Hỗ trợ Nỗ lực Không còn Nạn đói tại Việt Nam

 

 

13/10/2015 Sáng kiến Không còn Nạn đói    

FAO – Sáng kiến Không còn Nạn đói (ZHC) được Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra lần đầu tại Hội nghị Phát triển Bền vững Rio+20 tại Brazil vào tháng 6/2012. Sáng kiến kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay chấm dứt nạn đói và phát triển bền vững với năm mục tiêu (i) 100% người dân có khả năng tiếp cận đủ lương thực trong suốt cả năm,(ii) Không còn trẻ em dưới 2 tuổi  bị thấp còi, (iii) Tất cả các hệ thống lương thực thực phẩm đều bền vững, (iv) tăng trưởng 100% năng suất và thu nhập ở các hộ sản xuất quy mô nhỏ, nhất là các hộ do phụ nữ làm chủ, và (v)  không còn tổn thất, lãng phí lương thực thực phẩm, xúc tiến tiêu dùng có trách nhiệm.

Tháng 12/2013, sau khi tham vấn mở rộng nhiều nhóm lợi ích liên quan, Nhóm Công tác Chủ đề Xóa đói Giảm nghèo Khu vực của LHQ, do FAO chủ trì, có UNDP và ESCAP đồng chủ trì, xây dựng Khung Hướng dẫn Khu vực  để Không còn Nạn đói tại Châu Á-Thái Bình Dương. Khung này được thông qua tháng 12/2013 tại Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác và Hội nhập Kinh tế Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương do ESCAP tổ chức. Mục đích xây dựng khung này là nhằm hỗ trợ cho các nước thành viên của LHQ trong khu vực xác lập và thực hiện các sáng kiến không còn nạn đói quốc gia.

 

Kế hoạch Hành động Quốc gia để Không còn Nạn đói tại Việt Nam

GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn gấp ba kể từ năm 1991 đến năm 2012 và tỷ lệ nghèo, thiếu ăn và suy dinh dưỡng cũng giảm mạnh. Tỷ lệ thiếu ăn trong tổng dân số giảm xuống còn khoảng 8% trong giai đoạn 2011-2013 từ 47% vào 20 năm trước, và tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi hay nhẹ cân cũng giảm được khoảng một phần ba so với thời điểm đó. Đây là những thành tựu rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn xóa sạch nạn đói trong thập kỷ tới. Khả năng tiếp cận lương thực vẫn là vấn đề nan giải đối với nhiều hộ gia đình, nhất là tại các vùng nông thôn hay miền núi, nơi mà tình trạng nghèo đói có thể vẫn rất nghiêm trọng. Khoảng một trong số 8 trẻ em Việt Nam vẫn bị nhẹ cân và 1 trong 4 trẻ bị còi cọc. Việc đảm bảo tính bền vững cho hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam vẫn là một quan ngại lớn. Một nội dung quan trọng trong bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề này là phải giảm được tổn thất và lãng phí lương thực thực phẩm. Những hộ tiểu nông bị hạn chế về khả năng tiếp cận tài sản sản xuất như đất đai chiếm phần đông trong số nông dân. Tăng năng suất bền vững là điều kiện không thể thiếu để họ có thể tăng được thu nhập của mình.

Mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2025 được Chính phủ Việt Nam cùng cam kết thực hiện. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị FAO hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia hưởng ứng Sáng kiến ZHC.

Mục tiêu tổng thể của dự án này là xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia để Không còn Nạn đói , làm cơ sở cho mục tiêu xóa đói và suy dinh dưỡng tại Việt Nam vào năm 2025, đồng thời đóng góp cho Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 2016-2020, đặc biệt là hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG): (i) Giảm Nghèo Bền vững, và (ii) Xây dựng Nông thôn Mới

*****

11:30, 14/01/2015

Phát động Chương trình “Không còn nạn đói”

(Chinhphu.vn) – Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Lễ phát động và Hội thảo khởi động xây dựng Chương trình Hành động quốc gia “ Không còn nạn đói”, một sáng kiến quan trọng nhằm loại trừ nạn đói tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam tham gia Sáng kiến “Không còn nạn đói” không chỉ thể hiện trách nhiệm tích cực hưởng ứng các hoạt động của LHQ mà còn là để đáp ứng các yêu cầu thực tế của Việt Nam”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc- Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), ông Hiroyuki Konuma, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO)-Trưởng đại diện FAO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đại diện của các tổ chức quốc tế, các cơ quan hợp tác phát triển cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành của Việt Nam tham dự.

An ninh lương thực được cải thiện song còn nhiều thách thức

Sáng kiến “Không còn nạn đói” được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra lần đầu tại Hội nghị phát triển bền vững Rio+20 tại Brazil vào tháng 6/2012, kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay chấm dứt nạn đói và phát triển bền vững.

Để đạt được mục tiêu này tại Việt Nam, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật của FAO sẽ cùng hợp tác xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Hành động quốc gia không còn nạn đói tại Việt Nam giai đoạn 2016-2025. Kế hoạch hành động sẽ hỗ trợ cho Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới, đặc biệt là cho các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quyền tiếp cận lương thực là một trong những quyền cơ bản của con người đã được nêu lần đầu tiên năm 1948 tại Tuyên ngôn Nhân quyền và năm 1966 được khẳng định tại Công ước quốc tế về Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá. Năm 2004, Hội đồng FAO đã thông qua tài liệu Hướng dẫn tự nguyện nhằm hỗ trợ tiếp tục thực hiện Quyền có đủ lương thực trong bối cảnh an ninh lương thực quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, đứng đầu là FAO, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tại các nước đang phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà sản lượng lương thực sản xuất được chỉ chiếm 50% trong khi dân số lại chiếm trên 60% thế giới.

Hiện nay trên thế giới vẫn còn 805 triệu người thiếu đói; hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển; tình trạng “nạn đói tiềm ẩn”, do thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, sắt và kẽm được ghi nhận là trên khoảng 2 tỷ người. Trong khi đó, với tình trạng đất nông nghiệp bị suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là những thách thức rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 7 tỷ người trên hành tinh. Hơn nữa, việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp giảm sút, cùng những rào cản và trợ cấp bóp méo thương mại nông sản làm gia tăng thách thức cho việc đảm bảo an ninh lương thực cho những nước nghèo.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao Sáng kiến “Không còn nạn đói” của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra nhằm đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên thế giới với các trụ cột đó là: Tất cả mọi người đều có đủ lương thực, không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng, hệ thống sản xuất lương thực bền vững, tăng năng suất và thu nhập cho các hộ gia đình nông nghiệp sản xuất nhỏ và không còn tổn thất, lãng phí lương thực.

Việt Nam cam kết đồng hành với LHQ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam là một nước có diện tích đất đai không lớn – 33 triệu ha, trong đó có 10,3 triệu ha có thể sử dụng trong nông nghiệp. Năm 2013, dân số của Việt Nam đã đạt 90 triệu người – mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người – trong đó 70% sinh sống ở nông thôn. Vào cuối những năm 1980, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn lương thực, tỷ lệ đói nghèo gần 70%. Nhờ thực hiện đường lối Đổi mới, từ một nước nghèo – thiếu lương thực, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều loại nông lâm thuỷ sản  với tổng kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,6% và cơ bản đã hoàn thành những Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) do Liên Hợp Quốc phát động. Chính sự phát triển nhanh của nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã giúp Việt Nam đứng vững qua những cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới và khu vực, duy trì được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bình quân khoảng 7%/năm trong 30 năm qua và bảo đảm được an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn. Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với hai thách thức lớn, đó là khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Để đối phó với những thách thức trên, Chính phủ Việt Nam đang triển khai thực hiện hai chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Theo đó, Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn các cơ quan Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế về những trợ giúp quý báu trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nói chung, cũng như trong việc thực hiện triển khai Sáng kiến “Không còn nạn đói” nói riêng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là 1 trong 8 quốc gia tích cực thực hiện thí điểm Sáng kiến “Một Liên Hợp Quốc”, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành với Liên Hợp Quốc trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc Việt Nam tham gia Sáng kiến “Không còn nạn đói” không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam tích cực hưởng ứng các hoạt động của Liên Hợp Quốc mà còn là để đáp ứng các yêu cầu thực tế của Việt Nam. Tham gia Sáng kiến “Không còn nạn đói” sẽ giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng xa, hẻo lánh, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu dự buổi lễ.  Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong xóa đói, giảm nghèo, ông Hiroyuki Konuma, Phó Tổng giám đốc FAO-Trưởng đại diện FAO khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, FAO là một đối tác bền vững của Chính phủ Việt Nam và sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để giúp nhân dân Việt Nam đạt được mục tiêu chung là không còn nạn đói.

Ông Hiroyuki Konuma cho rằng, Kế hoạch Hành động quốc gia sẽ tạo ra khung thể chế giúp thiết kế và thực thi các chính sách đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, nhờ đó sẽ tác động bền vững đến an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

“Liên Hợp Quốc cam kết tiếp tục giúp Việt Nam đạt được mục tiêu không còn nạn đói thông qua kế hoạch Một Liên Hợp Quốc”- bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ- Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam khẳng định./.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc

– See more at: http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Phat-dong-Chuong-trinh-Khong-con-nan-doi/20151/22420.vgp#sthash.1rJluzLd.dpuf

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s