Đề án nâng cao tầm vóc người Việt 
vẫn trên giấy?

01/06/2015 09:46 GMT+7

TT – Đề án được khởi thảo từ đầu những năm 2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 có tổng kinh phí lên đến hơn 6.000 tỉ đồng nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt đến nay chưa được triển khai vì… chưa có kinh phí.

Đề án nâng cao tầm vóc người Việt 
vẫn trên giấy?
Chiều cao lý tưởng sẽ giúp các bạn trẻ gặp thuận lợi hơn trong cuộc sống – Ảnh: Thuận Thắng

Ngay thời điểm đề án được phê duyệt, nhiều ý kiến cho rằng những mục tiêu trong đề án là quá cao, không thể thực hiện. Thực tế sau ba năm được phê duyệt, cơ quan chủ trì thực hiện mới thành lập được ban chủ nhiệm đề án.

Nhiều tham vọng nhưng rối

Theo ông Đàm Quốc Chính – giám đốc ban điều phối dự án, hệ thống văn bản pháp lý cho đề án đã tương đối đầy đủ nhưng việc triển khai lại thụ động.

Chẳng hạn như chờ đến khi Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giá sữa, Bộ Y tế – Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng chương trình sữa học đường… thì ban điều phối mới có văn bản lồng ghép nội dung “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030” (gọi tắt là đề án 641) vào những sự kiện này.

Một vấn đề khác là cơ cấu tổ chức của đề án 641 rất phức tạp: không có ban chỉ đạo mà chỉ có ban điều phối, dưới đó có cơ quan tham mưu là văn phòng điều phối, trực thuộc ban điều phối là bốn chủ nhiệm của bốn chương trình thành phần nhưng lại do hai bộ khác nhau đảm trách.

Trong đó chương trình 1 “Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam” và chương trình 2 “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan” do Bộ Y tế đảm trách.

Chương trình 3 “Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi” và chương trình 4 “Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam” lại thuộc Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch.

Một chuyên gia tham gia đề án đánh giá chính cơ cấu tổ chức phức tạp, không có sự liên kết chặt chẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm trong quá trình triển khai đề án.

Vị này cũng cho biết sau ba năm triển khai đề án Bộ Y tế mới có ban chủ nhiệm đề tài, nguyên nhân là do có thay đổi nhân sự liên tục: giao cho người này một thời gian thì nghỉ hưu, người khác lên thay một thời gian lại nghỉ hưu! Không có chủ nhiệm chương trình nghĩa là không có ai lên kế hoạch, xây dựng đề án, sau đó là thẩm định để rót kinh phí hoạt động.

Do đó, 15 đề tài nghiên cứu giao cho Viện Dinh dưỡng quốc gia triển khai, nhưng đến nay không triển khai được vì chưa có kinh phí.

Trong khi đó, bà Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay: “Đến giờ này không biết các đề tài khác thế nào, còn các đề tài liên quan đến dinh dưỡng trong đề án 641 chưa được rót đồng nào”. Đây chính là nút thắt khiến toàn bộ đề án chậm trễ so với kế hoạch.

“Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030” được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn tiến hành trong 10 năm.

Riêng chương trình nghiên cứu giai đoạn 1 tiến hành trong vòng 5 năm (2011 – 2015), sau đó chính thức triển khai đề án với nhiều mục tiêu lớn: nâng chiều cao trung bình nam thanh niên VN 18 tuổi lên 167cm vào năm 2020, với nữ thanh niên mục tiêu tương ứng là 157cm (tăng hơn xấp xỉ 3cm so với thời điểm phê duyệt dự án), đến năm 2030 mục tiêu là nam thanh niên cao trung bình 168,5cm, nữ 158,5cm, đồng thời nâng sức bền người Việt thể hiện ở lực bóp tay, thời gian chạy các cự ly trung bình…

Vị chuyên gia trên cho biết thêm dự toán kinh phí hoạt động đề án 641 trong vòng 20 năm là 6.500 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 20%, ngân sách địa phương là 30%, 50% còn lại từ nguồn xã hội hóa.

Trong bốn năm, ngân sách nhà nước chi hơn 10 tỉ đồng cho dự án, nhưng số tiền này chỉ chủ yếu duy trì hoạt động văn phòng.

Những hoạt động khác của đề án chỉ ở quy mô nhỏ, nguyên nhân không phải do ngân sách chậm trễ, mà do lúc xây dựng đề án không có kế hoạch chi trả chi tiết, cụ thể.

Vì vậy, Nhà nước cũng chờ, Bộ Tài chính cũng chờ. Một bất cập khác là kinh phí dành cho chương trình nghiên cứu khoa học bị ràng buộc bởi quy định không được xã hội hóa.

Thiếu khả thi ngay từ đầu?

Bà Lê Bạch Mai cho biết chiều cao người Việt đang tăng trưởng, mỗi 10 năm trong điều kiện kinh tế – xã hội ổn định thì chiều cao trung bình mới tăng khoảng 1-1,5cm. Đây cũng là tình hình chung của thế giới chứ không riêng gì VN.

Tuy nhiên ngay ở thời điểm đề án 641 được phê duyệt, nhiều chuyên gia băn khoăn về mục tiêu chiều cao trung bình nam, nữ thanh niên VN tăng tới hơn 3cm chỉ trong 9 năm. Đây là mục tiêu không khả thi ngay cả tích cực can thiệp.

Ông Chính thì cho rằng khi xây dựng đề án đã học theo mô hình của nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản. Người Nhật Bản cũng có đề án phát triển thể lực, chiều cao ở thời điểm kinh tế lúc đó còn rất kém.

Nhưng nhờ sự quyết tâm, nỗ lực, có sự triển khai đúng đắn, cộng với đó là có sự phát triển vượt bậc về kinh tế mà chỉ trong 10 năm người Nhật đã đạt được mục tiêu tăng chiều cao bình quân 5,2cm. Vì thế, ông Chính cho rằng mục tiêu của chúng ta trong 20 năm tăng chiều cao trung bình của người Việt lên khoảng 3-4cm là khả thi.

Đề án nâng cao tầm vóc người Việt 
vẫn trên giấy?

Tuy nhiên, hiện 1/4 thời gian triển khai dự án đã qua mà dự án này vẫn giậm chân tại chỗ. Các mục tiêu như năm 2020 có 55% số trường phổ thông các cấp có câu lạc bộ thể thao, có đủ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất để học sinh tập chơi các môn thể thao nội – ngoại khóa, đến năm 2015 chương trình sữa học đường được triển khai ở 1/2 số trường mẫu giáo và tiểu học, 1/2 số trường học có chế độ chăm sóc dinh dưỡng và thực đơn phù hợp… đều đã và sẽ không đạt!

Theo bà Nguyễn Thị Lâm – phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thực đơn bữa ăn trường học chuẩn mới thí điểm triển khai ở vài trường học tại TP.HCM, Đà Nẵng, năm học 2015-2016 mới lần đầu mở rộng ra Hà Nội và Hải Phòng. Chương trình sữa học đường mới triển khai rộng ở vài tỉnh như Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Khoảng 5 năm trở lại, VN chưa có khảo sát rộng rãi nào về chiều cao và sức bền người Việt, nhưng các đánh giá gần nhất cho thấy nam nữ thanh niên VN vào loại thấp bé nhất châu Á.

Cuối tháng 5 vừa qua, ban điều phối dự án 641 đã báo cáo Chính phủ về những vướng mắc khiến đề án này bị tắc, nhưng có nên để một đề án có mục tiêu rất lớn ở tình trạng “năm cha bảy mẹ”, hay cần một ban điều phối có tầm vóc cao hơn, quyết liệt hơn?

Nếu không, tiền ngân sách sẽ tiếp tục chi, và thực tế là cả chục tỉ đồng đã chi nhưng hiệu quả thì hầu như chưa được gì.

LAN ANH – QUỲNH LIÊN
***

Nâng cao tầm vóc và thể lực: Phải có đơn vị chủ trì

02/06/2015 14:09 GMT+7

TTTiếp theo câu chuyện
 Đề án nâng cao tầm vóc người Việt vẫn trên giấy, xin gửi đến bạn đọc
 hai ý kiến khác xoay quanh sự chậm trễ trong việc triển khai đề án hơn 6.000 tỉ đồng này.

Nâng cao tầm vóc và thể lực: Phải có đơn vị chủ trì 
Bữa ăn của trẻ em vùng cao còn chưa được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng – Ảnh: Nguyễn Khánh

* Ông DƯƠNG NGHIỆP CHÍ (nguyên viện trưởngViện  Khoa học thể dục thể thao):

Phân công cho từng đơn vị chủ trì thực hiện cụ thể

Đề án có bốn chương trình thì hai chương trình do Bộ Y tế chủ trì, hai chương trình do Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch chủ trì. Hai bộ này phải giao cơ quan, đơn vị chủ trì cụ thể từng chương trình. Ví dụ, chương trình 3: “Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh từ 3-18 tuổi” nên giao Viện Nghiên cứu sức khỏe thể dục thể thao phối hợp với các cơ quan, trường học cùng thực hiện chương trình.

Tiếp đó, kinh phí thực hiện sẽ giao về đơn vị chủ trì chương trình quản lý. Đơn vị chủ trì sẽ xây dựng chương trình hoạt động, sử dụng kinh phí vào những hoạt động cụ thể nào. Bên cạnh đó, nếu ngân sách nhà nước dành cho đề án khó khăn thì có thể thiết lập một chương trình xổ số riêng cho đề án để huy động vốn. Cuối cùng, cần thành lập một tổ tư vấn gồm những người có kinh nghiệm trong thể dục thể thao giúp việc từng chương trình hoặc đề án tổng thể. Tổ tư vấn cũng có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đề án.

* Bà VŨ THỊ TUYẾN MAI (Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế):

Ngành y tế chủ động triển khai một số hoạt động cải thiện tầm vóc

Bộ Y tế đã triển khai một số hoạt động xây dựng đề cương chi tiết hai chương trình trong đề án từ nguồn kinh phí hạn hẹp do ban điều phối cấp, ngoài ra đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng “Chương trình sữa học đường cải thiện dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”. Ở mục tiêu xây dựng chương trình bữa ăn học đường chuẩn, chúng tôi đã triển khai đánh giá tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần ăn của học sinh tiểu học tại Đà Nẵng trong năm 2014, xây dựng khuyến nghị bữa ăn học đường cho học sinh mầm non và tiểu học và đánh giá tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn của học sinh tiểu học ở TP Hải Phòng.

Ngoài ra, ngành y tế đã chủ động triển khai một số hoạt động cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, đặc biệt chú ý đến giai đoạn từ bào thai đến khi trẻ 2 tuổi, phát hiện thai dị tật, sàng lọc trước sinh và trong sinh; tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời và bổ sung hợp lý cho trẻ tới 24 tháng tuổi, triển khai chương trình dinh dưỡng phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em…

Tuy nhiên như phiên họp gần đây với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về hoạt động của đề án này thì còn nhiều việc phải làm, cần sự phối hợp của các bộ, ngành được giao và có kinh phí triển khai.

Năm 2014, VN có xấp xỉ 25% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tuy nhiên vùng Tây nguyên tỉ lệ này lên đến xấp xỉ 35%, miền núi phía Bắc gần 31%, miền Trung 28,1%. Đông Nam bộ kinh tế khá giả nhất nước nhưng cũng còn 18,3%, trong khi trẻ thấp còi dưới 5 tuổi sẽ khó đạt chiều cao chuẩn trong tương lai. (Nguồn: Viện Dinh dưỡng)


Người Nhật ăn nhiều thịt, sữa để cao hơn

Một bài báo đăng trên New York Times vào tháng 2-2001 dẫn số liệu cho thấy trong 50 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chiều cao trung bình của trẻ em 11 tuổi ở Nhật đã tăng hơn 13,97cm.

Chiều cao của các em nữ còn tăng nhiều hơn. Bài báo cách đây 14 năm này nói: dù không có giải thích chính xác về sự tăng trưởng chiều cao của người Nhật, nhưng nhiều người cho rằng chế độ ăn uống của người dân xứ sở mặt trời mọc đã cải thiện và họ cũng giảm các bệnh truyền nhiễm.

Trong một nghiên cứu khác đầu những năm 2000 cho thấy việc nạp protein động vật ở người Nhật tăng gấp đôi, lên 60 gam / ngày kể từ năm 1960. Cũng có nghiên cứu khác nói người Nhật tăng chiều cao do uống nhiều sữa và tiêu thụ nhiều các sản phẩm liên quan đến sữa như phômai, bơ.

THU ANH

LAN ANH – QUỲNH LIÊN ghi

3 bình luận về “Đề án nâng cao tầm vóc người Việt 
vẫn trên giấy?

  1. Tôi cũng đã giành 09 năm chuyên nghiên cứu về lĩnh vực Thể thao học đường,đến nay có thể khẳng định,vốn để thực hiện chương trình chỉ cần rất ít (1-200 tỷ,cho toàn quốc),các địa phương cần thực hiện chương trình liên lạc trực tiếp với tôi,vốn mỗi địa phương từ 5-10 tỷ đồng.

    Thích

  2. Mình đang xây dựng kế hoạch về cải thiện dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc người việt của địa phương, thấy rối quá.Xin a Bình cho vài kinh nghiệm về chương trình.
    Xin cảm ơn.
    Bs Đăng- SYT Vĩnh Phúc, 0962192666/email: drdvdang@yahoo.com

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s