Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất – 5 kỳ

***

Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng

 42 THANH NIÊN

Bị tù oan hơn 3 năm 9 tháng, 8 người trong một gia đình được thả nhưng chỉ duy một người có quyết định đình chỉ điều tra.

Ông Nguyễn Văn Dũng và 7 người đang mang thân phận bị can /// Ảnh: Lam Ngọc
Ông Nguyễn Văn Dũng và 7 người đang mang thân phận bị can ẢNH: LAM NGỌC

Suốt nhiều năm qua, họ gõ cửa đủ mọi nơi mong được minh oan, được trả lại quyền công dân nhưng kết quả là sự im lặng hoặc từ chối của cơ quan trực tiếp liên quan.

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng - ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Dũng

Gần 40 năm trước, 3 gia đình với 11 người đang yên ấm bỗng tan nát bởi bị nghi liên quan đến “vụ cướp năm chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh). Cuộc vây bắt rồi nhục hình lúc ấy đã làm cho những nạn nhân trượt dài vào ngõ cụt cuộc đời…

“Họ bảo nếu không nhận thì họ bắn”

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng - ảnh 2
Ông Hồ Long Chánh

Đêm 26.7.1979, vợ chồng ông Hồ Long Chánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan ngồi trong nhà bàn tính việc ngày mai bắt đầu công việc bán bánh mì sao cho suôn sẻ. Trước đó, nhà ông Chánh ở quê vừa cháy, vợ chồng ông đành phải về quê vợ ở ấp Bùng Binh hẻo lánh kiếm kế sinh nhai. Vừa động viên chồng, bà Lan vừa gói ghém vài thứ đồ đạc và không quên quấn kỹ con dao Thái Lan mới mua lúc chiều dành để cắt bánh mì bỏ vào giỏ rồi giục chồng đi ngủ.

Đặt mình xuống giường chưa được bao lâu thì vợ chồng ông nghe tiếng đập cửa. Mở cửa, ông Chánh đã bị ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt rồi tiếng mấy người đàn ông quát ông là cướp; họ bẻ gô tay ông dẫn lên nhà máy xay lúa của ông Nguyễn Văn Đơ, người vừa kêu bị cướp 5 chỉ vàng khoảng 30 phút trước. Tại nhà máy xay, sau những màn đấm đá đổ lên người là hàng loạt câu hỏi mà ông Chánh không thể hiểu: quá trình cướp vàng như thế nào, băng nhóm gồm những ai, vàng cướp được cất giấu ở đâu…

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan

Ông Chánh cố trình bày với những người hỏi cung là ông mới về quê vợ “ăn nhờ ở đậu” nên ngoài một vài người thân bên vợ ông không quen biết ai để kết băng nhóm đi cướp vàng. Nhưng lời của ông không được lắng nghe. Nhóm người kia dẫn ông ra bìa rừng tiếp tục còng tay, tra khảo rằng có phải ông kết hợp với ông Nguyễn Văn Chiến (em vợ) để lấy vàng rồi tẩu thoát bằng đường sông không. “Họ bảo nếu không nhận thì họ bắn”, ông Chánh hồi tưởng và bảo lúc đó ông đã nghĩ “mình chắc chết, chắc bỏ lại đứa con vừa thành hình 5 tháng trong bụng vợ”.

Người lính thăm nhà bị vạ lây

Cùng lúc ấy, cách đó khoảng 500 m tại nhà em vợ ông Chánh là ông Nguyễn Văn Chiến, mọi người đang quây quần bên nồi cháo gà mừng ông Nguyễn Văn Dũng (em vợ ông Chánh) là quân nhân ở chiến trường Campuchia về thăm nhà. Tin vui là sau lần về này, ông Dũng sẽ được thăng quân hàm từ trung sĩ lên thượng sĩ. Lại có thêm người em vợ ông Chiến cùng tên Nguyễn Văn Dũng (nhỏ), là du kích xã xong việc ghé thăm. Mấy anh em lâu ngày gặp lại chuyện trò rôm rả. Bỗng nghe tiếng bước chân dồn dập; mấy bóng người ập tới. Ông Chiến nhận ra có người quen làm ở ấp đội. Đêm hôm đó, thêm ông Chiến và hai ông Dũng bị bắt.

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng - ảnh 4
Ông Nguyễn Văn Chiến

Riêng ông Dũng (lớn) khi bị bắt cứ nghĩ người ta nghi mình đào ngũ. Tới khi bị giải lên trụ sở xã, ông mới biết bị bắt vì nghi tội ăn cướp. Ông phản kháng, yêu cầu những người bắt ông phải chuyển ông qua quân pháp vì mình đang chấp hành lệnh của đơn vị về VN lấy tài liệu phục vụ huấn luyện. Ông bảo mình vừa về tới nhà chiều 26.7.1979 (ngày xảy ra vụ cướp) thì làm sao có chuyện kéo bè kết băng đi ăn cướp được… Thế nhưng, không ai để tâm đến lý lẽ của ông.

Sau khi ông Chánh, ông Chiến và hai ông Dũng bị bắt, đến lượt ông Nguyễn Thành Nghị (bộ đội phục viên, cha của ông Dũng nhỏ) cũng bị công an tới đưa đi. Ngày hôm sau, bà Võ Thị Thương (mẹ của ông Dũng nhỏ) tất tả chạy xuống đơn vị của chồng nhờ người cứu giúp. Tuy nhiên, khi bà đi mới được nửa đường thì người thân đạp xe theo gọi giật về vì công an tới nhà tìm. Về tới sân nhà, bà bị họ còng lại, tra vấn việc giấu vàng ở đâu. Rồi họ đẩy bà lên chiếc xe Jeep, tiếp tục đi “gom” thêm hai người phụ nữ khác là bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến) và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Chánh).

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng - ảnh 5
Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ)

Đáng thương là hai người phụ nữ này đều đang có con nhỏ. Con bà Nguyễn Thị Lan mới sinh được 2 tháng rưỡi. Từ lúc bị đưa lên xe Jeep, đứa bé cứ khóc mãi tới khi người tím tái. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cứ lịm dần vì đang thai 5 tháng mà tay bị còng chặt. Ngoài đứa con trong bụng, sau đó, bà còn phải dẫn đứa con gái mới tròn 8 tuổi vào ở trong tù bởi không thể nhờ vả ai nuôi…

Nghẹn ngào bi kịch

Bà Nguyễn Thị Cảm, em gái ông Nguyễn Văn Chiến, kể lại sau khi chứng kiến cảnh các anh trai mình bị bịt mắt trên chiếc xe Jeep vụt ngang qua về hướng công an huyện, bà đã tìm hiểu lý do vụ bắt. Sau khi về nghỉ phép, tối 26.7.1979 ông Dũng tới nhà ông Chiến chơi. Nhà ông Chiến nằm cạnh mé sông, là nơi nhóm cướp ở nhà máy xay xát chạy qua, nên khi truy đuổi lực lượng công an thấy nhà ông Chiến còn sáng đèn đã vào lục soát. Cũng cái đêm định mệnh đó, em vợ ông Chiến cũng tên Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), dân quân xã, sau khi đi tuần về thì tới chung vui, nhậu mệt quá nên nằm ngủ và ôm cây súng M16 mang theo khi đi tuần. Người bị cướp thì khai bọn cướp có súng M16, dao loại thường… Đây chính là lý do mà ông Chánh và cả những người có mặt tại nhà ông Chiến đêm hôm đó bị bắt vì vừa có súng M16, vừa có dao…

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng - ảnh 6
Ông Nguyễn Thành Nghị

Với gia đình bà, sau đó là chuỗi ngày đầy tủi nhục khi đi đâu cũng bị ghẻ lạnh vì “có cả nhà đi ăn cướp”. Đau lòng hơn, người chồng rồi cũng buồn bực, rượu chè có khi hắt hủi, đánh đập bà.

Bi kịch của gia đình bà Cảm bị đẩy lên đỉnh điểm khi cha bà, ông Nguyễn Bá Tòng (khi đó 53 tuổi), chứng kiến 5 đứa con trai, gái, dâu, rể cùng 3 cháu nội ngoại phải vào tù, nên quẫn bách tìm cách đi nói chuyện “phải quấy” với những cán bộ có liên quan, để phải vào vòng lao lý. Dù chưa thực hiện được hành vi gây hấn, ông đã bị tố giác tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và bị kết án

3 năm tù. Thời điểm ông Tòng bị kết án tù cũng là lúc các con ông bị tạm giữ điều tra được 2 năm. Ngày đầu tiên vào nhà lao, ông được đưa vào đúng phòng của con mình là ông Dũng. Ông Dũng kể, ba chụp lấy tay tôi, nước mắt giàn giụa, nấc lên: “Con ơi, nhà mình đã hết phúc. Các con bị bắt oan, ba không kìm lòng được nên tính tìm thằng Tiết (ông Phùng Văn Tiết, nguyên điều tra viên Công an H.Trảng Bàng – PV) đòi lại công lý cho con nhưng chưa làm được gì thì bị bắt”, ông Dũng nghẹn ngào nhớ lại lần duy nhất gặp ba trong tù.

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng - ảnh 7
Bà Võ Thị Thương

Cùng gia đình ông Nguyễn Bá Tòng có tới 8 người vào tù, bi kịch cũng ập tới gia đình ông Nguyễn Thành Nghị. Do không chịu nổi tra khảo, ngoài việc nhận tội, con trai ông Nghị là Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ, khi bị bắt mới 18 tuổi) còn khai thêm cha mẹ mình là đồng phạm. Lý lẽ ngây thơ của Dũng lúc đó cứ khai bừa để khỏi bị đánh cái đã. Dũng nghĩ cha mẹ đều hoạt động cách mạng, cha còn là bộ đội phục viên mới về, cứ khai ra biết đâu cha sẽ có cách cứu mình. Nhưng Dũng đã sai lầm, bởi sau khi khai ra, lập tức cha mẹ ông đều bị bắt và chính ông phải chứng kiến cảnh cha bị đánh vì tội… không chịu nhận tội như con mình trước đó.

Thấy cha bị đánh, Dũng lại đi đến quyết định sai lầm khi ra hiệu cho cha nhận tội để còn có cơ hội được sống. Nhưng càng nhận tội thì cha con ông càng bị đánh vì không chỉ ra được chỗ giấu 5 chỉ vàng. Bây giờ đã 57 tuổi, nhớ lại những ngày kinh hoàng đó, ông Dũng luôn tự trách mình vì sao lại khai khống ra như vậy.

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 1: Ký ức đêm kinh hoàng - ảnh 8
Bà Nguyễn Thị Lan

Còn ông Nguyễn Văn Chiến cũng không chịu được quá trình tù tội, đã khai đưa vàng cho vợ cất, đẩy bà Nguyễn Thị Lan – vợ ông – phải ôm con mới sinh hơn 2 tháng vào tù. Từ lý do này mà về sau vợ chồng ông cứ mãi hục hặc, cuối cùng dẫn đến ly hôn. Ông Chiến nhận lỗi: “Tôi biết mình là kẻ tội đồ khi đẩy vợ con vào bi kịch khủng khiếp”. Trong trí nhớ của anh em ông Chiến bị bắt hồi đó, với vẻ bề ngoài hom hem ốm yếu, ông Chiến như một “cái bia hứng đòn roi” được đưa ra để ép những người khác nhận tội. Kết quả, sau những ngày khảo cung, tai ông Chiến điếc đặc, đầu lúc nào cũng đau, lúc trái gió trở trời là đôi chân đau nhức.

(còn tiếp)

***

Kỳ 2: May mà có ‘Bao Công’ Trịnh Quốc Anh

 28 THANH NIÊN

Ai là người đã dùng nhục hình với họ, ai ép họ nhận tội, ai đã đẩy 3 gia đình vào vòng lao lý… vẫn là một câu hỏi lớn mà tới tận hôm nay chưa được làm rõ…

Bà Thương cạnh di ảnh chồng là ông Nguyễn Thành Nghị và các con cùng bị bắt oan /// Ảnh: Lam Ngọc
Bà Thương cạnh di ảnh chồng là ông Nguyễn Thành Nghị và các con cùng bị bắt oan ẢNH: LAM NGỌC

“Vụ án cướp vàng” kéo dài 3 năm 9 tháng 14 ngày, tưởng bị lãng quên và những người bị án oan cứ thế mà sống kiếp tội tù. Nhưng mọi việc chợt thay đổi khi ông Trịnh Quốc Anh được luân chuyển từ tòa án về làm Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Sau khi tiếp nhận công việc mới, ông Trịnh Quốc Anh đã cùng các đồng sự lật lại hồ sơ nhiều vụ án. Kết quả, hàng chục vụ được kết luận oan sai, trong đó có vụ án cướp vàng tại nhà máy xay xát của ông Nguyễn Văn Đơ (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng).

40_nam_oan_khuat
7 người đang mang thân phận bị can ẢNH: LAM NGỌC

Đấu tranh quyết liệt để thả người

Đã hơn 3 năm từ ngày đại gia đình 8 người của ông Nguyễn Bá Tòng bị bắt, hầu hết các bị can đã cam chịu phận tù tội. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (con gái ông Tòng) nhớ lại, một ngày nọ có người đàn ông cao lớn xuất hiện ở phòng giam. “Đó là ông Trịnh Quốc Anh. Hôm đến nhà lao ông mặc chiếc áo măng tô đen, dáng người cao lớn, không quát nạt mà nhìn tôi bằng ánh mắt nhân từ. Ông kéo ghế ngồi đối diện với tôi và bảo kể hết sự thật. Ông nhắc nhở tôi một điều trước khi trình bày là có nói có, không nói không, chứ đừng thêm bớt một lời nào”, bà Lan kể.

“Tôi đánh liều kể chuyện oan khuất của cả gia đình. Tôi nói với ông rằng vợ chồng, anh em ruột thịt của tôi đã quá mệt mỏi, tuyệt vọng. Em trai tôi là thằng Chiến bị người ta đánh liệt hai chân mất sáu tháng không đi lại được; tai điếc đặc vì bị đánh, bị vỗ khi hỏi cung”, bà Lan nói và run run kể tiếp: “Ông ấy tiếp tục hỏi tôi vì sao không có tội mà lại nhận. Tôi kể thật với ông vì chúng tôi không thể chịu nổi đòn roi. Không thể chịu được cảnh người ta đánh anh, đánh em trước mặt nên đành phải nhận tội để giữ tính mạng và chờ đợi phép màu có ngày được giải oan”.

Nghe bà Lan kể xong, ông Trịnh Quốc Anh không nói gì nhưng gương mặt trở nên trầm mặc, suy tư, kèm một cái gật đầu. Khi bước ra, ông ngoái đầu nói với bà Lan một câu mà bà bảo “giờ nhớ lại tim vẫn đập thình thịch”, rằng: “Chị chuẩn bị đi”.

May mà có 'Bao Công' Trịnh Quốc Anh1
Bà Ngọc Lan cùng hai em trai là ông Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Dũng (bên phải ảnh) bị bắt oan do nghi cướp vàng

Sau này, mọi người mới biết, khi đó để làm rõ một số tình tiết, ông Trịnh Quốc Anh tìm tới nhà ông Hồ Thủy Trực (ba của ông Hồ Long Chánh, bị bắt trong vụ án) hỏi về tang vật 5 chỉ vàng của vụ án. Ba của ông Chánh đã mất cách đây một năm nên không thể trực tiếp kể cho chúng tôi về cuộc gặp muộn màng ấy, nhưng nhiều năm sau khi gặp ông Trịnh Quốc Anh, ông Trực vẫn luôn nhắc nhở con mình phải coi ông Trịnh Quốc Anh như một ân nhân.

Trong quyết định đình chỉ điều tra nêu rõ, ông Nguyễn Văn Dũng được trả ngay tự do sau khi nhận được quyết định; được trả lại tang vật hoặc tài sản kê biên (nếu có); được cấp một bản quyết định để làm chứng và “Yêu cầu cơ quan chủ quản hoặc địa phương phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho Nguyễn Văn Dũng…”. Thế nhưng, ngoài ông Nguyễn Văn Dũng, cả 7 người còn lại không hề có một quyết định nào cấp cho họ khi được đưa ra khỏi tù, nên thân phận bị can cứ đeo đằng đẵng với đủ thứ bi kịch ập xuống bản thân, gia đình, con cái suốt gần 40 năm qua, thậm chí có người như ông Nguyễn Thành Nghị đến khi chết vẫn đau đáu nỗi đau oan khiên.

Phần ông Nguyễn Văn Dũng, dù có quyết định đình chỉ điều tra thì việc phục hồi các quyền lợi hợp pháp cũng trầy trật đến tận bây giờ còn chưa ngã ngũ.

Ông Chánh thuật lại: “Sau khi tôi bị bắt ở xã Đôn Thuận, ba tôi nhận được thông báo của Công an H.Trảng Bàng là muốn chuộc tôi về thì mang 5 chỉ vàng xuống nộp. Dù nhà mới bị cháy, chẳng còn gì nhưng ba tôi vẫn đi vay mượn, gom góp đủ 5 chỉ vàng giao cho công an mong tôi được thả. Lúc nộp vàng ba cứ nghĩ tôi sẽ được thả luôn, nhưng không ngờ chỉ là tạm tha. Sáu tháng sau tôi bị bắt lại và 5 chỉ vàng của ba tôi nộp trở thành tang vật để kết tội tôi”.

Từ những ký ức của ông Chánh và bà Lan, chúng tôi tìm tới nhà ông Trịnh Quốc Anh ở TP.Tây Ninh, mong tìm hiểu toàn bộ câu chuyện. Tiếc là ông đã mất cách đây gần 20 năm. Dù vậy, vụ “đại án oan” phần nào được tái hiện qua lời kể của người con trai Trịnh Minh Quốc.

Ông Quốc bảo thường được nghe ba tâm sự về việc giải quyết những vụ án hóc búa khi làm Phó viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh, trong đó vụ cướp vàng ở nhà máy xay xát ông không thể quên. Theo ông Quốc, để đưa vụ án cướp vàng ra thẩm định và kết luận là cả một hành trình đầy căng thẳng. Nhiều hôm ông chứng kiến ba thức cả đêm nghiên cứu tài liệu, hồ sơ để xâu chuỗi chứng cứ, manh mối vụ án. “Ba nói với tôi vụ án này kéo dài quá thời gian cho phép mà không củng cố được chứng cứ và cụ thể được hành vi nên cần nhanh chóng kết luận, giải oan cho các bị can. Không để kéo dài thời gian giam giữ họ. Có lần tôi nghe ba nói phải đấu tranh với khối nội chính của tỉnh rất căng để thả những người này”.

Khẳng định bị dùng nhục hình

Và, ông Trịnh Quốc Anh đã ký quyết định đình chỉ vụ án. Quyết định đình chỉ dù muộn màng nhưng hết sức có ý nghĩa, giúp 8 người tù trở về với cuộc đời sau hơn 3 năm bị hàm oan, tù tội.

May mà có 'Bao Công' Trịnh Quốc Anh2
Quyết định đình chỉ điều tra nêu rõ vụ án bị nhục hình dẫn đến oan sai

Theo Quyết định số 15/KSĐT-TA ngày 11.5.1983 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, do ông Trịnh Quốc Anh ký, đình chỉ điều tra đối với bị can Nguyễn Văn Dũng, nội dung vụ án được nêu rõ: “Vào khoảng 23 giờ đêm ngày 26.7.1979 xảy ra vụ cướp có vũ trang, cướp tại nhà Nguyễn Văn Đơ, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Do Ấp đội và công an nghe Nguyễn Văn Đơ báo cáo, trong đám cướp ngoài súng M16 – Carbine và súng ngắn, ngoài ra còn có con dao loại trắng thường sử dụng bán bánh mì. Công an Ấp và Ấp đội nghi vấn là tên Hồ Long Chánh, có con dao loại này, nên chỉ sau 30 phút xảy ra vụ cướp đã bắt ngay Hồ Long Chánh để điều tra qua ấp, xã hăm dọa và công an đánh Chánh, nên Chánh đã nhận và khai thêm cho Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Thành Nghị, xã bắt tiếp những người này. Sau đó đưa về công an huyện điều tra đã nhục hình họ, buộc họ phải nhận tội cướp lấy tài sản của anh Đơ đem về cho vợ con họ cất giấu, và cơ quan điều tra lại bắt tiếp vợ con họ là Nguyễn Thị Lan, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan, cũng nhục hình buộc họ nhận có cất giấu tài sản cướp được, nhiều lần công an dẫn đến lấy nhưng không có, mà chỉ có 5 chỉ vàng được ông Hồ Thủy Trực cha của Chánh đem nộp để được lãnh Chánh về. Ngoài con dao của Chánh và 5 chỉ vàng của ông Trực thì không thu được gì là tang vật trong vụ án.

Như vậy việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình buộc họ nhận, chớ họ không phạm tội này”.

Quyết định này đối với những người bị bắt là bằng chứng giúp họ minh oan, thoát khỏi cảnh tù tội, nhưng với cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh lúc ấy là cả một vấn đề nghiêm trọng. Để rồi, gần 40 năm qua, nỗi đau án oan tù tội, bi kịch sau khi ra tù vẫn dai dẳng đeo bám 8 thân phận bất hạnh này.

Ai là người đã dùng nhục hình với họ, ai ép họ nhận tội, ai đã đẩy 3 gia đình vào vòng lao lý… vẫn là một câu hỏi lớn mà tới tận hôm nay chưa được làm rõ… (còn tiếp)

***

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất – Kỳ 3: Đắng cay tan nhà nát cửa

 33 THANH NIÊN

Ra tù không có mảnh giấy chứng minh bị oan, lại ám ảnh những đòn nhục hình,  7 thân phận oan sai phải bỏ xứ mà đi, mất trắng ruộng vườn, nhà cửa.

Ông Chiến chỉ gốc xoài cổ thụ là ranh giới xác định mảnh đất của ông cha để lại đã bị chiếm khi ông bị bắt oan /// Ảnh: Lam Ngọc
Ông Chiến chỉ gốc xoài cổ thụ là ranh giới xác định mảnh đất của ông cha để lại đã bị chiếm khi ông bị bắt oan ẢNH: LAM NGỌC

Đau đớn hơn, những đứa trẻ con của họ sau thời gian vào tù cùng cha mẹ, lớn lên cũng chẳng có nổi hạnh phúc trọn vẹn vì tai tiếng “dòng họ trộm cướp” …

Bỏ xứ mà đi

Thảm cảnh trong tù

Khi vào tù, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã mang thai tới tháng thứ năm. Bà kể, dù thiếu ăn, bị đánh đập nhưng vẫn cố giữ cái thai không bị sẩy. Tuy nhiên, khi cái thai chưa trọn ngày, đủ tháng thì bà sinh non. “Sau khi sinh xong thì con tôi chết. Trong lúc người ta không để ý tôi lẻn ra ngoài trốn đi và chôn con trên sườn một con dốc”, bà Lan mếu máo. Chôn cất con xong, bà đi bộ về hướng TP.Tây Ninh để tìm đường thoát khỏi cảnh tù tội, nhưng thân thể non nớt vì mới sinh, lại thêm chứng chóng mặt, run chân tay nên mỗi ngày bà chỉ đi được một đoạn đường ngắn. Tới ngày thứ 3, bà Lan bị bắt lại.

Lúc đi tù, ông Dũng tròn 18 tuổi đang sức trai tráng nhưng gần 4 năm ở tù biến ông thành một khung người khô khốc, trong mình âm ỉ nhiều thứ bệnh. Về tới ấp, ông Dũng thấy làng xóm đã khác xưa. Ngôi nhà gỗ từng ấm áp hơi người thân giờ đã sụp, thay vào đó là nhiều thứ cây ăn trái được quây, rào cẩn thận. Lúc đầu ông tính về nhà, xem có ai mua đất mua nhà thì bán để chuyển đi nơi khác nhưng: “Nhà người ta đã chiếm, đất người ta cũng đã trồng cây. Mình về đòi biết có được không hay sẽ bị sỉ nhục”. Nghĩ vậy, ông Dũng bỏ lại hơn 2 mẫu đất của ông cha để lại mà ra đi tay trắng.

Ông lên Dầu Tiếng, nơi người chị gái đang sinh sống với nghề cạo mủ cao su, rồi bắt đầu đi xin việc nhưng cứ lo ai sẽ chấp nhận lý lịch của một kẻ cướp? Vậy nên ông bắt chuyện làm quen vài công nhân để: “Khi nào anh chị có việc gì bận thì kêu tôi cho tôi làm thay…”. Ông không dám xin làm công nhân nữa mà chỉ dám chờ để thay thế những người tạm nghỉ. Công việc không có mà sức khỏe thì ngày càng kiệt quệ.

Một thời gian sau khi ra tù, cha mẹ của ông Dũng cũng không chịu nổi ánh mắt khinh miệt của người làng, phải bỏ quê lên nương nhờ con gái. Hai ông bà già với lý lịch không trong sạch cũng chỉ làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày. Nhiều lúc cùng cực ông bà rủ nhau tự tử để giải thoát nhưng: “Xuống đó Diêm vương cũng coi mình là kẻ cướp thôi. Làm sao thì làm trước khi xuống đó phải được minh oan” (bà Thương móm mém kể lại lời chồng).

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 3: Đắng cay tan nhà nát cửa - ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) về thăm lại ngôi nhà của mình trước khi đi tù oan, nay đã bị chiếm mất

Anh em ông Chiến, ông Dũng (lớn), bà Lan cũng mỗi người một ngả tìm kế mưu sinh. Từ đó đến nay ông Chiến phải chui rúc xứ người, ăn nhờ, ở đậu người em gái út. Nhìn móng chân ông bị nước ăn mòn đóng bùn đen kịt đủ biết cuộc sống của ông tại căn nhà liêu xiêu mấy chục năm nay không dễ dàng gì. “Phận mình mình chịu chớ biết sao”, than với chúng tôi mà ông Chiến ứa nước mắt.

Còn ông Chánh, sau khi ra tù là bỏ đi biệt xứ. Vợ ông, bà Lan, về lại ngôi nhà xưa nhưng lẻ bóng, rồi cũng bỏ quê theo người em dâu lên Dầu Tiếng sinh sống. Từ đó, bà bặt tin ông Chánh. Trong đầu bà không nguôi câu hỏi mình đã làm gì sai mà chồng bỏ và phải chạy trốn. Câu hỏi ấy chôn sâu trong lòng bà nhiều năm nay cho tới khi chúng tôi tìm được ông Hồ Long Chánh thì mới vỡ lẽ. “Ra tù tôi về thẳng quê gốc ở Hòa Thành. Cha tôi có lần nói dẫn xuống tìm bà Lan nhưng tôi sợ về đó lại bị bắt…”, ông Chánh thổ lộ. Ký ức từ những năm tháng cay cực ở trong tù vẫn như một vết nhơ buộc ông luôn phải che dấu.

Sự vắng mặt của ông Chánh suốt nhiều năm càng khiến những người bị bắt trong vụ việc oan khuất này nghĩ rằng việc ông Chánh khai ra họ sau khi bị bắt là thật. Ông Chánh bị anh em bên vợ oán trách vì khai oan cho họ. Mãi tới gần đây, khi chúng tôi tìm gặp ông và nghe ông kể lại thì cái lỗi với bên vợ mới được hóa giải. “Khi bị bắt, tôi mới về quê vợ được chưa đầy một tháng. Anh em chưa biết hết mặt. Họ hỏi tôi có phải đưa vàng cho vợ giấu, tôi khẳng định là không. Tôi và vợ tôi đều không lấy vàng”, ông Chánh nói.

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 3: Đắng cay tan nhà nát cửa - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Lan nhớ lại những ngày tủi nhục nuôi đứa con 2,5 tháng tuổi trong tù. Bên cạnh là chị Chung – đứa con nay đã 40 tuổi cũng không có hạnh phúc trọn vẹn chỉ vì mang tiếng “cha mẹ đi ăn cướp” ẢNH: TRUNG HIẾU

Những đứa trẻ trong tù

Bà nội mất khi ba còn nhỏ xíu, ông bà ngoại bị bắt cùng ngày khiến Nguyễn Thị Kim Chung (nay 40 tuổi, con bà Nguyễn Thị Lan) vừa lọt lòng đã phải theo mẹ ở tù. “Ngày công an ấp tới bắt, tôi chìa đứa con 2 tháng cho người em chồng nhờ ẵm cháu giúp tôi. Nhưng những người có mặt đẩy tay, nói con tôi còn nhỏ, xa mẹ biết có sống nổi không. Họ bảo tôi ẵm con theo có thể vài ngày điều tra rõ rồi họ cho về. Tôi đành úm con vào lòng bước lên xe Jeep”.

Ra tới Công an H.Trảng Bàng, bà Lan bị dẫn giải vào phòng biệt giam, chân bị còng. Sáu tháng đầu, việc vệ sinh cá nhân của bà đều tại chỗ. Lo cho mình đã chật vật vậy mà trên tay bà không lúc nào rời được đứa con. Vì phòng giam bí bách ngột ngạt nên đứa trẻ khóc hoài. Nước thiếu, quần áo, tã lót không có. “Mỗi ngày chỉ có cơm trắng độn bo bo nên sữa tôi dần cạn. Con nhai vú mẹ cả ngày không đủ no lại khóc tím tái. Vậy là tôi kêu khóc, gọi ai đó ở nhà bếp cho tôi xin ít nước cơm cứu con tôi khỏi chết đói”. Có lẽ vì cám cảnh mẹ con bà Lan nên có 2 cán bộ mà tới giờ bà Lan chỉ nhớ tên là ông Hồng và ông Sắc cứ tới cữ trưa và tối là mang nước cơm cho. Lâu lâu họ lại cho bà Lan thêm một gói đường, cho con bà thêm đôi dép, cái cài tóc… Hết lật rồi bò cho tới lúc chập chững biết đi, cô con gái nhỏ của bà Lan đều gắn với sàn gạch nhà tù. Bà luôn đau đáu việc con mình tương lai sau này sẽ như thế nào nếu như mình không được minh oan.

Trong khi đó, ở một buồng giam khác, chị chồng bà Lan là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Chánh) cũng phải mang bụng bầu tới lui phòng hỏi cung. Bà Ngọc Lan kể thời kỳ đó, hai bên hông bà lúc nào cũng tím bầm bởi bị đánh. Rồi bà chỉ vào người con gái lớn tên Nguyễn Thị Thanh Hiền (nay 48 tuổi) kể: “Lúc tôi đi tù con bé mới 8 tuổi. Bà ngoại của nó mất từ khi tôi còn nhỏ, các cậu thì đã vào tù hết. Lúc người ta tới bắt tôi con bé một mực chạy theo. Nghĩ con ở ngoài không nơi nương tự tôi đành dẫn con vào tù”.

Mỗi ngày bé Hiền chơi ngoài sân trại giam đến tối lại vào phòng giam rúc đầu ngủ bên mẹ. Ở với mẹ trong trại tạm giam gần một năm, khi mẹ bị chuyển lên trại tạm giam tỉnh Tây Ninh để tiếp tục việc điều tra thì Hiền phải ra ngoài ở với dì ruột. Hằng tháng mỗi khi dì dành dụm được tiền, dì bắt xe đò cho Hiền đi cùng vào trại giam thăm mẹ.

Cuộc sống nặng nỗi buồn của Hiền chưa chấm dứt, ngay cả khi vụ án được đình chỉ điều tra và mẹ được tha tù. Bởi với định kiến mẹ chị vẫn là “kẻ ăn cướp” và chị vẫn là “con của kẻ ăn cướp” nên không có mặt mũi nào sống ở làng. Hai mẹ con bỏ xứ lên Dầu Tiếng (Bình Dương) làm công nhân, đùm bọc nhau qua ngày.

Sau gần 40 năm, những đứa trẻ năm xưa ở tù đã lớn. Tai tiếng của gia đình khiến các chị khó có lấy một mái ấm bình yên. Người chồng trước của chị Hiền ở được một thời gian rồi bỏ chị. Lý do ly hôn cũng vì cái tiếng dòng họ ăn cướp cứ đeo bám. Chị Nguyễn Thị Kim Chung từng nghĩ mình may mắn khi có một người chồng rất mực yêu thương, bảo vệ. Trước sự ngăn cấm quyết liệt từ phía gia đình, chồng chị vẫn quyết tâm cưới chị cho bằng được. Thế nhưng, cuộc sống ở nhà chồng với vô vàn định kiến khiến chị sống dở, chết dở. Đỉnh điểm là một lần chị nghe ba mẹ chồng khuyên chồng ly hôn mình vì là con của kẻ cướp. Từ đó, chị Chung rời đi và không bao giờ quay lại nhà chồng. Chồng chị một chốn hai nơi, đi đi về về được 2 năm thì làm giấy ly hôn chị.

***

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất – Kỳ 4: Nợ những câu trả lời thỏa đáng

 15 THANH NIÊN

Ông Ba Trợn, nguyên Trưởng công an xã Đôn Thuận, nhớ lại một số tình tiết vụ án năm xưa
Ông Ba Trợn, nguyên Trưởng công an xã Đôn Thuận, nhớ lại một số tình tiết vụ án năm xưa

8 người cùng bị bắt giam oan sai, bị nhục hình phải nhận tội, nhưng chỉ duy nhất ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) khi ra tù có được quyết định đình chỉ điều tra. Những người còn lại nỗi hàm oan cứ ám lấy cuộc đời họ, ập đến bao nhiêu giông tố, đắng cay… dù mấy mươi năm qua họ đã đi gõ cửa biết bao nơi để mong tìm lại quyền công dân.

Quyết định đình chỉ điều tra ở đâu ?

Bà Hồ Thị Tiến (56 tuổi), vợ ông Dũng, nhớ lần gặp đầu tiên chồng mình thời điểm mới ra tù. Khi đó bà mới 21 tuổi, gặp dịp ông Dũng theo người cháu họ ghé nhà chơi. “Sau khi quen, cứ vài bữa anh Dũng lại tới thăm. Lúc thân thiết rồi, ảnh mới kể thật mới ở tù mấy năm ra. Nghe xong tôi hỏi anh làm gì mà bị tù vậy, anh nói bị bắt oan rồi lấy trong túi áo tờ quyết định đình chỉ điều tra cho tôi xem, kể lại vụ việc và những tháng ngày cơ cực trong tù. Tôi nghe xong, nghĩ anh bị bắt oan thật rồi thương anh lúc nào không biết”, bà Tiến kể.

Quen nhau được chừng 3 tháng, hai người tính đến chuyện lập gia đình. Vốn nhanh nhẹn, đảm đang nên ngày ngày bà Tiến nấu sữa, làm bánh da heo, nấu hủ tiếu đưa ra chợ bán, còn ông Dũng phụ giúp vợ, hết việc thì chạy xe ôm, ai thuê gì làm nấy.

Ông Dũng hồi tưởng: Ngày 11.5.1983, ông cùng với 7 người thân liên quan vụ án được ra tù. Từ một thanh niên mới 25 tuổi, một quân nhân với bao ấp ủ, dự tính tươi đẹp của cuộc đời, dường như ông Dũng mất hết tất cả: cuộc sống, tương lai, nhân phẩm, danh dự… “Khi đó tôi chỉ nghĩ nếu không chứng minh được mình không phải đào ngũ, không phải đi ăn cướp mà bị bắt oan thì có lẽ đến chết tôi không bao giờ nhắm mắt được vì nhục nhã, ê chề”, ông Dũng nói.

Cho nên sau khi ra tù, việc đầu tiên là ông đề nghị cơ quan liên quan phải cung cấp giấy quyết định đình chỉ điều tra để ông lên làm việc với đơn vị là Trung đoàn 774, Sư đoàn 317. Ông Dũng muốn chỉ ra sự sai sót khi bắt tạm giam một quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế nhưng cơ quan tố tụng Tây Ninh không liên hệ với đơn vị chủ quản của ông để xác minh, không liên hệ với cơ quan tố tụng quân đội để phối hợp điều tra. Ngày 25.5.1983, ông Dũng trở lại đơn vị để trình báo sự việc đồng thời xin được phục hồi chế độ như những quân nhân khác. Tuy nhiên, đơn vị từ chối giải quyết với lý do không biết ông bị bắt oan nên đã cắt quân số, thông báo về địa phương là ông đào ngũ. Suốt nhiều năm ông Dũng gửi đơn khiếu nại tới những cơ quan địa phương, trung ương, quân đội nhưng kết quả không được giải quyết.

Đến năm 2000, ông trực tiếp ra Hà Nội khiếu nại tới các cơ quan trung ương như Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ… Lộ phí đi kêu oan lấy từ số tiền ít ỏi chạy xe ôm, bán kem dạo hay tiền chợ tích cóp của vợ. Ba vợ của ông thương con rể thiệt thà, chịu thương chịu khó nên mấy bận bán bò, bán ruộng, còn đích thân đưa ông ra Hà Nội tìm đến cơ quan chức năng cầu cứu. Ở nhà bà Tiến thành hậu phương vững chắc một mình chăm sóc bốn con nhỏ cho chồng yên tâm đi khiếu nại.

Sau khi rời khỏi trại giam, ngoài ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) thì 7 bị can còn lại bị bắt trong vụ cướp vàng không nhận được quyết định đình chỉ vụ án. Do vậy, gần 40 năm qua, họ vẫn sống với thân phận bị can mà không cách nào chứng minh mình vô tội hay đòi xin lỗi, bồi thường.

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 4: Nợ những câu trả lời thỏa đáng1
Bà Nguyễn Thị Lan (trái) dìu chị chồng Nguyễn Thị Ngọc Lan trên bước đường đi tìm công lý ẢNH: LAM NGỌC

Bao giờ hết là bị can ?

Sở dĩ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) nhận được quyết định đình chỉ điều tra vì lúc đi tù ông đang ở trong quân ngũ; khi được tha, ông yêu cầu phải có quyết định đình chỉ vụ án để về đơn vị chứng minh mình bị bắt oan và không đào ngũ. “Từ khi ra tù, do mỗi người ly tán mỗi nơi nên tôi không hề biết những người còn lại có nhận được quyết định đình chỉ điều tra hay không”, ông Dũng nói.

Ám ảnh tới khi nhắm mắt

Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) nói không thể quên về những ngày tháng cuối đời ba ông là Nguyễn Thành Nghị vẫn luôn đau đáu việc tìm cách để được giải oan. Một tháng trước khi chết, ba ông không còn đủ tỉnh táo nhưng trong lúc mơ màng vẫn thường hét lên “tôi không ăn cướp”. Mỗi lần nghe thế, ông Dũng và anh, chị em của mình lại vỗ về: “Dạ, ba không phải là cướp” và ba ông nước mắt cứ lăn dài. Thời gian đó, duy nhất một lần ba ông tỉnh táo, cứ siết chặt tay ông Dũng nói: “Ba chết nhưng con không được quên đi tìm những người đã gây ra oan sai, đòi họ giải oan cho ba. Nếu con không đủ sức thì nhờ anh Dũng (Dũng lớn) giúp sức. Hai anh em con phải làm cho bằng được mới thôi. Nếu không, xuống dưới đó ba cũng không thể nhắm mắt”. Trăng trối xong, vài tiếng sau thì ba ông mất.

Ông Nghị qua đời đến nay đã gần chục năm nhưng tâm nguyện của ông vẫn chưa thực hiện được. Giờ tới ông Chiến, bà Ngọc Lan sức cũng đã gần tàn, không biết họ sẽ kiên nhẫn chờ thêm được bao lâu để được minh oan?

Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) nhớ lại: “Chiều hôm ra tù, cán bộ trại giam mở cửa cho từng người và dặn về địa phương trình báo. Họ nói giấy tờ sẽ chuyển về địa phương”. Tin vậy nên những người được tha về UBND xã trình báo. Ở đây, họ gặp lại ông Phùng Văn Tiết (tên thường gọi là Tư Tiết) chính là điều tra viên Công an H.Trảng Bàng, phụ trách việc điều tra vụ cướp năm 1979. Ông Tiết dặn những người này ra tù phải lương thiện làm ăn, đừng nghĩ chuyện trả thù. “Lúc ấy chúng tôi rất sợ vì Tư Tiết là điều tra viên đánh đập chúng tôi thậm tệ nhất nên nhanh chóng về thu dọn đồ đạc bỏ đi thật xa. Từ đó chúng tôi không quay lại xã lần nào và chưa một lần nhìn thấy quyết định đình chỉ điều tra”, ông Dũng cho hay.

Về sau, trước sự miệt thị của người đời, họ mới nghĩ tới việc tìm giấy tờ chứng minh mình bị oan. Họ tới một số cơ quan liên quan để nhờ trích lục hồ sơ, cấp lại quyết định nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) làm đơn gửi tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh để xin trích lục hồ sơ nhưng nơi đây trả lời chưa tìm thấy. “Chúng tôi đã gửi không biết bao nhiêu đơn tới các cơ quan từ tỉnh đến trung ương với nội dung cầu cứu, đòi được minh oan nhưng không một hồi âm. Nếu đơn không tới nơi thì phải được trả về. Hoặc đơn không phù hợp thì họ cũng gửi cho chúng tôi thông báo… Vậy mà bặt vô âm tín. Chúng tôi chỉ biết gửi đi và ngóng chờ một tia hy vọng, một tiếng nói từ cơ quan công quyền để được thừa nhận là công dân. Vậy mà họ làm ngơ trước nỗi đau của cả dòng tộc tôi”, ông Dũng gạt nước mắt.

Chứng kiến những người dân chân lấm, tay bùn lam lũ khó nhọc tuyệt vọng trên con đường đi tìm lời giải cho cuộc đời mình, chúng tôi đã tìm gặp những người có thể biết về quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can. Gần 40 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Phước Lần (63 tuổi), ở xã Gia Bình, H.Trảng Bàng, nguyên cán bộ quản giáo trại tạm giam Công an H.Trảng Bàng từ năm 1975 – 1979, vẫn nhớ nhiều chi tiết về vụ trọng án ấy. Trong đời làm quản giáo trại giam, chưa bao giờ ông Lần chứng kiến một gia đình bị bắt đông và 3 thế hệ phải vào tù như thế. Điều ngạc nhiên, suốt một thời gian dài, ông Lần không hề biết những người này được thả nếu như cách đây mấy năm không tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) đi bán kem dạo, được nghe kể lại sự tình. Về quyết định đình chỉ điều tra, ông Lần cho hay sau năm 1980 được điều về làm ở Công an H.Trảng Bàng nhưng chưa bao giờ ông nghe thông tin vụ án bị đình chỉ điều tra.

Những ngày ở Tây Ninh, chúng tôi lần mò hết những manh mối có liên quan vụ án ở 2 huyện Trảng Bàng, Gò Dầu nhưng thông tin thu được chỉ là những cái lắc đầu. Ông Ba Trợn (86 tuổi), nguyên Trưởng công an xã Đôn Thuận, là người trực tiếp tham gia vụ bắt giữ người trong đêm 26.7.1979, nhớ ra ngay vụ việc nhưng đi vào chi tiết thì lúc nhớ lúc quên. Ông chỉ khẳng định đó là chuyên án lớn và đối tượng tình nghi đều bị bắt nóng, sau đó giao cho công an huyện và tỉnh giải quyết. Công tác ở UBND xã Đôn Thuận đến những năm 1990 nhưng ông Ba Trợn cũng không nghe vụ án bị đình chỉ và giấy đình chỉ được gửi về địa phương.

Ông Hai Mầm (63 tuổi), thời điểm xảy ra vụ án là người được phân công làm thư ký ghi chép vụ việc, khi được hỏi cũng không nhớ cụ thể. Ông Mầm cho hay sau đó ông làm Phó trưởng công an xã Đôn Thuận và năm 1983 làm Phó chủ tịch UBND xã Đôn Thuận, nhưng chưa bao giờ thấy giấy đình chỉ vụ án được gửi về xã. Chỉ duy nhất khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước có người về tìm hiểu vụ việc, giống như phúc tra vụ án nhưng vì xã không còn lưu giấy tờ, hồ sơ vụ việc nên không giúp gì được. (còn tiếp)

***

Kỳ 5: Đừng để oan sai chồng lên oan sai

Lam Ngọc, Trung Hiếu hieu.dinhquan@gmail.com

 16 THANH NIÊN

7 trong 8 người oan sai khi ra tù không được cấp quyết định đình chỉ điều tra.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan giờ đã yếu, đến dự tòa phải có người dìu /// Ảnh: Lam Ngọc
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan giờ đã yếu, đến dự tòa phải có người dìu ẢNH: LAM NGỌC

Họ liên hệ Viện KSND tỉnh Tây Ninh đề nghị cung cấp quyết định này thì câu trả lời là “chưa tìm thấy”, trong khi chính Viện lại yêu cầu 7 người phải trưng ra quyết định đình chỉ điều tra mới có căn cứ giải quyết các quyền lợi liên quan. Kiểu “đánh đố” này khiến những người oan sai mấy chục năm qua chất chồng cay đắng.

Phải chăng là quá khó ?

Ngày 24.9, PV Thanh Niên đã tới Viện KSND tỉnh Tây Ninh để làm sáng tỏ tại sao chỉ có ông Nguyễn Văn Dũng nhận được quyết định đình chỉ điều tra (số 15 ngày 11.5.1983 của Viện KSND tỉnh Tây Ninh) mà 7 người còn lại trong vụ án không nhận được? Hiện Viện còn lưu trữ các quyết định đình chỉ điều tra này và có giải quyết việc khiếu nại của 7 người kể trên hay không? Sau khi xin ý kiến lãnh đạo Viện, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chánh văn phòng Viện KSND tỉnh Tây Ninh, trả lời việc ông Dũng khiếu nại Viện KSND tỉnh Tây Ninh và được viện này xem xét do có quyết định đình chỉ điều tra. 7 người còn lại không có quyết định đình chỉ nên thời điểm đó Viện KSND tỉnh Tây Ninh không có căn cứ để giải quyết.

Về câu hỏi tại sao thời điểm năm 1983, 7 người còn lại không nhận được quyết định đình chỉ điều tra và hiện Viện còn lưu trữ các quyết định này để họ làm căn cứ đi khiếu nại, ông Hạnh cho biết do thời gian quá lâu, trải qua nhiều vấn đề lịch sử, những người trực tiếp giải quyết vụ việc đều đã nghỉ hưu, một số đã mất nên giờ không thể giải quyết yêu cầu của phóng viên (?!). Còn nếu những người này có chứng cứ như ông Dũng thì Viện KSND tỉnh Tây Ninh sẽ giải quyết. “Với thẩm quyền của mình, tôi chỉ trao đổi với phóng viên vậy”, ông Hạnh nói và cho biết thêm nếu cần thì 7 người làm đơn đề nghị để Viện KSND tỉnh Tây Ninh nghiên cứu, giải quyết, trả lời bằng văn bản.

Câu trả lời của ông Hạnh cho thấy Viện KSND đã không cầu thị, thậm chí né tránh trong giải quyết vụ việc oan sai. Hoạt động của một cơ quan nhà nước phải luôn mang tính kế thừa, liên tục, không thể chỉ dựa vào một vài cá nhân trực tiếp liên quan để khi họ đã về hưu hay đã mất thì không có căn cứ giải quyết. Đặc biệt, công tác lưu trữ càng không thể liên quan đến các cá nhân. Trong quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh cấp cho ông Nguyễn Văn Dũng lúc bấy giờ đã nêu rõ tên cả 8 người bị oan sai, nếu Viện KSND tỉnh Tây Ninh thực sự muốn giải oan cho những người này thì hoàn toàn có căn cứ.

Và những gì diễn ra ở phiên tòa ông Nguyễn Văn Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh càng thêm cơ sở củng cố nhận định trên.

Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 5: Đừng để oan sai chồng lên oan sai - ảnh 1
Ông giáo Nguyễn Thận bật khóc tại tòa vì quá thất vọng với bản án

Hành trình một vụ kiện

Trong đơn khởi kiện ban đầu gửi tới Tòa án tỉnh Tây Ninh, ông Dũng đứng đơn kiện đòi Viện KSND tỉnh Tây Ninh giải quyết bồi thường cho 8 người trong vụ án cướp vàng năm xưa nhưng tòa hướng dẫn ông quay về nộp đơn tại Tòa án H.Gò Dầu vì đây là đơn vị đầu tiên cần thụ lý đơn. Tại đây, đơn kiện của ông Dũng được yêu cầu sửa lại với nội dung chỉ yêu cầu bồi thường cho một mình ông và tách riêng những bị can còn lại. Điều đáng nói, nếu như không chung đơn kiện với ông Dũng thì những người còn lại không thể kiện, bởi họ không có quyết định đình chỉ điều tra làm cơ sở đi kiện, nhưng nếu ông Dũng không tách 7 người ra thì tòa không thụ lý và vụ việc sẽ mãi mãi “chìm xuồng”. Cuối cùng, ông Dũng chấp nhận tách những người còn lại ra, nhưng yêu cầu triệu tập những người này tại tòa với tư cách những người liên quan.

Trong phiên tòa sơ thẩm của TAND H.Gò Dầu ngày 12.9, để làm rõ các tình tiết việc nhục hình, bức cung ép người bị bắt trong vụ việc này, ông Dũng yêu cầu tòa triệu tập ông Phùng Văn Tiết (thời kỳ 1979 là điều tra viên tại H.Trảng Bàng, Tây Ninh) đến tòa đối chất, làm rõ trách nhiệm của người gây oan sai. Đồng thời, đại diện nguyên đơn cũng yêu cầu triệu tập những người bị bắt cùng tội danh trong thời điểm đó tới tòa với vai trò người liên quan để làm rõ nhiều tình tiết còn khuất tất trong vụ án. Tuy nhiên, sau khi hội ý, tòa bác yêu cầu này và tiếp tục xét xử. Suốt thời gian sau đó, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (luật sư bào chữa cho nguyên đơn) không ngừng lặp lại các câu hỏi: “Vụ án cướp vàng” năm 1979 có tất cả 8 bị can. Tuy nhiên, khi được thả, chỉ một mình ông Nguyễn Văn Dũng nhận được quyết định đình chỉ vụ án. Vậy, những quyết định còn lại đã ở đâu suốt thời gian gần 40 năm qua và liệu 7 người còn lại có quyết định đó hay không?

Tuy nhiên, đại diện bị đơn là ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng Hình sự Viện KSND tỉnh, từ chối trả lời với lý do “không cần thiết phải trả lời” (?!). Trong khi đó, vị thẩm phán điều khiển phiên tòa cũng không yêu cầu bị đơn trả lời câu hỏi. Luật sư Phúc tiếp tục nêu yêu cầu của quyết định đình chỉ điều tra được ông Trịnh Quốc Anh ký năm 1983 là khôi phục các quyền lợi liên quan, vậy các cơ quan tố tụng đã làm việc này như thế nào? Và ông Danh lại đáp “không cần thiết phải trả lời”.

Tại tòa, ông Dũng kể khi bị bắt bị điều tra viên Phùng Văn Tiết đánh bằng ghế và lột quần áo, đồng thời khước từ việc chuyển ông qua quân pháp khiến cuộc đời ông chìm trong bi kịch. Ông yêu cầu phải triệu tập điều tra viên Phùng Văn Tiết tới tòa, nhưng bị tòa ngắt ngang, buộc ông phải ngồi xuống. Phiên tòa bị ngưng với hàng loạt chi tiết chưa được làm rõ, nhưng bản án vẫn được tuyên chỉ với một nội dung vỏn vẹn buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường ông Dũng số tiền hơn 615 triệu đồng.

7 người liên quan hoàn toàn không được nhắc đến và những tình tiết cần được làm rõ trong vụ án cũng bị lờ đi.

Đáng chú ý, ở phiên tòa ông Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh có sự tham gia thầy giáo Nguyễn Thận với vai trò là người đại diện nguyên đơn. Nói với PV Thanh Niên về lý do tham gia vụ án, ông Thận cho hay thông qua một số luật sư tham gia vụ Huỳnh Văn Nén (H.Hàm Tân, Bình Thuận), ông biết đến vụ án này. Sau đó ông Thận gặp ông Nguyễn Văn Dũng nghe kể ngọn nguồn vụ việc. Trong câu chuyện ông Dũng kể, điều ông Thận quan tâm nhất là ông Dũng bị bắt oan sai khi đang làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, giống như em trai ông. Từ đó, dù sức khỏe không tốt, điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng ông Thận từ Bình Thuận lên Tây Ninh gặp những người bị án oan, dự phiên tòa sơ thẩm mà ông Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh. “Khi nghe người trong cuộc kể những gì họ đã trải qua, tôi đã khóc vì những gì họ đã phải nếm trải. Do đó, tôi quyết định tham gia, đồng hành với họ”, ông Thận chia sẻ.

Theo ông Thận, 8 người bị bắt đã được khẳng định là oan sai bởi quyết định đình chỉ điều tra do ông Trịnh Quốc Anh, Phó viện trưởng Viện KSND Tây Ninh thời đó, ký. Điều cần làm nhất bây giờ là những người tạo oan sai hay những người kế thừa cần phải cầu thị, sửa sai theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, trả lại quyền lợi chính đáng về cả vật chất lẫn tinh thần cho người bị oan sai. “Đừng để oan sai chồng thêm oan sai nữa”, ông Thận kiến nghị, và chúng tôi cũng đồng quan điểm này.

Đeo đuổi đến cùng để đòi quyền lợi cho người oan sai
Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 5: Đừng để oan sai chồng lên oan sai - ảnh 2
Thiếu tướng Phạm Ngọc Doanh cùng đồng đội bảo vệ quyền lợi cho những người bị oan sai

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4 (Bộ Quốc phòng), hiện là Trưởng ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Mặt trận 479 (Quân khu 7), kể ông biết vụ việc của cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng trong chuyến đi tìm mộ liệt sĩ ở Lâm Đồng năm 2017. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu kỹ vụ việc, thiếu tướng Doanh cùng đồng đội quyết định vào cuộc. “Chúng tôi cử đồng đội đi đến điều tra từng gia đình nạn nhân và nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng. Chính quyền Tây Ninh khi đó đã bắt quân nhân tại ngũ đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia mà không báo với đơn vị, làm cho đồng chí Dũng bị oan sai lại thêm tội đào ngũ. Điều này chứng tỏ cơ quan công quyền Tây Ninh rất vô nguyên tắc khi thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật. Sau đó đã ép cung gây ra oan sai cho mấy gia đình trong nhiều năm trời”, thiếu tướng Doanh nói và cho biết điều đau xót nhất là luật pháp không được tôn trọng. “Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Mặt trận 479 kiên quyết theo đuổi vụ việc đến cùng, đòi quyền lợi cho cựu chiến binh Dũng và những người liên quan vụ án”, ông khẳng định.

Sau phiên tòa ngày 12.9, ông Nguyễn Văn Dũng đã nộp đơn kháng cáo bản án của TAND H.Gò Dầu, đề nghị TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị oan sai.

2 bình luận về “Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất – 5 kỳ

  1. Vấn đề giản dị hơn là mọi người lúng túng lẩn quẩn.

    Người công dân chưa bị tòa án kết tội thì vẫn còn đủ quyền công dân. Công an bắt, hay khởi tố, ngay cả khi KSND khởi tố, thì vẫn là người chưa có tội. Bị bắt, bị tạm giam, hay bị khởi tố chỉ có nghĩa là công an và KSND (tức nhà nước) nghi ngờ phạm tội, nhưng đó chỉ là nghi ngờ. Nghi ngờ thì chẳng nghĩa lý gì cả.

    Nếu thả người ta về, thì đương nhiên là người ta vẫn còn quyền công dân 100% (dù không có hay đánh mất đình chỉ điều tra). Qúy vị muốn điều tra thêm thì điều tra. Nhưng người ta vẫn còn đủ quyền công dân 100%.

    Đó là chưa nói quý vị không điều tra cả 40 năm, có nghĩa là quý vị mặc nhiên chấp nhận là những người này đã được cho về vì nhà nước (và các vị) mặc nhiên quyết định là họ không có tội.

    Công an hay VKSND muốn điều tra một người, điều đó trên nguyên tắc không ảnh hưởng gì đến quyên công dân của người đó.

    Những nguyên tắc tư duy căn bản về luật pháp này hầu như rất ít người hiểu được ở VN.

    Đã thích bởi 2 người

  2. Chuyện thật sự khó tin đến nghẹn ngào! Thật sự đau lòng và thương xót cho thân phận con người khi Luật pháp không được tôn trọng, hệ thống công quyền hèn mạt, thối tha. Thêm nữa, sự am hiểu về pháp luật của người dân còn thấp, dân trí cũng thấp, định kiến xã hội thì nặng nề. Mong rằng pháp luật sẽ được trả về lại vị trí vốn có của nó, những số phận bất hạnh có thể tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn!!!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s