Sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, cà phê Việt Nam đã vững vàng đứng ở vị trí thứ hai thế giới về sản xuất, và xuất khẩu cà phê nhân. Tuy nhiên để đem lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng, nâng kim ngạch xuất khẩu cà phê từ hơn 3 tỉ USD/năm hiện nay lên gấp đôi trong thời gian tới, toàn ngành cà phê có rất nhiều việc cần làm để thúc đẩy các giá trị gia tăng.

Đối diện với thực trạng cần thay đổi
Nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế- xã hội, biến Tây Nguyên thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, với những sản phẩm chủ lực quốc gia đạt giá trị xuất khẩu hàng tỉ USD như cà phê, cao su, hạt tiêu, rau quả, hoa.
Tuy nhiên thu nhập của nông dân Tây Nguyên vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Ngoài nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu làm hạn hán, lũ lụt tăng mạnh, thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đó là cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh phù hợp kịp thời, nhất là các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng. Bộ NN&PTNT từng duyệt quy hoạch tổng diện tích 447 nghìn ha cho Tây Nguyên vào năm 2.020, nhưng hiện nay tổng diện tích toàn vùng lên tới gần 540 nghìn ha- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Theo Cục Trồng trọt ( thuộc Bộ NN&PTNT), hiện nước ta có 22 tỉnh thành, 105 huyện trồng cà phê, với 5 vùng sản xuất chính là Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ, Trung du miền núi phía Bắc. Trong tổng diện tích cà phê cả nước hơn 643 nghìn ha, có hơn nửa triệu ha dưới 15 năm tuổi, năng suất bình quân 24,3 tạ. Năm 2016 Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,79 triệu tấn cà phê, thu về 3,36 tỉ USD, trong đó chỉ có hơn 325 triệu USD từ cà phê qua chế biến, tỉ trọng còn quá nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Lạng- Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng dù cà phê Robusta Việt Nam đang đứng đầu toàn cầu về cả diện tích, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên mặt hàng này đang đối mặt với nhiều thách thức: Sự già cỗi của hàng trăm nghìn ha trên 25 năm tuổi, cần cải tạo, trồng mới, hoặc chặt bỏ. Chương trình tái canh cà phê tiến độ đang quá chậm. Cách tưới truyền thống quá tốn nước, dân tự phát khoan quá nhiều giếng làm thủng tầng nước ngầm, ô nhiễm đất và nguồn nước gây lãng phí, không hiệu quả. Cách thu hoạch vội khi còn quá nhiều quả xanh, nhiều nơi không có sân phơi, máy sấy khiến chất lượng hạt cà phê giảm. Việc chế biến sâu tạo ra các mặt hàng đa dạng như cà phê bột, cà phê hòa tan, bánh, kẹo, rượu, nước giải khát từ cà phê rất hạn chế, kém xa mức giá trị mà nó có thể đạt đến.

Lâm Đồng dẫn đầu thực hiện các giải pháp căn cơ
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, ông Lương Văn Tự cho biết Hiệp hội chủ động xây dựng đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh cà phê Việt Nam theo hướng phát triển bền vững và giá trị gia tăng đến năm 2030”, vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương liên quan xem xét.
Hiệp hội nhận định trong bối cảnh thương mại hiện nay, để tăng thu nhập, người trồng cà phê phải biết liên kết sản xuất, áp dụng các tiến bộ về kỹ thuật về giống, tưới nước tiết kiệm, bón phân hợp lý, cải thiện năng suất, hạ giá thành. Khâu mua bán trung gian thường phát sinh nhiều tiêu cực như trốn thuế, xù nợ, trộn tạp chất hoặc mặt hàng xấu vào khiến cà phê giảm phẩm cấp, cần được các địa phương chấn chỉnh triệt để. Theo ước tính của Hiệp hội, đến năm 2.030, nếu sản phẩm chế biến sâu cà phê được đa dạng hóa 30-40% sản lượng, thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chắc chắn lên tới 5-6 tỉ USD.
Nghe tiến sĩ Trương Hồng- Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên trình bày, ai cũng thấy hầu như mọi khía cạnh kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm cà phê đều đã được các nhà khoa học nghiên cứu tỉ mỉ. Từ các loại giống mới cao sản, kháng bệnh tốt đến kỹ thuật thâm canh, tưới, bón, cải tạo vườn cỗi, chế biến sau thu hoạch v.v… Vấn đề ở chỗ làm sao mọi thông tin hữu ích này đến được với từng nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Muốn vậy, nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa cho công tác truyền thông, và đội ngũ cán bộ khuyến nông.
Trong cuộc hội ngộ các nông dân tỉ phú của Đắk Lắk, cách làm giàu của nông hộ Nguyễn Thị Thái Hà (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar) gây chú ý, với việc gia đình chị vừa sớm biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng xen canh cà phê với tiêu, sầu riêng; vừa bền bỉ tích tụ đất đai và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Ixrael trên toàn bộ diện tích canh tác 22 ha, đạt mức thu nhập hơn 7 tỉ đồng/ năm.

Những vấn đề đã bàn thảo nhiều trong các hội nghị về cà phê, đang được tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng biến thành hiện thực một cách hiệu quả, nhờ tiến bộ khoa học được ứng dụng rộng khắp. Với dân số trên 1,26 triệu người, nhiều năm qua Lâm Đồng liên tục thu ngân sách cao nhất Tây Nguyên, vượt xa Đắk Lắk là tỉnh có trên 1,85 triệu dân. Lâu nay Đắk Lắk thường tự hào là thủ phủ cà phê, mà ít để ý với diện tích 203.737 ha, Đắk Lắk mới đạt được tổng sản lượng 447.348 tấn cà phê nhân/ năm. Còn Lâm Đồng chỉ có 155.239 ha cà phê, cũng đã đạt sản lượng khoảng 430.000 tấn. Hết năm 2016, Đắk Lắk mới tái canh được 18.520 ha cà phê già cỗi, còn Lâm Đồng đã tái canh tới 48.462 ha.
Tiến sĩ Phạm S-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xác nhận năng suất cà phê bình quân toàn tỉnh Lâm Đồng đã gần tròn 3 tấn/ ha, nhờ tái canh sát kế hoạch, đạt yêu cầu bằng nhiều giống cà phê cao sản. Riêng 2 huyện Di Linh, Bảo Lâm đã hình thành vùng chuyên canh cà phê hơn 10.000 ha với năng suất từ 4 tấn nhân/ vụ trở lên, cá biệt gần 100 ha cà phê trồng giống Arabica mới, kháng bệnh tốt, năng suất tới hơn 10 tấn nhân/ha. Tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu toàn cầu cho 5-6 nhãn hàng cà phê của tỉnh, liên kết với chỉ dẫn địa lý cà phê vùng Buôn Ma Thuột, đồng thời gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế để thu hút nguồn vốn chế biến sâu cho cà phê nâng cao chuỗi giá trị gia tăng .
Trong 2 ngày 11, 12/3/2017, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo thú vị “ Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên- Góc nhìn từ các nông dân tỉ phú”, và “Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”. Cả 2 cuộc đều quá tải số khách dự khán, cung cấp cho giới truyền thông lượng thông tin đa chiều, phong phú về các vấn đề này.
Hoàng Thiên Nga
Chỉ có một cách duy nhất để cà phê VN may ra có thương hiệu trên thế giới là nghiên cứu trồng cà phê Arabica. Và phải nghiên cứu giống thuần chủng, thuần thiên nhiên, trồng thiên nhiên… Không dùng các cách lai giống lung tung… (Muốn nghiên cứu tạo giống mới thì để khi rành Arabica – tức là hàng 10, 20 năm sau rồi hãy tính. Không ai chưa rành rượu mà nghiên cứu giống mới để làm rượu, như chưa biết nấu ăn đã lo sáng tạo món mới), Cà phê, giống như rượu vang, chọn giống và chọn nơi trồng rất kỹ. Mỗi giống và mỗi nơi trồng cho một vị đặc biệt. Cạnh tranh Arabica để có chỗ đứng cao trên thế giới không phải là dễ.
Arabica cần nơi nhiều nắng nhưng lại mát, như các núi đảo hay núi sát bờ biển có nhiều nắng và gió.
Điềm bắt đầu là lo nghiên cứu tìm giống và trồng. Chú trọng vào vị, đừng chú trọng vào lượng thu hoạch. Một ký Kona Peaberry (Hawaii) hiện thời bán lẻ là 154 USD
Arabica tốt, dùng để uống nhẹ (tức rang light roast), Rang đậm kiểu VN thì phá hết vị cà phê. CHo nên muốn thử vị Arabica thì phải thử light roast.
ThíchThích