40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc -4 kỳ

By PHƯƠNG MAI - HẢI VÂN

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc – Kỳ 1: Trở về vùng trắng

Câu chuyện giữ dân, giữ chủ quyền trên 1.400km biên giới phía Bắc thường chỉ được kể qua những cuộc giao tranh. Nhưng hàng ngàn thôn bản xa xôi hẻo lánh nơi này đã góp phần giữ gìn dải đất biên cương suốt 40 năm qua, không phải bằng tiếng súng.

Đội Pha Hán (Thanh Thuỷ) là nơi đầu tiên lập lại làng ở Vị Xuyên sau 1979, hiện giờ phải đi qua sông mới tới nơi – Ảnh: P.MAI

Sau cuộc chiến năm 1979, nhiều làng bản bao đời của đồng bào các dân tộc trở nên tiêu điều. Người dân rút về tuyến dưới để tránh thương vong. Cho đến cuối những năm 1980, biên giới bắt đầu dần ổn định.

Những người rời đi trong cuộc chiến tranh lần lượt trở về. Và công cuộc giữ từng đường biên cột mốc, bắt đầu từ những làng bản nhỏ tít tắp xa xôi như thế.

Giữ được dân là giữ được chủ quyền.

Ông NGUYỄN HẢI LÝ (nguyên đồn trưởng đồn biên phòng địa đầu phía Bắc Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang)

Trắng đêm đi tìm dân

Nếu nói về công cuộc giữ đất, giữ biên cam go, Hà Giang là một trong những vùng đất nổi bật nhất. Đại tá Nguyễn Văn Hiền, nguyên đồn trưởng đồn biên phòng Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang), mô tả tình hình khi ấy: “Các nơi khác tiếng súng im rồi nhưng Hà Giang mãi tới cuối năm 1989 vẫn còn tiếng súng”.

Cho đến thời điểm 1989-1990, qua giai đoạn ác liệt, chính quyền tỉnh mới bắt đầu chủ trương đưa người dân trở lại sinh sống. Vậy là bộ đội biên phòng lần lượt tìm đến bản dân sơ tán ở Bắc Mê, Bắc Quang, Linh Ngọc, Linh Hồ… thuyết phục người dân quay về dựng làng trên đất cũ.

Suốt một năm, đại tá Hiền – lúc đó là trung úy đội trưởng đội vận động quần chúng và ông Nông Văn Quý – đồn trưởng đồn biên phòng Minh Tân – cùng đồng đội đạp xe hàng chục cây số mỗi ngày đi tìm dân.

“Chỗ nào không đạp xe được thì đi bộ. Có chỗ chưa có đường đi, phải đi thuyền qua sông đến các bản. Tối phải ở lại bến sông là bình thường” – ông Hiền nhớ lại.

Ông Hiền nói cái khó nhất chỉ là tìm được nơi ở của những người dân cũ. Còn khi gặp, thậm chí có những cá nhân chỉ cần nói biên giới đã yên là họ sẵn sàng khăn gói trở về mà không cần đến chế độ hỗ trợ nào chỉ với lý lẽ “về nơi cha ông mà giữ làng, giữ bản”.

Ở Bạch Ngọc, người chở ông Hiền qua sông mỗi bận là bà Mùng Thị Thảo cũng là một trong những người dân đầu tiên trở về Thanh Thủy. Năm 1989, từ những người đầu tiên đó, một chi bộ Đảng Thanh Thủy được thành lập. Dần dần người dân từ phía sau kéo về, dựng nhà ngay trên nền nhà cũ.

Sau Thanh Thủy đến Thanh Đức, Lao Chải, Sín Chải, những đêm trắng tìm dân được bù lại bằng những làng bản dần đông đủ trên nền của khu vực từng là nơi chiến sự ác liệt bậc nhất biên giới phía Bắc.

Bà Nông Thị Hợp, trưởng thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, người về từ năm 1987, bảo: “Lúc đánh nhau, Nhà nước bảo đi thì đi chứ không thì chúng tôi bám làng bám đất không đi đâu. Hồi sơ tán ở Bắc Mê tôi nhớ nhà lắm, cứ nhìn về hướng bắc. Tôi đã nghĩ chẳng bao giờ được về quê cũ”.

Ở xã xa nhất Hà Giang – Xín Cái, huyện Mèo Vạc, bà Hoàng Thị Tương trở về ngay từ khi có lời kêu gọi từ năm 1987. Căn nhà cũ đã bị phá hủy, bà cùng gia đình dựng tạm một căn lều, tiếp tục sinh sống chờ ngày làm nhà mới. 13 hộ dân đi sơ tán cũng đều về đông đủ.

Ở xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, ông Lưu Văn Lèng sơ tán mãi tận Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Đến khi nghe tin yên ổn, năm 1988 ông lên nhà cũ một chuyến.

“Ban đầu lên thấy vắng quá tôi định không về. Nhưng rồi người Thượng Phùng chạy đến Đồng Văn, Mèo Vạc sau cũng trở lại hết, vậy là tôi theo. Đến năm 1995 thì tôi về ổn định hẳn”.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 1: Trở về vùng trắng - Ảnh 4.

Lý Thèn Séng – người đàn ông không sợ mìn ở Giang Nam (Hà Giang) – Ảnh: P.MAI

Thiêng liêng hơn nỗi sợ

Mìn là nỗi lo lớn nhất ở Hà Giang suốt 10 năm sau chiến tranh. Đại tá Hiền thống kê trong 20 năm gắn bó với Thanh Thủy, ông suýt chết bảy lần vì gặp mìn. Có 37 người lính công binh đã hi sinh để vùng đất ấy bớt đi tiếng nổ bất ngờ.

Nhưng ở đây có một người dân không biết sợ mìn khi trở về để làm nương rẫy, đó là ông Lý Thèn Séng.

Năm đó làm nương thi thoảng lại nghe tiếng mìn nổ. Mỗi lần như thế, ông Séng lại tự tìm lên chỗ vừa nổ, xem có ai bị nạn để cứu. Hỏi ông không sợ mìn à, ông trả lời: “Tao già rồi, có chết cũng không sao. Mấy đứa trẻ thì phải còn sống”.

Thanh Thủy hơn chục năm sau chiến tranh chỉ còn là một vùng đất hoang bạt ngàn lau sậy.

“Chỗ xưa kia là xưởng chè to thì lúc về chỉ còn búi lau 3-4 người ôm. Nhà cửa tan tành hết, chỉ còn lại gạch vụn” – bà Nông Thị Hợp nhớ lại. Gia đình bà phát từng chút một đất làm nương, lấy cây chít dựng một gian nhà bé ở tạm.

Công binh dò mìn tới đâu, bà con làm nương tới đó.

Không chỉ Hà Giang, dọc biên giới từ Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai…, chỉ cần tiếng súng yên, những nếp nhà lại trở lại. Ngày 17-2-1979, bà Phàn Thị Phối (huyện Bát Xát, Lào Cai) nhận tin chồng, trung úy Lý A Tờ, đã hi sinh tại đồn biên phòng A Mú Sung trong cuộc chiến bảo vệ biên giới.

Ôm con tránh nạn hết một tháng súng nổ, bà trở lại Bát Xát. Suốt 10 năm sau đó, bà Phối luồn rừng đi tuyên truyền cho chị em phụ nữ sản xuất, vận động thanh niên tiếp tục lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

“Có bận đến đồn biên phòng chỗ ông Tờ nằm xuống, chỉ cách vài trăm mét mà các anh đi cùng nói không an toàn, chỉ khóc mà không thăm ông ấy được” – bà Phối cho biết.

Không có mặt ở nhà vào tháng 2-1979 nhưng ông Giàng A Chu hiểu cái khốc liệt của cuộc chiến. Bởi lúc đó ông là bộ đội biên phòng đóng quân ở Dào San (Phong Thổ, Lai Châu).

Bản Pô Tô quê ông ở Phong Thổ sau khi phân giới là nơi có đường biên hẹp nhất Việt Nam, chỉ là một con suối nhỏ. Người bên này với tay là sang được bên kia. Năm 1979 Pô Tô có 40 hộ dân sơ tán xuống Sìn Hồ.

Năm 1990-1991, ông Chu xung phong về nơi ở cũ dù nhà cửa đã cháy hết từ trong cuộc chiến. “Nhiều người không dám về vì sợ bom mìn, mình xung phong làm gương. Bố mình ở đó, ông mình ở đó, mình làm sao đi đâu được”.

Làm nhà, làm nương gần trạm biên phòng

ha giang

Người dân làm nương vùng biên giới Hà Giang (Lũng Cú) – Ảnh: P.MAI

Ở những nơi yên ắng hơn, người dân trở về rất sớm như thôn Tả Kha, xã Phố Bảng, huyện Đồng Văn.

Ông Cử Pháy Phìn, trưởng thôn Tả Kha, kể nhà ông sáu đời đã ở quanh khu vực bây giờ là mốc 392. Năm 1979, Tả Kha phải đi sơ tán. Đến những năm 1980, cả bản lại trở về.

“Lúc đó chúng tôi phải lấy đất nương để đổ nền nhà. Thấy bộ đội biên phòng ở đây, dựng trạm thì bà con cứ chọn chỗ gần trạm mà làm nương, làm nhà thôi” – ông Phìn kể.

 

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc – Kỳ 2: Biên giới là nhà

 Không chỉ trở về, nhiều người chọn ở lại biên giới, cả khi bất an hay khi đã tạm yên và coi đó là nhà như một phần máu thịt. Nhiều ngôi làng đã mọc lên từ những cuộc trở về và tìm đến như thế.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 2: Biên giới là nhà - Ảnh 1.

Ông Pờ Dần Xinh (giữa), người tiên phong trở về tìm lại nền nhà cũ ở Tả Lao San – Ảnh: Trạm biên phòng Tả Lao San cung cấp

Tìm lại nền nhà cũ

Ở ngã ba biên giới A Pa Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên), ông Pờ Dần Xinh, người con dòng họ Pờ nổi tiếng, vẫn nhớ hành trình đi tìm lại căn nhà thơ ấu nơi bản cao nhất Tả Lao San. Gia đình ông Xinh vốn là người Tả Lao San, rồi theo dòng chảy của cuộc sống di chuyển đi nhiều nơi quanh A Pa Chải.

Những năm 1979-1989, người dân phải sơ tán vào rừng, một năm chỉ được về nhà 2-3 tháng. Sốt rét, thú dữ, cả nỗi phập phồng vì thổ phỉ, đạn pháo nhưng không ai rời vùng biên giới. Chỉ là cái khao khát được trở về an cư, tưởng chừng mãi chỉ là khao khát trong bối cảnh phức tạp thời đó.

Ông Xinh nhớ lại: “Năm đó ông Lý Anh Pô, chủ tịch UBND huyện Mường Tè (hồi ấy Mường Nhé vẫn thuộc Mường Tè), nói: Chú Xinh ạ, vùng đất Tả Lao San ấy là vùng đất của gia đình chú phải không? Tôi bảo đúng. Thế bố mẹ bảo như thế nào, chú có biết đường đi được không? Tôi bảo có”.

Một đoàn khảo sát được thành lập gồm ông Pờ Dần Xinh – chủ tịch UBND xã Xín Thầu – làm đoàn trưởng, ông Bùi Văn Hùng – phó chủ tịch UBND xã – là đoàn phó, cùng với sáu già làng Sen Thượng làm hoa tiêu lên tìm lại vị trí làng cũ.

Chiến tranh cả chục năm, cây cỏ bít lối, cả đoàn mất ba ngày mới tìm đến được bản Tả Lao San khi xưa. Mọi người vỡ òa khi nhìn lại dấu vết con đường thời trẻ vẫn đi chăn bò, dấu vết cái cối xay gạo, cái nền nhà khi xưa. Vậy là tất cả ở lại, phát đường mòn, cùng bộ đội biên phòng, bác sĩ quân y chuẩn bị dựng lại bản.

Những người khi xưa tránh vào rừng lần lượt trở về, như ông Pờ Xuân Chừ về Tả Lao San cùng bố mẹ năm 1999, ông Su Bố Hừ – con ông Su Khù Chừa – cũng về lại căn nhà của cha để lại, rồi đến Phùng Xìa Tư, Sảo Gô Sàng…

Một con đường được mở lại trên nền đường mòn cũ. Tả Lao San dần dần đông đúc như chưa từng có cuộc chiến nào đi qua.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 2: Biên giới là nhà - Ảnh 2.

Ông Lý A Nhị đã chọn trở về quê cũ ở bản Hùng Pèng, dựng ngôi nhà có cột mốc chủ quyền giữa sân – Ảnh: P.MAI

Cũng như ông Xinh, gia đình ông Lý A Nhị vốn là người Ma Li Pho (Phong Thổ, Lai Châu) từ lâu đời. Trong ký ức của ông, từ đời ông nội, đời cha ông đã cày cấy ở vùng đất ấy. Theo những nỗi lo cơm áo, cả gia đình dần dần đi xa.

Ông Nhị đưa gia đình đến sống ở Tả Phìn, Ma Li Pho trở thành ký ức. Nhưng khi con cháu đông hơn, cái ký ức về vùng đất mà trồng ngô, trồng lúa “lên tốt lắm” ngày nào trở lại. Ông Nhị khăn gói về lại ngôi nhà cũ.

Đường lâu không đi cỏ lấp lối, ông đi bộ mải miết hết ba ngày. Nhìn vùng đất rộng thênh thang trước mắt, ông quyết trở lại, chọn một mảnh đất cách ngôi nhà của cha mình xưa chừng vài trăm mét, nằm ngay cạnh con suối phân chia ranh giới hai nước Việt – Trung, dựng một chiếc lán tạm.

Lúc ấy chỉ có vài hộ dân đi cùng nhau, mọi việc phải tự làm, chính quyền xã chỉ hỗ trợ gạo, nước và cây giống. Mùa ngô đầu tiên mấy hộ thu hoạch trên cả mong đợi. Ông Nhị trở lại Tả Phìn, kể chuyện cho bà con ở đó nghe. Lại thêm vài chục hộ theo ông Nhị. Và bản mới Hùng Pèng ra đời. Năm năm sau, một con đường ôtô mới hoàn thành vào bản.

Giờ nơi này là nhà

Không phải trở về mà có nhiều người đã chọn những vùng đất giáp biên trong hành trình tìm kiếm một nơi đủ nuôi sống mình. Cụ ông Đồng Văn Bơn nổi tiếng ở bản Pa Nậm Cúm (Ma Li Pho, Phong Thổ, Lai Châu) bởi sự minh mẫn, khỏe mạnh hiếm thấy ở tuổi 93.

Tại quê nhà Mường So (Phong Thổ, Lai Châu) cũng như nhiều gia đình khác, ông và vợ con đối mặt với cái đói. Mường So người đông, đất canh tác dần bạc màu, nhà chỉ 1-2 sào ruộng, mỗi năm thu hoạch vài tạ thóc đến ăn còn không đủ.

Năm 1990 ông Bơn lên Ma Li Pho khảo sát. Khảo sát xong, việc đầu tiên của người cựu chiến binh là tìm đồn biên phòng xin phép ở lại. Cả đồn tròn mắt nhìn cụ ông đã ngoài 60 vẫn hăm hở khai hoang, chỉ biết cảm thán: “Có chí thì nên”.

Chưa rành đường đi lối lại, ông bàn với vợ Vàng Thị Bum lên trước làm ăn thử. Cầm hơn 1 triệu đồng tiền hỗ trợ của chính quyền xã, bà Bum băn khoăn lắm. Hai ông bà phải đi bộ hơn 30 cây số từ Mường So lên đây, lại toàn lối đi rậm rạp không người.

Chỗ ở mới chẳng có cái nào được gọi là nhà, toàn là lán của dân ra khai hoang. Ở vùng biên giới cách biệt, chẳng phương tiện liên lạc, hai vợ chồng nhìn mặt trời để đếm ngày. Cứ thấy sáng là ra nương, hết sáng thì về. Ông cuốc đằng trước, bà theo đằng sau, làm mải miết.

Mùa đầu tiên thu hoạch được 20 tấn ngô. Năm thứ hai có thêm các con lên hỗ trợ, hai ông bà thu hoạch 30 tấn ngô. Vậy là ông Bơn quyết cả nhà chuyển hẳn về bản mới Pa Nậm Cúm. Năm 1994, con cái ông cũng về theo.

Người Mường So thấy gương ông Bum, rủ nhau kéo lên theo. Ông bảo ngày đó lên đây là đúng, bây giờ chỗ biên giới này là nhà.

Cũng mang nỗi băn khoăn thoát nghèo, ông Ma Seo Páo tìm đến vùng đất A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) sau khi lang thang khắp Lào Cai. Ông Páo đã có ý định chuyển đến A Mú Sung từ lâu, khi vẫn còn phải du canh du cư để tìm đất canh tác.

Thoạt đầu ông làm nương, rồi ở lại nơi “sông Hồng chảy vào đất Việt” dựng nhà. Năm đó ông Páo không những đưa gia đình mình về, mà còn góp phần thuyết phục 33 hộ dân thôn Dìn Chin, 14 hộ dân thôn Pạt Tà ở Ngải Thầu, Mường Khương cùng đến với mình.

Đi qua những đau thương, các vùng đất biên giới này dần dần bình yên trở lại. Và cần những bàn tay để tiếp tục vực dậy kinh tế vùng biên đang ngưng đọng sau chiến tranh.

Cá nhân tiêu biểu

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 2: Biên giới là nhà - Ảnh 2.

Ma Seo Lằng, trưởng thôn Lũng Pô – Ảnh: P.MAI

Theo ông Páo, năm đó có Ma Seo Lằng, người sau này là trưởng thôn Lũng Pô và là một trong những cá nhân tiêu biểu của phong trào bảo vệ đường biên cột mốc.

“Xã mình nghèo nhất Mường Khương. Cả xã có cái ống nước bé bằng ngón tay, ngày nào cũng phải xếp hàng chờ múc từng gáo nước. Ở đây cũng xa xôi nhưng có nước, đất đai còn rộng, có thể canh tác thoải mái”.

Rồi anh cùng bố mẹ mang cả căn nhà đến Lũng Pô dưới sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng. Thế mà thoát nghèo thật. Từ 19 hộ đầu tiên, thôn Lũng Pô bây giờ có 76 hộ với 389 nhân khẩu.

 

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc – Kỳ 3: ‘Tổ quốc ở đây này’

Anh Lý Đức Vương (thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đặt tay lên cột mốc 262, nói giọng chắc nịch: “Tổ quốc ở đây này”.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 3: Tổ quốc ở đây này - Ảnh 1.

Chảo Chỉn Xiền (Xín Cái, Mèo Vạc, Đồng Văn) bên cột mốc gia đình đăng ký tự quản – Ảnh: PHƯƠNG MAI

Nơi Vương đứng, nhìn lên phía đồi cao là hàng tre được trồng để người dân xác định biên giới Việt – Trung.

Một “quả” đất, một “quả” đá cũng không cho ai

Người dân ở vùng giáp biên thường có cách thức riêng để nhớ đất nhà mình. Như người Mông Phố Bảng (Đồng Văn, Hà Giang) từ bao đời đã lấy đá làm dấu mốc khẳng định chủ quyền biên giới. Cùng ông Vừ Chừ Lùng (thôn Lao Xa, Phố Bảng) đi lên những cột mốc mới thấy quanh cột mốc nào cũng có nương người Mông Lao Xa.

Ông Lùng chỉ về những mảng đá nhọn hoắt, nói bằng tiếng Kinh không rành rọt: “Một quả đá, một quả đất của mình cũng không cho ai, còn một quả đất quả đá của nó mình không được lấy”. Có lẽ chỉ ở đây, giữa mênh mông đá này, mới có thể có được định nghĩa như thế.

Dân mình đi làm nương, thấy dân bên họ cuốc sang đất mình thì đứng dàn hàng ngang ra chặn.

Bà Hoàng Thị Tương

Ông Vừ Chừ Lùng được xem như một di sản sống. Năm 2017, Bảo tàng tỉnh Hà Giang còn mời ông đến để phục dựng một căn nhà truyền thống của người Mông, trong đó không thể thiếu bờ rào đá với kỹ thuật xếp đá đặc biệt.

Bờ rào đá trên nương nhà ông Lùng là một đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam – Trung Quốc. Nhiều đời làm nương gần cột mốc 14 (cột mốc từ thời Pháp – Thanh), người Lao Xa như ông Lùng đều quen với việc nhìn thấy dãy đá xếp ngay ngắn là xác định biên giới: “Có cái bờ đá, mình cứ nhìn vào biết đâu là bên mình.

Lúc mình còn trẻ, các cụ cũng không cho thả bò sang nước họ”. Sau này, khi cột mốc biên giới mới được dựng, không còn phải nhìn bờ rào đá nhưng ông Lùng vẫn biết rõ đường biên giới. Sau nhiều năm chiến tranh, dấu vết những hàng rào đá vẫn còn, như một sự khẳng định chủ quyền chắc chắn.

Ở vùng tâm của cao nguyên đá Hà Giang, thôn Séo Lủng (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) nơi thừa thãi những đỉnh núi đá, anh Sùng Chìa Na phân định biên giới bằng cách nhìn theo đỉnh núi cao nhất mỗi khi đi nương: “Đi thẳng lên đỉnh cao nhất, rồi nhìn theo cái bờ núi, bờ trên là của họ, bờ dưới này của mình. Cứ thế đi làm nương bình thường”.

Sau này, anh Na cùng nhiều người trong bản cũng theo đoàn khảo sát trước khi phân giới cắm mốc. Những kinh nghiệm xác định nương nhà trở thành những bằng chứng quý báu khi vẽ đường biên giới.

Ở thôn Pô Tô (Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu), ông Giàng A Chu đánh dấu đường biên bằng bờ đất ruộng: “Nương mình bao nhiêu đời ở đây, đây là đất nhà mình. Mình làm ở đó, họ không cãi được đâu”. Nương của ông Chu nằm gần mốc 61 – cột mốc 3 ở ngã ba suối.

Hay ông Lý Thèn Séng (thôn Giang Nam, Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), cha của anh Lý Đức Vương, kể khi xưa bụi tre ở sát con suối đoạn cửa khẩu Thanh Thủy bây giờ là điểm xác định biên giới của riêng người Giang Nam. Không rõ ai đã trồng bụi tre đó. Ông Séng nói từ khi còn nhỏ ông đã nhìn thấy.

Từ cửa khẩu Thanh Thủy, nhìn theo hướng cột mốc 262 lên đỉnh đồi, bụi tre sau bao nhiêu năm vẫn còn đó. Những thế hệ sau này, trong đó có ông, con trai ông, và cả bộ đội biên phòng, đều chăm chút, trồng thêm để những bụi tre ngày một chắc chắn. Em trai ông Séng, ông Lý Thèn Lưu, kể không chỉ bụi tre, mảnh đất biên giới này ghi dấu ấn của tinh thần giữ đất quyết liệt của người Vị Xuyên.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 3: Tổ quốc ở đây này - Ảnh 3.

Anh Lý Đức Vương (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), con trai ông Lý Thèn Séng, chỉ vào bụi tre giữ đất nhiều đời nay của Việt Nam – Ảnh: PHƯƠNG MAI

Những hàng rào sống

Ông Nguyễn Vũ Dương – nguyên bộ đội biên phòng đồn biên phòng Lũng Làn (bây giờ là đồn biên phòng Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang) – cho biết ký ức khó quên nhất là những năm tháng đấu tranh chống lấn chiếm.

Không súng nổ, nhưng mức độ quyết liệt thì chỉ có chính người trong cuộc mới hiểu: “Mỗi ngày đều phải để ý, không cho bất kỳ ai lấn sang đất mình”. Và những cuộc đấu tranh ấy hình thành nên những bức thành đồng trong dân vững chãi, gìn giữ từng centimet đất biên cương.

Ở Xín Cái (Mèo Vạc, Đồng Văn), khu vực Sảng Ma Sao và Lùng Vần Chải là nơi khó xác định biên giới khi đàm phán phân định nhất. Ông Kim Đình Tư, phó bí thư phụ trách quốc phòng an ninh xã Xín Cái, bảo có những đoạn đường biên mà bộ đội cũng không thể xác định rõ nếu chỉ dựa vào bản đồ bởi đường biên chạy song song sống núi, có những lúc cắt ngang qua khe thấp, lúc ấy phải huy động người dân đưa đến nương nhà của họ.

Những mốc 483, 484, 481, 482…, rồi đến mốc 470, 471, 472… được hoàn thành là nhờ những năm tháng đấu tranh quyết liệt. Ông Chảo Chìn Xiền, thôn Lùng Vần Chải, kể thời điểm chưa phân giới, ông không đếm được đã có bao nhiêu lần ông cùng bà con bản rủ nhau nhổ ngô phía bên kia trồng lấn sang. Chính nương nhà ông cũng là một điểm quan trọng để xác định mốc 470 sau này.

Ở Lũng Làn, “Dân mình đi làm nương, thấy dân bên họ cuốc sang đất mình thì đứng dàn hàng ngang ra chặn. Có khi còn bị họ cuốc quá tay, cuốc phải chân bật máu” – bà Hoàng Thị Tương, người Lũng Làn, kể lại. Chẳng cần ai bảo, chỉ cần là đất của mình thì người dân ở đây đều tự nguyện làm một hàng rào sống ngăn lấn chiếm.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 3: Tổ quốc ở đây này - Ảnh 4.

Ông Vừ Chừ Lùng (trái) nghỉ chân ngay cột mốc chủ quyền – Ảnh: PHƯƠNG MAI

Người bản Pa Nậm Cúm (Ma Li Pho, Phong Thổ, Lai Châu) vẫn kể cho nhau nghe về mấy ngày cận tết gần 20 năm trước. Biên giới ở đây là một dòng suối. Thấy dân phía bên kia kè đất, lấn dòng sang phía mình, cụ già Đồng Văn Bơn khi ấy gần 80 tuổi liền gọi thanh niên trai tráng ra chặn.

Cả đoàn người đứng dàn hàng ngang dưới lòng suối suốt nhiều giờ, trong cái lạnh cắt da ngày giáp tết, để ngăn đất đá bên kia đổ sang. Người này mệt lại có người khác đến thay. Rồi bên kia cũng phải nhượng bộ.

“Không, đây là đất Việt Nam”

Chúng tôi gặp ông Ly Chứ Sùng (thôn Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) ở ngay trên nương nhà, cách vị trí mốc xa nhất Lũng Cú 428 vài trăm mét. Trở lại nhà cũ năm 1989 sau 10 năm sơ tán, ông Sùng bảo: “Mình có ruộng nương ở đây thì mình về quê cũ của mình thôi, cùng bảo vệ Tổ quốc thôi”.

Căn nhà mới dựng được vài năm thì một ngày tháng 2-1991, mấy người mặc quân phục phía bên kia xì xồ, mang theo súng qua đây. 19 căn nhà cháy, các hộ dân tay không vũ khí ở Xéo Lủng bị ném ra ngoài.

Không ai kịp trở tay, không kịp đi báo cho ai: “Họ bảo là đất của họ. Nhưng mình bảo không, đây là của Việt Nam, chúng tôi sống ở đây 11 đời rồi”. Sau sự kiện đó, bộ đội biên phòng phải túc trực ở đấy để bảo vệ người dân.

 

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc – Kỳ cuối: Khúc vĩ thanh biên giới

Rất nhiều người chúng tôi gặp đều nói 40 năm trước khi bám trụ ở biên giới, không ai có thể tưởng tượng được có ngày như bây giờ, khi cuộc sống đã dường như trở nên dễ dàng hơn nhiều lắm. Nhưng người dân vẫn còn nhiều băn khoăn…

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ cuối: Khúc vĩ thanh biên giới - Ảnh 1.

Người dân lấy nước ở mó nước duy nhất của bản Tả Ô (Vàng Ma Chải, Lai Châu) – Ảnh: PHƯƠNG MAI

Bản Tả Ô (Vàng Ma Chải, Phong Thổ, Lai Châu) mới vẫn chưa có nước sạch, chưa có điện. Đường lên bản vẫn là con đường đất men theo ruộng bậc thang, chỉ có thể đi bằng xe máy theo cách vừa lái vừa dùng chân… làm trụ, ngày mưa thì gần như chỉ có thể đi bộ.

Vẫn chờ điện và đường

Phó bản Chẻo Chỉn Dìn bảo sau tám năm, thế này đã là khá lắm vì ngày trước còn đi bộ cả tiếng mới về được đến nhà. Cả bản trông vào một cái mó nước, mà để xây được nó cũng là kỳ tích. 17 thanh niên trong bản làm liên tục suốt bốn ngày mới xong.

“Bây giờ mong nhất là có điện thôi, có thêm cái đường lên thì tốt” – cụ Dìn cười.

Đường, điện bao năm vẫn là câu chuyện trăn trở ở các vùng biên giới. Để vào được đội Pha Hán (thôn Giang Nam, Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), chúng tôi phải gọi Lý Đức Vương đi ghe qua sông.

Mấy hộ dân nằm trong tổ tự quản đường biên cột mốc, giữ nhiệm vụ giữ mốc 262, 263 nhiều năm vẫn chưa có điện lưới.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ cuối: Khúc vĩ thanh biên giới - Ảnh 2.

Phiên chợ vùng cao ở Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) – Ảnh: PHƯƠNG MAI

Năm 2008 khi đi qua Hoang Thèn (Vàng Ma Chải), con đường đất lầy lội xen đá sau mùa mưa đã làm xe của chúng tôi lăn mấy vòng xuống vực, chỉ nhờ may mắn mà sống sót.

11 năm sau, đường Hoang Thèn vẫn vậy. Chỉ khác là đã thêm mấy nếp nhà của bản mới ở gần. Một vài dự án đã đến và đi nhưng vẫn chưa thấy cái gì là thành hiện thực.

Hay ở Hà Giang, con đường Hạnh Phúc thì ai cũng biết. Nhưng từ ngã ba Mèo Vạc – Sơn Vĩ, đi đến nơi xa nhất chưa một ai dám nói dễ đi.

Những Thượng Phùng, Xín Cái (Mèo Vạc) cho dù đã đỡ vất vả hơn nữa, cho dù không còn phải vượt qua những dốc Chín Thang khúc khuỷu thì vẫn chỉ khi nhìn thấy cầu Tràng Hương, chuẩn bị lên đường Hạnh Phúc mới dám thở phào.

Chúng tôi đã theo chân những người lính biên phòng, những người dân các thôn bản đến một số cột mốc – một phần rất nhỏ của gần 1.400 cột mốc phía Bắc. Phải đu theo rễ cây để lên cái cột mốc cao nhất phía Bắc số 79 – mốc nằm trên đỉnh Khang Su Văn của đồn biên phòng Vàng Ma Chải.

Chúng tôi đã mất hai ngày xuyên qua những tán rừng ẩm ướt. Nhưng lính biên phòng và người dân ở đây ngày nào cũng thấy có mặt. Tại mốc cực Bắc 428, chúng tôi gặp dọc đường đi hầu hết những gương mặt trẻ già của người dân Xéo Lủng.

Anh lính biên phòng dẫn đường bảo: “Đồn này chỉ có hai mốc là dễ đi, còn thì leo núi cả ngày”. Đại úy Nguyễn Huy Thái, chính trị viên phó đồn biên phòng Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang), nói: “Cột mốc nào cũng có nương của nhân dân. Đất ở đâu bà con ở đó”.

Cột mốc nào cũng có nương của nhân dân. Đất ở đâu bà con ở đó.

Đại úy NGUYỄN HUY THÁI

Tìm cách để tồn tại

Ma Seo Củi, chủ tịch UBND xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) là con trai già làng Ma Seo Páo, người đầu tiên trồng chuối ở biên giới sông Hồng.

Chè cổ thụ A Mú Sung chắc là ngon, nhưng tìm đường ra từ cây chè cũng là một điều đau đầu. Dự án chè giai đoạn 2017-2021 với 309ha nhưng mới khởi động được 100ha, có 18ha chè cổ thụ năng suất cao.

Hiện giờ sản lượng chè không đủ, nhà máy chế biến chè sạch A Mú Sung đã hình thành nhưng vẫn đang chờ chè để sao. Cốc chè mùi khói A Mú Sung dù đã đăng ký thương hiệu vẫn chưa thể theo sông Hồng về xuôi.

Xã vẫn chỉ biết dựa vào cây chuối – một vòng đời cây chỉ được 2-3 năm, sẽ phải chờ tiếp 1-2 năm để đất nghỉ. Xã đã động viên bà con thử từ ớt sang bí xanh nhưng chưa hiệu quả.

Lý A Kỳ, bí thư xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai), băn khoăn: “Cái khó bây giờ là đào tạo người ta trong việc nâng cao trình độ hiểu biết, nhận thức về kinh tế”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, trung tá Đồng Đức Trang, chính trị viên đồn biên phòng Vàng Ma Chải, lại nói cái băn khoăn không chỉ là điện và đường: “Ở đây cũng được Nhà nước hỗ trợ chăn nuôi nhưng không khả thi.

Chẳng hạn như dự án bò giống hỗ trợ người dân, ở nơi khác thì tốt nhưng vào đây bà con đều kiến nghị nên đổi sang trâu. Mấy năm nay vùng này mùa đông ngày càng lạnh, trâu chịu rét tốt hơn bò.

Ngay cả trâu mà năm 2016 cả Phong Thổ có 96 con trâu chết thì 70 con chết ở Vàng Ma Chải rồi. Bò càng khó chịu đựng. Nhưng trâu lại đắt hơn bò nên chúng tôi vẫn đang xin phép”.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ cuối: Khúc vĩ thanh biên giới - Ảnh 4.

Làm nương ở sát biên giới (Lũng Cú, Hà Giang) – Ảnh: PHƯƠNG MAI

Trong trận lũ năm 2018, Tham Còn (Cao Bồ, Vị Xuyên, Hà Giang) bị sạt trắng gần cả bản. Mà đường vào Tham Còn đủ sức để so sánh với những cung đường khó nhất phía Bắc.

Ngày chúng tôi ở Thanh Thủy, trung tá Phan Văn Minh, chính trị viên đồn biên phòng, bảo mới có trận lũ quét, mấy nhà trong bản tốc hết cả mái. Những chuyện đó dường như là rất “bình thường” ở biên giới.

Tại thôn Lũng Pô, bí thư chi bộ Ma Seo Lằng bảo dân ở đây biết ganh đua nhau làm ăn. Không chỉ dựa vào cây chuối, người Lũng Pô kéo nhau sang Quang Bình (Hà Giang) tìm hiểu cây cam. Hiện giờ cả thôn đang thử nghiệm trồng 12ha rồi thêm 3ha xoài.

“Mỗi nhà một tí. Cam với xoài đều có vẻ được” – Lằng nhận định.

Năm 2007 ở đây có 90% hộ nghèo. Sau 10 năm người Lũng Pô đều xây nhà mới, 80% nhà có tủ lạnh, thậm chí có nhà có cả ôtô.

Có nhà như Lý Seo Vư năm rồi tự tính thu nhập đến 700 triệu đồng. Hay như Tẩn Láo Lở sẵn có mảnh vườn, anh còn mày mò lên mạng tìm hiểu, thử nghiệm thêm 8ha nho.

Hoặc Lý Xá Xuy sinh ra và lớn lên ở Y Tý, tốt nghiệp ĐH Xây dựng hẳn hoi, bây giờ cậu trở lại quê mở một homestay nho nhỏ. Xuy từ chối nhiều lời đề nghị hợp tác từ các đại gia để tự mình thử kinh doanh trên đất nhà của chính mình.

Tháng 7, Y Tý có lễ hội Khô già già, một lễ hội cầu mùa của người Hà Nhì Bát Xát, Lý Xá Xuy báo tôi biết homestay của cậu đã được đặt kín khách.

Ngoài sinh nhai còn vì Tổ quốc

Đã có những cây cổ thụ dành cả tuổi trẻ để gìn giữ những thửa ruộng, căn nhà ở biên giới. Những câu chuyện cả 40 năm qua vẫn còn đấy, như một lời nhắc nhở. Giờ xuất hiện thêm những Ma Seo Củi, Lý Đức Vương, Ma Seo Lằng, Lý Xá Xuy vẫn trẻ và còn hoài bão.

Chính họ đang viết tiếp câu chuyện từ thế hệ cha ông trên nét cong của đầu chữ S bằng nhiều cách, bằng những ước mơ vượt núi của riêng mình. Họ đã lựa chọn đất biên giới để ở lại, sống bám núi, chết bám núi, ngoài cuộc sống sinh nhai còn vì đó là Tổ quốc.

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s