Chả có thời nào như bây giờ: nghề thịt chó đang phát đạt rầm rộ bỗng chựng phắt lại ở khắp các quốc gia. Chủ trương vận động toàn dân không ăn thịt chó vừa ra đời đã được nhiều người hoan nghênh nhiệt liệt! Còn ở các trại chó cưng, chó cảnh, nông trại chó thì khỏi nói, chó được trân quý như vua!
Kỳ I – Khi chó chỉ là “cầy tơ”
Theo ước tính của các tổ chức bảo vệ động vật, và Liên minh bảo vệ chó Châu Á, thì Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về sở thích ăn thịt chó, với khoảng 5 triệu con chó bị xẻ thịt mỗi năm.
Chó bị nhốt để giết thịt-Ảnh của Liên minh bảo vệ chó châu Á
Nghiện chó từ Bắc chí Nam
Xưa nay,từ phố sá tới hang cùng ngõ hẻm,cứ nhìn thấy cụm lá mơ trổ xanh trên các cọc rào, khối kẻ lập tức liên tưởng tới… chó. Tìm từ khóa “thịt chó” trong ca dao, thành ngữ tiếng Việt, sẽ thấy cả kho tàng. Từ ỡm ờ “Đi tu Phật bắt ăn chay/Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không”, đến dứt khoát “ Sống trên đời không ăn thịt chó/ Xuống âm phủ biết có hay không?!”, hay thậm đểu “Mình về ta nắm lấy đuôi/Ta trói bốn cẳng, ta thui cho vàng!”. Mình-Ta gần gũi nhau là vậy, mà thèm thì vẫn cứ xơi (!)
Bắc Nam gì cũng thịt chó, song nghệ thuật pha nấu rõ là phía Bắc tinh hơn, nên đa số quán Cầy Tơ đều quảng cáo thực đơn “7 món vị Bắc”. Nghiện ăn chó phía Bắc cũng có phần nặng hơn. Bởi thế, truyện ngắn kinh điển “Trẻ con không được ăn thịt chó” của Nam Cao mới ra đời ở làng Đại Hoàng tỉnh Hà Nam; Và sau năm 1975, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới bị chế lời thành “Từ Bắc vô Nam tay cầm cái cây/ Tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy …”
Lừng danh phố chó một thời ai cũng biết, là khu Nhật Tân, hoa đào theo mùa còn thịt chó quanh năm. Những năm đầu thập kỷ chín mươi, từ Tây Nguyên lần đầu ra Hà Nội, ngỡ ngàng tôi đi trên mặt đê sông Hồng mà chẳng thấy sông đâu, vì cả dãy phố giăng kín biển quảng cáo thịt chó: “A, Chó đây rồi”, “Cầy tơ chính hiệu”, “Mộc tồn xứ Bắc”, “Chó tươi xin mời”… đến hoa cả mắt. Không ít lần mấy ông anh đồng nghiệp còn xăng xái lôi cô em vào “siêu thị thịt chó Hà Thành” để giới thiệu “tinh hoa ẩm thực Bắc kỳ”. Ôi chao mịt mù khói lửa hun, thui. Tiếng bằm chặt, hô hào cụng ly “dzô dzô” liên tu bất tận. Tò mò tôi hỏi, chủ quán vừa vung dao vừa trả lời gọn lỏn: Mỗi ngày quán tớ bán hai trăm con!
Một cửa hàng chó bên đường ở Hà Nội- Ảnh Như ÝNhững em bé kinh sợ cảnh này- Ảnh Như Ý
Tưởng vậy đã quá ghê! Ai dè có lần tôi được mời về thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) chơi sau tết. Cách Hà Nội hơn 30 km, chẳng biết từ bao giờ, cả cái thôn bảy, tám nghìn dân ấm no bằng nghề thủ công truyền thống này cứ vừa xong Tết Nguyên đán là nhà nào nhà nấy đều mở tiệc sum họp đầu năm bằng một mâm thịt chó tú hụ nhằm đổi vị và … lấy may (!) Để gom đủ 3-4 tấn thịt chó cho cả thôn Yên Trường ăn nhậu rôm rả mùng 4 tết, cánh lái chó đã phải lùng sục khắp nơi, kìn kìn chở về hàng nghìn con chó. Đêm lạnh, tiếng chó tru rền rĩ than oán nghe mà thất kinh.
Những chú chó bất hạnh chờ ngày bị giết- Ảnh Liên minh bảo vệ chó Châu Á
Nghiệp chướng ngất trời
Ăn thế thì chó nào đẻ cho kịp ?! Vậy là tòi ra nghề lái chó xuyên biên giới, rồi nảy ra nạn trộm chó, bả chó náo động từ phố sá tới làng quê. Nhiều chủ quán bất lương sẵn sàng thu mua bất cứ loại chó nào mà bọn trộm chó đem tới. Cách đây mới mấy năm, cả nước còn lắm phen hãi hùng khi báo chí phanh phui hàng loạt vụ “tân trang” các loại chó chết vì bệnh, chết vì bị đánh bả của những tay chuyên làm món nhậu táng tận lương tâm. Họ mua rẻ hoặc nhặt xác chó bị vứt ngoài bãi rác về, đào hố lấp qua đêm cho tan bớt mùi hôi thối. Xong lại lôi lên thui lông, mổ bụng, dội nước, chặt miếng, tẩm ướp đủ thứ gia vị thơm nồng rồi chiên, nướng, xào lăn… Bợm nhậu đã “sương sương” rồi thì đĩa mồi bê thêm từ chó chết hay chó sống, với họ nào khác gì nhau ?!
Hình ảnh dã man khiến du khách bỏ chạy- Ảnh LMBVCCA
Tôi từng ngỡ chỉ “dân ta” mới coi “cầy tơ nhựa mận, lá mơ củ riềng” là món quốc hồn quốc túy. Té ra tới lúc có dịp nhìn sang các nước láng giềng châu Á, rồi châu Phi, thậm chí châu Âu, châu Mỹ, ngay tại những quốc gia văn minh, nổi tiếng yêu quý động vật như Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, số người sẵn sàng ăn thịt chó vẫn không hề ít. Khác chăng, là họ không ăn kèm mắm tôm, lại kiểm soát nghiêm ngặt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, và ban bố những quy định tỉ mỉ về cách làm thịt con vật thế nào để chúng ít đau, nhân đạo hơn thôi.
Vì vậy, tự bao đời rồi, mọi lời kêu xin tha mạng loài chó hay hô hào ngừng ăn chó nhằm ngăn chặn bệnh dịch cũng chẳng được mấy người quan tâm. Thậm chí kêu không đúng chỗ còn bị nện, bị mắng đạo đức giả như chơi. Chẳng những cả triệu Phật tử sau mỗi buổi lên chùa hương khói vẫn cứ ăn thịt chó, mà đến số “sư giả cầy” coi tu hành chỉ là một nghề kiếm sống, hễ cất áo nâu sòng lại sà vào mâm lá mơ nhựa mận cũng không là hiện tượng quá hiếm hoi.
Nhiều người biết tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng cả về hát quan họ và đặc sản thịt chó. Tuy nhiên, tỉnh này lại có một làng mà hầu hết con cháu họ Nguyễn trong làng đều không ăn thịt chó, cũng không hát quan họ. Đó là làng Đại Phúc, nay là phường Đại Phúc, quận Quế Võ. Anh Nguyễn Hồng Vĩnh, phóng viên ảnh của báo Tiền Phong kể: Tục lệ này có từ thời Cụ tổ Nguyễn Phúc Xuyên (1613-1696), người có đền thờ danh nhân văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng di tích từ năm 1988. Cụ Nguyễn Phúc Xuyên thông tuệ, am tường đạo lý nhà Phật, chuyên làm thuốc chữa bệnh cứu người, sau khi chữa khỏi bệnh cho chúa Trịnh thì được chúa Trịnh ban sắc hiệu Bồ Tát.Từ đó, Cụ dặn dò con cháu không được ăn thịt chó, không hát quan họ. Điều Cụ di huấn cả dòng họ Nguyễn làng Đại Phúc đến nay vẫn truyền đời ghi nhớ, không quên.
Vào bảo tàng tìm hiểu sử Việt, ai cũng có thể thấy trên bề mặt một số di vật đồ đồng văn hóa Đông Sơn từ 2.500 năm trước Công Nguyên tới sau Công Nguyên, hình chó đã được chạm khắc rõ nét: chó giúp người săn hươu, chó cùng lên thuyền với chiến binh, người đứng thân mật vuốt lưng chó v.v.. cho thấy từ xa xưa, chó đã là bạn không thể thiếu trong đời sống người Việt. Nhiều công trình tâm linh như đền, miếu, lăng mộ cũng thường đặt tượng chó đứng canh cổng. Trong 12 con giáp, giờ Tuất vào khoảng từ 19-21 giờ, tương ứng với lúc chó phải tỉnh táo trông nhà cho người yên tâm nghỉ ngơi.
H.T.N.
***
Kỳ II-Giã từ thịt chó
Hoàng Thiên Nga
Thói quen xấu dù có in sâu tới đâu vào tiềm thức, cũng sẽ có ngày phai nhạt hay bị loại trừ. Thú ăn thịt chó cũng không ngoại lệ. Thực tế cho thấy sự cảnh tỉnh tín đồ bền bỉ từ các bậc chân tu; sự đấu tranh kiên trì, ngày càng quyết liệt của các tổ chức Bảo vệ động vật trên toàn thế giới; sự văn minh dần lên của cộng đồng xã hội đã đến lúc lay động được lòng người.
Phố thịt chó đìu hiu- Ảnh Như Ý
Làn sóng tẩy chay lan rộng
Qua thời đói khổ, trẻ em bắt đầu khóc thét ghê sợ khi thấy cha mẹ làm thịt chó. Du khách kinh dị quay lưng trước những kệ bàn chất đầy thân chó chín thui. Rỉ rả từ đâu đó lan ra vô số chuyện rợn người về nhân quả báo ứng với những kẻ chuyên giết chó đẫm máu sát sinh v.v… Hàng loạt nguyên nhân cộng hưởng đã tạo nên cả làn sóng tẩy chay thói quen ăn thịt chó khắp các quốc gia.
Hàn Quốc, nơi mỗi năm có hơn 2 triệu con chó bị thịt, tháng 4/2018 mới đây, trước sức ép của Care- Tổ chức bảo vệ quyền động vật, lần đầu tiên đã phải mở phiên tòa luận tội một chủ trang trại chó thịt. Hội đồng xét xử tuyên: “Với các tội danh giết hại động vật không có lý do chính đáng, vi phạm luật xây dựng và vệ sinh, bị cáo phải nộp phạt 3 triệu won!” (khoảng 60 triệu VNĐ). Mặc đám đông hò hét phản đối sự nghiêm khắc chưa từng có án lệ ở đất nước nghiện thịt chó này, nghị trường đã xuất hiện bản đệ trình điều luật cấm thịt chó, còn đại diện tổ chức Care thì mạnh mẽ tuyên bố sẽ tiếp tục khởi kiện tương tự, với nhiều trang trại nuôi chó và các cơ sở giết thịt trên khắp Hàn Quốc.
Trước đó, tháng 4/2017 Đài Loan cũng đã ra lệnh cấm người dân ăn và buôn bán thịt chó mèo. Ai vi phạm sẽ bị công khai tên tuổi và hình ảnh. Đạo luật Bảo vệ Động vật của Đài Loan bổ sung thêm chế tài người ăn thịt chó mèo, tùy tính chất và mức độ vi phạm có thể phải nộp phạt từ 50.000 – 250.000 Đài tệ (38 – hơn 190 triệu VNĐ).
Tròn 10 năm trước, Trung Quốc đã có lệnh cấm bán thịt chó trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh 2008, trước hàng vạn quan chức, du khách quốc tế ác cảm với thịt chó. Năm 2016 các nhà vận động cho quyền vật nuôi ở Trung Quốc đã thu thập được tới 11 triệu chữ ký ủng hộ bản kiến nghị phản đối thịt chó. Thành phố Ngọc Lâm (tỉnh Quảng Tây) vốn có truyền thống lễ hội thịt chó náo nhiệt với những đoàn xe nghễu nghện chất đầy các lồng nhốt chó, tự cho là sự kiện thú vị níu chân du khách. Trước sức ép dữ dội của các tổ chức bảo vệ quyền của động vật, ngày 17/5/2018 cũng đã phải ban hành lệnh cấm tiêu thụ thịt chó tại tất cả các nhà hàng, địa điểm buôn bán và họp chợ suốt thời gian lẽ ra tổ chức lễ hội phản cảm này, vào tháng 6 hằng năm.
Indonesia từng gây kinh dị bằng hình ảnh thui chó bằng đèn khò trước mắt nhìn thản nhiên của thực khách trên hàng trăm đảo lớn nhỏ. Nhưng từ tháng 8/2018, chính phủ đã ban hành quy định cấm bán thịt chó nhằm chặn tình trạng lây lan bệnh dại, và vì phản ứng dữ dội của nhiều du khách dọa tẩy chay ngành du lịch nước này.
Cứu chó từ Á sang Âu
Tại Anh, chính quyền của Thủ tướng Theresa May cũng bị các tổ chức dân sự , đặc biệt là Liên minh Chó Thế giới (WDA) gây sức ép về việc cần ra lệnh cấm ăn thịt chó hoàn toàn trên khắp nước Anh, đặc biệt lưu ý đến các đối tượng nhập cư đã lây nhiễm thói quen ăn thịt chó từ châu Á sang châu Âu.
Liên minh Bảo vệ Chó châu Á ghi nhận: Vụ giải cứu chó lớn nhất tại Thái Lan là vào năm 2012 với hơn 1200 chú chó may mắn thoát khỏi đường dây buôn lậu, giết mổ được đưa về trạm cứu hộ Buriam và Soi Dog Phuket. Tại đó, chúng được tiêm phòng các loại bệnh dịch, triệt sản, kiểm tra, theo dõi sức khoẻ, được chăm sóc về mặt tinh thần, làm quen lại với con người để sớm hoà nhập lại với cuộc sống và được các gia đình nhận nuôi. Làng Tha Rae ở Thái Lan từng là tâm điểm của những lò giết mổ, buôn lậu chó. Sau những nỗ lực ngăn chặn của chính quyền, ngày nay phần lớn công nhân làm thuê cho những lò mổ này đã bỏ nghề, quay về làm nông.
Nhiều nước có ăn thịt chó khác như Thụy Sĩ, Ấn Độ, Đông Timor, Nigeria, Triều Tiên, Philippines, Burkina Faso, Ghana v.v… cũng đang lan rộng phong trào bài trừ thịt chó, nhen nhóm bởi các nhóm bảo vệ quyền động vật ngày càng lôi cuốn đông đảo các thành phần xã hội gia nhập tổ chức.
Mới đây, ngày 12/9/2018, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó mèo ở Mỹ, do 2 hạ nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đề xuất. Một trong những điều khoản của dự luật quy định việc giết mổ, vận chuyển, mua bán chó, mèo hoặc biếu tặng bộ phận cơ thể của chúng làm thực phẩm là bất hợp pháp, với mức phạt đề nghị tới 5.000 USD. Nhà Trắng cũng đã chuẩn y nghị quyết thúc giục các quốc gia khác được vận động cấm người dân ăn thịt chó mà không ngại bị trừ điểm nhân quyền, được Quỹ Pháp lý Hội Bảo vệ Động vật nhiệt liệt hoan nghênh.
Từ đầu năm 2018, hai thành phố tiêu thụ nhiều thịt chó nhất nước ta là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu phát động bài trừ thịt chó bằng công văn vận động những người kinh doanh thịt chó mèo chuyển đổi ngành nghề, vận động cán bộ Đảng viên đi đầu làm gương từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, cùng cộng đồng phòng chống bệnh dại và nhiều loại bệnh truyền nhiễm liên quan.
Lập tức, diễn đàn của các hội yêu chó mèo nồng nhiệt hưởng ứng, vận động toàn dân ủng hộ chủ trương bài trừ thịt chó. Không chỉ trong giới chay trường, mà cả những người thuộc phe ăn mặn cũng ra sức kêu gọi phải coi chó là bạn quý, là thú cưng. Tất nhiên cuộc cách mạng nào cũng vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Dân nhậu người ngấm ngầm, kẻ lên mạng công khai phản đối. Nào khêu gợi “hễ nghe ai nhắc gì tới chó cũng vẫn cứ thấy thèm, nhất là thịt luộc rau mơ chấm mắm tôm”; nào lý sự “nếu con người không ăn thịt chó, thì hàng trăm tấn chó sẽ bỏ đi đâu ? ”…
Thực tế, thì đình đám cỡ như “phố chó Nhật Tân” mà còn phải lẳng lặng biến mất, và số hàng quán “Mộc tồn”, “Cầy tơ”, “Chó tươi” trên mọi nẻo đường đất nước vẫn cứ đang dần dà vắng bóng, cho thấy dù đám đông nghiện thịt chó tới cỡ nào đi nữa, thì bài trừ thịt chó vẫn cứ là xu thế khó cưỡng, hợp lý hợp tình, khả thi và tất yếu.
Phố chó đìu hiu- Ảnh Như ÝNghề buôn và thịt chó thời thất bát-Ảnh Như Ý
H.T.N.
***
Kỳ III – Nơi chó là… bé cưng
Hoàng Thiên Nga
Khởi nghiệp bằng nghề nuôi chó cảnh, chó chiến đang là trào lưu hấp dẫn với nhiều bạn trẻ yêu chó. Hầu hết chủ các trang trại chó thành danh đều công nhận chó đang đem lại cho họ khoản thu nhập đáng kể và những ngày sống trong trẻo, khỏe khoắn, đầy niềm vui.
Bé cưng của mỗi gia đình
Năm 2011, trang Facebook riêng giành cho Beast ra đời, mở đầu cho trào lưu khoe chó qua mạng xã hội trên toàn thế giới. Beast là cún cưng của Mark Zuckerberg- người sáng lập kiêm CEO Facebook, chẳng bao lâu đã nhận được hơn 2 triệu lượt like.
Còn trên Instagram, chú chó Menswear nghiễm nhiên là “Sao Chó Thời Trang”. Được chủ nhân chưng diện ngất trời với đủ thứ trang phục kèm phụ kiện ton sur ton “nhìn là ghét”, tới nay Menswear Dog đã có tới 356 nghìn fan hâm mộ theo dõi.
Giới trẻ khoái những trang mạng khoe chó, mê chó hấp dẫn, đã trở thành lực lượng cực kỳ lợi hại trong việc thuyết phục các bậc phụ huynh từ bỏ ngay thói quen ăn thịt chó, đồng thời thúc đẩy các trại nhân giống, mua bán chó cưng, chó quý mọc lên khắp nơi.
Nước mình, trong Nam ngoài Bắc, giờ đã có hàng trăm trang trại nhân giống các loại chó đẹp, chó lạ, chó quý đủ các quốc tịch, giống loài, tiền nào của nấy, hiếm mấy cũng lùng ra. Từ nhỏ tí teo như loài Chihuahua gốc Mexico có thể đứng lọt thỏm trong cốc bia, mỗi bé giá vài triệu, đến loài Ngao Tây Tạng khổng lồ đứng cao ngang đầu người từng được hét giá cả tỉ đồng mỗi con, nay chỉ một hai chục triệu là đã có thể chở về.
Dù là loài chó gì, thì ở những trang trại này, chúng cũng được trân quý như vua, tô điểm như công nương, cưng chiều như hoàng tử. Thứ nhất, vì chủ trang trại nào cũng là người cực kỳ mê chó. Thứ hai, vì chúng đem lại mức lợi nhuận đáng mơ ước cho bất cứ thanh niên yêu động vật nào. Trò chuyện với nhiều chủ trang trại chó, tôi nhận ra ông chủ nào cũng đang sống hào hứng và vui vẻ.
Hạnh phúc với chó
Anh Phạm Minh Tuấn ở xã Tà Nung ngoại thành Đà Lạtnăm 2013 mua được chú chó Alaska đầu tiên, nuôi được mấy tháng đã bị kẻ gian trộm mất. Vợ chồng anh khóc đã rồi lại vay tiền cha mẹ mua cặp chó khác. Qua mấy phen lên bờ xuống ruộng vì chó, tới nay vợ chồng anh đã trở thành chủ một trại Alaska lớn, thường xuyên duy trì khoảng 30 chó bố mẹ và hậu bị, thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Một trong những loài chó quý đã được nuôi phổ biến khắp Việt Nam, là Becgie. Giới chơi chó Đức thuần chủng phía Bắc đều biết tiếng Trại chó Becgie Sơn Tây của Vũ Đỗ Tuấn Kiệt, 28 tuổi. Cởi mở trò chuyện với tôi, Kiệt xác nhận trại chó gây dựng được 7 năm của anh cho thu nhập mỗi năm khoảng một tỉ rưỡi. Vì kinh doanh đa ngành nghề nên với Kiệt “đây chỉ là nghề tay trái nhưng đam mê nên không bao giờ bỏ”. Hiện trại đang có khoảng 40 chó bố mẹ, trong đó có 6 con anh nhập trực tiếp từ Đức, giá bình quân 250 triệu đồng/con tính cả tiền dịch vụ chuyên chở.
Tuấn Kiệt với một chú chó Becgie Đức
Dáng vẻ cực ngầu, tính nết hung dữ nhưng nhạy bén và kỷ luật, rất kén người chơi, là loài Dobeman tai vểnh thường được luyện thành chó nghiệp vụ cảnh sát. Sinh năm 1986, Nguyễn Hoàng là chủ trại chó Doberman đầu tư sang chảnh trị giá cả chục tỉ đồng ở Sân bóng Đền Lừ 3 (hồ Đền Lừ, Đông Mai, Hà Nội), với hơn 10 chó doberman trưởng thành và nhiều chó con thuần chủng.
Đường nét dữ dội của chó Doberman
Kỹ năng chăm nuôi và luyện chó cực chất của Nguyễn Hoàng được chứng minh bằng thành tích của chú chó mang tên Marbo Milord Di Altobello. Mới nhất, là giải vàng Championship Dogshow tháng 3/2018 toàn quốc. Hoàng kể: “Khi xem bộ phim về loài chó Doberman nổi tiếng thế giới, em lập tức say mê nên ra sức lùng sục. Rốt cục đã mua được chú Marbo có gia phả lẫy lừng từ Serbia về với giá 180 triệu đồng. Năm 2011, cái giá ấy không hề nhỏ, nhưng tiền nào của ấy, chị ạ!”. Hoàng cho tôi xem các giấy chứng nhận Marbo Milord Di Altobello liên tục đoạt danh hiệu vô địch chó đẹp Việt Nam suốt từ năm 2014 tới nay.
Nguyễn Hoàng với chú chó Doberman vô địch từ 2014 tới nayTừ năm 2014 chó của Nguyễn Hoàng đã vô địch VNGiám khảo toàn Tây trong một cuộc thi chó Doberman năm 2015Giấy tờ xác nhận giống chó ở trại chó anh Nguyễn HoàngTập luyện với chó Doberman nhập từ Serbia với giá 180 triệu tại trại chó của Nguyễn HoàngVừa tập vừa chơi để hiểu tính nhau
Nhiều người yêu thích chó cưng nũng nịu, thường chọn mua chó Pug mặt xệ, nhỏ nhắn nhưng ồn ào và vui vẻ. Cũng rất xinh xẻo, là loài phốc hươu dáng vẻ oai vệ, thân hình toàn cơ bắp chắc nịch. Gần giống phốc hươu mà lớn hơn, loài chó Phú Quốc nhanh nhẹn thông minh “made in Việt Nam” được dân sành chơi chó khắp thế giới đánh giá cao. Vốn quen sống trong môi trường biển đảo hoang dã, khẩu phần ăn của chó Phú Quốc không thể thiếu hải sản, cá, tôm, cua, sang chảnh không kém các loài chó quý tộc của Tây, Tàu.
Chó và người nuôi nhau
Cách Đà Lạt 10km có nông trại chó đầu tiên ở Việt Nam, mang cái tên rất Tây: Black Rock Garden. Trên diện tích khoảng 5000m2 phân thành nhiều khu vực: Nơi chăm sóc chó, gian hàng khách ngồi giải khát ngắm chó chờ đến lượt, sân chơi cho chó và người, vườn hoa cảnh và khu cắm trại lộ thiên qua đêm.
Nông trại chó đầu tiên ở Đà Lạt
Ngôi sao của nông trại là 50 em chó nhiều loài, lông xù, lông mượt, chân dài, chân ngắn, cao vồng lừng lững hay lũn cũn bé bỏng như Alaska, Corgi, Akita, Collie, Gloden, Dob…. Được chăm chút thơm tho, dạy dỗ cẩn thận, em nào cũng “vô cùng kute”, rất thân thiện, thích đùa giỡn và bồng bế. Giá vé 70 nghìn/người lớn, 50 nghìn/trẻ em bao gồm 1 phần nước uống. Gia đình hay nhóm bạn nào tới đây khoái quá không muốn về có thể thuê một chiếc lều ngủ qua đêm kèm phần ăn sáng miễn phí.
Trẻ em chơi với chó ở Black Rock GardenChơi thôiÂu yếm
Chủ Black Rock Garden là Lê Minh Trí, 24 tuổi, ăn chay trường, cần mẫn lao động như 5 công nhân khác. Trí chia sẻ : 6 năm trước, đang làm thuê thì Trí được anh bạn xuất cảnh bán rẻ cho một chú chó đực Alaska. Tiếp đó, như mối duyên lành, một người bạn khác lại nhờ Trí nuôi giùm cô chó Alaska nữa. Loài chó xù cao lớn tuyệt đẹp, thông minh khiến Trí càng nuôi càng mê mẩn. Chó đẻ lượt nào Trí cũng được chia. Anh gây đàn dần lên từ đó.
“Mỗi lượt chó đẻ, phải bán con của nó đi để lấy tiền nuôi lại đàn chó, em xót lắm. Một lần ngồi trong quán cà phê chó ở Thái Lan, em nghĩ ra mô hình này, về bắt tay vào làm, không ngờ… trúng lớn. Mở nông trại chó, em vừa thỏa thú đam mê nuôi chó, đem lại niềm vui cho mọi người, lại có nguồn thu nhập tốt đủ để chó với người thoải mái nuôi nhau. Sắp tới em sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, nhân đàn, dự kiến đến cuối năm 2019 tại đây sẽ có khoảng 150 chó cảnh các loại, tha hồ cho du khách bế bồng và chụp ảnh tự sướng.”- Trí vui vẻ kể.
Em chào chị Nga,
Em rất ngưỡng mộ và khâm phục chị, em mong trong xã hội sẽ có nhiều người dám đứng ra bảo vệ công lý. Em xin chúc chị luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.
Em có một thắc mắc nhỏ là nếu muốn góp ý những vấn đề xã hội cho báo Tiền Phong thì làm như thế nào ạ. Em mong tin chị. Cám ơn chị rất nhiều.
Hoang Thien Nga qua Hien ngang, qua hung dung ….minh nguong mo HTN
ThíchThích
Em chào chị Nga,
Em rất ngưỡng mộ và khâm phục chị, em mong trong xã hội sẽ có nhiều người dám đứng ra bảo vệ công lý. Em xin chúc chị luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.
Em có một thắc mắc nhỏ là nếu muốn góp ý những vấn đề xã hội cho báo Tiền Phong thì làm như thế nào ạ. Em mong tin chị. Cám ơn chị rất nhiều.
ThíchThích