Đẳng sâm trên đỉnh Ngọc Linh đang bị người dân khai thác tận diệt, bán rẻ như củ khoai tại Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Ảnh: THANH HẢI
Với rừng nhiệt đới gió mùa, đa dạng sinh học, Việt Nam có rất nhiều loại cây cỏ có thể dùng chữa bệnh, từng nổi tiếng là quốc gia dồi dào về nguồn nguyên liệu dược phẩm. Thế nhưng, hiện nay đến 90% nguồn dược liệu phục vụ bào chế, sản xuất thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thuốc Đông y phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, nguồn dược liệu quý, hiếm trong nước thì bị khai thác theo kiểu tận diệt, bán giá rẻ cho thương lái Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn là nguồn dược liệu nhập khẩu hiện không được kiểm soát cả về chất lượng, mức độ an toàn cho người tiêu dùng…
Kỳ 1: Bán thô dược liệu quý với giá rẻ
Rừng miền Trung, Tây Nguyên vốn có nhiều cây thuốc quý, từ xa xưa đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn khỏe mạnh từ lúc chào đời đến khi thượng thọ. Nhưng nay, nhiều loại dược liệu quý đang bị khai thác cạn kiện, bán cho thương lái rẻ như rau, củi. Việc sử dụng cũng hết sức tùy tiện, chủ yếu theo… tin đồn, không những phản tác dụng mà người dùng có khi còn rước bệnh vào thân.
Thuốc quý rẻ như rau
Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa mưa là người dân các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông (Kon Tum) đổ xô vào rừng săn tìm lá kim cương. Tại cửa rừng xã Đắk Na huyện Tu Mơ Rông, nơi tiếp giáp chân núi Ngọc Linh có hàng chục thương lái chờ sẵn, thấy người dân nào trong rừng ra là họ chạy tới lục gùi, hỏi lá kim cương.
Bà Nguyễn Thị Bảy – một thương lái – cho biết: “Bây giờ lá kim cương khá hiếm, phải đón tận rừng mới mua được, nếu họ mang về làng thì các quán tạp hóa mua hết. Thậm chí chúng tôi phải lấy số điện thoại của những người đi rừng, gọi trước để biết ngày nào họ đi, tìm được bao nhiêu, khi nào về, để đón”.
Theo các thương lái này, hiện nay đã có một số đoàn thương lái nước ngoài vào tận làng, có người phiên dịch đi theo để mua lá kim cương – chủ yếu là thương lái người Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hiện giá mua lá kim cương tươi tại cửa rừng khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/kg, nếu phơi khô thì bán được 16-17 triệu đồng/kg.
Một số thương lái tiết lộ, khi đưa qua biên giới Trung Quốc, lá kim cương bán được 3-4,5 triệu đồng/kg tươi. Nhưng không phải bây giờ, mà việc khai thác lá kim cương đã diễn ra từ 10 năm trước, lúc đó giá rất rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Ông A Linh (trú xã Đắk Na) cho biết: “Cây kim cương thường mọc trên thảm lá mục trong rừng sâu, ven suối, khe đá ẩm ướt…”.
Theo một số tài liệu trong nước, cây kim cương là dược liệu quý, có tác dụng chữa đau lưng, phong phấp, lao phổi… Nhưng cho đến nay, khi nguồn dược liệu này gần như tiệt chủng vẫn chưa có một nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ về dược tính của loại cây này để có phương án bảo tồn, phát triển. Với người dân nghèo ở gần rừng, một ngày kiếm được 500.000 – 700.000 đồng đã nhiều, do vậy lúc nông nhàn họ tập trung vào rừng săn lùng lá kim cương. Với tốc độ khai thác trong 10 năm qua, cây kim cương ở rừng bắc Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ xóa sổ.
Tại các xã Tê Xăng, Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), hiện nay người Xê Đăng bản địa vẫn ngang nhiên đào bới, săn tìm đẳng hồng sâm (hay còn gọi là sâm dây). Sau sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên, sâm dây cũng đã đến thời kỳ cáo chung bởi nạn khai thác mà không hề có phương pháp trồng lại hay khoanh nuôi, phát triển. Cây sâm dây bày bán công khai, chất thành đống như củ mì. Giá sâm tươi chỉ 50.000 – 100.000 đồng/kg. Nếu phơi khô, đôi khi 300.000 – 500.000 đồng/kg tuỳ loại. Nhưng lạ lùng là chẳng ai, cơ quan nào cấm đoán, kiểm soát, quản lý, đóng thuế…?
Khai thác tận diệt
Mới đây, vì tin đồn cây xáo tam phân là thần dược, có thể chữa bách bệnh. Đặc biệt là điều trị ức chế được 5 dòng tế bào ung thư, hàng trăm người đã đổ về Ninh Vân, huyện Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hoà) để lên núi Hòn Hèo, đào lật cả rừng, bới tìm tận gốc rễ. Chưa biết thực hư giá trị thần dược hay không, nhưng giá thành của loại thảo dược này liên tục tăng từ vài trăm ngàn đồng/kg lên 1,5-1,8 triệu đồng/kg. Người dân lấy cả thân, cành, lá và thậm chí đào lấy rễ, băm nhỏ, chẻ vụn, phơi để sắc lấy nước uống ngay hoặc ngâm rượu dùng dần dần.
Trước đó, lời đồn đại tương tự cũng dành cho cây mật nhân. Hậu quả là loài cây này bị truy lùng, tận diệt ở khắp đồi nghèo đến rừng sâu, từ các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến các tỉnh Tây Nguyên. Rộ lên nhiều nhất là tại tỉnh Đắk Nông. Cây mật nhân mọc hoang chẳng bao lâu đã thành thần dược quý hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo một nhóm gần 20 người từ Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Sơn vác ba lô lội rừng Đắk Nông mấy ngày nay, vừa kiếm được 30kg rễ mật nhân đem ra thị xã Gia Nghĩa bán. Tại thị xã này, mật nhân dạng cây, rễ còn tươi được bán với giá 70.000 – 100.000 đồng/kg, loại xắt lát phơi khô thì đắt hơn nhưng cũng chỉ khoảng 200.000 đồng/kg.
Hỏi công dụng của mật nhân, ông Sơn bất tuyệt: “Đây là cây mà bệnh gì cũng chữa được hết. Thí dụ như đau lưng, đau bụng, khí huyết hư… Đặc biệt hơn các loại thảo dược khác, mật nhân ngâm rượu uống có tác dụng bổ thận, cường dương, một người khỏe hai người vui”.
Không chỉ những người bán mật nhân như ông Sơn, mà trên hàng loạt trang web đều quảng cáo mật nhân như thần dược, họ copy bài từ trang này sang trang khác, kèm số điện thoại để mua. Do người bán thổi phồng công dụng, số người mua mật nhân về dùng tăng nhanh, kích thích việc khai thác từ rừng tự nhiên.
Theo ông Trương Văn Minh – Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Nông – do biết công dụng của mật nhân, thời gian gần đây có nhiều người đổ xô vào rừng khai thác, đem về bán rẻ như củi mục. Với đà khai thác này, cây mật nhân sẽ bị cạn kiệt trong nay mai.
Cây ươi, chỉ ra quả khi thân gỗ to cả chục mét, 2 năm mới cho quả một lần. Do thương lái Trung Quốc gom mua với giá cao, nên những năm gần đây rừng ươi ở Quảng Nam gần như bị hạ sát. Người đi đốn hạ cây ươi đông như trẩy hội, kiểm lâm quản không xuể. Quả ươi được cho là nguồn dược liệu quý dùng chữa bệnh đau lưng, thấp khớp, thoái hóa xương cột sống có nguy cơ không còn nguồn để dùng trong nước.
Điều đáng nói là những phong trào khai thác, tìm diệt tận cùng các loài thảo dược này xảy ra rầm rộ, phổ biến, công khai khắp các địa phương miền Trung và Tây Nguyên, tuy nhiên sự can thiệp từ chính quyền, ngành chức năng thì nửa vời, theo đuôi.
*****
Nhập rác từ Trung Quốc về làm thuốc
(LĐ) – Số 242 TỔ PV ĐIỀU TRA – 6:37 AM, 20/10/2015
Thảo dược không rõ chất lượng, công dụng, được bày bán cho du khách tại Khu du lịch Buôn Đôn, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Hải
Suốt thời gian dài, dược liệu trong nước không cạnh tranh nổi với dược liệu giá rẻ đến từ Trung Quốc (TQ) khiến người dân phải phá bỏ vườn vì thua lỗ. Còn bây giờ, khi đã phụ thuộc hoàn toàn vào TQ, vì ham rẻ, nhiều cơ sở Đông y nhập dược liệu để chữa bệnh chất lượng rất kém, thậm chí được xem là… thuốc rác.
Không đủ tiền nhập dược liệu loại 1, 2
Thượng tọa lương y Thích Tuệ Tâm – Giám đốc điều hành Trung tâm Kế thừa – Ứng dụng y học cổ truyền Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (số 3, đường Lê Quý Đôn, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) – nói rằng việc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dược liệu TQ có bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước khi VN mở cửa.
Lúc bấy giờ, dược liệu giá rẻ từ TQ ồ ạt tràn về VN. “Các vựa dược liệu Sa Pa, Tam Đảo… trồng rất nhiều, nhưng chẳng bao lâu sau phải phá bỏ vườn trồng cây khác vì thua lỗ. Đơn cử một cân đằng sâm nhập về bán giá 50.000 đồng, trong lúc vốn đầu tư trồng 1kg ở trong nước đã bằng giá nhập nên phải bán đắt hơn, mà lại xấu hơn đằng sâm TQ” – sư Thích Tuệ Tâm nói.
Ngay tại Thừa Thiên – Huế cũng có vườn dược liệu quy mô rất lớn, rồi cũng phá sản. Củ cát cánh trồng ra nhỏ teo, giá cao, trong khi đồ của TQ vừa to, đẹp, chất lượng hơn nên các cơ sở Đông y đều từ chối. Một lương y từng nói rằng nếu vì đất nước thì ông sẵn sàng mua, chất lượng, giá thành thì chắc chắn chọn đồ TQ.
Ông nói: “Đây là đòn kinh tế của TQ và hình như thời gian đầu, Chính phủ nước này có chính sách hỗ trợ thế nào đó với sản phẩm dược liệu nên chỉ trong 2 năm, dược liệu trong nước trồng ra bán không ai mua”. Rồi dược liệu TQ dần dần được nâng giá lên, ngang bằng với giá trong nước. Bây giờ, nguồn cung dược liệu để bào chế thuốc trong nước phải phụ thuộc hoàn toàn vào TQ.
Và khi đã nắm hoàn toàn thị trường, TQ mặc nhiên điều phối chất lượng nguồn dược liệu. “Thời gian đầu, dược liệu nhập về có chất lượng, nhưng cũng chỉ là loại 3 trở đi chứ không đủ tiền mua được loại 1, 2 bởi nó đắt gấp 5, gấp 10 lần. Các cơ sở Đông y nếu kê đơn cao quá, dân không đủ tiền dùng. Một số nơi có tâm lý ham rẻ cho nên những con buôn dược liệu buộc phải nhập hàng từ loại 4, 5.
Dược liệu loại 4, 5, người TQ gọi là…rác” – sư Tuệ Tâm nói. Tại cơ sở Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa chỉ đủ tiền nhập dược liệu loại 3 qua một Cty được Bộ Y tế cấp phép. “Chỗ tui không dùng hàng trôi nổi theo đường tiểu ngạch, rất dễ dính đồ rởm. Có cơ sở chiết xuất ở TQ họ tinh vi đến mức mà cây bạch truật đưa vô hệ thống chiết xuất bằng áp suất để lấy ra hết nước thuốc. Họ sấy khô xác cây rồi lấy ít nước thuốc đã chiết phun vào để bán ở VN. Đem về, kiểm tra chất lượng trên máy móc vẫn bị lừa và cho kết quả là thuốc rất chất lượng. Ngay cả củ sâm, to đẹp rứa đó chứ bị rút ruột hết rồi” – sư Tuệ Tâm cho biết.
Cần lời cam kết từ Bộ Y tế
Theo nhiều lương y, chất lượng dược liệu khi nhập về chủ yếu là tin tưởng, uy tín và không ai biết có tốt không. “Thầy có giỏi, bắt bệnh có hay bằng mấy, nhưng uống thuốc không có chất lượng, thậm chí nuôi trồng bằng các loại phân hóa học, thuốc này kia, cho người ta uống vào có khi bệnh càng trầm trọng hơn.
Bản thân thầy thuốc không tin tưởng vào loại thuốc đó thì làm sao mà dám bốc cho bệnh nhân được” – một vị lương y có uy tín ở TP.Huế cho hay. Vừa rồi, sư Tuệ Tâm có ý tưởng sẽ đứng ra nhập dược liệu chất lượng về phân phối cho các cơ sở Đông y tại Huế. Tuy nhiên, sư Tuệ Tâm không dám thực hiện vì lo các cơ sở không mua, ôm hàng, thua lỗ.
Theo sư Thích Tuệ Tâm, Bộ Y tế đã có chính sách thắt chặt quản lý chất lượng dược liệu nhập khẩu bằng cách kiểm soát gắt gao nguồn chính ngạch. Ông mong Bộ Y tế phải cho các Cty trực thuộc hoặc được cấp phép nhập đủ và cam kết thuốc có chất lượng. Còn nếu nguồn cung không đủ, vô tình sẽ tạo nên tình trạng khan thuốc. Lúc đó, bắt buộc các cơ sở phải mua dược liệu theo đường tiểu ngạch, giá vừa cao, chất lượng vừa không đảm bảo.
“Bây giờ họ đã nắm thị trường thì mình phải tự cường thôi. Vì vậy, Bộ Y tế cần phải phục hồi lại các vườn dược liệu, phục hồi các loại thuốc chi thực mà mình còn giữ được giống. Thứ nữa, xu hướng nên trở lại sử dụng các loại thuốc Nam nhiều hơn, ít phụ thuộc vào thuốc Bắc và chỉ nhập những loại gì không có để tránh bớt sự lệ thuộc. Cũng phải tuyên truyền thế nào đó để người dân hiểu và quay trở lại sử dụng nam dược trị nam nhân mà đại danh y Tuệ Tĩnh đã từng nói” – sư Tuệ Tâm đề xuất.
Nói về việc thời gian vừa qua, thương lái đổ xô đi thu mua các loại dược liệu xuất bán sang TQ, sư Thích Tuệ Tâm nhận định, nhiều loại dược liệu quý, do người dân ham tiền và không hiểu hết giá trị nên ồ ạt chặt, đào cả gốc, thời gian phục hồi rất lâu, thậm chí là tuyệt chủng.
Thương lái TQ mua về găm hàng, chờ trong nước khai thác cạn kiệt tung ra bán với giá cắt cổ. Đơn cử, có thời điểm 1kg tam thất bị đội giá từ 500.000 lên 5 triệu đồng. Cũng theo sư Tuệ Tâm, một số loại dược liệu như sa nhân, thổ linh, huyết đằng… TQ mua về bào chế bán lại cho VN. Tuy nhiên, việc ồ ạt mua lá điều, cau non hay thậm chí là hạt mây là điều không thể hiểu nổi. “Trong Đông y, cau già mới sử dụng được, còn hạt mây, lá điều chưa thấy ai làm thuốc bao giờ” – sư Tuệ Tâm nói.
Mình không hiểu tại sao “thương lái Trung quốc” vào Việt Nan mua đủ loại hàng hóa là sao? Họ khơi khơi lái tàu từ Trung quốc qua, cập cảng và mua ồ ạt hay sao?
Họ là ai? Các công ty nước ngoài có giấy phép đầu tư tại Việt Nam? Họ là người Hoa kiều tại Việt Nam? Họ có giấy phép buôn bán dược liệu? Họ có giấy phép sản xuất dược liệu.
Hình như Việt Nam không có hệ thống nào để kiểm soát các vấn đề bảo tồn dược liệu và kiểm phẩm dược liệu?
ThíchThích