Hơn cả Việt Nam: Thời khắc đập tan sự im lặng

HUNTERS 04/04/2017

mlk_riverside

BookHunter: Vào ngày này, đúng 50 năm trước, Linh mục Martin Luther King đã phát biểu tại nhà thờ Riverside, thành phố New York để lên án chiến tranh tại Việt Nam. Đúng một năm sau đó, ngày 4 tháng 4 năm 1968, Martin Luther King đã bị ám sát. Ông là một nhà hùng biện với nhiều bài nói chuyện gây chấn động nước Mỹ cũng như toàn thế giới. Bài phát biểu “Beyond Vietnam: A time to break silence” là một trong số đó. Chúng tôi xin được lược dịch để giúp độc giả có thêm thông tin và góc nhìn về cuộc chiến diễn ra giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Bài phát biểu đầy đủ bằng tiếng Anh của Linh mục Martin Luther King có thể tìm tại đây: http://www.commondreams.org/views04/0115-13.htm

***

Tôi tới ngôi nhà tuyệt vời của Chúa này tối nay bởi vì tôi không thể có lựa chọn nào khác. Tôi tham gia với các bạn trong cuộc gặp mặt này bởi vì tôi đồng tình sâu sắc với mục tiêu và công việc của tổ chức chịu trách nhiệm trong việc tập hợp tất cả chúng ta tại đây tối nay: đó chính là tổ chức Hội Tu sĩ và người thế tục quan tâm tới Việt Nam. Tuyên bố gần đây từ hội đồng điều hành của các bạn đã khiến tôi xúc động và tôi thấy mình nhất trí hoàn toàn khi tôi đọc dòng mở đầu: “Thời khắc sự im lặng bị phản bội đã tới.” Thời khắc đó đã tới trong mối quan hệ giữa chúng ta với Việt Nam.

Tôi tới buổi lễ tối nay để đưa ra một thỉnh cầu với tất cả xúc động mà tôi có tới tổ quốc thân yêu của tôi. Bài phát biểu này không dành cho Hà Nội, hay Mặt trận Giải phóng Quốc gia Việt Nam. Nó cũng không dành cho Trung Quốc hay Nga.

Tối nay, tôi muốn gửi lời tới đồng bào của tôi, những người đang gánh trên mình trọng trách chấm dứt cuộc chiến, một cuộc chiến khiến cả hai quốc gia phải trả những cái giá quá đắt.

 

Tm quan trng ca Vit Nam

 

Vài năm trước, dường như có một tia hi vọng loé lên đối với người nghèo – cả da trắng và da đen – thông qua chương trình xoá đói giảm nghèo. Đã có những thử nghiệm, hi vọng, các khởi đầu mới. Và rồi Việt Nam chiếm dần mối quan tâm, tiền của. Tôi chứng kiến chương chình xoá đói giảm nghèo bị đưa vào quên lãng như thể đó chỉ là một trò chơi chính trị của một xã hội đang điên loạn lên vì chiến tranh. Tôi biết rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đầu tư vào chương trình này nữa nếu Việt Nam vẫn cứ liên tục lôi những con người, tài năng và ngân sách vào biển lửa.

Ở thời điểm này, rõ ràng không một ai quan tâm tới sự chính trực và cuộc sống tại Hoa Kỳ có thể phớt lờ đi cuộc chiến tranh đang diễn ra trước mắt. Nếu như linh hồn của Hoa Kỳ đã bị nhiễm độc hoàn toàn, một phần nguyên nhân chắc chắn phải tới từ chiến tranh Việt Nam. Linh hồn của Hoa Kỳ sẽ không bao giờ được cứu rỗi nếu nó vẫn phá huỷ hi vọng của những con người ở bên kia địa cầu.

 

Những giải phóng quân kỳ lạ

 

Khi tôi suy nghĩ về sự điên loạn đang diễn ra tại Việt Nam và tìm kiếm trong tôi cách thức để hiểu và đáp trả lại sự cảm thông, tâm trí tôi liên tục nghĩ tới người dân đang sinh sống tại bán đảo đó. Tôi không muốn nhắn nhủ gì tới những người lính ở mỗi phe, hay chính quyền Sài Gòn, mà đơn thuần tôi muốn nói về những con người đã phải hứng chịu chiến tranh trong suốt 3 thập kỷ qua. Tôi cũng nghĩ về họ bởi rõ ràng tôi nhận thấy sẽ chẳng có một phương án có ý nghĩa nào được tìm ra cho tới khi có một nỗ lực nào đó được thực hiện để hiểu thêm và lắng nghe nguyện vọng của họ.

Họ chắc chắn nhìn người Mỹ như những giải phóng quân kỳ lạ. Người dân Việt Nam đã tuyên bố độc lập tự chủ năm 1945 sau khi bị Nhật và Pháp xâm chiếm và trước cuộc khởi nghĩa cộng sản tại Trung Quốc xảy ra. Hồ Chí Mình là người lãnh đạo họ. Dù cho họ có trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ trong bản tuyên ngôn độc lập của họ, nhưng chúng ta vẫn không công nhận sự độc lập ấy của họ. Thay vào đó, chúng ta quyết định hỗ trợ Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam.

Chính phủ của chúng ta nghĩ rằng người Việt Nam chưa sẵn sàng cho độc lập tự chủ, và chúng ta lại một lần nữa phạm phải sai lầm của tính kiêu căng ngạo mạn chết người của phương Tây vốn đã đầu độc quan hệ quốc tế bấy lâu nay. Với quyết định đầy bi kịch này, chúng ta không công nhận một chính phủ giải phóng đang tìm kiếm sự tự chủ, một chính phủ không hề được dựng lên bởi Trung Quốc (một quốc gia mà họ chẳng mặn mà gì) mà hoàn toàn bởi những lực lượng địa phương, trong đó có một số là Cộng sản. Đối với những người nông dân, chính phủ mới đồng nghĩa với chia lại ruộng đất, một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc đời họ.

Trong suốt 9 năm kể từ 1945, chúng ta khước từ sự công nhận nền độc lập tự chủ của Việt Nam. Suốt 9 năm chúng ta hỗ trợ Pháp trong nỗ lực vô vọng nhằm tái xâm lược Việt Nam.

Trước khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta đã tài trợ cho Pháp 80% chi phí cuộc chiến. Thậm chí ngay cả khi Pháp bị thất bại tại Điện Biên Phủ, và họ đã bắt đầu chán nản với cuộc chiến, chúng ta vẫn kiên định. Chúng ta khích lệ họ bằng dòng tiền khổng lồ, vũ khí và đạn dược để tiếp tục cuộc chiến mà họ đã mất tinh thần chiến đấu. Chẳng lâu sau đó, chúng ta đã chi trả toàn bộ chi phí chiến tranh trong nỗ lực tái xâm lược Việt Nam đầy bi kịch này.

Sau khi Pháp bị đánh bại, có vẻ như sự dộc lập và cải cách ruộng đất cho Việt Nam sẽ tới thông qua hiệp định Geneva. Nhưng thay vào đó là sự xuất hiện của Hoa Kỳ, không đồng ý cho Hồ Chí Minh thống nhất một quốc gia bị chia cắt tạm thời, và những người nông dân Việt Nam chẳng thế làm gì ngoài chứng kiến chúng ta dựng lên một trong số những kẻ độc tài bạo lực nhất của lịch sử hiện đại, Ngô Đình Diệm. Những người nông dân ở đây phải chứng kiến và quỵ luỵ khi Diệm ra tay một cách độc ác nhằm loại bỏ mọi đối lập, ủng hộ những địa chủ tham nhũng và thậm chí khước từ việc thảo luận để đi tới thống nhất dân tộc với miền Bắc. Những người nông dân Việt Nam phải chứng kiến bởi tất cả những điều này đều được hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ và ngày càng nhiều lính Mỹ được gửi tới nhằm giúp đỡ những khủng hoảng do Diệm gây ra. Khi Diệm bị đảo chính, người dân nơi đây có thể đã cảm thấy hạnh phúc, nhưng liên tục các chính quyền quân sự độc tài dường như chẳng mang lại thay đổi gì – đặc biệt về phương diện đất đai canh tác và hoà bình.

Sự thay đổi duy nhất tới từ Hoa Kỳ khi chúng ta liên tiếp gia tăng quân số để hỗ trợ một chính quyền tham nhũng, thiếu năng lực, và không được số đông ủng hộ. Trong lúc đó, người dân ở đây vẫn tiếp tục đọc tờ rơi và lắng nghe những lời hứa của chúng ta về hoà bình và dân chủ – và cải cách ruộng đất nữa. Giờ đây họ đang phải hứng chịu bom đạn mà chúng ta thả xuống, và họ xem chúng ta là kẻ thù thực sự – chứ không phải những người lính Việt Cộng. Họ di chuyển một cách buồn bã và rã rời khi chúng ta xua họ khỏi đất của tổ tiên vào các trại tập trung, nơi họ chỉ được cung cấp nhu yếu phẩm tối thiểu mà thôi. Họ biết rằng họ phải đi bởi nếu không họ sẽ bị bom Mỹ tiêu diệt. Và thế là họ đi – chủ yếu là phụ nữ, trẻ con và người già.

Họ chứng kiến cảnh chúng ta làm nguồn nước của họ nhiễm độc, phá huỷ hàng ngàn héc-ta ruộng đồng. Họ rớt nước mắt khi những chiếc máy xúc đang rền vang chuẩn bị phá huỷ cây cối của họ. Họ lảo đảo tới bệnh viện, với ít nhất 20 thương vong bởi súng bắn lửa của Mỹ đang truy lùng “Việt Cộng”. Tính tới thời điểm hiện tại, chúng ta có thể đã giết khoảng 1 triệu người Việt, đa phần là trẻ em. Họ lang thang tới các thành phố và thấy hàng ngàn trẻ em không nhà cửa, không một mảnh vải che thân, chạy thành từng nhóm trên phố như những con vật. Họ nhìn thấy những đứa trẻ, bị lê đi bởi quân lính của ta khi họ cầu xin đồ ăn. Họ nhìn thấy những đứa trẻ đang bán chị để cầu xin quân lính của ta tha cho mẹ của chúng.

Những người nông dân nghĩ gì khi chúng ta liên minh với các địa chủ và chúng ta từ chối thực thi những điều mà chúng ta đã hứa về cải cách ruộng đất. Họ sẽ nghĩ gì khi chúng ta thử nghiệm những vũ khí mới nhất của chúng ta lên họ, giống hệt như những gì người Đức đã làm đối với các trại tập trung ở châu Âu? Gốc rễ của một Việt Nam độc lập mà chúng ta đã hứa sẽ mang lại đang ở đâu? Nó đang nằm ở những tiếng nói vô thanh, im lặng sao?

Chúng ta đã huỷ diệt hai thể chế được coi trọng nhất của Việt Nam: gia đình và làng xóm. Chúng ta đã tiêu diệt hoa màu và ruộng đất của họ. Chúng ta đã hợp tác trong chiến dịch tiêu diệt một lực lượng chính trị mà không phải là Cộng sản duy nhất: Phật giáo thống nhất. Chúng ta đã ủng hộ kẻ thù của những người nông dân Sài Gòn. Chúng ta đã đàn áp phụ nữ, trẻ em và giết những người đàn ông. Chúng ta là loại giải phóng quân gì vậy?

Và giờ chẳng còn lại bao nhiêu để xây dựng. Sớm thôi, nền tảng vật lý còn sót lại một cách vững chắc chỉ là những căn cứ quân sự và những trại tập chung mà chúng ta gọi là ấp chiến lược. Những người nông dân ở đây chắc chắn sẽ lo lắng liệu chúng ta có thực sự lên kế hoạch xây dựng một Việt Nam mới dựa trên những nền tảng này? Liệu chúng ta có thể trách họ vì những suy nghĩ đó? Chúng ta phải nói cho họ và đưa ra những câu hỏi mà họ chưa thể đưa ra. Họ cũng là an hem của chúng ta.

Có lẽ nhiệm vụ khó hơn nhưng không kém phần quan trọng đó là lên tiếng cho những người mà chúng ta xem là kẻ thù. Mặt trận Giải phóng Dân tộc – một nhóm người ẩn danh kỳ lạ mà chúng ta gọi là VC hay Cộng sản thì sao? Họ sẽ nghĩ gì khi nhận ra rằng chúng ta cho phép Diệm đàn áp tàn bạo và biến họ thành những thành phần nổi loạn tại miền Nam? Họ nghĩ gì khi chúng ta ủng hộ bạo lực và khiến cho họ phải cầm vũ khí đứng lên? Làm sao mà họ có thể tin vào lòng chính trực của chúng ta khi chúng ta nói về “sự hung hãn của miền Bắc” cứ như chẳng có gì quan trọng bằng cuộc chiến? Làm sao họ có thể tin tưởng chúng ta khi chúng ta cáo buộc học bạo lực nhưng lại để cho Diệm giết người tàn bạo và chúng ta vẫn thử nghiệm vũ khí chết người lên mảnh đất nơi họ sống? Chắc chắn chúng ta phải hiểu cảm nhận của họ ngay cả khi chúng ta không bằng lòng với các hành động của họ. Chắc chắn chúng ta phải nhận ra rằng các kế hoạch tàn phá của chúng ta chỉ là một hạt cát so với lý tưởng vĩ đại của họ.

Họ sẽ phán xét chúng ta như thế nào khi mà các quan chức của ta biết rằng số thành viên Đảng Cộng sản chỉ dưới 25% tổng số thành viên, vậy mà chúng ta vẫn gọi họ một cách trắng trợn Cộng sản? Họ sẽ nghĩ gì khi chúng ta nhận thức được họ chiếm được phần lớn Việt Nam nhưng chúng ta có vẻ sẵn sàng cho phép tổng tuyển cử toàn quốc diễn ra mà không có sự góp mặt của họ – một chính phủ có tính tổ chức cao? Họ hỏi rằng làm sao mà chúng ta có thể nói về bầu cử tự do trong khi báo chí Sài Gòn bị kiểm duyệt và kiểm soát bởi một hội đồng quân sự. Và họ hoàn toàn đúng khi phân vân về cái chính phủ mà chúng ta đang định giúp họ dựng lên mà không có sự góp mặt của họ – một đảng duy nhất được sự ủng hộ của người nông dân. Họ nghi ngờ mục đích chính trị của chúng ta và họ khước từ thoả thuận hoà bình mà họ sẽ chẳng có phần ở trong đó. Những câu hỏi của họ thực sự đi vào đúng vấn đề một cách đáng sợ. Liệu có phải chúng ta đang lên kế hoạch xây dựng một ảo tưởng chính trị và mang cho nó không gì khác ngoài bạo lực?

 

S điên r này cn phi dng li

 

Bằng cách nào đó sự điên rồ này phải dừng lại? Chúng ta phải dừng lại. Tôi nói với tư cách một người con của Chúa và là một người anh em với những người nghèo đang phải chịu đựng khổ cực ở Việt Nam. Tôi lên tiếng cho những người có đất bị bỏ hoang, nhà cửa bị phá, văn hoá bị phá vỡ. Tôi lên tiếng cho những người nghèo ở Hoa Kỳ, những người đang phải trả cái giá gấp đôi cho những hi vọng bị đàn áp tại quê nhà và cho sự chết chóc, thối nát tại Việt Nam. Tôi lên tiếng với tư cách là một công dân toàn cầu, bởi thế giới đang kinh hoàng trước con đường mà chúng ta đã chọn. Tôi lên tiếng với tư cách là một công dân muốn nói với các nhà lãnh đạo của tổ quốc tôi. Sự thay đổi trong cuộc chiến này chính là chúng ta. Chúng ta phải đi đầu trong quá trình kết thúc cuộc chiến này.

Thế giới đang yêu cầu sự trưởng thành của Hoa Kỳ, một thứ chúng ta chưa chắc làm được. Thế giới yêu cầu chúng ta phải thừa nhận là chúng ta đã sai ngay từ khi chúng ta đặt chân lên Việt Nam, chúng ta chỉ mang lại sự chết chóc cho cuộc sống của người dân Việt Nam. Chúng ta chỉ còn một lựa chọn đó là quay đầu ngay lập tức.

Để có thể khoả lấp mọi tội lỗi và sai lầm của chúng ta tại Việt Nam, chúng ta cần chủ động dừng cuộc chiến tranh đẫm máu này. Tôi xin phép được đưa ra năm điều cụ thể mà chính phủ của chúng ta nên thực hiện ngay lập tức để bắt đầu một quá trình dài và khó khăn khi rút lui dần khỏi cuộc chiến kinh hoàng này:

  1. Chấm dứt ném bom tại miền Bắc cũng như miền Nam Việt Nam.
  2. Tuyên bố ngừng bắn đơn phương với hi vọng rằng điều này sẽ tạo ra không khí đàm phán.
  3. Chấm dứt các hoạt động quân sự hiện có tại Thái Lan và Lào nhằm phòng ngừa các cuộc chiến tranh có thể diễn ra tại Đông Nam Á.
  4. Cần chấp nhận một thực tế rằng Mặt trận Giải phóng Dân tộc có được sự ủng hộ đáng kể tại miền Nam Việt Nam, và họ phải có quyền tham gia đàm phán vào mọi hiệp định liên quan tới tương lai của chính phủ Việt Nam tương lai.
  5. Chọn ngày rút toàn bộ lực lượng quân lính nước ngoài khỏi Việt Nam theo thoả thuận của hiệp định Geneva năm 1954.

Một phần cam kết của chúng ta cần được thể hiện trong việc chấp nhận cư trú đối với bất kể công dân Việt Nam nào lo ngại một cuộc sống dưới chế độ mới. Và rồi chúng ta phải sửa chữa những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra. Trên hết, chúng ta phải cung cấp viện trợ y tế, vốn đang bị thiếu trầm trọng tại Việt Nam.

 

Người dịch: Lê Duy Nam

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s