Căn nguyên của khủng hoảng ngân sách hiện nay

TS. Trịnh Tiến Dũng – Thứ Sáu,  22/4/2016, 09:03 (GMT+7)

Lễ hội là một trong những lĩnh vực “ngốn” nhiều ngân sách hiện nay. Trong khi đó, hiện nay người dân và các tổ chức xã hội hiện chưa được tham gia giám sát việc chi tiêu ngân sách. Ảnh: Minh Khuê

(TBKTSG) – Dù đã có nhiều cải tiến nhưng so với thông lệ quản trị phổ biến trên thế giới, hệ thống pháp luật về tài chính ngân sách Việt Nam vẫn còn những bất cập, yếu kém rất cơ bản, là căn nguyên chủ yếu dẫn đến khủng hoảng ngân sách nhà nước (NSNN) hiện nay.

Một số thông lệ quản trị ngân sách phổ biến trên thế giới gồm: kỷ luật tài khóa tổng thể, tính hiệu quả, hệ thống kế toán dựa trên kế toán dồn tích và thống kê tài chính chính phủ, trách nhiệm giải trình, công bằng, tính công khai minh bạch, và mức độ tham gia của cộng đồng.

Kỷ luật tài khóa tổng thể

Kỷ luật ngân sách của Việt Nam quá kém. Ngân sách Việt Nam cần cuộc đại phẫu. Quyết liệt trong quản lý để cân bằng NSNN… Đó là những tiếng kêu của các chuyên gia kinh tế có thể nói là không thể khẩn thiết hơn nữa.

Trong khuôn khổ Luật NSNN cũ (2002), nghị quyết mà Quốc hội ban hành về dự toán ngân sách hàng năm liên tục bị vi phạm ở cả phần thu lẫn chi ngân sách nhưng Quốc hội cũng chưa bao giờ xem xét vấn đề này để có quyết sách phù hợp. Đáng chú ý là vì nhiều lý do khác nhau, Luật NSNN sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) vẫn chưa có chế định phù hợp để khắc phục các bất cập đã tồn tại hàng chục năm này. Cụ thể: điều 52 Luật NSNN mới vẫn cho phép điều chỉnh dự toán NSNN, nghĩa là “kỷ luật thép” về NSNN chưa được thiết lập. Hệ thống ngân sách “cứng” về cơ bản cũng chưa được hình thành dẫn đến kỷ luật ngân sách lỏng lẻo. Theo thông lệ trên thế giới, dự toán thu ngân sách có thể linh hoạt, nhưng đối với chi ngân sách thì phải áp dụng “kỷ luật thép” – không được vượt trần chi tiêu đã quy định. “Quy tắc vàng” của khối các nước EU: thâm hụt ngân sách không được vượt trần quy định là 3% GDP là một thông lệ tốt.

Tính hiệu quả trong chi tiêu ngân sách

Nguyên nhân gốc rễ là hệ thống thể chế quản trị ngân sách được chế định ngay trong Luật Ngân sách nhà nước.

Hiệu quả sử dụng ngân sách thấp do phân bổ ngân sách chủ yếu dựa trên nhu cầu ở đầu vào và chưa thoát khỏi “cơ chế xin – cho”, việc gắn sử dụng ngân sách với hiệu quả cần đạt ở đầu ra rất lỏng lẻo khiến cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách và chế tài trách nhiệm các cá nhân, tổ chức rất khó khăn, trên thực tế hầu như không thực hiện được. Luật NSNN mới cũng chỉ ràng buộc các khoản chi phải có dự toán và có nguồn tài chính. Đây là những ràng buộc cần nhưng chưa đủ trong bối cảnh thể chế yếu kém, kỷ luật và đạo đức công vụ xuống cấp trầm trọng. Có thể nói không nơi nào trên thế giới người ta có thể dễ dàng tùy tiện sử dụng tiền thuế của dân để chi cho những việc không liên quan gì đến nhiệm vụ chi và đến việc cung cấp dịch vụ công cho dân (mua xe, tiếp khách, liên hoan, lễ hội…). Người dân và các tổ chức xã hội hiện chưa được tham gia giám sát việc chi tiêu ngân sách.

Hệ thống thống kê, kế toán và báo cáo ngân sách

Do tính lồng ghép như sẽ nêu ở dưới, hệ thống thống kê kế toán và báo cáo ngân sách còn nhiều bất cập, vừa cồng kềnh, tốn kém thời gian và công sức. Báo cáo dài nhưng lại chưa cung cấp đúng chủng loại thông tin tin cậy và kịp thời phục vụ cho việc quản lý, giám sát và quy trách nhiệm ở từng cấp hành chính.

Các đoàn giám sát chuyên đề về ngân sách của HĐND và Quốc hội thường phải dựa vào báo cáo do chính các tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát lập nên rất khó khách quan. Lẽ ra chúng có thể được truy xuất một cách dễ dàng, nhanh chóng, ít tốn kém và tin cậy hơn nếu thiết lập được hệ thống thông tin ngân sách xuyên suốt qua các cấp ngân sách. Quan trọng hơn, hệ thống thống kê, kế toán ngân sách còn khác biệt nhiều so với thông lệ tốt trên thế giới. Hiện tại Việt Nam mới chỉ áp dụng hệ thống kế toán dựa trên tiền mặt, chưa áp dụng kế toán dồn tích và thống kê tài chính chính phủ nên chưa phản ánh đầy đủ và kịp thời các giao dịch ngân sách đúng khi phát sinh.

Trách nhiệm giải trình

Chừng nào ngân sách còn lồng ghép thì trách nhiệm giải trình của từng cấp ngân sách còn bị lu mờ. Luật NSNN mới vẫn tiếp tục cho phép duy trì tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách (với nội dung: NSNN gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương) trong khi đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh kinh niên về lãng phí, tham nhũng. Luật NSNN mới chỉ đề cập khái niệm “giải trình” một lần duy nhất tại khoản 2b, điều 66 khi chế định về duyệt quyết toán NSNN trong khi ai cũng biết hiện nay việc này vẫn nặng tính hình thức, chưa thực chất.

Tính công bằng

Về lý thuyết, công bằng gồm hai chiều, chiều dọc và chiều ngang. Giữa hiệu quả và công bằng luôn luôn là sự đánh đổi. Trong thực tiễn quản lý tài chính công, tìm điểm tối ưu sao cho có thể đạt được sự cân bằng hợp lý giữa công bằng và hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công luôn khan hiếm là một thách thức không nhỏ ngay cả ở các nước tiên tiến.

Trong Luật NSNN mới, công bằng mới chỉ được quy định như là một trong những nguyên tắc chung về quản lý NSNN và phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách. Do chưa có văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể về nội hàm công bằng nên tạm thời chưa thể nói gì thêm về tiêu chí này nhưng sơ bộ có thể thấy Luật NSNN mới đã chú trọng vấn đề quan trọng này.

Tính công khai, minh bạch

Công khai ngân sách được Luật NSNN mới quy định tại điều 15 nhưng còn phải chờ Chính phủ quy định cụ thể. Điều mà Quốc hội và cử tri quan tâm chắc chắn không chỉ là công khai mà quan trọng hơn là minh bạch, tức là thông tin về tài khóa được minh bạch hóa, đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng theo số lượng, chất lượng thông tin và kịp thời. Công khai chỉ là hành động, có thể nhưng không nhất thiết dẫn đến minh bạch. Đây chính là một trong những thách thức đối với Việt Nam.

Công khai minh bạch tài khóa hướng tới hai đối tượng khác nhau, đó là cơ quan dân cử và công chúng.

Mặc dù có tiến bộ vượt trội so với Luật NSNN cũ, nhưng so với thông lệ tốt trên thế giới thì Việt Nam vẫn còn tụt lại phía sau một khoảng cách không nhỏ. Ví dụ: để giám sát hiệu quả, theo thông lệ tốt trên thế giới, cơ quan lập pháp cần được cung cấp thông tin về (1) những rủi ro chính đi kèm với viễn cảnh ngân sách; (2) danh mục các khoản bảo lãnh mới mà Chính phủ dự định áp dụng và mức trần tổng thể cho các khoản bảo lãnh đó do cơ quan lập pháp quy định trong ngân sách hàng năm; (3) các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và chi tiêu ngoài ngân sách. Một số nghị viện còn ban hành luật thành lập quỹ ngoài ngân sách và phân bổ các khoản chi tiêu ngoài ngân sách…

Về minh bạch thông tin đối với doanh nghiệp và người dân (gọi tắt là công chúng), hiện nay công chúng chưa được thông tin kịp thời về thu, chi và các vấn đề khác về NSNN.

Do vậy, chỉ số minh bạch ngân sách (Open Budget Index – OBI) Việt Nam(1) chưa bao giờ vượt qua ngưỡng minh bạch thông tin tối thiểu là 20% trong bảng xếp hạng OBI của khoảng 100 quốc gia được đánh giá từ năm 2006-2015.

Mức độ tham gia của cộng đồng

Hiện tại cử tri chưa được tham gia giám sát ngân sách sớm ngay từ khâu lập dự toán NSNN do thông tin về dự toán chưa được công bố đến cử tri và công chúng trước (hoặc cùng lúc) khi Chính phủ trình Quốc hội dự toán để xem xét thông qua.

Tóm lại, có thể thấy mặc dù được kỳ vọng sẽ có nhiều tiến bộ vượt trội so với luật cũ, nhất là ở ba tiêu chí sau (công bằng, minh bạch, sự tham gia của người dân), Luật NSNN mới vẫn còn khoảng cách rất xa, đặc biệt là ở bốn tiêu chí quản trị ngân sách đầu (kỷ luật tài khóa tổng thể, tính hiệu quả, hệ thống thống kê, kế toán và báo cáo ngân sách, trách nhiệm giải trình).

Chừng nào những cản trở lớn có tính căn cơ này chưa được khắc phục thì chừng đó việc thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng ngân sách vẫn sẽ chỉ là những ước muốn tốt đẹp mà thôi.

(1) OBI Việt Nam qua các năm: 2006-2%; 2008: 9%; 2010: 14%; 2012-19% và 2015-18%.

Công khai, minh bạch ngân sách kiểu… Việt Nam

Đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội, thông tin công khai, minh bạch gồm hai loại: trước (tạm gọi là “tiền dự toán”) và sau (tạm gọi là “hậu dự toán”) khi Quốc hội phê chuẩn dự toán NSNN hàng năm và phân bổ ngân sách trung ương. Về thông tin “tiền dự toán”, Luật NSNN sửa đổi (2015) quy định danh mục 12 tài liệu dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. So với Luật NSNN cũ (2002) danh mục này đã được bổ sung thêm ba tài liệu mới rất quan trọng, giúp tăng cường căn cứ để Quốc hội xem xét phê chuẩn, đồng thời nâng cao đáng kể tính minh bạch về thông tin tài khóa. Đó là: (1) kế hoạch tài chính năm năm đối với năm đầu kỳ kế hoạch; (2) kế hoạch tài chính – ngân sách ba năm và (3) báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tài chính, dự kiến kế hoạch tài chính năm sau của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý. Điều 15 Luật NSNN sửa đổi 2015 cũng quy định rõ các loại tài liệu “hậu dự toán” cần công khai như: (a) báo cáo dự toán NSNN đã được cấp có thẩm quyền quyết định; (b) báo cáo tình hình thực hiện NSNN; (c) quyết toán NSNN được Quốc hội, HĐND phê chuẩn; (d) dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được NSNN hỗ trợ và các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn NSNN.

Khung chi tiêu trung hạn (MTEF) góp phần tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý và sử dụng NSNN. MTEF góp phần phân tích, đánh giá và cải thiện những vấn đề tồn tại trong việc huy động và phân bổ nguồn lực, điều chỉnh chính sách chiến lược ưu tiên và những mất cân đối giữa nguồn lực và đề xuất chi tiêu công của các ngành, các lĩnh vực, qua đó xác định rõ nhu cầu chi tiêu công.

Về minh bạch thông tin đối với công chúng, Luật NSNN mới quy định việc công bố thông tin cho công chúng nhưng là sau năm ngày kể từ khi Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội; còn tài liệu “hậu dự toán” thì công bố còn chậm hơn nữa, sau 30 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành. Luật mới có quy định “NSNN được giám sát bởi cộng đồng” là một bước tiến nổi trội so với luật cũ nhưng hiện chưa có quy định cụ thể cơ chế giám sát.

Cẩm nang về minh bạch tài khóa của IMF (Tổ chức Tiền tệ quốc tế), trong mục III: Công bố thông tin ghi rõ “3.1. Công chúng cần được cung cấp đầy đủ thông tin về các hoạt động tài khóa trong quá khứ, hiện tại và trong các kế hoạch tương lai, và về những rủi ro tài khóa chính; 3.2. Các thông tin tài khóa phải được trình bày sao cho tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân tích chính sách và tăng cường tính giải trình”.

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s