Tiếng nước tôi, xin giấu vào lòng
Gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người – Kỳ 2: Sao Mai ở Berlin
Gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người – Kỳ 3: Cho và nhận
“Sự tích chú Cuội” giữa lòng Warsaw
Nối lại nhịp cầu
Một đề án dở dang
Để “tiếng nước tôi” vang mãi nơi xa…
Tiếng nước tôi, xin giấu vào lòng
TT – Nửa thế kỷ qua, hành trình gieo chữ Việt cho người Việt trên đất Thái Lan đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Nhớ lại những tháng ngày gian nan đi học, đi dạy phải giấu giấu giếm giếm, nhiều thầy cô không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc…
![]() |
Cô giáo Đào Thanh Tẻo (phải) và một cô giáo dạy tiếng Việt ở Đài Loan – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thương nhớ “tiếng nước tôi…”
Bà Đào Thanh Tẻo giờ đã ngoại ngũ tuần. Người phụ nữ thấp đậm, gương mặt tươi tắn, nói tiếng Thái sõi hơn tiếng Việt, khiến phần lớn người gặp bà lần đầu đều lầm tưởng bà là người Thái Lan. Ở lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài tại Hà Nội những ngày tháng 10-2013, bà Tẻo tự nhận là “nói tiếng Việt kém trôi chảy nhất”. Nhưng ít ai biết đó là cô giáo đặc biệt trên đất Thái. Trong câu chuyện lan man với cô giáo Tẻo, chúng tôi mới vỡ lẽ người phụ nữ này đã phải nhiều năm trời giấu thân phận mình dưới vỏ bọc của một người Thái Lan…
… Một thời gian dài, tiếng Việt gần như một thứ ngôn ngữ bị cấm trên đất nước Thái Lan. Người dạy, người học đều không dám hé ra mình có tí liên đới nào đến chữ Việt. Sách mang đến lớp phải buộc chặt vào bụng giấu dưới áo để tránh bị phát hiện bất ngờ. “Khi tôi lớn lên, vào những năm 1960-1970, khu dân cư có đông người Việt sinh sống thường bố trí những cửa ngách thông nhau giữa nhà nọ với nhà kia. Trong nhà dạy học, bên ngoài phải có người đứng cảnh giới. Chính quyền đến kiểm tra là người dạy, người học đã chạy thông sang nhà khác tự bao giờ rồi. Dù cẩn thận ngụy trang như thế nhưng không ít lần người học, người dạy tiếng Việt bị bắt quả tang vì tội dạy chữ trái phép”- bà Tẻo nhớ lại.
Sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, nhưng ngay từ lúc thơ bé bố mẹ bà đã dặn phải học tiếng Việt cho chuẩn vì “cả gia đình sẽ về quê ở Sơn Tây- VN sống”. Vậy là cô bé con thuở ấy cứ 7 giờ đến lớp tiếng Việt rồi 9 giờ lại đến trường học của người Thái. Đến khi học hết lớp 7 tiếng Việt, như nhiều người Việt khác, bà tham gia đứng lớp giảng dạy. Nhưng rồi nhiều người cho rằng học cũng chẳng để làm gì vì chả biết dùng vào dịp gì, người học dần thưa vắng.
Cuộc sống mưu sinh đưa đẩy bà Tẻo một thân một mình lên thủ đô Bangkok lập nghiệp. Một quán ăn sầm uất một tay bà gây dựng, chăm chút. “Quan hệ hai nước khi đó còn hạn chế, người VN bị kỳ thị, lộ ra nguồn gốc mình chắc chắn tôi chẳng thể làm ăn được. Tôi đóng vai một người Thái, nói tiếng Thái, ăn kiểu Thái, vui chơi như người Thái bằng cái tên đặc sệt Thái: Supac Daodecha. 20 năm sống ở Bangkok theo cách đó, tôi không dám tin có ngày mình lại được trở về công việc dạy tiếng Việt”- bà Tẻo tâm sự. Giấu mình trong hình ảnh một phụ nữ Thái Lan, nhưng tình yêu dành cho thứ tiếng mẹ đẻ vẫn nhắc cô phải “giữ vốn” mỗi ngày. “Thương nhớ tiếng Việt lắm, nhưng tôi chỉ có thể nghe những tiếng thân thương ấy vào ban đêm, một mình, qua cassette”- bà Tẻo bùi ngùi. Rồi bà nghĩ ra cách để dùng được tiếng Việt nhiều hơn: phải ghi chép gì, bà đều phiên âm tiếng Thái để được ghi lại bằng chữ Việt, chép lại những bài hát Thái bằng tiếng Việt. “Tôi có một máy nghe nhạc, lén thu âm những bài hát VN. Lúc rảnh tôi lắp headphone để nghe, để không quên tiếng Việt. Nhưng việc đó cũng chỉ lén làm thôi, không thể để người khác biết”- bà Tẻo nói.
![]() |
Thầy Lê Quốc Vi – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hơn 7.000 ngày ở thủ đô Bangkok không lúc nào bà Đào Thanh Tẻo thôi mơ ước được trở lại nơi mình sinh ra, nơi nhiều người Việt sinh sống để dạy chữ Việt cho đồng bào. Ngày trở về tỉnh Sakolnakhon, khi đã bước sang tuổi 53, công việc đầu tiên bà nghĩ đến là dạy chữ cho trẻ em gốc Việt. Đến giờ, hơn một năm sau ngày đứng lớp, số học sinh của bà đã lên đến cả trăm người, trẻ con có, thanh niên có, người Việt có, người Thái cũng có.
Những thầy cô đã theo dạy tiếng Việt trên đất Thái Lan nhiều năm qua đều chia sẻ nếu đứng ở thời điểm quá khứ nhìn tới, chả ai dám mơ có lúc thứ tiếng vốn bị hắt hủi mấy chục năm trước lại được công nhận là môn ngoại ngữ tự chọn và được nhiều học sinh lựa chọn. Việc dạy – học chỉ thuận lợi khi quan hệ hai nước ngày càng xích lại gần nhau trong khối ASEAN, đặc biệt từ thời điểm Thái Lan áp dụng chính sách các trường học thuộc các tỉnh biên giới giáp với nước nào thì học tiếng nước đó như một môn ngoại ngữ.
Thầy giáo Lê Quốc Vi (tên Thái Lan là Thawee Rungrotkajonkul) đồng thời là tổng thư ký Hội Người VN tại tỉnh Ubon Ratchathani nhớ như in cảm giác nghẹt thở vì lo lắng mỗi ngày cắp sách đến trường học tiếng Việt 30-40 năm trước. Nhưng từ khi Thái Lan mở rộng chính sách học tiếng Việt như một ngoại ngữ trong nhà trường, nhu cầu học tiếng Việt đột ngột trở nên mạnh mẽ trong chính cộng đồng người bản địa. Giao lưu kinh tế giữa hai nước càng mạnh thì nhu cầu học tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh càng phát triển trong các trường trung học, ĐH của Thái Lan.Tiếng Việt đã có vị thế hơn xưa nên thầy Vi, vốn chỉ là một thợ điện có thâm niên 40 năm giảng dạy tiếng Việt tại các lớp học gia đình, đã được đích thân lãnh đạo Trường đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani đến tận nhà mời làm giảng viên môn tiếng Việt.
Nhưng không phải tiếng Việt giờ đã dễ dàng đến với người Việt trên đất Thái. Trong lớp học tiếng Việt thầy Vi dạy tại Trường đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani, học sinh Thái Lan luôn chiếm áp đảo so với học sinh người Việt. “Ở đa số gia đình người Việt hiện nay trẻ em đi học cả ngày ở trường, tối về lại ra sức làm bài tập, không còn khoảng trống nào để học tiếng Việt nữa. Đã qua thời tiếng Việt bị “ngăn sông cấm chợ”, nhưng việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ lại đối mặt với thách thức mới của nhịp sống công nghiệp gấp gáp”- thầy Vi phân tích.
Con đường duy trì tiếng Việt, văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt ở Thái vẫn còn gập ghềnh. Nhưng những người từng giấu sách tiếng Việt sau vạt áo đi học, từng giữ tiếng Việt trong sâu thẳm tim mình vẫn tiếp tục hi vọng và nỗ lực bền bỉ…
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi Mẹ hiền ru những câu xa vời À à ơi! Tiếng ru muôn đời Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi |
“Dạy và học tiếng Việt trên đất Thái đã trải qua hành trình gian nan mà nếu không có những người tận tâm giữ chữ, tha thiết hướng về cội nguồn, không biết số phận của tiếng Việt trong cộng đồng người Việt hiện nay sẽ ra sao. Có từng nghe chuyện về những người đi dạy chui tiếng Việt trên xứ người, rồi bị bỏ tù khi chính quyền phát hiện mới thấy được quyết tâm nuôi chữ Việt trong cộng đồng. Đến nay điều kiện học chữ, học tiếng thuận lợi hơn, nhưng hơn bao giờ hết người Việt xa xứ cần được cộng hưởng bằng sự quan tâm thật sự từ VN, để vốn liếng tiếng Việt thế hệ gốc Việt thứ hai, thứ ba vẫn tiếp nối được dòng chảy tiếng mẹ đẻ trong đời sống cộng đồng”. |
_____________
Kỳ tới:Sao Mai ở Berlin
Gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người – Kỳ 2: Sao Mai ở Berlin
TT – “Chúng tôi đã mang tất cả những gì có thể tới lớp học, từ đồ ăn tới quần áo, vật dụng tự chế với mong muốn kéo bọn trẻ gần hơn với cội nguồn để từ đó khơi dậy niềm hứng thú học tiếng mẹ đẻ. Dạy tiếng Việt ở đây cũng gian nan không khác nhiều lắm thời “bình dân học vụ” hồi trước ở Việt Nam” –
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường Sao Mai ở Berlin (CHLB Đức), nói.
![]() |
Cô giáo Thanh Tâm trong giờ dạy tiếng Việt ở Trường Sao Mai – Ảnh: nguoiviet.de |
Trở lại bục giảng
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm đã tự bỏ tiền để về VN tham dự lớp tập huấn do Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài và Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 10-2013. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống dạy học, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm thi vào ngành sư phạm và trở thành cô giáo dạy văn Trường THCS Quang Trung, Hà Nội.
“Theo chồng sang Đức năm 25 tuổi, tôi đành tạm biệt bục giảng. Sau thời gian nghỉ chăm sóc con, tôi túc tắc đi làm bán thời gian ở một cửa hàng bán hoa tươi. Khi đó tôi đã nghĩ sẽ giã từ nghề dạy học. Nhưng rồi cơ duyên lại tới lần nữa. Tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở Berlin” – cô Tâm kể với chúng tôi.
Trò chuyện với chúng tôi tại căn hộ của gia đình ở Hà Nội, cô Tâm cho biết: “Hơn 20 năm xa quê nhưng tôi luôn ý thức giữ cho các con văn hóa truyền thống. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt thuần túy. Thời gian đầu cứ có người về nước là tôi nhờ mua sách, truyện từ VN. Tôi đọc và dạy lại cho các con. Càng xa đất nước mình, tôi càng thấy yêu văn hóa Việt, thấy tiếng Việt của mình thật giàu ý nghĩa. Đó cũng là lý do khiến tôi nhận lời trở lại bục giảng lần thứ hai với vai trò dạy tiếng Việt”.
Cô Tâm kể: “Hầu hết bọn trẻ không biết tí gì hoặc nói được rất ít tiếng Việt nên phương pháp dạy tiếng Việt cũng không thể áp dụng theo cách dạy chữ cho trẻ lớp 1 ở Việt Nam. Đó là một thách thức đòi hỏi người dạy phải kiên nhẫn, tìm tòi, áp dụng cách dạy học khác nhau. Nếu dễ nản chí sẽ không thể theo đuổi công việc khó khăn này, bởi vì đây hoàn toàn là việc thiện nguyện, chúng tôi dạy học không phải để kiếm sống”.
Từng dự giờ dạy của cô Thanh Tâm và ghi lại nhiều hình ảnh lớp học ở Sao Mai, ông Quang Chí, một kiều bào ở Đức, kể lại: “Tôi thấy cô Tâm không chỉ yêu nghề mà còn truyền cho các em tấm lòng của người mẹ. Với giọng nói của người Hà Nội chính gốc, chậm rãi, nhẹ nhàng và kiên trì, cô Thanh Tâm giảng giải từng từ, chữ và nghĩa để các em hiểu. Tôi chứng kiến và rất đỗi ngạc nhiên khi các cháu học sinh nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức, nhưng khi vào giờ học các cháu trả lời cô giáo bằng tiếng Việt ngon lành!”.
![]() |
Lễ khai giảng lớp tiếng Việt ở Cottbus (Đức) – Ảnh: nguoiviet.de |
Như “bình dân học vụ”
Giữa thủ đô Berlin có một trường học nhỏ mang tên Sao Mai, lập ra để dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt. Trường do bà Mùi, giám đốc Trung tâm thương mại Thái Bình Dương tại Berlin, giúp đỡ.
Nếu như ở VN trẻ chỉ sau 2-3 tháng đã biết đọc, biết viết, sáu tháng có thể đọc thông viết thạo thì ở đây có những học sinh đến trường ròng rã… bảy năm. Vì trường chỉ mở cửa vào chủ nhật nên một năm (trừ những ngày lễ) học sinh chỉ học khoảng 30-35 buổi. 100% cô giáo đều có nghề chính ở nơi khác, dạy học chỉ là công việc tình nguyện với tinh thần mưa dầm thấm lâu.
Tuy nhiên, theo cô Thanh Tâm, “dù chỉ 1 buổi/tuần nhưng thời gian và tâm huyết của các cô giáo Trường Sao Mai dành cho trường, cho học sinh nhiều hơn thế.
Việc vận động học sinh tới trường, giữ các em ở lại trường cũng khó khăn không khác gì vận động học sinh đi học ở vùng sâu, vùng xa.
Theo cô hiệu trưởng Trường Sao Mai, ban đầu khi mới mở trường có 120 học sinh, nhưng rồi cứ rơi rụng dần. Có học sinh đến chỉ để “xem cô dạy thế nào”, có em thấy khó quá nản chí muốn bỏ.
“Nhiều trường hợp cả bố mẹ các cháu và chúng tôi đều phải cùng ngồi nghĩ cách để đưa được các cháu tới trường. Vì các ngày thường, các cháu đã quen học ở trường Đức với điều kiện đầy đủ, phương tiện hiện đại. Với nhiều cháu, văn hóa Việt Nam vẫn quá xa lạ, trong khi cha mẹ bận làm ăn không có thời gian quan tâm. Việc học một thứ tiếng xa lạ với các cháu là điều khó duy trì vô cùng. Bởi thế, chúng tôi vừa dạy vừa dỗ, phải khiến trò yêu cô giáo, tiếp cận dần với văn hóa Việt qua các trò chơi, hoạt động tập thể thì các cháu mới tự nguyện học tiếng Việt”.
Thầy cô ở Trường Sao Mai không chỉ lên lớp với giáo án học tiếng Việt mà phải thực hiện những giờ học linh hoạt trong điều kiện thiếu thốn. Một lớp học thường có tới ba trình độ. Cô giáo phải làm sao dạy cho ba đối tượng học sinh mà không làm các em thấy nhàm chán.
Ông Quang Chí cho biết đã được xem những cuốn sách dày ghi lại câu thơ, đoạn văn, ở dưới có hình vẽ minh họa. Đó là bài tập của học sinh theo hướng dẫn của cô Thanh Tâm. Mỗi thầy cô giáo ở đây đều phải có sáng tạo riêng để đạt được hiệu quả giờ dạy.
Thêm được một học sinh là niềm vui của tất cả các cô giáo. Thiếu một học sinh là nỗi buồn, là trăn trở làm các cô mất ngủ. Giờ Trường Sao Mai chỉ còn hai lớp với 15-20 học sinh/lớp nhưng cô Thanh Tâm chia sẻ: “Dù chỉ còn ít học sinh hơn thế này chúng tôi vẫn dạy. Bởi thêm một em biết tiếng mẹ đẻ, biết hướng về cội nguồn cũng là điều có ý nghĩa lớn lao đối với chúng tôi”. Cô hiệu trưởng Hoàng Liên cho biết: “Có những học sinh cách trường cả trăm cây số nhưng cũng được cha mẹ đưa đến học. Điều đó đã truyền lửa cho chúng tôi vượt qua những tháng ngày vất vả”.
Trường Sao Mai hiện chỉ có ba cô giáo được hưởng lương từ nguồn do phụ huynh đóng góp với mức 10-12 euro/tháng/người, tương đương mỗi buổi học 2-2,5 euro/người, số tiền đó không đủ cho các cô giáo photo tài liệu. “Thường tôi sưu tầm tranh, ảnh, sách trong nước gửi sang, có khi đi mượn để photo lại. Nhưng để học sinh thấy hấp dẫn từ những hình ảnh của quê nhà, tôi phải photo màu. Chi phí photo màu rất đắt nên lương có khi chỉ đủ cho tiền photo. Mỗi chúng tôi đều có một nghề để kiếm sống. Còn việc dạy học, cái được duy nhất với chúng tôi là niềm vui được làm một điều có ích cho quê nhà, cho cộng đồng người Việt” – cô Thanh Tâm chia sẻ.
Còn cô giáo Thanh Hà, giáo viên dạy múa của Trường Sao Mai, có một cửa hàng làm móng tay ở Berlin. Đó là công việc chính để kiếm sống. Nhưng cô Hà tranh thủ mọi thời gian có thể để tự may trang phục cho học sinh phục vụ các buổi sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật. Ngày đi làm, tối về tự mày mò tìm hiểu những điệu múa truyền thống Việt Nam để tự cải biên dạy cho học sinh.
“Cô Hà đã dành hàng tháng để may trang phục cho bọn trẻ. Còn tôi có bao nhiêu áo dài đều mang cả tới trường cho các em nữ sinh. Các em không thiếu thốn vật chất, nhưng thiếu những gì thuộc về VN. Áo dài truyền thống là thứ xa lạ với nhiều em. Rồi cả những món ăn, cuốn sách, hình ảnh VN cũng hiếm hoi. Ở Trường Sao Mai, các cô đều làm món ăn mang tới trường cùng học trò ăn trưa. Chúng tôi đã nỗ lực để ở đây các em thấy như một gia đình” – cô Thanh Tâm nói.
___________
Kỳ tới: Làm sao nối lại nhịp cầu…
Gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người – Kỳ 3: Cho và nhận
TT – “Không hề có thù lao dạy học, nhưng ở đây tôi tìm được đồng cảm từ sự chân thành của học sinh. Mới biết nhau thôi, vậy mà những thầy cô giáo không chuyên chúng tôi dường như đã hiểu nhau lâu rồi, vì chúng tôi có cùng tâm huyết” – cô Thanh Nguyên, một giáo viên ở Đức, chia sẻ cảm nhận của mình khi nhận công việc dạy tiếng Việt cho trẻ em ở Berlin.
![]() |
Các cô giáo dạy tiếng Việt ở nước ngoài trong lần hội ngộ tại Hà Nội tháng 10-2013 – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Cô giáo của em ngoan lắm!
Chia sẻ về tình cảm của học trò với mình, cô Nguyễn Thị Loan (Czech) xúc động nói: “Khi học sinh mới vào lớp, hầu hết các em không nói được tiếng Việt hoặc chỉ bập bẹ vài tiếng. Các em bất hợp tác với cô giáo. Thế nhưng thời gian trôi qua, các em bắt đầu yêu cô giáo, thích đi học. Cảm nhận đó là món quà vô giá đối với tôi. Có lần một em đã mạnh dạn bảo tôi “đẹp cô” (cô đẹp), rồi chỉ chiếc áo tôi đang mặc bảo: “Đẹp cái áo này”… Mặc dù các em vẫn nói theo tư duy ngôn ngữ của Czech, ngược với thứ tự tiếng Việt nhưng tôi biết bọn trẻ đã có tình cảm, đã chấp nhận tôi, tôi sẽ có thể thành công. Có lần tôi bật cười vì một học sinh, chính là em đã bất hợp tác với tôi trong buổi đầu đi học, nói với tôi rằng: Cô giáo của em ngoan lắm!”.
Cô Trịnh Thị Thảo, giáo viên tiếng Việt Trường THPT Nguyễn Du tại Vientiane, Lào kể: “Mỗi sự tiến bộ của học sinh là niềm vui của chúng tôi. Nhiều em học sinh Lào rất thông minh và học tiếng Việt nhanh. Có những lúc các em làm cô giáo bất ngờ. Có lần học tới vần “uyên” là một vần rất khó, tôi yêu cầu các em học sinh tìm từ có vần này, có em tìm nhanh được khá nhiều từ, trong đó có những từ cô cũng chưa nghĩ tới. Chính các em lại là những người làm tôi thấy ngỡ ngàng, có hứng thú hơn trong việc dạy học. Ham học và tính tình hồn hậu, tình cảm của học sinh là thứ níu giữ chúng tôi gắn bó với trường để tiếp tục cuộc sống đi về giữa hai nước, duy trì nghề dạy học”.
Nhiều thầy cô giáo thừa nhận rằng chính họ cũng tìm được tình yêu với nghề, sự gắn bó với quê hương từ những lớp học tiếng Việt. Những câu chuyện, hình ảnh, thông điệp từ Việt Nam được các cô sưu tầm không chỉ mang tới cho học sinh những hiểu biết mới mẻ, mà cũng khiến các thầy cô rút bớt khoảng cách với quê hương, được sống trong bầu không khí thân thương như ở nhà.
Cô giáo Thanh Nguyên, giáo viên Trường tiếng Việt Sao Mai (Berlin, Đức), kể: “Tôi ngạc nhiên và xúc động khi nghe các cháu bé mang hai dòng máu Việt – Đức kể say sưa về sự tích cây nêu, ngày ông công ông táo theo tục lệ ở Việt Nam. Có lần tôi chứng kiến cháu Jasmin, khoảng 7-8 tuổi, tự tay đốt nén hương cắm lên bàn thờ ngày tết. Hình ảnh đó khiến tôi rưng rưng. Tôi được nhận từ “đại gia đình” này gồm các thầy cô, phụ huynh và các em tình cảm nồng hậu, điều đó như ngọn lửa làm ấm lên trong tiết trời giá lạnh nước Đức.
![]() |
Học sinh tập bài hát tiếng Việt để chuẩn bị cho lễ khai giảng ở Praha (Cộng hòa Czech) – Ảnh: nhà báo Diệu Linh cung cấp |
Những dòng thư làm ấm lòng
Đó là thư viết bằng tiếng Việt của em Nguyễn Ngọc Thu Thảo, một học sinh Trường Sao Mai, Berlin gửi cho cô giáo của mình với những lời chân thành: “Kỷ niệm với cô giáo thì rất nhiều, nhưng em nhớ nhất vẫn là kỷ niệm với cô giáo dạy tiếng Việt. Đó là những giờ giải lao cô hay mang cho chúng em hoa quả, bánh kẹo. Mỗi lần nhìn cô gọt hoa quả, em thấy cô giống như mẹ em ở nhà vậy. Cô còn dạy em biết rất nhiều trò chơi và những bài hát Việt Nam. Nhờ cô mà em nói được nhiều tiếng Việt. Những kỷ niệm đó em sẽ nhớ mãi không bao giờ quên. Em yêu cô giáo tiếng Việt của em”.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Tâm (Trường Sao Mai), tuy chữ viết còn xấu, có chỗ còn sai, nhưng có lẽ đó là một trong những bức thư đầu tiên các em viết bằng tiếng Việt và các em đã dành nó cho thầy cô. Còn đây là tâm sự của một phụ huynh, chị Tống Bích Thanh, Việt kiều tại Đức: “Lòng người mẹ luôn ngập tràn niềm vui khó tả, mỗi khi con đi học tiếng Việt về rối rít tới bên mẹ kể: “Mẹ ơi, hôm nay con được bốn điểm 10”, “Mẹ ơi, hôm nay cô đọc bài Nhật ký của mẹ, con thấy cô rơm rớm nước mắt, hình như cô đang nhớ đến mẹ của cô. Con thấy bài thơ đó hay lắm mẹ ạ, con cũng rất xúc động”. Tuy thời gian học ít ỏi (một tuần hai tiết) nhưng sau mỗi lúc đi học về được nghe con kể, tâm sự, tôi thấy ấm áp như đang sống ở quê nhà. Thế là con tôi không bị mất gốc Việt. Con mình có văn hóa Việt. Cháu không chỉ biết đọc thơ, viết văn mà còn hiểu biết rất rộng về những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, biết hát múa những làn điệu quê hương. Đặc biệt hơn, nơi đây đã hình thành trong con tôi nhân cách sống tốt, biết yêu thương và biết nói lời yêu thương với bố mẹ, họ hàng, bạn bè, người thân, biết yêu quê hương Việt Nam và biết làm những việc thiện, đối xử thân thiện với mọi người, tôi thật tự hào về cháu. Tôi hiểu những thành quả đó là công lao to lớn của các cô giáo trong trường. Tình yêu thương của các cô thật vô bờ bến. Các cô đã thương yêu chăm sóc học sinh như chính con mình. Mặc cho nắng mưa, trời đông tuyết giá, căn phòng nhiều khi lò sưởi chưa kịp nóng, lại đi bộ một đoạn dài mới vào tới trường, các cô đã hi sinh những chủ nhật hiếm hoi bên chồng con để dành cho học sinh”.
Nhiều học sinh đã không còn học ở lớp tiếng Việt nữa, các em vào đại học hoặc chuyển sang sống nơi khác nhưng vẫn viết thư cho cô giáo của mình, những lá thư bằng tiếng Việt. Cô Nguyễn Thị Loan ở CH Czech kể: “Có em nhờ tôi tư vấn về những vấn đề khúc mắc đang gặp phải. Cả các phụ huynh học sinh cũng thế, họ gọi cho tôi ngoài giờ, vào các buổi tối để chia sẻ nỗi lo lắng về con, cách dạy con nên thế nào để con hòa nhập với thế giới hiện tại nhưng giữ được những cốt cách mà bố mẹ mong muốn. Tôi hiểu qua những tâm sự đó là sự tin tưởng đặt vào nơi tôi. Đó là trách nhiệm tôi tình nguyện gánh lấy nhưng cũng là niềm vui của một cô giáo ít nhiều có những thành công ở vai trò người thầy tiếng Việt”.
|
___________
VĨNH HÀ – NGỌC HÀ – HƯƠNG GIANG
“Sự tích chú Cuội” giữa lòng Warsaw
TT – “Niên khóa 2013-2014 khai giảng từ tháng 9 vừa rồi, Trường tiếng Việt Lạc Long Quân đạt sĩ số học sinh rất cao: 180 em theo học 15 lớp” – ông Lê Xuân Lâm, hiệu trưởng và là đồng sáng lập Trường Lạc Long Quân ở thủ đô Warsaw (Ba Lan), vui mừng chia sẻ.
![]() |
Cô giáo Ngọc Tâm dạy các học trò mang hai dòng máu Việt – Ba Lan tập đọc tiếng Việt tại Trường Lạc Long Quân – Ảnh: Trung nghĩa |
Cho con học trường Việt trước trường “Tây”
“Hôm nay trời thế nào?”, cô giáo Ngọc Tâm dịu dàng hỏi. “Thưa cô trời đẹp”, học sinh bên dưới đáp đồng thanh. “Các con bắt đầu làm kiểm tra học kỳ nhé. Câu A: các con hãy đọc sự tích chú Cuội cung trăng cho cô nghe…”.
Vào mỗi 16g-19g thứ bảy hằng tuần, các lớp học Trường tiểu học 246 Gabrieli Mistral (số 17 đường Majewskiego, Warsaw – nơi Trường Lạc Long Quân thuê lại để giảng dạy) lại rộn rã tiếng cười, tiếng bi bô tập đọc, tập hát của các con em gia đình người gốc Việt.
Chị Nguyễn Hải Lan, phụ huynh bé Nguyễn Lan Vy, cho biết cách đây ba năm chị cho con theo học Trường Lạc Long Quân trước cả khi bé nhập học bậc tiểu học trường Ba Lan. “Tôi muốn con mình có vốn tiếng Việt đủ để hiểu được tâm tư tình cảm trong quan hệ gia đình, không ngần ngại dùng tiếng Việt để nói chuyện với ông bà cha mẹ và rộng hơn là những người thuộc cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan. Phụ huynh gửi con đến trường còn nhận thấy con em mình có nhiều cơ hội tiếp xúc với bạn bè cùng nguồn cội để trẻ không thấy lẻ loi, quá thiểu số ở xứ người”, chị Lan nói.
Trường Lạc Long Quân chia độ tuổi học sinh (5-14 tuổi) vào các lớp A0 (tương đương mẫu giáo), A-B-C-D-E với giáo trình giảng dạy chủ yếu từ bộ sách giáo khoa “Tiếng Việt vui” cùng với nội dung tự biên soạn của hội đồng nhà trường. Ở lớp A (dành cho học sinh 5 tuổi), sau những giờ phút các em tập viết chữ nắn nót trên trang vở dòng kẻ là các màn tập văn nghệ, đàn hát vui vẻ – lúc cô và trò có thể cùng kết tóc cho nhau như mẹ và con trong một nhà.
“Không chỉ con em gia đình Việt Nam mà các trẻ mang hai dòng máu Việt – Ba Lan cũng theo học. Trường tập trung dạy nghe và hiểu cho học sinh để các em nói chuyện trôi chảy với bố mẹ trong gia đình” – cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm, người có thâm niên 20 năm theo nghề giảng dạy từ VN đến khi định cư tại Ba Lan, cho biết.
Còn cô giáo trẻ Lê Lan Anh mặc dù có nghề chính là làm ở công ty luật nhưng vẫn thích đi dạy cho các em nhỏ ở Trường Lạc Long Quân. Là giáo viên thuộc tốp trẻ tuổi nhất trong số 15 giáo viên của trường, Lan Anh cho biết các giáo viên ở đây đều thích sinh hoạt với trẻ em, “chăm sóc càng tận tình thì trẻ càng tiếp thu nhanh bài vở, càng mau nhớ chữ Việt, nói tiếng Việt. Phụ huynh đến đón muộn thì các cô giáo vẫn ở lại kiên nhẫn chờ đợi”, Lan Anh kể.
Và niềm tin của các phụ huynh đối với trường dạy tiếng Việt còn là không gian cân bằng giữa học và vui chơi, các sinh hoạt ngoại khóa “rất giúp ích cho các cháu” theo nhận xét của chị Hải Lan: “Cháu nhà tôi thấy rất vui, theo được bài vở trong trường, không hề tỏ ý chán hoặc muốn nghỉ học trong suốt hai năm từ 5-7 tuổi”.
Thậm chí có phụ huynh người Ba Lan như bà Kasia, mẹ cháu Phillip Trung 7 tuổi, sau một thời gian đưa cậu con trai mang hai dòng máu Việt – Ba Lan đến Trường Lạc Long Quân học thì chính bà cũng dành thời gian học tiếng Việt: “Để tôi có thể nói tiếng Việt với con và gia đình bên chồng”.
![]() |
Cô Nguyễn Thị Anh Vân, phó hiệu trưởng Trường Lạc Long Quân, dạy hát cho học sinh 10-12 tuổi – Ảnh: TR.N. |
15 năm dạy & học tiếng Việt
Ra đời ngày 2-9-2007 với tên gọi ban đầu Văn Lang thuộc Trung tâm văn hóa Văn Lang, Trường tiếng Việt Lạc Long Quân ngày nay có sự sáp nhập giữa Trường Văn Lang ban đầu với một trường tiếng Việt đầu tiên ở Ba Lan từng hoạt động 10 năm (1999-2009).
“Năm 2013 Trường Lạc Long Quân có bước tiến mới là mở thêm một cơ sở mới ở Raszyn (ngoại ô Warsaw) dạy cho 10 trẻ gốc Việt, đồng thời mở thêm chi nhánh ở thành phố Wrocław và chuẩn bị thêm chi nhánh Krakow. Sang năm 2014 chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 15 năm giảng dạy tiếng Việt ở xứ sở “mùa tuyết tan, đường bạch dương sương trắng nắng tràn” này”, hiệu trưởng Lê Xuân Lâm cho biết.
Để Trường Lạc Long Quân trở thành một trong số những mô hình thành công nhất của việc dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào Việt Nam ở châu Âu, nguyên do quan trọng nhất chính là ý thức cộng đồng Việt kiều ở Ba Lan.
“Bản thân tôi sang Ba Lan đã hơn 20 năm rồi và cũng có hai đứa con sinh ra và lớn lên tại xứ người. Sẽ buồn lắm nếu con mình không nói được tiếng Việt, hoặc phải dạy bảo con bằng tiếng Ba Lan. Càng buồn hơn nếu cho các con về thăm quê hương Việt Nam mà không hiểu ông bà nội nói lời yêu thương gì” – hiệu trưởng Lê Xuân Lâm lấy chính chuyện nếp nhà ông để nói lên một nguyện vọng chung cho những người Việt xa quê ở Ba Lan: muốn các thế hệ sau của họ không quên ngôn ngữ quê hương.
Ông Lâm thừa nhận có những lúc khá khó khăn vì “Lạc Long Quân chỉ thu học phí ở mức tạm đủ để trang trải chi phí hoạt động cho trường (thuê cơ sở và giáo viên giảng dạy)”, nhưng những người “đứng mũi chịu sào” cho trường vẫn cố gắng duy trì với sự ủng hộ hết lòng của đông đảo phụ huynh người Việt, các hội đoàn Việt kiều Ba Lan và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.
“Trăn trở của chúng tôi hiện còn là việc nâng cao số lượng giáo viên lẫn chất lượng nghiệp vụ. Song song đó là việc soạn thêm những giáo trình dạy tiếng Việt cập nhật mới thật hiệu quả, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh học hành của học sinh ở đây” – tiến sĩ Đặng Ngọc Hân, hiệu phó Trường Lạc Long Quân, chia sẻ.
Một hoạt động rất mạnh và rất được phụ huynh lẫn học sinh trường yêu thích là việc tổ chức các sinh hoạt văn nghệ trong các ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, tổ chức trại hè thiếu nhi “Vui cùng tiếng Việt” kéo dài hai tuần. Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh (chủ nhiệm CLB “Đọc sách cùng con” ở Hà Nội), người được mời soạn nội dung cho trại hè thiếu nhi của Trường Lạc Long Quân, đã tạo ra phương pháp dạy tiếng Việt trực quan sinh động qua những chủ đề hấp dẫn giúp học sinh sử dụng linh hoạt từ vựng tiếng Việt để bày tỏ cảm xúc, hiểu biết các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đóng hoạt cảnh, tập làm món ăn từ nem kiểu Việt đến bánh mì sandwich…
“Muốn trẻ thích tiếng Việt và nhớ lâu thì phải dùng những khái niệm, hình ảnh dễ hiểu, thực tế và cách chuyển tải hấp dẫn, có sức cuốn hút cao. Thông qua trại hè “Vui cùng tiếng Việt” (mỗi kỳ có 70-80 em tham gia), các em có một sân chơi vui nhộn, gắn kết với bạn bè, chia sẻ cảm xúc và nhớ đến những nét văn hóa Việt. Đặc biệt là sau trại hè, các em dạn dĩ nói tiếng Việt hơn hẳn”, hiệu trưởng Lê Xuân Lâm tâm đắc nói về một cách làm hữu hiệu trong nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ bản sắc dân tộc Việt trên xứ người.
|
_______________
Kỳ tới: Nối lại nhịp cầu