Từ điềm xấu đến cơ hội: Dầu thô giá rẻ thúc đẩy đầu tư năng lượng bền vững như thế nào

English: From Omen to Opportunity: How Cheap Oil Is Accelerating Sustainable Energy Investment

Thị trường dầu toàn cầu ngày càng không sinh lời đang kéo giá nhiên liệu xuống mức thấp lịch sử và làm thất thoát các khoản đầu tư vào năng lượng truyền thống. Phá vỡ thông lệ, dầu giá rẻ không còn là dấu hiệu thảm hoạ đối với các công ty năng lượng tái tạo. Ngược lại, các nhà đầu tư vỡ mộng với nhiên liệu hoá thạch giờ đang tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng cao – vừa đúng lúc để đắc lợi từ làn sóng năng lượng tái tạo diễn ra sau các cuộc đàm phán khí hậu tại Paris năm 2015.

worldwatch –Bất ngờ tụt xuống 27 đô la một thùng vào tháng hai, giá dầu thô đã chạm đến mức thấp nhất trong hơn 13 năm, kể từ khi Mỹ tiến hành xâm lược Iraq vào năm 2003. Dù hồi phục nhẹ vào tháng ba nhờ sản lượng được dự đoán sẽ sụt giảm, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi nền tảng thực chất của thị trường dầu và đang giảm dần kỳ vọng. Việc dầu bán ở giá thấp như này đã kéo giá cổ phiếu của các công ty năng lượng truyền thống lớn được liệt kê trong Chỉ số Standard & Poor’s 500 xuống 13% và khiến các nhà đầu tư mất đi hơn 703 tỉ đô la so với thời kỳ giá dầu cao kỷ lục vào tháng 6/2014.

Đối phó với tình trạng giá dầu thấp này, các công ty dầu đã thắt chặt chi tiêu, đóng cửa hai phần ba số giàn khoan và cắt giảm mạnh đầu tư vào hoạt động tìm kiếm và phát triển các mỏ dầu, trong khi đó, dự kiến 250 nghìn nhân sự dầu khí mất việc. Một báo cáo của Wood Mackenzie chỉ ra 68 dự án dầu và khí tự nhiên lớn – chiếm tổng giá trị là 380 tỉ đô la Mỹ và sản xuất 2,9 triệu thùng dầu tương đương (barrels of oil equivalent – boe[1]) một ngày – đã dừng hoạt động từ cuối năm 2014. Bên cạnh việc cắt giảm chi phí hoạt động, các công ty dầu khí hy vọng rằng các biện pháp đóng cửa sản xuất này sẽ có tác dụng bình ổn thị trường bằng cách giảm công suất từ trung đến dài hạn.

Dù giá đầu hồi phục nhanh thế nào đi nữa, thị trường dầu thô được cho là sẽ tiếp tục thu hẹp trong thời gian trước mắt. Trong khi các công ty dầu buộc phải lựa chọn hoặc thả nổi mức nợ cao cho hoạt động tìm kiếm mỏ dầu đắt đỏ hoặc giảm dự trữ chiến lược ở dưới chuẩn giá thị trường, các nhà đầu tư sẽ nghi ngờ khả năng trả lợi tức cao của các công ty này trong dài hạn.

Tại sao giá giảm?

Đây là câu hỏi cực kỳ phức tạp, tuy nhiên, nói một cách đơn giản, thị trường năng lượng đang tràn ngập dầu. Các khoản đầu tư vào các công nghệ khoan ngang (horinzontal drilling) hay vỡ vỉa thuỷ lực (hydraulic facturing or hydraulic fracking) khiến cho việc chiết xuất dầu đá phiến và các nguồn dầu mỏ ít trở nên tốn kém hơn – từ đó cho phép sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng lên gần gấp đôi từ năm 2008 lên mức 8,7 triệu thùng dầu một ngày vào năm 2016. Những tiến bộ này đã làm giảm quyền lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong việc kiểm soát giá dầu thông qua kiểm soát nguồn cung.

Thậm chí ngay trong nội bộ, OPEC dường như không thể thống nhất hành động để đối phó với tình trạng giá dầu giảm. Trong những tháng đầu năm 2016, Iraq công bố sản lượng khai thác kỷ lục còn Iran đẩy mạnh sản xuất để chuẩn bị trỗi dậy sau khi thoát khỏi các lệnh trừng phạt hạt nhân. Trong khi đó, Saudi Arabia, vốn đóng vai trò đảm bảo sự bình ổn của thị trường, cho biết sẽ không sẵn sàng giảm sản lượng, do lo sợ mất thị phần vào tay các đối thủ địa chính trị.

Các dự báo về phía cầu cũng ảm đạm ngang ngửa. Các báo cáo tình hình thị trường gần đây nhất từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã điều chỉnh mức tăng trưởng của nhu cầu dầu đã được dự báo trước đó theo hướng đi xuống đến năm 2020. Các báo cáo cũng đề cập đến tình trạng mùa đông ấm bất thường, việc các nước tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc chuyển hướng từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều dầu (như sản xuất nặng) sang nền kinh tế định hướng người tiêu dùng, còn ở các thị trường đang nổi, năng lượng tái tạo và khí tự nhiên đang cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với dầu mỏ và than đá.

Các công ty năng lương tái tạo bị ảnh hưởng như thế nào?

Về mặt lịch sử, đây là một câu hỏi đau thương. Cho đến rất gần đây, các phân tích thống kê đã thiết lập mối quan hệ rất chặt chẽ giữa giá dầu thô với giá cổ phiếu của các công ty năng lượng tái tạo lớn. Nói cách khác, khi giá dầu sụt, sự thịnh vượng của các công ty năng lượng tái tạo cũng giảm theo. Trước quyết định của OPEC về việc tiếp tục duy trì sản lượng cao và giá dầu thấp trong tháng 11 năm 2014, cổ phiếu của Vesta và Yingli Green Energy, lần lượt là các nhà cung cấp tua-bin gió và tấm quang điện mặt trời lớn nhất thế giới, đã giảm mạnh.

Mối tương quan này rất nổi bật mặc dù dầu thô và năng lượng tái tạo không thể thay thế trực tiếp cho nhau. Cho đến nay, năng lượng tái tạo được sử dụng để sản xuất điện, trong khi đó, dầu thô chỉ chiếm 5% quá trình sản xuất điện và được dùng chủ yếu để sản xuất nhiên liệu cho giao thông vận tải. Ngay cả khi giá thấp, dầu vẫn đơn giản là quá đắt để cung cấp cho hầu hết các mạng điện quy mô lớn. Điều tưởng chừng như phi lý này có thể hiểu đúng hơn là do các nhà đầu tư vào dầu mỏ, trong thâm tâm, vẫn luôn tự tin vào thị trường năng lượng truyền thống.

Nguy cơ thật sự của việc kết hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện không phải là dầu giá rẻ, mà là điện giá rẻ. Về điều này, khí tự nhiên, hiện đang cạnh tranh với than đá cho vị trí nguồn nhiên liệu lớn nhất và giá cả hợp lý nhất để sản xuất điện ở Mỹ, có thể là thách thức lớn hơn. Tuy nhiên, bất chấp sự cạnh tranh này, giá điện bán lẻ trung bình ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Lý do là chi phí hàng năm trong việc hiện đại hoá và duy trì hạ tầng mạng lưới và bảo dưỡng đã tăng lên hơn bốn lần kể ctừ năm 1980. Những chi phí này khiến các lựa chọn về sản xuất phân phối, ví dụ như pin quang điện mặt trời trên mái nhà, trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Trong khi các gã khổng lồ về dịch vụ tài chính như Morgan Stanley dự đoán khi nào (when) – chứ không phải là nếu (if) – giá dầu chạm 20 đô la một thùng, đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ bùng nổ. Theo báo cáo tình hình năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2015, REN21, đến cuối năm 2014, năng lượng tái tạo đã chiếm hơn 58% phần tăng thêm trong công suất điện toàn cầu (134 gigawatts), với đầu tư tăng 17% đạt hơn 301 tỉ đô la và tạo ra hơn 1,4 triệu việc làm trong ngành năng lượng tái tạo chỉ riêng trong năm 2014.

Tất cả những bước tiến này, tất nhiên, đã diễn ra trước các cuộc đàm phán về khí hậu tại Paris vào năm ngoái. Trong các diễn biến dẫn đến cuộc đàm phán hàng đầu về biến đổi khí hậu được tổ chức vào tháng 12 này, các đánh giá về chi phí so sánh của các hình thức sản xuất điện khác nhau đã chứng minh năng lượng tái tạo đang nhanh chóng trở nên cạnh tranh về chi phí đối với nhiên liệu hoá thạch toàn cầu như thế nào. Trong các hệ thống năng lượng tách biệt, ví dụ như ở các đảo quốc Caribe, các đánh giá này cho thấy nhiều công nghệ năng lượng tái tạo còn rẻ hơn các năng lượng truyền thống.

Vốn hoá tại Paris

 Việc chứng minh các dự án năng lượng tái tạo không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn hấp dẫn về tài chính đối với khu vực tư nhân nổi lên như mục tiêu chính của đàm phán khí hậu Paris. Việc mở khoá cho khu vực tư nhân tham gia trở nên ngày càng quan trọng, bởi vì các ước tính thận trọng cho thấy rằng sự chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải thấp trên phạm vi toàn cầu sẽ cần hơn 1 nghìn tỉ đô la đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hàng năm cho đến năm 2050. Để thúc đẩy nỗ lực này, các quốc gia thành viên của Hiệp ước khung về biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc (UNFCCC) đã huy động cơ chế tài chính khí hậu hỗn hợp lần đầu tiên tại Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund – GCF). Với khoản tiền ban đầu là 10 tỷ đô la từ các nước thành viên UNFCCC, Cơ sở khu vực tư nhân (Private Sector Facility – PSF) thuộc GCF đang bắt đầu sử dụng các công cụ mới, sáng tạo và các cơ chế tài trợ ưu đãi để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Những cơ chế này bao gồm:

·         Các khoản đầu tư “làm giảm rủi ro”, bao gồm cả rủi ro bên thứ ba ví dụ như mức độ có sẵn của ngoại hối hay rủi ro định sẵn bởi các thể chế địa phương;

·         Tạo ra các cơ hội đầu tư quy mô lớn, ví dụ bằng cách kết hợp các nhóm dự án vào các phương tiện đầu tư riêng rẽ; và

·         Hỗ trợ các công nghệ mới liên quan đến khí hậu, ví dụ bằng cách giải quyết vấn đề quy mô trong chuỗi cung cấp để đưa công nghệ ra thị trường nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Đối với các nhà đầu tư vỡ mộng với năng lượng truyền thống, những biện pháp này không thể kịp thời hơn. Bởi vì thị trường dầu mỏ và than đá tiếp tục mất giá, các cơ hội tăng trưởng cao trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục dành được sự quan tâm. Thực tế, sáu quỹ đầu tư năng lượng tái tạo chính hiện sinh lợi tức ở mức hấp dẫn từ 5,5-7% trên thị trường hiện tại.

Khả năng sinh lời này không phải là ăn may. Nghiên cứu mới từ Bloomberg New Energy Finance trình bày tại Hội nghị Nhà đầu tư Liên hiệp quốc 2016 về Nguy cơ khí hậu hồi tháng một đã đề xuất rằng sản xuất điện dựa trên năng lượng tái tạo được quy hoạch trong Đàm phán Paris sẽ đại diện cho cơ hội đầu tư 12,1 nghìn tỉ đô la cho các nhà đầu tư tư nhân đến năm 2040. Sự chuyển dịch toàn cầu từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng bền vững đã bắt đầu – đã đến lúc các nhà đầu tư hưởng lợi từ làn sóng mới này.

[1] Barrels of oile equivalent – boe: thùng dầu tương đương: thuật ngữ dùng để mô tả lượng năng lượng tương đương với năng lượng phát ra từ việc đốt một thùng dầu thô. Một thùng dầu thô tương đương 159 lít. Thuật ngữ thường được sử dụng để đo lường cùng một lúc dầu và khí tự nhiên.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s