- Ván cờ thế Huawei – kỳ 1: Đòn đáp trả của Bắc Kinh
- Ván cờ thế Huawei – kỳ 2: Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận như thế nào?
- Ván cờ thế Huawei – kỳ 3: Huawei xây dựng đế chế từ 5.000 USD
- Ván cờ thế Huawei – kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei?
- Ván cờ thế Huawei – kỳ 5: Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc
- Ván cờ thế Huawei – kỳ cuối: Dựng lưới ngăn Huawei
***
Ván cờ thế Huawei – kỳ 1: Đòn đáp trả của Bắc Kinh
TTO – Việc Trung Quốc và Canada bắt giữ công dân của nhau cho thấy vụ việc bà Mạnh Vãn Chu – giám đốc tài chính toàn cầu (CFO) Tập đoàn Huawei – bất ngờ bị bắt tại Vancouver đang trở thành một ván cờ đầy cân não giữa các tay chơi lớn.
Thông tin chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – giám đốc tài chính toàn cầu của Tập đoàn Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc – đã thu hút sự chú ý của công luận ngay vào thời điểm thế giới vừa tạm thở phào khi Mỹ và Trung Quốc tạm đình chiến thương mại trong ba tháng.
Bà Mạnh Vãn Chu đã được tại ngoại nhưng Canada phải làm nhiều hơn để khôi phục sự tự do của bà ấy và đặt dấu chấm hết cho sự cố lần này.
HU XIJIN (biên tập viên tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc)
Quá nhiều suy đoán, thuyết âm mưu xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc lên tiếng bảo vệ công dân của mình.
Bà Mạnh, cô con gái lớn nhất của ông Nhậm Chính Phi – người sáng lập Hoa Vi năm 1987, sau đó đã được tại ngoại (kèm các điều kiện về cư trú) ngày 11-12 sau khi đóng 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh.
Nhưng trong quãng thời gian đó, hai công dân Canada khác đã bị tống vào nhà tù Trung Quốc theo cách khá mập mờ lúc ban đầu.
Hai người này, một là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, người còn lại là Michael Spavor – một doanh nhân có máu mặt và không quá xa lạ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Ông Michael Kovrig – nhà cựu ngoại giao của Canada – tại Diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore năm 2018 – Ảnh: Facebook
Không nhân nhượng
Đến ngày 13-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới chính thức xác nhận hai công dân Canada đã bị nhà chức trách bắt giữ với cáo buộc “tiến hành các hoạt động nguy hiểm đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc”.
Cả hai vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan an ninh ở Bắc Kinh – nơi ông Kovrig bị bắt giữ và thành phố Đan Đông gần biên giới Triều Tiên – nơi doanh nhân Spavor sinh sống.
“Các quyền lợi hợp pháp của những người này sẽ được đảm bảo” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định.
Nhưng với việc bị khép cho tội danh “đe dọa an ninh quốc gia” Trung Quốc, họ có thể không thấy ánh mặt trời, luật sư hay người thân trong vòng ít nhất sáu tháng nữa, theo báo New York Times của Mỹ.
Trong khi đó, sau khi bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại, Canada và Mỹ chỉ còn tối đa ba tháng để hành động.
Không có bằng chứng nào cho thấy vụ bắt giữ hai công dân Canada ở Trung Quốc có liên quan tới việc bà Mạnh xộ khám tại Vancouver.
Nhưng quá nhiều sự trùng hợp về thời điểm khiến người ta tin rằng đó thật sự là một hành động trả đũa và gây sức ép từ Bắc Kinh.
“Với kinh nghiệm 13 năm ở Trung Quốc, tôi có thể khẳng định chắc chắn với bạn rằng không có sự trùng hợp bất ngờ nào ở đây hết. Bắc Kinh muốn gửi một thông điệp tới Ottawa” – ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, bình luận với tờ Global News của Canada.
Thoạt đầu, lý do được Bộ Ngoại giao Trung Quốc trưng ra cho việc bắt giữ ông Kovrig là International Crisis Group – nơi ông ta làm việc như một nhà phân tích khu vực Đông Bắc Á – không phải là một tổ chức phi chính phủ được công nhận tại Trung Quốc.
Nhưng không có lời giải thích xác đáng cho việc bắt giam ông Spavor – người mất liên lạc với chính quyền Canada sau khi cho biết đang bị thẩm vấn bởi nhà chức trách Trung Quốc.
Ông Spavor điều hành Công ty Paektu Cultural Exchange chuyên xúc tiến các hoạt động du lịch, đầu tư vào Triều Tiên và là một trong số ít ỏi những người phương Tây có quan hệ cá nhân thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Cuối cùng, lý do được đưa ra cho cả hai lại rất mơ hồ. Theo báo New York Times của Mỹ, khái niệm “đe dọa an ninh quốc gia” được hiểu theo nghĩa rộng tại Trung Quốc, bao gồm cả các hành động chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, Tây Tạng.
Giáo sư Đại học Brock, ông Charles Burton, cũng là một nhà cựu ngoại giao Canada tại Trung Quốc, nhận định tính thời điểm của vụ bắt giữ hai công dân Canada cho thấy đó là câu trả lời của Bắc Kinh sau cảnh báo Ottawa sẽ phải đối mặt với các “hậu quả nghiêm trọng” nếu không thả bà Mạnh.
Đáp từ các “thuyết âm mưu” của nước ngoài, Hu Xijin – biên tập viên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (tờ báo chính thức của chính quyền Bắc Kinh) – đã đăng một video gửi đi thông điệp là nếu bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ, đòn “báo thù của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở việc bắt giữ công dân Canada”.
Ông này cũng cho rằng việc người ta nghĩ Trung Quốc đang trả đũa cũng là lẽ tự nhiên vì Canada đã “đi quá xa” trong vụ Mạnh Vãn Chu.
Tại sao Trung Quốc không bắt công dân Mỹ?
“Người Trung Quốc có thể dễ dàng bắt các doanh nhân hoặc nhà ngoại giao Mỹ đang ở nước này, họ cũng có thể làm cả hai. Nhưng họ không làm vậy” – giáo sư Nelson Wiseman thuộc Đại học Toronto (Canada) đặt vấn đề.
Trong khi chính Mỹ là nơi phát lệnh yêu cầu bắt giữ bà Mạnh và Canada chỉ “đang làm đúng theo luật quốc tế” (lời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau), Bắc Kinh đang chĩa mũi nhọn về Ottawa. Có những toan tính chính trị và kinh tế đằng sau sự phân biệt đối xử đó.
“Sự lệ thuộc kinh tế Mỹ của Trung Quốc đã biến Canada trở thành kẻ giơ đầu chịu báng. Bắc Kinh chắc chắn chơi không lại Washington, vậy là họ chĩa mũi dùi sang Ottawa” – cựu đại sứ Saint-Jacques chia sẻ.
Đồng quan điểm, giáo sư Wiseman cho rằng cùng lắm khi mọi thứ xấu hơn đi chăng nữa, Trung Quốc cũng chỉ cảm thấy chỉ mất đi “vài đồng bạc lẻ” vì Ottawa, nhưng nếu thể hiện quan điểm và có hành động trả đũa gay gắt với Mỹ, lợi ích kinh tế quan trọng của Trung Quốc sẽ bị đe dọa.
Làm thế nào để ngăn sự cố ngoại giao tay ba này trở thành một cuộc khủng hoảng diện rộng?
Hoàn Cầu Thời Báo đưa ra một giải pháp rất đơn giản, tất nhiên là theo hướng có lợi cho Trung Quốc: “Canada trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh. Trung Quốc sẽ điều tra hai công dân Canada bị bắt giữ theo đúng luật và bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ”.
Nếu Ottawa nhượng bộ và thả người, trong cuộc chơi này Canada chẳng được gì, lại còn bị mất thêm thể diện trong lúc bị ví như “bang thứ 51 của nước Mỹ”.
Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu lượng hàng hóa hơn 48 tỉ USD sang Canada và nhập về 15 tỉ USD, theo World Integrated Trade Solution, công cụ của Ngân hàng Thế giới. Trong cùng năm đó, Trung Quốc xuất khẩu hơn 480 tỉ USD sang Mỹ, con số gấp 10 lần Canada, và nhập khẩu 115 tỉ USD.
Kỳ 2: Huawei vi phạm ra sao?
***
Ván cờ thế Huawei – kỳ 2: Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận như thế nào?
TTO – Huawei (Hoa Vi) có lẽ đã mải mê xây dựng “đế chế” trải khắp toàn cầu, hoặc quá tự tin vào khả năng che giấu tinh vi mà không hề biết rằng mối quan hệ làm ăn của mình với một số quốc gia đã lọt vào tầm ngắm các nhà điều tra Mỹ.
Nhân viên an ninh canh gác ở cổng trụ sở Huawei tại Bắc Kinh ngày 6-12 – Ảnh: REUTERS
Năm 2016, trong lúc ZTE – một tập đoàn công nghệ của Trung Quốc, đối thủ chính của Hoa Vi – bị Mỹ điều tra với cáo buộc bán các sản phẩm có yếu tố trí tuệ Mỹ cho một số quốc gia bị cấm vận, giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn này đã bị bắt giữ tại sân bay Logan ở thành phố Boston (Mỹ).
Cuộc điều tra ZTE năm xưa, vốn chỉ mới chính thức khép lại vào tháng 6-2018, đã hé mở những bí mật động trời về một công ty đã nhiều lần qua mặt trót lọt lệnh cấm của Mỹ mà đến giờ phút này, theo nhiều người, đó chính là Hoa Vi.
Việc bắt giữ phi pháp hai công dân Canada là không thể chấp nhận. Họ cần được thả về… Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước trên thế giới đối xử đúng đắn với các công dân khác
Ngoại trưởng Mỹ MIKE POMPEO hướng đến Trung Quốc trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Canada, bà Chrystia Freeland, tại Washington ngày 14-12
F7 là công ty nào?
Hoa Vi bắt đầu bị Mỹ dòm ngó từ năm 2012, nhưng chỉ mới bị đặt trong tầm ngắm kể từ năm 2016.
Tháng 3-2016, khi Mỹ bắt đầu trừng phạt ZTE vì làm ăn với Iran, một tài liệu nội bộ có từ năm 2011 của tập đoàn này đã được Washington công bố, trong đó mô tả cách thức ZTE thành lập những công ty bình phong để ký kết các hợp đồng với những quốc gia nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ như Iran, Triều Tiên.
Tài liệu của ZTE đã gây tò mò vào thời điểm đó khi nhắc đến một đối thủ cạnh tranh bằng mật danh F7, với thông tin cho biết F7 cũng đã thành lập nhiều công ty tương tự nhưng thành công hơn cả ZTE.
Theo tài liệu này, bằng cách tuyển dụng các chuyên gia, đưa họ vào những công ty “có vẻ như độc lập”, F7 có thể kiểm soát và giảm thiểu hiệu quả các rủi ro.
Một chuyên gia về xuất khẩu đến từ Tập đoàn Texas Instruments và một luật sư người Mỹ gốc Hoa rành về luật xuất khẩu Mỹ đã được F7 thuê theo cách như vậy.
Tiêu chí lựa chọn đối tác của F7 cũng được mô tả khá rõ trong tài liệu của ZTE, đó là những công ty mang tiếng là độc lập và có thể thay mặt F7 làm ăn tại những nước bị Mỹ cấm vận.
“Năng lực tài chính và khả năng giảm thiểu rủi ro của F7 là rất mạnh so với tập đoàn chúng ta” – tài liệu năm 2011 của ZTE thừa nhận.
Hoa Vi liên tục bị gửi trát
Theo báo New York Times, mọi mô tả về công ty F7 trong tài liệu của ZTE khá khớp với gã khổng lồ Hoa Vi.
Tài liệu năm 2011 cho biết F7 đã cố gắng mua lại một công ty Mỹ có tên 3Leaf nhưng vấp phải sự phản đối của giới chức Washington, nhưng thực tế trong cùng năm đó Hoa Vi cũng đồng ý mua phần lớn các tài sản của 3Leaf và từ bỏ thương vụ vào tháng 2-2011, trước sự chống đối của các quan chức Mỹ.
Thậm chí tài liệu của ZTE còn cho biết F7 có liên doanh với Symantec – một công ty bảo mật kỹ thuật số của Mỹ.
Các quan chức ZTE đã trốn tránh mọi yêu cầu nêu danh tính thật sự của F7, trong khi Hoa Vi không phủ nhận cũng chẳng xác nhận, chỉ đơn giản khước từ bình luận về vụ việc nêu trong tài liệu của ZTE.
Nhưng các nhà điều tra Mỹ đã không bỏ qua dễ dàng.
Tháng 6-2016, Bộ Thương mại Mỹ gửi trát đến trụ sở tại Mỹ của Hoa Vi, yêu cầu tập đoàn này cung cấp tất cả thông tin liên quan tới việc xuất khẩu hoặc tái xuất các sản phẩm có chứa sản phẩm trí tuệ công nghệ Mỹ đến các nước Cuba, Iran, Triều Tiên, Sudan và Syria trong vòng 5 năm trước năm 2016.
Trong cùng năm đó, 10 nghị sĩ Mỹ cùng đứng chung tên trong một lá thư gửi đến Bộ Thương mại, khẳng định họ tin rằng F7 chính là Hoa Vi!
Các nhà lập pháp tiếp tục gây sức ép lên Bộ Tài chính, yêu cầu công khai danh tính và điều tra toàn diện F7.
Đúng một năm sau đó, tháng 4-2018, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin Hoa Vi đã chính thức bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra với cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Iran.
Bà Mạnh Vãn Chu tham dự diễn đàn kêu gọi đầu tư ở Nga vào tháng 10-2014 với sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin – Ảnh: Reuters
Tại sao lại là Mạnh Vãn Chu?
Hoa Vi chưa bao giờ thú nhận đã làm bất cứ điều gì sai trái, khẳng định luôn tuân thủ pháp luật các nước mà họ làm ăn và phối hợp với các nhà điều tra khi cần thiết. Nhưng vụ bắt giữ CFO Hoa Vi Mạnh Vãn Chu cho thấy có vấn đề trong cách làm ăn của tập đoàn Trung Quốc này.
Năm 2013, Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ Skycom Tech – một công ty có trụ sở ở Hong Kong – đã tìm cách bán các hệ thống máy tính HP do Mỹ sản xuất cho nhà mạng di động lớn nhất của Iran.
Mối quan hệ giữa Skycom và Hoa Vi nhanh chóng được phát hiện là gần gũi hơn rất nhiều so với người ta nghĩ. Bà Mạnh từng tham gia hội đồng quản trị Skycom từ tháng 2-2008 đến tháng 4-2009. Nhiều giám đốc trước và hiện tại của Skycom đều có liên hệ mật thiết với Hoa Vi, Reuters khẳng định.
Năm 2011, cùng năm ZTE lưu hành tài liệu nội bộ về đối thủ F7, bà Mạnh được chỉ định trở thành CFO toàn cầu của Hoa Vi sau 18 năm gia nhập tập đoàn.
Theo một tài liệu được Đài CNN tiếp cận, trong cuộc gặp với một ngân hàng đối tác của Hoa Vi năm 2013, bà Mạnh đã huyên thuyên bằng tiếng Anh về một bài thuyết trình được chuẩn bị sẵn bằng… tiếng Trung rằng mối quan hệ giữa Hoa Vi với Skycom chỉ là “làm ăn bình thường”.
Tài liệu tòa án không tiết lộ danh tính của ngân hàng này, nhưng luật sư của bà Mạnh ngày 7-12 đã xác nhận đó là HSBC. Hơn 100 triệu USD trong các giao dịch của Skycom đã chảy qua Mỹ thông qua hệ thống ngân hàng của HSBC giai đoạn 2010 – 2014.
Các nhà điều tra Mỹ khẳng định bài thuyết trình của bà Mạnh “chứa đầy thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về mối quan hệ giữa Hoa Vi với Skycom và mức độ kiểm soát của nó”.
“Mạnh Vãn Chu và các quan chức Hoa Vi khác đã liên tục lừa dối về mối quan hệ thật sự giữa Hoa Vi và Skycom, cùng thực tế Skycom hoạt động như một công ty con của Hoa Vi tại Iran để tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng của Mỹ” – Đài CNN dẫn nội dung yêu cầu bắt giữ bà Mạnh của Mỹ gửi đến nhà chức trách Canada.
Các chuyên gia tư pháp nhận xét nếu Hoa Vi đã thực sự bán các hàng hóa có yếu tố trí tuệ Mỹ cho những thực thể bị cấm vận và che giấu động cơ với HSBC, bà Mạnh sẽ phải đối mặt thêm tội danh lừa đảo ngân hàng.
Vụ điều tra Hoa Vi của Mỹ có thể chấm dứt theo cách mà họ đã làm với ZTE, hoặc một cách rất khác.
Kỳ 3: Huawei xây dựng đế chế từ 5.000 USD
***
Ván cờ thế Huawei – kỳ 3: Huawei xây dựng đế chế từ 5.000 USD
TTO – Huawei (Hoa Vi) do ông Nhậm Chính Phi sáng lập năm 1987 với số vốn ban đầu chỉ 20.000 nhân dân tệ (khoảng 5.000 USD vào thời điểm đó).
Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, nơi chào đời của tập đoàn hàng đầu Trung Quốc hiện nay – Ảnh: Reuters
Sau bốn thập kỷ phát triển, nó đã trở thành tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, sản xuất nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị mạng di động và mạng băng thông rộng cố định, với doanh thu năm 2017 lên tới 92,5 tỉ USD.
Có nhiều ngộ nhận về Huawei cả trong và ngoài Trung Quốc. Nhưng, miễn là chúng ta làm việc chăm chỉ, cuối cùng họ sẽ biết chúng ta là ai. Chúng ta không cần phải cố gắng giải thích chúng ta là cái gì. Làm vậy chỉ gây thiệt cho việc làm ăn. Làm sao chúng ta có thể tồn tại nếu không làm ra tiền?
Nhà sáng lập Huawei NHẬM CHÍNH PHI tuyên bố trước các nhân viên tập đoàn năm 2015
Huawei luôn khẳng định họ là công ty tư nhân thuộc sở hữu của tất cả lao động và không niêm yết cổ phiếu ở bất kỳ sàn chứng khoán nào. Trong các báo cáo tài chính thường niên, tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) cho biết nhà sáng lập Nhậm Chính Phi giữ 1,4% cổ phần, số còn lại được chia đều cho tất cả 180.000 nhân viên.
Sự thật có đúng như vậy?
Những quan hệ nhằng nhịt cấp cao
Nhiều tờ báo phương Tây cho rằng Huawei phất lên nhanh nhờ có quan hệ với nhiều lãnh đạo chính trị Trung Quốc. Đây cũng là con đường làm giàu quen thuộc của không ít tỉ phú mới tại Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, bà Mạnh Vãn Chu, con gái lớn của ông Nhậm Chính Phi với người vợ đầu, tiết lộ đã đổi sang họ mẹ vào năm 16 tuổi, tức năm 1988 – chỉ một năm sau khi Huawei được thành lập.
Nhưng theo tờ Epoch Times có trụ sở tại Mỹ, bà giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei (hiện đang được tự do theo điều kiện đóng bảo hiểm tại Canada) đã theo họ mẹ ngay từ khi chào đời bởi xuất thân bần hàn của cha.
Thậm chí có thông tin cho biết trong thời gian tham gia quân đội, ông Nhậm Chính Phi đã không thể thăng tiến do lai lịch không được tốt, xuất phát từ sự dính líu của gia đình đối với Quốc dân đảng.
Nhưng gia đình bên vợ lại là chuyện khác. Cha vợ ông Nhậm từ một sĩ quan quân đội đã trở thành bí thư thành ủy một thành phố ở Tứ Xuyên, rồi đại biểu Quốc hội Trung Quốc trong những năm 1980.
Tờ Epoch Times cho rằng mối quan hệ chính trị của cha vợ đã giúp người con rể Nhậm Chính Phi được “thơm lây”.
Mối quan hệ khác được tiết lộ qua một báo cáo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Chủ tịch Huawei kể từ năm 1999 đến nay, bà Tôn Á Phương (Sun Yafang) có xuất thân từ Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (MSS) là cơ quan tình báo đầu não lớn nhất của Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa bà Tôn và ông Nhậm tuy vậy không hoàn toàn tốt. Năm 2010, bà này gây sức ép để ông Nhậm từ bỏ nỗ lực đưa con trai là Nhậm Bình trở thành “thái tử” Huawei, một động thái mà tờ Epoch Times bình luận là dấu hiệu cho thấy mức độ ảnh hưởng của MSS tại Huawei lớn ra sao.
Một năm sau đó, bà Mạnh Vãn Chu được chỉ định trở thành giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei. Quan hệ cha con giữa Mạnh Vãn Chu và Nhậm Chính Phi nhận được sự chú ý rộng rãi trong năm 2013.
Người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi (phải), giới thiệu văn phòng của tập đoàn này ở thủ đô London (Anh) với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 – Ảnh: AFP
“Vạn lý tường lửa” và vai trò của Huawei
Tập đoàn Huawei được cho là đóng vai trò sâu rộng trong việc xây dựng và nâng cấp “Vạn lý tường lửa” – hệ thống kiểm soát thông tin trên mạng Internet được đưa ra dưới thời ông Giang Trạch Dân.
Một thành tố quan trọng trong giai đoạn đầu của Vạn lý tường lửa là dự án Lá chắn vàng. Năm 2003, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết chi phí xây dựng Lá chắn vàng tính từ năm 2001 đến cuối năm 2002 đã tiêu tốn hết 6,4 tỉ nhân dân tệ (khoảng 770 triệu USD vào thời điểm đó).
“Với quy mô, chi phí và tầm quan trọng liên quan tới Vạn lý tường lửa, ông Giang Trạch Dân có lẽ đã không chọn Huawei nếu ông không tin tưởng công ty này và không hài lòng với nền tảng chính trị của nó” – tờ Epoch Times bình luận.
Tuy nhiên tham vọng mở rộng sự hiện diện của Huawei tại Mỹ liên tục bị chặn đứng với lý do đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng theo báo Wall Street Journal, không có thị trường Mỹ, Huawei vẫn là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.
Năm ngoái tập đoàn này chiếm tới 22% thị phần toàn cầu, bỏ xa các đối thủ kế tiếp là Nokia (13%), Ericsson (11%) và ZTE (10%).
Dẫu nhiều nhà mạng Mỹ đã không sử dụng các thiết bị của Huawei từ lâu nhưng các công ty mẹ của chúng thì có. Điển hình như Deutsche Telekom – tập đoàn viễn thông Đức giữ cổ phần lớn nhất của nhà mạng T-Mobile và SoftBank – công ty mẹ của Sprint.
Đó là lý do khiến Mỹ thi triển nhiều cách để buộc các nước quay lưng với Huawei.
Các thiệt hại của Huawei, từ khi bị nghi ngờ và từ chối từ chính phủ một số quốc gia cũng như sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, đến giờ phút này được xếp vào dạng tiềm tàng, chưa có ước tính cụ thể, chủ yếu là việc mất thị phần và hợp đồng cũng như đổ sông đổ biển các nỗ lực xây dựng hình ảnh.
Một hậu quả thú vị nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu các công ty viễn thông chấm dứt mối quan hệ với Huawei.
“Trạng chết, chúa cũng băng hà” – nhưng giờ là ngược lại, trước khi “chúa” là Huawei chết, Telus Corp và BCE Inc – hai nhà mạng viễn thông hàng đầu Canada – sẽ phải đối mặt với việc thiệt hại ít nhất 1 tỉ USD nếu Canada ghi tên vào danh sách các nước nói không với Huawei dưới sức ép từ Mỹ.
Chi phí này (có khả năng là tiền túi) phần lớn bỏ ra cho việc gỡ bỏ thiết bị của Huawei khỏi cơ sở hạ tầng di động và lắp đặt các thiết bị mới mua khác. “Chúa” Huawei chỉ có một nhưng “trạng” thì nhiều, đủ cỡ lớn nhỏ.
Trong suốt nhiều tháng trời kể từ khi có thông tin Huawei chính thức bị Mỹ điều tra, các nhà điều tra đã tìm kiếm cơ hội bắt giữ bà Mạnh nhưng gần như tuyệt vọng. Người phụ nữ sử dụng hết bảy cuốn hộ chiếu trong vòng 11 năm vẫn bặt vô âm tín trên đất Mỹ.Bằng một cách nào đó, Mỹ đã biết được việc bà giám đốc tài chính Huawei sẽ quá cảnh 12 tiếng tại sân bay quốc tế Vancouver của Canada hai ngày trước khi bà đến.
“Trừ khi bà Mạnh bị tạm giữ ở Canada trong lúc quá cảnh, sẽ cực kỳ khó nếu không muốn nói là bất khả thi để bảo đảm bà ta sẽ xuất hiện tại Mỹ cho quá trình tố tụng” – Mỹ thừa nhận trong yêu cầu bắt giữ bà Mạnh gửi Canada.
Kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei?
***
Ván cờ thế Huawei – kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei?
TTO – Không chỉ khiến Bắc Kinh ngày càng kiên định với mục tiêu, vụ bắt giữ con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei thậm chí còn dẫn tới kết quả Mỹ và Trung Quốc sẽ không còn phải lệ thuộc nhau vào chip điện tử hay các thành phần khác.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc do ông Trump và ông Tập dẫn đầu tại cuộc gặp ngày 1-12 ở Argentina – Ảnh: Reuters
Nhiều người Trung Quốc sẽ coi vụ bắt giữ bà Mạnh là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Trung Quốc tiếp tục sản xuất các hàng tiêu dùng giá rẻ và cản bước Trung Quốc sản xuất các sản phẩm tiên tiến, có giá trị cao.
Giáo sư WU XINBO thuộc Đại học Phục Đán (Trung Quốc) nhận xét trong bối cảnh đã có những ý kiến kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ ở Trung Quốc
Vụ bắt giữ giám đốc tài chính toàn cầu (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu không chỉ khiến hình ảnh và uy tín Huawei bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn có thể khiến tập đoàn này đánh mất nhiều hợp đồng lớn tại các thị trường quan trọng.
Nhưng bên trong tổng hành dinh Huawei ở Thâm Quyến, một nhóm các kỹ sư bí mật dường như không quá quan tâm tới các mối lo ngại nói trên. Những người này đang nghiên cứu các công nghệ tiên tiến nhất: từ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây tới chip máy tính với sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.
Những dự án đó không chỉ ảnh hưởng đặc biệt lớn tới tương lai của Huawei mà còn định hình cả tham vọng của Bắc Kinh.
Ông Tập muốn A, Huawei làm tới Z
Hãng tin Bloomberg đã mô tả lại một căn phòng rộng lớn được đặt tên là “Nhà Trắng” bên trong trụ sở Huawei – nơi có rất ít du khách đến tham quan.
Nhưng bên trong phòng mô phỏng – hay còn được gọi là “phòng triển lãm công nghiệp” – một tương lai “kỳ diệu” đã hiện ra, thời đại mà các công ty và chính phủ các quốc gia sử dụng AI và điện toán đám mây của Huawei để xử lý dữ liệu, thúc đẩy doanh số bán hàng, biến các thành phố trở thành một thực thể sống động có thể “nghe và nhìn được mọi thứ”.
Doanh số bán các sản phẩm hỗ trợ việc kết nối mạng và thành phố thông minh của Huawei dự kiến đạt con số 10 tỉ USD trong năm 2018, chiếm 1/10 doanh thu của cả tập đoàn.
Khi gia nhập thị trường điện thoại thông minh, Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới – đã khiến giới quan sát sửng sốt khi liên tiếp vượt mặt Apple về thị phần trong đầu năm nay.
Trong quý 3-2018, Huawei tiếp tục giữ vững vị trí số hai thế giới với 14%, chỉ sau Samsung (19%). Hai năm trước đây, Huawei chỉ có 9% thị phần.
Những tham vọng của Huawei đồng bộ với chương trình nghị sự của Chính phủ Trung Quốc, trong đó nổi bật là chiến lược “Made in China 2025”.
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành cường quốc đi đầu và tự chủ trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn và Huawei đang chứng tỏ tập đoàn này có thể làm được.
Ông Tập muốn Trung Quốc có dấu ấn lớn trên thị trường thế giới và Huawei đã thể hiện được điều đó với 22% thị phần toàn cầu trong ngành sản xuất thiết bị viễn thông.
Ông Tập muốn Trung Quốc đi từ sản xuất đơn giản tới ngành công nghiệp sinh lợi và đem lại lợi ích cho đất nước và Huawei chứng minh với 92,5 tỉ USD doanh thu năm 2017.
Ông Gus Richard, một nhà phân tích tại Northland Capital Markets, tin rằng vụ bắt giữ con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei sẽ không thể làm chậm các tham vọng của Huawei và Trung Quốc.
Trái lại, nó sẽ khiến Bắc Kinh ngày càng kiên định với mục tiêu và dẫn tới kết quả cuối cùng là Mỹ và Trung Quốc sẽ không còn phải lệ thuộc nhau vào chip điện tử hay các thành phần khác nữa.
Bất thường trong vụ bắt bà Mạnh
11h30 trưa 1-12 ở Vancouver, bà Mạnh bước xuống máy bay để tiếp tục nối chuyến tới Mexico mà không hề biết rằng sẽ bị bắt trong lúc làm thủ tục hải quan.
Đồng hồ lúc này ở Buenos Aires (Argentina) – nơi trong cùng ngày sẽ diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump – đã điểm 16h30.
17h47, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập bước vào phòng họp báo với những tuyên bố đầy kỳ vọng cho cuộc hội đàm sau gần một năm căng thẳng thương mại song phương.
Giờ ở Vancouver lúc này đã quá ngọ, cảnh sát Canada đã không mất nhiều thời gian để tìm thấy người cần tìm.
Trong lúc hai nhà lãnh đạo nâng ly ở Argentina, CFO Huawei có lẽ đã yên vị trong một nhà giam ở Canada. Hơn 20h ở Buenos Aires, lãnh đạo Mỹ – Trung kết thúc bữa ăn tối kết hợp làm việc.
Thế giới thức dậy vào ngày 2-12 với thông tin sốt dẻo: Washington và Bắc Kinh đồng ý đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán.
Tối 5-12, tờ Globe and Mail của Canada trở thành nơi đầu tiên tiết lộ một thông tin chấn động: Mạnh Vãn Chu – con gái của nhà sáng lập Huawei – đã bị bắt tại Canada. Tin truyền nhanh như gió chẳng mấy chốc tràn ngập khắp các mặt báo thế giới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu chính quyền Ottawa thả người ngay lập tức nếu không muốn đối mặt “hậu quả nghiêm trọng”. Các phản ứng dồn dập sau đó từ Bắc Kinh khiến nhiều người có cảm giác sự việc như vừa mới xảy ra trong buổi sáng cùng ngày.
Trong cuộc họp báo ngày 10-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích Canada vi phạm thỏa thuận song phương đã ký kết, trì hoãn việc thông báo bắt giữ bà Mạnh.
Đáp trả, Canada khẳng định đã báo lãnh sự quán và đại sứ Trung Quốc tại Canada về sự việc trong cùng ngày CFO Huawei bị bắt, tức ngày 1-12.
Nhiều câu hỏi xuất hiện khi vụ việc bắt đầu tạm lắng. Tại sao thông tin chỉ bị “xì” ra bốn ngày sau khi bà Mạnh bị bắt? Điều gì đã xảy ra trong suốt bốn ngày đó?
Trình tự giờ giấc trong ngày 1-12 cũng cho thấy khả năng cao bà Mạnh đã bị bắt trước khi ông Trump gặp ông Tập. Nhà Trắng không công bố nội dung chi tiết trong cuộc gặp thượng đỉnh – một chất liệu hoàn hảo cho các thuyết âm mưu.
Trong số đó có ý kiến nói rằng tổng thống Mỹ đã cố tình chỉ đạo vụ bắt giữ CFO Huawei ngay trong ngày gặp chủ tịch Trung Quốc để “dằn mặt”.
Nó hệt như cách ông Trump đã từng nói nhỏ vào tai ông Tập rằng Mỹ vừa giội gần 60 tên lửa xuống Syria ngay trong lúc cả hai đang cùng dùng bữa tối ở Florida tháng 4-2017.
Một số người Trung Quốc lại cho rằng Washington cố ý không nêu vấn đề trên tại cuộc gặp để sau tất cả các màn tung hô đình chiến, ông Tập sẽ càng rơi vào thế khó xử.
Như cố gắng dập tắt các suy đoán, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 9-12 khẳng định Tổng thống Trump không hề biết vụ bắt giữ trong lúc gặp người đồng cấp Trung Quốc và chỉ được thông báo sau đó.
Ông Kudlow không được tháp tùng ông Trump trong cuộc gặp với đoàn Trung Quốc ở Argentina. Nhưng cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thì có và như ông thừa nhận từ ngày 6-12, ông đã biết trước kế hoạch bắt CFO Huawei, theo CNBC.
Theo Hãng tin AP, Đại sứ quán Canada tại Trung Quốc đã được phép tiếp cận doanh nhân Michael Spavor trong ngày 16-12 sau khi ông này bị bắt giữ tại Trung Quốc.Trước đó ngày 14-12, đại sứ John McCallum cũng đã gặp được nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig.
Cả hai công dân Canada, ông Michael Spavor và ông Michael Kovrig, bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ ngày 10-12.
Kỳ 5: Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc
***
Ván cờ thế Huawei – Kỳ 5: Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc
TTO – Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, thường đầy tự hào kể về cách ông ta đã giấu 10.000 USD trong mép áo khi lần đầu tiên đến Mỹ học hỏi công nghệ.
Nhà khoa học Zhang Shoucheng và quỹ đầu tư mạo hiểm mang danh nghĩa cá nhân của ông đang bị đặt dấu chấm hỏi lớn – Ảnh: chụp màn hình
Hàng tỉ đôla thì không thể giấu trong mép áo, nhưng Trung Quốc có cách để làm điều đó.
Năm 1997, sau thời gian nhập các thiết bị chuyển mạch điện thoại của nước ngoài về bán trong nước và sao chép, Huawei bắt đầu nhắm ra thị trường ngoài Trung Quốc.
Nhậm Chính Phi hướng tới Mỹ – cửa ngõ tiến ra thị trường toàn cầu với những tên tuổi lớn như Bell Labs và IBM. Sự phát triển của Huawei trong vòng vài thập kỷ qua có thể gọi là “thần kỳ” nếu tất cả đều đến từ sự tự nỗ lực và tự nghiên cứu, vươn lên của nó.
Chiêu bài ngân lượng
Ông Zhang Shoucheng là một nhà vật lý học ở Đại học Standford (Mỹ) và cũng là một nhà đầu tư mạo hiểm. Ông ta đã qua đời ngày 1-12, tức đúng vào ngày giám đốc tài chính (CFO) toàn cầu Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada.
Cái chết của ông Zhang, sau “thời gian dài đấu tranh với chứng trầm cảm”, gần như chẳng ai chú ý bởi cái bóng quá lớn của vụ bắt giữ CFO Huawei.
Thế nhưng ông Zhang, người được dự báo đoạt giải Nobel vì những nghiên cứu về vật lý lượng tử, không phải là nhân vật tầm thường.
Ngoài tài năng nghiên cứu, ông còn thành lập một quỹ đầu tư trị giá 400 triệu USD chuyên đổ tiền cho các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon (Mỹ) và tích cực giúp các nhà nghiên cứu Trung Quốc được đào tạo ở Mỹ trở về nước.
Cái chết của ông Zhang cùng quỹ đầu tư của ông đã vén bức màn về việc làm thế nào các tổ chức nhận được tiền của Trung Quốc tránh được những cái nhìn soi mói của công luận Mỹ.
Danhua Capital – quỹ đầu tư của ông Zhang – đã bị chỉ thẳng mặt trong báo cáo được Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố hồi tháng trước sau một cuộc điều tra toàn diện về các chính sách thúc đẩy công nghệ của Trung Quốc.
Theo USTR, Trung Quốc đang từng bước xâm nhập Thung lũng Silicon, chiếm từ 10-16% các thương vụ đầu tư mạo hiểm giai đoạn 2015 – 2017.
Báo cáo của USTR đã chỉ ra quỹ đầu tư của ông Zhang là minh chứng điển hình cho chiến thuật mới đang được Bắc Kinh áp dụng để thâu tóm các công nghệ của Mỹ.
Quỹ này liệt kê 113 công ty Mỹ trong danh mục đầu tư của mình, hầu hết nằm trong các lĩnh vực mới nổi mà Chính phủ Trung Quốc đã xác định là ưu tiên chiến lược.
Chẳng hạn, Danhua bỏ vốn vào Qeexo – một công ty Mỹ phát triển công nghệ gọi là FingerSense sẽ sớm xuất hiện trên các dòng điện thoại thông minh của Huawei.
Trong khi tự hào giới thiệu các đối tác như Bosch, Nvidia, Qualcomm… trên trang web của mình, Qeexo tuyệt nhiên lại không nhắc đến Huawei.
“Ít nhất một công ty được Danhua đầu tư đã quyết định thu hẹp quy mô hoạt động ở Thung lũng Silicon và bắt đầu các hoạt động khác ở Trung Quốc” – báo cáo của USTR chỉ rõ.
Sự thay đổi trong chiến lược tiếp cận công nghệ nước ngoài đã khiến quỹ đầu tư của ông Zhang hưởng lợi.
Năm 2014, Danhua đặt mục tiêu 50 triệu USD trong lần huy động vốn đầu tiên nhưng đã được cấp tới 91,25 triệu USD, phần lớn đến từ Zhongguancun Development Group (ZDC), một quỹ đầu tư được Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn với tài sản hơn 10 tỉ nhân dân tệ.
Trí tuệ nhân tạo, big data, blockchain và các lĩnh vực công nghệ đột phá khác nằm trong danh sách quan tâm đầu tư của ZDC.
Cảm hứng từ nước Mỹ?
Theo Hãng tin Bloomberg của Mỹ, việc thay đổi chiến lược, từ bỏ trợ cấp công nghiệp để thay bằng các quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước có thể được Trung Quốc lấy cảm hứng từ Mỹ.
Chương trình nghiên cứu sáng kiến doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã bỏ vốn vào Apple và Intel từ thuở sơ khởi của những tập đoàn này.
Việc bỏ tiền vào các công ty khởi nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, song mang lại cho Trung Quốc lợi ích cực kỳ quan trọng, đó là sự tiếp cận với những công nghệ mới nhất, những ý tưởng đột phá ngay từ khi còn trong trứng nước.
Trong khi không có bằng chứng cho thấy quỹ đầu tư của ông Zhang bắt tay với chính quyền Bắc Kinh, báo cáo của USTR mô tả Danhua là một mắt xích “trong mạng lưới các thực thể được thiết lập tại Thung lũng Silicon và các trung tâm công nghệ khác của Mỹ để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy các mục tiêu chính sách công nghiệp của Chính phủ Trung Quốc”.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm do Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đang khiến Chính phủ Mỹ lo ngại, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc công bố chiến lược tham vọng “Made in China 2025” đưa Trung Quốc trở thành nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm tiên tiến của thế giới.
Điển hình như China Integrated Circuit Industry Investment Fund được thành lập vào năm 2014 với số vốn đăng ký là 21 tỉ USD. Nhưng đến năm 2018, tức chỉ sau bốn năm, vốn điều lệ đã được nâng lên gần gấp đôi, đạt mức 47 tỉ USD.
Hồi tháng 5 năm nay, quỹ này đã bắt tay với SMIC – tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn xuất khẩu có trụ sở tại Thượng Hải – để thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 1,8 tỉ nhân dân tệ.
Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm có yếu tố Trung Quốc vào Mỹ đã tăng liên tục kể từ khi nó lần đầu tiên vượt mức 1 tỉ USD năm 2013 – tức thời điểm ông Tập Cận Bình lên cầm quyền.
Tháng 8-2018, chính quyền Mỹ đã phải ra lệnh siết lại các khoản đầu tư mạo hiểm nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ, đặc biệt là những khoản đầu tư đến từ Trung Quốc.
Bất chấp những hạn chế đó, tính đến giữa tháng 11-2018, các quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã đổ xấp xỉ 9 tỉ USD cho 161 thương vụ, cao hơn con số 6,6 tỉ USD năm trước.
Với cái chết của ông Zhang, Trung Quốc đã mất một mắt xích quan trọng giúp nước này tiếp cận với các công nghệ mới nhất ở Thung lũng Silicon. Nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chiến lược Made in China 2025 một cách tích cực, nó sẽ sớm tìm được mắt xích mới.
Thay đổi chiến thuật tiếp cận
Trong nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp để khuyến khích các ngành công nghiệp chủ chốt.
Tuy nhiên, kể từ năm 2014 những khoản trợ cấp này đã bị thay thế bởi các “quỹ định hướng” – những tổ chức tài chính được Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn và hoạt động như các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.
1.171 quỹ như thế đã được các cơ quan chính phủ thuộc nhiều cấp thành lập, với mục tiêu đầy tham vọng là huy động và giải ngân số tiền lên tới 858 tỉ USD!
>> Kỳ tới: Dựng lưới ngăn Huawei
***
Ngày 13-8-2018, Tổng thống Donald Trump ký dự thảo Luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019, trong đó cấm sử dụng sản phẩm và dịch vụ của Huawei và ZTE – Ảnh: AFP
Tôi nghĩ rằng Huawei cũng như ZTE và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác đang đe dọa lợi ích quốc gia, lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của chúng tôi
Nghị sĩ Mỹ MARCO RUBIO trả lời kênh truyền hình CBS ngày 9-12
Trung tuần tháng 2-2018, điều trần trước Ủy ban Tình báo thượng viện, lãnh đạo sáu cơ quan tình báo Mỹ – trong đó có CIA, FBI và Cục An ninh quốc gia (NSA) – cùng cảnh báo người dân Mỹ không nên dùng các sản phẩm và dịch vụ do Huawei và Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông ZTE cũng của Trung Quốc cung cấp.
Cuộc phối hợp nhiều nước
Từ năm 2008, Chính phủ Mỹ đã ngăn cản Huawei mua lại Công ty thiết bị mạng 3Com ở Marlborough (bang Massachusetts). Ba năm sau, Mỹ yêu cầu Công ty viễn thông Sprint Nextel xem xét lại hợp đồng mua linh kiện từ nhà cung cấp Huawei để xây dựng mạng 4G.
Năm 2012, hồ sơ của Huawei tham gia đấu thầu dự án cáp ngầm viễn thông xuyên Đại Tây Dương Hibernia Express bị loại.
Đầu năm 2018, hai tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T và Verizon quyết định không bán điện thoại của Huawei nữa. Ít lâu sau đó, các binh sĩ Mỹ đã nhận được lệnh không sử dụng điện thoại của Huawei.
Mỹ gây sức ép với ZTE tương tự Huawei. Tháng 3-2017, ZTE thừa nhận đã cung cấp trái phép công nghệ Mỹ cho Iran và chịu nộp phạt gần 1,2 tỉ USD.
Ngày 3-10-2018, tòa án Mỹ kết luận ZTE vẫn tiếp tục vi phạm trong thời gian bị giám sát nên kéo dài thêm hai năm giám sát đến năm 2022.
Ngày 13-8, Tổng thống Donald Trump đã ký dự thảo Luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) ấn định mức chi tiêu quốc phòng 716 tỉ USD trong tài khóa 2019. Đạo luật có điều khoản cấm sử dụng phần lớn sản phẩm công nghệ của Huawei và ZTE trong các cơ quan chính phủ và các nhà thầu Mỹ.
Mỹ còn thuyết phục các nước đồng minh tẩy chay Huawei và ZTE.
Báo Wall Street Journal tiết lộ hồi tháng 7-2018, cuộc họp thường niên của lãnh đạo các cơ quan tình báo năm nước liên minh tình báo Five Eyes (Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) tại Ottawa (Canada) đã quyết định năm nước sẽ cùng phối hợp cấm Huawei tham gia mạng 5G.
Các lãnh đạo tình báo cũng phải bày tỏ công khai mối quan tâm với Trung Quốc. Lý do được đưa ra là có nhiều yếu tố cho thấy thiết bị của Huawei còn có chức năng làm gián điệp, từ đó có thể giúp Trung Quốc tăng cường năng lực tình báo mạng và tiềm lực quân sự.
Hơn một tháng sau cuộc họp, ngày 23-8, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã gọi điện cho ông Trump thông báo Úc đã cấm Huawei và ZTE tham gia cung cấp mạng 5G.
Hai tháng sau, New Zealand quyết định cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho Công ty Spark.
Đến ngày 6-12, giám đốc Cơ quan Tình báo an ninh Canada, ông David Vigneault, tuyên bố có dấu hiệu về hoạt động tình báo liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và 5G do nước ngoài bảo trợ.
Từ năm 2012, Canada đã cấm một số nhà cung cấp nước ngoài tham gia xây dựng mạng chính phủ, như vậy Huawei cũng hết đường làm ăn.
Người Trung Quốc chụp ảnh máy bán hàng tự động tại gian hàng khuyến mãi của Huawei ở Thiên Tân – Ảnh: Reuters
Châu Âu: kẻ gật – người lắc
Tháng trước, Mỹ đã mở chiến dịch vận động Đức, Ý, Nhật tẩy chay thiết bị của Huawei. Ngày 10-12, Chính phủ Nhật đã quyết định loại bỏ thiết bị của Huawei và ZTE trong đấu thầu dịch vụ công.
Tập đoàn viễn thông Softbank ở Nhật cũng dự kiến rút hết thiết bị của Huawei và ZTE khỏi mạng 5G.
Tại châu Âu hôm 7-12, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Andrus Ansip thẳng thừng tuyên bố: “EU cần phải quan ngại Huawei và nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc khác vì nguy cơ ảnh hưởng đến lĩnh vực liên quan và an ninh của EU”.
Ông giải thích các công ty công nghệ Trung Quốc có thể bị bắt buộc hợp tác với các cơ quan tình báo Trung Quốc và các công ty này đang sản xuất vi mạch có thể được sử dụng để khai thác bí mật của EU.
“Cũng như các công dân bình thường, chúng ta cần phải sợ”, Ông nói.
Trong liên minh tình báo Five Eyes, tình hình của Anh có phần phức tạp hơn vì cách đây 15 năm Tập đoàn British Telecom (BT) đã ký hợp đồng với Huawei khai thác mạng 3G và 4G.
Song đầu tháng 12-2018, BT thông báo không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G và loại bỏ công nghệ Huawei đối với 3G và 4G.
Hôm 3-12, giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài MI6 Alex Younger phát biểu nhấn mạnh Anh sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G sẽ gây rủi ro lớn về an ninh.
Gần đây nhất, vào ngày 18-12, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babiš thông báo cấm các nhân viên văn phòng chính phủ sử dụng điện thoại di động nhãn hiệu Huawei. Trước đó Bộ Công nghiệp và thương mại đã ban hành lệnh cấm.
Văn phòng quốc gia về an ninh mạng và thông tin công bố báo cáo nhận xét điện thoại di động của Huawei và ZTE có thể làm phương hại đến an ninh quốc gia.
Thật ra không phải nước thành viên EU nào cũng đánh giá thiết bị Huawei ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đức, Pháp và Bồ Đào Nha đã yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng. Đức mạnh miệng cho rằng cơ quan an ninh nước này đủ khả năng phát hiện gián điệp điện tử.
Các tập đoàn viễn thông Đức như Deutsche Telecom, Telefonica Deutschland và Vodaphone khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác Huawei thiết lập mạng 5G. Pháp không cấm Huawei nhưng thủ thân theo cách khác.
Báo Challenge tiết lộ từ năm 2015, Bộ Kinh tế Pháp đã lập một dự án mang mật danh “Người gác cổng” nhằm giám sát Huawei. Dự án bao gồm sáu bộ, các cơ quan tình báo và Cơ quan quốc gia về an ninh hệ thống thông tin Pháp.
Đến nay Huawei vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm không có chứng cứ Huawei hợp tác tình báo với Chính phủ Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo ở Thâm Quyến hôm 18-12, Chủ tịch Ken Hu khẳng định “không có bằng chứng Huawei đe dọa an ninh quốc gia của bất kỳ nước nào”. Ông nói khách hàng vẫn tin tưởng vào Huawei mặc dù có chiến dịch gièm pha.
Song song đó, Huawei cũng quyết định mở cửa các phòng nghiên cứu cho các nhà báo tham quan. Phản ứng từ Huawei chắc chắn không mang lại kết quả một khi Mỹ đã cáo buộc Huawei và ZTE như “con ngựa thành Troia” nằm vùng đánh cắp thông tin hoặc tấn công mạng.