Sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam

  • Bài 1: Thực trạng đáng báo động
  • Bài 2: Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để loại trừ
  • Việt Nam thua cả Lào trong cuộc chiến cấm amiang trắng

***

Sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam: Bài 1: Thực trạng đáng báo động

10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng, chất gây ung thư nhiều nhất thế giới. Amiăng vẫn đang len lỏi, tồn tại khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đây là thực trạng báo động…

amiăng
Tấm lợp fibroximăng được sử dụng khá phổ biến ở vùng đồng bào DTTS, miền núi. Ảnh: minh họa

Tại Việt Nam, từ những năm 1960, amiăng đã được sử dụng để sản xuất tấm lợp fibroximăng và được xem như một loại chất lợp rẻ, bền và dễ sản xuất, sử dụng. Tuy nhiên, từ những năm 1980, tính độc hại và đặc biệt là khả năng gây ra một số dạng ung thư của amiăng đã được phát hiện và cảnh báo. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp. Tiếp xúc với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Sử dụng vật liệu có chứa amiăng đang tồn tại phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Để tìm hiểu thực trạng sử dụng vật liệu có chứa amiăng, đầu tháng 8, chúng tôi có dịp đến thăm xã Minh Tiến, đây là một trong những xã còn nhiều khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là địa bàn sinh sống của các DTTS, như: Nùng, Tày, Dao, Mông. Trên con đường dải nhựa đã xuống cấp, hiển hiện trước mắt chúng tôi dọc hai bên đường là rất nhiều những ngôi nhà được lợp mái bằng tấm lợp fibrôximăng, ở dưới mái ngói là chậu, xô đã cũ kỹ, bạc màu dùng hứng nước mưa.

Khi chúng tôi nói chuyện với bà con về tính độc hại của amiăng, không khó để cảm nhận được sự lo sợ hiện lên trên từng nét mặt, nhưng rồi họ cũng trả lời, bất lực vì điều kiện kinh tế khó khăn không có tiền để thay thế. Qua lời kể của một cán bộ xã thì xã Minh Tiến có trên 1.000 hộ thì có tới gần 50% số hộ vẫn sử dụng tấm lợp fibrôximăng.

Chia sẻ với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 được lợp toàn bộ bằng tấm lợp fibrôximăng, ông Triệu Văn Thông, dân tộc Nùng, thôn Tân Thịnh cho biết: “Gia đình tôi lợp mái nhà bằng tấm fibrôximăng đến nay đã được 10 năm. Từ khi nghe tin trong sản phẩm này có chứa chất amiăng gây ung thư, chúng tôi không còn dám hứng nước mưa từ mái nhà để sử dụng nữa mà kéo nước từ nguồn về. Trước đây, tôi mua tấm lợp có giá 42.000 đồng/tấm, phù hợp với điều kiện gia đình tôi. Muốn chuyển đổi thay thế bằng tôn nhưng cũng phải thêm ít nhất 20 triệu đồng trở lên, mà kinh tế eo hẹp không cho phép”.

Cách đó không xa là nhà văn hóa xã, thay vì là nhà gỗ truyền thống, nhìn bề ngoài khang trang, sạch sẽ được xây dựng kiên cố, nhưng khi ngước nhìn lên trên, mái nhà cũng được lợp bởi tấm fibroximăng. Ông Hoàng Văn Hoan, thôn Tân Thịnh cho hay: Mặc dù, dân ai cũng biết tấm lợp fibroximăng có chứa chất gây ung thư nhưng nhà nghèo vẫn phải “nhắm mắt làm ngơ”. Gia đình ông Thàng bên cạnh gia đình tôi toàn bộ căn nhà đều được sử dụng bằng tấm lợp fibroximăng. Khu vực nhà bếp thường xuyên có những mảnh vỡ rơi xuống, vào mùa mưa, nước mưa chảy xuống từ mái nhà một màu đen nghịt”.

“Mặc dù rất nhiều hộ dân biết amiăng gây nguy hại cho sức khỏe, nhưng vì giá thành rẻ, chỉ 36.000đồng-55.000đồng/tấm fibroximăng, phù hợp với túi tiền của dân nghèo, nên mọi người vẫn sử dụng”, ông Đặng Hải Quân, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hữu Lũng cho biết.

Thực trạng sử dụng phổ biến vật liệu có chứa chất amiăng ở Hữu Lũng cũng là thực trạng chung của nhiều vùng đồng bào DTTS tại Việt Nam. Đáng chú ý hơn, tại các vùng miền núi, bà con DTTS không chỉ sử dụng tấm lợp fibroximăng để lợp mái nhà, mái bếp, nhiều hộ còn hứng nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt. Thực tế, bên cạnh việc thiếu thông tin về tấm lợp fibroximăng có chứa chất độc hại, tại nhiều bản làng vùng DTTS, phần vì kinh tế eo hẹp, phần vì bà con cũng không có sự lựa chọn bởi thị trường các sản phẩm thay thế tấm lợp fibroximăng có giá thành tương đương không nhiều. Hơn thế, những sản phẩm thay thế như tôn lạnh và một số sản phẩm khác, giá cao hơn 30-40% so tấm lợp fibroximăng.

Có thể thấy, gánh nặng bệnh tật liên quan tới amiăng đối với người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi đang là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm. Hơn lúc nào hết cần có những giải pháp loại trừ amiăng trắng ra khỏi cộng đồng

Các nghiên cứu đã chỉ ra, thế giới mỗi năm có hơn 107.000 người chết vì các bệnh ung thư có liên quan đến amiăng. Nhiều nước đã cấm mọi sản phẩm có chứa amiăng và hiện chỉ còn 35 nước sử dụng, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng trắng nhiều nhất trên thế giới, với lượng nhập khẩu hằng năm 65.000-70.000 tấn. 80% trong số đó dùng để sản xuất khoảng 100 triệu m2 tấm lợp fibroximăng, má phanh, sử dụng trong công nghiệp phân lân nung chảy cung cấp chủ yếu cho dân nghèo ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS.

THANH HUYỀN – H.DƯƠNG

***

Sử dụng Amiăng trắng tại Việt Nam: Bài 2: Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để loại trừ

Như chúng tôi đã thông tin, amiăng trắng được khẳng định là rất có hại cho sức khỏe. Tiếp xúc với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến cáo không có ngưỡng an toàn cho việc tiếp xúc và cách tốt nhất để kiểm soát nguy cơ là cấm tất cả các loại amiăng. Vì vậy, cần những giải pháp hữu hiệu để loại trừ amiăng ra khỏi cộng đồng.
amiăng
Cần sớm chấm dứt việc sử dụng vật liệu có chứa amiăng tại vùng DTTS và miền núi. Ảnh: minh họa

Thực tế cho thấy, tại vùng DTTS và miền núi, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng chủ yếu sử dụng vật liệu rẻ tiền, trong đó có liên quan đến tấm lợp firbroximăng. Việc chuyển đổi dây chuyền và thiết bị sản xuất tấm lợp theo hướng không sử dụng amiăng tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi, theo kịp xu thế chung của thế giới và khuyến nghị của WHO, ILO nhằm đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Trên thực tế, Việt Nam đã làm chủ công nghệ và đã tự sản xuất được các thiết bị dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng cách đây đã hơn một thập kỷ nên đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia khuyến cáo, đối với những tấm lợp fibroximăng hiện đang ở trên mái nhà, mà chưa có điều kiện thay thế, người dân cần phải giữ gìn, không để bị vỡ nát. Nhưng khi cưa, cắt, khoan các tấm lợp thì phải có biện pháp bảo vệ, không cho bụi phát tán và phải sử dụng phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp. Tuyệt đối không được đập vỡ vụn các tấm lợp đó để đúc gạch, rải đường hoặc sử dụng làm việc gì khác.

GS. TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam cho biết: Cần có chính sách ưu đãi về thuế trong lộ trình để nhập các nguyên liệu sản xuất tấm lợp không amiăng; giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không amiăng cho đến khi cấm hoàn toàn để khuyến khích họ áp dụng công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng; nâng thuế nhập khẩu amiăng và các sản phẩm chứa amiăng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát và giám sát các cơ sở sản xuất tấm lợp về môi trường lao động và sức khỏe người lao động. Tiếp tục cải tiến công nghệ, thiết bị để giảm giá thành thiết bị, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm không chứa amiăng. Hỗ trợ thông tin, tăng cường kết nối doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu để nhanh chóng chuyển đổi công nghệ…

Ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó có giao cho Bộ Xây dựng: “Nghiên cứu, xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023” .

Phát biểu tại một Hội thảo về lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng khẳng định: Thời gian tới, Uỷ ban Dân tộc sẽ tăng cường chỉ đạo thông tin và tuyên truyền trong toàn hệ thống cán bộ làm công tác dân tộc, Người có uy tín biết về tác hại của amiăng trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ làm nhà, sẽ khuyến cáo hạn chế tiến tới không sử dụng tấm lợp firbroximăng. Ủy ban Dân tộc kiến nghị thêm việc khuyến cáo sử dụng sản phẩm có chứa amiăng trong chương trình phối hợp với các bộ, ngành liên quan. Đồng thời nhất trí với các bộ, ngành trong công tác tham gia trình Chính phủ các chính sách về việc cấm sử dụng amiăng, tiến tới lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng.

Có thể thấy, loại bỏ chất độc hại amiăng khỏi đời sống, hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng các vật liệu amiăng ở vùng đồng bào DTTS, miền núi là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Lộ trình đã được bàn, chương trình hành động quốc gia đã có. Tuy nhiên, hiệu quả trong thực tiễn mới là quan trọng… Hy vọng, thời gian tới, cùng với việc triển khai các giải pháp của các ngành, các cấp sẽ thực hiện được những mục tiêu đặt ra.

THANH HUYỀN

***

Việt Nam thua cả Lào trong cuộc chiến cấm amiang trắng

Thứ Sáu, 01/06/2018 10:02

(Liên hiệp hội) – Việt Nam thua Lào khi xây dựng đề án ngừng sử dụng amiang trắng quá chậm trễ.

Trên đây là ý kiến của ông Phillip Hazelton – Điều phối chiến dịch loại trừ các bệnh liên quan đến Amiang (APHEDA) trình bày tại hội thảo được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) tổ chức mang tên “Góp ý dự thảo đề án lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023” do Bộ Xây dựng soạn thảo.

Viet Nam thua ca Lao trong cuoc chien cam amiang trang
Ông Phillip Hazelton – Điều phối APHEDA trình bày tại Hội thảo.

Theo ông Phillip, Bộ Y tế Lào đã chuẩn bị kế hoạch hành động quốc gia cùng với 9 bộ ngành khác, dự kiến trình Chính phủ Lào vào tháng 8 năm nay trong đó, 10 bộ ngành đã thống nhất lộ trình ngừng sử dụng amiang hoàn toàn vào tháng 12/2020.

Dù chưa phải là quyết định cuối cùng của Chính phủ Lào nhưng đã cho thấy sự khẩn trương và thống nhất của các bộ ngành tại Lào trong việc nhận thấy những tác hại của amiang trắng và từ đó quyết định chấm dứt nó càng sớm càng tốt.

Đáng nói, Lào là quốc gia có lượng tiêu thụ 1,2kg amiang/người/năm và con số này lớn là bởi họ có dân số thấp. Nhưng con số này vẫn gây ra sự lo lắng đối với Quốc hội nước này trong việc đảm bảo sức khỏe của người dân và họ cố gắng để sớm chấm dứt việc sử dụng amiang ở trong nước.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, lộ trình ngừng sử dụng amiang trắng của Bộ Xây dựng soạn thảo lại chưa có sự phối hợp với các chương trình, kế hoạch khác.

Ông Phillip Hazelton cho rằng, amiang trắng là loại vật liệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tính mạng người lao động, do đó nếu xây dựng lộ trình về amiang thì Bộ Xây dựng nên tham chiếu với Luật An toàn vệ sinh lao động và những kế hoạch quốc gia có liên quan, ví dụ như Chiến dịch tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngoài ra, vị chuyên gia Úc cũng cho rằng, trong phần “Giải pháp thực hiện” của tờ trình do Bộ Xây dựng soạn thảo đã nêu một phương án là “Công bố, dán nhãn, hướng dẫn sử dụng an toàn đối với sản phẩm có chứa amiang”. Nhấn mạnh vào cụm từ “sử dụng an toàn”, ông Philip cho rằng, đây là một thành ngữ được giới doanh nghiệp thao túng amiang thích sử dụng.

“Có sự khác nhau về mặt ngữ nghĩa giữa việc: an toàn cho người sử dụng và sử dụng an toàn. Hai vấn đề này là hoàn toàn khác nhau và dễ gây hiểu lầm trong các hiểu để thực hiện” – ông Phillip nhấn mạnh.

Từ đó, ông đề xuất việc thay giải pháp này bằng “Công bố, dán nhãn, hướng dẫn để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng sản phẩm có chứa amiang”.

Đây không phải là vấn đề duy nhất khiến giới khoa học trong nước thấy rằng có sự mập mờ, thiếu rõ ràng trong cách sử dụng từ ngữ của ban soạn thảo.

Mập mờ quan điểm của Bộ Xây dựng

Tờ trình Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023” của Bộ Xây dựng được nhiều nhà khoa học và chuyên gia tham gia hội thảo đánh giá là vừa thiếu ý lại dài dòng, kiểu đưa các thông tin chưa chính xác, sai lệch, một chiều, thiếu khách quan, không phản ánh hết tình hình chung về amiang và sử dụng amiang trên thế giới.

Viet Nam thua ca Lao trong cuoc chien cam amiang trang
PGS.TS. Nguyễn An Lương -Chủ tịch danh dự Hội KHKT An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn An Lương – Chủ tịch danh dự Hội KHKT An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, bản dự thảo chỉ dẫn lời một vài nhà khoa học, nhà nghiên cứu, ý kiến của bác sĩ… đều trong ngành Xây dựng để làm căn cứ soạn thảo Lộ trình.

Các kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Xây dựng, Viện Vật liệu Xây dựng và một số ít đơn vị cá nhân ngành xây dựng với các kết luận được rút ra thiên lệch theo hướng phủ nhận các giá trị nghiên cứu tiên tiến nhất trên thế giới.

Theo đó cho rằng amiang trắng ít gây độc hại cho con người, không tìm thấy tổn thương của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang và có thể cho phép sử dụng amiang trắng có kiểm soát để sản xuất tấm lợp.

Trong dự thảo cũng nêu ý kiến của một nhà khoa học về vật liệu xây dựng cho rằng “149 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3/4 dân số thế giới đang cho phép sử dụng amiang trắng như các nước G8, Mỹ, Canada, Nga… và Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn An Lương, con số này không chính xác. Thực tế đã có 66 quốc gia cấm hoàn toàn sử dụng amiang, 60 nước không tiêu thụ bất cứ lượng amiang trắng nào và cho đến thời điểm 2018 thì cũng… không còn G8!

Ông Lương cho rằng, bản đề án không đạt tiêu chuẩn khi gặp quá nhiều sai sót, không thể đưa một bản đề án dài 19 trang như một “bản nháp luận văn” để trình Thủ tướng!

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Vân – Trung Tâm Thông Tin Tổ Chức Phi Chính Phủ cho rằng, thông qua bản lộ trình ngừng sử dụng amiang trắng được Bộ Xây dựng soạn thảo, có thể dễ dàng thấy rằng, Bộ này đang tìm cách trì hoãn, kéo dài lộ trình ngừng sử dụng loại chất độc hại này.

Theo đó, Văn bản 7037 của Văn phòng Chính phủ ngày 19/9/2014 đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng Lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020. Trước đó, vào tháng 8/2014, Bộ Y tế cũng đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tác hại của amiang trắng đối với sức khỏe con người trong đó đề cập đến mốc từ năm 2020 sẽ không còn sử dụng amiang trong sản xuất tấm lợp.

Tuy nhiên, cho đến nay, khi xây dựng lộ trình, Bộ Xây dựng lại kéo dài thời hạn cho tới năm 2023, đồng thời không nêu được các công việc cho mỗi giai đoạn của lộ trình mà chỉ nói chung chung là “từ năm 2023”.

Sự mập mờ về câu cú, từ ngữ này có thể sẽ gây hiểu nhầm về thời điểm ngừng sử dụng amiang trắng: là từ năm 2023 sẽ ngừng hoàn toàn hay từ năm 2023 mới bắt đầu lộ trình giảm rồi ngừng hẳn.

Sự mập mờ như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc ra quyết định của cấp lãnh đạo.

 
Hội thảo lấy ý kiến nhà khoa học về ngừng sử dụng amiang trắng

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Đình Quảng- Phó Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam) cũng đồng tình với những ý kiến chuyên gia đóng góp, đồng thời cho rằng, nên thay việc “ngừng sử dụng” bằng “cấm sử dụng” và cấm amiang trắng ở tất cả các lĩnh vực chứ không riêng sản xuất vật liệu xây dựng hay không.

Ông Nguyễn Văn Vẻ – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, amiang trắng có thể được sử dụng trong nhiều ngành nghề, song cần ngừng sử dụng ở những lĩnh vực sử dụng amiang lớn, có tác động trực tiếp đến con người, người lao động.

Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) – bà Đỗ Thị Điệp cũng bày tỏ quan điểm rất rõ ràng của Bộ Y tế về văn bản tờ trình đề án Lộ trình ngừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023 do Bộ Xây dựng soạn thảo. Theo đó, văn bản chứa nhiều từ ngữ mập mờ và không thể hiện được rõ ràng quan điểm của Bộ Xây dựng đối với việc ngừng sử dụng loại vật liệu độc hại, là tác nhân gây ung thư ở Việt Nam. Các bằng chứng khoa học được nêu trong tờ trình cũng được lập luận sơ sài và các số liệu đã cũ, phủ nhận những đánh giá tác động và nghiên cứu của giới khoa học, y học quốc tế về tác hại của amiang đối với con người để trì hoãn việc ngừng sử dụng ở Việt Nam.

Đồng tình với những lo ngại do các chuyên gia bày tỏ hội thảo, bà Bùi Thị An – nguyên ĐBQH khóa XIII, thành viên Mạng lưới ngừng sử dụng amiang tại Việt Nam (VN-BAN) đặt câu hỏi, phải chăng có một sự hậu thuẫn nào đó của các đơn vị đang hưởng lợi từ amiang ở Việt Nam tác động đến văn bản này khiến nó trở nên thiếu quan trọng, đánh giá về amiang trắng là thiếu khách quan, ngụy tạo bằng chứng khoa học đối với amiang.

Bà Bùi Thị An cho rằng, đúng là amiang rất độc hại lại có tính ứng dụng trong nhiều ngành nghề tuy nhiên VN-BAN mới chỉ đề xuất lộ trình ngừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang, từ đó cắt giảm dần việc sử dụng amiang ở Việt Nam.

 
TS. Đỗ Quốc Quang – tác giả Đề tài khoa học cấp Nhà nước về dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không amiang từ năm 2005.

Bên cạnh đó, hiện nay, ở Việt Nam đã có công trình nghiên cứu khoa học của TS. Đỗ Quốc Quang về dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiang và đã triển khai dự án cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không amiang năng suất 3 triệu m2/năm”, cho phép Việt Nam sản xuất và xuất khẩu loại tấm lợp không sử dụng amiang.

Đáng chú ý là dự án này đã triển khai thành công từ năm 2014 nhưng trong tờ trình của Bộ Xây dựng lại cho rằng… chưa tìm được vật liệu thay thế cho amiang!

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch LHH Việt Nam đã đánh giá cao những ý kiến quý báu của các nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo, đặc biệt là tờ trình đề án đã thể hiện quan điểm “nước đôi” của ban soạn thảo nhưng vẫn nghiêng về việc đưa ra các bằng chứng số liệu khoa học đã cũ để kéo dài thêm thời hạn ngừng sử dụng amiang tại Việt Nam.

Ông Mậu nhấn mạnh, LHH Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị lên cơ soạn thảo để hoàn chỉnh đề án trước khi trình Chính phủ phê chuẩn.

Cúc Phương

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s