Nhộn nhạo và tan hoang – 4 kỳ

  • Nhộn nhạo và tan hoang
  • Rệu rã… chờ sụp
  • Những người “tự cứu”
  • Xếp hạng nhiều, giữ được bao nhiêu?
 ***

Nhộn nhạo và tan hoang

27/05/2014 06:17 GMT+7

TTDi tích lịch sử được công nhận xong nhưng không có ban quản lý, bị bỏ hoang. Nhiều di tích đang chờ ngày đổ sụp vì không có kinh phí để trùng tu. Và nhiều di tích “bỏ thì thương, vương thì tội”. Đó là thực trạng ở nhiều tỉnh thành và ngay tại thủ đô.

Nhộn nhạo và tan hoang Phóng to
Thành cổ Luy Lâu bây giờ chỉ còn lại như thế này vì xung quanh đã biến thành làng xóm, nghĩa trang hay nơi họp chợ – Ảnh: V.V.T.

Nhộn nhạo và tan hoang Phóng to
Người dân lập chuồng trại, chăn thả gà vịt trong quần thể di tích lăng Dinh Hương – Ảnh: V.V.Tuân

Gọi là di tích nhưng nơi thì nhà dân xâm chiếm trái phép, nơi hoang phế cỏ mọc… cho trâu bò ghé lại, nơi được dùng làm chỗ họp chợ, xây cả nghĩa trang, nơi được cho thuê để thả gà, nuôi cá… Và ở đâu, câu trả lời từ phía người quản lý cũng đều là… đợi chờ trong bế tắc.

Xâm chiếm di tích làm nhà ở

Ở Hà Nội, chùa Thanh Nhàn (số 68, ngõ 318, đường La Thành, P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa) là di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng năm 1990. Nhưng hiện nay có hơn 20 hộ dân đã tự ý vào trong khuôn viên nhà chùa xây nhà làm nơi ở.

Sư thầy Thích Đàm Nguyên cho biết: “Hiện tại có 22 hộ dân sống trên đất của nhà chùa, trong đó có 13 hộ dân sống trong nội tự, cạnh nhà thờ Mẫu. Tôi không biết có di tích lịch sử nào mà lại bị dân lấn chiếm đất làm nhà ở hàng chục năm nay như vậy không?”.

Hiện nhà thờ Mẫu của chùa đã hư hỏng, mái ngói sắp sập từ mấy năm nay nhưng chùa không dám tu sửa. Vì sửa nhà thờ Mẫu sẽ làm đổ nhà dân trong chùa. Sư thầy Thích Đàm Nguyên lo lắng: “Bốn năm nay, nhà thờ Mẫu của chùa không dám mở cửa vì mái ngói và cột gỗ đã mục nát, có thể sập bất cứ lúc nào. Những hôm trời mưa, trong chùa cũng ướt như ngoài sân. Tôi phải lấy nón che mưa cho Phật. Năm trước, tôi đã xin phép UBND phường lấy mái tôn lợp lên trên mái ngói chùa để che mưa nắng cho tượng Phật”.

Mới đây, một hộ dân còn ngang nhiên căng dây thép gai trong vườn chùa, nhận đó là đất của mình. Người này còn đồng ý bán mảnh vườn của nhà chùa cho một công ty nhà đất. Đến khi công ty này gặp sư Thích Đàm Nguyên mới vỡ lẽ đó là đất nhà chùa. Sư thầy Nguyên cho biết đã nhiều lần làm đơn, đến gặp trực tiếp lãnh đạo P.Ô Chợ Dừa, lãnh đạo Q.Hai Bà Trưng, lãnh đạo TP Hà Nội: “Cấp nào cũng hứa sẽ cho người về chùa xem xét tình hình và hứa giải quyết sớm. Nhưng đến nay đã mấy năm tôi làm đơn, đi kiến nghị, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Tôi giữ đất nhà chùa không phải là giữ cho tôi, mà giữ cho di sản lịch sử của Nhà nước”. Thầy Nguyên thở dài nói thêm: “Nếu nhà thờ Mẫu có sụp, gây tai nạn cho người dân sống ở đó thì chính quyền phải chịu trách nhiệm”.

Di tích thành phế tích

“Người dân xâm lấn di tích quá nhiều nên chính quyền xã không thể bảo vệ đủ diện tích của di tích được!”

Ông TRẦN BÀ KHÚC(phó chủ tịch UBND xã Thanh Khương)

Thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là công trình được xây dựng từ hàng nghìn năm trước. Đây là di tích lịch sử quốc gia được công nhận từ năm 1964 và cần bảo vệ nguyên trạng. Nhưng hiện nay thành cổ Luy Lâu chỉ còn là phế tích. Những dấu tích xưa để lại của thành Luy Lâu từ thời Bắc thuộc bây giờ chẳng còn gì cả. Người dân địa phương không chỉ làm nhà mà còn họp chợ ngay trong khu di tích. Thậm chí một nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ đã hình thành trong khu di tích không biết từ bao giờ.

Năm 1999, Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh lập hồ sơ “Báo cáo khảo sát thực địa khu di tích thành cổ Luy Lâu” gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh, trong đó nêu rõ diện tích thành cổ Luy Lâu cần bảo tồn nguyên trạng bao gồm 104.000m2 đất. Nhưng đến năm 2013, UBND xã Thanh Khương khảo sát và công bố số liệu về thành cổ Luy Lâu thì diện tích thành cần bảo tồn chỉ còn lại 77.000m2. Gần 30.000m2 đi đâu? Ông Trần Bá Khúc – phó chủ tịch UBND xã Thanh Khương – nói: “Do từ lâu người dân đã tự ý vào trong khu vực thành cổ phá thành, xây nhà rồi sinh sống luôn ở đó, nên diện tích thành bị thu hẹp lại. Người dân xâm lấn di tích quá nhiều nên chính quyền xã không thể bảo vệ đủ diện tích của di tích được!”.

Nói về hiện trạng này, ông Khúc cho biết: “Phải nói thật là chúng tôi không có kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị Sở VH-TT&DL và UBND tỉnh Bắc Ninh về việc trùng tu, tôn tạo khu di tích này, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời từ cấp trên”. Ông Khúc cũng cho biết để lấy lại phần đất đã bị các hộ dân lấn chiếm, trả lại nguyên trạng diện tích khu thành cổ từ xưa thì phải di dời cả làng Lũng Khê và một phần làng khác. “Việc di dời hàng trăm hộ dân đi nơi khác, trả lại nguyên trạng di tích thành cổ là rất khó khăn” – ông Khúc nói.

Cho thuê di tích làm đất chăn nuôi

“Tôi giữ đất nhà chùa không phải là giữ cho tôi, mà giữ cho di sản lịch sử của nhà nước”

Sư thầy THÍCH ĐÀM NGUYÊN(chùa Thanh Nhàn)

Một di tích lịch sử quốc gia khác là lăng Dinh Hương (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cũng trở thành phế tích từ nhiều năm nay. Lăng được xây dựng từ năm 1727, là nơi lưu giữ thi hài của quận công La Quý Hầu – một viên quan giỏi nhiều lần đi sứ phương Bắc thời Hậu Lê.

Nhưng đã từ lâu không còn ai đến thăm lăng Dinh Hương nữa.

Không người trông coi, cỏ mọc kín chân tượng, người dân tự ý chăn thả trâu bò quanh lăng. Khắp lăng là phân trâu, phân bò bốc mùi hôi thối. Điều kỳ lạ là từ năm 1997, UBND xã Đức Thắng cho người dân đấu thầu quần thể lăng Dinh Hương với giá 20 triệu đồng trong vòng mười năm để làm đất trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, quần thể lăng (bao gồm quả đồi và diện tích ao trước mặt quả đồi này) được anh Nguyễn Văn Lương thuê. Anh Lương cho biết đến năm 2003, dù chưa hết hạn 10 năm nhưng vì cần tiền nên xã lại gia hạn hợp đồng cho anh thuê lăng thêm 10 năm nữa. Nay, anh Lương làm vườn trong lăng để trồng vải. Còn bờ ao, anh chăn thả gà, vịt và nuôi cá.

Giải thích việc di tích trở thành nơi trồng trọt, chăn nuôi, ông Phạm Ngọc Ban – chủ tịch UBND xã Đức Thắng – nói: “Chính quyền cho dân thuê để họ vừa sản xuất vừa trông nom, bảo vệ di tích lăng Dinh Hương!”.

Di tích nghìn tuổi sắp trôi sông

Đền Phấn Động và đền Miễu (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là cụm di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận từ năm 1980. Đây là phòng tuyến mà Lý Thường Kiệt xây dựng để chống quân Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) năm 1075-1077. Nhưng do nạn khai thác cát lậu hoành hành trên sông Cầu đã mười năm nay, cụm di tích này hiện đang có nguy cơ bị… trôi sông. Vấn đề này đã được báo Tuổi Trẻ phản ánh từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Nhộn nhạo và tan hoang Phóng to

Một số lô đất trên tuyến hào phía tây còn trống cũng đang được người dân tập kết vật liệu xây dựng, chuẩn bị làm nhà – Ảnh: Trần Mai

Bà Nguyễn Thị Tái (78 tuổi) – người quét dọn, trông coi đền Phấn Động mấy chục năm nay – cho biết trước kia dưới chân đền có rất nhiều khóm tre lớn giúp chống sạt lở. Nhưng do nạn hút cát lậu nên những bờ tre đó bây giờ đều bị cuốn xuống sông. Ông Trần Đình Hoa – chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Đại Lâm, thành viên của ban quản lý di tích đền Phấn Động – cho hay: “Mỗi ngày thấy tàu bè qua lại ngang nhiên hút cát trên sông, tôi đứng ở đền mà xót ruột lắm. Nhưng không biết làm thế nào được”.

Đứng trên thuyền, từ dòng sông Cầu nhìn lên, ngôi đền Phấn Động rất chênh vênh. Dù xã đã xây tường bao quanh chân đền bằng gạch, nhưng không ngăn được nước sông ngày càng khoét sâu vào chân đền. “Ước mong của chúng tôi bây giờ là chính quyền cấp kinh phí để chúng tôi bỏ công lao động, làm một hàng kè đá dưới chân đền. Như vậy mới có thể yên tâm về di tích lịch sử này” – ông Hoa nói.

Trả lời về việc bảo vệ di tích đền Phấn Động trước nguy cơ trôi sông, ông Nguyễn Văn Hùng – phó chủ tịch UBND xã Tam Đa – nói: “Nạn khai thác cát lậu đã có từ nhiều năm, xã cùng với huyện Yên Phong nhiều lần tổ chức truy đuổi nhưng do phương tiện và lực lượng hạn chế nên mới chỉ hạn chế chứ chưa chấm dứt được tình trạng này. Xã cũng đề nghị với Sở VH-TT&DL Bắc Ninh cấp kinh phí để làm hàng kè, tu sửa lại chân đền Phấn Động nhưng vẫn chưa được trả lời”.

Xót xa thành cổ Châu Sa

Thành cổ Châu Sa (thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là di tích kiến trúc có niên đại từ thế kỷ thứ 9 thuộc vương triều Indrapura (875-982). Thành cổ được Bộ Văn hóa thông tin (cũ) xếp hạng di tích quốc gia năm 1994.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, thành Châu Sa là thành đất duy nhất của người Champa, có giá trị hết sức quan trọng. Về kinh tế, đây là nơi thông thương, án ngữ hai cửa biển Sa Kỳ và cửa Đại. Về quân sự, đây là nơi bảo vệ hai kinh đô của vương quốc Champa là Đồng Dương (Quảng Nam) và Trà Bàn (Bình Định). Năm 1993, tiến hành khảo cổ phát hiện nhiều cổ vật có giá trị. Năm 2009 tiến hành khảo cổ lần nữa và phát hiện lò nung. “Điều này chứng tỏ tòa thành này còn chứa nhiều giá trị vô giá chưa được tìm thấy” – ông Khôi nói.

Thành cổ có hình chữ nhật, chạy theo hướng bắc – nam, dài 580m, rộng 540m bao gồm bốn cửa mở giữa bốn phía tường thành. Thành đắp bằng đất, cao 4-6m, chân thành rộng 20-25m, mặt thành rộng 5-8m. Bốn góc thành hiện giờ có bốn ụ đất là dấu tích của bốn tháp canh. Quanh thành có hào nước rộng 20-25m. Cách thành 500m là khu tháp cổ Gò Phố.

Thành cổ Châu Sa không có người trông coi nên người dân tự ý trồng bạch đàn, tre… khắp bờ thành. Nhiều hộ dân tự ý đào thành lấy đất đắp nền nhà. Ở bờ thành phía nam và phía bắc, người dân tự ý làm công trình kiến trúc lấn vào bờ thành, nhiều đoạn bị biến dạng, Ông Bốn Tân (70 tuổi, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu) chua chát: “Thành cổ Châu Sa giờ cổ gì nữa, người ta đào đất đắp nền, phá rộng bốn cửa thành nên giờ hết cổ rồi. Xâm hại thế mà sao chẳng thấy cơ quan nào can thiệp”.

Bờ thành phía đông cũng bị nhiều người đào bới, tìm kiếm do tin có kim loại quý. Gần đây, tuyến hào phía tây rộng chừng 25m, dài khoảng 1km được chính quyền xã Tịnh Châu san lấp, phân lô bán nền. Đây cũng là khu vực thành cổ bị xâm hại nghiêm trọng nhất với hơn 10.300m2 tuyến hào bị lấp. Ông Đào Dương Minh – chủ tịch UBND xã Tịnh Châu – cho biết: “Thấy đất để hoang hóa lâu ngày nên xã xin chủ trương của huyện và UBND tỉnh Quảng Ngãi để san lấp tuyến hào làm khu tái định cư các hộ dân giải tỏa nhường đất cho quốc lộ 24B”. Xã đã san lấp 10.300m2 chia làm 77 lô đất bán cho dân làm nhà. Hiện 30 lô đất đã có người dân xây nhà.

Ông Minh cho biết thêm: “Khi bàn giao di tích cho địa phương quản lý, Bảo tàng Quảng Ngãi không bàn giao hồ sơ di tích hay ranh giới nên không biết phạm vi di tích rộng như thế nào. Chính quyền xã thấy đất hoang hóa quá lâu, trở thành nơi để một số người dân bỏ rác nên đã gửi đơn xin phép san lấp để làm khu tái định cư”. Cũng theo ông Minh: “Hiện tại, bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia đã lưu lạc không tìm thấy”.

Ông Nguyễn Đăng Vũ – giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi – cho biết: “Tháng 9-2013, sở có đi kiểm tra khi nghe thông tin tuyến hào bị san lấp và đề nghị xã dừng việc san lấp tuyến hào. Thành Châu Sa bị xâm hại, trách nhiệm thuộc về chính quyền xã Tịnh Châu”. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi – phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi – cũng cho biết: “Sau khi nhận được thông báo của Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Bảo tàng tỉnh đã làm việc với xã Tịnh Châu, đề nghị dừng việc san lấp bờ thành phía tây đối với phần còn lại của tuyến hào còn nguyên trạng. Riêng đối với khu vực bờ hào đã được san lấp, bảo tàng đề nghị thu hồi. Sắp tới sẽ tìm cách khôi phục, bảo tồn, phục dựng nguyên hiện trạng tuyến hào phía tây nói riêng và cả thành cổ Châu Sa nói chung”. Tuy vậy, ông Khôi cũng lo ngại việc trùng tu phải giữ sự hài hòa giữa cuộc sống của người dân và công trình kiến trúc này vì trong thành cổ Châu Sa đang có hơn 200 hộ dân sinh sống với khoảng 800 nhân khẩu.

TRẦN MAI

__________

Kỳ 2: Rệu rã… chờ sụp

***

Rệu rã… chờ sụp

28/05/2014 12:16 GMT+7

TTSáng 15-5, di tích Phu Văn Lâu thuộc hệ thống kinh thành Huế đã đổ sụp một phần góc mái. Sự việc khiến người Huế giật mình vì không chỉ riêng Phu Văn Lâu mà nhiều di tích quan trọng khác trong quần thể di tích cố đô Huế cũng đứng trước nguy cơ này.

Rệu rã... chờ sụp Phóng to
Nội điện đình làng Dương Phẩm, Huế là đống đổ nát, ngổn ngang như thế này – Ảnh: Thái Lộc

Quần thể di tích Huế có 29 điểm di tích với hàng trăm hạng mục công trình, chủ yếu làm bằng gỗ. Hằng năm, khi tới mùa mưa bão, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cử một đội ngũ đi kiểm tra những di tích xung yếu, nguy hiểm để chống đỡ và giằng chéo. Hết mùa mưa bão thì lại tháo dỡ phần chống đỡ này để trả lại mỹ quan cho di tích. Một cán bộ thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhận xét công tác “khám chữa bệnh” thường xuyên cho các di tích ở đây đang không được chú ý đúng mức.

90 tỉ đồng/năm không đủ để trùng tu


“Hiện số di tích Huế đang đứng ở mức độ nguy hiểm tương đối nhiều”

ÔngPHAN THANH HẢI(giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)

Rất nhiều công trình đang đứng trước nguy cơ đổ sụp mà Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế không lường trước được. Điều này, ông Phan Thanh Hải – giám đốc trung tâm – nói: “Có thể thẳng thắn thừa nhận công tác “khám chữa bệnh” cho di tích làm không xuể, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Sắp tới, trung tâm sẽ kiến nghị với Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đầu tư nhiều hơn cho công tác bảo dưỡng và phòng chống xuống cấp!”.

Cũng tại quần thể di tích Huế, theo quan sát của phóng viên, hiện có đến hàng chục kiến trúc gỗ đang trong giai đoạn báo động đỏ, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Cụ thể là di tích Nghinh Lương Đình chỉ cách Phu Văn Lâu vài chục mét, hầu hết cấu kiện gỗ đã bị ruỗng nát. Tương tự ở bên trong Hoàng thành, điện Thái Hòa và Thái Miếu cũng đang xuống cấp rất nghiêm trọng, cấu kiện liên kết rất kém, mái thì thấm dột, khi mưa nước chảy thành dòng… Ở lăng vua Tự Đức, ngoài Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ đang trùng tu, hầu hết kiến trúc chính như Khiêm Cung Môn, Hòa Khiêm Điện, Lương Khiêm Điện, Ôn Khiêm Đường, Minh Khiêm Đường… tất cả đều mục ruỗng nghiêm trọng. Tình trạng nguy cấp nhất có thể nói là điện Voi Ré gắn liền với Hổ Quyền không chỉ toàn bộ phần gỗ bị mục mủn, mái ngói dột nát mà phần gạch vữa cũng có nguy cơ đổ sập rất cao…

Ông Phan Thanh Hải thừa nhận: “Hiện số di tích Huế đang đứng ở mức độ nguy hiểm tương đối nhiều. Đa số di tích đã đến chu kỳ cần phải đại trùng tu nhưng không có điều kiện. Đây là bài toán đau đầu vì thiếu kinh phí!”. Hiện mỗi năm ngân sách rót về cho công tác trùng tu di tích Huế gần 90 tỉ đồng, trong đó gần 40 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, 6 tỉ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Số còn lại do ngân sách cấp lại từ tiền bán vé tham quan di tích Huế. Số tiền này được xem là “muối bỏ bể” với hàng chục hạng mục di tích lớn đang được đầu tư trùng tu, phục nguyên. Cho nên có hàng loạt di tích đang xuống cấp, rệu rã phải “sắp hàng, nằm chờ”.

Rệu rã... chờ sụp Phóng to
Khiêm Cung Môn thuộc lăng vua Tự Đức rệu rã, phải chống đỡ tạm bợ – Ảnh: T.Lộc

Không còn khả năng cứu vãn nhiều đình làng

Bài toán khó cho tỉnh Thừa Thiên – Huế

Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Thừa Thiên – Huế, cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng 400 ngôi đình tương đối có giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Về phân cấp thì sở chỉ quản lý và tu bổ những ngôi đình đã được xếp hạng di tích. Nhiều đình trong số đó đang xuống cấp, song từ năm 2010 đến nay sở chỉ trùng tu được 18 đình với tổng kinh phí chưa đến 15 tỉ đồng. Trong đó mỗi đình trùng tu được Nhà nước hỗ trợ 10-20% kinh phí, số còn lại đều do người dân đóng góp.

“Nhiều đình xuống cấp, qua mấy trận bão chúng tôi cũng ngại, nên tham mưu UBND tỉnh nhắc nhở các địa phương tập trung bảo vệ, chống đỡ. Việc tu bổ, khắc phục thì ngoài tầm kiểm soát của sở. Đây là bài toán hết sức khó đối với tỉnh, vì chương trình mục tiêu quốc gia dành cho văn hóa mỗi năm chưa đến 1 tỉ đồng, nên tỉnh chỉ tập trung vào một số di tích đã được xếp hạng!” – ông Dũng nói.

Ngoài hệ thống di tích cung đình, Huế còn có hàng chục di tích đình làng có giá trị lớn về lịch sử và kiến trúc cũng đang đến hồi rệu rã. Điển hình là ngôi đình Dương Phẩm trên đường Phan Đình Phùng, TP Huế hướng ra sông An Cựu đang bị đổ nát, không còn khả năng cứu vãn. Một nhà chuyên môn từng ngẩn ngơ trước những chạm trổ trang trí vô cùng tinh xảo trên các cấu kiện gỗ và gọi ngôi đình gần 200 tuổi này ngang tầm kiệt tác kiến trúc của Huế. Người dân sống lân cận cho biết vị thủ từ của ngôi đình vốn ở cạnh đình, đã qua đời cách đây mấy năm. Dân làng Dương Phẩm đã dời về sinh sống cách đó vài chục cây số từ mấy chục năm qua, nên ngôi đình trở thành vô chủ, khuôn viên thành bãi đổ xà bần và bị nhiều hộ dân lấn chiếm, cơi nới làm nhà cửa.

Cùng cảnh ngộ là đình làng An Cựu (nằm trong con hẻm đường An Dương Vương, TP Huế). Nhìn bên ngoài thì thấy như còn khá nguyên vẹn, nhưng bên trong ngôi đình khá nổi tiếng và quy mô, đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh này, xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Trần Công Quang, người giữ đình, cho biết hầu hết cấu kiện bằng gỗ của ngôi đình đều bị ruỗng nát. Kể cả hệ thống án, kiệu thờ, bài vị, lỗ bộ… bằng gỗ tuyệt đẹp cũng bị xiêu vẹo, hư hỏng vì mục và mối. Hội đồng làng buộc phải chống sập nóc mái bằng hai ống sắt. Một số cột gỗ được thay thế bằng bêtông…

Nhiều di tích đình ở Huế cũng gặp tình trạng tương tự. Tại đình làng Phú Xuân – một di tích lịch sử – kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia ở Thành nội Huế, ông Đoàn Văn Tuấn – thủ từ – vừa gõ vào cột đình cho biết tiếng kêu “cốc cốc” như chiếc mõ chứng tỏ mối ăn rỗng bên trong. Đình lâu ngày không sửa nên mái ngói thấm dột, nhiều cấu kiện gỗ bị mục, nguy cơ ảnh hưởng trước gió bão rất cao.

Đình làng Thế Lại Thượng – một di tích quốc gia lợp ngói âm dương tuyệt đẹp trên đường Bạch Đằng, Huế – cũng bị mối mọt ăn rỗng rất nhiều chỗ. Theo thủ từ Nguyễn Đắc Hữu, việc trùng tu cứ thấp thỏm trong lòng người dân mà chẳng có tiền. “Nhìn chung, nếu hạ giải nhiều ngôi đình ra để trùng tu thì chỉ tận dụng không quá 50% gỗ cũ” – một chuyên gia về kiến trúc gỗ ở Huế nhận định.

Ông Phạm Toàn, người giữ đình làng Bao Vinh, cho hay: “Nếu sập thì chịu chứ biết mần răng chừ. Tháo ra trùng tu thì tốn tiền tỉ, làng không có tiền nên để vậy. Dân làng đóng góp cũng chỉ được vài chục triệu đồng, đủ tu sửa nhỏ mà thôi”.

Còn ông Trần Công Quang lý giải việc đình An Cựu lâu ngày không được tu bổ: “Hội đồng làng đã nhiều lần bàn việc tu sửa, phục hồi nhưng số tiền lên tới bạc tỉ, làng không có nên đành bất lực. Vì đình này được công nhận di tích, do Sở Văn hóa – thể thao và du lịch quản lý, làng đã nhiều lần kêu lên sở nhưng lâu rồi không thấy trùng tu” – ông Quang nói…

Ngôi đình đẹp của miền Trung có nguy cơ bị xóa sổ

Đó là ngôi đình Hoành Sơn tọa lạc bên bờ sông Cả thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Các nhà nghiên cứu lịch sử từng đánh giá đây là ngôi đình đẹp nhất miền Trung bởi nghệ thuật kiến trúc “độc nhất vô nhị”. Đình được xây dựng thời vua Lê Cảnh Hưng (1764) để thờ thần thành hoàng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ) – người có công lớn trong sự nghiệp gìn giữ biên cương của xứ Nghệ và đất nước Đại Việt.

Ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984, nhưng nhiều năm nay đang xuống cấp nghiêm trọng do mái dột, cột kèo bị nứt, gãy và mối mọt xâm hại. Hai trận lũ lớn năm 1978 và 1988 đã cuốn trôi gần 100 pho tượng cổ quý giá trong ngôi đình. Năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay ngôi đình cổ 250 năm này vẫn “trơ gan” dưới nắng mưa, bão gió.

Rệu rã... chờ sụp Phóng to
Chùa Sổ – di tích nghệ thuật, kiến trúc cấp quốc gia – chờ được trùng tu – Ảnh: V.V.Tuân
9eqFyuuc.jpg
Hệ thống kèo cột đình Đa Chất đã mục vì mối mọt – Ảnh: V.V.Tuân

Hai di tích 500 tuổi kêu cứu

Đình Đa Chất (thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và chùa Sổ (thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đều là những di tích lịch sử cấp quốc gia đã 500 tuổi, nhưng cả hai di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.

Đình Đa Chất được xây dựng dưới thời Lê trung hưng (thế kỷ thứ 16) và là di tích lịch sử quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng năm 1995. Trải qua mấy trăm năm, nhiều hạng mục công trình trong di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng. Những bức tường đình hầu hết trơ gạch, nhiều chỗ xập xệ, có những vết nứt thành những mảng lớn chạy ngang tường. Các cột gỗ lớn, cây xà, kèo… đều bị mối mọt, mưa nắng làm mục ruỗng.

Ông Nguyễn Ngọc Đoán (75 tuổi, làm cụ từ trông đình đã được bảy năm) cho biết: “Hai năm trước, thấy các cột đình đều mục, sợ đình bị đổ sập nên các cụ già trong làng phải đứng ra vận động người dân quyên tiền mua các cây gỗ về, lắp thêm vào chống đỡ mái đình”. Trong hậu cung, ông Đoán phải mua bạt về căng kín cả phía trên, rồi cứ ngày mưa là túc trực để múc nước ra ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Hoằng – phó chủ tịch UBND xã Đại Xuyên, từ năm 2010 UBND xã Đại Xuyên đã lập hồ sơ báo cáo lên huyện Phú Xuyên, sau đó gửi hồ sơ lên TP Hà Nội. Và nay sau gần bốn năm, xã vẫn chưa nhận được kế hoạch trùng tu cụ thể nào dù ông Nguyễn Tùng Lâm, trưởng Phòng văn hóa – thông tin huyện Phú Xuyên, cho biết: “Phòng văn hóa – thông tin huyện đã nhận được kế hoạch của UBND TP Hà Nội phê duyệt đưa đình Đa Chất vào trùng tu trong giai đoạn 2013-2014 do UBND huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư. Do vậy chúng tôi vẫn đang đợi TP cấp kinh phí”.

Một di tích khác của Hà Nội là chùa Sổ cũng kêu cứu nhiều năm nay. Chùa Sổ hay còn gọi là Hội Lim Quán, được xây dựng từ thời nhà Mạc (năm 1527). Ngôi chùa được công nhận là di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia từ năm 1986 này hiện có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Các chân cột lớn đều mục do mối mọt và ẩm thấp. Mái ngói bị xô lệch, nhiều chỗ bị dột. Vì di tích xuống cấp nên lâu nay chùa vắng người qua lại, không khác gì ngôi chùa bỏ hoang. Trong chùa, mọi thứ gạch ngói, cây gỗ vứt ngổn ngang.

Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ tịch UBND xã Tân Ước, cho biết trong năm 2010 UBND xã đã kết hợp với Phòng văn hóa – thông tin huyện Thanh Oai khảo sát các hạng mục xuống cấp để lập kế hoạch trùng tu chùa Sổ. Nhưng mãi đến tháng 5-2013 mới có văn bản chỉ đạo của Cục Di sản về việc trùng tu. Đến ngày 19-3-2014, UBND huyện Thanh Oai mới có quyết định chính thức trùng tu di tích này. Trong văn bản này cũng nói rõ việc trùng tu chùa Sổ không thể tiến hành trước mùa mưa bão (từ tháng 5) năm 2014 được.

“Đã có quyết định trùng tu chùa Sổ nhưng chúng tôi vẫn đang chờ chỉ đạo của cấp trên về thời gian tiến hành và kêu gọi nguồn vốn đối ứng xã hội hóa trong nhân dân mới trùng tu di tích được” – ông Toàn nói.

Kỳ 3: Những người “tự cứu”

THÁI LỘC – LỆ QUYÊN
***

Những người “tự cứu”

29/05/2014 00:00 GMT+7

TTTrước quá nhiều bất cập của việc lập hồ sơ, công nhận, quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích hiện nay, nhiều người cảm thấy thật sự chán nản, họ bàn nhau tìm cách tự cứu di tích quê mình theo kiểu “còn nước còn tát”.

7T34yXkP.jpg
Bà con lao đao đứng ra bảo vệ di tích trước nạn thiếu tiền, rồi trước cả cái nạn… nhiều tiền. Trong ảnh: Trùng tu nhà cổ tiền tỉ gây dư luận xấu ở Đường Lâm – Ảnh: Thanh Tâm

Tiêu biểu cho câu chuyện này là “sự kiện” phản ứng “lạ” của một số chủ các ngôi nhà cổ tuyệt đẹp ở làng cổ Đường Lâm – một di tích quốc gia nổi tiếng và quan trọng ở ngay thủ đô Hà Nội.

Từ chối 1 tỉ đồng để “tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước”

Nhà ông Hà X. ở thôn Mông Phụ đã thẳng thừng từ chối việc ban quản lý dùng tiền nhà nước đầu tư 1 tỉ đồng vào ngôi nhà cổ đón rất đông du khách trong và ngoài nước của mình. Ông X. tỏ ý lo lắng về việc người ta dỡ các hạng mục bằng gỗ cổ kính ra: họ làm gỗ gì vào đó, làm có đúng kỹ thuật không, làm mất bao lâu thì xong, nếu thời gian thi công kéo dài thì gia đình mình sẽ sống ra sao trong thời gian “vô gia cư” đó?

Theo nhiều người, đây là phản ứng dễ hiểu của dân thôn từ việc nhãn tiền: trùng tu cẩu thả, tiền tỉ đổ vào di tích nhưng số tiền thực chi vào công trình chẳng đáng là bao… Nhiều chủ nhà cổ phản ứng dữ dội khi gặp gỡ các nhà báo. Họ bảo 1 tỉ đồng mà thay, sửa có vài cục gỗ nhỏ, đảo lại mấy viên ngói thôi ư? Đấy là chưa kể nhiều nhà được thay cột lim bằng cột gỗ xoan non, vừa thay xong đã mối mọt. Thời gian thi công kéo dài, nhà che bạt bỏ đó, mưa nắng dãi dầu, người dân trăm bề khổ sở. Khoảng 10 ngôi nhà cổ được “trùng tu” gần đây với kinh phí gần 10 tỉ đồng đã khiến bà con than vãn.

Nhiều công trình đến giờ vẫn chưa quyết toán được, vì bà con lên tiếng không chịu ký xác nhận. Giữa bối cảnh đó, việc ông Hà X. từ chối nhận kinh phí trùng tu nhà mình để “tiết kiệm kinh phí cho quốc gia” khiến nhiều người cảm thông và cảm phục ông là người am tường lẽ đời.

Bảo vệ di sản trước nạn… nhiều tiền

Cũng chuyện làng cổ Đường Lâm, vừa rồi cán bộ phụ nữ, rồi chi bộ thôn ở mấy xóm cùng lên tiếng trong các cuộc họp về việc người ta tiếp tục bóc bỏ bêtông của con đường vừa làm hết 5 tỉ đồng ngân sách nhà nước ra để… lát gạch. Họ bảo làm như vậy như trò hề, tốn kém. Vả lại đường làng như mạch máu chính của cuộc sống và tâm linh cả làng, việc phá ra, đào đi làm lại liên tục như thế ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hằng ngày của bà con. Con đường kéo dài từ cổng làng ra đến chợ (chùa Mía) khá dài. Nó vốn là đường đất, rồi đổ bêtông, rồi Nhà nước công nhận di tích nhà nước, lập dự án lát gạch cho con đường theo đúng phong cách và văn hóa làng cổ cấp quốc gia.

Đùng một cái, người ta đem máy móc về ầm ầm, “tiền trảm hậu tấu”, đổ bêtông lần nữa cả con đường khổng lồ. Mất oan 5 tỉ đồng, lại phá vỡ cả cảnh quan và quy hoạch làng cổ. Cục Di sản kêu ca, cán bộ nhận lỗi, nhưng rồi nói vài câu là xong. Nhiều người ví con đường như con dao chọc tiết di sản (“Đường bêtông… xiên vùng lõi di sản”, Tuổi Trẻ ngày 15-11-2011).

Đến bây giờ tưởng yên chuyện, lại có dự án nữa, họ muốn bóc đường bêtông lên lát gạch. Rồi không biết người ta còn bóc lên bao nhiêu lần nữa? Chỉ biết làng giờ không còn một cây cổ thụ, không còn một bụi tre nào. Đường nhựa thì thỉnh thoảng lại trải thêm một lớp, vài hôm đã hỏng, lại nâng cấp, có khi đường cao hơn nhà dân đến 50-70cm, hễ mưa là nước chảy hết vào nhà dân. Cái nạn “đầu tư” nhiều quá, càng phá cũ xây mới ào ào dân càng khổ!

Cuối cùng, sau bao nhiêu bi hài, vẫn là câu chuyện của nhà quản lý khi cứ công nhận di tích ào ào, “vinh danh” rồi bỏ đó. Không quản lý thì dân lấn chiếm vì mục đích ngoài bảo tồn. Không xử lý thì nhờn luật. Nhờn luật thì phá di tích A được người ta cũng phá cả di tích B, cuối cùng thì “hòa cả làng”. Đến lúc chăm chút một di tích kỹ quá, nhiều kinh phí rót về, cộng thêm việc quản lý kém, thế là thành phá hoại. Bà con lại lao đao đứng ra bảo vệ di tích trước nạn thiếu tiền, rồi trước cả cái nạn… nhiều tiền. Cái sai nọ gọi cái sai kia về, chung quy vẫn từ những bất cập “sống chết mặc bay” trong quản lý mà ra.

Đề xuất xã hội hóa để cứu thành cổ Biên Hòa

Nhằm cứu lấy di tích quốc gia độc đáo ở phía Nam – thành cổ Biên Hòa (Đồng Nai) trước khi quá muộn là sập đổ, Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Nai một mặt xin ngân sách UBND tỉnh, đồng thời đề xuất cho phép “xã hội hóa, tìm đối tác đầu tư” để có vốn sửa chữa, bảo tồn.

Thành cổ Biên Hòa được xây dựng đầu thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn dựa trên một thành lũy đắp bằng đất đã có sẵn từ thế kỷ 15, vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích quốc gia năm 2013. Đây là một công trình kiến trúc quân sự có vị thế chiến lược quan trọng trong chính sách trị an và chống giặc ngoại xâm của nhà Nguyễn ở phía Nam. Hiện nay thành cổ Biên Hòa còn lại có diện tích 10.080m2 với ba mặt tường thành bằng đá ong, hai nhà cổ phía tây và phía đông, một lô cốt còn nguyên vẹn, một lô cốt bị đổ sập. Trong đó khu nhà cổ phía tây có nhiều hạng mục đã hư hỏng, xập xệ, trời mưa thì nước dột ướt sũng cả bên trong, chuột, dơi, côn trùng, mạng nhện bủa vây…rất nhếch nhác và nguy hiểm. Trước tình thế cấp bách, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định ứng trước 5 tỉ đồng (dự án có tổng vốn đầu tư 42 tỉ đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt – PV) để sửa chữa cấp bách một số hạng mục đã xuống cấp.

N.T.PHÚC

zD5qFvRB.jpgPhóng to Quần thể tượng voi, ngựa, lính và bia đá với những nét chạm khắc tinh xảo cùng cây duối hơn 200 tuổi ở Thái Bình – Ảnh: Hải Dương

Dòng họ bảo tồn một di tích ở Thái Bình

Một quần thể di tích toàn bằng đá độc đáo ở tỉnh Thái Bình đã từng bị bỏ quên hàng trăm năm. Nếu không có công cuộc bảo tồn đầy thăng trầm, vất vả của dòng họ Phạm kéo dài hơn mười năm thì di tích ấy đã thành phế tích.

Đó là quần thể lăng mộ với những hàng voi, ngựa, lính và văn bia bằng đá của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh (1726-1775). Người ta vẫn gọi chung đây là khu sinh từ Thiều quận công.

Trong căn nhà nhỏ, ông Phạm Minh Trâm – người có công lớn nhất bảo tồn khu di tích này – nhớ lại: “Đầu những năm 1990, sau khi nghỉ hưu tôi bắt đầu có thời gian tìm hiểu về di tích ở quê mình”. Ngay từ thời chăn trâu cắt cỏ, ông Trâm và các thế hệ trước ông đã thấy khu di tích Thiều quận công bị bỏ hoang, không ai quan tâm. Trong kháng chiến cả nước lo đánh giặc, di tích càng bị quên lãng. Sau kháng chiến, chính quyền địa phương cho rằng ông Phạm Huy Đĩnh không có công lao gì nên khu sinh từ coi như bỏ đó.

Cho mãi đến năm 1992, ông Phạm Minh Trâm bắt đầu công cuộc đi tìm lại giá trị của khu sinh từ cũng như công lao của Phạm Huy Đĩnh. Ông đã viết một loạt sách mang tính khảo cứu lịch sử, khẳng định giá trị nghệ thuật đăng trên tạp chí Xưa & Nay, Văn Hóa Thái Bình. Đến năm 1995, đại diện bảy phái của họ Phạm ở Cao Mỗ họp mặt và bầu ban vận động trùng tu sinh từ Thiều quận công. Sau một quá trình, theo ông Trâm kể là “nhiều rắc rối và phức tạp”, cuối năm 1999 Bảo tàng tỉnh Thái Bình mới về khảo sát và cử người lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xem xét.

Cơ quan quản lý đến rồi đi, mọi thứ ở khu sinh từ lúc đó đều đổ nát, hoang tàn. Vậy là, một thân một mình ông lão Phạm Minh Trâm khi đó đã 65 tuổi đón xe hơn 100km lên Hà Nội với hi vọng có được tiền cứu di tích. “Khi đi tôi cũng chưa biết bất kỳ thông tin gì về các tổ chức văn hóa xã hội có thể tài trợ giúp đỡ trùng tu di tích cả. Nhưng dòng họ ở quê làm nông cả, nghèo lắm không thể có tiền trùng tu cả một khu di tích đồ sộ như vậy được. Chính vì vậy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải lên Hà Nội để thử vận may xem sao”. Ông lên Hà Nội và dành hẳn hai ngày liền để cùng cháu mình đi hỏi thăm xem tổ chức nào có thể tài trợ công trình như vậy. Sau khi bỏ nhiều công sức tìm kiếm, ông đã tới được địa chỉ Quỹ hỗ trợ hoạt động văn hóa Việt Nam – Thụy Điển ở số 46 Trần Hưng Đạo. Ông đã gặp và được nhà văn hóa Hữu Ngọc, khi đó làm trưởng ban của quỹ này, giúp đỡ.

Ông Trâm tâm sự: “Được sự tư vấn của ông Hữu Ngọc, tôi đã phải sang tận chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh để tìm gặp một ông họa sĩ là ủy viên của hội đồng quỹ hỗ trợ hoạt động văn hóa này nhằm được tiến cử, giúp đỡ. Sau khi quỹ cho người về tận Cao Mỗ xác minh và gửi tờ trình sang Thụy Điển thì họ đã đồng ý trợ cấp 3.000 USD“.

Số tiền 3.000 USD vào thời điểm đó khá giá trị, nhưng ông Trâm cho biết họ chỉ cấp để bảo vệ hai tấm bia hình trụ tròn chứ không phải trùng tu toàn bộ quần thể di tích. Họ cho rằng không đâu ở Việt Nam có bia hình trụ mà lại do hai con người nổi tiếng viết, đó là: Báo Ân phường bi ký của nhà bác học Lê Quý Đôn và Từ Vũ bi ký do Xuân quận công Nguyễn Nghiễm – thân phụ đại thi hào Nguyễn Du – cùng đề từ năm Cảnh Hưng 33 (1772). Tiền không đủ nhưng số tiền ấy là động lực để ông Trâm tiếp tục đi kêu gọi vận động các nhà tài trợ.

Sau nhiều tháng liền đi kêu gọi tài trợ cộng với sự đóng góp của các gia đình trong dòng tộc, khu sinh từ bắt đầu được khởi công trùng tu, xây dựng mới một số mục. Sau gần hai năm, đến ngày 9-10-2002, khi di tích đã được quan tâm, bảo vệ thì UBND tỉnh Thái Bình tại quyết định số 74/2002/QĐ mới công nhận sinh từ với quần thể tượng, bia đá là di tích lịch sử văn hóa và cho rước bằng về đây.

H.DƯƠNG – N.HƯỜNG

NGUYỄN THỊ THANH TÂM
***

Xếp hạng nhiều, giữ được bao nhiêu?

30/05/2014 07:05 GMT+7

TTĐó là trăn trở của GS.KTS Hoàng Đạo Kính (ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) – người đã làm bảo tồn từ năm 1971, trực tiếp tham gia trùng tu di tích trong bốn thập kỷ.

6qr7ZEx4.jpg
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang tiến hành phục hồi phần mái phía bắc Phu Văn Lâu bị sập sáng 15-5 với tổng mức đầu tư gần 100 triệu đồng, dự kiến hoàn thành ngày 5-6 – Ảnh: Thái Lộc

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông nói: “Hiện nay số lượng di tích đã được công nhận quá lớn. Cấp quốc gia lên tới gần 3.200 di tích (theo số liệu của Cục Di sản văn hóa tính đến hết năm 2013), nhiều hơn số di tích được công nhận ở các nước có di sản văn hóa đồ sộ. Đó là chưa kể đến di tích cấp tỉnh, thành phố. Di tích cấp quốc gia đặc biệt cũng đang tiến tới 100. Xu hướng lâu nay là vận động “lên đời” cho di tích: di tích cấp tỉnh, thành phố thì lên cấp quốc gia; quốc gia thì lên quốc gia đặc biệt; rồi quốc gia đặc biệt thì cố vươn lên tầm quốc tế. Tất cả dẫn đến nạn lạm phát về nhìn nhận giá trị, lạm phát về việc công nhận di tích. Chúng ta xếp hạng di tích quá tràn lan, quá vung tay. Không phải mọi cái thuộc về dĩ vãng đều là di tích”.

“Tôi cho rằng chúng ta không thể bảo tồn tràn lan. Bảo tồn mà không giữ lại được những giá trị gốc thì mọi thứ trở nên vô nghĩa”

GS.KTS Hoàng Đạo Kính

* Nhìn nhận một cách thẳng thắn, ông đánh giá như thế nào về khả năng thực tế cứu vãn và giữ gìn lâu dài số lượng di tích đồ sộ như vậy?

– Hãy làm một phép tính đơn giản như sau: ta có khoảng 3.200 di tích quốc gia. Nếu đầu tư tối thiểu cho một dự án trùng tu di tích là 10-20 tỉ đồng thì cần tới 32.000-64.000 tỉ đồng. Câu hỏi rất lớn đặt ra là: Tiền ở đâu? Thực tế để trùng tu và tôn tạo một di tích hiện nay, con số lên tới 50-100 tỉ đồng. Thậm chí, tiền tu bổ còn cao hơn cả tiền xây dựng ban đầu. Trong trùng tu, nguồn tiền từ Nhà nước là chính, còn nguồn xã hội hóa thì hạn chế. Do đó, rõ là ta không thể có hàng vạn tỉ đồng để đầu tư cho trùng tu, bảo trì di tích với số lượng hàng ngàn như vậy.

Ta cũng không thể nào có đủ nguyên vật liệu truyền thống để trùng tu tất cả di tích đã xếp hạng. Trong 3.200 di tích thì 1.500 là di tích kiến trúc nghệ thuật, đòi hỏi 100% phải dùng gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Chưa kể các di tích lịch sử khác hầu hết cũng phải dùng gỗ tứ thiết. Tiếp tục phép tính: một di tích trung bình dùng tới 20-30m³ gỗ, thì chỉ riêng di tích kiến trúc nghệ thuật sẽ cần tới 30.000-45.000m3 gỗ tứ thiết. Vậy, số gỗ đó lấy ở đâu ra khi ở VN gỗ tứ thiết đã cạn kiệt. Ở các nước láng giềng, hoặc ngay cả Nam Phi nguồn cung ứng cũng không phải vô tận.

Như vậy cả về tiền, về nguồn vật liệu, việc trùng tu cứu vãn và trùng tu bảo tồn khối lượng di tích đã được xếp hạng là hoàn toàn bất khả thi. Những gì làm được quá nhỏ so với nhu cầu.

Mặt khác, chúng ta không có đủ nghệ nhân, thợ giỏi để trùng tu theo đúng truyền thống và khoa học cho hàng nghìn di tích. Bây giờ nghệ nhân, thợ giỏi quá hiếm! Và những ai, những cơ quan nào sẽ có khả năng và đủ sức, đủ tầm quản lý kỹ thuật trùng tu, nhất là với số lượng lớn, trải rộng khắp nước như thế? Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hóa chăng? Làm sao có thể chỉ dẫn, hướng dẫn, kiểm tra việc trùng tu, tôn tạo? Vì vậy, xét về mặt kỹ thuật trùng tu và quản lý cũng không khả thi nốt.

e1tRnHly.jpg
Ông Hoàng Đạo Kính – Ảnh: Lê Việt Hà

* Vậy thưa ông, trong tất cả những sự bất khả thi ấy, việc bảo tồn những tinh hoa của di sản văn hóa dân tộc liệu còn bao nhiêu phần trăm cơ hội?

– Muốn việc bảo tồn tinh hoa di sản văn hóa dân tộc trở thành khả thi thì trước tiên phải tổng rà soát lại việc công nhận di tích. Đã đến lúc phải chấm dứt quá trình “nâng đời” cho di tích. Một khi “lạm phát” di tích thì việc bảo tồn trở thành bất khả thi. Tiếp đó, phải xác định cho được danh sách những tinh hoa của di sản văn hóa vật thể dân tộc trên các cơ sở như: giá trị kiệt xuất, tiêu biểu, có một không hai; có khả năng thực tế để bảo tồn, trùng tu; có thể đảm bảo việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo bắt buộc theo bài bản khoa học. Danh sách ấy phải gọn hơn nhiều. Nếu cứ ôm đồm là đứng trước nguy cơ mất mát.

Bên cạnh đó, phải xây dựng các quy chế cụ thể trong ứng xử với di tích theo các thang bậc khác nhau. Với di tích là tinh hoa phải bảo tồn như thế nào, với di tích nói chung, với di tích đang hoạt động phải bảo tồn ra sao. Bởi vì các di tích đang sống thì phải để cho nó thở, tức là vừa giữ vừa phát triển tiếp nối. Không thể để hàng trăm ngôi chùa, ngôi đền đang sống bình thường mà vẫn phải đứng yên như cũ. Thực tế ta cũng không tài nào bắt chúng đứng yên, nên xác định ở các di tích sống này cái gì phải giữ nguyên, cái gì có thể bổ sung hoặc thay đổi.

Cần dứt khoát không ứng xử với các di tích như với các công trình xây dựng cơ bản. Ví dụ, cần phải có quy chế riêng, đơn giá riêng, thợ chuyên nghiệp, làm rõ sự khác biệt giữa trùng tu với xây dựng. Rất nhiều cuộc trùng tu lại bị đánh đồng với xây dựng cơ bản dẫn đến di tích bị “cải lão hoàn đồng”. Rốt cuộc cứu mà hóa triệt.

Tôi cho rằng chúng ta không thể bảo tồn tràn lan. Phải bảo tồn khả thi, căn cơ. Phải nhìn vào những khả năng thực tế mà lo toan việc bảo tồn. Nếu cứ làm như hiện nay thì khả năng mất nhiều hơn là giữ. Bảo tồn mà không giữ lại được những giá trị gốc thì mọi thứ trở nên vô nghĩa.

_________________

Đừng để lại một di sản chắp vá

Thực trạng mà loạt bài của Tuổi Trẻ (ngày 27, 28, 29-5) vừa lên tiếng làm nảy sinh một câu hỏi: Trong những năm gần đây, tốc độ và số lượng di tích được công nhận ở các cấp, nhất là di tích cấp quốc gia, tỉ lệ thuận hay tỉ lệ nghịch với số lượng các di tích được bảo tồn và phát huy giá trị tốt?

“Nếu cứ công nhận tràn lan và bảo tồn không đến nơi đến chốn như hiện nay, có lẽ thế hệ sau sẽ nhận lại từ chúng ta một di sản văn hóa chắp vá, loang lổ và mục nát”

TS Nguyễn Thị Hậu

1.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng chính là việc ồ ạt công nhận di tích ở các cấp. Việc công nhận này đang trở thành “phong trào”, số lượng quá nhiều, do đó nhiều di tích chưa thật sự có giá trị tiêu biểu. Hệ thống di tích được công nhận cấp quốc gia phải phản ánh đặc trưng lịch sử – văn hóa quốc gia, vì vậy cần nghiêm túc xem xét giá trị các mặt của di tích. Nếu quá “tham” về số lượng, tất cả đều trở thành đối tượng phải tôn thờ, bất khả xâm phạm thì không một quốc gia nào đủ nguồn lực để bảo tồn tất cả “di sản văn hóa”.

Di tích lịch sử văn hóa nếu có giá trị địa phương (làng, xã, liên làng), khi nâng lên tầm quốc gia, vùng miền thì để xứng với danh đó sẽ phải trùng tu tôn tạo, tổ chức quy mô “hoành tráng” hơn, vô hình trung gán cho di tích những giá trị ảo từ nội dung đến hình thức kiến trúc, trang trí… Khi không đủ kinh phí nhà nước để bảo tồn hay trùng tu, thậm chí dưới danh nghĩa trùng tu để làm mới di tích, thì địa phương thường huy động các nguồn kinh phí khác. Tuy nhiên “chủ đầu tư” thường có vai trò quyết định chứ không phải là các nhà khoa học trong việc bảo tồn trùng tu di tích như thế nào. Tình hình kéo dài như vậy làm cho các di tích dù cấp nào cũng dần dần trở nên giống nhau ở xu hướng ngày càng “hoành tráng”, thậm chí không còn nhận ra yếu tố truyền thống nữa. Di tích vì thế trở nên thật giả lẫn lộn về giá trị, về nội dung…

2. Thế nhưng ở một góc độ khác, những di tích thật sự có giá trị lại đang không được bảo tồn, trùng tu một cách xứng đáng.

TP.HCM có hai di tích khảo cổ học cấp quốc gia nổi tiếng đại diện cho hai thời kỳ lịch sử – văn hóa của thành phố. Di tích Giồng Cá Vồ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) khai quật năm 1994, là loại hình di tích mộ táng bằng chum gốm còn nguyên di cốt và nhiều đồ tùy táng quý giá, thuộc nền văn hóa khảo cổ Đồng Nai niên đại khoảng 2.500 năm cách ngày nay. Từ nhiều năm nay di tích này đã được Sở VH-TT&DL TP.HCM lập phương án tiếp tục khai quật và lập bảo tàng tại chỗ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – du lịch phối hợp với vùng du lịch sinh thái Cần Giờ. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa tiến triển được mặc dù sở và huyện Cần Giờ rất tích cực bàn tính và tham khảo ý kiến các nhà khoa học để có thể đưa ra phương án phù hợp nhất. Điều đáng ghi nhận là Giồng Cá Vồ đã được huyện Cần Giờ đền bù đất để giải tỏa, bảo vệ di tích. Nhưng với đặc điểm là di tích mộ chum nằm dưới lòng đất, nếu để càng lâu các chum này càng hư hỏng nặng hơn, không thể bảo tồn được di cốt và đồ tùy táng trong đó. Chúng ta có nguy cơ mất một di tích khảo cổ học có giá trị đặc biệt quý hiếm đối với khảo cổ học VN và Đông Nam Á.

Lò gốm cổ Hưng Lợi (P.16, Q.8) lại là di tích hiếm hoi của “Xóm lò gốm Sài Gòn xưa”, niên đại khoảng thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Di tích này thì gặp khó khăn khác là việc đền bù đất đai cho người dân không được, nên mặc dù được khai quật và công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1998 nhưng tới nay di tích này trở thành “phế tích” đúng nghĩa. Do không được bảo vệ và bảo tồn trùng tu kịp thời nên giờ đây di tích hư hỏng rất nặng. Cứ thế này chỉ vài năm nữa di tích sẽ bị “xóa sổ” vì không còn ai biết đến.

3 Để bảo tồn di tích thật sự có hiệu quả cần bắt đầu lại từ việc rà soát hệ thống di tích cấp quốc gia, sau đó là di tích cấp tỉnh thành – với những tiêu chí thật sự khoa học và đặt trong bối cảnh của phát triển kinh tế – xã hội, của đời sống cộng đồng đang có nhiều biến đổi để có thể xem xét công nhận đúng với giá trị thật sự tiêu biểu của từng di tích. Nếu cứ công nhận tràn lan và bảo tồn không đến nơi đến chốn như hiện nay, có lẽ thế hệ sau sẽ nhận lại từ chúng ta một di sản văn hóa chắp vá, loang lổ và mục nát.

TS NGUYỄN THỊ HẬU

HÀ HƯƠNG thực hiện

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s