Giải mã gốm Chu Đậu – 10 kỳ

Giải mã gốm Chu Đậu

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 2: Bất ngờ ở “thánh địa” Nam Sách

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 3: Con tàu kỷ lục

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 5: Chiếc bình quốc bảo

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 6: Nằm trong lòng đất Nhật Bản

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 7: Ẩn tích sông Hương

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 8: Lừng danh hải ngoại

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 9: Hưng thịnh rồi vội suy tàn

Giải mã gốm Chu Đậu: Ước nguyện phục hồi và tỏa khắp thế giới

***

Giải mã gốm Chu Đậu

25/01/2016 16:57 GMT+7

TTSau nhiều thế kỷ như nàng công chúa ngủ vùi, gốm Chu Đậu (còn gọi là gốm hoa lam) của Việt Nam bất ngờ được đánh thức bằng bức thư của một người Nhật Bản. 

Phiên bản chiếc bình quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc
Phiên bản chiếc bình quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Bảo tàng Hải Dương – Ảnh: Thái Lộc

Kỳ 1: Từ bức thư của một người Nhật

Từ đây, giới khảo cổ học đã phát hiện được một dòng gốm của Việt Nam phát triển rực rỡ, gần như chiếm vị trí độc tôn trên thị trường thế giới trong hai thế kỷ 15 và 16. Những câu chuyện bất ngờ nối tiếp bất ngờ…

Câu chuyện thật mà cứ như đùa khi một dòng gốm có thành tựu rực rỡ của Việt Nam bỗng biến mất tăm không một dấu vết. Chẳng ai từng biết dù chỉ một con chữ hay hình ảnh tượng trưng mà các sử gia của các triều đại phong kiến Việt Nam ghi lại.

Bỗng bất ngờ, một bức thư đến từ một cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam kể về câu chuyện tình cờ được chiêm ngưỡng một tuyệt tác là chiếc bình gốm vẽ lam ở Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ, và được ghi chú thích là gốm Trung Quốc. Bức thư ấy khởi đầu cho một phát hiện khảo cổ lớn về dòng gốm tưởng chừng mất dạng này.

Từ 13 chữ Hán “trêu ngươi”

Có lẽ ngày 10-6-1980 sẽ bình thường như bao nhiêu ngày tháng khác nếu như hôm ấy không có một lá thư từ cán bộ ngoại giao người Nhật Bản gửi cho ông Ngô Duy Đông – bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên hiện tại) với một sự yêu mến và quan tâm sâu sắc mà ông dành cho Việt Nam.

Nội dung của bức thư ấy đã trở thành dấu mốc lịch sử rất quan trọng đối với ngành gốm sứ Việt Nam, khởi đầu cho một cuộc “ngược dòng” lịch sử tìm về với một giai đoạn biến cố với biết bao thăng trầm bị lãng quên. Sẽ thật thiếu sót nếu như không giới thiệu bức thư này đến bạn đọc.

“Kính gửi: Ông Ngô Duy Đông – bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng.

Thưa ông, tên tôi là Makoto Anabuki, hồi trước là bí thư thứ hai của Đại sứ quán Nhật Bản, nay là cán bộ ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo. Trước hết, tôi xin kính chúc tỉnh Hải Hưng đang phát triển mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp, nhất là ao cá Bác Hồ, đem lại hiệu quả kinh tế cao và sản xuất rau cải được tăng lên.

Hôm nay tôi xin nhờ sự giúp đỡ của ông về việc sau đây:

Từ trước đến nay tôi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung, đồ gốm cổ Việt Nam nói riêng. Gần đây, tôi mới biết là Viện Bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo tồn một lọ hoa lam Việt Nam đã được sản xuất từ Việt Nam hồi thế kỷ XV, thế kỷ XVI. Lọ ấy mang chữ Hán như sau: Thái hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút. Mười ba chữ Hán nói trên có nghĩa là: Năm 1450, một người thợ tên là bà (cô) Bùi Thị Hý ở Nam Sách châu vẽ hoa văn trên lọ.

Theo tôi biết thì thời Việt Nam thuộc nhà Minh, chia nước Việt Nam thành 17 phủ (tổ chức hành chính), trong đó có Lạng Giang phủ. Lạng Giang phủ có ba châu là Lạng Giang châu, Thượng Hồng châu và Nam Sách châu. Trong Nam Sách châu có ba huyện là Thanh Lâm huyện, Chí Linh huyện và Bình Hà huyện. Có nghĩa là phạm vi của Nam Sách châu hồi đó là trung phần và bắc phần của tỉnh Hải Dương.

Dưới thời vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ) thì chia Việt Nam thành năm đạo (Đông, Bắc, Tây, Nam, Hải Tây). Dưới thời Lê Nhân Tông thì tổ chức hành chính như thế nào, chúng tôi không có tư liệu để điều tra. Có lẽ không thay đổi tổ chức hành chính của hồi Lê Thái Tổ, vì lúc vua Lê Nhân Tông tức vị mới được 2 tuổi.

Dưới thời Lê Thánh Tông thì đặt 12 đạo, trong đó có Nam Sách đạo và sau năm 1490, vua đó đã cải biến tổ chức hành chính và Nam Sách đạo đã trở thành Hải Dương xứ. Vậy tôi muốn biết thời Lê Nhân Tông có Nam Sách châu không? Ở đâu? Bà (hay là cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào?

Học kỹ thuật vẽ trên gốm ở đâu? Hồi đó sản xuất gốm (lò gốm) đặt ở đâu? Điều này rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử thủ công nghiệp và vai trò của đàn bà nói riêng.

Xin ông chỉ thị cho những chuyên gia nghiên cứu 13 chữ Hán nói trên và nếu có kết quả thì xin cho tôi biết qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội (hộp thư số 49 Hà Nội). Hơn nữa, nếu được thì xin giới thiệu cho tôi những chuyên gia khảo cổ học và mỹ thuật, nghệ thuật ở tỉnh Hải Hưng để trao đổi ý kiến với nhau.

Xin cảm ơn ông!

Nay kính.

M.ANABUKI – cán bộ Bộ Ngoại giao”.

Một góc làng Chu Đậu ngày nay - Ảnh: Thái Lộc
Một góc làng Chu Đậu ngày nay – Ảnh: Thái Lộc

Đến một vùng gốm bị lãng quên

Câu chuyện về bức thư khiến nhiều người ở tỉnh Hải Hưng thời bấy giờ lấy làm kinh ngạc. Bởi vì thông tin về chiếc bình hoa lam tuyệt đẹp, thuộc hàng quốc bảo từ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi, nó quý giá đến mức được mua bảo hiểm hàng triệu USD, được ghi chú là gốm Trung Quốc, nay có thông tin được sản xuất ở “tỉnh mình”.

Trong thời điểm đó, thông tin ấy được lan rộng ra nhiều ban ngành của tỉnh, người ta kháo nhau trong niềm hi vọng xen lẫn tự hào.

Chính quyền tỉnh Hải Hưng bắt đầu đề ra công việc truy tầm nơi sản xuất bình gốm ấy. Huyện Nam Sách được khoanh vùng và được cố gắng làm rõ có phải là châu Nam Sách ghi trên bình gốm quý giá hay không.

Càng tìm kiếm thông tin về gốm hoa lam tương tự chiếc bình mà ông Anabuki viết trong thư, những nhà chuyên môn của tỉnh Hải Hưng ngơ ngác khi không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã phát hiện và đang trưng bày dòng gốm này như chiếc tàu đắm ở Philippines, bảo tàng quốc gia ở Indonesia, bộ sưu tập tư nhân gần 400 món ở Hà Lan, kết quả nhiều cuộc khai quật ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay ở Anh, Mỹ, Pháp…

Trước những thông tin có được, ông Tăng Bá Hoành, lúc đó đang là trưởng ban thông sử của Tỉnh ủy Hải Hưng, được ông bí thư tỉnh ủy giao trọng trách đi tìm xuất xứ chiếc bình gốm mà ông Anabuki viết trong bức thư.

“Phải nói là được giao nhiệm vụ mà như mò kim đáy biển, chẳng có thông tin gì để dựa vào đó làm cơ sở khởi đầu” – ông Hoành nhớ lại.

Sau khi xác định trong lịch sử Việt Nam có ghi lại Nam Sách châu, chính là huyện Nam Sách bây giờ, công cuộc tìm kiếm cũng được ông Hoành bắt đầu.

Tuy nhiên, các tài liệu lại không ghi lại thông tin tại đây có nghề làm gốm chứ chưa nói đến việc tạo cả một tuyệt tác gốm quý giá.

Trong một ngày tỉnh Hải Dương trở rét, ngồi trong ngôi nhà từng đón không biết bao nhiêu chuyên gia trong và ngoài nước yêu thích và nghiên cứu gốm Chu Đậu, ông Tăng Bá Hoành đôi tay xoa vào nhau để giảm bớt cái lạnh kể câu chuyện tìm kiếm gốm Chu Đậu trong vô vọng.

Cứ hình dung việc tìm kiếm một ngôi nhà có địa chỉ rõ ràng trong phố cổ Hà Nội thôi cũng khiến những ai lần đầu tiên đến Hà Nội dù có bản đồ trong tay cũng vô cùng vất vả bởi ngõ ngách như một mê cung là chúng ta có thể hiểu được cả một huyện Nam Sách rộng lớn.

Thật ra, trước khi có được bức thư ấy, tại làng Chu Đậu, người dân trong lúc đào móng cũng đã phát hiện rất nhiều hiện vật đồ gốm nhưng chẳng ai biết đây là gốm gì và chẳng ai quan tâm tới những phế phẩm không sử dụng được này.

Mọi thứ bị bỏ qua, bởi làng Chu Đậu chỉ có duy nhất nghề làm chiếu cói được lưu truyền, cho đến những năm 1980 vẫn còn được nhiều người kế thừa như một kế mưu sinh của người dân trong làng…

__________

Kỳ 2: Bất ngờ ở “thánh địa” Nam Sách

THÁI LỘC – TRẦN MAI

***

GIẢI MÃ GỐM CHU ĐẬU – KỲ 2:

Bất ngờ ở “thánh địa” Nam Sách

26/01/2016 11:24 GMT+7

TT – Công cuộc tìm kiếm về nền văn hóa thường có nhiều sự tình cờ khởi đầu cho những phát lộ lớn. Câu chuyện tìm ra nơi sản xuất gốm Chu Đậu cũng khởi điểm bằng sự may mắn như thế.

Đống bao nung và mảnh gốm khai quật vào năm 2014 tại trung tâm làng Chu Đậu - Ảnh: Thái Lộc
Đống bao nung và mảnh gốm khai quật vào năm 2014 tại trung tâm làng Chu Đậu – Ảnh: Thái Lộc

Cuộc phát hiện tình cờ

Đôi mắt sâu nhìn về phía hư không, ông Tăng Bá Hoành – nguyên trưởng Ban thông sử Hải Hưng và giám đốc Bảo tàng Hải Dương – trầm ngâm nhớ lại những ngày ông “giang hồ” khắp huyện Nam Sách của tỉnh nhà để tìm manh mối gốm Chu Đậu.

Thời đó, đội điền dã tỉnh Hải Hưng chú ý đến khu vực sản xuất gốm ở vùng Thanh Lâm, thuộc châu Nam Sách như sử sách đã ghi (nay là một phần của huyện Nam Sách và TP Hải Dương). Nhưng trong suốt thời gian dài điền dã thực địa, nhóm thực hiện gần như không tìm thấy manh mối gì.

Sau khi thất bại ở Thanh Lâm, ông Hoành với những hiểu biết về chữ Hán của mình đã tiếp tục tìm đọc các minh văn còn lưu giữ lại trên gốm sứ và rất nhiều sách sử để lại. Trên nhiều bình gốm đang lưu trữ tại Bảo tàng Hải Hưng và nhiều nơi khác có minh văn liên quan đến nhân vật Đặng Huyền Thông. Những minh văn ghi rõ gốc gác của nhân vật này ở xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang, Hải Dương ngày nay).

Ngồi nghĩ lại thời gian đi theo hướng Hùng Thắng, ông Hoành đưa tay bóp lấy vầng trán chằng chịt nếp nhăn của mình.

Người thủ lĩnh đầu tiên trong cuộc lật tung lòng đất, tìm về một thời gốm Việt Nam đạt đến trình độ cao này như nhớ lại: “Thời gian dài chúng tôi tìm theo hướng xã Hùng Thắng nhưng không phát hiện bất cứ điều gì chứng minh tại quê hương của nghệ nhân Đặng Huyền Thông là cái nôi của gốm hoa lam cả”.

Với rất nhiều kỳ vọng ban đầu nhưng hai hướng nghiên cứu là Thanh Lâm và Hùng Thắng không mang lại kết quả, nhóm điền dã quyết định mở rộng địa bàn tìm kiếm không chỉ ở Nam Sách mà toàn tỉnh Hải Hưng.

Năm 1983, tỉnh Hải Hưng thực hiện chương trình nghiên cứu các nghề thủ công cổ truyền, trong đó có nghề gốm. Mục tiêu chính là giải mã cho được gốc gác 36 nghề truyền thống của tỉnh.

Trước khi lên đường, người khởi xướng Tăng Bá Hoành nhắc nhở mọi người rằng ngoài nghiên cứu các nghề cổ theo hướng liên ngành, đặc biệt nếu có phát hiện liên quan đến khảo cổ học phải báo ngay cho ông.

Một buổi chiều, nhóm điền dã nghề chiếu cói ở làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách đi về báo với ông Hoành rằng trong làng có mấy vật làm bằng đất nung rất lạ, mà các cụ ở làng không biết để làm gì. Có vật mang hình như cái mâm bồng có ba chân, hay như hình cái vòng tay có đính ba hạt đất.

“Tôi nhìn ra ngay đó là con kê. Tôi xuống ngay làng Chu Đậu, bới bờ tre ra được một cái tước gốm còn dính cái bao nung trong miệng. Tôi nhận định đó là tiêu chí để khẳng định dứt khoát đây là nơi sản xuất đồ gốm cao cấp hẳn hoi!” – ông Hoành nói.

Những dụng cụ làm gốm Chu Đậu cổ khai quật được trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc
Những dụng cụ làm gốm Chu Đậu cổ khai quật được trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương – Ảnh: Thái Lộc

Đánh thức giấc ngủ trăm năm

“Nàng công chúa xinh đẹp” có giấc ngủ quá lâu trong lòng đất đã dần hé lộ. Gần ba năm sau lần phát hiện tình cờ ấy, tỉnh Hải Hưng mới có điều kiện khai quật. Tháng 4-1986, Bộ Văn hóa cấp giấy phép cho tỉnh Hải Hưng khai quật lần đầu tiên ở làng Chu Đậu.

Tại hai hố rộng 35m2, các nhà khoa học tìm thấy hàng ngàn hiện vật với rất nhiều con kê hình đĩa, hình vành khăn, nón cụt và hình vòng đeo tay, những chồng bát đĩa gốm hoa lam dính chồng vào nhau bị quá lửa nên méo xẹo, nhiều chồng gốm non lửa thì vàng xỉn, nhiều xỉ than và mảnh bao nung gốm cùng rất nhiều mảnh bát đĩa lớn nhỏ…

Các nhà khảo cổ tỉnh Hải Hưng ngỡ ngàng và sung sướng đến vô bờ như niềm hạnh phúc của bậc sinh thành nhìn thấy đứa con mình chập chững những bước chân đầu đời.

Kết quả khai quật ấy được báo cáo tại hội nghị khảo cổ học toàn quốc tổ chức vào tháng 9-1986, trở thành một bất ngờ lớn trong giới khoa học. Nó trở thành một nhận thức mới về gốm Việt Nam trong lịch sử và tên gọi Chu Đậu – lấy theo tên ngôi làng đầu tiên phát hiện gốm – được ghi vào bản đồ khảo cổ học là một di tích quan trọng bậc nhất của gốm sứ Việt Nam.

Từ năm 1986-1991, trải qua năm cuộc khai quật khảo cổ ở làng Chu Đậu, dù tổng diện tích chỉ 140,5m2 và thám sát khảo cổ 19m2 nhưng đã thu được hàng vạn hiện vật về sản phẩm và công cụ sản xuất gốm sứ.

Đó là kết quả ngoài mong đợi của ông Hoành và cộng sự, xác định được ngôi làng nhỏ nằm ven sông Thái Bình này là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn tỏa khắp thế giới Đông – Tây một thời.

Đồng thời với đó là việc mở rộng địa bàn điền dã, khảo sát, các nhà nghiên cứu liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi phát hiện thêm 13 điểm có trầm tích gốm sứ. Bao gồm: Trạm Điền, Vạn Yên, Trụ Thượng, Kiệt Đoài, làng Gốm thuộc huyện Chí Linh; Linh Xá, Quao thuộc huyện Nam Sách; Phúc Lão, làng Ngói, làng Cậy, Bá Thủy, Hợp Lễ thuộc huyện Bình Giang…

Đó thực chất là 14 trung tâm sản xuất gốm sứ xuất khẩu dưới thời Lê trên địa bàn tỉnh Hải Hưng.

Những chứng cứ trên đã có thể trả lời những thắc mắc của vị cán bộ ngoại giao Nhật Bản rằng: gốc gác của bình gốm hoa lam ở nước Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi ấy chính là tỉnh Hải Hưng cũ, địa bàn Hải Dương sau này…

Mới đây nhất vào năm 2014, TS Bùi Minh Trí, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, đã chủ trì cuộc khai quật lớn nhất từ trước đến nay ở làng Chu Đậu. Tại hai hố đào rộng 100m2, đoàn khai quật thu được gần 7.800 hiện vật.

Quan trọng hơn là lần này phát hiện dấu tích lò nung gốm Chu Đậu chuyên sản xuất gốm gia dụng với ba dòng chính là gốm men ngọc, hoa lam và men trắng.

Đặc biệt, việc phát hiện những sản phẩm gốm men ngọc được nung riêng trong một bao nung vừa chứng minh trình độ sản xuất rất cao của gốm Chu Đậu, vừa phản ánh việc đầu tư sản xuất trên quy mô lớn để cung cấp cho thị trường các mặt hàng cao cấp.

Các nhà nghiên cứu càng thú vị hơn trong cuộc khai quật lần này là lần ra mối quan hệ giữa Chu Đậu và Thăng Long trước đây.

Theo bản báo cáo sơ bộ kết quả khai quật năm 2014, việc thu được hai sản phẩm gốm của lò quan Thăng Long tại một hố, được cho là phát hiện cực kỳ có giá trị, chứng minh thợ gốm ở Chu Đậu đã có mối quan hệ với thợ gốm ở Thăng Long hoặc quà tặng từ Thăng Long đưa về Chu Đậu…

Lò này xuất lộ rất nhiều sản phẩm gốm men ngọc, cũng được khẳng định cùng loại gốm từng được sử dụng trong hoàng cung ở Thăng Long đương thời. Những phát lộ chứng minh Chu Đậu là nơi tiếp thu nhiều thành tựu công nghệ trong việc sản xuất các dòng gốm cũng như loại hình sản phẩm, đồng thời là nơi sản sinh những phong cách riêng bởi những thợ gốm tài ba.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, vẫn còn rất nhiều bí ẩn tồn tại trong lòng đất Chu Đậu, bởi vài trăm mét vuông được khai quật chưa thể phản ánh hết những thành tựu gốm được sản xuất trải dài suốt mấy thế kỷ.

Chỉ tính riêng ở làng Chu Đậu, diện tích khoanh vùng đã lên đến chừng 40.000m2 với mật độ dân cư đông đúc. Nơi mà theo ông Trần Hữu Quang, phó thôn Chu Đậu: “Người ta chỉ cần lấy hết lớp đất màu đến tầng gốm, nhiều nơi dày từ 3-4m cứ thế mà xây nhà chứ không cần phải làm móng, mấy tầng cũng không lún!”.

Kỳ tới: Con tàu kỷ lục

TRẦN MAI – THÁI LỘC

***

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 3: Con tàu kỷ lục

27/01/2016 12:10 GMT+7

TTMãi cho đến gần 20 năm sau cuộc khai quật vĩ đại ở Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam), những người tham gia còn chưa hết bất ngờ từ số lượng khổng lồ, kỹ thuật tuyệt đỉnh, mỹ thuật độc đáo…

Trưng bày hiện vật khai quật từ con tàu Cù Lao Chàm tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc
Trưng bày hiện vật khai quật từ con tàu Cù Lao Chàm tại Bảo tàng Hải Dương – Ảnh: Thái Lộc

Con tàu cổ nằm dưới 70m nước là kho tàng vĩ đại nhất, minh chứng cho một thời xuất ngoại huy hoàng của gốm Chu Đậu.

Choáng ngợp

Dù đã qua 20 năm nhưng khi nhắc lại con tàu Cù Lao Chàm với hàng trăm nghìn đồ gốm Chu Đậu được trục vớt, TS Phạm Quốc Quân – nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, trưởng ban khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm – nói vẫn còn kinh ngạc trước kho tàng đồ sộ ngoài mong đợi.

Những người đầu tiên phát hiện chiếc tàu này chính là những ngư dân vùng biển Quảng Nam đầu thập niên 1990, khi thả lưới vớt được nhiều đồ gốm rồi bán cho thương lái.

Đến năm 1997, việc khảo sát, khai quật bắt đầu tiến hành bởi Bảo tàng Lịch sử VN, Công ty Trục vớt cứu hộ VN (Visal) và Công ty Saga Horizon (Malaysia). Tham gia có nhiều chuyên gia quốc tế chuyên ngành khai quật khảo cổ học dưới nước, chuyên gia lặn và thủy thủ đoàn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

TS Quân nhớ lại giai đoạn đầu khi tiến hành khảo sát và khai quật gặp rất nhiều chông gai. Để tìm vị trí, ba chiếc tàu thả lưới xuống đáy biển sâu trong rất nhiều ngày mới vớt được một chiếc bát gốm.

Mấy ngày tiếp theo, một “sư tử biển” được thả xuống di chuyển, chụp hình những ụ lồi lõm dưới đáy. Việc định vị cũng rất khó khăn trong điều kiện sóng gió và dòng hải lưu chảy xiết.

Khi xác định được vị trí, những chiếc phao được cố định tại chỗ thì lại bị ngư dân cắt phao đem về dùng nên công việc phải tiến hành từ đầu.

Có lúc mọi chuyện tưởng chừng xuôi chèo mát mái thì một cơn bão biển bất ngờ ập đến đe dọa sự an nguy của cả đoàn. Người có chức trách quyết định cắt dây, hi sinh chiếc neo “cả tỉ bạc” xuống đáy biển, rồi cho sà lan thả trôi về đến cảng Đà Nẵng mới thở phào…

Trong những ngày ấy sóng biển rất lớn, nhiều chuyên gia đầu ngành trực tiếp chỉ đạo trục vớt “bảo tàng Chu Đậu dưới đáy biển” bị say sóng. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, khi ấy là quyền trưởng đoàn (thay mặt TS Phạm Quốc Quân vì say sóng nên không ra biển được) cho biết phải đến mùa hè năm 1998 mới bắt đầu thu được kết quả.

“Năm đầu tiên thu được rất nhiều chén đĩa. Cứ mỗi lô như thế có loại hình hiện vật nào mới là cả đoàn chạy đến xem, trầm trồ, xuýt xoa. Nhưng phải đến mùa hè năm 1999, đoàn gần như mới tiếp cận được kho báu khi khai quật vào những khoang hàng chứa toàn đồ quý, đặc biệt mỗi bận đồ đưa khỏi mặt nước là một lần vỡ òa vì choáng ngợp!” – ông Hỷ kể.

Kết quả thu được sau khi vượt qua dông gió biển khơi là hơn 240.000 hiện vật và năm xe tải mảnh vỡ đồ gốm Chu Đậu. Đó là chưa kể đến một lượng hiện vật khổng lồ mà ngư dân trục vớt trước đó và hơn 15.000 hiện vật do một công ty “khai quật vét” sau này.

Ngoài một số ít gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan và Champa được xác định là đồ dùng của đoàn thủy thủ, toàn bộ mấy trăm ngàn hiện vật được xác định là gốm mậu dịch được sản xuất ở phía Bắc VN gồm Hải Dương và Thăng Long mà tên gọi chung là Chu Đậu.

Năm 2000, khi cuộc khai quật kết thúc cũng là lúc TS Nguyễn Đình Chiến vừa hoàn thành cuộc khai quật con tàu cổ ở vùng biển Cà Mau, tiếp tục được phân công xử lý phân loại, phân chia hiện vật.

“Cảm giác đầu tiên của tôi là choáng ngợp, nhất là về số lượng và quá nhiều chủng loại, loại hình!” – TS Chiến nhớ lại.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ và kỷ vật là những hình vẽ hiện vật trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm - Ảnh: Thái Lộc
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ và kỷ vật là những hình vẽ hiện vật trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm – Ảnh: Thái Lộc

Bức tranh thuần Việt

Ngoài rất nhiều loại hình mang kiểu dáng truyền thống từ bát, đĩa, hộp, lọ, bình, ang, điều mà TS Chiến thấy lạ lùng nhất là nhiều loại hình mang kiểu dáng “phá cách” rất độc đáo, chưa từng thấy trước đó như: ấm hình rồng, ấm hình phượng, chén hình thú hay hộp như quả đào…

Đặc biệt hơn cả là hình ảnh trên gốm từ con tàu. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nó mang bút pháp thuần Việt, đó là vẽ nét trước rồi tô màu sau. Cách vẽ này cũng lột tả cả thần thái Việt trong từng nét bút…

Một buổi chiều tại ngôi nhà của mình ở Đà Nẵng, ông Hỷ khoe với chúng tôi mấy vali chứa hàng nghìn mẫu đồ án vẽ trên gốm khai quật từ tàu Cù Lao Chàm mà ông xem đó như là báu vật của đời mình.

Mở các vali, ông lần giở từng xấp giấy “can” được đặt riêng theo từng chủng loại, từ chén đĩa, kendy hay ấm trà, ang, hũ hộp phấn. Nhiều tập thì toàn vẽ cá hay những loài linh thú. Có tập vẽ người, phong cảnh hoặc kiến trúc…

Mắt nhìn xa xăm như có biển đang ở phía trước, ông hồi tưởng những khoảng thời gian dài trong vai trò “quyền trưởng đoàn” ngoài biển Cù Lao Chàm. Mỗi ngày ông tập hợp tình hình thời tiết, sóng gió, tình hình tàu thuyền và đoàn khai quật rồi cho người chuyển vào đất liền.

Là một họa sĩ, ông cũng được phân công đứng đầu nhóm vẽ lại các hiện vật trục vớt được theo tỉ lệ 1-1 với đầy đủ chi tiết, hoa văn cho đến mặt cắt, độ dày mỏng để bổ sung hồ sơ khoa học.

Mỗi năm chừng ba tháng và trong suốt mấy năm trời, cứ rảnh giờ nào là ông vẽ giờ đó, càng vẽ càng lý thú. Những hình ảnh có khi ngô nghê nhưng độc đáo, có khi tuyệt bút một cách xuất thần trở thành hấp lực vô hình cuốn hút ông.

Hấp dẫn nhất trong đó vẫn là sự phong phú, đa dạng của các đồ án, hầu như phản ánh muôn mặt đời sống con người và cảnh sắc thiên nhiên.

Rất nhiều loài vật từ linh thú, muông thú hoang dã, tôm cá dưới nước hay vật nuôi gia đình. Hàng trăm loài hoa lá từ cọng rau muống, tàu lá chuối gần với đời sống bình dân cho đến các loại cúc, tùng, mẫu đơn, hoa sen phong cách quý phái…

Đặc biệt là hình ảnh con người trong các sinh hoạt cưới hỏi, đám đình, tiên ông, tiên bà, giới quý tộc cho tới bình dân, từ người già đến trẻ nhỏ. Lý thú nhất với ông có lẽ vẫn là hình trên một nắp âu tròn vẽ cảnh một phụ nữ đang tắm và một người đàn ông tay cầm quần áo, sau đám cây có thằng bé nhìn trộm.

“Đó đúng là toàn cảnh quê hương Đại Việt ngày xưa mà tôi may mắn được tiếp cận đầy đủ và vẽ lại một cách bài bản!” – ông Hỷ nói.

Cùng với xuất lộ tại Hải Dương và nhiều nơi ở trong và ngoài nước, chiếc tàu đắm chứng minh rõ nhất thành tựu rực rỡ của gốm Chu Đậu, không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh một phần thị trường thế giới. Nó bị gặp nạn đành nằm lại giữa biển khơi, trong khi nhiều con tàu khác thì buôn bán trót lọt.

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Đình Chiến, ngoài đồ gia dụng cao cấp, gốm Chu Đậu còn làm vật trang trí cho nhiều kiến trúc của thế giới phương Tây đương thời…

Theo tổng kết của TS Quân, cuộc khai quật tàu Cù Lao Chàm có ít nhất sáu kỷ lục. Đó là: cuộc khai quật tốn tiền nhất từ trước đến nay (hơn 6 triệu USD), kéo dài nhất (trong bốn năm), huy động nhiều nhà nghiên cứu nhất (chừng 40 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước), dùng những thiết bị tối tân và hiện đại nhất, khai quật ở độ sâu nhất (hơn 70m) và số lượng hiện vật nhiều nhất (hơn 240.000).

__________

Kỳ tới: “Bùi Thị Hý bút”

13 chữ Hán trên chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul là khởi nguồn để tìm về một dòng gốm nổi danh của người Việt. Nhưng suốt nhiều năm qua, bốn chữ “Bùi Thị Hý bút” hình thành hai luồng ý kiến đối chọi “nảy lửa”.

TRẦN MAI – THÁI LỘC

***

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”

28/01/2016 11:05 GMT+7

TT13 chữ Hán trên chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul là khởi nguồn để tìm về một dòng gốm nổi danh của người Việt. 

Viên gạch khắc hình và chữ được cho là hình nhân của cụ tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý - Ảnh: Thái Lộc
Viên gạch khắc hình và chữ được cho là hình nhân của cụ tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý – Ảnh: Thái Lộc

Nhưng suốt nhiều năm qua, bốn chữ “Bùi Thị Hý bút” hình thành hai luồng ý kiến đối chọi “nảy lửa”.

Một bên chứng minh rằng có một bà cụ tổ nghề gốm Chu Đậu tên là Bùi Thị Hý và chiếc bình do chính tay cụ viết/vẽ. Bên còn lại thì cho rằng “họ Bùi vẽ chơi”…

Những vật chứng

Người đầu tiên lên tiếng chứng minh có một bà tổ nghề gốm Chu Đậu tên là Bùi Thí Hý là nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương.

Tiếp chúng tôi tại nhà, ông kể về một buổi chiều đông năm 2006, đang ở nhà thì có hai người đàn ông trung niên đem đến một xấp văn bản chữ Hán nói là gia phả họ Bùi ở thôn Quang Tiền (xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, Hải Dương), trên đó có ghi chữ Bùi Thị Hý, cái tên mà ông từng công bố trên một tạp chí trước đó.

Tức tốc về ngay làng Quang Tiền, ông liên tục phát hiện nhiều văn bản, hiện vật quý giá, khẳng định bà Bùi Thị Hý là cụ tổ nghề gốm Chu Đậu danh tiếng.

Câu chuyện từ nhà ông Hoành được tiếp nối bằng chuyến đi đến thôn Quang Tiền. Tiếp đón chúng tôi là ông Bùi Văn Lợi, người được kể từng mang gia phả dòng họ đến nhà ông Hoành.

Con đường làng ở thôn Quang Tiền đẹp như một bức tranh thủy mặc lôi cuốn chúng tôi với những ao nước xanh biếc và những hàng cây dọc lối đi. Dừng lại ở một căn nhà giữa làng nằm cạnh hai cái ao lớn, ông Lợi giới thiệu đó là nơi ở xưa của bà Bùi Thị Hý.

Vào trong nhà có rất nhiều gốm hoa lam phế phẩm. Ông Lợi đưa ra hai viên gạch cỡ lớn, trên có khắc hình, được ông Hoành giới thiệu là hình nhân của cụ tổ Bùi Thị Hý và danh tướng Bùi Quốc Hưng – một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai mà sử sách ghi lại.

Hình khắc chìm trên viên gạch có nét tương tự với bức tượng gốm tìm thấy trong con tàu đắm Cù Lao Chàm, được ông Hoành khẳng định: “Đây là cơ sở gốc để chứng minh bức tượng tàu Cù Lao Chàm là của cụ tổ nghề gốm Bùi Thị Hý!”.

Vật chứng tiếp theo là một cái mâm đồng cháy sém một phần, ông cho biết đó là “văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý, được sao từ bia đá vào năm 1932”.

Ngoài ra còn có một vật gốm khác dài chừng 50cm, cũng có khắc chữ Bùi Thị Hý… Dẫn chúng tôi đến ngôi chùa làng “Viên Quang tự”, ông chỉ vào cột trúc đài cổ bằng đá thời Lê dựng trước chùa có ghi chữ “Bùi Thị Húy Hý”.

Ông Hoành cho biết còn nhiều văn bản nữa đủ để chứng minh bà Bùi Thị Hý là cụ tổ nghề gốm. Theo đó, đầu thế kỷ 15, tướng Bùi Quốc Hưng đã dẫn đầu một cánh quân về tại Quang Ánh (tên cũ của làng Quang Tiền) lập nên một căn cứ để khởi nghĩa chống quân Minh.

Trong nhiều ngành nghề đem theo có nghề gốm, mà người cháu nội của Bùi Quốc Hưng là Bùi Thị Hý học được, về sau trở thành nghệ nhân, chủ lò và thành doanh nhân, xuất khẩu gốm đi khắp thế giới…

Bà Hý mồ côi từ nhỏ, được ông nội nuôi dạy, từng giả trai đi thi đến tam trường. Bà có hai đời chồng, trước là Đặng Sĩ, sau mất mới lấy Đặng Phúc, đều là “đại gia” nghề gốm làng Chu Đậu (cách Quang Ánh chừng 25km)…

Chiếc mâm đồng được cho là khắc bia mộ cụ tổ gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý. Bên phải là ông Tăng Bá Hoành và bên trái là ông Bùi Văn Lợi - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc mâm đồng được cho là khắc bia mộ cụ tổ gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý. Bên phải là ông Tăng Bá Hoành và bên trái là ông Bùi Văn Lợi – Ảnh: Thái Lộc

“Viết đúng sự thật!”

Cuộc khảo sát ở thôn Quang Tiền tưởng chừng đã nắm được những chứng cứ thuộc hàng “quốc bảo” của một nghề nổi danh thế giới một thời nên chúng tôi trở về Hà Nội.

TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, cho rằng những hiện vật có chữ viết mà chúng tôi tiếp cận nêu trên có niên đại rất muộn.

“Những tư liệu mang tính hư cấu, chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là “họ Bùi vẽ chơi”. Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được!”.

Tra kỹ tư liệu thu thập được, chúng tôi giật mình vì chữ “đại” trên cột trúc đài nét quá khác, mới và sắc so với nhiều chữ khác.

Trong khi nhiều chữ viết khác bị phong hóa, mòn mờ theo thời gian thì nhiều chữ, gồm cả cụm “Bùi Thị Húy Hý” có nhiều nét khắc dựa trên sự lồi lõm của mặt đá đã bị phong hóa…

Liên lạc lại để đề nghị cho tiếp cận các văn bản cổ, ông Bùi Văn Lợi giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Phí Văn Chiến, chủ tịch hội đồng họ Phí của VN (nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành cho rằng họ Bùi làng Quang Tiền vốn là họ Phí được đổi họ dưới thời nhà Trần).

Tiếp chúng tôi tại văn phòng Phí tộc ở Mỹ Đình, Hà Nội, sau khi trao đổi, ông Chiến cho rằng không phải ai ông cũng tiếp.

Ông giới thiệu nhiều về dòng họ và bà Bùi Thị Hý qua các ảnh chụp tư liệu treo quanh phòng. Ông rất nặng lời về những người cho rằng những chứng cứ là ngụy tạo, rằng “không ai ngụy tạo nên cụ tổ dòng họ”…

Chúng tôi tiếp tục bày tỏ mong muốn xem văn bản gốc chứng minh điều đó, ông đến trước bàn thờ bên trên có hai tượng đồng lớn, thắp ba cây nhang. Bảo chúng tôi cầm đứng trước bàn thờ, ông “khẩn báo với tổ tiên nhà họ Phí”.

Rằng: “Hai cháu Thái Lộc và Trần Mai, phóng viên báo Tuổi Trẻ, từ Huế và từ Quảng Ngãi ra, tiếp xúc với những văn bản thuộc loại mật xung quanh vấn đề thủy tổ gốm Chu Đậu, danh nhân, doanh nhân, nhà hàng hải, họa sĩ Bùi Thị Hý. Sau khi có ý kiến của con, con sẽ cho Bùi Văn Lợi giúp các cháu một số tài liệu liên quan đến bà cụ…!”.

Ông Chiến chỉ cho xem bốn văn bản. Ông nói còn một tấm bản đồ bằng da có từ thời Lê, chúng tôi đề nghị được xem thì ông gạt phắt: “Tôi trả lời luôn là không được! Là tối mật. Nó liên quan tới rất nhiều chuyện.

Nhưng mà vì cái quốc gia này đang có những vấn đề như thế. Mà những nhà khoa học với các bác còn những vấn đề như thế. Còn có những người cho rằng bác ngụy tạo. Cho nên bác kệ… chúng mày!”.

Tức tốc về lại Hải Dương, ông Bùi Văn Lợi mang ra chiếc hộp có bản lụa được cho là gia phả đã bị mủn nát chỉ còn đôi chữ Hán sót lại; sáu trang chữ Hán được cho là gia phả chép lại; một văn bản chữ Hán khác gồm 17 trang và “bia mộ chí” chính là chiếc mâm đồng đã được tiếp cận đợt trước.

Chúng tôi tiếp tục đi khảo sát quanh làng để hỏi về việc có nơi nào có vết tích gốm ở nền móng hay tát ao, vét đầm hay không, tất cả đều lắc đầu: “Gốm sứ à, đến nhà ông Lợi ấy!”.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, chuyên gia hàng đầu về gia phả, nhận xét thể thức của gia phả khá lạ, không như thường thấy ở những nơi khác.

Cách viết và dùng từ trên các văn bản không như các văn bản thường thấy cùng thời, một số chữ trong đó ghi theo lối của thời nay.

Theo một giảng viên chuyên ngành Hán – Nôm ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), những mặt của cột trúc đài có cả chữ xưa, bị phong hóa lẫn chữ mới khắc vào sau này.

Đặc biệt, trên hình nhân gốm được cho là của danh tướng Bùi Quốc Hưng, lối viết không giống lối thời xưa. Chữ “thần” (trong công thần) thay vì là bề tôi thì lại khắc chữ thần trong “thần bí”.

Trong loạt bài viết này, chúng tôi đành phải hẹn với bạn đọc câu trả lời chữ “Hý” trên chiếc bình là tên riêng hay chơi/đùa trong một dịp khác. Bởi vì “một nửa sự thật không phải là sự thật” và những tư liệu hiện vật chúng tôi tiếp cận được còn có điểm đáng ngờ, chưa đủ khẳng định tính xác thực đến mức nào.

__________

Kỳ tơi: Chiếc bình quốc bảo

THÁI LỘC – TRẦN MAI

***

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 5: Chiếc bình quốc bảo

29/01/2016 11:30 GMT+7

TT – Không chỉ chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là minh chứng cho đỉnh cao của gốm Chu Đậu, mà trong số hơn 240.000 hiện vật trục vớt từ tàu cổ Cù Lao Chàm, một tuyệt tác độc bản gốm Chu Đậu được phát lộ.

Chiếc bình vẽ bốn con thiên nga được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử VN - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc bình vẽ bốn con thiên nga được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử VN – Ảnh: Thái Lộc

Chiếc bình gốm vẽ hình bốn con thiên nga trong bốn tư thế khác nhau, cao 56,5cm, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) là một trong số 779 hiện vật độc bản trong con tàu đắm, được xem là “đại diện” tinh hoa của làng gốm Chu Đậu ở thế kỷ 15 cả về mỹ thuật lẫn kỹ thuật.

Từ độc bản vô giá…

Những ánh mắt tò mò của hàng nghìn du khách đến tham quan bảo tàng tỏ ra thán phục tài năng của những người thợ thời Lê sơ bằng đôi bàn tay tài hoa đã tạo ra một chiếc bình gốm đẹp tuyệt mỹ.

Nếu không có cuộc khai quật ròng rã nhiều năm trời dưới nền nước xanh thẳm ở Cù Lao Chàm, dân tộc Việt Nam sẽ không thể nào biết đến bảo vật quốc gia có một không hai này. Vào thế kỷ 15, để có được bình gốm cân xứng một cách tuyệt đối là không hề dễ dàng.

Nét tinh hoa của chiếc bình mang tầm quốc bảo thể hiện sự tỉ mẩn của đôi tay tài hoa mà người nghệ nhân Chu Đậu xưa đã chăm chút để có được tác phẩm độc bản tuyệt vời cả về mỹ thuật và kỹ thuật.

Bình dáng trụ, vai vuông, thẳng đứng, miệng rộng, màu men trắng ngà. Những kết nối màu lam trên nền trắng rất công phu với bảy băng hoa văn: hoa cúc dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, thiên nga, sóng nước, lá đề.

Ngoài ra, một số họa tiết trên bình còn thể hiện lối sống của người xưa như: vai bình là những lệnh bài vua ban cho người thành đạt, thể hiện ý chí thăng tiến của người xưa, chân bình vẽ họa tiết cánh sen cách điệu thể hiện cho tín ngưỡng của người Việt lấy đạo Phật và đạo gia làm gốc.

Trong bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật hay kỹ nghệ nào thì việc “thổi hồn” vào tác phẩm từ người tạo tác luôn được đánh giá rất cao. Bốn con chim thiên nga trên chiếc bình có xuất xứ từ đại công trường gốm Chu Đậu thế kỷ 15 là sự kết hợp đầy ẩn ý giữa nghệ thuật và suy nghĩ của người làm nên chiếc bình.

Họa tiết chủ đạo của chiếc bình là bốn con chim thiên nga với bốn tư thế khác nhau như thể hiện bốn ước nguyện trên con đường xuất ngoại.

Chim đang bay (phi) biểu hiện cho sự thăng tiến, phát đạt; chim đang hót (minh) biểu hiện tiền đồ quang minh, xán lạn; chim đang ngủ (túc) là cuộc sống sung túc, đầy đủ, dư ăn, dư để; chim đang ăn (thực) biểu hiện cuộc sống phải có sự lao động mới có ấm no.

Hình ảnh chim thiên nga “phi – minh – túc – thực” ở bốn mặt cầu chúc cho cuộc sống luôn no đủ, giàu có, tương lai xán lạn.

Chỉ nhìn vào bốn tư thế của chim thiên nga từ chiếc bình quốc bảo, chúng ta đã có được một phần của “chiếc chìa khóa” giải mã cuộc sống thời kỳ Lê sơ.

Biết đâu chừng chiếc bình cũng là một sự gửi gắm giá trị tinh thần của người Việt thời bấy giờ với bạn bè quốc tế. Và sau hàng trăm năm, giá trị của chiếc bình không thể đo đếm được, là niềm tự hào của gốm Việt Nam.

Rõ ràng người nghệ nhân Chu Đậu đã dành cho chiếc bình một vị trí riêng so với hàng trăm nghìn hiện vật còn lại.

Chiếc bình vẽ thiên nga tuyệt tác khai quật từ tàu Cù Lao Chàm - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc bình vẽ thiên nga tuyệt tác khai quật từ tàu Cù Lao Chàm – Ảnh: Thái Lộc

Chiếc đĩa độc đáo

Không chỉ chiếc bình được Thủ tướng quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, mà trên con tàu đắm Cù Lao Chàm có đến 779 hiện vật độc bản rất độc đáo, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Lô độc bản này được chọn ra từ số lượng hiện vật khổng lồ của con tàu đắm. Tuy nhiên, có một hiện vật rất độc đáo khác mà sự xuất hiện của nó không ai ngờ tới.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (nguyên cán bộ Bảo tàng Quảng Nam) kể vào năm 2004, mấy năm sau cuộc khai quật con tàu đắm, ông nhận cuộc điện thoại từ một cán bộ trẻ bảo tàng, bảo đến xem chiếc đĩa có “hai người vật lộn rất kỳ cục”.

Chiếc đĩa chỉ có đường kính 12,5cm và bị vỡ một góc, lấy ra ở kho chứa năm xe đồ vỡ khai quật được chở về lưu giữ tại bảo tàng này. Tức tốc đến xem, ông Hỷ như hét lên vì phát hiện điều quá ư độc đáo, vượt ngoài suy nghĩ của mình.

“Xem qua, tôi nói ngay đó là cảnh làm tình của người xưa với nét vẽ quá đẹp và có hồn. Tôi gọi điện và chụp hình gửi cho lãnh đạo bảo tàng quốc gia. Hiện vật này chính là một độc bản vô cùng quý hiếm của gốm Chu Đậu mà Bảo tàng Quảng Nam đang gìn giữ, nhiều lần được đưa vào sách vở và nhiều người viết về nó” – ông Hỷ kể.

Theo TS Phạm Quốc Quân – nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cảnh sexy mô tả một người đàn ông có râu quai nón đang làm tình cạnh bụi cây, có thằng bé đứng rình, nhiều khả năng người đàn ông là người Ả Rập.

“Nhiều khả năng vị này đến Chu Đậu đặt hàng và làm “chuyện ấy”, người nghệ nhân quan sát nên vẽ lại và trở thành quà tặng cho đoàn thương nhân. Độc bản độc đáo ấy nằm trong nhiều hiện vật gốm vẽ đề tài sexy của người Việt có từ rất sớm và rất độc đáo, tiếc là chưa ai nghiên cứu kỹ càng!” – TS Quân nói.

Nhờ vào những cuộc phát lộ ở làng Chu Đậu cũng như từ những hiện vật trục vớt được tại Cù Lao Chàm, hay gốm Chu Đậu ở cuộc khảo cổ tại kinh thành Thăng Long và cả bộ sưu tập gốm Chu Đậu dưới đáy sông Hương của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, một thời kỳ bình minh cho đến hoàng hôn của gốm Chu Đậu đã được hé lộ.

TS Nguyễn Văn Đoàn, phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nói rằng hiện nay việc nghiên cứu gốm sứ Chu Đậu đã đạt được những kết quả hết sức đậm nét trong việc nghiên cứu về lịch sử sản xuất, kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật lò nung, sản phẩm, sự giao thương, vận chuyển… Đằng sau sự vận chuyển ấy chính là sự giao lưu, chuyển tải văn hóa.

TS Phạm Quốc Quân kể thêm rằng trong cuộc khảo cổ ở Cù Lao Chàm, nhiều chuyên gia còn phát hiện trên gốm Chu Đậu nhiều mảng đề tài lấy tích cổ Trung Quốc nhưng cách diễn tả và bố cục không hề giống với gốm Trung Quốc thể hiện đề tài tương tự.

Điều này chứng tỏ gốm Chu Đậu thời kỳ Lê sơ có phong cách Việt không lẫn vào đâu được.

Còn TS Nguyễn Đình Chiến, người trực tiếp phân loại hiện vật khai quật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm, đặc biệt chú ý đến kỹ thuật làm gốm hoa lam của dòng Chu Đậu.

Theo TS Chiến, kỹ thuật này thật ra đã xuất hiện từ thời Trần vào cuối thế kỷ 14, nhưng phải đến thế kỷ 15 những người thợ gốm Chu Đậu mới đẩy đến đỉnh cao. Không chỉ đỉnh cao với dòng gốm vẽ lam, thợ gốm Chu Đậu tài hoa còn kết hợp với vẽ nhiều màu mà người đời sau gọi là gốm tam thái. Và đặc biệt là kỹ thuật vẽ vàng kim lên gốm rất đặc biệt, tưởng chừng một đi không trở lại…

Cũng theo TS Chiến, cho đến sau này, trước nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật gốm sứ, nhưng kỹ thuật sản xuất gốm hoa lam hiện đại vẫn phải theo đúng các công đoạn từ hàng trăm năm trước: gốm vẽ lam thì nung một lần, còn gốm vẽ lam kết hợp với vẽ nhiều màu thì bước thứ nhất là phải qua công đoạn vẽ lam và nung lần đầu ở nhiệt độ thấp, sau đó vẽ nhiều màu rồi mới nung chín…

_________

Kỳ tới: Nằm trong lòng đất Nhật Bản

Gốm Chu Đậu đã được phát hiện trong nhiều di chỉ khai quật khảo cổ học trên toàn cõi Nhật Bản.

TRẦN MAI – THÁI LỘC

***

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 6: Nằm trong lòng đất Nhật Bản

30/01/2016 11:15 GMT+7

TTVì sao gốm Chu Đậu được phát hiện trong nhiều di chỉ khai quật khảo cổ học trên toàn cõi Nhật Bản?

Bia ghi dấu các loại hình gốm sứ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan phát hiện tại di chỉ thành Nakijin, Okinawa
Bia ghi dấu các loại hình gốm sứ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan phát hiện tại di chỉ thành Nakijin, Okinawa

Người Nhật rất thích gốm hoa lam

Tháng 10-2010, tôi sang Okinawa (Nhật Bản) dự hội thảo nghiên cứu so sánh về tàu thuyền trong thời cận đại ở Lưu Cầu, Việt Nam và Triều Tiên do Đại học Kansai phối hợp với Đại học Ryukyu tổ chức.

Sau hội thảo, tôi được các đồng nghiệp Nhật Bản đưa đi thăm một số di tích và danh thắng ở Okinawa, trong đó có thành Nakijin (Nakijin-jo) và thành Shuri (Shuri-jo), là hai di sản văn hóa của Okinawa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tại thành Nakijin, tôi đến xem một hố khai quật nằm cạnh đền thờ Hỏa thần, là nơi các nhà khảo cổ học Nhật Bản phát hiện rất nhiều đồ gốm Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan… và dựng bia ghi dấu tích.

Tôi nhìn thấy trên bia có hình hai hiện vật gốm Chu Đậu nên đề nghị được xem những hiện vật này.

Các đồng nghiệp Nhật Bản đưa tôi vào phòng trưng bày những hiện vật khai quật được ở thành Nakijin, cho tôi xem rất nhiều đồ gốm Chu Đậu vẽ lam và vẽ men tam thái (nhiều màu).

Một nhà khảo cổ học cho biết: “Đồ gốm Chu Đậu, gốm Champa và gốm Gò Sành men ngọc được tìm thấy khá nhiều ở thành Nakijin và thành Shuri. Trong số đó, gốm Chu Đậu có niên đại khá sớm, từ cuối thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XV”.

Hiện vật gốm Chu Đậu quan trọng nhất tìm thấy ở đây là chiếc hũ hoa lam vẽ hoa, vân hóa long và hồi văn vảy cá. Ngoài ra còn có chiếc liễn vẽ men tam thái, nhiều mảnh vỡ của bát, đĩa và bình tì bà.

Ở di tích thành Shuri, các nhà khảo cổ thuộc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học Okinawa đã phát hiện rất nhiều mảnh gốm Chu Đậu thế kỷ XV, chủ yếu là đồ gia dụng.

Theo một báo cáo kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ học do trung tâm này cung cấp thì từ năm 1419-1570, Ryukyu đã phái 116 thương thuyền đi đến các hải cảng ở Đông Nam Á 
để giao thương, trong đó 
có các cảng thị ở Champa và Annam.

Những thương thuyền của Ryukyu đã mua nhiều đồ gốm đưa về đảo quốc này để phục vụ nhu cầu của vương triều Sho đang cai trị Ryukyu.

Vì thời kỳ này người Ryukyu, cũng như người Nhật, chưa biết chế tác gốm tráng men nên họ rất chuộng đồ gốm tráng men của Việt Nam.

Đó là lý do tại sao trong các phế tích cung điện của vương triều Sho có rất nhiều đồ gốm Chu Đậu hoa lam và gốm men tam thái rất tinh xảo.

Năm 2013, tôi trở lại Nhật Bản vài lần để thực hiện đề tài nghiên cứu “Quan hệ giữa Nhật Bản và miền Trung Việt Nam từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII” .

Trong các chuyến đi này, tôi đã tới những di chỉ và trung tâm nghiên cứu khảo cổ học ở các thành phố: Sakai (phủ Osaka), Naha (tỉnh Okinawa), Hakata và Dazaifu (tỉnh Fukuoka) và Nagasaki (tỉnh Nagasaki)…

Tại những nơi này, tôi lại bắt gặp nhiều đồ gốm được các nhà khảo cổ học Nhật Bản khai quật tại những phế tích thành lũy và cảng thị ven biển của Nhật Bản từ nhiều năm trước, gồm: gốm Champa, gốm Phước Tích (Thừa Thiên – Huế), gốm Thanh Hà (Quảng Nam), gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Thăng Long…

Riêng đồ gốm Chu Đậu được tìm thấy nhiều nhất là ở Sakai (có niên đại vào thế kỷ XVI-XVII), Kyonouchi Utaki và phía bắc đảo Okinawa (thế kỷ XV-XVI), Fukuoka (thế kỷ XVI-XVII)…

Đặc biệt, hàng chục hố khai quật trong vùng thương cảng cổ của Nagasaki đã xuất lộ đồ gốm cổ của Việt Nam, nhiều nhất là gốm Chu Đậu với các loại hình: bát, đĩa, hũ, lọ tì bà gốm hoa lam và bát trà chân cao gốm men tam thái dùng trong nghi lễ trà đạo.

Một số mảnh gốm Chu Đậu phát hiện tại di chỉ thành Nakijin - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Một số mảnh gốm Chu Đậu phát hiện tại di chỉ thành Nakijin – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Hơn 30 điểm khảo cổ có gốm Việt

Tại hội thảo “Lịch sử và triển vọng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nhìn từ miền Trung Việt Nam” tổ chức ở Đại học Đà Nẵng (tháng 11-2013), TS Nishino Noriko đã trình bày tham luận “Lịch sử giao thương Việt Nam và Nhật Bản.

Những phân tích từ đồ gốm Việt Nam giao dịch với Nhật Bản”, giới thiệu kết quả nghiên cứu đồ gốm Việt Nam phát hiện tại các di chỉ khảo cổ ở Nhật Bản, do cô và người chồng quá cố là nhà khảo cổ học Nishimura Masanari đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Theo đó, có hơn 30 địa điểm ở Nhật Bản, chủ yếu ở vùng phía đông nam đảo Honshu, phía đông bắc đảo Kyushu và các đảo nhỏ thuộc quần đảo Okinawa, đã tìm thấy đồ gốm cổ của Việt Nam.

Những đồ gốm này có niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII, trong đó đồ gốm Chu Đậu chiếm tỉ lệ lớn, cả số lượng, phạm vi phân bố và có phổ niên đại trải dài suốt bốn thế kỷ nói trên, nhưng nhiều nhất là đồ gốm thuộc thế kỷ XV và XVI.

Giải thích về sự xuất hiện của các đồ gốm Việt Nam, đặc biệt là đồ gốm Chu Đậu, trong nhiều di chỉ khảo cổ ở phía nam Nhật Bản, các nhà khảo cổ học cho rằng đó là kết quả của hoạt động hải thương giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XIV – XVII, khi mà các thương thuyền Nhật Bản mở rộng mạng lưới buôn bán tới các nước Đông Nam Á.

Việt Nam lúc đó có một hệ thống cảng thị ven biển, trải dài từ miền Bắc tới miền Trung, thuận lợi cho thuyền buôn Nhật Bản tới giao thương và đồ gốm Việt Nam là mặt hàng được người Nhật mua nhiều nhất để bù lại cho việc thiếu hụt đồ sứ Trung Hoa do chính sách “hải cấm” của triều Minh (kéo dài từ năm 1371-1567).

Chỉ sau khi xảy ra cuộc chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên vào cuối thế kỷ XVI, nhiều thợ gốm người Triều Tiên bị bắt sang Nhật Bản và đã du nhập kỹ thuật chế tác gốm sứ của Triều Tiên vào vùng Arita (bắc Kyushu) thì kỹ nghệ gốm sứ Nhật Bản mới bắt đầu phát triển.

Lúc đó thì đồ gốm Việt Nam mới giảm dần rồi ngưng nhập vào thị trường Nhật Bản.

Sơ đồ mạng lưới hải thương giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào các thế kỷ XV-XVIII - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Sơ đồ mạng lưới hải thương giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào các thế kỷ XV-XVIII – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn


Tỏa khắp Đông Nam Á

Theo nhà khảo cổ học người Nhật Bản là GS Aoyagi Yoji, đến năm 1990 có 32 di chỉ khảo cổ ở các nước Đông Nam Á có phát hiện đồ gốm Việt Nam, và phần lớn là gốm hoa lam.

Trong đó, Malaysia có 9 di chỉ, Brunei có 2 di chỉ, Philippines có 10 di chỉ, Indonesia có 11 di chỉ.

Như vậy, từ cuối thế kỷ XIV đến cuối đầu thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu cùng với những dòng gốm khác của Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trong thị trường gốm sứ ở Nhật Bản và ở các nước Đông Nam Á hải đảo đương thời, mà bằng chứng là sự hiện diện của vô số hiện vật gốm Chu Đậu trong các di chỉ khảo cổ học và trong các con tàu đắm được phát hiện ở Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm qua.

__________

Kỳ tới: Ẩn tích sông Hương

Sau năm 1975, đội ngũ đông đảo dân vạn đò trên sông Hương (Huế) đã trục vớt được “hằng hà sa số” những hiện vật gốm vẽ lam, trắng ngà phong cách đít “nhuộm” màu sôcôla và chẳng ai biết “ất giáp” nó thuộc dòng gốm nào.

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

***

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 7: Ẩn tích sông Hương

31/01/2016 12:03 GMT+7

TTSau năm 1975, đội ngũ đông đảo dân vạn đò trên sông Hương của Huế đã trục vớt được “hằng hà sa số” những hiện vật gốm vẽ lam, trắng ngà phong cách đáy “nhuộm” màu sôcôla.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và lô đồ Chu Đậu đang để ở sân vườn - Ảnh: Thái Lộc
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và lô đồ Chu Đậu đang để ở sân vườn – Ảnh: Thái Lộc

Chẳng ai biết “ất giáp” nó thuộc dòng gốm nào, mãi cho đến sau này, thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học thì dòng gốm “bí ẩn” dưới sông Hương suốt nhiều năm mới được giải mã.

Một thời kỳ trải dài qua hai thế kỷ hưng thịnh rồi suy tàn của gốm Chu Đậu lại thể hiện rõ nét nhất ở dưới lòng sông thơ mộng này.

Những chiếc bình lạ

Cho đến nay, không có cuộc khảo cổ nào chứa đựng thông tin rộng về gốm Chu Đậu như kho tàng mà nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đang sở hữu. Số nhà 28/5 Cao Bá Quát, TP Huế đã trở thành nơi tới lui của giới nghiên cứu gốm sứ trong và ngoài nước.

Trong khuôn viên gần 3.000m2 ấy, đâu đâu cũng là chum vại và đồ gốm sứ. Hiện vật được chất thành đống, vỡ có, nguyên lành có, thuộc các giai đoạn ở Việt Nam, từ đồ Đông Sơn – Sa Huỳnh cho đến đồ Lý – Trần và đồ Champa…

Có rất nhiều đồ gốm nước ngoài, từ Hán, Đường, Minh, Thanh xuất xứ từ Trung Quốc, hay gốm Thái Lan, Nhật Bản và các nước phương Tây giai đoạn trung đại… Nhưng chiếm số lượng nhiều bậc nhất trong bộ sưu tập vẫn là những bình vôi, chén, đĩa thuộc dòng gốm Chu Đậu.

Mọi thứ hỗn độn với người mới đến nhà ông lần đầu để tận mắt chứng kiến kho tàng đồ sộ của ông, nhưng với nhà nghiên cứu đã bước sang tuổi bát tuần đó là sắp xếp có chủ đích rõ ràng theo từng giai đoạn và dòng gốm mà ông tìm kiếm được.

Trong nụ cười hiền, ông Phan cuốn chúng tôi vào câu chuyện có phần ly kỳ về bộ sưu tập hàng chục vạn hiện vật của mình. Câu chuyện ấy bắt đầu từ những người dân xóm vạn đò vốn là “vùng trũng” của y tế, giáo dục và văn hóa của Huế, bám lấy sông Hương để mưu sinh.

Trước năm 1975 ông Phan là thầy giáo, còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Thơ, là y tá. Sau 1975, ông dạy ít năm rồi nghỉ hưu sớm, chuyên tâm đọc sách và nghiên cứu văn hóa lịch sử. Còn vợ ông thì chuyên thăm khám cho dân vạn đò.

Với những hộ gia đình lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ bé, dù nghèo khó nhưng nhân khẩu cứ tăng vọt, những đứa trẻ cứ liên tiếp ra đời.

Bà Thơ đỡ đẻ mát tay, đò nào cũng kêu khi có người chuyển dạ. Thù lao thì khi có khi không, có khi xin “nợ” nhưng đỡ xong đứa sau rồi cũng lại nợ, kể cả tiền đỡ đứa trước. Vậy là người ta biếu bà những gì có ở trong đò…

Gần 40 năm trước, khi đang ngồi đọc sách bên thềm, bà vợ ông đem về khoe một cái bình vôi của một chủ đò nhờ đỡ đẻ biếu. Bình vôi phủ men trắng ngà, phần quai màu lục, hai bên “gốc” quai in nổi những trái cau và hoa văn rất đẹp.

Đặc biệt là ở phần đế có một viền màu sôcôla, rất khác lạ so với nhiều hiện vật mà ông từng thấy. Chiếc bình vôi đã khởi đầu cho việc sưu tập hiện vật thuộc “văn hóa sông Hương” chiếm trọn phần đời còn lại của ông.

Đọc sách để giải mã cho được bình vôi xuất xứ ở đâu, vì sao mà dưới sông Hương nhiều như vậy, có phải là gốm nội địa hay là từ nơi khác nhập về… Càng đọc càng khiến ông hụt hẫng vì chẳng tìm một dòng nào ghi lại cả. Ông “khoanh vùng” dòng gốm này là “gốm lạ”.

Càng về sau, số lượng gốm lạ được vợ mang về ngày một nhiều. Ông đi đến xóm vạn đò trên sông Hương để tìm hiểu. Lúc đó, đồ gốm chỉ là sản phẩm “tăng thêm” của các con đò.

Hoàn cảnh khó khăn sau năm 1975, ngoài làm cát sạn và tôm cá, buôn bán, dân vạn đò có thêm nghề trục vớt phế liệu dưới lòng sông. Ngoài nhôm đồng trục vớt về bán được, thỉnh thoảng họ thấy cái gì là lạ thì đem về vứt lăn lóc trong đò.

“Tôi như tá hỏa vì dưới lòng sông Hương có quá nhiều hiện vật của nhiều dòng, nhiều giai đoạn lịch sử. Kể từ đó, dòng sông Hương trở thành đối tượng sưu tầm để nghiên cứu lịch sử văn hóa của tôi!” – ông Phan kể.

Bộ sưu tập hiện vật dưới đáy sông Hương của ông Phan dần “phình to”, từ một góc tủ thành đầy nhà, chiếm cả không gian của sách.

Rồi tiến ra vườn, hình thành một khu vườn gốm cổ rất độc đáo, mà ông đặt tên cho nó theo tên bộ tiểu thuyết kinh điển của nhà văn người Pháp Marcel Proust: À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất).

Tên gọi này gợi mở sự hiện thân một nền “văn hóa sông Hương” mà ông Phan đang cố giải mã. Bởi vì chưa thấy con sông nào trên đất nước có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả về không gian lẫn thời gian như vậy cả.

Dòng “gốm lạ” nằm trong số đó, cũng vẫn “phình to” hằng ngày và vẫn y nguyên với điều bí hiểm không có lời giải đáp…

Chiếc bình vôi Chu Đậu trục vớt từ lòng sông Hương - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc bình vôi Chu Đậu trục vớt từ lòng sông Hương – Ảnh: Thái Lộc

Gốm Chu Đậu dưới đáy sông Hương

Mãi cho đến khi có kết quả các cuộc khai quật khảo cổ ở Nam Sách (Hải Dương) và con tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đối chiếu lại ông Phan mới “té ngửa” khi nhận ra loại “gốm lạ” mà ông bỏ công đọc cả nghìn cuốn sách vẫn không tìm ra manh mối lại thuộc dòng gốm Chu Đậu được sản xuất ở tận tỉnh Hải Dương.

Lấy kết quả nghiên cứu “gốm lạ” trong bộ sưu tập của mình, “ráp nối” với kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học vừa nói qua, ông Phan nhận ra có rất nhiều mẫu vật gốm thuộc dòng Chu Đậu có trong bộ sưu tập của ông, nhưng lại không thấy có ở các cuộc khai quật khảo cổ “chính thống”.

Câu hỏi đó cộng với số lượng “hằng hà sa số” hiện vật cùng dòng nằm chung dưới một lòng sông, trong nhiều năm trời buộc ông tìm lời giải đáp riêng…

Dẫn chúng tôi ra khu vườn đặc biệt của mình, ông Phan giới thiệu những “gò cao” và nhiều lu vại chứa đầy đồ gốm Chu Đậu sứt, vỡ. Ông sắp riêng ra những chỗ để từng loại như bình, chén, bát, đĩa, ang…

Có chỗ thì toàn bình vôi sứt vỡ, thậm chí có mấy cái lu đựng đầy quai bình vôi, tất cả đều là dòng gốm men Chu Đậu.

Những đồ vật Chu Đậu nguyên lành thì ông bày riêng trong mấy tủ kiếng hay những giá kệ trong các căn phòng. Tất cả đều được “tái sinh” kể từ năm 1975, sau khi im lìm hàng trăm năm trời dưới đáy sông.

Ngắm nghía từng mảnh gốm vẽ lam, từng chiếc bình vôi hay chén bát rất đặc trưng, nhất là ở phần đáy và đế “nhuộm” màu sôcôla, ông Phan khẳng định bộ sưu tập gốm Chu Đậu dưới đáy sông Hương là một trong những điển hình của dòng gốm này.

Bởi lẽ hiện vật khai quật được ở quê hương Chu Đậu thì phần lớn đều là phế phẩm, chưa hẳn đã điển hình cho một dòng gốm.

Hiện vật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm, cho dù với số lượng khổng lồ và có nhiều món thuộc hàng đặc biệt, nhưng chỉ được sản xuất trong một giai đoạn có thể rất ngắn, nên không thể điển hình cho suốt hai thế kỷ phát triển của gốm Chu Đậu.

Trong khi bộ sưu tập trục vớt dưới sông Hương, dù hiện vật chiếm phần lớn là đồ vỡ nhưng chắc chắn nó đã từng là đồ lành vì không ai đem đồ phế phẩm đi bán ở các nơi khác.

Ở đáy sông Hương thì gốm Chu Đậu có hầu hết loại hình, thuộc nhiều giai đoạn, từ thuở sơ khai cho đến hưng thịnh và mạt kỳ…

Trước khi rời khu vườn gốm của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, ông nói với chúng tôi rằng: Ở đáy sông Hương có rất nhiều gốm Chu Đậu qua các thời kỳ chứng tỏ thuyền buôn từ Hải Dương, Thăng Long vận chuyển vào.

Vậy thì chắc chắn trên thế giới gốm Chu Đậu không chỉ lan tỏa mà còn rất huy hoàng.

_________

Kỳ tới: Lừng danh hải ngoại

THÁI LỘC – TRẦN MAI

 ***

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 8: Lừng danh hải ngoại

01/02/2016 12:32 GMT+7

TT – Trong khi gốm Chu Đậu gần như vô danh ở Việt Nam vào trước thời điểm tàu đắm Cù Lao Chàm được phát lộ, nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đã lưu giữ và trưng bày nhiều tuyệt tác gốm Chu Đậu.

Đĩa và ang gốm Chu Đậu, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Đức - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Đĩa gốm Chu Đậu, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Đức – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Trong khi gốm Chu Đậu gần như vô danh ở các bảo tàng và sưu tập tư nhân tại Việt Nam vào trước thời điểm tàu đắm Cù Lao Chàm được phát lộ, nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đã lưu giữ và trưng bày nhiều tuyệt tác gốm Chu Đậu.

Đó chính là bằng chứng vươn xa của gốm Việt, chứng minh những đoàn tàu buôn chở gốm Việt tỏa đi khắp thế giới, trong đó con tàu Cù Lao Chàm xấu số nằm lại biển khơi…

Có mặt ở hàng chục nước

Trong cuốn sách Vietnamese ceramics A separate tradition do John Stevenson và John Guy chủ biên (Art Media Resources with Avery Press, 1997) có giới thiệu nhiều món đồ gốm Chu Đậu tuyệt hảo, từ sưu tập của những bảo tàng lớn trên thế giới như: Metropolitan Museum of Art (New York), Denver Museum of Art (Denver), Seattle Art Museum (Seattle), Museum of Fine Arts (Boston), Birmingham Art Museum (Alabama) và Asian Art Museum of San Francisco (San Francisco) ở Mỹ;

Society of Ancient Southeast Asian Ceramics, Kyoto National Museum, Machida Municipal Museum ở Nhật Bản; British Museum of London ở Anh; Museum of East Asian (Bath) và Art Gallery of South Australia (Adelaide) ở Úc; Museum het Princesshof (Leewarden) ở Hà Lan…

Tuy nhiên, hiện vật gốm Chu Đậu nổi danh nhất thế giới là chiếc bình hoa lam ở Bảo tàng Tokapi Saray tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)…

Cuối năm 1997, khi đang đi tu nghiệp ở Nhật Bản, tôi có dịp ghé thăm Bảo tàng Machida (Machida Municipal Museum) ở ngoại ô thủ đô Tokyo.

Tại đây, tôi được quản thủ Yajima đưa đi xem sưu tập gốm Việt Nam, trong đó có rất nhiều đĩa gốm Chu Đậu kích thước lớn từng tham gia cuộc triển lãm “Những chiếc đĩa lớn” tổ chức ở các thành phố Tokyo, Osaka và Masuda năm 1997.

Theo lời TS Yajima, sưu tập gốm Việt Nam trong Bảo tàng Machida rất đồ sộ, phần lớn là quà tặng của nhà sưu tập Yamada Yoshio.

TS Yajima cho biết thêm có khoảng 20 bảo tàng ở Nhật Bản có đồ gốm Chu Đậu và đồ gốm Việt Nam nói chung, nhưng những món đồ quý nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Machida, Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu.

TS Yajima viết thư giới thiệu tôi với các quản thủ ở Bảo tàng Gốm sứ Kyushu và Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

Rời Tokyo, tôi tiếp tục hành trình đến Kyushu, Fukuoka và được xem hầu hết những món đồ gốm Chu Đậu đang lưu trữ ở các bảo tàng này.

Phần lớn hiện vật ở đây đều tuyệt hảo và toàn bích, do các bảo tàng này mua được trong những cuộc bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu tập hảo tâm hiến tặng.

Đĩa và ang gốm Chu Đậu, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Đức - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Chiếc ang gốm Chu Đậu, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Đức – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Tháng 9-2004, tôi cùng hai nhà sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ là Thomas Ulbrich (ở Đức) và Philippe Truong (ở Pháp) đến Bảo tàng Nghệ thuật Dresden, tọa lạc trong cung điện Zwinger (Dresden, Đức).

Nơi đây cũng có một số đồ gốm Việt Nam thời Lý – Trần – Lê, trong đó có hai món đồ gốm Chu Đậu, xứng đáng gọi là bảo vật: chiếc đĩa lớn và chiếc ang (vò), đều có niên đại cuối thế kỷ 15.

Chiếc đĩa có đường kính khoảng 32cm, tình trạng hoàn hảo. Lòng đĩa vẽ hoa cúc và hai dải hồi văn hoa lá. Đáy đĩa tô men nâu (men sôcôla), một đặc trưng gốm Việt Nam thời Lý – Trần – Lê.

Chiếc ang cao 28cm, đường kính thân 35cm, trang trí các đồ án hoa cúc và hoa mẫu đơn, các dải hồi văn đầu cánh hoa ở bên ngoài.

Kỹ thuật tạo dáng, chất liệu thai cốt, màu men của chiếc đĩa và chiếc ang này rất tuyệt hảo. Các họa tiết được vẽ với bút pháp tinh xảo, chứng tỏ chúng được làm ra bởi một tay nghề điêu luyện lúc thịnh thời của kỹ nghệ chế tác gốm hoa lam đời Lê.

Philippe Truong cho hay: “Đây là một trong ba chiếc ang nổi tiếng nhất của dòng gốm hoa lam Việt Nam. Chiếc thứ nhất là tài sản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nhật Bản ở Tokyo, chiếc thứ hai thuộc sở hữu một nhà sưu tập lừng danh tại London. Và đây là chiếc thứ ba”.

Còn Bảo tàng Dân tộc học Muenchen là nơi sở hữu nhiều đồ gốm Việt Nam nhất trong các bảo tàng ở Đức, chủ yếu là gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm hoa lam thời Lê – Mạc và đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.

Hiện vật gốm Chu Đậu quý hiếm trong bảo tàng này là chiếc hũ gốm hoa lam cao 40cm chứng minh vẽ chim phượng và mây.

Người quản thủ kho gốm sứ ở Bảo tàng Dân tộc học Muenchen cho tôi biết: “Cách đây ba năm, chiếc hũ này được hãng bán đấu giá Lempertz rao bán với giá 3.000 DM nhưng không ai mua.

Sau phiên đấu giá, có một nhà sưu tập đã mua chiếc hũ này dưới giá sàn, không hiểu sao về sau nó lại hiện diện trong kho của bảo tàng này. Lúc đó người ta chưa biết giá trị của món đồ.

Cách đây ít tháng, một chiếc hũ tương tự được rao bán trên mạng với giá 25.000 euro và được mua ngay tức khắc”.

Bát trà chân cao Chu Đậu, thế kỷ 16, men lam đỏ và lục, nguyên thuộc sở hữu của tướng quân Tokugawa Ieyasu (1542 - 1616) - Ảnh: Philippe Truong
Bát trà chân cao Chu Đậu, thế kỷ 16, men lam đỏ và lục, nguyên thuộc sở hữu của tướng quân Tokugawa Ieyasu (1542 – 1616) – Ảnh: Philippe Truong

Báu vật của nhiều bảo tàng

Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật Hoàng gia Bỉ có đến 3.000 cổ vật Việt Nam, gồm: trống đồng Đông Sơn, đồ gốm thời Giao Chỉ, đồ gốm thời Lý – Trần – Lê – Mạc, đồ sứ ký kiểu của triều Nguyễn và tượng điêu khắc Champa.

Trong đó gốm Chu Đậu nổi tiếng nhất ở bảo tàng này là sưu tập chân đèn thời Mạc với hơn 20 chiếc chân đèn quý hiếm.

Bảo tàng Hoàng gia Mariemont có khoảng 150 cổ vật Việt Nam, mua từ sưu tập của Clément Huet (1952) và từ các cuộc đấu giá cổ vật thuộc các sưu tập: Hồ Đình, Bảo Đại, Bảo Long… do Binoche-Ventes và Loudemer-Ventes tổ chức những năm 1990, trong đó có rất nhiều kendi, đĩa lớn và bình tì bà thuộc dòng gốm Chu Đậu, đặc biệt là sưu tập các con giống trong gốm Chu Đậu có niên đại vào thế kỷ 16.

Tháng 10-2013, tôi có mặt tại Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, Nhật Bản. Đây là nơi trưng bày những bộ sưu tập bát uống trà chân cao lừng danh, men tam thái, xuất xứ từ Chu Đậu.

Trong số đó đáng chú ý là chiếc bát thuộc sở hữu của tướng quân Tokugawa Ieyasu từ năm 1616, có hoa văn vẽ bằng men đỏ và men lục, thành ngoài vẽ hoa văn hình cánh sen và hoa cúc xen kẽ một nhánh cây bạch quả, đáy phủ men nâu.

Ngoài ra còn có chiếc bát trà gốm chân cao là bảo vật của gia tộc dòng thứ Owari-Tokugawa.

Hình dáng, màu sắc và hoa văn của chiếc bát trà gốm Chu Đậu này đã được lãnh chúa Owari-Tokugawa dùng làm mẫu để chế tác bát trà trong lò gốm của họ.

Philippe Truong đã căn cứ vào lối trang trí độc đáo và riêng biệt của hai chiếc bát trà này, cả về kỹ thuật thể hiện lẫn kiểu thức hoa văn, đã nhận định đây là những chiếc bát trà được đặt làm riêng cho tướng quân và gia tộc Tokugawa.

Vì thế mà hai chiếc bát trà gốm Chu Đậu này đã được Chính phủ Nhật Bản đưa vào danh mục tài sản văn hóa quan trọng (Yuzo bukazai) của Nhật Bản.

Có thể thấy rằng sự hiện diện của các bát trà gốm Chu Đậu chân cao này đã tạo nên những ảnh hưởng đối với kiểu dáng và trang trí cho những món đồ gốm sản xuất tại Nhật Bản trong thế kỷ 17.

Sự ảnh hưởng này còn kéo dài đến thế kỷ 19 với những hiện vật gốm Nhật Bản có niên đại thế kỷ 19 được tìm thấy ở Nhật Bản, Bảo tàng Mỹ thuật Boston và Freer Gallery of Arts ở Washington D.C. (Mỹ).

__________

Kỳ tới: Hưng thịnh rồi vội suy tàn

Vì sao gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ suốt hai thế kỷ 15 và 16 và vì sao suy tàn đến tuyệt tích sau đó?

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

***

Giải mã gốm Chu Đậu – Kỳ 9: Hưng thịnh rồi vội suy tàn

02/02/2016 10:30 GMT+7

TTVì sao gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ trong suốt hai thế kỷ 15, 16 và vì sao suy tàn đến tuyệt tích sau đó?

Những quốc gia phát hiện có gốm Chu Đậu trong lịch sử - bản đồ đang treo tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc
Những quốc gia phát hiện có gốm Chu Đậu trong lịch sử – bản đồ đang treo tại Bảo tàng Hải Dương – Ảnh: Thái Lộc

Nối tiếp truyền thống rực rỡ

Gốm Chu Đậu có lẽ là duy nhất trong “bản đồ” gốm Việt Nam đạt được trình độ kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo vượt biển ra thị trường quốc tế. Những gì liên quan đến dòng gốm này đến nay vẫn thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nhiều lập luận về sự phát triển rực rỡ gốm Chu Đậu đều xuất phát từ sự bế quan tỏa cảng đương thời của nhà Minh.

Ngược dòng lịch sử của Trung Quốc, giai đoạn đầu và giữa của triều đại này đã thực thi chính sách cấm biển và nghiêm cấm người dân ra nước ngoài.

Với chính sách “mậu dịch triều cống”, triều đình chỉ cho phép những tàu nước ngoài đến buôn bán kèm theo những vật dâng cống cho triều đình.

Triều đình lập ba cảng biển (ở Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông) kèm bộ máy quản lý, lập danh sách tàu các nước được phép triều cống trong một khoảng thời gian được niêm yết rất cụ thể.

Gốm sứ Trung Quốc xuất khẩu theo đường biển sang phương Tây đang hồi hưng thịnh bị chặn dòng. Trước tình trạng “khát” gốm phương Đông của người phương Tây, các nhà buôn chuyển hướng sang các nước lân cận…

Những lò gốm vùng Hải Dương (và Thăng Long) đã nắm lấy thời cơ, đẩy gốm VN phát triển rực rỡ, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

TS Phạm Quốc Quân cho rằng: “Chính sách bế quan tỏa cảng của triều Minh đã gần như cắt đứt nguồn cung cấp gốm cho thế giới. Cơ hội này đã giúp gốm sứ các nước lân cận phát triển, trong đó có Việt Nam với gốm Chu Đậu vươn ra thế giới.

Những cuộc trục vớt tàu cổ ở Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và các bảo tàng khác trưng bày gốm Chu Đậu trước khi cuộc trục vớt và bán đấu giá tàu Cù Lao Chàm đã chứng minh điều đó”.

“Nội lực” đáp ứng yêu cầu rất cao của các đơn hàng đến từ phương Tây mà các lò gốm Việt Nam có được, ngoài đôi tay tài hoa của người nghệ nhân. Hầu hết nhà chuyên môn đồng quan điểm gốm Chu Đậu kế thừa hai bước nhảy, hay có thể gọi là hai cuộc cách mạng về gốm rất ấn tượng của người Việt trước đó.

Theo lý giải của TS Phạm Quốc Quân, giai đoạn cách mạng thứ nhất vào những thế kỷ đầu Công nguyên, bắt đầu từ truyền thống Đông Sơn, tiếp nhận công nghệ mới lẫn cách tổ chức sản xuất của người phương Bắc. Gốm Việt từ đó trở thành một sản phẩm hàng hóa; các trung tâm có thể kể như ở Thanh Hóa (Tam Thọ), Bắc Ninh (Luy Lâu), Vĩnh Phúc…

Giai đoạn cách mạng thứ hai mà giới nghiên cứu cho rằng là sự kết tinh tuyệt vời về công nghệ sản xuất gốm mà Chu Đậu sau này thừa hưởng. Bắt đầu từ cuối thời Bắc thuộc, khoảng thế kỷ thứ 9-10 và kéo dài cho đến thời Lý – Trần.

Người phương Bắc tràn sang trong tư thế đến để đồng hóa, để giải thể văn hóa bản địa. Nhưng, mạch ngầm của văn hóa người Việt vẫn chảy suốt ngàn năm.

Đến chiến thắng của nhà Ngô giành được quyền tự chủ và được nhà Lý chấn hưng ngay sau đó đã tạo nên một thời kỳ phục hưng, thành bước nhảy vọt ngoạn mục, bao gồm cả kỹ nghệ gốm sứ.

Thành tựu gốm giai đoạn này rất rực rỡ, nhất là gốm độc sắc (gốm nâu, gốm celadon và gốm trắng), đặc biệt nhất là dòng gốm hoa nâu của Việt Nam, không bị trộn lẫn với sản phẩm gốm của bất cứ quốc gia nào trên thế giới…

“Thứ nhất là bế quan tỏa cảng nhưng chỉ một phần. Điều quan trọng là phải có một cơ tầng đủ mạnh, đủ vững để tiếp nhận và phát triển.

Thứ đến là đội ngũ thợ thủ công người Việt, cả gốm sứ và nhiều ngành nghề khác rất khéo tay và lành nghề. Mặt khác, về vị trí địa kinh tế, VN nằm trên tuyến đường giao lưu thương mại quốc tế, trong đó có gốm sứ!” – TS Quân nhấn mạnh cơ tầng nền tảng cho gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ.

Bộ sưu tập gốm Chu Đậu cổ trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc
Bộ sưu tập gốm Chu Đậu cổ trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương – Ảnh: Thái Lộc

Rồi… tắt lịm

Mãi đến những năm 1980, câu chuyện về dòng gốm hoa lam sau đêm trường tuyệt tích bỗng “cất tiếng” trở lại từ lòng đất và lòng biển bằng nỗ lực của các nhà khảo cổ học.

Nhưng suốt nhiều năm qua, một câu hỏi lớn là vì sao đang phát triển rực rỡ như gốm Chu Đậu bỗng chốc lụi tàn như chưa từng tồn tại là rất kỳ lạ.

Không ai nhắc đến, cứ như thể một trận sóng thần cuốn trôi cả một thành phố xuống lòng biển vĩnh viễn, không một vết tích nào để lại.

Suốt hai thế kỷ hưng thịnh rực rỡ, vậy mà sau mấy trăm năm dâu bể, hậu duệ của những chủ lò, những người thợ tài ba đó chẳng biết lớp gốm thải dày mấy mét dưới móng nhà mình là cái gì và vì đâu mà có.

Nhiều cách lý giải đã được đưa ra gồm cả chiến tranh Trịnh – Mạc và sự mở cửa trở lại vào cuối thời Minh chính là trận “sóng thần” cuốn trôi dòng gốm này vào quên lãng.

Ông An Văn Mậu, phó giám đốc Bảo tàng Hải Dương, cho rằng việc truy quét của triều Lê – Trịnh đối với nhà Mạc đã làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất gốm Chu Đậu.

Trong lịch sử, quê hương nhà Mạc thuộc vùng Hải Dương, về sau tách ra mới thuộc Kiến Thụy, Hải Phòng. Sự sa sút cho đến thế kỷ 17 của nhà nước phong kiến đã đẩy sự chống đối của những tổ chức nông dân lên đỉnh điểm.

Chính nhiều cuộc nổi dậy của phong trào nông dân do Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ lãnh đạo chống lại chính sách hà khắc của triều Lê và cuộc truy quét sau đó làm cho việc sản xuất gốm từ ngưng trệ đi đến xóa sổ hoàn toàn.

Nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành cũng đồng quan điểm gốm Chu Đậu “trôi theo nhà Mạc” bởi cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc, và năm kết thúc nhà Mạc 1592 cũng chính là năm kết thúc của gốm Chu Đậu.

Dựa vào minh văn và một số kết quả khảo sát nghiên cứu, ông Hoành khẳng định không có hiện vật nào của gốm Chu Đậu vượt mốc “niên đại tuyệt đối” 1592 này.

Trong khi đó ở Huế, nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan lại có kiến giải rằng do vẫn còn những điểm hạn chế về trình độ kỹ thuật, gốm Chu Đậu chưa thật sự đạt đến mức độ hoàn mỹ. Vì vậy, sự cạnh tranh trên thị trường cũng kém cạnh.

Lẽ ra khi người Trung Quốc mở cửa để dòng gốm của họ tái xuất khẩu ra thị trường thế giới thì gốm Chu Đậu tiếp tục cải tiến, duy trì sản xuất và chiếm một thị phần nhất định cho dù rất nhỏ đi chăng nữa. Nhưng ở đây vì nhiều hạn chế mà gốm Chu Đậu không đủ sức tạo một cơ hội nào cho chính mình cả.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn, theo ông Phan, chính là những hạn chế rất lớn của tầng lớp cầm quyền xã hội đương thời, không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề giao thương, đặc biệt là xuất khẩu.

Vì vậy, không những về mặt ngoại thương tàn lụi mà “nội thương” cũng tan biến, khi hàng loạt gốm sứ Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Từ đây, ông Phan chỉ ra thói tật cố hữu của người Việt là sính dùng đồ ngoại, mà các triều đại sau càng thể hiện rõ.

“Cái gì cũng đặt từ Trung Quốc làm đưa về dùng, làm cho nền kinh tế trong nước kiệt quệ. Đây chính là bài học của hôm nay, kêu gọi người Việt dùng hàng Việt là đúng song không được buộc dùng bằng ý chí, mà phải làm sao hàng Việt phải đạt chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật và giá cả thì mới chấp nhận được!” – ông Phan nhận xét.

_________

Kỳ tới: Ước nguyện phục hồi và tỏa khắp

TRẦN MAI – THÁI LỘC

***

KỲ CUỐI:

Giải mã gốm Chu Đậu: Ước nguyện phục hồi và tỏa khắp thế giới

03/02/2016 10:30 GMT+7

TTNhư một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu, gốm Chu Đậu sau mấy trăm năm biến mất đang dần trở lại với thị trường trong nước và quốc tế.

Những thợ gốm trẻ làng Chu Đậu - Ảnh: Thái Lộc
Những thợ gốm trẻ làng Chu Đậu – Ảnh: Thái Lộc

Ngọn lửa nghề gốm, sau mấy trăm năm bị khỏa lấp bởi thời gian và nghề chiếu cói, đang được thắp sáng trở lại để vươn xa.

Khôi phục… quá khứ

Con đường rộng thênh mới mở nối từ TP Hải Dương về ngôi làng Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình. Gần cuối con đường là một số cửa hàng trưng bày gốm Chu Đậu thu hút đông thương gia và du khách đến tham quan.

Chị Thủy, một người con của làng Chu Đậu làm nghề thuyết minh gốm cho du khách, kể lại câu chuyện lịch sử gốm Chu Đậu và cả câu chuyện những nét hoa lam tuyệt vời đang hiện hữu ở vùng quê yên bình này.

Chuyện kể rằng năm 2000, ông Nguyễn Văn Lưu, một người con của làng Chu Đậu, trong lúc đang ở TP.HCM làm trưởng phòng gốm mỹ nghệ của Haprosimex thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đọc được thông tin trên báo về việc trục vớt một con tàu cổ ở Cù Lao Chàm đã sưu tầm được hàng vạn cổ vật, trong đó phần lớn là gốm Chu Đậu của quê hương Nam Sách.

Ông đã mày mò tìm hiểu những tuyệt tác gốm quê hương mình mà những cổ nhân của làng làm ra. Thế rồi ông đi đến quyết định xin thành lập một xí nghiệp gốm ngay tại quê mình để khôi phục nghề gốm sau mấy trăm năm quên lãng này.

Từ TP Hải Dương, chúng tôi băng qua những con đường trải nhựa phẳng lì vẫn còn đang thi công, rút ngắn khoảng cách từ TP Hải Dương về làng Chu Đậu.

Hôm chúng tôi đến Xí nghiệp gốm Chu Đậu, ông Lưu đang đi ký kết hợp đồng, mở rộng thị trường cho gốm. Tiếp chúng tôi là ông Trần Văn Thăng, trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty Gốm Chu Đậu, là người gắn bó lâu năm tại công ty gốm. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xí nghiệp, ông giới thiệu nhiều sản phẩm tại gian hàng trưng bày sản phẩm của công ty.

Đó là hàng trăm loại đồ gốm gia dụng từ chén bát, bình ấm vẽ lam theo kiểu truyền thống. Nhiều loại sản phẩm cũng được thiết kế, tạo dáng mới cách tân từ mẫu mã cũ phát triển theo thị hiếu của thị trường.

Cùng với gốm vẽ lam, ông Thăng còn khoe những mặt hàng như bình, hũ và chén đĩa vẽ gốm tam thái (nhiều màu) mà công ty vừa nghiên cứu phục hồi và bung ra thị trường. Dừng chân bên một kệ nhiều tượng và những sản phẩm cao cấp, ông Thăng cho biết đó là dòng sản phẩm vẽ vàng thật vừa được nghiên cứu khôi phục từ năm 2014.

“Các cụ trước đây có đỉnh cao là vẽ vàng vào sản phẩm. Sau thời gian dài nghiên cứu, chúng tôi đã phục dựng thành công và sản phẩm này cũng đang được thị trường ưa chuộng!” – ông Thăng nói.

Trong khuôn viên rộng 35.000m2 của Công ty Gốm Chu Đậu là nhiều phân xưởng các công đoạn sản xuất các loại sản phẩm từ nhỏ đến lớn. Những đôi tay của các cụ cao niên và cả những người chỉ tròn 20 xuân xanh nắn nót biến cục đất sét thành hình, vẽ lên rồi đưa vào lò nung. Từng nét bút, đôi tay như kéo thời gian trở về, tái hiện quá khứ huy hoàng mà một thời gốm Chu Đậu nổi danh trên thế giới.

Ông Thăng hào hứng: “Cả công ty có hơn 200 công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm, tất cả là người của làng Chu Đậu và các làng lân cận. Điều đáng mừng là nghề xưa đã được rất nhiều người trẻ tại làng Chu Đậu yêu mến. Công ty rất mừng vì sản phẩm được phục hồi từ đôi tay của những hậu duệ làng nghề gốm Chu Đậu xưa”.

Chúng tôi gặp Đặng Thị Huế là hậu duệ những thợ gốm làng Chu Đậu, năm nay 21 tuổi và có thâm niên ba năm làm gốm ở Công ty Gốm Chu Đậu. Huế nắn nót vẽ màu lam lên bình gốm, bàn tay lướt nhẹ, phóng bút điêu luyện thành dải hoa văn dây rất có hồn.

Chỉ chừng 10 phút, đồ án hoa lá hoàn thành trong sự thán phục của chúng tôi. Huế cho biết họ Đặng của mình sinh sống rất lâu đời ở làng Chu Đậu và tổ tiên của cô ngày xưa chắc chắn cũng làm gốm.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Huế xin vào làm ở xưởng gốm Xí nghiệp gốm Chu Đậu. “Học xong em xin vào vẽ vì thích vẽ. Ở làng có nhiều người cùng làm việc, có người làm đất, nặn đồ hay nung gốm. May mà em cũng có chút hoa tay nên được vẽ. Ở xưởng gốm này nếu ai có sáng tạo gì cũng được phép phóng bút” – Huế nói.

Với những người có tâm huyết khôi phục nghề xưa, điều đáng mừng nhất chính là sự hiện diện của con cháu làng Chu Đậu, ngọn lửa nghề đã cháy trở lại sau trăm năm lụi tàn. Ông Thăng bảo: “Không có gì tuyệt vời hơn sản phẩm gốm Chu Đậu được khôi phục bởi chính đôi tay của người Chu Đậu”.

Gốm Chu Đậu đang phục hồi bằng chính bàn tay người thợ Chu Đậu - Ảnh: Thái Lộc
Gốm Chu Đậu đang phục hồi bằng chính bàn tay người thợ Chu Đậu – Ảnh: Thái Lộc

Giấc mơ Chu Đậu

Ngay sau lô sản phẩm gốm Chu Đậu mới, đầu tiên xuất lò vào năm 2003, cùng với thị trường trong nước, gốm Chu Đậu đã “đi ra biển lớn” cung ứng sản phẩm cho nhiều nước trên thế giới.

Việc mạnh dạn đưa sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu như một hướng đi đột phá. Trong nhiều năm liền, thị trường này vẫn tiêu thụ khá đều đặn dòng sản phẩm khôi phục từ truyền thống. Tiếp đến là “đánh sang” thị trường Nga, sau đó là thị trường Nhật Bản, gốm Chu Đậu xuất sang được người mua khá đều đặn. Một thị trường mới, gồm cả nhiều nước châu Phi cũng đang được công ty này nhắm đến.

“Các cụ ngày xưa đã làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu mang tầm quốc tế, “nhất sứ Giang Tây, nhất gốm Chu Đậu”, nay công ty thừa hưởng tạo một lợi thế cạnh tranh nhất định. Cùng với những gì đã làm được, chúng tôi đang có chiến lược cải tiến mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu để phát huy lợi thế thương hiệu mà các cụ đã tạo nên lừng lẫy một thời!” – ông Thăng cho biết.

Ông Mai Văn Hội, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, nói rằng từ khi phát hiện gốm Chu Đậu, trong các đại hội của tỉnh, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hải Dương đều định hướng khôi phục, đưa gốm sứ Chu Đậu thành một ngành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Các nhà quản lý còn mong muốn đưa gốm Chu Đậu không chỉ là sản phẩm thương mại như hiện nay, mà phải làm sao phát triển theo hướng làng nghề du lịch. Đó cũng là ước nguyện của người dân làng Chu Đậu, nhiều người mong nghề cổ của tổ tiên làng mình ngày nào đó trở thành hấp lực để cuốn hút được du khách gần xa.

Ông Trần Hữu Quang, phó thôn Chu Đậu, dẫn chúng tôi đi tham quan nhiều nơi trong làng.

Đó là khu đất 300m2 vừa được khảo cổ cuối năm 2014 nằm giữa làng đang chất đầy các mảnh gốm và vỏ bao nung gốm cổ. Rồi bờ đê sông Thái Bình cuối làng được giới thiệu là bến đò tấp nập chở gốm từ ngày xưa. Hay nhà văn hóa của thôn đang có nhiều tủ kính chất đầy những loại con kê, bao nung và các sản phẩm, phế phẩm của gốm Chu Đậu đào được từ lòng đất của làng…

“Người làng Chu Đậu chúng tôi ai cũng muốn trở thành điểm du lịch như Bát Tràng hết cả, mà làm sao để được như vậy chú hè?” – ông Quang nói.

Việc này ông Hội cho biết chính quyền tỉnh Hải Dương cũng đang hướng đến: “Tỉnh có hướng kêu gọi đầu tư, muốn biến Chu Đậu trở thành điểm du lịch, khách có thể vừa tham quan di tích nghề gốm cổ, tham quan và thực hành làm gốm mới kèm nhiều dịch vụ hấp dẫn khác như cách nhiều làng nghề cổ thu hút du khách đang làm!”.

THÁI LỘC – TRẦN MAI

Bình luận về bài viết này