Thực tiễn hơn 25 năm thực hiện Công ước CEDAW ở Việt Nam

Giới thiệu về CEDAW

CEDAW – Principle of Substantive Equality (Vietnamese)

CEDAW – Principle of Non Discrimination (Vietnamese)

CEDAW – Principle of State Obligation (Vietnamese)

***

Thực tiễn hơn 25 năm thực hiện Công ước CEDAW ở Việt Nam

Trần Thị Mai Hương- UBQGVSTBPN

RAFH – Việt Nam là một trong các quốc gia sớm tham gia CEDAW ngay từ khi Công ước mới ra đời. Công ước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về bình đẳng nam nữ. Việc ký kết và phê chuẩn Công ước là cam kết có tính pháp lý của Việt Nam trước Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên bảo đảm cho phụ nữ các quyền bình đẳng theo các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời qua đó thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong các hoạt động của đời sống xã hội – đúng như tên gọi của Công ước (Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ năm 1982).

Nhìn lại chặng đường hơn 25 năm thực hiện Công ước CEDAW ở Việt Nam , chúng ta tự hào về nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được. Điều trước tiên phải kể tới là sự kiện Việt Nam có đại diện trong Uỷ ban CEDAW – cơ quan giám sát tối cao tình hình thực hiện Công ước. Ngay nhiệm kỳ đầu tiên 1982 – 1984, nữ Đại sứ Nguyễn Ngọc Dung đã được bầu là 1 trong 23 thành viên Uỷ ban CEDAW. Cùng với các thành viên, chúng ta đã đặt nền móng và đóng góp đáng kể vào hoạt động của Uỷ ban ngày ấy: hình thành lề lối làm việc của Uỷ ban, soạn thảo và tham gia hướng dẫn làm báo cáo cho các quốc gia, xem xét báo cáo và đối thoại với 7 quốc gia thành viên về tình hình thực hiện Công ước…Việt Nam cũng đã nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của quốc gia trong việc báo cáo tình hình thực hiện CEDAW. Báo cáo đầu tiên của chúng ta được gửi tới Liên hợp quốc và trình bày trước Uỷ ban CEDAW vào tháng 3 năm 1986. Cho tới nay Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (UBQG) đã tham mưu cho Chính phủ hoàn thành tốt báo cáo lần thứ 5 và 6 (ghép). Ngày 17/1/2007, Việt Nam đã bảo vệ thành công báo cáo ghép này trước Liên hợp quốc.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước những năm gần đây đã được quan tâm. Hơn 10 năm qua, UBQG đã biên dịch ra tiếng Việt và 5 lần tái bản toàn văn Công ước và đã phân phát trên 2 vạn bản tới các ngành và địa phương trên toàn quốc. Các hình thức tuyên truyền phong phú đã được nhiều đơn vị triển khai như biên soạn tờ rơi giới thiệu CEDAW, thi tìm hiểu, hội thảo, nói chuyện, tập huấn…Từ một điều ước quốc tế ít được biết tới, đến nay CEDAW đã trở thành một trong các nội dung tuyên truyền trọng tâm của các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội phụ nữ, ban nữ công các cấp.

Để tổ chức thực hiện tốt Công ước, điều quan trọng là tinh thần và nội dung của CEDAW phải được phản ánh đúng đắn trong pháp luật quốc gia. Có thể nói rằng, việc “nội luật hoá” CEDAW đã được Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng hết sức quan tâm. Chính vì vậy mà một thành viên CEDAW đã ca ngợi: Việt Nam là một trong những nước có hệ thống luật pháp tốt nhất về quyền bình đẳng cho phụ nữ. Theo Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong 25 năm trở lại đây Quốc hội đã thông qua 188 bộ luật và luật. Có rất nhiều nội dung liên quan tới quyền lợi phụ nữ được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về dân sự, hình sự, lao động, giáo dục, sức khoẻ, hôn nhân gia đình, quốc tịch, bầu cử v.v…Đứng từ góc độ CEDAW có những quy định rất đáng chú ý như:

– Công dân nam và nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.

– Lao động nam và nữ làm việc như nhau thì tiền lương ngang nhau (Hiến pháp 1992).

– Hôn nhân tự nguyện, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản chung phải ghi tên của cả vợ và chồng. Lao động gia đình được coi như lao động sản xuất (Luật Hôn nhân – gia đình 2000)

– Người dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù ở mức cao nhất là một năm (Bộ luật Hình sự 1999).

– Nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức (Pháp lệnh dân số 2003).

Pháp luật trước đây cũng như Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện các điều ước quốc tế mới được Quốc hội thông qua đã tạo thuận lợi cho việc thực thi CEDAW bằng các quy định cụ thể. Điều 6 quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế và khi có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế. Điều 71 quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các điều ước quốc tế. Sự kiện quan trọng nổi bật là ngày 29/11/2006, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới ra đời vừa thể hiện đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác phụ nữ, vừa tuân thủ chặt chẽ những quy định của Công ước CEDAW. Cả 3 nguyên tắc cơ bản của Công ước là bình đẳng, không phân biệt đối xử và trách nhiệm quốc gia đã được phản ánh trong Điều 6 về các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới. Lần đầu tiên, các khái niệm quan trọng đã được đưa vào Luật như giới, phân biệt đối xử về giới, lồng ghép giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới…Cũng lần đầu tiên, nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới được pháp điển hoá. Luật Bình đẳng giới đưa ra các quy định rất cụ thể, chi tiết về bình đẳng giới trong các lĩnh vực, đi kèm theo đó là các hành vi vi phạm, các hình thức xử lý vi phạm phù hợp với tinh thần của CEDAW. Công ước đã được nghiên cứu, vận dụng trong quá trình soạn thảo luật góp phần nâng cao nhận thức của các nhà làm luật, các ngành liên quan và thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng. Rồi đây, khi Luật đi vào đời sống sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi mới thúc đẩy việc thực thi CEDAW ở nuớc ta.

Trên bình diện chính sách, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực rất đáng ghi nhận: Xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các giai đoạn đến 2000 và 2010, xác định rõ mục tiêu và các chỉ tiêu bình đẳng giới trong Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2006 – 2010 và nhiều chương trình quốc gia khác. Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc những năm vừa qua đều có mục đề cập trực tiếp tới công tác phụ nữ, làm cơ sở cho các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cũng như chủ trương chính sách của Nhà nước và các ngành, các cấp. Bộ máy vì sự tiến bộ phụ nữ đã được hình thành và đi vào hoạt động ở 47 bộ ngành cơ quan Trung ương và 64 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Phong trào phụ nữ có nhiều khởi sắc. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp triển khai nhiều biện pháp thiết thực đã làm tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ. Hội cũng chính là thành viên tích cực thay mặt cho chị em phụ nữ tham gia xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các địa phương. Đóng góp nổi bật của Hội phụ nữ trong lĩnh vực lập pháp là việc đề xuất sáng kiến và chủ trì xây dựng Luật Bình đẳng giới nêu trên.

Trải qua 25 năm thực hiện Công ước, quyền bình đẳng thực chất của phụ nữ theo yêu cầu của CEDAW ngày càng được bảo đảm hơn. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới đã có sự cải thiện. Chúng ta đã từng bước khắc phục tệ phân biệt đối xử với phụ nữ từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia đạt tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế cao nhất thế giới – 83% so với nam giới là 85%. Chỉ số phát triển giới năm 2005 của chúng ta đứng thứ 83/140 nước trên thế giới. Báo cáo năm 2006 của Ngân hàng thế giới đã đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia Đông á có tốc độ khắc phục cách biệt giới nhanh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Minh chứng cụ thể cho nhận định này là những thành tựu có tính thuyết phục cao: giảm nửa số dân diện nghèo đói qua 20 năm, gần đạt bình đẳng nam nữ trong giáo dục cơ sở, đứng thứ 18 trên toàn cầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội với 27,3%…

Bên cạnh những thành tích đáng tự hào kể trên chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, việc thực hiện Công ước CEDAW ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một số quy định của pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ chưa được thực hiện nghiêm túc. Đến năm 2006, chúng ta mới chỉ đạt được 40% chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ cho giai đoạn 2001 – 2005. ở nơi này, nơi khác còn có tình trạng định kiến, phân biệt đối xử với phụ nữ. Tệ ngược đãi phụ nữ, mại dâm, buôn bán phụ nữ trẻ em, bệnh dịch HIV/AIDS, tệ nạn xã hội…vẫn đang diễn biến phức tạp. Thực tế đó dẫn tới mức độ thụ hưởng quyền bình đẳng của phụ nữ ngoài xã hội cũng như trong phạm vi gia đình chưa cao.

Báo cáo về tình trạng thực hiện Công ước ở Việt Nam qua từng giai đoạn cũng đã nghiêm túc kiểm điểm về những vấn đề này đồng thời nêu bật những giải pháp khắc phục kể cả giải pháp pháp luật mà Nhà nước và các ngành, các cấp đang triển khai. Nhận xét về Việt Nam, Uỷ ban Công ước cho rằng: “Nền văn hoá mang đậm tính gia trưởng và việc đề cao vai trò truyền thống của nam giới và phụ nữ là những trở ngại đối với việc thực hiện đầy đủ CEDAW”. Điều này cho thấy nhiệm vụ giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ và nhân dân cần được quan tâm hơn nữa. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các ngành, các cấp cần tập trung vào khắc phục sự cách biệt giới hiện đang tồn tại trong các lĩnh vực đồng thời phòng ngừa, giải quyết có hiệu quả các tệ nạn xã hội đang tác động tới phụ nữ.

Có thể nói rằng, sau một phần tư thế kỷ tham gia CEDAW, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc gia đối với Công ước và đạt những thành tựu rất đáng khích lệ. Đó là cơ sở vững chắc để Nhà nước và nhân dân ta quyết tâm phấn đấu cho sự nghiệp bình đẳng giới và tiến bộ cho phụ nữ Việt Nam và hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s