Thâm nhập đường dây buôn bò lậu từ Campuchia về nội địa – 2 kỳ

***

Thâm nhập đường dây buôn bò lậu từ Campuchia về nội địa

18/12/2017, 14:31 (GMT+7) Đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia dài hàng trăm km, ranh giới chỉ là sông, rạch, đường đất nên rất khó kiểm soát, bò nhập lậu năm này qua năm khác, cứ đủng đỉnh “xâm nhập” về Việt Nam vô tư.

Ngày thường bò nhập lậu đã nhiều, ngày cuối năm khi nhu cầu thị trường tăng cao thì bò biên giới về càng tưng bừng “khí thế” hơn.

Nội hóa bò lậu

Chúng tôi đến xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng (Long An), nơi được coi bò lậu từ Campuchia xâm nhập thị trường nội địa nhiều nhất của tỉnh Long An, với con số bình quân theo ước tính của cơ quan chức năng khoảng 100 con/ngày thường, còn lúc cao điểm như những ngày cuối năm, gần lễ tết thì khó thống kê được.

1-9144023830
Cung đường biên giới chở bò lậu từ Campuchia về Việt Nam

Từ TP Tân An, chúng tôi chạy xe máy lên thị trấn Tân Hưng, tuy đoạn đường dài hơn 100 km nhưng chỉ mất có 2 giờ do đường nhựa rộng rãi, ít ổ gà ổ voi, trái lại đoạn đường từ thị trấn Tân Hưng lên Đồn Biên phòng Sông Trăng, tuy dài có 17 km nhưng phải “vật lộn” mất gần cả tiếng đồng hồ do đường đất xấu, lổm chổm bụi mịt mù.

Ông Dương Văn T. (dân địa phương quen gọi ông Hai), một thương lái ở ấp Cây Me, chuyên mua bò Campuchia hẹn tôi đến điểm hẹn là cầu Hữu Nghị (còn gọi Trạm kiểm soát cửa khẩu phụ Tân Hưng) nằm vắt qua con sông Cái Cỏ dài gần 8 km. Ở đầu con lộ, bên bờ sông Cái Cỏ, tuyến biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, là Trạm Kiểm soát biên phòng 79. Trạm này là chốt cuối cùng kiểm soát việc đưa trâu bò từ Campuchia về thị trường nội địa.

Ông Dương Văn T., một thương lái bò Campuchia lâu năm có tiếng ở địa phương

Ông Hai ngồi đợi ở chân cầu Hữu Nghị, không rào trước đón sau, bảo tôi: “Mục đích em lên đây anh biết rồi, bây giờ đã chiều phải kiếm chỗ nghỉ ở lại, vì bò bên kia đưa lậu về vào sáng sớm. Tụi anh đi mua bò phải dậy sớm 4-5 giờ khuya, qua Campuchia mua khoảng vài chục con/ngày, trả giá tại chỗ rồi xịt sơn đánh dấu bò, sau đó họ dẫn sang Việt Nam thì mình mới trả tiền”, ông Hai nói.

2-514402461
Cầu Hữu Nghị nằm vắt qua sông Cái Cỏ, được coi là biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia

Sau đó, ông Hai kiếm cho tôi chỗ tạm nghỉ qua đêm tại ấp Cây Me. “Mấy ông thương lái từ các tỉnh lên đây đi ô-tô mang theo cả tỷ đồng tiền mặt, họ mua bò nặng 200-300 kg có giá trên 20 triệu/con, bò lớn hơn là 25-30 triệu đồng. Một xe chở bình quân 20 con đã mất mấy trăm triệu đồng, nên sau khi coi bò Campuchia xong là họ trở lại thị trấn Tân Hưng nghỉ lại để đảm bảo an toàn, còn em đi xe gắn máy nên ở lại tại chỗ cho tiện để đi vào khuya mai”.

Theo tìm hiểu chúng tôi, chỉ riêng xã Hưng Điền mỗi ngày có cả trăm con trâu bò xâm nhập “trái phép” nên có cả chục thương lái hoạt động. Trong đó, có 3 thương lái xây dựng hẳn trại tập kết trâu bò lậu khá rộng nằm ngay trên đường biên giới, vừa làm nhiệm vụ nuôi nhốt vỗ béo chờ ngày xuất bán; vừa là nơi trung chuyển giao bán cho các thương lái ở các tỉnh khác lên mua bò Campuchia.

Ông Nguyễn Văn S., một thương lái ở ấp Cây Me thừa nhận, một số thương lái đã “nội hóa” bò lậu bằng cách nhờ những nông dân vùng biên dắt bò qua Campuchia chăn thả chỉ một vài con, nhưng khi đưa về Việt Nam thì “nhét” luôn bò của Campuchia nhập đàn lên tới vài chục con. Số bò lậu này sẽ được nuôi nhốt cùng bò trong nước thêm một thời gian, khoảng nửa tháng để vỗ béo, sau đó đưa về TP.HCM hoặc các tỉnh bán cho lò mổ.

4-4144024456
Xe vận tải Campuchia chở bò thu gom của người dân bản xứ mang về trại nhốt bò tập trung để cho các thương lái bên Việt Nam sang mua bò

Vận chuyển bò lậu trên đường có bị cơ quan chức năng  phát hiện không? Tôi hỏi. “Nói thật, hầu như tụi tui không bao giờ bị biên phòng, QLTT kiểm tra, nếu có là “dính” đoàn kiểm tra liên ngành của huyện. Bởi đa số thương lái khi vận chuyển bò lậu đều không có giấy tiêm phòng, kiểm dịch nên phải đi vào đường tránh dọc biên giới (né chốt kiểm dịch trong tỉnh Long An -PV), sau đó qua bên chốt kiểm dịch Dinh Bà, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) nằm chỉ cách khu vực Hưng Điền khoảng 50 km, nơi đó làm thủ tục khai báo dễ hơn, bên đó chủ yếu kiểm tra lâm sàng, ít hỏi nguồn gốc bò. Từ đó, họ cấp cho mình giấy kiểm dịch động vật sau khi đóng phí vài trăm ngàn đồng cho kiểm dịch, khử trùng và bấm lỗ tai đeo thẻ bò. Tờ giấy này thì bò lậu cũng như bò trong nước đi khắp nơi”, ông S. đáp.

Thâm nhập

Trời vào khuya vùng biên giới càng trở lạnh, đang ngủ say trong chăn trùm kín mít, bất thình lình một cánh tay đập vai tôi lay mạnh: “Dậy đi, 3 giờ sáng rồi đó, chạy xe máy qua bên Campuchia cũng mất cả tiếng mới đến trại gom bò tập trung. Tại đó, cũng mất hơn 1 tiếng nữa để mình chọn mua bò nữa. Nếu có chụp hình cũng phải khéo, đừng để công an cửa khẩu Campuchia phát hiện, còn tui qua lại thường xuyên họ nên quen mặt, “ăn chịu” hết khỏi phải lo, có ai hỏi thì em tự nhận là thương lái nhờ tui dẫn qua mua vài con bò về vỗ béo bán ăn tết, nghe không”, ông Hai căn dặn.

Qua khỏi cầu Hữu Nghị là đến chốt cửa khẩu “Xà-là-ngòn” của Campuchia. Để tránh phiền phức, ông Hai nhanh nhẩu bước chân vào đồn nói qua loa vài ba câu chuyện trên trời dưới đất bằng tiếng bản xứ, sau đó bước ra miệng cười tươi nói: “Trại bò tập trung là của ông phó đồn Campuchia xây dựng nằm trên địa bàn xã Chàm, huyện Tà Pét, tỉnh Pvay Veng, cứ một con bò người dân bản xứ đem ký gửi phải trả là 5.000 ria/ngày đêm, tức 25.000 đồng. Bởi vậy, thay vì xuống tận nhà dân mua thì mình có thể đến trại tập trung của ông phó đồn này rộng gần 1 ha có sức chứa 200-300 con, tha hồ chọn lựa”, ông Hai nói.

5-4144024662
Trại nuôi nhốt bò tập trung bên Campuchia (xã Chàm, huyện Tà Pét, tỉnh Pvay Veng), nơi để cho các thương lái bên Việt Nam sang chọn mua

Tại Campuchia bò có hai dạng: một là bò trắng (còn gọi là bò Thái) cân nặng 300-400 kg; hai là bò cóc, bò cỏ nặng 250 kg trở lại, trong đó bò cỏ chiếm tương đối lớn.

Điều đáng nói, các thương lái từ Việt Nam sang Campuchia mua bò chủ yếu bằng cảm quan, không dùng cân mà coi con bò qua hai cách, một là mua “thịt lột”, tức nhìn mã con bò bên ngoài mà ước lượng bao nhiêu ký thịt nạc với giá 160-170 ngàn đồng/kg; hai là mua dạng bò hơi, tức đánh giá trọng lượng cả con, bình quân 50-55 ngàn đồng/kg hơi. Do mua không qua cân trọng lượng nên các thương lái phải dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm đánh giá trọng lượng của bò cho đúng. Nếu nhận định không đúng chất lượng con bò Campuchia có khi phải thua lỗ phá sản.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch xã Hưng Điền, cho biết ở địa phương có ông Nguyễn Văn D., một thương lái ở ấp Gò Chuối gần đây phải “trốn nợ” gần 2 tỷ đồng do mua bò “thịt lột” bên Campuchia liên tục giá cao, mang về Việt Nam đưa vào lò mổ bị định giá thấp buộc phải thua lỗ là minh chứng.

6-7144024872
Bò Campuchia đưa về Việt Nam được các thương lái nuôi vỗ béo ngay trên đường biên giới chờ lúc bò có giá thì đem bán
7-4144025146
Một chốt cửa khẩu công an bên Campuchia kiểm soát người dân qua lại
“Thương lái mua bò Campuchia về Việt Nam có hai dạng, một dạng đưa về nuôi nhốt vỗ béo có đăng ký tiêm phòng dịch bệnh với chính quyền; một dạng đưa lên xe tải 2,5 tấn chở khoảng 15-20 con rồi mang đi bán cho các lò mổ trong và ngoài tỉnh. Dạng này gọi là đi chui, không tiêm phòng kiểm dịch, nếu gặp đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thì “ăn” biên bản xử phạt ít nhất 3,5 triệu đồng, sau đó bò được trả về nơi xuất phát ban đầu để địa phương quản lý” (ông Tạ Thành Răng, Trạm phó Trạm Thú y huyện Tân Hưng).
ĐỖ QUYÊN
***
Bò lậu nhập về hàng ngày, thanh kiểm tra ‘dàn hàng ngang’ cũng không quản nổi!
19/12/2017, 14:30 (GMT+7)Do giá bò hơi giữa bên Campuchia và Việt Nam luôn có mức chênh lệch từ 15 – 20 ngàn đồng/kg khiến việc mua bán bò qua biên giới lúc nào cũng diễn ra nhộn nhịp, trong khi đó, chính sách quản lý bò qua biên giới từ mấy năm qua đã tỏ ra bất cập, lỗi thời.

Xử phạt như “muối bỏ bể”

Thực tế cho thấy, việc bò nhập lậu qua biên giới không chỉ diễn ra ở Long An mà còn ở các tỉnh khác như An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh… do các nơi này có tuyến đường biên giới dài hàng trăm cây số.

14-26-30_2
Một xe tải nhẹ vận chuyển bò lậu (15 – 20 con) được che chắn kỹ càng (không thấy bò ngoi đầu lên trên) trên tuyến đường tránh biên giới

Trong khi đó, thương lái và người dân Campuchia khi đưa bò sang Việt Nam đều đi theo con đường “tiểu ngạch”, tức đường đất, đường lạch, đường sông… mà ở đó không có chốt kiểm tra của Bộ đội biên phòng.

Chẳng hạn Đồn Biên phòng Sông Trăng (còn gọi Đồn 893), nơi được cho là quản lý tuyến biên giới của 3 xã Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B thuộc huyện Tân Hưng, tỉnh Long An từ mấy năm qua, đành phải bất lực khi phải chứng kiến hàng trăm con trâu bò qua biên giới mỗi ngày bằng cách vượt sông hoặc theo các đường mòn.

“Tại khu vực giáp ranh xã Hưng Điền hiện có nhiều hộ dân nuôi bò lên đến hàng ngàn con nên lực lượng biên phòng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát. Nhiều hộ có xin lực lượng biên phòng cho dẫn bò sang biên giới Campuchia để chăn thả. Nhưng đến khi quay về thì trong đó có bao nhiêu con được mua về Việt Nam hợp thức hóa thì chúng tôi đành chịu”, một đại diện Đồn 893 thừa nhận. Đây cũng là khó khăn chung của các đồn biên phòng phía Nam trước tình trạng bò nhập lậu hiện nay.

Trong khi giá bò hơi trong nước ở mức 70 ngàn đồng/kg, nhưng người dân Campuchia bán chỉ dao động khoảng 50 – 55 ngàn đồng/kg, chính vì sự chênh lệnh này mà bò Campuchia gần như lúc nào cũng sẵn sàng “bò” về Việt Nam.

Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, tình hình này diễn ra có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát hơn, đây cũng là tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dich bệnh trên gia súc. Bởi theo ước tính của Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh, tại huyện Tân Hưng mỗi ngày số lượng trâu bò qua biên giới 200 – 300 con, với khoảng 10 – 15 xe (tức 150 – 200 con) vận chuyển ra khỏi huyện, chỉ có số rất ít là được người dân giữ lại vỗ béo và xuất bán để giết mổ sau đó.

14-26-30_1
Bò nhập lậu từ Campuchia được thương lái nuôi nhốt vỗ béo ngay trên tuyến biên giới

Vậy các ngành chức năng như quản lý thị trường, công an, nông nghiệp… thời gian qua đã kiểm tra xử lý như thế nào? Chúng tôi đặt câu hỏi này với ông Trần Tấn Tài, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hưng.

Ông Tài cho biết, huyện đã và đang thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với nhiệm vụ kiểm tra xử phạt các xe tải vận chuyển bò lậu từ biên giới. Thành phần của Đoàn gồm cán bộ nông nghiệp, thú y, công an kinh tế, công an giao thông (không có quản lý thị trường) và được phép dừng kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển trên đường nghi chở bò lậu Campuchia.

“Tuy nhiên cái khó nhất vẫn là dừng xe vi phạm, bởi chỉ có công an giao thông mới có chức năng ra hiệu lệnh dừng xe. Thứ hai, theo qui định xe chở gia súc nếu có giấy tiêm phòng thì được lưu thông trong tỉnh, còn ngoài tỉnh là phải bổ sung thêm giấy chứng nhận kiểm dịch, nếu không đáp ứng điều kiện sẽ bị xử phạt. Trước đây mức xử phạt chỉ có 500 ngàn đến 1 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Từ tháng 8/2017 trở đi mức phạt tăng lên 3 triệu đồng. Thế nên, khi bị kiểm tra, các thương lái bảo họ chỉ đi trong tỉnh. Thứ ba, mỗi tháng đoàn chỉ đi vài lần kiểm tra, trong khi bò bên Campuchia nhập về hằng ngày, nếu có bắt xử lý đi nữa cũng như “muối bỏ bể”, ông Tài cho biết.

Quản kiểu gì cũng hở

Theo tìm hiểu chúng tôi, năm 2009 và 2014, Bộ NN-PTNT có ban hành hai Thông tư số 27 và 53 qui định về việc kiểm dịch nhập khẩu trâu bò từ Lào, Campuchia vào Việt Nam. Theo đó, đối với trâu bò tại các xã biên giới nhập khẩu vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán, trao đổi của các cư dân biên giới, không có hợp đồng mua bán với nước xuất khẩu (gọi là thu gom sau nhập khẩu) thì toàn bộ số trâu bò được thu gom phải đưa vào nơi nuôi cách ly kiểm dịch tại khu vực các xã biên giới và phải được lấy 4 mẫu kiểm tra 4 bệnh gồm: Sẩy thai truyền nhiễm, xoắn khuẩn, lao bò và lở mồm long móng đối với từng lô trâu bò. Nếu kết quả kiểm tra âm tính thì mới được phép giết mổ (trâu bò thu gom sau nhập khẩu chỉ được phép giết mổ – PV).

14-26-30_3
Bò nhập lậu bên Campuchia sang tập kết chờ chuyển đi lò mổ

Thực hiện hai Thông tư trên, Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hưng vào năm 2015 cũng đã phối hợp với UBND xã Hưng Điền tổ chức cuộc họp với tất cả thương lái và chủ trại nuôi nhốt bò vỗ béo từ Campuchia bàn về “phương án xây dựng khu cách ly kiểm dịch”.

Tuy nhiên, do những qui định nói trên, các thương lái và nhà đầu tư đều phát sinh quá nhiều chi phí như: đầu tư xây dựng khu nuôi nhốt cách ly; lấy mẫu và xét nghiệm từng lô trâu bò với chi phí ước tính trên 11 triệu đồng/16 mẫu đối với lô trâu bò 20 con; chi phí vận chuyển mẫu về TP.HCM xét nghiệm, chi phí nuôi nhốt trâu bò trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, nên cuối cùng thương lái tẩy chay, không ủng hộ.

Nói về việc này, ông Dương Văn T. (ông Hai), thương lái ở ấp Cây Me, xã Hưng Điền chuyên mua bán bò Campuchia trầm ngâm cho biết, đặc điểm của người dân Campuchia khi bán bò là không qua mã cân nên người mua phải có kinh nghiệm trong việc tính toán trọng lượng con bò nhìn qua vóc dáng. Theo đó, đối với bò lớn (từ 150kg thịt trở lên), cổ bò sẽ được tính bằng một cái đùi, 2 bên lưng xem như 2 đùi và thêm 2 đùi sau nữa thì con bò sẽ có 5 đùi hết thảy. Mỗi đùi, mình áng chừng từ 20 – 30kg, tùy trọng lượng bò mập hay ốm. Còn bò nhỏ hơn thì chỉ có 4 đùi, hai đùi sau thường nặng hơn 2 đùi trước từ 5 – 7kg thịt. Từ đó, mà xác định trọng lượng con bò. Nếu phán đoán đúng số cân nặng thực tế, với giá bò Campuchia là 55 ngàn đồng/kg hơi, sau khi đưa về Việt Nam bán cho lò mổ sẽ có lãi từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/con, tức một xe chở 20 con có lãi thấp nhất 10 triệu đồng.

“Theo qui định, khi đưa vào khu cách ly để lấy mẫu xét nghiệm, tụi tui phải tốn phí trước hết là 11 triệu đồng cho việc xét nghiệm 4 mẫu, đó là chưa tính phí thuê lưu nuôi nhốt bò trả cho nhà đầu tư. Tính ra không có lời nên tụi tui không chấp nhận”, ông T. nói.

14-26-30_4
Con đường dẫn lên tuyến biên giới Đồn Biên phòng Sông Trăng bụi bay mịt mù

Theo bà Lê Thị Mai Khanh, Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y, trâu bò ngoài tỉnh nhập vào lò mổ trên nguyên tắc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; còn đối với trâu bò nội tỉnh phải có giấy chứng nhận tiêm phòng lở mồm long móng.

“Tuy nhiên có tình trạng trâu bò sau khi qua biên giới được vận chuyển ngay đến các cơ sở giết mổ trong tỉnh, nhưng lại được “núp bóng” bằng giấy chứng nhận tiêm phòng của trâu bò khác”, bà Khanh nói.

Trước đây, Long An cũng đã vận động một nhà đầu tư xây dựng được khu cách ly kiểm dịch trâu bò qua biên giới ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, nhưng đến nay đã ngưng hoạt động do không thành công; nhà đầu tư cũng đã chuyển mục đích sử dụng khu vực này sang chăn nuôi heo. (Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Long An).
ĐỖ QUYÊN – PHÚ LỘC
Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s