Đất Nam Kỳ — Tiền đề văn hóa mở Đạo Cao Đài

thienlybuutoa.org

(Nguyên là bài nói chuyện tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo. Sau đó, đã trình bày lần nữa tại thánh thất Trung Minh thuộc Hội thánh Truyền giáo Cao Đài).

Lê Anh Dũng

MỞ ĐẦU

Khi nghiên cứu lịch sử ra đời của đạo Cao Đài, nhiều tác giả thường không khỏi đặt câu hỏi: Tại sao đạo Cao Đài tất yếu phải được khai sinh ở Nam Kỳ chứ không thể ở Trung Kỳ hay Bắc Kỳ, dù rằng sau này đạo Cao Đài phát triển, đã truyền bá ra cả hai miền Trung, Bắc?

Bài viết này vì thế thử góp phần minh chứng rằng chính Nam Kỳ là cái nôi thích hợp, là tiền đề văn hóa để mở đạo Cao Đài.

Ở đây tôi đã chọn địa danh Nam Kỳ thay vì Nam Bộ. Tại sao vậy? Khảo sát lịch sử ra đời những tên gọi cho miền đất phương Nam của Tổ quốc, có thể xác định năm 1834 (đời vua Minh Mạng) địa danh Nam Kỳ bắt đầu xuất hiện, theo nghĩa Kỳ là một cõi đất; Nam Kỳ là cõi đất phương Nam. Mãi đến tháng 5-1945, sau khi Phát xít Nhật lật đổ thực dân Pháp (09-3) báo chí mới bắt đầu dùng tên gọi Nam Bộ thay cho Nam Kỳ, theo nghĩa Bộ là một phần; Nam Bộ là một phần đất nước ở phía Nam.[1]

Đạo Cao Đài chính thức ra đời năm 1926, khi ấy cái tên Nam Bộ chưa hề có; cho nên trong khảo luận này dùng danh xưng Nam Kỳ là hoàn toàn hợp lý.[2] Ở đây, tên gọi Nam Kỳ được tạm hiểu là cái tên mang tính văn hóa, nó liên hệ thời gian từ những năm 20 của thế kỷ XX (khi đạo Cao Đài ra đời) trở ngược về thế kỷ XVII (thời Nam tiến khẩn hoang, phá rừng dựng nước của các thế hệ lưu dân triều Nguyễn) chứ không chỉ hạn định cho tới năm 1834 là khi danh xưng Nam Kỳ Lục Tỉnh chính thức đi vào lịch sử dân tộc.

Trong chuyên luận “Chính trị nông dân và giáo phái: thầy tu trong đạo Cao Đài ở Việt Nam” (Peasant politics and religious sectarianism: Peasant and priest in the Cao dai in Viet Nam) xuất bản ở Mỹ năm 1981, Jayne Susan Werner cho biết: “Đạo Cao Đài được thành lập ở Sài Gòn năm 1925 (…). Không lâu sau khi thành lập, tôn giáo mới này đã có được đông đảo tín đồ ở khắp cả Nam Kỳ.” [3]

Căn cứ theo “Số ước lượng tín đồ Cao Đài do Thống đốc Nam Kỳ cho biết, trong một báo cáo gởi Toàn quyền Đông Dương ngày 14-12-1934. Hồ sơ riêng của Thống đốc Pagès.” [4] Werner viết: “Vào khoảng năm 1930, có từ năm trăm ngàn tới một triệu nông dân theo Đạo, trong lúc tổng số dân là bốn tới bốn triệu rưỡi.” [5] Trên cơ sở con số này, Werner khẳng định rằng: “Đạo Cao Đài là phong trào quần chúng rộng lớn xuất hiện đầu tiên ở Nam Kỳ…” [6]

Tại sao đạo Cao Đài lại ra đời ở Nam Kỳ và lớn mạnh mau lẹ ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ XX chứ không phải là một miền đất khác, và vào một thời gian khác? Có thể nêu ra một trong nhiều yếu tố giúp giải đáp câu hỏi trên, đó là: Nam Kỳ có đủ một tiền đề văn hóa thích hợp để mở ra đạo Cao Đài.

Theo Thạch Phương, đặc tính văn hóa nổi trội của Nam Kỳ là: cởi mở trong giao lưu, nhạy bén với cái mới; thấm nhuần một tinh thần dân chủ, bình đẳng; nhân nghĩa, bao dung; không chịu gò bó trong những khuôn mẫu phong kiến cứng ngắc.[7] Vậy, phải chăng những đặc tính đó đã khiến cho người Nam Kỳ sớm dễ dàng chấp nhận được đạo Cao Đài, cho dù tôn giáo mới này có nhiều khác lạ hơn các tôn giáo sẵn có từ xưa.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng những điều kiện thiên nhiên đặc thù của Nam Kỳ không thể không tác động và để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của người dân Nam Kỳ. Trần Thị Thu Lương và Võ Thành Phương thấy rằng: “Trong bối cảnh mà những tôn giáo lớn của thế giới không có điều kiện để gây ảnh hưởng mạnh thì mảnh đất Nam Bộ [Nam Kỳ] thế kỷ XVIIIXIX (thậm chí là cả khi sang thế kỷ XX) là nơi thuận lợi cho các tôn giáo địa phương có điều kiện nảy sinh…” [8]

Do đó, khảo sát sự ra đời và phát triển của đạo Cao Đài ở Nam Kỳ, người nghiên cứu cũng cần quan tâm tìm hiểu bối cảnh đất nước, con người đã sinh thành và dưỡng nuôi sự trường tồn, phát triển của đạo Cao Đài, một tôn giáo bản địa. Bước đầu tìm hiểu tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài ở Nam Kỳ, tôi tạm xét đến năm vấn đề sau:

– Địa lý thiên nhiên Nam Kỳ

– Làng Nam Kỳ

– Tính đa dân tộc và đa tín ngưỡng của Nam Kỳ

– Cá tính người Nam Kỳ

– Nhu cầu tâm linh người Nam Kỳ

Trình bày năm nội dung trên, tôi thử chắt lọc, vận dụng, khai thác kết quả các công trình nghiên cứu đã công bố của các nhà khoa học xã hội trong và ngoài nước. Đó là những tác giả ở ngoài cộng đồng Cao Đài và vì thế những ý kiến đúc kết của họ sẽ giúp hiểu thêm một cách khách quan về sự ra đời của đạo Cao Đài ở Việt Nam với cái nôi Nam Kỳ vào đầu thế kỷ XX.

Nói cách khác, bằng cách bắt chước công việc “thuật nhi bất tác” của người xưa, tôi mong muốn rằng các lý lẽ trình bày trong bài viết này sẽ có thể thóat ra ngoài tư ý và định kiến chủ quan để may ra có thể góp phần đem lại một nhận thức vượt qua mọi sắc tướng bì phu, với cái nhìn nội soi vào khía cạnh văn hóa bản địa của đạo Cao Đài mà ít nhiều hiểu thêm bản sắc tâm linh dân tộc nói chung, tâm linh người miền Nam nói riêng.

ĐỊA LÝ THIÊN NHIÊN NAM KỲ

Với diện tích 67.870 km2, Nam Kỳ là châu thổ lớn nhất của vùng Đông Nam Á và là đồng bằng lớn nhất của Việt Nam.[9] Ở vào vị trí trung tâm của Đông Nam Á, Nam Kỳ là “địa bàn thuận tiện nhất trong việc nối liền và giao lưu mọi mặt với các nước láng giềng trong khu vực”.[10]

1. Vị trí mở của Nam Kỳ trong khu vực Đông Nam Á

Có người xem Nam Kỳ là vị trí ngã tư đường của các cư dân và các nền văn hóa, văn minh.[11] Do đó Nam Kỳ đã sớm là vị trí hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây, một giao điểm động, thóang, và mở.[12] Từ đặc điểm này người ta có thể tán đồng ý kiến của Phạm Đức Thành rằng tinh thần hòa đồng tôn giáo ở Nam Kỳ cũng là đặc điểm chung của các tôn giáo ở Đông Nam Á, chấp nhận cùng hiện hữu, không kỳ thị và không có xung đột, chiến tranh tôn giáo.[13]

2. Hệ thống sông nước Nam Kỳ là ưu thế mở để nối liền văn hóa Đông Tây

Sông ngòi, kênh rạch của Nam Kỳ nhiều và chằng chịt. Có sách cho rằng tổng số chiều dài sông và kênh rạch lớn lên tới trên 5.000km.[14]

Đồng bằng sông Cửu Long hai mặt giáp biển, trên cùng một châu thổ có những con sông chảy ngược chiều nhau. Nơi đây có sông đổ ra biển Đông, có sông đổ ra vịnh Thái Lan ở phía Tây, và những con sống đó lại được các con kênh nối với nhau, như thể nối nước chảy về bên đông với nước chảy về bên tây.[15]

Tại đồng bằng miền Tây Nam Kỳ, theo Vũ Tự Lập, “Ngoài hệ thống Cửu Long, […] còn rất nhiều sông nhỏ và kênh đào. Ở phía tây nam châu thổ, các sông ngòi nối với nhau chằng chịt và chảy ra cả biển Đông và vịnh Thái Lan do chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Theo nhịp điệu thủy triều, khi thì nước chảy từ đông sang tây, khi thì chảy ngược lại, giao thông thủy thật tiện lợi.” [16]


Sông ngòi ở Nam Kỳ chảy từ đông sang tây và ngược lại
Bản đồ mượn trong Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang. Sài Gòn: Nxb Phù sa, 1959, tr. 6.


Sông nước Nam Kỳ (ảnh tài liệu)

Đinh Văn Hạnh cho rằng đặc trưng độc đáo này của sông nước Nam Kỳ là một “ưu thế nổi trội […] khiến cho vùng đất này như ‘mở được mọi cửa’ để tiếp cận với xung quanh”.[17]

Tóm lại,[18] từ những ý kiến trên đây, có thể rút ra điều gì? Người ta hay nói tới địa linh nhân kiệt. Đất Nam Kỳ với sông nước mang tính mở và nối kết đông tây. Cuộc đất ấy vì thế sẽ sản sinh ra những tâm hồn mở, thóang với xu hướng tổng hợp đông tây. Đó là một tiền đề thuận lợi cho sự ra đời của đạo Cao Đài, là một tôn giáo “có chủ trương tổng hợp các nền đạo lý theo phương châm kết tinh kim cổ, dung hòa đông tây.” [19]

III. LÀNG NAM KỲ

1. Tính mở của làng Nam Kỳ

a. Địa hình mở

Theo Huỳnh Lứa, làng ở Nam Kỳ, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, “thường được hình thành dọc theo sông rạch. Thôn xóm thường được trải dài theo hai bên bờ sông, bờ kênh rạch, không có lũy tre bao quanh, nhà cửa nằm ở giữa vườn cây trái, đằng trước nhà là dòng nước, nơi ghe thuyền qua lại, phía sau là đồng ruộng.” [20]

Một cách tỉ mỉ hơn, Thạch Phương phân tách rằng làng Nam Kỳ có bốn dạng quần cư chính:

(i) “Phổ biến nhất là loại hình làng xóm thiết lập dọc theo các tuyến sông rạch; vườn nhà này nối tiếp vườn nhà khác, hoặc cách quãng bởi ruộng lúa.”

(ii) “Khi đường bộ phát triển thì lại xuất hiện loại hình làng xóm chạy dài theo trục lộ, nhưng thường thường nhà cửa, vườn tược không liên tục như ở tuyến sông rạch.”

(iii) “Một loại hình làng nữa được thiết lập ở nơi vàm sông, ở chỗ giáp nước (nơi hai dòng nước do chịu sự tác động của thủy triều gặp nhau). Những tụ điểm dân cư này thường có xu hướng phát triển thành thị tứ (hay thị trấn) vì là nơi tập trung quán xá, cơ sở dịch vụ sửa chữa, cửa hàng, chành vựa và có khi cả chợ búa.”

(iv) Và ở vùng phù sa cổ miền đông Nam Kỳ: “Làng xóm nằm trên các đồi, gò, hay trên những giồng đất cao ….” [21]

Do hình thức quần cư này, làng Nam Kỳ không có lũy tre bao quanh, không tạo thành một quần thể riêng biệt, không cách bức với các làng khác như ở Bắc Kỳ.[22]

Nói về tính mở của làng Nam Kỳ, và so sánh sự tương phản với làng Bắc Kỳ, có thể lưu ý kiến giải của một người sinh trưởng ở miền Bắc như Trần Đình Hượu. Ông nhìn thấy mỗi một làng miền Bắc giống như một hòn đảo tách biệt, có lũy tre bao quanh, với lối độc đạo vào làng, đi qua một cổng kiên cố bằng gạch, có cánh cửa gỗ lim. Do đó, làng miền Bắc mang ý nghĩa bố phòng, không thân thiện, ít hiếu khách…[23] Cũng vậy, P. Gourou trong Nông dân vùng châu thổ Bắc Kỳ nhận xét rằng mỗi làng ở Bắc Kỳ là một quần thể khép kín, với lũy tre bao bọc quanh làng, với rào hay tường bao quanh từng nhà.[24]

b. Thiết chế mở

Ngoài mặt địa hình, làng Nam Kỳ còn mang tính mở về mặt thiết chế (institution).

Giải thích lý do hình thành nên thiết chế mở ở làng Nam Kỳ, điều mà làng Trung Kỳ và Bắc Kỳ không có, Thạch Phương nhìn nhận rằng Nam Kỳ là đất mới do những lưu dân khai phá, “nên làng xóm ở đây có một lịch sử hình thành và phát triển ngắn hơn làng xóm ở Bắc và Trung. Các sinh hoạt của cộng đồng thôn xã cũng lỏng lẻo hơn, không bị ràng buộc bởi hệ thống quy tắc chặt chẽ và những nghi thức rườm rà, phiền phức như ở nơi đất cũ.” [25]

Làng ở Nam Kỳ cũng không có hương ước.[26] Do thiếu hương ước, thần tích, thần phả mà làng Nam Kỳ, nói theo Thạch Phương, “kể cả những làng tương đối lâu đời, thường khá lỏng lẻo về mặt thiết chế. (…) Dân làng nói chung không bị những quy ước, những lệ làng ràng buộc, câu thúc chặt chẽ như ở Bắc và Trung.” [27]

Đồng quan điểm như trên, Huỳnh Lứa lập luận rằng làng ở đất mới “chưa bị ràng buộc bởi luật lệ, quy chế nghiêm ngặt với những lệ làng, hương ước phức tạp. Và cũng không có sự phân biệt giữa người đã ở lâu với người mới đến, giữa dân chính gốc và người ngụ cư. Từ sau khi nhà Nguyễn thiết lập và củng cố bộ máy quản lý hành chánh, tình hình có thay đổi khác hơn, nhưng nhìn chung thiết chế làng xã ở đây vẫn lỏng lẻo hơn so với làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ [Bắc Kỳ]”.[28]

2. Tính động của làng Nam Kỳ

Làng Bắc Kỳ là làng cổ, thành lập thường lâu đời, mỗi làng thường có một truyền thống và dân làng tự hào được bảo thủ cái truyền thống xưa cũ đó. Làng miền Bắc Kỳ vì thế thường là cộng đồng của một số dòng họ. Nhưng Nam Kỳ là đất mới, là nơi thu hút lưu dân tứ xứ tụ về. Làng Nam Kỳ vì thế cũng mang tính động, như là một thuộc tính (attribute) ắt có của vùng đất mới. Tác nhân chủ yếu tạo thành tính động này chính là những cuộc di dân (gồm cả di dân tự nhiên, di dân cơ chế, chuyển cư tại chỗ).

Sử liệu từng nêu một bằng chứng cụ thể về tính động này. Thực vậy, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa ở làng An Định (tỉnh Châu Đốc), để kiểm soát dân làng, năm 1887 Pháp lập thống kê. Kết quả cho thấy 407 gia đình có gốc gác từ 13 tỉnh khác nhau ở Nam Kỳ, mà nếu truy ngược nữa, thì họ lại từ miền Trung vào.[29]

Do tính “tứ chiếng” này mà ở Nam Kỳ hầu như không có gia phả của dòng họ, và Sơn Nam giải thích như sau: “Về gia phả gần như không có, người khẩn hoang ở Nam Bộ [Nam Kỳ] không ghi chép lại để che giấu lý lịch, đề phòng trường hợp tru di tam tộc, theo luật phong kiến.” [30]

Một thể hiện độc đáo của tính động ở làng Nam Kỳ về mặt kinh tế (sinh hoạt nông nghiệp) là hình thức “phụ canh”, điều mà ở Bắc Kỳ hầu như rất hiếm. Nguyễn Công Bình so sánh: “Nếu ở đồng bằng sông Hồng chỉ có đôi làng có ruộng phụ canh của người làng bên cạnh, thì ở đồng bằng sông Cửu Long phổ biến các thôn xã có ruộng đất phụ canh, có nhiều hộ có ruộng phụ canh ở làng khác, xã khác, tổng khác, huyện khác, thậm chí tỉnh khác. Lại có những hộ có ruộng đất phụ canh ở nhiều thôn xã khác, tổng khác, huyện khác.” [31]

Thế nào là ruộng phụ canh? Trần Thị Thu Lương giải thích: “Ruộng đất phụ canh là loại ruộng đất có chủ sở hữu không phải là người bản thôn (xã).” [32] Khi khảo sát “địa bạ của 92 thôn xã có ruộng đất tư nằm rải đều trong 8 tổng, thuộc 6 tỉnh Nam Kỳ đầu thế kỷ XIX” Trần Thị Thu Lương phát hiện 76/92 thôn xã đã có hiện tượng phụ canh ruộng đất. Số chủ phụ canh là 1.159 người, chiếm 24,2% số lượng chủ (4793 người). Diện tích phụ canh là 17.635 mẫu 6 sào, chiếm 28,35% diện tích sở hữu ruộng tư (62202 mẫu 3 sào).[33]

Từ kết quả khảo sát ruộng đất Nam Kỳ thế kỷ XIX, Trần Thị Thu Lương đã nhận định tinh tế rằng: “… Nam Bộ [Nam Kỳ] trong những thế kỷ khẩn hoang, đã chỉ tồn tại những thôn xã quần cư theo tuyến dọc và yếu tố ĐỘNG đang là yếu tố chủ đạo. (…) Tình hình phụ canh ruộng đất ở đây đã thể hiện tính chất mở của nó trên phương diện giao lưu sở hữu ruộng đất giữa các xã thôn. Nó đồng thời còn thể hiện tính di động cao của nông dân Nam Bộ [Nam Kỳ].” [34]

Tóm lại làng Nam Kỳ mang tính mở và tính động. Điều này cũng phản ánh qua cá tính người Nam Kỳ là mở và động. Hệ quả tất nhiên là người Nam Kỳ có đầu óc thông thoáng (cởi mở) và sẵn sàng ở tư thế giao lưu, tiếp thu, rồi hội nhập với cái mới.

Chính vì có tính cách ấy, khi tiếp xúc với cái mới người Nam Kỳ dễ dàng có thái độ bao dung, chấp nhận, rồi tích cực ủng hộ. Tình cảm, thái độ ứng xử này rất thuận lợi cho sự ra đời của một tôn giáo mới như đạo Cao Đài.

Thực vậy, thay vì mang mặc tâm lý “dị ứng” với cái mới, người Nam Kỳ đã mau lẹ, nhiệt thành và đông đảo “di theo” một tôn giáo mới như Cao Đài, và đã nhanh chóng tạo thành một hiện tượng khác thường trong lịch sử, khiến cho về sau này các nhà nghiên cứu phương Tây phải gọi đó là một làn sóng, hay một phong trào (a movement). Hai từ ngữ này có thể không chính xác và thích hợp khi nói tới một tôn giáo, nhưng nó lại phản ánh được phần nào cái hiện tượng đông đảo tín đồ Cao Đài phát triển rộng khắp Nam Kỳ.

TÍNH ĐA DÂN TỘC VÀ ĐA TÍN NGƯỠNG CỦA NAM KỲ

1. Tính đa dân tộc

Theo Huỳnh Lứa: “Nam Bộ [Nam Kỳ] nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, ngay trong buổi đầu khai phá, đã có nhiều dân tộc sống chung, xen kẽ với nhau. Đó là một điểm đáng chú ý so với bất cứ vùng nào trên đất nước Việt Nam.” [35]

Thực vậy, theo thống kê 1979, tính luôn người Việt (còn gọi là người Kinh), trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam gồm có năm mươi bốn (54) dân tộc khác nhau.[36] Riêng ở Nam Kỳ, phỏng theo bản đồ Các dân tộc ở Việt Nam do Viện Dân tộc học biên soạn,[37] có thể thấy rằng ngoài người Việt (Kinh) và Hoa (Hán) ra, ở Nam Kỳ còn có bảy dân tộc sau đây: Khơ-me, Cơ Ho, Chăm [Chàm], Mnông, Xtiêng, Mạ Chu Ru.

Dân tộc Việt

Người Việt vào khai phá và định cư ở Nam Kỳ từ thế kỷ XVII, sớm hơn người Chăm và người Hoa. Quá trình di dân của người Việt diễn ra liên tục cùng với mức độ khốc liệt gia tăng của chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Cuộc di dân càng ồ ạt do chủ trương tiến về phương Nam của các chúa Nguyễn.[38]

Dân tộc Hoa

Theo Huỳnh Lứa, vào cuối thế kỷ XVII, người Hoa từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam đã đến lập nghiệp ở Nam Kỳ (Mỹ Tho, Biên Hòa, Hà Tiên, đồng bằng sông Cửu Long).[39]

Dân tộc Khơ-me

Trước thế kỷ XVII, theo Đinh Văn Hạnh, khi chưa có những đợt di cư của người Việt, người Hoa và người Chăm tới Nam Kỳ thì người Khơ-me và văn hóa Khơ-me giữ vai trò chủ thể ở miền đất này.[40]

Dân tộc Chăm

Vào thế kỷ XVII, XVIII một số người Chăm ở miền nam Trung Kỳ đã sang Cao Miên và Xiêm. Đầu thế kỷ XIX thì họ trở về đinh cư ở Châu Đốc và một số tỉnh khác ở Nam Kỳ. Khi còn ở Cao Miên và Xiêm họ đã tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của các nhóm dân cư gốc Mã Lai và Ấn Độ. Nhất định, khi về sống ở Nam Kỳ, họ đã mang theo ít nhiều ảnh hưởng văn hóa của người Miên, Xiêm, Mã, Ấn.[41] Năm 1880 dân tộc Chăm ở Châu Đốc có khoảng 13.200 người.[42]

Các sắc dân khác

Ngoài các dân tộc đã có mặt sẵn ở Nam Kỳ trước khi người Việt đặt chân tới, còn có các giống dân từ nước ngoài cũng đã sớm tìm đến. Sự kiện này đã được ghi nhận trong một vài tác phẩm viết vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Chẳng hạn:

– Trịnh Hoài Đức (1765-1825) trong Gia Định thành thông chí ghi nhận điều ấy như sau: “Gia Định là đất phương nam của nước Việt. Khi mới khai thác, lưu dân nước ta [Việt] cùng người kiều ngụ như người Đường [Hoa], người Cao Miên [Khơ-me], người Tây phương, người Phú-lang-sa [Pháp], người Hồng mao [Anh], người Mã-cao [Macao], người Đồ-bà [Java] ở lẫn lộn nhưng về y phục, khí cụ thì người nước nào theo tục nước ấy.” [43]

Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, tương truyền của Ngô Nhơn Tịnh (?-1813), cũng kể rằng khi người châu Âu da trắng, người Chà-và (Java) da đen với mớ tóc quăn xoăn tít xuất hiện ở Nam Kỳ, bề ngoài khác lạ của họ đã từng khiến cho con gái đi chợ ôm rổ bỏ chạy, còn bọn trai chèo ghe thì hất mặt tò mò nhìn theo:

Lũ Tây dương da trắng bạc,
Mồm giột giạt, miệng xếch xác, hình vóc khác,
Giống thần quỷ, thần ma, thần sát.
Con bưng rổ te te chạy vát.
Quân Ô Rồ mặt đen thui,
Thể lọ nồi, đầu quăn riết, miệng trớt môi.
In thiên bồng, thiên tướng, thiên lôi,
Thằng cầm chèo hất hất đứng coi.[44]

Các dân tộc cư trú ở Nam Kỳ đến và bắt đầu có mặt ở miền đất này vào những thời điểm không giống nhau, trình độ kinh tế, tổ chức xã hội, tôn giáo có nhiều điểm khác biệt. Chẳng hạn, cách thức tổ chức làng xã không chặt chẽ như Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Làng Nam Kỳ được tạo lập trong quá trình người Việt cùng khẩn hoang và cộng cư với nhiều dân tộc khác (Khơ-me, Chăm, Hoa).[45] “Điều đó có ý nghĩa trong việc giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau vể phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng giữa các dân tộc.” [46] Thạch Phương cho rằng: “Nhiều yếu tố văn hóa thực tiễn của bà con người Hoa, người Khơ-me, người Chăm đã được lưu dân Việt chọn lọc, tiếp nhận một cách hồn nhiên, không dị ứng, không định kiến.” [47]

Ở vào vị trí như Nam Kỳ, sự giao lưu văn hóa không chỉ diễn ra giữa các dân tộc đang sinh sống ở Nam Kỳ mà còn với cả các dân tộc bên ngoài như Mã Lai, Xiêm La, Java…và có liên hệ với nền văn minh Nam Á đã lâu đời.[48]

Đinh Văn Hạnh thấy rằng: “Từ một cái nền văn hóa dân gian đặc sắc và phong tục tập quán có nhiều hệ thống như vậy, lại sống giữa cộng đồng các dân tộc Khơ-me, Hoa, Chăm vốn sẵn tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng, nên tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt ở Nam Bộ [Nam Kỳ] cũng hết sức độc đáo và đa dạng. Nam Bộ [Nam Kỳ] là mảnh đất có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo nhất nước ta, với những nét đặc thù mà nơi khác không có. Quá trình hình thành, du nhập và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Nam Bộ [Nam Kỳ] gắn liền với lịch sử thăng trầm và đặc điểm kinh tế, văn hóa-xã hội riêng biệt của vùng đất này.” [49]

Tóm lại, trước khi đạo Cao Đài ra đời, hoàn cảnh sinh sống vừa quần cư vừa xen kẽ giữa dân tộc Việt với nhiều dân tộc khác trên mảnh đất Nam Kỳ trải qua hơn hai trăm năm đã tạo ra cho miền đất mới một điều kiện văn hóa mở và thóang, dễ dàng cho những cơ hội giao lưu, hội nhập.

Có thể nói ngay từ buổi đầu hình thành miền đất mới, Nam Kỳ đã sớm có xu thế “văn hóa đa hệ”, cho nên Nam Kỳ không hề dị ứng với sắc thái tín ngưỡng tổng hợp như Cao Đài. Đó là lý do khi hạt giống đạo Cao Đài gieo xuống đất Nam Kỳ, dù trong lịch sử không tránh khỏi có nhiều lúc “thời tiết” quá khắc nghiệt, hạt giống ấy vẫn mau lẹ nảy mầm và trổi lớn thành tàn lá sum suê cho đến ngày nay.

2. Tính đa tín ngưỡng

Nói đến tính đa dân tộc của Nam Kỳ thì không thể bỏ qua hệ quả tất yếu là tính đa tín ngưỡng. Giải thích lý do đa tín ngưỡng, Hồ Lê viết: “Thời gian dài hơn hai trăm năm, bắt đầu từ thế kỷ XVII sang nửa cuối thế kỷ XIX này, cũng là thời gian lắm chinh chiến, loạn ly. Bao nhiêu người bị nạn dưới làn tên mũi giáo. Bao nhiêu gia đình tan tác, cha lìa con, vợ xa chồng… Đi khai hoang nơi ‘biên địa’ đã là một sự đánh cuộc với đời, phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn nữa. Trong khung cảnh như vậy, người dân Nam Bộ [Nam Kỳ] tự nhiên phải tin tưởng nhiều vào sự hên, xui, may, rủi. Và để khỏi bị xui, bị rủi thì họ phải khấn vái, cầu xin sự phò hộ độ trì của Trời phật, thần linh, tổ tiên ông bà và cả những người ‘khuất mặt’. Nam Bộ [Nam Kỳ] là mảnh đất của nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng một phần là vì thế.” [50]

Huỳnh Lứa cho rằng: “Sự hỗn hợp dân cư thuộc nhiều nguồn gốc địa phương, nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác biệt, nhiều trình độ phát triển về mặt xã hội trong nhiều thế kỷ qua đã không hề là yếu tố cản trở sự đoàn kết gắn bó nhau giữa các tộc người cùng chung sống trên địa bàn Nam Bộ [Nam Kỳ].” [51]

Như thế, có thể nói như Đinh Văn Hạnh: “So với các nơi khác, Nam Bộ [Nam Kỳ] là vùng đất có nhiều loại hình tôn giáo và số lượng tín đồ chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn quốc.” [52] Thực vậy, tuy khảo sát chưa đầy đủ, về mặt tín ngưỡng của các dân tộc cùng sống xen kẽ với người Việt ở Nam Kỳ, có thể nói vắn tắt rằng ngoài Tam giáo (Nho, Thích, Lão) của người Việt, ngoài Thiên chúa giáo của người phương Tây, đất Nam Kỳ còn có nhiều sắc thái tâm linh khác như sau:

– Người Khơ-me theo Phật giáo tiểu thừa [Theravada: cũng gọi Phật giáo nguyên thủy].[53] Vì tin có kiếp sau, tin rằng kiếp này là tạm bợ nên họ sống hiền lành, không đua chen giành dựt, dành dụm được tiền thì liền nghĩ tới việc lập chùa, nuôi sư tạo phước cho kiếp sau.[54] Con trai Khơ-me lớn lên phải vào chùa tu để học chữ và giáo lý trong ba năm. Sau đó hoặc tu luôn hoặc hoàn tục.[55]

– Người Chăm (Chàm): theo chế độ mẫu hệ, chịu nhiều ảnh hưởng Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo.[56] Họ tin có ngày tận thế, tin có cuộc phán xét cuối cùng, có sự hồi sinh ở kiếp sau.[57]

– Người Xtiêng: thờ đa thần, trong đó quan trọng nhất là thần Mặt trời.[58]

– Người Chu Ru: theo chế độ mẫu hệ, nơi thờ cúng là một thân cổ thụ gần làng,[59] vậy có thể coi tín ngưỡng của họ là vật linh (animism).

– Người Hoa có mặt ở Nam Kỳ từ nửa sau thế kỷ XVII. Họ mang vào miền đất mới những tập quán tín ngưỡng của họ như thờ Quan công, thờ ông Bổn, thờ bà Thiên hậu, v.v… Hơn thế, vốn là những di thần nhà Minh bất tùng phục nhà Thanh, họ còn mang vào Nam Kỳ “máu” truyền thống là lập hội kín, pha trộn chính trị và đạo giáo.[60]

Theo Huỳnh Lứa: “Điều đáng lưu ý trong đời sống văn hóa tinh thần ở nơi đây là trong quá trình cộng cư giữa người Việt, người Khơ-me, người Hoa, người Chăm đã diễn ra hiện tượng tồn tại đan xen nhiều tôn giáo khác nhau, trong khi giữa các dân tộc ấy vẫn giữ được tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng.” [61]

“Không thể kể hết sự giao lưu văn hóa người Việt với các dân tộc khác trong vùng trên tất cả các lãnh vực (…). Trong sự giao lưu đó, trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, nền văn hóa của người Việt trong vùng đã được nâng lên, được làm phong phú thêm với nhiều nét đặc sắc.” [62]

Cũng theo Đinh Văn Hạnh, những biến động lịch sử ở Nam Kỳ “đã tạo nên những biến động dân số và dân cư, đưa đến những không gian văn hóa-tín ngưỡng, tôn giáo nằm xen kẽ hoặc cài chéo nhau giữa các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo: bản địa, do lưu dân mang từ miền quê khác tới, do bên ngoài du nhập vào trong quá trình giao lưu buôn bán, hỗn dung văn hóa… Điều này đưa đến hiện tượng có những tôn giáo tồn tại theo lối ‘trầm tích’ (cái sau kế thừa, phát triển từ cái trước và không là mất cái trước) hoặc cùng song song tồn tại, cùng phát huy ảnh hưởng, cái sau kế thừa và phát huy cái có trước, không làm mất cái có trước. Giao lưu văn hóa giữa các dân tộc ở Nam Bộ [Nam Kỳ] nói chung và tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng, với một mức độ khá cao đã góp phần phát triển văn hóa của mỗi dân tộc. Nhưng cũng khác với quá trình phát triển của một số tôn giáo ở những địa bàn khác trên thế giới, ở Nam Bộ [Nam Kỳ] có một sự hòa đồng tôn giáo rất cao.” [63]

Như vậy, với tinh thần tín ngưỡng hòa đồng, bao dung người Nam Kỳ đã hoàn toàn không thấy có điều gì ngăn ngại khi tiếp cận và chấp nhận đạo Cao Đài. Đồng thời, theo chiều phản hồi, là một tín ngưỡng mới, đạo Cao Đài chẳng những đã không chỏi nghịch với các tín ngưỡng sẵn có ở Nam Kỳ mà dường như còn có vai trò làm chất keo nối kết các dòng tín ngưỡng khác nhau về cùng một mối. Điều đó cũng giải thích vì sao Nam Kỳ đã là xuất phát điểm thành công của đạo Cao Đài vào đầu thế kỷ XX.

CÁ TÍNH NGƯỜI NAM KỲ

Một hạt giống gieo trên đất màu mỡ sẽ lớn lên nhanh và tươi tốt hơn khi nó được trồng ở đất cằn. Một cây kiểng thúc ép trong chậu gốm nhỏ sẽ bị gò bó hơn nhiều so với một cây trồng thẳng xuống đất vườn với phân nước đầy đủ. Một vùng đất với thổ nghi đặc trưng thường cho một sản vật ngon ngọt đặc trưng. Không phải vô lý mà từ lâu đời dân gian đã thừa nhận giá trị những đặc sản địa phương như: bưởi Biên Hòa, cam Cái Bè, sầu riêng Cái Mơn, xoài cát Hòa Lộc, măng cụt Lái Thiêu…

Con người cũng thế. Cá tính con người không thể không chịu sự chi phối của môi trường thiên nhiên, của vùng đất người đó sinh sống. Do đó, khi nói đến cá tính Nam Kỳ thì cũng cần hiểu qua về thiên nhiên Nam Kỳ.

1. Đất Nam Kỳ: một thiên nhiên khắc nghiệt

Nam Kỳ là đất mới của Tổ quốc. Khi còn là đất hoang, chưa được khai phá, thiên nhiên Nam Kỳ cực kỳ khắc nghiệt. Huỳnh Lứa viết: “Nam Bộ [Nam Kỳ] là một vùng đất có môi trường thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn đối với cuộc sống con người.” [64]

Nhiều thế hệ lưu dân đã nối tiếp nhau tìm đến Nam Kỳ khai khẩn rừng hoang, cải tạo các trũng thấp sình lầy để trồng cấy và sinh sống. Công cuộc khai thác khu vực này phát khởi từ thời Chúa Nguyễn (thế kỷ XVII). Trong quá trình mở đất mở nước ở phương Nam, các lưu dân phải liên tục chống chỏi với các loài thú dữ, cá sấu, muỗi mòng, rắn rết và sơn lam chướng khí, bệnh tật. Thiên nhiên Nam Kỳ buổi ấy đã để lại cho kho tàng từ ngữ tiếng Việt những câu nói và ca dao của một thời phá rừng dựng nước:

– Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh.

– Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy.

– Tới đây nước mặn đồng chua,
Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng.

– Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma.

– Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông cá lội trên rừng cọp um.

– Tới đây xứ sở lạ lùng,
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.

Năm 1753, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) đặt chân đến Nam Kỳ sau khi miền đất này đã có hơn một trăm năm được khai phá, thế mà ông còn phải buồn bã ghi nhận rằng: Tàn hà đái thấp, chiết liễu triêm nê. (Sen tàn hơi ẩm thấp, khí hậu độc địa, nhánh cây bần gãy rụng xuống bùn.)

Sang thế kỷ XIX, sau hai trăm năm đã được lưu dân khai phá, thiên nhiên Nam Kỳ vẫn còn làm cho thực dân Pháp kinh sợ. Theo Sơn Nam, khi mới cướp được Nam Kỳ, thực dân Pháp rất bi quan, nhận định rằng không thể nào định cư ở đây được. Họ sợ muỗi mòng rắn rết, sợ nắng chói chang oi bức và những cơn mưa sấm chớp liên hồi.[65]

Thiên nhiên khắc nghiệt đó góp phần hình thành cá tính người Nam Kỳ ra sao? Huỳnh Lứa trả lời: “… môi trường thiên nhiên Nam Bộ [Nam Kỳ] với những đặc điểm riêng biệt của nó, cũng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần cũng như trong việc hình thành tính cách của con người sinh sống ở đây.” [66]

Những đặc trưng của lưu dân ở Nam Kỳ qua nhiều đời đã dần dần kết tụ thành cá tính Nam Kỳ; cá tính này bộc lộ rất mạnh vào nửa cuối thế kỷ XIX, mà theo Hồ Lê, đó là “tính cách năng động, ít thủ cựu, dám tiếp cận cái mới”.[67]

2. Cá tính người Nam Kỳ: khái quát một số đặc trưng

Có thể khái quát cá tính Nam Kỳ là: Cởi mở trong giao lưu, nhạy bén với cái mới, năng động. Dân chủ, bình đẳng. Nhân nghĩa, bao dung, nhưng rạch ròi và quyết liệt. Thiết thực, giản dị, không chị gò bó trong những khuôn khổ cứng ngắc. [Thạch Phương 1992: 249, 250, 253, 254, 258].

a. Tính cởi mở, phóng khóang

Nói về cá tính Nam Kỳ, Sơn Nam viết: “Nét lớn trong tính cách người đi khẩn hoang vẫn là chuộng sự phóng khóang…”.[68]

Thạch Phương viết: “Dừng chân trên vùng đất mới, cộng đồng lưu dân – thông qua giao lưu và sáng tạo – dần dần vươn tới một tầm nhìn, một cách nghĩ khóang đạt và năng động hơn. Hiện thực bày ra trước mắt người nông dân rộng mở hơn. Tầm mắt không còn bị lũy tre làng và bờ đê che chắn nữa.” [69]

Đinh Văn Hạnh giải thích: “Nơi đất mới rộng rãi con người không cần sự bon chen như ở nơi đất hẹp người đông. Họ sống rộng rãi, cởi mở và hào hiệp hơn. Sự gò bó, cứng ngắc, hẹp hòi được họ cởi bỏ lại đằng sau [trên đường Nam tiến] để sáng tạo ra một phong cách sống tự do, phóng khóang hơn…” [70]

Nguyễn Văn Xuân viết: “Cái lợi lớn nhất của miền Nam là được thu nhận một nền giáo dục Khổng Mạnh như miền Trung, song ít khắt khe hơn mà đồng thời, nhờ sinh hoạt xa triều đình, lại ở vào khu vực cây ngọt, trái lành, vườn rộng, đồng xanh thênh thang nên tình cảm cũng nảy nở, phong phú hơn nhiều lắm.” [71]

“… nhân tâm còn chất phác, hình như càng về miền cực Nam chừng nào lại càng chất phác chừng ấy…” [72]

“… miền Nam không đứng yên một chỗ mà luôn luôn di động. Dân chúng cứ phải phiêu lưu, phiêu lưu mãi, nhưng phiêu lưu để đạt được đời sống càng ngày càng phong phú hơn. Một đặc điểm đáng chú ý là các chúa cũng như quan lại, được sinh ra và lớn lên ở một miền đất mới, chỉ thấy có hoạt động và hoạt động nên rất ít thành kiến.” [73]

b. Tính dân chủ, bình đẳng

Thạch Phương viết: “Càng đi về phương Nam, chất phong kiến nhạt dần, thay vào đó là tinh thần dân chủ, bình đẳng thể hiện ngay trong đời sống cộng đồng thôn xã cũng như trong đời thường của mỗi gia đình.” [74]

Làng Nam Kỳ là làng khai phá, nên có ba hệ quả: (1) Không có sự phân biệt giữa dân chính cư và dân ngụ cư như ở Bắc Kỳ; (2) Mối quan hệ dòng họ không cố kết chặt chẽ vì không có được quan hệ huyết thống “ba họ chín đời” như ở Bắc Kỳ; (3) Con người liên kết với nhau do nghĩa tình gắn bó, và đó cũng là cội nguồn sâu xa của tính dân chủ, bình đẳng trong cá tính người Nam Kỳ.[75]

Có lẽ tính dân chủ bình đẳng đó đã khiến người dân Nam Kỳ đã gặp ở Cao Đài một sự hòa điệu. Bởi vì trong Cao Đài, mọi người đối với nhau là anh em, thậm chí chư tiên thánh thần cũng gọi tín đồ là hiền đệ, hiền muội.

c. Tính hiếu khách, lòng bao dung, nhân ái

Một tác giả cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là Trịnh Hoài Đức khi viết về phong tục ở Nam Kỳ (Gia Định thành thông chí, Phong tục chí) ghi nhận rằng: “Có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau đó dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu không kể người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu ắt đều thâu nạp khoản đãi…” [76]

Cho đến giữa thế kỷ XX, nhiều nơi ở miền Nam vẫn còn giữ tập quán để lu nước mát và cái gáo trước hiên nhà, mà nhà không có hàng rào, hoặc có thì khách bộ hành vẫn có thể dễ dàng đẩy cánh cổng khép sơ sài, và cứ tự nhiên múc nước uống giải khát, đỡ cơn nắng trưa.

Sơn Nam giải thích: “Nơi hẻo lánh, khách tha phương lập nghiệp luôn luôn thấy cô độc, vì vậy rất hiếu khách. (…) Gặp khách quen thân một quê xứ, cần tiếp đón để có lượng thông tin về quê cũ của mình. Gặp khách lạ lại càng thú vị, họ sẽ kể lại bao chuyện mà chủ nhà chẳng bao giờ nghe được lần nào.” [77] “Thêm vào đó cuộc sống nơi đất mới có nhiều thuận lợi, ưu đãi hơn, con người không phải vất vả, bon chen như ở nơi đất hẹp người đông. Có nhiều nhân tố để con người sống rộng rãi, cởi mở, hào hiệp hơn.” [78]

Có thể nói rằng thiên nhiên tuy khắc nghiệt, nhưng sản vật phong phú, ưu đãi; do đó con người Nam Kỳ không so đo vật chất, thế nên rất hiếu khách.

d. Tính nhân ái, trọng nghĩa khinh tài

Có người thấy rằng tính mở của của làng Nam Kỳ khiến người Nam Kỳ thiếu nhân tố liên kết cộng đồng kiểu cũ ở Bắc Kỳ, nhờ vậy người Nam Kỳ thường hướng tới cái nghĩa với mọi người trong một phạm vi lớn hơn.[79]

Phân tích kỹ rõ hơn, Nguyễn Phương Thảo cho rằng: Khác với làng Bắc Kỳ, làng Nam Kỳ là làng khai phá, không có sự phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư, không có ba họ chín đời nên không có tính cố kết chặt chẽ về quan hệ dòng họ.[80] Do không có tâm lý phân biệt người chính cư và người ngụ cư nên dân làng sẵn sàng bỏ đi nơi khác, nếu ở nơi cũ họ thấy không còn sống được nữa, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.[81] “Trong hoàn cảnh chung ấy, mối gắn bó giữa người và người trong cùng một làng không phải là quan hệ dòng họ, thậm chí cũng không phải là quan hệ láng giềng lâu đời nữa. Cùng chung cảnh ngộ, cùng rời bỏ quê hương đến làm ăn nơi đất lạ, khi quan hệ thân tộc không còn chặt chẽ nữa, dây liên kết gắn bó con người với con người chỉ còn là nghĩa tình giữa họ với nhau.” [82] “Con người gắn bó với nhau thành một cộng đồng mà chất [kết] dính là nghĩa, sống với nhau vì nghĩa.” [83]

Là lưu dân tứ chiếng quy tụ nơi đất rộng người thưa, tìm sự sống trong muôn vàn gian nguy chết chóc, không trọng nghĩa, không hào hiệp, không nhân ái thương người sa cơ lỡ bước thì không dễ sống còn.[84] Ca dao Nam Kỳ có câu:

Dạo chơi quán cũng như nhà,
Lều tranh có nghĩa hơn nhà ngói tô.[85]

Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai,

Nước sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Tới đây thì ở lại đây,
Bao giờ bén rễ xanh cây thì về.

e. Tính bất khuất

Những lưu dân đi về phương Nam có nguồn gốc địa phương khác nhau, phong tục tập quán khác nhau, cách thức làm ăn, thân phận giàu nghèo, dân tộc và tôn giáo có thể không giống nhau,[86] nhưng điểm chung của lớp người dám bỏ quê hương ra đi vào Nam Kỳ phá rừng dựng nước là dũng khí, tính bất khuất.

Trần Thị Thu Lương và Võ Thành Phương cho rằng: “Về cơ bản cư dân ở đây là [dân] ‘tứ chiếng’, cuộc đời của họ, của họ hàng cha mẹ anh em họ đã trải qua nhiều sóng gió và bất ổn định nên đã tạo trong họ bản sắc ngang tàng.” [87] Cho nên: “Họ không khuất phục trước cường quyền, sẵn sàng cứu khốn phò nguy, sống cái đạo làm người ‘kiến nghĩa bất vi vô dũng dã’, dám đứng lên dẹp bất công, bênh vực người yếu đuối, thế cô, sẵn sàng bảo bọc kẻ thất cơ lỡ vận.”[88]

Nói như Huỳnh Lứa, “… chính công việc mở mang vùng đất mới đầy rẫy khó khăn, hiểm nguy cũng đã góp phần tôi luyện họ thành những con người can trường, gan góc, không chịu lùi bước trước trở ngại thiên nhiên, cũng như không chịu luồn cúi trước mọi sức mạnh phi nghĩa: Trời sanh cây cứng lá dai, gió lay mặc gió, chìu ai không chìu.” [89]

Cách đây gần ba thế kỷ, Trịnh Hoài Đức đã viết về dân Nam Kỳ rằng: “… sĩ khí hiên ngang … con người hay chuộng tiết nghĩa, nhiều người trung dũng, khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dù hàng phụ nữ cũng thế.” [90]

Nguyễn Văn Xuân, một người nghiên cứu sinh trưởng ở miền Trung nói rõ hơn về cá tính miền Nam: “… dân miền Nam, trực tiếp tiếp xúc với Tây học vẫn còn những người ngang nhiên mang cái búi tó khá lớn để lái chiếc xe hơi kiểu mới nhất (…), và các bà thì nói đạo nghĩa vanh vách, các ông thì nhắc những lời những lời Khổng Mạnh như lưu. (…) Điểm tâm lý đó gắn liền với tình yêu nước, yêu dân tộc. Cho nên trước kia khi Phan Bội Châu vào tìm vị quân sư ở phủ Thăng Bình [là] ông Nguyễn Thành Tiểu La, mưu định phương kế phục quốc thì được chỉ dẫn là hãy vào Nam tạo tài lực (…). Khi Phan Châu Trinh về nước, cái bến ông dừng lại đầu tiên trước khi về Trung, quê ông, là Sài Gòn. (…) Ông không kịp gặp lại quê hương, đã thở hơi cuối cùng tại Sài Gòn. Dân miền Nam dành cho ông cái đám ma vĩ đại như chưa thấy từ trước …” [91]

Có lẽ tính cách Nam Kỳ như thế đã góp phần làm lớn nhanh đạo Cao Đài là một tôn giáo mới ra đời ở Sài Gòn. Tuy đạo bị thực dân Pháp coi là “hội kín” (sic), tuy luật pháp thuộc địa buộc rằng hội họp từ hai mươi người trở lên phải xin phép chánh quyền, dân chúng Nam Kỳ vẫn mạnh dạn tìm đến các đàn cơ hay lễ cúng Cao Đài rầm rộ. Rất nhiều người đã mạnh dạn không tiếc của cải, điền thổ, đem hiến nhà, hiến đất để làm thánh thất. Nhờ thế, đạo Cao Đài ra đời trong một thời gian ngắn mà tín đồ đông đảo khắp nơi, thánh thất rải khắp Nam Kỳ.

Những hồ sơ từ thời Thống đốc Nam Kỳ hiện còn lưu trữ được ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 là bằng chứng cho thấy dân Nam Kỳ ngang tàng, bất khuất, trọng đạo nghĩa khinh tiền tài như thế nào. Chẳng hạn, khi mở đạo Cao Đài ở Sài Gòn, những người Nam Kỳ như ông Lê Văn Trung đã không làm đơn xin phép Tây như từng có sách vở viết lầm. Trái lại, trong Tờ khai đạo ngày 07-10-1926 gởi cho Quyền thống đốc Nam Kỳ Le Fol, thay mặt cho đồng đạo, Thượng đầu sư Lê Văn Trung đã bằng cái giọng lịch sự mà vẫn ngầm chứa đầy khí phách ngang tàng của Nam Kỳ khi nói rằng:

“Nhân danh đông đảo những người Việt Nam (…), những người ký tên dưới đây hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại giáo lý thiêng liêng này.

“… những người ký tên dưới đây yêu cầu ông hãy chính thức tiếp nhận tuyên ngôn của chúng tôi.” [92]

Đinh Văn Hạnh cho rằng cá tính của người dân Nam Kỳ “là điều kiện để họ cũng như các tộc người khác dễ dàng giao lưu văn hóa (acculturation), ảnh hưởng lẫn nhau”.[93]

Nói tóm lại, cá tính Nam Kỳ là tính cởi mở, phóng khóang, dân chủ, bình đẳng, hiếu khách, bất khuất… Những tính ấy “không phải bỗng nhiên một lúc có được, mà phải trải qua hàng thế kỷ hun đúc, tôi luyện trong suốt quá trình lập nghiệp”.[94] Cá tính Nam Kỳ là một tiền đề tích cực cho sự ra đời của đạo Cao Đài ở Nam Kỳ.

NHU CẦU TÂM LINH NGƯỜI NAM KỲ

Có người như Sơn Nam cho rằng dân Nam Kỳ chịu ảnh hưởng của Tam giáo, họ đã “xây dựng một nếp sống tinh thần khá ấm áp, bình đẳúng, lấy tình nghĩa huynh đệ làm trọng, sống chết có nhau, giữ trung cang nghĩa khí lúc khó khăn, hiếu động. Đúng là nếp sống tinh thần kết tinh đạo Phật, lão, Khổng.” [95] Điều đó hoàn toàn không sai. Nhưng phân tích hoàn cảnh Nam Kỳ thời khai hoang mở đất thì phải nói rõ rằng ảnh hưởng Tam giáo chỉ bàng bạc, rất mỏng. Tam giáo không thực sự là tư tưởng chủ đạo chi phối trọn vẹn đời sống tinh thần của những lưu dân ở Nam Kỳ.

1. Nho giáo

Ở đất mới Nam Kỳ, Nho giáo đã mất địa vị độc tôn. Ảnh hưởng Nho giáo tuy có trong nếp sống, nếp nghĩ của người Nam Kỳ, nhưng lại thóang hơn Trung Kỳ và Bắc Kỳ, do lối sống ngang tàng của lưu dân xa xứ, muốn phá bỏ mọi lề thói ràng buộc cũ.

2. Phật giáo

Theo Đinh Văn Hạnh, giáo lý nhà Phật vốn cao siêu và thâm thúy, nhưng trong bối cảnh suy thóai từ thế kỷ XV, càng suy ở giữa thế kỷ XIX và kéo dài đến thế kỷ XX, thiếu các bậc chân tu dìu dắt, lại ở vào miền đất mới đầy khổ ải nên vốn liếng đạo Phật mà một số lưu dân mang theo trong chừng mức nào đó không còn phù hợp với những tâm hồn đang muốn vươn lên khuấy nước chọc trời. “Do đó, Phật giáo ít có điều kiện ăn sâu vào đời sống tinh thần của đại đa số nông dân.” [96]

Sơn Nam đã viết nhiều về cuộc sống lưu dân trong tập truyện Hương rừng Cà Mau, về những người xưa Vạch một chân trời, dấn mình vào Hai cõi U Minh… Những trang văn sống động ấy cho thấy cuộc sống bất trắc và khắc nghiệt của lưu dân ở Nam Kỳ: có rắn ăn rắn, có rùa ăn rùa, phải đấu tranh sinh tồn với mãng xà, cá sấu, cọp, heo rừng… Bên đống lửa hun khói xua muỗi mòng, chai rượu đế cay nồng cũng là cách đơn giản giúp lưu dân giải phiền, tạm quên đi nỗi trơ trọi giữa chốn hoang vu sơn lam chướng khí nghiệt ngã. Trong hoàn cảnh ấy, với môi trường sống và tâm trạng ấy, thử hỏi làm sao có thể khuyên nhau tu hành giữ giới (chay lạt, cấm sát sinh) được?

3. Lão giáo

Lão giáo ở Nam Kỳ cũng cùng tình trạng như triết học hình nhi thượng của đạo Nho, và giáo lý đại thừa của nhà Phật. Triết lý vô vi thanh tĩnh của các đạo gia quá cao siêu và không thể thích nghi với tâm hồn lưu dân Nam Kỳ trong buổi đầu phá rừng dựng nước.

Dễ hiểu vì sao Nam Kỳ lại là miền đất màu mỡ cho Đạo giáo dân gian với muôn vẻ biến thái, vì một khi thuốc men không có, khi mà con người phải chống chỏi với ma thiêng nước độc, thì bùa chú của pháp sư, phù thủy đương nhiên dễ chiếm ưu thế, dễ là chỗ dựa gần gũi, tin cậy. Điều này cũng phù hợp với tín ngưỡng của người Hoa, người Khơ-me, Chăm và các dân tộc bản địa khác đã có mặt sẵn ở Nam Kỳ từ trước.

Đạo giáo dân gian lại có sức quyến rũ cố kết nông dân lại để chống ngoại xâm và cường hào ác bá. Những di dân người Hoa quy tụ về Nam Kỳ lại mang thêm cho miền đất này xu hướng lập hội kín để tự bảo vệ phe nhóm và mưu đồ đại sự. Cuối thế kỷ XIX, Đạo giáo dân gian và những biến thái tương tự của tín ngưỡng này đã là dòng sinh hoạt tâm linh mạnh mẽ ở Nam Kỳ và gắn liền với phong trào yêu nước chống thực dân Pháp.

4. Thiên Chúa giáo

Theo Huỳnh Lứa, “đầu thế kỷ XVIII, một bộ phận lưu dân người Việt trong đó phần lớn là tín đồ Thiên Chúa giáo lánh nạn cấm đạo đến sinh sống ở khu Cái Mơn, Cái Nhum. Họ cũng đến sinh sống ở vùng đất giồng như Sóc Sãi, Ba Vác, Pang Tra Thom, Mỏ Cày vào thời gian muộn hơn sau khi cư dân người Khơ-me rời khỏi vùng này.” [97]

Theo Hall, nửa sau thế kỷ XVIII, tại Hòn Đất (Hà Tiên) đã có nhà tu nhỏ của Thiên Chúa giáo, dựng bằng tre, với khoảng bốn mươi tu sinh Việt Nam, Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan). Năm 1765 một giáo sĩ Pháp là Pierre Joseph Georges Pigneau đã tới đây.[98] Sơn Nam cho biết thêm: ở vùng sông Hậu, tín đồ đạo Thiên Chúa đã đến tỵ nạn tại Cái Đôi, Cù Lao Giêng (1778), Bò Ót (1779), Năng Gù (1845).[99] Nhưng, như Trần Thị Thu Lương và Võ Thành Phương ghi nhận, “mặc dù đến thế kỷ XIX Thiên Chúa giáo đã có khá nhiều ở nước ta và một số giáo dân trốn tránh việc cấm đạo của nhà Nguyễn đã chạy vào đồng bằng sông Cửu Long cư trú, nhưng ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo không mạnh.” [100]

Đinh Văn Hạnh đánh giá: “Như vậy, suốt một thời gian dài, trong cộng đồng cư dân người Việt ở đất mới Nam Bộ [Nam Kỳ] đã không có một hệ tư tưởng hay tôn giáo chủ đạo nào chi phối, mà trái lại, bị nhiều hệ tư tưởng, tôn giáo khác nhau (mới và cũ) cùng tác động.” [101]

Đinh Văn Hạnh lưu ý rằng: những người tha phương, khẩn hoang ở vùng đất xa lạ có nhu cầu rất lớn về tín ngưỡng, tâm tư tình cảm; đời sống tinh thần, tâm linh của lưu dân rất phong phú; thế nhưng những tư tưởng, tôn giáo độc tôn trước đây vì nhiều lý do khác nhau đã không đáp ứng được nhu cầu của những người đi khai hoang mở đất.[102]

5. Khoảng trống hệ tư tưởng (hay ý thức hệ)

Lưu ý của Đinh Văn Hạnh cũng là quan điểm của không ít nhà nghiên cứu khác. Nói về những biểu hiện nhu cầu tâm linh của người Nam Kỳ ở cuối thế kỷ XIX, có người chỉ coi đó là “tâm lý hẫng hụt”, do hẫng hụt mà cần đi tìm một tôn giáo mới.[103] Nhưng có tác giả như Werner lại xác định rõ rằng đó là khoảng trống lớn về hệ tư tưởng (hay ý thức hệ) ở Nam Kỳ trước thế kỷ XX: “Đạo Phật và Khổng suy thóai, để lại một khoảng trống văn hóa thuận lợi cho việc sáng lập các giáo thuyết mới nhắm vào mục đích khôi phục nền văn hóa Việt Nam.”[104]

Khoảng trống đó là hậu quả của đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm, biến Nam Kỳ thành thuộc địa. Werner viết: “… sau khi Pháp cướp nước, đạo Khổng và Phật đã suy thóai. Các thầy tu có học thức của Phật và Lão thực tế đã không có mặt ở Nam Kỳ trong những năm 1920. Đạo Khổng không còn sức mạnh là một học thuyết chính trị và xã hội, mặc dù đạo Khổng vẫn còn là căn bản cho đạo đức gia đình trong những thập niên 1920 và 1930.” [105]

6. Đạo Cao Đài ra đời đã đáp ứng nhu cầu tâm linh Nam Kỳ

Khi đã nhìn ra khoảng trống ý thức hệ ở Nam Kỳ cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Werner lý giải vì sao đạo Cao Đài có sức thu hút mạnh mẽ người dân Nam Kỳ: “Quả thật, trong một mức độ nào đó, đạo Cao Đài có thể được coi là một nỗ lực nhằm trả lại sinh lực cho đạo Phật các thầy tu đứng đầu trong đạo Phật, Lão và các chi Minh [Minh Sư, Minh Đường…] đã quy tụ về đạo Cao Đài khi đạo này mới được thành lập. Trước khi các thánh thất được xây dựng, những người khai đạo Cao Đài cũng dùng các chùa Phật để hành lễ khắp cả Nam Kỳ, và một số các hòa thượng chủ chùa ấy đã theo đạo Cao Đài. Trong các vùng ảnh hưởng của đạo Cao Đài, người ta biết rằng đông đảo phật tử các chùa ấy đã nhập môn tập thể theo Cao Đài.” [106]

Tóm lại, trên miền đất mới Nam Kỳ, tuy có sẵn tín ngưỡng bản địa của các dân tộc khác, tuy có sẵn những tôn giáo cổ truyền lưu dân mang theo trên đường về phương Nam, tuy đã có thêm cả dòng tín ngưỡng do phương Tây mang tới, trong tâm hồn của người Nam Kỳ rốt lại vẫn là một trống vắng của một nhu cầu tâm linh chưa được đáp ứng.

Lớp tiền nhân Nam Kỳ cần có một sắc thái tâm linh khác hơn, mới hơn, mà không hoàn toàn xa lạ để họ khỏi dị ứng, khỏi lạc lõng. Để lấp kín khoảng trống tâm linh ấy, người Nam Kỳ đã tìm thấy ở đạo Cao Đài những giá trị mới mẻ mà thân quen, huyền bí mà gần gũi, đơn giản và bình dị mà lại đầy tính tổ chức trong một hình tướng nhiều màu sắc.

Đó là lý do người Nam Kỳ đã đông đảo đi theo Cao Đài rất sớm, cho dù đạo ra đời chỉ trong một thời gian rất ngắn, cho dù những người đầu tiên mở đạo vốn không phải là thầy tu chuyên nghiệp, hầu hết lớp tiền nhân mở đạo Cao Đài xuất thân từ nhiều giai tầng xã hội khác nhau, trình độ học vấn khác nhau, và họ đều chưa hề trải qua bất kỳ một trường lớp đào tạo giáo sĩ nào trước khi đem cả nhiệt tâm chân thành ra truyền đạo.

KẾT LUẬN

Khảo sát khái quát trên đây chắc chắn chưa có thể nói được hết những mối liên quan giữa các yếu tố thiên nhiên, nhân văn Nam Kỳ với sự ra đời của đạo Cao Đài trên đất Nam Kỳ. Trong khuôn khổ giới hạn của một bài viết nhỏ, có thể tạm đúc kết mấy nét lớn và chủ yếu như sau:

– Nam Kỳ là đất mới, có vị trí mở, thóang và động; là giao điểm hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây; cũng là đất giao lưu, hội nhập của nhiều dân tộc, nhiều tín ngưỡng khác nhau.

– Sống trong môi trường đa văn hóa, con người Nam Kỳ có cá tính riêng. Cá tính đó là bình đẳng, dân chủ, thóang, mở, nhạy bén với cái mới và có xu thế “đa hệ”.

– Do đó đất nước và con người Nam Kỳ sẵn sàng tiếp thu, nhiệt tình ủng hộ cái mới, nhất là khi cái mới đó chẳng những không xa lạ với tâm hồn Nam Kỳ, mà còn đáp ứng được sự trống vắng tâm linh của người Nam Kỳ buổi đầu thế kỷ 20.

Chính vì đạo Cao Đài ra đời ở Nam Kỳ trong bối cảnh lịch sử, thiên nhiên và nhân văn như thế, nên đã mau lẹ thu hút đông đảo dân chúng Nam Kỳ theo đạo trong một thời gian rất ngắn. Cũng có thể thấy rằng, sự đông đảo và nhiệt tình của người dân Nam Kỳ hướng về một tôn giáo mới như Cao Đài dường như phản ảnh cái vô thức muốn thóat ra khỏi những “khuôn mẫu” của các dòng văn hóa cũ để hướng tới một chân trời mới. Nhưng ở tôn giáo Cao Đài, đã không cổ xuý cho sự dứt bỏ truyền thống để hướng về hiện đại:

Chính mình Thầy đến chốn Nam bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng.
Tưới nước vun phân Nho, Thích, Lão,
Nâng cành sửa lá Pháp hòa Tăng.[107]

Là một tôn giáo bản địa sinh ra trong lòng những tôn giáo lớn đã định hình từ những kỷ nguyên xa xưa trước đây, mà những tôn giáo ấy đã có ảnh hưởng “rễ sâu gốc bền” trong lịch sử, văn hóa, tâm lý dân tộc, đạo Cao Đài đã chọn một giải pháp khác, là xây dựng hiện đại trên nền truyền thống và “Việt hóa” các dòng văn hóa khác để phù hợp với tâm lý của người Việt. Sự Việt hóa này được xác minh trong thánh giáo sau đây của Đức Giáo tông Đạo đạo Tam kỳ Phổ độ Lý Thái Bạch (Rằm tháng 10 Bính Dần):

Cao Đài bao quát rộng sâu,
Đạo xưa ý mới, cốt sao vững vàng.

Để Nam Kỳ trở thành miền đất giàu đẹp như ngày nay, tiền nhân Việt Nam đã phải qua 300 năm phá rừng dựng nước gian khổ. Đã bao lớp tiền nhân Nam Kỳ phải chịu cảnh xuống sông sấu bắt lên bờ cọp tha để cho ngày nay cháu con có được nước ngọt quả lành, ruộng đồng mênh mông bát ngát. Đạo Cao Đài ra đời chưa đầy 100 năm trong dòng lịch sử hơn 300 năm Nam Kỳ, những gian khổ nguy nan của lớp tiền bối khai đạo xét ra cũng không khác gì những hy sinh mất mát của lớp lưu dân ngày trước trên giải đất phương Nam. Tất cả đều chung một ước vọng vạch một chân trời tươi sáng cho mai hậu.

Tìm hiểu đất Nam Kỳ để phần nào hiểu thêm về buổi bình minh của đạo Cao Đài, dường như hiếm thấy một tín ngưỡng nào lại thân thiết, gắn bó với một tâm tình dân tộc thắm thiết như thế. Chính bằng niềm tin và tình cảm thiêng liêng đó, những người Cao Đài Việt Nam ngày nay càng thấy tình dân tộc dâng trào trong tâm khảm mỗi khi họ nhớ nghĩ đến lời đức Cao Đài năm xưa:

Chính mình Thầy đến chốn Nam bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng.
Tưới nước vun phân Nho Thích Lão,
Nâng cành sửa lá Pháp hòa Tăng.
Muôn dân cộng hưởng trăm màu sắc,
Một nước âu ca vạn nẻo đàng.
Biết phận thì con lo vẹn phận,
Chờ khi tái tạo cõi dinh hoàn.

LÊ ANH DŨNG

THAM KHẢO

  • Các cước chú về xuất xứ những trích dẫn, thí dụ, được ghi là: [Bằng Giang 1992: 11, 14]. Nghĩa là trích ở trang 11 và 14 trong quyển sách in năm 1992 của Bằng Giang, nhan đề Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930.

[Bằng Giang 1992]. Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930. Tp.HCM: Nxb Trẻ.

[Cần Thơ 1997]. Khoa Ngữ văn Đại học Cần Thơ. Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long. Tp.HCM: Nxb Giáo dục.

[Đinh Văn Hạnh 1999]. Đạo Tứ ân Hiếu nghĩa của người Việt ở Nam Bộ. Tp. HCM: Nxb Trẻ.

[Hall 1997]. D. G. E. Hall. Lịch sử Đông Nam Á. Bùi Thanh Sơn và nhiều người dịch. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.

[Huỳnh Lứa 1987] (chủ biên). Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ. Nxb Tp.HCM..

[KHXH 1982]. Viện Khoa học Xã hội tại Tp.HCM.. Một số vấn đề khoa học xã hội về đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.

[Lê Anh Dũng 1996]. Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận hóa.

[Lưu Văn Nam 1999]. “Người Khơ Me ở Nam Bộ”, in trong Nam Bộ xưa và nay. Nxb Tp.HCM. và tạp chí Xưa & nay.

[Mạc Đưòng 1991] (chủ biên). Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Khoa học Xã hội.

[Nguyễn Công Bình 1995}. “Làng xã đồng bằng sông Cửu Long: Tính cách ‘mở’ và xu thế phát triển”, in trong Làng xã ở châu Á và ở Việt Nam. Mạc Đường (chủ biên). Nxb Tp.HCM., tr. 75-81.

[Nguyễn Khắc Tụng 1981] và Ngô Vĩnh Bình. Đại gia đình dân tộc Việt Nam. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

[Nguyễn Phương Thảo: 1994]. Văn hóa dân gian Nam Bộ – những phác thảo. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

[Nguyễn Văn Xuân 1969]. Khi những lưu dân trở lại. Sài Gòn: Nxb Thời mới.

[Phan Quang 1981]. Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb Văn hóa.

[Sơn Nam 1959]. Tìm hiểu đất Hậu Giang. Sài Gòn: Nxb Phù sa.

[Sơn Nam 1971]. Miền Nam đầu thế kỷ 20: Thiên địa hội và cuộc Minh tân. Sài Gòn: Nxb Phù sa.

[Sơn Nam 1992]. Cá tính của miền Nam. Hà Nội: Nxb Văn hóa.

[Sơn Nam 1993]. “Đồng Tháp Mười xa xưa”, in trong Lịch sử Đồng Tháp Mười. Võ Trần Nhã (chủ biên). Nxb Tp.HCM., tr. 7-38.

[Thạch Phương 1992] và Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh. Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.

[Trần Thị Thu Lương 1991] và Võ Thành Phương. Khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873). Nxb Tp.HCM..

[Trần Thị Thu Lương 1995}. “Phụ canh ruộng đất giữa các làng Việt ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX”, in trong Làng xã ở châu Á và ở Việt Nam. Mạc Đường (chủ biên). Nxb Tp.HCM., tr. 177-183.

[Trương Vĩnh Ký 1997] (ghi chép). Gia Định phong cảnh vịnh. Nguyễn Đình Đầu giới thiệu. Tp. HCM: Nxb Trẻ.

[Vũ Tự Lập 1978]. Địa lý tự nhiên Việt Nam. Tập I. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

[Werner 1981]: Jayne Susan Werner. Peasant politics and religious sectarianism: peasant and priest in the Cao dai in Viet Nam. Connecticut: Monograph series No. 23, Yale University Southeast Asia Studies.

HẾT

[1] [Bằng Giang 1992: 11, 14]. Về quy ước ghi xuất xứ tài liệu trong các cước chú, xem “Tham khảo” ở cuối bài.

[2] Do đó, trong khảo luận này, nhiều chỗ tôi có chua thêm [Nam Kỳ] sau các tên Nam Bộ trong nguyên văn một số tác giả được trích dẫn. Tên gọi Nam Kỳ nơi đây không hề mang ý nghĩa của một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi từ tháng 6-1946 đến tháng 5-1948.

[3] [Werner 1981: 4].

[4] [Werner 1981: 72].

[5] [Werner 1981: 4-5].

[6] [Werner 1981: 15].

[7] [Thạch Phương 1992: 249, 253, 254, 258].

[8] [Trần Thị Thu Lương 1991: 42].

[9] [Huỳnh Lứa 1987: 17, 19].

[10] [Đinh Văn Hạnh 1999: 12].

[11] [Đinh Văn Hạnh 1999: 13].

[12] [Đinh Văn Hạnh 1999: 13].

[13] [Đinh Văn Hạnh 1999: 308].

[14] [KHXH 1982: 54].

[15] [Đinh Văn Hạnh 1999: 14].

[16] [Vũ Tự Lập 1978: 161-162].

[17] [Đinh Văn Hạnh 1999: 14].

[18] Sau khi tổng hợp dữ liệu khách quan của các nhà nghiên cứu khác, tôi thử rút ra một số nhận định về lý do khai sinh ra đạo Cao Đài ở Nam Kỳ. Để dễ phân biệt, tôi đánh dấu ● ngay ở đầu dòng đoạn văn trình bày những nhận định của tôi về vấn đề này.

[19] [Lê Anh Dũng 1996: 15].

[20] [Thạch Phương 1992: 38].

[21] [Thạch Phương 1992: 55].

[22] [Nguyễn Phương Thảo 1994: 10].

[23] Trần Đình Hượu. Đến hiện đại từ truyền thống. Hà Nội: Chương trình khoa học công nghệ KX-07, 1994, tr. 193. Dẫn theo [Đinh Văn Hạnh 1999: 301].

[24] Dẫn theo Trần Từ. Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1984. Dẫn lại theo [Nguyễn Phương Thảo 1994: 9].

[25] [Thạch Phương 1992:.59].

[26] [Đinh Văn Hạnh 1999: 302].

[27] [Thạch Phương 1992:.55].

[28] [Thạch Phương 1992: 38].

[29] [Phan Quang 1981: 214].

[30] [Sơn Nam 1993: 31].

[31] [Nguyễn Công Bình 1995: 77}.

[32] [Trần Thị Thu Lương 1995: 177].

[33] [Trần Thị Thu Lương 1995: 178-179].

[34] [Trần Thị Thu Lương 1995: 182].

[35] [Thạch Phương 1992: 43].

[36] Căn cứ Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam do Tổng cục Thống kê ban hành theo Quyết định số 121 TCTK/PPCĐ ngày 02-3-1979. (Báo Nhân dân, số ra ngày 01-01-1980.)

[37] [Trần Văn Giàu 1998: 203].

[38] [Đinh Văn Hạnh 1999: 26].

[39] [Thạch Phương 1992: 28-29].

[40] [Đinh Văn Hạnh 1999: 23].

[41] [Đinh Văn Hạnh 1999: 25].

[42] [Mạc Đưòng 1991: 284].

[43] [Huỳnh Lứa 1987: 45].

[44] [Trương Vĩnh Ký 1997: 26-27].

[45] [Nguyễn Phương Thảo 1994: 22].

[46] [Đinh Văn Hạnh 1999: 29]

[47] [Thạch Phương 1992: 251].

[48] [Đinh Văn Hạnh 1999: 29].

[49] [Đinh Văn Hạnh 1999: 31].

[50] [Thạch Phương 1992: 107].

[51] [Thạch Phương 1992: 43].

[52] [Đinh Văn Hạnh 1999: 5].

[53] [Nguyễn Khắc Tụng 1981: 39].

[54] [Đinh Văn Hạnh 1999: 24].

[55] [Lưu Văn Nam 1999: 277].

[56] [Nguyễn Khắc Tụng 1981: 151-152].

[57] [Đinh Văn Hạnh 1999: 25].

[58] [Nguyễn Khắc Tụng 1981: 56].

[59] [Nguyễn Khắc Tụng 1981: 156].

[60] [Đinh Văn Hạnh 1999: 24-25].

[61] [Thạch Phương 1992: 43].

[62] [Thạch Phương 1992: 44].

[63] [Đinh Văn Hạnh 1999: 31-32].

[64] [Thạch Phương 1992: 44].

[65] [Sơn Nam 1992: 9-10].

[66] [Thạch Phương 1992: 44].

[67] [Thạch Phương 1992: 108].

[68] [Sơn Nam 1993: 32].

[69] [Thạch Phương 1992: 251].

[70] [Đinh Văn Hạnh 1999: 28].

[71] [Nguyễn Văn Xuân 1969: 51].

[72] [Nguyễn Văn Xuân 1969: 53].

[73] [Nguyễn Văn Xuân 1969: 53].

[74] [Thạch Phương 1992: 68].

[75] [Nguyễn Phương Thảo 1994: 11-12, 14].

[76] [Đinh Văn Hạnh 1999: 307].

[77] [Sơn Nam 1993: 33].

[78] [Thạch Phương 1992: 68].

[79] [Cần Thơ 1997: 7].

[80] [Nguyễn Phương Thảo: 1994: 11].

[81] [Nguyễn Phương Thảo: 1994: 13].

[82] [Nguyễn Phương Thảo: 1994: 11-12].

[83] [Nguyễn Phương Thảo: 1994: 14].

[84] [Cần Thơ 1997: 7-8].

[85] [Cần Thơ 1997: 479].

[86] [Đinh Văn Hạnh 1999: 27].

[87] [Trần Thị Thu Lương 1991: 108].

[88] [Thạch Phương 1992: 68].

[89] [Thạch Phương 1992: 37-38].

[90] [Thạch Phương 1992: 68].

[91] [Nguyễn Văn Xuân 1969: 58-59].

[92] [Lê Anh Dũng 1996: 169, 172].

[93] [Đinh Văn Hạnh 1999: 29].

[94] [Thạch Phương 1992: 68].

[95] [Sơn Nam 1971: VI].

[96] [Đinh Văn Hạnh 1999: 34-35].

[97] [Huỳnh Lứa 1987: 53].

[98] [Hall 1997: 630].

[99] [Sơn Nam 1959: 59].

[100] [Trần Thị Thu Lương 1991: 42].

[101] [Đinh Văn Hạnh 1999: 37].

[102] [Đinh Văn Hạnh 1999: 37-38].

[103] [Nguyễn Phương Thảo 1994: 28].

[104] [Werner 1981: 56].

[105] [Werner 1981: 13].

[106] [Werner 1981: 13].

[107] Thánh giáo Đức Cao Đài. Xem Thánh giáo sưu tập 1966-1967. Sài Gòn: Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam ấn tống, 1968, tr. 34.

Cùng một tác giả Lê Anh Dũng

Đôi dòng sơ lược về tác giả Lê Anh Dũng

1 bình luận về “Đất Nam Kỳ — Tiền đề văn hóa mở Đạo Cao Đài

Bình luận về bài viết này