>> Thông cáo số 17 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
>> Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Lâm nghiệp
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Lâm nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, ngày 24/10/2017, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về cơ bản đều tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật mà Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. Bên cạnh đó, có thêm một số ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau Phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật.
Về tên gọi của Luật, phần lớn các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với tên gọi của Dự án Luật là Luật Lâm nghiệp như đề xuất của Chính phủ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho đổi tên Luật là Luật Lâm nghiệp.
Về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng (Điều 23), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ cụm từ “ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi rừng” tại khoản 3 Điều 26 của Dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến đại biểu Quốc hội là hợp lý. Tuy nhiên, việc thu hồi rừng phải gắn với thu hồi đất, trong khi Luật Đất đai (khoản 3 Điều 66) quy định việc thu hồi đất trong trường hợp có cả đối tượng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi để giảm bớt thủ tục hành chính. Vì vậy, để thẩm quyền này đồng bộ với quy định của Luật Đất đai khi Nhà nước thu hồi rừng, đề nghị Quốc hội cho thể hiện quy định này như Dự thảo Luật.
Về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng (Chương VIII), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định cộng đồng dân cư thôn, bản, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, hỗ trợ phục hồi rừng bằng cây bản địa, được khai thác gỗ thương mại theo quy ước, hương ước, được phát triển sản xuất nông lâm kết hợp, hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên được Nhà nước giao. Tiếp thu các ý kiến trên, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định làm rõ các nội dung này như tại khoản 2, 4, 5 và 8 Điều 73; khoản 4 Điều 74; điểm c, d, khoản 2 Điều 75, điểm c, khoản 2 Điều 76; mục 4 Chương VIII; còn việc đảm bảo kinh phí bảo vệ rừng thực hiện theo quy định về nhiệm vụ chi NSNN quy định tại Điều 93.
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Lâm nghiệp
Về quản lý nhà nước về lâm nghiệp (Chương XI), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không nên quy định trong Dự thảo Luật về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp; cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm; đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của kiểm lâm vì họ thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ rừng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát chỉnh sửa các quy định trong Dự thảo Luật theo hướng: phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp và chức năng chấp pháp của kiểm lâm; không quy định cụ thể về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Để thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Chỉ thị 13-CT/TW của Ban bí thư đối với công tác quản lý, BV&PRT là: “Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, BV&PTR”, Dự thảo Luật chỉ quy định về nguyên tắc tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp (Điều 100); quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 101) và trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 102); chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức kiểm kiểm lâm và những điều kiện cần thiết để bảo đảm hoạt động của lực lượng này (Mục 2, Chương XI). Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý lâm nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp với 447 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 91,04% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết: có 431 đại biểu tán thành, chiếm 87,78% tổng số đại biểu Quốc hội; 16 đại biểu không tán thành, chiếm 3,26%.
Gồm 12 chương, 108 Điều, tăng 11 Điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Luật Lâm nghiệp quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; chế biến thương mại, lâm sản; quyền và nghĩa vụ cùa chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.
Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Vân Ngọc
Chính thức thông qua Dự thảo Luật Lâm nghiệp
Dự thảo Luật Lâm nghiệp đã có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp.
Dự thảo Luật Lâm nghiệp gồm 12 chương, 108 điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 8 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 11.867 vụ phá rừng trái pháp luật. Trong đó, 987 vụ khai thác rừng trái phép, 96 vụ vi phạm quy định sử dụng đất lâm nghiệp, 4.712 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Tổng số vụ việc đã xử lý là 10.065 vụ, trong đó xử lý hình sự 237 vụ, xử phạt hành chính 9.828 vụ; tịch thu hơn 13.000 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách gần 120 triệu đồng.
Dự thảo Luật Lâm nghiệp đã có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp. Cụ thể:
Một là, chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.
Hai là, đưa chất thải, hóa chất độc hại, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái quy định, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng.
Ba là, săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.
Bốn là, hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.
Năm là, vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng, quản lý các loài ngoại lai xâm hại, dịch vụ môi trường rừng.
Sáu là, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bảy là, khai thác trái pháp luật tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động trái pháp luật khác làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.
Tám là, giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; cho phép khai thác, cho phép chuyển loại rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng; vận chuyển lâm sản, chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về giới trong giao rừng, cho thuê rừng.
Chín là, sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có một số chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng được quy định tại điều 94 Dự thảo.
Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành.
Anh Nguyên
Trong 8 điểm nêu trên của dự thảo của luật Lâm nghiệp, chưa có điểm nào để người dân và quốc hội thảo luận về quyền sở hữu đất, sỡ hữu rừng và tài nguyên của người dân. Mà chỉ có điểm cấm quyền sở hữu rừng.
Thế giới đã chứng minh, khi người dân (cộng đồng) có quyền sở hữu đất đai, nguồn nước, và khoáng sản có thể giúp đảm bảo việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tức là cũng giúp giải quyết được nhiều vấn đề lớn của 7 điểm phía trên.
Tham khảo ví dụ
Tại sao quyền Sở Hữu Đất quan trọng _ https://cvdvn.net/2016/06/05/4-ly-do-lon-tai-sao-quyen-so-huu-dat-quan-trong/
Tại sao Quyền sở hữu tài sản là tối cần thiết cho hệ sinh thái môi trường lành mạnh.
https://cvdvn.net/2017/06/19/3-ly-do-tai-sao-quyen-so-huu-tai-san-la-toi-can-thiet-cho-he-sinh-thai-moi-truong-lanh-manh/
ThíchĐã thích bởi 1 người