Những mùa cá đồng miền lũ – 4 kỳ

***
Những mùa cá đồng miền lũ – kỳ 1: Hiện tại và ký ức
03/11/2018 16:23 GMT+7

TTO – Chuyện con cá đồng nhiều ăn không hết đã lùi vào ký ức. Có cách nào để bảo tồn mỏ cá đồng châu thổ miền Tây?

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 1: Hiện tại và ký ức - Ảnh 1.

Ghe ủi điện trên đồng lũ maiền Tây – Ảnh: Q.V.

Giữa đồng lũ cuối mùa bên bờ sông Tiền, sông Hậu mênh mông mà người dân thời nay phải dùng cá nuôi để làm khô, thậm chí ăn trong bữa ăn hằng ngày.

Trên cánh đồng cuối mùa lũ, mấy ông lão đang cặm cụi giăng lưới cá ở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, đứng trân trân tức giận nhìn các ghe ủi điện đang càn quét đồng lũ.

“Tụi tận diệt cá đó. Đã mần lưới mắt nhỏ lại thêm kích điện, không một con cá lớn cá bé nào thoát khỏi luồng ghe chúng đi qua”, ông Bảy Bé nói.

Cá bận đó nhiều đến mức lềnh đồng, đêm đêm nghe chúng quẫy nước chộn rộn như tiếng cơm sôi, ngủ không được.

Ông NGUYỄN MINH NHỊ

Nỗi bức xúc của người đánh cá

Nhờ xuồng ông Bảy Bé, tôi cố gắng bám theo chiếc ghe ủi điện, nhưng chỉ được một lát đã bị rớt lại phía sau. Chiếc ghe ủi điện máy mạnh, lớn gấp mấy lần chiếc xuồng nhỏ cũ kỹ của lão ngư. Ông Bảy Bé nói chính máy ghe đó được “độ” ra xung điện để tận diệt cá…

Ghìm máy, lão ngư tuổi 70 chịu thua chiếc ghe ủi điện càng lúc càng xa khuất. Nắng chiều dần tắt nhường chỗ cho bóng tối loang nhanh trên đồng lũ.

“Tụi nó chưa mần đâu. Giờ này mới chỉ đi dọ luồng và lo cơm nước thôi. Khuya khuya chúng mới làm và càn quét một lần cả mấy ghe, chớ không chỉ một chiếc”, ông Bảy Bé nói.

Lặn lội đồng lũ suốt từ sáng đến giờ, ông Bảy vẫn chưa kiếm nổi 3kg cá nhỏ. Một ngày làm quá bèo bọt, chưa bằng 1/5, thậm chí 1/20 của trước kia… Từ đầu mùa lũ đến giờ, ông đã thay 7 dây lưới, tốn hơn 5 triệu đồng mà vẫn chưa được yên.

Đêm hôm có muốn đánh nhau với bọn ghe ủi điện cũng không được. Bởi họ thường đi một lần mấy ghe, toàn đám thanh niên liều lĩnh. Họ chỉ ngán chính quyền, chứ những ngư dân thân cô như ông Bảy Bé chả là cái đinh gì.

Dọc theo các đồng lũ Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, đi đến đâu tôi cũng chứng kiến cảnh này. Những chiếc ghe xuồng ủi điện, cào điện, gí điện, rồi lưới mắt nhỏ “12 cửa ngục” hoành hành khắp nơi.

Có người thấy tôi chĩa máy ảnh, liền lánh qua chỗ khác. Nhưng cũng có người vẫn thản nhiên như chuyện thường ngày. Chiếc bình ắcquy to đùng của bộ kích điện đeo nghênh ngang trên vai.

Họ đi từ đường lớn, xuống lộ nhỏ, rồi săn lùng, tận diệt cá khắp các kênh rạch, đồng lũ như chốn không người. Nhiều nông dân làm nghề cá truyền thống cắm câu, giăng lưới bén, đặt lợp rất giận dữ, nhưng không làm được gì.

Một số người thì nhìn cảnh chướng mắt riết, rồi cũng tự trang bị bộ kích điện đi tận diệt cá y như họ, “bởi mình không mần thì người khác cũng mần, phải mần để kiếm cá mà ăn”.

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 1: Hiện tại và ký ức - Ảnh 3.

Ký ức một thời

Chỉ vài thập niên trước, những “mùa lũ đẹp” ở miền Tây Nam Bộ thường giúp các ghe xuồng chở cá khẳm nặng đến mức phải thả lại đồng.

Hồi tưởng ký ức đẹp một thời, ông Nguyễn Xuân Đinh, chủ nhà nghỉ QH ở thị trấn Sa Rài, huyện biên giới Tân Hồng, Đồng Tháp, nhớ mãi có những lần ông giăng chỉ 30 lưỡi câu, nhưng dính được 33 con cá trê, cá lóc, chạch lấu to bằng cùm tay trở lên.

Những người trẻ thời nay nói ông kể chuyện vui của bác Ba Phi, nhưng sự thật 100%. Những con cá nhỏ ăn mồi dính lưỡi câu trước, cá lớn bơi qua táp cá nhỏ, thế là một lưỡi câu dính cả hai con cá.

Kể về thời 1980, ông Trần Văn Hải ở Sa Rài vẫn nhớ cảm giác sốc khi nhìn đâu cũng thấy cá. Mùa nắng, chúng xuống kênh rạch, ao đìa, người ta chỉ cần dùng tay quơ quào một lát đã bắt được cả thùng cá. Loại thùng sắt 20 lít mà dân đồng bằng dùng để đong lúa.

Ông kể đã từng chứng kiến hai thanh niên địa phương bắt được bảy tạ cá trong một lỗ pháo nhỏ từ thời chiến tranh. Cá nhiều đến mức không đủ thùng đựng, họ phải túm góc chiếu gánh về.

Cái câu “kén cá chọn canh” không biết phát xuất từ lúc nào, nhưng đã rất hợp cảnh hợp thời từ hồi đó. Dân bắt cá đồng chỉ chọn các loại cá rô mề bự hay cá lóc, cá trê nửa cổ tay trở lên. Còn cá nhỏ họ bỏ lại cho chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở…

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 1: Hiện tại và ký ức - Ảnh 4.

Một mớ cá nhỏ là thành quả lao động cả ngày trên đồng lũ của một người đánh cá – Ảnh: Q.V.

Một sáng ngày mưa dầm, tôi tình cờ gặp anh Lê Văn Lập, tức Bảy Lập, đang neo ghe cá dưới chân cầu Tân Công Chí, Đồng Tháp.

Đứa bé co ro ngủ trong ghe. Vợ anh đang loay hoay bán mấy ký cá con mà họ vừa lưới được trong đêm. Mỗi ký cá tạp nhỏ này được lái thu mua tại bờ kênh chỉ trên dưới mươi ngàn đồng để làm mắm.

Tính ra cả đêm mày mò lạnh lẽo trên đồng lũ, đôi vợ chồng và đứa con nhỏ chưa kiếm đủ cá cho một ngày sống dù chỉ ở mức tối thiểu.

Chỉ cho tôi xem đôi bàn tay đen đúa chi chít vết sẹo từ tận hồi nào, Bảy Lập trầm ngâm kể: “Dấu vết trên bàn tay tui đều là do cá đó. Từ bận nhỏ xíu, tui đã theo cha đi mần cá. Mà hồi đó cá nhiều quá. Chúng nhiều đến nỗi ngày đêm tôi lặn lội gỡ lưới riết bị lở loét hết cả tay. Vết cũ chưa lành, vết mới lại chồng lên, giờ cả hai bàn tay tui chỗ sẹo nhiều hơn chỗ liền da”.

Bảy Lập kể cha mình cũng bị vậy, nên ông từng khuyên con trai kiếm nghề khác trên bờ cho khô ráo, sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, người ngư dân già này đã không thể nhìn thấy được tương lai. Con cá thời nay làm gì còn nhiều để mà bắt đến lở loét tay!

Nhắc nhớ chuyện cá đồng năm xưa, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, dùng những hình ảnh rất ấn tượng: “Cá bận đó nhiều đến mức lềnh đồng, đêm đêm nghe chúng quẫy nước chộn rộn như tiếng cơm sôi, ngủ không được”.

Cả đời gắn với An Giang và châu thổ sông Cửu Long, ông Bảy Nhị không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu mùa lũ đẹp, mà người dân chỉ chọn cá ngon để ăn, còn cá dở thì vứt đi cho… chó.

Đổ cá đồng làm phân

Theo các lão nông cố cựu ở miền Tây, dù mùa mưa hay nắng, đồng khô hay đồng lũ, dân miền Tây hồi đó không bao giờ biết đói. Bởi cá tôm lềnh khênh từ sông rạch lên đồng làm sao mà đói được. Dân giăng lưới, đặt lọp, thả câu tính số cá mình kiếm được không phải bằng ký như bây giờ, mà bằng thùng, bằng thúng, thậm chí ghe xuồng, cho nên họ sống rất thoải mái, hào sảng. Các tay bút nổi tiếng như Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu, Vương Hồng Sển kể chuyện con cá một thời nhiều đến mức phải đổ đống cho thối để làm phân bón hoàn toàn là sự thật…

QUỐC VIỆT

***

Những mùa cá đồng miền lũ – kỳ 2: Thời ‘vàng son’ của cá đồng

04/11/2018 14:08 GMT+7

TTO – “Cá hồi đó ở đâu mà nhiều quá xá. Khi lũ về, chúng bơi cả vào nhà, quẫy đùng đùng dưới gầm giường” – thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu, Trường THCS Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, Long An, vẫn nhớ mãi mùa lũ lớn năm 1978.

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 2: Thời vàng son của cá đồng - Ảnh 1.
Cả buổi đánh bắt trên đồng lũ của người nông dân này chỉ được mớ cá nhỏ – Ảnh: Q.V.

Giờ kể lại, sắp nhỏ nói tía xạo cho vui. Chớ thật sự hồi đầu những năm 1980, tui bắt cá cạn mùa cuối năm nhiều đến mức không biết làm gì cho hết

Ông NĂM TRỨ

Nhìn đâu cũng thấy cá

Là dân Sài Gòn đi kinh tế mới từ năm 1977, thầy giáo Thiệu hồi ấy là cậu bé lớp 5 lần đầu đời ngỡ ngàng sống chung với lũ miền Tây.

Trong ký ức, ông nhớ mãi cảm giác “ngộp” với cá. Nó nhiều đến mức bơi chạm cả vào chân suốt ngày. Những cậu bé có thể kiếm cá ăn cho gia đình bằng cách rất đơn giản: ngồi trên giường… câu cá trong nhà.

Năm tháng xa xưa đó, dân miệt hạ nguồn còn kiếm cá rất lành, hoàn toàn chưa có những kiểu tận diệt cá như giờ. Bưng biền Đức Huệ hầu như chỉ có hai cách bắt cá hoặc là cắm câu hoặc soi chĩa. Còn cầm một cần câu đi lang thang chủ yếu là đám con nít hoặc ông già khoái rê cá lóc.

Thường đến độ cuối hè, cánh trai tráng vùng bưng này lại lụi hụi đi chặt tre vót cần câu cắm. Nhà neo người, làm tàng tàng thì 50-100 cần. Nhưng cũng có người làm đến 200-300 cần. Cả xóm vui như hội khi cùng hè nhau làm một việc.

Sắp con nít, phụ nữ cũng vui lây. Việc khó nhất là cột lưỡi vào dây cước dành riêng cho người thạo câu, bởi không biết cột thắt đúng kiểu thì lưỡi câu rất dễ tuột.

Khoảng cuối tháng 9, lũ bắt đầu tràn đồng bưng miệt hạ nguồn Long An. Đó cũng là lúc dân cắm câu bắt đầu rải cần trên đồng. Mỗi cần được cắm cách nhau 5-10m, những luồng câu dài hay ngắn tùy thuộc vào số cần.

Công việc thường bắt đầu vào chiều chập choạng và kết thúc vào bình minh hôm sau. Tùy mưa gió và mần siêng hay không, mỗi đêm họ đi thăm câu để gỡ cá, mắc mồi lại 2-3 lần…

Cả đồng bưng bàng bạc cảnh nghèo mà bình an. Mùa mưa lũ, ngoài cần câu, cây chĩa sắt, dân hạ nguồn Long An hầu như chẳng có cách gì khác để bắt cá. Mặc dù thời ấy đã có bình ăcquy, nhưng dân quê chưa dùng chúng để “xuyệt điện” cá như sau này.

Những cái bình điện đó chỉ để thắp sáng, nghe radio, còn nếu dùng vào nghề cá thì chỉ để gỡ câu, soi chĩa cá đêm.

Lợi dụng đầu mùa mưa lũ, cá lên đồng, họ xẻ bờ ruộng, rồi dùng vải mùng hay lưới chặn bắt cá dưới sông rạch ngoi theo luồng nước chảy. Kiểu này cũng bắt cả cá lớn lẫn cá nhỏ, nhiều khi có thể gom đến hàng thúng cá chỉ trong một chốc. Thậm chí quá nhiều cá nhỏ, họ còn đổ trở lại xuống đồng.

Rồi mùa mưa qua dần, thời tiết đồng bưng hạ nguồn chuyển lạnh se se cuối năm. Nước lũ rút dần. Sau mấy tháng giăng lưới, cắm câu, nông dân lại chuyển sang mùa bắt cá cạn.

Những đứa trẻ nay hiếm thấy cảnh này, nhưng mới trước năm 1990 còn là những ngày vui như hội. Những cánh đồng cạn dần nhưng còn nhiều cá kẹt lại, không xuống được sông rạch. Thế là nông dân, mà đông nhất là đám nhỏ, chỉ việc ôm thùng ra bắt cá mắc cạn.

“Giờ kể lại, sắp nhỏ nói tía xạo cho vui. Chớ thật sự hồi đầu những năm 1980, tui bắt cá cạn mùa cuối năm nhiều đến mức không biết làm gì cho hết. Có buổi chỉ loay hoay dưới rãnh ruộng một lát mà khệ nệ khiêng về cả chục thùng cá, loại thùng sắt lớn để đong 20 lít lúa.

Mình không bắt, chúng cũng chết khô trên ruộng. Cá đem về đầy nhà, bán không ai mua, phơi khô, làm mắm không kịp” – ông Năm Trứ, nông dân nhiều đời ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, nhớ lại.

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 2: Thời vàng son của cá đồng - Ảnh 3.

Giăng lưới mùa lũ – Ảnh: Q.V.

Sự đổi thay bắt đầu

Khoảng đầu những năm 1990, dân số miền Tây đông dần cùng với nhiều con kênh được đào, các bờ bao cũng được khởi đắp chống lũ. Luồng lạch sông nước, đồng lũ dần đổi thay, thu hẹp. Con cá con tôm miệt sông nước châu thổ Mekong suy giảm, không còn lền đồng, lền sông như trước nữa.

Để duy trì nghề kiếm sống, người dân buộc mở rộng thêm nhiều phương tiện đánh bắt mới. Những xóm làm cần câu cắm, câu giăng mộc mạc ngày nào co cụm nhỏ dần, thay vào đó là các loại đăng, dớn, lưới cào, lưới bén… có mắt khít để bắt được nhiều cá hơn.

Những người làm cá từ tuổi trung niên, khoảng 50 trở lên, có đủ trải nghiệm quá trình này. Cách đây mới khoảng 30 năm, họ còn chẳng cần nghĩ làm cái gì khác ngoài ít cần câu cắm, câu giăng. Nhưng rồi họ cũng phải tự đổi thay để nuôi sống được vợ con mình.

Ông Võ Ngọc Na ở ấp 5, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, Long An kể: “Tụi tui chính là chứng nhân. Khi cái lưỡi câu không đủ cá nữa, mọi người phải giăng cái lưới bén. Rồi cái lưới bén cũng không đảm bảo được nguồn cá nuôi sống nông dân thì tiếp tới cắm lưới dớn.

Từ vài chục mét lên đến vài trăm mét và dần quây dài cả cây số. Bắt được càng nhiều càng tốt. Cá lớn cá nhỏ đều gom hết”.

Ông Na cho biết từ những năm 1990, dân miền Tây hiếm dần cảnh cắm câu như lứa cha ông. Vì sau mỗi mùa lũ, người ta lại thấy lượng cá về đồng giảm rõ rệt. Nhưng những người mưu sinh bằng nghề cá thì đâu dễ chuyển nghề.

Họ chỉ có cách duy nhất là buộc phải làm việc nhiều hơn và sử dụng nhiều cách đánh bắt cá hơn, nếu không thì khó sống…

Trước đây, các ngư dân lớn tuổi không bao giờ muốn làm ghe cào, ghe ủi, đóng đăng, cắm dớn… vì quơ quào nhiều cá, ảnh hưởng đến cả nồi cơm của người khác và nguồn cá tự nhiên trời cho.

Nhưng từ đầu thập niên 1990, họ phải dần tập làm quen. Bởi họ không làm thì người khác cũng làm, mà cá đồng đâu còn nhiều nữa…

Nghề thả chà

Đặc biệt, trong cái thời vàng son của cá mú, những ngư dân miệt thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu còn bắt cá bằng cách thả chà.

Những người đàn ông thạo luồng lạch sông rạch đi khảo sát các đoạn có thể nhiều cá gần bờ. Chọn vị trí xong, họ đi chặt cành me nước hay cành tre.

“Giờ đây, mấy ai tin nổi hồi trước cha con tụi tui chỉ dỡ đám chà cỡ một trăm mét vuông mà thu được 1-2 tấn, thậm chí 3-4 tấn cá. Con nào cũng bự chà bá, mập mạp múp ruộm” – anh Lê Văn Dũng, tức Sáu Dũng, ở xã Bình Phú, huyện đầu nguồn Tân Hồng, say sưa nhớ lại.

QUỐC VIỆT
***

Những mùa cá đồng miền lũ – kỳ 3: Khi nguồn cá đồng cạn kiệt

05/11/2018 12:47 GMT+7

TTO – Cái tên “12 cửa địa ngục” được dùng để chỉ các loại dớn, đăng của người làm cá thời nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã cắm chúng xuống nước rồi thì cá lớn cá bé chỉ còn nước… chui vào ngục vì không có cửa nào thoát!

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 3: Khi nguồn cá đồng cạn kiệt - Ảnh 1.
Xuyệt điện cá mọi nơi ở miền Tây bây giờ – Ảnh: QUỐC VIỆT

Lấy đâu ra cá lóc đồng tự nhiên để mà làm khô.

Bà ĐỖ THỊ PHỤNG

Tại đoạn sông Tiền chia đôi hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang, tôi đã gặp anh thợ câu Nguyễn Văn Tân tại Tân Châu. Nơi đây từng là “khúc sông vàng” của các ngư dân một thời.

Ngày câu buồn

12h trưa đã thấy Năm Tân mải mê thả câu từ lúc nào. Anh câu rất chuyên nghiệp, không cần câu, mà chỉ dùng hai cuộn dây cước dài để quăng mồi ra xa bờ. Đây là đoạn sông nhiều vụng xoáy hay có cá lớn quần tụ.

Năm Tân không có cần câu máy, nhưng anh đã từng kéo được rất nhiều con cá nặng ký… 1 giờ, 2 giờ rồi 3 giờ trôi qua… Chẳng có cú giật nào hồi hộp, bất ngờ. Hai sợi dây câu vẫn không được giật.

Mãi đến cuối giờ chiều, khi bóng tối chập choạng dần lan trên mặt sông, Năm Tân mới có cú giật duy nhất là một chú cá lăng non vài ngón tay. Vậy mà gương mặt đen sạm của người ngư dân này không biểu lộ chút cảm xúc nào với kết quả này.

“Thiệt bụng với anh, ngày nào tui cũng câu, câu miết từ nhỏ tới lớn. Bận 20-30 năm trước, tui giật cá bán không hết. Chỉ con nào lớn từ cùm tay trở lên mới có người chịu mua. Còn giờ nhiều ngày ngồi còng lưng từ trưa đến tối cũng không đủ cá nướng cho mèo ăn.

Chán lắm, nhưng giờ bỏ câu thì hổng biết làm gì. Nghề truyền nghề từ đời tía rồi…” – Năm Tân tâm sự.

Đêm nghỉ lại bên bờ sông Tiền, tôi xin theo anh Chín Bìa lang thang gỡ lưới cá trên đồng lũ cuối mùa ở ấp Trà Đư, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự.

Trong quá khứ, thời điểm này thường nhiều cá nhất vì nước rút, cá sắt lại trên đồng. Nhưng đêm nay, người ngư dân ở tuổi trung niên này không có hi vọng.

Những tay lưới bén và vài trăm mét dớn của anh chỉ gom được mớ cá rô nhỏ lẫn với ít cá linh và vài con cá lóc, cá trê bằng ngón chân cái. Mớ cá chút xíu nằm gọn lỏn dưới đáy thùng.

Chín Bìa thở dài: “Chỉ lựa được ít con lớn để bán 60.000-70.000 đồng/kg thôi. Còn lại mớ cá đồng nhỏ chỉ có thể bán làm mắm, giá không tới mươi ngàn”.

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 3: Khi nguồn cá đồng cạn kiệt - Ảnh 3.

Chợ cá đồng Tuyên Hóa nổi tiếng Long An nay chỉ còn lác đác ít người bán vì nguồn cá đồng suy kiệt – Ảnh: QUỐC VIỆT

Đêm cuối mùa lũ, gió đông về se se lạnh. Tôi ngồi đợi trời sáng để đi xem những điểm thu mua cá đồng. Bởi theo chân các ngư dân có thể chỉ hiểu được từng cảnh đời, cảnh nghề, nhưng nhìn thương lái thu mua sẽ biết rõ được hiện trạng con cá đồng thời nay.

Thực tế đúng như Chín Bìa tâm sự: cá đồng giờ quá ít ỏi. Những con cá lóc, cá trê lớn ú nụ ngày nào giờ cực kỳ khan hiếm. Thương lái hầu như chỉ mua được những loại cá tạp nhỏ. Loại cá lớn không được 1/10-1/5 lượng họ thu vào.

Từ bờ kênh Vĩnh Tế, tôi qua sông Hậu rồi sang sông Tiền, đi dọc biên giới An Giang, Đồng Tháp, Long An… Hồi xưa thời điểm này ghe lái cá tấp nập thu gom cá đồng cuối lũ nhưng giờ vắng vẻ hẳn.

Bà Đỗ Thị Phụng ở ấp Trung 2, xã Thường Thới Tiền, Hồng Ngự chỉ cho tôi xem những hộ dân đang sơ chế khô cá lóc.

Điều oái oăm là ngay bên bờ sông Tiền mênh mông, những người đang ở trên các nhà sàn cao cẳng vượt lũ lại đang làm khô bằng… cá lóc nuôi. Những con cá lóc nuôi bè lớn đều nhau hơn nửa cổ tay.

“Cá đồng tự nhiên mà lớn cỡ này để ăn tươi còn hiếm hoi, mắc mỏ, lấy đâu ra làm khô” – bà Phụng nói.

Về đến chợ cá Tuyên Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An, tôi lại được những người chạy xe ôm thiệt thà dặn dò mua cá đồng phải biết lựa cẩn thận. Có người độn cá nuôi với cá tự nhiên để bán, cho nên cứ nhè cá nhỏ, cá ốm mà chọn vì đó mới là cá đồng thật.

Thời lạm sát

Bức xúc vì sao đồng hết cá, những người nông dân chân chất có nhiều chuyện để kể. Họ nói rằng con người gần đây đang bày ra đủ thứ cách để lạm sát cá.

Trước tiên đó là các loại lưới mắt nhỏ đang cào, đang giăng “thiên la địa võng” trên khắp đồng ruộng, sông rạch. Nạn dùng lưới cá mắt nhỏ đã lạm sát cá, tình trạng quây lưới bít chặn đường cá di cư sinh sản lại càng kinh khủng hơn.

Ở các cánh đồng lũ miệt đầu nguồn, người ta giăng lưới ngay các miệng cống cho nước vào đồng.

Vài mươi năm trước khi đê bao chưa có, mùa lũ nước dâng tràn đồng từ khắp hướng, nên thi thoảng có người đem lưới ra giăng ngang dòng chảy cũng không sao. Nhưng thời đê bao khép kín này, đồng ruộng chỉ có một vài họng cống cho nước ra vào, giăng lưới bít ngay chỗ đó tức là tuyệt đường cá di cư và sinh sản…

Ngoài lạm dụng lưới, tình trạng sử dụng tràn lan phương tiện kích điện để đánh bắt cá cũng là một nguyên nhân rất lớn làm cho cá tôm tự nhiên ngày càng tuyệt đường sống. Một ngày dừng chân ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, tôi đã thấy đầy những người dùng điện bắt cá.

Người thì đeo bình điện trên vai, cầm cần kích điện mà dân trong nghề quen gọi là “xuyệt nóng”. Người thì đặt bình điện trên xuồng rồi thả dây kích điện hai bên mạn. Cách “xuyệt lạnh” này nhìn từ xa rất khó phát hiện.

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 3: Khi nguồn cá đồng cạn kiệt - Ảnh 4.
Ngồi trên xuồng xuyệt điện cá ở Tân Hồng, Đồng Tháp – Ảnh: QUỐC VIỆT

Ngày trước, người ta kể chỉ có dân miền núi mới thạo cách sử dụng điện để bắt cá trong hang suối ít cá. Còn miệt châu thổ đầy cá, bắt kiểu này làm chi cho mang nghiệp sát sinh.

Nhưng giờ đây, tại các vùng lũ miền Tây, ở đâu cũng có thể bắt gặp ngư dân với những bộ kích điện lang thang trên sông rạch, đồng ruộng. Thậm chí, họ thản nhiên đến mức chẳng thèm né ống kính máy ảnh…

Tuy nhiên, trong số dân chuyên bắt cá bằng điện, những người này vẫn là hạng tép. Có tận mắt chứng kiến từng bầy ghe cào điện, ghe ủi điện ào ào tung hoành trên sông rạch, đồng ruộng mới thật sự xót xa. Chẳng con cá lớn, cá nhỏ nào có thể sống được khi lưới điện của họ quét qua.

Tôi đã từng ngỡ ngàng, khó tin nhưng rồi nhìn thấy tận mắt những con cá dị dạng có xương sống bị gập ngang. Hậu quả của luồng điện mạnh phóng qua nó.

Người nay ác với cá, rồi ác với chính con cháu mình! Bởi đời chúng còn cá đâu nữa mà ăn…

“12 cửa địa ngục”

Cái tên “12 cửa địa ngục” được dùng để chỉ các loại dớn, đăng của người làm cá thời nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã cắm chúng xuống nước rồi thì cá lớn cá bé chỉ còn nước… chui vào ngục vì không có cửa nào thoát.

Thậm chí, có người đặt lưới dớn trên đồng dài cả cây số, mắt lưới nhỏ đến mức cá con bằng đầu đũa chui cũng không lọt. Với các dớn, đăng này, người ta bắt cùng bắt tận, không tha một con cá nào…

QUỐC VIỆT
***

Những mùa cá đồng miền lũ – kỳ cuối: Làm gì để bảo tồn nguồn cá đồng?

06/11/2018 13:14 GMT+7

TTO – Chẳng lẽ mỏ cá đồng miền Tây chỉ còn là chuyện xưa? Chẳng lẽ ở đồng mà lại phải ăn cá nuôi? Có cách nào để bảo tồn được mỏ cá đồng châu thổ sông Cửu Long?

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ cuối: Làm gì để bảo tồn nguồn cá đồng? - Ảnh 1.
Ngay thượng nguồn sông Tiền mùa lũ mà dân phải dùng cá lóc nuôi để làm khô – Ảnh: QUỐC VIỆT

Nói về cá đồng miền Tây Nam Bộ thì không thể tách lũ được. Nói rõ ra là không có lũ thì không có cá đồng

Chuyên gia NGUYỄN HỮU THIỆN

Phải mở lũ cho cá

Từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã bày tỏ về khát khao giữ gìn các đồng cá cho quê hương mình.

Từ thuở sinh ra đến cuối đời đều sống miệt sông nước châu thổ, ông Nhị hiểu rằng mình không thể hi vọng một phép mầu nào đó có thể đưa nguồn cá nhiều trở lại như cái thời ông còn trẻ. Nhưng ông tin rằng cũng có cách gìn giữ nó.

“Hồi còn làm bên nông nghiệp rồi lên lãnh đạo tỉnh, tôi đã trăn trở thực hiện các vùng lõi bảo tồn cá giữa các cánh đồng lớn. Chẳng hạn những cánh đồng 5.000-7.000ha, quy hoạch vài chục hecta hay vài trăm hecta gì đó để làm khu bảo tồn cho cá sinh sống mà không sợ bị đánh bắt tận diệt.

Mùa nắng cá quần lại vùng lõi đó, mùa lũ lên thì chúng tràn ra đồng theo con nước để phát triển bầy đàn. Người dân không đánh bắt ở vùng lõi bảo tồn, nhưng bên ngoài thì được đánh bắt để hưởng lợi…” – ông Nhị nói và cho biết ý đồ đó của ông mới chỉ kịp thực hiện được vài nơi, trong đó có Búng Bình Thiên…

So với các khu vực khác, Búng Bình Thiên ở huyện An Phú, An Giang có vị trí khá thuận lợi nhờ nằm liền kề hai con sông Bình Di và sông Hậu. Ông Nhị và địa phương chẳng cần phải dụng công gì nhiều, vì cái đầm rộng 200ha này được thiên nhiên tạo thành từ ngàn đời.

Những năm 1980 trở về trước, mùa lũ Búng Bình Thiên với độ sâu trung bình 5-7m như cái rốn trữ cá tự nhiên của miệt này. Những người già địa phương từng ví von tin rằng chỉ khi nào sông Hậu cạn nước, Búng Bình Thiên mới hết cá.

Tuy nhiên, điều đó đã không còn đúng nữa và có thể thấy ngay trong đời họ. Qua thập niên 1990 – 2000, nguồn cá đồng miền Tây sụt giảm nghiêm trọng. Búng Bình Thiên cũng không thể là ngoại lệ.

Ông Nhị và địa phương buộc phải trăn trở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, trong đó đặc biệt là nguồn cá đồng cho cái đầm từng được mệnh danh không bao giờ hết cá này.

Cùng với dân địa phương, họ đã thực hiện những cam kết như là “hương ước” bảo tồn cá. Vừa thả thêm cá giống, họ vừa cam kết đánh bắt đúng quy định…

Ban đầu, những nỗ lực này cũng đem lại chút sức sống mới dưới mặt nước Búng Bình Thiên. Tuy nhiên, điều tốt đẹp đó không thể tăng dần như sự mong đợi của một số người.

Các nhà khoa học cho rằng tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm, sự lén lút lạm sát cá bằng các phương tiện không đúng quy định, mà đặc biệt là diện tích mặt lũ bị thu hẹp… đã làm cho đầm này không thể trở thành “mái nhà lý tưởng” của cá.

Trong khi Búng Bình Thiên loay hoay bảo tồn không được như ý, các vùng lõi trữ cá khác như mong muốn của ông Nhị cũng không thể thực hiện được, ngoại trừ một vài vườn quốc gia hiện có.

Nói về thực trạng này, chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện ở Cần Thơ cho biết thời kỳ đầu ông cũng rất hào hứng với những dự án vùng bảo tồn cá như Búng Bình Thiên. Tuy nhiên, sau đó ông đã thấy những bất cập của nó và biết chắc rằng nỗ lực của con người sẽ khó thành công.

“Nói về cá đồng miền Tây Nam Bộ thì không thể tách lũ được. Lũ chính là điều kiện để cá từ sông rạch lên đồng, và đó cũng chính là nơi cá sinh sản, phát triển bầy đàn. Nói rõ ra là không có lũ thì không có cá đồng. Nhưng bây giờ còn mấy cánh đồng có lũ?”.

Theo ông Thiện, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cá đồng miền Tây cạn kiệt. Trong đó, ngoài lý do đánh bắt quá mức của con người, chính chương trình đê bao chống lũ ở miền Tây hồi thập niên 1990 đến đầu 2000 là nguyên nhân lớn nhất làm mất nguồn cá đồng.

Cá sống ở đâu khi hầu hết đồng ruộng được bao bọc quanh năm khô rang để làm lúa?

Một số cánh đồng hiếm hoi thi thoảng được lũ vào thì lại qua những cái cống, đập nhỏ hạn chế nghiêm trọng luồng di cư, sinh sản của cá. Chưa kể những cái “cửa tò vò” đó còn bị con người bít kín bằng đủ loại lưới mắt nhỏ…

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ cuối: Làm gì để bảo tồn nguồn cá đồng? - Ảnh 3.

Các ngư dân sống bằng nghề câu cá ở thượng nguồn sông Tiền – Ảnh: Q.V.

Cấm đánh bắt mùa sinh sản và tăng phạt

Sau vấn đề mở rộng diện tích đồng lũ, một giải pháp căn cơ nữa cũng rất cần được thực hiện ngay là thực hiện chặt chẽ lệnh cấm đánh bắt thời điểm cá sinh sản đầu mùa mưa. Rất nhiều nước đã luật hóa điều này.

Với người dân láng giềng Campuchia, việc không đánh bắt cá đầu mùa sinh sản không chỉ do luật mà còn là văn hóa của họ. Vậy tại sao Việt Nam không làm được, mà người ta còn tăng cường vơ vét cả “đặc sản cá con” vào ngay lúc cá mới sinh sản?

Các chuyên gia thủy sản tin rằng chỉ cần lệnh cấm đánh bắt được thực hiện tốt trong hai tháng đầu mùa mưa, chắc chắn tình hình sinh sôi, phát triển nguồn cá châu thổ miền Tây sẽ hồi sinh.

Cuối cùng, các hình thức, phương tiện lạm sát cá hiện nay như dùng lưới mắt nhỏ, điện… phải bị nghiêm cấm tuyệt đối.

Theo ông Thiện, chính quyền địa phương được rải chặt chẽ đến tận xóm ấp. Người dân làm cái gì họ cũng biết, nhưng tại sao lại không biết người ta đang ngày đêm tận diệt cá bằng điện, bằng lưới mắt nhỏ vơ vét cả cá lớn lẫn cá con.

Việc đầu tiên cần làm là ở ngay chính đầu vào, tức các làng nghề sản xuất ngư cụ. Một cam kết có tính pháp lý không được sản xuất lưới bắt cá mắt nhỏ là hoàn toàn khả thi.

Chính quyền địa phương cũng cần lên danh sách những người dân làm nghề cá ở khu vực mình quản lý, để cùng ký cam kết không đánh bắt cá bằng những phương tiện trái quy định. Đặc biệt, luật pháp nên nhanh chóng sửa đổi theo hướng tăng nặng mức phạt, để đủ sức răn đe vi phạm.

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ cuối: Làm gì để bảo tồn nguồn cá đồng? - Ảnh 4.

Cánh đồng cuối mùa lũ ở Đồng Tháp – Ảnh: Q.V.

Giải pháp lũ

Theo TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ, phải có nhiều giải pháp đồng bộ để bảo tồn, phát triển con cá đồng miền Tây. Nhưng trong đó quan trọng nhất là “giải pháp lũ”.

Ai cũng thấy từ khi có đê bao khép kín, cá đồng giảm hẳn. Vậy thì muốn phục hồi nguồn lợi thiên nhiên, phải quy hoạch mở rộng hẳn diện tích đồng ruộng được cho lũ vào.

Đặc biệt, đường nước từ sông rạch vào phải là những cống lộ thiên đủ rộng lớn để cá theo nước lên đồng, và nghiêm cấm tuyệt đối các loại lưới chặn ngang những cửa cống này. Ai vi phạm phải bị phạt thật nặng…

QUỐC VIỆT

2 bình luận về “Những mùa cá đồng miền lũ – 4 kỳ

  1. Tội nghiệp cho miền Tây.

    Hy vọng khoảng 30 năm nữa miền Tây sẽ sống lại “những mùa cá đồng miền lũ”, những con người hiền lành và những nét văn hóa đầy tình người.

    Thích

    1. Việt Nam cần biết bảo tồn tài nguyên của mình. Nước nào cũng có luật về săn bắt thủy và hải sản. Mùa nào sắn bắt được, mùa nào không. Cá gì lớn cở nào thì bắt được, cá gì nhỏ hơn thì không được bắt (bắt được thì phải thả lại). Dụng cụ gì bắt thì được, dụng cụ nào bị cấm. Các quý vị quan chức miền tây lãnh lương tiền thuế của dân mà không biết ngồi lại xây dựng bộ quy tắc đó trong một vài ngày là xong (và tiếp tục cải tiến theo thời gian) sao?

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s