽ thay phiên nhau đánh chiêng, trống hết ngày lễ. Ngoài các nghi lễ trên, diễn ra đồng thời với lễ cầu mưa (ý lúm, ý lang) do phụ nữ thực hiện.

lao5

Ngày thứ hai của lễ (16.3 AL), từ tối đến gà gáy sáng, họ tập trung đến nhà chảu sửa ăn uống và hát giao duyên. Hát giao duyên được chia thành hai đội một bên nam, một bên nữ, mỗi bên sẽ cử một người ra hát và đối đáp lại, nếu thấy mình không thể trả lời được câu đố của đối phương thì người khác trong đội đối lại cho đến khi tan cuộc. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên qua những đêm hát giao duyên đó. Nếu thanh niên nam nữ hát giao duyên với nhau, thì tầng lớp trung niên, người già hát chúc mừng nhau một năm qua mùa màng bội thu và cầu chúc cho năm tới mọi người đều mạnh khỏe, được nhiều thóc lúa… Múa là phần không thể thiếu trong lễ hội, chủ yếu là điệu múa truyền thống của người Lào ở “đất nước triệu voi” mà họ mang theo khi di cư. Sau khi đủ ba người đánh trống, đánh chiêng, đánh ché, một số người gõ ống nứa… tất cả những người còn lại sẽ nhảy múa theo nhịp chiêng, trống, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người chia từng đôi cùng múa điệu “lăm vông”. Các trò chơi dân gian được tổ chức vào ngày thứ 3 (ngày 17/3 âm lịch).

Lễ Căm Mương của người Lào ở Núa Ngam thường diễn ra nhiều trò chơi dân gian thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân, như trò mác ý tò (cầu mây), phăn viêng (một hình thức đấu võ), tó lasa (rùa ấp trứng), tó má lẹ (trò chơi bằng hạt đậu rừng), tó mác sáng (chơi đánh cù/quay), Ngu kin khiết (trò chơi rắn bắt ếch), Tọt con (ném còn)… Trò chơi của người Lào không đơn thuần là giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong mùa màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Trang phục truyền thống dân tộc Lào.
Trang phục truyền thống dân tộc Lào.

Trang phục dân tộc Lào

(TQ-DTV)

Trang phục của người Lào tùy từng vùng có những nét riêng biệt nhưng nhìn chung vẫn thống nhất, gần giống với trang phục của người Thái và ít có cá tính đặc trưng riêng.

Phụ nữ Lào nổi tiếng là những người dệt vải khéo tay. Khi chưa có thuốc nhuộm, người Lào dùng các loại quả, củ rừng để nhuộm vải, các cô gái Lào thích mặc vải hoa, vải kẻ có màu đậm, tươi tắn như màu của rừng núi, hoa tươi…

Trong cuộc sống hàng ngày, người Lào thường dùng loại khăn gọi là phạ-phe. Đây là chiếc khăn vải kẻ ô màu trang nhã, thường dùng làm khăn tắm hay dùng che đầu, quàng cổ, gói quần áo buộc vào thắt lưng… Những ngày lễ hội quan trọng, họ mặc y phục dân tộc là chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, cài về phía tay trái, quấn chiếc phạ-nhạo-nếp-tiêu màu sắc sặc sỡ và quàng chiếc phạ biềng (khăn) chéo qua ngực.Người Lào ở vùng sông Mã thường dùng chiếc khăn Piêu để chít nhọn đầu, còn người Lào ở tỉnh Điện Biên thì vấn theo kiểu người Lự với một đuôi khăn thõng xuống một bên vai. Khi không chít khăn, họ ưa cài nhiều châm bạc trạm trổ rất khéo léo lên búi tóc. Nếu là gái chưa chồng, búi tóc đặt giữa đỉnh đầu giống như người Khơ mú, nếu đã có chồng, búi tóc đặt lệch sang bên trái. Đặc biệt, vào những dịp hội hè, phụ nữ Lào ưa đeo vòng, số vòng tay nhiều có khi dày đến hàng gang tay.

Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn, tay ngắn, quần đùi, bên ngoài quấn chiếc phạ-xạ-rông (khăn dài) màu hoặc kẻ ô. Trang phục nữ của ngườiphụ nữ dân tộc Lào nổi tiếng với việc sử dụng sản phẩm của những người dệt vải khéo tay. Họ mặc váy đen quấn cao đến ngực, gấu váy thêu nhiều hoa văn sặc sỡ.Nam giới thường xăm hình chữ “vạn” vào cổ tay và thường xăm hình con vật vào đùi, nhưng ngược lại phụ nữ Lào chỉ xăm ở mu bàn tay hình rau bợ.

Váy của người Lào có đường viền thêu hình hoa lá, chim muông, hình rồng áo có đính khuy đồng hay khuy bạc, dây thắt lưng bằng bạc gọi là khểm-khắt cùng với đôi bông tai, dây chuyền, nhẫn, vòng tay là những kỉ vật mà người con gái được cha mẹ sắm cho từ lúc còn nhỏ.

Trong khi đó, chiếc áo cánh ngắn với hàng khuy bạc được người Lào mặc không khác gì của người Thái, trong khi đó, phụ nữ Lào ở vùng Điện Biên lại có hai hàng khuy trước ngực bằng một giải vải màu xanh, trên đính những hàng tiền bạc (đồng hào cũ của Pháp), giống như kiểu cách của người Khơ mú. Và cũng từ đây, chiếc áo được đính ở hai bên nách, mỗi bên một tua vải đỏ để rủ xuống và cài những lập lắc hình hạt trám bằng bạc chạm trổ cầu kỳ.

oOo

Ký Sự Tết Lào

 

Dân Tộc Lào Tây Bắc Lai Châu:

 

FONE LAM VONG (Múa Lăm Vong):

 

Saravan Lam Vong – Múa Lăm Vong:

 

Điệu múa của Đất nước Lào:

 

Múa Lam Vong đôi:

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s