BRICS: Kỳ vọng và ảo mộng – 2 kỳ

  • K1: Giấc mơ BRIC
  • K2: Mãi là giấc mơ?


Lãnh đạo các nước BRICS tại một cuộc họp thượng đỉnh.

***

K1: Giấc mơ BRIC

(ĐTTCO) – Tháng 9 năm nay đánh dấu tròn 10 năm bộ trưởng ngoại giao các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) họp mặt lần đầu tiên, mở màn cho các cuộc họp cấp cao sau đó của khối này. Khối này ra đời với những kỳ vọng rất lớn từ chính các thành viên lẫn những nhà đầu tư quốc tế, tuy nhiên liệu kỳ vọng đó đang thành hình, hay dần biến thành ảo mộng?

Tháng 10-2003, đại gia ngân hàng toàn cầu Goldman Sachs có một báo cáo với tựa đề: “Mơ cùng BRIC, con đường đến năm 2050”, trong đó vẽ ra những viễn cảnh huy hoàng cho 4 nước BRIC. Báo cáo đã có tác động rất lớn đến dòng tiền đầu tư, khi các nhà đầu tư tin lời Goldman Sachs đua nhau đổ tiền vào BRIC để đón đầu cơ hội.

1 tay bơm thổi

BRIC ngày nay đã phát triển thành BRICS (thêm Nam Phi vào năm 2010) và đã là một khối các nước đang phát triển với tiềm năng kinh tế và chính trị to lớn. Tuy nhiên, công bằng mà nói khối này có thể tập hợp lại như ngày nay cũng nhờ công rất lớn của đại gia Ngân hàng Goldman Sachs, cụ thể hơn là Jim O’Neill, Chủ tịch bộ phận quản lý tài sản của Goldman Sachs trước đây. Năm 2001, Jim O’Neill lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ BRIC, khi dự báo đến năm 2050 thế giới sẽ có 6 thực thể kinh tế đơn lẻ lớn gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

BRIC dần trở thành thuật ngữ được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng của sự chuyển dịch quyền lực kinh tế thế giới từ nhóm nước G7 sang các nước đang phát triển. Các lãnh đạo BRIC (từ sau 2010 là BRICS) đều công khai bày tỏ những tham vọng mở rộng khả năng hợp tác cũng như ảnh hưởng của khối dựa trên cơ sở những ưu thế cạnh tranh của họ.

Trong đó, ông gọi 4 nước đang phát triển là “BRIC” và cho rằng đó là “4 viên gạch vàng” (BRIC đọc gần giống với brick – gạch trong tiếng Anh). Cho tới lúc đó, có thể nói các nước BRIC vẫn chưa có mối liên kết gì ngoài những điểm chung vốn có, như cùng thuộc nhóm ưu tú của các nước đang phát triển với dân số lớn, thị trường lao động giá rẻ và nhiều tiềm năng chưa được khai thác.Goldman Sachs tiếp tục “bơm” các nước BRIC bằng những dự đoán có cánh trong báo cáo “Mơ cùng BRIC”. Trong đó, Goldman Sachs dự báo đến năm 2050, BRIC có thể trở thành một thế lực lớn hơn nhiều trong nền kinh tế thế giới. Sử dụng các phương pháp dự báo mới nhất dựa trên nhân khẩu học và một mô hình về vốn tích lũy và tăng năng suất, báo cáo cho rằng đến năm 2050 các nền kinh tế BRIC có thể đạt quy mô lớn hơn nhóm các nước G6 (6 nước công nghiệp lớn nhất thế giới). Gần hơn, vào năm 2025, BRIC sẽ đạt hơn 1/2 quy mô của G6, dù vào năm 2003 quy mô GDP các nước BRIC chỉ chưa bằng 15% G6. Dự báo chỉ ra vào năm 2050, BRIC sẽ chiếm tới 4 chỗ trong G6, và khi đó G6 chỉ còn lại 2 thành viên cũ gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tỷ giá hối đoái thực tế của các nước BRIC có thể tăng đến 300% trong vòng 50 năm tới (trung bình 2,5%/năm).

 

Mượn gió bẻ măng

“Giấc mơ” do Goldman vẽ ra cho rằng vào năm 2050 bình quân đầu người của Trung Quốc tương đương với các nền kinh tế phát triển năm 2003 (khoảng 30.000USD/người). Ngay từ năm 2009, gia tăng chi tiêu hàng năm bằng USD của các nước BRIC có thể lớn hơn G6 và gấp đôi 2003. Đến năm 2025 mức tăng này có thể gấp đôi G6, và gấp 4 lần vào năm 2050. Danh sách top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể trông hoàn toàn khác vào năm 2050. Những nền kinh tế có GDP lớn nhất có thể không còn là những nền kinh tế giàu nhất (có GDP/đầu người lớn nhất), điều này khiến lựa chọn chiến lược của các công ty trở nên phức tạp hơn. Sau đó, năm 2004 Goldman Sachs tiếp tục lôi cuốn sự chú ý của giới đầu tư bằng việc phát hành báo cáo theo dõi. Trong đó, họ tiếp tục đưa ra những dự báo màu hồng, như số người đạt thu nhập trên 3.000USD/năm sẽ nhanh chóng vượt 800 triệu người chỉ trong vòng 1 thập niên, tức giới trung lưu sẽ tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2025, dự báo có tới hơn 200 triệu người ở BRIC có thu nhập hàng năm trên 15.000USD.

Những dự báo có cánh của Goldman dành cho BRIC đã thu hút dòng tiền đầu tư đổ vào 4 nước này. Mượn gió bẻ măng, năm 2006, các lãnh đạo BRIC quyết định tổ chức họp các bộ trưởng ngoại giao 4 nước bên lề cuộc họp của Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York (Hoa Kỳ). Và đến năm 2009, họ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Yekaterinburg của Nga. Tại cuộc họp này, các lãnh đạo BRIC đưa ra tuyên bố kêu gọi xây dựng trật tự thế giới đa cực, dân chủ và bình đẳng. Cụ thể, họ thảo luận về việc 4 nước có thể hợp tác tốt hơn các hoạt động trong tương lai, đưa ra định hướng để BRIC có thể tham gia nhiều hơn trong các vấn đề toàn cầu, đồng thời tuyên bố cần có một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới để chống lại sự bá quyền của USD.

Lãnh đạo các nước BRICS tại một cuộc họp thượng đỉnh.

Đối trọng phương Tây

Người ta kỳ vọng đến năm 2027 các nền kinh tế BRIC sẽ vượt qua nhóm G7 (7 nước công nghiệp lớn nhất). Trên thực tế, đã có những bước đi cụ thể theo định hướng trên. Chẳng hạn Bộ trưởng Nông nghiệp các nước BRIC đã thỏa thuận được về kế hoạch xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất nhằm giúp đánh giá được tình trạng an ninh lương thực trong khối. Cũng trong lĩnh vực kinh tế, BRICS kêu gọi phân chia lại ảnh hưởng và quyền lợi với những quốc gia công nghiệp phát triển tại những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Từ các chương trình nghị sự của BRICS trong những cuộc họp cấp cao, có thể rút ra 2 mục tiêu chiến lược chính của các nước BRIC: Đầu tiên là đấu tranh để tăng cường hơn nữa ảnh hưởng trên toàn cầu, không để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử giữa các nền kinh tế mới nổi và những “ông chủ cũ” của thế giới. Mục tiêu thứ hai mang tính chính trị nội bộ nhiều hơn: Tăng cường các biện pháp hiểu biết lẫn nhau, nâng cao tính thống nhất, không để những bất đồng làm ảnh hưởng đến sức mạnh của khối, cũng như sự phát triển kinh tế của các nước thành viên.

Chẳng hạn, trong tuyên bố chung Tam Á (năm 2011), lãnh đạo 5 nước BRICS cho rằng cơ cấu quản lý các thể chế tài chính quốc tế cần phải phản ánh được những thay đổi của nền kinh tế thế giới, đồng thời tăng tiếng nói và sự đại diện của những nước đang phát triển và mới nổi. BRICS cũng bày tỏ sự lo ngại về vận mệnh của đồng USD, trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đang chìm trong thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Ngoài ra, lãnh đạo các nước BRICS cũng tái khẳng định sự cần thiết phải cải tổ LHQ, trong đó có Hội đồng bảo an, để tổ chức quốc tế này mang tính đại diện hơn, hoạt động tích cực và hiệu quả hơn nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

(Còn tiếp)

Vĩnh Cẩm
***

BRICS: Kỳ vọng và ảo mộng (K2): Mãi là giấc mơ?

(ĐTTCO) – Trái với kỳ vọng lúc đầu, các nước BRICS hiện nay hầu hết rơi vào khó khăn với hàng loạt vấn đề cả về kinh tế lẫn chính trị. Giấc mơ BRIC do Goldman Sachs vẽ ra nay đã bị chính đại gia ngân hàng này kết thúc, sau khi âm thầm khóa sổ quỹ đầu tư dành cho khối BRICS vào tháng 11-2015. Lý do 88% tài sản của quỹ bị bốc hơi chỉ trong 4 năm kể từ 2010.
Nam Phi-Brazil: Khủng hoảng kép  

Bên cạnh những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và đồng nhiệm Nam Phi Jacob Zuma cùng bị đe dọa truất phế vì tai tiếng tham nhũng. Nữ tổng thống đầu tiên của Brazil không thể chủ trì lễ khai mạc Thế vận hội Olympic vào đầu tháng 8-2016. Và sau khi Olympic kết thúc, thượng viện nước này khởi động vòng “đấu tố” cuối cùng để loại bỏ vĩnh viễn quyền lực của bà Rousseff. Trong đợt luận tội bắt đầu vào hôm nay (25-8), bà Rousseff sẽ phải đối mặt với cáo buộc đã dùng các thủ thuật kế toán để che giấu thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của đất nước. Nếu bị 2/3 trong 81 nghị sĩ thượng viện bỏ phiếu chống, bà Rousseff sẽ phải từ chức tổng thống và trao quyền lại cho tổng thống tạm quyền là Michel Temer để phục vụ hết nhiệm kỳ của bà (đến cuối năm 2018). Những thăm dò ý kiến cho thấy đa số cử tri (58%) muốn bà Rousseff ra đi vì chính phủ tham nhũng và đã để đất nước lâm vào tình trạng giảm tăng trưởng.

BRICS xuất phát từ một sự liên kết gượng ép giữa những nền kinh tế có mức độ phát triển, công nghiệp, văn hóa, ý thức chính trị quá khác nhau. Các thành viên chỉ tỏ thái độ đoàn kết bề ngoài, nhưng về mặt thương mại, các nền kinh tế đang lên này lại là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của lẫn nhau.

Michel Santi, CEO Art Trading&Finance

Cuộc luận tội (bắt đầu từ tháng 12-2015) là đỉnh điểm của cuộc chiến chính trị kích hoạt bởi vụ bê bối Petrobras. Hàng chục chính trị gia và doanh nhân hàng đầu của Brazil đã bị bắt giữ trong vụ án tham nhũng hàng tỷ USD của Petrobras. Và trong khi chiến đấu để bảo vệ mình, các chính trị gia chia rẽ và đạp đổ nhau, khiến nền chính trị rối như canh hẹ. Cuộc khủng hoảng chính trị khớp với việc kinh tế bị co lại 3,8% trong năm ngoái, xóa bỏ hàng triệu việc làm, kìm hãm tiêu dùng và niềm tin kinh doanh, đẩy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin vào một cuộc khủng hoảng có thể mất nhiều năm để vượt qua. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố báo cáo cho biết dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Brazil năm 2016 âm 3,3%, khoảng 0,7% trong năm 2017 và 2% trong năm kế tiếp.Còn tại Nam Phi, nền kinh tế số 1 châu Phi, Tổng thống Jacob Zuma tạm thời thoát hiểm sau 5 lần bị phe đối lập đòi truất phế vì đã trích công quỹ để trùng tu ngôi biệt thự riêng, nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Ngành công nghiệp khai khoáng nước này đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công của công nhân. Nhưng thực chất vấn đề đối với cả Brazil lẫn Nam Phi không chỉ là tham nhũng, Thierry Apotiker, cựu Giám đốc Ngân hàng Indosuez, cho biết: “Về mặt cơ bản tham nhũng đè nặng lên tiềm năng phát triển của một nền kinh tế. Nhưng đối với Brazil và Nam Phi, khủng hoảng hiện tại xuất phát từ chỗ 2 quốc gia này chủ yếu trông cậy vào nguồn tài nguyên để xuất khẩu”.

Nga-Trung: Tương lai màu xám

Trong khi đó, các vấn đề của kinh tế Nga còn trầm trọng hơn. Khủng hoảng ở Ukraine khiến Moscow phải nhận đòn trừng phạt từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và các biện pháp trừng phạt ngày càng được tăng cường. Các doanh nghiệp Nga không thể tiếp cận với thị trường Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng không được làm ăn với các tập đoàn năng lượng Nga. Lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa phương Tây của Tổng thống Vladimir Putin khiến giá cả ở Nga tăng vọt. Bên cạnh đó, giá dầu liên tục chạm đáy trong nhiều năm, trong khi Nga là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.

Theo Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat), GDP của Nga đã giảm trong 6 quý liên tiếp. Kể từ khi khởi đầu của cuộc khủng hoảng, nền kinh tế Nga đã mất 5,5% GDP. Vasily Oleynik, một chuyên gia tại ITinvest, chia sẻ quan điểm về tương lai gần của nền kinh tế Nga với tờ Pravda: “60% thu ngân sách Nga đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nga lại không đa dạng hóa nền kinh tế, vì vậy chính phủ chỉ còn biết cầu nguyện cho giá dầu không giảm nữa. Nhưng hiện giá dầu đã quá thấp và Nga sẽ sớm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ. Dự báo năm tới, Moscow sẽ phải tiếp tục phá giá đồng rúp để bù đắp thiếu hụt tiền, sức mua của người dân sẽ tiếp tục rơi”.

Tại Trung Quốc, những dấu hiệu hạ cánh cứng đang ngày càng hiển hiện. Thị trường chứng khoán rung lắc dữ dội, nền kinh tế thực đang giảm tốc với tốc độ chưa từng có. Thêm vào đó đồng nội tệ mất giá và tình trạng chảy máu vốn, cùng với thị trường bất động sản nhiều rủi ro và nợ công, nợ tư nhân đều cao. Tất cả đang vẽ lên bức tranh u ám về kinh tế Trung Quốc. Theo một số ước tính, nợ Trung Quốc có thể lên tới 350% GDP, khoảng 30.000 tỷ USD. Đáng ngại hơn, khoảng 2.500 tỷ USD nợ doanh nghiệp Trung Quốc thuộc diện nợ khó đòi. Willem Buiter, kinh tế trưởng của Citigroup, cho rằng con số thực tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 4%, thậm chí chỉ 2,2%.

Ngoài ra, Trung Quốc đang ở giữa làn sóng chỉ trích của cộng đồng thế giới vì những hoạt động gây hấn ở các vùng biển tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông. Thậm chí, nhiều người tin rằng Washington đã âm thầm chuẩn bị chiến tranh với Bắc Kinh. Hàng hóa của Trung Quốc bị tẩy chay ở nhiều nơi trên thế giới vì chất lượng kém, không bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

60% ngân sách Nga đến từ xuất khẩu năng lượng.

Kỳ vọng tháng 10

Dường như Ấn Độ là nước BRICS duy nhất còn khá khẩm, nhưng niềm tin về chính sách cải cách và tăng trưởng kinh tế cao của Thủ tướng Narendra Modi đang bị lung lay, khi quốc gia Nam Á chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng, thâm hụt ngân sách và bất cập về cơ cấu. Các chương trình cải cách của chính phủ Ấn Độ hiện vấp phải những trở ngại do các đảng phái đối lập nước này đang cố gắng ngăn cản việc thông qua. Đặc biệt, mâu thuẫn chính trị đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và làm giảm lòng tin của các nhà kinh tế và giới kinh doanh trong và ngoài nước.

Theo nhóm nghiên cứu Global Trade Alliance, có đến 1/3 các quyết định của BRICS bất lợi cho 4 thành viên còn lại trong nhóm và Trung Quốc thường xuyên là mục tiêu tấn công của các thành viên còn lại. Hội nghị thượng đỉnh của BRICS sẽ diễn ra tại Ấn Độ vào tháng 10 năm nay. Toàn thế giới đang trông chờ xem nhóm này sẽ giải quyết câu hỏi lớn về tương lai của các nền kinh tế mới nổi như thế nào.

Vĩnh Cẩm

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s