Những hậu quả khó thấy của sụt giảm mạnh giá dầu thô

English: The Hidden Consequences of the Oil Crash

Giá dầu thô đang ở mức thấp kỷ lục kể từ năm 2003. Điều này có ý nghĩa gì đối với nước Mỹ và phần còn lại của thế giới  – 15 chuyên gia đã cho biết

By POLITICO Magazine January 21, 2016

Politico –Trong nhiều tháng, các tài xế Mỹ được chào đón tại các trạm xăng với một sự ngạc nhiên dễ chịu: Giá xăng hạ xuống một nửa, giảm trung bình hơn 2 đô la một ga-lông[1] kể từ đỉnh giá gần đây nhất trong năm 2011. Tổng thống Barack Obama đã dành một chút thời gian để nói về điều này trong Thông điệp liên bang hồi tuần trước, ông nói: “Xăng dưới hai đô một ga-lông không tồi. Hay có lẽ như vậy. Đằng sau sự sụt giá này là một sự sụp đổ lớn hơn trong giá dầu, từ hơn 100 đô la một thùng năm 2014 đến dưới 27 đô la trong tuần này. Vào hôm thứ ba, chỉ số Dow Jones giảm 250 điểm trong nỗi lo sợ về những điều sẽ xảy đến nếu giá dầu tiếp tục giảm, và điều này sẽ gây ra thêm nhiều nhiều tác động đến người tiêu dùng, và thậm chí đến thị trường toàn cầu.

Giá dầu không chỉ dẫn dắt kinh tế, mà cả địa chính trị. Các liên minh hình thành và sụp đổ xung quanh vấn đề dầu thô. Giá Dầu cao chống đỡ cho các chính phủ Nga và Iran, tạo ra sự ổn định ở các nước Trung Đông và cũng tạo nguồn doanh thu cho các nhóm cực đoan ở Nigeria và I-rắc.

Ở Mỹ, dầu giá cao thúc đẩy những cải tổ trong các ngành năng lượng thay thế; nó cũng dẫn đến cuộc bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ. Vì tất cả những lý do này và hơn thế nữa, sự sụt giảm giá dầu sẽ dẫn đến nhiều hậu quả phức tạp ở khắp nơi trên thế giới, với nguy cơ gây bất ổn các chế độ, phân chia lại các khu vực và biến đổi kinh tế toàn cầu theo những cách lâu dài và không thể dự đoán được.

Do đó khi thị trường toàn cầu đang đối mặt với những bất trắc phía trước, Tạp chí Politico đã mời một nhóm các chuyên gia hàng đầu về năng lượng, kinh tế và địa chính trị trả lời cho chúng ta câu hỏi: Khi chúng ta vui mừng vì giá xăng rẻ, chúng ta nên chuẩn bị cho dư chấn gì?

***

‘Sự giảm giá dầu sẽ là một trong số những vấn đề chủ chốt của năm 2016 và có thể còn hơn thế nữa
John McLaughlin là khách mời đặc biệt của Đại học Johns Hopkins, Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao Paul H. Nitze.

Sự sụt giảm giá dầu sẽ là một trong số những vấn đề chủ chốt của năm 2016, và có thể còn hơn thế nữa. Giá dầu hiển nhiên là khó dự đoán, nhưng mọi dấu hiệu cho thấy nó sẽ không tăng lên đáng kể, và có thể sụt xuống sâu hơn. Các quốc gia (như A-rập-xê-út) đã từng có thể thao túng giá dầu bằng các thoả thuận OPEC mất phần nào khả năng này bởi vì những quốc gia có tiềm năng dầu lửa tương tự – đặc biệt là những nước đã chìm sâu trong rắc rối (Venezuela), hay những nước đã trở lại sẵn sàng (Iran) – muốn tìm kiếm thị phần bằng cách bơm dầu tự do. Hơn thế nữa, nếu một nhà sản xuất lớn tìm kiếm liên minh cắt giảm nguồn cung bên ngoài OPEC, họ sẽ kích hoạt hiện tượng nghịch lý (Catch-22): Nếu giá dầu tăng, điều này sẽ tái kích hoạt các doanh nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, những người đã phải cắt giảm đầu tư do giá dầu giảm nhưng cũng đủ lanh lẹ để tái gia nhập thị trường một cách nhanh chóng – thúc đẩy sản xuất trở lại và hạn chế tác động của những kìm hãm ở đâu đó.

Chính trị có vẻ chịu tác động lớn nhất ở các nước, đặc biệt là ở khu vực vùng Vịnh, nơi đã đầu tư hàng tỉ đô la vào các chương trình xã hội và trợ cấp để ngăn cản những cuộc chống đối như Mùa xuân Ả-rập. Và ở Nga, nơi cần giá dầu cao hơn 100 đô la một thùng để đạt được kế hoạch ngân sách, phản ứng được ưa chuộng trước những khó khăn kinh tế là thu hút cảm tính dân tộc chủ nghĩa vào các hoạt động mạo hiểm ở nước ngoài, đây là một trong số các động cơ để Putin tham gia vào vấn đề Syria.

***

‘Điều gì giữ các quốc gia Trung Đông lại với nhau … khi tiền bán dầu cạn?’
Ian Bremmer là chủ tịch của Tập đoàn Eurasia

Về mặt địa chính trị, tác động của giá dầu thấp tập trung ở Trung Đông, nơi các nền chính trị dễ sụp đổ và dựa trên sự bảo trợ của các nước nhiều dầu thô. Trên toàn khu vực tồn tại những nguy cơ an ninh tức thì và trực tiếp mà không có bất kỳ quá trình cải tổ kinh tế, xã hội hay chính trị nào đang được thực hiện để giải quyết những thách thức mà các chế độ này đối mặt từ bên trong. Điều gì sẽ giữ các quốc gia này – cũng như các nước dựa vào sự bảo trợ của họ lại với nhau – khi tiền bán dầu cạn hết?

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, ba nền kinh tế lớn nhất thế giới hưởng lợi rất lớn từ việc tránh xa được những căng thẳng này, trong khi Châu Âu thì không được hưởng lợi ích này nhiều lắm.

***

Điều đó có thể trở thành ‘cuộc khủng hoảng lớn hơn tất cả các cuộc khủng hoảng’
Gal Luft là đồng giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu

Giá dầu cao đã thống trị ba cuộc bầu cử tổng thống trong quá khứ, và thúc đẩy các nhà chính trị nêu lên một trong những đặc điểm dễ bị tổn thương đáng chú ý nhất của nước Mỹ: sự phụ thuộc vào dầu mỏ như nguồn năng lượng duy nhất đảm bảo cho ngành vận tải. Tuy nhiên với sự sụp đổ của giá dầu, sự phụ thuộc này đã không còn là vấn đề nữa, và cam kết của nước Mỹ về việc rời bỏ dầu mỏ đã đi đến bên lề.

Chúng ta đã từng ở đây trước kia: Câu trả lời cho sự khủng hoảng giá dầu vào cuối thập niên những năm 1970 (sản xuất dầu tăng trên toàn thế giới và hiệu quả năng lượng cũng gia tăng) là giá dầu giảm trong những thập niên tiếp theo. Cuộc vui không kéo dài lâu. Giữa năm 1998 và 2008, giá dầu tăng gấp bảy lần, khởi đầu cuộc Đại suy thoái. Điều này có thể lặp lại nếu kinh tế toàn cầu quay lại thời kỳ đình trệ. Khi ngành vận tải toàn cầu – ô tô, xe tải, tàu thuỷ, máy bay – còn gắn với dầu, và khi hầu hết dự trữ dầu thô truyền thống của thế giới còn nằm trong tay của những chế độ áp chế, thì việc giá dầu tăng lại ba con số chỉ là vấn đề thời gian.

Giống như cơn bão đầy đủ các yếu tố làm giảm giá dầu đã đưa chúng ta đến thời kỳ suy sụp hiện tại, tình hình hiện nay ở thị trường dầu thô đang có những mầm mống của thứ có thể trở thành cuộc đại khủng hoảng, lớn hơn tất cả các cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Nếu chúng ta đi trệch khỏi những cố gắng mở cửa ngành vận tải để sử dụng các loại nhiên liệu từ các nguồn ngoài dầu mỏ, cuộc vui sẽ kết thúc với dư vị tồi.

***

‘Bây giờ là lúc để các ứng cử viên tổng thống nói với chúng ta những điều họ định làm khi giá dầu tăng trở lại’
T. Boone Pickens là chủ tịch và giám đốc điều hành của BP Capital và kiến trúc sư của Kế hoạch Pickens, kế hoạch năng lượng của nước Mỹ

Tôi đã trải qua các chu kỳ bùng nổ rồi suy sụp trong ngành dầu khí cả cuộc đời. Mỗi lần đều có một điểm chung: Bởi vì không có một lãnh đạo chính trị nào có tầm nhìn xa để ban hành một kế hoạch năng lượng nên khi giá dầu hợp lý, khi giá dầu lên quá cao hoặc xuống quá thấp, đều luôn có sự ngạc nhiên và lo lắng.

A-rập-xê-út đang đánh liều mọi thứ trong nỗ lực lầm hướng của họ để phá huỷ ngành dầu khí đá phiến của Mỹ. Chúng ta phải đóng cửa hàng ngàn thiết bị và xoá bỏ 200,000 công việc. Các khoản đầu tư mới không tồn tại và các quốc gia vòng quanh thế giới – từ Trung Đông đến Trung Mỹ, với nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu mỏ – đang ở bờ vực kinh tế sụp đổ.

Dầu đạt mức đáy 29 hay 27 đô la một thùng không phải là vấn đề. Vấn đề là lần đầu tiên trong nửa thế kỷ, chúng ta nhìn xa và lên kế hoạch cho thời điểm mà nguồn cung bắt đầu hẹp lại, thời điểm mà các nền kinh tế bắt đầu hồi phục và giá dầu tăng trở lại.

Bây giờ là lúc các ửng viên tổng thống nói cho chúng ta những điều họ định làm khi giá dầu tăng lại, có thể theo một cách rất nhanh chóng. Chờ đợi cho đến khi điều đó xảy ra rồi mới phản ứng với cú sốc và yêu cầu giải trình tại quốc hội đơn giản là không đủ.

Có một kế hoạch luôn luôn là một điều tốt. Bạn thấy thế nào nếu chúng ta bắt đầu với Liên minh Năng lượng Bắc Mỹ?

***

Sự sụt giảm ‘có thể giúp duy trì triển vọng dài hạn của năng lượng thay thế – năng lượng tái tạo’ 
Dan Esty is giáo sư Hillhouse ở Đại học Yale

Nhiều chuyên gia về thị trường năng lượng coi mức giá 30 đô la một thùng dầu là nguy cơ xoá bỏ đầu tư năng lượng, đặc biệt là đối với các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên kết luận này phản ánh quan điểm quá hẹp về thế giới. Giống như giá dầu thấp hôm nay là một hàm của các yếu tố cung và cầu tại một thời điểm cụ thể, thị trường năng lượng có thể tái tạo có nhiều áp lực cung cầu khác nhau giúp hình thành lên dòng đầu tư vào năng lượng gió, pin mặt trời và các dạng năng lượng thay thế khác.

Do đó, trong khi giá dầu thấp tạo khiến các dự án năng lượng thay thế khó đạt được hiệu quả về chi phí trong những năm về sau, Hiệp định Paris tháng Mười hai 2015 về biến đổi khí hậu đã đưa ra một tín hiệu bù đắp mạnh mẽ cho thị trường năng lượng sạch, hứa hẹn một sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu năng lương sạch trong những thập niên tới.

Và như thế kết quả là, đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn mạnh mẽ. Thực tế, sự sụt giảm có vẻ trong ngắn hạn của năng lượng hoá thạch có thể giúp duy trì tiềm năng dài hạn của năng lượng thay thế. Nếu các nhà phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời hay các dự án năng lượng thay thế khác buộc phải cắt giảm chi phí, công nghệ của họ sẽ trở nên cạnh tranh hơn về chi phí theo thời gian. Khi bạn nghe thấy rằng giá dầu thấp dường như là hồi chuông báo tử cho năng lượng sạch, thì đừng đặt cược vào điều đó.

***

‘Có lợi cho người tiêu dùng Mỹ và chính sách đối ngoại của nước Mỹ’
John Deutch là giáo sư danh dự tại Học viện Công nghệ Massachusetts

Giá dầu và khí giảm mạnh sẽ có lợi cho người tiêu dùng Mỹ và cho chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ. Điều này sẽ đúng nếu giá dầu vẫn còn thấp kéo dài, có khả năng thêm một hay hai năm nữa, khả năng kéo dài đến năm năm thì rất đáng nghi và gần như chắc chắn không thể kéo dài đến một thập niên.

Tuy nhiên giá dầu thấp cũng có cái giá của nó, và những áp lực mà nó gây ra không hề khó thấy: lượng tiêu thụ nguyên liệu hoá thạch sản sinh ra các-bon tăng lên, lợi nhuận của các công ty dầu khí tư nhân giảm đi, thách thức lớn đối với các công ty tìm cách đưa ra những công nghệ năng lượng sạch và những khó khăn kinh tế đối với những người nắm giữ nguồn tài nguyên chủ yếu cũng giải thích phần nào những áp lực.

Do đó, một số quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá dầu thấp – đáng chú ý nhất là Nga, A-rập-xê-út và Venezuela – có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị. Rất khó để nói liệu những bất ổn này liệu có dẫn đến một sự chuyển giao chính trị sang cánh tả hay cánh hữu, nhưng dường như những bất ổn này không ảnh hưởng gì đến dòng dầu và khí cấp cho thị trường thế giới.

***

Mức giá này ‘ báo hiệu sự sụp đổ của những chính phủ yếu ớt’
Terry Lynn Karl là giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Stanford và là tác giả của Nghịch lý số nhiều: Sự bùng nổ dầu mỏ và các quốc gia dầu lửa (The Paradox of Plenty: Oil Booms and Petrostates)

Bạn hãy chuẩn bị cho một cuộc đua xóc bụng khác. Trong khi dự đoán sự thay đổi của giá dầu là một công việc vô vọng, thì ít nhất có thể nhìn thấy hai kịch bản dễ biến động ở phía trước, và không kịch bản nào là hứa hẹn cả. Một mặt, giá dầu có vẻ sẽ ở mức thấp khó chấp nhận trong suốt năm 2016. Mặt khác, sự sụt giá hôm nay dường như sẽ đặt nền tảng cho một sự tăng vọt trong tương lai.

Sự thừa thãi dầu hôm nay khác với những lần dư thừa nguồn cung trong quá khứ: Nguyên nhân của lần này là do sự tăng gần gấp đôi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ kể từ năm 2009 và cũng là do sự đáp trả của A-rập-xê-út và các nước xuất khẩu dầu lửa đối với sự cạnh tranh không mong đợi này. Trong ngắn hạn, việc dỡ bỏ những hình phạt chống lại dầu lửa Iran sẽ không có tác dụng. Trong khi giá dầu rơi vào khoảng 20-30 đô la một thùng từng được xem là có lợi cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán, thì điều này bây giờ không còn đúng nữa. Giá dầu thấp dẫn đến việc cắt giảm ngân sách đầy khó khăn ở Bắc Dakota, Texas, Lousiana, New Mexico, Alaska và California; sự sụt giảm 300 tỷ đô la vốn đầu tư vào việc chiết xuất dầu trong tương lai chỉ tính riêng trong năm nay; sự phá sản của hàng loạt công ty năng lượng; và sự cắt giảm ưu đãi đối với việc tạo dựng các nguồn năng lượng sạch thay thế.

Gần như ngay tức thì, giá dầu thấp là chất xúc tác cho sự gia tăng xung đột toàn cầu. Giá dầu rẻ đồng nghĩa với thâm hụt doanh thu khổng lồ và gia tăng nghèo đói, đặc biệt là ở Nga, Brazil, Mexico và cả Canada. Trong 10 nước OPEC mà dầu chiếm 85% doanh thu xuất khẩu, hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng. Ở nơi mà sự ổn định chế độ dựa vào  hiệp ước dầu” cổ điển (nghĩa là, quy định lợi ích kinh tế đối với những khách hàng chính đổi lại sự ủng hộ về chính trị hay, ít nhất là sự thụ động), thì giá dầu thấp tạo ra một sự pha trộn độc hại của đồng tiền yếu, lạm phát, nợ gia tăng, thâm hụt thương mại và ngân sách, giá cả lương thực đầy rủi ro, những dịch vụ thiết yếu bị cắt giảm và đói nghèo tăng vọt.

Những dự báo khắc nghiệt nêu trên theo truyền thống là dấu hiệu của sự sụp đổ của những chính phủ yếu ớt – và đôi khi là cả những chế độ tưởng chừng ổn định. Ở Venezuela, đất nước đang lún vào cuộc khủng hoảng thể chế, sự sụt giảm kinh tế 10% theo dự đoán của năm nay sẽ đẩy người dân đã phân cực đỉnh điểm của nước này vào cuộc xung đột dân sự thậm chí dữ dội hơn. Tình hình nguy hiểm vốn tồn tại ở Trung Đông và Bắc Phi cũng sẽ nhức nhối hơn. Bởi vì vấn đề ranh giới quốc gia trong khu vực đó chưa được giải quyết và các tổ chức chính trị đang sụp đổ, những dự báo kinh tế khắc nghiệt đối với các chính quyền xuất khẩu dầu thô khiến các quốc gia này ít khả năng xoa dịu được dân chúng hay bảo vệ được các cơ sở vật chất dầu khí và các đường ống dẫn trước những cuộc nổi loạn bạo lực. Ví dụ như, Nhà nước Hồi giáo tồn tại dựa vào những khoản tiền kiếm được từ các mỏ dầu ở Syria và I-rắc, và những cơ chế tương tự tài trợ cho Boko Haram ở Nigeria và các chi nhánh Al-qaeda ở Trung Á và Caucasus.

Trớ trêu thay, một khả năng của sự dư thừa dầu này là sự tăng giá dầu trong tương lại. Bất chấp những lời phóng đại đồn thổi hiện nay, chỉ có một số tương đối ít có được thặng dư từ sự thiếu hụt. Sản xuất dầu thô toàn cầu đã sụt giảm đáng kể, với sản lượng của Mỹ rơi xuống mức của năm 2008. Hành động muộn màng của những nhà sản xuất lớn như Chevron hay ExxonMobil là hoãn lại những dự án dầu quy mô lớn đã lên kế hoạch – và, do đó là hoãn lại hàng triệu thùng dầu cung cấp trong tương lai – có khả năng sẽ thúc đẩy sự tăng vọt của giá dầu sớm nhất trong năm tới. Và những xung đột trải rộng trong các khu vực có dầu – vốn trở nên trầm trọng hơn bởi giá dầu thấp và bất ổn – có thể gây gián đoạn nghiêm trọng đến nguồn cung ở hầu như bất kỳ thời điểm nào.

Bạo loạn liên quan đến dầu là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các điểm nóng lớn hiện nay, dù những xung đột này về bản chất có vẻ như chỉ liên quan đến sắc tộc và tôn giáo, một số ví dụ như: Cuộc nội chiến Syria (the Syrian Civil War) và ảnh hưởng của nó đến I-rắc, căng thẳng gia tăng giữa Iran và A-rập-xê-út, Nam Sudan, Nigeria, Algeria, Somalia, Libya và Sahel, Nga, Ukraina và Venezuela. Rất nhiều chính phủ trong số này – bao gồm đáng kể là Nga và A-rập-xê-út – có tất cả lý do để theo đuổi chủ nghĩa dân tộc gây hấn ở nước ngoài để hướng sự chú ý khỏi tình hình kinh tế đang xấu đi trong nước.

Dù giá dầu sẽ giữ ở mức quá thấp hay tăng đột ngột, sự dao động đầy rủi ro của nó sẽ quật vào cả người thắng và kẻ thua, gây bất ổn cho kinh tế, chính trị và kích động chiến tranh – một lý do thuyết phục để đi tìm những nguồn năng lượng mới, trong trường hợp chỉ riêng vấn đề biến đổi khí hậu là chưa đủ để từ bỏ đường ray nhiên liệu hoá thạch gập ghềnh.

***

‘Đây là thời điểm lý tưởng cho nước Mỹ định hình chương trình riêng của mình ở Trung Đông’
Stephen Kinzer là thành viên cao cấp về các vấn đề công và quốc tế ở Viện Vấn đề công và quốc tế Watson thuộc Đại học Brown

Một trong những yếu điểm lớn của chính sách đối ngoại của Mỹ là thay đổi rất chậm khi thế giới biến động. Sự tái lập cơ bản trật tự của thị trường năng lượng toàn cầu tạo cho nước Mỹ cơ hội thử những chính sách đối ngoại mới. Nếu lịch sử lặp lại, chúng ta sẽ không đả động đến những chính sách mới này. Thay vào đó, chúng ta cứ giữ những chính sách trong quá khứ.

Trong nhiều thập niên, chúng ta đã phải ôm lấy chương trình chính sách đối ngoại của những lãnh đạo vùng Vịnh bởi vì chúng ta cần dầu của họ và sự ủng hộ của họ trên mặt trận với Liên bang Xô viết. Sự sụt giảm giá dầu và sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền sản xuất trong nước – cùng với việc Chiến tranh lạnh kết thúc – đã giải phóng chúng ta khỏi cảnh lệ thuộc đó, nhưng chúng ta đã chọn vẫn tiếp tục phụ thuộc. Đây chính là thời điểm lý tưởng cho nước Mỹ định hình chính sách riêng của mình ở Trung Đông, một chính sách bao gồm những nhu cầu an ninh riêng của chúng ta thay vì nhu cầu của đối tác.

***

Điều đó có thể kéo Nga và Iran xích lại gần nhau hơn, và củng cố quan hệ của Mỹ và A-rập-xê-út
Dennis Ross là thành viên ưu tú William Davidson tại Viện Chính sách Cận Đông Washington

Không có lý do gì để mong đợi giá dầu sẽ tăng lại sớm. A-rập-xê-út sẽ tiếp tục sản xuất ở tốc độ cao – không phải chỉ để giữ thị phần và ngăn chặn Iran dành được lợi ích vượt trội từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, mà còn để giảm động lực giữ các thiết bị hoạt động cũng như giảm đầu tư vào các đường ống mới và giảm chi tiêu vào việc tìm kiếm các mỏ dầu mới. A-rập-xê-út kỳ vọng rằng điều này sau cùng sẽ tác động đến nguồn cung và kéo giá tăng trở lại. Điều này đòi hỏi quốc gia này phải kiên trì với hoạt động của mình bởi vì nó có thể mất hai đến ba năm để tái cân bằng thị trường theo cách mà nước này mong đợi.

Nga và Iran chắc chắn sẽ chịu thiệt hại từ việc giá dầu thấp. Trong trường hợp của Nga, điều này có thể dẫn đến việc gia tăng áp lực cưỡng bức lên A-rập-xê-út. Điều này liệu có tạo cho Nga thêm động lực để hợp tác với Iran trong việc gây áp lực trực tiếp và gián tiếp lên A-rập-xê-út? Có thể. Nó chắc chắn sẽ tạo ra lợi ích cho A-rập-xê-út trong việc duy trì mối quan hệ mật thiết với Mỹ. Trong khi A-rập-xê-út không quá tin tưởng vào chính quyền Obama, họ cũng sẽ không để những mối quan hệ của họ với chúng ta phai nhạt, và họ sẽ dựa vào chính quyền tiếp theo để củng cố những cam kết của Mỹ đối với vấn đề an ninh của họ.

Các tài xế Iran đang nạp nhiên liệu tại một trạm xăng ở Tehran vào 19/01/2016. | Getty

***

‘Giá dầu thấp mang lại lợi ích rõ ràng cho phúc lợi toàn cầu’
Robert N. Stavins là giáo sư về kinh doanh và chính quyền Albert Pratt, Trường Chính quyền John F. Kennedy, Đại học Harvard, và Giám đốc của Chương trình Kinh tế Môi trường Harvard

Khi nhìn lại bất kỳ biến động giá cả lớn nào dưới góc nhìn kinh tế, một điều dường như không tránh khỏi là sẽ luôn thấy có cả điều tốt và điều xấu. Việc sụt giảm giá dầu thô cũng vậy. Sự sụt giá dầu có thể gây ra tác động lớn đến ngành nhiên liệu cho phương tiện vận tải của Mỹ, nơi mà thị trường xăng sinh học bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giá xăng truyền thống thấp. Những tác động này ở mức độ nào đó bị ỉm đi bởi các chính sách công trợ cấp cho việc sự dụng xăng sinh học. Giá xăng thấp cũng làm giảm nhu cầu đối với xe gắn máy tiết kiệm nhiên liệu, và doanh số bán SUV và xe hàng nhỏ mui trần tăng trở lại từ mức thấp trước kia. Khi giá cả thấp, người ta sẽ lái xe nhiều hơn và tiêu dùng nhiều nhiên liệu hơn, đồng nghĩa với xả thải và tắc nghẽn nhiều hơn.

Tuy nhiên, sự biến động trên thị trường dầu thô cũng có những mặt tốt: Giá dầu thấp mang lại lợi ích rõ ràng cho phúc lợi toàn cầu. Người tiêu dùng sẽ thấy thu nhập khả dụng của họ tăng lên, đạt mức gần 2500 đô la một hộ gia đình Mỹ một năm, theo Stephen Brown. Nếu chúng ta cho rằng thu nhập của các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ bị thiệt hại thì lợi ích của các hộ gia đình Mỹ lại tăng lên hơn 800 đô la một năm, với lợi ích dồn một cách bất đối xứng về các hộ gia đình thu nhập thấp.

Với giá dầu thấp và giá điện giảm nhờ nguồn cung cấp khí tự nhiên ở Mỹ, đây là thời điểm tốt nhất để đưa ra những chính sách môi trường tiến bộ dưới dạng giá carbon (carbon pricing), dù thông qua hình thức thuế carbon (carbon taxes) hay hạn chế-và-bán carbon (carbon cap-and-trade). Không may là không một ai trong chúng ta cần chờ đợi điều này xảy ra.

***

‘Cuộc chơi đang trở nên nguy hiểm hơn—không chỉ cho A-rập-xê-út mà cho toàn thế giới’
Amory B. Lovins là đồng sáng lập và nhà khoa học trưởng tại Viện Rocky Mountain

Phần còn lại thối rữa của đầm lầy nguyên sinh sản sinh ra 4/5 nhiêu liệu của nền kinh tế hiện nay đang biến mất và khoảnh khắc này không phải là quá sớm. Giá dầu biến động lên xuống làm che khuất một xu hướng quan trọng nổi bật: giống như dầu cá voi những năm 1850, dầu lửa trở nên mất tính cạnh tranh ngay khi đang ở mức giá thấp trước khi nó cạn kiệt ở mức giá cao. Các công ty dầu khí thậm chí đang gặp nhiều rủi ro trong thị trường cạnh tranh hơn là trong môi trường bị điều tiết, bởi vì trong dài hạn, sẽ có càng nhiều dầu không thể bán được hơn là không thể đốt được. Trong năm 2015, các nguồn năng lượng tái tạo hiện đại đã lập kỷ lục mới – tăng 4% về đầu tư và tăng thêm 30% công suất, sự gia tăng phản ánh sự sụt giá nhanh của năng lượng tái tạo. Các quốc gia vùng Vịnh đã chuyển nguồn cung năng lượng riêng của mình sang năng lượng mặt trời bởi vì nó rẻ hơn dầu trong nước. Thậm chí nếu một vị vua, với dự trữ tài chính hùng mạnh của mình, sau cùng sẽ phá vỡ cạnh tranh từ hoạt động bơm khai thác dầu, thì điều cũng sẽ gây ra tác dụng phụ làm giảm sản xuất khí tự nhiên của Mỹ – khiến cho xăng dầu trở nên tốn kém hơn và năng lượng tái tạo càng hấp dẫn hơn.

Nhưng có một điểm cần thận trọng: Nguyên nhân kéo tụt giá dầu là sự từ chối dễ hiểu của A-rập-xê-út đối với việc từ bỏ thị phần để nhường cho các đối thủ cạnh tranh có chi phí sản xuất cao hơn bằng cách đơn phương cắt giảm sản lượng. Các nước xuất khẩu dầu phải hứng chịu hậu quả của giá dầu thấp nay không chỉ bao gồm những nước ngoài cuộc như Nigeria và Venezuela, mà còn cả Iran, quốc gia mới được cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hạt nhân và háo hức tăng thêm thu nhập bằng cách xuất khẩu dầu trở lại. Nga – với quân đội hùng mạnh, bậc thầy về nguỵ trang, chiến tranh đại diện và trá hình, và dường như đang cạn tiền trong năm nay hoặc năm tới – hiện cũng có khả năng hứng chịu hậu quả. Giá dầu cao hơn nhiều và sự dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sa lầy ở Ucraina bởi phương Tây là những yếu tố rất quan trọng đối với sự địa vị chính trị của Putin, thứ mà ông ta xây dựng bằng cách coi như đang bảo vệ người dân từ cuộc khủng hoảng mà chính ông tạo ra. Hoặc Nga, hoặc Iran, có lẽ bằng cách lén lút hoặc dễ dàng chối bỏ, có thể đã sử dụng các cuộc tấn công mạng để phá hoại năng lực sản xuất dầu tập trung cao độ của A-rập-xê-út. Trải qua nhiều thập niên, quân đội A-rập-xê-út đã đánh bại tất cả các cuộc tấn công, nhưng kẻ tấn công cần chiến thắng một lần duy nhất. Cuộc chơi đang trở nên nguy hiểm, không chỉ đối với A-rập-xê-út, mà với toàn thế giới.

***

‘Đỉnh điểm dầu thô có thể đã tồn tại’
Hal Harvey là CEO của Công ty Energy Innovation

Giá dầu thấp có lợi cho Mỹ theo hai cách, bất lợi cho chúng ta theo một cách và có ít tác động một cách bất ngờ theo khía cạnh thứ ba. Rất nhiều địch thủ địa chính trị của Mỹ – Nga, Iran, Venezuela – đang yếu đi đáng kể khi bị mất nguồn tiền. Thứ hai, giá dầu tụt dốc loại bỏ nhu cầu đối với các nguồn dầu bẩn, ngoại lai, ví dụ như cát dầu nặng, và sẽ làm chậm đáng kể việc chiết xuất dầu của nước Mỹ, khiến cho Mỹ và thế giới giảm đáng kể các vấn đề môi trường và khí hậu. Năng lượng tái tạo, vốn đã tìm thấy tương lai của mình trong ngành sản xuất điện, sẽ không bị ảnh hưởng lớn bởi vì dầu và điện hầu như tách biệt hoàn toàn ở Mỹ. Năng lượng mặt trời, gió và tính hiệu quả năng lượng sẽ tiếp tục phát triển.

Pin mặt trời ở Công viên năng lượng tái tạo Utah Red Hills. | AP Photo

Mặt tiêu cực? Sau 25 năm thực tế lờ đi các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, các công ty ô tô đã trở nên nghiêm túc với những cải tổ trong thời kỳ đầu của chính quyền Obama. Tất nhiên, những tiến bộ đạt được là rất lớn, nhưng giá dầu thấp khiến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất đều mất hứng thú. Tư duy ngắn hạn có lẽ sẽ gây ra gánh nặng cho chi phí dài hạn.

Đáng lưu ý là “đỉnh điểm dầu thô” có thể đã xảy ra; không phải bởi vì thiếu cung, mà bởi vì cầu giảm. Điều này đã xảy ra với than và dầu có vẻ là điều kế tiếp.

***

‘Dự đoán suy thoái sẽ lớn hơn tại Iran trong năm 2016, 2017’
Elliott Abram là thành viên cao cấp về nghiên cứu Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế

Ở Trung Đông, dầu giá rẻ đã đang buộc các lãnh đạo A-rập-xê-út tăng tốc những cải tổ cần thiết đã lâu: giảm trợ cấp xăng dầu, tăng doanh thu thuế và cắt giảm chi tiêu vào cơ sở hạ tầng. Doanh thu sụt giảm của các nhà tài trợ của Ai Cập đến từ vùng Vịnh – chủ yếu gồm A-rập-xê-út, Kuwait và các tiểu vương quốc A-rập thống nhất – đồng nghĩa với trợ giúp cho Ai Cập giảm đi, trong khi nền kinh tế nước này đang rất cần các khoản trợ cấp đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Tổng thống Sisi và chính phủ Ai Cập sẽ gặp rắc rối.

Mặt tích cực của giá dầu thấp là nó khiến cho Iran và Nga có ít tiền để tiêu hơn. Putin sẽ thấy cánh cửa lợi ích địa chính trị đóng lại khi doanh thu dầu sụt giảm và những ác cảm mâu thuẫn của chính quyền Obama với Nga sẽ biến mất. Điều này gợi ý rằng Putin có thể đặc biệt hung hăng trong năm 2016. Đối với Iran, giá dầu thấp nghĩa là bất kỳ sự tăng trưởng kinh tế nào kể từ khi kết thúc lệnh trừng phạt cũng sẽ thấp hơn nhiều so với mong đợi, điều đó có thể dẫn đến một sự phản ứng từ trong dân chúng. Dự đoán là suy thoái sẽ lớn thêm ở Iran trong năm 2016 và 2017.

***

‘Các nhà lập chính sách phải thích nghi với giá dầu thấp’
Sarah Ladislaw là giám đốc và thành viên cao cấp, Chương trình Năng lượng và an ninh quốc gia, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS

Trải qua hơn một năm rưỡi suy thoái trên thị trường dầu thô, các nhà phân tích ngành có quan điểm chung là giá dầu sẽ thấp hơn lâu hơn, phản ánh quan điểm cho rằng những yếu tố cơ bản dẫn đến giá dầu thấp – cung dư và cầu yếu – sẽ mất một thời gian để đạt được cân bằng. Giá dầu thấp ổn định có thể tạo ra những tác động lâu dài do các quốc gia hay các công ty phải thích nghi để vượt qua cơn bão. Ví dụ nổi bật nhất là việc các công ty dầu khí trên khắp thế giới cắt giảm chi tiêu vốn: những biện pháp cắt giảm chi phí này thường tạo ra một dạng thiếu hụt đầu tư trong việc phát triển các nguồn cung dầu mới mà có thể khiến giá dầu tăng trở lại.

Các nền kinh tế phụ thuộc vào doanh thu bán dầu có thể thường xuyên phải chịu thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn do khủng hoảng giá dầu, nhưng sau một thời gian ổn định, những điều chỉnh khác bên cạnh chính sách tài chính thắt chặt sẽ trở nên cần thiết. Một số quốc gia đã tuyên bố sẽ có những nỗ lực nhằm cải tổ các chương trình trợ cấp liên quan đến dầu khí, bao gồm các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Kuwait, A-rập-xê-út và Nigeria. Những cải tổ này liệu có tác dụng không lại là một vấn đề khác, tuy nhiên, nếu chúng thành công, thì những nền kinh tế đó và những biến động trên thị trường dầu sẽ dịch chuyển.

Các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ phải thích nghi với giá dầu thấp. Các quốc gia có mục tiêu loại bỏ dầu và nhiên liệu hoá thạch ra khỏi nền kinh tế sẽ thấy khó hơn để giúp các năng lượng thay thế có thể cạnh tranh. Trong khi năng lượng tái tạo đã có bước đi đáng kể trong việc hạ chi phí thì giá dầu còn hạ xuống thấp hơn, đánh bại cả thị trường dành các loại công nghệ này và cả các hỗ trợ đối với chính sách thúc đẩy chúng.

Cần thiết phải nhớ rằng thị trường dầu hoạt động theo chu kỳ và tình hình hôm nay sẽ không kéo dài mãi mãi. Các quốc gia và các công ty nên vận hành theo những cách giúp họ có nền tảng vững chắc hơn khi giá dầu khôi phục.

***

‘Thương mại toàn cầu tàn lụi’
Seth Kleinma là trưởng nhóm nghiên cứu năng lượng Châu Âu tại Citigroup

Mặt tối của giá dầu thấp đang bắt đầu bộc lộ ở cả trong và ngoài nước. Ở Mỹ, tác động kinh tế trực tiếp là sự sa thải tạm thời hàng ngàn nhân viên và sự sụt giảm trong chi tiêu đầu tư ngành dầu khí (chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu đầu tư của Mỹ trong năm 2013). Nhưng những thiệt hại này chưa tính đến hiệu ứng gợn sóng lớn (ripple effects) của giá dầu đối với các ngành vận tải, xây dựng, luyện kim và hàng loạt các ngành nghề khác gắn với dầu khí.

Về mặt quốc tế, giá dầu thấp đang tác động xấu đến những quốc gia xuất khẩu hàng hoá, bao gồm các nước xuất khẩu hàng sản xuất như Trung Quốc. Bởi vì những nước xuất khẩu dầu này đã từng là các nước nhập khẩu lớn, nên thương mại toàn cầu sẽ trở nên tàn lụi.

[1] (chú thích của người dịch): galon ( đơn vị đo dung tích; ở Anh bằng 4,546l; ở Mỹ bằng 3,785l )

11 bình luận về “Những hậu quả khó thấy của sụt giảm mạnh giá dầu thô

      1. Cám ơn bạn N.T.Diễn đã quá lời rồi. Mình không còn trẻ nữa và cũng chưa đóng góp được gì nhiều cho cơ quan. Mình đang cố gắng học hỏi nhiều.

        Cám ơn Hằng luôn động viên, khích lệ và luôn dành thời gian edit bài dịch của mình. Bài dịch cũng còn nhiều chỗ chưa thật sự trôi chảy. Mong Hằng tiếp tục giúp đỡ.

        Thích

  1. Cám ơn Hạnh và các bạn đã dịch và giới thiệu. Mình không theo dõi vấn đề này nhiều nên có một câu hỏi nhỏ là tại sao giá dầu lại giảm? Đây là một hiện tượng khách quan hay lực lượng nào thao túng?

    Thích

    1. Dear Quỳnh Linh, mình hiểu nôm na vấn đề này là trước kia giá dầu thô khá cao, quanh quẩn 100$/thùng (do lượng cung ổn định, một phần bởi thoả thuận của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC- không cung nhiều thì mới đẩy giá cao được). Sau đó, Mỹ nổi lên với nhiều công ty chiết xuất dầu từ đá phiến (nôm na là cách làm mới, không phải là tìm kiếm các mỏ dầu cũ), nên giúp tăng lượng cung dầu nói chung, kéo giá dầu xuống. Sau đó nữa thì các nước nhiều dầu truyền thống ở Trung Đông quyết tâm cạnh tranh với dầu đá phiến của Mỹ nên tăng lượng cung lên mạnh hơn để hạ giá dầu xuống thấp hơn nữa, nhằm khiến cho dầu đá phiến không cạnh tranh được (VD vì dầu đá phiến là mới nên chi phí sản xuất cao, nếu giá bán càng hạ hoặc không bán được thì lợi nhuận càng ít, rồi biến thành thua lỗ rồi phá sản). Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác ảnh ảnh hưởng làm tăng lượng cung dầu dẫn đến giá dầu thấp (vd trong bài có nói đến Iran mới được dỡ lệnh trừng phạt cũng muốn xuất khẩu dầu trở lại và giành thị phần, xuất càng nhiều thì giá dầu càng giảm).

      Tóm lại giá giảm thì theo quy luật của thị trường là do cung quá nhiều hoặc cầu quá ít. Còn nguyên nhân dẫn đến cung quá nhiều như ở thị trường dầu thô hiện nay thì xuất phát từ nhiều yếu tố cạnh tranh kinh tế, chính trị…

      Đây là nôm na ý hiểu của mình. Hy vọng sẽ nghe thêm ý kiến của mọi người.

      Thích

    2. Cảm ơn trao của chị QL và Hạnh.

      Chị QL có thắc mắc rất hay. “Đây là hiện tượng khách quan hay thị trường thao túng”

      Về kinh tế chính trị. Năng lượng hóa thạch dầu mỏ là sản phẩm tiêu dùng – vấn đề luôn gắn liền với địa chính trị – geopolitics. Đây cũng là một lý do cần loại bỏ sự thao túng của NL hóa thạch trong nền kinh tê thế giời. Và phải phát triển NL tái tạo. Vì NL hóa thạch phân bố không đồng đều, các nước có nhiều cớ và (một cách tự nhiên) dẫn đến độc quyền và thao túng trong kinh tế NL. Cuối cùng người tiêu dùng và môi trường bị thiệt hại.

      Thi trường NL dựa vào dầu mỏ, than đá, nguyên tử trước nay không phải là một thị trường tự do. Mà là một thị trường độc quyền (theo tự nhiên).

      Em có đề cập ở bài này về sự độc quyền trong kinh tế NL. Bình đẳng tự chủ về kinh tế năng lượng

      Bài ở trên cũng nói, Nhưng các chính trị gia luôn nghĩ rất ngắn cho lợi ích cục bộ lờ đi lợi ích và tác động lâu dài cho nên tiếp tục để NL hóa thạch lên xuống thao túng thị trường như vậy

      Thích

  2. Rầt cám ơn thông tin và phân tích của Hạnh. Theo như thông tin của Hạnh, mình hiểu rằng mức giá dầu thấp như hiện nay là chủ ý của các nước Trung Đông, cố tình đẩy mạnh cung, hạ giá thành để triệt hạ các công ty dầu đá phiến mới nổi của Mỹ. Mình thấy tình hình này rất nhiều nước xuất khẩu dầu bị thiệt hại nên mình hiểu là nó không phản ánh đúng giá dầu khai thác/sản xuất, nên khi những nhân tố chủ quan giữ giá dầu thấp không còn thì giá dầu sẽ tăng trở lại. Mình hi vọng là câu chuyện sẽ không kết thúc bằng một thỏa thuận/dàn xếp giữa các nước/tổ chức cung cấp dầu và giá dầu lại trở về quá cao như thời gian ngay trước đây.

    Có điều là khi giá dầu giảm mạnh như vậy, xem ra động lực để phát triển năng lượng mới của các nước sẽ chững lại?

    Thích

    1. Câu hỏi thứ 2 của chị QL rất đúng: “Có điều là khi giá dầu giảm mạnh như vậy, xem ra động lực để phát triển năng lượng mới của các nước sẽ chững lại?”

      Phát triển NL tái tạo sẽ bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm, nhất thời nhưng động lực không giảm

      Bài này có nói rõ: From Omen to Opportunity: How Cheap Oil Is Accelerating Sustainable Energy Investment

      Bởi vì: whereas crude oil accounts for only 5 percent of electricity generation and is used mainly to produce fuels for transportation. Even with low fuel prices, oil is simply too expensive to power most large-scale electricity grids

      Tức là dầu thô chỉ chiến 5% trong sản xuất điện. Và dầu thô chủ yếu cung cấp nhiên liệu cho giao thông. Trong khi NL tái tạo để phát điện là 95% nhu cầu còn lại. Hiện nay biofuels được phát triển đủ rẻ như xăng để chạy ở các nước giàu như Đức và Mỹ. Giá dầu giảm thì chỉ có biofuels chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Các loại năng lượng tái tạo khác không bị ảnh hưởng nhiều

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s