Hình như Việt Nam trong những năm gần đây bỏ bê Kampuchea và Lào cho Trung Quốc, có lẽ vì thấy không cạnh tranh được với tiền của Trung Quốc. Nhưng đó là quan niệm tiêu cực. Sự liền kề về địa lý luôn tạo ra một số những điều kiện thuận lợi mà người ở xa hơn không có. Địa chính trị, dùng vị thế địa lý để tạo quyền lợi, sức mạnh, và đồng minh.
Có thể Việt Nam cũng có nghĩ đến điều đó một chút khi cùng thoả thuận với Lào để phát triển một hải cảng ở Vũng Áng, Hà Tĩnh (Đọc ở đây). Đây là nơi rất tiện để Lào đi từ Biển Đông vào, hay từ Lào ra biển. Đi vào, bắt đầu từ Hà Tĩnh đi Quốc lộ 8 của VN, sang cửa ải Kẹo Nưa, đến bên Lào Quốc lộ 8 biến thành Đường số 13 của Lào, thẳng đến thủ đô Vientiane.
Nhưng đây là điều cần quan tâm: Thông tin cho biết Lào sẽ cùng VN khai thác cảng mới này ở Vũng Áng, tức là liên doanh, nghĩa là cùng lời cùng lỗ. Mình chẳng biết các bạn Lào có rành kinh doanh không, nhưng mình rất thiếu tin tưởng về cảng mới này.
Khu Kinh tế Vũng Áng không nẩy mầm được và đang chết (Đọc ở đây). Lập cảng ở Vũng Áng để làm gì? Lâu lâu chở cho Formosa một chuyến hàng thôi hay sao?
Dĩ nhiên là tùy theo hợp đồng Lào-Việt thế nào, nhưng nếu như là một kinh doanh bình thường, thì một mở cảng mới ở Vũng Áng có vẻ như không thuận lợi kinh tế lúc này.
Chúng ta phải dùng địa chính trị với Lào và Kampuchea, tức là giúp họ thành công như là bạn thiết của ta. Hải cảng là tốt cho Lào, nhưng phải giúp Lào có cảng mà không bị thiệt hại, như là thuê một phần cảng của ta với giá hỗ trợ bạn. Và Lào có cảng để làm gì? Lào có đội tàu đánh cá hay không? Hãy giúp Lào có đội tàu đánh cá và cho phép Lào đánh cá ở đâu đó trong vùng EEZ của ta (có thể là với một số phí nhỏ hằng năm Lào phải đóng cho VN, hoặc phí nhỏ tùy theo sản lượng thu hoạch), hoặc/và cho đoàn tàu đánh cá của Lào qua hải phận ta hằng ngày (điều này thì đương nhiên vì UNCLOS quy định) để đánh bắt ở hải phận quốc tế.
Nếu Lào chưa rành đánh cá ngoài biển thì cho chuyên viên VN giúp đỡ, tư vấn.
Nói chung là dùng lợi thế địa lý để xây dựng đồng minh, không làm ăn theo kiểu chụp giật mánh mung (mà dân ta thuộc hàng sư tổ). Ví dụ, quan chức Việt Nam nhận hối lộ để cho gỗ lậu đã đốn trong các Công viên Quốc gia của Kampuchea được sang Việt Nam, mà chắc là chính phủ VN không quan tâm. Đó là cách hay nhất để mất đồng minh, mất bạn. Công ty Mỹ mà trả hối lộ, quan chức Mỹ mà nhận hối lộ, dù ở trong hay ngoài nước Mỹ, chính phủ Mỹ biết là truy tố ngay.
Lấy thân thiện chân thật, hỗ trợ chân thật, huynh đệ chân thật, để giúp Lào phát triển, và có đồng minh.
Nếu lấy biển làm lợi thế, rất có thể ta có cách để hỗ trợ Kampuchea nữa. Nghiên cứu biển, xem Kampuchea làm gì, và ta hỗ trợ được gì về đánh bắt, hải cảng, hải phận, cho mượn đường.
Ngoài ra tìm cách phát triển du lịch ba chiều mạnh mẽ giữa VN, Kampuchea và Lào.
Lập khu tam giác kinh tế Việt – Kampuchea – Lào để cả ba cùng phát triển.
Bỏ hàng rào thuế quan giữa ba nước. Cho hàng hóa qua lại tự do.
Cùng cộng tác chống buôn lậu và buôn người.
Cùng phát triển Phật học tiểu thừa.
Dùng Sài Gòn làm trung tâm kinh tế chính trị để nối kết Kampuchia và Lào với EU và Mỹ.
Nếu VN phát triển năng lượng tái tạo sớm thì lại có thể giúp Kampuchia và Lào phát triển năng lượng tái tạo, thay vì phải xây thêm đập trên sông Mekong và các phụ lưu.
Đây chỉ là các tư tưởng khởi đầu. Chắc chắn là có nhiều thứ để dùng làm địa chính trị, kể cả quân sự và quốc phòng. Chỉ cần suy nghĩ một chút là ta có thể sáng tạo được. Vị thế địa lý kế cận là cái mà TQ không có (chỉ một chút với rừng của Lào). Nếu ta lấy đó làm lợi thế để xây dựng huynh đệ đồng minh thì có thể ngang ngữa với tiền mặt của Trung quốc.
Đây là các điểm để suy nghĩ thêm, đào sâu thêm và biến thành chính sách thiết lập liên minh thân hữu trên bán đảo Đông Dương.
TĐH
Hi anh,
Trước khi VN và Lào thoả thuận với nhau để phát triển một hải cảng ở Vũng Áng, Hà Tĩnh thì hai bên đã Khởi động dự án đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng.
“Tại Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030 ký ngày 14/9/2015 tại Vientiane, Chính phủ hai nước đã xác định tuyến đường sắt Vientiane-cảng Vũng Áng và đường cao tốc kết nối thủ đô Hà Nội-thủ đô Vientiane là các dự án kết nối chiến lược cần được đầu tư và xây dựng trong thời gian tới, nhằm giúp đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước.
Đồng thời, các dự án này tạo tiền đề để giúp Lào trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực. Việc mở ra tuyến cao tốc nối hai thủ đô và tuyến đường sắt nối thủ đô Vientiane-cảng Vũng Áng của Việt Nam sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thể biển của Việt Nam.”
(trích Khởi động dự án đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng)
Em Hương
ThíchThích
Hi anh,
Dự án Đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng này có lẽ là một phần của dự án Đường sắt Côn Minh – Singapore (The Kunming–Singapore Railway).
Dự án Đường sắt Côn Minh – Singapore lại là một phần của dự án Một vành đai, một con đường của Trung Quốc.
Em Hương
ThíchThích