Chính quyền bức tử doanh nghiệp – 8 bài

***

“Luật rừng” bức tử DN tư nhân: Bài 1 – Muốn khởi nghiệp, phải… xây cầu, làm 11km đường

(PLVN) – Nhìn trên bản đồ vệ tinh khu vực mỏ đá Tân Cang (ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), ai cũng ngạc nhiên khi giữa mênh mông những bãi đá lở loét một màu xám xịt, còn lọt thỏm lại một mảng xanh là mảnh rừng hình tam giác. Nơi đây xưa kia là bạt ngàn núi rừng, nương rẫy, bị các mỏ đá “thôn tính” nuốt trọn, sao vẫn còn một mảnh rừng cô đơn? Đó là một câu chuyện dài oan khuất của một doanh nghiệp tư nhân bị mất đất, mất kế sinh nhai, hàng chục năm nay đội đơn khắp nơi tìm công lý.

“Luật rừng” bức tử DN tư nhân: Bài 1 - Muốn khởi nghiệp, phải… xây cầu, làm 11km đường
Ông Ngà chỉ tay về hướng nhà cửa, vườn tược đã bị cưỡng chế đập phá giao Dona Coop

Từ “đại gia” hóa “tiều phu” đốt than 

Trưa nắng chang chang, ông Huỳnh Văn Ngà (SN 1964) vừa dò dẫm chạy chiếc xe máy cà tàng trên con đường bị xe ben cày nát chỉ còn trơ đá hộc và ổ voi, vừa chỉ tay sang những vực sâu khổng lồ bên đường tiếc nuối: “Nhà tôi xưa ở khu đó. Trại heo khu này. Trại gà chỗ kia…”.

Gia đình ông hơn 10 năm trước từng là “đại gia” trong vùng, khi có tới gần 20 ha đất, lập doanh nghiệp kinh doanh du lịch sinh thái, mở trại heo, trại gà, trồng nhiều loại cây ăn trái, còn có cả một đội xe ben chuyên phục vụ san lấp mặt bằng.

Rồi trên mảnh đất gia đình đã hơn 40 năm gắn bó, phát hiện có đá xây dựng. Cả khu vực 400 ha được quy hoạch thành mỏ đá lớn bậc nhất Đồng Nai. Gia đình ông xin được cấp phép khai thác đá như những doanh nghiệp tư nhân khác.

Đồng Nai ban đầu ra chủ trương đồng ý, sau đó thay đổi, thu hồi hơn 10 ha đất nhà ông giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop). Gia đình không đồng ý với giá “thỏa thuận” bồi thường quá rẻ so với thị trường. Bất chấp việc chưa chi trả một xu đền bù, địa phương và Dona Coop cưỡng chế, đập nhà, bắt gà heo…

Từ một doanh nghiệp tư nhân có tiếng ở địa phương, sau một đêm gia đình hóa tay trắng. Khu đất khoảng 5 ha còn lại, bị bao vây bởi bốn bề mỏ đá, mù mịt bụi bặm, đinh tai nhức óc tiếng nổ mìn và tiếng xe ben chạy suốt ngày đêm, không nguồn nước, đến cây rừng cũng không lớn nổi. Ông dựng tạm túp lều, chuyển nghề đốt than kiếm kế sinh nhai.

Trên mảnh rừng còn lại, ông Ngà dựng lều ở, đắp lò đốt than mưu sinh

Cách Tân Cang khoảng 50km, tại Viện Tim TP HCM (phường 12, Quận 10, TP HCM), những ngày này cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, mẹ ông Ngà) khi nằm thiêm thiếp, khi trầm tư. Từ ngày gia đình bị cưỡng chế lấy đất giao Dona Coop làm mỏ đá, cụ Mai uất ức sinh bệnh, căn bệnh tim ngày càng nặng, tháng 30 ngày có khi quá nửa thời gian nằm viện.

Khát vọng “Thuận An”

Cụ Mai là một trong những người đầu tiên thực hiện chủ trương kinh tế mới của Nhà nước, từ TP HCM về Tân Cang khai hoang vào năm 1975. Người phụ nữ góa chồng nuôi đàn con 10 đứa, dạy từng đứa cách trỉa hạt trồng bắp, cách bẫy thú rừng làm thức ăn qua ngày.

Tân Cang ngày ấy hoang vu, đường sá cách trở, ngày mưa nước lũ ào về ngập lối, mỗi khi mẹ đi chợ về đàn con phải ghép bè chờ sẵn đẩy mẹ qua con suối ngập cho khỏi ướt bì gạo đội trên đầu.

Trời không phụ lòng người chăm chỉ, đàn con dần khôn lớn, cụ Mai kể chắt chiu được đồng nào lại mua đất của những người hàng xóm, đất cứ ngày càng rộng ra. Có điều đất Tân Cang thuộc dạng khó canh tác.

Theo khảo sát của Sở Công nghiệp Đồng Nai năm 2011 về khu đất nhà cụ Mai: “Diện tích khu vực là đất lâm nghiệp do chủ đất khai phá trồng rừng và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện trạng khu vực là rừng trồng… Địa hình mặt đất có dạng đồi, độ chênh cao so với xung quanh khoảng 5-7m, đất lẫn nhiều sỏi đá”.

Con đông, người mẹ phải tính xa, quyết định lập Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thuận An II, dự định cải tạo đất, trồng cây, xây khu du lịch – sinh thái trên mảnh đất của mình. “Cái tên doanh nghiệp, tôi ghép từ tên đứa con tên Thuận và đứa cháu tên An, mong mỏi mọi chuyện được suôn sẻ, thuận lợi, bình an”, cụ Mai kể lại.

Để dự án cải tạo đất được chấp thuận, là hành trình khổ ải nhiều năm, qua đủ các cửa từ UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường), Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND huyện Long Thành (khi đó Tân Cang thuộc địa phận huyện Long Thành, chưa chuyển về Biên Hòa – NV) Phòng Kinh tế huyện, UBND cấp xã… và nhiều cuộc khảo sát, họp hành.

Khu đất thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp cụ Mai là cánh rừng màu tối hình tam giác, hiện bốn bề mỏ đá “bao vây”.

Nhận xét về dự án DNTN Thuận An đưa ra, các cơ quan chức năng Đồng Nai từng đánh giá rất cao. Trong văn bản ban hành ngày 17/11/2001, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã tổng hợp tình hình như sau: “Dự án cải tạo đất nông nghiệp có lớp sỏi phún dày, tầng canh tác mỏng, trồng cây không hiệu quả, chủ đất xin cải tạo loại bỏ sỏi phún tận thu làm vật liệu san lấp, cải thiện hệ canh tác mới, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, trồng cây ăn trái, đào ao nuôi cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, thực hiện phát triển kinh tế theo mô hình VAC gắn với lâm nghiệp xã hội, tăng hiệu quả sử dụng đất mang lại lợi ích cho chủ hộ gia đình và xã hội”.

Cũng theo báo cáo, các ban ngành địa phương khi đó đều có cùng ý kiến “cải tạo mặt bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất” và đồng ý cho thực hiện cải tạo theo phương án được duyệt.

Đường khởi nghiệp khổ ải trần ai 

Ai ngờ “người tính không bằng địa phương tính”, xem lại hồ sơ sự việc mới thấy đường khởi nghiệp của cụ Mai không thuận lợi, bình an như mong mỏi, mà khổ ải trần ai.

Sau khi các ban ngành có ý kiến như trên, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai ra yêu cầu muốn cải tạo mặt bằng làm mô hình lâm nghiệp xã hội, doanh nghiệp phải xây cầu, đường giao thông. DNTN Thuận An II chấp hành đúng ý địa phương, làm 11 km đường tạm để vận chuyển đất đá, bỏ tiền xây cây cầu Dây bắc qua sông.

Đùng một cái có thông tin toàn bộ khu vực Tân Cang, trong đó có đất DNTN Thuận An II, rơi vào quy hoạch làm mỏ đá. Nhiều doanh nghiệp khác bắt đầu “nhăm nhe” mỏ tài nguyên này.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) kể lại: “Không hiểu có động cơ gì khác mà địa phương từ chỗ ủng hộ tạo điều kiện doanh nghiệp chúng tôi, quay ngoắt sang o ép gây khó dễ. Thậm chí khi làm đường theo yêu cầu của tỉnh, chúng tôi lấy đất tận thu trên đất mình để rải, địa phương cũng ra quyết định phạt 5 triệu đồng”.

Rồi thông tin khu vực bị quy hoạch thành mỏ đá chính thức được công bố, tỉnh Đồng Nai đình chỉ dự án khu du lịch sinh thái trên. Toàn bộ công sức của DNTN Thuận An II nguy cơ trôi sông đổ biển. Cụ Mai chuyển hướng, xin được cấp phép khai thác mỏ đá trên đất của mình.

Từ ngày bị cưỡng chế lấy đất giao Dona Coop làm mỏ đá, cụ Mai uất ức sinh bệnh, tháng 30 ngày có khi quá nửa thời gian nằm viện

Lại bắt đầu một quá trình gian khổ mới “qua sông thì phải lụy đò”, từ làm đơn xin chủ trương, thuê cơ quan khảo sát địa chất, lập biết bao bộ hồ sơ kỹ thuật – pháp lý… Tỉnh gợi ý phải xây cây cầu mới khác kiên cố để chịu tải xe chở đất đá.

Cụ Mai dốc tiền, đổ nhiều tỷ xây cây cầu Thuận An 2. Để có tư cách pháp nhân khai thác đá đúng theo quy định, gia đình lập thêm Công ty TNHH Thành Thuận, do con gái cụ là bà Ngọc Anh làm đại diện.

Người thân nhận xét, cụ Mai gần 60 tuổi mới khởi nghiệp, nên hiền lành chịu đựng sự o ép và thật thà như đếm. Đơn xin làm đường và cầu cụ viết, tưởng như đọc một bức thư năn nỉ, chứ không phải công văn giấy tờ của một doanh nghiệp, như đoạn viết: “Kính xin quý cơ quan cho phép tôi được xây dựng cây cầu bắc ngang sông và cho phép tôi làm lại con đường…

Doanh nghiệp chúng tôi tự túc về kinh phí. Trong quá trình làm cầu, làm đường, kính xin quý cơ quan giúp đỡ hỗ trợ cho việc làm được suôn sẻ mau chóng. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của quý cơ quan, kính mong quý cơ quan nhận nơi đây lòng chân thành nhớ ơn của doanh nghiệp chúng tôi”.

Để đến bây giờ, cụ Mai mới chua xót nhận ra: “Mỗi khi nhớ lại cảnh nhà cửa, chuồng trại… nơi tôi và đàn con đã sống hơn nửa đời người bị san bằng vào cận Tết Nguyên đán, tôi không sao cầm được nước mắt. Tất cả đã mất trắng sau một cuộc san ủi, đập phá. Nhưng cái đau lớn nhất ở một người phụ nữ ngoài 77 tuổi, đã “gần đất xa trời”, là cái đau khi niềm tin vào chính quyền địa phương bị lung lay”.

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Nhóm phóng viên
***

Chính quyền bức tử doanh nghiệp: Bài 2 – Mỏng manh thân phận Thuận An

(PLVN) – Cụ Mai thành lập Doanh nghiệp Thuận An với mong mỏi mọi chuyện thuận lợi bình an, được làm những việc có ích cho xã hội. Thế nhưng không ngờ doanh nghiệp lẫn cuộc đời cụ lại vướng lận đận, không được thuận an như mong mỏi. Doanh nghiệp chân chính muốn đóng góp cho đất nước nhưng khát khao đó bị đứt gãy bởi những lệ làng địa phương. Họ cần được đối xử công bằng để thỏa sức cống hiến. Đó cũng là niềm đau đáu của những người làm báo chúng tôi…

Chính quyền bức tử doanh nghiệp: Bài 2 - Mỏng manh thân phận Thuận An

Bà Ngọc Anh mắt đỏ hoe kể lại câu chuyện bị đối xử bất công

Ông Vương Duy Đào, Bí thư xã Phước Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết tổng diện tích mỏ đá Tân Cang ở địa phương hiện là hơn 400ha, gồm hàng chục doanh nghiệp khai thác, trong đó số ít là doanh nghiệp nhà nước, còn phần lớn là doanh nghiệp tư nhân.

Thế nhưng trước đây, khi doanh nghiệp của cụ Mai xin được khai thác đá trên chính đất của mình, đã bị từ chối vì lý do “ưu tiên doanh nghiệp nhà nước”. Có điều “nói vậy mà không phải vậy”. Sau đó Đồng Nai thu hồi đất của doanh nghiệp tư nhân này, giao doanh nghiệp tư nhân khác, chính là Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop).

“Đâm lao thì phải theo lao”

Như bài viết trong số báo trước đã phản ánh, suốt thời gian dài vài năm, Doanh nghiệp tư nhân Thuận An II do cụ Mai làm chủ đã lao đao đáp ứng đủ các thủ tục, yêu cầu của Đồng Nai khi xin lập dự án khu du lịch sinh thái.

“Đùng một cái” khu đất thuộc quy hoạch mỏ đá. Cụ Mai buộc phải chuyển hướng hoạt động, năm 2005 lập thêm Công ty TNHH Thành Thuận, xin được cấp phép khai thác đá trên đất của mình.

Với cây cầu Thuận An 2, cầu vừa xây xong, UBND huyện Long Thành có văn bản khen “Thuận An 2 đã chấp hành tốt việc đóng góp làm đường giao thông nông thôn, làm cầu phục vụ đi lại của nhân dân”.
Nhưng sau đó, lại cũng chính UBND huyện cho rằng cầu xây không đạt chất lượng và Sở GTVT có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho tháo dỡ cầu. Thuận An 2 phải đưa ra hồ sơ, kết quả giám định, cầu mới không bị dỡ.

Cụ Mai một lòng tin vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự công tâm của địa phương, cứ nghĩ doanh nghiệp có đất sẽ được quyền ưu tiên. Cụ Mai tâm sự, còn có một lý do phải chuyển hướng sang xin khai thác đá, vì cụ quá tiếc công sức trước đó đã đổ ra.

Dự án kinh doanh khu du lịch sinh thái tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng (thời điểm đó giá vàng khoảng 6 triệu đồng/lượng – NV). Theo xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai trong văn bản ngày 11/7/2003, trong số 14 tỷ này “nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp (khoảng 10 tỷ đồng, có sự hỗ trợ của thân nhân nước ngoài), vốn vay khoảng 4 tỷ”.

Để được xem xét chấp thuận dự án du lịch sinh thái, ngoài làm mới 11 km đường, cụ còn phải kỳ công xây con đập tràn đi lại mùa nắng và cây cầu Dây đi mùa mưa. “Làm đập tràn cho xe trọng tải lớn qua lại, phải thuê công binh dựng các cống hộp, đổ xuống đó hàng trăm m3 đá hộc”, cụ Mai nhớ lại.

Toàn bộ dự án khu du lịch sinh thái rơi vào quy hoạch mỏ đá, trong tình thế “đâm lao thì phải theo lao” như thế, cụ Mai tiếp tục phải chấp nhận cuộc chơi “tất tay”, dốc hết gia sản nhằm xin được giấy phép khai thác đá. Lại lần nữa dốc túi nhiều tỷ xây cây cầu bê tông theo yêu cầu địa phương. Bao nhiêu tài sản, đến cả dàn xe ben là “cần câu cơm” của đại gia đình bấy lâu, cụ đều bán hết.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) nhớ lại, nói trong một bài báo thì ngắn, nhưng để xin quyền đầu tư kinh doanh, thực tế là bao năm mòn mỏi những đơn xin, những cuộc khảo sát, những buổi họp, những thủ tục rắc rối, những ban bệ cồng kềnh…

Cụ Mai từ hàng chục năm trước đã phải xây cây cầu qua sông đáp ứng “yêu sách” địa phương

Lấy ví dụ chỉ một cuộc khảo sát địa điểm xin thăm dò đá xây dựng ngày 12/10/2006, đã phải có đến 9 thành phần tham dự, gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công nghiệp, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã…

Và theo biên bản làm việc, thời gian thực tế làm việc chỉ có 30 phút, từ 10h30’ – 11h00 cùng ngày. Kết quả làm việc, đáng ghi nhận chỉ một dòng thông tin 9 chữ: “Sở Công nghiệp thống nhất mục tiêu dự án”, còn các sở ngành khác “sẽ có ý kiến bằng văn bản”.

Thiện chí muốn kinh doanh lương thiện như bị “đâm đầu vào đá” khi năm 2006 Sở Tài nguyên và Môi trường ra văn bản trả lời: “Khu vực Phước Tân chỉ giải quyết cho các doanh nghiệp có mỏ đã được cấp phép trước đây bị thu hồi do quy hoạch sân bay Long Thành và một số đơn vị là chủ đầu tư dự án giao thông, xây dựng trọng điểm trên địa bàn”.

Nói tóm lại, đề nghị của Thuận Thành bị từ chối, mà chính quyền không đưa ra căn cứ pháp lý nào. Cụ Mai không nản chí, tiếp tục làm đơn xin được khai thác đá.

“Chủ trương” trái luật, bất nhất

Tia hi vọng lóe lên khi theo thông báo kết luận đầu tư của UBND huyện Long Thành hồi tháng 3/2007, Thành Thuận được thống nhất chủ trương lập thủ tục giới thiệu địa điểm khảo sát thăm dò khai thác đá trên diện tích 15 ha. Một tháng sau đó, UBND huyện Long Thành có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, tái xác nhận ý kiến nêu trên.

Bà Ngọc Anh kể lại, sau đó là quãng thời gian doanh nghiệp vất vả đi làm các thủ tục như khoan thăm dò địa chất. Để thuê cơ quan chuyên môn làm việc này trong nhiều ngày, gia đình phải chi trả số tiền gần 200 triệu, khoan nhiều mẫu đất, gửi các cơ quan giám định. Biết bao mồ hôi, công sức, tiền bạc Thành Thuận đã đổ ra chỉ với một kỳ vọng được làm ăn, kinh doanh đúng pháp luật.

Kỳ vọng đó đã sụp đổ khi tháng 5/2007, UBND tỉnh Đồng Nai có thông báo cho Thành Thuận, rằng: “Việc khai thác tài nguyên khoáng sản chỉ xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước khai thác để phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn Đồng Nai và trong khu vực”.

Khu đất của Thành Thuận đã bị giao Dona Coop khai thác đá

“Chủ trương” mang tính “lệ làng” này không chỉ trái pháp luật của Nhà nước. “Chủ trương” đó cũng đồng thời là “bản án báo tử” chính thức với Thành Thuận, xóa sạch mồ hôi nước mắt 40 năm gây dựng trên vùng đất Tân Cang của đại gia đình cụ Mai. Công sức làm 11 km đường, xây đập tràn, xây cầu dây, cầu bê tông… nay thành “dã tràng xe cát biển Đông”.

Cụ Mai bức xúc đặt câu hỏi: “Đảng và Nhà nước chủ trương bình đẳng các thành phần kinh tế, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, vậy tại sao Đồng Nai lại “lệnh” chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được quyền khai thác đá, dù đây không phải là ngành nghề đặc biệt”.

Điều quan trọng khác là Đồng Nai ra “chủ trương” như vậy, nhưng lại không thực hiện, khi sau đó thu hồi đất của Thành Thuận giao Dona Coop cũng là một doanh nghiệp tư nhân khai thác đá. Như trên đã nói, theo thông tin từ ông Vương Duy Đào, Bí thư xã Phước Tân, tổng diện tích mỏ đá Tân Cang hiện hơn 400 ha, gồm hàng chục doanh nghiệp khai thác, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân.

“Phải chăng có những khuất tất, mờ ám, không loại trừ chuyện Dona Coop là “sân sau” hoặc có thế lực nào chống đỡ, nên tỉnh mới ra văn bản như vậy, chỉ nhằm duy nhất một mục đích là tước quyền kinh doanh hợp pháp của Thành Thuận và cho Dona Coop thâu tóm khu đất?”, cụ Mai nói.

Con gái cụ Mai, bà Ngọc Anh nhớ lại, sau này móc xích diễn biến sự việc, mới nhớ ra cũng trong thông báo kết luận đầu tư của UBND huyện Long Thành hồi tháng 3/2007, bất thường đã lộ diện, khi huyện có ý kiến: “Dự án của Dona Coop có thể bố trí diện tích lớn hơn, do đây là đơn vị kinh tế tập thể cần được quan tâm hỗ trợ và đơn vị đang có nhu cầu sử dụng mỏ đá để phục vụ đầu tư khu đô thị – sinh thái Long Hưng”. Bà Ngọc Anh ngậm ngùi: “Tôi nghiệm ra, số phận Thành Thuận coi như “tàn đời”, khi đất chúng tôi nằm ngay cạnh phần đất được giới thiệu cho Dona Coop khai thác đá”.

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Cụ Mai kể lại, thành lập công ty gia đình, làm ăn tử tế, nhưng gặp lắm chuyện bị o ép. Năm 2005, con gái của nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai khi đó (ông Huỳnh Văn Hoàng, đã nghỉ hưu) ép doanh nghiệp của cụ phải nhượng lại hợp đồng san lấp mặt bằng KCN Long Bình. Không chấp nhận, cụ bị điện thoại hăm dọa.

Sau đó lực lượng CSGT Công an TP Biên Hòa và đồn công an KCN Biên Hòa chặn các xe ô tô chở đất san lấp của công ty cụ kiểm tra, giữ giấy tờ xe, thậm chí giam xe. Tài xế còn bị bắt viết tường trình lấy đất ở đâu, của ai, đổ ở đâu.

Cụ Mai phải kêu cứu tới tận Trung ương. Bộ Công an yêu cầu làm rõ. Kết quả, 12 cán bộ công an Đồng Nai tiếp sức cho những người o ép doanh nghiệp bị kỷ luật, điều chuyển khỏi ngành.

Chưa hết, năm 2009 dù đang khỏe mạnh, cụ Mai ngã ngửa khi nhận được văn bản do ông Hồ Thiện Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Long Thành ký gửi đến các cơ quan chức năng và gửi cho doanh nghiệp thông báo lý do thu hồi quyết định kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp cụ là “tình trạng sức khỏe của bà Lê Thị Phương Mai chưa khả quan, chưa liên hệ được với cơ quan thuế và hiện nay đã chết”. Đến bây giờ cụ Mai vẫn chỉ trăn trở một nỗi niềm đau đáu: “Vì sao doanh nghiệp chúng tôi bị đối xử bất công như vậy?”.

Nhóm phóng viên
***

Lãnh đạo địa phương bức tử doanh nghiệp (Bài 3): Mất 14 tỷ sau lần bị… tước quyền làm nông dân

(PLVN) – Đi khắp gầm trời, khó có thể gặp những tình huống bị ức hiếp như cuộc đời nữ doanh nhân Lê Thị Phương Mai (SN 1942, từng ngụ ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)  từng gặp.

Lãnh đạo địa phương bức tử doanh nghiệp (Bài 3): Mất 14 tỷ sau lần bị… tước quyền làm nông dân

Cả một vùng đất mênh mông xưa kia từng thuộc Công ty Thuận Thành, nay đã bị cưỡng chế giao Dona Coop biến thành mỏ đá, chưa trả một xu bồi thường.

Đã dốc vốn “chiều chuộng” mọi yêu sách của lãnh đạo địa phương xin quyền kinh doanh đầu tư trên đất của mình mà không được, cụ còn bị dồn vào đường cùng khi đến quyền làm nông dân cũng bị tước bằng những tiểu xảo trắng trợn. Và chỉ riêng một tiểu xảo đó đã gây thiệt hại cho cụ hàng chục tỷ.

Nhìn trích lục bản đồ khu đất gia đình cụ Mai từng đứng tên ở Tân Cang, mới có thể hình dung được mức độ “khủng” của doanh nghiệp tư nhân này. Tổng cộng gần 310 ngàn m2 đất gồm hàng chục thửa, đủ loại hình từ đất ở, đất rừng, đất rẫy, sông suối, đường giao thông…

Góa phụ một nách nuôi 10 đứa con đã tay trắng dựng cơ đồ, lập doanh nghiệp kiểu gia đình, không khuếch trương ồn ào mà âm thầm lớn mạnh, tạo lập biết bao công ăn việc làm cho người lao động.

Khát vọng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự thịnh vượng của xã hội dần bị bóp chết sau những lần phải đáp ứng các yêu sách của địa phương, sau những lời từ chối cấp phép dự án du lịch sinh thái, sau những “luật làng” khuất tất “không cho doanh nghiệp tư nhân khai thác đá”…

Những sự ngang trái đó dần làm nhụt chí nữ doanh nhân lương thiện không biết “chung chi”. Căn bệnh tim xuất hiện, cụ Mai về căn nhà ở xã An Hòa kế bên tiện cho việc đi viện chạy chữa mỗi khi bệnh tật hành hạ. Cụ chỉ quản lý tổng thể, giao việc trực tiếp cho các con và những người quản lý, làm công.

Càng khiếu nại, càng bị đánh tụt tiền đền bù

Tai họa đã ập đến vào ngày 18/2/2009, khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 390, nội dung thu hồi hơn 65 ha đất tại xã Phước Tân (trong đó có 10,5 ha của cụ Mai) để giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) làm chủ dự án khai thác mỏ đá Tân Cang 6.

Cần nói rõ, trước đó một năm rưỡi, ngay khi doanh nghiệp Thành Thuận của cụ Mai đang làm thủ tục xin phép khai thác mỏ đá trên đất của mình, tháng 8/2007, Dona Coop đã “nhanh chân” có tờ trình gửi UBND tỉnh Đồng Nai xin chủ trương triển khai thương lượng chuyển nhượng đất trong khu vực Tân Cang.

Chỉ ít ngày sau khi nhận được tờ trình, trong Văn bản số 6773, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lúc bấy giờ Ao Văn Thinh đã chấp thuận chủ trương cho Dona Coop được thực hiện theo phương thức tự thoả thuận với người đang sử dụng đất thuộc phạm vi dự án mỏ đá Tân Cang.

Tuy nhiên, Dona Coop đã không thương lượng, thỏa thuận giá với gia đình cụ Mai và một số hộ dân khác trong dự án giống như những gì Dona Coop cam kết trong tờ trình gửi UBND Đồng Nai năm 2007.

Doanh nghiệp của cụ Mai từng có 310 ngàn m2 đất tại xã Phước Tân.

Bẵng đi gần hai năm, đến năm 2011 UBND TP Biên Hòa ban hành quyết định phê duyệt kinh phí “bồi thường và hỗ trợ” cho một số gia đình, trong đó có hộ cụ Mai (lúc này xã Phước Tân huyện Long Thành đã sáp nhập về TP Biên Hòa) để chuẩn bị lấy đất giao Dona Coop. Theo Quyết định số 112 ban hành ngày 18/01/2011, hộ cụ Mai được bồi thường hỗ trợ gần 21,5 tỷ đồng (con số làm tròn).

Cùng là doanh nghiệp, đã mất quyền khai thác trên đất của mình, gia đình cụ Mai còn không đồng ý với mức “bồi thường hỗ trợ” trên vì cho rằng quá rẻ mạt khi so sánh với các dự án khai thác mỏ đá khác trên cùng một địa bàn, tại cùng một thời điểm.

Cụ Mai khiếu nại, đưa ra các chứng cứ, cho thấy cùng trong khu vực, những doanh nghiệp được quyền khai thác đá khác đã đền bù cho mọi người giá 350 ngàn đồng/m2, trong khi cái giá áp cho nhà cụ chỉ 80 ngàn đồng/m2, bằng chưa đầy 1/4, chưa nói đất gia đình cụ địa thế thuận lợi hơn.

Giá đền bù đã rẻ mạt như thế, nhưng đến tháng 10/2011, UBND TP Biên Hòa lại tiếp tục lập một “kỷ lục” mới khi ban hành Quyết định số 3869 thay thế quyết định lần một. Lúc này mức bồi thường, hỗ trợ cho gia đình cụ Mai từ 21,5 tỷ tụt xuống còn hơn 9,5 tỷ đồng. Tức là khoảng 12 tỷ đồng đã “bốc hơi”. Cụ Mai phản đối, khiếu nại khắp nơi.

Giá đất ngày càng cao, giá bồi thường cũng ngày càng tăng, nhưng điều vô lý xảy ra với riêng doanh nghiệp cụ Mai, giá bồi thường ngày càng bị áp đặt bèo bọt hơn. Ngày 30/6/2014, lãnh đạo TP Biên Hoà tiếp tục ký quyết định bồi thường lần thứ ba, thay cho các quyết định lần thứ nhất và hai, áp đặt số tiền bồi thường chỉ còn 7,5 tỷ đồng. Tức là so với quyết định ban đầu năm 2011, tiền bồi thường chỉ còn 1/3.

Tiểu xảo trắng trợn

Nguồn cơn của việc liên tục hạ giá đền bù nêu trên, đến từ một tiểu xảo không ai ngờ do cơ quan chức năng Đồng Nai thực hiện.

Trong quyết định ngày 17/10/2011 do Phó Chủ tịch TP Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm ký, nêu căn cứ để cơ quan này đưa đến quyết định “kỷ lục”, là: “Theo Công văn số 123/CV-UBND ngày 5/9/2011 của UBND xã An Hòa về việc xác nhận về nguồn sống chủ yếu của bà Lê Thị Phương Mai tại xã An Hòa, TP Biên Hòa “bà Lê Thị Phương Mai hiện là chủ Doanh nghiệp tư nhân Thuận An 2; được Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân ngày 8/11/2001, có địa chỉ trụ sở Văn phòng giao dịch tại số 325, tổ 8, khu 3, xã An Hòa, không sử dụng đất nông nghiệp tại xã An Hòa và không có nguồn thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương””.

Một góc chuồng trại trên đất doanh nghiệp Thuận Thành trước khi bị cưỡng chế (Hình do bạn đọc cung cấp).

Từ việc xác nhận này, Đồng Nai cho rằng bà Mai “không đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm”. Mất hàng chục tỷ là vì thế. Cụ Mai nói: “Vậy là tôi muốn thực hiện quyền của doanh nhân đầu tư kinh doanh cũng không được, mà quyền làm nông dân cũng bị tước mất”.

Chưa nói tới việc ai là người đề nghị xã An Hòa ra công văn này, “căn cứ” nêu trong quyết định trên thể hiện tiểu xảo trắng trợn của người có thẩm quyền, khi “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Như trên đã nói, thời điểm này cụ Mai không chăm nom trực tiếp trang trại tại xã Phước Tân, mà chuyển về sinh sống tại xã An Hòa cho tiện trị bệnh.

“Đất thu hồi ở Phước Tân, nhưng lại xin ý kiến xác nhận của xã An Hòa. Tôi là nông dân tại Phước Tân, chứ đâu phải nông dân tại An Hòa, vậy mà họ vẫn trắng trợn cho rằng xác nhận của An Hòa là “căn cứ” để cướp đi số tiền hàng chục tỷ”, cụ Mai kể lại.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai), thuật lại: “Tôi lên Biên Hòa hỏi chuyện. Một ông Phó chủ tịch tiếp, đã không nhận sai, lại còn nói đại ý dù có mấy trăm ngàn m2 đất nông nghiệp ở Phước Tân thì mẹ tôi vẫn không phải nông dân. Tôi hỏi: “Luật nào bắt bà cụ già phải trực tiếp ra đồng làm rẫy làm ruộng mới xác nhận là nông dân? Mẹ tôi là chủ doanh nghiệp, có quyền thuê người canh tác trên đất.

Việc tạo điều kiện cho người khác có việc làm, mà người ta có đất, người ta trồng cây, đóng thuế, thu hoạch, nuôi cá, nuôi heo, nuôi gà, trồng cây ăn trái… sao không gọi là nông dân? Có những việc người nông dân không trực tiếp làm được phải thuê như máy móc cày bừa cho kịp tiến độ, không lẽ phải đi trỉa hạt từng lỗ, hay ăn lông ở lỗ như thời tiền sử mới là nông dân?”.

Một góc chuồng trại trên đất doanh nghiệp Thuận Thành trước khi bị cưỡng chế (Hình do bạn đọc cung cấp).

Bà Anh nói tiếp: “Tôi hỏi tiếp: “Anh có biết những năm đầu khai hoang, cả gia đình tôi mẹ góa con côi lội bộ sưng chân cuốc đất trồng khoai mì, trỉa bắp, làm cỏ. Mùa mưa chống chọi lũ. Nước dâng cao, cầu ngập phải ghép bè qua, trời mưa tầm tã, nước cao mấy mét phải lo bơi đi cứu mì, cứu khoai. Anh trả lời tôi đi, nói đúng lương tâm một con người chứ không phải một cán bộ, mẹ tôi có phải nông dân không?”.

Vậy là ổng nói: “Tôi không nói vấn đề đó. Chuyện đó để tính sau”. Tôi nói nếu tính sau thì cho tôi cái văn bản. Ổng nói để ổng gửi về, nhưng gia đình không nhận được. Sau này tôi biết được mấy anh ở xã Phước Tân có xác nhận mẹ tôi là nông dân, nhưng mức tiền đền bù vẫn vô lý như lần thứ ba, không có gì thay đổi”.

Nhìn lại những lần bị ức hiếp, đối xử bất công vô lý, cụ Mai nghẹn lời: “Dự án này không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, Đồng Nai đã ra văn bản yêu cầu Dona Coop phải tự thoả thuận với dân. Phải chăng vì mẹ con tôi hiền lành quá, ban đầu một lòng nghĩ Đồng Nai công tâm và Dona Coop tuân thủ pháp luật, nên chúng tôi mới bị ức hiếp như vậy?”.

Nằm trên giường bệnh, cụ Mai nhăn mặt nén cơn đau nhói, giọng buồn buồn: “Cả đời người buôn bán kinh doanh, mình hiền nhưng đâu có ngu. Thà mất hết, chứ không chịu bị hà hiếp quá đáng như thế. Dù cả trăm ngàn m2 đất đã bị người ta kéo đến đập phá thu hồi, tôi vẫn không nhận một đồng nào. Người ta không đưa ra căn cứ pháp lý nào, lại còn trắng trợn dùng thủ đoạn như thế, vào người khác chắc đã uất ức mà chết”.

Lần giở hồ sơ, còn thấy có nhiều khuất tất sai phạm khác trong quá trình Đồng Nai và Dona Coop thu hồi đất của cụ Mai. Vì sao cơ quan chức năng địa phương lại có những động thái “đổi trắng thay đen” như vậy? Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

N.P.V
***

Chính quyền bức tử doanh nghiệp: Bài 4 – Sai phạm động trời 5 năm làm ngơ chỉ đạo của cấp trên

(PLVN) – Hiếm có vụ thu hồi đất nào diện tích đến hàng trăm ngàn m2 như nhà cụ Mai, địa phương có những tiểu xảo để đánh tụt hàng chục tỷ tiền bồi thường hỗ trợ… Thế nên đầu năm 2015, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Lê Quốc Trung đã ra văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị làm rõ một số vấn đề.

Chính quyền bức tử doanh nghiệp: Bài 4 - Sai phạm động trời 5 năm làm ngơ chỉ đạo của cấp trên

Trang trại của cụ Mai chỉ còn là đống xà bần sau cuộc cưỡng chế

Tống đạt văn bản kiểu… đi ngang thảy vô nhà

Văn bản số 991/BTNMT-TTr ngày 27/3/2015 đề nghị Đồng Nai làm rõ chuyện vì sao năm 2007, tỉnh này đã có Văn bản 6773/UBND-CNN yêu cầu Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Đồng Nai (Dona Coop) muốn lấy đất để khai thác mỏ, phải thực hiện phương thức thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 40 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên theo hồ sơ do cụ Mai cung cấp thì Dona Coop chưa thực hiện chỉ đạo trên mà đã lấy hơn 10 ha đất của cụ Mai.

Vấn đề khác Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Đồng Nai làm rõ, đó là gia đình cụ Mai bị giải tỏa toàn bộ nhà ở, đất ở, nhưng UBND TP Biên Hòa chưa giải quyết bố trí tái định cư. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc làm này là chưa đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trên, ngày 14/5/2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 3520/UBND-TCD, gửi UBND TP Biên Hòa báo cáo. Chính văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí ký đã chỉ ra sai phạm nghiêm trọng của địa phương trong vụ việc này khi thu hồi đất.

Theo đó: “Ngày 21/4/2009, UBND huyện Long Thành (khi đó khu vực Tân Cang chưa sáp nhập về TP Biên Hòa – NV) ban hành Quyết định số 1200/QĐ-UBND thu hồi đất cụ Mai thực hiện dự án. Tại buổi làm việc tại Ban Tiếp công dân tỉnh ngày 17/9/2010, cụ Mai trình bày đã gửi đơn khiếu nại Quyết định số 1200/QĐ-UBND nhưng chưa được xem xét giải quyết.

Ngày 22/9/2010, UBND tỉnh đã có Công văn số 7749/UBND-NC giao Chủ tịch UBND TP Biên Hòa phối hợp UBND huyện Long Thành kiểm tra, rà soát đơn và hồ sơ liên quan, xem xét xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết với nội dung này”.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) chua chát: “Chủ tịch tỉnh chỉ đạo mà 5 năm sau Chủ tịch huyện còn không thực hiện thì thân phận doanh nghiệp tư nhân, thân phận nông dân chúng tôi, người ta còn coi như cỏ rác cỡ nào? Địa phương và Dona Coop còn lộng quyền cỡ nào?”.

Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn trên lý thuyết thì chặt chẽ đến mức “con kiến chui không lọt”, nhưng thực tế trong vụ thu đất doanh nghiệp cụ Mai, như lời kể bà Anh, đã bị thực thi vô cùng tùy tiện: “Từ khi quy hoạch, đến lúc “thỏa thuận” rồi cưỡng chế hàng bao năm trời, nhưng thực ra đến tay chúng tôi đâu có mấy văn bản. Thỉnh thoảng có một vài văn bản ai đó đi ngang nhà thảy vô, chứ mình không ký nhận bao giờ hết, mình nhặt được, mình biết vậy”.

“Thỏa thuận” sai tinh thần Luật Đất đai

Về nội dung “thoả thuận hay không”, trong một biên bản hồi năm 2015, ông Nguyễn Văn Khánh, đại diện đơn vị lấy đất (Dona Coop), cho rằng: “Khi dự án triển khai, Dona Coop có triển khai thoả thuận với một số hộ dân bị thu hồi đất có sự tham dự của bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (con gái cụ Mai – PV), tuy nhiên bà Anh không đồng ý với giá thoả thuận bồi thường của chủ đầu tư”.

Bà Ngọc Anh phản bác: “Tiếng Việt định nghĩa thế nào là thỏa thuận? Pháp luật định nghĩa thế nào là thỏa thuận? Năm 2009, Dona Coop có một lần mời tất cả những người trong vùng đất thuộc dự án tới họp. Họ không mời tới ủy ban xã, mà mời tới tại nhà văn hóa ấp Tân Cang. Ở đây họ đưa ra mức giá đền bù 80 ngàn/m2.

“Thỏa thuận” nghĩa là thuận mua vừa bán, so sánh với các nhà đầu tư khác trong vùng giá cao hơn gấp 4-5 lần, mà ở đây Dona Coop lấy đất móc đất đá lên bán, giá đó rẻ quá. Tôi đứng lên có ý kiến, đất người ta mua 5 – 6 tỷ/ha, mà nay anh gạ mua có 800 triệu/ha, tôi không chịu đâu. Tôi ghi ý kiến như vậy vào biên bản rồi ra về”.

Vẫn lời bà Ngọc Anh: “Chỉ một lần duy nhất đó đại diện Dona Coop gặp dân. Hai bên chưa từng ngồi lại thỏa thuận, kiểu như: “Tôi lấy đất này của chị, tôi đưa ra giá này, chị đòi bao nhiêu?”. Nếu Dona Coop có thỏa thuận thì mình đã đưa ra yêu cầu”.

Điều 40 Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định về thu hồi đất, trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất quy định sau 180 ngày mà người sử dụng đất và nhà đầu tư không đồng thuận thì chính quyền sẽ thu hồi.

Ông Huỳnh Ngọc Ngà (con trai cụ Mai) cho hay gia đình ông đã hàng chục năm nay chịu đựng oan ức

ADVERTISEMENT

Bà Ngọc Anh đồng ý với quy định này, nhưng cho rằng Dona Coop và địa phương đã cố tình “lách luật”, vi phạm luật pháp: “Gạ mua bán lần thứ nhất, lần thứ hai không được thì phải có lần thứ ba, phải có văn bản “chốt” chuyện hai bên không đồng thuận. Dona Coop không thể chỉ trả giá “trớt qướt”, như vậy một lần là xong thủ tục “thỏa thuận” với dân”.

Nhận xét về quy trình “thỏa thuận” nêu trên, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) đánh giá, Dona Coop đã thực hiện sai tinh thần Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn, nhằm mục đích “bán cái” việc áp giá bồi thường, hỗ trợ cho UBND TP Biên Hoà. Khi Dona Coop đẩy việc đền bù, hỗ trợ sang vai TP Biên Hoà, chắc chắc sẽ ít tốn kém tiền bạc hơn khi Dona Coop tự đi thoả thuận với dân.

Dấu hiệu báo cáo không trung thực

Một dấu hiệu sai phạm khác, theo bà Ngọc Anh tố cáo, đó là việc địa phương báo cáo không trung thực, như chuyện tái định cư. Phải đến khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu làm rõ, ngày 26/10/2015 UBND TP Biên Hòa mới ra Quyết định 3797/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại của cụ Mai, trong đó cho rằng: “Về tái định cư, hộ cụ Mai đã được phê duyệt bố trí một suất tái định cư hộ chính tại khu dân cư Tràng An, xã Tam Phước”.

Bà Ngọc Anh phẫn nộ: “Họ nói như vậy là báo cáo không chính xác. Cả đời đã bao giờ họ đến nhà thông báo cho gia đình tôi rằng được tái định cư, dù theo luật họ phải họp bàn, lấy ý kiến, dẫn chúng tôi ra tận nơi xem đất. Sau này họ cưỡng chế, em trai tôi dựng lều sinh sống tới tận bây giờ, cũng đã bao giờ họ đến chỉ cho em tôi rằng nhà tôi có đất tái định cư, ra đó mà ở?”.

Ngay trong Quyết định 3797/QĐ-UBND trả lời khiếu nại cụ Mai nêu trên, UBND TP Biên Hòa cũng bộc lộ nhiều sai sót khác, ví dụ cho rằng UBND xã đã tống đạt quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, thông báo nhận tiền, bảng chiết tính cho cụ Mai. Chứng cứ là “tại danh sách có bà Huỳnh Thị Ngọc Chi (con gái cụ Mai) ký tên nhận”.

Bà Ngọc Anh tố cáo: “Họ nói như vậy là “lập lờ đánh lận con đen”. Mẹ tôi chưa từng ủy quyền cho em Ngọc Chi trong vụ việc. Và em Ngọc Chi có một phần đất khác không liên quan đến đất mẹ tôi cũng bị dự án thu hồi, nên em tôi ký cho bản thân em, chứ không có quyền và không ký thay mẹ. Vậy mà họ vẫn dựng đứng câu chuyện lên như thế”.

Cứ tưởng theo luật, thu hồi đất trong trường hợp này không dễ, nhưng thực tế lại khác. Thậm chí cơ quan chức năng không một lần đến gặp cụ Mai vận động thuyết phục, địa phương vẫn ra quyết định cưỡng chế và chỉ sau 12 ngày kể từ ngày ký quyết định này, cuộc cưỡng chế đau thương đã diễn ra. Bà Ngọc Anh kể lại: “Họ bất ngờ ập đến đập phá. Cứ nghĩ rằng luật quy định sau 15 ngày kể từ khi tống đạt quyết định thì mới có quyền cưỡng chế. Ai ngờ họ bất chấp luật pháp, chúng tôi không kịp trở tay”.

Tết Nguyên đán cận kề, sáng 28/1/2015 (tức mùng 9 tháng Chạp), lực lượng chức năng phong toả hiện trường, đuổi hết người trong doanh nghiệp cụ Mai, điều máy móc san bằng tất cả. Thời điểm này, trang trại đang nuôi hàng chục tấn cá, hơn 3.000 con gà trọng lượng khoảng 2kg, hàng chục con heo… bán Tết.

Cuộc cưỡng chế trái luật bị cụ Mai gọi là “cuộc cướp phá” vì mọi tài sản từ con gà, con vịt đến đồ đạc trong nhà, đoàn cưỡng chế mang đi đâu không rõ. Nhiều tỷ đồng xương máu “bốc hơi”, đến nay cụ chưa được nhận lại một món.

Tại một buổi đối thoại sau này, doanh nghiệp cụ Mai đã đề nghị chính quyền phải trả lại tài sản cho gia đình cụ. Lúc này phía UBND TP Biên Hoà là ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên Trung tâm phát triển quỹ đất TP trả lời rất lòng vòng khó hiểu: “Quá trình tiến hành cưỡng chế, Ban cưỡng chế đã thực hiện đúng quy định, Ban cưỡng chế có ghi nhận tải sản sau cưỡng chế của gia đình cụ Mai…, tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn của tỉnh về tài sản sau cưỡng chế”.

Một điều ai cũng biết là sau cưỡng chế, địa phương phải kiểm kê và trả lại tài sản, nhưng họ đã không làm. Mồ hôi nước mắt bao năm doanh nghiệp cụ Mai gây dựng đã bị lấy đi, nhưng UBND TP Biên Hoà vẫn một mực “Ban cưỡng chế đã thực hiện đúng quy định”, nghĩa là sao?

Và bất chấp những dấu hiệu sai phạm nói trên, địa phương vẫn một mực cho rằng mình đúng. Trong cuộc đối thoại hồi tháng 10/2015, ông Lại Thế Thông, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa vẫn cho rằng: “Trường hợp thực hiện thu hồi đất, tính toán bồi thường, hỗ trợ cho gia đình cụ Mai đảm bảo đúng quy định… Nội dung đơn cụ Mai khiếu nại không có cơ sở xem xét, giải quyết”, các yêu cầu của cụ Mai “không có cơ sở”…

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin

Nhóm phóng viên
***

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 5): ‘Kỷ lục vô lý’ 11 ha cây cối được đền… 184 triệu

(PLVN) – Hàng trăm ngàn m2 đất bị cưỡng chế thu hồi mà không kiểm đếm tài sản, bồi thường giá rẻ mạt đến vô lý, không vận động thuyết phục, cắt xén rất nhiều khoản hỗ trợ bồi thường… Bao năm nay cụ Mai “uất hận”, nói nguyên văn từ cụ nhắc đi nhắc lại về nỗi oan khuất đó.

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 5): 'Kỷ lục vô lý' 11 ha cây cối được đền… 184 triệu

Gia sản 40 năm chắt chiu gắn bó bao kỷ niệm chỉ còn đống xà bần sau cuộc cưỡng chế.

Như PLVN đã có loạt bài phản ánh, cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thuận An 2), từng có hàng trăm ngàn m2 đất tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Năm 2015, diện tích trên bị địa phương cưỡng chế thu hồi giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Đồng Nai (Dona Coop) khai thác mỏ đá, dù doanh nghiệp của cụ chưa nhận một xu bồi thường. Theo cụ Mai, quá trình tính toán bồi thường, thu hồi cưỡng chế vi phạm nhiều quy định Luật Đất đai, đẩy cụ và doanh nghiệp vào tình thế trắng tay.

Không kiểm đếm, không vận động thuyết phục

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích, trong dự án mỏ đá Tân Cang, cơ quan chức năng phải áp dụng các quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ “quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”.

Thế nhưng rất nhiều quy trình, thủ tục mà luật yêu cầu đã bị bỏ qua. Dù ngày 27/8/2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 6773/UBND-CNN do Phó Chủ tịch tỉnh khi đó là ông Ao Văn Thinh ký, yêu cầu Dona Coop phải “tự thỏa thuận” với người có đất nếu muốn lấy đất lập mỏ khai thác đá.

Tuy nhiên, theo gia đình cụ Mai, chỉ đạo này chỉ nằm trên giấy, khi Dona Coop thỏa thuận kiểu “trớt quớt”, mặc cả giá rất rẻ để dân không đồng tình, sau đó đợi hết thời hạn 180 ngày thì tuyên bố “không thể thỏa thuận”.

Về các khoản bồi thường, cơ quan chức năng đã tính thiếu rất nhiều khoản. Trong văn bản gửi đến tay người mất đất, chỉ thể hiện một số khoản như bồi thường đất nông nghiệp (và khoản tiền này rất thấp so với giá thị trường).

Còn các khoản hỗ trợ di chuyển chỗ ở, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ cho hộ sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm… thì bị cắt xén. Lý do, như PLVN đã chỉ ra, cơ quan chức năng dùng “tiểu xảo” để cho rằng cụ Mai “không là nông dân” để cắt xén hàng chục tỷ.

32 ngàn gốc cây lớn nhỏ được Biên Hòa tính toán bồi thường 184 triệu đồng.

Vụ việc còn lập một “kỷ lục vô lý” khác về giá bồi thường rẻ mạt với cây trồng và vật kiến trúc. Công sức cả gia đình và doanh nghiệp nhiều năm trồng cây gây rừng lập trang trại, khu du lịch sinh thái, phủ xanh hàng chục ha cây cối, được tính giá 184 triệu đồng, theo bảng tính toán do UBND TP Biên Hòa đưa ra ngày 17/10/2011. Tiền bạc chắt chiu xây dựng nhà ở trị giá nhiều tỷ được UBND TP Biên Hòa định giá 634 triệu, vẫn theo văn bản trên.

Ông Huỳnh Ngọc Ngà (SN 1964, con trai cụ Mai) nhẩm tính: “Mười một ha đất nhà tôi phủ kín tràm. Mỗi ha trồng ban đầu khoảng 3.200 cây, cứ tính rơi rụng thoải mái đi còn 2.800 cây, riêng số tràm đã lên tới hơn 30 ngàn cây từ 2 – 5 năm tuổi.

Chưa kể khoảng 300 cây xà cừ 30 năm tuổi, cả trăm cây sao khác, riêng số tiền cây cối nhà tôi đã trị giá ít nhất 4 tỷ. Mồ hôi, nước mắt, xương máu trồng cây hàng chục năm, vậy mà họ tính ra giá trị chưa tới 6.000 đồng/cây”.

Vì sao lại có sự áp giá cực kỳ vô lý trên, theo gia đình cụ Mai, cơ quan chức năng chưa bao giờ tới kiểm đếm tài sản, nhà ở, công trình, hoa màu… vì vậy mới đưa ra những con số “kỷ lục vô lý” như trên. Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) trăn trở: “Họ áp dụng Luật Đất đai kiểu gì mà kỳ cục vậy? Họ thù hằn gì gia đình tôi mà ức hiếp vậy?”.

Chưa hết, theo quy định Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, trước khi cưỡng chế thu hồi, phải vận động thuyết phục người mất đất. Cụ Mai hơn 70 tuổi, sau bao năm khiếu nại, bao năm thất vọng với môi trường đầu tư tại địa phương, bệnh tim ngày càng nặng, thường phải nằm một chỗ theo dõi bệnh tình. Thế nhưng vin vào cớ cụ không tham dự hai cuộc họp vận động vào ngày 27/8/2014 và ngày 23/1/2015, địa phương đã cho rằng đã hoàn tất khâu vận động bàn giao mặt bằng.

Thêm một chi tiết khác, chứng tỏ cán bộ thực thi thực hiện không đúng tinh thần Luật Đất đai, mà chỉ làm cho có lệ, thậm chí làm kiểu chống đối. Đó là việc thực hiện các thủ tục trước khi cưỡng chế thu hồi đất.

Ngày 16/1/2015 Biên Hòa ra văn bản cưỡng chế, cho rằng “đã lập biên bản tống đạt cho cụ Mai nhưng cụ Mai từ chối không nhận”. Ngày 19/1/2015 xã Phước Tân lập biên bản niêm yết tại  văn phòng ấp. Ngày 21/1/2015 Ban cưỡng chế ban hành thông báo cưỡng chế. Ngày 28/1/2015 đập nhà.

Luật sư Hiệp chỉ ra sai phạm của chính quyền địa phương: “Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định một trong những thủ tục quan trọng nhất trước khi cưỡng chế, đó là vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế.

Địa phương đã không thực hiện điều này, chưa nói đối tượng bị cưỡng chế ở đây là bà cụ tuổi già sức yếu, bao năm tâm tư ẩn ức vì không được quyền kinh doanh đầu tư, đang khiếu nại quyết định thu hồi đất. Vì vậy, Biên Hòa không thể nói “đã thực hiện đúng quy trình thủ tục trước khi cưỡng chế” với cụ Mai”.

Cuộc cưỡng chế ngày giáp Tết

Thiệt hại của doanh nghiệp cụ Mai trong cuộc bị cưỡng chế còn lớn hơn nhiều những con số như trên. Sau khi bị áp giá rẻ mạt, cụ vẫn tin rằng địa phương làm sai thì đã có cấp tỉnh, cấp Trung ương can thiệp, các quyết định sai trái sẽ được sửa sai. Thế nên cụ vẫn xoay hướng, đầu tư chuồng trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn Công ty CP đưa ra, tốn khoảng 5 tỷ.

Sớm ngày 28/01/2015, tức mùng 9 tháng Chạp, khi Tết Nguyên đán đang cận kề, lực lượng cưỡng chế xuất hiện, phong toả hiện trường, huy động máy móc san bằng tất cả. Cụ Mai gục xuống, cứ nghĩ quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/1-15/4/2015. Nhưng chính quyền không chờ qua Tết.

Ông Ngà kể lại: “Thủ tục không đầy đủ, văn bản không đầy đủ, nhưng khi cưỡng chế thì họ đến đầy đủ. Ủy ban xã, Công an xã, Ủy ban TP, Công an TP, Cảnh sát cơ động, phòng cháy chữa cháy, xe cứu thương, xe cuốc. Xe cuốc lầm lũi tiến vào bửa nhà. Bửa xong xe tải vào hốt đồ đi, từ cái bình thủy, ấm nước họ rinh sạch, cái bồn nước cũng lấy. Dứt khoát không cho tụi tôi vào lấy đồ ra. Tiền ở trong nhà mua cám cho gà, họ lấy luôn”.

Vẫn lời ông Ngà: “Họ cuốc hết. Đập bỏ hết. Bàn thờ cũng đập. Họ không cho ai vào lấy dù chỉ một bộ đồ. Mà gần Tết, trời se lạnh”.  Hơn 3.000 con gà, hàng chục tấn cá, mấy bầy heo… dự định những ngày cuối tháng Chạp sẽ xuất chuồng, không vớt vát lại được một con.

Nhìn cần cuốc bổ xuống căn nhà cả đời người kỷ niệm, các nhân viên công lực lùa vật nuôi, ném đồ dùng lên xe chở đi, ông Ngà kể như đứt từng đoạn ruột. Sản nghiệp 40 năm tạo dựng bị thẳng tay san ủi trước mắt, cụ Mai tuyệt vọng quỵ xuống. Lo sợ mẹ không qua nổi, bà Ngọc Anh nuốt nước mắt, xốc mẹ đưa đi cấp cứu tại Viện Tim (quận 10, TP HCM), mà phản ánh còn bị lực lượng cưỡng chế ngăn cản.

Theo lời kể, sau cuộc đập phá tan hoang, xuất hiện nhóm hàng chục người xăm trổ đầy mình tới ăn ngủ luôn tại chỗ. Mục đích của nhóm trên, theo ông Ngà, là ngăn chặn gia đình lượm nhặt chút đồ đạc còn sót lại: “Lúc đó tôi tính vô bắt ít gà đoàn cưỡng chế bỏ sót lấy tiền xài Tết. Đồ đạc vẫn còn một ít, ao còn cá nên tính vô “gỡ gạc” chừng nào hay chừng đó. Nhưng nhóm giang hồ ngăn. Chúng bắt gà ăn hết. Ao cá chúng kéo lên bán sạch”.

Ông Ngà viết đơn khiếu nại: “Tại sao heo gà gia đình tui, mấy anh lấy không trả? Đồ đạc của tui mấy anh đem đi đâu? Người nhận đơn bảo đồ đạc mang về kho của Dona Coop trong xã Long Hưng. Trời đất, chính quyền cưỡng chế nhưng tại sao lại mang về kho Dona Coop?”.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh (con gái cụ Mai) kể: “Sớm đó tôi đang ngồi trong nhà, họ xông vào giở cần cuốc bửa luôn, cả nhà lật đật tháo thân giữ mạng. Lúc lao ra chỉ có đúng bộ quần áo trên người. Vừa ra là họ cuốc bờ hết xung quanh nhà, không cho ai vào nữa”.

Tiếc của, bà Hạnh vừa khóc vừa năn nỉ đoàn cưỡng chế để cho thu hoạch xong nhưng bị đẩy ra. “Cưỡng chế xong tôi lên xã hỏi, họ bảo: “Gà bắt cho người ta hết rồi, cá cũng vớt cho người ta hết, heo thì lùa chạy. Biết đâu mà tìm?”.

Không nhà, không cửa, không cái ăn, cái mặc. Cưỡng chế xong, không còn chỗ che thân, gia đình tứ tán, có người con cụ Ngà phải ra một góc đất còn lại, kiếm miếng bạt che thành cái lều tá túc. Năm đó họ đón Tết dưới tấm bạt góc vườn.

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Đến bây giờ, ông Huỳnh Văn Chậm (người làm công cho doanh nghiệp cụ Mai) vẫn còn tiếc rẻ. Nhiều năm trước, vợ chồng ông lên làm công cho cụ Mai, trông coi trang trại, được coi như con cháu trong nhà. Dành dụm tiền, ông Chậm hùn nuôi gà với ông Ngà. Ai ngờ cũng cùng cảnh trắng tay sau cuộc cưỡng chế. Hệ thống chuồng trại khang trang hơn 1 ha mà cụ Mai đầu tư mấy năm ròng mới xong, hóa đống gạch vụn sau một buổi sáng.
Nhóm phóng viên
***

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 6): ‘Bao vây’ triệt sinh kế người bần cùng đốt than

(PLVN) – Dù nhẫn nhục chịu đựng những khuất tất, thua thiệt khi bị thu hồi đất, dù trắng tay sau cuộc cưỡng chế nhiều dấu hiệu sai phạm, nhưng đường cùng chuyển nghề cực khổ bậc nhất thế gian đốt than kiếm miếng ăn, gia đình cụ Mai vẫn không được yên.

Mỏ đá khổng lồ của Dona Coop khói bụi mù trời ồn ào ngày đêm, lại tố lò đất đốt than tí hon của cụ… “gây ô nhiễm môi trường” để chính quyền địa phương liên tục tới kiểm tra.

Chính khởi đầu từ câu chuyện này, câu chuyện doanh nhân bị o ép phải đường cùng chuyển nghề đốt than, câu chuyện người yếu thế vẫn bị “bao vây” triệt sinh kế, đã thổi bùng nỗi bất bình của những nhà báo trước sự bất công vô lý, thôi thúc chúng tôi thực hiện loạt bài này.

Sau đợt cưỡng chế ngày cận Tết 2015, trang trại doanh nghiệp cụ Mai trở thành bình địa. Gia đình cụ chỉ còn lại mảnh rừng 5ha trên chỏm đồi chơ vơ, không nguồn nước, phủ trắng lớp bụi từ các mỏ đá, lọt thỏm giữa mênh mông những khu mỏ đá. Con cái từ chỗ công việc phát đạt nay tứ tán, riêng ông Huỳnh Văn Ngà (SN 1960, con trai cụ Mai) bám trụ mảnh đất còn sót lại.

Đường cùng đốt than mưu sinh trên “khu đất chết”

Trưa tháng Ba nắng đổ lửa, Tân Cang bụi mù trời, đặc biệt từ con dốc dẫn vào phần đất 5ha còn lại của cụ Mai, bụi bám cây cối dày đặc. Bụi từ những hầm khai thác đá thổi ra, bụi từ những đoàn xe ben hồng hộc chạy trên đường lồi lõm bốc lên, bụi từ những cỗ máy xay đá ồn ào len vào mọi ngõ ngách… Khu rừng còn sót lại của cụ Mai chỉ một màu bụi bám trên cây cỏ úa vàng, nhiều cây chết khô cong queo.

Bên mấy lò than lửa đã tắt, là bóng dáng mấy phu than rỗi việc ngồi buồn thiu. Ngoài ông Ngà, còn có bốn người và là hai cặp vợ chồng, người trẻ nhất 45 tuổi, người già gần 90 tuổi. Tất cả đều bám trụ ở khu đất còn lại sau ngày trang trại bị cưỡng chế. Từng là những người làm công trong doanh nghiệp cụ Mai, nên sau cuộc cưỡng chế, đồng nghĩa với việc tất cả không công ăn việc làm, không chỗ ở…

Ông Huỳnh Văn Chậm (SN 1973) bó gối trong căn chòi nhìn không khác cái chuồng gà sắp sập. Người vợ đang bịt lại cái khẩu trang để chuẩn bị bước ra ngoài lều. Bà tên là Nguyễn Thị Hà (45 tuổi), luôn húng hắng ho mỗi khi nói chuyện: “Ở đây cực dữ lắm. Bụi mịt mù suốt ngày đêm, có khi chưa chết vì nghề than thì đã chết vì bụi mỏ đá”.

Trong căn lều gần đó, cụ Nguyễn Văn Thu (SN 1931) ngồi xắt bịch rau thối cho mấy con gà lông xác xơ. Cuộc đời ông cụ gần tuổi 90 cũng đầy trắc trở: Gần chục năm trước bị Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Đồng Nai (Dona Coop) thu hồi hết đất tại xã Long Hưng, tiền đền bù chỉ 80 ngàn đồng/m2. Hai cụ dắt díu đến doanh nghiệp cụ Mai làm công.

Rồi cuộc cưỡng chế xảy ra. Cụ Thu nhớ lại: “Hồi đó mới lên ở đây toàn rừng không à. Nay thì hít bụi trắng trời”. Cụ bà Huỳnh Thị Thước (SN 1946, vợ cụ Thu) chỉ lớp bụi đóng dày khắp lều: “Ai mặc áo trắng tới đây, chỉ năm phút sau hóa đỏ hết”.

Ông Ngà kể, sau ngày gia đình bị cưỡng chế, chỉ còn bộ đồ trên người. Nhìn những người làm công cũng “vạ lây” mất trắng, ông mới xoay sang nghề đi mua củi từ mấy công ty đồ gỗ về đốt than. Mỗi tấn củi giá khoảng 1 triệu.

Một lò 3 tấn, đốt xong được 80 bao than. Mỗi bao bán 45 ngàn đồng. Than có khi ế dài nếu các đại lý bán chậm. “Có khi lời, khi lỗ. Lỡ đốt quá lửa, cháy rụi thành tro, mất trắng là chuyện thường”, ông kể. Mỗi tháng, ông chỉ mong mỏi dành dụm được dăm ba triệu phụ mẹ trị bệnh.

“Ở vùng đất chết như vầy, tôi còn có thể làm gì ngoài đốt than kiếm miếng ăn?”, ông Ngà đặt câu hỏi. Xung quanh khu đất là hàng loạt mỏ đá, trong đó có Tân Cang  6 do Dona Coop khai thác, chính là vùng đất của gia đình ông bị cưỡng chế bốn năm trước. Ông Ngà kể: “Máy móc khoan ủi sáng đêm, 24/24h. Mỏ đá nổ mìn liên tục. Xe ben chạy tối ngày”.

“Họ kiếm cớ dồn chúng tôi vào đường cùng, quyết triệt sinh kế”, ông Ngà tố cáo. 

Chỉ tay xuống dưới dốc, chỗ có cái cống bi đường kính chừng 1m, dài chừng 1,5m, ông kể: “Mỗi khi họ nổ mìn, chúng tôi nháo nhào chui vô chòi trốn. Nhưng đá xuyên thủng chòi, nổ xong nhặt được cả thau đá. Sau này có cái cống bi, mỗi khi nghe nổ mìn, chúng tôi chui vào cống núp, đàn chó hoảng sợ rúc theo. Sống như thời chiến”.

“Họ kiếm cớ dồn chúng tôi vào đường cùng”

Đánh đổi sức khỏe chỉ mong kiếm miếng ăn qua ngày, nhưng ông Ngà vẫn không được yên, năm lần bảy lượt bị đâm đơn tố “gây ô nhiễm môi trường”. Mỗi lần có đơn là lập tức đoàn cơ quan chức năng vào kiểm tra.

Ông Chậm kể: “Có lúc cán bộ địa phương vào cùng, có lúc nhóm người mặc thường phục vào. Năm ngoái họ bắt ông Ngà phải đập bỏ ba lò than dưới triền dốc. Dời lên đỉnh đồi mà chưa được yên”. Ông Chậm kể dù ở trên đất nhà cụ Mai và đường cùng mới phải dựng lều ở, nhưng bị… đuổi thường xuyên. Bốn năm nay, ông đã phải bảy lần dựng lều.

Ai là người đứng đơn phía sau đề nghị triệt sinh kế của những con người bần cùng này? Sự thật đã được hé lộ trong Văn bản số 47/CV-LH.HTX ngày 25/2/2019 do Tổng Giám đốc Dona Coop Bùi Thanh Trúc ký, gửi UBND Biên Hòa và UBND xã Phước Tân.

Văn bản có đoạn: “Trong ranh đất mỏ đá Tân Cang 6 có sáu lò đốt than củi gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng” và đề nghị “UBND TP Biên Hòa chỉ đạo Công an, Cảnh sát môi trường phối hợp cùng các ngành chức năng xử lý vi phạm hành chính việc đốt than gây ô nhiễm môi trường”.

Ba ngày sau đó, sáng 28/2, hai cán bộ xã Phước Tân gồm Nguyễn Anh Thương (công chức địa chính, xây dựng và môi trường), Nguyễn Văn Hoàng Chúc (nhân viên Tổ trật tự đô thị) cùng người của Dona Coop là Võ Hồng Phương (quản lý mỏ đá Tân Cang 6) và một người tự xưng tên Thành thuộc Ban đền bù của Dona Coop, ngang nhiên tới đất nhà cụ Mai “đo đạc khu đất và kiểm tra việc gây ô nhiễm môi trường”.

Ông Ngà yêu cầu “đoàn kiểm tra” xuất trình quyết định kiểm tra hoạt động. Nhóm người này không đưa ra được văn bản pháp lý nào. Sự việc được trình báo Công an xã. Có mặt tại hiện trường, Công an xã mời các bên về UBND xã làm việc, sau đó các bên tự giải tán.

Nửa tháng sau đó, trưa 13/3, hai thanh niên đi xe máy tìm đến, tự xưng “Cảnh sát môi trường Công an Biên Hòa đến nắm thông tin về lò than gây ô nhiễm môi trường”. “Vì họ mặc thường phục nên tôi hỏi thẻ ngành, giấy tờ, giấy giới thiệu. Họ nói “không mang theo”, ông Ngà kể lại.

Một văn bản của Dona Coop cho rằng nhà cụ Mai “gây ô nhiễm môi trường”.

Sau khi bị ông “bắt thóp”, nhóm người quay lưng đi, nói: “Hôm sau sẽ quay lại làm việc với đầy đủ giấy tờ, thẻ ngành và sẽ mặc quân phục”. Cho đến hôm nay, vẫn không thấy hai “cảnh sát” quay lại. Ông Ngà nghi ngờ đây là hai đối tượng giả danh cảnh sát được thuê mướn đến; hoặc có thể là công an nhưng đến với động cơ cá nhân, không phải do người có thẩm quyền cử đi.

Không đập được lò đốt than vì lý do “gây ô nhiễm môi trường” thì đã có lý do khác để tiếp tục “quay quắt”. Mới đây nhất, ngày 14/3, Đội Quản lý trật tự đô thị TP Biên Hòa có giấy mời, đề nghị cụ Mai “kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc xây dựng trái phép” tại khu đất. Mấy túp lều xập xệ một tay đẩy đã đổ thì không thể gọi là “xây dựng”. Như vậy lại là chuyện lò đất đốt than? “Họ kiếm cớ dồn chúng tôi vào đường cùng, quyết triệt sinh kế”, ông Ngà tố cáo.

Ông Chậm bức xúc: “Một số mỏ đá còn tưới nước đường đi, riêng Dona Coop thì không. Họ gây bụi bặm mù trời mà lại nói mình ô nhiễm. Mình sai phạm như con muỗi, họ sai phạm như con voi mà kiếm cớ ức hiếp mình. Họ phá ông Ngà chứ không phải vì lò than ô nhiễm hoặc ảnh hưởng gì đến ai. Hay họ muốn “bứng” không cho ai ở trong miếng đất này nữa để dễ dàng âm mưu toan tính những ý đồ khác?”.

Câu chuyện những người yếu thế “cố thủ” trên mảnh rừng còn sót lại ở Tân Cang bị ức hiếp vẫn chưa dừng lại.

Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.

Ở góc độ quản lý của xã, chính quyền xã nói gì? Ông Vương Duy Đào, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, đúng là trước đó xã nhận được đơn của Dona Coop “tố” gia đình cụ Mai “đốt than trên đồi gây ô nhiễm môi trường” và “đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý”.
Ông Đào giải thích: “Dona Coop cũng chỉ là một đối tượng sử dụng đất, bình đẳng với các đối tượng có đất khác như nhà cụ Mai. Sau khi nhận đơn, theo đúng chức trách, chúng tôi phải cử cán bộ đi xác minh xem sự việc ra sao”. Vậy vì sao cán bộ đi làm, “bên tố cáo” cũng đi theo? “Việc cán bộ xã cho người của Dona Coop đi cùng là sai, do anh em nhận thức kém”, ông Đào cho biết.
Nhóm phóng viên
***

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 7): Vừa bị lấn đất, vừa bị đòi “hình sự hóa”

(PLVN) – Kể từ khi bị ra quyết định thu hồi đất rồi cưỡng chế đất giao Dona Coop, doanh nghiệp cụ Mai hết bấn loạn với những quyết định của chính quyền địa phương; lại còn bị rơi vào vòng nhiễu loạn trước những động thái, yêu cầu khó hiểu của doanh nghiệp “hàng xóm” Dona Coop. Những thông tin do Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đưa ra giúp dư luận thêm góc nhìn chính xác về sự việc.

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 7): Vừa bị lấn đất, vừa bị đòi “hình sự hóa”

Ông Ngà cho rằng năm 2018, Dona Coop tiếp tục lấn đất nhà ông làm cả một con đường

Đòi xã phải báo cáo sai sự thật

Sau ngày cưỡng chế gia đình cụ Mai thu hồi hơn 10,5 ha đất giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Đồng Nai (Dona Coop) làm mỏ đá, Dona Coop trở thành “hàng xóm” cụ Mai, và nhiều lần có đơn “tố” cụ Mai “đốt lò than gây ô nhiễm”.

Trong Văn bản gần nhất số 47/CV-LH.HTX ngày 25/2/2019 do Tổng Giám đốc Dona Coop Bùi Thanh Trúc ký, “tố”: “Trong ranh đất mỏ đá Tân Cang 6 có sáu lò đốt than củi gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng” và đề nghị Biên Hòa “chỉ đạo công an, cảnh sát môi trường phối hợp các ngành chức năng xử lý vi phạm…”.

Ba ngày sau đó, sáng 28/2, hai cán bộ xã cùng hai cán bộ của Dona Coop ngang nhiên tới đất cụ Mai “đo đạc kiểm tra việc gây ô nhiễm môi trường”. Gia đình cụ Mai phản ứng, trình báo chính quyền. Công an xã mời các bên về xã làm việc, sau đó các bên tự giải tán.

Ông Vương Duy Đào, Bí thư Đảng ủy xã, giải thích: “Dona Coop cũng chỉ là một đối tượng sử dụng đất, bình đẳng với các đối tượng có đất khác như nhà cụ Mai. Sau khi nhận đơn, theo đúng chức trách, chúng tôi phải cử cán bộ đi xác minh”.

Vì sao cán bộ đi làm, “bên tố cáo” cũng đi theo? “Việc cán bộ xã cho người của DonaCoop đi cùng là sai, do anh em nhận thức kém”, ông Đào cho biết. Như vậy, rất có thể do bản thân cán bộ địa chính xã và nhân viên trật tự đô thị có “mối quan hệ riêng” với người của Dona Coop, nên mới làm việc sai quy trình như trên.

Ông Đào thông tin: “Hôm anh em vào thì doanh nghiệp cụ Mai không đốt than nữa. Anh em về thì cho hay không có cơ sở nào bảo cụ Mai gây ô nhiễm môi trường”.

Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó. Bí thư Đào cho hay: “Sau đó ít hôm, tại một cuộc họp có các ban ngành chức năng, Dona Coop cho rằng xã Phước Tân chúng tôi báo cáo không trung thực về vụ việc. Dona Coop cho rằng doanh nghiệp cụ Mai có dấu hiệu giữ người bất hợp pháp. Dona Coop đòi xã phải báo cáo như thế. Chúng tôi không đồng ý, chúng tôi chỉ báo cáo sự thật”.

Ông Huỳnh Ngọc Ngà (SN 1964, con trai cụ Mai) lặng người khi biết thông tin này: “Người của Dona Coop xâm nhập bất hợp pháp, chúng tôi phải báo chính quyền địa phương đến giải quyết đúng luật. Chúng tôi mấy ông già bà cả, có người chột mắt tàn tật, chui rúc mấy căn lều đốt than, mất cả gia tài còn không dám phản ứng, thì sức đâu và sao dám giữ người? May mà xã công tâm báo cáo sự thật, nếu không chắc chúng tôi bị khép tội hình sự, tù rục xương”.

Ai lấn đất ai?

Trở lại với Văn bản số 47/CV-LH.HTX do Tổng Giám đốc Dona Coop Bùi Thanh Trúc ký, gửi UBND Biên Hòa và UBND xã Phước Tân, văn bản này còn có đoạn: “… Do vị trí 6 lò đốt than này nằm trên đất của hộ bà Lê Thị Phương Mai trước đây cưỡng chế nhưng chưa làm dứt điểm (khu vực vị trí này khoảng 12 lò nhưng trong ranh mỏ đá Tân Cang 6 có sáu lò).

Dona Coop đã nhiều lần liên hệ đề nghị ngưng hoạt động nhưng kết quả không chấp hành. Do điều kiện hiện nay Dona Coop triển khai thi công đến khu vực vị trí này thì một số người có thái độ ra cản trở thi công quyết liệt…”.

Dona Coop đề nghị UBND TP Biên Hòa và UBND xã Phước Tân “thành lập đoàn hỗ trợ bảo vệ cho Dona Coop tháo dỡ, thi công trên vị trí đất các lò đốt than trên phần diện tích mỏ đá Tân Cang 6 do Dona Coop làm chủ đầu tư”. Nói tóm lại, Dona Coop cho rằng cụ Mai đang xây lò than trên đất Dona Coop.

Ông Ngà phản ứng, cho rằng chính Dona Coop mới lấn đất nhà ông, chứ không phải nhà ông lấn đất Dona Coop. “Theo các quyết định của UBND Đồng Nai, chỉ cưỡng chế của nhà tôi hơn 10,5 ha giao Dona Coop, nhưng thực tế công ty này đã khai thác khoảng 14 ha trên đất nhà tôi.

Trên 5 ha đất nhà tôi còn lại, đầu năm 2018 Dona Coop tiếp tục lấn đất, làm hẳn con đường cho xe ben chở đá qua lại, chúng tôi ra phản ứng họ vẫn bất chấp. Nay thấy chúng tôi nhịn nhục, họ tiếp tục làm càn, coi thường luật pháp, tiếp tục lấn đất nhà tôi”, lời ông Năm.

Những phụ nữ, người già này đã suýt bị rơi vào “bẫy” “giữ người trái phép”

Lần giở hồ sơ vụ việc, nhận thấy câu chuyện có nguy cơ khiếu nại chất chồng khiếu nại, bắt nguồn từ các quyết định thu hồi đất sai sót của UBND huyện Long Thành và UBND Biên Hòa. Suốt 5 năm, đã có bốn lần hai địa phương này ra quyết định thu hồi đất cụ Mai, trong đó một lần thu hồi bổ sung, hai lần điều chỉnh diện tích.

Ngày 17/9/2009 huyện Long Thành ra Quyết định 3152/QĐ-UBND thu hồi cụ Mai hơn 106 ngàn m2. Hơn một năm sau, ngày 19/11/2010 UBND Biên Hòa (lúc này Phước Tân đã sáp nhập về Biên Hòa – NV) thu hồi thêm gần 13 ngàn m2.

Cũng trong ngày này, Biên Hòa ra Quyết định 1476/QĐ-UBND thay đổi Quyết định 3152, điều chỉnh diện tích thu hồi. Bẵng đi gần 4 năm sau, ngày 30/6/2014 Biên Hòa lại ra Quyết định 1162/QĐ-UBND thay đổi Quyết định 1476, tiếp tục điều chỉnh diện tích thu hồi.

Rơi vào “mớ bòng bong” quyết định như trên, đến bản thân người bị thu hồi đất cuối cùng cũng không biết chính xác mình bị thu hồi bao nhiêu, mà chỉ “ước chừng hơn 10,5 ha”. Ông Ngà tố cáo: “Lợi dụng sự nhập nhèm trên, Dona Coop đã tiếp tục lấn đất nhà tôi từ đó đến nay”. Ông Ngà đề nghị cơ quan chức năng Đồng Nai vào cuộc, đo đạc lại chính xác diện tích đất nhà ông còn lại, cắm ranh rõ ràng.

“Cụ Mai bị thiệt thòi nhiều”

Đem thắc mắc trên đề nghị chính quyền địa phương giải đáp, chúng tôi được ông Vương Duy Đào, Bí thư xã Phước Tân xác nhận, sau khi cưỡng chế 12 ha giao Dona Coop, diện tích đất nhà cụ Mai hiện còn khoảng 5 ha.

Trước câu hỏi: “Cụ Mai tố cáo Dona Coop mới đây tiếp tục lấn đất nhà cụ để làm đường, xã giải quyết ra sao?”, ông Đào khẳng định: “Chuyện đó chúng tôi chưa nắm được. Chuyện đó cụ Mai phải làm văn bản để kiến nghị xử lý. Có đơn thì xã sẽ kiểm tra xem phần đất đó có phải đất cụ Mai không? Nếu Dona Coop lấy thêm nữa của cụ Mai ngoài 12ha thì xã sẽ có trách nhiệm. Xã sẽ là đơn vị đầu tiên xử lý việc đó”.

Vị Bí thư xã trăn trở: “Cả khu mỏ đá 400 ha, giờ còn lại cụ Mai bám trụ, còn lại vụ khiếu kiện này. Khi làm mỏ đá, một số doanh nghiệp không như Dona Coop, khi họ lấy đất thì đều thỏa thuận với người dân theo quy định Luật Đất đai. Giữa đôi bên thỏa thuận rất đơn giản, nhẹ nhàng nên không xảy ra khiếu kiện. Còn chỗ cụ Mai là lớn nhất, thiệt hại nhiều nhất nên khiếu kiện giờ chưa xong”.

Vẫn lời ông Đào: “Hôm vừa rồi họp, tôi có nói với anh em xã, đừng can thiệp cá nhân vào sự việc, mà chỉ làm đúng thẩm quyền. Bị thu hồi 12ha, giờ giá thị trường tương đương 100 tỷ, nhưng đền có 7,5 tỷ thì làm sao người ta đồng ý được, người ta phải khiếu nại.

Gần 100 tỷ mà đền có 7,5 tỷ thì ai chịu được. Bản thân mình còn không chịu được nói gì cụ Mai. Nhưng việc đó vượt quá thẩm quyền, cán bộ xã không can thiệp sâu vào. Ở góc độ của xã, đánh giá thấy cụ Mai bị thiệt thòi nhiều”.

Với 5 ha đất còn lại của cụ Mai, liệu có tình trạng sẽ tiếp tục bị doanh nghiệp khác “thôn tính”?  Ông Đào khẳng định: “Doanh nghiệp nào muốn lấy, chắc chắn phải thỏa thuận. Không thể lấy đơn giản được. Không ai can thiệp mà lấy được. Nhà nước không can thiệp cưỡng chế”.

Cụ Mai rưng rưng nước mắt khi bất ngờ nghe được những lời đồng cảm trên. “Giá như cán bộ nào cũng hiểu dân như vậy”, cụ nhớ lại kỷ niệm chua xót khi xây cây cầu Thuận An 2, làm việc tốt mà bị gây khó dễ lên xuống.

Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.

Nói về cách hành xử của một số doanh nghiệp khai thác mỏ đá Tân Cang trên địa bàn, Bí thư xã Phước Tân nhận xét: “Các anh khai thác, các anh có lợi ích thì các anh phải chia sẻ khó khăn với người dân, với địa phương. Các anh ỷ lại chính quyền, ỷ lại này nọ, không có trách nhiệm với cộng đồng.
Chuyện đó đâu có được. Tôi đâu có sợ, mấy lần họp tôi đều nói. Lợi ích doanh nghiệp và người dân phải hài hòa. Các anh phải chia sẻ chứ không thể ép chính quyền hỗ trợ các anh mà bỏ người dân được”.
Nhóm phóng viên
***

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 8): Đường cùng xin cắn lưỡi bảo vệ cây cầu vô tội

(PLVN) – Công sức đầu tư kinh doanh cả cuộc đời cụ Mai đã bị những quyết định hành chính địa phương xóa sạch, nay dấu ấn duy nhất còn lại chỉ một cây cầu Thuận An 2. Số phận cây cầu lận đận như đường kinh doanh đời mình nên cụ thương cây cầu như thương thân.

Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 8): Đường cùng xin cắn lưỡi bảo vệ cây cầu vô tội

Một người con trai cụ Mai bên cây cầu gia đình xây dựng cho dân đi.

Bà cụ đứng giữa cầu đối mặt lực lượng đòi cưỡng chế đập phá, tuyên bố: “Cầu tôi xây hợp pháp, xin giữ lại cho dân đi, tôi không đòi hỏi gì… Cây cầu vô tội, muốn đập cầu phải cán qua xác tôi. Ai tiến thêm một bước, tôi cắn lưỡi tự sát”.

Xây cầu vì dân, bị… phạt 5 triệu

Cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Thuận An 2, từng ngụ ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn nhớ như in những chuyện từ hơn 40 năm trước khi mới về khai phá lập nghiệp vùng Tân Cang.

Ám ảnh nhất là chuyện đi lại qua dòng sông Buông. Mùa khô, con sông nước lấp xấp chỉ như con suối. Nhưng mùa mưa, lũ ập về có khi nước dâng tới 3-4m. Bao người đã bị lũ cuốn mất mạng. Mỗi lần vượt sông là một lần đánh cược sinh mạng.

Sau này đầu tư kinh doanh có tiền, lập dự án khu du lịch sinh thái, cụ thực hiện tâm niệm bắc cây cầu cho mọi người qua lại. Cây cầu ban đầu là cầu treo, người địa phương gọi nôm na cầu Dây, rồi có tên cầu Mỏ Đất, sau đổi tên cầu Thuận An 2.

Dự án khu du lịch sinh thái bị địa phương từ chối cấp phép, cụ chuyển sang xin cấp phép khai thác mỏ đá. Được chỉ đạo phải xây cầu khác kiên cố hơn, cụ vui vẻ chấp hành, ngày 18/12/2001 làm “Đơn xin làm cầu” gửi xã huyện, nêu rõ “kính xin quý cơ quan cho phép tôi được xây dựng cây cầu bắc ngang chỗ cầu Dây cũ”, dốc vốn xây chiếc cầu bê tông kiên cố tải trọng 30 tấn.

Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật – thi công do Công ty tư vấn Xây dựng Công trình Giao thông 7 (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) lập tháng 8/2002, cầu được xây dựng trên chính tuyến đường vào mỏ đá, tại vị trí ổn định, thiết kế theo tiêu chuẩn cấp V=40.

Tháng 7/2006, cụ Mai làm đơn báo cáo: “Chúng tôi đã thực hiện xong quy định của tỉnh về việc thực hiện đóng góp làm đường giao thông và cầu qua sông Buông mặc dù doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn”.

 Cụ Mai nói: “Cầu tôi xây vì dân chứ không phải vì  ý chí cá nhân của ông cán bộ, doanh nghiệp nào “.

Ngày 23/8/2006 UBND huyện Long Thành (khi đó Phước Tân chưa sáp nhập về Biên Hòa – NV) xác nhận: “Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại địa phương, Thuận An 2 đã chấp hành tốt việc đóng góp làm đường giao thông nông thôn và làm cầu qua sông Buông, phục vụ việc đi lại của nhân dân trong khu vực và các đơn vị kinh tế… đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và bàn giao lại cho UBND huyện Long Thành quản lý”.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) nhớ lại: “Dù đã làm đơn xin đầy đủ, được chính quyền chấp thuận, nhưng việc xây cầu vẫn bị cơ quan chức năng gây khó dễ, “tiền hậu bất nhất”. Thậm chí khi chúng tôi chở đất từ nhà ra đổ làm đường dẫn lên cầu, còn bị… phạt 5 triệu đồng”.

Bất ngờ nhất, cầu vừa xây xong đã bị Sở Giao thông Vận tải đòi… đập bỏ, dù huyện đã xác nhận sự việc xây cầu hợp pháp, hợp tình như trên.

Nỗi oan ức bị đổ tội “xây cầu thu phí”

Những quan điểm của các cơ quan chức năng Đồng Nai về cây cầu Thuận An 2 quả thật rất “tiền hậu bất nhất” khi nhìn lại những văn bản chỉ đạo sự việc. Văn bản số 995/UBT của UBND Đồng Nai ngày 13/3/2003 yêu cầu Thuận An 2 phải xây dựng cầu, đường giao thông.

Văn bản số 556/CN do quyền Giám đốc Sở Công nghiệp khi đó là bà Phan Thị Mỹ Thanh ký ngày 29/5/2003, có nội dung: “Doanh nghiệp (Thuận An 2 – NV) đã xây dựng xong hai mố cầu… Đề nghị doanh nghiệp làm hoàn chỉnh cầu và báo cáo các ngành kiểm tra trình UBND tỉnh xem xét…”. Trong Văn bản số 3300/UBT ngày 31/7/2003, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai khi đó là ông Ao Văn Thinh một lần nữa chỉ đạo Thuận An 2 “tiếp tục xây dựng hoàn tất cầu”.

Thế nhưng tháng 7/2005, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai khi đó là ông Nguyễn Văn Điệp bất ngờ có văn bản gửi UBND tỉnh, đòi… tháo bỏ cầu. Theo văn bản này, có đơn của một doanh nghiệp tố Thuận An 2 “xây cầu không phép, không hồ sơ, dựng barie thu phí qua cầu”.

Sở này sau đó lập đoàn kiểm tra, xác nhận cây cầu “gồm 5 nhịp bê tông tiền áp dài gần 25m, mặt cầu rộng 4,65m, gờ chắn bánh cao 0,5m. Cầu đặt trên mố đá xây, sàn cầu tốt, riêng mố A có vết nứt”.

Cuộc cưỡng chế đòi đập cầu Thuận An 2 hồi đầu năm 2010 .

Bà Ngọc Anh tố, dù Sở này không làm việc với gia đình yêu cầu cung cấp các hồ sơ, văn bản liên quan, nhưng đã vội vàng cho rằng “cầu xây dựng không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi thi công không có sự giám sát

thường xuyên của tổ chức thiết kế, cơ quan giám định chất lượng công trình”. Vị Giám đốc Sở cho rằng: “Cầu vi phạm quy chế quản lý đầu tư và xây dựng trong Nghị định 52/1999/NĐ-CP. Thuận An 2 tự xây dựng barie chắn đường là trái chủ trương ban đầu của cấp có thẩm quyền. Cầu xây dựng không có hồ sơ khảo sát thiết kế kỹ thuật được duyệt, độ an toàn của cầu không có cơ sở đảm bảo, nhất là móng mố”. Giám đốc Sở đề nghị tỉnh “cho tháo bỏ cây cầu”.

Bà Ngọc Anh phản bác: “Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo láo. Cầu xây theo đúng mọi quy trình, thủ tục như xác nhận của UBND huyện. Về việc lập barie, chúng tôi nhằm ngăn các xe chở đá nặng tới 40-50 tấn qua lại có thể sập cầu, chúng tôi chưa từng thu một đồng “phí qua cầu” từ bất kỳ doanh nghiệp cá nhân nào”.

Về cái mà Sở cho rằng “cầu vi phạm quy chế quản lý đầu tư và xây dựng quy định trong Nghị định 52/1999/NĐ-CP”, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) phản bác: “Cầu xây hoàn toàn bằng tiền của doanh nghiệp nên không chịu sự điều chỉnh của Nghị định trên. Sở Giao thông đã viện dẫn văn bản sai”.

Đề nghị “cho tháo bỏ cây cầu” vô lý như vậy nên không được chấp nhận. Cây cầu Thuận An 2 “thoát chết” lần thứ nhất. Có điều chưa rõ vì sao Sở Giao thông lại ra một đề nghị vô lý như thế, hay do một “thế lực” nào đó thúc ép?

“Cầu tôi xây hợp pháp, xin giữ lại cho dân đi”

Cây cầu vì dân bị đề nghị “khai tử” lần hai, khi ngày 7/10/2009, Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai (Dona Coop) có Văn bản số 419/LH-HTX do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Phước Đạt ký, gửi cấp huyện xã, cho rằng phần diện tích “công đường” (có lẽ viết sai từ “con đường” – NV) ra cầu Thuận An 2 đã được giao Dona Coop quản lý và Dona Coop “sẽ đóng cửa đoạn đường nêu trên”. Sau khi Dona Coop có văn bản này, chính quyền địa phương ra thông báo đập cầu Thuận An 2.

Cụ Mai kể lại: “Hành động nêu trên là quá ngang ngược, bất chấp luật pháp, bất chấp sinh mạng người dân. Chỉ có cây cầu duy nhất trên đường độc đạo dẫn vào khu dân cư, đường là của dân, cầu tôi xây hợp pháp cũng vì dân, sao đòi “đóng cửa đường”, đập cầu. Họ đòi đập cầu để xây cầu khác, cấm dân đi, để dễ bề thôn tính tất cả đất đai khu mỏ đá Tân Cang”.

Kỷ niệm cơ hàn ùa về. Những mùa lũ đàn con phải kết thân chuối làm bè đưa mẹ vượt lũ gánh hàng đi chợ mưu sinh. Những ngày cả xóm chia nhau chạy dọc dòng sông tìm người hàng xóm bị lũ cuốn trôi mất xác. Những năm tháng dốc gia sản xây chiếc cầu cho mọi người qua lại bình an. Cụ Mai không chấp nhận hành động cụ gọi là “ức hiếp” đó.

Hôm địa phương đưa lực lượng cả trăm người cùng máy xúc, gầu múc đến định đập cây cầu, cụ Mai bình thản bước ra giữa cầu, không gào thét, không la lối. Bà cụ tóc bạc trắng, chân tay run rẩy vì bệnh tật nhưng nắm thật chắc lan can cầu, ôn tồn: “Thưa các ông, cầu tôi xây hợp pháp, xin giữ lại cho dân đi, tôi không đòi hỏi gì. Cầu tôi xây vì dân chứ không phải vì ý chí cá nhân của ông cán bộ, doanh nghiệp nào. Cây cầu vô tội, muốn đập cầu phải cán qua xác tôi. Ai tiến thêm một bước, tôi cắn lưỡi tự sát”.

Thế lực dù có cường quyền đến mức nào cũng không thể thắng chính nghĩa, cũng phải lùi bước trước bà cụ dám xả thân bảo vệ cây cầu vì dân. Cuộc cưỡng chế bất thành. Cây cầu Thuận An 2 vẫn lặng lẽ vắt qua dòng sông Buông. Sau ngày đó, Dona Coop cho xây một cây cầu sắt nằm song song cầu Thuận An 2 cho xe ben rầm rập qua lại, gắn biển “cầu yếu”.

Sau khi PLVN đăng tải loạt bài phản ánh sự việc doanh nghiệp tư nhân bị “bức tử”, chính quyền Đồng Nai và đại diện các bộ, ban ngành T.Ư nói gì? Vì sao cụ Mai, một người từng từ bỏ quốc tịch Pháp, kêu gọi các thân nhân Việt kiều đầu tư về Việt Nam lại bị đối xử với dấu hiệu bất bình đẳng như vậy? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.

Nhóm phóng viên

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s