- Tập huấn cho báo chí về mại dâm
- Nâng cao điều kiện làm việc của người lao động giải trí là phương thức hỗ trợ hiệu quả các chương trình dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV ở Việt Nam
***
Tập huấn cho báo chí về mại dâm
Phòng chống HIV
Buổi hội thảo nhằm mục đích cải thiện nội dung đưa tin về mại dâm trên báo chí liên quan đến kiến thức, cách sử dụng ngôn ngữ và phương pháp tiếp cận.
![]() |
HẢI PHÒNG – Khoảng 20 nhà báo từ Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM đã cùng trao đổi để tìm ra cách đưa tin hiệu quả nhất liên quan đến mại dâm, một vấn đề từ lâu được coi là “tệ nạn xã hội” tại Việt Nam, trong khuôn khổ một buổi hội thảo vào ngày 6-7/9 tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Sự kiện do ILO, Hội nhà báo Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đồng tổ chức, nhằm mục đích cải thiện việc đưa tin bài liên quan đến mại dâm và giúp các nhà báo sáng tạo các bài báo cung cấp thông tin chính xác, sâu sắc và khách quan về đề tài nhạy cảm này.
“Đây là vấn đề khó, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới,”TS Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội, Bộ LĐTBXH, nhận định. “Báo chí đóng một vai trò quan trọng giúp phản ánh được thực tế của xã hội và hỗ trợ được những người trong cuộc.”
Theo Bộ LĐTBXH, có khoảng 32.000 người bán dâm tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số thực tế được ước tính lên tới khoảng 300.000-500.000 người.
TS Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, một trong các chuyên gia tại hội thảo, cho biết tuổi của người bán dâm đang ngày càng trẻ hóa, phần lớn trong số họ là lao động di cư và có trình độ học vấn thấp.
Người làm nghề này thường bị vi phạm nhiều quyền tại nơi làm việc, bao gồm các vấn đề liên quan đến bạo lực, sức khỏe, bị hủy hoại nhân phẩm, và bị khách lừa đảo.
Do môi trường làm việc không an toàn, người bán dâm rất dễ bị lây nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm phụ nữ bán dâm ở mức 2,6%, theo số liệu năm 2013.
“Kiểm soát thành công HIV trong nhóm người bán dâm sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho họ mà cho cả cộng đồng và xã hội,” TS Hà chia sẻ.
Sự kiện này được tổ chức trong khuôn khổ dự án cải thiện điều kiện làm việc của lao động giải trí, góp phần hỗ trợ các chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam của ILO. Đây là dự án do Quỹ Một Liên Hợp Quốc tài trợ.
***
ILO – Nâng cao điều kiện làm việc của người lao động giải trí là phương thức hỗ trợ hiệu quả các chương trình dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV ở Việt Nam
Hỗ trợ đối tác ba bên – Chính phủ, tổ chức đại diện giới sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động – trong việc nâng cao điều kiện làm việc của người lao động trong ngành giải trí, góp phần tăng cường hiệu quả của các chương trình phòng chống, chăm sóc và điều trị về HIV ở Việt Nam.
Đối tượng thụ hưởng: Người lao động trong vực giải trí, doanh
nghiệp/đơn vị kinh doanh dịch vụ giải trí và các đối tác lao động của ILO.
Địa điểm: Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.
Bối cảnh
Lao động ngành giải trí đối mặt với nhiều sự vi phạm về quyền lao động tại nơi làm việc. Điều này làm hạn chế hiệu quả của Luật Phòng chống, chống HIV/AIDS 2006 trong việc đảm bảo lao động ngành giải trí được tiếp cận với thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng chống và kiểm soát HIV. Các dự án can thiệp giảm hại cho người lao động ngành giải trí chủ yếu chú trọng cung cấp dịch vụ hơn là giải quyết các vấn đề về lao động và điều kiện làm viêc, những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV của người lao động giải trí và hạn chế họ sử dụng các dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc và điều trị liên quan tới HIV. Sáng kiến này của ILO, phối hợp với UNAIDS, sẽ lấp đầy khoảng trống trong can thiệp giảm hại hiện nay – góp phần bảo vệ các quyền lao động tại nơi làm việc của người lao động ngành giải trí và giải quyết vấn đề tiếp cận dịch vụ y tế, bạo hành và các điều kiện làm việc không an toàn.
Mục tiêu dự án
Hỗ trợ đối tác ba bên – Chính phủ, tổ chức đại diện giới sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động – trong việc nâng cao điều kiện làm việc của người lao động trong ngành giải trí, góp phần tăng cường hiệu quả của các chương trình phòng chống, chăm sóc và điều trị về HIV ở Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể
- Nâng cao năng lực của người lao động trong ngành giải trí để họ có thể vận động cho điều kiện làm việc tốt hơn.
- Nâng cao năng lực của các đối tác ba bên nhằm hỗ trợ việc đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động giải trí tại nơi làm việc.
Hoạt động chính
- Nâng cao năng lực của người lao động giải trí để họ có khả năng tham gia đối thoại với chủ sử dụng lao động và cơ quan Chính phủ và có kỹ năng vận động để cải thiện điều kiện làm việc.
- Thực hiện chương trình can thiệp thí điểm tại 20 đơn vị kinh doanh dịch vụ giải trí, hỗ trợ xây dựng các chính sách tại nơi làm việc nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệp HIV.
- Khảo sát về các điều kiện làm việc trong lĩnh vực giải trí nhạy cảm.
- Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các hoạt động xây dựng chính sách và tăng cường việc sử dụng các dịch vụ tư vấn, xét nghiệp HIV thông qua các can thiệp tại nơi làm việc.
Kết quả mong đợi
- Nhóm/ câu lạc bộ của người lao động giải trí được nâng cao năng lực trong việc vận động cho sự an toàn tại nơi làm việc, tiếp cận các dịch vụ y tế, sức khỏe, không bị bạo hành, bóc lột hay phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
- Các chính sách tại nơi làm việc trong ngành giải trí hỗ trợ nhân viên trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giảm bạo lực, bóc lột hay phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:
Bà Phạm Thị Thanh Huyền
Điều phối viên dự án quốc gia
Văn phòng ILO tại Việt Nam
48-50 Nguyen Thai Hoc, Ba Dinh, Hanoi
Tel.: +84 4 3734 0902 ext. 107
Fax: +84 4 3734 0904
Email: thanhhuyen@ilo.org
Website: /hanoi