Giữ từng mốc giới, đường biên – Kỳ 1: Nóng bỏng Hà Giang
Giữ từng mốc giới, đường biên – Kỳ 2: Rập rình Bản Giốc
Giữ từng mốc giới, đường biên – Kỳ 3: Sóc Giang căng như dây đàn
Giữ từng mốc giới, đường biên – Kỳ 4: Sắt son Nho Quế
Giữ từng mốc giới, đường biên – Kỳ 5: Vượt qua những lời nguyền
***
Giữ từng mốc giới, đường biên – Kỳ 1: Nóng bỏng Hà Giang
09:31 AM – 07/03/2016 TN

Cuối tháng 12.2008 hoàn thành phân giới biên giới đất liền Việt – Trung, nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc mới tạm kết thúc 54 năm đấu tranh giữ đường biên, mốc giới.
Dằng dặc từ năm 1954 cho đến cuối tháng 12.2008 (thời điểm Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc), quân dân 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường đấu tranh gìn giữ, khẳng định đường biên, mốc giới và mồ hôi, xương máu của họ đã thấm đẫm từng dải đất biên cương. Trong giai đoạn bảo vệ và quản lý biên giới, mốc quốc giới hiện nay, vẫn còn những hy sinh vất vả nhưng mốc biên cương luôn vững chãi, khẳng định chủ quyền.
![]() Ranh giới 2 nước Việt – Trung được đánh dấu bằng phiến đá bắc ngang rãnh nước ở lối mở Mã Lủng Kha (Ma Lé, Đồng Văn, Hà Giang). Trong hình là phần đất của Việt Nam và đường đi từ lối mở vào thôn Mã Lủng Kha (nhìn từ phía Trung Quốc), cách đây nhiều năm, phía Trung Quốc định lấn chiếm nhưng không được – Ảnh: Độc Lập |
“Trong khi dưới xuôi đang lo xây dựng, thống nhất đất nước thì từ năm 1954, quân và dân Hà Giang đã phải đối phó với các hoạt động xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới của Trung Quốc tại Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Đồng Văn, Quản Bạ”, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang Sùng Đại Dùng kể với tôi như vậy, trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng, trước khi ông mất (2.2014) và tôi vẫn nhớ ông khoát tay: “Cuối tháng 12.2008 hoàn thành phân giới biên giới đất liền Việt – Trung, nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc mới tạm kết thúc 54 năm đấu tranh giữ đường biên, mốc giới”…
Đàm cứ đàm, lấn cứ lấn
Tại cuộc hội đàm về biên giới Việt Trung giữa khu Việt Bắc (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), tổ chức tại Côn Minh (Trung Quốc) ngày 16.10.1959, khi đại diện Việt Nam đề nghị Trung Quốc có biện pháp chủ động ngăn chặn vấn đề người Trung Quốc xâm canh, xâm cư vào lãnh thổ Việt Nam và việc quốc giới (cột mốc) bị vi phạm, đồng thời cương quyết yêu cầu thực hiện thỏa thuận “2 bên tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại”, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Tô Vũ Định đã sẵng giọng: “Tình hình xâm canh, xâm cư là rất phức tạp, cả chúng tôi và cả các đồng chí cũng có hiện tượng đó. Cho nên tốt nhất là chúng ta giữ nguyên hiện trạng”… Sự lửng lơ này đã cho thấy ý đồ đưa mọi việc thành “sự đã rồi”, đồng thời càng làm gia tăng tình trạng phức tạp ở vùng biên, nhất là các vụ Trung Quốc lấn chiếm đất Việt Nam ở nhiều điểm thuộc huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Mốc 413 ở thôn Mã Lủng Kha (Ma Lé, Đồng Văn, Hà Giang) – Ảnh: Độc Lập
|
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, riêng trong 2 năm (1962-1963) đã có 25.918 lượt người Trung Quốc vượt biên giới trái phép để mua bán, khai thác lâm thổ sản, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
“Họ thực hiện kế sách từ hồi xưa: Cấp trên cứ đàm phán nói chuyện, cấp dưới cứ thực hiện lấn chiếm”, ông Nguyễn Vũ Dương, nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng (BP) Lũng Làn (Mèo Vạc) những năm 70 lắc đầu vậy và kể: “Cuộc đấu tranh chống lấn chiếm của chúng tôi hồi ấy chưa phát sinh những vấn đề căng thẳng tới mức phải dùng bạo lực do phía Trung Quốc còn cố tình che đậy ý định lấn chiếm, chưa công khai quản lý và chưa trắng trợn tuyên bố chủ quyền ở những nơi họ đã lấn chiếm. Nhiều lần chúng tôi tuần tra phát hiện họ sang hẳn đất ta đo đạc, khảo sát nhưng cũng chỉ nhắc nhở, yêu cầu họ rút về. Từ sau 30.4.1975, cuộc đấu tranh chống lấn chiếm mới thực sự phức tạp”.
BĐBP Đồn Xín Mần chào cờ Tổ quốc đầu tuần – Ảnh: Độc Lập
“Sao chúng mày sang phá lúa chúng tao?” Một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCHBĐBP) Hà Giang cho biết: Từ 1975, phía Trung Quốc tuyên truyền bằng nhiều phương tiện, hình thức rầm rộ với khẩu hiệu: “Trung Quốc bị Việt Nam lấn chiếm, Việt Nam vi phạm chủ quyền” và ngang nhiên tuyên bố các khu vực đất đai mà họ đã lặng lẽ chiếm của Việt Nam đến thời điểm ấy (Hồ Pả, Mã Tẻn thuộc Hoàng Su Phì; khu vực mốc 14 đoạn II, Nậm Ngặt thuộc Vị Xuyên; Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn ở Quản Bạ; Dì Thàng, Mã Lủng Kha ở Đồng Văn; Lũng Li, Trà Mần thuộc huyện Mèo Vạc) là “lãnh thổ không thể chối cãi của Trung Quốc, phải lấy lại”.
“Thường thì họ cho dân binh có lực lượng vũ trang làm áp lực, vượt qua biên giới xâm canh, xâm cư. Có vụ họ cho dân binh sang thu hoạch hoa màu của dân ta rồi cậy đông, dùng vũ lực đe dọa bộ đội và nhân dân ta. Ở Dì Thàng, Mã Lủng Kha (Đồng Văn) họ còn cho công nhân lâm nghiệp sang đất ta trồng cây gây rừng”, ông Ly Chứ Sùng (sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Lũng Cú, Đồng Văn) kể lại và liệt kê: Cùng với BĐBP, tất cả quần chúng nhân dân cả trẻ già trai gái tham gia đấu tranh chống lấn chiếm. Hiệu quả nhất là những người già, họ gọi những người quen trong toán lấn chiếm, ân cần chỉ bảo: “Sinh sống ở biên giới bao năm, phải biết đất này của Việt Nam chứ. Đều qua lại uống rượu, sao giờ chúng mày sang phá hoại hoa màu chúng tao?”.
Nhật ký của Đồn trưởng BP Thanh Thủy (Vị Xuyên), năm 1977 còn ghi rõ sự việc: Cuối tháng 7.1977, một số người Trung Quốc tham gia lấn chiếm đã gặp BĐBP Việt Nam giãi bày: “Chúng tôi biết rõ đất này là của Việt Nam. Nhưng bắt buộc chúng tôi phải sang. Nếu không sẽ bị phạt và cả nhà bị gây khó dễ. Mong các bạn hiểu cho tình cảnh”.
Thấy việc bắt dân lấn chiếm không hiệu quả, phía Trung Quốc cài nhiều tên côn đồ trong số dân binh, tăng cường khiêu khích dọa nạt, hành hung BĐBP và nhân dân ta. Đối phó với chúng, phía ta nắm trước thời gian, địa điểm mà phía Trung Quốc huy động dân lấn chiếm và điểm mặt từng tên côn đồ trà trộn, để có biện pháp đối phó riêng… “Có thời gian chỉ ăn và đi chống lấn chiếm. Có quyết liệt vậy mới giữ được Mã Lủng Kha, Hồ Pả, Mã Tẻn, Lũng Li, Nậm Ngặt… cho đến bây giờ”, ông Lý Chứ Sùng cười.
Lùi mốc, bắt bộ đội
Những năm 1975-1979, ở khu vực Nậm Ngặt, Nghĩa Thuận (Quản Bạ), mốc 11 (Đồng Văn) và mốc 7 Bạch Đích (Yên Minh)… phía Trung Quốc lấn chiếm bằng cách: Lợi dụng đêm tối, sương mù, ngày mưa… bí mật di chuyển cộc mốc, tiêu chí biên giới sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam hòng lấn chiếm hàng chục km2 của ta. Sau đó lính Trung Quốc mai phục, bắt cóc BĐBP đang đi tuần tra, vu khống Việt Nam vi phạm chủ quyền.
Ông Giàng Thìn Lùng là Đồn phó Đồn BP Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) giai đoạn 1977-1979 nên rất rành rẽ. Ông kể, từ đầu năm 1976, phía Trung Quốc tăng cường lấn chiếm dọc biên giới Hà Giang và đặc biệt là ở khu vực biên giới Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn do Đồn phụ trách. Mặc dù ta đã nhiều phản kháng, nhưng phía Trung Quốc vẫn phớt lờ, ngày càng gia tăng các hoạt động xâm nhập vũ trang, xâm canh lấn chiếm biên giới. Đỉnh điểm là đầu tháng 5.1977, đội tuần tra của Đồn gồm 6 người do trung úy Viên Đình Thượng làm Đội trưởng làm nhiệm vụ tuần tra từ thôn Cao Mã Pờ về đồn. Khi đến khu vực mốc 3 (đối diện thôn Hoàng Thèn, Bát Bố, Trung Quốc) đã bị lính BP Trung Quốc và dân binh phục kích, ỉ đông bắt giữ và vu cáo “BĐBP Việt Nam xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc”. Suốt 10 ngày trời bị giam trong nhà giam đối phương, các chiến sĩ ta kiên cường đấu tranh vạch trần âm mưu thủ đoạn vu khống và đòi phía Trung Quốc tôn trọng lịch sử. Trước sự phản kháng, Trung Quốc phải trao trả cả đội với đầy đủ vũ khí, trang bị.
Ngày 20.7.1978, tại khu vực Hồ Pả – Mã Tẻn (Bản Máy, Hoàng Su Phì), lính Trung Quốc lén lút di chuyển cột mốc vào sâu trong đất ta, phục kích bắt tổ tuần tra 3 người của Đồn BP Bản Máy do thiếu úy Nguyễn Xuân Thiều chỉ huy đang làm nhiệm vụ. Khi anh em kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chúng dùng dao, báng súng đánh đập dã man và bắt trói, khiêng về phía Trung Quốc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 1978, khu vực biên giới của tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) đã bị phía Trung Quốc lấn chiếm 11 điểm với 32 vụ khá căng thẳng.
Mai Thanh Hải Kỳ 2: Rập rình Bản Giốc Các mốc 835, 836 (chính – phụ) được cắm tại khu vực Thác Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) năm 2001 đã tạm chấm dứt các vụ tranh chấp. Thế nhưng với người dân Đàm Thủy, tinh thần cảnh giác vẫn luôn thường trực và họ sẵn sàng có mặt bên mốc giới – đường biên, chỉ sau 3 tiếng kẻng. ***
Giữ từng mốc giới, đường biên – Kỳ 2: Rập rình Bản Giốc06:00 AM – 08/03/2016 TNO Các mốc 835, 836 (chính – phụ) được cắm tại khu vực Thác Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) năm 2001 đã tạm chấm dứt các vụ tranh chấp. Nhưng với người dân Đàm Thủy, tinh thần cảnh giác vẫn luôn thường trực và sẵn sàng có mặt bên mốc giới – đường biên, chỉ sau 3 tiếng kẻng. Tiếng kẻng giữ đất Ông Lý Viết Coỏng, nguyên Đồn trưởng Biên phòng (BP) Đàm Thủy, về nghỉ hưu năm 2007 khi là thượng tá, Phó trưởng phòng Trinh sát, Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng nhớ lại: Thác Bản Giốc là thác nhiên nhiên thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng), nhưng phía Trung Quốc cũng nhận của họ và gọi tên là thác Tắc Then, thuộc công xã Thạch Long, huyện Đại Tân (tỉnh Quảng Tây). Khu vực Thác Bản Giốc tính từ các thửa ruộng Thoong Bốc đến sát chân núi nhánh song cực Bắc của thác. Các cồn đất của thác gồm: Pò Thoong, Pò Rư, Pò Bắc, Lũng Chang đều do nhân dân ta ở các bản đó quản lý và sản xuất canh tác. Khu vực này có mốc 53, 53 phụ và mốc 54.
“Từ năm 1965, phía Trung Quốc đã có ý đồ lấn chiếm Thác Bản Giốc, xây dựng trạm thủy điện ngay cạnh nhánh sông cực Bắc và ngăn nước trên nhánh sông này hòng thay đổi dòng chảy, có lợi cho họ. Những năm sau đó, lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc nhiều lần xâm nhập lãnh thổ ta, ngăn cản BĐBP và nhân dân ta đi lại với mức độ ngày càng tăng, diễn biến rất phức tạp, nhất là trong năm 1975-1976. Thậm chí họ còn ngang ngược nhận đường biên giới đi qua dòng phía Nam của thác, Cồn Pò Thoong là lãnh thổ của họ”, ông Cỏong rành mạch vậy và chi tiết: “Từ lúc ký Hiệp ước Biên giới đất liền tháng 12.1999 đến cuối 2004, phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ làm cầu khu vực thác, làm bè mảng để đưa dân và du khách vào chân thác tham quan du lịch và nhất là xâm nhập Cồn Pò Thoong, làm đường ra mốc 53 lấn sang đất ta”. “Cuộc đấu tranh ở khu vực Cồn Pò Thoong và đoạn từ đỉnh thác nối đến mốc 53 là ác liệt nhất và tiên phong là người dân các thôn ở Đàm Thủy”, nguyên Đồn trưởng BP Đàm Thủy nói. Ông Trần Quý Sơn (57 tuổi), nguyên Trưởng thôn Bản Giốc hồi tưởng: “Nóng nhất là thời điểm 1998-2000, khi manh nha các dịch vụ du lịch dưới chân thác, bè chở khách Trung Quốc đi qua đường trung tuyến, áp sát bờ sông phía Việt Nam, thậm chí còn định cho người Trung Quốc nhảy lên. Ngăn cản các hành động này, hàng trăm người dân thôn Bản Giốc đã cắt cử nhau ra trực ven bờ sông Quây Sơn” và cắn môi: “Chúng tôi chuẩn bị sẵn gậy gộc. Cũng chỉ dọa và sử dụng trong trường hợp họ nhảy lên đất ta. Nhưng bên họ thì dùng gạch đá ném thẳng vào chúng tôi làm nhiều người bị thương”. “Hồi ấy, có 1 doanh nghiệp dựng quán bán hàng dưới chân thác, bên họ còn định tràn sang ngăn cản nên dân chúng tôi cũng hô nhau ra giữ đất. Sau 2-3 ngày căng thẳng ném đá, họ lợi dụng đêm tối bơi sang đốt hết quán xá”, ông Trần Quý Sơn kể. Trên đỉnh thác Bản Giốc có gần 100 hộ dân thôn Cô Muông bao năm canh giữ mốc giới cùng tổ công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy. Dẫn tôi ra thăm chợ tự phát đường biên, ông Nông Tài Nghĩa chỉ cột mốc 53 bằng đá cũ kỹ được cắm từ thời Pháp – Thanh đứng ngay ngắn cạnh mốc 835 và kề đó là mốc 835 (1), bảo: “Hồi hoàn thành phân giới cắm mốc, phía Trung Quốc đòi nhổ mốc 53 cũ nhưng bên ta kiên quyết không cho” và cười: “Dân họ chỉ đi vào mấy bước là dân mình ngăn chặn ngay. Không cần đến BĐBP”. Còn ở ngọn núi sau Tổ Công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy, vẫn sừng sững chòi canh xây gạch cũ kỹ, đối mặt với cả các cột camera nhìn chòng chọc sang đất ta. Đại úy Nông Tiến Hùng, Tổ trưởng công tác BP nghiêm nghị: “Anh em ngày đêm canh gác. Ở trên đây, không bao giờ được mất cảnh giác, không được để Tổ quốc bị bất ngờ”… Mai Thanh Hải Kỳ 3: Sóc Giang căng như dây đàn
Cửa khẩu Sóc Giang nằm cách khu di tích Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ chục km với hệ thống nhà cửa, đường sá khang trang như bao cửa khẩu quốc tế khác. Ít ai biết, mỗi ngôi nhà ở đây xây lên đều trầy trật vì sự ngăn cản từ phía… Trung Quốc.
***
Giữ từng mốc giới, đường biên – Kỳ 3: Sóc Giang căng như dây đàn05:00 AM – 09/03/2016 TNO Cửa khẩu Sóc Giang nằm cách khu di tích Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ chục km với hệ thống nhà cửa, đường sá khang trang như bao cửa khẩu quốc tế khác. Ít ai biết, mỗi ngôi nhà ở đây xây lên đều trầy trật vì sự ngăn cản từ phía… Trung Quốc. Xây nhà trước họng súng Ngày 28.8.1996, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ mở cửa khẩu Sóc Giang – Bình Mãng và dự kiến xây dựng trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu ở vị trí cách mốc 114 khoảng 25m về phía Việt Nam. Thời điểm này, tình hình khu vực vẫn đang phức tạp nên UBND tỉnh Cao Bằng đã xin ý kiến của cấp trên. Ngay sau đó, Ban Biên giới Chính phủ đã có chỉ đạo bằng văn bản số 875/Bg (7.12.2006) và 101/Bg (25.2.1997), trong đó có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, đồng ý với xây dựng trạm ở địa điểm dự kiến. Ngày 3.6.1997, bên ta chính thức khởi công xây dựng trạm. “Ngay khi ta làm lễ động thổ, phía Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt”, ông Nông Văn Nhà (57 tuổi, Trưởng xóm Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nói. Ông Nhà nhớ lại: Ngày 7 và 8.6.1997, phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, xua đuổi dân ta đi chợ Bình Mãng bên đó và mắc 2 loa phóng thanh công suất lớn hướng sang khu vực ta đang thi công, liên tục phát thanh tuyên truyền xuyên tạc, kích động, vu khống đe dọa ta. Cũng thời điểm này, phía Trung Quốc cho một đại đội vũ trang đào công sự từ mốc 113 đến mốc 115, áp sát trước cửa khẩu và triển khai trên các nhà cao tầng đối diện và chĩa súng vào khu vực trạm Biên phòng (BP) của ta trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, sáng ngày 7.6.1997, sau khi bố trí đội hình chiến đấu, phía Trung Quốc cho 10 binh sĩ mặc quần áo rằn ri mang súng AK tràn qua cửa khẩu vượt mốc 114 và dí nòng súng vào ngực cán bộ chiến sĩ BP và nhân dân đang đấu tranh ngăn chặn. “Mỗi ngày sau đó, họ huy động tới 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu định sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Số này hò hét, đe dọa hòng làm công nhân xây dựng lo sợ, bỏ về”, ông Nhà kể. “Hôm ấy tôi đang làm nương, thấy ai đó hô: Lính Trung Quốc tràn sang đất mình, không cho mình xây nhà. Ra giúp bộ đội đi”, ông Nông Văn Niêm (81 tuổi, ở thôn Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nhớ lại những ngày đầu tháng 6.1997 và tỉ mỉ: “Mọi người dù đang làm nương, buôn bán, nấu ăn đều rầm rập kéo ra cửa khẩu, chỗ mốc 114 (nay là mốc 647). Tới nơi đã thấy lính Trung Quốc mặc quần áo rằn ri tràn sang đất ta, qua cả cột mốc và chĩa súng vào hàng đầu ngăn cản là bộ đội BP và cán bộ huyện xã đang khoác tay nhau đứng chặn, vừa không cho họ đi vừa giải thích.
Bà con của thôn chừng gần 100 người ùa ngay vào, đứng ngay sau bộ đội thành khối đông đặc, đẩy lính Trung Quốc sang bên kia cột mốc. Khoảng 10 phút sau, hàng trăm bà con các thôn Quý Xuân, Trường Hà, Xuân Hòa cũng rùng rùng kéo lên, nối thành vòng người chắn dọc biên giới. Ai nấy đều bừng bừng sắc mặt, giơ nắm tay hô: “Đất này của Việt Nam! Lính Trung Quốc về đi!”, khiến lính Trung Quốc chùn chân, chỉ giơ súng dọa và lùi dần chứ không dám tiến lên đẩy người, định đánh đập công nhân xây dựng như lúc trước…”. “Lúc ấy, tốp lính tràn sang lăm lăm súng chĩa thẳng vào dân ta. Ở mấy nhà cao tầng bên kia biên giới, lính của họ chạy hết ra công sự, nép sau nhà cao tầng chĩa cả súng máy, súng trường xuống chúng tôi. Tôi hô bà con: “Mình mấy trăm người, nó mấy chục người, nếu có bắn cũng không bắn được hết cả nghìn người của xã này đâu. Bà con đừng sợ” và lao lên đẩy bật thằng đang chĩa súng vào ngực tôi. Bà con thấy vậy cũng ào ào lao lên, miệng hô phản đối, giống như biển người”, ông Niêm cười sảng khoái: “Dân Hà Quảng này nghèo tiền nghèo bạc, chứ tinh thần giữ đất và không sợ Trung Quốc, thì giàu lắm!”… Căng thẳng nhất đối với lực lượng thi công và bảo vệ là từ 6-10.6.1997, mỗi ngày phía Trung Quốc cho 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu ngay sát biên giới và có lực lượng dự bị phía sau định tràn sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Phía Trung Quốc có những hành động lời nói đe dọa, khiêu khích lực lượng đấu tranh của ta để tạo cớ tràn sang phá hoại công trình. Đối mặt với họ là hàng nghìn người dân Hà Quảng, chia làm 3 tuyến giăng hàng bảo vệ các công nhân và việc thi công trạm liên hợp. Đến giữa tháng 7.1997, khi công trình xây xong phần thô và đổ trần tầng 1, phía Trung Quốc mới ngưng việc tập trung người”, ông Hoàng Thế Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sóc Hà kể lại. Bảo vệ Nà Khum Ngay từ năm 2003, các đơn vị thi công của tỉnh Cao Bằng đã tiến hành mở tuyến đường tuần tra biên giới theo kế hoạch của Chính phủ và hoàn tất thi công từ mốc 116 sang hướng đông mốc 115, sát khu vực Nà Khum (Sóc Hà, Hà Quảng).
Tháng 8.2004, đội thi công tiếp tục mở tuyến từ hướng đông mốc 114 (nay là mốc 647) sang hướng tây mốc 115 (nay là mốc 644-1), cách khoảng 100m thì phía Trung Quốc ngăn cản, không cho thi công. Ròng rã gần 1 năm trời hội đàm khẳng định chủ quyền và viết thư phản kháng phía Trung Quốc ngăn cản vô lý, tháng 1.2005, UBND huyện Hà Quảng quyết định thi công tuyến đường, trong các ngày 29-30.1.2005 với 150 bộ đội, nhân dân bảo vệ 10 công nhân.
“Đúng như dự đoán, công nhân vừa đến thì lính BP Trung Quốc đã ra ngăn cản và sau đó, 90 lính Trung Quốc cải trang thành dân binh ào ra khiêu khích, chửi bới, kích động”, ông Hà văn Bình, Bí thư Chi bộ xóm Trúc Long (Sóc Hà) kể lại và nói thẳng: “Lính họ đi lại phía bên kia biên giới suốt, cách chúng tôi vài chục mét nên lạ gì mặt! Họ cải trang thành dân binh, chúng tôi phát hiện ngay. Dân binh gì mà dùng cuốc xẻng gậy gộc thành thạo như đánh lưỡi lê, bánh súng vậy?”. Giằng co suốt gần 1 ngày, những người dân và bộ đội BP Sóc Hà xếp thành vòng cung bảo vệ công nhân và đẩy đuổi lính Trung Quốc tràn sang. Không thể phá vỡ vòng vây bảo vệ, lính Trung Quốc chĩa súng vào ngực những người dân, bộ đội BP Sóc Hà dọa bắn, nhưng vòng cung càng thêm chắc chắn. Bất lực và hèn hạ, lính Trung Quốc dùng gạch đá ném như mưa vào đội hình, khiến nhiều người bị thương, đổ máu. Không run sợ trước áp lực của Trung Quốc, cả trăm người kiên quyết bảo vệ việc thi công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông Nông Văn Niêm (thôn Nà Sát, Sóc Hà) chỉ cho tôi xem vết thương ở ngực, do gạch đá lính Trung Quốc ném tới tấp, khi tham gia nhiệm vụ bảo vệ Nà Khum ngày 29.2.2005: “Tôi đi giám định, bị thương tật 21% và được công nhận thương binh” và bảo: “Thương binh vì giữ đất như tôi, ở vùng Sóc Hà này nhiều lắm. Đất của Tổ quốc, dân Cao Bằng dù chết cũng quyết giữ, đâu cần danh hiệu này kia!”… Mai Thanh Hải Kỳ 4: Sắt son Nho Quế
Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và trước khi chính thức chảy hẳn vào nội địa nước ta để đổ nước vào Sông Gâm (Cao Bằng), vẫn quặn dòng cả chục km làm ranh giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc. Ở đoạn biên giới sông thẳng đứng hẻm vực này, còn lưu giữ bao câu chuyện về những người Mông địa đầu Tổ quốc tay không chống chọi với lính Trung Quốc giữ xóm làng, mét nước, bờ sông.
***
Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và trước khi chính thức chảy hẳn vào nội địa nước ta, đổ vào Sông Gâm (Cao Bằng), vẫn quặn dòng cả chục km làm ranh giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.Ở đoạn biên giới sông thẳng đứng hẻm vực này, còn lưu giữ bao câu chuyện về những người Mông địa đầu Tổ quốc tay không chống chọi với lính Trung Quốc giữ xóm làng, mét nước, bờ sông. Họ đốt nhà, ta dựng lại nhà Những người già nhất ở xóm Xéo Lủng nói: Từ hồi còn bé, họ đã nghe ông bà kể chuyện người Mông sinh sống từ bao đời trên địa đầu Lũng Cú. Đầu tháng 2.1979, khi Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam và pháo Trung Quốc từ bên kia biên giới cấp tập nã sang, yểm hộ cho lính sơn cước vượt sông Nho Quế xông vào đốt phá, bắn giết dân bản, người Mông đành bồng bế nhau lui về tuyến sau, giao ruộng vườn nhà cửa cho Bộ đội Biên phòng (BĐBP) canh giữ. Tháng 8.1991, khi tình hình biên giới tạm yên, người Mông thôn Xéo Lủng mới dắt nhau trở về xóm cũ, dựng lại nhà, xới lại đất làm nương. Ông Ly Chứ Sùng (57 tuổi, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) nhớ lại: “Lúc ấy cả xóm có 25 hộ dân. Cuộc sống rất vất vả vì địa hình cheo leo, nước sinh hoạt khó khăn, đi lại xa xôi nhưng không ai bỏ bản vì BĐBP dặn phải ở giữ đất” và rành mạch: “Trưa 4.3.1992, lúc ấy trời đang sắp mưa giông, bỗng nghe tiếng chó sủa rộ lên từ phía đông bắc và chỉ 20 phút sau, gần 30 lính Trung Quốc đeo lựu đạn, lăm lăm súng AK sục vào từng nhà dân bắt bà con ra sân, yêu cầu phải nhanh chóng dọn đồ đạc chuyển đi chỗ khác với lý do “đất Xéo Lủng là lãnh thổ của Trung Quốc”. Gần 40 người dân Xéo Lủng từ trẻ đến già đều nhất loạt phản đối, cương quyết ôm cột nhà không cho lính Trung Quốc kéo ra và giằng co, đẩy đuổi từng tên lính trong gần 3 tiếng đồng hồ.
Khi thấy bộ đội Hà và Thái dẫn đầu đoàn bà con từ xã Lũng Cú đang chạy lên ứng cứu, đám lính mới tức tối nổi lửa đốt trụi 18 ngôi nhà của xóm cùng 3.520 kg lương thực và rút về bên kia biên giới… “Họ kéo xềnh xệch cả người già như bà Mỷ đã 90 tuổi ra khỏi nhà, nhưng bà Mỷ nhất định ôm bậc cửa không đi, miệng thét lớn: “Đất này của Việt Nam, chúng mày định sang ăn cướp à? Bà con đuổi chúng đi”, ông Ly Chứ Sùng cười sảng khoái: “Lính Trung Quốc cho trẻ con kẹo, nhưng bọn trẻ cũng vứt không ăn”. Thượng tá Nông Minh Thạch, nguyên Phó Đồn trưởng BP Lũng Cú (BCH BĐBP tỉnh Hà Giang) kể lại: “Trước khi gây ra sự kiện ngày 4.3.1992, phía Trung Quốc đã cho thám báo nhiều lần xâm nhập vào xóm Xéo Lủng tuyên bố Xéo Lủng là đất của Trung Quốc, người dân phải trả cho Trung Quốc, nếu không đi sẽ bị “đại quân” trừng phạt như hồi tháng 2.1979” và lắc đầu: “Ngay trong ngày 4.3.1992, Đồn BP Lũng Cú và UBND huyện Đồng Văn đã gửi thư phản kháng sang Trạm BP Mã Lìn và chính quyền huyện Ma Ly Pho (Trung Quốc) yêu cầu họ cử đại diện tới xóm Xéo Lủng để chứng kiến và giải quyết hậu quả do phía họ gây ra. Tuy nhiên, phía Trung Quốc làm ngơ phản kháng, không đến”… “Hồi ấy bộ đội thiếu thốn nhưng cũng san sẻ quần áo, gạo muối cho chúng tôi, lại còn vào ở hàng tháng trời dựng lại nhà cho 18 hộ. Không có BĐBP, dân sẽ bỏ về phía sau và không có Xéo Lủng khang trang hôm nay”, ông Lý Chứ Sùng khẳng định. Phá cầu của phường trộm cướp Ngày 12.2.2004, Đồn BP Lũng Cú phát hiện phía Trung Quốc nổ mìn làm đường ở khu vực xóm Mê Rô (Mù Cảng, Phú Linh, Trung Quốc) xuống sát bờ sông và gác 3 cây gỗ làm 1 cầu tạm sang khu vực 98C. Từ ngày 13-15.2.2004, tổ công tác của Đồn cùng cán bộ địa phương tập trung xác minh: Tại khu vực này, Trung Quốc dựng lán cho công nhân và tập kết các loại phương tiện, vật liệu (máy nghiền đá, máy khoan, xi măng, sắt thép, thuốc nổ…) dưới lòng sông Nho Quế và dùng 3 cây gỗ ghép lại làm cầu qua sông, 1 đầu cầu bắc vào đất Việt Nam. Tại đầu cầu gỗ trên đất ta, Trung Quốc đã cho nổ mìn phá đá khoảng 30m2 với lực lượng tập trung khoảng 30 người tại đây với ý định làm cầu cứng… Trưởng thôn Xéo Lủng (Lũng Cú, Đồn Văn, Hà Giang) Sùng Chúng Lầu dẫn tôi xuống mốc 428, kể cặn kẽ: “Hôm ấy mình đang ở dưới sông đánh cá, thấy gần mốc 428 có khói nên chạy lại, thấy tiếng người xôn xao sau bụi cây, nghĩ ngay “lại bọn Trung Quốc sang rồi”, nên bò vào tận nơi và thấy mấy chục người đang dựng lán trại, máy móc sắt thép ngổn ngang. “Nguy to rồi! Phải về báo BP thôi!”, Trưởng thôn Sùng Chúng Lầu thốt lên và cắt rừng, ngược dốc chạy một mạch mấy tiếng đồng hồ ra Đồn BP Lũng Cú báo tin. Nhận được tin báo, Đồn BP Lũng Cú ngay lập tức triển khai phương án đấu tranh ngăn chặn. Thượng tá Nguyễn Hải Lý, nguyên Đồn trưởng BP Lũng Cú trầm ngâm: “Liên tục trong 3 tháng trời, bộ đội Đồn và các lực lượng phải đóng chốt tại đó đấu tranh” và khẳng định: “Việc đấu tranh đẩy đuổi, cũng phần lớn nhờ vào người dân luôn sát cánh”. Kể lại những ngày “nằm đất, gối cây” đầu năm 2004, ông Ly Chứ Sùng (nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lũng Cú) hoạt bát: “BĐBP chưa vận động, người dân đã kéo nhau vài chục người xuống bờ sông, nói với công nhân Trung Quốc: Đây là đất Việt Nam, chúng mày bắc cầu sang đây là sai rồi. Chúng mày làm nhà cửa lại càng sai to. Khi họ nổ máy, cuốc đất, bà con nhào vào giằng quyết liệt, định bê cả máy vứt xuống sông và rủ rỉ: “Cứ mỗi sáng, bà nhà tôi lại gói cho nắm cơm, nướng con cá khô đưa cho và bảo: Xuống sông giữ đất với bộ đội. Cứ đi đi, ruộng nương ở nhà tôi làm cho. Trung Quốc nó mà dựng được nhà dưới sông là mình mất luôn nhà trên này đấy”. “3 tháng trời, người dân cắt cử nhau mỗi ngày đêm đưa 20 người xuống bờ sông đấu tranh, tự mang cơm nắm, mèn mén đi ăn để đỡ khẩu phần mì tôm, lương khô của bộ đội. Những khi căng thẳng, lại gõ mõ gọi thêm dân Xéo Lủng ở ngay phía trên xuống tăng cường, thành cả trăm người cùng bộ đội đấu tranh”, Trưởng thôn Sùng Chúng Lầu say sưa kể lại rồi khoát tay: “Họ phải rút công nhân máy móc và phá cầu, chuyển công trình thủy điện vào sâu trong đất họ. Nếu ta không kiên quyết thì phần đất cạnh mốc 428 sẽ bị mất trắng và đến con cá dưới sông, dân Lũng Cú cũng chẳng có mà câu”…
Mai Thanh Hải Kỳ 5: Vượt qua những lời nguyền
Người Mông vùng núi đá Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) bao đời nay gìn giữ tập tục “Ngày lễ tết phải ở nhà cúng ông bà, ra ngoài đường sẽ bị con ma rừng bắt vía”. Thế nhưng, dịp Tết Mậu Tý 2008, hàng trăm người Mông ở Nghĩa Thuận đã vượt qua lời nguyền, cùng nhau ra rừng canh giữ mốc biên giới, không cho Trung Quốc lấn sang…
|
***
Dịp Tết Mậu Tý 2008, hàng trăm người Mông ở Nghĩa Thuận đã vượt qua lời nguyền, cùng nhau ra rừng canh giữ mốc biên giới, không cho Trung Quốc lấn sang…
Người Mông vùng núi đá Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) bao đời nay gìn giữ tập tục ngày lễ tết phải ở nhà cúng ông bà, ra ngoài đường sẽ bị con ma rừng bắt vía. Thế nhưng, dịp Tết Mậu Tý 2008, hàng trăm người Mông ở Nghĩa Thuận đã vượt qua lời nguyền, cùng nhau ra rừng canh giữ mốc biên giới, không cho Trung Quốc lấn sang…
“Đêm 25 tháng Chạp năm Đinh Hợi (12.2.2007), chỉ vài ngày nữa là đến Tết âm lịch Mậu Tý, sương mù trắng xóa, đặc như thể cắt ra và rét đến 2-3 độ. Vợ thấy ta mặc thêm áo khoác đi kiểm tra biên giới, bảo: Rét đến chết cả con trâu, thằng Trung Quốc nào dám ra đường. Nhưng ta phải đi vì chúng nó thâm lắm, hơn cả con cáo trong rừng”, ông Sân Sài Chín (70 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ xã Nghĩa Thuận) kể lại câu chuyện 9 năm trước và vỗ đầu: “Vừa ra tới mốc 5, ta đã nghe thấy lục cục đào bới. Lại gần thấy ngay mấy người Trung Quốc đang hì hục cuốc bỏ lớp mặt đường nhựa phía Việt Nam và trải cấp phối để giống đường Trung Quốc. Ta hét: Sao dám cướp sang tận đây!”…
Thượng tá Hoàng Ngọc Cửu, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Nghĩa Thuận kể: Khu vực mốc 5 thuộc xóm Na Tro Cai, đối diện với thôn Hoàng Thèn (Bát Bố, Ma Ly Pho, Vân Nam) của Trung Quốc. Năm 2001, huyện Quản Bạ – Ma Ly Pho hội đàm thống nhất nối thông đường cửa khẩu để phục vụ nhân dân 2 bên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa và tiến hành làm đường tới biên giới hiện quản (Trung Quốc làm đường đất, Việt Nam làm đường nhựa). Ngày 8.11.2004, cả hai bên chính thức thông đường qua cửa khẩu mốc 5. Ngày 15.3.2006, trạm Hội ngộ hội đàm Bát Bố (Trung Quốc) gửi thư cho ĐBP Nghĩa Thuận thông báo việc Trung Quốc tiến hành sửa và nâng cấp đường cấp phố (đoạn từ Bát Bố đến mốc 5) và 20.1.2007, công nhân Trung Quốc làm xong đoạn đường. “Sự việc được phát hiện ngay lập tức vì quá trình họ thi công, ta theo dõi chặt chẽ”, thượng tá Cửu nói.
“Họ cuốc bỏ đoạn đường của ta và làm đường sang ta khoảng 10m khiến nhân dân cả xã đều phẫn nộ. Ai cũng bảo: Đường biên mốc giới phân chia lù lũ, mà vẫn cố tình ăn cướp”, ông Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận lắc đầu và rành rọt: “Thời điểm ấy cận Tết nhưng cán bộ xã không nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, dồn hết ra mốc 5 đấu tranh yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng và cùng dân quân canh gác 24/24, không để họ mở rộng thêm. Quá trình đấu tranh tại thực địa lấy thuyết phục là chính, dựa trên cơ sở pháp lý để đấu tranh, không gây căng thẳng phức tạp thêm tình hình”. Liên tục gần 1 tháng sau đó, người dân Nghĩa Thuận thay nhau túc trực ở mốc 5, dựng lán ở, mang nồi nấu cơm để chống lấn chiếm. “Ngày 30, mùng 1 Tết Mậu Tý, khu vực đấu tranh đông vui như hội vì người nhà, bà con đến động viên, tặng quà và tổ chức vui chơi ngày Xuân luôn”, ông Lò Văn Sử, người cao tuổi ở thôn Na Tro Cai (Nghĩa Thuận) móm mém cười: “Ta phản đối quyết liệt nên đầu tháng 3.2008, bên họ phải rút về”…
Từ Xóm Phín Ủng (Nghĩa Thuận) nằm lọt thỏm dưới thung lũng, phải tụt từ trên đường liên xã Tùng Vài – Nghĩa Thuận – Thanh Vân, đi bộ gần tiếng mới đến nhà anh Giàng Vần Mìn (44 tuổi). Thấy tôi hỏi chuyện cách đây 28 năm, gương mặt rầu rĩ bên bếp lửa chợt sáng bừng: “Ối! Hồi ấy mình báo tin Trung Quốc sắp đánh cho bộ đội đấy”.
Lịch sử Bộ đội biên phòng (BĐBP) Hà Giang ghi rõ: Rạng sáng 15.9.1988, lính Trung Quốc bí mật xâm nhập địa bàn Nghĩa Thuận định tiêu diệt tổ công tác biên phòng Phín Ủng. Trong lúc chúng đang triển khai đội hình chiến đấu thì bị 2 anh em Giàng Vần Say, Giàng Vần Mìn (đang đi tìm ngựa lạc) phát hiện. Lính Trung Quốc bắt sống cả 2 nhưng Giàng Vần Mìn vùng thoát, chạy về tổ công tác biên phòng báo tin. Ngay lập tức, 5 chiến sĩ của tổ do trung úy Lưu Đức Hùng chỉ huy đã triển khai đội hình chiến đấu đánh trả. Lính Trung Quốc đang từ thế chủ động chuyển sang bị động và bị thiệt hại nặng do bộ đội ta quen thuộc địa hình. Nghe tiếng súng nổ, Đồn trưởng Hoàng Trọng Phiến dẫn 1 tổ chiến đấu sang chi viện và quyết liệt đánh trả trung đội lính Trung Quốc tràn sang ứng cứu. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, lính Trung Quốc phải vác xác 10 tên, dìu cõng 20 tên bị thương chạy toán loạn về bên kia biên giới và gọi pháo bắn cấp tập vào Phín Ủng hòng ngăn cản sự truy kích của BĐBP…
Trung úy Lưu Đức Hùng của 28 năm về trước nay đã là đại tá, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Hà Giang. Ngồi nói chuyện với tôi về ký ức năm xưa, đại tá Hùng đăm chiêu: “Mình đã tìm kiếm suốt 28 năm nhưng không thấy tung tích của anh Giàng Vần Say. Nếu không có hai anh em Say, Mìn thì chắc chắn cả tổ công tác bị hy sinh và mình không còn sống mà trưởng thành như bây giờ” và bật mí với tôi: “Năm nay, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhằm giúp đỡ các học sinh đồng bào thiểu số hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn. Mình nhận đỡ đầu con trai út của Giàng Vần Mìn làm con nuôi và sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi cháu học xong PTTH, đi học nghề lâu dài”…
Hỏi: “Muốn con đi học hết cấp không?”, anh Mìn cười hết cỡ: “Mong chúng nó đi học hết cái chữ, để còn làm biên phòng bảo vệ xóm làng” và chỉ 2 cậu bé Giàng Thìn Lùng (14 tuổi), Giàng Thìn Toán (12 tuổi) má đỏ như quả mận hậu, líu lo bên bàn học: “Đứa nào cũng tranh nhau về ĐBP làm con bác Hùng, kể cả lúc đi học, ăn cơm và khi đi ngủ” …
Nhìn 2 đứa trẻ líu ríu, lại nhớ hình ảnh 3 đứa trẻ xóm Na Tro Cai mồ côi, mỗi ngày chơi quanh Trạm Kiểm soát biên phòng Nghĩa Thuận ở cạnh mốc biên giới 325 (xưa là mốc 5) và thượng úy Phạm Hùng (Trạm trưởng), mỗi tuần lại mang túi gạo, mấy gói mì, ít cá khô sang nhà chăm lo cho con trẻ, với nụ cười hiền: “Trẻ con mất bố mẹ tội lắm! Giúp được gì cho chúng nó thì giúp thôi”.
|
Mai Thanh Hải