Dịch giả hay kẻ dịch thuê?

Nguyễn Vinh – Chủ Nhật,  17/4/2016, 11:21 (GMT+7)

Thực tế xuất bản cho thấy lao động của dịch giả còn bị xem nhẹ. Ảnh minh họa

(TBKTSG) – Gần đây rộ lên những cuộc tranh luận về chất lượng dịch thuật. Trong các cuộc tranh luận đó, đẳng cấp, trình độ, thái độ, đạo đức của dịch giả được đưa ra mổ xẻ. Nhưng phía sau đó là gì? Lao động của dịch giả được ghi nhận ra sao?

“Chúng tôi chỉ là những kẻ dịch thuê, xét cho cùng là vậy”, ông Phạm Viêm Phương, một dịch giả văn học nói. Cách nói vừa trần trụi vừa “cám cảnh” đó có lý từ một thực tế xuất bản, ở đó lao động của dịch giả còn bị xem nhẹ.

Việc xem nhẹ vai trò dịch giả, trước hết là trong đánh giá của những nhà làm sách với công việc dịch thuật. Cụ thể, thông qua cách đánh giá lao động bản quyền. Thường thì các công ty sách, nhà xuất bản chỉ chú trọng việc ký kết bản quyền với đại diện tác giả hoặc các đối tác sở hữu bản quyền, rồi sau đó làm việc với dịch giả để đi đến một bản thỏa thuận hợp tác dịch thuật. Cũng có trường hợp dịch giả là người đọc và đề xuất bản dịch để đơn vị làm xuất bản mua bản quyền ấn hành trong nước. Vì chỉ được xem là người chuyển ngữ, nên tầm quan trọng của dịch giả được xếp sau tác giả trong thang bậc đánh giá rất nhiều lần. Vì vậy, hiện nay các công ty sách và nhà xuất bản đang trả cho lao động dịch thuật khá bèo bọt. Phổ biến nhất là cách đếm chữ tính tiền, với giá dao động từ 150-200 đồng trên mỗi chữ, tùy vào tên tuổi, uy tín dịch giả với sách văn học – loại sách khó nhằn, đòi hỏi đẳng cấp dịch thuật cao và cũng dễ dàng tạo ra những phản hồi không mấy dễ chịu từ cộng đồng dịch thuật và độc giả.

Như vậy, tính trung bình một bản dịch tác phẩm văn học dày chừng 300 trang, dịch giả văn học tại Việt Nam chỉ nhận trên dưới 20 triệu đồng nhưng có khi mất đến ít nhất sáu tháng tập trung cho công việc. Một loại lao động khắc kỷ và hẳn nhiên là không khả quan lắm về phương diện kinh tế. Điều đáng nói, số nhuận bút được các nhà làm sách trả cho dịch giả thường chỉ thanh toán trọn gói, đúng một lần; sau đó dù sách bán chạy, được tái bản, dịch giả không được hưởng nhuận bút trong đợt in tiếp theo.

Trong Luật Xuất bản hiện hành cũng chỉ yêu cầu đứng tên người dịch trên sách (nếu là sách dịch, theo khoản 1a/ điều 27) mà không đề cập gì đến quyền dịch giả trong quan hệ xuất bản. Cho nên, dễ hiểu khi cách hợp tác, đánh giá lao động dịch thuật là thứ mà các nhà làm sách “tự cân đối” để thiết lập nên như một luật bất thành văn tồn tại dai dẳng và không thay đổi cho dù thực tế thị trường nay đã khác, nhu cầu xã hội với dịch phẩm cũng khác.

Một hệ lụy của lối chi trả nói trên, đó là không buộc trách nhiệm lâu dài của dịch giả với bản dịch. Khi thù lao dịch thuật được thanh toán một gói, một lần xong thì dịch giả có thể đi làm việc khác. Có những bản dịch sau đó gặp phải những vấn đề lỗi dịch thuật quá nặng nề, mới phát hiện ra, dịch giả đứng tên trên sách không phải là người trực tiếp dịch, mà đóng vai trò tổ chức một nhóm cộng tác viên và chia năm xẻ bảy cuốn sách để việc chuyển ngữ diễn ra nhanh hơn. Chính điều này tạo nên sự không thống nhất trong văn bản của dịch phẩm, chưa nói, có rất nhiều lỗi được tạo nên từ những “dịch giả trong bóng tối” mà quy trình rà soát biên tập không phát hiện ra. Khi đó, phía đầu tư tự lo liệu với nhau, còn dịch giả (thiếu gắn bó trách nhiệm kia) có thể nói rằng “tiền trao cháo múc” đã xong rồi.

Vậy, việc dịch giả phải đứng tên và chịu trách nhiệm với bản dịch sau khi sách được in ra là một việc cần để buộc những dịch giả phải thận trọng và nghiêm túc trong nghề. Song, không phải dịch giả nào cũng làm được việc đó, khi mà anh ta không chọn dịch thuật như một công việc đảm bảo đời sống để toàn tâm. Từng có những trường hợp bản dịch sau khi ấn hành đã bị phản hồi gay gắt và buộc dịch giả phải ngồi làm việc với người làm sách để đưa ra giải pháp khắc phục bằng cách bổ sung, hiệu chỉnh… Có những dịch giả cầu tiến, tự trọng và nhiệt tình với việc này vì muốn đưa đến cho người đọc những bản dịch tốt hơn, nhưng cũng có không ít dịch giả vì cho rằng việc chi trả thù lao trọn gói cho một loại lao động rẻ rúng như thế thì không việc gì phải cố gắng thêm.

Thị trường xuất bản Việt Nam thời gian tới vẫn cần đẩy mạnh mảng sách dịch thuật – một dịch giả trẻ cho biết – chính vì vậy nếu các nhà làm sách không chịu thay đổi cách nhìn về lao động của dịch giả, thì có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng rất gần về dịch thuật. Sách dịch in nhiều nhưng đồng thời kéo theo đó là sách thị trường, dễ dịch (xét về kinh tế, chẳng ai tội gì phải chọn những sách khó nhằn) và sách dịch dễ dãi sẽ tràn lan, những tác phẩm cao cấp, hơi kén chọn người đọc sẽ ít được chuyển ngữ hơn. Nỗi lo đó là có thật, khi chỉ nhìn vào khu vực văn học, có thể thấy, con số tên tuổi dịch giả danh giá quá ít ỏi. Chẳng ai đủ sức đi dài hơi và sống được, sống chuyên nghiệp với công việc.

Gần đây, một số đơn vị làm sách tìm cách nới bản thỏa thuận với các cộng tác viên dịch thuật theo phương thức nâng giá, hoặc ứng trước một khoản để dịch giả yên tâm ngồi dịch, cũng có nơi tìm cách trả thêm phần nhuận bút hay thưởng thêm cho dịch giả khi sách được tái bản. Đó cũng là những “chiêu thức” để thu hút những dịch giả tốt về phía mình.

 

Advertisement

1 bình luận về “Dịch giả hay kẻ dịch thuê?

  1. Thị trường sách Việt Nam hiện nay chủ yếu là sách nước ngoài nên dịch giả có một vai trò rất quan trọng trong thị trường. Nhưng trả lương cho dịch giả bèo bọt như vậy thì chẳng mấy ai đủ sức chuyên tâm làm nghề này.

    Thế nên thị trường sách nói chung hiện nay khó mà phát triển mạnh được. Có ít quá những cuốn sách dịch có tính thẩm mỹ cao trong văn chương, có chiều sâu trong kiến thức, học thuật… rất cần thiết cho sự phát triển văn hóa và dân trí.

    Nếu muốn phát triển văn hóa đọc, muốn nâng cao trình độ dân trí cho cả nước thì có lẽ một trong những việc cần làm là nâng lương cho dịch giả. Và nhà xuất bản có lẽ nên đi theo hướng vì văn hóa đọc, chứ không hẳn là đi theo hướng lợi nhuận như hiện nay.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s