Tư sản Hoa Kiều và sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế Miền Nam – 6 Phần

Lúa được thuyền chở từ các tỉnh miền Tây đến Chợ Lớn, đổ vào bao và chất trước nhà máy trước khi được xay ra gạo.

***

CPS – Tư sản Hoa Kiều và sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế Miền Nam – Phần I

Phan Quang

Sự sùng bái đồng tiền nằm trong hai bàn tay đáng tin cậy của con buôn. Anh ta gánh lấy trách nhiệm làm cho tất cả mọi người thấy rõ rằng tất cả mọi thứ hàng hóa và tất cả những người sản xuất ra hàng hóa đều phải gục ngã trước đồng tiền.

Engel

Lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam là lịch sử làm ruộng và đánh giặc. Suốt mấy nghìn năm kể từ ngày dựng nước ông cha ta đã bám chặt mảnh đất quê hương, khai phá ruộng đất, cải tạo thiên nhiên để nuôi sống mình và qua đó từng bước mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ để lại cho con cháu muôn đời về sau. Một tay cầm chiếc cuốc vỡ hoang một tay nắm thanh gươm giữ nước, không có hình ảnh nào diễn tả chân xác lịch sử hơn.

Ít nhất là hai nghìn năm, kể từ khi sử thành văn bắt đầu ghi chép, hầu như không một thế hệ nào nhân dân ta có thể ngưng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Ấy thế mà dải đất không lấy gì làm rộng, đối tượng xâm lược dai dẳng của các tập đoàn phong kiến phương Bắc, dải đất ấy từ thời thượng cổ đã là nơi bao dung cho chính những người của nước lớn ấy, vì lý do này hoặc nguyên nhân khác, buộc phải rời bỏ xứ sở họ, đi phiêu lãng mong tìm đất sống còn. Miền Nam là nơi tỵ nạn của các danh tướng và đại thần triều Minh, triều Thanh và trước đó nữa. Nó là chốn lập nghiệp của những nhà buôn, và vài thế kỷ gần đây, của hàng loạt dân nghèo phương Bắc tuyệt kế sinh nhai bỏ quê hương xứ sở đi tha phương cầu thực – nhiều người trong số này về sau trở thành những người giàu nứt đố đổ vách, đưa tiền của ùn ùn trở lại đất tổ mà họ đã buộc phải từ bỏ ra đi trong tuyệt vọng.

Nếu những công trình nghiên cứu nghiêm túc của một tác giả người Trung Quốc – giáo sư Trần Kinh Hoa – là đáng tin cậy, thì từ đời Tần Thủy Hoàng đã có những người Hán lánh nạn sang Việt Nam, từ văn quan, võ tướng, tao nhân mặc khách cho đến đạo sĩ, nhà buôn, dân đánh cá và cả nô lệ đi tìm tự do nữa. Cứ mỗi lần ở Trung Hoa có chính biến hay xảy ra loạn lạc, một số quan lại còn sót của đấng thiên tử vừa bị hạ bệ hoặc con dân trung thành với triều đại vừa bị đánh đổ, không chịu thần phục tập đoàn thống trị mới, lại chạy sang nước ta tìm chỗ dung thân. Và họ bao giờ cũng nhận được sự bao dung của một dân tộc tuy nghèo nhưng quan điểm đối với những người gặp hoạn nạn trước sau vẫn là “chật bụng chứ không chật nhà”. Và có lẽ do thấm nhuần câu tục ngữ Việt Nam “đất lành chim đậu”, hầu hết những con chim vô vọng ấy đậu mãi, không nghĩ tới chuyện bay trở về tổ quốc của họ nữa.

Cuối đời Đông Hán sang đầu đời Tam Quốc – vẫn theo giá sư Trần Kinh Hoa – có đến ba, bốn trăm người danh vọng chạy sang đất Giao Chỉ tìm sự che chở của những người vẫn được họ gọi là man di. Sử còn chép rõ tên nhiều danh sĩ và tướng tài, trong số đó có Trần Quốc, Viên Trung, Hứa Tĩnh, Triết Tôn, Biểu Trung…

Thế kỷ thứ 13, người Nguyên Mông từ các thảo nguyên phương Bắc tràn vào chinh phục và thống trị toàn đại lục Trung Hoa. Không muốn cộng tác với những người cầm quyền mới, một số người dân Nam Tống dùng thuyền vượt biển sang Việt Nam lánh nạn. Bấy giờ là vào năm 1273. Vua Trần Thánh Tông cho phép họ định cư và mở các hiệu buôn vải lụa, thuốc bắc ở phố Hàng Bè (Thăng Long). Có lẽ đó là những “hiệu khách”, “phố khách” đầu tiên trên đất nước Việt Nam ta.

Ba thế kỷ sau, vào đời nhà Minh, các hoàng đế cho phép dân Trung Hoa xuất dương buôn bán với nước ngoài, trừ Nhật Bản nước đang bị triều Minh phân biệt đối xử và coi là kẻ thù số một. Người Nhật thì vẫn được Thiên hoàng của họ khuyến khích giao thương với người Hoa. Đương nhiên, người Hoa, người Nhật muốn “làm ăn” thuận lợi với nhau cần dựa vào địa bàn ở một nước thứ ba. Thế là thị xã Hội An ở Đàng Trong bấy giờ thuộc quyền Chúa Nguyễn trở thành một trung tâm giao dịch quốc tế. Đến đây buôn bán đông hơn cả vẫn là người Trung Hoa và người Nhật Bản. Hàng năm, Hội An mở hội chợ suốt bốn tháng liền cho người nước ngoài giao dịch. Chúa Nguyễn sai lập những khu phố riêng biệt cho người Tàu, người Nhật. Hội An chính là nơi đầu tiên được phép thành lập xã Minh Hương, từ đó ra đời một tên gọi sau này trở nên rất quen thuộc ở miền Trung: người Minh Hương (chỉ người gốc Hoa sinh tại Việt Nam và phần nhiều là con lai với người Việt). Ngày nay, đến thị xã Hội An, chúng ta còn thấy nhiều chứng tích của một thời buôn bán phồn thịnh ngày xưa qua những dãy phố hẹp và dài, những chùa Tàu, chùa Nhật với lối kiến trúc rườm rà, khác hẳn phong cách kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

Thế kỷ 17, người Mãn Thanh, một dân tộc ít người gốc từ vùng Đông Bắc Trung Hoa, thống trị toàn bộ lục địa và các hải đảo nước ấy, lập nên triều đại nhà Thanh. Họ buộc người Hán phải bỏ phong tục tập quán của mình và theo tập quán Mãn. Nhiều người Hán không chịu, rời Trung Quốc sang Việt Nam, trong số đó – lần này cũng vậy, giống như các lần trước – có cả quan văn, tướng võ, nho sĩ, binh lính và dân thường. Nhiều nhà nghiên cứu về sau cho đây là “một cuộc di dân tập thể lớn nhất của người Trung Hoa ra nước ngoài”. Ba nghìn quân sĩ dùng năm chục chiến thuyền dưới sự thống lĩnh của tổng binh Dương Ngạn Địch, vốn là quan trấn thủ Long Môn, và Trần Thượng Xuyên tổng binh ba châu Cao – Lôi – Liêm (tỉnh Quảng Tây) dong buồm chạy thẳng vào Quảng Nam lúc bấy giờ đang rộng mở thông thương với nước ngoài, “xin được làm dân An Nam”. Chúa Nguyễn chấp nhận nhưng không cho họ ở lại miền Trung vốn đất chật mà sai người dẫn đường đưa họ vào Nam Bộ khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp. Một số trong loạt người tỵ nạn ấy chẳng bao lâu chuyển sang nghề buôn. Hợp sức với những người từ Trung Hoa lục tục kéo sang sau đó, họ hình thành những khu buôn bán tại Đông Phố (sau này là Biên Hòa) và Bến Nghé (Sài Gòn – Chợ Lớn ngày nay). Người Hoa ở Biên Hòa được phép lập xã Thanh Hà, còn những người ở Gia Định thì lập xã Minh Hương (hai tên gọi đều chỉ rõ xuất xứ và triều đại di dân). Căn cứ vào những sử liệu cũ, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thế kỷ 20 sẽ viết: “Những người ấy đều thuộc vào sổ bộ nước ta”.

Sau Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên ít lâu, một người Hoa có tên là Mạc Cửu từ Quảng Đông theo đường biển sang, dong buồm chạy thẳng vào tận Hà Tiên. Ở đây họ Mạc mở sòng đánh bạc, thu tiền hồ, làm giàu nhanh chóng. Có đủ vốn liếng, Mạc dần dần chiêu mộ lưu dân, lập ra ba xã và ít lâu sau xin thần phục, nguyện làm con dân Chúa Nguyễn.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhất là sau thời gian phát xít Nhật chiếm đóng một phần lãnh thổ Trung Quốc, kinh tế nước này lâm vào suy thoái nghiêm trọng. Loạn lạc, đói kém, mất mùa xảy ra liên tiếp. Số người từ các tỉnh Nam Trung Hoa di cư sang các nước Đông Nam Á, mà gần gũi hơn cả là Việt Nam, ngày càng đông. Theo tài liệu nước ngoài, năm 1937 Hoa Kiều ở Việt Nam đã có khoảng 40 vạn người.

Đến năm 1955, theo thống kê của chính quyền Sài Gòn, tổng số Hoa kiều từ vĩ tuyến 17 trở vào là hơn 80 vạn người, trong đó riêng ở Sài Gòn – Chợ Lớn có khảong 570.000. Những địa phương có nhiều người Hoa sinh sống sau Sài Gòn – Chợ Lớn là Rạch Giá 27000 người, Bạc Liêu 26.000 người, Sóc Trăng 25.000 người, Trà Vinh và Gia Định mỗi nơi 20.000 người. Đồng Bằng Sông Cửu Long có đến 17 vạn Hoa kiều, trong khi toàn bộ miền Trung từ Quảng Trị tor73 vào Phan Thiết chỉ có 25.000, ít hơn số người Hoa ở riêng một tỉnh Bạc Liêu hoặc tỉnh Rạch Giá. Những con số ấy cho chúng ta thấy rõ tại sau ở đồng bằng sông Cửu Long, người Hoa có điều kiện lũng đoạn thị trường lúa gạo hơn bất cứ nơi nào khác ở miền Nam.

Đầu năm 1975, khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng, cả miền Nam có chừng 1,3 triệu đến 1,5 triệu người Việt gốc Hoa và Hoa kiều. Khoảng 90% số đó mang quốc tịch Việt. Phần lớn sống tập trung ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Trên đây là con số ước lượng vì không có thống kê chính thức và trong sinh hoạt thực tế ở nhiều lĩnh vực từ lâu không còn có sự phân biệt thật rạch ròi giữa người Việt và người Việt gốc Hoa.

(còn tiếp) 

Nguồn: Phan Quang – Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB LĐ 2014.

***

Tiệm tạp hóa của người Hoa

 

***

Tư sản Hoa Kiều và sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế Miền Nam – Phần II

Thời trước ở phương Tây, ai đó từng viết một câu sẽ trở thành tục ngữ: “Ở đâu có khói, ở đó có người Hoa”. Người Trung Hoa có mặt ở khắp mọi nơi, từ những thành phố lớn, thị trấn đông người cho đến các chợ nông thôn, hang cùng ngõ hẻm, thậm chí nơi mới khai hoang chưa định hình xóm ấp. Nơi nào có thể mua và bán được, mua từ nắm lông vịt, mớ tóc rối, mảnh lọ vỡ, bán từ chiếc kim khâu, lọ dầu cù là, miếng cao dán nhọt, tóm lại là nơi nào có thể tiến hành sự đổi chác hàng hóa để kiếm lời, nơi đó có người Hoa. Dần dà, anh chàng quảy gánh thu mua lông vịt gặp vận đỏ rồi có thể trở thành một chủ chành (vựa) lúa gạo, người bán cao dán nhọt phát triển nên một chủ hiệu chạp phô (tạp hóa). Một nhà nghiên cứu cách đây hơn hai mươi năm viết: “Xét các loại hoạt động thương mại của Hoa kiều, ta thấy ngành chạp phô là quan trọng hơn cả. Chạp phô, như ta thường gọi là bán tạp hóa, là một hoạt động thương mại của Hoa kiều, rất thịnh hành khắp mọi nơi, tại các thành thị, ở mỗi phố cũng như tận các vùng nông thôn hẻo lánh, không chỗ nào là không thấy một tiệm chạp phô của người Hoa bán gần đủ các vật dụng hàng ngày, từ than, củi, gạo, nước mắm cho đến hộp quẹt, chai nước ngọt giải khát.

Những người Hoa đi tha phương cầu thực có những đặc điểm hiếm thấy ở các lớp người hoặc dân tộc khác: sự cần cù và lòng nhẫn nại đến cao độ. Đặc tính này phải chăng được thôi thúc bởi một động lực bên trong: quyết tâm thành công trong công việc làm ăn với bất cứ giá nào, bằng bất kỳ biện pháp nào, để trả thù cuộc đời chẳng ra gì ở quên hương bản quán, nói đúng hơn, trả thù cái xã hội thối nát dưới chế độ phong kiến nơi xứ sở họ, đã đẩy họ tới trước đường cùng và đuổi họ xa quê.

Những người ra đi hầu hết đi một mình; dù đã có gia đình, họ cũng không dám mang theo, để vợ con ở lại quê, phó thác cho định mệnh. Trên bước đường lang thang, rồi đây nếu thất bại trong việc kiếm sống hoặc không thật sự nở mày nở mặt, họ sẽ không bao giờ đặt chân trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Nhưng có thể bặt đi mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, một hôm người ta chợt thấy từ hải ngoại trở về một sếnh sáng ăn mặc bảnh bao đi dò hỏi tin tức vợ con cũ và cũng để khoe của với họ hàng. Ông ta dĩ nhiên đã lấy vợ ớ nước ngoài, đã có con đàn cháu đống, sự trở về này nhiều khi chỉ là cách giới thiệu màn chót tốt đẹp của vở bi hài kịch mở màn từ mấy chục năm về trước ở xã hội Trung Hoa cũ, hơn là xuất phát từ tình cảm chân thành nghĩ tới người vợ thuở muối dưa. Dù sao, đã là một thương nhân Hoa kiều giàu có từ hải ngoại trở về, đương nhiên ông ta được các nhà cầm quyền đón tiếp cực kỳ nồng nhiệt và trọng thể. Dòng huyết thống phai nhạt bao nhiêu năm nay bỗng chốc trở lại đậm đà hơn bao giờ. Và trong bối cảnh đó, cũng rất đương nhiên, ông sẽ bỏ ra một phần tiền của mà ông kiếm chác được ở nước ngoài để góp phần kiến thiết quê hương, để cho thân thuộc mở mày mở mặt với xóm giềng, và để còn được quyền hưởng thụ một số đặc ân chế độ đương quyền dành cho. Những người chưa đủ giàu để trở về dong trống mở cờ thì ít ra cũng từ hải ngoại, qua các tổ chức bang, hội, góp phần bằng hình thức nào đó, coi như trả món nợ không thể không trả đối với quê hương.

Có lẽ động lực bên trong ấy khiến cho phần lớn Hoa kiều có một lối sống riêng. Họ khom mình xuống rất thấp để vươn lên tới giàu sang. Hãy quan sát các chủ hàng “chạp phô” (tạp hóa” sống lọt ở nông thôn, giữa những nông dân tuy nghèo thật đất nhưng có khả năng mang lại tiền cho họ. Đang đêm, khách hàng có đập cửa gọi, chủ hiệu sẵn sàng tung chăn trở dậy đong bán chịu cho khách một cút dầu. Giữa trưa, ông chủ hiệu bệ vệ sẵn sàng bỏ dở bữa ăn hoặc buổi tiếp người bạn quý, đứng dậy đĩnh đạc bán cho chú bé thò lò mũi xanh mấy xu kẹo vừng. Bù lại, túi tiền của ông chủ dần nặng hơn, sổ nợ ông ghi ngày càng kín giấy; đến vụ gặt nông dân kìn kìn chở lúa đến trả những món nợ khá lớn mà chỉ do mua vặt vãnh những thứ hầu như không đáng giá, dồn lại với tháng ngày. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết chủ hiệu tạp hóa hoặc bán thuốc bắc ở đồng bằng sông Cửu Long ngày trước đồng thời là những trạm thu mua lúa; mỗi cửa hiệu là một mắt xích trong mạng lưới khổng lồ đặc quyền thu mua và phân phối lúa gạo do giới tư sản giàu sụ ở Sài Gòn – Chợ Lớn nắm rường mối.

Vả chăng không ít chủ công ty này, giám đốc ngân hàng nọ tại đô thành Sài Gòn thời trước xuất thân là lái lúa ở đồng bằng Sông Cửu Long, Mã Hỉ, tư sản mại bản đã chạy ra nước ngoài trước ngày giải phóng, là một thí dụ. Lâm Huê Hồ, bị bắt năm 1975 vì tội đầu cơ, là một thí dụ khác. Dĩ nhiên, không phải anh lái lúa nào cũng có thể trở thành tư sản mại bản, cũng như không phải viên trung úy nào trong quân đội Pháp ngày trước cũng có thể trở thành tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Chỉ những kẻ lắm thủ đoạn, khéo luồn lọt, khéo dựa vào đế quốc Mỹ mới có cơ phất nhanh. Rõ ràng không có cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì Mã Hỉ không thể nào phát tài như vớ được mỏ vàng. Không dựa vào thế lực Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ thì làm sao anh chủ nhà máy xát lúa ở thị trấn Thốt Nốt tỉnh Long Xuyên là Lâm Huê Hồ, mới từ nước ngoài đặt chân đến Việt Nam năm 1938 có thể trở thành một trong những người giàu nhất Sài Gòn – Chợ Lớn; cũng như một Lưu Trung, chủ hiệu Trung Ký bán giấy vở học trò, làm sao trong vòng mười năm có thể khoác áo kỹ nghệ gia, tổng giám đốc xí nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp và chủ nhân của nhiều công ty kinh doanh khác; làm sao một Ly Hớn xuất thân bán lẻ xăng dầu có thể một lúc trở thành đại lý của ba hãng dầu mỏ lớn trên thế giới là Exxon, Shell và Caltex?

Tiện thể, tưởng chúng ta cũng nên biết sơ qua về những con người ấy.

Mã Hỉ vốn là một chủ hiệu buôn gạo không mấy lớn ở Sóc Trăng, nơi y ra đời, mãi sau 1954 mới dời lên Sài Gòn. Phất từ ngành buôn lương thực và trở thành một “ông vua” lúa gạo. Mã vươn tay sang nhiều ngành kinh doanh khác.

Theo tài liệu chưa đầy đủ (năm 1975) của cơ quan cải tạo tư sản thành phố Hồ Chí Minh, Mã Hỉ là đồng chủ nhân của nhiều công ty. Phần vốn của y trong Vithaico (Việt Thái gia kim công ty), một tổ chức hợp doanh giữa tư bản Hong Kong và Thái Lan có nhà máy đặt tại Biên Hòa, được ước lượng 114 triệu đồng Sài Gòn cũ; phần trong công ty Donafitex là 83,7 triệu đồng. Y có 32,5% cổ phần trong Hậu Giang công ty. Vốn của y trong Mê Kông Ngư nghiệp công ty là 6,6 triệu, trong Tín Hòa công ty là 20,4 triệu, trong Trung Nam ngân hàng là 10 triệu đồng… Kho chứa hàng của y chiếm một dãy bốn số nhà liền tại một con đường sầm uất ở Chợ Lớn. Là Chủ tịch Hoa vụ trong ngân hàng quân đội Sài Gòn, Mã từng bị báo chí Sài Gòn tố cáo về tội đút lót cho tướng tá ngụy, thuê bọn này càn quét một số vùng quê, để cho tay chân Mỹ có dịp thừa cơ vơ vét lúa.

Lâm Huê Hồ mới tới Việt Nam sau khi phát xít Nhật Bản mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Thời chiến tranh chống Mỹ, ngoài hiệu buôn sắt Vạn Thông Nguyên, Lâm còn có một nửa số vốn trong Việt Thông công ty nhập cảng. Lâm là người mua lại phần lớn cổ phần trong công ty nước suối Vĩnh Hảo, là chủ tịch – tổng giám đốc của Đại Thông kỹ nghệ công ty… Khi bị chính quyền ta bắt giữ, khám trong nhà y có hơn 30 triệu đồng tiền mặt. Trong số những công ty và xí nghiệp do Lưu Trung làm chủ có Nakymo với số vốn ban đầu 250 triệu đồng. Đại Nam Á nhập cảng công ty, Trường Phát công ty, Võ Văn Văn thương cục, Vạn Thuận kỹ nghệ, Đại diện quốc tế thương mại Imeco… Lưu Trung bị bắt trong khi đang mang vàng và kim cương chạy ra nước ngoài. KHám trong nhà y có hơn 483 triệu đồng tiền mặt và một số lớn đôla Mỹ…

Biết sơ qua mối quan hệ giữa những anh lái lúa, chủ hiệu tạp hóa ở chốn nông thôn hẻo lánh với bọn trùm tư sản mại bản tại thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn phồn hoa, mới có cơ sở để hình dung cụ thể quy mô và hình dạng mạng lưới vơ vét lúa gạo đồng bằng Sông Cửu Long thời trước.

(còn tiếp) 

Nguồn: Phan Quang – Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB LĐ 2014.

***

Những chồng bao tải gạo được tập kết tại bến thuyền ở Chợ Lớn

 

 

***

Tư sản Hoa Kiều và sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế Miền Nam – Phần III

Việc thu mua lúa ở đồng bằng Nam Bộ thoạt tiên được thực hiện dưới hình thức hàng đổi hàng. Trên những chiếc thuyền bồng bềnh dọc theo sông rạch, Hoa kiều mang hàng tiêu dùng và một ít công cụ sản xuất đi sâu vào các thôn ấp. Việc đổi chác diễn ra ngay trên bến nước, quanh chiếc thuyền mang hàng tiêu dùng tới và sẽ chở lúa đi. Song song với hình thức lưu động này, ngày càng mọc lên nhiều cửa hàng tạp hóa và bán thuốc bắc. Những hiệu buôn này đồng thời cũng là nơi thu mua lúa, do những người đổi chác rong sau khi làm ăn khấm khá lập nên, để vừa làm trạm thu mua thóc lúa, vừa làm nơi tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng.

Với thời gian, hình thức hàng đổi hàng tỏ ra không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Kênh rạch càng nối dài, diện tích canh tác càng mở rộng, sản lượng thóc tăng nhanh, khối lượng lúa xuất khẩu tăng với nhịp độ ngày càng cao hơn nữa; nói cách khác, lượng hàng hóa lưu thông nhiều lên, thì hình thức trao đổi phi tiền tệ là lấy hàng đổi hàng rõ ràng có nhiều trở ngại. Lúa Nam Bộ xuất khẩu từ 284.000 tấn nên 1880, tăng lên 747.000 tấn 1900, và 1 triệu 548 nghìn tấn năm 1937. Việc thu mua lúa không thể không được tổ chức lại. Chính trong bối cảnh đó các hội buôn lớn của Hoa kiều mở rộng hoạt động để nắm chắc trong tay toàn bộ thị trường.

Hàng năm, vào vụ thu hoạch, người Hoa tổ chức hàng đoàn thuyền tỏa về nông thôn mua lúa. Cũng như trước kia, các đoàn thuyền này đưa hàng công nghiệp, phân bón, nông cụ về bán và cũng như thời trước, họ được các lái lúa tiếp tay. Lái lúa không phải là ai khác mà chính là các chủ hiệu chạp phô và thuốc bắc người Hoa đã nói ở trên. Họ làm thành khâu chuyển tiếp giữa quan hệ hàng đổi hàng đang tồn tại (giữa họ với nông dân) với việc buôn bán thật sự thông qua tiền tệ (giữa họ và các hội buôn). Các chủ hiệu ấy đồng thời là những người cho vay nặng lãi, mua lúa non.

Lúa đưa về giữ tại kho ngay đồng bằng để sau đó chuyển dần vào các nhà máy xay ở địa phương hoặc ở Chợ Lớn. Từ các nhà máy, gạo được đưa ra bán ở nước ngoài hoặc lưu thông đi các nơi trong nước. Hàng công nghiệp giao thẳng cho lái lúa làm vật trao đổi với nông dân, hoặc đưa ra bán lẻ qua các hiệu của người Hoa.

Theo nhà nghiên cứu Victor Purcell trong hệ thống nói trên, lái lúa chỉ có khả năng mua và tích trữ khoảng 500 giạ thóc trở lại. Những người Hoa đóng vai trung gian ở các địa phương có thể tích trữ thường xuyên 5000 giạ, còn các hiệu buôn lớn ở Chợ Lớn 10000 giạ trở lên.

Bằng những hình thức và phương tiện đó, nhờ tổ chức chặt chẽ, người Hoa đủ sức tung hoành trên thị trường lúa gạo Nam Bộ. Dựa vào thế lực đồng tiền, họ mua bọn quan cai trị thuộc địa. Không ai cạnh tranh nổi với họ. Đến các nhà kinh doanh Pháp động vào lĩnh vực này cũng phải bó tay, bỏ cuộc. Để có lúa gạo xuất khẩu, Pháp phải sử dụng bộ máy của người Hoa. Người ta kể lại, thời thực dân Pháp bắt đầu đẩy mạnh khai thác Nam Bộ, có một hãng kinh doanh mở hai nhà máy xay lúa tại Chợ Lớn, tính chuyện làm ăn to trong ngành xuất khẩu. Trước nguy cơ bị cạnh tranh, lập tức Hoa kiều hùn vốn lại mở luôn một lúc tám nhà máy xay. Người Pháp bị thua lỗ, đành phải nhượng lại các xí nghiệp của mình cho người Hoa luôn. Thế là ngay từ đầu thế kỷ 20, hầu như toàn bộ các nhà máy xay xát lúa ở Nam Bộ đều đã thuộc sở hữu của Hoa kiều.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Mỹ nói trên, trước chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa kiều ở Nam Bộ làm chủ 69 nhà máy xay, công suất khoảng hơn 8000 tấn gạo mỗi ngày.

Những người sống ở Sài Gòn ngày trước ít ai không biết tiếng những ông vua lúa gạo giữ độc quyền xuất khẩu. Quách Đàm, một cái tên hay được nhắc tới thời Pháp, chính là tiền bối của Mã Hỉ, Chương Hùng và Lâm Huệ Hồ… thời Mỹ – Thiệu. Con đường và các thủ đoạn làm giàu của chúng giống nhau, có khác chăng chỗ dựa của Quách Đàm là chế độ thuộc địa cũ, còn bọn sau bám gót chủ nghĩa thực dân mới.

Nhiều người cao tuổi ngày nay còn gợi lại hình ảnh của Quách Đàm khi anh ta còn là một tay buôn “đồng nát”, thu mua chai lọ cũ: hai vai tòn ten hai chiếc giỏ, đi khắp thôn ấp trưa tìm một chỗ nghỉ một chốc lấy sức rồi lại tồn ten đôi giỏ vào khắp ngõ hẻm hang cùng. Chính chủ hàng ve chai, đồng nát ấy về sau trở thành nhà đại doanh thương xuất khẩu gạo nổi tiếng với hiệu Thông Hiệp, ngụ ý huênh hoang là “thông thương sơn hải, hiệp quán càn khôn”.

Người già kể lại: Quanh năm y nằm bẹp một chỗ hút thuốc phiện. Thế nhưng nhờ hệ thống tổ chức có hiệu lực, không một động thái nào trên thị trường lúa gạo Đông Nam Á lọt khỏi mắt y. Năm lúa gạo Nam Bộ rẻ, y xuất khẩu có lãi đã đành. Năm gạo không xuất được, y vẫn làm giàu. Nếu thua thiệt, kẻ gánh chịu là những người sản xuất và buôn bán khác chứ không phải y. Hơn nữa, thị trường biến động càng là cơ hội tốt cho y phát tài. Có một năm, thị trường Singpaore xuống giá, gạo Nam Bộ xuất sang không cạnh tranh nổi với gạo các nước khác. Có nguy cơ thua lỗ, Quách Đàm vẫn bình tĩnh bỏ vốn ra và tiếp tục tung người đi mua lúa ở các nơi. Khi đã gây được ấn tượng là nước ngoài đang ăn gạo  và “làm giá” được rồi, y bí mật ra lệnh bán tháo thật nhanh tất cả các kho lúa của mình ở Chợ Lớn và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, dĩ nhiên với giá cao hơn hẳn so với giá mua vào. Không rõ có bao nhiêu nhà buôn gạo năm đó phá sản vì đòn hiểm của anh chàng dân làng bẹp.

Đúng như đồng chí Lê Duẩn đã phân tích, ở Nam Bộ, “quyền lợi của địa chủ và tư bản thương nghiệp độc quyền dính liền với nhau. Quá trình tập trung đất đai của nông dân và địa chủ cũng là quá trình bóc lột, tập trung của cải của nông dân vào bọn tư bản thương nghiệp đế quốc. Đất đai tập trung theo sự độc quyền thương nghiệp của tư bản, và theo sự bóc lột nông dân của địa chủ”.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa thực dân mới thay chân chế độ thuộc địa già cỗi, suy yếu. Ngô Đình Diệm hất cẳng Bảo Đại, giành độc quyền làm tay sai cho quan thầy Mỹ. Hệ thống độc quyền thu mua lúa gạo và phân phối hàng hóa của người Hoa nhờ đó mau chóng khôi phục và phát triển. Phương thức tổ chức và hoạt động của nó về cơ bản không khác trước, nhưng do quan hệ chặt chẽ với tư bản quốc tế, quy mô của nó lớn hơn, hoạt động của nó hữu hiệu hơn.

Thời cơ cũng thuận lợi hơn khi quân Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Quân số cái “quân lực cộng hòa” của Nguyễn Văn Thiệu tăng vùn vụt. Các thành phố phình to bởi những người “tị nạn” bị xua đuổi khỏi nông thôn. Nhân khẩu phi nông nghiệp tăng nhanh một cách giả tạo, chiếm hơn 1/3 dân số. Nhu cầu lương thực hàng hóa càng tăng, hệ thống lũng đoạn càng có điều kiện mở rộng hoạt động. Sự tập trung hóa được thực hiện ở cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Một mạng lưới vô hình bủa rộng khắp miền, từ đồng bằng lên cao nguyên, từ mũi Cà Mau tới bờ sông Bến Hải, trừ những vùng chế độ Sài Gòn không kiểm soát nổi hoặc các vùng đang tranh chấp mà họ gọi chung là “mất an ninh”.

Phạm vi hoạt động của mạng lưới ấy bao trùm các khâu, từ cung cấp máy móc, xăng dầu, phân bón, hàng tiêu dùng cho nông dân, đến thu mua lúa, xay xát và chế biến tuy có mức độ đối với từng khâu và mỗi vùng có khác nhau.

Lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sau mùa gặt tập trung vào tay các lái lúa. Một phần được đưa vào các nhà máy xay tại chỗ rồi giao cho các cửa hàng bán buôn. Từ đây gạo được phân phối dần cho các cửa hàng buôn bán lẻ. Phần lớn hơn được đưa về Chợ Lớn xay, rồi chia thành ba mối: bằng hệ thống bán buôn và bán lẻ cung cấp cho nhu cầu hàng ngày của nhân dân cũng như các cơ chế biến tại vùng Sài Gòn; đưa ra vùng ven biểm miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, ở đây cũng đã có sẵn hệ thống bán buôn và bán lẻ; và cuối cùng, xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Đại thể tình hình nửa đầu những năm 1960 trở về trước là như vậy.

Năm 1964 đánh dấu một bước ngoặt trong sản xuất và tiêu dùng lương thực ở miền Nam. Từ xuất khẩu gạo, Việt Nam cộng hòa trở thành một xứ nhập khẩu lương thực. Trên thực tế, khối lượng gạo miền Nam xuất khẩu năm ấy đã quá nhỏ bé, chỉ còn có ý nghĩa tượng trưng với 48.000 tấn so với 338.000 tấn xuất khẩu năm trước. Qua năm sau, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải cho mua của nước ngoài tới 130.000 tấn gạo. Mức nhập khẩu cao nhất là vào năm 1967: 678.000 tấn. Năm 1973, năm cuối cùng mà chế độ Sài Gòn có lưu lại số liệu thống kê chính thức, miền Nam còn phải nhập khẩu đến 303.600 tấn gạo.

(còn tiếp) 

Nguồn: Phan Quang – Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB LĐ 2014.

***

Trong một trà quán của người Hoa ở Chợ Lớn những năm 1920

***

Tư sản Hoa Kiều và sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế Miền Nam – Phần IV

Tình trạng đó, cộng với sự du nhập ồ ạt máy móc, kỹ thuật nước ngoài, tạo nên một sự thay đổi đáng kể trong lưu thông lúa gạo ở Nam Bộ. Nhiều nhà máy xay có công suất khá được xây dựng ngay các vùng sản xuất lúa. Hệ thống các nhà máy xay ở Sài Gòn – Chợ Lớn không còn giữ vị trí quyết định như thời trước nữa. Với tổng số 2.626 xí nghiệp xay xát gạo hoạt động đến ngày 31/12/1972 ở miền Nam, riêng Nam Bộ có 1900 cơ sở, trong số này khu vực Sài Gòn chỉ có 14 xí nghiệp, còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long: tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) có 145 cơ sở xay xát, tình Phong Dinh (Cần Thơ) 116, tỉnh Long An 164…

Số liệu về lượng thóc gạo lưu thông hàng năm trong nội địa cho chúng ta một ý niệm về quy mô to lớn của hệ thống buôn bán lương thực. Các năm 1959 – 1963, trung bình mỗi năm có 924.000 tấn gạo được ghi nhận đã chuyển qua các trạm kiểm soát do chế độ Sài Gòn thiết lập nhằm kiểm tra và ngăn ngừa nhân dân tiếp tế cho lực lượng giải phóng. Gạo từ Sài Gòn chuyển sang miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Trung Bộ vào khoảng 500.000 tấn/năm. Do tình hình nông thôn không ổn định, sản xuất sút kém, khối lượng gạo vận chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long về Sài Gòn giảm xuống còn khoảng 450 – 500 nghìn tấn (1954 – 1965), sau đó tiếp tục giảm, để rồi trở lại cân bằng ở mức 430.000 tấn năm 1970. Thống kê chính thức của chế độ cũ cho biết, năm 1972, từ Trung và Tây Nam Bộ chở về Sài Gòn 170.610 tấn thóc, 488.650 tấn gạo và 7.470 tấn cám. Gạo từ Sài Gòn chở ra Trung Bộ 192.420 tấn. Sở dĩ có sự sự giảm sút này là do chế độ Sài Gòn vừa thiết lập một số kho tạm trữ tại các cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, chứa gạo nhập khẩu dùng cho quân đội và viên chức những vùng này. Sức chứa của các kho gạo vùng Sài Gòn – Chợ Lớn vào khoảng 16 vạn tấn.

Tuyệt đại bộ phận nếu không phải là toàn bộ lượng thóc gạo lưu thông nói trên về cơ bản nằm trong tay tư sản mại bản Hoa kiều hoặc người Việt gốc Hoa.

Chế độ cũ có lần mưu toan giành giật lại một phần lợi nhuận bằng cách trực tiếp nắm việc phân phối lương thực, ít nhất là trong khu vực bán buôn. Một bộ máy cồng kềnh được nên gồm nửa tá cơ quan, quân sự có dân sự có, hoặc chuyên trách hoặc phối hợp: bộ kinh tế, tổng cục tiếp tế, thanh tra kinh tế của các quân khu, ủy bản kiểm soát lúa gạo vùng… và dĩ nhiên có sự tham gia thường xuyên của các cơ quan quân tiếp vụ và các tòa hành chính… Mọi cố gắng đều không đưa lại kết quả. Sau một thời gian cửa quậy, dưới áp lực của tư sản mại bản nước ngoài, đầu năm 1970, chính quyền Sài Gòn tuyên bố “trao trả việc phân phối lúa gạo lại cho tư nhân”, nhà nước chỉ đóng vai trò “kiểm soát về giá cả và tham gia vận chuyển”.

Thực tế đây là một sự đầu hàng công khai của chế độ cũ trước tư sản người Hoa không hơn không kém. Tháng ba năm 1971, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, chủ tịch Nghiệp đoàn Mễ cốc Việt Nam (Sài Gòn) đổ lỗi sở dĩ phải làm vậy là tại “bảy thương gia hoạt động mạnh nhất và coi như đã nắm gần trọn hệ thống thu mua phân phối lúa gạo”. Bảy đại thương gia đó là: Chương Hùng, Mã Hỉ, Hữu Thành, Trần Tỷ, Quách Thành, Tư Lẹ và Năm Rổ.

Như đã nói ở trên, sở dĩ giai cấp tư sản lũng đoạn được toàn bộ thị trường lúa gạo miền Nam là vì chúng có hệ thống rộng khắp thực hiện lưu thông hai chiều, vừa cung cấp tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng vừa thu mua sản phẩm. Phương tiện vận chuyển thuận tiện nhất ở đồng bằng sông Cửu Long là đường thủy, chỉ những trường hợp có nhu cầu khẩn cấp hoặc khi đường thủy “mất an ninh” quá, mới dùng đường bộ. Quy trình đại thể như sau: trước hết, các thuyền nhỏ có khả năng đi lại dễ dàng trên mọi kênh rạch, len vào các xóm ấp mua lúa chở về các nhà máy xay địa phương. Gạo từ các nhà máy này chở về Sài Gòn bằng xà lan, đi thành đoàn vài ba chục chiếc một. Việc vận chuyển ra miền Trung dùng đường biển, do một số công ty hàng hải đảm nhiệm.

Theo con số đăng ký tại Nha Thủy vận (cũ), năm 1970, miền Nam có hơn 6000 phương tiện vận chuyển gắn máy, với sức chở tổng cộng gần mười ngàn tấn. Phương tiện không gắn động cơ gồm 5200 thuyền, 500 xà lan. “Đa số các thuyền nói trên không thuộc hệ thống các công ty vận chuyển của người Hoa”, một luận văn tốt nghiệp cao học kinh tế ở Sài Gòn năm 1974 kết luận như vậy, sau khi dẫn ra những con số chúng tôi vừa xin phép sử dụng lại trên đây.

Về đường biển, đội thuyền buôn, theo kiểm kê năm 1972, có 35 chiếc trọng tải từ 650 – 2500 tấn, trong đó gần một nửa thuộc sở hữu tư nhân hoặc do tư nhân thuê của nước ngoài. Tư nhân nói ở đây hàon toàn là tư sản gốc Hoa.

Về đường bộ, người ta ước lượng Nam Bộ có khoảng 600 xe vận tải lớn chuyên vận chuyển hai chiều, đưa hàng hóa từ Sài Gòn về Lục Tỉnh và trên đường về chở nông sản. Hầu hết số xe này do những nhà buôn ở Chợ Lớn làm chủ. Họ có liên hệ chặt chẽ với chủ chành “vựa gạo”, nếu không phải chính họ cũng là những chủ chành. Khối lượng thóc gạo vận chuyển bằng đường sắt không đáng kể.

Tháng ba năm 1961, một tạp chí xuất bản tại Sài Gòn viết: “Trong ngành vận tải, người Hoa tỏ ra rất hoạt động. Tất cả những hàng hóa nhập cảng cũng như hàng tiêu thụ trong nước hay đem xuất cảng, đều được phân phối bằng đường thủy trên sông ngòi hoặc bằng đường bộ… Quan trọng nhất là chuyên chở bằng đường thủy thì phần lớn lại nằm trong tay Hoa kiều”.

Mười năm sau, tháng 11 năm 1970, một tờ nguyệt san khác cũng xuất bản tại Sài Gòn viết: “Cho đến nay, ngành chuyên chở hàng hóa vẫn còn dưới sự độc quyền của người Việt gốc Hoa, chưa có một hãng vận tải người Việt nào xen vào cạnh tranh nổi. Các doanh nhân thủ đô gởi hàng đi và các nhà nông từ các nơi đưa nông phẩm về Sài Gòn – Chợ Lớn đều phải nhờ các hệ thống vận tải của người Việt gốc Hoa.

“Riêng về ngành này, người Việt gốc Hoa có khoảng 170 hãng hoặc công ty vận tải. Những nhà chuyên chở hàng hóa hoặc nông phẩm từ Sài Gòn – Chợ Lớn đi các tỉnh miền Tây hoặc miền Trung (Nam Bộ) từ làng này qua làng khác, dọc theo các sông rạch hoặc dài theo xa lộ.

“Ở vùng châu thổ sông Cửu Long, các nhà vận tải dùng xe hoặc ghe có tàu dòng. Họ có cả những chiếc tàu trọng tải chừng 500 tấn…”

Tình trạng vẫn y nguyên như mười năm về trước, và nếu không có giải phóng, thì chắc sẽ vẫn còn như vậy, 10 năm, 20 năm, 30 năm về sau nữa.

Độc quyền vận tải là phương sách không thể thiếu để khống chế thị trường. Một nhà kinh tế học miền Nam khẳng định: người Việt sẵn sàng mua bán, chuyên chở hàng hóa của người Hoa, chứ người Hoa không bao giờ chiếu có chở hàng của người Việt, nếu có mặt hàng cùng loại do đồng bào của họ sản xuất. Nói cách khác, hệ thống vận chuyển và phân phối của người Hoa chỉ phục vụ lợi ích của họ. Hàng do người Việt sản xuất không được hệ thống độc quyền của họ giúp việc lưu thông sẽ chết dí ở kho, trong khi giới tiêu dùng thiếu hàng.

Năm 1956, Ngô Đình Diệm có một quyết định táo bạo: cấm người Hoa làm một số nghề họ có điều kiện lũng đoạn hơn cả. Hoa kiều phản ứng quyết liệt bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc ngừng vận tải. Với sự hỗ trợ của giới buôn lớn và chủ ngân hàng Hoa kiều ở Đông Nam Á, sự can thiệp của chính quyền Đài Loan và sự ủng hộ của sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, người Hoa nhất loạt đình chỉ hoạt động, tẩy chay không bốc dỡ gạo Việt Nam đã cập bến cảng nước ngoài. Do ngừng mọi vận chuyển, nông sản ứ đọng thậm chí hư hỏng ở vùng quê, trong khi Sài Gòn – Chợ Lớn lại rất khan hiếm. Sự phản ứng của Hoa kiều buộc chính quyền Ngô Đình Diệm cuối cùng phải nhượng bộ bằng biện pháp thỏa hiệp.

Sau giải phóng, ta chủ trương từng bước thống nhất quản lý lương thực, nhu yếu phẩm số một của toàn xã hội. Tư sản mại bản quen thói cũ lại sử dụng hệ thống có sẵn, giở trò chống phá. Tuy một số đầu sỏ đã bỏ chạy ra nước ngoài hoặc sa lưới pháp luật vì làm ăn phạm pháp, bộ máy điều hành của chúng vẫn còn gây hại…

***

Những biện pháp của Ngô Đình Diệm vào những năm 1950 tuy có gây ít nhiều sóng gió cho tư sản gốc Hoa một thời gian ngắn, nhưng trước sự phản ứng giai cấp của họ, dưới sức ép của người nước ngoài và chủ yếu do chế độ độc tài không đủ sức giải quyết những vấn đề do chính nó đặt ra, Diệm đành mau chóng tìm cách thỏa hiệp – nói đúng hơn là một sự đầu hàng mà không mất mặt. Hệ quả duy nhất của cuộc “cách mạng” ấy, làn sóng Hoa kiều ồ ạt lấy quốc tịch Việt Nam. Chả là Ngô Đình Diệm để ngỏ cửa: người Hoa kiều nào muốn tiếp tục làm những nghề bị hạn chế – tức là tiếp tục hốt của – thì chỉ cần đứng tên vợ nếu vợ là người Việt, hoặc từ mình xin nhập quốc tịch Việt.

Như vậy, thoạt tiên chỉ là một sự thay đổi về thủ tục. Nhưng sau hai mươi năm, đến ngày đất nước ta hoàn toàn giải phóng, việc người Hoa trở thành công dân Việt Nam đã là một thực tế lịch sử. Hòa vào cộng đồng các dân tộc, những người lao động gốc Hoa cũng chịu sự bóc lột của giai cấp tư sản, cũng chịu đựng những đau khổ vô biên do chiến tranh xâm lược của Mỹ gây nên, như mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam thuộc các dân tộc khác. Riêng đối với tư sản người Hoa lấy quốc tịch Việt, thoạt đầu chỉ là một biện pháp do tình thế bức bách phải thực hiện để giữ vững lợi nhuận, nhưng dần dần tỏ ra có lợi cho họ trên nhiều mặt. Mang quốc tịch Việt Nam, họ hưởng đầy đủ mọi quyền lợi của người dân Việt, trong khi tuyệt nhiên không phải làm bất cứ một nghĩa vụ nào của công dân Việt. Bởi vì, ở một xã hội mà giá trị lớn nhất, đạo lý cao nhất, thế lực mạnh nhất là đồng tiền, thì sẵn có đồng tiền trong tay, họ có thể làm đủ việc cần thiết để duy trì đặc quyền đặc lợi và giành lợi nhuận tối đa. Dần dà họ lại chiếm lĩnh những giường mối kinh tế then chốt. Năm 1974, một nhà nghiên cứu kinh tế miền Nam đã phải thốt lên: “Với các hoạt động kỹ thuật ngày nay, khó tìm một bản liệt kê chính thức những xí nghiệp nào của người Việt và những xí nghiệp nào của người Hoa, vì đa số các cơ quan chính quyền không còn phân biệt người Việt và người Hoa mang quốc tịch Việt nữa”.

(còn tiếp) 

Nguồn: Phan Quang – Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB LĐ 2014.

***

Con phố người Hoa ở quận 5 Sài Gòn xưa

***

Tư sản Hoa Kiều và sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế Miền Nam – Phần V

Mặc dù có những hạn chế đó, theo ước tính của một nhà kinh tế học từng lãnh trách nhiệm phó thủ tướng chế độ cũ, tư sản gốc Hoa hiện diện ở hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, và ở đâu họ có mặt, họ đều chiếm những vị trí đưa lại nhiều lợi nhuận nhất.

Trong công nghiệp, hoạt động của họ trải rộng từ những ngành then chốt như cơ khí, luyện kim cho đến các ngành mau thu lãi như chế biến thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng.

Cuối năm 1973, chế độ Nguyễn Văn Thiệu có làm một cuộc kiểm kê. Kết quả cho biết, trong số gần 10000 xí nghiệp lớn nhỏ đượckiểm kê, 80% là tài sản của tư sản người Việt gốc Hoa. Hai công ty nhập khẩu và chế biến bột mì lớn nhất là Sakybomi và Viflomico cung ứng 60% nhu cầu bột mì cho toàn miền, thì tư sản Hoa làm chủ cả hai, ngoài ra họ còn làm chủ luôn mười công ty nhỏ khác thuộc ngành này. Họ chiếm 90% số vốn của năm công ty và 182 cơ sở sản xuất mì gói, ước tính khoảng 500 triệu đồng (tiền Sài Gòn cũ). Toàn bộ vốn (khoảng 400 triệu đồng) của năm công ty và tám cơ sở gia đình sản xuất dầu ăn nằm trong tay họ. Họ kiểm soát phần lớn vốn của một trong hai công ty lớn sản xuất sữa đặc có đường ở miền Nam. Họ đầu tư khoảng 250 triệu đồng (chiếm 90% tổng số vốn) vào năm công ty và 335 cơ sở sản xuất bánh kẹo. Công ty sản xuất mạch nha duy nhất với số vốn 200 triệu đồng là của tư sản Hoa. Với sự góp vốn của Đài Loan, họ kiểm soát hoàn toàn bốn công ty sản xuất bột ngọt (mì chính) với số vốn khoảng 600 triệu đồng. Hơn ba mươi trong tổng số bốn mươi cơ sở sản xuất rượu ở miền Nam là của người Hoa. Ngoài ra, họ giữ 60% vốn của 14 công ty khai thác hải sản. Với tất cả những cơ sở đó, cộng với số thóc gạo họ thu mua hàng năm (ước tính hơn 80% khối lượng lương thực hàng hóa trong miền), đủ thế giai cấp tư sản Hoa chi phối đến mức nào việc cung ứng cho cái dạ dày của nhân dân miền Nam dưới chế độ cũ.

Ở miền Nam, công nghiệp dệt mới được thật sự mở mang từ sau hiệp định Genève 1954 trên cơ sở một số máy móc tháo gỡ từ Hải Phòng đưa vào. Những năm 1960 ngành này phát triển nhanh. Sài Gòn có 4 công ty dệt lớn là Sicovina, Vimytex, Vinatexco và Vinatefinco, thì ba công ty sau là của tư sản Hoa. Họ còn làm chủ hàng chục công ty nhỏ khác và khai thác hơn 600 xưởng dệt thủ công. Sản lượng hàng dệt và tơ sợi do tư sản Hoa thao túng chiếm khoảng 70% sản lượng toàn ngành. Ngoài ra, 25 công ty nhỏ và hơn 300 cơ sở dệt tổ chức theo kiểu gia đình sản xuất khăn mặt, chỉ khâu, áo thun, bấc đèn… ở Sài Gòn – Chợ Lớn đều do Hoa kiều làm chủ.

Trong công nghiệp hóa chất, tư sản Hoa là chủ của 14 trong tổng số 17 công ty với số vốn 1500 triệu đồng. Ngoài ra ở dưới sự kiểm soát của họ có 14 công ty và 14 xí nghiệp gia đình sản xuất sơn và mực in, 13 công ty và 88 xí nghiệp sản xuất xà phòng, bột giặt, kem đánh răng, mỹ phẩm, 90% vốn của 66 công ty và 630 xí nghiệp sản xuất đồ bằng nhựa dẻo (tổng cộng giá trị lên tới 6 tỷ đồng), 55% vốn của các cơ sở sản xuất đệm mút, giày dép, đồ dùng bằng cao su; 50% vốn của các ngành sản xuất nến, diêm, phấn viết… là của người Hoa.

Dựa vào nguồn sắt phế thải do chiến tranh đưa lại, họ tổ chức bốn trong tổng số năm công ty luyện kim. 60% vốn của khoảng 100 xưởng đúc gang, làm đinh… do tư sản Hoa kiểm soát.

Về sản phẩm cơ khí, đồ dùng điện và điện tử, tư sản Hoa nắm từ 60 – 70% tổng số vốn, rải ra trên hàng trăm cơ sở. Từ năm 1970, doanh nhân Nhật Bản nhảy vào đầu tư Việt Nam, người Hoa kiều nhanh chóng cộng tác với họ. Ba công ty lớn sản xuất máy móc điện tử và bán dẫn là Sony, Sanyo và National Việt Nam đều có sự góp vốn của người Hoa.

Như vậy trừ một số ngành sản xuất như xi măng, đường, thuốc lá, bia, nước ngọt, thuốc tây, hầu hết các ngành công nghiệp khác ở miền Nam trước năm 1975 đều là tư sản người Việt gốc Hoa chi phối.

***

Thương mại là lĩnh vực hoạt động kinh tế lâu đời của người Hoa ở nước ngoài và do đó, cũng là lĩnh vực hó có nhiều kinh nghiệm và thủ đoạn.

Trước Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp có chính sách dùng Hoa kiều làm mại bản, nhờ vậy người Hoa có điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động và xiết chặt tổ chức của họ thành hệ thống có hiệu lực. Dưới chế độ Sài Gòn, phòng thương mại ở Chợ Lớn thực chất là một tổ chức độc quyền phân phối hàng hóa nhập khẩu. Trên cơ sở thu nhận nhạy bén thông tin về sản xuất và thị trường trong nước cũng như nước ngoài, tổ chức này ấn định giá cả, chỉ đạo sự phân phối và lưu thông hàng hóa.

Ước lượng khoảng 95% hàng hóa mua bán giữa người Hoa với nhau diễn ra trên cơ sở trao tay  – đồng nghĩa với việc thương nhân không trả một đồng xu thuế cho chính quyền. Xe đưa hàng về các tỉnh lỵ, thị trấn cho các tiệm tạp hóa; các chủ hiệu này mua chịu hoặc chi trả trước một nửa tiền, nhờ vậy không cần trường vốn lắm, họ vẫn có thể có đủ hàng đáp ứng yêu cầu của khách quen và khi cần, cạnh tranh với các hiệu buôn ngoài hệ thống khép kín của họ. Đương nhiên những xe này vẫn có thể bỏ hàng cho các hiệu buôn khác của người Việt, với điều kiện là phải trả tiền mặt, và trong trường hợp có một mặt hàng nào đó khan hiếm thì các cửa hiệu người Hoa mới mua được mà thôi.

Khi một Hoa kiều hoặc người Việt gốc Hoa tỏ ra làm ăn tháo vát, tín nhiệm, thì thế nào cũng xuất hiện một “người đỡ đầu” sẵn sàng ứng trước cho thêm một số vốn để mở cửa hiệu ở một nơi nào đó mà hệ thống thương mại của người Hoa chưa có chân rết. Hiệu buôn mới sẽ trả góp tiền tạm ứng, đồng thời mở rộng dần cơ ngơi. Bằng cách đó cùng với thời gian mạng lưới thương nghiệp ngày càng phát triển và có quan hệ bền chặt với nhau.

Theo tài liệu của Tổng nha Thuế vụ (Sài Gòn) năm 1971, trong tổng số các cơ sở kinh doanh ở Sài Gòn – Chợ Lớn đóng thuế môn bài dưới 7000 đồng – tức là các hiệu buôn được xếp loại nhỏ và loại vừa – người gốc Hoa chiếm 41%. Ở quận 5, họ chiếm 1670 trong tổng số 2000 hiệu. Tính chung, người Hoa chiếm khoảng 50% doanh số bán lẻ của toàn miền Nam.

Nếu trong ngành bán lẻ, họ còn phải nhường một nựa cho người Việt, thì trong ngành bán buôn (tiếng miền Nam gọi là buôn sỉ) tư sản người Hoa gần như nắm độc quyền. Theo kết quả điều tra năm 1957, Hoa kiều làm chủ hơn 6000 cửa hiệu; riêng ở Sài Gòn – Chợ Lớn, họ có 1850 hiệu, ở miền Trung 820 hiệu khác. Theo thống kê, số hiệu bán buôn nhiều hơn số hiệu bán lẻ, ấy là vì phần lớn các nhà bán buôn đồng thời cũng bán lẻ; ở thôn quê – như ta đã thấy – nhà bán buôn kiêm luôn việc thu mua lúa gạo.

Về ngoại thương, vẫn theo thống kê năm 1971, trong tổng số 966 nhà nhập khẩu 815 là Hoa kiều hoặc người Việt gốc Hoa. Kiều dân của các nước khác chỉ làm chủ 35 hãng xuất nhập khẩu khác. Xem xét bảng kê 43 ngành nhập khẩu là thấy người gốc Hoa kinh doanh 36 ngành. Trừ vài ba lĩnh vực như thuốc tây, tơ sợi, họ chiếm ưu thế trong hầu hết các ngành nhập khẩu khác, nhờ đó trên thực tế họ độc quyền phân phối nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất và trực tiếp cung cấp hàng hóa nhập khẩu cho người tiêu dùng.

Tư sản Hoa kiều làm môi giới giữa những nhà sản xuất ở trong nước và thương nhân ở nước ngoài. Mối quan hệ chặt chẽ với tư sản Hoa kiều các nước khác ở Đông Nam Á và tiềm lực lớn về tài chính là những điều kiện quan trọng cho họ thao túng nền ngoại thương. Trừ cao su và một phần hải sản, hầu hết các ngành xuất khẩu khác từ gạo, chè cho đến lông vịt và sắt thép cũ, đều bị tư sản người Hoa chi phối.

Về dịch vụ, Sài Gòn – Chợ Lớn ngày trước vẫn nổi tiếng với những nơi ăn chơi. Các khách sạn và nhà hàng lớn như Đồng Khánh tửu lầu, Bát Đạt, Á Đông, Lê Lai, Bách Hỷ, Kim Đô, Bồng Lai, Đông Phát, Đại La Thiên, Arc-en-ciel, Thủ Đô, Đệ Nhất khách sạn… đều do tư sản gốc Hoa làm chủ.

Năm 1957, riêng ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Hoa kiều có 920 cửa hàng ăn uống. Hơn năm trăm cửa hàng khác rải rác ở các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở vào thuộc về họ. Số khách sạn do họ chính thức đứng tên khai thác ở Sài Gòn – Chợ Lớn là 108 cái. Ngành dịch vụ mở rộng rất nhanh, nhưng từ những năm 60, chế độ Sài Gòn không nắm được con số cụ thể, bởi lẽ như đã nói ở trên, sau khi phàn lớn Hoa kiều mang quốc tịch Việt thì các tài liệu thống kê không phân biệt người Việt hoặc người Hoa nữa. Người ta ước lượng tư sản Hoa làm chủ khoảng một nửa số khách sạn lớn và 90% số khách sạn nhỏ, nhà trọ vùng Sài Gòn.

(còn tiếp) 

Nguồn: Phan Quang – Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB LĐ 2014.

***

Khu phố kinh thương của người Hoa ở Sài Gòn xưa

***

Tư sản Hoa Kiều và sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế Miền Nam – Phần cuối

 

Lịch sử phát triển của xí nghiệp dệt Vimytex, một trong bốn nhà máy dệt lớn nhất miền Nam, minh họa khá rõ sự cấu kết giữa tư sản mại bản gốc Hoa ở Sài Gòn với tư bản Đài Loan, Hong Kong và Mỹ. Đó cũng là một tài liệu sống cho thấy rõ, dựa vào chiến tranh, tư sản mại bản phát triển nhanh đến thế nào.

Khoảng đầu những năm 1960, Châu Đạo Sanh nợ Ngân hàng Giao thông Bangkok một món không thanh toán nổi. Không muốn cho Châu phá sản, ngân hàng này tìm cách nâng đỡ, giúp y làm ăn để có điều kiện trả nợ dần. Vừa lúc ấy, một công ty Mỹ – Đài Loan là“Johnson quốc tế phát triển công ty” đang muốn tìm người cộng tác để khai thác công nghiệp dệt sợi ở Việt Nam. Châu Đạo Sanh làm nghề xuất nhập khẩu vải, được Ngân hàng Giao thông Bangkok giới thiệu với công ty Johnson. Thế là Việt Mỹ dệt sợi công ty, gọi tắt là Vimytex, thành lập với số vốn ban  vỏn vẹn 50 triệu đồng. Toàn bộ vốn do tư bản nước ngoài bỏ ra, nhưng trên danh nghĩa, 50% là của Việt Nam vì Châu Đạo Sanh có quốc tịch Việt. Đại diện công ty Johnson cũng là một người Hoa mang quốc tịch Mỹ, tên là H.P. Jen làm giám đốc kỹ thuật.

Dưới sự bảo trợ của cơ quan viện trợ Mỹ USAID, Vimytex được mọi sự dễ dàng. Đôla nhập máy móc và nguyên liệu được đổi theo tỷ giá chính thức có lợi rất nhiều so với giá chợ đen. 40000 cọc sợi và 854 máy dệt mua của Nhật Bản. Nguyên liệu là bông Mỹ hồi ấy đang thừa ế.

Công ty phát tài. Chỉ sau 23 năm, vốn đã tăng gấp ba lần. Nhưng rồi nó phải trải qua một cơn sóng gió: thị trường miền Nam bị hàng dệt bằng sợi tổng hợp của Nhật Bản xâm chiếm. Vải pôpơlin sợi bông, mặt hàng chính của Vimytex hồi đó, bán không chạy. Không sao, đã có USAID tiếp sức. Nhờ sự nâng đỡ của tổ chức này, nó tìm được lối thoát trong phồn vinh: chuyển sang sản xuất vải trận cho quân đội Ngụy. Hàng tốt, hàng xấu đều tiêu thụ được hết. Miễn là đút tiền vào miệng một số tướng tá chỉ trong năm năm, từ 1967 đến 1972, vốn của công ty từ 150 triệu tăng lên 1.050 triệu đồng.

Trong số người ít ỏi đứng tên làm chủ “công ty” Vimytex, ngoài Châu Đạo Sanh, vợ của y và đại diện công ty Johnson, còn có một số người nước ngoài đầy thế lực tên là Tseng Jeng Ching. Tseng giữ vai trò “cố vấn kỹ thuật”. Với danh nghĩa này, Tseng đưa 52 chuyên viên kỹ thuật Đài Loan sang, kiểm soát toàn bộ hoạt động của Vimytex. Phụ trách kế toán cũng là một người thân tín của Tseng: Yuan Nol Nam, vốn là một viên chức cao cấp của sở thuế Đài Loan. Yuan nắm toàn bộ công việc kinh doanh của công ty.

Tseng Jen Ching là ai vậy? Theo một người Hoa thân cận của Châu Đạo Sanh từng giữ một trách nhiệm quan trọng trong Vimytex từ khi công ty này thành lập cho tới giải phóng nói với tác giả rằng, y là một trong những tư bản cá mập ở Đông Nam Á. Trong tay Tseng ở Đài Loan có một xưởng dệt lớn và một xưởng lắp ráp xe hơi hợp tác với hãng Toyota (Nhật Bản). Khi Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc lục địa, quan hệ của nó với Đài Loan trở nên lạnh nhạt, thì công ty xe hơi Ford của Mỹ thế chân Toyota để hợp tác với Tseng. Tseng cò có nhiều tài sản khác rải ra ở nhiều nơi trên thế giới, đại khái một đồn điền ở Brazil, một nhà máy dệt len ở Australia.

Mỗi năm, Tseng chỉ đến Việt Nam vài ba bận để kiểm tra công việc. Để khống chế Châu Đạo Sanh lúc này đã trả xong nợ và bắt đầu giở quẻ, Tseng mở rộng công ty, đưa thêm năm cổ đông nữa vào để chiếm đa số trong hội đồng quản trị. Những cổ đông này không ai khác vợ, con trai và con dâu của Tseng. Họ cũng chỉ đến Sài Gòn mấy ngày, đủ làm xong các thủ tục rồi biến luôn.

Cũng cần nói thêm: Nhờ sự giúp đỡ của tư bản nước ngoài, chỉ sau mấy năm, Châu Đạo Sanh đã trả được nợ, còn có vốn bỏ sang các ngành kinh doanh khác. Châu đã nhân lúc H.P. Jen vắng mặt, “tạm mượn” của Vimytex mấy mươi triệu đồng bỏ ra làm vốn ban đầu cho các công ty Sakybomi và Viflomeco mà y là một trong những ông chủ chính. Rõ ràng sự giúp đỡ dựa trên “huyết thống” không chỉ có lợi cho người được giúp mà thôi.

Châu Đạo Sanh đã chạy ra nước ngoài khi chế độ Sài Gòn sụp đổ. Còn H.P. Jen, chiều 26/4/1975, y được chính xe của sứ quán Mỹ mang biển số ngoại giao đến rước lên máy bao, kịp trước khi quân đội ta tràn vào.

***

Vấn đề người gốc Hoa ở nước ngoài, đặc biệt ở Đông Nam Á, là một hiện tượng lịch sử và xã hội có tầm quốc tế khiến các nước có nhiều người Hoa sinh sống không thể không quan tâm. Các nhà nghiên cứu cũng như báo chí quốc tế đã bỏ ra không ít giấy mực bàn về hiện tượng này. Ở ta, hơn nửa thế kỷ trước đây, một nhà báo từng làm dư luận chú ý với cuốn sách đề cập vấn đề nóng hổi “Thế lực khách trú và vấn đề di dân Nam Kỳ”. Từ bấy đến nay biết bao đổi thay! Ở miền Nam, cái gọi là thế lực khách trú ấy – nói đúng hơn là sự lũng đoạn của tư sản gốc Hoa đối với nền kinh tế và toàn bộ đời sống xã hội – ngày càng tăng, gây nên lo lắng. Nhân dân lao động ngỡ ngàng trước sự thao túng của họ. Những người trí thức băn khoăn cho tương lai đất nước. Giới kinh doanh bị chèn ép, cất tiếng kêu la.

Mỗi nhà nghiên cứu tùy theo chỗ đứng của mình mà có cách nhìn khác nhau, song hầu như không ai không chú ý một đặc điểm phổ biến của các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á: tính biệt lập của họ. Dưới những hình thức có khác biệt chút ít song cơ bản giống nhau, người Hoa tạo nên những “xã hội” nhỏ trong xã hội, những “quốc gia” trong quốc gia mà họ cư trú.

Là một nước rộng bị chia cắt lâu đời, Trung Quốc có tính địa phương sâu sắc. Trong cùng một tỉnh cũng có khác biệt về tiếng nói và về phong tục tập quán, do đó những người Hoa tha phương cầu thực có xu hướng tập hợp nhau lại theo địa phương để dễ hiểu biết và nâng đỡ lẫn nhau. Như vậy nhân tố gắn bó họ, trước hết là nhu cầu nương tựa để sống còn nơi đất khách. Người Hoa vài thế kỷ lại đây ra nước ngoài chủ yếu vì không thể sống nổi trong nước, ở đó đói nghèo và bóc lột đè nặng lên thân phận họ. Hoàn cảnh ấy tạo nên cho họ tinh thần phấn đấu cao, nhiều khi mang màu sắc tuyệt vọng. Hầu hết không có nghề nghiệp chuyên môn, lao động của họ thường đơn giản, dựa trên sự cần cù, chịu thương chịu khó hơn là kỹ năng. Tinh thần ấy đã giúp một số người dần dần nắm được kỹ thuật tinh xảo về thủ công và cơ khí nhỏ, nhờ đó bắt chước làm ra được một số sản phẩm hoặc chi tiết sản phẩm theo mẫu của người khác và đáng lẽ sản xuất trên cơ sở kỹ thuật cao hơn.

Về mặt kinh doanh, việc tập hợp theo địa phương cũng là cách chia vùng làm ăn để khỏi giẫm chân lên nhau, tránh sự cạnh tranh không có lợi. Mỗi địa phương có bang trưởng được cử ra trong số người giàu có, thạo việc làm ăn. Đó là người thay mặt cộng đồng giao thiệp với chính quyền sở tại. Đó là người khi có việc cần cân nhắc thì thay tập thể quyết định.

Tập hợp theo bang còn có cái lợi là có thể đóng cửa bảo nhau, cùng nhau giải quyết những vụ tranh chấp không qua sự can thiệp của nhà chức trách.

Tổ chức “bang” hình thành sớm ở Việt Nam, từ khi người Trung Quốc ồ ạt di cư sang nước ta, cách đây hai trăm năm. Từ thời khởi nghĩa Tây Sơn, họ ủng hộ Nguyễn Ánh. Thời thực dân PHáp, tất cả các bang Hoa kiều: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam đều ủng hộ chế độ thuộc địa. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Tưởng Giới Thạch lợi dụng danh nghĩa một nước đồng minh, ký với nhà cầm quyền Pháp đang nuôi ảo vọng đặt lại ách thống trị của họ lên các nước Đông Dương, một thỏa ước hợp thức hóa chế độ bang, hội của Hoa kiều. Theo thỏa ước ký ngày 20/8/1948, các tổ chức Hoa kiều thống nhất lại dưới tên gọi “Lý sự hội”. Lãnh sự quán Trung Hoa dân quốc được quyền bác bỏ hay thông qua sự lựa chọn người đứng đầu lý sự hội. Nói cách khác, chính quyền cơ chính quốc trực tiếp nắm Hoa kiều ở Đông Nam Á.

Bằng mọi cách, các tổ chức Hoa kiều, nuôi dưỡng tinh thần nước lớn. Nhờ khả năng to lớn về tài chính – kinh tế, dựa trên sự đóng góp của các thành viên và các nguồn thu nhập khác. Ngụy trang dưới danh nghĩa trường học, bệnh viện, dưỡng đường, hội quán…, họ có điểu kiện nâng đỡ lẫn nhau trong việc kinh doanh, từ đó chi phối đời sống tinh thần của mọi thành viên, giàu cũng như nghèo. Cách tổ chức ấy cũng là một biện pháp xóa nhòa ranh giới giai cấp, che đậy sự bóc lột trắng trợn của tư sản đối với công nhân và những người lao động gốc Hoa.

Ở Sài Gòn – Chợ Lớn trước giải phóng có khoảng hai mươi trường tiểu học và trung học dành cho con em người Hoa, do người Hoa trực tiếp quản lý. Trên danh nghĩa, những trường này giảng dạy theo chương trình chính thức, lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ chính, song trên thực tế đó là những trường Hoa trên đất Việt Nam, sáu bệnh viện lớn, trang bị hiện đại là tài sản của các bang. Nấp dưới mục đích y tế – xã hội, những cơ sở kinh doanh ấy “làm ăn” sinh lợi mà không phải đóng thuế. Cùng với một hệ thống chùa chiền riêng, nơi chơi bời riêng, nơi giải trí riêng, sự biệt lập của người gốc Hoa ở miền Nam trước đây thật là trọn vẹn.

Bất kỳ ở đâu, người Hoa cũng nổi tiếng là biết dùng đồng tiền để mua chuộc những người trong guồng máy chính quyền từ những viên chức ở bậc thang thấp nhất cho tới những chính khách ngất nghểu trên chóp bu. Họ có phương ngôn xử thế: Trên đời mọi thứ đều có thể mua bán, miễn là biết trả đúng giá. Ở Sài Gòn – Chợ Lớn trước đây chuyện Hoa kiều mua những người có trách nhiệm trong chế độ cũ, từ thủ tướng, bộ trưởng cho đến anh chạy giấy – mỗi bậc theo giá trị của nó – đã trở thành nhiều giai thoại phổ biến.

Tóm lại, ý thức biệt lập dựa trên sự nuôi dưỡng tinh thần nước lớn, tổ chức nội chặt chẽ, cơ sở kinh tế mạnh, có nhiều thủ đoạn tinh vi, sự câu kết với các chế độ phản động, thêm vào đó là hậu thuẫn mạnh mẽ của tư sản Hoa kiều ở các nước khác – đấy là những đặc điểm và cũng là điều kiện cho phép giai cấp tư sản gốc Hoa thao túng hầu như toàn bộ nền kinh tế miền Nam nước ta trước giải phóng.

Đó cũng là một lớp người làm giàu nhờ bóc lột mồ hôi nước mắt nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Phan Quang – Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB LĐ 2014.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s