- Vinafood 2 xài tiền như rác
- Vinafood 2 xài tiền như rác: Quản lý, kinh doanh bết bát
- VinaFood 2 xài tiền như rác (*): Tôi nói nhưng họ không nghe!
- Vinafood 2 xài tiền như rác: Có dấu hiệu cố ý làm trái
***
Vinafood 2 xài tiền như rác
NLD – 05/05/2014 22:35
Là tổng công ty lớn nhất nước về xuất khẩu gạo, nhận được nhiều ưu đãi từ nhà nước nhưng các công ty con của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực Miền Nam lại thua lỗ triền miên
Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) gồm 44 công ty thành viên, trong đó có 14 đơn vị trực thuộc. Theo báo cáo của Vinafood 2, đến hết năm 2013, 7/14 đơn vị lỗ lũy kế, nợ khó đòi với tổng số tiền gần 1.000 tỉ đồng.

Thất thoát đến mức vô lý
Cụ thể, Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ 164,66 tỉ đồng; Công ty Lương thực Trà Vinh: 134,52 tỉ đồng; Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang: 83,19 tỉ đồng; Công ty Lương thực Bạc Liêu: 42,34 tỉ đồng; Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang: 25,13 tỉ đồng; Công ty Lương thực Bến Tre: 1,35 tỉ đồng; Công ty Lương thực Sóc Trăng: 2,7 tỉ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ được cho là do lỏng lẻo trong quản lý nhân viên, ưu ái đối tác khi ký hợp đồng làm thất thoát, gây ra nợ khó đòi với tổng số tiền 420 tỉ đồng. Đáng chú ý, cuối năm 2012, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ký hợp đồng xuất khẩu 94.000 tấn mì lát cho 2 đơn vị khác, thời gian giao hàng vào tháng 6-2013. Công ty Thịnh Phát Kon Tum nhận cung cấp hàng. Trong quá trình hợp tác, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã hào phóng đến mức khó tin như: ứng tiền trước khi nhận hàng, để nhân viên tự ý ký khống phiếu xác nhận nhập kho, rồi cho Công ty Thịnh Phát Kon Tum mượn hàng trong kho đem bán với số lượng lớn, gây thất thoát 130 tỉ đồng.
Chiều 5-5, ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum, xác nhận có mượn 6.000 tấn mì lát nhưng điều này “được sự cho phép từ phía Công ty Lương thực Vĩnh Long”.
“Chúng tôi không thông đồng gì với phía Công ty Lương thực Vĩnh Long, lượng nông sản còn thiếu 24.200 tấn là do hao hụt, đội giá mặt hàng trong quá trình thực hiện tất cả các hợp đồng. Bên cạnh đó, phía Công ty Lương thực Vĩnh Long luôn cho người đi kiểm soát nên không thể có chuyện khai khống lượng hàng lớn như vậy mà không hay biết” – ông Thạnh phân trần.
Ngoài ra, các đơn vị khác của Vinafood 2 cũng đã ký hợp đồng bán gạo cho Công ty TNHH XNK-TM Võ Thị Thu Hà (trụ sở 186 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM) và 2 công ty con là Công ty Tân Hòa Lộc và Công ty Bình Lợi gây thất thoát lớn. Đến thời điểm này, Công ty Võ Thị Thu Hà vẫn còn “ngâm” của Công ty Lương thực Vĩnh Long 174,3 tỉ đồng, Công ty Lương thực Hậu Giang 160 tỉ đồng, Công ty Lương thực Đồng Tháp 47 tỉ đồng, Công ty Lương thực Sóc Trăng 26 tỉ đồng… Cuối tháng 4-2014, Vinafood 2 buộc phải nộp đơn khởi kiện Công ty Võ Thị Thu Hà ra TAND quận Phú Nhuận, TP HCM để đòi lại số tiền trên.
Đứng bên bờ vực phá sản
Theo kết quả “Giám sát tài chính đối với các đơn vị trực thuộc có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ của Vinafood 2”, tính đến ngày 31-12-2013, 3/7 đơn vị thua lỗ thuộc đối tượng phải giám sát tài chính cho thấy hầu hết đều ở tình trạng nợ xấu cao, vốn vay ngắn hạn bị chiếm dụng do đưa vào đầu tư dài hạn và khả năng thanh toán nợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu hầu như bị mất. Như tại Công ty Lương thực Trà Vinh, dù không có nợ xấu dẫn đến nợ phải thu khó đòi nhưng công ty đã có số lỗ lũy kế trên 134,52 tỉ đồng. Vốn vay ngắn hạn bị chiếm dụng đưa vào đầu tư dài hạn của công ty này lên đến 82 tỉ đồng. Như vậy, vốn của công ty bị chiếm dụng không tham gia vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng từ 2 khoản trên lại hơn 217,1 tỉ đồng.
Nếu tính lãi suất vay ngân hàng hằng năm 8%/năm thì mỗi năm, công ty này phải trả lãi ngân hàng ít nhất 17,3 tỉ đồng. Báo cáo cũng nhận xét “Tổng kết lại số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty này là 629,44 tỉ đồng/-18,52 tỉ đồng. Hệ số này cho thấy công ty mất khả năng thanh toán nợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu; mất khả năng tự chủ về tài chính bằng nguồn vốn chủ sở hữu và không thể trả được các khoản nợ theo điều kiện tài chính thắt chặt.
Tương tự, Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang và Công ty Lương thực Bạc Liêu cũng trong tình trạng bi đát với “khả năng tự chủ về tài chính bằng nguồn vốn chủ sở hữu đạt thấp, có khả năng không thể trả được các khoản nợ trong điều kiện tài chính thắt chặt”. Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang và Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh cũng đã có kế hoạch ngưng hoạt động.
Xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”
Những đợt kiểm tra của lãnh đạo Vinafood 2 với các đơn vị thành viên trong năm 2013 từng phát hiện nhiều sai phạm như: vận dụng nhiều phương cách kinh doanh mạo hiểm, vi phạm quy chế, điều lệ; ký hợp đồng xuất khẩu không chặt chẽ, ký vượt thẩm quyền; mua tập trung vào một khách hàng với số lượng quá lớn; ứng trước số tiền vượt mức quy định trong thời gian dài làm tăng nguy cơ xảy ra rủi ro thua lỗ, thất thoát.
Không chỉ vậy, một số đơn vị còn thiếu trung thực trong việc báo cáo, che giấu về số liệu, thời gian làm cho tổng công ty không nắm được tình hình một cách đầy đủ.
Điển hình là việc Công ty Lương thực Hậu Giang bán ngược trở lại cho Công ty Võ Thị Thu Hà 72.500 tấn gạo với giá thấp hơn mua vào, qua đó báo cáo lỗ gần 28 tỉ đồng vào quý I/2013.
Lãnh đạo Vinafood 2 kết luận: Công ty đã ký hợp đồng vượt khung cho phép và yếu kém trong nhận định thị trường, trong kỹ thuật ngoại thương. Việc hai bên mua bán qua lại số tiền rất lớn (gần 700 tỉ đồng) cho cùng một lô hàng mà không xin ý kiến của hội đồng quản trị cũng như lãnh đạo tổng công ty là việc làm hết sức bất thường và thiếu cân nhắc; rất dễ gây sự chú ý và nghi ngờ của cơ quan giám sát tài chính cũng như các cơ quan pháp luật, gây dư luận không tốt (?).
Mặc dù phát hiện nhiều sai phạm của các đơn vị trực thuộc nhưng Vinafood 2 chỉ dừng lại ở mức phê bình, kiểm điểm nội bộ, khắc phục lỗi… khiến cho tình trạng thất thoát vốn càng thêm nghiêm trọng.
Năm 2013, Công ty Lương thực Hậu Giang thua lỗ 98,57 tỉ đồng. Ông Võ Văn Hùng, tổng giám đốc, cho biết công ty lỗ chủ yếu do bán gạo với giá thấp để thanh toán công nợ đến hạn mà không hề nhắc đến những sai phạm trong quản lý yếu kém. Các đơn vị khác cũng đưa ra lý do tương tự khi nói về kết quả kinh doanh không như mong muốn.
Ông Trần Văn Tâm, quyền Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, khẳng định thua lỗ do việc kinh doanh lương thực năm 2011 của lãnh đạo công ty lúc đó không đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, khi đó công ty đã mua gạo giá cao nhưng lúc bán ra lại “vướng” cảnh rớt giá tới gần 2.000 đồng/kg, gây lỗ hơn 120 tỉ đồng. Năm 2012, công ty tiếp tục thua lỗ thêm hơn 10 tỉ đồng do thực hiện chương trình mua tạm trữ lúa gạo không hiệu quả. Để giảm bớt lỗ, Công ty Lương thực Trà Vinh đã bán 2 căn nhà không sử dụng vào năm 2013 được 5 tỉ đồng. Khoản tiền lỗ hơn 120 tỉ đồng còn lại, lãnh đạo công ty cho biết đang trông chờ vào khoản bù lỗ từ Vinafood 2 hoặc bán tiếp một số tài sản khác.
Còn ông Trần Quốc Thống, Giám đốc Công ty Lương thực Bạc Liêu, từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến việc vì sao công ty thua lỗ. “Chúng tôi đang kiểm tra lại sổ sách nên chưa thể cung cấp thông tin vào thời điểm này. Còn chuyện thua lỗ mà báo chí nêu chỉ là số liệu cũ của năm 2013, bây giờ tình hình đã khác rồi”- ông Thống lạc quan nói.
Theo ông Trương Thanh Phong, nguyên Tổng Giám đốc Vinafood 2, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thua lỗ, thất thoát từ các đơn vị trực thuộc. Không loại trừ một số nguyên nhân chủ quan, thiếu trách nhiệm của một vài đơn vị để xảy ra tình trạng trên. Đối với công nợ của Công ty Võ Thị Thu Hà, từ đầu năm 2013, các công ty liên quan đã buộc phải thu hồi nợ, khắc phục hậu quả nhưng có công ty không thu hồi được nợ mà còn cố tình gây nợ lớn hơn nên đến cuối năm 2013, tổng công ty kiểm tra lại thì nguồn vốn thất thoát tăng khá nhiều. Lẽ ra hội đồng thành viên đã xử lý ngay nhưng do nhiều lý do khác nhau mà đến nay, Vinafood 2 mới bắt đầu khởi kiện công ty này.
Kiên quyết xử lý sai phạm
Ông Đỗ Văn Nam – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) – cho biết: Hiện bộ đang làm việc về tình trạng hàng loạt công ty con thuộc Vinafood 2 kinh doanh thua lỗ kéo dài. Dự kiến, đầu tuần sau, Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ ký thông báo ý kiến chính thức của bộ để gửi cho Vinafood 2 về vấn đề này. Khi đó sẽ có thông tin chính thức, số liệu rõ ràng để cung cấp cho báo chí.
Trước mắt, bộ sẽ làm rõ các khoản nợ phải thu của Vinafood 2. “Vì Vinafood 2 là tổng công ty nhà nước mà Bộ NN-PTNT là đại diện chủ sở hữu nên bộ chỉ yêu cầu hội đồng thành viên của Vinafood 2 phải lên ngay phương án để làm sao có thể thu hồi được các khoản nợ đó” – ông Nam nói.
Theo ông Nam, trong quá trình làm việc, nếu phát hiện những sai phạm của Vinafood 2 thì “quan điểm chung của Bộ NN-PTNT là xử lý kiên quyết những sai phạm nếu có bởi đây là tiền vốn của nhà nước chứ không phải tiền của cá nhân nào”. V.Duẩn
Thành tích ảo
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, việc các đơn vị trực thuộc của Vinafood 2 lâm nợ là tất yếu do cách làm ăn theo kiểu thụ động.
“Họ chủ yếu muốn báo công với Chính phủ chứ đâu có quan tâm gì đến lợi ích thiết thực của nông dân khi mà việc đấu thầu xuất khẩu gạo luôn ở giá thấp so với các nước trên thế giới, có khi lên đến 100 USD/tấn.
Nhiều công ty lớn nói với tôi rằng họ đã quá ngán ngẩm việc phải thường xuyên bị ép bù lỗ từ các gói thầu xuất khẩu gạo giá thấp. Nếu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho đến các tổng công ty cứ thụ động như thế, tình trạng thua lỗ sẽ tiếp tục tái diễn và Chính phủ vẫn còn phải gánh chịu các khoản lỗ này” – GS-TS Võ Tòng Xuân nói.Th.Nốt
Vinafood 2 xài tiền như rác: Quản lý, kinh doanh bết bát
NLD – 06/05/2014 22:45
Những sai phạm tại Vinafood 2 được nêu ra từ vài năm trước nhưng không được khắc phục, gây ra những tổn thất, thua lỗ nặng nề
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2013 do kiểm soát viên gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy hoạt động của Vinafood 2 (Tổng Công ty Lương thực miền Nam) gặp rất nhiều khó khăn, lỗ hơn 272 tỉ đồng. Trong đó, khối công ty mẹ lỗ 117 tỉ đồng; khối công ty TNHH một thành viên: 45,75 tỉ đồng; khối công ty CP do Vinafood 2 góp vốn chi phối: 49,28 tỉ đồng; nhóm công ty liên kết: gần 60 tỉ đồng.
Lỗ vẫn được ưu ái
Nhiều doanh nghiệp (DN) trong số này đã phát sinh lỗ từ năm 2012 cũng như 6 tháng đầu năm 2013 và gần như mất khả năng thanh toán. Điển hình như Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang lỗ 20 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, lũy kế đến ngày 30-6-2013 lỗ 62,46 tỉ đồng (chiếm hơn 70% vốn chủ sở hữu); Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ lũy kế 99 tỉ đồng (gấp gần 1,5 lần vốn đầu tư chủ sở hữu); Công ty Lương thực Trà Vinh lỗ lũy kế 138,47 tỉ đồng…
Hầu hết DN thành viên lẫn Vinafood 2 đều giải thích do kết quả thị trường biến động khó lường, giá gạo và thủy sản giảm mạnh, tồn kho lớn, đầu ra tiêu thụ khó khăn…

Kinh doanh thua lỗ là vậy nhưng các DN này vẫn được Vinafood 2 “tạo điều kiện” khắc phục lỗ trong 6 tháng cuối năm 2013. Kết cục, số lỗ lũy kế của 7 DN trực thuộc Vinafood 2 tăng lên gần 454 tỉ đồng vào cuối năm 2013.
Tại báo cáo kết quả giám sát tài chính ngày 14-3-2014, các DN thua lỗ kéo dài tiếp tục nhận thêm ưu ái để tái cơ cấu, không phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Theo đó, Công ty Lương thực Trà Vinh, Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang được đề nghị bán tài sản (bất động sản, khách sạn…) để có vốn hoạt động và khắc phục lỗ. Công ty Lương thực Bạc Liêu được đề nghị cho sáp nhập vào Công ty Lương thực Sóc Trăng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bình Tây đã được Bộ NN-PTNT phê chuẩn việc sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Lương thực TP HCM, thời hạn chót là ngày 30-6-2014. Tuy nhiên, dư luận đặt vấn đề khi DN thua lỗ nặng nề, không còn sức hoạt động liệu việc bán tài sản, nhà xưởng có cứu nổi hay sẽ càng làm thất thoát thêm tài sản nhà nước. Và những đơn vị bên bờ vực phá sản, nếu sáp nhập vào một đơn vị chưa hẳn đã khỏe mạnh thì liệu cả hai có đủ sức để “sống sót” trong điều kiện thị trường khó khăn?
Thiếu minh bạch
Không chỉ kinh doanh kém hiệu quả, việc quản lý vốn, nợ của Vinafood 2 và các thành viên cũng có nhiều điều để nói. Vinafood 2 là DN do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, tổ chức theo hình thức công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Vốn điều lệ của Vinafood 2 là 4.723 tỉ đồng nhưng tính đến ngày 30-9-2013 đã phải gánh nợ hơn 9.411 tỉ đồng, trong đó hầu hết là nợ ngắn hạn (hơn 86% tổng nợ phải trả). Vinafood 2 thì vẫn cho rằng khả năng thanh toán của mình vẫn bảo đảm; Vinafood 2 và các đơn vị trực thuộc vẫn hào phóng cho khách hàng nợ 922,68 tỉ đồng (tính đến ngày 30-9-2013) và ứng trước cho người bán tới 1.458,58 tỉ đồng.
Tại báo cáo 9 tháng đầu năm 2013, Vinafood 2 đã chỉ ra những tồn tại trong việc quản lý, thu hồi nợ, như: để phát sinh những khoản ứng trước tiền cho người bán lớn, hầu hết không có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh hợp đồng, khoản ứng trước tiền mua gạo của các đơn vị trực thuộc từ 80%-90% giá trị hợp đồng nhưng việc kiểm tra năng lực người bán, hàng hóa, việc sử dụng vốn đúng mục đích chưa được đầy đủ, thường xuyên, còn mang tính hình thức…
Trước đó, tại báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011 của Kiểm toán nhà nước cũng phát hiện những sai phạm tương tự tại Vinafood 2. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục dường như vẫn chưa được thực hiện dẫn đến hậu quả là đến cuối năm 2013, nhiều DN trực thuộc Vinafood 2 vướng nợ xấu, nợ khó đòi hàng trăm tỉ đồng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-5
Tù mù tiến độ thoái vốn
Tổng vốn đầu tư tài chính của Vinafood 2 tại các DN tính đến ngày 30-6-2013 là trên 1.348,57 tỉ đồng. Trong đó, gần 486,6 tỉ đồng vào 4 công ty con do Vinafood 2 nắm 100% vốn; 296,8 tỉ đồng vào 12 công ty con do Vinafood 2 nắm trên 50% vốn; hơn 386,76 tỉ đồng vào 14 công ty liên kết và trên 174 tỉ đồng đầu tư dài hạn vào 7 DN khác.
Báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011 cho thấy Vinafood 2 đã đầu tư vào Công ty CP Vận tải biển Việt Nam 59,5 tỉ đồng và phải trích lập dự phòng 47,7 tỉ đồng và mua cổ phiếu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 52,57 tỉ đồng trong khi giá niêm yết thời điểm đó chỉ 16,64 tỉ đồng.
Theo lộ trình thoái vốn đến hết năm 2015, Vinafood 2 dự kiến trong năm 2013 thoái vốn xong khỏi 13 DN và ghi nhận lỗ khoảng 90,8 tỉ đồng. Giai đoạn 2014-2015 dự kiến thoái vốn tại 7 DN và ghi nhận lỗ thêm 78,45 tỉ đồng. Hiện tiến độ thoái vốn như thế nào vẫn chưa được lãnh đạo tổng công ty này công bố.
Báo cáo của Vinafood 2 cho thấy có khoản nợ phải thu dài hạn của Cuba 533 tỉ đồng, là tiền bán gạo cho Cuba được Bộ Tài chính ứng vốn để mua xuất khẩu.
***
VinaFood 2 xài tiền như rác (*): Tôi nói nhưng họ không nghe!
NLD – 07/05/2014 22:59
Ông Trương Thanh Phong, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), trần tình như vậy xung quanh việc để thất thoát, thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng tại đơn vị này
Phóng viên: Ông giải thích như thế nào về con số lỗ lã, thất thoát lên đến hàng ngàn tỉ đồng tại các công ty con của Vinafood 2 mà báo chí đã nêu?

– Ông Trương Thanh Phong: Thực tế, năm 2012 đã có vài công ty báo cáo lỗ. Đến năm 2013 thì con số lỗ tăng lên. Từ đầu năm 2014 thì tôi không được biết thêm nhiều nhưng nghe nói có phát sinh thêm 400-500 tỉ đồng.
Về thất thoát, cụ thể là công nợ tại Công ty Võ Thị Thu Hà, từ tháng 2-2013, Hội đồng Thành viên Vinafood 2 đã phát hiện có 3 công ty tập trung mua hàng tại đơn vị này. Đó là Công ty CP Lương thực Hậu Giang, Công ty Lương thực Vĩnh Long và Công ty Lương thực Đồng Tháp với tổng số tiền ứng dồn cho Công ty Võ Thị Thu Hà lên đến 800- 900 tỉ đồng.
Sau khi phát hiện, ban điều hành đã họp và chỉ đạo hướng giải quyết, đồng thời quyết định thành lập tổ kiểm tra của tổng công ty để xử lý. Sau đó, 2 công ty đã thu hồi nợ dần nhưng còn Công ty CP Lương thực Hậu Giang vẫn để số tiền chưa thu hồi được quá lớn.

Tại sao xảy ra tình trạng thua lỗ kéo dài mà không xử lý để càng ngày càng nặng hơn, thưa ông?
-Về thất thoát thì tôi có thể khẳng định lãnh đạo các công ty này đã cố ý làm trái điều lệ, quy chế, trái với các chỉ đạo của tổng công ty. Họ đã cho mua, bán vượt thẩm quyền nên gây thất thoát.
Như tôi đã nói, ngay từ đầu, khi các công ty thành viên xảy ra tình trạng thua lỗ, thất thoát, chúng tôi đã có ý kiến, kiến nghị xử lý nhưng thực tế là chưa được xử lý. Thẩm quyền không phải thuộc về một mình tôi mà còn có Hội đồng Thành viên, Đảng ủy và cấp trên. Những ý kiến, kiến nghị của tôi đã không được giải quyết.
Cũng phải nói thêm rằng tình trạng thua lỗ do nguyên nhân khách quan là có nhưng bản thân lãnh đạo các công ty thành viên phải xem xét cái nào cần khắc phục, giải quyết chứ không phải thấy lỗ vẫn cứ làm đại để kéo dài liên miên. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị xử lý cán bộ yếu kém về năng lực nhưng vẫn chưa thấy làm gì.
Đã có tình trạng lãnh đạo các công ty này người thì luân chuyển, người thì nghỉ trị bệnh mà không bị xử lý trách nhiệm. Với vai trò là người đứng đầu điều hành Vinafood 2 trong thời gian này, ông giải thích ra sao?
– Đúng là có lãnh đạo một số công ty thành viên đã chuyển sang nhiệm vụ khác. Có người xin nghỉ điều trị bệnh, có người nghỉ hưu nhưng theo tôi, dù đi đâu thì những ai liên quan sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm. Bản thân tôi cũng có một phần trách nhiệm trong thời gian điều hành. Tuy nhiên, tôi đã làm hết trách nhiệm của mình là khi phát hiện từng kiến nghị, báo cáo cụ thể đến cấp trên nhưng không được xử lý. Khi chưa nghỉ hưu, tôi cũng đã có ý kiến giải thể, cho phá sản, sáp nhập một số công ty vì không có khả năng khắc phục.
Sau sự việc này, ông nhận thấy điều gì cần rút kinh nghiệm trong điều hành?
– Theo tôi thì công tác tổ chức cán bộ là quan trọng nhất. Vì thực tế, công tác quản lý cán bộ không hề đơn giản. Chúng tôi đã có kiến nghị xử lý những cán bộ, lãnh đạo ở các đơn vị không làm hết trách nhiệm, yếu kém năng lực nhưng vẫn chưa thấy xử lý. Chúng tôi đang chờ kết luận và việc xử lý từ Bộ NN-PTNT.
Vài ngày tới sẽ có kết luận chính thức
Trao đổi nhanh với phóng viên bên lề một hội nghị tại tỉnh Tiền Giang ngày 6-5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết những vấn đề liên quan đến thua lỗ, thất thoát hàng ngàn tỉ đồng tại các công ty con của Vinafood 2, lãnh đạo bộ cũng như bản thân ông đã biết từ cuối năm 2013. Ngay sau đó, bộ đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát vụ việc và đến nay đã có kết quả bước đầu về những sai phạm.
Tuy nhiên, theo trình tự, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các đơn vị liên quan, Vinafood 2 thực hiện giải trình, kiểm điểm để có cơ sở xử lý vi phạm. Quan điểm của ông là sai phạm đến đâu sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật chứ không bao che. Trong vài ngày tới, bộ sẽ có kết luận chính thức về vấn đề này.
***
Vinafood 2 xài tiền như rác: Có dấu hiệu cố ý làm trái
NLD – 08/05/2014 20:29
Trong 7 doanh nghiệp “con cưng” của Vinafood 2 làm ăn thua lỗ, thất thoát số tiền lớn, Công ty CP Lương thực Hậu Giang có dấu hiệu cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng; còn lãnh đạo Vinafood 2 thời đó lại quá dễ dãi trong quản lý
Theo tài liệu chúng tôi có được, từ đầu năm 2013, sau khi phát hiện dấu hiệu sai phạm ở Công ty CP Lương thực Hậu Giang (Hậu Giang Food), Công ty Lương thực Vĩnh Long và Công ty Lương thực Đồng Tháp, lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) khi đó đã thành lập tổ kiểm tra tại 3 doanh nghiệp này về chủ trương mua bán lương thực; số lượng, giá cả so cùng thời điểm; số tiền đã ứng; tồn kho và thời gian giao hàng.
Gian dối về số liệu
Đến ngày 19-3-2013, tổ kiểm tra có báo cáo gửi lãnh đạo Vinafood 2, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những sai phạm tại Hậu Giang Food, có dấu hiệu vi phạm quy định về áp dụng chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định trên báo cáo tài chính năm 2012.
Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2013, Hậu Giang Food tồn kho hơn 46.164 tấn gạo, tấm các loại từ năm 2012 chuyển sang. Tuy nhiên, chỉ có hơn 23.164 tấn được để tại kho công ty, còn 23.000 tấn lưu bên ngoài mà ở đây chính là kho của Công ty Võ Thị Thu Hà (trụ sở 186 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM). Việc làm này đã vi phạm điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của tổng công ty.
Cũng theo tổ kiểm tra, biên bản gửi hàng của Hậu Giang Food lập vào ngày 28-12-2012 có những nội dung không phù hợp pháp lý.
Thứ nhất, trong số 8 hợp đồng giá trị gia tăng của người bán (giá trị gần 197 tỉ đồng), chỉ có 2 cái lập vào ngày 28-12-2012 (giá trị hơn 51,18 tỉ đồng), 6 hợp đồng còn lại lập từ ngày 29 đến 31-12-2012 (giá trị 145,74 tỉ đồng).
Thứ hai, biên bản ghi “Bên A đã chuyển số tiền ứng trước 80% giá trị hợp đồng” nhưng trong thực tế không có chuyển tiền và việc chuyển tiền này được thực hiện trong năm 2013.
Thứ ba, biên bản gửi kho và biên bản kiểm tra, xác nhận hàng không ghi số lượng chân hàng theo từng địa chỉ kho của người bán.
Thứ tư, xác nhận số lượng gửi kho được Công ty Võ Thị Thu Hà ký 2 thư (1 thư xác nhận số lượng hơn 22.180 tấn và 1 thư xác nhận số lượng 819,8 tấn) nhưng Công ty Kiểm toán AASC chỉ ghi nhận có 1 thư 22.180 tấn.
Báo cáo tài chính năm 2012 được Hậu Giang Food nộp cho Vinafood 2 ghi hàng gửi đi bán là 22.184 tấn, giá trị trên 184,65 tỉ đồng đã hạch toán sai tài khoản, thực chất là hàng gửi tại kho Công ty Võ Thị Thu Hà. Bên cạnh đó, số lượng hàng gửi đi bán cũng đã hạch toán sai giá vốn, làm sai lệch số liệu kết quả kinh doanh năm 2012 của công ty.
Giao dịch bất minh
Tổ kiểm tra còn phát hiện ông Võ Trường Hùng, Tổng Giám đốc Hậu Giang Food, đã thực hiện ký hợp đồng, giao dịch vượt quá thẩm quyền, vi phạm điều lệ công ty và có dấu hiệu tổn thất tài sản do việc ký hợp đồng mua đi bán lại cùng một đối tác.

Cụ thể, theo quy định, hợp đồng mua bán có giá trị lớn hơn hoặc bằng 40% tổng giá trị tài sản của công ty tại thời điểm 31-12-2012, tức lớn hơn hoặc bằng 278,2 tỉ đồng phải thông qua HĐQT. Trong khi ngày 5-1-2013, ông Hùng đại diện cho Hậu Giang Food ký hợp đồng ngoại thương xuất 100.000 tấn gạo cho MT Centetrade Co., Ltd (Thái Lan) với tổng giá trị lên tới 868,19 tỉ đồng nhưng không có sự chấp thuận của HĐQT.
Ngoài ra, việc Hậu Giang Food liên tục có những giao dịch lớn, trị giá hàng trăm tỉ đồng với cùng một đối tác Công ty Võ Thị Thu Hà là điều bất bình thường. Chỉ trong thời gian ngắn, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, Hậu Giang Food đã mua của Công ty Võ Thị Thu Hà tổng cộng 85.750 tấn gạo, tấm các loại trị giá gần 700 tỉ đồng, sau đó bán lại cho chính công ty này với giá thấp hơn gây thất thoát trên 27,79 tỉ đồng.
Trong những lần giao dịch này, Hậu Giang Food còn hào phóng ứng trước cho đối tác đến hơn 80% giá trị hợp đồng dù phần lớn hàng hóa vẫn còn gửi ở kho của người bán. Và khi bán ngược trở lại, Công ty Võ Thị Thu Hà còn được Hậu Giang Food ưu ái cho nợ đến hơn 155,23 tỉ đồng.
Phát hiện sai phạm nhưng không xử lý
Trong cuộc họp xem xét kết quả kiểm tra sau đó, lãnh đạo Vinafood 2 kết luận Hậu Giang Food có nhiều sai phạm lớn, khi phát hiện vụ việc thì thiếu trung thực làm cho tổng công ty không nắm được tình hình một cách đầy đủ, chính xác để chỉ đạo kịp thời.
Lãnh đạo Vinafood 2 kiến nghị hội đồng thành viên tổng công ty cho phép phân công ông Huỳnh Văn Thông – Phó Tổng Giám đốc Vinafood 2, người đại diện vốn tại Hậu Giang Food – chỉ đạo điều chỉnh đúng số liệu thực tế trong thanh lý, thu hồi công nợ mua bán, chấn chỉnh hợp đồng, kiểm tra thiếu sót tại Hậu Giang Food và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ điều lệ, Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những sai phạm đó chẳng những không được khắc phục mà vẫn còn tiếp diễn. Những giao dịch bất thường giữa Hậu Giang Food và Công ty Võ Thị Thu Hà đã làm phát sinh những khoản công nợ khó đòi lên tới hàng trăm tỉ đồng tính đến cuối năm 2013. Một số đơn vị khác trực thuộc Vinafood 2 cũng dính nợ với Công ty Võ Thị Thu Hà và đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán nợ nhưng công ty này chưa chịu thực hiện.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đoàn Văn Hiền, Phó Giám đốc Công ty Võ Thị Thu Hà, chỉ thừa nhận còn nợ 6 công ty lương thực thuộc Vinafood 2 khoảng 137 tỉ đồng.
Theo ông Hiền, sở dĩ có việc nợ nần này là do công ty bị sức ép quá lớn từ cạnh tranh không lành mạnh ở các thị trường lúa gạo. Đáng nói hơn là trong thời gian này, công ty còn chịu tổn thất lớn do phía ngân hàng kiểm tra kho hàng quá lâu, gây khó khăn hơn cho công ty khi mà gạo tồn kho bị xuống màu và khó bán.
Ngày 7-5, chúng tôi cũng đã liên lạc qua điện thoại với ông Võ Trường Hùng, Tổng Giám đốc Hậu Giang Food, để làm rõ thêm vấn đề nhưng ông Hùng cho rằng ông đang ở nước ngoài và cúp máy.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-5
Sự ưu ái khó hiểu
Hậu Giang Food có vốn điều lệ 54 tỉ đồng, trong đó Vinafood 2 góp 53,27% vốn và UBND tỉnh Hậu Giang góp 46,39% vốn. Theo báo cáo kết quả sản xuất – kinh doanh năm 2013, công ty này thua lỗ 95,57 tỉ đồng, tức đã vượt xa số vốn góp ban đầu. Hệ số nợ phải trả của công ty gấp 30,79 lần vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, trong cuộc họp giữa lãnh đạo của Vinafood 2 và UBND tỉnh Hậu Giang vào tháng 3-2014 vẫn ưu ái cho Hậu Giang Food duy trì hoạt động thay vì mở thủ tục giải thể, phá sản. Không những vậy, các bên còn đề nghị Vinafood 2 hỗ trợ vốn cho Hậu Giang Food thu mua lúa tạm trữ trong vụ đông xuân 2013-2014.
S.Nhung
Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP HCM:
Lãnh đạo Vinafood 2 thiếu trách nhiệm
Việc mua bán lòng vòng số lượng lớn gạo của Hậu Giang Food với Công ty Võ Thị Thu Hà gây lỗ số tiền lớn là rất không bình thường, cần phải xác định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng bởi tiền thua lỗ là làm mất vốn nhà nước. Sự bất thường này hoàn toàn có thể do vụ lợi. Mà dù không vì vụ lợi nhưng làm sai hoặc làm trái các quy định của nhà nước, hậu quả đã xảy ra thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự ở hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Các đơn vị thành viên có tỉ lệ vốn trên 50% thuộc Vinafood 2 thì dù là đơn vị hạch toán độc lập nhưng luôn chịu sự quản lý trực tiếp của Vinafood 2 trong mọi hoạt động kinh doanh. Lẽ ra, ngay từ khi có các sai phạm nhỏ về việc ký kết hợp đồng mua bán vượt ngoài phạm vi của đơn vị thành viên hay việc mua bán lòng vòng cho chính một công ty bắt buộc tổng công ty phải phát hiện để can thiệp kịp thời nhằm giảm thiệt hại, đây là chức năng quản lý. Nhưng lãnh đạo Vinafood 2 đã không thực hiện hết chức trách của mình trong việc phát hiện các sai phạm này.
Bên cạnh đó, sai phạm của các đơn vị thành viên là rất rõ ràng, thanh tra nội bộ của tổng công ty đã có kết luận mà lãnh đạo Vinafood 2 lúc đó không có xử lý tương ứng là có dấu hiệu của hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ Luật Hình sự.
Th.Nhân ghi