“Quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ?”

Chuỗi bài:

  • “Quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ?”
  • Làm sao để người ta không quen người chết vẫn cúi chào
  • Giáo dục hiện nay cũng dạy chào đám tang tuy nhiên

***

“Quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ?”

02/07/2016 16:49 GMT+7

TT – Buổi trưa, giờ tan học, trước cổng trường tiểu học đang có rất nhiều phụ huynh chờ đón con, người thì dõi mắt tìm kiếm, người gọi tên con mình… 

Lúc ấy, có xe đám tang đi ngang qua. Nhiều người ngước nhìn xe đưa tang, bày tỏ sự phấn khích khi đội nhạc cử kèn trống vang lên inh ỏi.

Họ bàn tán xôn xao, có người khen ban kèn Tây chơi toàn nhạc Trịnh Công Sơn “nghe hết sảy”, người khác góp ý như thế thì không hợp với khung cảnh, đáng lẽ phải chơi bài Lòng mẹ, Tình cha

Duy nhất trong số phụ huynh đang ồn ào đó, có người đàn ông trên 50 tuổi lặng lẽ bước xuống xe, lấy chiếc mũ bảo hiểm đang đội trên đầu cầm tay rồi đứng thẳng người, đầu hơi cúi một chút. Ông cứ đứng vậy, yên lặng chờ xe tang đi qua mới ngước mặt gọi cháu lên xe đi về.

Người đứng bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: “Ủa, ông quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ vậy?”. Ông trả lời: “Tôi không hề quen biết hay bà con với người đã mất, nhưng sống trên đời “nghĩa tử là nghĩa tận” mà chú em”.

Rồi ông giải thích: “Thời tôi đi học, thầy cô thường nhắc nhở học sinh phải biết kính trọng và lễ phép với người già, người lớn tuổi, biết thương yêu giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn mình, trên đường đi khi gặp người lớn hơn mình phải biết khoanh tay cúi đầu chào, khi gặp đám tang đi ngang phải biết ngả mũ cúi đầu chào người quá cố để tiễn đưa họ… Chính vì vậy mà các việc ấy bây giờ trở thành thói quen với tôi, mà thói quen thì không bao giờ quên được, việc tôi làm chỉ xem là phản xạ tự nhiên từ nhỏ cho đến bây giờ”.

Tôi nghe ông nói, ngẫm nghĩ đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện đạo làm người mà hình như bây giờ trong xã hội không còn tồn tại hình ảnh đẹp hết sức trân trọng đó.

Tôi mong sao những bài học đạo đức như vậy được chú trọng dạy trong trường, thay vì chỉ tập trung dạy kiến thức sách vở, để trẻ có thể hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống, như có thể giữ yên lặng và cúi chào tiễn đưa khi gặp đám tang đi qua.

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
***

Làm sao để người ta không quen người chết vẫn cúi chào

05/07/2016 07:30 GMT+7

TTONgày nay, nhiều cử chỉ đẹp như cúi chào người chết khi đám tang đi qua dần trở nên xa lạ. Nhiều người tiếc nuối, ước ao giá như những nét đẹp đầy nhân văn ấy được nhân rộng…

Làm sao để người ta không quen người chết vẫn cúi chào

Một tiết dạy môn giáo dục công dân cho học sinh lớp 6 tại TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Câu chuyện về người cúi chào cúi chào người chết khi đám tang đi qua bị hỏi thăm: “quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn?” khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Chỉ một hành động nhỏ nhưng đằng sau đó là cả một bài học lớn về tình người, về nghĩa cử cao đẹp ở đời.

Những bài đạo đức ngày xưa

Trước câu hỏi “quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn?”, nhiều người lý giải rằng không nhất thiết phải quen biết hay thân thuộc mới cúi đầu chào mà đó đơn giản là hành động thể hiện sự chia buồn.

“Dù gấp đến mấy khi gặp xe tang, đám tang cũng nên dừng xe lại, tấp vô lề cúi đầu chào. Bởi vì đó đơn giản là hành động nhường đường cho họ, để họ đi nốt đoạn đường cuối cùng”, bạn đọc Lê Xuân Nuôi nêu quan điểm.

Ý kiến được nhiều bạn đọc yêu thích nhất cho rằng những người ở lứa tuổi trên 50 trở lên đều được học bài giáo dục công dân này từ ngày tiểu học. Bài học đó trở thành hành động quen thuộc trong cuộc sống thường nhật, chứ không phải là vì quen biết với người quá cố.

“Những bài học thời xưa giáo dục rất kĩ rằng sự tôn trọng người qua đời cũng là sự tôn trọng chính phẩm giá con người của mình. Phàm những gì thuộc về nhân phẩm của con người đều không của riêng ai, mà tất cả chúng ta đều phải có bổn phận tôn trọng và gìn giữ, cho mình và cho nhau” – độc giả Đức Minh nói.

Một số ý kiến chia sẻ họ thường xuyên ngả mũ trước đám tang, cúi đầu chào người lớn,… nhưng dường như những hành động này đang dần trở nên hiếm đến mức… xa lạ.

“Nhân cách con người hình thành từ những nghĩa cử nhỏ. Việc giáo dục rất là quan trọng. Thấy tình trạng học sinh bây giờ gặp người lớn không chào, thấy đám tang không đứng lại, tôi thấy buồn quá” – một bạn đọc bày tỏ.

Ngả mũ chào đám tang: hành động nhỏ, nhân cách lớn

Theo GS.TS Kiều Thu Hoạch, một nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian cho rằng hành động lặng lẽ nhường đường cho đám tang đi trước và cúi đầu là hành vi tôn trọng người đã khuất.

GS.TS Đỗ Quang Hưng (Trường ĐH KHXHNV – ĐHQG Hà Nội) cho rằng chẳng cần phải quen biết hay là ruột thịt của người đã khuất thì mới bày tỏ những hành động tiễn đưa, bởi vì đó là một nét đẹp của văn minh đô thị, của văn hóa cộng đồng.

“Tính cộng đồng của hành vi ấy không chỉ là tiễn biệt người đã khuất mà cao hơn thế, nó chính là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn” – GS.TS Đỗ Quang Hưng bàn luận.

“Người dạy đạo đức cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thầy cô muốn học sinh noi theo phải là người có phong thái, phải biết cách làm cho học sinh nể phục.

Việc dạy đạo đức cho học sinh không dễ. Chỉ thuộc bài, nắm giáo án và lên lớp là chưa đủ. Người thầy phải trở thành một hình tượng để học trò noi theo.

Ngày xưa chúng tôi đi học cũng như vậy, thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, cách đối nhân xử thế. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những người thầy cấp 1 của mình dù thời gian đã trôi qua rất lâu” – GS.TS Đỗ Quang Hưng nhớ lại.

Những bài học thực tiễn hiệu quả hơn lý thuyết suông

TS Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng phòng quản lý khoa học – dự án (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) cho rằng phương pháp dạy các môn học xã hội – trong đó có môn đạo đức trong trường phổ thông cần phải được thay đổi, phải gắn liền với thực tiễn chứ không chỉ là lý thuyết suông.

Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, dường như giáo viên hiện nay đang chịu áp lực của việc chạy đúng tiến độ chương trình, do vậy chỉ tập trung dạy cho xong lý thuyết, khiến các học sinh không cảm nhận được bài học bằng trái tim của mình.

Trong khi đối với những môn như giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, việc học sinh học bằng cảm xúc là rất quan trọng.

Đáng buồn là nhiều học sinh bây giờ chỉ học cốt để có điểm cao, những hành động đạo đức đẹp chỉ còn nằm trên giấy, chỉ mang ý nghĩa là bài học để lấy điểm.

Vì vậy, các giáo viên nên lồng vào bài giảng đạo đức những câu chuyện thực tế, không sáo rỗng, không lý thuyết để khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc của chính các học sinh.

“Dạy lý thuyết đối với giáo dục đạo đức vừa khó nhớ lại vừa dễ quên, hơn thế nữa lại không hiệu quả vì đạo đức phải bắt đầu từ cảm xúc thực tế. Nên dạy đạo đức bằng cách kể những câu chuyện thực tế, chẳng hạn như câu chuyện ngã mũ chào đám tang.

Nên tổ chức những hoạt động cho các em đóng kịch hay làm video clip về các tình huống đạo đức, tự các em làm, tự các em sẽ cảm nhận được những bài học về đạo đức bằng chính cảm xúc của mình” – TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.

Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, từ các hoạt động và bài giảng gắn liền với thực tiễn, những hành vi đạo đức sẽ dần hình thành trong tâm thức của các học sinh.

 

VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN – MAI NGUYỄN
***

Giáo dục hiện nay cũng dạy chào đám tang tuy nhiên

07/07/2016 09:15 GMT+7

TTOĐể những cử chỉ, những cách ứng xử đẹp trở thành thói quen trong cộng đồng, các phân tích nhìn từ góc độ nhà trường đã cho rằng giáo dục cần có những câu chuyện ấn tượng, khó quên để khắc sâu trong lòng người.

Giáo dục hiện nay cũng dạy chào đám tang tuy nhiên
Học sinh Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) đến thăm, tặng quà và vui chơi cùng học sinh Trường khuyết tật Tương Lai (Q.5) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Chưa thành thói quen đạo đức 

Trong các ý kiến bình luận về bài viết “Khi đám tang đi qua” có không ít người cho rằng chương trình giáo dục xưa ở bậc tiểu học có dạy học sinh “khi gặp xe tang phải đứng lại, ngả mũ chào”, còn bây giờ thì không.

Thật ra, nhà trường xưa và nay đều có dạy điều này. Tôi hỏi một cháu vừa xong lớp 3, cháu trả lời rành rọt là cô dạy: “Khi gặp đám tang, học sinh dừng xe, ngả mũ cúi đầu chào, không được vượt xe tang, bóp còi, cười nói to tiếng”.

Tuy nhiên, không chỉ chuyện chào đám tang, còn nhiều bài học đạo đức dạy học sinh trong trường đã không được vận dụng trong nếp sống hằng ngày. Có lý do nhà trường hiện nay phần nhiều là dạy kiến thức đạo đức theo kiểu dạy xong là… xong!

Quá nhiều nội dung trong một môn học – lớp học – cấp học, thầy cô chạy maratông mới hoàn thành chương trình nên không còn thời gian đào sâu những bài học đạo đức.

Trong khi đó, hoạt động trải nghiệm học sinh thì nội dung còn tẻ nhạt, sáo rỗng, chưa hướng đến việc phát triển thói quen đạo đức – một nội hàm của năng lực đạo đức.

Một trong những phương pháp dạy học là làm gương nhưng ngày khai giảng, Ngày nhà giáo Việt Nam vẫn làm hình thức, nhạt nhẽo cảm xúc; dạy thêm – học thêm “rộn ràng” chuyện thu tiền; thao giảng hay dự giờ thì thầy cô “gà” câu hỏi cho học sinh trước… thì làm sao các kiến thức đạo đức trở thành thói quen đạo đức của học sinh được?

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường lại chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn đứt gãy cũng là một nguyên nhân quan trọng. Có nội dung chỉ học ở trường nhưng không được dụng ở nhà, ví dụ như nhà trường dạy bạn bè phải yêu thương nhau, lúc ở nhà có ba mẹ dạy con “đứa nào đánh con, con đánh lại”.

Vẫn là những nguyên nhân không mới, trách nhiệm phát triển năng lực đạo đức cho học sinh là trách nhiệm của nhà trường, nhưng chỉ dừng lại ở đó thì không bao giờ là đủ!

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Cần những câu chuyện ấn tượng

Hình ảnh người đi đường ngả mũ, cúi đầu chào một người đã khuất trong xe tang qua phố là hình ảnh rất ấn tượng, khó quên.

Trẻ em, thậm chí người lớn, khi nhìn thấy hình ảnh đẹp này dù không làm theo cũng sẽ để lại kỷ niệm trong đời mình: một số người dần sẽ làm theo, những người không làm cũng sẽ tự hỏi tại sao người ta lại làm vậy?

Có người nghĩ không cần thiết, nhưng ít ra cũng gợn lên những suy nghĩ, tự vấn, tranh luận để rút ra được điều gì đó…

Tôi nghĩ rằng giáo dục đạo đức ở trường lớp nên có thêm những câu chuyện, hình ảnh ấn tượng cụ thể như thế. Nó khắc ghi lòng người suốt đời, chứ không phải là những “khẩu hiệu” chung chung lúc nào cũng đúng nhưng dễ nhàm chán và dễ quên.

Cha mẹ dạy con cái cũng nên tìm những chuyện thực tế như cúi chào người đã khuất, học sinh cõng bạn đến trường, cụ già khoanh tay chào thầy giáo tiểu học, vợ hi sinh cả đời nuôi chồng bị bệnh… để mãi mãi đi vào lòng con trẻ.

Thời của chúng tôi, ai cũng được học hoặc được nghe kể và mãi mãi không quên những câu chuyện đẹp đẽ về tình bạn, tình vợ chồng như Lưu Bình – Dương Lễ, Phạm Công – Cúc Hoa…

Nhiều chuyện thực tế tưởng rằng giản đơn nhưng có ý nghĩa sâu sắc sẽ như viên kim cương sống mãi trong lòng người dù phải trải qua thăng trầm, bể dâu thế nào…

LÊ ĐÌNH BẢY (cựu giảng viên Đại học Văn Khoa, Vạn Hạnh)

Lấp khoảng trống từ 3 trụ cột

Đạo đức, lễ nghĩa xuống cấp, nguyên nhân vẫn là sự thiếu hụt từ ba trụ cột giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội.

Để chấn chỉnh, nhà trường phải xem lại việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Phải làm quyết liệt từ việc đổi mới nội dung chương trình, phải chuyển hướng từ việc trang bị kiến thức đến hình thành những phẩm chất nhân cách cần thiết của công dân.

Chúng ta đang hướng tới những đứa trẻ tự chủ, tự tin, tự trọng, biết chia sẻ, sống có trách nhiệm với cộng đồng thì nhất định giáo dục phải thực hiện nhiệm vụ đột phá.

Muốn làm được thì việc đầu tiên phải đổi mới từ giáo viên, cần phải tuyển chọn, đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên có phẩm chất nhân cách tốt, có trình độ, năng lực cần thiết.

Bên cạnh đó, giáo dục gia đình cũng cần phải được đặc biệt chú ý. Gốc rễ nhân cách bao giờ cũng bắt nguồn từ trong gia đình, và trong gia đình thì việc cha mẹ giáo dục cho con cái những giá trị truyền thống là rất quan trọng.

Đó chính là việc cha mẹ phải mẫu mực với con trẻ, phải dạy cho con những bài học về lễ nghĩa trong việc thể hiện với họ hàng, anh em, dòng tộc, với cộng đồng lối xóm; dạy cho trẻ biết kính trên nhường dưới, biết chia sẻ với người khác, bổn phận làm con trong gia đình…

Còn trách nhiệm của xã hội thì trước hết phải phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, tổ chức hướng dẫn để các bạn trẻ ngày càng hiểu hơn về những giá trị chuẩn mực, nhất là những giá trị truyền thống tốt đẹp để thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy.

Chuẩn mực đạo đức của mỗi con người nhất thiết cần phải được giáo dục bài bản từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Song, nó phải được rèn luyện, tu dưỡng, phải được lặp đi lặp lại nhiều lần mới có thể trở thành lối sống, nếp sống đẹp.

PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)

TTO

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s