Làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trong giáo dục và học tập

Bài viết được thực hiện bởi Jordan Naidoo, Giám đốc chương trình Giáo dục cho Tất cả Mọi Người thuộc UNESCO [Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc], và Manos Antoninis, chuyên gia phân tích chính sách cao cấp, thuộc Global Monitoring Report (Báo cáo Giám sát Toàn cầu). Đây là bài viết thứ 12 trong loạt blog của chúng tôi, nhằm mục đích tìm hiểu phương thức phác thảo các Mục tiêu Phát triển Bền vững bao gồm đầy đủ các nhóm kinh tế, xã hội, bằng cách mời một loạt chuyên gia viết về các lĩnh vực then chốt của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Post2015 – Cuối cùng thì chương trình nghị sự quốc tế cũng đã xem xét một cách nghiêm túc những tác động tiêu cực của bất bình đẳng đối với việc đạt được phát triển bền vững. Trong giáo dục, sự phân bố không đồng đều cơ hội được hưởng giáo dục trong nhà trường đã được chỉ ra là nguyên nhân làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột, cùng với các tác động tiêu cực khác. Quan trọng không kém là sự công nhận rằng bất bình đẳng trong giáo dục là yếu tố chính gây ra bất bình đẳng trong thu nhập và cơ hội. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi việc tập trung xử lý bất bình đẳng trở thành mối quan tâm chính yếu trong chương trình nghị sự về giáo dục. Điều này được nhấn mạnh trong Diễn đàn Giáo dục Thế giới tổ chức tháng Năm năm nay, khi bản Tuyên ngôn Incheon phát biểu rõ ràng “Không có mục tiêu nào được coi là hoàn tất nếu nó bỏ sót bất kỳ cá nhân nào”.

Mục tiêu 4.5 trong chương trình SDG kêu gọi tất cả các nước “xóa bỏ sự chênh lệch về giới trong giáo dục và đảm bảo quyền được tham gia giáo dục và đào tạo nghề một cách bình đẳng cho những đối tượng thiệt thòi, bao gồm người khuyết tật, các dân tộc bản địa, và trẻ em dễ bị tổn thương hay bị hại”. Các nhóm đối tượng thiệt thòi có thể bao gồm, chẳng hạn như, trẻ con sống trong vùng tranh chấp, hộ nghèo, người dân ở những khu vực thưa thớt, trong các gia đình di cư, thuộc các nhóm du mục hoặc dân tộc bản địa, nhóm ngôn ngữ hay dân tộc thiểu số. Mặc dù mục tiêu này không đề cập cụ thể các nhóm đối tượng này và các nhóm bị loại trừ trong xã hội khác, lời cam kết thực hiện không để ai bị bỏ lại phía sau yêu cầu tất cả các nước xử lý tất cả các hình thái của phân biệt đối xử và loại trừ trong giáo dục.

Một thực tế không thể đánh giá thấp là, về tính lịch sử, trong nhiều bối cảnh khác nhau, giáo dục lại chính là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng và duy trì sự thiệt thòi của một số nhóm đối tượng. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh trở lại vào bất bình đẳng và sự xuất hiện ngày càng dồi dào của thông tin đã mở ra cơ hội hiện thực hóa tiềm năng tối đa của giáo dục trong việc giảm thiểu và thậm chí xóa bỏ bất bình đẳng. Cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng toàn thế giới trong lĩnh vực giáo dục đã cho thấy các nước có trình độ phát triển giáo dục tương đương nhau vẫn khác biệt nhau về thành tựu của các nhóm dân số khác nhau. Ví dụ, Philippines và Nam Phi đều có tỉ lệ trung bình trẻ em hoàn thành bậc tiểu học là 91% vào năm 2013, nhưng chỉ có 71% trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất ở Philippines hoàn thành bậc này, còn ở Nam Phi, con số này là 85%.

Chúng ta cũng không nên quên rằng các chỉ số đo lường bất bình đẳng chỉ tính đến các đối tượng CÓ đến trường. Ở Senegal, khoảng 38% học sinh lớp 6 đạt được trình độ đọc cơ bản. Nhưng tỉ lệ của toàn bộ trẻ em ở độ tuổi lớp 6 đạt trình độ này thì chỉ là 16%, và điều này hoàn toàn dễ hiểu vì chỉ có 1/3 trẻ em hoàn thành bậc tiểu học. Thách thức còn tồn tại trong việc đảm bảo rằng các chỉ số bất bình đẳng xã hội có tính đến cả các đối tượng nằm ngoài hệ thống giáo dục chứ không chỉ các đối tượng được đến trường.

Trong khi các cơ quan quốc tế đã có những bước tiến nhất định trong việc khơi dậy mối quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục, bộ giáo dục các nước cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc giám sát sự tiến triển trong giáo dục của các bộ phận dân số khác nhau. Điều này đòi hỏi đổi mới tư duy và phát triển khả năng thu thập và phân tích dữ liệu theo một cách khác, và lên chương trình hành động dựa theo những kết quả phân tích này. Cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ, và một ý tưởng được đưa ra tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới tổ chức tháng Năm năm nay, sự kiện nhấn mạnh “Không có mục tiêu nào được coi là hoàn tất nếu nó bỏ sót bất kỳ cá nhân nào”, chính là thành lập một nhóm liên kết để hỗ trợ các nước cam kết cải thiện nhận thức về bất bình đẳng trong giáo dục.

Việc biết được chúng ta đang đứng ở đâu – và nguyên nhân của mức độ bất bình đẳng là gì – là một xuất phát điểm quan trọng. Nhưng điều đó chưa đủ để giúp chỉ dẫn cho chính phủ cần làm gì để giảm bớt các dạng bất bình đẳng và đáp ứng nhu cầu của những người bị ra rìa xã hội. Các quốc gia cần được hỗ trợ để học hỏi lẫn nhau về cách thức, quy mô, và mức độ thành công. Đã có những nỗ lực được khởi xướng để xây dựng một khung tham chiếu chỉ ra những chính sách nào có tác dụng thúc đẩy được bình đẳng trong giáo dục ở các nước khác nhau. Tuy nhiên trong 2-3 năm tới, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để những kiến thức này được lan rộng, chỉ như thế mới có được những chính sách hợp lý hơn trong tương lai, tạo ra những tác động thống nhất toàn cầu.

Chúng ta cũng cần tập trung tìm hiểu những thành tố nào trong hệ thống giáo dục gây ra và duy trì bất bình đẳng. Những cơ chế tạo ra bất bình đẳng có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi: trong nội dung sách giáo khoa cổ xúy cho bất bình đẳng giới, trong sự dung thứ những hệ thống giáo dục được sắp đặt sẵn tạo ra thêm nhiều đặc quyền đặc lợi cho tầng lớp vốn đã quá nhiều quyền lợi, hoặc trong những biện pháp thực hiện thiếu hiệu quả khiến những học sinh cần được giúp đỡ nhất lại phải học những giáo viên kém kỹ năng.

Quãng đường tiến tới đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong giáo dục và học tập còn rất dài – nhưng chúng ta phải chớp đúng khoảnh khắc và tập trung các nỗ lực chung để thực hiện nhiệm vụ này. Bản thân giáo dục mình nó không thể xóa bỏ bất bình đẳng, nhưng mọi nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng đều có một nội dung quan trọng là giáo dục. Trong những nỗ lực đó giai đoạn sau 2015, chúng ta phải đảm bảo không chỉ quyền bình đẳng về cơ hội giáo dục mà cả sự đồng đều về kết quả nếu chúng ta thành thực muốn không ai bị bỏ lại.

Dịch từ Post2015 bởi Huyền Ngọc, PhD Candidate on Education, University of Queensland, Australia

 

 

1 bình luận về “Làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trong giáo dục và học tập

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s