- Kỳ 1: Điêu đứng vì tín dụng đen trá hình
- Kỳ 2: Ngày càng ít tình người
- Kỳ 3: Giải pháp thì nhiều, kết quả chẳng thấy đâu…
***
Miền Tây – những mảnh giáp bảo vệ cuối cùng đang vỡ

Miền Tây Nam Bộ đang nóng hầm hập với chuyện sạt lở, mất đất từ sông đến biển. Nhưng đâu mỗi chuyện mất đất, những mảnh giáp bảo vệ cuối cùng của miền Tây đang vỡ ra từng mảnh, và vùng đất này đang đối diện với những mất mát khác còn lớn hơn về sinh kế, về tình người, về những tan rã từ ngay chính bữa cơm gia đình…
- Vì sao tín dụng đen vẫn hoành hành?
- “Tín dụng đen” bủa vây công nhân
- Tín dụng đen: Ma trận ảo “siết cổ” người vay
Kỳ 1: Điêu đứng vì tín dụng đen trá hình
Bây giờ tới đâu ở ĐBSCL cũng nghe kể, nghe tố chuyện người dân đã và đang điêu đứng vì tín dụng đen trá hình và những “ngân hàng trụ điện”. Ví như một nông dân ở Cần Đước (Long An) vay người ta 130 triệu đồng để trả nợ ngân hàng và trong vòng chưa đầy 2 năm cả vốn lẫn lãi lên đến… 912 triệu đồng. Không còn cách nào khác, người này phải cấn toàn bộ ruộng vườn, nhà cửa cho chủ nợ. Ngay lập tức, chủ nợ cho người đến… đào cả mồ mả trên đất “để bán cho có giá”.
Tự tử vì không có tiền trả nợ
Trong căn nhà của mình ở xã Long Hòa (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), ông Nguyễn Văn Nhỏ, người quá “lớn” so với tuổi 50 ngồi bất động không thèm chào khách. Chuyện cứ thấy ông ngơ ngác như thể vừa từ cõi chết trở về. Sau mới biết hóa ra ông Nhỏ vừa bị thần chết “chê” thật – một vụ tự tử không thành.
Nguyên nhân bắt đầu từ việc ông Nhỏ vay 130 triệu đồng của Ngân hàng Đại Tín để sản xuất nông nghiệp. Sau khi Đại Tín chuyển tên thành Ngân hàng Xây Dựng, ông Nhỏ không được vay vốn nên phải vay của một tổ chức bên ngoài do ông Phạm Quốc Thịnh cầm đầu để trả nợ ngân hàng. Những người cho vay chỉ lấy lãi 5%/tháng, nhưng tiền “dịch vụ” là 10% trên vốn vay (ví dụ vay 100 triệu đồng nhưng thực chất chỉ nhận được khoảng 87 – 89 triệu đồng tùy thủ tục vay lãi dài hay ngắn).
Hằng tháng, những người trong nhóm cho vay sẽ thay đổi hợp đồng, thay người cho vay để ký hợp đồng mới và tất nhiên họ sẽ thu “phí dịch vụ” mới. Bằng cách này, chỉ trong thời gian chưa tới 2 năm, số nợ của ông Nhỏ từ 130 triệu đồng đã “phình” lên đến… 912 triệu đồng. Lúc này, ông Nhỏ chỉ đủ khả năng chỉ trả lãi được 82 triệu đồng và còn nợ lại 830 triệu đồng.
Không còn cách nào khác, ông Nhỏ phải trả nợ cho ông Thịnh bằng các hợp đồng “bán đất”. Và khi ông Nhỏ không còn đất nào để bán, một người tên Mười “nổ” giới thiệu cho ông Nhỏ vay tiền của bà Nguyễn Thị Hằng bên Cần Giuộc để trả cho ông Thịnh. Do ông Nhỏ không còn tài sản thế chấp nên nhóm này gạ bà Lý Thị Há (75 tuổi – mẹ ông Nhỏ) đứng ra “bảo lãnh” để cho vay. Thực tế, đây là một cú lừa ngoạn mục khi tại phòng công chứng, bà Há đã ký vào hợp đồng “bán đất” cho bà Hằng chứ không phải “bảo lãnh” cho vay như lời nói.
Ngoạn mục hơn, bà Há đã ký tay hợp đồng bán toàn bộ đất thổ cư 258m2 và căn nhà bêtông rộng 180m2 cho bà Hằng với giá… 100 triệu đồng (trong khi thực tế, toàn bộ nhà và đất của bà Há được định giá hơn 700 triệu).
Bà Há vừa than trời vừa kể: “Ông Thịnh kêu tôi ra phòng công chứng rồi kêu ký tên bảo lãnh cho con tôi vay 30 triệu đồng. Tôi mắt mờ, kêu ký là ký chứ không thấy mặt chữ, sau này làm việc với công an mới biết họ đã lừa lấy sạch giấy tờ, tài sản của tôi”.
Chưa hết, khi không còn đất sản xuất cũng như nhà cửa để ở, ông Thịnh quay sang ký hợp đồng cho ông Nhỏ “thuê nhà và đất” với giá 27.500.000 đồng/tháng, tức hơn 330.000.000 đồng/năm cho 0,7ha đất lúa. Giá này cao gấp 11-15 lần so với giá cho thuê tại khu vực này. Ông Nhỏ nói: “Tôi giấu gia đình, không dám nói nhà cửa đất đai đã mất sạch. Thực chất số tiền 27.500.000 đồng/tháng này là tiền lãi, vì chuyển đất qua cho ông Thịnh đứng tên xong tôi vẫn còn nợ và phải trả lãi cho ông Thịnh”.
Một thời gian sau, khi có mối mua đất, ông Thịnh cho người đến đào các ngôi mộ trên đất ông Nhỏ “để dễ bán”. Đào xong, nhóm này vứt các tấm ván quan tài trên mặt đất cùng một quả đạn pháo. Sau khi nhóm người này bỏ đi, chừng 10 phút sau thì ông Nhỏ uống thuốc độc tự vẫn nhưng không thành.
“Tôi giờ sống không bằng chết” – ông Nhỏ bất ngờ khóc thành tiếng. “Tôi là con liệt sĩ, mẹ tôi đi kháng chiến bị địch bắt 4 lần. Bản thân tôi từng làm phó công an xã, nghèo quá phải nghỉ để làm ruộng. Vì lâm cảnh nợ nần, đất mẹ tôi đang thờ cúng cha tôi cũng bị gán nợ nên tôi không còn muốn sống nữa…”.
Hợp đồng giả cách và “ngân hàng trụ điện”
Thực tế ở Long An và nhiều địa phương khác của ĐBSCL, chuyện người dân đi vay nợ, nhưng thay vì ký vào hợp đồng mượn tiền họ lại bị “yêu cầu” hoặc lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất… mà số tiền ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản như trường hợp bà Lý Thị Há (mẹ ông Nguyễn Văn Nhỏ ở Long An) không ít, nếu không muốn nói là phổ biến. Thông thường, các chủ nợ đưa ra “giao kèo”, khi thanh toán xong tiền nợ, sẽ trả lại hợp đồng cho người vay. Nhưng trên thực tế, thường bị lãi mẹ chồng lãi con, dẫn đến người vay mất khả năng chi trả nên chỉ biết tức tưởi nhìn tài sản mất vào tay chủ nợ hoặc tìm đến cái chết để “giải thoát”.
“Những hợp đồng kiểu này được gọi nôm na là hợp đồng giả cách” – ông Võ Minh Thành – nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Long An – giải thích: “Chúng tôi phát hiện tình trạng này từ năm 2012, xảy ra tại một số huyện như Đức Hòa, Bến Lức… và đã có văn bản để chấn chỉnh”.
Theo ông Thành, dạng hợp đồng này dễ phát hiện vì chênh lệch tài sản quá lớn, giá trị tài sản có thể là 1 tỉ đồng, nhưng trong hợp đồng chỉ ghi 200 – 300 triệu đồng.
“Hồi còn làm Sở Tư pháp, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở hành nghề công chứng phải giải thích rõ cho người dân hiểu đây thực chất là hợp đồng chuyển nhượng, các cơ sở công chứng cũng đã phát hiện, giải thích và từ chối công chứng, nhưng có trường hợp người dân (có thể vì túng quá) quay lại tự nguyện ký vào hợp đồng” – ông Thành nói.
Ở ĐBSCL bây giờ, mọi con đường vay nợ đều dẫn đến… hợp đồng giả cách. Và con đường phổ biến nhất hiện nay là những “ngân hàng trụ điện”, “ngân hàng gầm cầu” với quảng cáo “vay vốn ngân hàng không thế chấp, chỉ cần thỏa mãn 1 trong 4 điều kiện gồm có hưởng lương, có hóa đơn tiền điện, có mua bảo hiểm nhân thọ, có mua hàng trả góp” được dán nhan nhản ở tất cả các trụ điện, gầm cầu… từ nông thôn cho đến thành thị kèm theo cả số điện thoại. Tuy nhiên khi chúng tôi gọi thử một vài số thì thông tin phản hồi lại ấm ớ, không rõ ràng.
“Tôi khẳng định luôn là hiện không có ngân hàng nào quảng cáo bằng cách treo mảnh giấy bé tẹo lên cột điện hay gầm cầu như chúng ta thấy. Đứng ra làm công việc này, có trường hợp là nhân viên hoặc cộng tác viên của các ngân hàng thương mại, nhưng cũng có cả những trường hợp tín dụng đen, nôm na là bọn cho vay nóng, nặng lãi trà trộn vào khiến nhiều người nhầm lẫn là tín dụng ngân hàng, dẫn đến mắc bẫy lãi suất” – cán bộ một ngân hàng thương mại ở Bến Tre, xin không nêu tên, nói.
Cũng theo cán bộ này, thường “bọn” tín dụng đen rất khôn khéo khi chuyển cách tính lãi từ % sang tính con số. Cụ thể, với mức lãi suất từ 2.000 – 3.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương từ 72-108%/năm), thậm chí có thể lên đến 5.000 – 7.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương từ 180-250%/năm). Nếu vay 50 triệu đồng trong 5 tháng, lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Số tiền lãi 1 ngày là 150.000 đồng; 1 tháng là 4,5 triệu đồng và sau 5 tháng là 22,5 triệu, gần bằng một nửa số tiền gốc.
Sau 5 tháng, nếu người vay không trả được gốc và lãi thì lãi phát sinh sẽ được cộng vào gốc (bằng 72,5 triệu đồng) và tiếp tục tính lãi như cách trên. Đến một lúc nào đó, khi không còn khả năng trả nợ, “bọn” tín dụng đen sẽ chìa ra các hợp đồng “bán đất” hoặc “giả cách” như ví dụ về ông Nguyễn Văn Nhỏ ở Long An. Hoặc cho đội quân đòi nợ thuê rất manh động và liều lĩnh đến “làm việc”.
Nợ chồng nợ đến một lúc không còn khả năng chi trả, người dân tự nguyện mang giấy tờ đất của mình đến giao luôn cho chủ nợ để trừ tiền. Và đã có những “địa chủ” kiểu mới được hình thành theo cách này. “Năm nay ngoài tiền lãi nuôi trồng, tôi còn gom được thêm 2 tỉ tiền đất từ những người mua nợ thuốc trừ sâu và phân bón” – một “địa chủ” ở huyện Đức Huệ (Long An) hồn nhiên khoe với chúng tôi bên bàn rượu trong một buổi chiều mưa tầm tã hôm nọ. Thế còn những người dân mất đất họ sống như thế nào? “Đến làm thuê cho tôi hoặc dắt díu nhau đi Bình Dương làm công nhân!”. Nghe câu trả lời mà ứa nước mắt…
***
Miền Tây – Những mảnh giáp bảo vệ cuối cùng đang vỡ – Kỳ 2: Ngày càng ít tình người
“Bây giờ người dân miền Tây họ sống với nhau ngày càng ít tình người, nếu không muốn nói là ngày càng ác”, Anh hùng Lao động, GS. TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ bức xúc khi hay tin một nông dân ở Kiên Giang bị “kẻ xấu” đổ thuốc sâu xuống hồ khiến đàn cá lóc sắp thu hoạch chết phơi trắng bụng.

“Sát hại” từ người đến vật nuôi
Ngày chúng tôi tìm đến ấp Kinh 7 (xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) thì anh Nguyễn Trường Du – chủ nhân của hồ cá lóc sắp đến kỳ thu hoạch bị ai đó ném nguyên cả chai thuốc sâu xuống hồ khiến cá chết sạch không còn một con (hôm 15.5) đã nguôi ngoai phần nào.
Hiện trường vụ cá chết cũng đã được thu dọn, nhưng những tấm ảnh được share nhau trên mạng thì vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh. Anh Du, giọng rầu rĩ: “Trước đó mấy ngày, tôi phát hiện cá lóc và cá tra của gia đình nuôi dưới kênh liên tục chết bất thường và càng về sau số lượng chết càng lớn. Thấy nghi ngờ, tôi lặn xuống kênh nuôi cá lóc thì phát hiện 1 chai thuốc trừ sâu đã mở nắp nằm dưới đó. Tui đã báo vụ việc lên chính quyền, công an xã, huyện cũng đã xuống điều tra nhưng họ nói nguyên nhân cá chết có phải do thuốc sâu hay không thì phải giám định nguồn nước, cá… mới có kết luận chính xác”.
Anh Du bảo tổng đàn cá của anh trị giá khoảng 40 triệu – là nguồn sống của cả gia đình gồm 3 con nhỏ đang tuổi đến trường, nay thì kể như là trắng tay!
Hơn 2,5 tấn tôm 45 ngày tuổi với số lượng khoảng 107con/kg của ông Hà Quốc Giới (52 tuổi, ngụ ấp Quyết Thắng, xã An Trạch A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cũng có số phận tương tự đàn cá lóc của ông Du. Trong đơn “báo án” gởi cơ quan chức năng, ông Giới cho biết một ngày đẹp trời, ông phát hiện tôm mình nuôi dưới hồ bỗng dưng thi nhau nhảy lên khỏi mặt nước như bị bỏng lửa. Ông Giới kêu nhân công xuống kiểm tra thì thu được một túi ni lông còn nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Lập tức ông Giới kêu người bán tháo tôm, nhưng cũng chỉ bán được khoảng 700kg, số còn lại chết thối đặc hồ, uớc tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Trước đó, ông Trần Văn Sảnh (57 tuổi, ngụ ấp Phước Tường B, xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) trong khi đi thăm ruộng thì phát hiện một lượng lớn mảnh chai nằm rơi vãi trên mặt ruộng của mình. Thấy vụ việc nghiêm trọng, một mặt ông Sảnh “báo quan”, một mặt khoanh vùng thu gom mảnh chai làm chứng cứ. Kết quả, ông Sảnh gom được… 3,6kg mảnh chai (gồm nhiều loại mảnh vỡ chai bia, chai nước tương, ly sành uống nước…). Tuy không thể khẳng định ai là người đã rải mảnh chai lên ruộng mình nhưng ông Sảnh cho biết, trước đây, phía gia đình có mâu thuẫn với một hộ dân ở cùng ấp. Mặc dù đã được ngành chức năng hòa giải nhưng sau đó ông thường xuyên bị người của gia đình kia hăm dọa.
Cùng thời điểm đó, cũng tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Đắng (54 tuổi, ngụ ấp Quang Đức, xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm) cũng đi “báo quan” chuyện nền ruộng của gia đình ông bị người lạ gài chông. “Tôi ra ruộng dọn đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa mới thì bị một vật cứng đâm vào bàn chân gây chảy máu. Lật lên xem thì đó là một cây sắt nhọn giống căm xe đạp (chiều dài khoảng 1/3 cây căm), được gắn vào khúc tre, hình dáng như cây chông một mũi. Lúc đó tôi nghĩ nghĩ là do người nào đó vô tình làm rớt lại nên bỏ qua.
Tuy nhiên, vài ngày sau, một người dân đi soi ếch trên ruộng nhà tôi tiếp tục bị chông đâm vào bàn chân chảy máu tương tự như tôi trước đó. Thấy lạ, tôi đi tìm quanh thì thu được thêm nhiều cây chông khác trên đất ruộng của gia đình. Tôi năm nay 54 tuổi, làm ruộng từ nhỏ nhưng chưa bao giờ thấy chuyện lạ lùng như thế này. Rõ ràng có ai đó muốn hại chết tôi”, ông Đắng bức xúc.
Hồn nhiên… ác
Ngoài việc đổ thuốc trừ sâu xuống các hồ tôm cá, thả chông và mảnh chai xuống ruộng như vừa kể, trong lần trao đổi với chúng tôi mới đây, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an còn kể thêm những “hành vi trả thù” tàn ác khác ở miền Tây mà ông biết được như đốt mía, đổ thuốc vào thân dừa, chặt chân trâu bò… Đáng nói là các “hành vi trả thù” chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây và trải đều khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chứ không khu biệt ở một địa phương nào.
Còn nhớ hôm chúng tôi kể cho GS Võ Tòng Xuân nghe chuyện về Nguyễn Nhật Toàn, 33 tuổi ở Vĩnh Trinh (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ). Chỉ vì say rượu, nhớ chuyện một người bà con tên Thảo trước đó bơm nước vô áo cá vô ý tràn qua ruộng của mình, Toàn đã mua 2 chai thuốc trừ sâu về đổ xuống ao cá trị giá hơn 1,6 tỉ đồng của ông Thảo cho bõ ghét. Để rồi sau đó Toàn nói với cơ quan điều tra rằng: “Bây giờ, em không biết xử lý sao nữa. Khi tỉnh dậy, biết mình đã sai. Em giờ cơm không đủ ăn lấy tiền đâu đền bạc tỉ”. Diễn biến vụ việc và câu trả lời, sao lại hồn nhiên một cách đau lòng thế nhỉ?
Nhân việc GS Võ Tòng Xuân nhắc chuyện “hồn nhiên” và “hồn nhiên ác”, chúng tôi chợt nhớ đến một giai thoại lịch sử rất thú vị mà dân gian Nam bộ truyền khẩu. Rằng thời Nguyễn Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn lên ngôi vua được một vài năm, một hôm có một nhóm điền chủ Nam bộ đến trước cửa Ngọ Môn hỏi thăm lính canh đòi gặp “thằng Hai Ánh”. Lính gặng hỏi mãi mới biết “thằng Hai Ánh” là vua Gia Long bèn nạt dữ, bảo mấy ông này phạm tội khi quân.
Các điền chủ không chịu, cãi cọ ầm ĩ, chuyện đến tai vua. Vua Gia Long bèn sai người đem mấy cây gấm ra tặng nhưng các điền chủ Nam bộ không nhận, bảo “tụi tao lặn lội mấy tháng trời từ trong nam ra đây, mang theo một mớ khô lóc, chỉ muốn gặp và nhậu với bạn cũ là thằng Hai Ánh một trận rồi về chớ có xin xỏ cái gì đâu mà tặng gấm. Không nhậu với nhau được một trận tới bến thì tụi tao dzìa!”. Chắc là chuyện vui thôi nhưng lại cơ bản khái quát về sự thật thà, chân thành, hồn nhiên, tốt bụng… trên cả mức tuyệt vời của những người dân Nam Bộ không chỉ với bạn bè. Nhưng hình như những tính từ này bây giờ đã trở nên xa lạ với người dân đồng bằng?
Câu hỏi đó cứ ám ảnh chúng tôi cho đến một buổi chiều mưa xối xả ở thành phố Châu Đốc (An Giang). Chúng tôi tình cờ gặp lại ông Nguyễn Văn Sức, nguyên lãnh đạo Đội kiểm soát Hải Quan chống buôn lậu An Giang, nhân vật chính trong vụ đưa “vua đường lậu” Vi Ngươn Thạnh hay còn gọi là “Tỷ đường” ra truy tố trước pháp luật mà báo Lao Động đã nhiều lần phản ánh.
Có thể nói, ông Sức và ông “Tỷ đường” là kẻ thù không đội trời chung. Và bây giờ, ông “Tỷ đường” đang ngồi trại tạm giam, còn ông Sức thì cũng vừa bị chuyên công tác khác do trước đó đã quá rắn, quá quyết liệt trong việc đấu tranh chống ông “Tỷ đường” làm mếch lòng cấp trên. Tuy nhiên chuyện đó vẫn không làm chúng tôi bất ngờ bằng việc ông Sức kể trong quá trình đánh án nhiều năm, lâu lâu ông Sức và ông “Tỷ đường” lại… ngồi cà phê chung với nhau. “Bình thường mà, có gì đâu ngạc nhiên?” – ông Sức cười khi thấy chúng tôi há hốc mồm.
“Có khi chúng tôi cà phê ngay sau khi tối hôm trước vừa cho bắt của ông “Tỷ đường” một lượng đường rất lớn từ Campuchia buôn lậu vào nội địa. Và ông Tỷ cứ vò đầu bức tai không hiểu sao tôi lại… tài đến thế”. Ông Sức bảo “tôi nhớ mãi có lần ông “Tỷ đường” ngồi cà phê với tôi tâm sự rất thật rằng ông ta thù tôi tận xương tủy, ông ta đã bỏ ra rất nhiều tiền để tìm cách đẩy tôi đi khỏi vị trí công tác hiện tại nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa bị cho đi…”. Những chuyện như thế này, liệu có thể nghe được ở đâu khác trên đất nước mình, ngoài miền Tây Nam Bộ?
Mừng vì vẫn còn chuyện sinh động để mà ví dụ sự thật thà, chân thành, hồn nhiên, tốt bụng… của người dân miền Tây Nam Bộ. Nhưng lại nghe buồn bởi những “hồn nhiên” kiểu ông Sức và ông “Tỷ đường” như vừa kể lại là chuyện thiểu số, trong khi những đổ thuốc trừ sâu xuống ao tôm cá, thả mảnh chai và chông xuống ruộng, chặt chân trâu bò… để giải quyết mâu thuẫn, để trả thù nhau lại đang ngày một nhiều hơn…
“Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ việc ở các vùng nông thôn của miền Tây, sự hiểu biết về pháp luật của một bộ phận cũng còn hạn chế nên khả năng gây ra các hành vi phạm pháp mà không lường trước hậu quả cũng cao hơn ở các khu vực khác” (Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an).
Miền Tây – những mảnh giáp bảo vệ cuối cùng đang vỡ: Giải pháp thì nhiều, kết quả chẳng thấy đâu…

“Tôi không muốn nói là u ám, nhưng đúng là rất… u ám” – câu cảm thán của TS Trần Hữu Hiệp – Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ – với chúng tôi cách đây 3 năm, khi nói về những bước chân liêu xiêu đói nghèo của người dân cuối Việt. Sau 3 năm gặp lại, hỏi chuyện cũ, ông Hiệp vẫn nhắc lại câu nói cũ kèm thêm những cái lắc đầu: “Không những không thay đổi được gì mà tình hình ngày càng xấu hơn…”.
- Miền Tây – những mảnh giáp bảo vệ cuối cùng đang vỡ
- Miền Tây – Những mảnh giáp bảo vệ cuối cùng đang vỡ – Kỳ 2: Ngày càng ít tình người
Những tan vỡ và mất mát
“Thành phố Bavet” (tỉnh Soài Riêng, Campuchia) bên kia Mộc Bài một trưa nắng tháng 6. Lại là một casino bỏ hoang, nhưng lần này chúng tôi ghé lại bởi ngạc nhiên khi thấy trước cổng có cô bé đầu trần ngồi ôm cái thùng nhựa với ánh mắt chờ đợi đặc trưng của người bán hàng ế khách. Lượm – tên cô bé, 14 tuổi, đến từ bên kia cửa khẩu Mộc Bài ở tận dưới miệt Sóc Trăng, theo ba mẹ qua đây kiếm sống đã nhiều năm sau một thời gian bỏ ruộng, bỏ nhà bôn ba lên Sài Gòn, qua Bình Dương làm công nhân. Lượm bán đồ ăn vặt “xách tay” bỏ trong thùng nhựa.
Em gái Lượm – nhỏ hơn một tuổi, đi bán vé số. Mẹ của chị em Lượm thì bán cóc ổi xoài và tất tần tật những gì có thể ăn được trên một chiếc xe đẩy. Đối tượng phục vụ của gia đình Lượm, tất nhiên là những người Việt “vượt biên” sang đây chơi đỏ đen trong các casino còn sót lại đang lay lắt cầm chừng…
Hôm trước ở Long An, chúng tôi vừa “xâm nhập” vào một khu nhà trọ có đến mấy chục gia đình từ Campuchia “vượt biên” qua kiếm sống bằng nghề bán vé số. Chưa hết ngạc nhiên thì hôm nay ở Campuachia lại “đụng” phải không chỉ một cô Lượm mà nhiều những người Việt cũng qua đây kiếm cơm bằng đủ thứ nghề buồn chán, trong đó có rất nhiều cô gái có chút nhan sắc đang “làm gái” trong các casino với giá “dò hỏi” lên đến 1.500.000 đồng cho một lần “tàu nhanh” từ “bọn chăn dắt”.
Mà đâu chỉ có mỗi “thành phố Bavet” này. Ở Singapore, Malaysia, Trung Quốc vùng giáp biên… ở đâu chúng tôi cũng gặp rất nhiều người Việt dắt díu nhau kiếm sống với những nghề cũng rất buồn chán. Và thật buồn là phần lớn trong số họ có xuất xứ từ miền Tây – nơi từng là “mảnh đất xanh”, là “đất hứa” của nhiều thế hệ người dân miền Trung, miền Bắc. Khá giả hơn cả là “biệt đội” những cô gái lấy chồng ngoại, nhưng bi kịch thì đầy rẫy, hơn chục năm nay báo chí kể mãi không hết chuyện.
3 năm trước, trong loạt phóng sự “Liêu xiêu nơi cuối Việt”, chúng tôi đã đi qua những ngôi làng bị “đổi ngôi” khi phụ nữ trong gia đình là người kiếm tiền chính bằng cách đi làm công nhân, còn đàn ông ngược lại ở nhà lo quét dọn nhà cửa, cơm nước, đưa đón con đi học và… nhậu! Đó là một sự tan vỡ, mất mát, bắt đầu từ bữa cơm và sự phân công việc làm trong mỗi gia đình, chỉ dấu báo hiệu cho những tan vỡ và mất mát lớn hơn.
“Thời gian gần đây, tỉ lệ ly hôn ở các gia đình có vợ làm công nhân ở Long An do vợ chủ động tăng đột biến” – một chánh án ở Long An than thở. Một khảo sát bỏ túi của chúng tôi cho thấy, cứ 10 gia đình “đổi ngôi” thì có đến 3-4 đã ly hôn hoặc đang ly thân và người “đâm đơn” hoặc chủ động khép mình là người vợ với một lý do chung như thú nhận của một người vợ rất đau lòng: Sau một thời gia “đi ra” làm công nhân, họ tiếp xúc với nhiều người, nhiều không gian sống cùng bao chuyện mới lạ. Cứ thế một hôm, bỗng dưng họ thấy “thằng chồng” suốt ngày say xỉn và không làm ra tiền của mình ở nhà thật là nhạt nhẽo!
Thời sự, vẫn là hạt gạo bị cắn làm 8
Nếu như gốc rễ của chuyện sạt lở ở ĐBSCL là nạn khai thác cát tràn lan thì gốc rễ của những thân phận bị “tước đoạt” tư liệu sản xuất với nhiều hình thức, đang ngập ngụa trong tín dụng đen trá hình thành “ngân hàng trụ điện” và những hành vi “ác hồn nhiên” đang ngày càng phổ biến ở vùng đất này là gì? Là ĐBSCL sau bao nhiêu năm vẫn là một “vùng trũng” về giáo dục, văn hóa, nhận thức và các thiết chế đi kèm. Là sự đi xuống của hình sin đói nghèo và chưa có dấu hiệu dừng lại.
TS Trần Hữu Hiệp – Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ – nói “đó là thực tế, một thực tế đau lòng!”. Cách đây hơn 5 năm, chính ông Hiệp là người phát triển “lý thuyết” hạt gạo Việt Nam đang bị cắn chia làm 8 nên lợi nhuận của người trồng lúa teo tóp của TS Nguyễn Văn Sánh – Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ).
Ông Hiệp bảo, trong 8 phần đó, 4 phần đầu tiên phải chia cho “4 nhà” gồm: Nhà băng (nông dân phải trả vốn, đóng lãi ngân hàng, kể cả vay lãi cao bên ngoài để có tiền đầu tư sản xuất); nhà cung ứng vật tư (mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu đầu vụ, trả lãi cao cuối vụ, chiếm tới khoảng 65% chi phí sản xuất); nhà mình (ăn uống, chữa bệnh, học hành, các khoản đóng góp… chiếm thêm 21%); nhà hàng xóm (hoan, hôn, tang, tế…). Còn 4 phần sau?
Ông Hiệp liệt kê: Đó là nhà xuất khẩu (nhà gần như có đặc quyền quyết định giá lúa hằng năm căn cứ vào hiệu quả kinh doanh, mà không nhìn vào hầu bao lép kẹp của nông dân); “ông CPI” (lúa gạo do nông dân làm ra phải làm nhiệm vụ bình ổn giá tiêu dùng, không thể tăng-giảm tự nhiên theo nhịp điệu thị trường thế giới); nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần tích cực vào an ninh lương thực thế giới.
Rồi ông Hiệp ví von: “Sản xuất lúa gạo của nông dân hiện nay như cây đòn gánh. Gánh nặng đầu vào là nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao; đầu kia là tiêu thụ lúa gạo bấp bênh; cả 2 đầu đều đang “có vấn đề”. Người nông dân vừa gánh, vừa bị “lắc lư” trong thế dễ ngã”.
Mà đâu mỗi hạt gạo bị “cắn” làm 8 phần, ngay cả con cá, cây mía và các loại nông sản khác cũng bị chặt làm nhiều khúc, chia ra nhiều phần nhưng phần của người nông dân được nhận lại quá nhỏ và bất hợp lý, không tương xứng với công sức họ bỏ ra.
Bất cứ con gì, cây gì, bây giờ nếu bán có lời thì hết 70% tiền lời là những thương lái trung gian, phần lớn là thương lái nước ngoài hưởng. Nhưng nếu lỗ thì người dân chịu hoàn toàn. TS Trần Hữu Hiệp cay đắng: “Câu chuyện sản xuất ở ĐBSCL hiện nay như cái đòn gánh. Một bên là đầu vào nặng trĩu giá vật tư, phân bón, tiền lãi vay; một bên là đầu ra với giá cả bấp bênh, phập phù theo giá thị trường sớm nắng chiều mưa, nên người nông dân ở giữa cứ bước liêu xiêu với tương lai mờ mịt”.
Những “mảnh giáp” bảo vệ của ĐBSCL không những ngày càng mỏng đi mà còn đã và đang vỡ ra, bắt đầu từ việc vắng bóng những mùa lũ “đặc sản” hằng năm mang theo nguồn phù sa vô tận cùng với hạn mặn, thiếu nước và sạt lở bủa vây quanh năm.
Là một nền nông nghiệp bị “bỏ hoang” theo nhiều nghĩa khiến vùng đất này thành “túi nghèo” của đất nước và những dòng người “đóng cửa” ruộng vườn, nhà cửa dắt díu nhau ngược lên Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân kiếm sống qua ngày. Những kết cấu xã hội và các giá trị đạo đức bị xáo tung, đảo lộn, từ bữa cơm gia đình nguội lạnh và người đàn ông phải chăm con, quét nhà… để vợ yên tâm ra ngoài làm công nhân kiếm tiền lo gia đình. Là những cô gái không chỉ ngược xuôi Nam-Bắc mà còn đến hầu khắp khu vực Đông Nam Á kiếm cơm bằng đủ thứ nghề buồn tủi cùng triết lý “lấy chồng nước ngoài thì có hạnh phúc, có khổ đau nhưng ở nhà lấy chồng quê thì chỉ là bất hạnh”.
Một kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: Bình quân đất sản xuất của người dân ở đây chỉ có 0,4ha/hộ. Và do quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập chia cho số nhân khẩu trong hộ thuần nông còn thấp hơn 1USD/người/ngày – chưa đủ để mua một tô phở! Một con số không thể nào tin được!
Sau nhiều năm gặp lại TS Trần Hữu Hiệp, thời sự của ĐBSCL vẫn là chuyện hạt gạo bị “cắn” làm 8 phần và con cá, cây mía, các loại nông sản bị chặt ra nhiều khúc, chia ra nhiều phần… Hỏi giải pháp và kết quả? Ông Hiệp lắc đầu, thở dài bảo “giải pháp thì nhiều nhưng kết quả lại chẳng thấy đâu và nguy hiểm hơn là thực tế lại ngày mỗi xấu đi…”.
“…Câu hỏi đó cứ ám ảnh chúng tôi cho đến một buổi chiều mưa xối xả ở thành phố Châu Đốc (An Giang). Chúng tôi tình cờ gặp lại ông Nguyễn Văn Sức, nguyên lãnh đạo Đội kiểm soát Hải Quan chống buôn lậu An Giang, nhân vật chính trong vụ đưa “vua đường lậu” Vi Ngươn Thạnh hay còn gọi là “Tỷ đường” ra truy tố trước pháp luật mà báo Lao Động đã nhiều lần phản ánh.
Có thể nói, ông Sức và ông “Tỷ đường” là kẻ thù không đội trời chung. Và bây giờ, ông “Tỷ đường” đang ngồi trại tạm giam, còn ông Sức thì cũng vừa bị chuyên công tác khác do trước đó đã quá rắn, quá quyết liệt trong việc đấu tranh chống ông “Tỷ đường” làm mếch lòng cấp trên. Tuy nhiên chuyện đó vẫn không làm chúng tôi bất ngờ bằng việc ông Sức kể trong quá trình đánh án nhiều năm, lâu lâu ông Sức và ông “Tỷ đường” lại… ngồi cà phê chung với nhau. “Bình thường mà, có gì đâu ngạc nhiên?” – ông Sức cười khi thấy chúng tôi há hốc mồm.
“Có khi chúng tôi cà phê ngay sau khi tối hôm trước vừa cho bắt của ông “Tỷ đường” một lượng đường rất lớn từ Campuchia buôn lậu vào nội địa. Và ông Tỷ cứ vò đầu bức tai không hiểu sao tôi lại… tài đến thế”. Ông Sức bảo “tôi nhớ mãi có lần ông “Tỷ đường” ngồi cà phê với tôi tâm sự rất thật rằng ông ta thù tôi tận xương tủy, ông ta đã bỏ ra rất nhiều tiền để tìm cách đẩy tôi đi khỏi vị trí công tác hiện tại nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa bị cho đi…”. Những chuyện như thế này, liệu có thể nghe được ở đâu khác trên đất nước mình, ngoài miền Tây Nam Bộ?…”
Mong những chuyện “bình thường” này trở nên bình thường ở đất nước mình.
ThíchThích
Đạo đức hỏng từ trên xuống dưới thì như vậy đó.
Căn bản vẫn là VN suy sụp toàn diện về đạo đức, và làm gì thì người gian ác cũng nhiều hơn người lương thiện, chỉ có dân ngu là cực khổ và bị áp bức, lừa gạt.”
Và nhà nước thì dốt vì thiếu đạo đức. Thiếu đạo đức thì không thể biết cách giải quyết các vấn đề thiếu đạo đức. Giản dị vậy.
ThíchThích