Phía trong nông thôn mới

Bảo Uyên Thứ Bảy,  9/9/2017, 10:42 (GMT+7)


Giảm nghèo là một trong 11 tiêu chí đánh giá chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Bảo Uyên

(TBKTSG) – Khi tôi bước vào nhà, Rmah Duă bật ti vi. Anh không mở ti vi bằng remote hay nút bấm dưới màn hình mà là chiếc công tắc điện được đấu ra bên ngoài. Chiếc ti vi cũ hiệu Trung Quốc nằm trong căn nhà kê hai cái giường nhỏ đã choán hết chỗ trên nền lồi lõm đất đỏ. Vài năm trước Duă đã mua lại cái ti vi này giá 1,2 triệu đồng khi mới cưới vợ. Sau một hồi trò chuyện tôi mới hiểu ra vì sao Duă mở ti vi khi khách đến. Chiếc ti vi là tài sản quý giá nhất của gia đình. Bật ti vi cũng là cách anh thanh niên người Gia Rai ở tỉnh Gia Lai này “đãi” khách.

Gia đình ba người gồm vợ chồng Duă và đứa con gái 3 tuổi năm nay được chính quyền xã xếp vào hộ cận nghèo. Duă kể cán bộ nói nhà Duă có ti vi và chỉ có một đứa con nên xã “không cho nghèo”.

“Nhưng vợ chồng mình không có đất trồng bắp cũng không có con bò để nuôi”, Duă thắc mắc lý do vì sao xã chỉ xếp gia đình anh vào hộ cận nghèo.

Không có đất canh tác, Duă đi làm rẫy thuê. Tiền công một ngày 120.000-200.000 đồng. Nhưng không phải ngày nào cũng có người thuê. Tuần nào nhiều việc Duă sẽ được đi làm ba ngày. Tuần nào không có việc, vợ Duă sẽ tới tiệm tạp hóa, mua chịu gạo mắm tính lãi.

Cách nhà Duă không xa là nhà Rmah Ché. Phải mất vài phút Rmah Ché mới nhớ ra ngôi nhà 60 mét vuông tuềnh toàng của mình đang có bao nhiêu người – “trên 20 đứa con, cháu”. Những cô con gái lấy chồng xa vì không đủ ăn đã phải đem con về gửi ông bà ngoại. Hôm tôi đến, cô con gái đang nấu cơm trưa bằng những vốc gạo cuối cùng. Khoai mì năm nay mất giá. Số khoai mì thu hoạch được không đủ trả nợ cho đại lý phân bón ông vay từ nhiều mùa trước. Năm nay cây tiêu ở Gia Lai lại đang trải qua đợt dịch bệnh. Người trồng khốn đốn nên nhiều chủ vườn tiêu trong xã không còn thuê ông và các con làm. Vậy mà gia đình ông lại vừa được xã đưa ra khỏi diện nghèo.

Sổ hộ nghèo năm 2016 vẫn được Rmah Ché cất giữ cẩn thận trong ngăn tủ, dẫu đã hết hạn. Rmah Ché không biết vì sao nhà mình “được” hết nghèo, trong khi nhà lại đông con cháu hơn, cái ăn ngày càng khó. “Hồi còn nghèo nhà mình cũng không được xã cho bò nên giờ hết nghèo cũng không tiếc, nhưng nhà mình hết gạo ăn thì tại sao lại cho hết nghèo?”, ông thắc mắc.

Trưởng thôn đi cùng tôi xen vào câu chuyện bằng lời khẳng định: “Rmah Ché nói đúng đấy. Thôn có nhiều hộ nghèo mà bò xã đưa về ít nên ưu tiên những nhà nghèo hơn. Rmah Ché chưa kịp nhận bò thì đã hết nghèo”.

Tôi hỏi tại sao hộ Rmah Ché thoát nghèo, hộ Rmah Duă chỉ cận nghèo dù vẫn thiếu cái ăn? Trưởng thôn giải thích ngắn gọn: “Nông thôn mới đấy!”.

Chính quyền xã nơi đây đang tích cực xây dựng nông thôn mới. Trưởng thôn cho biết, thôn còn cần thêm 16 hộ thoát nghèo để xã kịp hoàn thành mục tiêu vào cuối năm. Tôi mang thắc mắc của Rmah Ché và Rmah Duă hỏi một cán bộ xã. Ông than, khổ lắm, xã chỉ làm theo chỉ tiêu ở trên đưa xuống, tức cấp huyện, tỉnh.

Năm 2010, Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Giảm nghèo là một trong 11 tiêu chí đánh giá chuẩn nông thôn mới. Trong đó, chỉ tiêu chung về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là từ 6% trở xuống. Nỗi khổ của vị cán bộ này là tìm cách để xã sớm giảm số hộ nghèo theo đúng chỉ tiêu, trong khi thực tế là địa phương còn quá nhiều gia đình không có thu nhập ổn định và điều kiện sản xuất để có thể xếp vào diện thoát nghèo. Nhưng lộ trình nông thôn mới đã được xây dựng, cuối năm nay, xã sẽ đón danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới.

Không chỉ cán bộ xã nơi đây mới có nỗi lo này. Nhiều địa phương ở đồng bằng cũng đang loay hoay với chỉ tiêu giảm nghèo xây dựng nông thôn mới. Để đạt chỉ tiêu, chính quyền một số xã ở Huế, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng đã làm nhiều cách mà dư luận trước đây từng lên tiếng, từ chuyện vận động người dân ra khỏi hộ nghèo đến nâng tiêu chí đánh giá hộ nghèo nhằm “giảm nghèo thần tốc”.

Khi cả một hệ thống chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã, thôn cùng quyết tâm thực hiện, lẽ dĩ nhiên sẽ có thay đổi. Báo cáo về kết quả giám sát xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-1015) được công bố trong cuộc họp Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống còn 8,2% năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015.

Cuối năm 2016, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết tháng 7-2017, cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã khởi sắc trở lại khắp các vùng miền của cả nước, như nhận xét của những người giám sát chương trình trong cuộc họp sơ kết nhiệm vụ sáu tháng đầu năm 2017 các chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra đầu tháng 8-2017.

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng đồng nghĩa với số hộ nghèo sẽ giảm. Nhưng các con số trên liệu có phản ánh đúng thực chất khi mà câu chuyện “dù đói vẫn phải… thoát nghèo” còn tồn tại ở không ít địa phương? Liệu có bao nhiêu hộ trong những con số thống kê trên có hoàn cảnh như nhà Ché, nhà Duă? Có bao nhiêu hộ thật sự thoát nghèo mà không phải ngơ ngác vì chẳng hiểu lý do?

Nhà Rmah Ché khi còn là hộ nghèo đã ước mơ có bò để thoát nghèo. Nhưng con bò đã xuất hiện chậm chạp hơn nhiều so với tốc độ đầu tư của các địa phương dành cho nông thôn mới. Để đáp ứng tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, cán đích nhanh nông thôn mới, các địa phương đã không ngần ngại đi vay mượn xây mới các công trình thủy lợi, giao thông, nhà văn hóa, chợ, trường học… Nhiều địa phương đi vay mượn, để xây nên những thứ tạo cảm giác khang trang và “mới”, ngay cả khi chưa bố trí được vốn và xác định rõ khả năng chi trả. Trong khi con bò, phương kế sinh nhai giúp cải thiện cuộc sống lại không thể đến với nhiều hộ nghèo.

Duă nói một con bò có giá 14-15 triệu đồng. Đó là khoản tiền mà những hộ không rẫy không vườn, không việc làm ổn định như Duă không biết bao giờ mới có được. Đó là ước mơ và cả sự tị hiềm khi thấy người cùng thôn được nhận bò. Duă tính nếu mình được tặng một con bò giống giống như hàng xóm, con bò nhà anh sẽ sinh ra hai hoặc ba con bê, anh sẽ bán một con để trả món nợ đang sinh lãi mỗi ngày, con còn lại anh giữ nuôi. “Đàn bò nhà mình cứ thế to dần”, Duă hình dung.

Nhưng hy vọng thoát nghèo của Duă, cũng như của ông Ché và của nhiều hộ nghèo khác đã không đến, dẫu đó là thứ họ thật sự cần, chứ không phải những khu chợ mà họ chẳng mấy khi có tiền để bước vào, hay những nhà văn hóa mà họ không có nhiều thời gian để đến vì gánh nặng cơm áo.

Phía trong một vùng nông thôn mới, đó là những công trình bê tông bề thế, là những khoản nợ chất chồng và sâu trong đó là những cuộc đời khốn khó lại càng… khốn khó hơn.

 

2 bình luận về “Phía trong nông thôn mới

  1. Hay quá, cách quản lý này thật là tiện và siêu. Muốn nông thôn thoát nghèo ta chỉ cần ký chứng nhận người nghèo đã thoát nghèo, thế là làng xã thoát nghèo.

    Các bạn học Master in Public Administration nên thuộc nằm lòng cách quản lý công này.

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s