12:55 | 13/11/2013
(ĐCSVN) – Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, đều nhất quán khẳng định sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền con người; luôn đề cao sự tôn vinh, tôn trọng quyền con người và thực hiện có hiệu quả quyền con người.
Quyền cơ bản của con người là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; quyền được tôn trọng nhân cách, lương tri và phẩm giá, được xã hội thừa nhận, tôn vinh và pháp luật bảo đảm về quyền sống của một CON NGƯỜI. Vì vậy, ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân, đồng bào và nhân dân thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4. tr.1).
Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, đều nhất quán khẳng định sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền con người; luôn đề cao sự tôn vinh, tôn trọng quyền con người; đã, đang và sẽ làm hết sức mình để thực hiện quyền con người thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho “dân no, dân yên, dân tin”. Điều đó thể hiện rất rõ ở sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta là phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thực hiện tốt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo cơ sở vững chắc để thực hiện đầy đủ quyền con người trên đất nước Việt Nam.
Quyền được học tập, sống trong môi trường trong lành, được luật pháp bảo vệ.
Trong ảnh: Một lớp học của học sinh người dân tộc Ca Dong (Quảng Nam)
Ảnh: T.Thành – Báo Tuổi Trẻ
Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, nhân quyền là vấn đề rất nhạy cảm và hết sức phức tạp, vì nó gắn liền với bản chất chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Có thể khẳng định rằng, bản chất của nhân quyền ở Việt Nam là thực hiện quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền tồn tại và phát triển của mọi công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, tự do và bình đẳng là đặc trưng bản chất và là yêu cầu nội tại của nhân quyền ở Việt Nam, còn tồn tại và phát triển là mục tiêu của nhân quyền mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang hướng tới, quyết tâm đạt bằng được. Nói cách khác, tính ưu việt của chế độ xã hội ta thể hiện rõ ở việc bảo đảm cho mọi công dân quyền tự do và quyền bình đẳng, quyền tồn tại và quyền phát triển. Đó là điều khác biệt căn bản nhất giữa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm nhân quyền của giai cấp tư sản. Việc bảo đảm và bảo vệ nhân quyền ở nước ta gắn liền với quyền và nghĩa vụ của công dân được Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận, bảo vệ. Vì vậy, bản chất và giá trị đích thực của nhân quyền ở Việt Nam là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và bình đẳng…
Ở nước ta, quyền con người được bảo đảm và thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình đấu tranh cách mạng, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng nước ta chỉ ra rằng, tại Đại hội đại biểu quốc dân đồng bào trước ngày Tổng khởi nghĩa (16/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Đại hội và thông qua một Nghị quyết quan trọng, trong đó có nhiều điều khoản liên quan trực tiếp đến quyền con người, đó là ban bố những quyền chính đáng cho người dân về: a. Nhân quyền; b. Tài nguyên (quyền sở hữu); c. Dân quyền: quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại); dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.
Sau này, các nội dung nêu trên đã được thể chế hóa thành những quyền hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người ở Việt Nam là phải được bảo đảm bằng Hiến pháp và trên thực tế qua bốn lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: 1946, 1959, 1980, 1992, quyền con người ở nước ta đã thực sự trở thành quyền hiến định. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành, các cơ quan dân chính đảng thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân trong chế độ mới.
Rõ ràng, ở nước ta, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp, pháp luật là vì con người. Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, song pháp luật của nước ta không phải là cứng nhắc, áp đặt mà nó luôn được kết hợp chặt chẽ với đạo đức, với tình yêu thương con người và sự khoan dung, nhân đạo. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nhân quyền không chỉ thấm nhuần sâu sắc truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam mà còn hàm chứa nội dung rộng lớn, theo quan điểm khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì vậy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân chính là nền móng vững chắc nhất để thực hiện và phát triển nhân quyền ở Việt Nam. Trong quá trình khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc bảo đảm thực hiện và bảo vệ quyền con người. Vì vậy, Quốc hội nước ta đã thông qua và ban hành hàng chục bộ pháp luật là nhằm thực hiện tốt quyền con người ở Việt Nam. Vì lẽ đó, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 đã khẳng định: Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã dành rất nhiều điều khoản để khẳng định quyền con người và quyền công dân. Đây là cơ sở lý luận, thực tiễn để đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch về vấn đề nhân quyền ở nước ta hiện nay.
Với đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng đắn, sáng tạo, gần 27 năm qua, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt đất nước ta không ngừng “thay da đổi thịt”, tràn đầy sinh khí, sức sống mới; kinh tế – xã hội phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh được củng cố và tăng cường; đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ không ngừng được cải thiện; uy tín, vị thế của nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Đó là những minh chứng hùng hồn, đầy tính thuyết phục về sự chăm lo, bảo vệ và phát triển quyền con người. Nét đặc sắc và là điểm nổi bật về quyền con người ở Việt Nam là tất cả mọi công dân đều tích cực tham gia, thực sự làm chủ về quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa… Trong đó, quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, quyền tự quyết định vận mệnh của mình, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bầu cử và ứng cử … là những quyền cơ bản nhất của con người đã, đang được thực hiện thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch ở nước ta.
Có thể khẳng định rằng, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, sự tác động, biến đổi của thời cuộc, song nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn được quan tâm, chăm lo và được bảo đảm ngày càng tốt hơn, toàn diện và đầy đủ hơn các quyền cơ bản của con người. Hệ thống pháp luật và thiết chế ở nước ta được xây dựng, từng bước được bổ sung, hoàn thiện nhằm mục đích cao nhất là bảo đảm, bảo vệ, chăm lo cho quyền con người. Qua các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và Hiến pháp 1992, chỉnh sửa năm 2013 đều khẳng định rõ ràng: Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng (Điều 50). Trên cơ sở những điều hiến định trong Hiến pháp và pháp luật của nước ta, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân; đồng thời, yêu cầu, đòi hỏi người dân phải nghiêm chỉnh thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ chân chính của mình. Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước ta đã loại bỏ hàng trăm văn bản, hàng ngàn giấy phép lỗi thời, hạn chế các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; sửa đổi và ban hành gần 14.000 văn bản luật và dưới luật. Đồng thời, Nhà nước ta đã ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có 2 Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966, quy định về các quyền của con người, đó là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICESCR), Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICCPR).
Một trong những biểu hiện sinh động của việc phát huy quyền làm chủ của người dân là trong quá trình xây dựng, dự thảo các văn bản luật, dưới luật đều được Đảng, Nhà nước ta giới thiệu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo ý kiến của đông đảo nhân dân; chỉ tính riêng đợt sinh hoạt chính trị toàn dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2013, qua gần 9 tháng, chúng ta đã thu nhận được gần 27 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp, xây dựng. Đồng thời, với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chúng ta còn xây dựng và kiện toàn các thiết chế bảo đảm quyền con người, từ việc đề cao vai trò của Quốc hội đến việc đề cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể nhân dân: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, v.v.. Năm 1988, Nhà nước ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tích cực tham gia xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước. Việc làm này phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Mặt khác, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân cũng được Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo, quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sống tốt đời, đẹp đạo. Hiện nay, ở nước ta có hơn 20 triệu người dân là tín đồ các tôn giáo khác nhau như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo; hơn 80% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Việc quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Tính đến nay, ở nước ta có 4 Học viện Phật giáo và nhiều trường lớp Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp Phật học với hàng vạn tăng sinh. Tôn giáo có 7 chủng viện với trên 1.000 giáo sinh. Năm 2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và hơn 4.000 tăng ni, phật tử; trong đó có hơn 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn chủ động tham gia các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo… đồng hành cùng dân tộc, đồng tâm xây dựng đất nước, tích cực tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng…
Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin được bảo vệ và tạo điều kiện phát triển. Trong những năm đổi mới, hệ thống phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta phát triển nhanh chóng; đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với gần 1.000 nghìn ấn phẩm, hàng chục đài phát thanh truyền hình Trung ương và cấp tỉnh, phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam, 1 hãng thông tấn, 80 báo điện tử và hàng nghìn trang điện tử trên mạng internet, hàng chục nhà xuất bản, gần 15 nghìn nhà báo được cấp thẻ…
Rõ ràng, qua gần 27 năm đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã giành được những thành tựu quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ, phát triển các quyền con người. Vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng, Nhà nước ta luôn có nhiều chủ trương, chính sách hợp lòng dân nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, được Hiến pháp và luật pháp ghi nhận, được người dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Hàng loạt các bộ luật về kinh tế, xã hội và văn hóa đã được ban hành nhằm cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền tự do, quyền dân chủ với những chuẩn mực quốc gia, quốc tế. Nhờ đó, chúng ta đã tạo được hành lang pháp lý cần thiết để phát triển kinh tế đi đôi với phát triển hài hòa các mặt xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt Mục tiêu Thiên niên kỷ mà nước ta đã cam kết với Liên hợp quốc. Có thể khẳng định rằng, thành tựu nổi bật sau gần 27 năm đổi mới đất nước là tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nước ta liên tục đạt ở mức cao, (ngay cả khi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, tác động); các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, tạo ra nhiều việc làm và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Vì vậy, chúng ta đã làm tốt việc xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Kết quả thực hiện đường lối đổi mới đã tạo ra những điều kiện, tiền đề vững chắc để phát triển giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các dịch bệnh xã hội hiểm nghèo. Những thành công về phát triển kinh tế – xã hội của gần 27 năm đổi mới đã góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; tạo cơ sở vững chắc cho sự chăm lo, bảo vệ và phát triển các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội cho mọi người dân.
Cần nhấn mạnh rằng, trước sự tác động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội ở nước ta vẫn luôn quan tâm, chăm lo, dành những gì tốt nhất có thể làm để bảo vệ, bảo đảm các quyền của trẻ em, của phụ nữ, của đồng bào dân tộc thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các quyền đối với người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo… Điều đó thể hiện rõ quan điểm, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta. Chúng ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển đất nước. Tất cả những điều ấy đã được khẳng định và đang hiện hữu ngay trên đất nước Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam. Điều đó phải đặt trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo và điều kiện, hoàn cảnh kinh tế – xã hội của nước ta còn không ít khó khăn, song vượt lên trên tất cả, chúng ta vẫn làm tốt việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ, phát triển quyền con người.
Sự kiện Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016 vào sáng ngày 12/11/2013 (theo giờ New York), với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng. Đây là một thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm được và làm rất tốt trong những năm qua. Với đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng đắn, sáng tạo, cùng với những thành tựu, kinh nghiệm về quan tâm, chăm lo, bảo vệ, phát triển con người trong những năm qua, sự tin tưởng ủng hộ của cộng đồng thế giới, chúng ta tin tưởng rằng, nhất định sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ gặt hái thành công mới và nó sẽ là cơ sở vững chắc nhất để Việt Nam thực hiện thắng lợi quyền con người – nét đẹp văn hóa nhân văn của dân tộc Việt Nam anh hùng./.
PGS.TS. Nguyễn Bá Dương
Em cảm ơn anh đã post bài,
Những lời trong bài theo khuôn mẫu rất quen thuộc, có câu này em không hiểu:
“Nói cách khác, tính ưu việt của chế độ xã hội ta thể hiện rõ ở việc bảo đảm cho mọi công dân quyền tự do và quyền bình đẳng, quyền tồn tại và quyền phát triển. Đó là điều khác biệt căn bản nhất giữa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm nhân quyền của giai cấp tư sản.”
Em nghĩ nhân quyền là quyền con người, tại sao lại có sự khác biệt được?
Nhân việc nhắc tới nhân quyền, em quan tâm nhất chính là việc dùng nhục hình, bức cung trong điều tra xử án:
Ba năm, có tới 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ
Gần đây có thêm vụ học sinh bị công an đánh chết, sau đó hai người đánh em một người bị tù treo 9 tháng, người kia (võ sĩ quyền anh đã tát khiến em học sinh chết vì nứt sọ) thì bị 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau đó hai người bà con của em vì la lối thương cháu, mỗi người bị phạt tù 1năm 3 tháng:
Tuyên án tù giam 2 người thân của HS bị công an xã đánh chết
Và hiện tại đang có tranh luận về quyền im lặng:
Quyền im lặng có được đưa vào luật?
Em thấy rằng hai việc này khá liên quan tới nhau, nếu theo luật không được phép dùng bức cung, nhục hình theo “Thông tư số 28 của Bộ Công an nghiêm cấm điều tra viên bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.” thì việc có quyền im lặng đã được bao gồm trong đó rồi chứ ạ?
Em muốn nghe thêm ý kiến của anh về quyền im lặng này ạ,
em Hường
ThíchĐã thích bởi 2 người
Hi Hường,
Ở các quốc gia phương Tây, thì human rights là quyền của MỖI con người, cũng như của các tập thể con người. Ở Đông phương, đặc biệt là ở các quốc gia trọng tập thể mà không trọng cá nhân, thì chỉ có quyền của tập thể được tôn trọng, và quyền cá nhân, đặc biệt là khi được xem là cản trở quyền phát triển của tập thể, sẽ không được tôn trọng.
Thực ra, hệ thống luật pháp cần rõ ràng hơn để khi nào thì thấy quyền cá nhân thực sự có hại cho tập thể — bằng các tiêu chuẩn về hành động và bằng chứng rõ ràng, như ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, làm xáo trộn trật tự xã hội — chứ không chỉ là bất đồng ý kiến với nhà nước. Như vậy thì hệ thống luật pháp mới đủ vững mạnh để giúp phát triển quốc gia trọng pháp.
Còn chuyện cả hơn 200 người chết trong khi bị công an tạm giam mà nói là không có vấn đề gì với công an thì đó là chuyện rất đáng lo cho quyết tâm của chính phủ trong việc phát triển guồng máy công quyền và việc bảo vệ nhân quyền cho mỗi người dân.
ThíchĐã thích bởi 2 người
À, Hường, còn quyền im lặng. Đó là từ Hiến Pháp của Mỹ điều khoản “không ai bi buộc phải làm nhân chứng chống lại chính mình trong một vụ việc hình sự.” Vì thường là công an có đủ cách hỏi cung để người vô tội cũng quýnh lên nói sai cả sự thật, nhiều khi nhận tội khi mình vô tội.
Hiến pháp Mỹ ngăn chận những điều đó bằng cách cho người ta có quyền im lặng trong các vị hình sự.
Anh nghĩ đây là một điều khoản rất quan trọng để bảo vệ người dân khỏi các áp lực điều tra quá độ hoặc phi pháp của công an. Anh mới đọc bài về Bộ trưởng bộ công an đang thúc đẩy bộ luật công an, để giúp công an làm việc chuyên nghiệp hơn. Đó là một tin rất tốt. Để anh ìm lại bài đó, rồi đăng lên đây.
ThíchĐã thích bởi 2 người
Chào anh Hoành và chị Hường,
Cám ơn anh chị đã chia sẻ link và nêu ra vấn đề Nhân quyền tại đây. Em xin phép được nói một vài ý để được nghe thêm quan điểm từ anh chị về chủ đề quan trọng và nhạy cảm này.
1. Về ý chị Hường nhắc “tại sao có sự khác biệt?” khi đề cập đến quyền con người. Em nghĩ câu hỏi đụng chạm đến tranh luận chưa có hồi dứt giữa quan điểm: Nhân quyền có giá trị của universalism (tính toàn cầu) hay particularism (tính khu vực)?
( Trong link này có bàn đến cả yếu tố Tôn giáo bên cạnh Nhân quyền: http://religionfactor.net/2013/12/10/religion-and-human-rights-the-challenges-of-universalism-and-cultural-particularism/)
Người theo hướng universalism (các nước phương Tây đa phần theo nhóm này) cho rằng, nhân loại chia sẻ giá trị chung, con người được đặt trên hết. Như anh Hoành đã nói, mỗi cá nhân đều bình đẳng thừa hưởng quyền con người của mình. Và chính quyền trong nước và quốc tế có nghĩa vụ bảo đảm sự thừa hưởng đó. Họ phân biệt rõ hai nội dung trong nhân quyền: Quyền chính trị, dân sự (Civil and political rights) và Quyền văn hóa, xã hội, kinh tế (Economic, social and cultural rights; và họ cố gắng tổ chức xã hội theo hướng đảm bảo tôn trọng cả hai nội dung đó. Em nghĩ, Liên hợp quốc cũng đi theo lý thuyết này, rõ nhất trong chương trình R2P (Responsible to Protect)-dùng đội quân gìn giữ hòa bình để can thiệp vào các quốc gia mà chính quyền sở tại không có khả năng bảo vệ nhân dân, dân tộc họ.
Người theo hướng particularism (các nước châu Phi, châu Á ủng hộ ý kiến này) cho rằng, mỗi khu vực mang một lịch sử, văn hóa riêng, thiết chế xã hội và mối quan hệ xã hội giữa các thành phần khác nhau nên định nghĩa về quyền con người phải khác nhau. Họ cho rằng mọi lý thuyết về Nhân quyền là sản phẩm của các nước phương Tây, nhằm can thiệp vào câu chuyện nội bộ của nước khác. Một mặt khác, họ cũng tán thành quan điểm mỗi cá nhân đều có quyền và cần được bảo vệ. Ở đây lại nảy sinh hai vấn đề: 1. Vì particularism nên mỗi khu vực, quốc gia có định nghĩa về nhân quyền khác nhau. (Em nghĩ Việt Nam theo nhóm này, chỉ thừa nhận nội dung Quyền văn hóa, xã hội, kinh tế) 2. Vì particularism nên nếu xảy ra vi phạm nhân quyền, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền đứng trên hết. Các nước khác không được can thiệp vào chuyện nội bộ quốc gia, hoặc nội bộ khu vực. Người theo quan điểm này cho rằng, nghĩa vụ bảo vệ nhân quyền phải được đặt gần nhân dân, tức là chính quyền địa phương, chứ không nằm trên bàn họp của các nước phương Tây.
Chính vì vậy, hai bên đều giữ những nỗi sợ. Nhưng em nghĩ, các nước theo particularism lo sợ hơn, vì với họ, chính trị thế giới nằm trong tay các “ông lớn phương Tây”, sẽ có một ngày Nhân quyền trở thành công cụ để các nước phương Tây “thâu tóm” các nước yếu hơn mình.
2. Về những vi phạm nhân quyền gần đây ở Việt Nam, em nghĩ, đã có rất nhiều những vi phạm tương tự xảy ra từ trước, do thiếu thông tin mà công chúng chưa được biết. Dĩ nhiên, rất để đổ lỗi cho chính quyền hoặc hệ thống luật; nhưng theo quan điểm của em, trong trường hợp này, điều cần thay đổi trước hết và lâu dài là ý thức về quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân. Về chi tiết này, em nghĩ, cần có nhiều tranh luận, chia sẻ hơn nữa trong nhân dân để tự giáo dục và tư hình thành quan điểm về quyền và nghĩa vụ của một công dân. Sẽ đến lúc, hệ thống pháp luật thừa nhận sự phát triển này và phản ánh nó trong nội hàm các chỉnh sửa về luật. Theo em biết, châu Âu hiện đang có nhiều dự án hỗ trợ hoàn thiện hệ thống luật pháp cho Việt Nam. Tuy nhiên nếu nhân dân không thực sự quyết tâm tiến lên cùng với những giá trị phương Tây đó, sẽ rất khó để phản ảnh được vào hệ thống luật một cách “Việt Nam” nhất. Điều em lo sợ là mình chỉ copy phương Tây trên phương diện giấy tờ mà không thực thi được những giá trị cơ bản của con người trong hiện thực.
3. Về quan điểm cá nhân, ở thời điểm này, vì mục tiêu hòa bình và ổn định chính trị, em chấp nhận với định hướng của nhà nước Việt Nam, công nhận Nhân quyền theo góc độ Quyền văn hóa, xã hội, kinh tế. Tuy nhiên, không vì thế mà không thực hiện mục tiêu Công bằng – Minh bạch trong Lĩnh vực chính trị, dân sự.
Một mặt khác, em cũng phê phán về thực tế yếu kém của cấp trung ương trong việc củng cố ý thức về quyền và nghĩa vụ cho nhân dân. Thiếu chương trình giáo dục đầy đủ về pháp luật hoặc một số chương trình tuyên truyền chỉ nhấn mạnh về nghĩa vụ đối với xã hội, nhà nước; thiếu hẳn những tình huống cụ thể để giáo dục về quyền cá nhân trong mối tương quan với nghĩa vụ của nhà nước. Thậm chí có những tuyên truyền rất méo mó về nghĩa vụ, khiến người dân hiểu sai, dẫn đến làm sai, và hối lộ – tham nhũng để che đậy lỗi sai. Về thiếu sót này, em nghĩ, đây chính là vấn đề mà local NGOs cần tích cực làm việc hơn nữa, trong khi chờ nhà nước thực thi.
Nói đến đây, lại chạm đến vấn đề Quyền tự do lập hội, vì chưa có luật quy định hoạt động của NGOs tại Việt Nam. Em cũng “bí” lập luận ở điểm này vì nó thuộc vào danh mục các quyền về chính trị, dân sự. Nhờ anh Hoành và chị Hường chia sẻ thêm ạ!
Em Thùy Dung.
ThíchĐã thích bởi 5 người
Cám ơn Thùy Dung có comment rất hay. Anh đã post bài ở link em gửi.
A. Hoành
ThíchThích
Cảm ơn bài viết…và những cái com nhiệt tình góp ý…
ThíchThích
Cảm ơn comment của các anh chị em. Đặc biệt là comment của Dung. Dung phát huy viết bài cho CVD nhé 🙂
ThíchThích