Muốn sáng tạo phải có không gian

Chính Phong – Thứ Bảy,  2/4/2016, 09:24 (GMT+7)

Không gian làm việc ở Toong.

(TBKTSG) – Richard Florida, kinh tế gia người Mỹ, cha đẻ của khái niệm “giai tầng sáng tạo” (creative class), tác giả một cuốn sách viết về creative class, cho rằng muốn có “giai tầng sáng tạo” thì phải có những “không gian sáng tạo” (creative hub).

Thomas Friedman cho rằng “Thế giới phẳng” qua cuốn sách nổi tiếng cùng tên của ông, nhưng Richard Florida thì nói rằng thế giới không phẳng mà lởm chởm với nhiều cạnh sắc nhọn.

Theo Florida, hầu hết các hoạt động kinh tế tập trung ở những khu vực nhất định, nơi các tài năng sáng tạo lui tới và kết thành một khối. Thung lũng Silicon là một thí dụ. Đó là những cạnh sắc nhọn. Ông dẫn chứng 40 thành phố trên thế giới cộng lại, chỉ với 17% dân số toàn cầu, đang làm ra hai phần ba GDP và chiếm đến 85% hoạt động đổi mới – sáng tạo. Tất nhiên không có thành phố nào của Việt Nam trong danh sách đó.

Góp phần thay đổi bản sắc đô thị

Không gian sáng tạo (KGST) là địa điểm gặp gỡ của những cá nhân làm trong lĩnh vực sáng tạo như nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thiết kế, nhà làm phim, nhà thiết kế các ứng dụng (apps), các doanh nghiệp khởi nghiệp, và cộng đồng sáng tạo nói chung. KGST có thể là một văn phòng làm việc chung và kết nối những người cùng sở thích, một cơ sở đào tạo, một địa điểm chào đón tất cả những ý tưởng sáng tạo mới, một diễn đàn chia sẻ thông tin trực tuyến, một nơi triển lãm, một địa điểm trò chuyện, thảo luận… Bởi tính độc đáo của mỗi không gian, rất khó để phân loại rõ ràng các không gian sáng tạo.

Nhà tư vấn truyền thông Trương Uyên Ly, theo một khảo sát được đặt hàng bởi Hội đồng Anh, đã sử dụng ba tiêu chí “kết nối”, “sáng tạo” và “có định hướng kinh doanh” để thống kê được hiện có hơn 40 KGST ở Việt Nam, tập trung chính tại Hà Nội và TPHCM.

KGST là thánh đường của giới nghệ sĩ underground, có tài nhưng chưa phát sáng, chưa được đa số công chúng biết đến, là nơi để họ thể nghiệm các dự án và quan điểm nghệ thuật hầu đem đến những sự thay đổi.

“Tại các KGST, người trẻ có thể tự do thể nghiệm những thứ mình thích, mình tưởng tượng mà không lo ngại người khác dè bỉu, cho là lập dị. Họ luôn đến đây với một sự tự tin rất lớn, họ lạc quan với sản phẩm họ tạo ra, họ coi KGST như một nơi tìm những người đồng điệu, là nơi ghé chân để nuôi dưỡng tri thức và ý chí”, bà Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ KGST mang tên Alternative Art Area (3A) Station, nói. Bà cho biết có những người sau thời gian ghé chân đến KGST đã nhanh chóng thành công, dọn tới nơi khác tự mở cơ sở làm việc lớn hơn. Cũng có nhiều người thất bại và từ bỏ ước mơ. “Nhưng người trẻ thì không bao giờ ngừng mơ ước, hết lứa này tới lứa khác, do vậy, nhu cầu về KGST sẽ ngày càng lớn”, bà chia sẻ.

KGST cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi bản sắc của thành phố và phát triển đô thị. Tại hội thảo “Kiến tạo không gian sáng tạo” với sự tham gia của đại diện 30 KGST từ Việt Nam và Anh do Hội đồng Anh tổ chức ở TPHCM vào hai ngày 7 và 8-3-2016, bà Donna Holford Lovell kể câu chuyện về KGST mang tên Fleet Collective ở Scotland mà bà là đồng sáng lập, trong đó, nhấn mạnh rằng: “Fleet Collective khi ra đời đã mang sức sống mới cho thành phố nhỏ Dundee. Trước đây, những người trẻ luôn rời Dundee để tới những nơi sôi động, có thể kiếm việc làm tốt hơn, như Edinburgh hay Glasgow. Nhưng khi mạng Internet phát triển, những người làm việc tự do càng nhiều, những người làm việc sáng tạo không có nhu cầu đi đâu nữa vì họ có thể tập hợp tại những nơi tự do, thoải mái, nhiều người đồng đạo như Fleet Collective”.

Một công việc kinh doanh tạo nhiều việc làm

Mỗi KGST đều tạo ra công ăn việc làm và có thể là một mô hình kinh doanh tốt nếu quản lý tốt. Khu Zone 9 đình đám một thời vào lúc cao điểm đã tạo được hơn 1.000 việc làm với 60 nhà kinh doanh. Toong, một không gian làm việc chung (co-working) ở Hà Nội cũng là một mô hình kinh doanh thành công. Cái tên viết gộp từ “Tổ ong” là nơi đi về của những “con ong” cần mẫn, đồng thời, khi phát âm từ “Toong” người ta liên tưởng đến một âm thanh lan tỏa. Khách hàng có thể xách máy tính xách tay đến Toong, tìm cho mình một góc phù hợp, lựa chọn đồ uống miễn phí và làm việc. Các công ty khởi nghiệp với vài người hay studio nghệ thuật cũng tìm đến đây thuê chỗ.

Toong đầu tiên được mở vào tháng 8-2015 tại một biệt thự cũ rộng 750 mét vuông trên đường Tràng Thi, cách hồ Hoàn Kiếm ba phút đi bộ, với nội thất có “gu” thẩm mỹ cao. Sau vài tháng, Toong được một tập đoàn nước ngoài quan tâm đầu tư. Tháng 3 năm nay, Toong thứ hai được mở, rộng khoảng 1.000 mét vuông ở đường Tô Ngọc Vân, gần Hồ Tây. “Về cơ bản, Toong Tràng Thi đã có lợi nhuận. Toong Tô Ngọc Vân trước khi khai trương đã có hơn 50% diện tích được đặt thuê. Đến cuối năm nay, Toong sẽ tiến vào TPHCM”, Đỗ Sơn Dương – đồng sáng lập Toong, cho biết.

Từng học tại Hà Lan, Úc, làm Giám đốc tiếp thị của hãng phim Galaxy và Giám đốc phụ trách một số thương hiệu của hãng tư vấn thương hiệu Richard Moore Associates, Dương có tố chất của người làm nghệ thuật lẫn quản trị, phù hợp với việc điều hành một KGST.

“Có điều kiện” hơn là Nguyễn Trung Tín với khu làm việc chung mang tên Dreamplex trên đường Nguyễn Trung Ngạn, quận 1, TPHCM. Du học từ Mỹ về, Tín tiếp quản tập đoàn Trung Thủy của mẹ là bà Dương Thanh Thủy – người sáng lập thương hiệu Miss Áo Dài. 29 tuổi, Tín đang làm Tổng giám đốc của tập đoàn sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn tại TPHCM nhưng anh vẫn không quên hỗ trợ cộng đồng sáng tạo trẻ bằng việc lập ra Dreamplex. Ba tầng lầu, mỗi lầu rộng 500 mét vuông tại tòa nhà Miss Áo Dài là của Dreamplex.

Võ Minh Toàn, phụ trách hỗ trợ khách hàng ở Dreamplex, cho biết mặt bằng này luôn kín chỗ, giá cả ở mức hỗ trợ cho người thuê và có rất nhiều gói dịch vụ linh động cho cả những người chỉ đến TPHCM làm việc vài ngày.

Nguyễn Trường, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp Chopp.vn, cho biết khi mới thành lập, các thành viên của Chopp.vn làm việc chủ yếu tại quán cà phê nhưng rồi họ chuyển đến Dreamplex có môi trường chuyên nghiệp hơn mà lại rẻ hơn quán cà phê. Dự kiến ba tháng nữa, Dreamplex thứ hai sẽ được mở tại một cao ốc gần vòng xoay Điện Biên Phủ – Nguyễn Bỉnh Khiêm với bốn tầng lầu, mỗi tầng rộng 1.000 mét vuông.

Tại cuộc gặp gỡ giữa những người làm KGST, ông Peter Jenkinson, người có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, từng tham gia thành lập Chương trình Đối tác sáng tạo Anh Quốc (UK Creative Partnerships), đã chỉ ra hơn 20 cách có thể kinh doanh được từ KGST, như gây quỹ cộng đồng, gọi tài trợ, cho thuê mặt bằng, kinh doanh dịch vụ, tổ chức sự kiện, quảng cáo, tư vấn doanh nghiệp, đào tạo… Song, theo Đỗ Sơn Dương, khả năng kinh doanh của các KGST tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, cần phải học hỏi nhiều kinh nghiệm trên thế giới.

Cần cái nhìn thoáng hơn đối với KGST

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch tập đoàn truyền thông Le Bros, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân sáng tạo, cho rằng các KGST cần phải liên kết chặt chẽ với nhau hơn, không chỉ học hỏi kinh nghiệm kinh doanh từ nước ngoài mà còn phải học hỏi kinh nghiệm quản lý để tạo uy tín với cộng đồng sáng tạo, với chính quyền địa phương, với những chủ cho thuê mặt bằng và với các doanh nghiệp lớn sẵn sàng đầu tư vào đổi mới – sáng tạo.

Ông Vinh lấy thí dụ điển hình là KGST mang tên “1871” đóng tại tòa nhà Merchandise Mart ở thành phố Chicago (Mỹ), nơi thu hút hàng trăm doanh nghiệp siêu nhỏ và các cá nhân sáng tạo đến làm việc, chia sẻ ý tưởng mỗi ngày. Mô hình này được sự hỗ trợ, hợp tác của nhiều công ty hàng đầu như Google, JP Morgan, Motorola, và hàng loạt quỹ đầu tư lớn như Apex Venture Partners, The Edgewater Funds, Chicago Ventures…

Các công ty sáng tạo và công nghệ đều khao khát chiếm một vị trí đối tác trong 1871 với kỳ vọng được tiếp cận và sử dụng tầng lớp sáng tạo hoạt động tại đây.

“Một KGST đòi hỏi có sự quản lý chuyên nghiệp. Có nhiều KGST đã phải đóng cửa vì không tuân thủ pháp luật, không có các giấy phép tổ chức sự kiện, điều kiện vệ sinh, an toàn kém, các hợp đồng thuê và cho thuê thiếu chặt chẽ…”, bà Tuyết Mai cho biết. Trước khi mở 3A trên đường Tôn Đức Thắng (TPHCM) vào năm 2014, bà Tuyết Mai đã sử dụng mặt bằng thuê (là một nhà kho quân đội) này từ những năm 1990 cho các dự án nghệ thuật của mình. Trong giới nghệ thuật, bà chủ của Mai’s Gallery nổi tiếng là một người quản lý nghệ thuật quyết đoán.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người sáng lập ra khu Zone 9 đình đám trước khi nó bị đóng cửa vào cuối năm 2013, đã tâm sự rằng sự thất bại của ông với Zone 9 một phần là do ông chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý một KGST. Ông vốn chỉ định thuê khu đất cũ của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 ở số 9A Trần Thánh Tông, Hà Nội để cùng bạn bè mở vài xưởng sáng tạo và một số quán mang phong cách cũ. Không ngờ giới trẻ ham mê và những người kinh doanh trẻ cũng đua nhau tới thuê mặt bằng kinh doanh đông vượt mức kiểm soát. Và rồi chuyện sau đó xảy ra ai cũng biết.

Sau khi Zone 9 tan, người đồng hành là kiến trúc sư Trần Vũ Hải mở khu X98 ở gần hồ Thành Công (Hà Nội), trong khi ông Đoàn Kỳ Thanh thuê tòa nhà xây 20 tầng chưa hoàn thiện ở gần bến xe Lương Yên mở một KGST với cái tên khá “kêu”: Thành phố sáng tạo Hà Nội (Hanoi Creative City – HNCC). HNCC không có không khí thân mật kiểu “hợp tác xã” như Zone 9 nhưng chuyên nghiệp và quy củ hơn. Ông chủ của nó cũng dày dạn kinh nghiệm quản lý hơn. “Mặt bằng này chúng tôi ký hợp đồng thuê từng 10 năm một. Bây giờ gần như cả 20 tầng đã khai thác hết, khu đất trống dưới chân tòa nhà cũng dẹp bớt quán xá đi để lấy chỗ cho các không gian nghệ thuật”, ông Thanh nói. Ông Thanh thuê với giá 5 đô la Mỹ mỗi mét vuông và cho thuê lại cũng với giá ấy.

Hỏi như thế thì làm sao có tiền bù vào chi phí quản lý, ông cho biết có thu phí từ một số hoạt động khác.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s