Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Hà Nhì

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Dân ca Gié Triêng, mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Hà Nhì hôm nay.

Người Hà Nhì (tên tự gọi: Haqniq, tiếng Hán: 哈尼族 Hānízú, Cáp Nê tộc), tên gọi khác: U Ní, Xá U Ní là một trong 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Hà Nhì ở Việt Nam có dân số 21.725 người, cư trú tại 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Hà Nhì cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (13.752 người, chiếm 63,3% tổng số người Hà Nhì tại Việt Nam), Lào Cai (4.026 người), Điện Biên (3.786 người), gồm 3 nhóm địa phương: Cồ Chồ, Là Mi và Hà Nhì Đen.

Chưa ai biết rõ nguồn gốc của người Hà Nhì, tuy tổ tiên họ, tộc người Khương, đã di cư từ vùng cao nguyên Thanh Tạng xuống phía nam từ trước thế kỷ thứ ba.

Theo lời truyền miệng của người Hà Nhì thì họ có nguồn gốc từ người Di (Yi), tách khỏi nhau thành bộ tộc riêng biệt 50 đời về trước.

Ngôn ngữ Hà Nhì là thuộc nhánh ngôn ngữ Di, ngữ hệ Tạng-Miến. Theo lời truyền miệng thì người Hà Nhì đã từng có một thứ chữ viết, nhưng thứ chữ này đã bị thất lạc khi di cư từ Tứ Xuyên xuống phía nam. Giờ đây họ sử dụng chữ cái Latinh làm chữ viết.

hn30

Người Hà Nhì chủ yếu trồng lúa, có nơi làm ruộng, có nơi làm nương rẫy. Hà Nhì là một trong những dân tộc có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang và đào mương đắp đập lấy nước, dùng trâu bò cày kéo và làm vườn cạnh nhà…

Chăn nuôi là một nghề phát triển. Các nghề thủ công như đan lát, dệt vải cũng rất phổ biến. Phần đông người Hà Nhì tự túc được vải mặc.

Người Hà Nhì hiện nay đã định cư, mỗi bản có khi đông tới 60 hộ. Người Hà Nhì có nhiều họ, mỗi họ gồm nhiều chi. Dịp tết hàng năm có tục cả dòng họ tụ tập lại nghe người già kể tộc phả của mình, có dòng họ nhớ được về xưa tới 40 đời. Tên của người Hà Nhì thường đặt theo tập tục là lấy tên người cha, hoặc tên con vật ứng với ngày sinh của người ấy làm tên đệm.

Trai gái Hà Nhì được tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Mỗi cặp vợ chồng, phải trải qua hai lần cưới. Ngay sau lần cưới trước, họ đã thành vợ chồng, cô dâu về nhà chồng và theo phong tục ở Lai Châu cô dâu phải đổi họ theo chồng. Cũng ở Lai Châu, có nơi lại ở rể. Lần cưới thứ hai được tổ chức khi họ làm ăn khấm khá và thường là khi đã có con.

hn31

Phong tục ma chay của các vùng không hoàn toàn giống nhau, nhưng có một số điểm chung: khi trong nhà có người chết, phải dỡ bỏ tấm liếp (hay rút một vài nan) của buồng người đó, phá bàn thờ tổ tiên, làm giường đặt tử thi ở bếp, chọn ngày giờ tốt mới chôn. Người Hà Nhì không có nghĩa địa chung của bản, kiêng lấp đất lẫn cỏ tươi xuống huyệt, không rào dậu hay dựng nhà mồ, chỉ xếp đá quanh chân mộ…

Qua việc so sánh đối chiếu những tài liệu về nhà cửa của cá dân tộc này thì thấy rằng chỉ có nhà của người Hà Nhì là có những đặc trưng rõ rệt hơn. Tính thống nhất của các đặc trưng này còn được thể hiện trên những địa bàn khác nhau.

Nhà ở cổ truyền của người Hà Nhì là nhà đất. Bộ khung nhà khá đơn giản. Vì kèo cơ bản là kiểu vì kèo ba cột. Nhà có hiên rộng, người ta còn làm thêm một cột hiên nên trở thành vì bốn cột. Tường trình rất dày. Nhà không có cửa sổ, của ra vào cũng ít, phổ biến là chỉ có một cửa ra vào mở ở mặt trước nhà và lệch về một bên. Mặt bằng sinh hoạt: nhà thường ba gian, ít nhà bốn gian. Có hiên rộng ở mặt trước nhà. Trong nhà chia theo chiều dọc: nữa nhà phía sau là các phòng nhỏ. Nửa nhà phía trước để trồng, một góc nhà có giường dành cho khách, ở đây còn có bếp phụ. Cũng có trường hợp hiên được che kín như là một hành lang hẹp thì cửa mở ở chính giữa. Những trường hợp như thế này thuộc về gian chính giữa hoặc thêm một gian bên cạnh có sàn cao khoảng 40 cm để dành cho khách, ở đây cũng có bếp phụ.

Phong cách trang phục giống các dân tộc trong cùng nhóm ngôn ngữ, và có phần không điển hình ở phong cách trang trí. Váy đen, chỉ có mũ, khăn hai ống tay và nẹp áo phụ nữ có trang trí. Trang trí ở ống tay giống phong cách Lô lô và Hmông.

hn32

Ngày tết truyền thống của người Hà Nhì được gọi là Hồ Sự Chà. Người Hà Nhì ở Mường Tè thường chọn 3 ngày trong tháng con chuột (Hu – Pa – La), khi ấy mùa màng đã thu hoạch xong, tức là khoảng thời gian vào tháng 11 dương lịch để ăn tết. Tết bắt đầu vào ngày rồng, không kể đầu tháng hay cuối tháng, tùy từng bản tổ chức sớm hay muộn. Loại bánh không thể thiếu trong ngày tết Hồ Sự Chà là bánh dầy.

Người Hà Nhì có nhiều truyện cổ, có cả truyện thơ dài. Nam nữ thanh niên có điệu múa riêng, đều theo nhịp tấu, nhạc cụ gõ. Trai gái Hà Nhì tỏ tình thường dùng các loại khèn lá, đàn môi, sáo dọc. Các thiếu nữ thích thổi am-ba, mét-du, tuy-húy hay nát-xi vào ban đêm. Con trai gảy đàn La Khư. Ngày lễ hội còn có trống, thanh la, chập cheng góp vui. Người Hà Nhì có nhiều loại bài hát: các bà mẹ hát ru, thanh niên nam nữ hát đối… Có hát đám cưới, hát đám ma, hát mừng nhà mới, hát tiếp khách quí, hát trong ngày tết… Bài hát đám cưới của người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu, Việt Nam dài tới 400 câu.

Dưới đây mình có các bài:

– Nhạc cụ của dân tộc Hà Nhì – Lô Lô
– SỬ THI – HÁ PÀ “PHUỲ CA NA CA” CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ Ở MƯỜNG TÈ
– Tập tục văn hóa người Hà Nhì ở Tây Bắc
– Soóng khừ – bảng tính giờ tốt xấu độc đáo của người Hà Nhì
– Điện Biên: Người Hà Nhì đón Tết truyền thống
– Tết mưa độc đáo của người Hà Nhì ở Lai Châu
– Tết “Khu già già” của người Hà Nhì, Lào Cai
– Tết “Hồ Sự Chà” của người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu
– MỘT SỐ TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG NGÀY TẾT NGƯỜI HÀ NHÌ ĐEN Ở LÀO CAI
– Lào Cai: Lễ hội trùm chăn của người Hà Nhì
– Các nghi lễ trong đám cưới của người Hà Nhì ở Lai Châu
– Trang phục dân tộc Hà Nhì
– Trang sức độc đáo của người Hà Nhì
– Độc đáo nhà trình tường của người Hà Nhì
– Rừng thiêng của người Hà Nhì
– Nghi lễ tang ma Hà Nhì

Cùng với 11 clips & 1 link tổng thể văn hóa dân tộc Hà Nhì để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Đồng thời các bạn có thể vào: “Truyện cổ dân tộc Hà Nhì” rồi chọn đọc các bài các bạn thích về các truyện cổ của tộc Hà Nhì để tìm hiểu thêm về văn hóa độc đáo của tộc này.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

hn_hát_nhạc cụ

Nhạc cụ của dân tộc Hà Nhì – Lô Lô

Âm nhạc dân gian của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Hà Nhì – Lô Lô rất phong phú, gồm nhiều làn điệu dân ca, nhiều nhạc khí độc đáo. Ở khắp mọi nơi, hai đề tài chính của dân ca là ca ngợi tình yêu trai gái và lao động sản xuất. Trong dân ca Lô Lô, trừ hát ru, các đề tài mặc dù khác nhau nhưng đều có chung một giai điệu âm nhạc.

Mỗi nhóm địa phương của người Lô Lô đều có làn điệu riêng song tương quan về mặt nghệ thuật vẫn khá rõ, khá nhất quán. Nhạc khí của cư dân nhóm ngôn ngữ Hà Nhì – Lô Lô mang nhiều màu sắc riêng, có đủ loại khí hơi, gẩy, gõ. Nhạc khí hơi của người Hà Nhì chỉ dành riêng cho việc tỏ tình giữa trai, gái. Bên cạnh những làn điệu dân ca trữ tình, các nhạc khí hơi cũng góp phần không nhỏ vào tiếng nói tâm tình của tuổi thanh xuân.

Nhạc khí hơi có những loại sau:

– Chí Papô: Giống như chiếc khèn lá của người Mông. Từ một chiếc lá tươi bứt trên cành gập lại rồi đưa lên miệng thổi, âm thanh phát ra trong trẻo, tươi sáng như chim hót.

– Là tỳ: Giống như chiếc đàn môi, cũng có 1 lá đồng rạch hình lưỡi gà ở giữa. Khi gảy đàn môi, người ta phải ngậm cả lưỡi gà vào miệng, tay phải cầm cán đàn, tay trái gảy đàn, lưỡi đàn rung lên phát ra âm thanh.

– Am ba: Là một ống rạ còn tươi dài khoảng 25 cm phía thổi là đầu mấu ống. Cách đầu mấu khoảng 25 cm, được tách ra theo chiều dọc ống thành nhiều phần bằng nhau, cầm hai đầu ống ấn nhẹ làm phồng phần được tách ra, tạo thành bộ phận phát âm. Khi thổi ngậm toàn bộ phần phát âm vào miệng rồi đặt lỗ phía dưới ống vào giữa hai lòng bàn tay úp kín vào nhau tạo ra hộp cộng âm hình dẹt, hơi thổi qua bộ phận phát âm làm rung những đoạn ra tách rời phát ra âm thanh. Muốn cho âm thanh cao thấp khác nhau, người ta điều khiển lòng bàn tay lúc phồng, lúc dẹt, các ngón tay khi mở ra, khi đóng vào.

– Nhạc khí gẩy: Người Hà Nhì có nhạc khí gẩy duy nhất là chiếc Lakhư, là nhạc khí dành riêng cho con trai sử dụng. Lakhư có 3 dây, trước kia là dây cước, nay dùng kim loại. Hộp đàn không có hình dáng nhất định đục từ thân cây to. Mặt đàn không khoét lỗ thoát âm và thường được làm bằng ruột cây tre, cây vầu đã được tước mỏng và dát phẳng. Đàn để trơn, không gắn phím, dài khoảng 30-35 cm. Đầu đàn có 3 trục vặn để lên dây. Ba dây tỳ lên đàn chặt ở giữa mặt hộp đàn.

– Nhạc khí gõ: Bộ gõ gồm trống, chập cheng, thanh la sử dụng trong các ngày hội, ngày tết biểu hiện sức mạnh tập thể với những tiết tấu khỏe mạnh chắc chắn.

Người Lô Lô là một trong rất ít tộc người ở nước ta còn sử dụng trống đăng trong sinh hoạt. Trống chỉ được dùng trong đám tang, giữ nhịp cho các điệu múa dân gian, tập thể.

hn27

SỬ THI – HÁ PÀ “PHUỲ CA NA CA” CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ Ở MƯỜNG TÈ

Các dân tộc Việt Nam có một khối lượng sử thi đồ sộ mà ít quốc gia nào có được. Nếu như dưới thời Pháp thuộc, chỉ có hai tác phẩm sử thi Tây Nguyên được sưu tầm và công bố thì cho đến nay hàng trăm bản sử thi đã được sưu tầm. Tuy nhiên, theo như lời nhận xét của GS.Phan Đăng Nhật thì “nhiều dân tộc khác ở nước ta còn có thể có sử thi nhưng vẫn chưa được phát hiện”; trong đó có các tác phẩm sử thi của người Hà Nhì.

1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, SƯU TẦM SỬ THIP’HUỲ CA NA CA

Năm 1985, Lê Đình Lai thực hiện Luận văn tốt nghiệp với đề tài “Sơ bộ tìm hiểu và giới thiệu hai truyện thơ dài Xa Nhà Ca và Phuỳ Cá Ná Cá của dân tộc Hà Nhì” mở ra một hướng đi mới cho công tác nghiên cứu, sưu tầm sử thi ở Việt Nam; nhưng phải đến năm 2011, Chu Thuỳ Liên mới công bố tác phẩm “Xa Nhà Ca: trường ca dân tộc Hà Nhì”. Tuy nhiên, tác giả vẫn giữ thái độ dè dặt khi xếp “Xa Nhà Ca” vào thể loại Trường ca – điều mà các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đề nghị: “không nên ngập ngừng dùng trường ca để chỉ sử thi nữa”[1]. Trong khi đó, tác phẩm trên đã được sưu tầm và công bố ở Trung Quốc với tên gọi “Khai thiên lập địa ca” và được xếp vào thể loại sử thi.

Trong một số công trình dân tộc học, sử học đã công bố, một số nhà nghiên cứu đã nhắc đền “P’huỳ ca Na ca”, tiêu biểu như các tác giả Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam trong cuốn “Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam”[2], tập thể tác giả Nguyễn Chí Buyên, Hoàng Hoa Toàn, Lương Văn Bảo trong cuốn “Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía bắc Việt Nam”[3], tác giả Trần Bình trong cuốn “Tập quán hoạt động kinh tế của một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam”[4] … Tuy nhiên, các tác giả chỉ gọi “P’huỳ ca Na ca” là truyện thơ dài, truyền thuyết, hay trường ca mà không gọi là sử thi.

Theo kết quả thống kê của GS.Phan Đăng Nhật thì vùng miền núi phía Bắc hiện nay mới chỉ sưu tầm và công bố được 04 tác phẩm sử thi; cụ thể là: vùng người Mường: 01 sử thi; vùng người Thái: 03 sử thi[5].

Như vậy, cho đến nay ở Việt Nam chưa có công trình nào về sử thi “P’huỳ ca Na ca” được công bố; mặt khác “P’huỳ ca Na ca” vẫn chưa được thừa nhận là sử thi.

hn1

2. THỂ LOẠI VÀ NỘI DUNG

2.1. Thể loại

Trong cuốn “Văn học dân gian” (tập II) xuất bản năm 1973 của hai tác giả Đinh Gia Khánh và Chu Chu Xuân Diên, các thuật ngữ Trường ca, Sử thi, Anh hùng ca đã được phân biệt bằng các khái niệm như sau:

– Trường ca là một danh từ chung để gọi bất cứ tác phẩm thơ ca nào mang ý nghĩa ca ngợi và có độ dài nào đó chứ không phải là một thuật ngữ chỉ một thể loại riêng biệt trong văn học dân gian.

– Sử thi là những áng thơ ca đúc kết những điều truyền thuyết và những mẩu thần thoại ở nhiều địa phương, của nhiều thị tộc, nhiều bộ lạc thành hệ thống rộng lớn để miêu tả nguồn gốc dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quốc gia trong buổi bình minh của lịch sử.

– Anh hùng ca (tráng sĩ ca) trùng hợp với sử thi ở chỗ cũng thuật lại những kỳ công vĩ tích, những sự nghiệp anh hùng. Nhưng có lẽ nên dùng thuật ngữ này để gọi những áng thơ ca liên quan đến từng vị anh hùng nhất định[6].

Năm 1981, GS.Phan Đăng Nhật trong cuốn sách “Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945” đã sử dụng các thuật ngữ “sử thi”, “sử thi anh hùng”, “sử thi – mo”… Cùng với đó, ông đã đặt tên gọi dùng để chỉ sử thi của các dân tộc bên cạnh thuật ngữ sử thi có nghĩa coi đây là một loại sử thi riêng nhằm làm tăng cường độ chính xác và làm rõ thêm nguồn gốc cũng như đặc điểm riêng của các loại sử thi của các dân tộc anh em. Theo cách cấu tạo ấy, các sử thi được mang tên gọi theo các thuật ngữ ghép như: Sử thi – mo để chỉ sử thi của người Mường; Sử thi – khan để chỉ sử thi của người Êđê; Sử thi – hri để chỉ sử thi của người Giarai; Sử thi – ot nrong để chỉ sử thi của người Mơnông; Sử thi – khắp để chỉ sử thi của người Thái; Sử thi – hmon để chỉ sử thi của người Bana; Sử thi – akhar jucar để chỉ sử thi của người Raglai; Sử thi – akayet để chỉ sử thi của người Chăm…[7]

Căn cứ vào các yếu tố xác định thể loại của một tác phẩm sử thi như tính truyền thống, tính diễn xướng cộng đồng, tính rộng lớn, hình thức kể… chúng tôi xác định “Phuỳ ca Na ca” của người Hà Nhì thuộc thể loại sử thi. Bên đó, theo hướng đi của các nhà nghiên cứu sử thi đi trước, chúng tôi mạnh dạn gọi sử thi của người Hà Nhì bằng thuật ngữ ghép là “sử thi – há pà”; bởi “há pà” hay “há pà dí” là những thuật ngữ được người Hà Nhì dùng để chỉ hành động hát, bao gồm cả thể loại hát kể (tự sự). Cách gọi này tương đồng với cách gọi bằng thuật ngữ “khắp” (hát) của người Thái khi nói về các tác phẩm sử thi “Ẳm ẹt luông” hay “Chương Han”.

Theo khung phân loại của GS. Phan Đăng Nhật, chúng tôi xác định sử thi “P’huỳ ca Na ca” là sử thi cổ sơ nếu xét về bình diện thời gian ra đời; còn nếu xét về bình diện đề tài thì đó là sử thi thiết chế xã hội.

Sơn nữ Hà Nhì.
Sơn nữ Hà Nhì.

2.2. Cấu trúc đề tài và nội dung tác phẩm

Sử thi “Phuỳ Ca Na Ca” không dài, chỉ gồm 932 câu với 28.903 từ (tính theo bản phiên âm gốc) nhưng hoàn toàn phù hợp với lời nhận xét của GS.Phan Đăng Nhật rằng: “các sử thi tiêu biểu của các quốc gia thường có khối lượng đồ sộ, trong lúc đó sử thi các dân tộc nước ta nói chung không lớn mấy”[8]. Bên cạnh đó, “Phuỳ Ca Na Ca” có đầy đủ những đặc điểm của “một sử thi cổ sơ (tiền quốc gia) mang tính chất tiêu biểu, thể hiện cả về nội dung cũng như cấu trúc, đặc điểm nghệ thuật, cách lưu truyền và đặc điểm tổng hợp của nó”[9].

Sử thi “P’huỳ ca Na ca” có cấu trúc gồm ba phần với nội dung cơ bản như sau:

– Phần thứ nhất, từ câu 1 đến câu 419: gồm hai mục

Mục thứ nhất kể về miền đất Na Chô Chô Ứ nằm bên dòng sông Ha Sa, có cánh đồng lớn bên sông được dẫn nước bởi mười hai con mương, có bản lớn Hà Nhì bảy nghìn hộ ở giữa thật giàu có, được bảo vệ bởi hàng rào đan dây thép, được ngăn cách với người Hán bởi dòng sông có con rồng cai quản, bởi giao lộ mười hai ngả đường lớn với bảy mươi lối rẽ đường cong do con voi chúa trấn giữ.

Mục thứ hai kể về dịch bệnh hủi đã khiến cho một cô gái lâm vào hoàn cảnh bi thương – bị thả bè trôi sông. Nhưng rồi cô gái được bà cô cứu, lại vô tình được con rồng dưới đáy sông Ha Sa làm cho khỏi bệnh và được trở về bản. Nhưng cô không về một mình mà còn đem theo một chàng trai người Hán do con rồng đưa đến. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp và xung đột.

– Phần thứ hai, từ câu 420 đến câu 826: kể về cuộc tranh chấp âm thầm nhưng quyết liệt giữa một bên là lực lượng bảo vệ lý lẽ và những tập tục truyền thống của Hà Nhì mà đại diện là anh con trai trưởng trong nhà và một bên là lực lượng người Hán với đại diện là tên con rể và cô vợ người Hà Nhì nhẹ dạ. Chúng dần chiếm hết nhà cửa, đất đai, của cải, hãm hại con voi chúa, đánh tráo cái ống thần của người Hà Nhì. Sau đó, kiếm cớ để tiến đánh, thôn tính đất đai của người Hà Nhì.

– Phần thứ ba gồm 105 câu, từ câu 827 đến câu 932: kể về cuộc di cư bi thảm, thê lương của người Hà Nhì. Trong quá trình di cư, người Hà Nhì dần bị ly tán, phần thì do bị cộng đồng người khác bắt làm nô lệ, phần thì rơi rớt trên những địa điểm dọc theo tuyến đường di cư. Số còn lại đến sinh sống ở một địa điểm khác và không còn liên hệ gì với các nhóm đã bị ly tán dọc đường.

Sơn nữ Hà Nhì
Sơn nữ Hà Nhì

3. MÔI TRƯỜNG TỒN TẠI VÀ DIỄN XƯỚNG SỬ THI “P’HUỲ CA NA CA”

P’huỳ ca Na ca” ra đời và tồn tại trong môi trường văn hoá dân gian Hà Nhì (nhóm Hà Nhì Cồ Chồ) với nền tảng xã hội về cơ bản chưa hình thành giai cấp, sự thống trị và bóc lột tuy đã manh nha hình thành nhưng chưa điển hình mà vẫn mang tính chất công xã nông thôn rõ nét. Ruộng đất, núi rừng thuộc sở hữu của toàn thể cộng đồng. Sản phẩm được phân phối theo nguyên tắc bình quân.

Thiết chế xã hội cơ sở của người Hà Nhì là làng (phu). Mỗi làng đều là một cộng đồng về cư trú, cộng đồng về sở hữu và lợi ích, cộng đồng về tâm linh và cộng đồng về văn hoá. Tổ chức và duy trì trật tự trong cộng đồng là một hội đồng các chức sắc bao gồm pò tá (trưởng làng), mồ p’hí (thầy cúng), mí cùla chạ (những người chăm sóc rừng thiêng), thủ tý h’ló (người chăm sóc miếu thờ thổ địa), hà gà h’ló (người thờ cúng thần núi)

Chế độ hôn nhân và gia đình là chế độ phụ hệ nhưng vẫn tồn tại dấu vết mẫu hệ. Trong nếp sống sinh hoạt của mỗi gia đình, người phụ nữ có vai trò quan trọng, đó vừa là người làm ra hạt gạo nuôi sống gia đình. Trong tín ngưỡng, những nàng dâu trong các gia đình nhóm Hà Nhì Cồ Chồ là những người chăm lo việc thờ cúng tổ tiên…

Đó là cơ sở hình thành nguyên tắc chung của các quan hệ xã hội: “dân chủ, bình đẳng, thương yêu nhau” (Ăngghen). Quan hệ xã hội ấy đã chi phối mạnh mẽ đến quan hệ văn hoá. Mọi người đều có quyền sáng tạo và hưởng thụ những thành quả của văn hoá nghệ thuật. Nhờ đó mà tác phẩm sử thi của người Hà Nhì “cho ta một sự thoả mãn về thẩm mĩ và về một phương diện nào đó, chúng còn được dùng làm tiêu chuẩn, làm mẫu mực mà chúng ta chưa đạt tới”[10].

P’huỳ ca Na ca” thường được hát bên mâm rượu ngày tết. Trên mâm nhất thiết phải có một con gà và hai chén rượu để dâng cúng Tổ tiên cùng các vị thần linh được nhắc đến trong nhiều trường đoạn. Người Hà Nhì quan niệm nếu không làm lý bằng một chén rượu và một con gà mà cứ thế hát kể thì thần linh, tổ tiên sẽ trách phạt mà giáng hoạ xuống gia đình người hát: người đau ốm, gia súc dịch bệnh, mùa màng thất bát… khiến cho sử thi mang sắc màu huyền thoại. Tuy vậy, sử thi “P’huỳ ca Na ca” không mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo, không bị ràng buộc bởi các nghi lễ như sử thi – mo của người Mường với tư cách là một bộ phận của tang lễ.

Trước khi hát, người hát đầu tiên sẽ vừa lấy từ con gà một ít da đầu, thịt cánh, thịt đùi, thịt lườn, lòng, gan bỏ vào một cái bát con đặt cạnh chén rượu trên mâm vừa làm vừa lầm rầm khấn mời các vị thần linh và tổ tiên về ăn thịt, uống rượu, nghe con cháu hát. Diễn xướng “P’huỳ ca Na ca” có thể do một hay nhiều người thay nhau thực hiện. Người hát vừa uống rượu vừa hát (xướng). Diễn không sử dụng động tác của tay, chân mà thể hiện qua nét mặt; lúc vui, lúc buồn, khi thong thả, lúc vội vàng theo từng nội dung cốt truyện.

(ảnh dân tộc)

4. GIÁ TRỊ CỦA SỬ THI “P’HUỲ CA NA CA”

4.1. Sử thi “P’huỳ ca Na ca” mang giá trị phản ánh lịch sử

Với chủ đề chiến tranh, tác phẩm kể về sự đối đầu và xung đột một thời giữa người Hà Nhì với người Hán. Sử thi “P’huỳ ca Na ca” có rất nhiều câu nói về điều này, nhiều chỗ lặp đi lặp lại như muốn nhấn mạnh đến một vấn đề cốt tử của người Hà Nhì khi ấy – giữ đất. Đó là hình ảnh của một làng chiến đấu với hệ thống phòng thủ khá nghiêm ngặt:

Có hàng rào đan bằng dây thép
Bao bọc bảo vệ khắp xung quanh
Bản ở giữa cũng bao hàng rào thép
Bảy mươi đôi cọc cắm đều nhau

Đó là những con mãnh thú được thuần phục để bảo vệ ranh giới:

Chúa tể rừng xanh con voi to đuôi ngắn
Tổ tiên ta thuần phục được nó về
Để giữ ranh giới Hà Nhì – Hán
Trấn thủ dòng Ha Sa nước lớn
Là con rồng lặn dưới đáy sông sâu

Đó là thái độ kiên quyết thẳng tay chống trả trước âm mưu âm lược:

Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang
Sẽ đánh cho chết ngay lập tức
Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc
Đánh cho chân ngựa chổng lên trời
Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất

Kết quả của cuộc tranh dành ấy là một cuộc chiến tranh đẫm máu:

Đạn người Hán rơi dầy tựa sao sa
Máu người chết chảy thành dòng đỏ thẫm

Do chủ quan, quân Hà Nhì không chống đỡ nổi, thua và mất đất, khiến họ phải di cư về phương Nam. Một trong những điểm đến đó là Việt Nam.

Trong cuộc di cư này, sử thi “P’huỳ ca Na ca” nói về nơi đến cuối cùng của người Hà Nhì là đầu nguồn Khó Ma, vùng đất hiện nay thuộc địa phận xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Địa danh Khó Ma được miêu tả trong sử thi “P’huỳ ca Na ca” là “nơi có nhiều sản vật”, và rằng “uống rượu ngọt không cần phải trộn men[11], hạt cơm ăn cũng chẳng dùng chày giã”. Đó chính là các loại cây lõi có bột (báng, móc, cọ). Hiện nay, cộng đồng người La Hủ ở các xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ vẫn khai thác các loại cây này để ăn và nấu rượu. Người La Hủ ở đây còn nói rằng khi người La Hủ đến đây thì đã thấy có những đám ruộng bậc thang của người Hà Nhì. Chắc hẳn là sau khi tạm thời ăn bột lõi cây rừng sống qua ngày, người Hà Nhì đã tích cực khai khẩn ruộng bậc thang. Sau đó, một phần do số lượng dân cư tăng lên, mặt khác do tìm được những vùng đất mới tốt hơn nên người Hà Nhì đã rời đi.

Sơn nữ Hà Nhì
Sơn nữ Hà Nhì

4.2. Sử thi “P’huỳ ca Na ca” phản ánh phong tục, tín ngưỡng cổ truyền của người Hà Nhì

Bên cạnh đề tài chiến tranh mang tính chủ đạo, nội dung tác phẩm còn truyền tải những phong tục, tập quán truyền thống. Qua sử thi này, chúng ta thấy họ vốn là những cư dân làm ruộng nước ở trình độ tương đối cao, với ruộng lớn nhìn hút tầm mắt được tưới nước bởi mười hai con mương. Kỹ thuật làm ruộng nước của họ là kỹ thuật cấy mạ chứ không phải gieo xạ. Không chỉ làm ruộng nước, người Hà Nhì khi đó cũng làm nương. Tri thức dân gian của họ về việc phân biệt những ưu điểm của hai phương thức canh tác này khá rõ rệt:

Lúa trồng dưới ruộng hạt lúa chắc
Lúa tra trên nương bông lúa dài

Người nghệ nhân dân gian cũng không ngần ngại khi nói về việc ăn thịt mèo, mặc dù luật tục cấm điều này. Theo quan niệm của người Hà Nhì thì mèo có họ với hổ, nếu ăn thịt mèo ở trong bản thì hổ sẽ tức giận và sẽ đến trả thù, gây hoạ cho cộng đồng. Nếu ai muốn ăn thịt mèo thì phải dấu diếm, khi giết thịt mèo phải đóng kín cửa, ăn vụng ở xó nhà, không được để cho người khác biết. Xưa nếu bị phát hiện thì bị xử phạt rượu, lợn, gà để cộng đồng cúng tạ lỗi với thần rừng. Nay, những lão niên Hà Nhì vẫn còn duy trì nếp nghĩ và cung cách ứng xử ấy.

Tuy chiếm số lượng không lớn, nhưng sử thi “P’huỳ ca Na ca” cũng có nói về tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Hà Nhì. Tập tục này được nhắc đến trong “P’huỳ ca Na ca” như sau:

Trong một bản có ba nơi thờ cúng
Một nơi đó để cúng vào tháng ba
Ấy là miếu Gà ma trên đỉnh bản
Làm nơi thờ nữ thần toàn năng
Để có được cuộc sống bình yên
Bản phải mỗi năm một lần cúng

Sau lễ cúng, dân bản xưa tổ chức vui chơi với các điệu múa Cá nhi nhi quen thuộc, với âm thanh trống chiêng rộn rã:

Bảy nghìn hộ cùng nhau mở hội lớn
Rộn ràng với ba cặp trống chiêng

hn17

5. ĐẶC ĐIỂM THẨM MĨ CỦA SỬ THI “P’HUỲ CA NA CA”

5.1. Đặc điểm về cái hùng, cái cao cả

P’huỳ ca Na ca” nổi bật ở tính hùng tráng và sự cao cả, mang giá trị cái đẹp, nhưng là cái đẹp trên mọi cái đẹp gây nên những cảm xúc thẩm mĩ đặc biệt đi đôi với sự kính trọng, niềm tự hào và lòng hân hoan. Ngay từ những câu đầu của sử thi, người nghe đã phải thổn thức, hồi hộp trước sự xa xăm, đầy kỳ bí của miền đất tổ:

Ở đầu nguồn Nà Ma
Tổ tiên Hà Nhì ta từng sống
Tận đầu nguồn Nà Ma
Tổ tiên Hà Nhì ta ở đó

Nhưng qua lời hát, người nghe được dẫn dắt vào xứ xở ấy, được thấy như hiện lên trước mắt mình một miền đất giàu sang, trù phú, thật cụ thể nhưng cũng đầy sinh động:

Ở giữa đông vui bảy nghìn hộ
Được bao bọc bởi hàng rào thép đan
Hàng rào thép bao kín xung quanh bản
Mười hai con mương dẫn nước vào đồng
Chỗ cuối bản có một bụi tre
Dành làm nơi hành quyết người phạm tội
Gốc cây bưởi là chỗ để thịt dê
Gốc cây sổ để thịt trâu bò đấy
Thịt trộm mèo ở góc khuất trong nhà
Phiến đá ngoài hiên dành làm nơi thịt lợn
Dù một ngày chẳng thịt được mười con
Nhưng mười ngày cũng được một con đấy

hn21

Cái đẹp không chỉ có ở bản Hà Nhì, nó còn hiện lên ở những bản của các tộc người láng giềng xung quanh. Chẳng hạn như đoạn tả về người Thái:

Người Thái xuống nơi bến bờ sông nước
Giỏi bơi thuyền vượt thác dữ giữa dòng
Khai phá ruộng bên bờ sông, bờ suối
Nuôi vịt đàn để làm kế sinh nhai
Nhà sàn người Thái bao giờ cũng làm to
Phụ nữ Thái dệt vải may váy ống
Cơm nếp đồ dùng tay nắm để ăn

Hay như đoạn tả về người Cống:

Người Cống xuống ở nơi nuôi dê được
Dê của họ có đến hàng trăm con
Thường lập bản ven con sông, dòng suối
Dùng rìu to để đốn ngã cây rừng

Cái hùng vĩ, cao cả còn hiện lên qua ý thức bảo vệ quê hương, sẵn sàng thẳng tay trừng trị những kẻ xâm phạm. Những câu tả về điều này thật hùng tráng:

Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang
Sẽ đánh cho chết ngay lập tức
Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc
Đánh cho chân ngựa chổng lên trời
Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất

Lào Cai: Ngu?i Hà Nhì den ? Y Tý

5.2. Đặc điểm về nghệ thuật ngôn từ

P’huỳ ca Na ca” được diễn xướng trước cộng đồng theo lối tự sự, trong đó hát (xướng) là chủ đạo nên ngôn từ là một yếu tố then chốt làm nên sức hấp dẫn, vừa cuốn hút người nghe bởi làn điệu, nhịp điệu, vừa có vần và sự đăng đối của câu. Ví dụ:

Nà Ma à mé
Nga tư Hà Nhì à ta púng đẹ
Na Ma à mé tạ e dló
Nga tư Hà Nhì à ta p’hu trsó

Sự đăng đối ấy trong nhiều trường hợp tạo thành những câu có ý nghĩa gần như lặp lại:

Nga tư Hà Nhì à ta púng đẹ, đẹ ư gá e
Púng đẹ Nà Ma à mé dló o

Cái hay của sử thi “P’huỳ ca Na ca” còn toát lên ở những tu từ, mĩ từ để tạo nên những phép tỉ dụ làm tăng thêm hiệu quả thẩm mĩ cho lời hát. Ví dụ như khi tả về người con gái xinh đẹp, câu hát được thể hiện là:

Chân thon dài, đùi trắng như nõn chuối
Nổi đường cong, eo thắt đáy lưng ong
Cổ ba ngấn như nhộng tằm trong kén
Khuôn mặt tròn như giữa tháng trăng lên
Cánh tay trắng thon như dóng mía

hn23

Không những vậy, nhiều câu hát còn được nói phóng lên (ngoa dụ) nhằm để nhấn mạnh đến vấn đề cần quan tâm, tạo hiệu quả thẩm mĩ cao. Chẳng hạn như khi tả về nỗi khổ cực của người con gái bị cha mẹ, gia đình, cộng đồng bỏ rơi:

Đã từng chịu khổ không ai biết
Mười lần chịu rét chẳng ai hay
Chịu mười trận nóng như thiêu đốt
Đã từng nhịn đói suốt mười ngày

Hoặc như những câu:

Ống xương con suýt làm cầu qua suối
Thịt của con suýt làm phân bón rồi
Xương sườn con suýt bị phơi ngoài bãi
Bồng bềnh trôi theo nước dòng sông

Ở những đoạn gay cấn, kịch tính, nghệ nhân lại dùng từ theo lối tả thực, mô tả tỷ mỉ, chi tiết tạo cho người nghe có cảm giác như sự việc đang diễn ra ngay trước mắt mình. Chẳng hạn như đoạn bà cô đem cháu gái đi dấu, lòng nơm nớp lo sợ cha mẹ cô gái biết được:

Bà cô chạy tìm khắp bãi sông
Mới thấy một hang đá để giấu
Cứ ban ngày thì nguỵ trang che kín
Chẳng bén mảng đến lấy một lần
Nhưng đêm đến khi mọi người đã ngủ
Lại xách cơm mang đến để cho ăn
Chỉ sợ cha mẹ phát hiện ra
Thì mọi chuyện sẽ không yên ổn được

hn12

Hoặc như đoạn kể về cảnh bà cô giết con trăn lớn (con rồng dưới đáy sông) để cứu cháu gái:

Muốn thịt trăn làm lành bệnh cháu gái
Bà tìm cách hạ thủ nó cho mau
Nhưng ban ngày nó không tìm đến đó
Nên ban ngày bà chẳng đặt lưỡi dao
Rồi đêm đến bà lần theo vết nó
Đặt ngửa dao dọc theo lối nó đi
Nó không biết nên cứ trườn qua đó
Rồng phanh bụng bởi dao cứa vào thân

Phong cách nghệ thuật của “P’huỳ ca Na ca” nổi bật ở tính hình tượng, cụ thể, hình ảnh hoá cả những ý niệm trừu tượng. Chẳng hạn như khi muốn nói về sự thâm hiểm của người Hán, ngôn ngữ trong sử thi được diễn đạt như sau:

Rõ người Hán lắm mưu sâu kế hiểm
Như rái cá lặn dưới đáy vũng sâu
Đấu trí thì Hà Nhì thua Hán
Cật nứa sắc nhưng vẫn cùn hơn dao
Sức Hà Nhì hơn nhưng mưu Hà Nhì kém
Chân vịt to cũng chẳng bằng diều hâu

Hay như khi tả về cảnh thê lương của đoàn người Hà Nhì di cư:

Cánh tay thì dắt theo con lớn
Còn con nhỏ lót lá địu sau lưng
Như con ruồi bậu vào đít con trâu
Như loài muỗi, dĩn đuổi sau con cừu mẹ

Có thể khẳng định rằng sử thi “P’huỳ ca Na ca” của người Hà Nhì là sử thi cổ sơ giai đoạn muộn nói về xã hội Hà Nhì ở trình độ phát triển tiền nhà nước với ba vấn đề lớn là: thiết chế và tổ chức xã hội cổ truyền; tranh chấp và xung đột; thiên di và ly tán nhưng được miêu thuật dưới dạng văn học dân gian, được kể theo lối tự sự bằng những lời ca, lời nói vần đầy tính hào dùng nhưng cũng đầy bi tráng. Sử thi “P’huỳ ca Na ca” là một sử thi đích thực trong kho tàng sử thi các dân tộc Việt Nam và là một sử thi tiêu biểu của người Hà Nhì.

Chú thích:

[1]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn, Sđd; tr.194
[2]. Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam. Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam. Nxb Văn hoá dân tộc; tr.241
[3]. Nguyễn Chí Buyên, Hoàng Hoa Toàn, Lương Văn Bảo. Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía bắc Việt Nam. Nxb Văn hoá dân tộc. 2000; tr.186-187
[4]. Trần Bình. Tập quán hoạt động kinh tế của một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam. Nxb Văn hoá dân tộc. 2001; tr.26
[5]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn. Sđd; tr.273
[6]. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1973). Văn học dân gian, tập 2 (Dẫn theo GS. TS. Nguyễn Xuân Kính. Quá trình sưu tầm và nhận thức lý luận đối với sử thi ở Việt Nam tại website của Viện Nghiên cứu văn hoá. Tin đưa ngày 30/10/2008
[7]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn. Sđd; tr.194
[8]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn. Sđd; tr.273
[9]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn. Sđd; tr.194
[10]. Các Mác. Góp phần phê phán chính trị – kinh tế học; Nxb Sự thật; H_1971; tr.313
[11]. Đây là loại rượu ủ từ bột trong lõi cây móc, tiếng Hà Nhì gọi thứ rượu ấy là “Chí gò”, còn rượu làm từ ngũ cốc, trộn men gọi là “Chí pà”

Sơn nữ Hà Nhì
Sơn nữ Hà Nhì

Tập tục văn hóa người Hà Nhì ở Tây Bắc

Người Hà Nhì ở Ý Tý có những nét rất đặc biệt dễ nhận biết nhất là những ngôi nhà trình tường rất đặc sắc của vùng đất này. Bản Hà Nhì ở Ý Tý nhìn xa trông như những lô cốt cố thủ, những ngôi nhà nối nhau mọc lúp xúp bên sườn núi hay trong thung lũng làm cho bản nhỏ này hiện lên đẹp như một bức tranh. Nhà người Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai có một hệ thống kiến trúc tương đối độc đáo. Theo quan niệm của người Hà Nhì thì hướng nhà bao giờ cũng tựa lưng vào đồi và hướng về thung lũng vì như vậy thì của cải trong nhà bao giờ cũng đầy đặn, nếu hướng nhà mà quay vào khe thì sẽ không tốt cho gia chủ.

Trong nhà của người Hà Nhì, bếp là nơi có một vị trí rất quan trọng. Do ở nơi khí hậu quanh năm sương mù ẩm ướt nên bếp của người Hà Nhì bao giờ cũng đặt ở trong nhà, vừa ấm áp vừa làm cho cây cột chắc bền. Hầu hết những hoạt động thường nhật của người Hà Nhì đều diễn ra quanh bếp lửa. Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng vừa là nơi tiếp khách của đồng bào dân tộc Hà Nhì, đồng thời là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa.

Do đó có nhiều kiêng kị liên quan đến bếp lửa, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không đặt chân lên hoặc làm xê địch hòn đá kê làm kiềng, vì theo quan niện của người Hà Nhì thì các hòn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa. vị thần trông coi sự ấm êm của gia đình. Chỉ có người phụ nữ mới được coi sóc hòn đá thần này. Cứ đến ngày đầu năm mới hoặc cuối năm, người phụ nữ sẽ cho hòn đá thần uống nước, uống rượu rồi cả ăn bánh.

Nếu gia đình nào không còn mẹ thì người con gái đi lấy chồng xa phải về làm việc đó. Từ xưa tới nay, người Hà Nhì nổi tiếng về việc chịu thương, chịu khó. Ngoài việc trồng lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang, họ còn tự tay trồng bông, dệt vải để thêu dệt ra những bộ trang phục đặc trưng của những chàng trai, cô gái dân tộc mình. Thông thường, một bộ trang phục của phụ nữ Hà Nhì cũng gồm đầy đủ mũ, áo, dây lưng và yếm.

(ảnh vấn tóc)

Nhưng điểm đáng chú ý nhất của trang phục người Hà Nhì là chiếc mũ đội đầu. Đối với phụ nữ Hà Nhì, những chiếc mũ được tết bằng đuôi ngựa chạy ngang trên trán tạo thành một đoạn tóc giả trang trí rất bắt mắt. Còn mũ trẻ em thường có màu chàm, hình trụ thấp, mặt trên xẻ múi nhưng khá bằng phẳng và có đính nhiều đồng bạc trắng. Đồng bạc này thể hiện cho ước muốn giàu.

Cùng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, những lễ hội văn hóa đặc sắc và những ngôi nhà trình tường độc đáo Cộng đồng người Hà Nhì ở Ý Tý bao đời nay vẫn duy trì được bản sắc văn hóa mang tính cộng đồng cao. Dù những tác động của thời gian, của lịch sử, của sự hội nhập bởi những nền văn hóa khác dường như không ảnh hưởng nhiều đến phong tục tập quán người Hà Nhì.

Trong thời hiện đại, bản sắc văn hóa truyền thống của người Hà Nhì vẫn còn nguyên vẹn giá trị của dân tộc giữa ngút ngàn rừng xanh. Ở nơi địa đầu của tổ quốc này không chỉ có sắc màu của hoa ban hoa mận nở mà còn có những con người nhỏ bé đang âm thầm gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như gìn giữ bầu trời biên cương của tổ quốc.

Những phong tục tập quán và lễ hội văn hóa của người Hà Nhì đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa của của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và phong phú. Làm cho dải biên cương cuối trời Tây Bắc không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên hung vĩ thơ mộng mà còn đẹp bởi những sắc màu văn hóa độc đáo của con người nơi đây.

hn-db

Soóng khừ – bảng tính giờ tốt xấu độc đáo của người Hà Nhì

(Tiểu Phong)

Với dân số hơn 20 ngàn người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Điện Biên, người Hà Nhì là một trong sáu tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến ở Việt Nam.

Họ không chỉ có đời sống văn hóa vật chất và tinh thần phong phú như: nhà nấm trình tường và tục trùm chăn tìm bạn tình của nhóm Hà Nhì Ca Đu (Lào Cai), các trường ca Xa Nhà Ca, Phùy Ca Na Ca và các bài dân ca Gia Mi trsu mượt mà, đằm thắm của nhóm Hà Nhì Lạ Mí, Hà Nhì Cồ Chồ (Lai Châu, Điện Biên)… mà trong lao động và sinh hoạt xã hội, họ cũng có nhiều sắc thái độc đáo, hấp dẫn làm nên một nét văn hóa Hà Nhì rất riêng biệt.Trong đó, đáng kể có Soóng khừ – bảng tính giờ tốt xấu được sử dụng phổ biến mỗi khi cần tính toán chọn giờ lành, tránh giờ dữ trong ngày.

Soóng khừ trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là Tính toán. Cơ sở hình thành Soóng khừ dựa trên tri thức dân gian của người Hà Nhì về lịch pháp và những kinh nghiệm được đúc kết qua hàng ngàn đời. Phần 6, trường ca Xa Nhà Ca (Tìm năm đủ tháng đầy) đã phản ánh quan niệm của người Hà Nhì về sự hình thành lịch vốn bắt nguồn từ một cây thần thân có 4 cạnh, ứng với 4 mùa. Trên thân cây mọc ra 12 cành ứng với 12 tháng trong năm. Các cành cây có 365 lá ứng với 365 ngày. Ngày cuối cùng của tuần trước (ngày Dần) cũng là ngày khởi đầu của tuần sau.

Thời gian trong một ngày được người Hà Nhì chia thành 12 canh giờ. Mỗi canh giờ ứng với một chi giống lịch pháp Trung Hoa. Nhưng khác ở chỗ giờ đầu tiên trong ngày được tính bắt đầu từ giờ Dần (3 giờ sáng) và kết thúc vào giờ Sửu (2 giờ sáng hôm sau).

Người Hà Nhì chỉ tính giờ tốt xấu để xuất hành thực hiện những việc liên quan đến tính mạng như đi xa, đi săn; những việc liên quan đến thành bại như đi buôn bán, gieo hạt, làm nhà mới. Theo tập quán sinh hoạt và lao động cổ truyền, những việc ấy bao giờ cũng được bắt đầu từ 6 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều. Cách tính dựa trên bảng tính Soóng khừ như sau:

Bảng tính Soóng khừ có bố cục cân đối 5 ô dọc và 5 ô ngang. Mỗi ô dọc ứng với một múi giờ làm việc trong một ngày, hướng xem từ dưới lên trên. Mỗi ô ngang lại ứng với một ngày bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng giêng của năm và quay vòng tuần tự theo chu kỳ 5 ngày, ngày thứ sáu, ngày thứ mười một… quay lại trùng với ngày thứ nhất. Hướng xem hàng ngang tuần tự từ trái qua phải.

Trong bảng tính có 5 ký hiệu là hình bốn chấm, tiếng Hà Nhì gọi là Sứ dè, có nghĩa là Bốn chân. Hình dấu nhân gọi là Pẹ tá, có nghĩa là Đòn gánh. Hình dấu tròn gọi là Á nhẹ có nghĩa là Không. Hình hai chấm, gọi là Lấu dè, có nghĩa là Hai chân. Hình một chấm gọi là Tùng dè, có nghĩa là Một chân. Mỗi ký hiệu đều ngầm chứa một thông điệp lành hay dữ với mỗi việc hệ trọng. Cụ thể như sau:

– Hình bốn chấm rất tốt cho việc đi xa, nhất là đi buôn bán. Vì vậy, những người buôn bán thường chọn giờ có hình này để xuất hành.

– Hình dấu nhân tượng trưng cho gánh thịt. Rất xấu cho việc đi buôn bán hoặc đi xa nhưng tốt cho việc đi săn.

– Hình dấu tròn, ý nghĩa đầy đủ là không có gì tốt nhưng cũng không có gì xấu nên những ai có việc hệ trọng liên quan đến tính mạng, thành bại thì không chọn xuất hành vào múi giờ ứng với ký hiệu này. Nhưng những ai đi chơi hoặc đi việc không quan trọng thì có thể xuất hành vào giờ đó cũng được.

– Hình hai chấm tốt cho việc đi xa, nhất là đi buôn bán. Những người có việc như trên nếu không chọn được giờ trùng với ký hiệu bốn chấm thì sẽ chọn giờ trùng với ký hiệu này.

– Hình một chấm là dấu hiệu không tốt vì nó tượng trưng cho sự đơn lẻ, không có đôi. Những ai đi xa, đi buôn bán hay đi săn bắt không chọn giờ ứng với ký hiệu này để xuất hành.

Mỗi ký hiệu trong bảng tính đều được bố trí hoán đổi tuần tự theo từng ngày, từng giờ. Khi xem, người ta ghép hàng ngang ứng vào ngày muốn chọn với hàng dọc để xem trong ngày đó giờ nào tốt, giờ nào xấu để quyết định giờ xuất hành.

Việc xem Soóng khừ chọn ngày xuất hành thường do những người đàn ông chủ gia đình đảm nhiệm. Vì vậy trước đây, những người đàn ông Hà Nhì, nhất là những người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc này thường khắc bảng tính Soóng khừ trên bao dao của mình để tiện việc theo dõi, chọn giờ. Ngày nay, tục lệ này vẫn còn được duy trì ở một số bản Hà Nhì nằm sâu trong các cánh rừng vùng biên giới Việt – Trung thuộc các tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Ở các bản nằm ven đường cái và đô thị, tục khắcSoóng khừ lên bao dao đã mai một nhưng những người đàn ông cao tuổi vẫn có thể bấm đốt ngón tay để tính toán chọn ngày theo nguyên tắc của Soóng khừ.

Người Hà Nhì đón Tết vui vẻ và đầm ấm.
Người Hà Nhì đón Tết vui vẻ và đầm ấm.

Điện Biên: Người Hà Nhì đón Tết truyền thống

(TH-Cinet-DTV)

Trong ngày Tết truyền thống, các gia đình người Hà Nhì (Điện Biên) chuẩn bị lễ vật cúng mời tổ tiên về mừng năm mới và tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn. Ngày cũng như đêm, khắp trong bản ngoài mường đâu đâu cũng tưng bừng, nhộn nhịp.

Sinh sống tập trung tại 4 xã vùng giáp biên của huỵện Mường Nhé là Sín thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn của tỉnh Điện Biên, người Hà Nhì nơi đây ăn Tết chọn ngày Thìn (con rồng) trong tháng 12 Dương lịch hằng năm. Tết truyền thống của bà con diễn ra trong vòng 3 ngày.

Theo phong tục, buổi chiều hôm tất niên mỗi gia đình mổ một con gà để cúng tiễn biệt năm cũ. Đêm hôm đó được coi là đêm Giao thừa, khắp làng bản Hà Nhì tiếng giã bánh dầy, bánh trôi làm rung động cả một vùng rừng núi. Vào lúc đầu canh ba, nhà nhà thi nhau mổ lợn. Gọi là “thi” vì người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần là được ngày, thì sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Thịt lợn được pha chế thành 3 thứ: xương riêng, nạc riêng và mỡ riêng. Bánh trôi chấm với mật o¬ng rừng tinh khiết, màu hổ phách, dẻo như tơ, ngọt mà không khé, mùi thơm thật khó tả. Bánh chưng của người Hà Nhì được thay bằng bánh gù, hình ống, dài hơn một gang tay. Gia đình nào cũng nhồi lạp xường, lạp xường của người Hà Nhì ngon thơm đặc biệt, do có nhiều loại gia vị được chiết xuất từ các loài thảo mộc.

Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc mà mỗi gia đình đều phải chuẩn bị. Do đó, dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn để đón năm mới. Đó là những con lợn đực, được các gia đình tự nuôi và thiến từ đầu năm để vỗ béo. Khi mổ lợn ăn Tết, gan là bộ phận đặc biệt mà người Hà Nhì rất quan tâm, bởi nếu gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi mới phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa. Lợn mổ thịt xong, sẽ cắt mỗi thứ một ít, đem luộc chín sắp lên mâm cùng với bát cơm, củ gừng, ba chén để chủ nhà cúng khấn mời tổ tiên.

Sau đó, cả gia đình sẽ vào quỳ trước bàn thờ cùng khấu đầu lạy tạ. Sau lễ cúng, các gia đình sắp mâm cỗ mời mọi người cùng nâng ly chúc mừng một năm mới với nhiều điều tốt đẹp. Trong mâm rượu luôn vang lên những lời chúc mừng “chú mừ chú xá, à kha pi pô” – chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe.

Người Hà Nhì sống cởi mở dễ gần và rất coi trọng tình cảm, vì vậy vào những ngày Tết, khách mời của gia đình ngoài những người thân và anh em trong họ, trong bản thì có rất nhiều người ở vùng khác cũng được các gia đình mời đến ăn Tết, trong đó có cả người Kinh, người Mông, người Thái.

Nhiều điệu múa mang đậm nét văn hóa dân tộc Hà Nhì được biểu diễn trong dịp Tết.
Nhiều điệu múa mang đậm nét văn hóa dân tộc Hà Nhì được biểu diễn trong dịp Tết.

Mọi người ăn uống, chúc nhau cho đến khi màn đêm buông xuống, tất cả bà con tập trung ra ủy ban xã tham gia chương trình văn nghệ chào đón năm mới. Những bài hát, điệu nhảy, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc được thể hiện bởi các cụ già đến nam thanh nữ tú và các cháu thiếu nhi. Xen lẫn các tiết mục của bà con dân tộc là những tiết mục của các chiến sĩ biên phòng, thầy cô giáo cắm bản.

Đến khoảng 22 giờ, trong tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hát vang vọng khắp núi rừng, trai gái cùng nắm tay nhau xòe bên đống lửa sáng ngời cả một vùng trời biên giới.

Đến khoảng 5 giờ sáng, tiếng giã bánh dày đã thậm thịch đánh thức bình minh lên. Khi mẻ bánh đầu tiên được giã xong, chủ nhà nặn một chiếc bánh tròn đem cúng mời tổ tiên trước khi mọi người ăn bánh. Trong ngày này, ngoài việc giã bánh dày, các gia đình tổ chức vui chơi thăm hỏi chúc Tết nhau.

Đàn ông nâng chén chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, các bà các chị say sưa với những câu hát dân ca, điệu múa nón truyền thống. Còn các em nhỏ mải mê với các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Tất cả tạo nên bức tranh Tết nhộn nhịp vui tươi đầy màu sắc.

Ngày Tết thứ ba cũng là ngày cuối cùng, các gia đình vẫn còn nhộn nhịp khách ra vào chúc Tết, không khí vui tươi của ngày Tết vẫn không hề giảm, những canh hát trao duyên còn dở dang, những điệu múa còn chưa đến hồi kết. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, các hoạt động mới thưa dần, mọi người về nhà nghỉ ngơi sau những ngày đón Tết. Họ không quên hẹn hò nhau đến Tết sau lại cùng vui hát múa.

Tết của người Hà Nhì diễn ra thật nhẹ nhàng đầm ấm, nhộn nhịp mà không xô bồ, ở đó những nét đẹp truyền thống được biểu đạt qua tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên, ông bà và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị nơi miền sơn cước.

Vòng xòe đoàn kết là nét văn hóa không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của người Hà Nhì.
Vòng xòe đoàn kết là nét văn hóa không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của người Hà Nhì.

Tết mưa độc đáo của người Hà Nhì ở Lai Châu

(TH-Cinet-DTV)

Tết mùa mưa là một trong những cái Tết to nhất trong năm của người Hà Nhì ở Mường Tè (Lai Châu).

Người Hà Nhì ở Mường Tè có nhiều phong tục đặc sắc, trong đó có Tết mùa mưa – một trong bảy cái Tết trong năm theo phong tục cổ truyền. Tết mùa mưa hay còn gọi là Dlé k’hù trà được tổ chức định kỳ vào tháng 6 Âm lịch hàng năm khi cây lúa đã vào thì con gái. Ngày khai lễ bao giờ cũng là ngày Hợi đầu tiên trong tháng.

Trước Tết 3 – 4 ngày, các gia đình lo chuẩn bị gạo, rượu, thịt, quần áo mới. Đám thanh niên và những người già am hiểu lý lẽ lo dựng các cây đu, bập bênh, dọn dẹp và chỉnh trang bãi hội ở bãi đất trống giữa bản.

Để chuẩn bị cho Tết mùa mưa, người ta phải dựng 2 cây đu là đu lăng (a gừ gừ xú), đu quay (a gừ gừ pu) và 2 cái bập bênh là bập bênh lên xuống (a chú), bập bênh quay (a chú chú pu). Theo quan niệm của người Hà Nhì, cái đu lăng vươn cao hàng chục mét với ngọn lá xum xuê thể hiện khát vọng của con người về một sự phát triển tốt đẹp. Còn cái đu quay trông như cái guồng nước to tròn phản ánh mong muốn về sự no đủ.

Trong thời gian ấy, một số người đàn ông trong bản cũng chuẩn bị cho mình những cặp cà kheo thật tốt để thi thố tài nghệ trong dịp Tết. Đám thanh thiếu niên cũng có các trò chơi riêng của mình trong những ngày Tết mùa mưa. Đó là trò đánh cù truyền thống.

Bữa liên hoan trong ngày đầu tiên của Tết mùa mưa vui vẻ và ấm cúng bởi nó là bữa ăn có sự sum họp của cả gia đình và nhiều con cháu trong dòng họ.
Bữa liên hoan trong ngày đầu tiên của Tết mùa mưa vui vẻ và ấm cúng bởi nó là bữa ăn có sự sum họp của cả gia đình và nhiều con cháu trong dòng họ.

Ngày đầu tiên của Tết mùa mưa, nhà nào cũng dậy sớm đun nước, mổ lợn. Mâm cúng tổ tiên ngày Tết ngoài thịt lợn còn có rượu, trà, mía, chuối và hoa mào gà… Sau lễ cúng, đồ lễ được để nguyên vị trong suốt ngày hôm đó. Con cháu trong dòng họ (3 đời) trong ngày hôm ấy về lạy tổ tiên xong đều ăn 1 – 2 miếng để “xin lộc” cầu may.

Bữa liên hoan trong ngày đầu tiên của Tết mùa mưa vui vẻ và ấm cúng bởi nó là bữa ăn có sự sum họp của cả gia đình và nhiều con cháu trong dòng họ. Chủ nhà thể hiện sự hào phóng của mình bằng mâm rượu thịt đầy ắp. Khi rượu đã ngấm, mọi người trong mâm cùng nắm tay thành vòng tròn. Chủ nhà dõng dạc hô to lời cầu chúc tốt lành tới ba lớp người, ba lứa lương thực và ba lứa vật nuôi. Mọi người hưởng ứng bằng ba tiếng “Sơ” quen thuộc.

Suốt từ chiều đến tận đêm khuya hôm ấy, mọi người trong bản đến chơi nhà nhau. Nhà nào có khách cũng bày mâm rót rượu. Chén rượu nồng sóng sánh trên tay chủ và khách như những sợi dây vô hình thắt chặt thêm tình cảm láng giềng, cộng đồng bền vững.

Ngày thứ hai của Tết mùa mưa là ngày khai hội. Chủ lễ là vị chức sắc to nhất trong cộng đồng. Ngoài ra, người ta còn phải lựa chọn một cặp vợ chồng cao niên, song toàn, khỏe mạnh, con cháu đề huề để khởi sự các trò chơi. Đến giờ lành, ông chủ lễ dẫn cặp cao niên và cộng đồng dân bản đi làm lý khởi sự từng trò chơi.

Đồ lễ gồm có rượu, trà, vải trắng, tiền, vòng bạc, quả trứng, gạo và vài nhành lá, bông hoa của núi rừng… Ông chủ lễ trịnh trọng khấn thần tai nạn Lồ Núy, thần tay khỏe Lạ Tò xin cho những người chơi được an toàn, dù có đu thật cao, bật thật khỏe cũng không ai bị ngã, không ai bị thương.

Môn đu lăng luôn thu hút gái trai Hà Nhì tham gia.
Môn đu lăng luôn thu hút gái trai Hà Nhì tham gia.

Trong bãi hội, môn đu lăng luôn thu hút những đôi trai gái có tình ý với nhau. Ngày thường, họ ít khi được mặt chạm mặt, vai kề vai vì luật tục cộng đồng không cho phép, nhưng trong những ngày này hành động ấy được khuyến khích. Ở một bãi chơi khác đang diễn ra các môn chơi ngày thường. Đó là trò chơi cù, chơi cà kheo vẫn thường được trẻ chơi mỗi khi đi chăn trâu gần bản từ sau vụ gieo trồng nhưng trong ngày này, những trò ấy vui hơn vì có sự tham gia của người lớn, của cả những vị khách từ các bản khác đến chúc tết bạn bè, họ hàng chung vui. Những thiếu nữ bạo dạn cũng hăng hái trổ tài đánh cù với cánh đàn ông con trai.

Tối đến, sau bữa cơm thân mật của các gia đình, mọi người lại nhanh chóng tề tựu ở bãi hội để cùng vui đêm xòe. Thanh niên xếp một đống củi lớn giữa bãi. Ông chủ lễ trịnh trọng làm lý với trống, chiêng để cho tiếng trống thật dền, tiếng chiêng thật lảnh, đêm xòe thật vui.

Hội vui cứ thế tiếp diễn cho đến hết ngày thứ năm. Ngày cuối cùng, các gia đình làm lễ cúng hồn lúa. Gia chủ chủ trì nghi lễ cúng. Đàn lễ được dựng bên nương lúa của gia đình. Đồ lễ có rượu, gà, chà, nước… Chủ lễ đứng trước đàn lễ khấn xin trời cho mưa xuống cho tràn các triền ruộng, tưới ướt các mảnh nương. Xin cho cây lúa khỏe mạnh, không cho sâu bệnh, đừng để thiên tai…

Những ngày này trẻ con Hà Nhì là những người vui nhất.
Những ngày này trẻ con Hà Nhì là những người vui nhất.

Tết “Khu già già” của người Hà Nhì, Lào Cai

(TH-Cinet-DTV)

Tết “khu già già” là lễ hội lớn và lâu đời nhất của người Hà Nhì ở Lào Cai, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khoẻ mạnh…

Hằng năm, cứ vào ngày Thìn trong tháng 6 âm lịch, người Hà Nhì ở xã Ý Tý, huyện Bát Xát lại nô nức chuẩn bị cho Tết “khu già già”. Tết sẽ diễn ra các nghi lễ cầu cho một mùa vụ bội thu, hoa màu tươi tốt, đây cũng là dịp để con cháu dâng lên tổ tiên những sản vật gieo trồng được trong năm qua.

Tết “khu già già” thường diễn ra trong 4 ngày với rất nhiều các hoạt động. Vì vậy, để bắt đầu cho Tết, ngay từ sáng sớm ngày Thìn mọi người bắt tay vào công việc mà mình được giao từ chiều hôm trước.

Ngày đầu tiên, họ tổ chức lợp lại nhà “công viên” – là khu rừng duy nhất mọi người có thể đến vui chơi trong ngày hội, là khu rừng cúng duy nhất phụ nữ được phép đến vui chơi, nơi nam nữ thanh niên đến tình tự, tìm bạn đời sau khi nghi lễ cúng, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của Tết. Một nhóm thanh niên được cử lên rừng lấy cỏ gianh, sau đó giỡ bỏ lớp cỏ của của năm trước để thay thế bằng cỏ mới. Theo quan điểm của người Hà Nhì, đây là nghi lễ cầu mùa lớn nhằm cầu mong cho cây lúa phát triển nhanh, không bị sâu bệnh phá hoại, nên khi lợp mái lán cũng phải lợp ngược để mong cho cây lúa cũng phát triển đi lên như những cây cỏ này. Sau khi lợp mái xong, thầy cúng lấy một nắm cỏ tươi, loại dùng để lợp mái cài lên đầu cột lán để sáng hôm sau dùng buộc vào mõm trâu khi giết thịt.

Sau khi “công viên” đã được chuẩn bị đầy đủ sẽ diễn ra nghi lễ mổ trâu tế thần rừng vào sáng ngày Tỵ. Theo tục lệ, trâu cúng thần phải là trâu đực, khỏe, lông đen tuyền và tìm mua ở bản khác. Khi mua trâu phải tìm hiểu con trâu đó thường ăn cỏ ở đồi nào thì người trong thôn đến khu đồi đó cắt cỏ gianh về lợp lều cúng thần. Thịt trâu sau đó sẽ được chia đều cho các gia đình trong thôn. Các gia đình dùng thịt trâu cùng với các nông sản làm cơm cúng tổ tiên vào buổi chiều cùng ngày.

Bánh giầy là một món ăn không thể thiếu trong những ngày tết của người Hà Nhì.
Bánh giầy là một món ăn không thể thiếu trong những ngày tết của người Hà Nhì.

Ngày thứ 2, một số nam thanh niên sẽ được cử lên rừng lấy cây về làm đu và bập bênh, để chuẩn bị cho việc vui chơi ngày Tết. Công việc này đòi hỏi hoàn thành trong buổi sáng của ngày Tỵ. Bên cạnh những công việc của đàn ông thì phụ nữ trong thôn được giao đảm nhiệm nhiều công việc, như làm bánh giầy để chia đều cho các gia đình; dọn dẹp đường làng ngõ xóm, nhà cửa; chuẩn bị quần áo mới cho cả gia đình đón Tết “khu già già”…

Sang ngày thứ 3 của Tết “khu già già”, nghi lễ cúng chính thức của mỗi thôn sẽ diễn ra tại “công viên”, có 16 – 20 gia đình uy tín trong thôn được tham gia lễ cúng này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm bao gồm thịt trâu mổ từ hôm trước, cùng các sản vật địa phương và rượu. Đồ cúng thần chế biến từ thịt trâu được xếp từng mâm, từng hàng bày trong lều… Đúng giờ đã định, hai thầy cúng tiến hành hành lễ, cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, cầu cho mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh. Sau lễ cúng, mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại “công viên” chúc nhau sức khoẻ, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi.

Ngày cuối cùng, tất cả các điểm “công viên” ở các thôn đều diễn ra các trò chơi dân gian, già làng đánh đàn hoóttờơ, các cụ già hát múa còn thanh niên nam nữ hát đối nhau. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi: trò đu dây, đu quay và hát giao duyên… đây là dịp để trai gái trong bản gặp gỡ và tìm hiểu nhau.

Lễ hội còn có một phong tục lạ mắt và hết sức độc đáo, đó là tục trùm chăn. Trước khi đi hội “Khu già già”, bao giờ các chàng trai chưa vợ cũng đem theo một cái chăn chiên mới. Gần tới nơi, họ giấu chăn ở một hốc đá, bụi cây hoặc có khi ở trong áo. Nếu thấy tâm đầu ý hợp, chờ đến khi trời tối, chàng trai tung chăn chùm vào người cô gái và đưa về báo cáo với bố mẹ để cử người sang nhà gái xin cưới…

“Khu già già” thực sự là một ngày hội lớn và đáng quý của người dân, là dịp mọi người cùng nghỉ ngơi, cùng đi thăm hỏi nhau sau những ngày tháng xa cách. Lễ hội này đang rất cần được lưu giữ và phát huy trong cộng đồng xã hội người Hà Nhì, bởi nó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Trong ngày Tết “Hồ Sự Chà” không thể thiếu món bánh giầy.
Trong ngày Tết “Hồ Sự Chà” không thể thiếu món bánh giầy.

Tết “Hồ Sự Chà” của người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu

(TH-Cinet-DTV)

Tết truyền thống “Hồ Sự Chà” được bà con Hà Nhì tổ chức để mừng cho vụ mùa bội thu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành.

Đã thành thông lệ, hàng năm vào tháng 10 âm lịch, bà con dân tộc Hà Nhì xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) lại tổ chức đón tết “Hồ Sự Chà”. Ngày tết truyền thống này được bà con Hà Nhì tổ chức để mừng cho vụ mùa bội thu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành.

Ngày tết “Hồ Sự Chà” được tính từ ngày Thìn (tức là ngày con rồng) của tháng 10 âm lịch – theo quan niệm của người Hà Nhì đây là ngày tượng trưng cho sự bình an, giàu có. Trong ngày tết, bà con dân bản thường gói bánh giầy, bánh chưng, thịt lợn để cúng ông bà, tổ tiên. Lễ vật cúng tế thường là những sản phẩm nông nghiệp do bà con dân bản tự trồng cấy.

Đặc biệt, trong Tết Hồ Sự Chà, bánh giầy là món không thể thiếu và cũng là lễ vật cúng tổ tiên vào đầu giờ sáng ngày Tết đầu tiên. Làm bánh giầy mất rất nhiều công đoạn, chủ yếu nhờ vào bàn tay dẻo dai, khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì. Vì vậy, ngay từ khi con gà rừng chưa cất tiếng gáy le te báo sáng, các bà mẹ đã đánh thức con gái, con dâu dậy để giã bánh giầy, khắp bản vang lừng tiếng chày nhộn nhịp.

Mọi người tập trung mổ lợn để ăn Tết và chúc tụng nhau.
Mọi người tập trung mổ lợn để ăn Tết và chúc tụng nhau.

Sau lễ cúng bánh giầy, mọi người tập trung mổ lợn để ăn tết. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế những con lợn mổ tết thường là những con lợn đã được chủ nhà dày công chăm sóc trong cả năm qua, nhiều con nặng tới hơn 1 tạ.

Cũng như tết Nguyên đán, trong ngày tết “Hồ Sự Chà”, người Hà Nhì ở Ka Lăng, Thu Lũm cũng như một số địa phương khác của Mường Tè thường đi thăm hỏi, chúc tết ông bà, cha mẹ, họ hàng, người thân và bà con dân bản. Khắp thôn bản rộn rã lời chúc sức khỏe, chúc sản xuất, chăn nuôi và mùa màng thắng lợi. Trong ngày vui đầu năm mọi người tuyệt đối không để xảy ra to tiếng, cãi vã, bởi người Hà Nhì quan niệm những người để xảy ra xô xát với nhau sẽ phải gánh chịu một năm không may mắn. Không khí vui vẻ, phấn khởi và tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng. Không cứ người dân trong bản, kể cả người nơi khác đến với bà con trong dịp này đều được chào đón và có thể đến thăm, chúc tết, cùng nhau ăn uống và chúc tụng cho nhau một năm mới may mắn, mạnh khỏe…

Ngay sau khi kết thúc ngày tết “Hồ Sự Chà”, cũng như các hoạt động vui chơi đầu năm, bà con dân bản đã bắt tay vào lao động, tăng gia sản xuất. Trong câu chuyện đầu năm mới, bà con các bản: Lò Ma, Lé Ma, Mé Gióng, Ka Lăng cũng đã bàn chuyện trồng thảo quả, mua cây con giống đẩy mạnh sản xuất.

hn_Tết Khu già già7

MỘT SỐ TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG NGÀY TẾT NGƯỜI HÀ NHÌ ĐEN Ở LÀO CAI

(Lê Văn Nhàn)

Mỗi khi tết đến xuân về nơi những cư dân người Hà Nhì đen sống dưới chân rừng già nguyên sinh Ý Tý lại nô nức đón xuân vui tết bằng những lời ca tiếng hát và những trò chơi dân gian độc đáo đặc trưng riêng của dân tộc vùng cao. Đặc biệt trò chơi dân gian diễn ra trong dịp lễ tết được đông đảo mọi tầng lớp, lứa tuổi tham gia rất sôi nổi, nhiệt tình tạo thành nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc.

1. Trò chơi quay cây “Pa lu gư”

Quay cây “Pa lu gư” là một trò chơi độc đáo và hấp dẫn mọi người chơi cũng như người xem. Để chơi trò này mỗi người tham gia phải chuẩn bị cho mình một đoạn ngọn cây hóp dùng làm dụng cụ quay.

Dụng cụ quay là ngọn cây hóp bánh tẻ có độ dẻo dai và bền. Để dụng cụ chơi được lâu, sau khi lấy ngọn về người Hà Nhì hơ lửa đều chỗ tay cầm ở đầu ngọn rồi vặn soắn khoảng 20 cm cho khi chơi cầm quay được thoái mái. Cây quay của người lớn có độ dài 2,2 – 2,5m; cây quay của trẻ em dài 1 m.

Những người tham gia trò chơi thường từ 6 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, già trẻ, nhưng đông hơn cả vẫn là nhóm thanh thiếu niên.

Địa điểm tổ chức quay cây “Pa lu gư” thường ở bãi đất bằng đầu làng. Ngay từ sáng sớm ngày Tỵ tháng giêng từ người già cho đến các em, ai cũng diện bộ trang phục dân tộc truyền thống mới nhất và đẹp nhất để đi vui xuân. Người tham gia chơi hội đi thành từng tốp, nam – nữ. Chơi quay cây có hai cách như sau: Cách thứ nhất là chơi quay cây hai người (một người quay và một người nhảy); cách thứ hai là chơi quay cây có nhiều người (một người quay và nhiều người nhảy). Khi chơi có hai động tác chủ yếu:

Động tác 1; người cúi khom về phía trước hình chữ v, tay phải cầm cán ngọn hóp để ở phía sau lưng, tay trái đỡ lấy phần thân hóp; đến động tác 2; Thực hiện lấy đà cho tay phải cầm cán ngọn vòng lên phía trước từ phải qua trái. Tay phải bỏ ra để cây hóp theo đà văng vóng lên phía trước, rồi để thân cây hóp vòng qua dưới chân trái. Khi đó chân trái phải nhấc lên vòng quay quay chân phải chân phải nhấc lên theo nhịp 1-2 chân trái lên, chân phải xuống, cứ thế mỗi lúc người quay càng quay nhanh mạnh hơn.

Trò này cũng được chơi luật như sau: Những người chơi đứng thành một vòng tròn, ở giữa là người quay. Người quay thực hiện các động tác như trên, theo nhịp và quán tính của vòng quay, những người chơi bắt nhịp nhảy vào vòng quay. Người nhảy vào vòng không đúng nhịp sẽ bị thân cây quay đập vào chân bị đau và cuộc chơi tạm dừng lại, người này vào cầm quay cho mọi người khác vòng nhảy. Khi đã tham gia vào vòng quay đòi hỏi người nhảy phải nhanh chân nhanh mắt, tốc độ vòng quay mỗi lúc một nhanh và mạnh hơn thì người chơi càng phải thật nhanh. Có thể nhảy một chân lên một chân xuống hoặc nhảy cả hai chân lên khi vòng quay qua. Khi quay mạnh người quay phải dùng hai tay cầm cán quay mới mạnh và tốc độ vòng quay nhanh đến chóng mặt. Cứ thế cuộc chơi tiếp diễn đến khi mọi người cùng mệt thì trò chơi kết thúc.

hn_Tết Khu già già4

2. Đu dây “Agừ”

Đu dây “A gừ” là trò chơi mang tính nghi lễ, được tổ chức sau lễ cấm bản và cúng rừng tháng giêng; thầy cúng và các gia đình cùng nhau làm dây và cột đu để cho các thành viên, con cháu trong làng được dịp vui chơi ngày tết.

Dây đu là loại dây có vỏ màu đỏ, đường kính 4-5 cm, có độ dai và bền sử dụng được vài tháng. Người làm dây đu phải là ông thầy cúng chính của làng. Dây đu được buộc vào hai cây cột trụ có khoảng cách một sải tay, cao khoảng 2,5 m. Để tránh cho sự cọt sát giữa dây và thân cây trụ, khi buộc thầy cúng đệm lót rơm chỗ tiếp xúc. Khi dựng dây đu xong, thầy cúng làm phép lấy lá cây ở khu rừng cúng “Gạ ma gio” rồi cho lá cây này đu trước với ý nghĩa đưa các thần rừng tham gia vui chơi trước, sau đó đến thầy cúng đu mới đến các thành viên khác.

Du dây có 2 cách chơi: Chơi đơn một người; chơi kép 2 người (nam – nữ)

Khi chơi một người: thân người đứng thẳng lấy đà kéo dây đu về phía mình bước hai chân đứng lên bàn đạp, dùng sức nhún hai chân đẩy người lên khỏi đu sẽ bay cao, khi lên cao cũng làm ngược lại. Muốn cho cao hơn vẫn tiếp tục nhún lấy đà, chú ý phải nhún đều đều, cứ thế khi nào không muốn chơi nữa tự hãm người lại bằng cách đứng thẳng người tự khắc đu sẽ chậm lại, đến lượt người tiếp theo.

Khi chơi hai người (nam – nữ): cả hai người chơi đều bước lên bàn đạp đối mặt vào nhau, dùng sức nhún hai chân. Cả hai người cùng tạo ra một hợp lực đẩy đu lên cao, đu càng cao tiếng reo hò cổ vũ càng mạnh mẽ. Sau khi không muốn chơi nữa cả hai người cũng đứng thẳng lại đu từ từ dừng lại và bước xuống. Đu dây thường phải có đôi hoặc là đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ, họ tự thi giữa các đôi xem đôi nào đu dây lên thật cao và thật nhanh thì đôi đó thắng cuộc. Khi đu hai người đứng ở bàn đạp quay mặt vào nhau, người nhún lên xuống để lấy đà cho dây đu đi thật xa, đòi hỏi người chơi phải hiểu ý nhau; khi muốn lấy thêm đà, người đẩy khỏi bàn đạp dây đu gần đến vị trí giáp đất đưa một chân xuống đẩy đồng thời kết hợp với động tác nhún và cách nhún kéo đà của người đối diện. Trong lúc đu họ cùng nhau nhún xuống bàn đạp đẩy người lên cao, lúc bên nam lên trên, lúc bên nữ lên trên tạo thành cảnh tình tứ thân mật. Những đôi đu giỏi nhận được sự tán thưởng của đông đảo người xem bằng tiếng vỗ tay và tiếng hò reo. Thực chất cuộc chơi đu dây là để người ta tìm bạn, các chàng trai cô gái ở tuổi cập kê tìm chọn bạn cho mình để cùng nhau vui chơi. Sau cuộc đu dây nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng.

hn_Tết Khu già già5

3. Đu quay “A quý”

Đây cũng là trò chơi mang tính nghi lễ, thầy cúng phải thực hiện các công đoạn từ dựng cột trụ, lắp thân đu quay, rồi đưa lá cây biểu tượng cho thần rừng tham gia vui chơi, sau đó mới đến lượt người dân tham gia cuộc chơi.

Cột đu có trụ cao khoảng 1,2 -1,5 m, thân đu là một cây gỗ dài khoảng 10 m, có khoét lỗ ở giữa lắp vào trụ, buộc dây để đỡ phần thân và trụ đề phòng khi đu thân trượt ra khỏi trục trụ.

Người chơi chủ yếu là nam nữ thanh niên vì trò này trẻ nhỏ không đủ sức tham gia. Mỗi bên đầu cầu đu có 2 đến 4 người đứng đối nhau (hai đội), vòng quanh là người xem và các đội tham gia thi đu quay. Chiều quay cây đu ngược theo chiều kim đồng hồ. Chơi đu này có hai cách:

– Cách chơi thứ nhất:

Hai đội ngồi lên sóng cầu đu, người này ôm vào thắt lưng người kia, chân thả xuống đất, người số 1 cầm chắc tay cốt an toàn, tốp con gái đứng dưới sóng cầu đu dùng hết sức đẩy cho cột sóng cầu đu quay tròn càng nhanh càng tốt. Cách chơi này gần giống như chơi bập bênh, một đầu lên cao một đầu xuống thấp, khi bên đầu nào xuống thấp người ngồi sau thả chân đập xuống đất đẩy lấy đà cho vòng đu quay, bên này lên bên kia xuống cùng nhau nhịp nhàng tạo đà đu quay rất vui. Nếu như bên nào không chịu được phải xuống coi như chịu thua. Tốp con gái đứng giữa đều véo tai bên thua, bắt các cậu con trai phải hát hoặc thổi kèn kèn lá hoặc phải uống rượu.

– Cách chơi thứ hai:

Tay bám vào sóng cầu đu, áp phần bụng dựa vào sóng cầu đu, cả hai bên đều dùng chân đẩy mạnh xuống đất từ 4 đến 6 bước, miễn sao cho sóng cầu đu quay tròn, lúc thuận, lúc nghịch, một bên ghìm xuống thấp bằng tầm chân; một bên ôm chặt cầu đu bổng người lên cao, khi hết đà, bên cao đổi xuống, cứ như vậy hai bên đổi nhau, nếu bên nào cũng khỏe như nhau thì sóng cầu đu quay tít như con quay vậy. Cả hai bên đều có tài thì các thần năm ấy sẽ phù hộ cho dân bản làm ăn gặp nhiều may mắn.

Đối với người Hà Nhì đen ở Lào Cai, chỉ có ngày tết mới dựng cột đu khi hết tết người ta hạ cột đu vì cột đu và cách chơi nó mang tính tín ngưỡng phồn thực. Ngày tết dựng cột đu mong muốn một năm mới người dân làm ăn sinh sôi phát triển.

hn_trùm chăn

Lào Cai: Lễ hội trùm chăn của người Hà Nhì

Lễ hội trùm chăn là một lễ hội đặc sắc của người Hà Nhì, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đó là lễ hội cúng thần gió, thần đất, còn gọi là K’Hô Igià Igià. Lễ hội tổ chức vào tháng 6 âm lịch hàng năm trong 3 ngày, ngày Thìn là ngày khai hội.

Lễ hội này được người Hà Nhì đen tổ chức ở 2 địa điểm:

Địa điểm thứ nhất: lễ hội được tổ chức ở nhà và gia chủ sẽ phải chuẩn bị đồ cúng, bao gồm: 5 cái bánh dày, 1 bát thịt trâu luộc, 1 bát nước gừng pha nước và 4 cái bát con úp xuống đất trước bàn thờ (theo phong tục ở đây, các món đồ cúng sẽ do gia chủ – người vợ chế biến; nếu người vợ đi vắng phải do con gái cả làm và dù con gái cả đã đi lấy chồng rồi cũng vẫn phải về giúp đỡ gia đình lúc này); sau khi đồ cúng được chuẩn bị xong, gia chủ sẽ cúng đầu tiên, tiếp đó là tới các con – lần lượt từ con trai út cho đến con trai cả vào lễ.

Kết thúc lễ tạ, chủ nhà lấy bát nước gừng chia cho mỗi người trong gia đình uống một ngụm, ăn một ít thịt trâu luộc để hưởng lộc; bánh dày và gừng rượu được dành cho ông Táo, đặt ở bếp.

Địa điểm thứ 2: lễ hội được tổ chức ở rừng cấm – nằm tại trung tâm bản mà ngày thường không ai được vào. Trong khu rừng này có nhiều cây gỗ quí lâu năm được mọi người cùng gìn giữ, có một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ quý, mái lợp gianh, rộng hơn chục m² do dân bản dựng để cho người già và con trẻ ngồi khi tham dự lễ hội.

Lễ cúng tiến hành vào ban đêm (vì làm như thế, các thần gió, thần đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh). Thầy cúng không nhất thiết phải là người chuyên nghiệp, chỉ cần là người 50 tuổi trở lên và không gặp điều rủi nào trong năm là được. Sau khi cúng, mọi người đều được mời ăn các lễ vật cúng và phải ăn cho hết, không được mang về.

Ngày hôm sau không khí lễ hội tưng bừng hơn: trai, gái trong bản rủ nhau vào rừng, mỗi người lấy sáu cành củi nhỏ về nộp cho lễ hội. Đến ngày thứ ba, tất cả dân bản tập trung lại để già làng – người cao tuổi nhất, cắt da trâu chia cho từng gia đình. Nếu số da trâu chia đủ cho mỗi gia đình hai chiếc thì năm đó làm ăn sẽ không thuận, còn số da trâu đã chia hết mà còn lẻ một, tức là năm đó dân bản được mùa.

hn_Tết Khu già già3

Tại điểm trung tâm của lễ hội, già làng đánh đàn hoóttờơ, người lớn tuổi nhảy múa còn thanh niên nam nữ hát đối nhau. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi: trò đu dây, đu quay và hát giao duyên… đây là dịp để trai gái trong bản gặp gỡ và tìm hiểu nhau.

Bên cạnh các nghi thức tín ngưỡng và các trò chơi dân gian phổ biến, lễ hội còn có một phong tục lạ mắt và hết sức độc đáo, đó là tục trùm chăn. Trước khi đi hội “Khô già già”, bao giờ các chàng trai chưa vợ cũng đem theo một cái chăn chiên mới. Gần tới nơi, họ giấu cái chăn ở một hốc đá, bụi cây hoặc có khi ở… trong áo.

Tại lễ hội, chàng trai tham gia một cách hào hứng, chủ động, đặc biệt với các trò chơi đòi hỏi phải thể hiện hết năng lực và bản lĩnh đàn ông. Mục đích của họ nhằm thu hút sự chú ý của “phái đẹp”. Qua ánh mắt các cô gái, sự nhạy cảm của tuổi đang yêu sẽ “mách” cho các chàng trai biết cô gái nào có cảm tình với mình và cảm tình ở mức nào. Vào thời điểm thích hợp, chàng trai lặng lẽ tách khỏi cuộc chơi chung, tìm cách tiếp cận người đẹp. Những lời hỏi han, mời mọc, bông đùa và dĩ nhiên cả lời ướm thử, được các chàng trai thực hiện với mục đích thăm dò, xem phản ứng của “đối tác” ra sao. Khi “cá đã cắn câu”, chàng trai tiến thêm một bước táo bạo hơn, nắm lấy tay cô gái và… lôi đi. Dĩ nhiên cô gái sẽ chống cự, nhưng là sự chống cự cho “phải phép”; tay có vẻ nhùng nhằng nhưng miệng thì cười quyến rũ và chân lại… bước theo người ta. Chàng trai lập tức lấy cái chăn mà mình đã giấu sẵn, trùm lên đầu cô gái, rồi dẫn cô gái ra bìa rừng, bờ suối hoặc chỗ nào đó, hai người ngồi bên nhau tâm sự.

Qua tâm sự, nếu cảm thấy không thể tiếp tục tình yêu được, thì họ sẽ chia tay và không bao giờ lặp lại chuyện trùm chăn nữa. Trường hợp cả hai bên đều hài lòng về nhau, thì đợi lúc gần sáng chàng trai sẽ vác cô gái về “giấu” ở nhà mình. Sau đó ít ngày, nhà trai cử người sang nhà gái mối mai, xin với nhà gái cho đôi trẻ được tự do tìm hiểu trên quan điểm đi đến hôn nhân. Trùm chăn, thực ra là bước đầu tiên của tục “cướp vợ”, tương tự như tục “cướp vợ” của dân tộc Mông. Song chính động tác trùm chăn đã tạo nên sự khác biệt, độc đáo, phản ánh một nét văn hoá hôn nhân của người Hà Nhì, so với các dân tộc anh em nói chung và dân tộc Mông nói riêng.

Hiện nay ở nhiều vùng người Hà Nhì, tục trùm chăn vẫn còn duy trì trong cuộc sống đời thường, đặc biệt tại các lễ hội hoặc liên hoan văn hoá các dân tộc ít người. Đó là một nét văn hoá truyền thống mang bản sắc Hà Nhì, rất chung mà lại rất riêng…

Cô dâu Hà Nhì trong ngày cưới.
Cô dâu Hà Nhì trong ngày cưới.

Các nghi lễ trong đám cưới của người Hà Nhì ở Lai Châu

(TH-Cinet-DTV)

Đám cưới được coi là sự kiện trọng đại của cả bản Hà Nhì (Lai Châu). Các nghi lễ trong đám cưới là những phong tục độc đáo được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Cũng giống như một số dân tộc thiểu số khác, trai gái Hà Nhì được tự do tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Đám cưới sẽ được thông báo tại một cuộc họp gần nhất của bản. Sự kiện trọng đại này được cả bản Hà Nhì coi đây là việc chung, mọi người phải có mặt chứ chủ hôn không phải đi mời từng người.

Khi đã chọn được ngày đẹp họ tổ chức đón dâu. Đoàn người đón dâu xuất phát, vừa đi vừa đánh trống, chiêng. Khi đoàn người đón dâu đã đến trước cửa nhà gái, mọi người bước vào nhà. Riêng dế mò được người cõng vào. Khi vào nhà gái, mọi người ngồi ngay vào mâm đã đặt sẵn. Thông thường, người ta ngồi theo sơ đồ, theo dãy đối diện với nhà gái để chúc rượu giữa hai bên cho tiện. Chú rể không được ngồi mâm chung của đám cưới.

Động tác đầu tiên nhà gái sẽ mời nước, mời thuốc. Sau đó mọi người bên nhà trai có thể tranh thủ đi rửa mặt, chân tay, xong rồi về ngồi vào mâm mà lý đầu tiên sẽ là mỗi người bên nhà trai phải uống 4 bát rượu, gọi là lý rửa chân tay (có ý nghĩa tương ứng với hai chân, hai tay). Trong khi đó, dế mò cầm đũa cả đánh tượng trưng ba phát vào con gà do bên nhà trai mang theo, sau đó đưa cho người khác làm thịt nhanh con gà để đưa đầu, chân gà cho ông dế mò. Lúc này chú rể và phụ rể vẫn đứng sau cánh cửa, đến khi bố vợ, mẹ vợ cầm chai rượu, chén rượu và đồng bạc ra làm lý gọi là nhận mặt con rể .

Xong rồi chú rể, phụ rể mới đứng dậy và có thể làm các công việc. Uống nước, hút thuốc, đi ra ngoài hoặc đi lau nước mắt cho bố, mẹ, anh, chị trong họ nhà gái đang khóc vì con mình sắp đi nhà chồng. Rồi , chú rể, cô dâu, phụ dâu, phụ rể quay đầu về phía mâm quỳ gối xin tạ lễ trước sự cầu phúc của tất cả mọi người.

Mọi người sẽ nghỉ ngơi ăn uống nếu chặng đường đón dâu xa.
Mọi người sẽ nghỉ ngơi ăn uống nếu chặng đường đón dâu xa.

Tiếp theo là thủ tục đặt giá và cân tiền. Nói vậy, nhưng thực chất không phải là mua, bán mà là mang hàm ý trả một phần công lao nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ. Đây là một trong hai khâu thủ tục chính và lâu nhất tại nhà gái…

Đến khâu mổ con lợn. À mó (anh vợ) mời dế mò mổ con lợn. Dế mò trực tiếp mổ lấy lệ rồi tất cả để người khác thực hiện. Khi con lợn đã được làm sạch, người ta cắt một bên đùi, một bên vai dính đầu lợn bỏ vào sọt treo trên cột giữa nhà để giành cho nhà trai mang về.

Khi thịt lợn đã chín, thì đến thủ tục cầu chúc, xin và mang lễ: Chá hư hư – che khụ xì (cầu may- tẩy rửa những gì xấu đi); hò khụ bạ (xin lễ với những người bậc trên). Số người xin lễ phải chẵn, có thể 2, 4, 6 người tùy theo đông hay ít người. Trong hò khụ (cái rổ đựng cơm), người ta bỏ chai rượu, ít cơm, ít thịt và một bát không để bỏ tiền vào. Rượu được rót vào chén của mỗi người một ít, thịt cho lên các đĩa thức ăn trên mâm rồi mọi người cầu chúc và bỏ tiền vào bát không. Khi bỏ tiền vào bát, mỗi người chia ra để bỏ ba lần. Lý bỏ tiền ở đây không mang dụng ý vụ lợi mà chỉ là thủ tục, vì thế người ta đổi thành những tờ tiền lẻ để bỏ vào thậm chí, có người tung lên cả một nắm tiền nhỏ, hàm chứa sự hào phóng và trách nhiệm của mình với cô dâu, chú rể, nhưng khi nhặt và đếm tiền thì không được là bao nhiêu. Lúc này trong hò khụ có cả tiền, thức ăn do mọi người bỏ vào. Số người xin lễ cầm hò khụ đi vào buồng, đếm tiền và ăn những miếng thịt người ta bỏ vào, vì quan niệm nó chứa tất cả những gì tốt mà mọi người đã cho họ.

Sau cùng là Lễ xin phúc nhằm sinh nở con cái được như ý. Một tấm cót được trải trong buồng bố, mẹ. Bốn người gồm: chú rể, cô dâu, phụ rể, phụ dâu quỳ đầu gối, tay cầm khăn lậy xin chén rượu, giả vờ uống rồi trả chén rượu và cứ như vậy ba lần với từng người trong số bố, mẹ, chú, bác, anh, chị…của vợ. Đồng thời với việc đưa chén rượu thì có cho cả tiền, nhưng tiền chủ yếu cho cô dâu và chú rể, còn phù dâu, phù rể cho gọi là lấy lệ với hàm ý xú lá mà py pá (không để mất hồn). Thủ tục này diễn ra bằng sự hát đối giữa cô dâu và bố mẹ, chú, bác, anh, chị trong họ.

Theo phong tục của người Hà Nhì, mỗi cặp vợ chồng, phải trải qua hai lần cưới. Ngay sau lần cưới trước, họ đã thành vợ chồng, cô dâu về nhà chồng và theo phong tục ở Lai Châu cô dâu phải đổi họ theo chồng.

Trang phục dân tộc Hà Nhì trong ngày hội.
Trang phục dân tộc Hà Nhì trong ngày hội.

Trang phục dân tộc Hà Nhì

(TQ-DTV)

Cũng như bao dân tộc khác, người dân Hà Nhì tự tay trồng bông, dệt vải từ rất sớm, rồi tự thêu những bộ trang phục truyền thống để mặc trong những dịp lễ, tết.

Trang phục truyền thống của người Hà Nhì thường là màu chàm đen, màu xanh hay màu trắng. Quần áo của đàn ông thường chỉ có một màu, cúc cài trước ngực, trong khi đó, trang phục của phụ nữ áo cổ tròn, phần cuối vạt trước và sau cắt lượn hình tam giác cân. Ngoài ra, phụ nữ Hà Nhì còn đội chiếc khăn vải được trang trí bằng các đồng xu nhôm, có làm quả bông bằng các loại chỉ màu, làm tua rua đầu quả bông.

Một bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ Hà Nhì bao gồm mỹ, áo, dây lưng và yếm. Trang phục của người Hà Nhì nổi bật với những đường viền lượn cong như sóng nước và mây vờn. Những bông hoa được làm thủ công bằng bạc nổi bật lên trên nền xanh đen của bộ áo. Những chiếc khuy vải cũng được tạo hình bông hoa để liên kết mảnh yếm lại.

Người Hà Nhì rất quan tâm đến cánh tay của chiếc áo, họ tập trung thêu những họa tiết đặc sắc, đặc trưng của dân tộc mình. Màu sắc chủ đạo mà người Hà Nhì thường sử dụng là màu xanh rất quen thuộc trong đời sống và thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc. Ngoài chiếc áo, phụ nữ Hà Nhì còn sử dụng trang phục Yếm mặc thêm ở bên trong và hơi lộ ra bên ngoài để hở những họa tiết và hoa văn riêng.

Đặc điểm ấn tượng nhất trên trang phục của người phụ nữ Hà Nhì là chiếc mũ đội đầu. Theo truyền thống, mũ được tết bằng đuôi ngựa chạy ngang trên trán tạo thành một đoạn tóc giả trang trí rất bắt mắt. Còn mũ trẻ em thường có màu chàm, hình trụ thấp, mặt trên xẻ múi nhưng khá bằng phẳng và có đính nhiều đồng bạc trắng. Đồng bạc này thể hiện cho ước muốn giàu sang, no đủ và có tác dụng tránh gió độc.

Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì trong trang phục truyền thống.
Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì trong trang phục truyền thống.

Người Hà Nhì có nhiều loại mũ, dành cho nhiều loại đối tượng khác nhau. Mũ cho bé trai thì có tua rua vải, màu sắc khá sặc sỡ, mũ cho bé gái thì diêm dúa hơn và đính thêm dải hạt cườm, mũ dành cho thiếu nữ chưa chồng càng được đầu tư trang trí hoa văn với nhiều cúc bạc, nhiều hạt cườm, nhiều tua rua bằng các loại chỉ màu sặc sỡ, còn mũ cho đàn ông thì đơn giản và chỉ có một màu.

Người Hà Nhì quan niệm, chiếc mũ không chỉ thể hiện tài năng thẩm mỹ, con mắt nghệ thuật trong việc phối màu và tạo hình tượng, ngoài ra, người dân còn cho rằng, đây là hiện vật lưu giữ hồn vía trẻ nhỏ, vì vậy, cần được nâng nui, yêu quý và sáng tạo chúng đa đạng và đặc sắc hơn.

Đối với trang phục của đàn ông, quần áo của họ thường màu đen có viền cổ màu xanh, trên đầu là những chiếc khăn vấn thay cho chiếc mũ đội đầu, vừa có tác dụng che nắng và thấm mồ hôi. Cúc áo cài trước ngực tương đối đơn giản nhưng đều làm bằng bạc vì họ quan niệm bạc vừa có thể trừ tà ma lại rất đẹp để trang trí.

Một bộ trang phục được hoàn thiện mất khoảng hơn 1 tháng, trong khi đó, việc thêu thêm những hoa văn tại cánh tay áo mất tới cả tuần lễ. Người dân Hà Nhì thường sử dụng một bộ trang phục trong ngày thường hoặc dịp lễ, tết hay hội hè, đình đám.

Ngày nay, để thuận tiện trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, phụ nữ Hà Nhì mặc quần áo như người Kinh, chỉ buộc thêm một tấm vải vào phía sau. Tấm vải đó có ý nghĩa như một “bức màn” che chắn, thể hiện sự kín đáo, lịch sự và tôn trọng người khác của phụ nữ Hà Nhì.

Người phụ nữ Hà Nhì đen đang nhuộm mái tóc giả.
Người phụ nữ Hà Nhì đen đang nhuộm mái tóc giả.

Trang sức độc đáo của người Hà Nhì

(Theo VnExpress)

Nếu lên Lào Cai hay Lai Châu, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều ngôi nhà trình tường nhỏ xinh của người dân tộc Hà Nhì sống dưới chân núi, gần các con sông, con suối. Bạn không chỉ được ngắm vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, mà còn cảm nhận được những nét văn hóa dân tộc qua các trang phục của họ.

Từ xưa tới nay, người Hà Nhì nổi tiếng chịu thương chịu khó. Ngoài việc trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang, họ còn tự tay trồng bông, dệt vải và tự làm ra trang phục của mình, mang những nét đặc trưng riêng. Những bộ trang phục của nam và nữ đều được may từ vải chàm do người dân tộc tự dệt với màu xanh hay màu đen đặc trưng, nổi bật với những đường viền lượn cong.

Những chiếc tay áo trong trang phục của người dân tộc Hà Nhì cũng rất độc đáo, họ thêu những họa tiết sặc sỡ, nổi bật. Để hoàn thiện bộ trang phục phụ nữ và trẻ em thường phải mất tới khoảng hơn một tháng làm thủ công, trong đó việc thêu thêm những hoa văn tại cánh tay áo mất tới cả tuần lễ.

Ngoài ra, người phụ nữ Hà Nhì rất chăm chú đến việc điểm trang cho mái tóc thêm duyên dáng. Họ đã sáng tạo ra những bộ tóc giả, những chiếc khăn trùm để làm duyên.

Mái tóc giả được bện bằng những sợi tách ra từ vỏ, rễ cây trong rừng. Những cuộn tóc giả dài được bện từ hàng chục sợi dây nhỏ đã được nhuộm bằng thuốc nhuộm chế biến từ các loại cây cỏ. Sau khi đổ thuốc vào những máng gỗ, họ nhúng tóc giả nhiều lần vào thuốc nhuộm sao cho có màu đen bóng giống như tóc thật. Để có được bộ tóc giả ưng ý, người phụ nữ ở đây phải tốn khá nhiều thời gian và công sức để tỉa tót.

Những chiếc mũ sắc sỡ của những em bé người Hà Nhì. (ảnh Sapatour)
Những chiếc mũ sắc sỡ của những em bé người Hà Nhì. (ảnh Sapatour)

Những nhà có con gái đang ở tuổi trưởng thành thường treo một vài bộ tóc giả để làm đồ trang sức. Mỗi khi đeo tóc giả, các cô gái thường xõa mái tóc sang bên phải, chải chuốt thật kỹ rồi mới kết nối tóc giả vào, bện chặt với nhau tạo thành những mái tóc dài đến chấm đất. Phía mỗi đuôi tóc đều được bện lại lại ba chùm giống như một bông hoa.

Với những phụ nữ Hà Nhì, mái tóc như một phần quan trọng. Ngày thường cũng như ngày hội, họ đều không rời mái tóc của mình dù nó rất nặng, được cuộn trên đầu thành từng khoanh. Để trang điểm thêm cho mái tóc, họ thường phủ một tấm khăn vuông bằng vải nhuộm chàm, được thêu hoa văn ở 4 góc. Tùy từng độ khéo tay của mỗi cô gái mà độ phong phú hay tinh xảo của chiếc khăn được thể hiện. Thông thường họ hay gắn thêm tua chỉ màu đính kèm những hạt cườm vào mỗi góc khăn để tạo sự duyên dáng và nổi bật.

Những người phụ nữ Hà Nhì cũng rất chăm chút đến việc trang điểm cho các cô con gái nhỏ của mình bằng những chiếc mũ rất độc đáo với nhiều màu sắc và kiểu dáng. Chiếc mũ thường được lót bên trong một lớp thổ cẩm, bên ngoài trang trí bằng những chùm len có màu sắc sặc sỡ, giữa chùm len có đồng bạc trắng và những hạt cườm ngũ sắc trông rất rực rỡ.

Theo quan niệm của người Hà Nhì, đồng bạc này thể hiện cho ước muốn giàu sang, no đủ và có tác dụng tránh gió độc, trừ tà ma rất tốt. Mũ của bé trai có tua rua vải, màu sắc khá sặc sỡ, còn mũ của trẻ gái thì diêm dúa hơn, bởi được đính thêm những dải hạt cườm đủ màu sắc. Chiếc mũ trên đầu trẻ em cũng thể hiện sự sáng tạo và sự phối màu đặc sắc của người Hà Nhì.

Độc đáo nhà trình tường của người Hà Nhì.
Độc đáo nhà trình tường của người Hà Nhì.

Độc đáo nhà trình tường của người Hà Nhì

(Cinet-DTV)

Những ngôi nhà trình tường làm bằng đất mát mẻ vào mùa đông, ấm áp vào mùa hè luôn tạo nên một nét kiến trúc nhà ở độc đáo của đồng bào dân tộc Hà Nhì trên vùng núi cao các tỉnh phía Bắc.

Đồng bào Hà Nhì thường sinh sống trên những vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Chính vì thế, để sống chung với thiên nhiên, họ đã tạo ra những ngôi nhà trình tường độc đáo, ấm cúng. Theo phong tục của họ, trước khi làm nhà trình tường, các gia đình xem ngày giờ tốt, chọn miếng đất bằng phẳng và thực hiện nghi lễ khởi công nhà. Đây là nghi lễ rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa. Trước giờ đào móng, gia chủ nhà thả 3 hạt thóc xuống nền nhà tượng trưng cho con người (con đàn cháu đống), chăn nuôi (đầy đàn), hạt thóc (được mùa). Sau 3 giờ làm lễ, đồng bào bắt đầu đào móng độ sâu khoảng 1m, xếp đá để tránh ẩm ướt và có độ bền.

Bà con Hà Nhì luôn chọn loại đất núi có độ kết dính cao. Hướng nhà bao giờ cũng tựa lưng vào đồi và hướng về thung lũng. Bởi theo cách nghĩ của người Hà Nhì, với hướng nhà đó, của cải trong nhà bao giờ cũng đầy đặn, tốt lành. Nếu hướng nhà quay vào khe thì sẽ không tốt cho gia chủ.

Nhà trình tường là loại nhà phổ biến của một số dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì lại có những nét độc đáo riêng, với kỹ thuật ghép đá làm phần móng và kè chân tường, kỹ thuật trình tường bằng đất, kỹ thuật ráp nối bộ khung nhà bằng gỗ, 4 mái hình thang cân, lợp gianh tạo thành hình chóp nhọn. Nhà có phần nền đất, phần sàn gỗ và sàn gác để thích ứng với điều kiện môi trường và khí hậu.

Nhà trình tường có bộ khung nhà rất đơn giản
Nhà trình tường có bộ khung nhà rất đơn giản

Để làm được một ngôi nhà vững chãi, bền lâu thì người Hà Nhì luôn tỉ mẩn trong giai đoạn làm móng nhà. Trước tiên, họ chọn loại đá núi bằng phẳng đem về đặt móng nhà. Móng nhà được đào sâu khoảng hai gang tay rồi kè bằng đá kết hợp với chất kết dính là đất trộn nhuyễn lên cao hơn mặt sân khoảng hai gang tay.

Tường nhà được người hà Nhì làm đất được chế tạo đủ độ ẩm và đầm lèn chặt. Với những khuôn ván gỗ được nẹp chắc chắn, họ đổ đất vào rồi cầm chày gỗ giã đến khi nào đất kết dính chắc lại với nhau. Hết lượt tầng thứ nhất tiếp lượt tầng thứ 2, thứ 3, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40 cm. Thường mỗi ngôi nhà làm cao 5-6 lượt tầng ván khuôn là đủ. Với sự khéo léo, điêu luyện của đôi tay cùng sức mạnh của mình, những bức tường phía ngoài dần hiện lên một cách chắc chắn, vững chải, phẳng phiu, các góc tường – cửa đi – cửa sổ sắc nét. Người Hà Nhì dùng cỏ gianh để lợp mái, họ dùng nguyên cả bó gianh để rải ra từng lớp, phần gốc quay xuống dưới rồi dùng nẹp để cố định các bó gianh lại với nhau.

Ngôi nhà của người Hà Nhì thường có từ 3 đến 4 ô cửa nhỏ, những ô cửa này chủ yếu mở ra để thông gió và lấy ánh sáng. Bên trong nhà bố trí phòng ngủ của bố mẹ, khu vực tiếp khách, tại phần hành lang thường đặt giường dành cho khách và con trai chưa vợ trong gia đình, bếp lò cũng được đặt trong nhà và có khoảng trống không gian để làm chỗ ăn cơm khi đông khách.

Với người Hà Nhì, những ngôi nhà trình tường không hiện đại, đồ sộ nhưng nó mang được nét đẹp hoang sơ của núi rừng, thích hợp với cuộc sống, với khí hậu khắc nghiệt trên những vùng núi cao của họ.

Thầy cúng khấn nhờ thần rừng bảo vệ mùa màng, sức khoẻ của dân bản.
Thầy cúng khấn nhờ thần rừng bảo vệ mùa màng, sức khoẻ của dân bản.

Rừng thiêng của người Hà Nhì

(Lê San)

Tín ngưỡng thờ thần rừng của người Hà Nhì như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi bản làng người Hà Nhì đều có một khu rừng cấm riêng được dân bản giữ gìn và thờ cúng thần rừng.

Lễ hội cúng rừng

Người Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) có rất nhiều lễ, tết diễn ra trong năm, nhưng tưng bừng, nhộn nhịp hơn cả vẫn là lễ Cấm bản (Gạ ma thú). Ông Pờ Gò Tư – Bí thư Chi bộ bản Mé Gióng cũng không nhớ được tục cúng bản có khi nào, chỉ biết rằng ngày đầu tiên (ngày con hổ), dân bản sẽ cúng thần rừng, thần núi tại khu rừng cấm của bản.

“Tục cúng rừng này của người Hà Nhì xuất phát từ lòng biết ơn những gì rừng đem lại cho cuộc sống con người. Người Hà Nhì quan niệm, mỗi khu rừng đều có một vị thần, và vị thần đó mang lại no ấm cho mỗi bản làng cho nên vận mệnh của dân làng có liên hệ mật thiết đối với sự tồn vong của khu rừng ấy” – ông Tư kể.

Từ sáng sớm tinh mơ, những người chủ hộ gia đình đã tập trung mang lợn, xôi, gà đi đến khu rừng cấm của thôn. Những đồ lễ cúng do mỗi gia đình trong thôn đóng góp. Đến gần khu vực miếu thờ, không ai bảo ai lần lượt tự giác bỏ giày dép, đi chân trần để tỏ lòng tôn kính đối với thần rừng. Trước khi tiến hành nghi thức, đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng. Thầy cúng thắp 5 nén hương, sau đó mời các vị thần linh về dự lễ cúng của dân làng và bắt đầu khấn: “Hôm nay là ngày cúng bản, cúng rừng, chúng tôi mong muốn sao cho một năm mới được mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi thì phát triển, sức khoẻ của bà con nhân dân trong bản được đảm bảo”.

Ông Chu Thanh Xe – Trưởng bản Mé Gióng bảo: “Trong lễ cúng, dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè có một phong tục độc đáo từ lâu đời là xem bói bằng gan lợn. Qua hình dạng gan lợn, thầy cúng xem điềm báo năm mới tốt hay xấu. Sau khi cúng xong, dân bản chia mỗi gia đình ít thịt về làm lễ tại gia, do người phụ nữ chịu trách nhiệm cúng và hưởng lễ. Trai tráng, đàn ông thì ở lại khu rừng già ăn uống, chúc tụng nhau sang năm mới đi nương, đi rừng được các vị thần phù hộ, săn bắn được nhiều thú.

Điều đặc biệt của lễ hội cúng rừng này là ngoài việc cúng thần linh còn được xem như là một cuộc họp đầu năm của cả bản, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong bản. Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm, tình hình phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, an ninh trật tự thôn bản đều được đem ra bàn bạc. Cũng tại đây, bà con đã cam kết với nhau bảo vệ rừng, cam kết không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, không săn bắt động vật hoang dã và không đốt nương làm rẫy.

Đưa bảo vệ rừng vào hương ước

Ông Chu Thanh Xe cho biết: “Từ thế hệ này đến thế hệ khác, khu rừng cấm nguyên sinh vẫn là một nơi bất khả xâm phạm. Khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Cấm không ai được vào chặt cây hay lấy một cái gì, kể cả cây đổ, củi khô và làm ô uế rừng”.

Bảo vệ rừng được đưa vào trong hương ước của thôn, ai phạm vào điều cấm đó thì bị phạt nặng tùy theo mức độ vi phạm. Gia đình nào muốn xin gỗ về dựng nhà, làm vật dụng sinh hoạt đều phải trình bày bằng văn bản với kiểm lâm viên của thôn. Kiểm lâm viên có trách nhiệm báo cáo già làng, trưởng bản, nếu những người này thống nhất đồng ý và kiểm lâm viên ký duyệt vào đơn thì gia đình đó mới được vào rừng khai thác, bảo đảm đúng số lượng, chủng loại và sử dụng đúng mục đích. Nếu sai phạm, hộ dân đó sẽ bị cấm vĩnh viễn không được vào rừng khai thác nữa.

hn29

Nghi lễ tang ma Hà Nhì

(Theo TTĐT Lào Cai)

Tang ma là một trong những nghi lễ lớn trong mỗi gia đình người Hà Nhì, nó diễn ra trong bầu không khí tiếc thương vô hạn của cả gia đình, dòng họ và của cả dân bản.

Do đó, việc tổ chức phải được diễn ra một cách đầy đủ theo nghi thức truyền thống. Các nghi lễ trong tang ma của người Hà Nhì được thực hiện theo từng bước sau:

Báo tin cho dân bản:

Sau khi người già ngừng thở, con cháu trong gia đình chia nhau đi báo cho các gia đình trong thôn bản. Người đi báo tin phải đội khăn trắng trên đầu, chân đi đất. Đầu tiên là báo với già làng trưởng bản, sau đó là đến các hộ gia đình khác. Khi vào tới trong sân, người báo tin nói: “ông cụ (bà cụ) nhà tôi không muốn ở với chúng tôi nữa nên đã ra đi rồi, giờ mời ông bà đến giúp đỡ”. Sau khi được báo, gia đình cử người đến giúp, đàn ông đến giúp các việc liên quan đến nghi lễ tổ chức, phụ nữ lên rừng địu củi, lấy rau giúp tang chủ.

Chọn ngày khâm liệm:

Trước khi liệm chủ nhà phải xem ngày tốt để liệm người chết, việc xem ngày căn cứ vào tuổi của người quá cổ để chọn. Những ngày kiêng liệm người chết vào quan tài bao gồm: Ngày con Rồng “Lo no“; Ngày con Khỉ “nhợ no“; Ngày con Hổ “trà no“; Ngày con Rắn “xê no“; Ngày con Dê “du no“; Ngày con Lợn “gạ no“.

Ví dụ: Người chết sinh vào ngày con trâu thì kiêng liệm vào ngày con hổ…

Ngoài các con vật này ra thì họ còn kiêng cho vào quan tài các ngày lẻ là 1, 3, 7. Đồng thời kiêng liệm người chết trùng với ngày sinh của tất cả mọi người trong gia đình. Họ cho rằng liệm người chết vào những ngày kiêng thì hồn của con cháu còn sống sẽ đi theo người chết về với các cụ, như vậy con cháu sẽ chết theo.

Nghi thức tắm và khâm liệm:

Nước tắm cho người chết là nước đã được nấu sôi, sau đó mang rửa sạch mặt mũi, chân tay người cho người chết và thay quần áo mới cho người quá cố. Sau khi tắm rửa xong, con cháu chải lại đầu tóc, quấn cho người chết một chiếc khăn “u tụ” truyền thống nhằm đưa người chết về với tổ tiên, giúp tổ tiên nhận ra con cháu.

Sau khi mặc quần áo mới cho người chết, con cháu chuẩn bị quan tài và các vật cần thiết để liệm người chết. Con cháu lấy ba đoạn dây mây “khò lè”, ba đoạn cây lanh “zự zha”, ba đoạn ngắn cỏ gianh “ù nhì” lấy ngay trên mái nhà nhằm chia cho người chết mang theo về với tổ tiên. Cây lanh và cây mây được đặt ngang xuống đáy quan tài, tiếp theo họ sẽ đặt đệm bông “khu đà” lên trên, cuối cùng là đặt người chết lên trên chăn bông.

hn32

Nghi lễ chọn đất chôn:

Chọn đất mai táng là một nghi lễ quan trọng đối với mỗi gia đình người Hà Nhì và với bản thân của người quá cố.

Theo phong tục, việc chọn đất mai táng phụ thuộc vào linh hồn của người chết, theo quan niệm thì linh hồn của người chết hiện diện vào trong quả trứng mà con cháu mang theo đi chọn đất chôn. Khi chọn được chỗ đất ưng ý, người đi tìm đất sẽ ném quả trứng ra giữa bãi đất, nếu trứng vỡ thì người chết muốn chôn ở đây, nếu không vỡ thì người chết muốn chọn chỗ khác và việc tìm đất chôn này được thực hiện đến khi nào hồn người chết ưng thuận thì thôi.

Họ cho rằng, nơi chôn cất người chết có ảnh hưởng rất lớn đến sự thịnh suy của mỗi gia đình người Hà Nhì, nên việc chọn lựa chỗ chôn là rất quan trọng, được con cháu thực hiện hết sức nghiêm túc.

Chọn ngày tốt đưa người chết đi mai táng:

Ngày đưa đi mai táng cũng kiêng kỵ như ngày khâm liệm, họ kiêng những ngày như: ngày lợn “gạ no“, ngày hổ “trà no“, ngày rồng “lò no“, ngày dê “du no“, ngày khỉ “nhợ no“, ngày rắn “xê no“. Ngoài ra họ còn kiêng các lẻ như 1, 3, 7.

Nhưng ngày lẻ 5, 9 thì lại không kiêng, có thể khâm liệm và đi chôn được. Bên cạnh đó ngày mai táng người chết còn phụ thuộc vào mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi tháng lại được thể hiện bằng các ngày tương ứng với tên của các con vật, như chuột “pho no“, trâu “nhùy no“, hổ “trà no“, thỏ “tha no“, rồng “Lò no“, người “se no“, ngựa “lò no“, dê “du no“, khỉ “nhợ no“, gà “ha no“, chó “kờ no“, lợn “ga no“…

Trong các mùa, mỗi mùa họ lại kiêng chôn vào một ngày như: mùa xuân – kiêng ngày con ngựa “lò no“, mùa hè – kiêng ngày con chuột, mùa thu – kiêng ngày con thỏ “tha no“, mùa đông – kiêng ngày con chó “kờ no“. Họ quan niệm rằng nếu mai táng cho người chết vào những ngày kiêng kỵ này thì hồn của người sống sẽ đi theo hồn của người chết về với tổ tiên, người sống sẽ chết theo.

– Nghi lễ trong tang ma:

Các nghi lễ trong đám tang được con cháu thực hiện trong suốt thời gian từ khi tắt thở đến khi đưa đi mai táng. Sau khi khâm liệm, quan tài được ở gian bên cạnh của ngôi nhà, hằng ngày con cháu chỉ thực hiện việc dâng cúng trong gian giữa của ngôi nhà, không thực hiện việc dâng cũng ở nơi đặt áo quan, mà ở đấy họ chỉ đặt một cái đèn dầu để soi sáng suốt ngày đêm. Việc làm lễ dâng cơm, rượu cho người chết chủ yếu do người con trai cả hoặc người con trai mà người chết khi còn sống ở cùng thực hiện. Mỗi ngày 3 lần làm lễ dâng cơm rượu vào sáng, trưa và tối.

Trong ngày lễ tang con cháu tổ chức nghi thức mổ trâu, lợn, gà để làm lễ dâng cho hồn người chết mang theo về với tổ tiên. Nghi lễ mổ trâu được thực hiện sau nghi lễ mổ lợn dâng cúng, lợn mổ xong cũng chỉ cần cắt một miếng gan, tim và thịt nạc vai hoặc mông để dâng cúng, còn lại mang nấu ăn cho mọi người đến giúp đỡ. Nghi lễ mổ trâu đối với người Hà Nhì ở Lào Cai chủ yếu được thực hiện với những người chết do già yếu, là những người có con cháu đầy đủ, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.

Trước khi mổ trâu, con cháu phải tập trung quỳ lạy tại bãi mổ trâu để làm lễ dâng hồn trâu cho người chết. Những người giúp lấy dây buộc bốn chân trâu vật ngã xuống, người con cả lấy nước sạch từ nguồn nước làm lễ rửa sạch cho trâu, sau đó dùng rơm buộc chặt mõm trâu lại để không kêu khi bị giết. Sau kho mổ trâu xong, người con cả cắt lấy một ít thịt mông, một miếng gan, một miếng tim mang đi nấu để dâng cúng hồn người chế biến để thết đãi dân bản đã giúp đỡ gia đình và thết đãi những người hôm sau sẽ giúp gia đình đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người Hà Nhì quan niệm rằng, việc dâng hiến hồn trâu cho người chết là rất quan trọng, bởi ở thế giới của tổ tiên mọi người vẫn sinh sống, vẫn canh tác giống như ở thế giới hiện tại. Do đó, việc dâng hiến trâu không chỉ là một nghi lễ truyền thống, mà còn sự chia sẻ tài sản của con cháu đối với người đã khuất mang về với thế giới của tổ tiên, khi về bên ấy vẫn có trâu cày kéo.

hn28

– Nghi lễ mai táng:

Ngày mai táng người chết, con cháu làm lễ dâng cúng hồn người chết cả ở trong nhà và ở ngay đầu của quan tài, mọi thứ được đặt lên trên các mảnh lá chuối đã rửa sạch. Sau đó dân làng giúp gia đình chuyển áo quan đến đất trống giữa bản để chuẩn bị kiệu khiêng đi mang táng.

Dẫn đầu đoàn đưa tang là đoàn ngựa rước hồn người chết, số ngựa có thể là 8 hoặc 10 con tùy thuộc vào số thông gia và bạn thân của người quá cố. Trong đoàn ngựa rước, có một con được đóng yên cương đầy đủ và những vật dụng cần thiết để người chết cưỡi, đây là con ngựa mà khi sống ông cụ đã nuôi và cưỡi nó.

Những con còn lại là hồn của những người bạn quá cố, những người thông gia đã mất và còn sống, mỗi con ngựa có một người dắt. Trên đường đưa người chết về với tổ tiên, đoàn rước nghỉ một lần giữa đường để con cháu làm lễ dâng cúng hồn người chết, đồng thời đoàn rước cũng nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục rước đi.

Đoàn rước đưa linh cữu đến tới huyệt, sau khi linh cữu được đặt yên bên miệng huyệt mọi người cùng chạy thật nhanh về bản, chỉ còn lại con cháu và một số người thân thiết ở lại để làm thủ tục hạ huyệt và mai táng người chết. Người con cả lấy đồng bạc trắng chặt làm 3 mảnh đặt xuống huyệt ở 3 vị trí khác nhau dọc theo huyệt, ở giữa đặt một chiếc phên nứa nhỏ đan hình mắt cáo. Sau đó mới hạ quan tài xuống và cùng nhau lấp đất, cuối cùng là nghi lễ cúng tại mộ để con cháu quay về, hẹn 3 năm sau sẽ làm lễ tảo mộ và rước hồn người chết về bàn thờ tổ tiên.

Nếu mai táng vào ngày không đẹp, con cháu lấy một thân tre dài, đục rỗng ở giữa và cắm sâu từ trên mộ xuống đến quan tài để hồn người chết hằng ngày về nhà, con cháu vẫn phải cúng tế. Đến khi nào họ chọn được ngày đẹp thì con cháu sẽ làm lễ cúng và rút ống tre ra, lấp mộ lại kết thúc nghi lễ tang ma.

oOo

Tập tục văn hóa người Hà Nhì ở Tây Bắc:

 

Người Hà Nhì ở Y Tý:

 

Người Hà Nhì ở đầu nguồn sông Đà:

 

Người Hà Nhì ở Lao Chải:

 

Tìm hiểu nhà trình tường – Hà Nhì:

 

Học cách nấu bia của người Hà Nhì:

 

Khám phá “Rừng cúng” Hà Nhì:

 

Dân ca Hà Nhì ĐaMa:

 

Múa – Con trai con gái Hà Nhì:

 

Múa Dân Tộc Hà Nhì:

Trăng Sáng (Pa la la tò tư ) – Dân ca Hà Nhì:

 

Dân ca Hà Nhì:

Gặp nhau trên chặng đường xuân

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s