Thế giới ngầm và sự sống còn của ngành điều Bình Phước – 3 bài


Nông dân, đại lý, doanh nghiệp, ai cũng cho rằng làm cho thương hiệu hạt điều Bình Phước giảm uy tín là do tất cả mọi người, “ngoại trừ mình tôi”.

Trong ảnh là phơi hạt điều của một đại lý ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú

 —

Thế giới ngầm và sự sống còn của ngành điều Bình Phước (Bài 1)

BP – Trong các vai khác nhau, chúng tôi tiếp cận với nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn thị xã Phước Long và 2 huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng. Những bí mật trong nghề, những chiêu trò của doanh nghiệp, cơ sở thu mua đã hé mở… Và cả những cơn sóng ngầm có thể làm sụp đổ ngành điều không phải là vấn đề xa lạ với chính người trong cuộc.

 

CHỢ ĐIỀU CỦA THẾ GIỚI

Việt Nam là nước xuất khẩu nhân hạt điều lớn nhất thế giới. Bình Phước là tỉnh trồng và chế biến điều lớn nhất cả nước. Và chúng tôi về Phước Bình – thủ phủ ngành điều Bình Phước – để tìm hiểu thực hư chuyện “người người làm điều, nhà nhà làm điều” và những câu chuyện về “chợ điều của thế giới” – một mỹ từ, một chút gì đó ẩn chứa sự tự hào đã được hình thành từ vài năm gần đây đối với người dân thị xã Phước Long.

Phước Bình là tên gọi quen thuộc vẫn được người dân sử dụng để chỉ vùng thị trấn Phước Bình cũ, nay là khu vực trung tâm của hai phường Phước Bình và Long Phước, thị xã Phước Long. Phước Bình vốn là trung tâm buôn bán sầm uất nhất trên địa bàn tỉnh. Người dân Phước Bình dường như mê buôn bán hơn các nơi khác. Thế nên, không lấy làm lạ khi Phước Bình cũng là trung tâm mua bán, chế biến hạt điều lớn nhất trong toàn tỉnh từ trước đến nay. Không chỉ đại lý thu mua, cơ sở bóc tách ở các huyện xuôi tuyến giao thông như Bù Đốp, Bù Gia Mập, mà cả những huyện ngược tuyến về Sài Gòn như Bù Đăng, Đồng Phú cũng vận chuyển tập kết về Phước Bình. Và khoảng 5 năm trở lại đây, không hề phóng đại nếu nói rằng Phước Bình đã trở thành xưởng điều của thế giới. Nếu ai không tin điều đó, xin hãy xem những số liệu sẽ rõ.

 

QUÁN TRÀ SỮA VÀ CHUYỆN KINH DOANH CỦA NGƯỜI PHƯỚC BÌNH

Nhiều năm qua, từ sau tết Nguyên đán đến khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, Phước Bình luôn nhộn nhịp hơn hẳn so với những tháng khác trong năm. Ở Phước Bình, chuyện về hạt điều và những gì liên quan đến hạt điều là đề tài ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách, từ quán cà phê đến góc bếp, bữa cơm của mỗi gia đình.

01.BinhPhuocTGN

Một góc trung tâm Phước Bình – nơi được xem là chợ điều của thế giới những năm gần đây – Ảnh:Sỹ Hòa

Tại trung tâm thương mại Phước Bình – nơi neo đậu quen thuộc của nhiều tài xế, xe tải, từ mờ sáng đến nửa đêm, khắp các ngả đường, xe tải đủ loại, từ 5 tạ, 1 tấn, 3 tấn đến các xe hạng nặng 20 tấn, 30 tấn nối đuôi nhau trong khu vực bán kính khoảng 5km tính từ ngã ba Phước Bình – đi ba hướng Bù Đốp, Phước Long, Đồng Xoài. Hai bên đường ĐT741 và đường xương cá, rẽ vào lối nào cũng dày đặc điểm bốc điều lên xe hoặc xuống xe với 5-10 thanh niên lực lưỡng. Trong khoảng 3-4 tháng giữa mùa khô, dường như không còn khoảng đất trống nào ở Phước Bình không được tận dụng làm nơi phơi hạt điều. Nhiều nhà không đủ diện tích, nhưng hàng dồn về, phải phơi tràn ra cả lề đường, vỉa hè.

Huỳnh Công Sự, 28 tuổi, cho biết: “Em quê ở Tiền Giang. 5 năm trước, một lần đến chơi với bạn làm bốc vác thuê cho các xưởng điều, em cũng xin vào làm. Từ đó đến nay, năm nào em cũng đến đây đi phơi điều thuê khoảng 4 tháng. Hết mùa về lại Tiền Giang, đến mùa lại bắt xe lên đây”. Ở Phước Bình, có hàng ngàn trường hợp như Sự và tham gia vào các khâu phơi, chẻ, bóc vỏ lụa, phân loại, kiểm phẩm, bốc vác…

Đoạn đường ĐT741 khu vực giáp ranh giữa phường Long Phước, thị xã Phước Long với xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập, khoảng 500m cả hai bên đều không có nhà dân, chỉ vườn cây và đất trống. Giữa cái nắng gay gắt, đoạn đường vắng vẻ này lại có một quán cóc ven đường. Gọi là quán, nhưng chỉ có một chiếc dù và chiếc xe đẩy bán trà sữa của hai “ông bà chủ” còn rất trẻ, khoảng 20 tuổi. Thoáng qua thì thấy không bình thường bởi không ai đi đường lại dừng lại nơi nắng nóng đó để uống trà sữa! Và chúng tôi cũng nhận được những ánh mắt đầy bất ngờ của chủ quán, khi dừng xe máy “vào quán uống nước”. Thế nhưng, hóa ra cái quán đó mọc lên lại rất bình thường và cho thấy sự nhanh nhạy trong “tư duy kinh doanh” của hai bạn trẻ. Bởi lẽ, mặc dù không có nhà dân, nhưng bên kia đường là một địa chỉ mà gần như người dân Phước Bình nào cũng biết: Cây xăng Linh Hương (tên treo trên bảng “Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại Linh Hương, địa chỉ thôn Phước Hòa, xã Bình Tân).

Cùng khuôn viên với cây xăng là khoảng sân bê tông chừng 10.000m2 – nơi tập kết xe container chở điều nhập khẩu xuống hàng, xe tải lớn nhỏ vận chuyển đến và đi, sân phơi, nhà kho, cân xe tải và hàng chục lao động, tài xế luôn tấp nập suốt mùa điều… Đây là một trong những điểm tập kết, trung chuyển điều lớn nhất đến các các cơ sở, doanh nghiệp ở Phước Bình. Linh Hương cũng là tên một trong những doanh nghiệp buôn bán, sơ chế lớn nhất ở Phước Bình, với lượng điều thô vào ra mỗi ngày hàng trăm tấn.

Khi ly trà sữa trên tay vẫn còn một nửa, chúng tôi đã hiểu vì sao chỉ có một cây dù và một chiếc xe đẩy, mà cần đến 2 thanh niên bán trà sữa ở đây.

 

NHÀ NHÀ LÀM ĐIỀU

Cuối tháng 5, giao mùa. Mới 4 giờ chiều, anh Nguyễn Văn Chín, 50 tuổi, chủ một cơ sở thu mua và bóc tách vỏ điều ở phường Long Phước đã cùng những người làm công thu dọn, đóng bao gần 5 tấn điều. Không có sân bãi riêng, cũng như nhiều năm trước, năm nay anh Chín vẫn phơi điều ở sân bay – cách nói quen thuộc của người dân vẫn chưa dứt được bởi trung tâm hành chính mới thị xã Phước Long mới chỉ đang hình thành.

02.nhadieubp

Ở Phước Bình, người dân, doanh nghiệp đều “ăn, ngủ” với điều, nói chuyện về điều. Trong ảnh là một nông dân đem số điều cuối vụ thu được đem bán cho đại lý ở Phước Long

Anh Chín cho biết, năm nay cơ sở của gia đình chẻ khoảng 200 tấn. Anh thường thu mua từ các đại lý và đều là đại lý gom điều của nông dân Bình Phước. Chỉ khi gom điều của đại lý không đủ để sản xuất trong cả năm, anh Chín mới mua điều nhập về từ nước ngoài. Sau khi thu mua, phải phơi đủ 3-4 nắng, tùy từng trường hợp cụ thể. Phơi xong, về phân loại cồ, trung, nhỏ. Một số trường hợp phơi khô, phân loại xong thì bán cho cơ sở bóc tách. Một số khác đưa vào kho để chẻ trong cả năm hoặc tích trữ chờ giá cao. Hơn chục năm qua, mỗi khi máy chẻ hạt điều được nâng cấp, cơ sở của anh Chín cũng nâng cấp theo. Song song với đó là lượng lao động cũng giảm đi. Theo anh Chín, nếu làm ăn chân chính, không mạo hiểm hay quá tham, thì những cơ sở nho nhỏ như của gia đình anh khó có thể thua lỗ, không lời nhiều, mỗi năm chỉ kiếm được… hai, ba tỷ đồng mà thôi.

 

10 NGÀN CONTAINER LÀ BAO NHIÊU…?

Thống kê của Vinacas, bình quân 5 năm qua mỗi năm nông dân Bình Phước thu hoạch được khoảng 150 ngàn tấn hạt điều thô trong tổng số khoảng 500 ngàn tấn cả nước. Năm 2014, bên cạnh nguồn nguyên liệu trong tỉnh, các doanh nghiệp của Bình Phước nhập khẩu khoảng 200 ngàn tấn hạt điều thô về chế biến, trong tổng số 700 ngàn tấn cả nước nhập khẩu từ nước ngoài.

Những số liệu này cho thấy, Bình Phước chiếm khoảng 30% sản lượng hạt điều trồng được trong cả nước và cũng chiếm 30% sản lượng nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Hầu hết điều nhập khẩu vào Bình Phước đều tập trung về Phước Bình để tách hạt lấy nhân, bóc vỏ lụa.

Ngoài hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hiếm nơi nào trên đất nước Việt Nam có mật độ cơ sở sản xuất, chế biến nhiều như ở Phước Bình. Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng từ số liệu tổng thể toàn tỉnh cho thấy mỗi năm các cơ sở, doanh nghiệp và người lao động hai phường Phước Bình, Long Phước “ngốn” xấp xỉ 300 ngàn tấn hạt điều thô, tương đương khoảng ¼ cả nước. Nếu mỗi container 30 tấn hạt điều thô, thì phải cần 10 ngàn container mới chứa hết số hạt điều này. Chỉ riêng khâu chẻ lấy hạt và bóc vỏ lụa, cho dù huy động toàn bộ người trong độ tuổi lao động ở Phước Bình cũng không làm xuể. Dĩ nhiên điều đó không xảy ra. Bởi thứ nhất là hàng ngàn lao động mọi nơi tập trung về đây. Thứ hai là mỗi năm công đoạn bóc tách và bóc vỏ lụa đều được cải tiến nhằm giảm bớt nhân công. Đặc biệt là khi máy chẻ hạt điều ứng dụng thành công và không ngừng cải tiến để đến nay không những chẻ được với tốc độ bằng cả chục công nhân mà chất lượng chẻ còn tốt hơn, ít bị bể hơn so với chẻ thủ công. Đây là một trong những lý do chính khiến Phước Bình có thể nhập và sơ chế hạt điều thô được với khối lượng lớn như vậy.

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tầm cỡ đầu mối, ở Phước Bình có hàng trăm cơ sở thu mua, sơ chế hạt điều như của gia đình anh Chín với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Mặc dù không trồng một cây điều nào, nhưng họ đang là bộ phận đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành điều nước ta, thậm chí có thể quyết định đến giá cả chợ điều của thế giới. Ở Phước Bình, mọi ngóc ngách, từ quán cà phê đến góc bếp, bữa cơm của mỗi gia đình đều nói chuyện làm điều. Ở Phước Bình, “người người làm điều, nhà nhà làm điều”. Và ở Phước Bình, ai cũng có thể trở thành đại gia và ai cũng có thể phá sản chỉ sau một đêm.

 

(Còn tiếp)

Bài 2: Những “bí mật” của doanh nghiệp

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn

***

Thế giới ngầm và sự sống còn của ngành điều Bình Phước (Bài 2)

6:50 | 13/06/2015

BP – Trong các vai khác nhau, chúng tôi tiếp cận với nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn thị xã Phước Long và 2 huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng.

Chủ một doanh nghiệp chế biến điều khá lớn ở thị xã Phước Long cho biết: Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trộn điều nhân của Bình Phước với điều của các địa phương khác hoặc nhập về từ nước ngoài với tỷ lệ 5-5, 4-6, 3-7 tùy theo chất lượng và đơn hàng. Và chỉ các cơ sở, doanh nghiệp lớn ở Phước Long mới trộn. Những cơ sở nhỏ ở Bù Đăng, Bù Gia Mập gần như không trộn mà thường bán điều nhân nguyên gốc.

Khi tới một cơ sở chế biến lớn ở xã Long Hà, chủ cơ sở này còn hướng dẫn chúng tôi cách trộn điều nhân: 1 tấn cần 2 nhân công để trộn trong 2 giờ. Điều trong bao, đổ xen kẽ mỗi loại mỗi bao, từ trên đỉnh xuống, sau đó hốt vào đóng bao lại là sẽ đều 2 loại với nhau.

NHỮNG “BÍ MẬT” CỦA DOANH NGHIỆP

Trong thế giới của những doanh nghiệp thu mua, chế biến hạt điều, có hàng trăm câu chuyện được xem là bí mật không bao giờ tiết lộ cho đồng nghiệp, đối thủ, đối tác và hiếm khi họ “vạch áo” cho người ngoài cuộc “xem lưng”, mặc dù những bí mật ấy ai bước chân vào kinh doanh… cũng biết. Đó là những chiêu trò “mượn đầu heo nấu cháo”, “đấu đầu, đấu cuối”, “kinh doanh trên uy tín ảo”… Hậu quả là những hạt điều không chỉ bị “xoay chóng mặt” mà còn tạo nên những cơn sóng ngầm có thể khiến thị trường trở nên chao đảo.

MỘT HẠT ĐIỀU, QUÁ NHIỀU “TRÒ ẢO THUẬT”

Quay lại 7 năm về trước, đó là thời kỳ đen tối của hạt điều vì chính người dân, cơ sở thu mua nhỏ vì lợi nhuận đã trộn lẫn các tạp chất xi măng, trái điều giã nát, vặt chừa cuống nhiều… để tăng trọng lượng. Câu chuyện này đã trở nên “xưa rồi diễm” khi có những trò gian lận mới tinh vi hơn, khó bị phát hiện hơn và hiệu quả hơn.

Danh tiếng điều Bình Phước thơm ngon đang ngày một giảm đi vì bị trộn với điều nhập khẩu.

Trong ảnh là một cơ sở ở phường Long Phước thu gom điều phơi khô để tích trữ chẻ trong cả năm

Thời gian gần đây, rất nhiều nông dân và đại lý buôn bán hạt điều xem chất bột nở chuyên làm bánh mì trở thành “thần dược”. Chỉ cần 1kg bột nở rắc trộn vào đống hạt điều, qua một đêm có thể làm tăng 100kg điều/1 tấn. Vỏ căng ra, sáng và đẹp, làm cho doanh nghiệp nếu mua phải loại điều này sẽ lỗ rất lớn. Vì khi phơi, điều sẽ trở lại trạng thái ban đầu.

Với các đại lý, cơ sở thu mua để phơi, tích trữ rồi bán lại cho các cơ sở, doanh nghiệp chẻ điều, lại có mánh khóe rất đơn giản nhưng tinh vi, khó phát hiện. Đó là “đấu đầu, đấu cuối” – lấy hàng xấu cuối vụ năm nay phơi cất để đến đầu vụ năm sau trộn vào với điều đầu mùa và bán. Nếu doanh nghiệp mua phải lô hàng này cầm chắc lỗ vì tỷ lệ nhân thấp. “Hậu quả cuối cùng là doanh nghiệp lớn chẻ điều gánh hết. Vì khi thu mua số lượng lớn không thể kiểm tra hết” – chủ một doanh nghiệp chế biến xuất nhập khẩu hạt điều ở thôn 5, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập cho biết.

Tuy nhiên, những chiêu trò gian lận đó chưa gây tác hại lớn và làm giảm uy tín của thương hiệu điều Việt Nam, điều Bình Phước như cách gian lận mà các cơ sở lớn, doanh nghiệp lớn áp dụng trong những năm gần đây. Đó là trò “đánh lận con đen” giữa điều Bình Phước với điều các địa phương khác, đặc biệt là với điều nhập về từ châu Phi và Đông Nam Á.

DANH TIẾNG ĐIỀU BÌNH PHƯỚC ĐANG BỊ TRỤC LỢI

Như trong bài viết trước đã đề cập, Vinacas thống kê những năm qua điều nhập từ nước ngoài về Bình Phước khoảng 200 ngàn tấn/năm, gấp khoảng 1,34 lần tổng sản lượng điều của nông dân Bình Phước trồng được. Thực tế, đối với “người trong nghề”, điều nhập khẩu hay điều Bình Phước không thể nào nhầm lẫn được.

Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ một cơ sở thu mua, chẻ hạt điều ở phường Long Phước, thị xã Phước Long cho biết: “Điều nhập về sạch sẽ hơn, hạt lớn hơn, nhưng nhân không trắng như điều ở Bình Phước và hàm lượng chất dinh dưỡng thì thua xa. Khi đã phơi khô, màu hạt điều nhập khẩu và điều trong nước nhìn mắt thường cũng thấy khác nhau. Sau khi chẻ, điều nhân nhập khẩu cũng không trắng như điều trong nước, đặc biệt là điều Bình Phước. Tuy nhiên, vì lợi nhuận hoặc vì không thể “một gậy chống trời” một mình làm một kiểu nên gần như tất cả cơ sở, doanh nghiệp vẫn chấp nhận trộn điều nhập khẩu với điều Bình Phước”.

Một vấn đề nữa là hạt điều Bình Phước vốn có danh tiếng chất lượng cao nhất thế giới và giá thu mua cũng cao hơn. Vì thế, không chỉ điều nhập khẩu từ nước ngoài, mà vào mùa thu hoạch, điều ở các địa phương khác cũng được vận chuyển ngược về Bình Phước, thậm chí đưa vào tận vùng sâu ở Bù Gia Mập, Bù Đăng để lấy tiếng là điều Bình Phước, rồi lại vận chuyển ngược trở ra các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến ở Phước Bình hoặc đem về những công ty lớn ở Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu…

Chính “mẹ đẻ” của thương hiệu điều Bình Phước vì lợi ích cá nhân, mà còn dùng nhiều “chiêu trò” với “con ruột” của mình. Điều này không chỉ đẩy thương hiệu điều Bình Phước đi xuống mà chính các doanh nghiệp điều Bình Phước cũng nghi ngờ sản phẩm trên địa bàn của mình. Trước tình hình đó, lợi dụng sự rời rạc trong hệ thống ngành điều Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài muốn có được hạt điều chất lượng của Bình Phước và đẩy đi điều kém chất lượng của mình đã dùng chiêu “ve sầu lột xác” rất hiệu quả.

SÓNG NGẦM TRONG THỊ TRƯỜNG

Những bí mật đó cũng chưa nói lên hết thế giới ngầm của ngành điều ở Bình Phước. Minh chứng cho vấn đề này, phía sau con số mỗi năm có hàng trăm cơ sở chế biến điều lớn nhỏ được thành lập và cũng có chừng đó cơ sở, doanh nghiệp điều phá sản trên địa bàn tỉnh, còn có một câu chuyện ít khi được đề cập tới. Và nó nguy hiểm hơn khi trò “mượn đầu heo nấu cháo” đang trở thành “mốt” làm ăn của nhiều kẻ bất lương.

Thường trong khoảng 1 tháng cao điểm mùa thu hoạch điều, thị trường nước ngoài tăng giá điều nhân lên rất cao, đồng thời hạ giá điều hạt xuất vào thị trường Việt Nam. Hành động này khiến doanh nghiệp trong nước nhanh chóng bán điều hạt chất lượng cao của mình để kiếm lời, đồng thời nhập khẩu điều chất lượng thấp về để bù đắp vào lượng hàng đã xuất đi. Khi mua đủ khối lượng và nhận định điều nhân chất lượng cao của Việt Nam đã cạn, doanh nghiệp nước ngoài dừng thu mua.

Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp Việt Nam chạy theo lợi nhuận đã bán hết điều trong nước chất lượng cao. Trong khi đó, điều nước ngoài nhập về Việt Nam chất lượng thấp, phải xuất đi với giá rất thấp. Nhiều doanh nghiệp “mắc bẫy” trò chơi này và phải “ôm hận”. Tại thời điểm này (đầu tháng 6-2015), nước ngoài không thu mua điều hàng nhân của Việt Nam. Giá điều nhân trắng giảm 7.000 đồng/kg, còn 147 ngàn đồng/kg so với tháng 5-2015.

Chị Phạm Thị Bích Bông, chủ một doanh nghiệp điều ở xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập

Chị Vũ Thị Huệ, chủ một cơ sở thu mua, chẻ hạt điều ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long cho biết: Chỉ cần đầu tư 500 triệu đồng thì đã có thể mở một nhà kho và thuê một vài công nhân… Sau đó đi thu gom hạt điều thô với giá cao hơn giá thị trường một chút. Theo cách thu gom thông thường, khi đã biết nhân thân rõ ràng, cùng là người trong phường, trong thị xã… các bạn hàng thường trả tiền gối đầu lô hàng sau mới trả tiền lô hàng trước. Sau đó họ sẽ bán điều cho doanh nghiệp lớn hoặc cho một cơ sở khác với giá thấp hơn giá thị trường với điều kiện lấy đủ tiền liền. Vì thế, có trường hợp một xe điều, sau khi qua tay một số cơ sở, lại về “chính chủ” – trực tiếp thu mua từ đại lý. Sau một hồi xoay cho những hạt điều “chóng mặt”, dường như ai cũng có lời nhưng do làm ăn phải giữ bí mật nên không ai trong guồng quay biết điều đó! Khi tạo được niềm tin, hàng gối đầu đẩy lên ngày một nhiều hơn, lượng tiền gối đầu nhiều hơn thì đến “hụi chót” – thường diễn ra trong 1-2 ngày cuối cùng, được mua với giá cao và bán ra giá thấp đến bất ngờ so với giá thị trường. Những bạn hàng cuối cùng hoặc trường hợp cho nợ gối đầu nhiều sẽ là người “lãnh đủ”. Kéo theo đó là hàng loạt chân rết và bạn hàng trong hệ thống thu mua của những nạn nhân cũng “ôm hận” theo.

Vấn đề đáng nói là năm nào cũng có nhiều vụ “bể” nợ lớn hàng chục tỷ đồng như vậy, nhưng chưa có vụ nào được khởi tố hoặc can thiệp mạnh tay của chính quyền. Những kẻ bất lương lợi dụng kẽ hở của pháp luật, chỉ cần không bỏ trốn khỏi địa phương thì không bị xem là lừa đảo, mà chỉ do kinh doanh kém rồi thua lỗ, phá sản. Tài sản gom được, trước khi tuyên bố vỡ nợ đã được sang tên cho người thân mở cơ sở khác, đầu tư kinh doanh lĩnh vực khác… Nạn nhân của trò “mượn đầu heo nấu cháo”, một số còng lưng làm trả nợ, một số lại đi lừa gạt bạn hàng, đại lý cấp thấp hơn.

Điều này dẫn tới sự bát nháo trên thị trường và những trò gian lận ngày một nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp lớn làm ăn chân chính, tới nông dân trồng điều mà còn tác động mạnh đến uy tín, thương hiệu hạt điều Bình Phước, hạt điều Việt Nam.

Nhóm PV điều tra

Bài 3: Bao giờ có sân chơi cho doanh nghiệp chân chính?
(Vì một số lý do, tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

***

Thế giới ngầm và sự sống còn của ngành điều Bình Phước (Bài cuối) 

Chất lượng hạt điều Bình Phước “số 1 thế giới” – đó là điều không cần phải bàn cãi.

Ngành điều, năm 2014 với kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD, xếp thứ 4 trong số các mặt hàng nông sản nước ta đem ngoại tệ về cho đất nước… Nhưng, buồn thay, cây điều, hạt điều Bình Phước nói riêng và ngành điều nước ta nói chung, lại bị đối xử rất lạnh lùng. Sự lạnh lùng ấy đang khiến cho những vấn đề mang tính sống còn của ngành điều trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

CHUYỆN SỐNG CÒN CỦA NGÀY MAI

Với thực trạng hiện nay không chỉ ở Bình Phước mà trên phạm vi cả nước, có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành điều. Đó là quy hoạch vùng nguyên liệu chuyên canh; cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; mở rộng thị trường; bảo vệ công nghệ; chế biến chuyên sâu những sản phẩm từ cây điều… Trong bài viết này, chúng tôi nêu lên một vấn đề rất bức thiết và có cả bức xúc từ chính những người trong cuộc, như nông dân trồng điều, đại lý thu mua, cơ sở chế biến, doanh nghiệp, nhà quản lý: xây dựng thương hiệu.

Trong số báo trước chúng tôi đã phản ánh ý kiến của chủ một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ về vấn đề vai trò của họ tác động đến giá hạt điều mỗi năm. Những ý kiến đó cho thấy dường như các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở vẫn chỉ đặt lợi ích của chính mình lên trên hết mà không màng đến uy tín, thương hiệu hạt điều Bình Phước, hạt điều Việt Nam – vấn đề sống còn trong tương lai như thế nào.

“ĐIỀU TA, ĐIỀU TÂY” RỦ NHAU “XUẤT NGOẠI”

Việt Nam 9 năm liền là nước xuất khẩu hạt điều nhân lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để đem lại kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD trong năm 2014, ngành điều phải nhập khẩu 700.000 tấn điều thô từ các nước trong tổng số 1,2 triệu tấn nguyên liệu toàn ngành. Như vậy, chỉ có 500.000 tấn điều thô trong nước. Con số này cho thấy, sản phẩm thực sự (đồng nghĩa với giá trị nguyên gốc) của ngành điều chỉ chiếm một phần trong số kim ngạch xuất khẩu.

05.BinhPhuoc05

 Nông dân, đại lý, doanh nghiệp, ai cũng cho rằng làm cho thương hiệu hạt điều Bình Phước giảm uy tín là do tất cả mọi người, “ngoại trừ mình tôi”. Trong ảnh là phơi hạt điều của một đại lý ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú 

Đối với Bình Phước, cả diện tích trồng, sản lượng thu hoạch được và khối lượng nhập khẩu về, đều chiếm khoảng 30% cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong số 2,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2014, mặc dù các doanh nghiệp Bình Phước đã có nhiều cố gắng nhưng chỉ chiếm 179 triệu USD, xấp xỉ 8,137% cả nước. Đây là con số rất đáng buồn cho giới doanh nghiệp điều và là vấn đề rất đáng suy nghĩ đối với các nhà quản lý vĩ mô.

Như đã phản ánh trong các số báo trước, thực trạng hiện nay hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sơ chế đều trộn điều nhân Bình Phước với điều nhân các vùng khác và với điều nhập khẩu từ nước ngoài về. Tỷ lệ trộn có thể là điều trong nước 40%, điều nhập khẩu 60% hoặc 50%-50%, hoặc 60%-40%, 70%-30%… tùy theo giá cả và đơn đặt hàng. Vấn đề đặt ra là: Như vậy chất lượng hạt điều – thương hiệu hạt điều Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung đang được hòa vào chất lượng hạt điều các vùng khác và các nước khác trên thế giới.

Khi được hỏi về cảm thấy thế nào đối với thương hiệu điều Việt Nam, điều Bình Phước, tất cả các chủ doanh nghiệp đều thừa nhận đại ý “rất lấy làm tiếc”! Bởi lẽ, chính họ đang hàng ngày phải chẻ điều nhập khẩu và phần lớn trong số đó mỗi ngày đều trộn “điều ta, điều tây” vào với nhau để “gồng gánh” cùng “xuất ngoại”.

“TRỪ MÌNH TÔI”

Ông Phạm Hùng Chiến có 110 ha điều ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Ông được nhiều người gọi là “Vua điều” không chỉ vì có diện tích trồng lớn mà còn là người rất tâm huyết với cây điều. Ông từng đem đất đi đến các viện nghiên cứu kiểm tra xem thiếu, thừa chất gì để bổ sung; nuôi chim sẻ trong vườn để bắt sâu cho điều; nuôi kiến vàng trong vườn điều… 20 năm, ông làm mọi cách để tìm ra phương án tốt nhất cho vườn điều của mình. Ông cũng rất cởi mở với các phóng viên nhằm tuyên truyền về cách làm vườn điều sao cho năng suất cao. Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề về chuyện xây dựng thương hiệu hạt điều thì ông thẳng thắn từ chối và hẹn… đến năm 2018 gặp lại, bởi chuyện này với ông “biết rồi…”.

06.BinhPhuoc06

 Đại diện cơ quan quản lý nhà nước đến tham quan dây chuyền phân loại và chẻ hạt điều ở cơ sở chế biến điều của ông Nguyễn Ngọc Thắng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng 

Cũng vấn đề về thương hiệu, tất cả nông dân trồng điều ở Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Đồng Phú… đều khẳng định như đinh đóng cột rằng, có một vài trường hợp ăn gian vặt cuống không sạch do trái điều chín rục hoặc để lâu ngày mới vặt, nhưng họ và hầu hết nông dân không làm điều đó. Bởi lẽ, hạt điều tươi của họ bán trực tiếp cho đại lý thu gom nhỏ lẻ. Và chỉ có đại lý lừa nông dân chứ chẳng bao giờ nông dân nào lừa được đại lý.

Trong khi đó, các đại lý lại cho rằng, họ không thể nào lừa được các cơ sở thu mua, chế biến. Nếu có thì chỉ lừa được một xe hàng, chứ không thể nào có xe thứ hai. Như thế, coi như bỏ nghề luôn.

Thực tế, có lẽ ai cũng thấy hạt điều Bình Phước đang bị hòa vào dòng chảy sơ chế, sản xuất, chế biến chung với điều của các tỉnh, thành khác và điều của các nước trên thế giới. Nhưng cũng có một thực tế khác, là hành động này có phải hành động gian lận thương mại hay không và vì sao trong nhiều năm qua cơ quan chức năng không bắt được trường hợp gian lận nào liên quan đến ngành điều? Việc này không chỉ tác động đến môi trường kinh doanh lành mạnh mà có tác động đến việc gìn giữ, bảo vệ thương hiệu điều Bình Phước, hạt điều Việt Nam. Những vấn đề đó xin được dành cho cơ quan chức năng và Hiệp hội Điều Việt Nam!

KHI NÀO NGÀNH ĐIỀU MỚI ĐƯỢC ĐỐI XỬ “ẤM ÁP”?

Năm 2014, ngành điều vào nhóm ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng sau 3 mặt hàng lúa gạo, cao su, cà phê và đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong lịch sử 2,2 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2013. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 306.000 tấn điều nhân, tăng 17,4% so với năm 2013.

Chất lượng hạt điều tỉnh Bình Phước tốt hơn hẳn điều ở những tỉnh khác trong nước. Chất lượng hạt điều Việt Nam cũng tốt hơn hẳn so với các nước khác. Điều này đã được thừa nhận từ nhiều năm qua. Hạt điều Bình Phước trung bình 180 hạt/kg và thu được 3-3,2 lạng nhân/kg điều thô; các địa phương khác lên tới 250 hạt/kg, thu được khoảng 2,2-2,7 lạng nhân/kg điều thô. Điều nước ngoài nhập về hạt có loại lớn, có loại nhỏ nhưng khi phân loại hàng xấu (B, C) chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với điều trong nước.

Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ xưởng điều Phượng Quang, thôn 12, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập

Hiện nay, hạt điều của Việt Nam đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới. Mỹ là thị trường lớn nhất với 30%, các nước châu Âu 25%, Trung Quốc 20%…

Năm 2015, kế hoạch ngành điều Việt Nam xuất khẩu 350.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD.

Chiều 12-6-2015, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: “Nhiều năm qua các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập hạt điều, đậu tương, ngô và muối của nước ngoài với một số lượng lớn để làm nguyên liệu sản xuất. Đây là những sản phẩm lẽ ra nông dân Việt Nam có thể đáp ứng được nếu có cây giống tốt, quy trình công nghệ sản xuất và canh tác hợp lý, hiệu quả… Tôi xin hỏi Bộ trưởng, ngành khoa học, công nghệ đã có chương trình khoa học, công nghệ nào nghiên cứu về cây điều, cây đậu tương, cây ngô, quy trình sản xuất muối và đã có kết quả nào khả quan, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ?”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận Việt Nam vẫn phải nhập các sản phẩm nông nghiệp chúng ta đang có thế mạnh. Ông cũng cho biết, điều, ngô, đậu tương chưa phải là sản phẩm quốc gia; thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị bổ sung thêm một số sản phẩm khác để đầu tư, nâng cao giá trị, thay thế sản phẩm nhập khẩu.

Những lý giải của nhà quản lý ở tầm vĩ mô, có lẽ sẽ khiến người nông dân Bình Phước xót xa lắm. Bởi lẽ dù là mặt hàng nông sản xếp thứ 4 đem ngoại tệ về cho nước ta, nhưng khó có thể tin được cây điều lại bị đối xử “lạnh lùng” đến thế.

NHÓM PV ĐIỀU TRA

Nguồn: Báo Bình Phước OL

Advertisement

1 bình luận về “Thế giới ngầm và sự sống còn của ngành điều Bình Phước – 3 bài

  1. “Nông dân, đại lý, doanh nghiệp, ai cũng cho rằng làm cho thương hiệu hạt điều Bình Phước giảm uy tín là do tất cả mọi người, “ngoại trừ mình tôi”.”

    Câu này phản ánh hiện trạng đạo đức trong kinh doanh nhưng cũng nói về đạo đức nói chung.

    Một vấn đề muôn thuở – Ai cũng nghĩ mình là thiên thần, vậy satan ở đâu ra? 🙂

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s