Phát triển ngành Năng Lượng Việt Nam: Góc nhìn chiến lược

T.S Đào Thu Hằng

Tóm lược

Bài báo đóng góp những kiến nghị để cải tiến và đổi mới ngành năng lượng và giao thông của Việt Nam, hai lĩnh vực nhìn chung được coi quan trọng nhất đối với các chính sách về năng lượng và khí hậu.

Trong nhiều năm, Việt Nam vẫn đi sau thế giới về năng lượng tái tạo – đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, và hiệu quả năng lượng, và phần lớn dựa vào than và dầu. Việt Nam định ra cho ngành năng lượng một phần rất nhỏ trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contribution – NDC) để giảm thiểu phát thải carbon, mặc dù ngành năng lượng chiếm đến một nửa lượng khí thải của quốc gia, và điều này gần như loại trừ hoàn toàn ngành công nghiệp năng lượng khỏi NDC. Việt Nam cũng đã gần như chưa hề để tâm đúng mức tới giảm phát thải trong giao thông vận tải, một ngành vẫn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào xăng dầu. Ngoài ra, Việt Nam chưa tìm ra cách hiệu quả để tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường năng lượng, khiến cho giá năng lượng phù hợp hơn với thực tế thị trường và hiệu quả hơn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign direct investment – FDI) vào lĩnh vực năng lượng còn yếu. Việt Nam cần hỗ trợ về vốn từ các nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức cho vay để tạo ra một bước tiến lớn trong ngành năng lượng. Nằm trên lộ trình của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (Belt and Road Initiative – BRI), Việt Nam có thể hưởng lợi từ các dự án BRI, nếu các dự án đó phù hợp với những đánh giá và mong muốn của Việt Nam. Vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) từ các nước khác tài trợ cũng có thể giúp ích. Nhưng quan trọng nhất, môi trường pháp lý phải được cải thiện để tạo ra sự cạnh tranh và do đó, có được lợi nhuận hợp pháp trên thị trường.

Ở các phần tiếp theo của bài báo này, đầu tiên một số thông tin chung về ngành năng lượng Việt Nam sẽ được đề cập trong phần Tổng quan về Việt Nam. Sau đó, chúng ta sẽ bàn về việc thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) để giảm phát thải carbon, nguồn lực tài chính từ ODA và FDI đã đóng góp cho quá trình này như thế nào và bao nhiêu.

Tiếp theo, chúng ta thảo luận về hiện trạng của hệ thống năng lượng Việt Nam, các vấn đề và giải pháp bằng việc xem xét hiện trạng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than và khí tự nhiên) cũng như năng lượng tái tạo – tập trung vào sinh khối, thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời và hiệu quả năng lượng. Cuối mỗi cuộc thảo luận về một chủ đề cụ thể, các kiến nghị được đưa ra cho mỗi cải tiến.

Trong khi nói về phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta bàn về vấn đề độc quyền trong ngành năng lượng của Việt Nam và cũng đề cập đến một số bước sẵn có để tạo ra sự cạnh tranh trong ngành năng lượng, làm cho giá và chất lượng tương ứng có thể tương thích với thực tế của thị trường.

Sau đó, chúng ta xem xét tình trạng sử dụng năng lượng trong lĩnh vực giao thông và kiến nghị kèm theo.

Tóm tắt các kiến nghị

– Than: Giảm sử dụng than bằng việc dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới đồng thời cải tiến tất cả các nhà máy than hiện có với công nghệ Siêu tới hạn (Supercritical – SC), Siêu siêu tới hạn (Ultra-supercritical – USC) và chu trình hỗn hợp khí hóa than tích hợp (integrated coal gasification combined cycle – IGCC).

– Tua-bin khí: Nếu Việt Nam phải lựa chọn giữa than và khí tự nhiên thì nên chọn khí tự nhiên. Nếu có một nhu cầu cấp bách cần phải xây dựng nhà máy điện than, thì Việt Nam nên xây dựng nhà máy tuabin khí hoặc nhà máy năng lượng tái tạo.

– Sinh khối và chất thải: (1) Trong các nguồn sinh khối, chất thải rắn đô thị (MSW) nên là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của nhà nước. (2) Nên có một biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho tất cả điện MSW, không phân biệt công nghệ sử dụng. (3) Đơn giản hóa và đẩy nhanh các thủ tục hành chính để quá trình đầu tư nhanh hơn và suôn sẻ hơn. (4) Yêu cầu người dân phân loại rác trước khi thu gom.

– Điện gió: (1) Gia hạn thêm thời hạn FIT (hiện đến ngày 1 tháng 11 năm 2021) để nhiều nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ các biểu giá điện hỗ trợ mới theo Quyết định 39/2018 / QĐ-TTg. (2). Xem xét thông qua Kiến nghị của Ngân hàng Thế giới cho kịch bản tăng trưởng cao (10GW vào năm 2030 và 70GW vào năm 2050) cho điện gió Việt Nam: Tầm nhìn dài hạn và mục tiêu sản lượng rõ ràng; Xây dựng và thực hiện các khuôn khổ cho thuê, cho phép Hợp đồng mua bán điện (PPAs- Power Purchasing Agreements); Tăng cường hệ thống truyền tải và các cảng biển; Điều chỉnh kỳ vọng của ngành công nghiệp và Chính phủ.

– Thủy điện nhỏ: (1) Chính phủ nên rà soát và hoàn thiện sơ đồ pháp lý thành một hệ thống quản lý tập trung và gọn nhẹ hơn, đặt tất thủy điện nhỏ dưới sự quản lý của một bộ trung ương, ví dụ Bộ Công Thương. (2) Ủy ban nhân dân ở các địa phương là cơ quan đại diện của Bộ trung ương về thủy điện nhỏ. (3) Bộ này cần hỗ trợ và hướng dẫn mạnh mẽ cho Ủy ban nhân dân các địa phương. (4) Luật hình sự nên được sử dụng trong những trường hợp coi thường nghiêm trọng đến tính mạng và sự an toàn, đặc biệt là tham nhũng.

– Năng lượng mặt trời: Sự phát triển năng lượng mặt trời đang cho thấy con đường phát triển năng lượng của VN bị cản trở bởi hệ thống độc quyền. Do đó, kiến nghị của chúng tôi là xóa bỏ độc quyền, đẩy nhanh các nỗ lực tự do hóa thị trường và tạo ra các hệ thống mở và cạnh tranh cho ngành điện,.

– Vấn đề Độc quyền của ngành năng lượng và ngành điện: Có ba việc dễ làm và các bước lập tức tiếp theo mà chính phủ có thể thực hiện ngay bây giờ để mở cửa ngành năng lượng nhằm tăng cạnh tranh:

  1. Thay đổi Luật Điện Lực, xóa bỏ điều khoản độc quyền tại Điều 4 (2). Theo đó, cho phép các nhà đầu tư tư nhân sản xuất và truyền tải điện, cũng như kết nối mạng lưới truyền tải của họ với lưới điện quốc gia của công ty Truyền tải điện quốc gia Việt Nam – EVNNPT
  2. Tách quyền sở hữu của EVN (nhà xuất điện) và EVNNPT (nhà truyền tải) để tạo thành hai đơn vị hoàn toàn tách biệt. Sự tách biệt theo chiều dọc này sẽ cản trở bao cấp chéo giữa hai đơn vị này, cho phép thúc đẩy một số cạnh tranh trong sản xuất điện và truyền tải điện, đảm bảo giá điện sẽ phù hợp hơn với điều kiện thị trường thực.
  3. Tách EVN khỏi 10 công ty con khác để thành lập các công ty năng lượng độc lập, cho phép các công ty này mở rộng hoạt động kinh doanh trong cả sản xuất và truyền tải năng lượng (hoặc tài chính) và do đó, loại bỏ bao cấp chéo giữa các đơn vị này và EVN, đồng thời tăng dần cạnh tranh trên thị trường năng lượng quốc gia.

– Hiệu quả năng lượng: Chúng tôi kiến nghị nên thực hiện (1) chính sách ưu đãi thuế và (2) khấu hao kế toán trong thời gian ngắn để khuyến khích tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị, máy móc và cải tạo nhà máy mới hiệu quả hơn…

– Ngành giao thông vận tải:

* Việt Nam xem xét thông qua Kịch bản cơ bản nhất (mà Ngân hàng Thế giới gọi là  Kịch bản giảm thiểu 1) trong báo cáo Giải quyết Biến đổi khí hậu trong Vận tải – Tập 1: Con đường tới vận tải với lượng carbon thấp, bao gồm:

i. Hiệu quả năng lượng: Phương tiện với tiêu chuẩn khí thải và tiết kiệm nhiên liệu mới.

ii. Chuyển đổi phương thức vận tải hành khách từ đường bộ sang vận tải công cộng.

  1. Cải tiến xe buýt tại 5 thành phố.
  2. BRT (Xe buýt nhanh) tại 3 thành phố.
  3. Metro: 3 tuyến tại 2 thành phố (Hà Nội & TP HCM).

iii. Chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy nội địa (IWW) và vận tải ven biển.

iv. Thay đổi nhiên liệu

  1. Thúc đẩy nhiên liệu sinh học (E5 / E10): E5 chiếm 40% tổng lượng xăng bán ra. (Có một hạn chế về nguồn cung đối với etanol 145.000 mét khối / năm và nhu cầu vận tải không vượt quá con số này).
  2. Thúc đẩy xe máy điện: Xe máy điện có thể chiếm 7% doanh số bán xe máy hàng năm.
  3. Giới thiệu xe buýt CNG (khí nén tự nhiên): 623 xe buýt CNG: 423 tại TP.HCM; 200 tại Hà Nội.

* Quốc hội sửa đổi Luật số 106/2016 / QH13 để giảm thuế GTGT ở mức tối đa (5% hoặc ít hơn) đối với tất cả xe máy điện, ô tô điện và các phương tiện giao thông công cộng ít phát thải.

* Chính phủ khuyến khích người sử dụng lao động cung cấp cho nhân viên các trạm sạc miễn phí xe máy điện, bằng cách cấp cho người sử dụng lao động các khoản ưu đãi thuế về hiệu quả năng lượng và kế hoạch khấu hao ngắn cho khoản đầu tư vào các trạm sạc.

* Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển vận tải đường thủy nội địa, vận tải biển và ven biển

I. Tổng quan về Việt Nam [1]

Những cải cách kinh tế và chính trị của Việt Nam dưới thời kỳ Đổi mới, thực hiện vào năm 1986, đã đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, chuyển biến một trong những nước nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến năm 2018, GDP bình quân đầu người tăng 2.7 lần, đạt hơn 2700 đô la Mỹ vào năm 2019 và hơn 45 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo. Tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh từ hơn 70% xuống dưới 6% (3,2 đô la Mỹ / ngày tính theo sức mua). Phần lớn – 86% – người nghèo còn lại của Việt Nam là người dân tộc thiểu số.

Hệ thống chính trị của Việt Nam là một đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ( ĐCSVN ) nắm quyền, tiếng nói và quan điểm của ĐCS có sức ảnh hưởng đáng kể trong việc điều hành đất nước, mặc dù theo luật ĐCSVN tách biệt với chính phủ. Hiện tại, Ông Nguyễn Phú Trọng giữ cả hai chức vụ Tổng Bí thư ĐCSVN và Chủ tịch nước. Nền kinh tế được nhà nước VN gọi với tên là  nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa .

Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện sức mạnh và khả năng phục hồi nền tảng, hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước rất mạnh và sản xuất hướng tới xuất khẩu. Dữ liệu sơ bộ cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội ( GDP ) thực tế đã tăng khoảng 7% trong năm 2019. Cùng việc hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam có bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ảnh hưởng về sức khỏe của đại dịch không quá nghiêm trọng ở Việt Nam so với các nước khác do các biện pháp chủ động ở cấp quốc gia và địa phương. Trong khi khuôn khổ kinh tế vĩ mô và tài khóa vẫn có khả năng phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP được báo cáo là 3,8% trong quý đầu tiên của năm 2020, tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra là khó dự đoán (thời điểm tháng 5.2020), do sự không chắc chắn xung quanh mức độ và thời gian của đại dịch. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ giảm xuống 3-4% vào năm 2020 so với 6,5% dự báo trước khủng hoảng. Các yêu cầu về tài chính công sẽ tăng là một hệ quả của thu nhập thấp hơn và chi tiêu cao hơn bởi gói kích thích cần thiết để bù đắp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Việt Nam đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học và xã hội. Dân số của Việt Nam đạt 97 triệu vào năm 2018 (tăng từ khoảng 60 triệu vào năm 1986) và dự kiến ​​sẽ tăng lên 120 triệu vào năm 2050. Ngày nay, 70% dân số dưới 35 tuổi, với tuổi thọ 76 tuổi, cao nhất so với các nước trong khu vực ở cùng mức thu nhập. Nhưng dân số đang già đi nhanh chóng. Và tầng lớp trung lưu mới nổi của Việt Nam, hiện chiếm 13% dân số, dự kiến ​​sẽ đạt 26% vào năm 2026.

Việt Nam đứng thứ 48 trong số 157 quốc gia về chỉ số vốn con người (human capital index – HCI), đứng thứ hai trong ASEAN sau Singapore. Một đứa trẻ Việt Nam sinh ra ngày nay sẽ có năng suất lao động 67% khi lớn lên nếu có được giáo dục và sức khỏe đầy đủ. HCI của Việt Nam là cao nhất trong số các nước có thu nhập trung bình, nhưng có một số chênh lệch trong nước, đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số. Cũng cần phải nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để tạo ra các công việc năng suất ở quy mô lớn trong tương lai.

Việt Nam thực hiện tốt giáo dục phổ thông. Việt Nam đã nhận được điểm số cao đáng kể trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) vào năm 2012 và 2015, nơi thành tích của học sinh Việt Nam vượt trội so với nhiều nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – Organization for Economic Cooperation and Development)

Tình hình sức khỏe đã được cải thiện song song với mức sống ngày càng tăng. Từ năm 1993 đến năm 2017, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong dưới 1 tuổi giảm từ 32,6 xuống 16,7 (trên 1.000 trẻ được sinh ra). Từ năm 1990 đến năm 2016, tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 lên 76,3 tuổi, và là mức cao nhất trong khu vực đối với các quốc gia có cùng mức thu nhập. Chỉ số bao phủ về chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam ở mức 73 – cao hơn mức trung bình của khu vực và toàn cầu – với 87% dân số được chăm sóc sức khoẻ ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao và ngày càng gia tăng (năm 2018 là 115) cho thấy tình trạng phân biệt giới tính cơ bản vẫn còn. Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất và nhóm tuổi 65+ dự kiến ​​sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2050.

Trong 30 năm qua, cung cấp dịch vụ cơ bản được cải thiện đáng kể. Khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng của các hộ gia đình tăng rõ rệt. Tính đến năm 2016, 99% dân số sử dụng điện làm nguồn chiếu sáng chính, tăng từ 14% vào năm 1993. Khả năng tiếp cận nước sạch ở các vùng nông thôn được cải thiện, tăng từ 17% năm 1993 lên 70% năm 2016, trong khi con số đó ở khu vực thành thị là trên 95%.

Tốc độ tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh chóng của Việt Nam đã có những tác động bất lợi đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tiêu thụ điện đã tăng gấp ba lần trong một thập kỷ qua, tăng nhanh hơn sản lượng điện tạo ra. Do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, chính ngành năng lượng chiếm gần 2/3 lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia. Nhu cầu sử dụng nước tiếp tục tăng, trong khi năng suất sử dụng nước thấp, khoảng 12% so với tiêu chuẩn toàn cầu. Khai thác không bền vững tài nguyên thiên nhiên như cát, thủy sản và gỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng dài hạn. Kết hợp các vấn đề, thực tế là phần lớn dân số và nền kinh tế của Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi các tác động của khí hậu.

Đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và tăng dân số mạnh đang gây ra những thách thức về quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng nhanh. Lượng rác thải ở Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí.[2] Ô nhiễm nước gây ra chi phí lớn về năng suất trong các lĩnh vực then chốt và sức khỏe con người.

Chính phủ đang nỗ lực làm giảm tác động tới môi trường gây ra bởi tăng trưởng, đồng thời giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả vì Việt Nam được xếp hạng trong số năm quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, đây là nơi sinh sống của 20 triệu người với 85% đất nông nghiệp và là  vựa lúa  của 96 triệu người Việt Nam, đang bị hẹp lại và có nguy cơ biến mất cao do tác động đan xen của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, các tổn hại về môi trường do các đập thủy điện ở thượng nguồn gây ra.[3] Tất cả các rủi ro khí hậu làm tăng thêm mâu thuẫn tồn tại trong hiện trạng nền kinh tế tiêu thụ quá nhiều carbon của Việt Nam. Tính theo lượng phát thải trên GDP, Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nền kinh tế tiêu thụ nhiều carbon nhất thế giới.[4]. Khi nền kinh tế phát triển, phát thải từ các ngành liên quan đến năng lượng được dự báo sẽ tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2010-2050.[5]

Các chiến lược và kế hoạch chính để kích thích tăng trưởng xanh, sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên đã được đưa ra. Chính phủ cũng đang thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thiên tai bằng cách hiện thực hoá NDC Đóng góp Quốc gia tự quyết định cho hiệp định Paris.

II. Thực hiện Đóng góp Quốc gia tự quyết định

Việt Nam đã ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào năm 1992 và phê chuẩn vào năm 1994; ký Nghị định thư Kyoto (KP) vào năm 1998 và phê chuẩn vào năm 2002; thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện UNFCCC và KP; đệ trình lên Ban Thư ký truyền thông quốc gia đầu tiên của UNFCCC, năm 2003, Thông tin liên lạc quốc gia lần thứ hai, năm 2010, và Báo cáo cập nhật hai năm lần đầu, năm 2014.[6] Báo cáo cập nhật mới nhất của Việt Nam hoàn thành vào tháng 7 năm 2020

NDC của Việt Nam xác định lộ trình giảm thiểu khí nhà kính ( GHG ) trong giai đoạn 2021-2030. Với các nguồn trong nước, phát thải GHG sẽ giảm 8% vào năm 2030 so với kịch bản cơ bản ( Business as Usual – BAU ) – đây được gọi là  mục tiêu không điều kiện . Mức đóng góp nêu trên có thể tăng lên 25% với sự hỗ trợ của quốc tế – đây được gọi là  mục tiêu có điều kiện.[7] 

II.1 Từ chiến lược đến thực hiện

Cơ cấu tổ chức thực thi NDC về năng lượng và khí hậu

Cơ quan chính chịu trách nhiệm về các hoạt động biến đổi khí hậu là Ủy ban Quốc gia về Biến đổi Khí hậu ( National Committee on Climate Change – NCCC ), được thành lập vào năm 2011 như một thành tố của Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu ( National Climate Change Strategy – NCCS ), cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường ( MONRE  ) là thư ký. Chiến lược được hỗ trợ bởi một Hội đồng Tư vấn. Bộ TNMT cũng chịu trách nhiệm xây dựng các Hành động Giảm nhẹ Phù hợp Quốc gia ( Nationally Appropriate Mitigation Actions -NAMAs ) và vì mục đích này đã thành lập Nhóm công tác liên bộ về NAMA. Tuy nhiên, tất cả các Bộ đều thực hiện các hoạt động khá riêng lẻ và thiếu thông tin, liên lạc và phối hợp.[8]  

Bộ Công Thương ( MOIT ) phụ trách ngành năng lượng. Trên thực tế, năng lượng đóng vai trò trung tâm trong hồ sơ phát thải của quốc gia, việc ngành năng lượng thiếu sự đóng góp như mong đợi để đạt được NDC và loại trừ ngành công nghiệp năng lượng là những dấu hiệu cho thấy rất cần thiết có thêm sự tham gia mạnh mẽ hơn về mặt thể chế của MOIT trong các hoạt động biến đổi khí hậu – các hoạt động để đạt được nền kinh tế carbon thấp thực sự.[9]

Văn phòng Tiết kiệm và Tiết kiệm Năng lượng trong MOIT được thành lập năm 2006 để hỗ trợ thực hiện Chương trình hiệu quả Năng lượng Quốc gia Việt Nam.[10]

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chủ trì lồng ghép biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, chiến lược và chương trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và cấp tỉnh. Bộ MPI cũng điều phối và phân bổ vốn cho các đề xuất về năng lượng do các bộ và cơ quan chủ quản đệ trình.[11]

Các bộ chủ quản chịu trách nhiệm xây dựng, thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động trong các lĩnh vực phụ trách của mình như được nêu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCS), bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) – cơ quan chịu trách nhiệm nông nghiệp và lâm nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải (MOT) và Bộ Xây dựng (MOC). Bộ Tài chính (MOF) quản lý giải ngân và chi thường xuyên của toàn bộ nền kinh tế Nhà nước.[12]

Hệ thống chính trị của Việt Nam chỉ có một Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam ( ĐCSVN ), và hầu hết các quan chức cấp cao là đảng viên ĐCSVN. ĐCSVN, đặc biệt là cơ quan quyền lực tối cao của ĐCSVN – Bộ Chính trị – mặc dù chính thức không phải là một bộ phận của chính phủ, nhưng có rất nhiều quyền ảnh hưởng mỗi khi ban hành nghị quyết về bất kỳ vấn đề nào của đất nước, chẳng hạn như vấn đề năng lượng. Nhiều thành viên cơ quan chính phủ trung thành thực hiện chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam (VCP).

Hồ sơ phát thải

Theo NDC của Việt Nam, năm 2010, tổng lượng khí thải quốc gia lên tới 246,8 triệu tấn CO2eq. Đến năm 2020, ước tính tăng lên 474,1 triệu tấn CO2eq và đạt 787,4 triệu tấn CO2eq vào năm 2030 theo kịch bản BAU.[13]

Tổng lượng phát thải được báo cáo trong đợt kiểm kê cuối cùng là 246,8 triệu tấn CO2e vào năm 2010 và 266 triệu tấn CO2e loại trừ từ phát thải từ sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp (land use, land-use change, and forestry -LULUCF ). Lượng khí thải sau được ước tính sẽ tiếp tục tăng lên 301 triệu tấn CO2e vào năm 2014, chiếm 0,6% lượng khí thải toàn cầu.[14]

Nguồn phát thải lớn nhất, đã loại trừ LULUCF là ngành năng lượng, chiếm khoảng một nửa lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Tiếp theo là ngành nông nghiệp, vẫn chiếm gần một phần ba lượng phát thải, nhưng đã có mức tăng trưởng tuyệt đối khiêm tốn và mức độ quan trọng tương đối giảm mạnh, từ 64% năm 1994 xuống còn 34% năm 2010. Mặc dù tỷ trọng của ngành này và các lĩnh vực chất thải đã tăng gấp đôi kể từ năm 1994, các ngành vẫn đóng góp một phần nhỏ vào tổng lượng phát thải, với 8% cho ngành công nghiệp và 6% cho chất thải.[15]

Đến năm 2030, ngành năng lượng dự kiến ​​chiếm 80% tổng lượng phát thải (loại trừ LULUCF). Tuy nhiên, trong NDC, ngành dự kiến ​​chỉ đóng góp 4,4% tổng mức giảm đối với mục tiêu không điều kiện và 9,8% đối với mục tiêu có điều kiện [16]. Ngành Thương mại và công nghiệp (Commercial and industrial – C&I) là những ngành tiêu thụ năng lượng lớn nhất, chiếm 60% tiêu dùng quốc gia. Ngoài ra, các ngành C&I được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất (7,4%) hàng năm so với tất cả các lĩnh vực khác ở Việt Nam.

Kể từ khi Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam được ban hành năm 2011 và NDC được đệ trình vào năm 2015, các nỗ lực ứng phó từ sự kết hợp của chính phủ, xã hội dân sự và doanh nghiệp đã đóng góp tích cực cho cam kết NDC Việt Nam. Tuy nhiên, các giải pháp chủ động nhất để giảm phát thải khí nhà kính (GHG) đến từ khu vực tư nhân với các chiến lược và hành động dựa trên nguyên tắc của thị trường. Các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là những tác nhân chủ động nhất trong việc thực hiện các giải pháp khí hậu thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả, mua bán năng lượng tái tạo và cam kết công khai trong Sáng kiến 100% Năng lượng tái tạo (100% Renewable Energy – ​​RE100 và Mục tiêu dựa trên Khoa học (Science-based Targets – SBTs).[17]

Đồng thời, vận hành thị trường ở Việt Nam đang chứng minh rằng nhu cầu của khu vực tư nhân cho năng lượng tái tạo có tiềm năng thúc đẩy mở rộng quy mô đáng kể về việc triển khai năng lượng sạch ở các thị trường mới nổi. Điều này đã được chứng minh bằng sự bùng nổ năng lượng mặt trời ở Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 với công suất lắp đặt tăng gấp 35 lần trong 16 tháng chỉ tính riêng mặt trời trên mái nhà. Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời được dự đoán sẽ tăng đột biến với chương trình thí điểm Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (Direct Power Purchase Agreements – DPPA ) cho những người mua năng lượng lớn vào năm 2020 [18]., thành công thí điểm DPPA và xa hơn nữa  có thế đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch và đóng góp vào tăng trưởng carbon thấp bền vững.[19]

Một tiến bộ khác liên quan đến NDC ở Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam (MONRE) phối hợp với ADB [20]. thực hiện về việc áp dụng hệ thống Giám sát, Báo cáo và Xác minh (MRV) cho Quỹ Công nghệ Sạch (for Clean Technology Fund – CTF ). Các dự án do CTF tài trợ sử dụng 5 chỉ số: loại phát thải CO2 (tính bằng tấn CO2), tăng tài trợ tài chính cho carbon thấp (số lượng vốn), tăng cung cấp năng lượng tái tạo (tính bằng công suất lắp đặt MW), tăng khả năng tiếp cận giao thông công cộng (tính bằng số lượng hành khách), tăng hiệu quả sử dụng năng lượng (số điện tiết kiệm tính bằng GWh). Quỹ này nhắm mục tiêu vào các khoản đầu tư carbon thấp trong lĩnh vực năng lượng và vận tải, đồng thời huy động thêm hỗ trợ tài chính và đóng góp cho các NDC. Hệ thống chỉ số MRV được kiến nghị đưa vào Luật Môi trường Việt Nam sửa đổi 2020 và đó có thể là cơ sở kỹ thuật tốt và dựa trên bằng chứng để định lượng mục tiêu phát thải theo ngành cho cam kết của NDCs Việt Nam.[21]

Lấy giảm phát thải từ lưới điện làm ví dụ, hệ số phát thải (emission factors – EF ) của lưới điện là lượng CO2 phát thải trên MWh. EF càng cao có nghĩa là lưới điện phụ thuộc càng lớn hơn vào nhiên liệu hóa thạch và hiệu suất của đường dây truyền tải thấp. Điều này cũng có nghĩa chỉ số EF càng cao thì không tốt đối với khí hậu do phát thải CO2 cao hơn. Chỉ số EF của lưới điện VN [22]. đã tăng từ 0,8649 tCO2 / MWh năm 2015-2017.[23] lên 0,9130 tCO2 / MWh năm 2018.[24] Nguyên nhân chính là do sử dụng nhiều nhiệt điện than trong các hệ thống phát điện mà hiệu suất truyền tải không được cải thiện nhiều.

Hơn nữa, chỉ số EF của lưới điện Việt Nam cũng đã cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á.  Ví dụ EF của lưới điện của Indonesia là 0,7751 tCO2 / MWh, Ấn Độ là 0,7429 tCO2 / MWh. Lưới của các nước phát triển hơn có chỉ số EF thấp hơn, ví dụ Nhật Bản là 0,4961 và Hàn Quốc là 0,5170 [25]. Với dự báo về nhu cầu điện tăng cao, nếu Việt Nam không nỗ lực để làm xanh lưới điện quốc gia, NDC khó có thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, vấn đề trong hệ thống năng lượng của Việt Nam còn nằm ở việc phân bổ nguồn phát điện không đồng đều. Hoạt động thương mại và công nghiệp của đất nước tập trung ở miền Nam – 60% khu công nghiệp nằm ở miền Nam và vùng kinh tế sông Mekong [26] – nơi các công ty và chính phủ ngày càng lo ngại về tình trạng thiếu điện, trong khi việc phát điện chủ yếu ở miền Bắc.[27] Nếu chúng ta tăng cường nhiều hệ thống điện phi tập trung hơn với năng lượng tái tạo, chỉ số EF của lưới điện cuối cùng sẽ giảm không chỉ nhờ lượng năng lượng tái tạo bổ sung vào lưới điện mà còn đạt hiệu suất cao hơn nhờ giảm tổn thất trên các đường dây tải điện dài.[28]

Không thể phủ nhận việc Việt Nam đã và đang xây dựng các chiến lược toàn diện để tăng trưởng bền vững với con đường kinh tế carbon thấp và đất nước đã đạt được những tiến bộ đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc triển khai các chiến lược trên thực tế phải đối mặt với những thách thức.

II.2 Đầu tư từ ODA và FDI vào cơ sở hạ tầng carbon thấp

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó ngân sách hàng năm chiếm 9-10% GDP quốc gia. Mặc dù được ưu tiên cao nhưng đầu tư chủ yếu cho năng lượng và giao thông đến từ các nguồn vốn ODA. Thập kỷ trước, 91% tổng vốn ODA dành cho Việt Nam là dành cho lĩnh vực năng lượng và giao thông.[29]

Tính đến năm 2010, Việt Nam có 51 nhà tài trợ ODA, trong đó 28 nhà tài trợ song phương trực tiếp đóng góp 62% vốn ODA giai đoạn 2000 – 2017.[30] Các nhà tài trợ ODA song phương hàng đầu bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Mỹ, Đức, Pháp. Ngân hàng Thế giới – IDA (International Development Association – Hiệp hội Phát triển Quốc tế ) và ADB là các nhà tài trợ đa phương ODA lớn nhất cho Việt Nam cho đến năm 2017. Vốn ODA từ Trung Quốc đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, tăng từ mức trung bình 2 triệu USD / năm vào năm 2010 lên 500 USD / năm vào năm 2015, và ODA của nước này chủ yếu là vốn vay lãi suất thấp để phát triển cơ sở hạ tầng [31], và ODA của Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng carbon thấp không tồn tại trước năm 2010.

Từ năm 2016, Việt Nam đã đưa ra các chính sách ưu tiên đặc biệt cho các khoản chi có nguồn vốn ODA vào mục tiêu tăng trưởng xanh của đất nước, cho các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu [32]. Tuy nhiên, thực tế, chi ODA chủ yếu dành cho nghiên cứu liên quan đến khí hậu và phần lớn là không đáng kể cho phát triển năng lượng sạch và giao thông carbon thấp.

Lĩnh vực giao thông vận tải đã nhận được 62% tổng vốn ODA của cả nước trong giai đoạn 2010-2017, tương đương với 9,76 tỷ USD đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Đầu tư chủ yếu – 61,89% ODA- dành cho giao thông đường bộ, tiếp theo là đường sắt – 14%, vận tải thủy – 11% và hàng không – 6% [33].

Ngành năng lượng nhận được 29% tổng vốn ODA quốc gia, là 4,76 tỷ USD từ 2010 – 2017. Phần lớn nhất – 34,31% tương đương 1,6 tỷ USD – là đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than [34], thứ hai – 30,58% – là cải tạo và mở rộng lưới điện truyền tải và phân phối, 15,37% đầu tư sản xuất điện từ các nguồn tài nguyên không tái tạo như thủy điện lớn, dầu khí. Vốn ODA dành cho sản xuất năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối, nhiên liệu sinh học vẫn ở mức thấp.[35] Trong ngành điện, Chính phủ Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong chính sách bảo hộ đối với ngành điện nhằm khuyến khích ngành điện không phải cần đến bảo lãnh của Chính phủ để xin vốn ODA mà cần phải tự huy động các nguồn tài chính đa dạng bao gồm FDI và vốn tư nhân trong nước.[36]

FDI đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ qua. Đóng góp của FDI cho kinh tế Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 15% trong những năm 1986-1996 lên 28% trong giai đoạn 2010-2017, tương đương 14% tổng ngân sách nhà nước. Đặc biệt trong năm 2017, FDI đóng góp tới 40,6% tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam .[37] Mặc dù có sự tăng trưởng FDI đáng kể nhờ đất nước cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, nhưng FDI cho ngành giao thông vận tải carbon thấp và năng lượng sạch hầu như không đáng kể.[38]

Trong lĩnh vực giao thông, nguồn vốn FDI chủ yếu được đầu tư để đặc thù để phát triển các cảng biển kết nối với các khu công nghiệp và khu kinh tế, và đã nhận được khoản đầu tư 7,88 tỷ USD trong 10 năm qua. Các dự án cảng biển nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ địa lý Việt Nam có đường bờ biển dài và nằm trong một trong những khu thương mại biển sầm uất nhất thế giới. Vốn FDI đầu tư trên mỗi dự án cho các khu công nghiệp và khu kinh tế tăng 17% trong giai đoạn 2013 – 2017.[39] Đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không nhận được sự quan tâm từ các nguồn vốn FDI nhưng thị trường vẫn còn khiêm tốn. Vốn FDI từ các đối tác kinh doanh Trung Quốc đã tăng hơn 5 lần từ 2,5 tỷ USD vào cuối năm 2016 lên 13,4 tỷ vào cuối năm 2018.[40]

Từ năm 2017, Việt Nam đã có sự thay đổi chưa từng có trong chiến lược thu hút FDI từ tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến chế tạo với 58% vốn FDI của quốc gia hiện tại sang một nền kinh tế định hướng phát triển dịch vụ với ưu tiên chuyển sang các công nghệ tiên tiến và bảo vệ môi trường bao gồm cả năng lượng sạch. Dự thảo Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới 2018 – 2030 được ban hành vào tháng 3/2018 đã chỉ ra cụ thể việc kêu gọi FDI cho năng lượng sạch và công nghệ môi trường.[41] Chiến lược FDI này cũng được Bộ Chính trị ủng hộ bởi Nghị quyết 50-NQ / TW ban hành vào tháng 8 năm 2019.[42] đã tạo động lực mạnh mẽ để mời gọi FDI vào các lĩnh vực công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng.

Chiến lược FDI mới được ban hành đã đưa ra một tín hiệu tích cực cho thị trường năng lượng sạch, dẫn đến nhu cầu FDI cho phát triển năng lượng tái tạo tăng lên với mức đầu tư hàng năm là 10 tỷ USD. Theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam,[43] đến năm 2030, trong kịch bản tích cực nhất, nhu cầu cho ngành giao thông vận tải carbon thấp để giảm 20% lượng phát thải carbon so với năm 2014 sẽ cần đầu tư 54 tỷ USD. Kịch bản này thực sự sẽ đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ từ quốc tế và tham gia sâu rộng của khu vực tư nhân, bao gồm việc sử dụng xe máy điện (lên đến 30%), ô tô điện và xe buýt điện (lên đến 10% đội xe đang sử dụng), chuyển từ đường bộ sang đường sắt , việc triển khai các hệ thống tàu điện ngầm, dự kiến ​​sẽ cải thiện tới 65% với việc củng cố hàng hóa và cải thiện hiệu quả ngành vận tải.[44]

Hiện nay, nguồn vốn ODA và FDI đầu tư vào cơ sở hạ tầng carbon thấp, đặc biệt cho lĩnh vực năng lượng sạch và giao thông, vẫn còn yếu. Tuy nhiên, các nỗ lực về phát triển nghiên cứu để triển khai các dự án carbon thấp thực tế đã được thực hiện với một số nghiên cứu và công tác hợp tác quốc tế đã bắt đầu hỗ trợ tăng trưởng carbon thấp của Việt Nam, đặc biệt là trong giao thông đô thị.

Với thỏa thuận đạt được giữa Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Chính phủ Tây Ban Nha và Chính phủ Việt Nam, JICA cung cấp khoản vay ODA cho Việt Nam và các nhà thầu Nhật Bản trong xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh,[45] với tổng chi phí 1,3 tỷ USD.[46] Việc xây dựng được bắt đầu từ năm 2012, và cuối năm 2018 là ngày khai trương dự kiến, và sẽ có khả năng phục vụ 620.000 hành khách mỗi ngày khi khai trương. Tuy nhiên, tuyến metro đầu tiên đã bị trì hoãn hai năm và dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021 với chi phí đội lên 2,1 tỷ USD.

Trong khi đó, JICA cũng hỗ trợ Việt Nam trong quy hoạch các tuyến tàu điện ngầm khác tại thủ đô Hà Nội.[47] Với nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc và các nhà thầu Trung Quốc, tuyến metro số 1 Hà Nội (Hà Đông – Cát Linh)[48] có kinh phí đầu tư ban đầu là 869 triệu USD. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2011 và dự kiến ​​hoạt động vào năm 2018, tuy nhiên ngày hoạt động lại bị trì hoãn mà không có ngày khai trương chính thức. Sự chậm trễ này một phần cũng do COVID-19. Việc trì hoãn liên tục đã khiến chi phí của tuyến metro này đội lên gần 400 triệu USD.[49]

III. Hiện trạng ngành Năng Lượng Việt Nam, vấn đề và các giải pháp đề xuất

Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong vài thập kỷ gần đây. Dân số tăng từ 60,896,721 người năm 1985 lên tới 95,540,395 người năm 2018, đạt mức tăng 57%.[50] Cũng trong khoảng thời gian này, GDP tăng 16 lần, từ 14,095 tỷ USD vào năm 1985 lên 245,214 tỷ USD năm 2018.[51] Mức tăng GDP trung bình là 7% trong khoảng 2001-2010, hạ xuống khoảng 5.82% trong những năm 2011-2015 rồi dần phục hồi ở mức 6.8% vào năm 2016 [52] và 7.1% năm 2018.[53]

Nhờ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, đồng thời là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ tư trong khu vực.[54] Cùng với sự phát triển kinh tế là việc tăng tiêu thụ và tăng sản xuất năng lượng. Theo dự báo trong Quy Hoạch Phát Triển Ngành Điện Quốc Gia 7 sửa đổi (Quy hoạch Điện VII Sửa đổi), nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng ở mức trung bình hàng năm 8.7% trong 15 năm kể từ 2016 đến 2030. Công suất sản xuất điện trong nước sẽ tăng từ 38,358 MW năm 2015 lên 60,000 MW năm 2020, và lên tới 129,500 MW năm 2030, với năng suất tăng từ 164 tỷ kWh năm 2015 lên 265-278 tỷ kWh năm 2020 và ở mức 572-632 tỷ kWh năm 2030.[55]

Mức tăng nhu cầu năng lượng rất lớn này cùng với những quan ngại về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu đã dẫn đến một sự thay đổi trong quan điểm của chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam ngày càng tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

An ninh năng lượng luôn là một mối quan tâm tối quan trọng của Việt Nam. Cụ thể, trong Nghị Quyết số 55-NQ/TW ban hành ngày 11 tháng 2 năm 2020, Bộ Chính Trị đã đề cập đến  an ninh năng lượng  đầu tiên trong danh sách các  quan điểm chỉ đạo  trong Chiến Lược Phát Triển Ngành Điện Quốc Gia, theo đó,  Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề đầu tiên để phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là trọng tâm của toàn bộ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. [56]

An ninh năng lượng xếp hạng năm trong hệ thống an ninh bảy cấp của Việt Nam, bao gồm an ninh quốc phòng, an ninh chính trị xã hội, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nước và sinh thái, an ninh môi trường.[57] Tuy nhiên, thói quen gắn an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng với nhau trong các bài phát biểu và văn kiện như Nghị Quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính Trị ở trên, cho thấy khả năng an ninh năng lượng nằm ở vị trí số hai chỉ sau an ninh quốc phòng quốc gia.

An ninh năng lượng mang ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người. Tuy nhiên, chắc hẳn tất cả người dân Việt Nam đều đồng ý ở một điểm, đó là: An ninh năng lượng, ngoài các ý nghĩa khác, mang ý là có đủ năng lượng trong cả thời bình lẫn thời chiến. Do đó độc lập về (nguồn cung) năng lượng, hay khả năng tự lực về năng lượng, là mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam.[58]

Thực tế là gần đây Việt Nam đã nhận ra rằng, đất nước đang tụt hậu trong lĩnh vực năng lượng và lĩnh vực này có một loạt vấn đề cần được giải quyết, như Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính Trị đã nêu ra:

Những hạn chế và yếu kém [trong lĩnh vực năng lượng] do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

  • Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức…
  • Quy định pháp luật cho ngành năng lượng… vẫn còn đối mặt với nhiều hạn chế, thiếu thống nhất, chưa đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế.
  • Một số cơ chế chính sách chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa thúc đẩy việc xây dựng một thị trường năng lượng cạnh tranh.
  • Các chính sách về hỗ trợ đầu tư và quản lý tài nguyên vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ.
  • Các chính sách về khoa học và công nghệ đối với ngành năng lượng còn chậm đổi mới… [62]

Trong khi Việt Nam đang tìm cách đổi mới và cải thiện lĩnh vực năng lượng, sự hỗ trợ của Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc (Belt and Road Initiative – BRI) nằm trong sự cân nhắc của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, do Việt Nam nằm trên Vành Đai và Con Đường và bởi Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập đầu tiên của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo [63] – và là nhà đầu tư chính của BRI. Tuy nhiên, nói chung, công chúng Việt Nam nhìn các dự án công cộng lớn với nguồn đầu tư từ Trung Quốc một cách nghi ngờ và lo ngại, bởi thông tin về việc hầu hết các thỏa thuận của Trung Quốc trong mảng năng lượng và giao thông thường gắn với các ngành phát thải các-bon lớn [64], cùng với xung đột địa chính trị liên tục trên khu vực biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng thiện chí của Trung Quốc trong việc thành lập BRI, mặc dù vẫn còn các vấn đề ban đầu. Trong tuyên bố chính thức đầu tiên về BRI năm 2005, Trung Quốc đã đặt ra một số nguyên tắc làm việc, một trong số đó là:  [Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường] là hài hòa và hòa nhập. Sáng Kiến này ủng hộ sự khoan dung giữa các dân tộc, tôn trọng con đường và chế độ khác nhau của các nước, và hỗ trợ đối thoại giữa các dân tộc khác nhau… sao cho các quốc gia chung sống hòa bình vì thịnh vượng chung.  [65]. Nguyên tắc này có nghĩa là Trung Quốc sẵn lòng thảo luận với từng nước trong khu vực Vành Đai và Con Đường về các vấn đề liên quan tới mỗi dự án BRI nằm trên quốc gia đó mà không áp đặt hệ tư tưởng Trung Hoa lên nước này. Nguyên tắc này có vẻ là cách duy nhất hợp lý nếu Trung Quốc mong muốn xây dựng tuyến đường thương mại bao phủ toàn cầu và chạy qua khoảng 70 quốc gia, bởi vì việc áp đặt ý muốn và tư tưởng Trung Hoa lên các quốc gia trong khu vực này không phải là cách thực tiễn để xây dựng Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường.

Thêm vào đó, gần đây Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà đầu tư nội địa lẫn nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.[66] Với vị thế đó và kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giờ đây Trung Quốc ở vị trí chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm với thế giới, qua đó thực sự biến mong muốn trở thành người đi đầu thế giới về năng lượng tái tạo thành sự thật.

Trong các phần tiếp theo, chúng tôi tập trung vào ngành năng lượng và giao thông của Việt Nam, đề cập tổng quát đến trọng tâm của phân tích thị trường năng lượng và trình bày một loạt các kiến nghị nhằm cải thiện lĩnh vực này, trong đó có tính đến an ninh năng lượng, hiệu quả sử dụng năng lượng, đa dạng trong dự trữ năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo và cạnh tranh trong thị trường năng lượng.

 Hệ thống năng lượng của Việt Nam

Theo Hội Đồng Khoa Học Tạp chí Năng lượng Việt Nam thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hệ thống nguồn cung cấp năng lượng Việt Nam năm 2019 bao gồm 36.1% than, 3.3% dầu và năng lượng khác, 13% tua-bin khí, 30.8% thủy điện vừa và lớn, 15.8% năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối) và 1% nhập khẩu [67].

So sánh số liệu thực tế năm 2019 với dự báo trong Quy hoạch Điện VII Sửa đổi, chúng ta thấy:

Bảng 1: So sánh nhu cầu năng lượng thực tế năm 2019 với dự báo trong Quy hoạch Điện VII Sửa đổi

Nguồn năng lượng

Số liệu thực tế 2019

Quy hoạch Điện VII Sửa đổi 2020

Than 36.1% 49.3%
Dầu và năng lượng khác 3.3%  
Tua-bin khí 13% 16.6%
Thủy điện vừa và nhỏ 30.8% 25.2%
Năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối, thủy điện nhỏ) 15.8% 6.5%
Nhập khẩu 1% 2.4%

Số liệu thực tế năm 2019 là đáng khích lệ. Đóng góp thực tế của than đá năm 2019 chỉ ở mức 36.1% trong tổng nguồn cung năng lượng so với dự báo đạt mức 49.3% năm 2020. Đóng góp thực tế của cả than và dầu năm 2019 chỉ ở mức 39.4% so với dự báo 49.3% chỉ riêng cho than năm 2020. Đóng góp thực tế của năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và nhỏ là 46.6% so với dự báo 31.7% cho năm 2020.

Chúng tôi cho rằng số liệu thực tế năm 2020 thậm chí còn đáng khích lệ hơn so với năm 2019. Rõ ràng cho tới lúc này quá trình triển khai thực tế đã vượt mong đợi của Quy hoạch Điện VII. Dĩ nhiên khoảng cách lớn giữa phần đóng góp của than đá trong Kế hoạch và mức tiêu thụ thực tế có thể xác định do sự phát triển năng lượng tái tạo, nhờ đó đã góp phần giảm tiêu thụ than. Bản Quy hoạch Điện VII sửa đổi cũng phản ánh một điều rằng chính phủ Việt Nam đã nhận ra cơ hội trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và dần bắt kịp với thị trường năng lượng tái tạo thế giới. Bản Quy hoạch sửa đổi đã tăng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo cho thấy kết quả tích cực của nỗ lực bền bỉ mà các bên liên quan cùng với toàn xã hội trong việc ủng hộ và thúc đẩy chính phủ hành động để chuyển đổi sang năng lượng sạch. Tuy nhiên, sự khác biệt trong Quy hoạch Điện VII Sửa đổi không hẳn chỉ là do sự chuyển đổi nhanh chóng và rõ ràng của chính phủ sang năng lượng tái tạo, mà lần nữa, cần xét đến nguyên nhân chủ quan trong quá trình lập kế hoạch như Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính Trị, nguyên nhân chủ quan duy ý chí đã đưa đến những mục tiêu quá mức (phần trăm đóng góp của than trong tổng nguồn cung) ngay từ đầu và không phù hợp với sự tiến triển của thị trường. Chúng tôi sẽ thảo luận về điều này sâu hơn trong phần III.4 liên quan đến vấn đề của nền kinh tế kế hoạch.

Và tuy nhiên, tồn tại những vấn đề lớn trong ngành điện của Việt Nam. Trong một cuộc hội thảo tổng kết các hoạt động công thương năm 2019 tổ chức bởi Bộ Công Thương ngày 27 tháng 12 năm 2019 với sự có mặt của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, EVN đã chính thức thông báo Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện bởi một số nguyên nhân, cụ thể như các đập thủy điện đang thiếu nước, các nhà máy điện than đang thiếu than, hệ thống điện quốc gia không có đủ công suất để tải tất cả lượng năng lượng tái tạo sản xuất từ các nhà máy điện tái tạo hiện tại.

Giải pháp được đưa ra là: một, thúc đẩy hoàn thành một số các nhà máy nhiệt điện đã được đồng ý xây dựng; hai, tăng sản lượng từ các nhà máy điện than và dầu hiện thời; ba, tăng lượng điện nhập khẩu từ Lào.

Cũng trong hội thảo này, Thủ Tướng đã nói tựu chung là: Cần phải đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện than theo kế hoạch, nhưng công chúng có thể sẽ không đồng tình với việc tiếp tục phát triển các nhà máy điện than mới.[70]

Thêm vào đó, Chỉ số Chuyển đổi Năng lượng Toàn cầu năm 2020 của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng thứ 65 trong tổng số 115 nền kinh tế, hạ chín bậc so với năm ngoái và tiếp tục tụt lại sau lưng nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Ở Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng thấp hơn Singapore (hạng 13), Malaysia (hạng 38), Brunei (hạng 49), Thái Lan (hạng 53) và Phi-líp-pin (hạng 57). Trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng cao hơn Indonesia (hạng 70) và Cam-pu-chia (hạng 91).[71]

III.1 Than

Than đã luôn được coi là thành tố quan trọng nhất trong chính sách năng lượng của Việt Nam. Quy hoạch Điện VII và Điện VII Sửa đổi cho giai đoạn 2011-2020 với tầm nhìn tới 2030 đã đặt chỉ tiêu đóng góp của than trong sản lượng năng lượng ở mức 49.3% vào năm 2020. Tuy nhiên, Quy hoạch Điện VII được soạn năm 2011 và sửa đổi năm 2016 khi năng lượng tái tạo vẫn chưa được chú ý nghiêm túc. Kể từ thời điểm đó, những tiếng nói cổ vũ năng lượng tái tạo đã ngày càng trở nên lớn hơn.

Quy hoạch Điện VII Sửa đổi đã đặt mục tiêu cho tổng công suất điện than năm 2020 ở mức 26,000 MW. Thế nhưng tính đến ngày 9 tháng 8 năm 2019, tổng công suất của tất cả các nhà máy điện than đang vận hành là 17,206 MW, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.[72]

Việt Nam từng xuất khẩu than, nhưng kể từ năm 2013 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu than, sau 120 năm khai thác và tự cung cấp đủ nhờ các nguồn than trong nước.[73] Tới năm 2017, lượng than nhập khẩu đóng góp 29% lượng tiêu thụ than trong nước. Năm 2019, tập đoàn nhà nước VINACOMIN (Tập Đoàn Than và Khoáng Sản Quốc Gia Việt Nam) tiếp tục tăng nhu cầu than nhập khẩu nhằm cung cập cho công nghiệp điện và các ngành công nghiệp nặng khác như thép và xi-măng.[74]

Bảng 2: Lượng than nhập khẩu vào Việt Năm trong thời gian 2015-2019 (đơn vị: nghìn tấn)

Năm 2015 2016 2017 2018 2019
Lượng than nhập khẩu (nghìn tấn) 6.900 13.200 14.500 22.850 36.820 (10 tháng)
Từ Indonesia 1.915 2.946 6.144    
Từ Úc 1.441 3.961 3.768    
Từ Nga 1.400 3.687 2.401    

Năm 2019, Việt Nam sản xuất hơn 39 triệu tấn than   sạch  (trong tổng số 40.5 triệu tấn than thô). Do đó, lượng than nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2019 đã đạt 94% lượng than Việt Nam sản xuất.[75] Thế nhưng, do giá thành than tiếp tục tăng và giá năng lượng tái tạo tiếp tục giảm, nhập khẩu than không phải là giải pháp khôn ngoan lâu dài, đặc biết nếu xét đến an ninh quốc gia.[76]

Tháng 11 năm 2019, công ty tài chính Standard Chartered đã rút lui khỏi hai dự án điện than là Vũng Áng 2 (công suất 1.200 MW) và Vĩnh Tân 3 (công suất 1.980 MW). Quyết định này gửi một thông điệp rõ ràng tới các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và dứt khoát sẽ đẩy nhanh quá trình giảm sự có mặt của than trong các chính sách năng lượng quốc gia.

Ngày 31 tháng 12 năm 2019, một số các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam [77] đã gửi một bản kiến nghị [78] tới Thủ Tướng, họ đề nghị chính phủ không xây dựng 14 dự án nhiệt điện than đã được cho phép,[79] với tổng công suất 17,390 MW.[80] Các tác giả của bản kiến nghị nói rằng dừng các dự án này sẽ giúp tránh được 7600 cái chết hàng năm do ô nhiễm. Họ gợi ý rằng chính phủ chuyển sang năng lượng tái tạo để thay thế các dự án này.[81]

Tuy nhiên, có những quan ngại về năng lượng tái tạo, ví dụ về năng lượng mặt trời và năng lượng gió, bởi hai nguồn năng lượng này phụ thuộc vào thời tiết và do đó không ổn định. Sử dụng các công nghệ tích trữ năng lượng nhằm ổn định nguồn cung của năng lượng tái tạo cần đến những khoản đầu tư lớn, không chỉ chi phí cho bản thân ắc-qui mà còn cần các trang trại mặt trời/gió lớn hơn nhằm tạo ra đủ điện để sử dụng tức thì và để dự trữ. Như vậy đầu tư sẽ cần lớn hơn nhiều.[82]

Thêm vào đó, bản thân EVN có đề cập đầy thiện cảm với công nghiệp siêu tới hạn (supercritical – SC) và quá siêu tới hạn (ultra-supercritical – USC) cho các nhà máy điện than, các công nghệ này sẽ giúp các nhà máy điện than hoạt động hiệu quả hơn và phát thải ít hơn. Hiện tại, công nghệ đốt than quá siêu tới hạn (USC) là một công nghệ tiên tiến đang được sử dụng ở nhiều quốc gia. Công nghệ này có thể cải thiện hiệu suất phát điện lên tới 42.5% với tỉ lệ tiêu thụ năng lượng chỉ ở mức 0.425 kg trên 1 kWh.[83]

Ngoài ra, Nhật Bản là nước đi đầu trong việc phát triển công nghệ hiệu suất cao nhờ vào chu trình kết hợp khí hóa than tích hợp (Integrated coal gasification combined cycle – IGCC). Công nghệ này đã được thử nghiệm thành công ở Osaki, thành phố Hiroshima. Nhật Bản đã và đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ này ở Nakoso và Hirono, tỉnh Fukushima. Giải pháp này nhằm tăng hiệu quả sử dụng than vì cho phép sử dụng than chất lượng thấp (Bituminous A, Lignite). Cụ thể, công nghệ cho phép sản xuất khí ga để sản xuất điện thông qua tua-bin khí hoặc tua-bin hơi giống như chu trình kết hợp khí thiên nhiên.[84] Đặc tính mới của công nghệ IGCC so với công nghệ quá siêu tới hạn USC là khả năng tăng hiệu quả sản xuất lên tới 46-50%. Đặc biệt, lượng khí CO2 có thể tách ra và giữ lại của công nghệ này lớn hơn nhiều so với công nghệ nhiệt điện than truyền thống, nhờ đó phát thải CO2 giảm tới 20% so với công nghệ quá siêu tới hạn.[85]

Kinh nghiệm của Trung Quốc chỉ ra rằng đất nước này từng là nhà tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Năm 2003, than đóng góp tới 67% tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Trung Quốc.[86] Do đó, điện than của Trung Quốc bị gắn với kém hiệu quả và ô nhiễm khủng khiếp.[87] Thế nhưng, kể từ thời điểm đó, Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập một chính sách mạnh mẽ về điện than sạch, với việc sử dụng tất cả các công nghệ than sạch hiện đại, bao gồm cả SC, USC, và IGCC.[88]

Theo EVN, Việt Nam đã có một số nhà máy sử dụng công nghệ siêu tới hạn và quá siêu tới hạn, ví dụ như Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng [89]. Cũng theo họ thì   Với mức tăng trưởng năng lượng trung bình 10% một năm thì để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, việc tiếp tục sử dụng điện than sạch là cần thiết… [90]

Đề xuất

Xét đến các yếu tố nói trên, chúng tôi gợi ý giải pháp cho vấn đề của các nhà máy điện than là:

Chúng tôi tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam sẽ có thể xây dựng một sự đồng thuận quốc gia về một dự luật nhằm: thứ nhất, hoãn xây dựng các nhà máy điện than mới; thứ hai, dần nâng cấp tất cả các nhà máy điện than hiện tại để sử dụng công nghệ các-bon thấp tiên tiến như siêu tới hạn, quá siêu tới hạn và chu trình kết hợp khí hóa than tích hợp; thứ ba, một khi tất cả các nhà máy điện than đã được nâng cấp sử dụng công nghệ các-bon thấp thì cần quay lại câu hỏi   liệu chúng ta có cần xây dựng thêm nhà máy điện than lúc này không? [91]

Các đầu tư than đá của Trung Quốc tại Việt Nam

Đặc biệt, theo nghiên cứu của GreenID,[92] đến năm 2017 Việt Nam đã huy động được 40 tỷ USD đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than với 52% vốn đầu tư từ vốn vay nước ngoài (Hình 5). Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư than lớn nhất tại Việt Nam, cung cấp một nửa số vốn đầu tư nước ngoài, tương đương 8,3 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản (3,7 tỷ USD) và Hàn Quốc (3 tỷ USD).

Hình 5: Tài trợ nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam – tỷ trọng đầu tư của nước ngoài

Trung Quốc cũng là nhà tài trợ than lớn nhất trong số các Cơ quan tín dụng xuất khẩu quốc tế lớn, trong đó Ngân hàng Exim của Trung Quốc cung cấp 50% toàn bộ tín dụng tương đương 4 tỷ USD, tiếp theo là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc – 1,76 tỷ USD, Ngân hàng K-sure của Hàn Quốc – 1,294 tỷ USD , và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – 1,207 tỷ USD (Hình 6).

Hình 6: Các tổ chức tín dụng xuất khẩu đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam

Ngoài ra, đầu tư của các ngân hàng thương mại Trung Quốc chiếm 80% tổng vốn đầu tư cho nhiệt điện than của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, cụ thể là 4 ngân hàng: Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (1,57 tỷ USD), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (1,08 tỷ USD), Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc , mỗi bên cung cấp tương đương 783 và 787 triệu USD (Hình 7).

Hình 7: Các ngân hàng thương mại nước ngoài đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam

Theo nghiên cứu của GreenID năm 2017, trong tổng vốn đầu tư 40 tỷ USD mà Việt Nam huy động vào các nhà máy điện than, gần một phần ba vốn đầu tư, tương đương 31% đến từ các nguồn tài trợ không xác định của cả đầu tư nước ngoài và trong nước. [93] Thêm vào đó, chủ sở hữu của phần lớn các nhà máy điện than hiện có và quy hoạch ở Việt Nam là các công ty nhà nước và các khoản nợ của các công ty nhà nước, theo định nghĩa, có thể được coi là nợ công. Do đó, công chúng thực sự có quyền được thông báo về những khoản nợ này. Điều này vẫn là một mối lo ngại cũng là yêu cầu từ các quỹ đầu tư nước ngoài và trong nước đối với các nhà máy điện than Việt Nam về tính minh bạch để giám sát mọi rủi ro liên quan đến tài sản công bị mắc kẹt.

III. Nhiệt điện khí

Tỉ trọng thực tế của nhiệt điện khí trong sản lượng điện năm 2019 là 13%, so với dự báo năm 2020 là 16,6% điện năng quốc gia trong Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh. Dự báo cho năm 2025 là 15.000 MW  và năm 2030 là 19.000 MW tương đương với 19% và 16.8% tổng công suất điện quốc gia .

Khí thiên nhiên ( Natural Gas – NG ) và khí thiên nhiên hóa lỏng (  Liquefied natural gas – LNG ) thường thải ra CO2 ít hơn khoảng 50% so với than;  ở Việt Nam LNG được cho rằng là nhiên liệu này có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường.  Có 80% khí thiên nhiên được sử dụng ở Việt Nam là dành cho phát điện.[94] Việt Nam hiện có 7200MW nhiệt điện khí.[95]

Những phản đối về sử dụng than có thể sẽ giúp tăng NG và LNG cho các nhà máy điện. Bốn năm trước 2016, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định không xây nhà máy điện than Cái Cùng và gần đây đã cho phép công ty Delta Offeland Energy xây dựng một dự án nhà máy điện LNG với công suất 3200MW với vốn đầu tư 4 tỉ USD. Rất có thể các tỉnh khác sẽ làm theo Bạc Liêu.[96]

Vấn đề đặt ra là các nguồn khí thiên nhiên của Việt Nam đang dần cạn kiệt. Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh đặt mục tiêu nhiệt điện khí đạt công suất 19.000MW vào năm 2030, tương đương với 22 tỉ m3 khí thiên nhiên. Việt Nam sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí thiên nhiên. Để đáp ứng kỳ vọng của Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 50% lượng khí thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu cả nước.[97]

Giá khí thiên nhiên hiện đang thấp trên thị trường. Khó có thể biết điều gì có thể xảy ra trong thời gian dài, khi thế giới đang bỏ than và tiến tới sử dụng khí thiên nhiên. Tuy nhiên, khi giá năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang giảm ở mức chưa từng thấy, chúng ta có thể hy vọng rằng giá khí thiên nhiên sẽ không tăng một cách vô lý.

Suất đầu tư nhiệt điện khí luôn thấp hơn nhiệt điện than, bao gồm nhiệt điện than siêu tới hạn hoặc quá siêu tới hạn. Tại Việt Nam hiện nay, suất đầu tư nhiệt điện khí là 0,81 triệu USD / MW, và nhiệt điện than siêu tới hạn là 1,576 triệu USD / MW. Tính trung bình, suất đầu tư điện than đắt gấp khoảng 1,8 lần suất đầu tư điện khí.[98]

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ( IEA ) dự  báo nhu cầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 50% từ năm 2014 đến năm 2040, tăng nhanh hơn các loại nhiên liệu khác.[99]

Nghị quyết 55/2020/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu cho nhập khẩu LNG là 8 tỉ m3 cho năm 2030 và 15 tỉ m3 cho năm 2045.Khó khăn đối với LNG là cơ sở hạ tầng nhập khẩu – chúng ta cần các kho cảng để xử lý và lưu trữ LNG, đặc biệt là gần các nhà máy điện.

Đề xuất

Rõ ràng trong thời gian dài, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió, sẽ vượt trội mọi nguồn năng lượng khác. Khí thiên nhiên cuối cùng sẽ cạn kiệt. Tuy nhiên, trong 30 năm tới, khí thiên nhiên vẫn sẽ là nhiên liệu hiệu quả, ổn định và đáng tin cậy cho việc sản xuất điện.

Ưu tiên tất nhiên cần phải là năng lượng tái tạo. Nhưng nếu Việt Nam phải chọn giữa khí tự nhiên và than , thì nên chọn khí. Trước thực tế rằng, Việt Nam sẽ phải tăng nguồn cung năng lượng 10% mỗi năm để đảm bảo an ninh năng lượng,[100] ham muốn để xây nhà máy điện than là rất lớn, nhưng chúng ta cần kiềm chế lại ham muốn đó cho lợi ích phát triển bền vững. Điều đó có nghĩ là, nếu có một nhu cầu cấp thiết để xây nhà máy điện than, thì Việt Nam nên xây nhà máy nhiệt điện khí hoặc là năng lượng tái tạo.

III. 3 Năng lượng tái tạo

Thuật ngữ năng lượng  tái tạo  ở đây bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối và thủy điện nhỏ, tương tự như cách chính phủ Việt Nam hiện đang sử dụng. Cách sử dụng thuật ngữ  tái tạo này nhất quán với Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA).[101]

Theo IREA, ở hầu hết các nơi trên thế giới hiện nay năng lượng tái tạo là nguồn phát điện mới với chi phí thấp nhất. Khi chi phí cho các công nghệ năng lượng mặt trời và gió tiếp tục giảm, các nguồn năng lượng này sẽ trở nên thông dụng ở nhiều quốc gia. Dự kiến đến năm 2020, gió trên đất liền và tấm quang điện mặt trời (PV) sẽ liên tục cung cấp một nguồn điện mới ít tốn kém hơn so với nhiên liệu hóa thạch với chi phí thấp nhất, mà không cần hỗ trợ tài chính. Chi phí cho công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió dự kiến sẽ tiếp tục giảm đến năm 2020 và tiếp tục giảm nữa.[102]

Các dữ liệu mới cho thấy chi phí sản xuất điện từ quang điện mặt trời và gió trên đất liền liên tục giảm theo thời gian. Vào đầu năm 2018, phân tích của IRENA về các thỏa thuận đấu giá và mua điện (PPA) cho thấy chi phí sản xuất điện trung bình toàn cầu có thể giảm xuống 0,049 USD / kWh đối với điện gió trên đất liền và 0,055 USD / kWh cho quang điện mặt trời vào năm 2020. Một năm sau, giá trị tiềm năng của điện gió trên đất liền vào năm 2020 đã giảm thêm 8%, xuống còn 0,045 USD / kWh, trong khi đó của  quang điện mặt trời giảm 13%, xuống còn 0,048 USD / kWh.[103]

Công suất của năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2013 và 2019 như sau:

Bảng 3: Tốc độ tăng trưởng của  các nguồn năng lượng tái tạo  giai đoạn 2013 – 2019 [104]

  2013 2015 2017 2018 2019 Tốc độ tăng trưởng hàng năm
Tổng công suất đặt nguồn (MW) 30473 38537 45410 49410 54880 10.1%
Trong đó, năng lượng tái tạo:            
Thủy điện nhỏ 1670 1984 2971 3322 3670 14%
Điện gió 46 90 152 243 377 42%
Điện mặt trời 4 4 4 86 4600 2019/2018 > 5300%
Sinh khối 24 24 319 319 327 54.5%
Tổng lắp đặt năng lượng tái tạo 1744 2102 3446 3970 8794 31.4%
Tỉ lệ năng lượng tái tạo 5.7% 5.5% 7.6% 8.0% 16.4%  

Nguồn: EVN

Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị (ngày 11 tháng 2 năm 2020) đặt mục tiêu cho tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% -20% vào năm 2030 và 25% -30% vào năm 2045. Những mục tiêu này nằm trong tầm tay của Việt Nam.[105]

III.3.i Năng lượng sinh khối và rác thải

Năng lượng sinh khối chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp, đặc biệt là các xí nghiệp và nhà máy nông nghiệp và vẫn chưa được sử dụng đúng mức. Phần lớn người Việt Nam, bao gồm người dân nông thôn, sử dụng bếp gas và nhiên liệu khác và số người sử dụng sinh khối để nấu ăn và các hoạt động hàng ngày đang giảm đi nhanh chóng.

Từ năm 2013 đến 2015, công suất năng lượng sinh khối hàng năm chỉ đạt 24 MW. Năm 2017 chứng kiến ​​một bước nhảy vọt lên mức 319 MW, đó là một phản ứng chậm với Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 24 tháng 3 năm 2014) đặt giá điện FIT ở mức 5,8 UScents / kWh.[106]

Năm 2019, công suất năng lượng sinh khối thực tế là 377 MW. Các công ty nông nghiệp cho biết giá điện FIT quá thấp để khuyến khích đầu tư sinh khối.[107]

Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh đặt mục tiêu sản xuất điện sinh khối ở mức 1% tổng công suất điện quốc gia vào năm 2020, 1,2% cho năm 2025 và 2,1% cho năm 2030.[108]

Ngành mía đường là một nguồn tạo điện năng hiệu quả từ sinh khối. Việt Nam có hơn 40 nhà máy đường, tạo ra tổng doanh thu hơn 1 tỉ USD mỗi năm. Công suất năng lượng sinh khối kết hợp hàng năm của các nhà máy này có thể đạt 4.300 GWh.[109] Do đó, ngành công nghiệp đường có thể tạo thêm 2.180 việc làm xanh và giảm khoảng 2,7 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng phát thải của Thành phố Hồ Chí Minh ( TP HCM ) trong năm 2013.[110]

Tại Việt Nam sinh khối  bao gồm các sản phẩm phụ từ gỗ (32 triệu tấn / năm hoặc 11,6 triệu TOE), các sản phẩm phụ nông nghiệp (80 triệu tấn / năm hoặc 17,6 triệu TOE), chất thải hữu cơ (0,8 triệu TOE / năm), chất thải rắn đô thị ( MSW  – rác thải từ nhà ở, văn phòng, doanh nghiệp (0,82 triệu TOE / năm) và chất thải chăn nuôi (11,3 tỉ m3 khí / năm).[111] Tổng sinh khối có sẵn là 118 tấn / năm, là 80,7 TOE, gấp đôi lượng khí tự nhiên được sản xuất bởi tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ).[112]

Ngày 5 tháng 3 năm 2020, Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tăng giá điện FIT từ sinh khối lên 7,03 UScents / kWh cho các dự án điện đồng phát nhiệt điện ( CHP ) và 8,47 UScents / kWh cho các dự án khác. Thời hạn của tất cả các hợp đồng mua bán điện đối với điện sinh khối là 20 năm.[113] Quyết định này đã được coi là  một nền tảng quan trọng nhất để thu hút đầu tư nhiều hơn vào ngành điện sinh khối, nhằm đạt được các mục tiêu của Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh. [114]

Rác thải rắn đô thị

Có lẽ nguồn sinh khối quan trọng nhất vẫn cần sự quan tâm nghiêm túc từ chính phủ là rác thải rắn đô thị ( MSW ). MSW, nếu không được xử lý và chuyển đổi thành điện hoặc các sản phẩm hữu ích khác, đây tiếp tục là một nguồn gây ô nhiễm rất lớn.

Mỗi ngày Việt Nam thải ra khoảng 70.000 tấn MSW. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra từ ​​7000 đến 8000 tấn mỗi ngày. 85% MSW ở Việt Nam vẫn được xử lý bằng cách chôn lấp, nên chiếm nhiều diện tích đất, tạo ra các vấn đề về vệ sinh, có khả năng gây ô nhiễm và không được tận dụng để tạo ra năng lượng. Chỉ có 15% MSW được sử dụng cho các mục đích khác, bao gồm chuyển đổi thành điện.[115]

Việt Nam gần đây đã xây dựng một số nhà máy điện từ MSW: nhà máy Vietstar tại Củ Chi, TP HCM (đốt 2.000 tấn / ngày, công suất điện 40MW); Nhà máy Sóc Sơn tại Hà Nội (4.000 tấn / ngày, 75 MW); Nhà máy Phú Thọ (1.000 tấn / ngày, 18MW); Nhà máy Thanh Hóa (1.000 tấn / ngày, 18MW); Nhà máy Thái Nguyên; Nhà máy Hải Phòng; Nhà máy Khánh Hòa… Những nhà máy này vẫn còn quá nhỏ so với vấn đề về MSW khổng lồ của Việt Nam.[116]

Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 5 tháng 5 năm 2014) đặt giá điện FIT đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp ở mức 10,05 UScents / kWh, và ở mức 7.28UScents / kWh đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn .[117]

Ngoài giá điện FIT, nhà sản xuất điện cũng được chính quyền thành phố trả một khoản phí xử lý MSW và được hưởng toàn bộ số tiền thu được từ việc bán các sản phẩm phụ từ SWD, như phân trộn hoặc nhựa tái chế.[118] Có vẻ như động lực tài chính không phải là một vấn đề.

Tuy nhiên, tồn tại những vấn đề khác:

– Có vẻ như Chính phủ đang tạo ra các giá mua điện FIT khác nhau cho các loại công nghệ khác nhau để tạo ra điện từ MSW. Hiện tại, có hai loại giá mua điện FIT từ Quyết định 31/2014/QĐ-TTg: điện từ đốt chất thải rắn trực tiếp và điện từ đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Các loại công nghệ khác chưa có giá mua điện FIT như khí hoá phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện…[119]

Không nên có giá mua điện FIT khác nhau đối với các loại công nghệ khác nhau được sử dụng bởi các nhà sản xuất điện độc lập. Sử dụng các giá điện FIT khác nhau cho các nhà sản xuất điện khác nhau có nghĩa là có sự phân biệt đối xử. Ngoài ra, chính phủ không thể chạy theo các công nghệ mới để tìm ra giá mua điện FIT mới, đồng thời khiến môi trường đầu tư trở nên phức tạp và khó hiểu khi các nhà đầu tư không biết họ nên chọn công nghệ nào.

– Vấn đề Quan liêu: Các thủ tục từ việc chọn nhà đầu tư (mất từ ​​1 đến 2 năm) để đánh giá các kế hoạch và thiết kế của nhà đầu tư, sắp xếp an toàn, tác động môi trường, tất cả đều mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xin chữ ký phê duyệt của nhiều Bộ và cơ quan khác nhau.[120]

– Phân loại MSW: Khi người dân không phân loại rác, các công ty xử lý MSW sẽ có nhiều công việc hơn để làm, bao gồm chia tách và phân loại. Điều này làm cho công việc chậm hơn và tốn kém hơn.[121] Tất cả các thành phố nên buộc cư dân của mình phân loại rác vào các thùng rác khác nhau.

Đề xuất

  1. Trong số các nguồn sinh khối, MSW nên là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của chính phủ vì đây là vấn đề ô nhiễm và sức khỏe bên cạnh vấn đề năng lượng.
  2. Cần có một giá mua điện FIT cho tất cả điện MSW, bất kể sử dụng công nghệ nào đi nữa. Tất cả các nhà đầu tư nên được đối xử bình đẳng và hãy để thị trường đưa ra lựa chọn tốt nhất.
  3. Đơn giản hóa và tăng tốc các thủ tục của chính phủ để làm cho quá trình đầu tư nhanh hơn và suôn sẻ hơn.
  4. Yêu cầu công dân phân loại vào các thùng rác khác nhau để việc thu gom hiệu quả.

III.3.ii Điện gió

Việt Nam có đường bờ biển dài 3000km và tiềm năng điện gió là 160 GW.[122] Tuy nhiên, phát triển điện gió vẫn còn rất hạn chế. Công suất điện gió đã được tăng chậm nhưng đều đặn từ 46MW năm 2013 lên tới 377MW năm 2019.

Ngày 19 tháng 6 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg để hỗ trợ các dự án điện gió ở Việt Nam, cung cấp giảm thuế, tiền thuê địa điểm và các hỗ trợ khác, cộng với giá điện FIT là 7,8 UScents / kWh).[123] Rõ ràng, gía điện FIT này đã không đủ hấp dẫn cho thị trường.

Ngày 10 tháng 9 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg để thay đổi Quyết định 37/2011 và đưa vào giá điện FIT mới 8,5 UScents / kWh cho dự án điện gió trên đất liền và FIT là 9,8 US / kWh cho các dự án điện gió trên biển. Các giá mua điện FIT mới này sẽ có hiệu lực đến ngày 1 tháng 11 năm 2021.[124]

Năm 2019, điện gió của Việt Nam có thị phần công suất khiêm tốn là 377 MW.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, tính đến ngày 13 tháng 5 năm 2020, đã có một số dự án điện gió được đề xuất phê duyệt và bổ sung vào kế hoạch của chính phủ, với tổng công suất 4800 MW. Trong số đó, chỉ có 9 dự án đã bắt đầu hoạt động với tổng công suất 350 MW[125]. Bộ Công thương đã đề xuất tăng tổng công suất điện gió 6.030 MW trong các kế hoạch cho năm 2025 trong phương án cơ sở, hoặc 11.630 MW trong phương án cao [126].

Các nhà đầu tư cho rằng giá mua điện FIT mới là hợp lý. Tuy nhiên, mỗi dự án điện gió, đặc biệt là dự án trên biển, cần ít nhất hai năm để chuẩn bị, trước khi có thể bắt đầu vận hành. Hạn chót ngày 1 tháng 11 năm 2021 trong Quyết định 39/2018/QĐ-TTg có thể là quá sớm đối với nhiều nhà đầu tư.

Vào ngày 10 tháng 6 năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã phát hành  Lộ trình phát triển điện gió trên biển cho Việt Nam: Những kết quả sơ bộ  cho thấy hai kịch bản phát triển điện gió cho Việt Nam:

– Kịch bản tăng trưởng thấp (5GW vào năm 2030 và 35GW vào năm 2050)

  1. Hạn chế chuỗi cung ứng địa phương, xuất khẩu ít hơn, giảm chi phí năng lượng quy đổi ( levelized cost of energy – LCOE ).
  2. Tổng giá trị gia tăng 13 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2020-2035.

– Kịch bản tăng trưởng cao (10GW vào năm 2030 và 70GW vào năm 2050)

  1. Đẩy mạnh năng lực chuỗi cung ứng địa phương, nâng cao tỉ lệ cân đối địa phương, xuất khẩu nhiều hơn.
  2. Tăng lợi ích kinh tế cho Việt Nam: 50 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2020-2035 (bao gồm cả xuất khẩu).[127]

Trong kịch bản tăng trưởng cao, cơ hội tạo việc làm sẽ rất lớn:

  1. Tiềm năng tuyệt vời để Việt Nam cung cấp tháp, cánh quạt gió, bệ đỡ và dây cáp.
  2. Thị trường địa phương có tiềm năng lớn để tạo việc làm bền vững,
  3. Có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường khác, 700,000 FTE ( tương đương số việc làm toàn thời gian ) có thể được tạo ra từ năm 2020 đến năm 2035.[128]

Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng cao sẽ đòi hỏi một số điều chỉnh trong mạng truyền dẫn quốc gia:

  1. Kế hoạch truyền tải trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không đủ cho các kịch bản gió trên biển.
  2. Quy hoạch điện IIX sẽ tăng cường các mục sau:
  • Trạm biến áp cục bộ.
  • Mạng truyền dẫn Bắc – Nam.
  • Yêu cầu bù phản ứng.
  • Có khả năng là HVDC (  high-voltage direct current  dòng một chiều  cao áp  ).[129]

Các cảng và cơ sở hạ tầng chỉ cần sửa chữa thêm các phần nhỏ. Nhiều cảng có không gian để sản xuất cũng như xây dựng – chỉ có 6 cảng cần nâng cấp các phần nhỏ. Các cảng xung quanh thành phố Hồ Chí Minh / Vũng Tàu có thể cùng nhau tạo thành một cụm.[130]

Ngân hàng Thế giới kết luận rằng tiềm năng và lợi ích là rất lớn:

  1. Việt Nam có nguồn tài nguyên gió trên biển quan trọng trên toàn cầu.
  2. Việt Nam có khả năng phát triển chuỗi cung ứng có và cơ sở hạ tầng cảng tốt.
  3. Gió trên biển có thể mang lại lợi ích kinh tế và môi trường đáng kể.

Tuy nhiên, để có tiềm năng phân phối, Việt Nam phải thực hiện một số điều:

  1. Tầm nhìn dài hạn và mục tiêu sản lượng rõ ràng.
  2. Xây dựng và triển khai các cơ chế cho thuê, giấy phép và hợp đồng mua bán điện.
  3. Tăng cường hệ thống truyền tải và cảng.
  4. Cân đối giữa kỳ vọng của ngành công nghiệp và Chính phủ.[132]

Đề xuất

Chúng tôi đề xuất Chính phủ:

  1. Kéo dài thời hạn ngày 1 tháng 11 năm 2021 để nhiều nhà đầu tư có thể nhận được lợi ích của giá mua điện FIT mới theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg,2. Áp dụng kịch bản tăng trưởng cao của Ngân hàng Thế giới (10GW vào năm 2030 và 70GW vào năm 2050) cho điện gió Việt Nam:a. Có một tầm nhìn dài hạn và mục tiêu về công suất rõ ràng.
    b. Phát triển và triển khai cơ chế cho thuê, giấy phép và hợp đồng mua bán điện.
    c. Nâng cấp hệ thống truyền tải và cảng.
    d. Cân đối giữa kỳ vọng của ngành công nghiệp và Chính phủ.

III.3.iii Thủy điện nhỏ

Nguồn thuỷ điện nhỏ sở hữu công nghệ đã được phát triển lâu đời ở mức hoàn thiện, khả thi về mặt kinh tế (chi phí lắp đặt thấp), tác động tiêu cực đến môi trường không đáng kể, và góp phần rất quan trọng vào giải quyết vấn đề điện khí hóa nông thôn, nâng cao mức sống và điều kiện sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.[133

Thông tin từ Báo cáo thủy điện nhỏ thế giới (2016), của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc ( UNIDO ) và Trung tâm quốc tế về thủy điện nhỏ ( ICSHP ), trong số các nước ASEAN thì Việt Nam đứng thứ 2 về tiềm năng và phát triển thủy điện:

Bảng 4: Tiềm năng và sự phát triển thực tế của thủy điện nhỏ ASEAN (tính đến năm 2016)[134]

Quốc gia Tiềm năng (MW) Số lượng nhà máy hiện tại Tỉ trọng
Campuchia 300 1
Indonesia 770 229 10%
Lào 2.200 12 0.4%
Malaysia 500 18 0.6%
Myanmar 197 34 1.4%
Philippines 1.975 101 4.5%
Thái Lan 700 108 4.6%
Việt Nam 7.200 1.836 78.5%
Tổng 13.842 2.339 100%

Việt Nam có tổng lượng mưa trung bình khá cao từ 1570~2000mm/năm.  Mỗi năm, sông suối lớn nhỏ đổ ra biển, qua bờ biển dài 3260km, mang theo tổng lưu lượng nước khoảng 867 tỉ m3. Do đó, Việt Nam có tiềm năng thủy điện (lớn, vừa và nhỏ) rất dồi dào, được phân bố trên khắp các vùng lãnh thổ. Hằng năm trên 2000 sông suối lớn nhỏ có chiều dài trên 10km có thể sản xuất ra khoảng 300 tỉ kWh điện năng. Tổng tiềm năng kỹ thuật được đánh giá khoảng 120 tỉ kWh, với công suất tương ứng khoảng 30.000 MW. Tuy nhiên nếu xem xét thêm các yếu tố kinh tế – xã hội và tác động đến môi trường, dự báo về biến đổi khí hậu sẽ xảy ra tại Việt Nam thì tiềm năng kinh tế, kỹ thuật chỉ trong phạm vi 83-104 tỉ kWh, tương ứng với công suất 20.750-26.000MW.[135]

Trong lĩnh vực thủy điện, theo  Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh,[136] hai lĩnh vực (1) thủy điện lớn & vừa và (2) thủy điện nhỏ được phân chia nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu điện của đất nước được quy định theo kịch bản cơ sở là: năm 2020 là 265 tỉ kWh và năm là 572 tỉ kWh, như sau:[137]

 

Bảng 5: Cơ cấu công suất và sản lượng thủy điện năm 2020 so với năm 2030

Năm 2020 2030
  Công suất/ Tiềm năng sản xuất

Tỉ trọng đáp ứng nhu cầu điện quốc gia

Công suất / Tiềm năng sản xuất Tỉ trọng đáp ứng nhu cầu điện quốc gia
Tổng số Công suất:

 

21,600 MW

36%

Công suất:

 

27,800 MW

21.46%

Tiềm năng sản xuất:

 

78,175 tỉ kWh

29.5%

Tiềm năng sản xuất:

 

88,600 tỉ kWh

15.5%

Thủy điện lớn và vừa và thủy điện tích năng Công suất:

 

18,060 MW

31.1%

Công suất:

21,855 MW

16.9%

Tiềm năng sản xuất:

 

66,780 tỉ kWh

25.2%

Tiềm năng sản xuất:

 

70,928 tỉ kWh

12.4%

Thủy điện nhỏ Công suất:

 

3540 MW

5.9%

Công suất:

 

6914 MW

4.56%

Tiềm năng sản xuất:

 

11,395 tỉ kWh

4.3%

Tiềm năng sản xuất:

 

17,672 tỉ kWh

3.1%

Hiện tại Việt Nam đã khai thác cạn kiệt công suất thủy điện lớn, chỉ có thủy điện vừa và nhỏ mới có chỗ cho sự phát triển [138]. Theo UNIDO, thủy điện nhỏ Việt Nam có công suất tiềm năng 7.200 MW và hiện chỉ khai thác được 25,5% công suất đó.[139]

Các vấn đề trong thủy điện

Mặc dù có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng và xã hội cho các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, thủy điện nhỏ của Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề, chủ yếu là ở quản lý:

  1. Thứ nhất, việc giám sát quy hoạch thủy điện vẫn còn chồng chéo giữa nhiều bộ và cơ quan khác nhau. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch phát triển tài nguyên nước, Bộ Công Thương quy hoạch nhiều cấp thuỷ điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy hoạch thuỷ lợi… Do đó, mỗi kế hoạch thủy điện khi triển khai đầu tư xây dựng cần có sự phê duyệt và đồng thuận của nhiều bộ, ngành. Thậm chí có dự án khi triển khai xây dựng mới phát hiện sự chồng chéo về mặt quy hoạch, phải xử lý gây lãng phí, chậm tiến độ.[140]
  1. Việc quy hoạch và quản lý các nhà máy địa phương được giao cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thường thiếu chuyên môn và trình độ, hoặc thiếu kỷ luật và sự tận tâm.[141]
  2. Đôi khi có tình trạng chính sách đền bù của một số địa phương đối với việc giải phóng mặt bằng tạo ra nhiều tranh chấp.[142]
  3. Việc đấu nối với lưới điện quốc gia còn có thể là một quá trình tốn thời gian, do cần phải kết nối nhiều nhà máy nhỏ vào lưới điện quốc gia trong cùng một khoảng thời gian.[143]
  4. Yếu tố quan trọng nhất trong vận hành nhà máy thủy điện là an toàn tuyệt đối, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa việc sử dụng nước và giảm thiểu các tác động tiêu cực ở hạ du, đòi hỏi nhiều sự linh hoạt trong vận hành. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nhà máy được vận hành mà chỉ ưu tiên cho mục tiêu hiệu quả kinh tế mà không lưu tâm hoặc thiếu thông tin liên quan đến các tác động đối với dòng chảy về hạ du, gây ra lũ lụt và thiệt hại.[144]

Ngày 4 tháng 9 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về Quản lý an toàn đập và hồ chứa nước, giao cho Bộ Công thương và Bộ NN & PTNT công việc bảo đảm an toàn này, kết hợp với Ủy ban nhân dân tại địa phương. Đây có lẽ là một nỗ lực hiệu quả trong tập trung hóa và đơn giản hóa quản lý đập và hồ chứa.[145]

Đề xuất

Dựa trên phân tích trên, chúng tôi đề xuất:

  1. Chính phủ cần xem xét, soạn thảo luật và tập trung hoá nội dụng pháp luật hiện có vào một hệ thống quản lý tập trung và hợp lý hơn, đưa thủy điện nhỏ vào sự quản lý của một bộ, chẳng hạn như Bộ Công thương. Đơn vị trung tâm này sẽ có những quyết định cuối cùng về quy hoạch, đánh giá và xử phạt liên quan hoạt động của các nhà máy thủy điện.
  2. Ủy ban nhân dân địa phương đóng vai trò là đơn vị trung gian cho bộ trung tâm trong giám sát và xử phạt liên quan đến vận hành các nhà máy thủy điện nhỏ tại địa phương.
  3. Bộ chủ quản trung tâm này cần hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện cho Ủy ban Nhân dân địa phương về chuyên môn và kiến ​​thức, tốt nhất là cung cấp các hướng dẫn chuyên sâu với các đầu việc chi tiết để chính quyền địa phương thực hiện theo.
  4. Luật hình sự nên được sử dụng trong trường hợp nghiệm trọng, coi thường tính mạng và an toàn trong quy hoạch, phê duyệt kế hoạch hoặc vận hành nhà máy, đặc biệt khi có tham nhũng.

III.3. iv Năng lượng mặt trời

Từ bảng  Tốc độ tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo  giai đoạn 2013 – 2019[146], chúng ta có thể thấy rằng vào cuối năm 2017, công suất lắp đặt năng lượng mặt trời chỉ là 4 MW, năm 2018 là 86 MW, sau đó chỉ qua một năm, 2019, đã tăng vọt lên 4600 MW. Cú nhảy này rõ ràng là một phản ứng tán thành đối với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11 tháng 4 năm 2017) khuyến khích phát triển các điện mặt trời tại Việt Nam. Trong Quyết định này, chính phủ đã đảm bảo rằng EVN sẽ mua năng lượng mặt trời từ các nhà đầu tư điện độc lập trong 20 năm với giá 9,35 UScents / kWh, cộng với giảm thuế và tiền thuê nhà xưởng. Giá mua điện FIT này thực tế cao gấp hai lần so với chi phí điện trung bình toàn cầu là 4,8 UScents / kWh cho năm 2019.

Thật không may, chính sách này đã không tồn tại lâu; rất sớm sau khi ban hành, các nhà đầu tư đã đổ xô vào và EVN thông báo rằng lưới điện quốc gia không có đủ năng lực để thu nhận tất cả công suất lắp đặt của các nguồn điện  mới đầu tư. Vào ngày 6 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, nhằm đưa tất cả các dự án điện mặt trời mới vào một khung giá mua điện thấp hơn và một quy trình cạnh tranh hơn để bán điện cho EVN, và bãi bỏ biểu giá mua điện ưu đãi trong Quyết định số 1/2017/QĐ-TTg, trừ một số trường hợp đặc biệt.[150]

Vấn đề chính ở đây là: (1) Giá mua điện FIT theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg rất hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân. Năm 2019, EVN đã bán lẻ điện ở mức 8 UScents / kWh, nhưng EVN phải mua từ các nhà sản xuất điện mặt trời độc lập với giá phát điện là 9,35 UScents / kWh. Rõ ràng, chính phủ  phần nào đã có kế hoạch trợ cấp cho khoản thâm hụt này. Vì vậy, các nhà đầu tư mới đổ xô vào. (2) Lưới điện quốc gia chưa sẵn sàng để thực hiện một bước nhảy lớn – phải mất nhiều năm để chuẩn bị lưới điện, trong khi thi công xây dựng một nhà máy điện mặt trời có thể chỉ mất sáu tháng.[152] Chính phủ rõ ràng có vấn đề lên lịch trình.

Chuyển sang một quy trình cạnh tranh về giá mua điện FIT sẽ không giải quyết được vấn đề. Rất ít nhà đầu tư muốn đầu tư vào một dự án năng lượng mặt trời mà sau đó nhận ra rằng họ không thể bán điện cho EVN vì họ không thể thắng được giá thầu cạnh tranh. Họ sẽ làm gì với điện mà họ sản xuất? Ngay cả khi các nhà đầu tư được phép đấu thầu cho giá điện FIT trước khi xây dựng nhà máy của họ, điều gì sẽ xảy ra nếu chi phí xây dựng nhà máy cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu?

Đề xuất

Tư duy về cạnh tranh là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, cấu trúc cơ bản của thị trường năng lượng Việt Nam không cho phép cạnh tranh phát triển, bởi vì đây là cấu trúc thị trường độc quyền: EVN giữ độc quyền về truyền tải điện. Sự độc quyền này khiến cho tất cả những nỗ lực tạo ra cạnh tranh đều bất ổn. Do đó, đề xuất của chúng tôi là chỉ rõ và giải quyết vấn đề độc quyền trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Chúng tôi sẽ chỉ rõ vấn đề có ảnh hưởng tới kinh tế này dưới đây.

III.4 Vấn đề độc quyền

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ngày 11/02/2020) khẳng định rằng:  Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. [153]

Bộ Chính trị ra quy định như vậy vì đặc điểm nổi trội nhất của cơ chế năng lượng tại Việt Nam là  Nhà nước giữ độc quyền trong (1) hoạt động truyền tải, (2) điều tiết hệ thống điện quốc gia, (3) xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn [154]. Điều khoản độc quyền này có lẽ là rào cản lớn nhất cho việc cải tiến ngành năng lượng của Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện nay, ngoài một số nhà cung cấp nhỏ, có ít nhất ba cơ quan lớn trong lĩnh vực năng lượng, đó là: Điện lực Việt Nam, PV Power (Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam), và TKV (Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, hay còn gọi là VINACOMIN). Hãy giả sử rằng không tồn tại cơ chế độc quyền trong sản xuất điện (mặc dù cả ba công ty kể trên đều thuộc sở hữu nhà nước và cũng không có bằng chứng nào cho thấy có sự cạnh tranh giữa ba công ty này).

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, việc Nhà nước điều tiết hệ thống điện quốc gia là hoàn toàn hợp lý. Chúng ta đang giả định rằng, theo truyền thống, mỗi hệ thống cần một bên nắm vai trò điều tiết toàn bộ hệ thống, và việc chính phủ nên là người điều tiết hệ thống quốc gia là một điều hợp lý. Tuy nhiên, nếu công nghệ tiên tiến tới mức độ mà tất cả các nhà sản xuất điện – nhà nước và tư nhân – đều có thể tham gia vào một hệ thống điều phối chung, thì câu chuyện hiện tại của chúng ta về độc quyền truyền tải điện sẽ khác đi, nghĩa là việc điều tiết hệ thống có thể được áp dụng như nhau đối với tất cả các bên – nhà nước và tư nhân.

Hãy thử đơn giản hoá vấn đề bằng cách chỉ tập trung vào cơ chế độc quyền trong truyền tải điện.

Cơ sở duy nhất cho việc độc quyền này là an ninh quốc gia.  Hệ thống truyền tải điện quốc gia là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch của hệ thống điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia. [155]

Tuy nhiên, không ai giải thích được tại sao chính phủ phải giữ độc quyền trong vận hành lưới điện quốc gia và các nhà máy điện lớn chỉ vì chúng quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Hiểu biết thông thường lẫn các nghiên cứu đáng tin cậy đều cho chúng ta thấy rằng một hệ thống tập trung như lưới điện quốc gia cực kỳ dễ bị tấn công. Nếu  xương sống  bị nứt, nhiều khả năng toàn bộ quốc gia hoặc một phần lớn đất nước sẽ bị tê liệt. Các biện pháp đảm bảo an toàn sẽ yêu cầu hệ thống được phân cấp thành nhiều yếu tố nhỏ hơn – nhiều nhà máy điện và lưới điện cục bộ phân tán trên khắp đất nước – và kết nối với nhau thành một mạng lưới thông minh và hài hòa. An ninh quốc gia đòi hỏi lưới điện quốc gia (và các nhà máy sản xuất điện) phải nằm phân tán trong cả nước, không tập trung thành một hệ thống khổng lồ duy nhất.

Một cơ chế độc quyền được bảo vệ bởi luật là điều tệ nhất có thể xảy ra đối với một nền kinh tế. Kể cả khi không được luật pháp bảo hộ, EVN (Điện lực Việt Nam) vốn dĩ đã nắm giữ vai trò độc quyền tự nhiên (natural monopoly), điều này có từ sự phát triển truyền thống của ngành năng lượng trên toàn thế giới.[156] Dùng luật pháp để bảo vệ thêm cho cơ chế độc quyền tự nhiên này không chỉ không cần thiết, mà còn gây hại cho nền kinh tế – bởi vì luật này loại bỏ tất cả các cơ hội có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân và do đó, cạnh tranh trong ngành năng lượng, trong trường hợp các điều kiện kinh tế mới hoặc công nghệ mới cho phép cạnh tranh. Không có cạnh tranh thì ngành năng lượng đơn giản không thể phát triển được.

Cho phép cạnh tranh cũng có nghĩa là chính phủ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc điều chỉnh và điều tiết, do đó để lại hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân. Cho đến nay, hầu hết mọi kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đều phải đối mặt với các kế hoạch, quy định, giấy phép, phê duyệt của nhà nước và phần lớn đều cần có chữ ký của Thủ tướng, do đó thời gian bỏ ra thì nhiều nhưng tiến độ không đạt được bao nhiêu. Điều này vô cùng kém hiệu quả cho chính phủ. Cũng như không phải là một môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư tư nhân. Cấu trúc pháp lý nên cho phép các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh và cạnh tranh, thị trường tự điều chỉnh và chính phủ đóng vai trò trọng tài điều tiết cạnh tranh, với rất ít các quy định điều lệ miễn là điều kiện thị trường có thể cho phép.

Khi một nhà đầu tư tư nhân được phép xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió rồi bán điện trực tiếp cho người tiêu dùng, và xây dựng một mạng lưới truyền tải điện địa phương để phục vụ khách hàng, có thể đó chỉ là một lưới điện rất nhỏ ở cấp độ khu vực, nhưng việc này cũng sẽ mang đến một sự cạnh tranh nhỏ – ngay trong lưới điện cục bộ đó – giữa nhà đầu tư tư nhân và EVN. Ngay cả khi EVN không hề có hoạt động nào  ở địa phương này, sự tồn tại của EVN vốn đã tạo ra sự  cạnh tranh tiềm năng [157] cho bất kỳ công ty nào muốn tăng giá đến mức vô lý về mặt kinh tế.

Trên thực tế, một nhà đầu tư tư nhân có thể muốn có một lưới điện nhỏ độc lập tại địa phương, và đồng thời truyền một số điện của mình qua lưới điện quốc gia của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) để phục vụ những khách hàng ở xa. Dù hoạt động độc lập, hoặc kết nối với lưới điện quốc gia, hoặc cả hai, các lưới điện địa phương này sẽ giúp tăng công suất năng lượng cho cả nước, đảm bảo an ninh hơn cho mạng lưới năng lượng quốc gia, và mang lại cạnh tranh nhiều hơn cho thị trường điện. Cạnh tranh thường làm tăng chất lượng và giảm giá sản phẩm và dịch vụ.

Việc cho phép các nhà đầu tư tư nhân sản xuất và truyền tải điện trên đường dây của chính họ không cho thấy có mối nguy hiểm nào đáng kể.[158] Nhiều nhà đầu tư tư nhân trong số này sẽ tiếp tục dựa vào EVNNPT để truyền tải điện, bởi vì đó là cách tốt nhất để cung cấp điện cho một khoảng cách rất dài hoặc một khu vực rất rộng. Tuy nhiên, việc chính phủ cho phép các doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất của riêng họ và hệ thống truyền tải điện sẽ là bước tiến lớn đầu tiên đưa cạnh tranh vào ngành năng lượng ở mức có thể quản lý được.

– Một thay đổi cấu trúc rõ ràng khác để tạo ra sự cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng là tách EVNNPT (đơn vị truyền tải điện) hoàn toàn khỏi EVN, và chỉ để EVN hoạt động như một công ty sản xuất điện. Tách truyền tải ra khỏi sản xuất điện cho phép thúc đẩy cạnh tranh. Thứ nhất, việc chia tách này giúp chấm dứt tất cả các khoản trợ cấp chéo giữa EVN và EVNNPT, từ đó mỗi đơn vị sẽ hoạt động theo đúng với các nguyên tắc thị trường hơn. Thứ hai, khi EVNNPT hoạt động độc lập và riêng biệt, đơn vị này sẽ không có sự phân biệt đối xử với tất cả các nhà sản xuất điện, bao gồm EVN và tất cả các công ty khác. Điều đó sẽ giúp tất cả các công ty cạnh tranh trên một nền tảng bình đẳng.

Khi mà việc sản xuất và truyền tải điện còn nằm trong tay một nhà độc quyền duy nhất, khi đó cạnh tranh không thể phát triển.

– Một thay đổi cơ cấu khác có thể được thực hiện nếu chính phủ mong muốn là tách 10 công ty con khác của EVN ra khỏi đơn vị này, và cho phép các công ty con này hoạt động như các nhà sản xuất và truyền tải điện độc lập.

Sau khi tách ra, rõ ràng EVN vẫn là nhà sản xuất điện chiếm ưu thế nhất và EVNNPT là công ty truyền tải điện chiếm ưu thế nhất. Dù vậy, cạnh tranh vẫn có cơ hội tăng trưởng ổn định.

Cạnh tranh sẽ không xoá đi các quy định. mà đơn giản là nền kinh tế đòi hỏi một cách thức điều tiết thị trường khác hơn, tinh vi hơn và hiệu quả hơn. Và chính phủ sẽ có đủ thời gian để theo dõi các điều kiện thị trường mới để thiết kế các quy định cho phù hợp.[159]

Ví dụ gần đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tuyên bố rằng họ có thể bán một số nhà máy điện mà EVN xây dựng sau khi các nhà máy này bước vào giai đoạn vận hành, để đảm bảo mức độ an toàn cho các khoản nợ công và thu thập vốn cho các dự án mới.[160] Đây là một dấu hiệu rất đáng khích lệ đối với việc đưa chính phủ ra khỏi hoạt động kinh doanh, thay vào đó tham gia nhiều hơn vào công tác quản lý cạnh tranh.

Giải pháp đề xuất cho vấn đề độc quyền

Có ba việc dễ làm mà chính phủ có thể thực hiện ngay lập tức để tạo điều kiện cho cạnh tranh phát triển trong ngành năng lượng:

  1. Thay đổi Luật Điện lực bằng cách bỏ điều khoản độc quyền trong Mục 4 (2). Theo đó, cho phép các nhà đầu tư tư nhân sản xuất và truyền tải điện, cũng như kết nối các mạng truyền dẫn của họ với lưới điện quốc gia của EVNNPT.

Việc để các nhà đầu tư tư nhân xây dựng đường dây truyền tải của riêng họ để tăng thêm sức mạnh và công suất cho toàn bộ mạng lưới truyền tải quốc gia đang trở nên cấp bách hơn khi báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực [161] về tình trạng đầu tư phát triển lưới điện đề cập như sau:  Từ năm 2016 đến nay, EVN đã hoàn thành 160 công trình lưới điện 500-220kV. Tuy nhiên, việc xây dựng đường dây gặp nhiều [khó khăn] trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời phải điều chỉnh một số đoạn tuyến đường dây do chồng lấn với các qui hoạch chi tiết tại địa phương.[162]

  1. Chia tách quyền sở hữu của EVN (đơn vị sản xuất điện) và EVNNPT (đơn vị truyền tải điện), để tạo ra hai thực thể hoàn toàn riêng biệt. Sự phân tách theo chiều dọc này sẽ ngăn chặn việc trợ cấp chéo giữa hai thực thể này, cho phép cạnh tranh được phát triển trong cả sản xuất điện và truyền tải điện, và đảm bảo rằng giá điện sẽ phù hợp hơn với điều kiện thị trường thực tế. Sau đó, EVN và EVNNPT sẽ có thể kiểm tra và cân bằng quyền lực lẫn nhau, vì lợi ích của người tiêu dùng và thị trường, và tất cả các nhà sản xuất và truyền tải điện có thể được đối xử bình đẳng như nhau.
  2. Chia tách 10 công ty con khác của EVN để thành lập các công ty năng lượng độc lập, cho phép các đơn vị này mở rộng kinh doanh cả sản xuất và truyền tải năng lượng (hoặc cấp vốn) và do đó, loại bỏ trợ cấp chéo giữa các đơn vị này và EVN, đồng thời tăng cường cạnh tranh trong thị trường năng lượng quốc gia.

Ngoài ra, chính phủ có thể sử dụng sự nhạy bén trong kinh doanh của các nhà đầu tư tư nhân bằng cách không sử dụng các quy hoạch từ chính phủ trung ương để ngăn chặn các khoản đầu tư tiềm năng, với các lý do như:  Xin lỗi, chúng tôi không có dự án như vậy cho tỉnh của mình ,  hoặc  Xin lỗi, quy hoạch nào đó đã có đơn vị khác thực hiện rồi.  Hơn nữa, sự tồn tại của các quy hoạch từ chính phủ và những nỗ lực của các đơn vị  thâu tóm  các dự án này có thể tạo ra một  thị trường dự án , mà trong đó một công ty cố gắng xin giấy đăng ký / giấy phép cho một dự án nào đó, sau đó bán lại giấy đăng ký / giấy phép này cho các công ty khác, việc làm này bóp nghẹt sự sáng tạo của các nhà đầu tư bằng cách không cho họ cơ hội đầu tư khi họ thấy dự án phù hợp (và dự án không nằm trong quy hoạch của chính phủ trung ương).[163]

 

Chính phủ nên tạo ra một thị trường năng lượng năng động bằng cách cho phép cạnh tranh tư nhân, và khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lớn, đầu tư vào thị trường năng lượng Việt Nam, và không bị sa lầy vào các quy hoạch là điển hình của các nền kinh tế kế hoạch tập trung.

IV. Hiệu Quả Năng lượng

Đối với Việt Nam, lợi ích mà tiết kiệm năng lượng ( HQNL ) mang lại thông qua tiết kiệm chi phí lớn hơn chi phí đầu tư cho các công nghệ HQNL. Gia tăng chi phí đầu tư công nghệ HQNL ở mức 7 tỉ và 16 tỉ USD vào năm 2030 và 2050 vẫn thấp hơn so với chi phí cho tiết kiệm nhiên liệu và chi phí đầu tư vào phần cung, dẫn đến tổng chi phí tiết kiệm lên đến 3 và 30 tỉ USD vào năm 2030 và 2050.[164]

Công  nghệ HQNL giúp tiết kiệm trong sản xuất điện và tiêu thụ năng lượng. Các tác động kết hợp của giảm nhu cầu điện và sử dụng nhiệt điện đồng phát trong công nghiệp có thể giúp giảm đầu tư công suất lắp đặt các nhà máy điện mới do nhu cầu sử dụng điện sẽ giảm 10% vào năm 2030 và 29% vào năm 2050. Việc triển khai các công nghệ HQNL có thể làm giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng ở mức 12% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050, chủ yếu là giảm tiêu thụ dầu trong giao thông vận tải và tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp và sinh hoạt.[165]

Việc triển khai các công nghệ HQNL có thể làm giảm phát thải CO2 hàng năm ở mức 83 triệu tấn năm 2030 và 237 triệu tấn năm 2050 trong các ngành điện, công nghiệp và giao thông vận tải.[166]

Các lĩnh vực quan trọng nhất đối với HQNL bao gồm ngành công nghiệp (xử lý nhiệt trong sản xuất xi măng, sắt thép, giấy, bột giấy và dệt may), ngành giao thông (ô tô, xe máy, xe tải và xe buýt), và khu vực dân dụng (nấu ăn, điều hoà không khí, và chiếu sáng).[167]

Vào ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 280 QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia về Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả Giai đoạn 2019-2030. [168] Đây là một chương trình tiếp theo trong chuỗi chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chương trình này bao gồm:

  1. Kiểm tra, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
  2. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các hoạt động: sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, v.v..;
  3. Xây dựng trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
  4. Tăng cường kiến thức và năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
  5. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
  6. Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
  7. Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
  8. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
  9. Thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chương trình nhằm mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025, và từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.[169 ]

Hàng năm Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên khắp cả nước, nhằm yêu cầu các đơn vị này tuân theo quy định của Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Theo quy định này, có thể các cơ sở có tên trong danh sách nói trên sẽ được kiểm tra ngẫu nhiên hàng năm về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.[170]

Việt Nam cũng thực hiện một chương trình dán nhãn hiệu quả năng lượng và tiêu thụ năng lượng cho các sản phẩm khác nhau. Ngày 12 tháng 9 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg Quy định Danh mục Phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.[171] Quyết định này đã quy định bốn nhóm sản phẩm như sau: Nhóm thiết bị gia dụng, nhóm thiết bị văn phòng và thương mại, nhóm thiết bị cộng nghiệp và nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống.[172]

Chương trình dán nhãn năng lượng thật ra đã bắt đầu triển khai vào năm 2008, vài năm trước khi Quyết định này ra đời, với hình thức dán nhãn tự nguyện. Sau Quyết định 52/2011/QĐ-TTg, dán nhãn năng lượng trở thành bắt buộc đối với các sản phẩm được đề cập trong Quyết định.[173 ]

Vào ngày 9 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã cập nhật danh sách các sản phẩm cần dán nhãn năng lượng, trong đó bổ sung một số sản phẩm khác.[174] Dự báo cho biết lượng năng lượng tiết kiệm từ các sản phẩm được dán nhãn sẽ vào khoảng 10% vào năm 2020 và có thể tăng lên 30% vào năm 2030.[175]

Mới đây, Bộ Công Thương đã lần đầu tiên tổ chức giải thưởng  Sản phẩm hiệu suất năng lượng  cho năm 2020.[176]

Những tin tức này đều rất khích lệ. Tuy nhiên, về phía sản xuất, các công ty nhỏ rất lo ngại và thường ngần ngại mua công nghệ mới. Bởi thường thiếu vốn và tiền mặt, hơn thế, huy động vốn không hề dễ. Ngoài ra, các công ty nhỏ còn lo ngại về khả năng hoàn vốn của các công nghệ mới với chi phí đầu tư cao.[177] Nhiều ngân hàng cũng ngần ngại cho các công ty nhỏ vay để mạo hiểm đầu tư vào các công nghệ mới.

Vào ngày 5 tháng 8 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1342 QĐ-TTg về việc Thành lập Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia, với mục tiêu hỗ trợ tài chính cho việc phát triển công nghệ mới.[178] Tuy nhiên, Quỹ chỉ chính thức  mở cửa  vào ngày 16 tháng 6 năm 2015.[179] Cho đến nay, không có dấu hiệu cho thấy Quỹ này có bất kỳ chức năng nào trong việc giúp các doanh nghiệp thay thế công nghệ cũ bằng công nghệ tiên tiến.

Ngân hàng Thế giới cũng có dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam ( VEEIE ). [180] Tuy nhiên, dường như chương trình này không đến được với phần lớn các công ty Việt Nam.

Dù sao , việc chính phủ cấp vốn trực tiếp cho doanh nghiệp không phải là một giải pháp khả thi, bởi vì nhu cầu cải tiến của doanh nghiệp quá lớn, chính phủ khó có thể đáp ứng hết, hơn nữa các thủ tục phức tạp liên quan đến chính phủ và ngân hàng sẽ tự động loại trừ phần lớn các doanh nghiệp nhỏ.

Chúng ta cần các giải pháp đơn giản hơn để giúp mọi doanh nghiệp trong nước.

Đề xuất

Chúng tôi đề xuất (1) chương trình ưu đãi tín dụng thuế và (2) khấu hao ngắn hạn, để khuyến khích tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị, máy móc tiên tiến hiệu quả hơn, và cải tiến nhà máy

Tín dụng thuế là tín dụng tức thời được áp dụng đối với nghĩa vụ thuế phải nộp (tại thời điểm cuối năm). Tín dụng này nên là một tỉ lệ phần trăm nhất định của chi phí thiết bị, máy móc và cải tạo nhà máy. Tín dụng chưa sử dụng nên được phép chuyển sang các năm sau. Tín dụng thuế này hoạt động như một cách đơn giản mà chính phủ cấp một phần vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào các thiết bị cơ sở hạ tầng tiên tiến, tiết kiệm năng lượng.

Thời gian khấu hao cho máy móc thiết bị hiệu quả năng lượng hoặc cải tạo nhà máy nhằm phục vụ nghiệp vụ kế toán cũng nên được rút ngắn xuống còn 1/3 thời gian khấu hao thông thường. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp thu hồi chi phí trong thời gian ngắn hơn nhiều.

Hai biện pháp này, nếu đi cùng nhau, sẽ giúp các doanh nghiệp đang bị thiếu vốn  đạt được một số lợi thế tài chính để cải tiến doanh nghiệp của họ, trong khi thực sự chi phí cho chính phủ không có gì khác ngoài khoản thuế thu về thấp hơn một ít. Những giải pháp này giống như một thao tác kế toán hơn là giao dịch tiền mặt thực.

Hai biện pháp này có thể  tiếp cận tất cả các doanh nghiệp trong nước, mà không có bất kỳ rào cản nào về thủ tục hoặc quy định. Hiệu quả năng lượng là một vấn đề của mọi doanh nghiệp trong cả nước, do đó chúng ta cần một giải pháp có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả doanh nghiệp.

V. Ngành giao thông vận tải

Ngành giao thông vận tải đóng một vai trò quan trọng trong sử dụng và hiệu quả năng lượng. Thu nhập tăng và tăng trưởng kinh tế mạnh dẫn đến việc cơ giới hóa nhanh chóng ở Việt Nam: Đất nước có khoảng 96 triệu dân cũng là nơi có gần 40 triệu phương tiện, trong đó có 35 triệu xe máy. Trong khi sở hữu ô tô vẫn còn tương đối thấp ở Việt Nam, do thu nhập tăng, ô tô đang nhanh thay thế xe máy, đặc biệt là tại các thành phố lớn nhất như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉ phần phương thức giao thông công cộng vẫn thấp, một phần do mạng lưới giao thông phát triển kém, và một phần do sự thuận tiện và giá xe máy hai bánh phù hợp với đa số.

Nhờ thành công kinh tế và hội nhập nhanh chóng với thương mại quốc tế, vận tải hàng hóa tại Việt Nam đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng vượt trội trong những năm gần đây. Đường ven biển dài và mạng lưới đường thủy nội địa rộng lớn của Việt Nam đã được sử dụng rộng rãi cho việc vận chuyển hàng hóa; tuy nhiên, tỉ lệ vận chuyển vận tải đường thuỷ đang giảm dần so với vận tải đường bộ.[181]

Theo Báo cáo nghiên cứu của Ngân Hàng Thế giới về Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong ngành giao thông vận tải – Tập 1: Lộ trình hướng tới vận tải phát thải các-bon thấp, kịch bản phát triển thông thường ( BAU ) gồm tất cả các chính sách và can thiệp đã được ban hành cho đến năm 2014 (năm mốc trong nghiên cứu), nhưng không có triển khai thêm các chính sách và biện pháp tiếp theo nhằm mục đích giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Kết quả cho thấy trong năm 2014 ở điều kiện BAU, lượng khí thải CO2 của ngành giao thông vận tải tăng từ 33,2 triệu tấn CO2 năm 2014 lên 89,1 triệu tấn vào năm 2030. Trong suốt giai đoạn này, vận tải đường bộ là nguồn phát thải lớn nhất với 26,4 triệu tấn CO2 trong năm 2014 và tăng lên 71,7 triệu tấn vào năm 2030. Điều này một phần do tỉ trọng vận tải đường bộ tương đối cao, vận chuyển 94% hành khách và 76% tấn hàng hóa, đồng thời cũng có mức tiêu thụ nhiên liệu cao trên mỗi hành khách-km hoặc tấn hàng hoá-km vận chuyển so với vận tải đường thủy hoặc đường sắt.[182]

Theo các chính sách và biện pháp cơ bản nhất trong giảm thiểu dự kiến các-bon ​​trong Chiến lược Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam và có thể được thực hiện bằng các nguồn lực trong nước, hầu hết các biện pháp vẫn sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn các chi phí kinh tế. [183] Các biện pháp cơ bản bao gồm (1) chuyển đổi sang sử dụng giao thông công cộng chỉ ở các thành phố lớn để đạt chỉ tiêu đề ra trong Quy hoạch Tổng thể; (2) cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong phương tiện và công nghệ phát thải; (3) chuyển đổi sang nhiên liệu Các-bon thấp hơn (khí thiên nhiên nén CNG được sử dụng cho 623 xe buýt đô thị, ethanol E5 40% xăng có lượng xăng bán ra bằng với năng lực sản xuất ethanol hiện nay là 145,000 m3; (4) khuyến khích sử dụng xe đạp/xe máy điện; và (5) chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy nội địa và ven biển.[184]

Kết hợp các biện pháp này sẽ làm giảm lượng phát thải CO2 của ngành GTVT vào năm 2030 từ 89,1 xuống còn 81,1 triệu tấn; giảm 9% so với kịch bản thông thường. Các chính sách và biện pháp giúp tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho phương tiện có tiềm năng tạo ra kết quả giảm phát thải khí nhà kính cao nhất, ở mức 5,1 triệu tấn CO2. Các phương án khác như chuyển đổi phương thức từ đường bộ sang đường thủy, từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng cũng như sử dụng các loại xe điện cũng góp phần rất lớn cho quá trình này [185]

Hầu hết các biện pháp giảm thiểu đều mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn so việc các chi phí kinh tế cho việc cải thiện hiệu quả năng lượng của ngành Giao thông vận tải dẫn đến các chi phí biên giảm xuống âm. Việc chuyển đổi phương thức từ đường bộ sang vận tải đường thủy sẽ mang lại hầu hết các lợi ích kinh tế, tiếp theo là giới thiệu các công nghệ xe có khí thải thấp hơn như xe điện, xe buýt CNG và các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu chặt chẽ hơn. Trong giai đoạn 2014 – 2050, tất cả các biện pháp ngoại trừ phát triển metro và xe buýt nhanh (BRT) đều có chi phí biên âm, cho thấy hiệu quả kinh tế mạnh trong quá trình thực hiện.[186]

Dự báo tăng trưởng trong lĩnh vực giao thông vận tải theo kịch bản thông thường

 Lượng phát thải của ngành GTVT theo kịch bản thông thường dự kiến sẽ tăng lên cùng nhu cầu di chuyển và cơ giới hóa ngày càng tăng. Dựa trên các giả định về tăng trưởng dân số và kinh tế, lưu lượng hành khách-km vận chuyển (passenger-km traveled – PKT) dự kiến sẽ tăng với tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,9% trong giai đoạn 2014-2030. Tỉ lệ giữa các phương thức giao thông vẫn tương đối ổn định trong suốt giai đoạn dự báo: vận tải đường bộ chiếm 94% PKT vào năm 2030, mặc dù tỉ lệ PKT thương mại có tăng so với PKT cá nhân; PKT vận tải hàng không duy trì ở mức khoảng 4% trên tổng PKT. Số tấn hàng hóa-km vận chuyển (Freight ton-km traveled – FTKT) dự kiến sẽ tăng với tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,9%. Vận tải ven biển chiếm 55% FTKT, trong khi đường bộ và đường thủy chiếm lần lượt 23% và 21%.[187]

Vận tải đường bộ.

Vận tải đường bộ là một trong những phương thức chủ yếu ở Việt Nam và cũng là phương thức phát triển rất nhanh. Cơ sở hạ tầng đường bộ nhận được tỉ lệ lớn nhất trong phân bổ tài trợ công và chiều dài đường bộ đã tăng gấp bốn lần trong 2 thập kỷ qua; tỉ lệ cơ giới hóa ở Việt Nam đang tăng rất nhanh, mặc dù vẫn ở mức khiêm tốn so với các nước thu nhập cao hơn. Dựa trên các giả định về tăng trưởng dân số và kinh tế, tổng số km đi bằng phương tiện giao thông đường bộ dự báo sẽ tăng từ 212,7 tỉ km mỗi năm trong năm 2014 lên tới 476,4 tỉ km mỗi năm vào năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,2%. Trong tổng số km di chuyển, xe máy chiếm 60%, ô tô con chiếm 23%, xe tải và xe khách dịch vụ chiếm 10%.

Tổng số phương tiện giao thông đường bộ dự báo sẽ tăng với tốc độ hàng năm trung bình là 6,5% trong cùng kỳ, trong đó có sự khác biệt lớn ở từng loại xe, từ 3,0% mỗi năm cho xe máy (chạy bằng xăng) và 6,5% cho xe thương mại hạng nặng, đến 13,3% cho xe ô tô con.[188]

Năm 2014, xe máy chiếm 94% tổng số phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam. Tỉ lệ này dự kiến sẽ giảm còn 81% năm 2030. Ô tô con chiếm tỉ lệ lớn thứ hai và dự báo sẽ tăng từ 1 triệu chiếc năm 2014 đến 7,1 triệu chiếc năm 2030. Đến năm 2030, tỉ lệ xe điện trong tổng số phương tiện sẽ tiếp tục ở mức thấp, chỉ đạt 2,5% thị phần xe tư nhân. Xe thương mại hạng nhẹ ( Light commercial vehicles – LCV ), chủ yếu là xe tải nhỏ, dự báo sẽ tăng lên 47% vào năm 2030. Số lượng xe thương mại hạng nặng ( HCV ) để chở hàng hóa và chở khách sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2030. Năm 2014, xe tải cỡ trung bình (7-16 tấn) chiếm 28% tổng số lượng xe HCV và dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2030.[189]

Vận tải đường thủy nội địa và ven biển.

Vận tải đường thủy nội địa Việt Nam (VTĐTNĐ) đã tăng trưởng đáng kể trong những năm vừa qua, trở thành một hoạt động sôi động, có ý nghĩa chiến lược đối với hệ thống giao thông vận tải Việt Nam. Phương thức này giúp vận chuyển gần 1/6 tổng hàng hóa vận chuyển trong nước1 và gần 80% khối lượng luân chuyển hàng hóa (tấn-km) được vận chuyển bằng đường bộ.

Lượng luân chuyển hành khách bằng đường thủy nội địa dự kiến sẽ tăng từ 2,9 tỉ hành khách-km trong năm 2014 lên 6,2 tỉ hành khách-km vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,7%

Phần lớn tàu và xà lan (92%) đều nhỏ, công suất dưới 100 HP. Đường thủy nội địa đã vận chuyển 40,1 tỉ tấn-km trong năm 2014. Lượng luân chuyển hàng hóa dự kiến sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 9,0%, đạt 127,8 tỉ tấn-km vào năm 2030. Các tàu lớn có sức tải dưới 1.500 tấn chiếm 94% số lượng tàu hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa.

Vận chuyển hàng hóa bằng vận tải ven biển dự kiến sẽ tăng từ 130 tỉ tấn-km trong năm 2014 lên tới 338,4 tỉ tấn-km vào năm 2030; tàu được sử dụng trong vận tải ven biển dự kiến đa số sẽ là tàu lớn (64%) với sức tải hơn 1.000 tấn.[190]

Hàng không nội địa.

Hàng không là một lĩnh vực đang lớn nhanh với nhiều hoạt động. Số hành khách-km đã vận chuyển bằng hàng không dân dụng nội địa đã tăng với cấp số nhân từ 4,4 tỉ PKT năm 2000 lên tới 11,0 tỉ PKT trong năm 2014 và dự kiến sẽ tăng lên 36,5 tỉ PKT vào năm 2030. Mặc dù hiện chưa có dịch vụ vận chuyển hàng hóa chuyên dụng bằng đường hàng không, lượng luân chuyển hàng hóa trên máy bay chở khách dự kiến sẽ tăng từ 0,1 tỉ tấn-km trong năm 2014 lên 0,7 tỉ tấn-km vào năm 2030.[191]

Đường sắt.

Vận tải đường sắt ở Việt Nam chiếm tỉ lệ PKT và FTKT nhỏ và đang giảm dần, phần lớn do tình trạng cơ sở hạ tầng lịch sử cũ ngày càng xuống cấp, dịch vụ tốc độ thấp và sức tải thấp. Số hành khách-km di chuyển bằng đường sắt là 4,4 tỉ hành khách-km trong năm 2014 và dự kiến sẽ tăng lên 7,1 tỉ hành khách-km vào năm 2030. Số tấn hàng hóa km vận chuyển bằng đường sắt là 4,3 tỉ tấn-km trong năm 2014, giảm dần trong năm 2015 và 2016 xuống còn 3,1 tỉ tấn-km.

Tuy vậy, dự báo cho thấy FTKT đường sắt sẽ đạt 8,5 tỉ tấn-km vào năm 2030.[192]

Kịch bản giảm thiểu phát thải cơ bản nhất, chỉ sử dụng nguồn lực trong nước (sau đây gọi tắt là  Kịch bản cơ bản nhất ) [193]

  1. Sử dụng năng lượng hiệu quả: Tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu hiệu quả và phát thải cho phương tiện mới
  2. Chuyển đổi vận tải hành khách đường bộ sang đường thuỷ nội địa
  • Xe buýt: cải thiện ở 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ).
  • BRT (Xe buýt nhanh): 4 tuyến mới tại 3 thành phố – Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh (2 tuyến).
  • Metro: 3 tuyến tại 2 thành phố (Hà nội 2 tuyến, Hồ Chí Minh 1 tuyến).
  1. Chuyển đổi phương thức từ đường bộ:
  • Chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hoá từ đường bộ sang đường thuỷ nội điạ ( inland waterways – IWW )
  • Đến năm 2020: Khối lượng vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa tăng từ 65 (kịch bản thông thường) lên 71.2 tỉ tấn-km (tăng từ 22.6% tổng khối lượng hàng hoá vận tải); tỉ lệ vận tải đường bộ giảm từ 23% xuống còn 19.1%.
  • Đến năm 2030: Khối lượng hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa tăng từ 127,8 tỉ tấn-km lên 128,8 tỉ tấn-km (tăng từ 20,6% lên 20,8% tổng khối lượng).
  • Chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hoá từ đường bộ sang vận tải ven biển
  • Khối lượng hàng hóa vận tải bằng đường bộ chuyển đổi sang đường biển, cùng lúc,
  •  được cho là bằng với khối lượng hàng hóa vận tải từ đường bộ chuyển đổi sang đường thủy nội địa
  1. Thay đổi nhiên liệu
  • Khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (E5/E10): Xăng E5 chiếm 40% tổng lượng xăng bán ra (Có một hạn chế về nguồn cung đối với ethanol là 145.000 mét khối mỗi năm và nhu cầu vận chuyển không vượt quá con số này).
  • Khuyến khích sử dụng xe máy điện: Xe máy điện chiếm 7% tổng lượng xe máy bán ra
  • Khuyến khích sử dụng xe buýt CNG: 623 xe buýt CNG: 423 xe ở TP. HCM; 200 xe ở Hà Nội

Các kết quả dự kiến đối với Kịch bản cơ bản nhất

Các biện pháp trên sẽ giảm mức tiêu thụ nhiên liệu dự báo theo Kịch bản cơ bản nhất so với kịch bản thông thường. Trong đó lượng xăng tiêu thụ theo Kịch bản cơ bản nhất sẽ giảm 13% vào năm 2025 và 22% vào năm 2030. Bởi vận tải hành khách bằng phương tiện cá nhân được dự báo sẽ chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, BRT và metro. Việc chuyển đổi từ phương tiện nhiên liệu hóa thạch sang xe điện (xe máy điện, xe buýt điện) cũng đóng góp giảm tiêu thụ xăng dầu, nhờ đó giảm phát thải CO2 so với kịch bản thông thường. (Tuy vậy, lưu ý rằng phát thải do sản xuất điện không bao gồm trong phần phân tích này của ngành GTVT).[194]

Ưu đãi tài chính cho xe điện và các phương tiện có lượng phát thải thấp

Khi chúng ta khuyến khích đất nước chuyển sang các phương tiện giao thông phát thải thấp, động lực hiệu quả nhất sẽ là sử dụng các biện pháp ưu đãi tài chính cho các nhà sản xuất (và do đó tạo động lực cho người tiêu dùng) của các phương tiện phát thải thấp, như xe máy điện, xe hơi điện, xe buýt CNG.

Năm 2016, Quốc hội thông qua Luật số 106/2016/QH13 cung cấp mức thuế VAT ưu đãi cho ô tô điện, với mức thấp nhất là 5% đối với xe điện có 10 đến 16 chỗ ngồi, tỉ lệ này là 150% cho một xe động cơ đốt thông thường.[195]

Luật này cần được sửa đổi thêm để cung cấp mức thuế VAT ưu tiên tương tự cho xe máy điện, các phương tiện điện khác và các phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, như xe buýt CNG.

Ưu đãi cho trạm sạc xe máy điện

Hiện tại không có trạm sạc công cộng cho xe điện ở Việt Nam. Hầu hết việc sạc điện được thực hiện tại nhà và đôi khi tại một số điểm du lịch. Việc thiếu một hệ thống sạc công cộng sẽ cản trở sự phát triển của xe điện. Rõ ràng, khi xe điện trở nên phổ biến hơn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sẽ bước vào thị trường để lấp đầy khoảng trống dịch vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cần có một số sáng kiến ​​để khuyến khích sử dụng xe điện.

Vì hầu hết người Việt Nam lái xe máy đi làm, nếu mỗi nơi làm việc có một số trạm sạc miễn phí cho nhân viên của mình, việc sắp xếp như vậy có thể khuyến khích nhiều người sử dụng xe máy điện hơn. Chính phủ có thể giúp tăng tốc quá trình này bằng cách sử dụng  tín dụng thuế tiết kiệm năng lượng  và  thời hạn khấu hao ngắn hơn  dành cho các trạm sạc xe điện, tương tự với các giải pháp đã được nhắc đến trong phần IV về  Hiệu quả Năng lượng .

Tín dụng thuế dành cho hiệu quả năng lượng sẽ góp phần giảm thuế cho doanh nghiệp khi họ đầu tư vào các trạm sạc miễn phí cho nhân viên của mình. Ngoài ra, các trạm sạc này nên có thời gian khấu hao ngắn hơn đáng kể so với thời gian khấu hao thông thường của việc  công trình  hoặc  cải tạo công trình , để cho phép doanh nghiệp thu hồi chi phí nhanh hơn.

Phối hợp vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển với du lịch

Việt Nam đang đẩy mạnh du lịch đường thủy nội địa (du lịch sông nước). Ở Đồng bằng sông Cửu Long, hầu như thành phố nào cũng tổ chức một số hình thức du lịch đường sông.[196] Ví dụ, Cần Thơ có nhiều nơi để nghe Đờn ca tài tử trên sông nước, hoặc thăm chợ nổi Cái Răng, hoặc du ngoạn miền quê bằng thuyền qua nhiều sông rạch.[197] Hồ Chí Minh có nhiều tour du lịch bằng thuyền. Huế có tour đi thuyền tham quan các địa danh lịch sử dọc sông Hương. Hà Nội cũng có các tour du lịch bằng thuyền thăm quan các địa điểm nổi tiếng dọc sông Hồng… Việt Nam cũng đang làm việc với Tổ chức Du lịch Thế giới và các nước Mekong để phát triển du lịch trên sông Mekong.[198] Ngoài ra, mọi tỉnh thành ở Việt Nam đều nói về  du lịch đường sông . [199]

Rõ ràng là du lịch đường thủy nội địa và vận tải thủy nội địa nói chung có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp chung để hỗ trợ lẫn nhau vì một mục tiêu chung: tăng cường giao thông đường thủy nội địa. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hợp tác để phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông đường thủy nội địa.

Cả hai Bộ cũng nên hợp tác để phát triển vận tải biển ven biển cho cả vận tải hàng hóa và du lịch theo hướng tương tự. Ngành công nghiệp du lịch đã bỏ qua phân khúc du lịch ven biển. Du lịch và vận tải nói chung cần kết hợp với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.

Đề xuất

Với những lý do và phân tích trên, chúng tôi có các đề xuất sau đây:

  1. Việt Nam cần áp dụng kịch bản giảm thiểu các-bon cơ bản của Ngân hàng Thế giới cho lĩnh vực giao thông vận tải như đã đề cập. Kịch bản cơ bản này bao gồm các yếu tố đã có trong các quy hoạch giao thông của Việt Nam, trên thực tế một số trong đó đang được thực hiện. Kịch bản cơ bản cũng phù hợp với khả năng tài chính của Việt Nam, không cần phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
  2. Quốc hội cần sửa đổi Luật số 106/2016/QH13 để giảm tối đa thuế GTGT (từ 5% trở xuống) đối với tất cả xe máy điện, ô tô điện và các phương tiện giao thông công cộng ít phát thải.
  3. Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp cung cấp cho nhân viên của mình các trạm sạc miễn phí cho xe máy điện, bằng cách cho doanh nghiệp khấu trừ thuế tiết kiệm năng lượng và rút ngắn thời hạn khấu hao cho khoản đầu tư của doanh nghiệp vào các trạm sạc.
  4. Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển vận tải đường thủy nội địa và đường biển ven biển.

Kết Luận

Thông qua bài báo này, chúng tôi đề xuất các giải pháp kỹ thuật khác nhau cho nhiều vấn đề của ngành năng lượng Việt Nam sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Các giải pháp sẽ không nhắc lại trong kết luận này. Thay vào đó chúng tôi muốn nhắc đến điểm cơ bản nhất trong hợp tác quốc tế ở Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN

Vành đai Con đường  là một sáng kiến xuất sắc cho thế giới. Sáng kiến này xứng đáng nhận được hỗ trợ để có thể vận hành, cho lợi ích của toàn thế giới. Để Sáng kiến có thể thành công tất cả các quốc gia tham gia cần phải có khả năng làm việc và sống trong hòa hợp và những hiểu biết chung. Quan hệ và thông tin tốt giữa các chính phủ cũng như hiểu biết chung, tôn trọng và tình bằng hữu giữa người dân của tất cả các nước tham gia là cần thiết để Sáng kiến có thể phát triển. Xây dựng hòa hợp và quan hệ tốt là nền tảng của thành công.

Vấn đề địa chính trị quan ngại ở khu vực Biển Đông (biển Nam Trung Hoa) đã từ lâu là một điểm rất tối bao trùm khu vực biển Đông, và điểm tối này có khả năng ngăn cản tiến triển của Vành Đai Con Đường và tầm nhìn xuất sắc của Sáng Kiến. Tất cả các chính phủ liên quan, gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước ASEAN, do đó, cần dành ưu tiên số một cho xây dựng hoà bình và hoà hợp trong khu vực trên lộ trình phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia

 Nguyên bản bài viết tiếng Anh T.S Đào Thu Hằng.

Chuyển ngữ tiếng Việt bởi Th.S Vương Thảo Vy, NCS Nguyễn Thu Trang và Ms. Thiều Linh. Hiệu đính Luật sư, T.S Luật Trần Đình Hoành.

Danh sách tài liệu tham khảo và trích dẫn

  1. Information in this section, except the 2nd paragraph and some places with specific citations, is largely from the “World Bank in Vietnam” page, https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/overview (accessed May 4, 2020)
  2. Burden of Disease from Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia, Shannon N. Koplitz et al, (2017), Environmental Science & Technology, 51, 1467−1476. DOI: 10.1021/acs.est.6b03731, https://pubs.acs.org/doi/pdf/10.1021/acs.est.6b03731 (accessed June 20, 2020); Modeling of Air Pollution and Assessing Impacts of Air Pollution on Human Health: Tra Vinh, Vietnam, Quoc Bang Ho et al (2019), International Journal of Environmental Science & Natural Resources. 19(3): 556011. DOI:10.19080/IJESNR.2019.19.556011, https://juniperpublishers.com/ijesnr/IJESNR.MS.ID.556011.php (accessed June 20, 2020).

3. Climate Change Impact and Adaptation Study in the Mekong Delta, Asian Development Bank (2011), https://www.adb.org/projects/documents/climate-change-impact-and-adaptation-study-mekong-delta-final-report (accessed June 19, 2020); Vietnam Environment and Climate Change assessment, Asian Development Bank, (2013), https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/33916/files/viet-nam-environment-climate-change.pdf (accessed June 19, 2020); The third National Communication of Vietnam to the

United Nations Framework Convention on Climate Chance, Ministry of Environment and Natural Resources (2019), https://www4.unfccc.int/sites/SubmissionsStaging/NationalReports/Documents/260315_Viet%20Nam-NC3-2-Viet%20Nam%20-%20NC3.pdf (accessed June 19, 2020).

4. World Bank data 2014, CO2 emission per capita, https://data.worldbank.org/indicator/EN.ATM.CO2E.PC?locations=VN (accessed June 19, 2020)

5. Pathway to Low-carbon Development for Vietnam, Asian Development Bank (2017), https://www.adb.org/sites/default/files/publication/389826/pathways-low-carbon-devt-viet-nam.pdf (accessed June 19, 2020).

6. Intended Nationally Determined Contribution of Vietnam, p. 1,  https://www.umweltbundesamt.de/sites/default/files/medien/1410/publikationen/2017-10-26_climate-change_25-2017_country-report-vietnam.pdf (accessed May 4, 2020).

7. Id., p. 2.

8. Implementation of Nationally Determined Contribution: Vietnam Country Report, Environmental Research of the [Germany’s] Federal Ministry for the Environment, Nature Conservation, Building and Nuclear Safety Change, (Climate Change 25/2017), p.14.  

9. By 2030 the energy sector is expected to represent 80% of total emissions (excl. LULUCF). Nevertheless, within the NDC the sector is only expected to contribute 4.4% of the total reduction for the unconditional target and 9.8% to the conditional target. Id.

[1] 10. Supra, note 8, p. 14.

11. Id.

12. Id.

13. Reviewing Vietnam Nationally Determined Contribution: A News Perspective Using the Marginal Cost of Abatement, D. Carbonari, G. Grosjean, P. Läderach, Tran Dai Nghia, B. Justin McKinley, L. Sebastian and J. Tapasco (“Carbonari et al.”), p. 2 (April 10, 2019), https://www.researchgate.net/publication/332325101_Reviewing_Vietnam’s_Nationally_Determined_Contribution_A_New_Perspective_Using_the_Marginal_Cost_of_Abatement (asscessed May 4, 2020).

14. Implementation of Nationally Determined Contribution: Vietnam Country Report, Environmental Research of the [Germany’s] Federal Ministry for the Environment, Nature Conservation, Building and Nuclear Safety Change, (Climate Change 25/2017), p.14.  

15. Id.

16. Id., p. 20.

17. Business responses to climate change: strategies for reducing greenhouse gas emissions in Vietnam, Binh Hoang Duc, Journal of Asia Pacific Business Review Volume 23, 2017 – Issue 4, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/13602381.2016.1212557 (accessed June 19, 2020).

18. Low Carbon Pathways for Growth and Sustainability in Vietnam Energy Transition Strategies Clean Industry: Renewable Energy in Manufacturing, Rachel Posner Ross & Evan Scandling, Allotrope Partners,  Clean Energy Investment Accelerator, (2020 Discussion draft for Project’s Workshop on Energy Transitions: Low-Carbon Pathways for Growth and Sustainability, Centre for Strategic and International Studies, https://www.csis.org/programs/energy-security-and-climate-change-program/projects/energy-transitions-low-carbon-pathways (accessed June 19, 2020); Direct Power Purchase Agreements (DPPA): a new policy will allow businesses in Vietnam to procure electricity directly from private firms producing renewable energy and enable them to power their operations. The DPPA pilot is awaiting Vietnam Prime Minister’s official approval as of May 2020. Over the past several years, over 30 large international and domestic businesses represented by the Renewable Energy Buyers Working Group Vietnam hosted by USAID and CEIA Vietnam – Clean Energy Investment Accelerator have been supporting this effort. See https://www.usaid.gov/vietnam/press-releases/jun-12-2019-vietnam-releases-direct-power-purchase-agreement-policy (accessed June 19, 2020).

[1] 19. An Up-and-Coming Clean Energy Leader?  Alex Pereira, 2018, World Resource Institute Vietnam. See

https://www.wri.org/blog/2018/02/vietnam-and-coming-clean-energy-leader (accessed June 19, 2020).

20. MRV for CTF-Funded Projects in the Energy and Transport Sectors: Linkage to the NDC and Implementation of the Paris Agreement in Viet Nam, Department of Climate Change, VN Ministry of Natural Resources and Environment & Asian Development Bank (2019). The technical assistance of this project will serve as a pilot to demonstrate how a project-based MRV (“Monitor, Reporting & verification”) can be part of the to-be designed national/sectoral systems. See

https://www.adb.org/sites/default/files/related/166556/cop25-viet-nam-monre-event-flyer.pdf (accessed June 19, 2020).

21. Inception workshop “Mainstreaming Climate Change Mitigation into National Infrastructure”, Ministry of Natural Resources and Environment, March 2019. See http://www9.monre.gov.vn/monre_portlet/mvnplugin/mvncms/cds/portlet/news/detailnews/print.jsp?contentid=184293 (accessed June 19, 2020).

22. The Emission Factor calculation methodology for Vietnam electricity power grid followed the UNFCCC Tool to calculate the emission factor for an electricity system. See UNFCCC/CCNUCC-CDM-Executive Board, EB 100 Report, Annex 04, Methodological tool-version 07.0 (08/2018).

23. Emission Factor of power grid in Vietnam 2015, calculated by Department of Climate Change, Vietnam Ministry of Environment. See http://www.dcc.gov.vn/van-ban-phap-luat/1053/He-so-phat-thai-luoi-dien-Viet-Nam-2017.html (accessed June 19, 2020).

24. Emission Factor of power grid in Vietnam 2017. See http://dcc.gov.vn/van-ban-phap-luat/1059/Nghien-cuu,-xay-dung-he-so-phat-thai-(EF)-cua-luoi-dien-Viet-Nam-(K%C3%A8m-CV-263/BDKH).html (accessed June 19, 2020).

 25. Carbon footprint country specific electricity grid greenhouse gas emission factors last updated June 2019. See  https://www.carbonfootprint.com/docs/2019_06_emissions_factors_sources_for_2019_electricity.pdf (accessed June 19, 2020).

26. Report of the development status of Industrial parks and economic zones, Ministry of Planning and Investment, 2019. See http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43533&idcm=207 (accessed June 19, 2020).

[ 27. Vietnam Energy Map, https://www.jetro.go.jp/ext_images/jfile/report/07000429/vn_energy_map.pdf (accessed June 19, 2020).

28. The climate mitigation opportunity behind global power transmission and distribution: By reducing T&D losses, not only may compensatory emissions be reduced, but more electricity from low-carbon power-plant investments may reach the intended consumers, Kavita Surana & Sarah M. Jordaan: Nature Climate Change,  9, pages 660–665(2019), See https://www.nature.com/articles/s41558-019-0544-3 (accessed June 19, 2020).

29. The Ministry of Finance Annual Reports from 2011 – 2018 (2019). See https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/cddh/sltk/thhdttbh4?centerWidth=100%25&leftWidth=0%25&rightWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrl-state=go6bfuryh_766&_afrLoop=102559472818857585 (accessed June 19, 2020).

30. Ministry of Finance, 2019. The Ministry of Finance Annual Report for 2017. See https://www.mof.gov.vn/webcenter/plugin/magazine?dDocName=MOFUCM145089&dID=151186 (accessed June 19, 2020).

31. Open Development Vietnam, 2018. Update ODA status. See https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/aid-and-development/#ref-2670496-16 (accessed June 19, 2020).

32. Decree on the management of expenditure of ODA and low-interest foreign loans, Ministry of Planning and Investment (2019), http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=44212&idcm=140 (accessed June 19, 2020); Ministry of Finance, 2018, Mobilize ODA for climate change adaptation and environmental protection, Ministry of Finance (2018), https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/r/o/ttsk/ttsk_chitiet?dDocName=UCMTMP130628&_adf.ctrl-state=17fbpgqwa2_4&_afrLoop=102559525506287452 (accessed June 19, 2020); Distribution of ODA to Climate Change adaptation, Ministry of Finance (2018), https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/k/o/vdqhqt/vdqhqt_chitiet?dDocName=MOFUCM137607&_afrLoop=98322580255549155 (accessed June 19, 2020).

33. Vietnam Economy 2018 and 2019 Prospect, National Economics University, https://khoahoc.neu.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/khoahoc/h%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o/qu%E1%BB%91c%20gia/Ky%20yeu%20KTVN%202018/19.TS.%20Nguy%E1%BB%85n%20Th%E1%BB%8B%20V%C5%A9%20H%C3%A0..pdf (accessed June 19, 2020).

34. Id. See also Vai trò của ODA trong Phát triển Cơ sở Hạ tầng Kinh tế ở Việt Nam và Những Vấn đề Đặt Ra (The role of ODA in development of infrastructures in Vietnam and the incurring problems), Dr. Nguyen Thi Vu Ha, University of Economics, National University (2019), https://khoahoc.neu.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/khoahoc/h%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o/qu%E1%BB%91c%20gia/Ky%20yeu%20KTVN%202018/19.TS.%20Nguy%E1%BB%85n%20Th%E1%BB%8B%20V%C5%A9%20H%C3%A0..pdf (accessed June 19, 2020).

35. Finance Statistic Yearbook 2018, Ministry of Finance (2019),  https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/cddh/sltk/thhdttbh46/ngtk_chitiet?dDocName=MOFUCM170541&_adf.ctrl-state=17yupbmhgi_151&_afrLoop=102559638024425302 (accessed June 19, 2020).

36. Written statement of the Ministry of Finance in response to the request by Hau Giang province to continue to prioritize  ODA to EVN, https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/k/o/vdqhqt/vdqhqt_chitiet?dDocName=MOFUCM151530&dID=158146&_afrLoop=102559649279485687 (accessed June 19, 2020); EVN discussed with French AFD on the potential loan from AFD without government guarantee, National Power Transmission corporation (2017), http://www.npt.com.vn/d6/vi-VN/news/Vay-khong-bao-lanh-Chinh-phu-Them-mot-giai-phap-thay-the-cho-nguon-von-vay-ODA-truyen-thong-dang-ngay-cang-bi-han-che-va-thu-hep-6-355-3339 (accessed June 19, 2020).

37. Monthly FDI report from 2014 – 2018, Ministry of Planning and Investment (2019), https://dautunuocngoai.gov.vn/ChuyenMuc/172/So-lieu-FDI-hang-thang (accessed June 19, 2020);  The Ministry of Finance Annual Report for 2017 (2019), https://www.mof.gov.vn/webcenter/plugin/magazine?dDocName=MOFUCM145089&dID=151186 (accessed June 19, 2020).

 38. 30 years of FDI in Vietnam, 1988 – 2018, Ministry of Planning and Investment (2018), http://trungtamwto.vn/chuyen-de/12063-30-nam-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam# (accessed June 19, 2020); Strategy to Invite FDI in the New Ages, Ministry of Planning and Investment (2018), https://dautunuocngoai.gov.vn/_layouts/fiaportal/uploads/content/Documents/D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%20Chi%E1%BA%BFn%20l%C6%B0%E1%BB%A3c%20thu%20h%C3%BAt%20FDI%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n%202018-2030.pdf (accessed June 19, 2020).

39. Vietnam Maritime Administration (2019), Ministry of Transport, http://vinamarine.gov.vn/vi/tin-tuc/xa-hoi-hoa-dau-tu-cang-bien-huong-di-chien-luoc (accessed June 19, 2020).

40. General Statistics of Vietnam, 2019. See http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=716 (accessed June 19, 2020).

Strategy to Invite FDI in the New Ages, Ministry of Planning and Investment (2018), https://dautunuocngoai.gov.vn/_layouts/fiaportal/uploads/content/Documents/D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%20Chi%E1%BA%BFn%20l%C6%B0%E1%BB%A3c%20thu%20h%C3%BAt%20FDI%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n%202018-2030.pdf (accessed June 19, 2020).

41. Nghị quyết 50/2019/NQ-TW (Resolution 50/2019/NG-TW) Orientation to Improve scheme, policies, quality and effectiveness of attracting and using FDI in Vietnam toward 2030, VCP Politburo   http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-50-nqtw-ngay-2082019-cua-bo-chinh-tri-ve-dinh-huong-hoan-thien-the-che-chinh-sach-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-5629 (accessed June 19, 2020).

 42. Addressing Climate Change in Transport: Volume 1: Pathway to Low-Carbon Transport, World Bank (2019). The study is in the present technical assistance, the World Bank and GIZ collaborated with the Ministry of Transport to inform Vietnam’s future NDC modification through the selection and prioritization of policies and measures that mitigate GHG emissions. The activities and outputs included the development of a detailed GHG emissions inventory for the transport sector; scenario based, bottom-up analysis of transport activities and resultant emissions from a base year of 2014 to 2030 and beyond to 2050,  http://documents.worldbank.org/curated/en/581131568121810607/Volume-1-Pathway-to-Low-Carbon-Transport (accessed June 19, 2020).

43. However, in the Transport section in this paper, we recommend that Vietnam adopt the most basic scenario (Mitigation Scenario 1) from the World Bank study, using only domestic resources and containing many elements already in the work in Vietnam.

 44. JICA press release, August 28th 2012: Construction of the Ho Chi Minh City Urban Railway Construction Project Line 1 was kicked off today in Ho Chi Minh City (with the presence of Deputy Prime Minister Hoang Trung Hai, Secretary of HCM City Party Committee Mr. Le Thanh Hai, Chairman of HCM City People Committee Mr. Le Hoang Quan, and JICA Vice President Mr. Hiroto ARAKAWA),  https://www.jica.go.jp/vietnam/office/information/press/ku57pq00001t366q-att/201208_01e.pdf. See also Website Management Authority for Urban Railway in Hochiminh City, http://maur.hochiminhcity.gov.vn/web/en/home (accessed June 19, 2020).

[1] 45. Implementation Report on the Project for Support on Set up of Operation & Maintenance Company of Urban Railways in HCMC, Management Authority for Urban Railways in HCMC (MAUR), Japan International Cooperation Agency (JICA) & Japan International Consultants for Transportation Co., Ltd. (2013), https://openjicareport.jica.go.jp/pdf/12113098.pdf (accessed June 19, 2020).

46. Preparatory Survey for Hanoi City Urban Railway Construction Project (Line 1) 2012, Japan International Cooperation Agency, Japan Transportation Consultants, Inc., Japan Railway Technical Service, JR East Consultants Co., Ltd. and The Japan Electrical Consulting Co. Ltd.,  https://openjicareport.jica.go.jp/pdf/12068896_01.pdf (accessed June 19, 2020).

 47. See the official website of Hanoi metro, https://hanoimetro.net.vn/ (accessed June 19, 2020).

48. Vietnam Metro Projects Costs Overrun by $3.5 billion, Vnexpress International, https://e.vnexpress.net/news/business/economy/vietnam-metro-projects-costs-overrun-by-3-5-billion-3933997.html (accessed June 19, 2020).

49. World Bank’s data – Vietnam, https://data.worldbank.org/country/vietnam (accessed April 8, 2020).

50. Id.

51. Vietnam – National Energy Efficiency Program 2019 – 2030, VN Ministry of Industry and Trade (“MOIT”),  p. 10, http://documents.worldbank.org/curated/en/598851561961183317/Vietnam-National-Energy-Efficiency-Program-2019-2030 (Accessed April 8, 2020).

52. Vietnam Overview, World Bank, https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/overview (accessed April 8, 2020). The 2019 GDP growth rate was temporarily determined to be 7.02%. See Vietnam’s GDP jumps 7.02% in 2019, Vietnam News Agency, Dec. 28, 2019, https://vietnamnews.vn/economy/570467/viet-nams-gdp-jumps-702-per-cent-in-2019.html (Accessed April 8, 2020).

53. Notes on recent energy-related climate policy of Vietnam, Vietnam Initiative for Energy Transition (“VIET”), p. 2 (March 2020).

54. Supra, note 52.

55. Politburo’s Resolution No. 55-NQ/TW on Viet Nam’s strategic orientations for national energy development through 2030 with a vision to 2045 (Feb. 11, 2020), Sec. II.1.

56. Đảm bảo An ninh Năng lượng: Cần Phát triển Năng lượng Tái tạo (Ensuring Energy Security: The Need to Develop Renewable Energies), Báo điện tử ĐCSVN (Vietnamese Communist Party online), June 12, 2019,  http://dangcongsan.vn/xa-hoi/dam-bao-an-ninh-nang-luong-can-phat-trien-nang-luong-tai-tao-525359.html (access May 4, 2020).

[1] 57. Id.

58. See, i.e., Giải Bài toán An ninh Năng lượng (Solution for the Energy Security Problem) (June 1, 2019), Đại Đoàn Kết Newspaper (June 1, 2019), http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/giai-bai-toan-an-ninh-nang-luong-tintuc438380 (accessed April 29, 2020).

59 Bảo đảm An ninh Năng lượng Quốc gia – Vai trò của ngành dầu khí, Báo Tài Nguyên Môi Trường (June 1, 2019), https://baotainguyenmoitruong.vn/bao-dam-an-ninh-nang-luong-quoc-gia-vai-tro-cua-nganh-dau-khi-251743.html (accessed April 29, 2020).

60. See (in Vietnamese), Prime Minister’s Decision No. 1028-QĐ/TTg approving National Energy Development Plan for the Period 2011-2020 with a vision to 2030 (July 21, 2011), for PDP VII.

Full text of Sec. I.3, Politburo’s Resolution 55-NQ/TW (Jan. 21, 2020): “The limitations and weaknesses [in the energy sector] have many causes, but the main cause is our subjective thinking.

–                 Our recognition of the role, the position and the importance of the energy sector and the goal of ensuring national energy security is not sufficient and our attention is not at the right degree; a number of issues in energy development have been gathered and summed up too slowly, both in theoretical discussions and in reality; slow solutions for the entanglements in the direction of energy development and in the realization of market mechanism with a socialist orientation in the energy sector.

–        Laws and regulations for the energy sector in general and its subsectors in particular still face many limitations, lacks coherence, and still do not ensure their compatibility with international laws.

–        A number of mechanisms and policies are not yet compatible with market economy and do not encourage the establishment of a competitive energy market.

–        Policies concerning investment promotion and energy resources management are still in shortage and incoherent.

–        Policies concerning energy sciences and technologies are too slow to renovate.

–        A number of energy strategies and plans are perfected too slowly, not close to real life conditions and real implementing resources, not connected to socioeconomic development plans of many localities and plans of other economic sectors.

–        The government management apparatus of the energy sector in general and of the electricity field in particular is unstable; work assignment and cooperation among ministries, divisions and localities, in a number of cases, lack clarity and tightness.

–        Research and prediction are still weak; the directing and implementing of energy laws and policies still lack determination.”

61. See Việt Nam là Thành viên Trách nhiệm và Tích cực tại AIIB (Vietnam is an active and responsible member of AIIB), Báo Quốc Tế – The World & Vietnam Report (Sept. 11, 2018), https://baoquocte.vn/viet-nam-la-thanh-vien-tich-cuc-trach-nhiem-tai-aiib-77712.html (accessed April 30, 2020).

62. Moving the Green Belt and Road Initiative: From Words to Actions, World Resources Institute (“WRI”) (Oct, 2018), https://wriorg.s3.amazonaws.com/s3fs-public/moving-green-belt-and-road-initiative-from-words-to-actions.pdf (accessed April 30, 2020).

63. Vision and Actions on Jointly Building Silk Road Economic Belt and 21st-Century Maritime Silk Road, China’s National Development and Reform Commission,  Ministry of Foreign Affairs, and Ministry of Commerce of the People’s Republic of China (March 28, 2015), part II, Principles, at https://en.ndrc.gov.cn/newsrelease_8232/201503/t20150330_1193900.html (accessed May 1, 2020).

[1] 64. See The East Is Green: China’s Leadership in Renewable Energy, Dominic Chiu (2017), Center for International and Strategic Studies (“CSIS”), https://www.csis.org/east-green-chinas-global-leadership-renewable-energy (accessed May 2, 2020).

65. 10 Sự kiện Quan trọng của Ngành Năng lượng Việt Nam năm 2019, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/nhan-dinh-du-bao/muoi-su-kien-noi-bat-cua-nganh-nang-luong-viet-nam-nam-2019.html (accessed May 14, 2020).

66. For actual data for 2019, see id. For data for PDPVII rev., see Vietnam Power Development Plan for the period 2011-2020 – Highlights of the PDP VII Revised, GIZ, p. 4, http://gizenergy.org.vn/media/app/media/legal%20documents/GIZ_PDP%207%20rev_Mar%202016_Highlights_IS.pdf (accessed June 20, 2020).

67.  Actual share of renewable energy including small hydropower is 15.8% compared to 6.5% for 2020 projection without small hydropower. 

68. See Thủ tướng Trả lời về việc Phát triển Nhiệt điện Than, Lao Động (Dec. 27, 2019), https://laodong.vn/thi-truong/thu-tuong-tra-loi-ve-viec-phat-trien-nhiet-dien-than-775008.ldo (accesses May 15, 2020)  . There were some mentioning of importing electricity from “the North”, meaning, China. But that idea was brushed aside, probably on the ground of national security. See also Ngưng Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Than để Bảo vệ Sức khỏe Người Việt, Thanh Niên (Jan. 2, 2020), https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ngung-xay-dung-nha-may-nhiet-dien-than-de-bao-ve-suc-khoe-nguoi-viet-1167337.html (accessed May 15, 2020).

[69. Vietnam ranks low in clean energy adoption, VNExpress (May 19, 2020), https://e.vnexpress.net/news/news/vietnam-ranks-low-in-clean-energy-adoption-4101302.html (accessed May 20, 2020). See original report at https://www.weforum.org/reports/fostering-effective-energy-transition-2020.

[1] 70. Tổng quan về Phát triển Nhiệt điện Than ở Việt Nam, EVN (Aug. 9, 2019), https://www.evn.com.vn/d6/news/Tong-quan-ve-phat-trien-nhiet-dien-than-o-Viet-Nam-6-12-24125.aspx (accessed May 14, 2020).

 71. Imported Coal in Vietnam: Status and Trend, Vietnam Energy Association (2018),

http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/nhan-dinh-du-bao/nhap-khau-than-cua-viet-nam-hien-trang-va-xu-the.html (accessed June 20, 2020).

72.  Request for quotation, Vietnam National Coal and Mineral Industries Group (2019).  VINACOMIN (Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam – TKV) is a state-owned mining company. The industrial conglomerate focuses on coal and mineral mining. See http://www.vinacomin.vn/news-of-vinacomin/vinacomin-invited-to-supply-imported-coal-201910151833424843.htm (accessed June 20, 2020).

73. Id.

For problems in coal importing, see, i.e., Nhập khẩu Than cho Điện và Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Việt Nam,  http://nangluongvietnam.vn/news/vn/kien-giai-ton-tai/nhap-khau-than-cho-dien-va-phan-bien-cua-tap-chi-nang-luong-viet-nam.html (Feb. 21, 2019) (accessed  May 15, 2020).

74. The organizations signing the letter include Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Nhóm Hành động vì Công lý, Môi trường và sức khỏe (JEH), Liên minh Truyền thông và Quyền của những người dễ bị tổn thương (RiM), Liên minh Hành động vì Biến đổi khí hậu (VCCA), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam  (VRN), Qũy Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống Bền vững (Sống Foundation), Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe Cộng đồng (CCHS), Tổ chức CARE Việt Nam, Tổ chức Oxfam in Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI).

75. See Tuyên bố chung của các Liên minh Tổ chức Xã hội Nghề nghiệp Hoạt động trong các Lĩnh vực Bảo vệ Quyền – Sức khỏe – Môi trường – Pháp lý về việc Xây dựng các Nhà máy Nhiệt điện Than trên Lãnh thổ Việt Nam, (Dec. 12, 2019), http://www.greenidvietnam.org.vn/tuyen-bo-ha-noi-cua-cac-lien-minh-kien-nghi-dung-trien-khai-xay-dung-cac-nha-may-nhiet-dien-than-moi-tren-lanh-tho-viet-nam.html (access May 15, 2020).

76. These 14 coal power plants include (a) 6 plants opposed by local authorities or being planned to change to LNG or other low-carbon energy: Long An 1, Long An 2 (Long An), Quảng Ninh 3, Cẩm Phả 3 (Quảng Ninh), and Tân Phước 1, Tân Phước 2 (Tiền Giang); (b) 5 plants opposed by local populations:  Quỳnh Lập, Quỳnh Lập 2 (Nghệ An), Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận), Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), and An Khánh – (Bắc Giang), and (c) 3 projects delayed for too long: Long Phú 1 (Sóc Trăng) already delayed 8 years, projects Long Phú 2 and Long Phú 3 still without an investor.

77. Việt Nam Có thể Ngưng Điện Than?, Thanh Niên, https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/viet-nam-co-the-ngung-dien-than-1167949.html (accessed May 15, 2020).

78.  Id.

79.  Id.

80. Can Vietnam Develop Ultra-clean Coal Fired Thermal Power Plants like Japan?, EVN (May 12, 2019), https://en.evn.com.vn/d6/news/Can-Vietnam-develop-ultra-clean-coal-fired-thermal-power-plants-like-Japan-66-163-1724.aspx (accessed June 15, 2020).

81. Id.

82. Id.

83. A Case Study for the Emissions Reduction for Coal Power Plants in Viet Nam, a Research note, Journal of International Development and Cooperation, vol. 19, no. 2, 2012, p. 33-45, https://ir.lib.hiroshima-u.ac.jp/files/public/3/33196/20141016192836373317/JIDC_19-2_33.pdf (accessed June 15, 2020).

84. Id.

85. Id.

86. Việt Nam Có thể Phát triển Nhiệt điện Than Siêu Sạch như Nhật Bản?, EVN, on MOIT’s website https://www.evn.com.vn/d6/news/Viet-Nam-co-the-phat-trien-nhiet-dien-than-sieu-sach-nhu-Nhat-Ban-6-8-24753.aspx (accssed May 15, 2020). There is also a new generation of supercritical technology called advanced ultra-supercritical (“AUSC”).

[1] 87. Id.

[1] 88.  By that time, probably renewable energy would be sufficiently strong and prominent in the national energy scheme that the question of new coal power plant could become moot.

89. Coal-fired thermal power plan finance in Vietnam, May 2017 (Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam, góc nhìn tài chính), GreenID, http://greenidvietnam.org.vn/view-document/59b638d4a5d814d0281c8743 (accessed June 20, 2020).

90. Coal-fired thermal power plan finance in Vietnam ,( Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam, góc nhìn tài chính),  GreenID (May 2017), http://greenidvietnam.org.vn/view-document/59b638d4a5d814d0281c8743 (accessed June 20, 2020).

91. See Nguồn Khí cho Phát Điện: Làm gì để cân đối cung–cầu?, EVN (Nov. 11, 2019), https://www.evn.com.vn/d6/news/Nguon-khi-cho-phat-dien-Lam-gi-de-can-doi-cung-cau-6-12-24602.aspx (accessed May 16, 2020).

92. Id.

93. Điện khí tại Việt Nam: Xu thế Không thể Đảo ngược, Nguyễn Đăng Anh Thi (March 26, 2020), http://greenidvietnam.org.vn/dien-khi-tai-viet-nam-xu-the-khong-the-dao-nguoc.html (accessed May 16, 2020).

94. Supra, note 94.

95. Supra, note 96.

96.  Id.

97. Can Vietnam Develop Ultra-clean Coal Fired Thermal Power Plants like Japan?, EVN (May 12, 2019), https://en.evn.com.vn/d6/news/Can-Vietnam-develop-ultra-clean-coal-fired-thermal-power-plants-like-Japan-66-163-1724.aspx (accessed June 15, 2020).

98. See generally Renewable Power Generations Costs in 2018, Abu Dhabi, IREA (2019), https://www.irena.org/-/media/Files/IRENA/Agency/Publication/2019/May/IRENA_Renewable-Power-Generations-Costs-in-2018.pdf (accessed June 16, 2020)

99. Id., p.9.

100.  Id.

101. According to this table (and some other sources), the term “renewable energy” is currently used in Vietnam to mean solar power, wind power, biomass, and small hydropower, meaning hydropower plants with capacity under 30 MW each. This table is from Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 13] (The priorities in Energy Development strategies – part 13), Năng lượng Việt Nam (March 26, 2020), http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/nhung-van-de-can-uu-tien-trong-chien-luoc-phat-trien-nang-luong-ky-13.html (accessed May 18, 2020).

102. Resolution 55/2020/NQ-TW (Jan. 11, 2020, Sec. II.b.

103. Decision No. 24/2014/QĐ-TTg (March 24, 2014) on the Support Mechanism for the Development of Biomass Power Projects in Vietnam, http://gizenergy.org.vn/media/app/media/PDF-Docs/Legal-Documents/Blomass/Decision%2024-2014-QD-TTg%20on%20support%20mechanism%20for%20Biomass_EN.pdf (accessed May 20, 2020).

104. See Vietnam Has Huge Biomass Potential, but Policy Teak Needed, VNExpress (Dec. 17, 2018),  https://e.vnexpress.net/news/business/industries/vietnam-has-huge-biomass-potential-but-policy-tweak-needed-3853708.html (accessed May 20, 2020).

105. Decision 428/QĐ-TTg (March 18, 2016), Sec. I.2.b.

106. Ngành Mía Đường và Tiềm năng Phát triển Năng lượng Sinh khối, Năng Lượng Việt Nam (Dec. 11, 2018), http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nang-luong-moi-truong/nganh-mia-duong-va-tiem-nang-phat-trien-nang-luong-sinh-khoi.html (accessed May 24, 2020).

107.  Id.

108. Thông tin Mới Nhất về Tiềm năng Điện Tái Tạo Việt Nam (Latest information about renewable energy potentials in Vietnam), Năng lượng Việt Nam (Aug. 14, 2017), http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dien-hat-nhan-nang-luong-tai-tao/nang-luong-tai-tao/thong-tin-moi-nhat-ve-tiem-nang-dien-tai-tao-viet-nam.html (accessed May 24, 2020).

109. Năng lượng Sinh khối ở VN: Vẫn chỉ là tiềm năng (Biomass every of VN: still merely potential, Năng lượng Viêt Nam (Aug. 4, 2014), https://www.pvpower.vn/nang-luong-sinh-khoi-o-viet-nam-van-chi-la-tiem-nang/ (accessed May 24, 2020).

110.  Quyết đinh số 08/2020/QĐ-TTg (March 5, 2020) Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg về Cơ chế Hỗ trợ Phát triển các Dự án Điện Sinh khối tại Việt Nam (Decision No 08/20/QĐ-TTg to revise Decision No. 24/2014/QĐ-TTg), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/dau-tu/Quyet-dinh-08-2020-QD-TTg-sua-doi-Quyet-dinh-24-2014-QD-TTg-phat-trien-cac-du-an-dien-sinh-khoi-436651.aspx (accessed May 20, 2020).

111. See Another step in developing renewable energy in Vietnam: Increase of biomass FIT has been approved, GIZ, http://energyfacility.vn/eu_news/another-step-in-developing-renewable-energy-in-vietnam-increase-of-biomass-fit-has-been-approved/ (accessed May 20, 2020).

112. Cần Cơ chế Thúc đẩy Đầu tư Điện rác, Đầu tư Tài Chánh, Sài Gòn Giải Phóng (April 3, 2020), https://saigondautu.com.vn/kinh-te/can-co-che-thuc-day-dau-tu-dien-rac-78547.html (accessed May 25, 2020).

113.  PECC1 Tiên phong Thiết kế các Nhà máy Điện rác ở Việt Nam, EVN (Dec. 31, 2019),  https://www.evn.com.vn/d6/news/PECC1-tien-phong-thiet-ke-cac-nha-may-dien-rac-o-Viet-Nam-6-12-24900.aspx (accessed May 25, 2020).

114. Quyết định 31/2014/QĐ-TTg (May 5, 2014) về Cơ chế Hỗ trợ Phát triển các Dự án Phát điện Sử dụng Chất thải rắn tại Việt Nam, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-nguyen-moi-truong/quyet-dinh-31-2014-qd-ttg-ho-tro-phat-trien-du-an-phat-dien-su-dung-chat-thai-ran-228427.aspx (accessed May 25, 2020).

115. 1Nhà Máy Đốt Rác Phát Điện Đầu Tiên tại TP.HCM: Công suất quá nhỏ, Tuổi Trẻ (Aug, 31, 2019), https://tuoitre.vn/nha-may-dot-rac-phat-dien-dau-tien-tai-tp-hcm-cong-suat-qua-nho-20190831075834761.htm (accssed May 25, 2020).

116. Phát triển Điện rác tại Việt Nam: Nhiều Khó khăn Cần Tháo gỡ, Năng lượng Việt Nam (Feb. 13, 2020), http://tietkiemnangluong.com.vn/tin-tuc/kinh-nghiem-trien-khai/t26300/phat-trien-dien-rac-tai-viet-nam-nhieu-kho-khan-can-thao-go.html (May 25, 2029).

117. Id.

118. Id.

The Danish Energy Agency and Vietnamese Authorities discuss steps to move offshore wind expansion forward in Vietnam (May 19, 2020, https://en-press.ens.dk/news/the-danish-energy-agency-and-vietnamese-authorities-discuss-steps-to-move-offshore-wind-expansion-forward-in-vietnam-402799 (accessed May 25, 2020).

119. Quyết định số 37-2011/QĐ-TTg (June 19, 2011) về Cơ chế Hỗ trợ Phát triển các Dự án Điện gió tại Việt Nam (Decision No. 37/2011/QĐ-TTg (June 19, 2011) to support the development of the wind power projects in Vietnam), http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?_page=1&class_id=1&document_id=101330&mode=detail (accessed May 19, 2020).

120. Quyết định số 39-2018/QĐ-TTg (September 10, 2018) Sửa đổi Bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg (June 19, 2011) về Cơ chế Hỗ trợ Phát triển các Dự án Điện gió tại Việt Nam (Decision No. 39/2018/QĐ-TTg (September 10, 2018) to revise Decision No. 37/2011/QĐ-TTg (June 19, 2011), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/dau-tu/Quyet-dinh-39-2018-QD-TTg-sua-doi-Quyet-dinh-37-2011-QD-TTg-co-che-ho-tro-cac-du-an-dien-gio-393826.aspx (accessed May 20, 2020).

[1] 121. Bộ Công Thương công văn số 1931/BCT-ĐL (MOIT No. 1931/BCT-ĐL)(March 19, 2020), https://thuvienphapluat.vn/cong-van/tai-nguyen-moi-truong/Cong-van-1931-BCT-DL-2020-xem-xet-bo-sung-quy-hoach-du-an-dien-gio-438654.aspx (accessed May 23, 2020).

122. Id.

123. Offshore Wind Road Map for Viet Nam: Preliminary findings, Trần Hồng Kỳ, Senior Energy Specialist, World Bank (June 10, 2020) https://gwec.net/wp-content/uploads/2020/06/GWEC-conference-Jun-2020.pdf (accessed June 15, 2020).

124. Id.

125. Id.

126. Id.

127. Id.

128. Id.

[1] 129. Vì sao tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới đề cao vai trò thủy điện nhỏ? (Why does the largest organization of the world emphasize the role of small hydropower?), Nguyễn Mạnh Hiển, Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam (The Council for Counterargument, Vietnam Energy Magazine) (March 12, 2018),  http://nangluongvietnam.vn/news/vn/kien-giai-ton-tai/vi-sao-to-chuc-quoc-te-lon-nhat-the-gioi-de-cao-vai-tro-thuy-dien-nho.html (accessed May 23, 2020).

130. Id. The numbers for Vietnam in this table include only small hydropower plants with capacity under 10 MW in accordance with international standards. Vietnam classifies small hydropower as plants with capacity under 30 MW.

131. Đã Đến Lúc Chúng Ta Phải Công Bằng Với Thủy Điện – Bài 1 (“About time to be fair to hydropower – Part 1”), Phản Biện, Năng Lượng Việt Nam (May 30, 2017), http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/da-den-luc-chung-ta-phai-cong-bang-voi-thuy-dien-bai-1.html (accessed June 15, 2020).

132.  Decision 428/QĐ-TTg (March 18, 2016).

 133. Supra, note 135.

134.  Supra, note 135.

135. Đã Đến Lúc Chúng Ta Phải Công Bằng Với Thủy Điện – Bài 4 (“About time to be fair to hydropower – Part 4“), Phản Biện, Năng Lượng Việt Nam (June 12, 2017), http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/da-den-luc-chung-ta-phai-cong-bang-voi-thuy-dien-bai-4.html (accessed June 15, 2020). It needs to keep in mind that Vietnam calls hydropower with capacity of 30 MW and under “small hydropower” and capacity higher than 30 MW “large hydropower”, while UNIDO calls hydropower with capacity of 200 kWh – 10 MW “small hydropower” and hydropower plants with capacity from 10 MW to 100 MW “medium hydropower”, and higher than 100 MW “large hydropower.” See Đã Đến Lúc Chúng Ta Phải Công Bằng Với Thủy Điện – Bài 2 (“About time to be fair to hydropower – Part 2”), Phản Biện, Năng Lượng Việt Nam (June 8, 2017), http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/da-den-luc-chung-ta-phai-cong-bang-voi-thuy-dien-bai-2.html (accessed June 15, 2020).

 136. Đã Đến Lúc Chúng Ta Phải Công Bằng Với Thủy Điện – Bài 5 (“About time to be fair to hydropower – Part 5”), Phản Biện, Năng Lượng Việt Nam (June 12, 2017), http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/da-den-luc-chung-ta-phai-cong-bang-voi-thuy-dien-bai-5.html (accessed June 16, 2020).

137. Id.

138.  Id.

139.  Id.

140. Id.

141.  Nghị đinh số 114/NĐ-CP (Sept. 4, 2018) về Quản lý An toàn Đập, Hồ chứa nước (Decree No. 114/2018/NĐ-CP on Managing the Safety of Dams and Water Reservoirs), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/xay-dung-do-thi/Nghi-dinh-114-2018-ND-CP-quan-ly-an-toan-dap-ho-chua-nuoc-393268.aspx (accessed June 16, 2020).

 142. Supra, note 104.

143. Id. These numbers do not include 350 MW from rooftop solar.

 144. Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (11/4/2017) về Cơ chế Khuyến khích Phát triển các Dự án Điện Mặt trời tại Việt Nam (Decision No. 11/2017/QĐ-TTg (April 11, 2017) to encourage the development the solar power projects in Vietnam), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Quyet-dinh-11-2017-QD-TTg-co-che-khuyen-khich-phat-trien-du-an-dien-mat-troi-tai-Viet-Nam-345919.aspx (accessed May 18, 2020).

145. See generally Renewable Power Generations Costs in 2018, Abu Dhabi, IREA (2019), https://www.irena.org/-/media/Files/IRENA/Agency/Publication/2019/May/IRENA_Renewable-Power-Generations-Costs-in-2018.pdf (accessed June 16, 2020).

146. Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (6/4/20120) về Cơ chế Khuyến khích Phát triển các Dự án Điện Mặt trời tại Việt Nam (Decision No. 12/2020/QĐ-TTg (April 6th, 2020) to encourage the development the solar power projects in Vietnam, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-nguyen-moi-truong/Quyet-dinh-13-2020-QD-TTg-co-che-khuyen-khich-phat-trien-dien-mat-troi-tai-Viet-Nam-439160.aspx (accessed May 18, 2020).

147. Hệ lụy của cơn sốt mặt trời, Nhân Dân (July 19, 2019), https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/40915102-he-luy-cua-%E2%80%9Ccon-sot%E2%80%9D-dien-mat-troi-tiep-theo-va-het.html (accessed May 20, 2020).

148. Id.

149. Politburo’s Resolution No. 55-NQ/TW on Viet Nam’s strategic orientations for national energy development through 2030 with a vision to 2045 (Feb. 11, 2020), Sec. II.1. (“Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”).

150. “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh – The government has monopoly in transmission activities, moderating the national electricity system, building and operating large power plants especially important to the socio-economy, national defense, national security.” Luật Điện Lực (Electricity Law), Điều 4(2).

151. Bộ Công Thương, No. 2321/BCT-ĐL, V/v nhiệm vụ xây dựng tờ trình của Chính phủ, dự thảo nghị quyết của UBTVQH về giải thích Luật Điện lực nội dung nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, ý kiến của EVNNPT (March 31, 2020), p.2.

152. See Development History of Vietnam Electricity, https://en.evn.com.vn/d6/news/Development-history-2-34-391.aspx (accessed My 8, 2020). As of now EVN is the mother corporation owning 11 subsidiaries: National Power Transmission Corporation, Power Generation Corporation No. 1, Power Generation Corporation No. 2, Power Generation Corporation No. 3, Northern Power Corporation, Central Power Corporation, Southern Power Corporation, Hanoi City Power Corporation, Ho Chi Minh City Power Corporation, National Load Dispatch Center Electric Power Trading Company.

153. A potential competitor may not be in the market yet (and only “standing by the rim”). However, if the price in the market is increased so that competition may be profitable, the potential competitor may enter the market to compete.

154. In case of war with a foreign country, the government of that country may order its citizens to stop doing business with “its enemy.” Such a scenario requires a different set of laws and regulations to address. Not a law to protect a national monopoly, which weakens the country’s security and economy.

155. The Least Developed Countries Report 2017 – Transformational Energy Access, Chapter 4 – Governance and electricity provision, UNCTAD, p. 7, https://unctad.org/en/PublicationChapters/ldcr2017_ch4_en.pdf (accessed May 8, 2020).

156. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước muốn bán một số nhà máy điện, The Saigon Times (June 1, 2020), https://www.thesaigontimes.vn/td/304170/uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-muon-ban-mot-so-nha-may-dien.html/ (accessed June 17, 2020).

157. Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực.

158. Nguy cơ thiếu điện và kiến nghị của BCĐQG về phát triển Điện lực (Danger of electricity shortage and suggestions from the National Steering Committee), Năng lượng Việt Nam online (Vietnam Energy) (July 22, 2019), http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/nguy-co-thieu-dien-va-kien-nghi-cua-bcdqg-ve-phat-trien-dien-luc.html (accessed May 9, 2020).

159. See id., for the National Steering Committee on Electricity Development’s report about planning problems. For problem of a “plans market”, see Trung Quốc nắm nhiều dự án điện quan trọng, Bộ Công Thương nói gì? (China holds many important electricity projects [in VN], what does MOIT say to that?), Dân Trí Newspaper, https://dantri.com.vn/kinh-doanh/trung-quoc-nam-nhieu-du-an-dien-quan-trong-bo-cong-thuong-noi-gi-20200519061513066.htm (accessed May 20, 2020) about a press conference with MOIT Deputy Minister Hoàng Tiến Dũng, Director of Department of Electricity and Renewable Energy. This was a question from the press: “Sir, recently, the public pays great attention to the fact that a number of electricity projects were assigned to Vietnamese investors, but later were transferred to foreign investors to own, manage and operate. The question is: How does Ministry of Industry and Trade see this?”  (Thưa ông! Mới đây, dư luận hết sức chú ý về việc một số dự án điện lúc đầu được giao cho các nhà đầu tư Việt Nam nhưng sau này được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, sở hữu, quản lý vận hành. Xin hỏi nhận định của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào?). The answer skirted around the issue, simply saying that the law allows transferring project ownership. However, on May 21, 2020, the police confirmed that it was investigating the investments of the electricity projects at the Department of Electricity and Renewable Energy of MOIT. See Công an Xác minh việc Đầu tư các Dự án Điện tại Cục Điện Lưc và Năng lượng Tái Tạo (Police is investigating the investments in Electricity Projects at Department of Electricity and Renewable Energy [of MOIT], Công Luận (May 21, 2020),   https://congluan.vn/cong-an-xac-minh-viec-dau-tu-cac-du-an-dien-tai-cuc-dien-luc-va-nang-luong-tai-tao-post80064.html (accesses May 22, 2020).

160. Vietnam Energy Outlook Report 2019, MOIT & Danish Energy Agency, p. 7, https://vietnam.um.dk/en/green-growth/vietnam-energy-outlook-report/ (accessed June 17, 2020).

161. Id.

162. Id.

163. Id.

164. Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (March 13, 2019) (Decision No. 280/QĐ-TTg promulgating the National Program on Economical and Efficient Use of Energy for the Period of 2019-2030), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-nguyen-moi-truong/Quyet-dinh-280-QD-TTg-2019-phe-duyet-Chuong-trinh-quoc-gia-ve-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-409129.aspx (accessed June 16, 2020).

165. Id.

166. For an example, see Quyết định số 1469/QĐ-TTg Ban hành Danh sách Cơ sở Sử dụng Năng lượng Trọng điểm năm 2018 (Oct. 28, 2019) (Decision No. 1469/QĐ-TTg promulgating list of organizations with significant use of energy in 2018), https://luatvietnam.vn/cong-nghiep/quyet-dinh-1469-qd-ttg-2019-danh-sach-co-so-su-dung-nang-luong-trong-diem-nam-2018-177867-d1.html (accessed June 16, 2020).

167. Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg Quy định Danh mục Phương tiện, Thiết bị Phải Dán Nhãn Năng lượng, Áp dụng mức hiệu suất tối thiểu và lộ trình thực hiện (Sept. 12, 2011) (Decision No. 51/2011/QĐ-TTg Providing a List of Equipment and Machinery required to have label for energy use, the minimum level of energy consumption and the roadmap of use for consumers), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-51-2011-QD-TTg-danh-muc-phuong-tien-thiet-bi-phai-dan-nhan-nang-129033.aspx (accessed June 16, 2020).

168. Id.

169. Chương trình tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên thế giới và tại Việt Nam (Programs on Standards of Energy  Effciciency and Energy Labeling throughout the World and in Vietnam), Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững, MONRE (Nov. 7, 2018), https://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/chuong-trinh-tieu-chuan-hieu-suat-nang-luong-va-dan-nhan-nang-luong-tren-the-gioi-va-tai-viet-nam-13307-2401.html (accessed June 16, 2020).

170. Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg Quy định Danh mục Phương tiện, Thiết bị Phải Dán Nhãn Năng lượng, Áp dụng mức hiệu suất tối thiểu và lộ trình thực hiện (March 9, 2017 (Decision No. 4/2017/QĐ-TTg Providing a List of Equipment and Machinery required to have label for energy use, the minimum level of energy consumption and the roadmap of use for consumers), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-nguyen-moi-truong/Quyet-dinh-04-2017-QD-TTg-danh-muc-phuong-tien-thiet-bi-phai-dan-nhan-nang-luong-321322.aspx (accessed June 16, 2020).

171. Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (March 13, 2019) (Decision No. 280/QĐ-TTg promulgating the National Program on Economical and Efficient Use of Energy for the Period of 2019-2030), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-nguyen-moi-truong/Quyet-dinh-280-QD-TTg-2019-phe-duyet-Chuong-trinh-quoc-gia-ve-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-409129.aspx  (accessed June 16, 2020).

172. Id.

173. Mở đường cho doanh nghiệp đến công nghệ mới, Tạp Chí Tài Chánh (March 9, 2018), http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mo-duong-cho-doanh-nghiep-den-cong-nghe-moi-136252.html (accessed June 16, 2020).

174. Quyết định số 1342/2011/QĐ-TTg (Aug. 5, 2011) (Decision No. 1342/QĐ-TTg to Establish the Fund to Renovate National Industry) , https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-1342-QD-TTg-thanh-lap-Quy-doi-moi-cong-nghe-quoc-gia-127529.aspx (accessed June 16, 2020).

175. Lễ ra mắt Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, National Council for Science and Technology Policy (June 16, 2020), http://ncstp.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-hoi-dong-chinh-sach/16-le-ra-mat-quy-doi-moi-cong-nghe-quoc-gia (accessed June 16, 2020).

176. Vietnam Energy Efficiency for Industrial Enterprises, World Bank,  https://projects.worldbank.org/en/projects-operations/project-detail/P151086 (accessed June 167, 2020)

177. Addressing Climate Change in Transport – Volume 1: Pathway to Low Carbon Transport, World Bank (Sept. 2019), p. 24, http://documents.worldbank.org/curated/en/581131568121810607/Volume-1-Pathway-to-Low-Carbon-Transport (accessed June 17, 2020).

178. Id., p. x.

179. Id., p. 25.

180. Id.

181. Id.

182. Id.

183. Addressing Climate Change in Transport – Volume 1: Pathway to Low Carbon Transport, World Bank (Sept. 2019), p. 41, http://documents.worldbank.org/curated/en/581131568121810607/Volume-1-Pathway-to-Low-Carbon-Transport (accessed June 17, 2020).

184. Id.

185. Id., p. 44.

186. Id.

187. Id.

188. Id.

189. Id., p. 50. This “Most Basic Scenario” is the “Mitigation Scenario 1” in the World Bank Report.

190. Id, p. 51.

191. Luật số 106/2016/QH13 Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị Gia Tăng, Luật Thuế Tiêu thụ Đặc Biệt, và Luật Quản lý Thuế (April 6, 2016), (Law No. 106/2016/QH13 Amending and Regulating a number of provisions of the Law on Value Added Tax, Special Consumption Tax and Law on Tax Management), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Luat-thue-gia-tri-gia-tang-Luat-thue-tieu-thu-dac-biet-Luat-quan-ly-thue-sua-doi-2016-309816.aspx (accessed June 18, 2020).

192. See generally Làm Mới Du lịch Miền Sông Nước, The Saigon Times (Oct. 10, 2019),  https://www.thesaigontimes.vn/294803/lam-moi-du-lich-mien-song-nuoc-.html (accessed June 18, 2020).

193. See generally Đặc sắc các loại hình Du lịch Sông nước Cần Thơ, Vietnam Booking, https://www.vietnambooking.com/du-lich/blog-du-lich/dac-sac-cac-loai-hinh-du-lich-song-nuoc-miet-vuon-chi-co-o-can-tho.html (accessed June 17, 2020).

194. See Mekong River-based Tourism Product Development, World Tourism Organization (UNWTO), https://www.e-unwto.org/doi/pdf/10.18111/9789284418015 (accessed June 18, 2020).

195. For a general sense about the attitude of the cities and provinces toward water tourism, read these articles at the website of the General Department of Tourism of Ministry of Culture, Sports and Tourism: http://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php/tags/du-lich-duong-song (accessed June 17, 2020).

196. GreenID is a lead member of Vietnam Sustainable Energy Alliance (VSEA). See http://en.greenidvietnam.org.vn/who-we-are-1.html

197. In April 2018, GreenID Director, Ms. Khanh Nguy Thi became the first person from Vietnam to be awarded the Goldman Environmental Prize, and in year 2019 Climate breakthrough awarded to Ms. Khanh as a Vietnamese for the first time. See https://www.goldmanprize.org/recipient/khanh-nguy-thi/ (accessed June 20, 2020) and see  https://www.climatebreakthroughproject.org/awardee/nguy-thi-khanh/

198. The MOIT/GIZ Energy Support Program supports the Vietnamese Government in developing renewable energy and energy efficiency markets by addressing i) low electricity price; ii) limited access to financing; iii) low capacities for commercial project development; iv) the lack of reliable data; v) the complex administration structure and legal framework. Projects have been implemented including: Climate Protection through Sustainable Bioenergy Markets in Viet Nam (BEM): 2019 – 2023; Smart Grids for Renewable Energy and Energy Efficiency (SGREEE): 2017-2021; Renewable Energy and Energy Efficiency (4E): 2015 -2021; Project Development Program (PDP): 2015-2020;  Support to the Up-scaling of Wind Power: 2014-2018; Bioenergy: 2012 -2015; Wind Energy: 2009 – 2012. See http://gizenergy.org.vn/en/about/what-we-do/programme-background (accessed June 20, 2020)

199. VEPG Secretariat was established to provide support to the VEPG and foster the mutual exchange and political dialogue between the Government of Viet Nam and multiple international development partners within the framework of the VEPG. See http://vepg.vn/about-us/

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s