
AA – Cứ 3 thanh niên có 1 người thất nghiệp hoặc có công việc nhưng thu nhập không đủ sống.
Từ năm 2010 đến năm 2013, kinh tế của các nước đang phát triển tăng trưởng nhanh gấp đôi so với mức tăng thu nhập của người lao động.
Các mô hình kinh tế vĩ mô hiện nay đã và đang tạo ra tình trạng gia tăng thất nghiệp và, bất bình đẳng. Tuy nhiên, cũng có nhiều nước đang phát triển chọn một hướng đi khác, đó là hỗ trợ các ngành sản xuất có lợi nhuận cao, có khả năng tạo ra nhiều việc làm chất lượng và có thu nhập tốt.
Nhiều quy tắc quốc tế ngăn chặn các nước đang phát triển áp dụng các chính sách mà các nước giàu đã từng sử dụng để công nghiệp hóa trước đây; tuy nhiên ngày càng có nhiều quốc gia đứng lên chống lại những quy tắc nêu trên. Nếu các quốc gia này kết hợp những nỗ lực đó với các hợp tác khu vực để bảo vệ quyền của người lao động thì họ hoàn toàn có khả năng đạt được một mục tiêu lớn lao hơn – đó là sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó có thể mang lại một cuộc sống đầy đủ và có phẩm giá cho tất cả người dân.
Trước đây, các chính sách kinh tế thường được sử dụng để hỗ trợ cải tổ nền kinh tế và tạo ra việc làm. Nhưng kể từ những năm 1980, chính sách kinh tế được chuyển hướng, tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng GDP thông qua các chính sách tự do hóa thương mại, tư nhân hóa và dỡ bỏ bớt các hàng rào quy định. Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách đã bỏ quên vấn đề việc làm.
Nhiều quốc gia đang tập trung đi theo hướng này không chú trọng phát triển các ngành sản xuất, người dân buộc phải phụ thuộc vào những công việc bấp bênh trong các ngành dịch vụ và nông nghiệp.
Việt Nam là một trong các ngoại lệ; sự tham gia tích cực của chính phủ vào phát triển kinh tế đã và đang tạo ra một ngành sản xuất đa dạng và tăng trưởng. Tuy nhiên nhiều quy định mới đang ngăn cản chính phủ sử dụng các chính sách có thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng. Các Hiệp định Thương mại kiểu mới sẽ tạo ra sự thay đổi to lớn trong nền kinh tế Việt Nam, dịch chuyển từ ngành sản xuất máy móc và xe máy và tập trung nhiều hơn vào sản xuất hàng hóa đại trà, ví dụ như hàng may mặc và giầy dép giá rẻ.
Sự thay đổi này sẽ khiến người lao động Việt Nam đối mặt với những áp lực thương mại giống như công nhân ngành dệt may tại Bangladesh đang gặp phải. Áp lực cung cấp quần áo với giá rẻ và nhanh chóng là nguyên nhân các chủ doanh nghiệp cắt giảm chi phí mọi lúc mọi nơi. Bằng việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bangladesh đã và đang theo đuổi một mô hình kinh tế phụ thuộc vào sự bóc lột sức lao động của hàng triệu phụ nữ với điều kiện làm việc tồi tệ và mức lương thấp.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thất bại trong bảo vệ quyền của người lao động là nguyên nhân chính, đóng góp tới hai phần ba sự gia tăng bất bình đẳng tại các nước đang phát triển trong giai đoạn 1980 – 2015.
Với bối cảnh sự bất bình đẳng đang ngày càng trở nên đáng lo ngại trên toàn cầu, các nước đang phát triển cần cấp thiết thúc đẩy một mô hình chuyển dịch kinh tế mà qua có thể tạo ra các công việc tử tế – nhất là cho phụ nữ, đối tượng chiếm đa số trong lực lượng lao động tại các nhà máy. Không những không làm ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng, thu nhập lao động cao còn có thể củng cố các chính sách công nghiệp thông qua sự gia tăng nhu cầu hàng hóa.
***
***
[Trích]
Thông điệp chính
- Thất bại của các nước đang phát triển trong việc xây dựng một nền sản xuất vững mạnh dựa trên quyền của người lao động chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng.
- Các nước đang phát triển có thể học hỏi các nước giàu về phương thức thực hiện công nghiệp hóa mà họ đã từng làm trong quá khứ họ có thể công nghiệp hóa theo cách tạo ra được nhiều việc làm chất lượng và thu nhập tốt.
- Nhiều quy định quốc tế ngăn cản các nước đang phát triển áp dụng những chính sách công nghiệp hóa mà các nước giàu đã từng áp dụng trọng quá khứ.
- Một số nước đang phát triển đã và đang hành động để thay đổi các quy định bất lợi cho họ trong việc áp dụng các chính sách nói trên. Các quốc gia khác cũng có thể làm theo.
Khuyến nghị
Chính phủ các nước đang phát triển nên:
• Làm việc với doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, tổ chức nhân dân để xác định các rào cản đối với tiến trình công nghiệp hóa, tạo ra việc làm và xây dựng chiến lược để vượt qua các rào cản này.
• Học tập kinh nghiệm của các nước giàu trong lựa chọn chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp sản xuất mới nổi có tiềm năng, đặc biệt tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị cao như thiết kế và marketing, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc tối đa hóa lợi nhuận của ngành sản xuất.
• Khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng để tận dụng tối đa đầu tư nước ngoài và thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế.
• Triển khai luật và chính sách đảm bảo phụ nữ được trả lương và có các cơ hội việc làm ngang bằng với nam giới, cũng như đảm bảo họ được hưởng đầy đủ các phúc lợi xã hội khác (như nghỉ ốm, nghỉ đẻ có hưởng lương và nhận trợ cấp thất nghiệp) đồng thời được bảo vệ khỏi các hình thức phân biệt đối xử.
• Hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực để thúc đẩy quá trình nâng cao quyền và thu nhập của người lao động, ngăn chặn “hội chứng chạy đua xuống đáy” của các chính sách thuế, giúp thoát ra khỏi sự đe dọa của các công ty trong việc chuyển hoạt động kinh doanh sang khu vực khác và khai thác các tiềm năng để chiến lược này tạo ra nhu cầu trong khu vực.
• Thực hiện các biện pháp đơn phương nhằm bảo vệ không gian chính sách, ví dụ như gỡ bỏ các hiệp định đầu tư song phương, tái đàm phán hoặc thay thế chúng bằng những chiến lược đầu tư hiệu quả hơn.
Chính phủ các nước phát triển nên:
• Kiểm tra các hiệp định thương mại và đầu tư đã ký kết và sửa đổi nếu như các hiệp định đó hạn chế khả năng công nghiệp hóa hoặc đe dọa quyền con người của các nước đang phát triển.
• Xem xét lại chính sách thuế và sửa đổi nếu chúng có hại đến các nước nghèo.
Cộng đồng quốc tế nên:
• Cải tổ hoạt động đầu tư quốc tế để đảm bảo chúng không ảnh hưởng tới khả năng công nghiệp hóa của các nước đang phát triển và đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền lao động.
• Đảm bảo rằng các luật quốc tế bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng sẽ phải có sức nặng tương đương với luật bảo vệ nhà đầu tư.
• Xây dựng thỏa thuận quốc tế về chống chạy đua thuế cũng như xem xét việc chuyển sang sử dụng hệ thống thuế đơn nhất để đảm bảo rằng các công ty phải đóng thuế tại nơi họ có hoạt động.
• Trong lâu dài phải tạo ra sự thay đổi các luật quốc tế gây hạn chế không gian chính sách cho quá trình công nghiệp hóa và trao quá nhiều quyền lực cho các tập đoàn độc quyền.
***
Lời mở đầu
Báo cáo này được thực hiện vào thời điểm rất quan trọng, khi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đang dần nhận ra tầm quan trọng của các chính sách công nghiệp tập trung vào tạo ra môi trường lao động chất lượng cao. Sự thay đổi này là vô cùng cần thiết, vì mối quan tâm chính sách này đã bị lãng quên gần một thế hệ, gây ra nhiều thiệt hại cho các dự án phát triển tại nhiều quốc gia.
Vào những năm 1980, các nhà kinh tế đã ngừng đề cập đến khái niệm kinh tế phát triển, quá trình chuyển dịch mang tính cơ cấu để tạo ra giá trị và đưa người lao động thoát khỏi các công việc thu nhập thấp. Thay vào đó, họ tập trung vào “giảm nghèo”, vốn được dựa trên một quan điểm hết sức hạn chế về bản chất và nguồn gốc của nghèo đói. Trong các cuộc thảo luận, người ta thường không đưa ra bất cứ một mối liên hệ nào về sự giàu lên của một bộ phận người dân và sự nghèo đi của những người khác, như thể người giàu và người nghèo sống ở hai xã hội tách biệt và không có sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa hai bộ phận này, và người giàu không hề phụ thuộc vào sức lao động của những người nghèo.
Nhưng chúng ta đều biết rằng quá trình giàu lên và nghèo đi có mối quan hệ chặt chẽ. Đơn cử một ví dụ là sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế tại Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với việc các cá nhân giàu có và quyền lực đã lợi dụng sự phân biệt đối xử về giới, giai cấp và sắc tộc để trả người lao động mức lương bèo bọt và khai thác các nguồn tài nguyên bằng việc tước đoạt đất đai và các nguồn sinh kế của những người dân không có tiếng nói chính trị.
Vấn đề này đã tạo ra một quan điểm hai chiều về người nghèo. Người nghèo đang được coi là một đối tượng có khả năng tự đưa ra quyết định, nhưng lại được đặt trong một thế giới mà sự nghèo đói của họ không có liên quan gì tới bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội, mà đó là hệ quả của hoàn cảnh cụ thể của chính họ cũng như các quyết định sai lầm của họ tạo nên.
Tầm nhìn hạn chế về nghèo đói này, khi không được đặt trong toàn cảnh quá trình kinh tế rộng lớn, đặc biệt càng trở nên rõ ràng hơn khi các phân tích về nghèo thiếu đi sự liên hệ với bối cảnh quốc tế. Có rất nhiều cách để các tiến trình kinh tế toàn cầu và luật lệ quốc tế cản trở khả năng để nhà nước của các nước đang phát triển thực hiện đa dạng hóa nền kinh tế và đảm bảo quyền lợi cho người dân của họ.
Đáng tiếc là vấn đề này vẫn chưa được thừa nhận tại các thảo luận cấp quốc tế. Các Mục tiêu Phát triển Bền vững mới được đưa ra gần đây đã công nhận tầm quan trọng của đa dạng hóa kinh tế và tạo việc làm, nhưng lại hoàn toàn bỏ qua việc các cấu trúc quốc tế đang kìm hãm việc các quốc gia đạt được những mục tiêu bền vững này.
Vậy nên, giờ là lúc phải nghĩ về các giải pháp thay thế. Các chính phủ cần phải có sức mạnh thương lượng trước các nhà đầu tư và cương quyết giữ lại giá trị bên trong nền kinh tế của mình. Họ cần phải hợp tác với các chính phủ khác, xây dựng những thỏa thuận cấp khu vực để đảm bảo mức lương tối thiểu và quyền lợi cho người lao động, có như vậy thì các nhà đầu tư mới không thể chuyển sang một nước khác khi các điều khoản này được thực thi.
Trong bản báo cáo này, ActionAid cung cấp một góc nhìn đầy đủ và dễ hiểu về các cuộc tranh luận liên quan đến cải cách kinh tế. Có lẽ quan trọng hơn, báo cáo này cung cấp những gợi ý về tư duy và thực hành về các phương thức để thực hiện cải cách kinh tế mà vẫn đảm bảo tôn trọng quyền con người và tạo ra được việc làm tử tế và đáng được tôn trọng. Tôi hy vọng rằng báo cáo này sẽ khơi dậy và khuyến khích các thảo luận sôi nổi về các mô hình phát triển mà chúng ta đều muốn thấy trong tương lai.
Jayati Ghosh
Giáo sư Kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi.
[/Hết trích]
***