LĐO |

“Tham nhũng vặt bây giờ cũng như thực phẩm bẩn, đang ngấm ngầm làm hại cả đất nước, khiến chúng ta không thể tiến lên được” – PGS-TS Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng – đã đưa ra sự so sánh như vậy.
Thực phẩm bẩn ngấm vào cơ thể của từng người, để rồi xâm hại sức khỏe của cả cộng đồng, nhiều người bệnh tật, dẫn đến suy yếu thể chất giống nòi. Một dân tộc mà nguồn nhân lực là con người bị bệnh tật, suy nhược về thể chất thì không thể tiến mà chỉ có lùi. Tham nhũng vặt như một lũ sâu mọt rúc rỉa cơ thể đất nước, cho đến lúc toàn thân bị phá hoại. Một cơ thể trọng bệnh thì không thể phát triển khỏe khoắn.
Tham nhũng vặt phải có hối lộ vặt. Dân mình đưa hối lộ nhiều quá đến nỗi quen tay, thành cố tật. Cho nên, đi lễ chùa hay tham quan đình miếu, phải hối lộ thánh thần mới yên tâm. Lễ vật và tiền nhét đầy các tượng Phật hay ném đầy các nơi linh thiêng là vì thói quen hối lộ đã đóng đinh trong suy nghĩ của nhiều người.
Tham nhũng ăn sâu vào nhận thức của người có chức quyền, ngày này qua tháng khác hình thành một tập quán trong hệ thống nhà nước. Đã làm quan thì phải nhận bổng lộc, đã đặt bút ký thì phải có tiền, đã ra một quyết định cho một dự án hoạt động là phải có phần trăm.
Điều nguy hiểm chính là ở chỗ, tập quán thì không được xem là xấu mà tồn tại đương nhiên trong mối quan hệ nhà nước công dân. Vì là tập quán cho nên không thể thiếu hành vi đưa và nhận, vì là tập quán cho nên người ta không còn thấy xấu hổ khi nhận hay đưa.
Tập quán tham nhũng là một căn bệnh sinh ra từ môi trường có quá nhiều điều kiện cho tham nhũng to cũng như tham nhũng vặt. Cái khó hiện nay không phải là nghĩ ra chính sách phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và toàn dân thực thi pháp luật, mà chính là việc bài trừ tập quán tham nhũng trong đội ngũ công chức, quan chức. Đã là tập quán thì khó lòng thay đổi trong ngày một ngày hai, không thể có thuốc chữa như một căn bệnh cấp thời.
Muốn thay đổi tập quán thì phải thay đổi cách nghĩ, thay đổi thói quen, con người phải được giáo dục để thay đổi nhận thức dẫn đến hành động ngược lại với tập quán đã được tạo ra.
Nhưng biện pháp cao nhất là lành mạnh hóa môi trường hành chính, rà soát bãi bỏ hàng ngàn giấy phép con từ cấp trung ương đến địa phương, đó chính là bộ khung để bảo kê tham nhũng và làm đậm sâu tập quán tham nhũng.
Tuy nhiên, loại bỏ các loại giấy phép con là động đến quyền và lợi của các nhóm lợi ích. Hoàn toàn không đơn giản.